Chương 2. Thất tinh Bắc Đẩu - Rishi Sage

Chương 2. Thất tinh Bắc Đẩu - Rishi Sage

1.Nắng chiều dần rụi dưới chân núi tuyết sững đọng, buông trả bầu trời ngậm mây một màn đen nhạt nhoè tối.

Dưới triền đồi Núi Trắng, hồ Manas Sarovar [1] tròn như hình mặt trời chứa dòng cam lồ linh thiêng có sức mạnh tẩy uế những vẫn đục của thân tâm trải mềm xuống một long lanh trong vắt. Dòng nước hứng ra từ những giọt nước mắt của thần Brahma rớt đọng, phẳng lặng như chiếc gương soi mây trời lãng đãng. Bao quanh hồ, dọc bãi cỏ xanh trải mềm như tấm thảm, vài bóng chim Putuk lững thững đi trong màn tối lững lờ kéo những căn nhà gỗ hình nấm chìm xám mờ theo bóng núi.

Gần hồ Manas Sarovar, một cây Kalpavriksha [2] thân đỏ xoè những cành to dang rộng như bàn tay người che phủ cả một góc sân. Những chiếc lá màu vàng nổi vân in hình sáu chữ của bài ca chân ngôn về Đức Mẹ phản phất mùi hương hoa quế, đem lại một lắng đọng của Trí Huệ cho những ai chạm vào, những ai ngồi gần bên nó lặng im lắng nghe cái rung động trường dài của thiên nhiên vừa bật khởi.

Utal lẩn vào đêm, lẫn vào lễ đốt lửa thiêng Dhuni. Trong bầu trời đêm trong vắt những ánh sao trời lay động lung linh trên nền mây thẳm xanh, vài người đương lặng lẽ xếp những thanh cũi to, khéo léo sắp đặt chúng xoay quanh một cái lò đá tròn lớn chuẩn bị cho đêm lễ Dhuni.

Từ các ngã đường Ozil, nhiều bóng người, những bước chân nối nhau đổ xuống khoảnh sân dưới thung lũng hồ Manas Sarovar. Họ dần đến, lần lượt xếp thành những vòng tròn, cặm cụi ngồi bao quanh lò đá, chờ đợi.

Một hồi tù vang lên. Từ phía sau, trưởng lão Ozak thứ năm mươi hai trong áo choàng trắng, tay cầm ngọn đuốc rẽ dòng người bước vào. Ánh lửa đỏ hồng nhuộm lên khuôn mặt tiên phong đạo cốt một vẻ uy nghi thần thái. Ông bước đến gần lò. Chân đi trong một điệu bộ gần như múa. Miệng niệm chú lâm râm. Tay thủ ấn quyết. Tay cầm ngọn đuốc đặt dưới những thanh cũi lớn, đốt bừng phả lên một vùng sáng bập bùng trong tiếng nhạc, trong lời hát của “Bài ca lửa tam muội” hợp cùng tiếng tù vừa trỗi lên. Rồi trưởng lão đi vòng quanh đống lửa ba bận, biểu thị cho vòng tròn luân hồi luẩn quẩn không dứt trong tam giới sẽ bị đốt cháy trong ngọn lửa tam muội Kundalini [3] thần thánh.

Lửa tam muội phả bừng

Đốt cháy phàm nhân ngã

Trả lại mỗi cuộc đời

Một bình yên chân ngã

Giữa lúc “Bài ca lửa tam muội” dứt một trường đoạn, những người dự lễ đứng dậy, mỗi người lần lượt vứt bỏ một mảnh vải vào chiếc lò đương cháy đỏ. Họ muốn đốt cháy quá khứ, muốn vứt bỏ những lỗi lầm trong năm qua mà mình phạm phải. Và ngày mai, khi ánh mặt trời hửng sáng dưới chân núi, một cuộc đời mới sẽ đến với người Ozil trong cái nhận thức vừa được tẩy rửa trong ánh tam muội, qua dòng nước cam lồ trong vắt của dòng nước Manas Sarovar bình lặng.

Buổi lễ đốt lửa tàn trên nền trời xanh cao lấp ló những vì sao màu đỏ. Nhiều lưu tinh hiện ra từ chòm sao Bắc Đẩu, rực sáng và rơi xuống đỉnh Utal trong một xao động lạ lùng.

2.Những người dự lễ đã về hết, trưởng lão Ozak thứ năm mươi hai còn phân vân ngồi nán lại bên chiếc lò dầy hơi ấm toả ra những hòn than còn cháy đỏ. Ông nhìn lên bầu trời, những chòm sao lắc lư trong vũ trụ dội về những tiên cơ khiến ông khỏi chạnh lòng, ngậm ngùi trong ánh mắt.

Trưởng lão lặng im lấy một hòn than, cuối xuống vẽ một hình Navagrahas [4], với Mặt trời làm trung tâm, xung quanh tám hành tinh: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và Mặt trăng xoay tròn trong một ảo vũ trụ. Xong, ông ngồi suy tư soi xét.

“Lưu tinh hiện ra từ chòm Bắc Đầu liệu có thiên cơ gì, thưa thầy?”. Sau một hồi lặng im nhìn thầy, vị đại đệ tử Khách Vũ Ba đứng kế bên thắc mắc hỏi trưởng lão.

“Đây là Samhita [5], một môn trong bảy bộ chiêm tinh bí truyền có từ thời Bàn Cổ Manu. Hàng ngàn năm sau đời vua Bàn Cổ, chiêm tinh học được truyền xuống thế gian, nhân loại vì thế mà tránh được nhiều tai kiếp. Nhưng dần dà lòng người sa đoạ, sử dụng chiêm tinh vào mục đích bất hảo nên chiêm tinh chính gốc không còn linh nghiệm và biệt tích ở nhân gian. Đến nay, chỉ số ít những người cam nguyện từ bỏ những dục vọng của một phàm nhân mới có thể hiểu được quy luật xoay chuyển của các hành tinh và tác động của những nguồn năng lượng tàng ẩn trong vũ trụ đến tam giới.”

“Con nên biết, khi mỗi con người khi được sinh ra, trong hơi thở đầu tiên, linh hồn và thể xác của y đã kết nối với 84.000 điểm linh quang của vũ trụ, nơi trung chuyển năng lượng giữa bảy hành tinh và con người. Giống như một trò múa rối, y bị giật dây từ tính cách và nghiệp quả của chính mình được cất giấu trong tàng thức qua vạn kiếp luân hồi.”

“Năng lượng của vũ trụ trong từng chu kỳ riêng của thất tinh sẽ đánh thức tiềm thức, dẫn dắt y tái ngộ với những cá nhân có quan mối quan hệ ràng ruộc với y qua cách đối đãi: yêu thương, mến mộ, thù hận… từ nhiều kiếp trước. Đến đời sống này, nó được mang theo lẫn trong tính cách được chui rèn hay bị ô nhiễm của xã hội, y sẽ tiếp cận và đối xử với họ qua những mối quan hệ mới, qua cách tiếp cận mới.”

“Như thể hai người thù oán nhau từ kiếp trước, sang kiếp này họ vẫn tiếp tục cừu hận nhau một cách vô cớ mà không biết tại sao mình hành động như vậy. Lỗi lầm nhỏ nhặt sẽ được thổi phồng qua những cơn giận dữ và món nợ ân oán sẽ tiếp tục đeo mang sang kiếp tới nếu một trong hai người không học được cách buông bỏ”.

Khách Vũ Ba hỏi lại: “Thưa thầy, làm sao biết được nghiệp quả?”.

“Nghiệp quả, hiểu đơn giản nhất chính là những suy nghĩ và hành động về những mối quan hệ, về vật chất, về danh vọng… không ngừng nảy nở trong đầu của một phàm nhân. Như một vòng tròn quay mãi không dứt, suy nghĩ vẫn tồn tại trong tâm tưởng dù y thức, ngủ, hoặc chết đi… Hễ khi nào một người còn suy nghĩ, còn hành động thì ắt hẵn y sẽ còn chuốc lấy ân nghiệp và oán nghiệp.”

“Các vị thánh nhân ý thức được điều đó và các ngài đã không ngừng chú tâm thiền định để đạt đến trạng thái của Vô Ngã, một giai đoạn tâm trí an định đến mức không còn một suy nghĩ nào bị khuấy động trong tư tưởng”.

Khách Vũ Ba cuối đầu, giọng chân thành: “Con sẽ nghi nhớ những lời thầy dạy”.

Trưởng lão lại đứng lên nhìn về những vì sao trên bầu trời xa.

“Con nên biết vũ trụ có những chu kỳ lớn nhỏ khác nhau vận hành theo quy luật thành trụ hoại không của tạo hoá. Một ngày có đêm và sáng. Một tuần Vasara [6] có bảy ngày. Một năm có mười hai tháng. Một Samvatsaras [7] có sáu mươi năm. Và các chu kỳ lớn khác như Satya Yuga, Treta Yuga, Dvapara Yuga và Kali [8] kéo dài đến hàng tỷ năm đời người.”

“Có sinh tất có diệt. Như hiện nay, đây là thời kỳ cuối của Satya Yuga [9], chủng nhân sắp có thay đổi lớn trong vòng một trăm năm tới.”

Khách Vũ Ba hơi bồn chồn, thắc mắc hỏi: “Thưa thầy, vậy tam giới sẽ có những thay đổi gì?”

“Con thấy thấy không?”. Trưởng lão chỉ tay lên bầu trời, nơi chòm Tula [10] sáng mờ hình móng vuốt con bò cạp. “Vận hội của tam giới đang tụ vào chòm Tula kia! Hoả tinh đến gần Thổ tinh thì sẽ có chiến tranh và chết chóc xảy hiện. Đáng tiếc Kim tinh lại ở quá xa, dầu truyền nhân của Thất tinh Bắc Đẩu Rishi Sage [11] có giáng xuống trần thế thì hi vọng hoa bình của tam giới vẫn mong manh như sợi chỉ mành treo chuông phất phơ trong cuồng phong gió tạc.”

Đôi mắt Khách Vũ Ba hơi sáng lên một hi vọng, anh ta hỏi dồn: “Thất tinh Rishi Sage đã giáng xuống cõi người rồi phải không, thưa thầy?”.

“Có lẽ là họ đang trưởng thành ở cõi người”.

Cả hai thầy trò cùng lặng im nhìn lên bầu trời, trong lòng khắp khởi một hy vọng bình yên sẽ đến như lòng từ bi vốn có từ nguyên thuỷ tạo hoá.

3.Trời đêm sắp tàn.

Trăng non treo chênh vênh trong màn hơi lạnh vờn đuổi trên đỉnh núi Utal, trong bầu trời khuya khép lại một im lặng dài dưới thung lũng Ozil.

Những ngọn đèn trong chánh điện leo lét sáng, rọi lên tám bức tượng hộ pháp một giao hoà sáng tối, tô vẽ thêm cái thâm u huyền bí thần thánh hiện ra trên khuôn mặt vị trưởng lão ngồi kiết già trước bức tranh Mandala đầy sắc màu in trên vách đá phẳng lì.

Khách Vũ Ba ngồi đối diện trưởng lão, vẻ mặt non trẻ chứa đầy những ưu tư hơi cuối xuống trong tư thế thành kính. Anh thoáng nghĩ, sư phụ truyền mình đến chánh đường trong đêm khuya như thế chắc hẵn có chuyện quan trọng sắp giao phó.

“Thầy sắp có việc giao cho con thực hiện”. Trưởng lão lên tiếng.

“Đệ tử xin nghe và cam nguyện sẽ hoàn thành theo ý nguyện của thầy”. Khách Vũ Ba chấp tay xá đáp lễ.

“Từ lúc tổ tiên người Ozil vượt biển xa xôi và đặt chân lên dãi Utal linh thiêng này, những trưởng lão nối tiếp của đền Palik đã thay nhau gìn giữ lời tiên tri cuả thần Ozak như một nhiệm vụ không thể thoái thác. Hàng ngàn năm qua, sự bình lặng vốn có của nhân thế sắp bị xoay chuyển theo nghiệp vận hoạt diệt không thể chối cãi được của tạo hoá.”

“Dầu biết vạn vật có sinh hẵn có diệt nhưng lòng từ bi của các vì thánh nhân ẩn tàng trong tam giới sẽ sắp đặt cho thiện tính trường tồn trong chu kỳ kế tiếp.”

“Nhưng con nên biết thế giới không hề có sự đối lập của thiện tính và ác tính, nó chỉ là một sự vọng tưởng của phàm ngã. Tam độc tham sân si tích chứa càng nhiều trong thế giới này thì sự hoại diệt càng nhanh chóng đến.”

Giọng trưởng lão trầm lắng như một chuỗi diệu âm trãi mềm trên vầng mây ngũ sắc.

Khách Vũ Ba hơi phân vân hỏi thầy: “Thưa thầy, vậy vọng tưởng là gì?”

“Ngày hôm qua con thấy điều gì là hạnh phúc nhất?”. Trưởng lão ôn tồn hỏi.

“Con mong ngày lễ tuyết liên đến sớm”. Khách Vũ Ba trả lời thầy.

“Còn ngày hôm nay con mong mõi vào chuyện gì?”.

“Con mong sớm xong ngày lễ để bớt đi những mệt mõi rã rời”.

Trưởng lão khẻ mĩm cười, nhìn lên bức tượng các vị hộ pháp: “Tâm tư của một phàm nhân không tĩnh lặng như tượng đá, nó luôn xao động như mặt biển khơi không ngừng vỗ sóng, dầu trong lúc con đang thức tỉnh, dầu trong lúc con đang chìm thiếp đi trong giấc ngủ của đêm dài. Như hôm qua con có một ước muốn, hôm nay con lại có thêm một ước muốn nữa và ngày mai con có thêm một ước muốn khác. Khi con nghĩ rằng bản thân mình sẽ thoả mãn khi dựa vào một điều nào đó có được do tìm kiếm được ở bên ngoài nội tâm thì đó là sự vọng tưởng”.

“Một kẻ nghèo khó vọng tưởng tiền bạc sẽ đem lại cho y hạnh phúc. Một kẻ thấp kém vọng tưởng danh vọng sẽ đem lại cho y sự thành công… Nhưng bản chất cuộc đời mỗi người chịu sự chi phối ràn rịt của nghiệp quả, sẽ có rất nhiều thèm khát không thể được đáp ứng nếu y không có một nghiệp lực tốt đẹp được tích tụ từ quá khứ”.

“Bởi không hiểu rõ ràng về nghiệp quả, người ta dễ đổ lỗi sự thất bại của mình do hoàn cảnh, do những tác động bất minh từ người khác. Thù hận và đố kỵ vì thế mà nảy sinh. Nhân giới sẽ mãi chìm trong đấu tranh hỗn loạn bởi rất nhiều sinh linh không thấu triệt được quy luật vận hành của thế giới”.

“Thưa thầy, có phải thế giới được thành hình từ vọng tưởng?”. Khách Vũ Ba hỏi thầy.

“Con có biết, hàng tỷ năm trước, trong thời kỳ đầu của đại tỳ kiếp Satya Yuga. Chúng nhân hãy còn là những cư dân bán thiên luân hồi xuống từ cõi trời do hết phước báu. Chủng nhân ấy không có giới tính, sống thọ hàng ngàn năm, thân hình long lanh trong ánh hào quang ngũ sắc. Họ di chuyển nhanh bằng ánh sáng, sống bằng dưỡng khí, bay đi trong hư không, có được một đời sống rất thanh tịnh”.

“Rồi một số chúng nhân cảm khởi lên lòng nhàm chán cái thế giới của hình, họ thèm muốn tìm kiếm thứ lạc thú khác tồn tại ở cõi ta-bà. Một ngày, chúng nhân đó nhìn thấy những màu đất đẹp đẽ, thơm lạ dưới cõi ta-bà và có ý muốn dùng thử thứ địa tố đó. Họ lấy thử ít đất đặt lên đầu lưỡi, không ngờ vị ngon lan toả, tan hoà vào cơ thể. Thời gian trôi qua, do ái dục chế ngự họ luyến tiếc dùng mãi thứ đất ấy và mất đi ánh hào quang cơ thể, thân xác biến dị đi rất nhiều”.

“Nhiều chúng nhân cùng dùng thứ đất đó nhưng do căn cơ nghiệp quả từng tích tụ mà họ có màu da khác biệt, người sáng láng kẻ thô ráp. Từ đó, trong lòng họ vọng khởi lên cái bản ngã, xem trọng mình, khinh thường người khác. Thế giới vì sanh ngã đó mà biến động, vị đất dần biến mất khỏi cõi ta-bà”.

“Khi loại đất thơm ngon kia trở nên khan hiếm thì lòng tà ác, tranh giành khởi sinh trong lòng chủng nhân.”

“Chủng nhân đó từng ngày từng ngày sa đoạ hơn và lần lượt những thực vật như cây bồ đào, lúa Sali trắng không có vỏ trấu… thay nhau biến mất và nảy mọc. Loại lúa Sali khi đó không cần đến người trồng, hương thơm ngát ngoài đồng. Buổi sáng hái xuống đem nấu, chiều về hạt ấy đã có lại trên cành.”

“Nếu như địa tố và bồ đào là loại tịnh thực thì gạo Sali là thực phẩm cần phải tiêu hoá. Từ đó, cơ thể chủng nhân ấy lại biến đổi, họ có cơ quan tiêu hoá bài tiết và phân biệt nam nữ.”

“Khi chủng nhân đó có giới tính họ khởi sinh sắc dục. Sắc dục sinh luyến ái. Luyến ái sinh gần gũi. Khi gần gủi họ thèm khát tìm kiếm xúc dục. Thèm khát xúc dục làm nảy sinh hoả dục. Hoả dục phát sinh giao hợp. Từ đó, họ muốn cất nhà cửa, quan hệ vợ chồng nảy sinh.”

“Khi có gia đình, chủng nhân ấy trở nên lười biếng. Họ ra ngoài đồng hái thật nhiều gạo Sali đem về nhà tích trữ. Lòng tham sở hữu làm gạo Sali không tự nhiên mọc nữa, chúng nhân bàn nhau phân chia đất đai rồi đem giống Sali trồng trên mảnh đất của riêng mình. Tuỳ vào nghiệp vận mà mùa màng thất thường, gạo Sali thoái hoá thành ra có vỏ trấu”.

“Những người có nghiệp xấu lần lượt luân hồi xuống cõi ta-bà, vì thế mà nghèo giàu, trộm cắp, dối trá, chỉ trích nảy sinh. Từ đó, lòng thù hận lại sinh khởi ở trong lòng chủng nhân đó. Tuỳ vào dục vọng mà cơ thể họ biến đổi thành những hình dạng cơ thể khác nhau, thành ra thế giới bắt đầu có các chủng loài dị biệt như: điểu tộc, thuỷ tộc, long tộc…”.

--------

CHÚ THÍCH:

[1] Manas Sarovar: Hồ nước linh thiêng nằm ở Kailash (Himalayas), trung tâm của thế giới theo thần thoại Ấn Độ và Tây Tạng; nơi bà Maya, mẹ Đức Phật, trong giấc mơ đã đến tắm và thấy một con voi bay xuống từ đỉnh núi đâm vào bà. Các nhà chêm tinh dự đoán bà sẽ sinh ra một vĩ nhân;

[2] Kalpavriksha: Loại cây linh thiên mọc ở cõi trời theo quan niệm của Hindu giáo;

[3] Kundalini: Tam muội chân hoả;

[4] Navagrahas: Gồm chín hành tinh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, Mặt trăng, Mặt trời và hai hư tinh La Hầu và Kế Đô;

[5] Samhita: Một môn chiêm tinh chuyên dự đoán về chính trị, thiên tai, đời sống của người Ấn Độ.

[6] Vasara: Một tuần lễ trong lịch Ấn Độ;

[7] Samvatsaras: Một chu kỳ dài 60 năm trong Âm lịch Ấn Độ;

[8] Satya Yuga, Treta Yuga, Dvapara Yuga và Kali: Bốn chu kỳ thành trụ hoại không trong một ngày của thần Brahma (dài khoảng 4.1 đến 8.2 tỷ năm). Trong khi cuộc đời của thần Brahma dài khoảng 31 đến 40 tỷ năm.

[9] Tula: chòm Thiên Xứng;

[10] Chòm sao này còn được gọi là: Đại Hùng Tinh, Gấu Lớn, Bắc Đẩu, Seven Rishis, Ursa Major;

[11] Trong văn hoá Trung Quốc, Thất Đẩu tinh quân gồm:

Bắc đẩu đệ nhất Dương Minh Tham lang tinh quân

Bắc đẩu đệ nhị Âm Yinh Cự môn tinh quân

Bắc đẩu đệ tam Chân Nhân Lộc tồn tinh quân

Bắc đẩu đệ tứ Huyền Minh Văn khúc tinh quân

Bắc đẩu đệ ngũ Đan Nguyên Liêm trinh tinh quân

Bắc đẩu đệ lục Bắc Cực Vũ khúc tinh quân

Bắc đẩu đệ thất Thiên Quan Phá quân tinh quân

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: