Tâm lý học là một lĩnh vực nghiên cứu về quy luật chung nhất của sự vận động thế giới đời sống con người dưới sự tác động qua lại tích cực của cá nhân với thực tại khách quan.
Chi tiết về các lĩnh vực cụ thể trong Tâm lý học có thể tìm Các chủ đề về tâm lý học và Các môn tâm lý.
Tâm lý học đại cương - tổng quát
Nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới tinh thần con người trong sự vận động tương tác với thực tại khách quan (Tâm lý đại cương) và những quy luật riêng biệt trong đời sống (Tâm lý học chuyên ngành: Tâm Lý học bất thường, Tâm lý học động học, Tâm lý học nhận thức, Tâm lý học so sánh, Tâm lý học phát triển, Tâm lý học cá nhân, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nghệ thuật, Tâm lý học quân sự, Tâm lý học tội phạm,Tâm lý học sáng tạo,Tâm lý học lao động, Tâm lý học trị liệu,Tâm lý học tư vấn, Tâm lý học kinh tế, Cận tâm lý,...) và ứng dụng trong thực tiễn đời sống con người.
Tâm lý học chuyên ngành - chuyên sâu
Tâm lý học ứng dụng là nghiên cứu tâm lý học nhằm khắc phục đặc biệt các vấn đề về thực hành và ứng dụng của việc nghiên cứu này là đem ra áp dụng.
Nhiều nghiên cứu tâm lý học được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau: Quản lý kinh doanh, Thiết kế sản phẩm, Lao động học, Dinh dưỡng, và Y học lâm sàng.
Tâm lý học ứng dụng bao gồm các lĩnh vực: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học công nghiệp và tổ chức, Các nhân tố con người, Tâm lý học pháp lý, Tâm lý học sức khỏe, Tâm lý học trường học và các lĩnh vực khác.
Các học thuyết tâm lý học nổi tiếng
1. Thuyết hành vi
Tiếp cận hành vi là một trong những cố gắng rất lớn của tâm lý học thế giới đầu thế kỉ XX, nhằm khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu tâm lý người thời đó. Kết quả là đã hình thành trường phái có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý học Mĩ và thế giới trong suốt thế kỷ XX tâm lý học hành vi, mà đại biểu là các nhà tâm lý học kiệt xuất: E.L.Thorndike (1874-1949), J.B.J.Watson (1878:1958), E.C.Tolman (1886-1959), K.L.Hull (1884-1952), B.F.Skinner (1904-1990) và A. Bandura v.v...
Tâm lý học hành vi ra đời là một cuộc cách mạng, làm thay đổi cơ bản hệ thống quan niệm về tâm lý học đương thời. Theo đó, đối tượng của tâm lý học là hành vi chứ không phải ý thức.
Phương pháp nghiên cứu là quan sát và thực nghiệm khách quan chứ không phải là nội quan. Trước và trong thời kỳ xuất hiện Thuyết hành vi, tâm lý học được hiểu là khoa học về ý thức và phương pháp nghiên cứu là nội quan (tự quan sát và giải thích). Ngay từ khi ra đời ở Đức năm 1879, với tư cách là khoa học độc lập, tâm lý học đã được mệnh danh là Tâm lý học nội quan. W.Wundt - người sáng lập ra Tâm lý học này, đã xác định đối tượng của tâm lý học là "tổ hợp các trạng thái mà ta nghiệm thấy - các trạng thái được trực tiếp thể nghiệm trong vòng ý thức khép kín". Sự phát triển tiếp theo của Tâm lý học nội quan đã hình thành nên Tâm lý học cấu trúc ở Mĩ. Mặt khác, do nhu cầu khắc phục sự bế tắc của Tâm lý học nội quan, cũng ở Mĩ những năm này đã xuất hiện Tâm lý học chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai dòng phái đều không tạo lập được khoa học khách quan về ý thức. Lý luận của chúng gắn liền với phương pháp chủ quan, điều này gây sự thất vọng ở khắp mọi nơi.
Kết quả là, những vấn đề cơ bản của tâm lý học trở nên mờ mịt đối với nhiều người: Đối tượng nghiên cứu (ý thức) và nguồn gốc của nó (ý thức bắt đầu từ đâu), phương pháp nghiên cứu (nội quan, nguyên tắc giải thích: nguyên nhân tâm lý như là sự chế uớc của một số hiện tượng ý thức đối với các hiện tượng khác).
Từ đó đã xuất hiện nhu cầu cấp thiết về đối tượng, phương pháp và nguyên tắc mới, đặc biệt ở Mĩ, nơi mà cách tiếp cận thực dụng trong nghiên cứu con người chiếm vai trò thống trị. Điều này đã được chứng minh bằng khuynh hướng chức năng, mà trọng tâm chú ý là vấn đề thích ứng của cá nhân với môi trường. Nhưng chủ nghĩa chức năng, vốn bắt nguồn từ các quan niệm thời cổ đại về ý thức như là một bản thế đặc biệt vươn tới mục đích, đã bị bất lực khi giải thích nguyên nhân điều khiển hành vi con người, sự tạo ra những hình thức hành vi mới.
Phương pháp chủ quan đã mất uy tín, phải nhường vị trí cho phương pháp khách quan. Ở đây, sinh lý học, đặc biệt là sinh lý học thần kinh đã đóng vai trò quan trọng, trong đó công đầu thuộc về nhà sinh lý học người Nga I.P.Pavlov, với khái niệm phản xạ có điều kiện.
Về phương diện kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện cho phép ta nhận biết khách quan các phản ứng của cơ thể đối với một kích thích. Các nhà hành vi học đã không bỏ qua thành tựu này. Phương pháp phản xạ trở thành cứu cánh của họ. Mặt khác, sự phát triển của tâm lý học động vật đã mang lại cho Tâm lý học hành vi đối tượng nghiên cứu mới: hành vi của động vật. Sự xuất hiện những nghiệm thể mới – động vật - không có khả năng nội quan, đã đóng vai trò quan trọng giúp nhà nghiên cứu chuyển từ quan sát sang thực nghiệm.
Hiệu quả tác động của nghiệm viên bây giờ không phải là tự "thông báo" của nghiệm thể về các trạng thái của mình (như trong Tâm lý học nội quan) mà là những phản ứng vận động - một điều hoàn toàn khách quan.
Trong biên bản thực nghiệm đã xuất hiện các thông tin kiểu mới về nguyên tắc. Hơn nữa, chính những nguyên tắc và phương pháp này đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của triết học thực chứng và chủ nghĩa cơ học, đang chi phối tinh thần nước Mĩ. Đó chính là hoàn cảnh tư tưởng - lý luận đã sinh ra Thuyết hành vi.
Nhân vật hàng đầu của Tâm lý học hành vi là J.Watson. Các luận điểm của ông là nền tảng lý luận của hệ thống tâm lý học này. Nói tới Tâm lý học hành vi, không thể không nói nhiều về các quan điểm đó. Tuy nhiên, một mình J.Watson không làm nên trường phái thống trị tâm lý học Mĩ và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tâm lý học thế giới suốt thế kỷ XX.
Trước J.Watson có nhiều bậc tiền bối, mà tư tưởng và kết quả thực nghiệm của họ là cơ sở trực tiếp, để trên đó Watson xây dựng các luận điểm then chốt của Tâm lý học hành vi. Sau Watson nhiều nhà tâm lý học lớn khác của Mĩ đã phát triển học thuyết này, đưa nó thành hệ thống tâm lý học đa dạng và bám rễ vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Vì vậy, có thể chia quá trình phát triển của Tâm lý học hành vi thành ba giai đoạn không hoàn toàn theo trật tự tuyến tính về thời gian: những cơ sở lý luận và thực nghiệm đầu tiên hình thành các luận điểm cơ bản (Thuyết hành vi cổ điển); sự phát triển tiếp theo của Tâm lý học hành vi, sau khi có các luận điểm của J.Watson (các thuyết hành vi mới và hậu hành vi).
2. Thuyết phân tâm
Ngày nay, thuật ngữ "Phân tâm học" cùng với tên tuổi của người sáng lập nó là Sigmund Freud đã trở lên quá quen thuộc đối với nhiều người. Trong khi những tên tuổi vĩ đại khác của khoa học tâm lý như W.James, J.Watson, J.Piaget, L.X.Vưgotxki v.v ít được biết ngoài phạm vi tâm lý học, thì S.Freud nổi tiếng đối với nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực: tâm lý học, giáo dục học, y học, văn học - nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức v.v... 40 năm sau ngày mất của ông, tạp chí "News week" đánh giá rằng tư tưởng của Freud đã đi sâu vào ý thức của chúng ta đến nỗi "khó mà tưởng tượng được thế kỷ XX lại thiếu ông" (30/11/1981). Ông thuộc về một trong số ít nhà tư tưởng đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về bản thân mình.
Chính S.Freud, sinh thời, đã có lần cho rằng, trong suốt lịch sử của loài người, đã trải qua 3 cú sốc lớn. Cú sốc đầu tiên do nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolas Copernicus (1473 - 1543) mang đến, người đã chứng minh rằng, Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ, mà chỉ là một trong rất nhiều hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện thứ hai vào thế kỷ XIX, học thuyết của Charles Darwin, người đã chỉ ra rằng, con người không phải là một loài độc đáo, khác hẳn với tất cả thế giới động vật, do vậy, họ không thể tham vọng chiếm một vị trí đặc biệt trong tự nhiên. Con người chỉ là một loài động vật cao cấp, xuất hiện trong quá trình tiến hoá từ những loài thấp hơn. Cú sốc thứ ba do chính S.Freud tạo ra, khi ông phát hiện, chúng ta không luôn ở trong trạng thái có thể kiểm soát được bản thân một cách tuyệt đối nhờ ý thức. Ngược lại, chúng ta là một thứ đồ chơi trong tay của những sức mạnh vô thức, không chịu sức áp đặt của ý thức. Như vậy, Copernicus đã dịch chuyển loài người từ trung tâm của thế giới ra ngoại vi, Darwin buộc con người phải công nhận họ hàng tiền thân với động vật, còn Freud chứng minh rằng, ý thức không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của mình. Lời khẳng định của S.Freud không phải không có lý. Kể từ khi thuyết phân tâm ra đời đến nay, ở phương Tây, không một lý thuyết khoa học nào có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của mọi người hơn lý thuyết này, ngoại trừ lý thuyết về sự tiến hoá của Ch.Darwin.
Phân tâm học của S.Freud có số phận đặc biệt. Ngay từ khi mới ra đời, nó và cha đẻ của nó đã được đón tiếp với các thái độ ngược nhau. Sự ghẻ lạnh của giới y học và của xã hội Đức - Áo đương thời. Các bác sĩ thần kinh - đồng nghiệp của Freud xa lánh và phản bác ông. Nhiều người doạ bỏ tù ông, lên án ông là kẻ phạm tội lớn nhất đối với nền văn hoá châu Âu.
Khi A.Hitler lên cầm quyền ở nước Đức và chiếm được nước Áo, đã ra lệnh giết người thân và đốt sách của ông. Trong khi đó, ở phía bên kia, ngay từ những năm 1905, tại Hoa kỳ, nhà tâm lý học lừng danh W.James đã khẳng định với S. Freud "Tương lai tâm lý học thuộc về công trình của ông", còn ở Pháp, E.Clapared (1873-1940) nhận định: "Phân tâm học của S.Freud là một trong những biến cố quan trọng nhất mà lịch sử các khoa học của trí tuệ loài người có được".
Theo dòng thời gian, đã hơn 100 năm qua, vẫn liên tục diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về toàn bộ hoặc một số luận điểm trong học thuyết của S.Freud. Điều kỳ lạ là cùng với các luồng thái độ đó, phân tâm học ngày càng phát triển và thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội. Thậm chí, vài thập niên gần đây, nhiều trào lưu tư tưởng cực đoan đã lợi dụng danh nghĩa của Phân tâm học, để kêu gọi "tự do tính dục", "Giải phóng tính dục", "Cách mạng tính dục"... Những trào lưu này, thực chất là lợi dụng và xuyên tạc S. Freud.
Trên bình diện tâm lý học, ở nước ta Phân tâm học được nghiên cứu ít hơn các học thuyết khác. Nguyên do là việc tìm hiểu thuyết này thường gặp khó khăn từ ba phía.
Trước hết, hướng tiếp cận của Phân tâm học không giống các học thuyết tâm lý truyền thống. Những khái niệm và phương pháp của các trường phái tâm lý học đương thời đều được sinh ra trong phòng thí nghiệm, trong thư viện và trong các bài giảng ở giảng đường đại học. Ngược lại, Phân tâm học hầu như không có quan hệ với các giảng đường đại học và với lý tưởng của khoa học đơn thuần. Nó được sinh ra trong lòng của tâm thần học truyền thống, có nhiệm vụ giúp đỡ những người mà xã hội cho là "bệnh nhân tâm lý". Chính vì thế sự thâm nhập của Phân tâm học vào làng tâm lý học không phải bằng cửa trước, mà bằng cửa bên. Chính xác hơn, không thể so sánh nó với các trường phái khác. Nó có lãnh địa riêng trong sự khám phá thế giới tâm hồn con người. Phân tâm học, ngay từ cội nguồn đã không cùng dòng chảy với các tư tưởng tâm lý học chính thống. Đối tượng của nó không phải là hành vi bình thường mà là hành vi bất thường, điều mà các trường phái tâm lý học khác ít quan tâm. Phương pháp chủ yếu của nó là quan sát lâm sàng, chứ không phải là những thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, Phân tâm học còn quan tâm nhiều đến vô thức - một đề tài mà hầu như bị loại bỏ bởi các trường phái tâm lý học đương thời.
Thứ hai: các nội dung nghiên cứu, các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong Phân tâm học thường bị "cấm kị", dễ gây "dị ứng" đối với sinh hoạt văn hoá đời thường của xã hội, đặc biệt là trong xã hội tôn giáo phương Tây và phong kiến phương Đông.
Thứ ba, các luận giải của S.Freud rất tinh tế, phần nhiều được rút ra từ kỹ thuật lâm sàng, hầu như không có sự lượng hoá, thống kê, những nội dung tâm lý được trình bày ở điểm giáp ranh giữa khoa học và suy diễn tư biện, nếu được chứng minh, chúng sẽ là phát hiện lớn lao về những điều sâu thẳm trong thế giới đời sống tâm lý con người, nhưng nếu thái quá chúng rất dễ trở thành tín điều phi khoa học. Vì vậy, để có cái nhìn khách quan về Phân tâm học, về sự kế thừa, sáng tạo và cống hiến của S.Freud, cũng như giá trị khoa học của các lý luận, phương pháp và kỹ thuật phân tâm của ông, cần phải nhìn nhận học thuyết này theo góc độ lịch sử.
Mặt khác, giống nhiều thuyết tâm lý học khác, trong quá trình phát triển, Phân tâm học thường xuyên chịu sức ép từ hai phía: sự phát triển và phân hoá từ bên trong và sự phản bác từ bên ngoài. Ngay sau khi ra đời, học thuyết này đã phân hoá thành nhiều "nhánh": Tâm lý học bề sâu của J.Jung (nhà tâm lý học Thụy Sĩ 1875-1961); Tâm lý học cá nhân của Alfred Adler (nhà tâm lý học Áo gốc Australia 1870- 1937); Lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Eric Ericson (nhà tâm lý học Mĩ gốc Đức 1902-1994); Phân tâm học trẻ em của Anna Freud (1895-1982) và Mélanie Klein (1882-1960) v.v... Như vậy, nhiệm vụ của chương là vừa phải phân tích các nội dung chủ yếu của Phân tâm học S. Freud về sự phát triển người vừa phải đề cập tới một số lý thuyết phát triển sau đó. Cấu trúc của chương gồm 4 phần: Bối cảnh xã hội và những yếu tố tiền thân của Học thuyết phân tâm; S. Freud và sự hình thành Phân tâm học cổ điển; Những lý thuyết phát triển và cuối cùng là những người chống đối từ bên trong.
3. Thuyết phát sinh nhận thức
"Từ đây cho tới cuối thế kỷ, tôi e rằng tâm lý học thế giới chỉ việc khai thác riêng các ý tưởng của J. Piaget thì cũng không làm sao hết được"-Paulpraisse.
Cho tới cuối thế kỷ XX, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu sự phát sinh nhận thức và trí tuệ trẻ em được sâu sắc, hệ thống bằng J.Piaget. Suốt bảy thập kỷ kiên trì và sáng tạo khoa học, ông đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển lĩnh vực khoa học mới: Tâm lý học phát triển. Cả cuộc đời của J.Piaget là cuộc đời của nhà Bác học và lao động không ngừng. Các thầy cô giáo, bậc cha mẹ và trẻ thơ trên thế giới biết ơn những cống hiến lớn lao và tâm huyết của ông trong lĩnh vực này.
Jean Piaget sinh ngày 9 tháng 8 năm 1896 tại Nêuchâtel Thụy Sĩ, trong một gia đình tri thức danh tiếng.
Từ nhỏ ông đã bộc lộ thiên tư trí tuệ tuyệt vời, xuất chúng. Năm 10 tuổi ông đã công bố bài báo khoa học đầu tiên của mình, mô tả các quan sát về một con chim sẻ bạch tạng quý hiếm. Ít lâu sau, ông theo học một tớp giúp việc người quản lý bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở địa phương.
15 tuổi J.Piaget đã bộc lộ rõ xu hướng nghiên cứu sinh học và đã công bố những bài báo khoa học, nghiên cứu về động vật có vú.
Năm 18 tuổi J.Piaget đỗ cử nhân và năm 1918, J.Piaget hoàn thành luận án Tiến sĩ thuộc lĩnh vực động vật học, tại Viện đại học Nêuchâtel, với đề tài "Sự thích ứng của loài nhuyễn thể". Trong thời gian này, ông đã công bố 25 công trình nghiên cứu sự sinh trưởng, thích nghi của loài sò quanh hồ Nêuchâtel. Những kiến thức sinh học và ấn tượng về sự thích nghi của loài sò óc đã hình thành trong ông các khái niệm cơ bản để nghiên cứu sự phát triển trí năng của trẻ em sau này.
Ngoài sinh học, mối quan tâm thứ hai của ông là khoa học luận (Epistemology)-một ngành triết học đề cập đến nguồn gốc phát sinh của hiểu biết, ông nuôi hy vọng táo bạo là có thể hợp nhất hai vấn đề mà ông quan tâm. Vào thời điểm đó, ông cảm thấy, tâm lý học chính là câu trả lời. Ông chuyển đến Paris và dành ra 2 năm để học tâm lý học lâm sàng, lôgíc và triết lý khoa học tại Sorbonne.
Trong thời gian ở Paris, J.Piaget được đề nghị đảm trách công việc chuẩn hoá những trắc nghiệm trí thông minh tại phòng thí nghiệm của A.Binet. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng nghề nghiệp của ông. J.Piaget sớm nhận thấy và quan tâm nhiều hơn đến những "câu trả lời sai" của trẻ so với các kết quả trắc nghiệm. Ông nghĩ rằng, dường như trẻ em cùng độ tuổi thường mắc phải những loại câu trả lời sai giống nhau đối với một số câu hỏi nhất định. Vậy tại sao?
J.Piaget tiếp tục tìm hiểu về những nhận thức sai lệch của trẻ bằng phương pháp lâm sàng mà ông đã học được trước đây, khi còn làm việc trong một bệnh viện tâm thần thực hành. Không bao lâu sau, ông lại phát hiện ra rằng, trẻ ở những độ tuổi khác nhau, thường có những loại câu trả lời sai khác nhau, và ông đi đến kết luận: trí tuệ phải là một thuộc tính đa diện.
Những đứa trẻ lớn tuổi hơn không chỉ đơn giản là thông minh hơn những đứa trẻ ít tuổi, mà quá trình suy nghĩ của chúng cũng hoàn toàn khác. Những phát hiện này đã cuốn hút J.Piaget và ông cố gắng xác định xem trẻ tiến triển từ phương thức (hay giai đoạn) suy nghĩ này sang phương thức suy nghĩ khác như thế nào. Việc nghiên cứu của con người đáng lưu ý này còn tiếp tục khoảng 60 năm nữa, cho đến khi ông mất vào năm 1980.
Năm 1921 (25 tuổi), theo đề nghị của Giáo sư Claparède - Viện trưởng Viện khoa học giáo dục, ông chuyển từ Paris về Genève để đảm nhận chức Trưởng phòng tâm lý thực nghiệm. Năm 1925, ông nhận chức Giáo sư Đại học Nêuchâtel, dạy bao cả ba ngành: Tâm lý học, Xã hội học và Triết học. Năm 1929, được bổ nhiệm Giáo sư Đại học Genève về môn Lịch sử tư tưởng khoa học, Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc tế của Unesco và ở cương vị này cho tới năm về hưu (1972). Năm 1933 là Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Thụy Sĩ tại Genève. Năm 1940, Giáo sư tâm lý thực nghiệm và năm 1952 là Giáo sư Trường Đại học Sorbonne, Paris.
Trong suốt những năm 1921 đến 1940, mối quan tâm chủ yếu của J.Piaget là lĩnh vực tâm lý học, đặc biệt là sự phát sinh nhận thức và trí tuệ của trẻ em. Trong thời gian này, nhiều công trình đã được ông công bố. "Ngôn ngữ và tư duy của trẻ" (1923), "Mệnh đề và kết luận của trẻ" (1924), "Biểu tượng về thế giới của trẻ" (1926) v.v. Những nghiên cứu về lĩnh vực trên được ông tập hợp trong hai công trình nổi tiếng: "Tâm lý học trí tuệ" (1946) và "Tâm lý học trẻ em" (1966).
Từ năm 1940 J.Piaget chuyển dần lĩnh vực nghiên cứu từ tâm lý trẻ em sang Lôgic học và Khoa học luận. Từ năm 1950 chuyển hẳn sang lĩnh vực này, đặc biệt là nghiên cứu quá trình phát triển tư duy con người.
Năm 1956, ông thành lập ở Genève Trung tâm nghiên cứu quốc tế về nhận thức luận khoa học (Centre international d' épistemologie Scientifique), với sự tham gia của nhiều nhà Bác học lớn đương thời như Albert Einstein (Vật lý), B.Grize (Toán và Lôgic), W.Mc.Cullôch (Sinh học thần kinh) v.v. Kết quả là trong thời gian này nhiều tác phẩm khoa học của ông đã được xuất bản: "Lớp, quan hệ và số" (1942), "Tiểu luận lôgic" (1952), "Nghiên cứu sự chuyển hoá của các thao tác lôgíc" (1953) và "Khái niệm về nhận thức phát sinh" (1950), với hơn 1000 trang, gồm 3 tập: "ý tưởng toán học", "ý tưởng vật lý học", "ý tưởng sinh học, ý tưởng tâm lý học và ý tưởng xã hội học".
Ngay từ những năm 1935-1965, J.Piaget đã quan tâm tới việc vận dụng kết quả nghiên cứu tâm lý học trẻ em vào các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, đặc biệt là vào phương pháp giáo dục trẻ em. Ông đã phân tích và phê phán hạn chế của phương pháp giáo dục cổ truyền, quảng bá các phương pháp giáo dục mới, trong đó đề cao vai trò của phương pháp hoạt động trong dạy học. Coi đó là phương pháp mang lại hiệu quả hơn hẳn những phương pháp đương thời. Các tác phẩm: "Giáo dục đang đi về đâu" (1948), "Tâm lý học và giáo dục học" (1969) phản ánh khá rõ trăn trở và tư tưởng đổi mới của J.Piaget trong lĩnh vực này. Nhiều đề xuất của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
J.Piaget là người lao động không mệt mỏi. Suốt cuộc đời, ông quan sát, thử nghiệm, tích luỹ khối lượng khổng lồ dữ kiện về sự phát triển tâm lý trẻ em. Hàng năm, khi kết thúc năm học, ông mang tài liệu thu thập được đến một trang trại vắng người dưới chân núi Alpea. Ở đó, cả mùa hè, ông không tiếp xúc với khách, miệt mài phân tích, tổng hợp tư liệu, hình thành nên các tác phẩm khoa học. Trong suốt 70 năm làm việc J.Piaget đã công bố hàng trăm cuốn sách và bài viết về các lĩnh vực sinh học, tâm lý học, ngôn ngữ, lôgic... trong hệ thống lý thuyết liên bộ môn đồ sộ.
J.Piaget mất ngày 16.9.1980 tại Genève.
Sinh thời, J.Piaget được kính trọng trên khắp thế giới. Ông là giáo sư của nhiều trường Đại học lớn ở Pháp và Thụy Sĩ Giám đốc phòng thực nghiệm, phụ trách văn phòng Quốc tế về giáo dục, Uỷ viên Hội đồng chấp hành của Unesco, Viện sĩ và tiến sĩ danh dự của nhiều trường Đại học, Viện hàn lâm danh tiếng: Harvard (1936), Columbia (1970), Bruvtelle (1940), Brazill (1949).
J.Piaget là nhà Bác học đa lĩnh vực: Bắt đầu từ sinh học, sang tâm lý học đến nhận thức luận, trong lĩnh trực nào ông cũng ông có nhiều cống hiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em. Những công trình về lĩnh vực này của ông uyên bác đến mức, trong diễn văn khai mạc Hội nghị tâm lý học thế giới lần thứ 21, năm 1976, Chủ tịch hội tâm lý học thế giới, nhà Tâm lý học Pháp Paul Praisse đã phát biểu: "Từ đây cho tới cuối thế kỷ, tôi e rằng tâm lý học thế giới chỉ việc khai thác riêng các ý tưởng của J.Piaget thì cũng không làm sao hết được".
4. Thuyết hoạt động
Do các nhà tâm lý học Liên Xô (cũ) như L.X.Vugotxki, X.L Rubinstein, A.N Leonchev cùng với nhiều nhà tâm lý của Đức, Pháp, Bungari sáng lập. Tâm lý học hoạt động lấy Triết học Mác - Lênin làm cơ sở lý luận và phương pháp luận. Các nhà Tâm lý học hoạt động cho rằng, tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người. Tâm lý người có cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội, được hình thành trong hoạt động, giao tiếp và trong các mối quan hệ xã hội. Vì thế, tâm lý người mang bản chất xã hội và mang tính lịch sử, là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top