nếp cái hoa vàng
Ở cái làng ấy, như mọi cái làng khác ở miền quê đất Việt này, tất là phải có chuyện để mọi lần gặp mặt thì già trẻ gái trai đều lấy ra mà bàn tán. Và ở đây, họ bàn tán chuyện nhà ông nọ qua đời để cho con ruột sống cùng dì ghẻ.
Ừ thì mấy đời bánh đúc có xương, thật sự, cả cái làng này thấy, cả cái huyện này thấy, bà Nếp ác với cái Tấm thật. Thị để cho cô con chồng sáng đến tối chỉ có làm việc. Sớm, con gà trống chưa kịp dậy, đã thấy cô dắt trâu ra đồng. Khuya, nhà nào cũng ngủ cả rồi, vẫn nghe cô ngồi ngoài hiên vá áo. Chưa lúc nào thấy Tấm ngơi tay, cả ngày làm lụng quần quật. Có ai thích thú gì làm việc mệt nhọc đâu, mà sao Tấm vẫn không nghỉ ngơi một chút? Họ nghĩ mãi, rồi họ đoán ngay ra, là do bà Nếp ép nó chứ đâu? Rồi họ lấy đó mà hả dạ lắm, vì tưởng như đã giải thích được một câu hỏi khó khăn. Và thế là cả cái làng này đều thương cho cô Tấm. Nhưng liệu có phải là thật?
Bà Nếp tới giờ cũng đã qua hai đời chồng. Người đầu tiên là một anh kép hát, chạy theo gánh hát mà bỏ thị với cái bụng bầu. Cám ra đời thì mẹ con nó chẳng có nhà cửa mà nằm cho ấm thân nữa. Cứ mãi thế thì không mẹ cũng con chết, bà Nếp nghĩ thầm, rồi thị bồng con ra chợ, thấy ai gọi gì thì làm mướn làm thuê. Đằng đẵng mấy năm, Cám cũng đã nhớn, tự chạy đi chơi một mình được thì lúc đấy mẹ nó được nhà nọ mướn làm người ở. Đó chính là nhà bố con Tấm. Lúc ấy, ông hãy còn đương chức đương quyền, dù là chức quan nho nhỏ nhưng cũng gọi là khá giả rồi. Vợ ông mất khi sinh hạ đứa con gái đầu lòng tên Tấm. Trong căn nhà ba gian, có hai người sao mà thênh thang. Tấm lớn lên nhờ dòng sữa của những bà góa trong làng. Cũng đằng đẵng mấy năm, Tấm không cần đi bú nhờ nữa. Căn nhà ba gian lại loẹt xoẹt tiếng chổi quét sân. Là Tấm đấy, chứ có ai bắt nó làm đâu. Ông thấy con vốn thiếu thốn tình thương, không muốn cho làm nhiều, nên thuê người ở. Biết người đàn bà ấy còn có một đứa con, nghĩ rằng cho con mình thêm bạn, ông gọi luôn hai mẹ con đến nhà mình. Vậy là, nhìn từ ngoài vào, cũng giông giống một gia đình có hai đứa con gái xêm xêm tuổi. Căn nhà ba gian sau hơn năm năm mới có chút hơi người.
Chẳng biết Cám nghĩ ra sao, ấy vậy mà Tấm vẫn nhớ cái ngày đầu tiên thấy dì Nếp - cách nó gọi thị - dẫn theo đứa con đến nhà mình. Tay trái thị đeo cái khăn gói quả mướp đựng lèo tèo vài bộ đồ rách, tay phải dắt tay đứa trẻ lem luốc đang dáo dác nhìn quanh. Tấm nấp sau lưng cha, để ý thấy đôi mắt tròn kia mới thực lanh lợi; tuy suốt ngày chạy nhảy ngoài đồng ngoài chợ nhưng Cám lại có nước da hồng hồng chứ chẳng đen thui như mấy đứa trẻ con khác, lại có cặp má bánh đúc (mà chính sau này Cám bảo là do nó xin bánh đúc ế của quán bà Kiến đầu làng) nhìn mềm mềm, thinh thích. Tấm chỉ nghĩ thế thôi, chứ cũng không để ý nữa. Từ độ ấy, Tấm bắt đầu làm việc nhà cùng dì Nếp của nó. Nó không quý cũng chẳng ghét gì người đàn bà ấy, chỉ thấy thị khổ, mình cũng chẳng sung sướng gì, nên ngoan ngoãn cho dì yên lòng. Cám kém Tấm một tuổi, việc trong nhà chưa kịp đến tay nó đã xong, nên nó chỉ biết chạy ra ngoài chơi với bạn cho mẹ với chị đỡ vướng víu. Dì cháu mẹ con cứ thế ngày ngày quanh quẩn từ sân ra bếp, từ bếp ra chợ, trong nhà cũng có gì vui vui. Ấy là khi Cám hồn nhiên khoe bố Tấm con dế mà thằng trọc làng bên đào cho nó, là khi Tấm cười hiền đưa giỏ tép đầy tôm tươi cho dì nấu bữa tối, là khi bà Nếp thong thả báo cho ông những đồng chi đồng tiêu trong ngày. Ông cười cười, sao mà thấy giống một gia đình quá. Rồi ông thấy Tấm và Cám quấn quít bên nhau, đứa mải nhặt rau đứa lo hát hò, lại thấy bà Nếp mặt đỏ hồng bên bếp lửa. Rồi, ông quyết định đi thêm bước nữa. Với bà Nếp. Và thị cũng đồng ý.
Ngày cưới của một ông góa vợ và một bà góa chồng, chẳng kèn trống gì to tát, chẳng xóm làng đến dự. Chỉ thắp nén hương, dăm ba quả cau lá trầu têm hình cánh phượng, một bữa cơm tươm tất hơn mọi khi. Thị vẫn làm việc nhà cùng đứa con chồng, vẫn nhắc con mình đừng chơi đồng xa, không lộ chút gì bất mãn. Bố của Tấm vẫn có chút áy náy, đêm nọ mới đưa ra cái yếm đỏ, nói là quà hỏi cưới. Đêm trăng thanh ấy, thị cười, mình cũng đâu còn trẻ trung gì mà diện đồ thiếu nữ. Cũng đêm đó, ông thấy bà Nếp vẫn còn lắm mặn mà. Căn nhà vẫn thế thôi, cho tới khi ông bệnh chết. Dịch tả. Hơn nửa làng chết. Có nhà nọ trùng tang. Đám ma đến, căn nhà nhỏ ba gian im lìm, chỉ lờ mờ hương khói. Chẳng ai thèm đến thăm. Mâm cơm cúng đầy điệm mà giản đơn. Cám khóc nấc trên mộ người cứu giúp mẹ con nó. Tấm đỏ hoe con mắt, chỉ đứng gần dụi lấy dụi để. Nó không dám khóc, còn bà Nếp thì nhìn ráo hoảnh tỉnh bơ. Thị vẫn cầm cái yếm đỏ, cất cho hai đứa con gái. Chẳng ai thấy thị về đêm nắm chặt lấy cái yếm rồi lại cất vào hòm.
.
Bẵng đi cũng mươi năm, Tấm và Cám vẫn quấn quít bên nhau mà thành đôi thiếu nữ duyên nhất vùng. Cám hây hẩy căng tràn sức sống, đôi mắt vẫn lúng liếng đưa tình. Khắp làng khắp xóm đều nghe thấy tiếng nói cười của nó. Cám có nét gì tươi tắn lắm, nhưng không đẹp bằng chị. Tấm vẫn lặng lẽ như ngày nhỏ, nhưng càng lớn càng xinh. Xinh một cách lặng lẽ, như trăng im lìm giữa trời đêm mà sáng ngời. Bàn tay nõn nà lại thoăn thoắt vớt bèo thái khoai, đã xinh lại chăm làm. Nhưng mà Tấm xinh quá, người ta thấy cô làm việc mà lo lắng như sợ làm vỡ đóa sen bằng thủy tinh, nên mới quay ra trách bà Nếp rằng cứ sai Tấm làm việc mà để Cám rong chơi mãi. Họ đâu có biết, Tấm tranh hết việc mà làm, để vơi nỗi nhớ về cha mẹ ruột nơi chín suối. Cô vẫn chỉ gọi bà Nếp là dì.
Ngày nọ, Cám rủ chị ra đồng chơi. Ngoài đồng, gió nam thổi, mát lành vào tận ruột. Cám tíu tít nói cười, một tay kéo Tấm đi. Tấm đi chơi không quên việc, mang theo cả giỏ bắt tép hàng ngày đi cùng, nói là tiện tay có gì thì bắt về làm cơm tối. Cám ra đến đồng, chỉ là thấy trời hôm nay xanh quá, không gian thơm thơm mùi lúa còn đương gái, lại thấy đám trẻ chăn trâu thổi sáo đằng xa, liền bỏ Tấm lại mà chạy ra chơi cùng. Tấm nhìn theo em, chỉ biết cười, rồi lội xuống bắt tôm tép. Bắt được lưng giỏ, bỗng có người phi ngựa đi qua. Cô váy nâu lấm láp dưới ruộng, người áo gấm sang giàu trên đường. Bụi đường tán loạn bay, vương cả lên tóc cô. Tấm dừng tay, nhìn theo người đó đi xa. Giá mà mình và dì và em sung túc hơn chút nữa, Cám sẽ được áo gấm đi chơi. Dì sẽ có thuốc chữa thấp khớp, chứ giờ thuốc đó đắt quá, bằng cả gánh gạo. Giá mà sang giàu như thế. Giá à, mẹ cha vẫn còn... Tấm nghĩ vậy, chẳng biết Cám đã chạy tới bên mình từ lúc nào.
"Chị Tấm, chị làm gì mà đứng ngẩn ngơ ra thế??"
Cám cười hì hì, tay giấu sau lưng, còn toan lội xuống cùng thì Tấm ngăn.
"Ấy, em cứ ở đó, để chị lên."
Tấm leo lên được rồi, thấy Cám cười vui vẻ cũng chỉ biết cười theo. Lớn lên cùng nhau, cô lúc nào cũng lẳng lặng nhìn đứa em không cùng cha mẹ của mình. Nó đã phổng phao duyên dáng tự lúc nào, cô đều hay. Chỉ là, không muốn nói ra cho ai biết. Người biết rồi lại đưa Cám của cô đi đâu thì sao?
Cám lại bắt gặp ánh nhìn ngơ ngẩn của chị, rồi đưa bàn tay sau lưng ra. Một con cá bống đang bơi trong bàn tay nhỏ nhắn đang khum khum giữ một chút nước của nó.
"Chị Tấm, em bắt được con bống này, em cho chị đấy!!!"
Tấm nhìn nụ cười hồn nhiên của em, âu yếm định đưa tay lên xoa đầu nó, lại thấy tay mình còn lấm những bùn, đành thu về rồi mở nắp giỏ cho Cám thả con cá vào cùng chỗ tôm tép. Tấm lại chỉ cười hiền:
"Em, mình đi về thôi."
"Khoan khoan, chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng!!"
Tấm ngây người, nụ cười có chút cứng đờ lại. Cám lo chạm tới mình sẽ bị bẩn sao? Thấy Tấm chỉ ậm ừ đứng đó, Cám lại cười, cầm lấy tay chị mình vẫn còn lem luốc, đoạn kéo đi.
"Bùn sình thì có làm sao
Để em đưa chị ra ao gội đầu!!"
Và thế là chiều đó, trong ráng vàng nhàn nhạt cuối trời, Tấm ngồi bên ao, để yên cho Cám nhè nhẹ xối từng gáo nước lên đầu tóc. Chiều đẹp, lại thanh bình. Tấm thơ thẩn mãi rồi về đến nhà, không vội trút tép ra ngay mà ra giếng sau nhà, thả con cá bống Cám cho xuống giếng. Bữa tối ấy, bà Nếp vẫn nghe con mình tíu tít kể chuyện linh tinh, nhưng lại thấy Tấm thẩn thơ cười cười e lệ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top