163. nguyên tắc để ra quyết định tốt hơn trong cuộc sống

Một ngày nào đó, khi tôi trở thành tỉ phú, tôi sẽ mua một khu đất rộng thiệt là rộng nằm ở khu vực hoang vu lạnh lẽo thuộc phía bắc Yukon và sẽ xây trên đó một tòa nhà to thiệt là to có kiến trúc vô cùng xấu xí. Tôi sẽ không thèm làm đường để đi vào khu đất đó. Tôi cũng ứ thèm trang bị bất kỳ một thứ tiện ích nào sất. Không luôn với cả hệ thống sưởi. Và tôi sẽ thuê lèo tèo vài mống người để duy trì cả khối kiến trúc to đùng ấy. Và rồi, tôi sẽ đặt tên cho nó là, "Đài Danh Vọng Của Những Quyết Định Tồi."

Nghe thật hoàn hảo. Bởi vì bản thân cái đài danh vọng ấy đã là một quyết định tồi rồi, nhưng bất kỳ ai cố công đến đấy tham quan thì rõ ràng là cũng đã đưa ra một quyết định tồi không kém.

Bên trong đài danh vọng của tôi, tôi sẽ trưng bày toàn bộ những quyết định dấm dớ nhất từng được thực hiện trên cõi đời này. Dĩ nhiên, sẽ có hẳn một chỗ trang trọng dành cho hãng Kodak, mặc dù chiếm đến 90% thị phần của nền công nghiệp máy ảnh và đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số, lại đưa ra quyết định là không bán nó và phải đi đến kết cục phá sản. Rồi sẽ có cả một chỗ dành cho Decca Records vì cái quyết định không ký hợp đồng với The Beatles bởi vì họ cho rằng "các ban nhạc chơi guitar đã hết thời." Sẽ có hẳn một khu dành riêng cho mấy vị lãnh đạo quân sự ngu ngốc vì nỗ lực xâm lược nước Nga của họ. Và ta sẽ có một khu đặc biệt mang tên "Tiger Woods" – nơi mà ta sẽ luân phiên triển lãm những gương mặt nổi tiếng đã phá hỏng sự nghiệp của mình vì làm những điều cực kỳ ngu ngốc.

Như thế hẳn là sẽ rất tuyệt.

Và tôi đoán là, khi mọi người tới thăm quan, chúng tôi sẽ bật loa lên và thực hiện các buổi tọa đàm về việc làm thế nào để không đưa ra những quyết định kinh khủng. Ở đó sẽ có một vài nguyên tắc về việc làm thế nào để đưa ra những quyết định tốt hơn trong cuộc sống.

Có lẽ là một buổi tọa đàm như vậy sẽ có nội dung như sau:

1. Hiểu Rõ Giá Trị Và Xu Hướng

Tất cả những quyết định khó khăn về cơ bản nằm ở việc đánh giá các giá trị. Ở đây ta có giá trị về mặt tài chính, giá trị cảm xúc, giá trị xã hội, giá trị trí tuệ, và vân vân. Bạn cần phải cân nhắc về tất cả những điều đó, cân đo chúng một cách hợp tình hợp lý. Và không chỉ là trong ngắn hạn thôi đâu, mà còn phải ở trong cả dài hạn nữa.

Cái việc "cân đo" các giá trị này là cực kỳ khó, phần lớn là bởi vì ta thường khó có thể nhìn nhận sự việc một cách sáng suốt.

Như là một nguyên tắc chung, tất cả chúng ta đều hoàn toàn thiên về những lợi ích ngắn hạn và những giá trị cảm xúc. Chúng ta thiên về phía những niềm tin có sẵn của mình và bảo vệ danh tiếng của ta. Và chúng ta cũng rất kém cỏi trong việc nhìn ra những lợi ích về mặt dài hạn bởi vì thật khó để có thể vượt qua những sợ hãi và lo lắng hiện tại của bản thân. Cảm xúc của chúng ta làm lu mờ mọi điều mà ta có thể nhìn thấy.

how-to-make-better-decisions-me-on-payday-barbie

Chế độ ra quyết định "mặc định" của chúng ta cũng khiến cho việc từ bỏ điều mà ta đã cố công thực hiện bấy lâu nay, hay cân nhắc đến khía cạnh rằng có thể ta đã sai lầm suốt nhiều năm qua trở nên vô cùng đau đớn.

Thực tế là, tất cả chúng ta đều đã sai lầm trong suốt nhiều năm. Ta đều đã sai về sự ước tính giá trị của mình. Và cho tới khi mà ta chưa thể thành thật với bản thân về việc ta đã sai lầm nhường nào trong quá khứ, ta sẽ chẳng thể học được cách để đưa ra những đánh giá có giá trị tốt hơn cho tương lai.

Cơ chế ra quyết định "mặc định" của chúng ta cũng khuyến khích ta lảng tránh những sai lầm hay thất bại ngắn hạn, cho dù điều ấy đồng nghĩa với việc không thể đi đến thành công trong dài hạn đi chăng nữa.

Không, điều hay ho của việc ra quyết định nằm ở chỗ tìm kiếm những thất bại trong ngắn hại mà cho phép sự thành công lớn trong dài hạn có thể diễn ra ngay từ đầu. Bởi vì đây là điều mà hầu hết mọi người đều dở ẹc. Và bởi vì mọi người rất kém ở khoản này, nên đó chính là nơi mà những cơ hội tồn tại...

2. Thua có chủ đích (Đôi khi thôi)

Bạn đã bao giờ nghe đến câu chuyện về các nhà khởi nghiệp thành công với những dự án điên rồ và việc họ, ừm, đã thất bại những 23 lần trước khi đi tới thành công hay chưa?

Bài học mà tất cả chúng ta cần rút ra ở đây là sự kiên trì và chăm chỉ là chìa khóa để dẫn tới thành công phi thường.

Và chắc chắn, bất cứ điều gì...

Thường thì, ta không thể không nhìn vào họ và nghĩ rằng họ mới "may mắn" làm sao. Ý tôi là, hãy nhìn vào Amazon kìa! Ai mà biết được kia chứ?!

Điều mà chúng ta không hề xét tới là trong số hàng chục những ý tưởng kinh doanh không thành công, không bán được kia – tất cả đều là những vụ cá cược với mức cược hạn chế ở cửa dưới và cực kỳ cao ở cửa trên. Nghĩa là, nếu có thua, thì họ thua rất ít. Và nếu thắng, thì họ được rất nhiều.

Giả dụ tôi đưa cho bạn một cặp súc sắc và bảo với bạn rằng nếu bạn đổ ra hai con một, tôi sẽ cho bạn $10.000. Nhưng mỗi một lần đổ súc sắc bạn sẽ mất phí là $10. Vậy thì bạn sẽ đổ mấy lần?

Nếu như bạn không dốt toán, bạn sẽ biết rằng bạn nên bỏ ra toàn bộ số tiền mình có để đổ mấy cái con súc sắc chết tiệt ấy.

how-to-make-better-decisions-rolling-dice-780x520

Hầu hết mọi người đều coi mỗi quyết định như là một lần đổ súc sắc duy nhất. Họ không nghĩ đến thực tế rằng cuộc sống là một chuỗi những lần đổ đổ súc sắc không bao giờ dứt. Và một chiến lược khiến ta bị thua rất nhiều trong một lần đổ thực ra lại có thể dẫn đến một vụ thắng lớn trong dài hạn.

Đúng, số lần bạn thua trong trò chơi đổ súc sắc này sẽ nhiều hơn số lần mà bạn giành chiến thắng. Nhưng khi mà bạn thắng, chiến thắng của bạn sẽ vượt xa những lỗ lã, khiến cho nó trở thành một cuộc chơi đáng giá.

Bạn cũng có thể áp dụng thái độ "mạo hiểm" này vào cuộc sống của mình để đạt được những kết quả tối ưu hơn trong dài hạn:

Đưa ra những ý tưởng "trên cung trăng" ở trong công việc dù biết rằng 90% trong số đó sẽ bị bác bỏ, nhưng nếu chỉ một ý tưởng được chấp nhận thì đó sẽ là một bước chuyển lớn trong sự nghiệp của bạn.

Đưa ra những đề bài khó cho con cái bạn từ khi chúng còn nhỏ, biết rằng hầu như chúng không thể thực hiện được. Nhưng nếu mà chúng làm được, thì điều đó sẽ mang đến lợi thế vô cùng lớn cho toàn bộ cuộc đời của chúng.

Hãy thật dũng cảm trong đời sống tình cảm của bạn, xác định rõ kiểu người và những điều mà bạn mong muốn, nhận thức rằng đại đa số mọi người sẽ không phù hợp với bạn.

Hãy mua thật nhiều những cuốn sách khó đọc, dự liệu rằng hầu hết trong số đó sẽ không hề hữu ích hay dễ hiểu đối với bạn, nhưng đôi khi, một cuốn sách nào đó sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc đời bạn.

Hãy nói có với mọi lời mời dù biết rằng hầu hết mọi sự kiện/con người đều chán ốm và bạn sẽ quay về nhà sớm, nhưng đôi khi bạn sẽ gặp được một ai đó thật sự quan trọng và thú vị.

Khi bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến những kết quả tức thì, bạn sẽ loại bỏ bản thân mình khỏi những thành tựu tiềm năng lớn nhất trong cuộc sống. Và lý do mà hầu hết chúng ta làm như vậy là bởi vì những cảm xúc phiền phức của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta là những định kiến ngắn hạn. Chúng bị ám ảnh với thời điểm hiện tại. Và điều này ngăn trở việc đưa ra những quyết định hiệu quả.

3. Hãy Đối Xử Với Cảm Xúc Của Bạn Như Cách Bạn Đối Xử Với Một Con Chó

Qua nhiều năm tôi đã nhận ra được điều này: những con chó hư luôn có những người chủ tồi. Mức độ kỷ luật của một con chó phản ánh độ chín chắn về cảm xúc và tính kỷ luật của người chủ. Hiếm khi nào ta thấy một con chó phá phách khắp nhà, nhá hết giấy vệ sinh và ị văng ra sofa lại có một người chủ chỉn chu cả.

Đấy là bởi vì sự liên kết giữa ta với lũ chó là hoàn toàn nằm ở mặt cảm xúc. Và nếu như ta dở ẹc trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, thì ta cũng sẽ dở ẹc trong việc xử lý lũ chó. Chỉ đơn giản thế thôi. Nếu như bạn không biết kiềm chế bản thân và nói "không" với chính mình khi cần thiết, thì, ờ, đừng có nuôi chó làm gì. Và nếu bạn vẫn cứ khăng khăng muốn nuôi chúng, thì đừng có mà bén mảng đến nhà tôi đấy nhá.

Những cảm xúc của chúng ta cũng giống như là một con chó đang sống trong đầu ta vậy. Cái phần này của chúng ta chỉ muốn được ăn, ngủ, chịch và chơi, mà không phải gánh lấy hậu quả hay rủi ro nào trong tương lai hết.

Phần đó trong ta cần phải được huấn luyện.

Cảm xúc của chúng ta là quan trọng. Nhưng chúng cũng ngu lắm. Chúng không thể suy nghĩ về những hậu quả và cân nhắc đến nhiều yếu tố cùng một lúc khi mà chúng hoạt động đâu.

Cảm xúc của chúng ta về mặt bản chất luôn phản ứng thái quá trước các sự việc. Chúng tham gia vào việc duy trì sự sống sót của bản thân khi mà chúng ta săn bắt lũ trâu nước trên thảo nguyên và những điều tương tự như thế. Mỗi khi sợ hãi ta thường bỏ chạy hoặc lẩn trốn. Khi mà ta giận dữ ta thường đập phá đồ vật.

Thật may làm sao, bộ não của chúng ta lại liên quan đến logic và có khả năng xem xét quá khứ và tương lai và tất cả những điều tuyệt vời khác. Đó chính là điều khiến chúng ta là con người. Chứ chẳng phải là chó.

Vấn đề ở đây là, cái "bộ óc chó" của chúng ta thực ra lại là thứ kiểm soát hành vi của chúng ta. Bạn có thể biết rõ rằng ăn kem vào buổi sáng là một ý tưởng tồi, những cái óc chó của bạn vẫn muốn được ăn món kem khốn kiếp ấy vào bữa sáng, và rồi thì đó là điều mà cái thân xác của bạn sẽ thực hiện.

Chỉ nhờ vào rèn luyện mà cái óc chó của bạn mới trở thành óc người được. "Không, Mark hư, ăn kem vào bữa sáng rất là hư, hãy làm điều gì khác lành mạnh và tốt đẹp hơn đi," nhờ đó mà dần dà bộ óc chó của bạn sẽ học được điều hay.

Hãy làm điều đó thường xuyên và bạn sẽ có được bộ óc chó ngoan.

how-to-make-better-decisions-trained-dog-780x491

Cảm xúc thật tuyệt vời khi mang đến cho bạn niềm đam mê và tinh thần, cũng như là một con chó rất giỏi trong việc chạy tung tăng và tha đồ vật trở về và là một người bạn tốt và sủa um lên khi có người lạ lởn vởn bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của bạn.

Nhưng năng lực của chó thì có hạn thôi. Nó cần tới chỉ thị và hướng dẫn mới có thể cư xử đúng mực. Và đó là công việc của bạn khi là chủ của một con chó. Tương tự như vậy, bộ não chủ chó của bạn phải huấn luyện cho bộ não chó ngồi xuống và im lặng khi cần thiết. Bạn cần phải đưa ra cho mình những chỉ thị và hướng dẫn. Hãy rèn luyện bản thân để hình thành nên những thói quen đúng đắn và ra quyết định tốt hơn. Hãy ban thưởng và trừng phạt bản thân khi cần thiết.

Hãy yêu thương bộ não chó của bạn (ví dụ như, hãy yêu bản thân), chấp nhận bộ não chó của bạn (v.d, chấp nhận các cảm xúc của bạn), nhưng đồng thời hãy nghiêm khắc với nó.

Và thỉnh thoảng, hãy nuông chiều bản thân ... với những câu nựng như là: bé ngoan. Ừ, ai là bé ngoan ấy nhỉ? Ai là bé ngoan ấy nhỉ? Vâng, bạn là bé ngoan đấy.

4. Tối Ưu Hóa Cuộc Sống Của Bạn Để Ít Phải Hối Tiếc Nhất

Sự hối hận đôi khi còn được các nhà tâm lý học gọi là "cảm xúc hợp lý". Và không hẳn chỉ bởi vì bản thân sự hối hận khiến chúng ta trở nên hợp lý hơn – ít nhất là không theo một cách trực tiếp – mà còn bởi vì việc ta dự đoán về sự hối hận thường được thực hiện khi ta nhìn nhận sự việc một cách hợp lý.[1]

Khi ra quyết định, chúng ta thường cân nhắc đến các lựa chọn có sẵn của mình, tưởng tượng ra bản thân chúng ta trong tương lai sau khi lựa chọn một trong những lựa chọn ấy, và rồi cố gắng cảm nhận rằng ta hối hận bao nhiêu trong hoàn cảnh tương lai giả định ấy. Khi ta đưa ra giả thiết một lần nữa, ta chọn một lựa chọn khác, và so sánh những sự hối hận/không hối hận giả định này với nhau.

Cái khả năng này vừa a) kỳ diệu vãi ra khi mà bạn nghĩ về nó và b) vô cùng hữu ích chừng nào mà ta còn sử dụng những thông tin có sẵn chính xác và hoàn chỉnh (bằng việc sử dụng tất cả các ý tưởng mà ta có thể nghĩ đến, dĩ nhiên là vậy).

Hầu hết chúng ta đều sợ thất bại hay làm hỏng mọi chuyện. Nhưng hiếm khi nào chúng ta lại đặt ra câu hỏi, "Liệu mình có hối hận về sự thất bại ấy hay không?" Nếu như câu trả lời là "không," vậy thì đó chắc chắn là một rủi ro mà bạn nên theo đuổi.

Cũng tương tự, nhiều người trong chúng ta đều yêu thích cái hình ảnh về sự thành công vang dội. Nhưng nếu như ta tự hỏi, "Liệu mình có thấy hối hận khi không bao giờ đạt được thành công đó hay không?" thì ta lại thường tìm thấy câu trả lời là "không." Chỉ khi câu trả lời là "có" thì ta mới nên cố sống cố chết để đạt được điều đó.

how-to-make-better-decision-least-regret-780x520

Đôi khi, quyết định đúng đắn trở nên trong suốt như kim cương vậy nếu ta đưa chúng vào những câu hỏi này. Truyền thuyết kể lại rằng Jeff Bezos đã rời bỏ công việc nhàn nhã, lương cao của mình để gây dựng nên Amazon bởi vì rõ ràng đối với ông ấy thì ông sẽ hối hận nếu cứ thế già đi và không thử cái "thứ internet" này lấy một lần. Mặt khác, trụ lại công việc của mình và sẽ mang theo vô số những hối tiếc trong tương lai dường như là điều mà Bezos có thể thấy rõ.

Cá nhân tôi quen biết rất nhiều người – kể cả bản thân tôi nữa – từng đưa ra những quyết định lớn trong đời dựa trên con đường dẫn đến sự hối hận ít nhất. Những quyết định ấy luôn được miêu tả như là như là những quyết định tốt nhất mà họ từng thực hiện. Bạn đoán thử xem.

Thay vì đưa ra quyết định của bạn dựa trên khả năng thành công/thất bại, hay hạnh phúc/đau khổ, hãy thực hiện chúng dựa trên việc tránh xa sự hối hận. Sự hối tiếc của chúng ta thường là thước đo tốt nhất về những gì thật sự có giá trị đối với chúng ta trong dài hạn.

5. Hãy Viết Ra

Cách tốt nhất để bạn ngăn không cho các cảm xúc của mình ảnh hưởng tới việc ra quyết định là viết ra.

Viết ra là một cách đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ nhằm làm rõ mọi thứ đang xoay vần trong đầu bạn. Tôi luôn nhận được những bức email dài lê thê của các độc giả kể lể về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của họ chỉ để đọc đến phần cuối với câu chốt rằng họ không cần được hồi âm bởi vì viết ra hết những điều này cũng đã khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm và được khai thông rồi.

Hành động viết buộc bạn phải tổ chức và cô đọng lại tất cả những rối loạn cảm xúc đang diễn ra trong đầu mình. Những cảm xúc mơ hồ trở nên có cấu trúc và có thể đo lường được. Những mâu thuẫn của bạn được vạch trần. Việc đọc lại những gì bạn viết sẽ cho thấy logic của riêng bạn (hay việc thiếu mất nó). Và nó thường cho thấy một quan điểm mới mà bạn chưa từng xem xét tới.

how-to-make-better-decisions-write-it-down-780x520

Và khi ngẫm về một quyết định, viết ra một số điều cụ thể có thể giúp ích được cho bạn nếu như bạn đang gặp khó khăn:

Chi phí và lợi ích ở đây là gì? Đầu tiên, hãy dành ra thời gian và thực hiện việc phân tích chi phí-lợi ích theo kiểu truyền thống về quyết định của bạn. Nhưng đừng chỉ lập danh sách "ưu điểm" và "nhược điểm" thông thường. Bạn hãy thêm vào một vài vài cột nữa. Hãy tách phần "ưu thế" của bạn thành cả dài hạn và ngắn hạn. Thêm vào một cột nữa cho phần hối hận liên quan đến từng quyết định. Ghi chú thêm nếu có cho những thành công tiềm năng ngắn-dài hạn (xem lại Nguyên tắc #2)

Động cơ của bạn đằng sau quyết định này là gì và đó có phải là một giá trị mà bạn muốn trau dồi ở bản thân hay không? Tất cả những quyết định mà chúng ta đưa ra, dù lớn hay nhỏ, đều được thúc đẩy cách này hay cách khác bởi ý định của chúng ta. Đôi khi điều này là vô cùng rõ ràng.

Tối qua, tôi bị thúc đẩy bởi cơn đói để ăn một thứ gì đó và lúc ấy có một cái bánh burrito ở ngay trước mặt tôi, vì thế mà tôi đã tống nó vào cái lỗ trên mặt mình.

Đôi khi sự việc không được rõ ràng đến thế. Vấn đề nảy sinh khi các ý định của chúng ta a) không rõ ràng lắm đối với bản thân chúng ta và/hoặc b) mẫu thuẫn với giá trị cốt lõi của chúng ta.

Ví dụ như, bạn sẽ mua một chiếc xe hơi bởi vì bạn sẽ được hưởng lợi từ việc sở hữu nó, hay bởi vì bạn đang cố gắng gây ấn tượng với những người xung quanh mình?

Hoặc là bạn cố giành lấy quyền nuôi con bởi vì bạn nghĩ rằng đó là điều tốt nhất dành cho con bạn, hay là bạn đang cố trả thù người cũ sau khi phát hiện ra họ đang hẹn hò với người mới?

Bạn cố gắng bắt đầu một dự án kinh doanh mới bởi vì bạn thích thú với những thách thức và những thăng trầm xảy ra trong quá trình xây dựng con đường của riêng mình, hay là bởi vì bạn ghen tị với những người bạn đang kinh doanh thành công và cảm thấy như mình không bằng họ?

Nếu như bạn nhận thấy có một số động cơ thầm kín khi cân đo một quyết định, hãy dừng lại ngay và hãy tự hỏi rằng liệu các ý định của bạn có đồng điệu với con người mà bạn muốn trở thành hay không.

Và nếu như sau khi bạn hỏi bản thân, "Ối, cứt thật, mình chưa bao giờ nghĩ về việc mình muốn trở thành một người như thế nào. Mình nên làm gì bây gì?" Vậy thì tôi cho rằng bạn nên lấy ra một tờ giấy khác và bắt đầu viết về điều này đi.

Ví dụ, dưới đây là Bảng đánh giá về dự án Đài Danh Vọng Của Những Quyết Định Tồi của tôi

Ưu điểm

Nhược điểm

Dài hạn

Nguy cơ hối hận

Giá trị

* Nó thật hài hước

* Ôi, ở tận Canada đấy!

* Được tìm hiểu về người nổi tiếng với gái làng chơi

* Kinh phí lớn

* Phải làm rất nhiều việc

* Thực sự, thực sự quá xa

* Đây chỉ là một lời nói đùa từ hồi xưa

* Tài sản phi tiền mặt

* Nghiêm túc thì, có bao giờ tôi chịu đến tham quan một nơi như thế không?

* Suốt đời mình, tôi sẽ là anh chàng được tôn vinh trên "Đài danh vọng ngu ngốc"

* LÀM: hàng tấn việc, mất thời gian, tiền bạc, v.v

* KHÔNG LÀM: Ư... không có gì cả, thật đấy

* Liệu tôi có thật sự muốn dành phần lớn cuộc đời và sinh lực của mình để trở thành anh chàng khôn ngoan hay không? Có lẽ là không đâu.

Vậy là bạn thấy rồi đấy. Sẽ không bao giờ có cái "Đài Danh Vọng Của Những Quyết Định Tồi" nào hết cả. Vì sao á? Bởi vì bản thân nó cũng là một quyết định tồi.

[1] Bourgeois-Gironde, S. (2010). Regret and the rationality of choices. Philosophical Transactions of the Royal Society B: Biological Sciences, 365(1538), 249–257.

Người dịch: December Child

Nguồn: https://markmanson.net/how-to-make-better-life-decisions


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top