CHỮ DUYÊN TRONG PHÁP ĐẠO
Quy Luật Tam Giới
Hữu duyên thời ngộ nhập!
Vô duyên ngộ bất kiến.
Chúng sanh trong đời gieo tạo biết bao nhiêu ác nghiệp nên phải chịu khổ báo bất tận nơi Địa Ngục A Tỳ, đọa thân Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Bàn Sanh, Thấp Sanh hoặc làm Thân Người mà chịu cảnh nghịch vận, thống khổ cùng tận. Khi duyên phận thuần thục gặp được chánh pháp khai ngộ thì hay tự trách mình sao không biết đến chánh pháp sớm hơn!
Nhưng Chánh Pháp vốn dĩ vẫn tồn tại song hành bên ta, tàng ẩn ngay trong chính bản thân ta. Chỉ vì do ta không chịu mở cửa tâm hồn tiếp nhận Chánh Pháp, chứ các pháp không thiên vị một ai. Các pháp vốn dĩ là công bằng và bình đẳng.
- Cùng một gia đình, nhưng có khi người chồng gian ác, người vợ lại hiền lương.
- Cùng một cha mẹ nhưng người anh gian dối, người em chân thật.
- Cùng một lớp học nhưng em Tí nghe xong đã hiểu được bài, em Sửu nghe rồi lại chẳng hiểu được chi?
Cũng như thế! Sở dĩ có sự lãnh hội khác biệt với nhau về Chánh Pháp Thích Ca là bởi vì căn cơ mỗi người một khác, và Pháp duyên của từng người cũng không giống nhau.
* Với người đã từng cúng dàng tăng sư, đi chùa lễ phật, hành thiện, giúp người trong các kiếp quá khứ, (dù chỉ là vô tâm, hay tiện thể hoặc vì tò mò đi chăng nữa, và dù trong các kiếp ấy họ chưa khởi lòng tin nghe chánh pháp, chưa đủ phúc duyên quy y Tam Bảo), thì trong hiện kiếp khi "duyên - thời" khế hợp nghe được một điều chánh pháp, lòng khởi lên tin kính vô tận, chí thành hồi ngạn, tin sâu nhân quả, thiện niệm thường hằng, ác niệm đoạn diệt. Ham thích các pháp, tìm đường về đạo, mong cầu khai trí, phá chấp trừ mê.
* Với người chưa từng gieo duyên với Chánh Pháp, khinh khi người tu đạo, miệt thị kẻ nhân từ, lòng tràn đầy sân hận, toan tính trong các kiếp quá khứ thì hôm nay dù nhân duyên đưa đến trước mặt họ một ông Phật, một vị Bồ Tát, La Hán để mà nhiếp độ cho họ thì họ cũng không thể nào tiếp nhận được chánh pháp, lời nói qua tai như giọt nước rơi trên lá, sẽ theo rãnh, theo dòng mà đổ xuống trôi đi, không thể tiếp thu, lãnh hội dù chỉ là một chút!
* Người hữu duyên Phật Đạo thì đã như ngôi nhà có nhiều phòng, các phòng đều thông với nhau, và tất cả đều thông ra cửa lớn. Chỉ chờ đến nhân duyên tương hợp được khai mở tuệ trí (thì cũng như cửa lớn được mở ra), các pháp vì thế xuôi theo mà vào, tương quan, tương hợp, cội cội, nguồn nguồn các pháp được khởi, phát triển sanh sôi, mầm thiện tươi tốt, sớm ngày viên mãn.
* Còn người chưa có căn duyên Phật Đạo thì dù (bổn tánh có là người thế nào), và dù cho có vì lẽ gì xô đẩy khai mở được một hoặc một vài điều chân lý của chánh pháp đi chăng, sẽ vẫn như ngôi nhà có nhiều phòng nhưng mỗi căn phòng lại có mỗi cánh cửa riêng biệt khác nhau, các phòng lại không có cửa thông nhau, cũng không có thông ra cửa chánh.
Như vậy thì cho dù có may mắn nghe được Chánh Pháp, gặp được minh sư thì cũng chỉ như gặp buổi sáng mỗi ngày, cũng như gặp lão già quen trên phố. Như vậy thì dù có mở được cửa chánh, thì tâm tánh vẫn không thể khơi thông, dù có tận sức đục tường, phá vách đi nữa cũng chỉ giúp thông nhau giữa hai, ba phòng trong vô số các phòng.
Cũng như vậy, người vô duyên chánh đạo thì dù có cố gắng giảng thuyết cho họ hiểu chân lý, thấu nhân quả, tường tam giới, rõ lục đạo, họ vẫn một mực bài xích, vẫn một mực tin rằng họ nhìn đúng, hiểu phải!
Chính vì vậy cho nên VẠN PHÁP VẪN PHẢI TÙY DUYÊN!
Tùy duyên không chỉ là tùy vào từng thời khắc, từng nhân duyên, mà còn tùy vào căn duyên lãnh hội của người thâu pháp!
Cho nên mọi người cần nên nhớ: MUỐN TIẾP THU, LIỄU NGỘ ĐƯỢC CÁC PHÁP PHẬT ĐÀ, LÒNG TA PHẢI BIẾT MỞ RA ĐÓN NHẬN, NHƯNG MỞ LÒNG RA TỨC LÀ YÊU THƯƠNG ĐƯỢC MỞ RA, SỰ SẺ CHIA ĐƯỢC GIAO THOA VỚI MỌI NGƯỜI. THÌ KHI ĐÓ CHÁNH PHÁP TỰ CÓ CHỖ ĐỂ TÌM ĐƯỢC ĐƯỜNG VÀO TRONG CHÁNH NIỆM
BẰNG NGƯỢC LẠI, NẾU TA MÃI KHƯ KHƯ GIỮ LẤY CỬA LÒNG, KHÔNG MỞ NÓ RA, TỨC YÊU THƯƠNG TRONG SỰ ÍCH KỶ CÁ NHÂN, SỰ SẺ CHIA CHỈ NẰM TRONG TOAN TÍNH, THÌ LÀM SAO CHÁNH PHÁP CÒN CÓ ĐƯỢC CON ĐƯỜNG VÀO TRONG CHÁNH NIỆM CỦA MÌNH?
Những điều thầy giảng thuyết nơi đây là không dành riêng cho bất kỳ ai, nhưng sự lĩnh hội, tiếp thu của mỗi người đều sẽ là khác biệt, cho nên từ nay thầy mong rằng, nếu ai đã nhận thấy đó là Chánh Pháp, là hữu ích cho ta, cho nghiệp của ta, cho muôn kiếp vị lai, cho ngày mai an lạc thì hãy thâu nhận mà tu sửa cho mình, ngược lại, ai nhận thấy những điều này là không đáng tin, là không chánh ý, là nghịch tâm ta thì hãy nhắm mắt lại, suy nghĩ ... và cảm nhận!
Biết đâu vì ta chưa đủ nhân duyên với các pháp hay chăng?! Và lại nếu đã hữu duyên, liệu tâm ta có đủ kiên trì?
NỖI LÒNG TU ĐI
Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống. Trông thấy con chó đói bệnh, vị sư động lòng từ mẫn, đem về săn sóc, chia sớt cho nó phần ăn hàng ngày sư xin được, tắm rửa, xức thuốc cho nó.
Chẳng bao lâu nhờ sự tấn tâm của sư mà con chó khỏi bệnh, lông lá mọc lại trên thân, trở thành một anh chó bảnh bao, dễ nhìn. Nhà sư đặt tên nó là "Tu Ði", có ý muốn thọ ký nó phát tâm tu hành để chuyển nghiệp chó.
Nhưng từ khi khỏi bệnh, Tu Ði đâm ra ưa lêu lổng. Nó tìm gặm những cục xương của người ta vứt bên bờ sông, và bỗng thấy hết ưa mùi vị tương chao của nhà sư tốt bụng, người đã cứu tử nó. Ngày ngày nó đi tìm ăn những cơm thừa cá vụn nên đâm ra quen mùi trần tục.
Một hôm nó đang ngồi bên bờ sông nghễnh mõm nhìn móng sang bên kia bờ, bỗng một làn gió từ bên ấy tắt qua, thơm phức mùi thịt xào hành mỡ. Nó tung mình nhảy xuống sông lội về hướng ấy. Khi nó lội đến giữa dòng thì nhà sư cũng vừa về tới am, không thấy Tu Ði ngài ra sông tìm. Thấy con chó thân yêu đang chới với giữa dòng theo tiếng gọi của dục vọng, nhà sư tha thiết gọi nó quay về:
-Tu Ði! Con nỡ nào bỏ thầy già yếu cho đành? Con hãy mau quay về với thầy.
- Tu Ði, Nào có mùi vị gì nơi một mảnh xương khô của trần tục, con chỉ tự ăn nước bọt chính con tiệt ra đấy mà thôi. Hãy quay về, hỡi Tu Ði!
Con chó nghe lời thầy gọi vội vã quay trở lại, nhưng nó vừa quay lưng với bờ kia thì bỗng một làn gió từ bên ấy hắt lại, tạt mùi thịt ngon lành vào mũi nó. Không cưỡng được, nó lại bơi trở lui về hướng thịt xào.
Bên bờ này vị sư lại thiết tha khuyên nhủ. Con chó cầm lòng không đậu cũng quay lại, nhưng vừa muốn quay lại với thầy, thì gió lại đưa mùi thịt xào đến mũi nó, cứ thế Tu Ði quay qua lộn lại giữa giòng sông không thể quyết định được. Và cuối cùng nó bị chết chìm ngay giữa giòng.
Kể xong câu chuyện, sư lui về tịnh thất nghỉ. Các đệ tử ngồi lại kháo nhau:
- Huynh cho câu chuyện ấy có nghĩa gì?
Một người nói:
- Ðó là cái chết thảm khốc của một kẻ bội bạc, phận chủ.
Người thứ hai:
- Tai họa xẩy đến cho những kẻ nào không quyết đoán.
Người thứ ba:
- Các huynh nói đều đúng cả, nhưng theo tôi thì, thầy mình có ngụ ý:
+ Con chó tượng trưng cho người khởi sự tu tập, tại gia hay xuất gia.
+ Vị thầy là Phật tánh, lương tri sẵn có nơi mỗi người.
+ Mùi thịt xào với làn gió là sự cám dỗ mời gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, tức sáu trần.
+ Giòng sông tượng trưng cho sanh tử.
Người nào đã thấm nhuần chút đạo lý, thì đạo lý ấy trong họ trở thành một thứ đại bổ hoặc kịch độc. Ðại bổ là khi sống thuận theo ánh sáng mình đã thấy, kịch độc là khi mình không cưỡng nỗi tiếng gọi của sắc trần mà quay lưng với đạo, chạy theo thanh sắc.
Thỉnh thoảng tiếng gọi của lương tri nổi dậy, nên người ấy không thể nào dứt khoát chạy theo thanh sắc như người thế tục chưa từng biết đạo, mà cũng không thể quay về, cho nên phải chết chìm giữa giòng sông sanh tử.
Sư thượng đường kể
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top