chương 1- phần 3
§5. Quốc hội
Quốc hội thuộc vào nhóm đám đông không đồng nhất, có danh tính. Mặc dù thành phần của nó thay đổi tùy theo thời đại và dân tộc, nhưng luôn có rất nhiều những đặc tính giống nhau. Ảnh hưởng của giống nòi trong trường hợp này tuy cũng đã làm cho sự giống nhau đó giảm đi ít nhiều trông thấy, nhưng vẫn không thể ngăn cản được các đặc tính đó hình thành. Quốc hội ở tại các nước khác nhau như Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ tỏ ra rất giống nhau trong các cuộc thương lượng và biểu quyết và đều đã để cho các chính phủ phải một mình chiến đấu với với chính các khó khăn đó.
Vả lại các chính phủ nghị viện đều mang trong mình nó lý tưởng của các dân tộc văn minh hiện đại. Nó là sự thể hiện những ý nghĩ sai về mặt tâm lý nhưng lại được mọi người chấp nhận, rằng khả năng một tập hợp của nhiều con người để ra một quyết định thông minh và độc lập trong một trường hợp nào đó sẽ lớn hơn nhiều so với tập hợp của một số ít người.
Trong quốc hội ta cũng tìm thấy lại những đặc tính của đám đông, đó là: tính phiến diện của các ý tưởng, tính dễ bị kích động, tính dễ bị lôi cuốn, tính dao động mạnh về tình cảm, chịu ảnh hưởng quá lớn của lãnh đạo. Nhưng do sự hợp thành đặc biệt của nó, đám đông nghị viện cũng có những đặc tính riêng biệt. Chúng ta sẽ xác định ra chúng ngay bây giờ.
Dĩ nhiên tôn chỉ, mục đích của mỗi một đảng là khác nhau; nhưng chỉ riêng bởi sự hợp nhất của các thành phần thành đám đông, những phần tử riêng biệt trong họ sẽ có xu hướng đánh giá quá cao những tôn chỉ mục đích đó và cố gắng thúc đẩy chúng đến tận giới hạn của những hậu quả. Hơn nữa quốc hội chủ yếu đại diện cho những quan điểm cực đoan nhất.
Dạng hoàn thiện nhất của sự phiến diện của quốc hội đã được những người Jacobin hiện thực hóa trong cuộc cách mạng Pháp vĩ đại. Do bởi họ, tất cả đều là những người giáo điều và suy luận lôgic, trong đầu đầy ắp những sự tầm thường và sáo rỗng, vì thế họ đã cố gắng một cách vô tư khi vận dụng và thực hành một cách cứng nhắc các tôn chỉ, mục đích; và người ta đã có lý khi quả quyết, rằng họ đã trải qua cách mạng mà không hề nhìn thấy nó. Họ ảo tưởng, rằng với một vài tín điều là có thể cải tạo được một xã hội từ gốc lên ngọn và có thể đem lại một nền văn hóa tinh tế trên một nấc thang đã vượt quá từ lâu của sự phát triển xã hội. Sự phiến diện hoàn toàn kiểu như vậy cũng đã thể hiện trong các phương tiện mà họ sử dụng để đạt đến ước mơ của mình. Nhưng thực tế họ chỉ chú trọng đến sự phá nát một cách tàn bạo những gì làm họ khó chịu. Vả lại tất cả họ, những người Girondin, đảng thợ mỏ, những thành viên câu lạc bộ Thermidor đều say sưa về cùng một ý tưởng như vậy.
Đám đông nghị viện rất dễ bị tác động và sự kích hoạt xảy ra ở đây cũng giống như ở các đám đông khác khi mà chúng chịu sự tác động của một lãnh đạo có uy lực. Dù có tài năng như Demosthenes cũng không thể thay đổi được sự biểu quyết của một nghị viên về các vấn đề của hệ thống bảo hộ thuế quan và quyền ưu tiên sản xuất rượu - đó là biểu hiện của các đòi hỏi từ những cử tri có ảnh hưởng lớn. Những tác động cấp thiết của cử tri có một trọng lượng đến nỗi tất cả những tác động khác sẽ bị bỏ qua và một sự kiên định bắt buộc trong các quan điểm sẽ được duy trì.
Trên những quan điểm như vậy được xác định từ trước do bởi các đòi hỏi của cử tri, một nghị viên già của nước Anh đã tự đánh giá một cách rõ ràng như sau: "Trong suốt năm mươi năm tôi có mặt ở Westminster tôi đã từng nghe hàng ngàn lời phát biểu và chỉ có một số ít trong đó đã làm tôi thay đổi quan điểm; nhưng không có một bất cứ điều nào có ảnh hưởng đến sự biểu quyết của tôi cả."
Nhưng đối với các vấn đề chung, như sự hạ bệ một bộ trưởng, sự bổ sung một thuế mới... là những trường hợp không hề có những quan điểm xác định sẵn và sự kích hoạt lúc này có thể gây ra tác động, cho dù không mạnh mẽ như đối với các đám đông thông thường. Mỗi một đảng có người lãnh đạo riêng, tác động của nó đôi lúc có ảnh hưởng mạnh như nhau. Như vậy có nghĩa là người nghị viên đã phải đứng giữa những tác động trái ngược nhau và vì thế không thể tránh được chuyện ông ta sẽ bị dao động. Ở đây thỉnh thoảng người ta thấy ông ta chỉ sau 15 phút đã biểu quyết hoàn toàn ngược lại và đồng ý với việc thêm một điều khoản phụ vào một điều luật mà tác dụng của việc thêm vào này thực ra đã làm mất hiệu lực của điều luật đó: ví dụ như trong công nghiệp điều luật tuyển chọn và sa thải nhân công, và sau đó là những tu chính đã làm cho các biện pháp kia gần như trở nên không chính đáng.
Bởi thế một nghị viện trong mỗi một nhiệm kỳ bên cạnh những quan điểm rất kiên định còn có những quan điểm khác rất dễ thay đổi. Nhưng do vì về cơ bản các vấn đề chung chiếm đa số cho nên sự do dự cũng là điều phổ biến, hơn nữa nó được nuôi dưỡng bởi sự sợ hãi thường xuyên trước việc không thỏa mãn được các đòi hỏi của cử tri, là những ảnh hưởng ngầm mà người lãnh đạo luôn phải biết cách giữ sao cho cân bằng.
Và như thế trong các cuộc giằng co, nếu những người tham gia ngay từ đầu không có những quan điểm được thiết lập một cách chắc chắn thì người lãnh đạo sẽ là người làm chủ tình hình.
Vai trò và quyền lực của lãnh đạo
Rõ ràng cần phải có những người lãnh đạo, bởi người ta thấy họ ở trong tất cả các cơ quan đầu não của các đảng phái trong tất cả các nước. Họ là những ông chủ thực sự của các quốc hội. Tất cả những người tụ hợp lại thành môt đám đông sẽ chẳng biết làm gì nếu không có một người lãnh đạo, chính vì thế cho nên kết quả các biểu quyết nhìn chung chỉ là sự thể hiện quan điểm của một số nhỏ.
Tôi nhắc lại: hiệu quả tác động của những nhà lãnh đạo chủ yếu là do uy lực của họ, chứ rất ít khi do những lập luận. Nếu vì một lý do nào đó họ bị mất đi cái uy lực đó thì cũng là lúc họ cũng không còn có thể tác động gì được nữa.
Cái uy lực lãnh đạo đó chủ yếu là uy lực của cá nhân và hoàn toàn không liên quan gì đến tên tuổi hoặc danh tiếng. Jules Simon đã cung cấp cho chúng ta môt ví dụ hoàn toàn kỳ quặc về vấn đề này, khi ông ta nói về những ông lớn trong quốc hội mà ông ta đã từng chứng kiến:
"Hai tháng trước lễ đăng quang Luis Napoleon vẫn không là gì.
Victor Hugo bước lên bục diễn thuyết. Tuy nhiên ông ta chẳng thu được kết quả nào. Người ta nghe ông như đã họ đã nghe Felix Pyat, nhưng có điều ông ta không được họ tán thưởng nhiều như Pyat. 'Tôi không khoái cái ý tưởng của ông ta,' Vaulabelle nói với tôi về Felix Pyat, 'nhưng ông ta là một nhà văn lớn và đồng thời là một nhà hùng biện của nước Pháp.' Một trí tuệ hiếm có và mãnh liệt của một Edgar Quinet cũng không làm được gì hơn. Ông ta chỉ được quần chúng đón nhận trước lúc khai mạc cuộc họp, nhưng trong cuộc họp thì lại không.
Các cuộc miting chính trị là những chỗ trên thế giới mà ánh hào quang của sự thông thái ít có giá trị nhất. Ở đây người ta chỉ lo làm sao nói năng cho phù hợp với thời cuộc và địa điểm, và làm sao để thể hiện được sự cống hiến của họ giành cho đảng phái chứ không phải cho tổ quốc. Chính điều này đã làm cho Lamartine năm 1848 và Thiers năm 1871 đạt được sự tín nhiệm mà đáng lý ra tầm quan trọng và cấp thiết của vấn đề mới là động cơ thúc đẩy. Khi mối hiểm nguy đã qua đi, sự sợ hãi cũng biến mất cùng với niềm biết ơn."
Tôi chỉ viết lại cái chỗ trong đó đơn thuần chỉ vì những sự kiện xảy ra chứ không vì muốn giải thích chúng, những sự kiện đó chỉ chứng tỏ một vấn đề tâm lý bình thường. Một đám đông sẽ mất đi lập tức cái đặc điểm để trở thành đám đông, nếu nó bắt đầu đòi hỏi các lãnh đạo trả công, cho dù là đó là sự phục vụ của nó là cho tổ quốc hoặc cho đảng. Đám đông, nó thuần phục uy lực của lãnh đạo mà không hề cảm thấy phải có được lợi lộc hoặc phải được đền ơn.
Người lãnh đạo có đủ uy lực cũng sẽ có được cái quyền lực gần như tuyệt đối. Người ta đã từng biết có nghị viên nhờ có uy lực nên đã đạt đến ảnh hưởng cực lớn, nhưng chỉ do vì mắc phải vấn đề tài chính mà đã chịu để mất đi cái ảnh hưởng có được từ bao năm nay. Chỉ cần một dấu hiệu của ông ta là đã có thể có một bộ trưởng bị hạ bệ. Một nhà văn đã viết những dòng sau về tầm ảnh hưởng của ông ta:
"Ông C... chúng ta đặc biệt mang ơn vì đã phải mua Tongkin với cái giá đắt gấp ba lần giá thực của nó, vì chúng ta chỉ có được một vị trí không hề chắc chắn ở Madagaskar, vì đã để bị cướp mất cả một vùng đất ở vùng hạ lưu sông Niger, vì chúng ta đã mất đi quyền thống trị ở Ai cập. Các lý thuyết của ông C... đã làm chúng ta mất đi nhiều vùng lãnh thổ hơn là sự thất bại của Napoleon I."
Chúng ta không phải vì thế mà tức giận lãnh đạo quá mức. Rõ ràng là chúng ta đã phải chịu cái giá quá đắt, nhưng một phần lớn ảnh hưởng của lãnh đạo liên quan tới sự chiều theo ý kiến quần chúng, là cái mà trong các vấn đề thuộc địa hoàn toàn không phải là ý kiến của ngày hôm nay. Rất hiếm khi một lãnh đạo vượt lên trước được ý kiến của quần chúng, mà ngược lại nó hầu như lúc nào cũng vui lòng chấp nhận những sai lầm của họ.
Nghệ thuật diễn thuyết của lãnh đạo
Phương tiện thuyết phục của lãnh đạo, ngoại trừ uy lực ra, là những yếu tố mà chúng ta đã đề cập đến nhiều lần. Để có thể vận dụng chúng một cách khéo léo, người lãnh đạo ít nhất vô thức cũng phải nắm bắt được tâm lý đám đông và biết cách đối thoại với họ như thế nào. Mà trước hết nó phải nhận thức được mức độ huyền diệu của ngôn từ các khẩu hiệu cũng như của các hình tượng. Nó phải có một khả năng hùng biện đặc biệt, xuất phát từ những khẳng định quyết liệt không cần phải chứng minh và rất ấn tượng được bao bọc bởi những hình ảnh có tính phán quyết hoàn toàn chung chung. Kiều hùng biện như vậy ta có thể thấy ở khắp các cuộc họp, hội nghị, và ngay cả ở trong quốc hội Anh, nơi mà được coi là có không khí dung hòa nhất trong tất cả các quốc hội.
"Chúng tôi có thể liên tục quan sát các kỳ thương thảo của hạ viện," nhà triết học người Anh Maine viết. "Ở đó tất cả các cuộc thương thảo xảy ra trong không khí trao đổi của những ngôn từ thô lỗ về mặt ám chỉ, xúc phạm và rất yếu về mặt sáo rỗng. Kiểu phát ngôn này của dạng phát ngôn thường thấy đã gây nên một tác động rất đáng ngạc nhiên vào sức tưởng tượng của một nền dân chủ thuần túy. Nó luôn dễ dàng đạt được sự đồng tình của đám đông bằng những quả quyết chung chung được nhấn mạnh bởi những ngôn từ ngắn gọn, mặc dù chúng không hề chứa đựng một chút sự thật nào và việc hiện thực hóa chúng có thể hoàn toàn chẳng bao giờ làm được."
Câu trích dẫn đó chỉ ra một điều là không nên coi thường ý nghĩa của các ngôn từ chủ chốt. Chúng ta cũng đã từng nhấn mạnh không ít lần về quyền lực đặc biệt của các ngôn từ và khẩu hiệu, rằng chúng cần phải được lựa chọn sao cho có thể gợi nên được những hình ảnh sống động. Câu nói sau của một lãnh đạo trong một cuộc họp cho ta thấy một ví dụ tương đối đầy đủ về vấn đề này:
"Rồi sẽ đến cái ngày mà hôm đó, những nghị viên có lời nói nhỏ nhẹ sẽ được ngồi chung tàu với những kẻ vô chính phủ giết người trên con đường đi đày biệt xứ đến xứ sở của các loại bệnh sốt, khi đó họ sẽ có dịp nói chuyện với nhau và tự thể hiện là hai mặt bù trừ của một trật tự xã hội."
Cái hình tượng được đưa ra quả rõ ràng và chính xác, và tất cả các đối thủ của người diễn thuyết đều cảm thấy bị đánh trúng. Họ bỗng thấy hiện ra trước mắt cái xứ sở của các loại bệnh sốt, thấy cái tàu đã đưa họ tới đó, bởi không lẽ họ cũng thuộc vào cái nhóm được định nghĩa một cách rất mù mờ của các nhà chính trị đang bị đe dọa? Một cảm giác sợ hãi ngấm ngầm như vậy cũng sẽ xâm nhập vào những nghị viên bảo thủ, khi họ bị những lời nói mập mờ của Robespierres ít nhiều mang tính dọa dẫm về việc lên máy chém và họ đã liên tục lùi từng bước trước ông ta do sức ép của nỗi sợ hãi đó.
Tất cả những người lãnh đạo đều có xu hướng sa vào những sự thổi phồng sự việc đến mức kỳ quái nhất. Nhà diễn thuyết mà tôi dẫn ra trong thí dụ trên đây, có thể khẳng định một điều mà không hề có sự phản kháng nào, rằng những chủ nhà băng và các thầy tu đã trả tiền cho bọn đánh bom, và các hội đồng quản trị của các tập đoàn tài chính lớn xứng đáng phải chịu các hình phạt như những tên vô chính phủ. Những biện pháp như vậy lúc nào cũng có được những tác động vào đám đông. Sự quả quyết không sẽ bao giờ là quá mạnh mẽ, giọng nói sẽ không bao giờ bị coi là quá đe dọa. Không có gì có thể làm cho người nghe sợ hãi. Chính những cái trái ngược đó đã làm cho họ sợ bị coi là những kẻ phản bội hoặc đồng phạm.
Khả năng hùng biện đặc biệt này, như đã nói, nó luôn áp đảo trong mọi cuộc hội họp, ở những thời điểm cấp thiết chúng chỉ có ngắn gọn và rõ ràng hơn mà thôi. Về mặt này cũng sẽ rất thú vị khi đọc lại những lời phát biểu của những nhà cách mạng. Họ cảm nhận thấy có trách nhiệm phải liên tục ngừng giữa chừng để nguyền rủa những hành động tội ác và ca ngợi những hành động đạo đức; sau đó họ thể hiện mong ước chống đối lại những kẻ chuyên chế và thề rằng tự do hay là chết. Những người có mặt tất cả đều đứng dậy hoan hô như vũ bão và sau đó lại ngồi xuống một cách rất yên tâm.
Thỉnh thoảng cũng có một lãnh đạo thông minh và có học, nhưng điều này chỉ có hại cho ông ta hơn là có lợi. Sự thông minh giúp cho nắm biết được các mối liên quan của tất cả các sự vật, giúp cho việc hiểu và giải thích chúng, nhưng đó cũng là điều làm cho người ta trở nên yếu đuối và suy giảm năng lực cũng như sức mạnh của niềm tin một cách đáng kể, bởi niềm tin vững chắc là những cái mà các thánh tông đồ cần phải có. Những lãnh đạo lớn của các thời đại, chủ yếu là của những thời đại cách mạng, đều rất kém thông minh nhưng lại gây ra được tác động cực kỳ lớn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top