CHƯƠNG 1: TRẤN CHÂU

+,21thang12

Ngày Khởi Tố ra đời, Tây Kinh giáng xuống một trận tuyết lớn.

Hiện tại là tháng Ba năm Hiển Đế thứ nhất, vừa đúng vào dịp xuân bỗng nhiên lại có tuyết lớn, trong thành đồn rằng trời có điềm lạ, liệu trong kinh có oan khuất gì lớn chăng?

Phụ thân của Khởi Tố, Hàn Lãng, vốn là Trung Thư Thị Lang không rõ vì nguyên do gì mà bị giáng xuống làm Tư mã của Trấn Châu. Trấn Châu nằm tận cuối phía Nam của đất nước, ở đây không có sự uy nghiêm hùng vĩ của Tây Kinh, cũng chẳng phồn hoa tự cẩm tựa Đông Kinh, chỉ có những cơn sóng cuồn cuộn và những rặng san hô dài bất tận trên biển. Biếm đến tận đây là hình phạt nghiêm khắc Hoàng đế dành cho vị thần tử đã mạo phạm đến thiên uy.

"Con ra đời tại Tây Kinh." Từ khi Khởi Tố bắt đầu nhận thức, nàng đã nghe phụ thân nói như vậy không biết bao nhiêu lần.

Tại Trấn Châu không dễ gì mua được các loại rượu nổi tiếng của kinh đô nhưng may mắn thay, khí hậu nơi này nóng bức, trái cây rất nhiều. Dân bản xứ liền dùng các loại trái cây ủ thành rượu, tuy không êm dịu tinh khiết như rượu tại kinh đô nhưng cũng dịu ngọt ngon miệng. Hàn Lãng sau bữa ăn thường uống vài chén rượu, khi đã hơi say ông thích cùng Khởi Tố trò chuyện.

Ông thích cùng Khởi Tố đàm luận về Tây Kinh. Luôn luôn mở đầu miêu tả Tây Kinh bằng ngày Khởi Tố ra đời.

"...Con sinh vào tháng Ba, đó là lúc tiết trời Tây Kinh đẹp nhất. Trong kinh cây cối tươi xanh, hoa xuân lộng lẫy, nơi nơi tràn ngập sức sống. Ngoài thành cổ thụ xanh mát, thảm cỏ tươi tốt, rất thích hợp để thưởng ngoạn du xuân. Vừa lúc kỳ thi mùa xuân công bố kết quả, các tân tú tài vui mừng phấn khởi tổ chức đủ loại tiệc mừng. Sau khi tiệc tùng vui vẻ, trong lúc du ngoạn cảnh xuân, giai nhân tài tử gặp mặt nếu có duyên cùng kết đôi ắt sẽ lưu truyền vài giai thoại..." Mỗi lúc ông nói đến đây đều sẽ dừng lại chốc lát, sau đó nhìn sang thê tử bên cạnh, mỉm cười bổ sung: "Ta và mẫu thân con kết duyên như vậy đó."

Khởi Tố nghe không hiểu lắm. Đối với nàng, Tây Kinh là một khái niệm rất xa vời, sự xa lạ này không chỉ về mặt khoảng cách, mà còn chỉ cái ấn tượng xa lạ của nàng đối với quê hương. Nàng không cách nào từ trong miêu tả của phụ thân phác họa ra bộ dáng của kinh đô, cũng chưa từng thấy qua dáng vẻ phồn hoa ấy. Tất cả những gì nàng thấy, chỉ có những con sóng dữ dội vô biên bên các vách đá, ầm ầm cọ rửa những rạn san hô đen như mực. Một Tây Kinh phồn thịnh trong lời nói của phụ thân luôn khiến nàng mơ hồ.

Hàn Lãng biết nàng nghe không hiểu, thường chỉ cười nhạt một tiếng rồi kết thúc câu chuyện. Duy chỉ một lần, ông ôm lấy nàng, nhẹ nhàng thở dài: "Đáng tiếc hôm con ra đời, trong kinh chợt có trận tuyết lớn che đi hết cảnh xuân. Sau liền đến Trấn Châu, sợ là mãi cũng sẽ không thấy lại được..."

Tô Dẫn, thê tử của ông vẫn luôn ngồi cạnh nghe vậy thần sắc chợt ảm đạm, trầm mặc một lát mới khẽ nói: "Nếu chàng bằng lòng, muốn thấy lại được cảnh phồn hoa của kinh đô nào có khó." "Cầu xin bệ hạ thương xót, xem như ta chưa từng phạm lỗi sao?" Hàn Lãng cười lạnh, "còn phải ca ngợi sai lầm tàn nhẫn đó của bệ hạ..."

Tô Dẫn che miệng ông lại: "Con vẫn còn nhỏ, đừng có nói mấy lời này trước mặt con bé."

Hàn Lãng liền im lặng, suốt buổi tối không nói gì chỉ ôm Khởi Tố đi qua đi lại trong phòng. Đến khi Khởi Tố mơ mơ màng màng ngủ trong lòng ông mới mơ hồ nghe ông khẽ nói: "thất phu bất khả đoạt chí dã*..."

Hàn Lãng cuối cùng cũng không thể trở lại Tây Kinh, Khởi Tố lên mười thì ông qua đời. Lúc hấp hối, ông cười khổ nhìn thê tử nói: "A Dẫn, nàng xuất thân cao quý, làm khó nàng cùng ta chịu khổ ở đây rồi..."

Tô Dẫn dịu dàng nắm lấy tay ông, rưng lệ mỉm cười: "Không khổ, có thể cùng chàng bầu bạn là điều may mắn nhất trong cuộc đời thiếp."

"Đáng tiếc...không thể mang mẫu nữ nàng...hồi kinh..." Tay Hàn Lãng khẽ buông xuống. Năm nay ông ba mươi bảy tuổi, đã rời Tây Kinh được chín năm.

Tin tức về cái chết của Tư mã Trấn Châu rất mau đã truyền đến kinh đô tấu lên Hoàng đế.

Do hoàn cảnh đặc thù của Hàn Lãng, Trung Thư Lệnh Nhiễm Huấn, người được cho gọi đến nơm nớp chờ đợi Hoàng đế đọc xong bản tấu. Thật lâu sau, ông mới nghe Hoàng đế khẽ hỏi: "Nhà hắn còn có ai?"

"Hắn có một thê tử họ Tô, con gái của cố Ngụy Quốc Công, xá muội của Kinh Triệu Doãn Tô Mục. Dưới gối có một nữ nhi vừa tròn mười tuổi." Trung Thư Lệnh ngừng một chút lại nói, "Tô Mục nói với thần, thê nữ của Hàn Lãng hy vọng có thể đưa hắn về chôn cất tại kinh đô."

Hoàng đế im lặng gật đầu. Trung Thư Lệnh đoán bệ hạ đã đồng ý liền không nói gì thêm. Thực ra, Hoàng đế không hề bình tĩnh như vậy. Khi trở lại hậu cung, câu đầu tiên ông nói với Hoàng hậu là: "Hàn Lãng đã chết."

Tuy Hoàng hậu không rõ chuyện triều chính nhưng cũng không phải không biết Hàn Lãng: "Tư mã Trấn Châu Hàn Lãng?"

Hoàng đế không trả lời Hoàng hậu mà nói tiếp: "Năm Chiêu Võ mười bảy, Thái Thượng Hoàng tây chinh. Trẫm lúc đó là Đông Cung Thái tử, tuân mệnh giám quốc. Trẫm tuyển chọn hiền tài, mở các khoa thi, Hàn Lãng là người giỏi nhất."

Hoàng hậu ôn tồn trả lời: "Thiếp nhớ rõ, Hàn Lãng năm đó chưa tròn hai mươi mà tài hoa thi phú đã đứng đầu kinh đô. Bệ hạ cũng đối hắn phá lệ yêu quý."

"Đúng vậy, năm đó khoa thi có ba mươi người. Ta coi trọng hắn nhất, dốc sức tiến cử. Không đến mười năm hắn đã được bổ nhiệm vào chức quan trọng yếu, chẳng mấy chốc có thể làm tướng. Không ngờ sau hai mươi tám năm hắn lại làm trẫm thất vọng. Trẫm nhẹ nhàng nhắc nhở hắn, hắn lại cứ ngang bướng hồ đồ!" Nhắc lại chuyện xưa, Hoàng đế không khỏi nghiền ngẫm.

"Đã nhiều năm như vậy, bệ hạ không thể buông bỏ sao?"

"Trẫm làm sao buông bỏ? Trẫm hâm mộ tài hoa của hắn, lệnh hắn rời đi là cho hắn biết trẫm muốn giải hòa. Chỉ cần hắn biết ý một chút, đừng nói là triệu hắn về kinh, dù hắn muốn nhập các bái tướng cũng được, nhưng hắn lại...Trẫm bực vì hắn cố chấp, lại thương hắn tài hoa không được trọng dụng."

Hoàng hậu im lặng, thật lâu sau mới thở dài: "Thiếp cũng từng đọc qua thơ từ của hắn, nhân tài như thế bệ hạ lại không thể trọng dụng, thật sự đáng tiếc. Bệ hạ nếu đã yêu quý Hàn Lãng như vậy có thể thay hắn chiếu cố tử tế người nhà."

"Nhắc đến chuyện này," Hoàng đế nói: "Trẫm nghe nói hắn có một nữ nhi. Chúng ta không có nữ nhi hầu hạ dưới gối, nếu không thì phong làm công chúa, nhận làm nữ nhi của chúng ta. Ý nàng thế nào?"

Hoàng hậu không đáp lời ngay mà trầm ngâm suy nghĩ một hồi mới nói: "Năm xưa Cao Tổ, Thái Tông cũng từng đem con cái của công thần nuôi dưỡng trong cung, ý bệ hạ cũng không có gì quá đáng. Chỉ là chưa từng có trường hợp nào sách phong làm công chúa, nay nếu phong con bé, chỉ sợ sẽ khiến kẻ khác nghị luận, mong bệ hạ suy nghĩ kỹ càng."

Lời Hoàng hậu nói rất khéo nhưng Hoàng đế vẫn lập tức hiểu ý nàng.

Năm đó Hoàng đế biếm Hàn Lãng, tội danh gượng ép lại thiếu chứng cứ rõ ràng. Người sáng suốt đều nhìn ra được nguyên nhân Hàn Lãng bị giáng chức chắc chắn không như những gì Hoàng đế nói, mà có lẽ liên quan đến việc Thái Thượng Hoàng nhường ngôi và án tạo phản của hai vị Thục Vương và Ngô Vương. Hoàng đế xưa nay anh minh, trong cơn tức giận ra lệnh biếm Hàn Lãng, sau vì ngại tôn nghiêm thiên tử cũng không chịu thu hồi mệnh lệnh đã ban ra.

Hàn Lãng xuất thân gia đình quan lại, Hoàng đế vốn nghĩ hắn nhất định chịu không được sinh hoạt gian nan ở Trấn Châu, tất sẽ dâng biểu cầu tình, liền có thể thuận lý thành chương triệu hắn hồi kinh. Không ngờ Hàn Lãng lại cứng đầu, nhiều năm như vậy cũng tuyệt không một câu cầu khẩn. Nay Hàn Lãng lại qua đời ở Trấn Châu khiến Hoàng đế rất đau lòng, mong có thể bù đắp cho người nhà hắn, mới muốn nhận nữ nhi của hắn.

Chuyện của Hàn Lãng luôn là tâm bệnh của Hoàng đế, qua nhiều năm cuối cũng cũng khiến mọi người dần quên đi. Lúc này nữ nhi của hắn lại đột nhiên được phong làm công chúa, chuyện cũ bị khui lại là điều khó tránh khỏi, vậy bao nhiêu năm qua không phải vô ích sao? Vì vậy, Hoàng hậu không thể không nhẹ nhàng ám chỉ chỗ khúc mắc trong đó.

Băn khoăn của Hoàng hậu không phải không có lý, Hoàng đế liền nhụt chí: "Xem ra việc này không thể rồi."

Thấy Hoàng đế buồn bực không vui, Hoàng hậu bèn mĩm cười nói: "Cũng không phải là không được, chỉ là không nên gióng trống khua chiêng. Thiếp sẽ tìm cách lặng lẽ đưa con bé vào cung, không cần phong hào, chỉ để con bé ở bên cạnh thương yêu như nữ nhi ruột là được. Đợi con bé lớn lên, chúng ta chọn một chàng rể hiền, lại tặng nhiều của hồi môn hơn, cho con bé một đời bình yên trôi chảy, chẳng phải là vẹn toàn rồi sao?"

Hoàng đế liền vui mừng, vỗ nhẹ tay Hoàng hậu: "Vẫn là nàng suy tính chu toàn, vậy chuyện này trẫm giao cho nàng."

"Thiếp tất sẽ tận lực." Hoàng hậu vui vẻ đồng ý.

Ở biên cương xa xôi, Khởi Tố không hề biết vận mệnh bản thân đã bị Đế Hậu tại Tây Kinh quyết định cả rồi. Nàng cùng mẫu thân Tô Dẫn mang theo linh cữu phụ thân đang trên đường hồi kinh.

Trấn Châu cách Tây Kinh mấy ngàn dặm, không tránh được ngựa xe vất vả. Khởi Tố không quen lặn lội đường xa, trên đường bệnh nặng một trận. Hai mẫu nữ chống đỡ được đến kinh thì đã qua mấy tháng. Huynh trưởng của Tô Dẫn, Kinh Triệu doãn Tô Mục đích thân ra ngoài thành nghênh đón muội muội cùng ngoại tôn.

Hai mẫu nữ Tô Dẫn từ trên xe bước xuống, mặt Tô Dẫn không giấu được sự mệt mỏi, nữ hài nàng nắm tay cũng có vẻ gầy yếu. Muội muội xinh đẹp như hoa ngày nào nay lại tiều tụy như thế, Tô Mục chợt thấy chua xót, vội vàng tiến lên hai bước kêu: "Muội muội..."

"Ca ca." Tô Dẫn nhìn thấy huynh trưởng, khóc không thành tiếng.

Tô Mục nhìn thoáng qua xe ngựa phía sau thở dài một tiếng: "Trở về là tốt rồi."

Tô Dẫn chậm rãi lau nước mắt, kéo Khởi Tố qua nói: "Lại đây, chào cữu cữu đi con."

"Đây là Khởi Tố nhỉ, lớn vậy rồi." Tô Mục cúi người nhìn.

Khởi Tố e dè gọi một tiếng cữu cữu xong liền im lặng.

"Việc an táng..." Tô Dẫn khẽ hỏi.

"Việc này huynh đã chuẩn bị rồi, vào thành lại nói tiếp."

Tô Dẫn gật đầu, nắm tay Khởi Tố lên xe lần nữa vào Tây Kinh.

Đây là lần đầu tiên Khởi Tố nhìn thấy kinh đô nổi danh này. Nàng nhấc một góc mành lên, tò mò ngắm quanh đô thành mà phụ thân luôn nhắc đến.

Tây Kinh được ngăn thành hai bởi một con đường lớn, có thể chạy song song hàng chục chiếc xe ngựa. Con đường này dẫn thẳng đến kinh thành. Từ cổng thành có thể nhìn thấy đường nét kinh thành trên cao. Các cung điện trang nghiêm nhìn ra toàn kinh đô, như thể luôn theo dõi toàn dân thiên hạ. Các phường trong thành cũng được phân chia gọn gàng bởi những con đường thẳng tắp. Hai bên đường cây hòe xanh um, khắp nơi đều là bóng râm. Cảnh tượng trong phường Khởi Tố không cách nào nhìn thấy, nàng chỉ có thể nhìn phố xá và dòng người chen chúc xô đẩy, có áo vải sĩ tử, cũng có người Địch tóc tai rối bời, còn có những thương gia Tây Nhung mắt sâu cùng chiếc mũi cao mặc áo bào trắng...Những gì phụ thân đã miêu tả lần đầu tiên xuất hiện chân thực trước mắt Khởi Tố.

Tô Dẫn quản giáo nữ nhi rất nghiêm, thường ngày nếu thấy loại hành vi ngó nghiêng này kiểu gì cũng sẽ răn dạy đôi câu. Lúc này chẳng những không quát mắng, còn ôm nàng vào lòng, nhẹ giọng giới thiệu cho nàng những địa điểm nổi tiếng của kinh đô.

Khởi Tố dạt dào hứng thú nghe mẫu thân giới thiệu quang cảnh thành đô. Xe ngựa rất nhanh đã đi qua một phường. Khởi Tố mơ hồ ngửi thấy mùi đàn hương, càng đến gần mùi thơm càng thêm đậm. Nàng nhìn quanh, liền thấy cổ mộc um tùm vượt cả tường ra ngoài. Qua khe lá lộ ra từng mảnh ngói xanh, một hồi âm thanh kinh tụng, phảng phất như truyền ra từ hư vô.

"Đây là chùa An Nghiệp..." Thanh âm Tô Dẫn hơi khác thường: "Nơi ta và phụ thân con lần đầu gặp mặt..."

Nàng ngẩng đầu, phát hiện mẫu thân hiếm khi lộ ra vẻ thẹn thùng nói: "Khi đó chàng vừa thi đậu, trong tiệc Hạnh Lâm được chọn làm Thám hoa lang, phụ trách chọn hoa từ các nơi trong kinh đô cho các bữa tiệc. Hoa mẫu đơn của chùa An Nghiệp đẹp nức tiếng, phụ thân con sao có thể bỏ qua. Ta vừa hay cùng cữu cữu con lên chùa dâng hương, khi ta đi vào vườn hoa thì thấy chàng đang đứng sau những bụi mẫu đơn..."

Nói đến đây thanh âm Tô Dẫn dần nhỏ lại, Khởi Tổ cảm thấy trên má chợt lạnh, hình như có giọt nước rơi trên mặt. Nàng ngẩng đầu lên, phát hiện trên mặt mẫu thân là hai dòng lệ: "đáng tiếc phụ thân con cuối cùng cũng không thể ngắm lại mẫu đơn nơi đây lần nữa..."
                                       —
*đây là một câu trong Luận Ngữ (Tứ Thư) của Khổng Tử:

"三军可夺帅也,匹夫不可夺志也。"

Tam quân khả đoạt soái dã, thất phu bất khả đoạt chí dã.

(Ba quân có thể mất chủ soái, kẻ thất phu cũng không thể mất ý chí. => Ba quân có thể mất đi chủ soái, nhưng trai nam nhi không thể mất đi chí hướng được.) mị hong thích dịch ra :> hihi

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top