chương 3- phần 2
§3. Uy lực (le prestige)
Một quyền lực to lớn cuối cùng đã làm cho các ý tưởng, được truyền bá rộng khắp qua khẳng định, lặp lại và truyền nhiễm một sức mạnh huyền bí đến dường nào, quyền lực đó có tên là uy lực.
Tất cả những gì đang ngự trị thế giới, có thể là ý tưởng hoặc con người, sở dĩ chúng đạt được điều đó chủ yếu là nhờ vào một sức mạnh không gì ngăn cản nổi có tên gọi là uy lực. Chắc chắn rằng chúng ta tất cả đều biết đến ý nghĩa của khái niệm uy lực (prestige), nhưng người ta vận dụng nó với nhiều hình thức khác nhau đến nỗi không dễ dàng gì có thể diễn đạt nó theo một cách nào khác. Uy lực hòa đồng với một tình cảm nhất định nào đó như sự khâm phục hoặc sự kính sợ, thậm chí nó còn lấy những tình cảm đó làm nền tảng, nhưng nó cũng có thể tồn tại độc lập không cần đến chúng. Những người đã chết thường lại là những người có nhiều uy lực nhất, có nghĩa là những con người mà ta không còn cảm thấy sợ hãi nữa như: Alexander đại đế, Cäsar, Mohammed, Buddad. Mặt khác dường như những con người hoặc hình tượng mà chúng ta không hề ngưỡng mộ, ví dụ như những vị thần ghê tởm trong các chùa chiền trong lòng đất ở Ấn độ cũng có một uy lực cực mạnh.
Uy lực thực ra là một kiểu quyến rũ, mà một người có tên tuổi, một tác phẩm, hoặc một ý tưởng đã vận dụng nó vào chúng ta. Sự quyến rũ này đã làm tê liệt mọi khả năng nhận xét của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng tràn ngập sự ngạc nhiên và kính phục. Những tình cảm được gợi nên kiểu như vậy cũng là điều không thể nào giải thích nổi, giống như tất cả mọi thứ tình cảm khác, nhưng dường như chúng đều thuộc về cùng một dạng tương tự như sự kích hoạt do một nhà thôi miên điều khiển. Uy lực là suối nguồn lớn của tất cả mọi quyền hành. Các thánh thần, các vua chúa và phụ nữ nếu không có nó có lẽ chẳng bao giờ họ có thể điều khiển được ai.
Người ta có thể gom tất cả các loại uy lực vào hai nhóm chính: nhóm uy lực thu lượm được và nhóm uy lực cá nhân. Nhóm thu lượm được là nhóm các uy lực sinh ra từ danh tiếng, từ sự giàu có và uy tín. Nó có thể không phụ thuộc gì vào nhóm uy lực cá nhân. Nhóm uy lực cá nhân ngược lại là một cái gì đó thuộc về cá nhân và nó có thể tồn tại cùng với uy tín, danh tiếng và giàu có hoặc nhờ chúng mà trở nên mạnh mẽ, nhưng uy lực cá nhân cũng hoàn toàn có thể tồn tại độc lập không hề phụ thuộc vào những thứ đó.
Uy lực thu lượm được hoặc giả tạo là thứ uy lực phổ biến nhất. Chỉ cần, ai đó được nhận một chức vụ nào đó, có một tài sản nào đó, một chức danh nào đó, cũng đã tạo nên một vòng hào quang rực rỡ của các ảnh hưởng, cho dù giá trị cá nhân của nó thấp bé chừng nào. Một người lính trong bộ quân phục, một quan tòa trong bộ áo choàng màu đỏ luôn có một uy lực. Pascal đã giải thích sự cần thiết của áo choàng và tóc giả của các quan tòa một cách rất chính xác: không có chúng họ sẽ mất đi một phần rất lớn uy quyền. Kẻ theo chủ nghĩa xã hội có tính cách dữ tợn nhất cũng giao động trước cái nhìn của một vị lãnh chúa hoặc một bá tước, và để có thể lừa được một nhà buôn một cách tùy thích thì chỉ cần quàng môt chức danh giống như thế là đủ.
Người ta thấy kiểu tác động của chức danh, băng choàng danh dự, và đồng phục vào đám đông ở tất cả các nước, ngay cả ở những nơi mà sự yêu chuộng đối với độc lập cá nhân đã nảy nở một cách mạnh mẽ. Để làm sáng tỏ điều này, tôi dẫn ra đây một đoạn thú vị trong quyển sách mới gần đây của một du khách, nói về ảnh hưởng của tính cách cá nhân ở Anh: "Nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau đã làm cho tôi có thể tin vào sự ngây ngất của những người Anh bình thường khi được tiếp xúc với một nhà quý tộc hoặc qua cái nhìn của ông ta.
Với điều kiện là sự phô trương của ông ta phải tương xứng với chức danh của ông, họ yêu mến ông ta ngay từ giây phút đầu, và với sự có mặt của ông ta, họ chấp nhận tất cả mọi thứ của ông ta với một niềm sung sướng. Người ta thấy họ đỏ mặt lên vì cảm động, khi ông ta tiến lại gần, và khi ông ta nói chuyện với họ, nó lại càng làm tăng thêm cái cảm giác hạnh phúc, tăng thêm sắc đỏ trên khuôn mặt họ, và nó làm cho ánh mắt của họ rực sáng lung linh. Họ có nhà vua trong máu của mình, ta có thể nói như vậy, như người Tây Ban Nha có các điệu nhảy, người Đức có âm nhạc và người Pháp có cách mạng. Sự say mê của họ dành cho ngựa và cho Shekespeare cũng không được nồng nhiệt như thế, sự bằng lòng và hãnh diện về điều đó cũng thấp hơn. Quyển sách về quý tộc đã được bán ra với số lượng lớn, và người ta thấy chúng trong tay tất cả mọi người giống như là quyển kinh thánh vậy."
Uy lực, như tôi đã nói ở trên đây, được vận dụng bởi các cá nhân; người ta có thể đặt uy lực bên cạnh cá nhân đó, là cái do các quan điểm, các tác phẩm văn học hoặc do nghệ thuật... tạo nên. Nó chỉ dựa trên sự lặp lại được tích cóp. Do vì lịch sử, lịch sử văn học, và lịch sử nghệ thuật chỉ là sự nhắc lại của cùng một đánh giá, mà không ai muốn kiểm chứng lại nó, thế cho nên cuối cùng là ai cũng lặp đi lặp lại những điều mà họ đã từng học trong nhà trường. Có những cái tên, những sự vật nhất định chẳng có ai dám đả động đến chúng. Đối với một độc giả hiện đại thì thiên anh hùng ca của Homer là một sự ngán ngẩm cực độ không có gì để bàn cãi thêm, nhưng thử hỏi ai dám nói ra cái điều đó? Đền Parthenon trong trạng thái hiện nay chỉ là một sự đổ nát chẳng có gì thú vị, nhưng nó có một uy lực đến nỗi khi ngắm nhìn nó người ta bắt buộc phải đồng thời xem xét tất cả mọi cái đi theo của các hồi ức lịch sử. Đây là tính chất riêng biệt của uy lực, khi nó ngăn cản các sự vật được nhìn nhận như bản thân của chúng, và khi nó làm tê liệt mọi khả năng phán xét của chúng ta. Các đám đông luôn luôn, còn người độc lập thì phần lớn, có đòi hỏi phải có những quan điểm sử dụng được ngay. Sự thắng thế của các quan điểm này không phụ thuộc vào sự thực hoặc sự nhầm lẫn chứa đựng trong chúng, mà hoàn toàn và duy nhất chỉ là do dựa vào uy lực của chúng.
Bây giờ tôi chuyển qua uy lực cá nhân. Nó có sự cấu thành hoàn toàn khác so với các uy lực giả tạo hoặc thu lượm. Nó không phụ thuộc vào tất cả các loại chức danh, tất cả các kiểu uy tín. Số ít những người có uy lực kiểu như vậy đã có một tác động thực sự là thu hút và màu nhiệm vào môi trường xung quanh họ, và cả vào sự bình đẳng xã hội nữa, và người ta tuân phục họ như những con thú hoang dã thuần phục kẻ chế ngự chúng, những kẻ mà chúng dễ dàng nuốt chửng.
Những ví dụ về uy lực cá nhân
Những lãnh đạo lớn của đám đông như Buddha, Jesus, Mohammed, Jeanne d'Arc, Napoleon đều có một ảnh hưởng kiểu như vậy ở tầm vóc cao và đặc biệt qua đó họ đã tạo nên cho mình một uy tín lớn. Họ không cho phép ai giải nghĩa về các thánh thần, các anh hùng và các giáo lý; chừng nào họ cho phép như vậy cũng có nghĩa là họ tự đào hố chôn mình. Những nhân cách lớn, như tôi đã nêu ở trên, họ có được cái quyền lực mê hoặc ngay cả từ trước khi họ trở nên nổi tiếng, và nếu không có nó họ cũng không thể nào nổi tiếng được. Ví dụ, rõ ràng, rằng Napoleon trên đỉnh cao vinh quang của mình, riêng với quyền lực có được ông ta đã tạo cho bản thân một ảnh hưởng cực kỳ lớn, nhưng những ảnh hưởng đó một phần ông ta đã có sẵn từ những ngày đầu của con đường sự nghiệp, khi mà ông ta chưa có chút quyền lực trong tay và vẫn còn là một kẻ hoàn toàn vô danh. Khi mà ông ta còn là một ông tướng không tiếng tăm, được tiến cử giữ chức tư lệnh quân đội Ý, ông ta đã phải đối mặt với các tướng lĩnh thô lỗ, những người chủ mưu tổ chức một cuộc đón tiếp phủ đầu đầy đe dọa giành cho ông ta, và họ đã coi ông ta là một kẻ đột nhập non nớt và là người mà bộ chỉ huy cấp trên ép họ phải phục tùng. Nhưng ngay từ phút đầu tiên của lần tiếp xúc đầu tiên, không có những lời khuôn sáo, không có những cử chỉ, không có sự đe dọa, chỉ với một cái nhìn đầu tiên của một con người vĩ đại trong tương lai, tất cả họ dường như lập tức bị thuần phục. Taine đã thuật lại cho chúng ta theo hồi tưởng của những người đương thời về cuộc giáp mặt thú vị đó: "Các tướng lĩnh sư đoàn, trong số họ có Augereau, một con người dũng cảm và từng trải, tính cách thô lỗ, luôn hãnh diện với tầm vóc cao lớn và tính quả cảm của mình, họ cùng tiến vào đại bản doanh và đều có chung ý định chống đối kẻ nhỏ con mới nổi lên, được người ta cử đến từ Paris. Theo mọi người được nghe tả lại thì Augereau lúc này khí thế rất thù nghịch, ngay từ đầu đã thể hiện sự hỗn xược: một thằng nịnh bợ Barras, một viên tướng của sự kiện Vendémiaire, một viên tướng của đường phố mà người ta nhầm tưởng đó là một con lợn nhồi bông, bởi vì lúc nào nó cũng nghĩ, nó cần phải có một khuôn mặt nhỏ nhắn và nó phải luôn làm sao cho xứng với cái danh một nhà toán học, một kẻ mơ mộng. Họ sẽ đón tiếp và Bonaparte để cho họ chờ đợi. Cuối cùng ông ta xuất hiện, kiếm đeo bên mình, đầu đội mũ, phổ biến kế hoạch, ra mệnh lệnh và sau đó từ biệt. Augereau câm như hến suốt buổi, mãi đến khi ra ngoài mới bừng tỉnh và lấy lại được thói quen chửi bới hàng ngày của mình, ông ta và Massena đồng ý với nhau một điểm, đúng là cái viên tướng quỷ quái choắt con này đã dạy cho họ thế nào là lễ độ; ông ta không thể nào tự giải thích nổi cái ảnh hưởng, mà ngay từ ánh mắt đầu tiên ông ta đã cảm thấy mình bị đè bẹp như thế nào."
Khi Napoleon đã trở thành một con người vĩ đại, ảnh hưởng của ông ta lớn dần theo với vinh quang mà ông ta đạt được, nó có thể sánh ngang với ảnh hưởng mà những bậc thánh thần khi tác động vào tín đổ của họ vậy. Tướng Vandamme, một nhà cách mạng từng trải, còn thô bạo và nóng nảy hơn cả Augereau, đã nói trong một ngày của năm 1815 với thống chế d'Ornano khi họ cùng bước lên cầu thang của điện Tuileries:
"Bạn thân mến, cái thằng quỷ này cứ như là nó dùng phép mê hoặc đối với tôi, không thể hiểu ra sao nữa. Nó làm tôi mê hoặc đến mức không còn cảm thấy sợ hãi một cái gì ngay cả thánh thần lẫn ma quỷ, cứ đứng cạnh nó là lại thấy mình bắt đầu run lên như trẻ con, và cảm thấy như nó có thể ép được mình chui qua lỗ kim để nhảy vào lửa vậy."
Kiểu mê hoặc như vậy, tất cả mọi người gần gũi với Napoleon đều bị ông ta tác động.
Hoàng đế hoàn toàn lượng biết tác động của mình mạnh đến đâu và biết cách làm gia tăng nó, bằng cách ông ta đã đối xử với những bậc danh tiếng quanh mình còn tồi tệ hơn là đối xử với những người chăn bò, mà trong đám họ không ít người là những nghị viên nổi tiếng đến nỗi cả châu Âu phải khiếp sợ. Những tường thuật đương thời đã viết đầy rẫy các sự kiện kiểu như vậy. Ngày nọ Napoleon trong một hội nghị của hội đồng nhà nước, đã mắng Beugnot một cách thô lỗ chẳng khác gì cách người ta hành xử đối với một kẻ hầu vụng về: "Thế nào bây giờ hả ông, cái đầu đần độn vĩ đại, ông đã tìm thấy lại cái đầu của ông chưa?"
Đáp lại, Beugnot, một kẻ cao lớn như cột cờ, đã cúi gập mình thật thấp, và người đàn ông nhỏ con kia giơ tay kéo tai anh chàng to lớn, như Beugnot viết: "Một dấu hiệu của sự khích lệ ngây ngất, một cử chỉ tin cậy của một của một ông chủ nói năng ân cần."
Những thí dụ như vậy cho thấy một khái niệm rõ ràng về mức độ nhạt nhẽo mà uy lực có thể tạo nên; nó đã làm cho ta hiểu được sự khinh bỉ vô cùng lớn của những kẻ chuyên chế đối với những con người xung quanh ông ta.
Davoust đã nói, khi ông ta nói về lòng trung thành của Maret và của ông ta: "Nếu hoàng đế nói với hai chúng ta: Quyền lợi chính trị của tôi đòi hỏi phải phá hủy Paris mà không để cho một ai biết và rời khỏi thành phố, thì Maret, mình tin chắc là anh ta sẽ giữ bí mật điều ấy; nhưng anh ta có lẽ không kìm được việc phải vi phạm điều đó để quyết định cho gia đình rời khỏi thành phố. Nhưng tôi thì sợ là sẽ tiết lộ một cái gì đó, nên có lẽ phải để cho vợ và các con tôi ở lại trong thành phố."
Người ta phải nghĩ tới sự mê hoặc của cái quyền lực đáng ngạc nhiên đó, nếu muốn hiểu cuộc hồi hương tuyệt diệu từ đảo Elba, sự chiếm lĩnh một cách nhanh chóng toàn bộ nước Pháp bởi một con người đơn độc, đã phải chiến đấu chống lại tất cả mọi lực lượng có tổ chức của một đất nước rộng lớn, một con người mà người ta cho rằng đã quá mỏi mệt với sự chuyên chế của nó. (Dịch ngược, đáng lẽ phải là, "đất nước mà người ta cho rằng đã quá chán ngán sự chuyên chế của ông ta"). Chỉ cần một cái nhìn, tất cả những tướng lĩnh được cử tới và thề bắt cho được ông ta đều trở nên thuần phục không một chút chống đối.
"Napoleon lên đảo Elba hầu như có một mình và trở thành một kẻ kẻ tị nạn của đảo nhỏ này thuộc quốc vương Pháp," tướng Wolseley viết, "và từ chốn đó ông ta khởi đầu cuộc lật đổ toàn bộ chính thể Pháp trong vòng một vài tuần không hề có sự đổ máu để trở thành ông vua chính thức; đã có bao giờ quyền lực cá nhân của một con người xứng đáng để thán phục hơn thế? Đáng kinh ngạc làm sao cái quyền lực mà ông ta vận dụng từ buổi ban đầu cho đến phút cuối của cuộc đời chinh chiến, và đây là trận cuối cùng, ngay cả đối với đồng minh, bằng cách ông ta đã ép họ chấp nhận những quyết định của mình; chỉ một chút xíu nữa thôi là ông ta có thể nghiền nát họ!"
Uy lực của ông ta vẫn còn sau khi ông qua đời và nó tiếp tục lớn lên. Nó đã giúp cho người cháu không tên tuổi của ông ta trở thành hoàng đế. Ngày nay qua sự tô điểm lại các huyền thoại về ông người ta thấy được cái bóng vĩ đại này còn mạnh mẽ dường nào. Hành hạ con người, tàn sát cả triệu mạng sống, dẫn đến hết cuộc xâm lăng này đến cuộc xâm lăng khác của kẻ thù, tất cả những cái đó các bạn đều được phép, nếu như các bạn có đủ uy lực và có đủ tài để giữ cho uy lực đó luôn tồn tại.
Chắc chắn ở đây tôi đã nêu ra một trường hợp ngoại lệ đặc biệt, nhưng nó thích hợp cho việc hiểu biết quá trình phát triển (lan tràn, sinh sôi nảy nở) của các tôn giáo lớn, các học thuyết và các đế chế. Không có cái sức mạnh mà uy lực tác động vào đám đông, sự phát triển đó có lẽ vẫn là điều chưa hiểu được. (Tối nghĩa, đáng ra phải dịch là, "sẽ không có cách nào hiểu nổi sự lan tràn đó".)
Đánh mất uy lực
Nhưng uy lực không chỉ hình thành nên từ uy tín cá nhân, từ vinh quang chiến trận, từ sự sợ hãi tôn giáo, nó cũng có thể có một nguồn gốc không mang một ý nghĩa nào cả và tuy thế nó cũng rất mạnh mẽ. Thế kỷ 19 đã cho ta nhiều thí dụ về điều này. Một thí dụ trong đó, mà thế giới sau đấy thỉnh thoảng còn nhắc đến, đó là câu chuyện về một người đàn ông nổi tiếng, đã làm thay đổi bộ mặt của trái đất và các quan hệ buôn bán giữa các dân tộc, bằng cách ông ta đã tách hai phần châu lục ra khỏi nhau. Ông ta hoàn tất công cuộc của mình với một ý chí vô cùng lớn, nhưng đồng thời cũng nhờ cả vào sự mê hoặc mà ông ta tác động tới môi trường xung quanh mình. Để có thể chiến thắng sự nhất trí của những người chống đối, mà ông ta đã nhận thấy trước đó, ông ta chỉ cần xuất hiện, nói ngắn gọn và đối phương như thể bị ông ta bỏ bùa mê, cuối cùng lại trở nên những người bạn của ông. Dân chúng Anh chống lại dự định của ông ta với cả một sự giận dữ; ông ta chỉ cần xuất hiện ở Anh là có thể lấy lại được mọi sự ủng hộ của họ. Sau này, khi ông ta đến Southampton, các nhà thờ đã đổ chuông mỗi khi ông đi qua. Khi đã chiến thắng tất cả, con người và công việc, ông ta tin rằng chẳng còn có gì có thể ngăn cản được ông và ông ta lại muốn tiếp tục vận dụng những phương cách như thế cho việc đào tiếp kênh Panama.
Nhưng cái niềm tin có thể dời núi, chỉ có thể thực sự dời được núi, nếu như núi không quá cao. Những ngọn núi đã phản kháng và cái tai họa tiếp nối từ đó đã phá nát niềm vinh quang sáng tỏa đã một thời bao quanh người anh hùng. Cuộc đời của ông ta là một bài học về cái ảnh hưởng đã sinh ra và rồi lại có thể mất đi như thế nào. Khi ông ta có thể sánh vai được với những người anh hùng của lịch sử, cũng là lúc ông ta bị nhà cầm quyền của đất nước ông chụp cho cái mũ là kẻ phá hoại bỉ ổi. Sau khi qua đời quan tài của ông được chở đi trong cô đơn, qua những đám đông thờ ơ, hờ hững. Chỉ có những nguyên thủ ngoại quốc tưởng nhớ đến ông và gởi lời kính viếng.
Một tờ báo nước ngoài, tờ "Neue Freie Presse" của thủ đô nước Áo, nhận sự kiện Lesseps qua đời đã có những nhận xét rất sắc sảo về mặt tâm lý, thấy cũng nên được trích dẫn ra ở đây: "Sau vụ kết án Ferdinands von Lesseps người ta không còn có quyền ngạc nhiên gì về cái kết cục buồn thảm của Chiristoph Columbus nữa. Nếu Lesseps là một kẻ lừa đảo, thì mọi sự lừa dối cao quý đều phải là tội phạm. Nếu ở thời thượng cổ thì người ta đã vinh danh ông với vòng nguyệt quế và để cho ông ta uống cạn chén nước tiên trên đỉnh Olympus, bởi vì ông ta đã làm thay đổi diện mạo thế giới và đã thực hiện một công trình hoàn thiện tác phẩm của tạo hóa. Qua việc kết án Lesseps, ông chánh án của tòa phúc thẩm đã trở thành bất tử, bởi dân chúng sẽ mãi mãi lôi tên cái con người, đã không biết sợ trước sự xỉ vả của thời đại về việc đã tròng cho một ông già khọm rọm bộ áo tù, mà cuộc đời ông ta đã mang lại vinh quang cho những người cùng thời.
Người ta luôn nói với chúng ta về việc không được bẻ cong luật pháp, lại ở đúng cái nơi mà sự căm thù một cách quan liêu chống lại tất cả những sứ mệnh vĩ đại và táo bạo đang ngự trị. Nhân dân cần đến những người đàn ông dũng cảm, tin ở chính mình và không chú trọng đến cái tôi để chinh phục tất cả những gì khó khăn trở ngại. Thiên tài không thể thận trọng, với sự thận trọng sẽ không bao giờ nới rộng được cái giới hạn hoạt động của loài người... Ferdinand von Lesseps đã biết đến cái say sưa của sự chiến thắng và cái đắng cay của sự thất bại: Suez và Panama. Ở đây tính nết chống lại đạo đức của thành công. Khi mà Lesseps nối liền được hai đại dương, tất cả các lãnh chúa và các dân tộc đã tỏ lòng kính trọng ông; ngày nay, do ông bị tai nạn đắm tàu tại vách đá vùng Cordillerie, ông bỗng chốc trở thành kẻ lừa đảo bỉ ổi. Đó là cuộc chiến của các giai cấp trong xã hội, những kẻ quan liêu bất mãn và những quan chức, đã sử dụng luật pháp để trả thù những ai muốn vươn lên trên những người khác. Những nhà lập pháp hiện nay trở nên rất khó nói khi giáp mặt với những ý tưởng to lớn của trí tuệ loài người, dân chúng lại càng hiểu về nó ít hơn, và công tố nhà nước cảm thấy dễ dàng chứng minh được Stanley là một kẻ ám sát và Lesseps là một tên lừa đảo."
Song những thí dụ khác nhau, được dẫn ra như trên, chỉ thể hiện những trường hợp đặc biệt. Để có thể lập luận một cách chính xác về tâm lý học của uy lực, chúng phải được đặt vào vị trí biên của một dãy các ví dụ gồm những người sáng lập lập ra các tôn giáo cho đến những công dân bình thường, những người đã tìm cách gây ảnh hưởng đến hàng xóm của mình qua ngay cả với một bộ quần áo mới hoặc một danh hiệu nào đó.
Giữa những thành phần ngoài cùng của dãy này là tất cả các loại uy lực trong tất cả mọi lĩnh vực văn hóa khác nhau: khoa học, các thể loại nghệ thuật, văn học... và điều đó cho thấy uy lực là nguyên tố cơ bản tạo nên sự tin tưởng. Sinh thể, ý tưởng hoặc sự việc nào có uy lực phát tỏa, do ảnh hưởng qua truyền nhiễm của chúng, lập tức chúng sẽ được bắt chước, và chúng sẽ quyết định kiểu cảm nhận, cách thức diễn đạt ý nghĩ đối với cả một thế hệ con người. Hơn nữa sự bắt chước thường xảy ra một cách vô ý thức, và chính điều này làm cho nó trở nên hoàn hảo. Những họa sĩ hiện đại, phục chế lại những những tranh có mảng màu mờ nhạt và những tư thế cứng nhắc được vẽ bởi những con người nguyên thủy nào đó, không biết gì đến nguồn cảm hứng của chúng, họ quá tin vào tính trung thực của họ, đến nỗi người ta có lẽ sẽ mãi vẫn chỉ biết về những mặt ấu trĩ và chưa hoàn thiện của chúng, giả như nếu không có một bậc thầy xuất sắc làm sống lại loại hình nghệ thuật đó. Những kẻ bắt chước theo mẫu của một nghệ sĩ phục chế danh tiếng, khi phủ lên phông vẽ của họ những bóng màu tím, hẳn đã không nhìn thấy cái màu tím trong tự nhiên như người ta trước đó năm mươi năm đã nhìn, nhưng rõ ràng họ đã bị ảnh hưởng bởi cái ấn tượng cá nhân đặc biệt của một họa sĩ, người đã có một uy lực lớn. Trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều có thể dễ dàng chỉ ra những ví dụ kiểu như vậy.
Ta thấy, như đã trình bày trên đây, rằng có thể có rất nhiều yếu tố tham dự vào sự hình thành nên uy lực. Một trong những yếu tố đó thường là sự thành công. Mỗi một con người đạt được sự thành công, mỗi một ý tưởng trở nên thắng thế, những cái đó cũng đã đáng để được kính trọng.
Uy lực biến đi luôn đúng vào cái thời điểm xảy ra sự thất bại. Người anh hùng, ngày hôm qua còn được đám đông tung hô, ngày mai sẽ bị chính họ phỉ nhổ nếu như số của ông ta đã đến. Uy lực càng lớn, thì sự đổi chiều càng mãnh liệt. Đám đông lúc đó coi người anh hùng thất thế cũng chỉ còn là kẻ bằng vai phải lứa với họ và họ sẽ trả thù cho cái sự đã từng phải thần phục kẻ hơn mình, mà giờ đây đối với nó họ chẳng còn chút kính trọng nào nữa. Khi mà Robespierre ra lệnh chặt đầu những đồng nghiệp và số đông các đồng chí của ông ta, ông ta đang có một uy lực vô cùng lớn. Sự xê dịch một số ý kiến biểu quyết đã lấy đi của ông lập tức cái uy lực đó, và sau đó đám đông đi theo sau ông đến đoạn đầu đài với vố số lời nguyền rủa y như ngày trước đó họ đã từng làm đối với những nạn nhân của ông ta. Các tín đồ luôn đập nát trong cơn tức giận những hình tượng thánh thần của họ trước đó.
Sự thất bại bị phát hiện đã làm cho uy lực mất đi nhanh chóng. Nó cũng có thể bị hao mòn, do việc người ta bàn luận về nó; điều này xảy ra chậm hơn, nhưng chắc chắn. Cái uy lực một khi đã bị đem ra bàn luận sẽ không còn là uy lực nữa. Thánh thần và con người, kẻ nào có ý thức về việc giữ cho uy lực của mình tồn tại dài lâu, sẽ không bao giờ dung thứ cho các kiểu bàn luận. Ai muốn được đám đông ngưỡng mộ, người đó lúc nào cũng phải nên giữ một khoảng cách đối với họ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top