14 sự thật thú vị quyết định ý chí của bạn

Nhà tâm lý học xã hội Roy Baumeister đã phát hiện ra rằng sức mạnh ý chí cũng giống như cơ bắp vậy - nó có thể mạnh lên hoặc yếu đi tùy thuộc vào cách nó được sử dụng.

Tổng thống Obama chỉ mặc vest có màu xanh hoặc màu xám. Và theo lời của vị tổng thống này khi ông chia sẻ với tạp chí Vanity Fair thì đó là cách để ông tiết kiệm sức mạnh ý chí. Tổng thống Obama nói: "Tôi đang cố gắng để không phải đưa ra nhiều quyết định. Tôi không muốn phải mất thời gian cho những lựa chọn như nên ăn gì hay mặc gì. Bởi còn có quá nhiều việc ngoài kia cần tới sự quyết định của tôi".

Việc dành sự tập trung cho những công việc quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của Obama đã được chứng minh trong thực tế. Nhà tâm lý học xã hội Roy Baumeister đã phát hiện ra rằng sức mạnh ý chí cũng giống như cơ bắp vậy - nó có thể mạnh lên hoặc yếu đi tùy thuộc vào cách nó được sử dụng như thế nào.

Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, bởi theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2011 với 1 triệu người trên toàn thế giới thì hầu hết mọi người đều nghĩ rằng khả năng tự chủ là điểm yếu hay khiếm khuyết lớn nhất trong tính cách của họ.

Cuốn sách "Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người" - của Giáo sư Tâm lý học Roy Baumeister và nhà báo John Tierney

Trong cuốn sách "Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người" (Willpower: The Greatest Human Strength) của Baumeister và theo một câu chuyện trên trang bìa của tờ New York Times, sức mạnh ý chí và việc ra quyết định liên quan mật thiết với nhau. Nhưng bạn lại không hề biết rằng ngay cả ngôi nhà nơi bạn đã lớn lên, số lần bạn đưa ra quyết định trong một ngày, hay những gì bạn bè đang làm đều có thể ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của bạn. Và dưới đây là những lý giải cho điều đó.

Hãy ra quyết định quan trọng nhất vào buổi sáng, trước khi bạn lâm vào trạng thái "suy yếu cái tôi" (Ego depletion)

Trên tờ New York Times: "Freud cho rằng cái tôi, hay bản ngã, phụ thuộc vào các hoạt động tinh thần được thực hiện dựa trên quá trình chuyển giao năng lượng". Các thí nghiệm của Freud đã chứng minh rằng nguồn năng lượng tinh thần dự trữ giúp con người duy trì được khả năng tự chủ chỉ tồn tại trong thời gian hữu hạn". Nghĩa là càng về cuối ngày thì năng lượng tinh thần dự trữ của bạn sẽ càng cạn kiệt đi.

Não của bạn cần gluco để có thể đưa ra quyết định sáng suốt

Trên tờ Times, Baumeister đã chia sẻ rằng "ngay cả những người thông thái nhất cũng không thể đưa ra quyết định sáng suốt khi họ mệt mỏi và hàm lượng glu-cô trong cơ thể họ bị giảm xuống mức thấp. Điều này giải thích tại sao những người thực sự thông minh thường tránh đưa ra những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn đến công ty họ vào lúc 4 giờ chiều. Tương tự, họ cũng không ký hay cam kết điều gì quan trọng trong khi uống cocktail chờ bữa tối. Nhưng nếu bị bắt buộc phải đưa ra quyết định vào những thời điểm muộn trong ngày, chắc chắn họ sẽ không bao giờ để dạ dày của mình trống rỗng mà phải ăn trước cái gì đó."

Và điều này thì đã được các cửa hàng bán lẻ đồ tạp hóa phát hiện ra từ nhiều thập niên trước.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, "khi người mua đã cảm thấy mệt mỏi với những quyết định mua sắm phải đưa ra lúc đi dọc các kệ hàng thì sức mạnh ý chí của họ sẽ giảm đi, và khi đó, họ sẽ càng có xu hướng đầu hàng trước mọi cám dỗ. Tuy nhiên, người mua sẽ đặc biệt bị thu hút bởi các loại bánh kẹo và nước giải khát hay bất cứ sản phẩm nào khác có chứa đường".

Chúng ta sẽ kiệt sức nếu phải đưa ra quá nhiều quyết định

Điều này sẽ giải thích tại sao việc mua sắm lại trở nên mệt mỏi đến vậy.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những người mua sắm "trước đó đã đưa ra nhiều quyết định nhất trong các cửa hàng là những người bỏ cuộc nhanh nhất" trong một bài kiểm tra toán.

Khi tinh thần kiệt quệ, bạn sẽ có xu hướng đưa ra quyết định kém

Theo như tờ Times: "Thỏa hiệp là một khả năng phức tạp của con người và do đó là một trong những khả năng đầu tiên bị suy giảm khi sức mạnh ý chí dần cạn kiệt".

Vào cuối ngày, khi cơ thể đã mệt mỏi cả về thể lực lẫn tinh thần, chúng ta có xu hướng nghỉ tập gym sau giờ làm hoặc uống rượu nhiều hơn trong thời gian xả hơi.

Xây dựng những thói quen có lợi sẽ giúp bạn loại bỏ căng thẳng và tiết kiệm năng lượng cho các quyết định quan trọng

Theo tờ Times: "Baumeister và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng những người thành công không sử dụng sức mạnh ý chí của họ như một biện pháp cứu cánh để tránh gặp phải rắc rối ".

"Thay vào đó, họ giữ gìn sức mạnh ý chí bằng cách rèn luyện những thói quen có lợi khi học tập và làm việc để có thể giảm căng thẳng trong cuộc sống. Họ sử dụng khả năng tự chủ của mình để tránh rơi vào vào khủng hoảng chứ không phải để cố vượt qua chúng. Điều này có thể được minh họa bằng việc họ luôn cho bản thân đủ thời gian để hoàn thành dự án hay đem xe ra tiệm sửa trước khi nó bị hỏng."

Nếu bạn muốn nâng cao sức mạnh ý chí, hãy cố ngủ đủ giấc

Các nghiên cứu cho rằng thiếu ngủ - tức là ngủ ít hơn 6 tiếng một đêm - có tác hại giống như say rượu. Theo nhà tâm lý học sức khỏe của trường Đại học Stanford, Kelly McGonigal, thiếu ngủ làm rối loạn phần não trước trán - vùng não có mối quan hệ chặt chẽ với việc ra quyết định.

Theo bà McGonigal, khi thiếu ngủ, "vỏ não trước trán sẽ bị ảnh hưởng cực kì nặng nề dẫn đến mất khả năng kiểm soát đối với vùng não tạo ra những khao khát và các phản ứng chống lại stress. Do không được kiểm soát, não bộ sẽ sinh ra những phản ứng quá mức với các căng thẳng và cám dỗ thông thường hàng ngày."

Vô thức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt

Việc tổng thống Obama ra quyết định bằng cách "trì hoãn việc ra quyết định ngay lập tức" để có thời gian suy xét kỹ lưỡng là lời khuyên mà các nhà tâm lý học đề xuất khi bạn phải đứng trước quá nhiều quyết định phức tạp.

Theo tờ Havard Business Review "bởi lẽ khả năng tập trung có chủ đích của con người là có hạn, nên sẽ có lợi hơn nếu bạn vận dụng được cả năng lực vô thức của bản thân".

Thậm chí nếu bạn không có quyền lựa chọn để trì hoãn quyết định của mình trong thời gian dài, thì việc tham gia vào các hoạt động khác sẽ giúp tâm trí của bạn thoát khỏi tình trạng khó xử, và tạo điều kiện cho năng lực tiềm thức phát huy tác dụng.

Bạn bè và gia đình cũng phần nào ảnh hưởng đến các quyết định của bạn

Những phát hiện đột phá trong khoa học mạng – một ngành nghiên cứu về các nhóm xã hội - đã chỉ ra rằng nhiều người trong chúng ta có điểm chung là thường nghĩ về các vấn đề có tính cá nhân như việc tăng cân hay là bỏ thuốc lá.

Tương tự, James Fowler đến từ Đại học California của bang San Diego, và Nick Christakis của Trường Y Harvard cũng cho biết, các hành vi của chúng ta đều có khả năng lan truyền. Nếu người bạn thân nhất của bạn bỗng trở nên béo phì, thì khả năng bạn mắc phải chứng bệnh này cũng sẽ tăng thêm 57%. Còn nếu một đồng nghiệp thân thiết bỏ hút thuốc, khả năng bạn cũng sẽ bỏ thuốc sẽ tăng thêm 34%.

Đôi khi, sẽ khôn ngoan hơn nếu để người khác thực hiện ý tưởng của bạn

Khoa học mạng cũng đã thực hiện những nghiên cứu sâu về vấn đề năng suất.

Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu sự thành công của các kỹ sư trong một công ty hàng không vũ trụ, họ đã dựa trên những đánh giá về các bằng sáng chế và sản phẩm mà những người này đã tung ra thị trường. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người thân thiết với mỗi cá nhân kỹ sư kể trên đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của họ.

Mối quan hệ của một cá nhân là yếu tố có khả năng dự báo lớn nhất về thành công của người đó, chỉ đứng sau kinh nghiệm. Trong một công ty, những người có mối quan hệ rộng rãi ở mọi cấp bậc và với các phòng ban sẽ là những người có nhiều khả năng thành công nhất.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi có mối quan hệ tốt với mọi người, bạn sẽ có thể kết hợp ý tưởng cũng như tiếp nhận phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau, và nhận được sự đồng tình cho các dự án của mình – đây là cũng chính là một trong những yếu tố giúp cho những người rộng lượng trở nên thành công.

Đôi khi, việc chịu khuất phục và nói "có" với "những lựa chọn sai lầm" lại có ích

Theo tờ Times, đôi khi việc chịu khuất phục trước những ham muốn cá nhân có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn bởi điều đó giúp bạn tránh khỏi tình trạng luôn cảm thấy kiệt sức. Không những vậy, nó còn giúp bạn giữ được phong độ trong thời gian dài. Đây chính là lý do tại sao người ta lại ăn mừng lễ Mardi Gras trước khi Mùa Chay đến.

Việc đưa ra quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu có sự tham gia của người thứ hai

Có quyết định nào mà bạn không cần phải đưa ra ngay bây giờ, hoặc bạn có thể nhờ ai đó làm giúp hay không?

Theo tờ Times, "Thay vì quyết định mỗi buổi sáng có nên ép bản thân tập thể dục hay không, [những người thông minh] sẽ lên lịch hẹn thường xuyên để tập luyện cùng với một người bạn".

Biết cách tránh những "phút yếu lòng", bạn có thể đưa ra các quyết định sáng suốt

Baumeister nói: "Khả năng đưa ra quyết định đúng đắn không phải là một đặc điểm của con người hay luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Ngược lại khả năng này là một trạng thái luôn biến động". Tờ The Times viết:

Nghiên cứu của Baumeister cho thấy rằng người có khả năng tự chủ tốt nhất là những người biết sắp xếp các vấn đề trong cuộc sống nhằm đảm bảo sức mạnh ý chí của họ luôn được giữ ở mức độ cao. Họ không lên lịch hàng loạt cho các cuộc họp liền nhau. Họ tránh không để bị cám dỗ bởi những bữa buffet ăn tẹt ga, và họ hình thành các thói quen nhằm loại bỏ những sự mệt mỏi khi đưa quyết định. ... Thay vì lầm tưởng rằng sức mạnh ý chí có thể duy trì suốt cả ngày, những người biết tự chủ luôn có ý thức giữ gìn nó để đề phòng cho các trường hợp khẩn cấp và khi phải đưa ra quyết định quan trọng.

Baumeister nói: "Những người giỏi nhất trong việc đưa ra quyết định có khả năng nhận biết được khi nào thì không nên tin vào chính bản thân mình."

Các nghiên cứu chỉ ra việc rèn luyện sức mạnh ý chí sẽ giúp bạn có nhiều khả năng thành công hơn

Trong một thí nghiệm nổi tiếng với kẹo dẻo do trường Đại học Stanford thực hiện năm 1972, các em học sinh được yêu cầu ngồi vào bàn và trước mặt mỗi em là một chiếc kẹo dẻo, nhưng lại không được phép ăn kẹo. Nếu vượt qua được khoảng thời gian 15 phút đầy "giằng xé" này, các em sẽ nhận được một phần thưởng rất ngọt ngào là một chiếc kẹo dẻo thứ hai.

Theo báo cáo của thí nghiệm, những em học sinh có thể kiên nhẫn đợi để nhận được chiếc kẹo thứ hai có điểm SAT cao hơn và có mức độ lạm dụng chất thấp hơn so với những bạn không đủ kiên nhẫn như mình.

Nhưng trò chơi thử thách sự kiên nhẫn này chưa chắc đã nói lên tất cả ...

Tuy nhiên, đôi khi sự yếu đuối của sức mạnh ý chí có thể là phẩm chất cần thiết cho việc ra quyết định

Nếu bạn nhận thấy cơ hội hành động sắp biến mất, thì đừng chần chừ mà hãy "ra tay" luôn.

Năm 2012, nhà nghiên cứu Celeste Kidd tại Đại học Rochester đã công bố một nghiên cứu phản biện lại thí nghiệm kẹo dẻo nói trên. Khi còn nhỏ, Kidd đã dành thời gian làm việc tại những khu người vô gia cư - cô nhớ lại việc mình từng thắc mắc nếu lớn lên trong hoàn cảnh bấp bênh như vậy thì khả năng đưa ra quyết định sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Cô tin rằng những đứa trẻ sống ở đó sẽ ăn chiếc kẹo dẻo ngay lập tức.

Nhưng những đứa trẻ hành động như vậy không phải là vì chúng không có đủ sức mạnh ý chí, mà do chúng lớn lên trong hoàn cảnh mà ở đó người lớn thường không giữ lời hứa.

Kidd nói: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chắc chắn sẽ làm giảm sức thuyết phục của quan niệm phổ biến rằng những thí nghiệm tương tự với thí nghiệm kẹo dẻo như trên sẽ là thước đo phù hợp nhất cho khả năng tự kiểm soát. Việc trì hoãn sự thỏa mãn chỉ đơn giản là một lựa chọn dựa trên lý trí nếu đứa trẻ tin rằng chiếc kẹo dẻo thứ hai sẽ được mang ra sau khi phải chờ đợi trong một khoảng thời gian ngắn hợp lý".

Trong nghiên cứu của Kidd, trẻ em đã bị tác động để chúng tin rằng những người thực hiện nghiên cứu hoặc đáng tin hoặc không đáng tin. Trong một phần của nghiên cứu, lũ trẻ được đưa cho một mảnh giấy và bút sáp màu, và được đề nghị hoặc sử dụng những vật dụng này luôn hay là ngồi chờ để nhận được những thứ tốt hơn. Ở đây, điểm nút của thí nghiệm là: với một nhóm học sinh, người thực hiện thí nghiệm đã đem cho chúng bút màu dạ và bút sáp màu; nhưng với nhóm còn lại, người thực hiện thí nghiệm đã trở lại và xin lỗi, nói rằng không có dụng cụ vẽ nào tốt hơn.

Sau đó, đến bài kiểm tra kẹo dẻo. Chín trong số 14 đứa trẻ của nhóm "cho rằng người thực hiện thí nghiệm là đáng tin cậy" đã đợi được 15 phút để nhận chiếc kẹo dẻo thứ hai, nhưng chỉ có một trong 14 em thuộc nhóm còn lại có thể đợi đến khi chiếc kẹo dẻo thứ hai xuất hiện.

Vậy kết luận về bài học rút ra được từ thí nghiệm này là: lòng tin cũng có thể là một thành tố tạo nên sức mạnh ý chí.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top