Chương 1

Chương 1: Đốt Ngón Tay Út.

"Tại vùng đất của thánh thần và quỷ dữ,
Tôi là một thiên thần nhỏ bé.
Đang sống tại khu vườn địa ngục.
Đã làm tất cả những gì cần phải làm,
Nhưng sao mãi mãi, chìm đắm trong khổ đau?"

Trích lời ca khúc 'Gods and Monsters'

"Những câu văn, những dòng chữ mà tôi đang viết ra đây họa chăng là lời xám hối muộn màng của một nhà văn chuyên viết truyện tâm linh. Hay đơn thuần, chỉ là để phơi bầy cái tấm lòng đang vướng bận này. Nếu như các bạn hiểu rõ về cô bé trong truyện, thì các bạn sẽ trách tôi như cô ấy, khi mà tôi là người duy nhất đã cho cô ta một tia hy vọng giữa cái dòng đời nghiệt ngã tối tăm này, rồi cũng chính tôi là kẻ đã dập tắt cái tia hy vọng đó. Có lẽ tôi đã quá may mắn khi mà lúc cô bé đó nhắm mắt xuôi tay, tôi không ở bên cô ấy như cô ấy mong muốn, đã không phải nhìn sâu vào cái ánh mắt đầy tuyệt vọng và vô hồn. Phải chăng linh hồn của tôi đã được cứu vớt khỏi sự mặc cảm tội lỗi? Nhưng dù có nói gì đi chăng nữa, có trải lòng bao nhiêu đi chăng nữa? Thì mặc cảm tội lỗi vẫn đè nặng trên vai, và tôi cũng không thể thoát khỏi việc đã gián tiếp giết chết cô bé đó."

... Mạn đường Lê Duẩn gần khu nhà vệ sinh cũ, thành phố Hà Nội ...

Cô gái trong truyện xin được tạm gọi tên là Tấm, họa chăng đặt cho cô bé cái tên đó là vì số phận của cô bé cũng chẳng khác gì Tấm là mấy, chỉ khác ở điềm là đời nay thì làm gì có vua hay như ông bụt cơ chứ? Làm gì có ai hỏi cái câu hỏi "làm sao con khóc"? Tấm sống với bố mình trên đường Lê Duẩn gần đoạn đường sát cắt ngang đối diện với hàng cháo lòng bà Tiến. Nghe đâu lúc cô mới đẻ ra, mẹ của cô đã bỏ 2 bố con mà đi theo người đàn ông khác ôm mộng giầu sang ở nước ngoài. Bỏ lại hai cha con cô sống cảnh "Mỳ ăn thay miến, gà sống thiến nuôi con". Bố của Tấm có chút tay nghề và sự khéo léo, nên nhà cô có mở một tiệm bán phở từ chiều tới tận đêm muộn, nên là hai cha con vẫn có một cuộc sống ổn định và bố của Tấm vẫn luôn yêu thương cô con gái và lo được cho cô bằng bạn bằng bè. Cái cuộc sống tươi đẹp đó của hai cha con nhà Tấm chỉ thực sự chấm dứt khi mà sự cô đơn, cực nhọc của bố Tấm bấy lâu nay đã khiến ông không thể cầm lòng mà đành bước thêm một bước nữa. Cũng chẳng khó khăn gì để bố của Tấm và người mẹ kế tiến đến với nhau khi mà cả hai đểu cùng cảnh ngộ độc thân một con. Tấm sẽ không bao giờ quên được cái lần đầu tiên mà mẹ ghẻ dắt đứa con gái riêng của bà ta tới ăn phở ở nhà mình, lúc đó là tầm 10h tối. Tấm nhìn cái gương mặt mẹ ghẻ không chỉ có cái cảm giác lạnh lùng khó gần, mà cô còn có cái cảm giác rờn rợn. Đối vơi cô chị cũng thế, xin tạm gọi là Cám. Tấm mãi mãi sẽ không hiểu được tại sao một người hiền lành phúc hậu như bố mình lại có thể phải lòng một người như mẹ ghẻ, họa chăng đến giờ phút cuối đời của mình, Tấm vẫn không thể hiểu được mẹ ghẻ của mình đã dùng thứ bùa ngải gì để mê hoặc bố mình. Cái ngày mà mẹ con nhà Cám dọn vào ở cùng với bố, mẹ Tấm cũng tới, chính từ cái giây phút đó mà cuộc sống của Tấm bước sang một trang khác, một trang đầy nước mắt và sự ai oán. Lúc hai người về chung một nhà thì Tấm mới 12 tuổi.

Sau khi về chung một nhà, mẹ ghẻ lo hàng phở để bố của Tấm có thể đi buôn bán làm ăn xa, thỉ thoảng lắm mới về nhà ở một hai hôm rồi lại lên đường. Những ngày bố Tấm không có mặt ở nhà, làm sao mà ông có thể chứng kiến được cái cuộc sống của Tấm khổ đau tới nhường nào? Con Cám về nhà này lúc đó đã 18 tuổi, sống cuộc sống như ông hoàng bà chúa, ngày ngày chỉ bar sàn thác loạn. Mọi việc trong nhà từ nhỏ đến lớn đều do Tấm một tay làm hết. Từng góc nhà một cần phải quét, từng cái bát con đựng thêm bò trần hay lòng gà đều một tay cô rửa. Họa chăng Tấm vẫn phải gồng mình lên để làm vì thương bố cô, vì cái ý nghĩ rằng bố mình đã một đời vì mình, thì mĩnh cũng hết lòng để vun đắp cái hạnh phúc của ông mà thôi. Nhưng với một cô gái như cô thì sự hành hạ áp bức rồi cũng sẽ có ngày bùng lên như một ngọn núi lửa lâu năm. Khi mà Tấm 16 tuổi thì cô không thể chịu nổi cái cảnh bị coi như một con ở cùng đinh trong nhà. Mỗi khi con Cám đi chơi về là nó ném toàn bộ quần áo bẩn, thậm chí là đồ lót vào thẳng mặt Tấm và bắt cô phải giặt cho nó. Mỗi khi mà Tấm phụ giúp mụ dì ghẻ dọn bàn quán phở hay làm gì mà không vừa ý là mụ ta cầm cây đũa cả, cái muôi tráng phở hay thậm chí là muôi nước dùng phang ngay vào đầu cô. Đã nhiều lần Tấm tức nước vỡ bờ, cô cãi lại và cự lại hai mẹ con nhà Cám. Nhưng để rồi cuối cùng cũng chỉ là những trận đòn đau về đêm khi mà bố cô không có mặt ở nhà. Những cái bạt tai, những cú đá vào bụng, vào bộ hạ như khiến cho cô đành phải ngậm ngùi mà chịu trận. Những giọt nước mắt ngắn dài cứ thế tuôn rơi, những mâm cơm mà Tấm là người ăn cuối cùng không khác gì cho chó nuôi trong nhà. Những mẩu xương cá, những mảnh thịt vụn, hay cái bát canh cặn đáy kia liệu có bớt nhạt nhòa khi chan bán nước mắm? Hay là những giọt nước mắt chua chát đắng cay đang rỏ vào bát cơm nguội kia là đủ hương vị của cuộc đời rồi?

Kể ra mụ dì ghẻ này cũng giỏi, dường như bà ta biết trước được ngày nào mà bố cô sẽ về nhà mà chuẩn bị. Khi bố của Tấm về thì cơ thể cô hoàn toàn lành lặn không một tì vết, những bữa cơm không còn là cơm thưa canh cặn như khiến cô càng phẫn uất hơn nữa. Tấm nhiều lần có nói chuyện riêng với bố mình, khóc lóc mà kể cho bố nghe về cuộc sống khổ đau của mình thế nhưng bố cô chỉ nói rằng cô phải ngoan và chăm sóc bà nội mình chu đáo, cứ như thể là bố của cô đã ăn phải bùa mê thuốc lú của mụ dì ghẻ. Để rồi khi ông lên đường đi làm xa, thì cái địa ngục trần gian lại trở về với Tấm. Nhiều khi Tấm chỉ ước được như bà nội mình, bà đã già nên trí nhớ kém, lúc tỉnh lúc mê, để không phải đối mặt với mụ dì ghẻ độc ác. Nhiều lần Tấm được mụ dì ghẻ bắt bưng phở sang cho bà nội ở căn nhà riêng bên con ngõ cạnh đường ray tầu hỏa mà cô khóc hết nước mắt. Môi một lần ngồi mớm phở cho bà ăn là cô lại khóc, lại tâm sự về cuộc đời cay đắng của mình. Dù cho là bà nội cô không còn nhận thức được, thế nhưng cô vẫn kể, vì họa chăng hiện giờ chỉ có bà nội là người để cô trải lòng mà thôi. Đã nhiều lần Tấm nấc lên những tiếng nghẹn ngào, cô hỏi bà mà hai mắt rơm rớm:

- Bà ơi... sao cháu... sao cháu khổ thế bà?

Thay bằng sự đồng cảm, những lời động viên chỉ là tiếng ú ớ của bà. Và sau mỗi bữa ăn đó, Tấm chỉ biết đưa tay quệt đi hàng nước mắt cay đắng, nén cái tiếng nấc uất ức nghẹn ngào vào trong mà quay về nhà mình để đối mặt với hiện tại. Cứ khi nào cô trở về muộn hơn có mấy phút thôi là mụ dì ghẻ lại la mắng, lại là cái nhéo tai đau, lại là cái đũa cả phang thẳng vào đầu. Nhiều người ăn phở chứng kiến, nhiều người dân biết việc, nhưng không ai dám can ngăn, không một ai can thiệp? Vì sao vậy?

Có lẽ bản thân Tấm cũng đã dần dần hiểu ra phần nào khi mà những cái đêm muộn phải thức tới tầm gần 2h sáng để dọn dẹp. Mỗi khi ngồi ngoài vỉa hè để rửa bát, cô thường có cái cảm giác lành lạnh rờn rợn ở sống lưng. Chéo chéo bên kia đầu ngã tư là khu chợ cửa Nam, những bóng người vảng vất thoáng qua như khiến cô thi thoảng lại ngước nhìn, sinh ra lớn lên ở khu này Tấm hiểu rất rõ, tầm giờ này cả đoạn Lê Duẩn vắng đến rợn người, và những cái bóng cứ thoắt ẩn thoát hiện đó chắc chắn không phải à người sống. Nhưng họa chăng những cái bóng cứ đi lại đó không ghê bằng tiếng sỏi lạch cạch đoạn đường ray, cứ như thể có người đang chạy dọc đó vậy. Chưa kể đến là những cái tiếng "càch cạch" như có ai đó ném sỏi, những tiếng cười rúc rích thi thoảng lại vang lên như khiến cho Tấm sởn gai ốc, cứ ngỡ rằng sống ở đây lâu đã quen nhưng mà cô vẫn sợ. Có hôm khách đến ăn đông, khi mà hai mẹ con Cám đã ôm nhau ngủ ngon lành trên gác điều hòa mát rượi, Tâm vẫn ở ngoài đường vật lộn với chồng bát đũa mồ hôi mồ kê nhễ nhại thì chợt một cơn gió lạnh thoảng qua khiến cô nhễ nhại mồ hôi mà vẫn phải sởn gai ốc. Tấm ngồi đó cắm mặt vào chậu bát đũa, thế nhưng mà tất cả các giác quan trong người đều khăng khăng khẳng định cho cô biết rằng có người đang đứng sau lưng nhìn mình. Tấm nhất quyết không quay mặt ra nhìn, hai tay cô run lên bần bật cầm cái bùi nhùi cố mà chà cho sạch từng cái bát phở. Một giọng nói cất lên như khiến cô lạnh gáy tẹo nữa thì đánh rơi cả cái bát đang cầm:

- Cháu ơi... Ga Hàng Cỏ... đi đường nào...?

Tấm sợ hãi, hai tay run lên đến mức độ không chà nổi cái bát, cô mấp máy miệng run rẩy mặt cúi gằm:

- Chú... chú đi thẳng...

Cái giọng nói vang vọng đó lại cất lên:

- Chú cám ơn... chú về quê đây...

Thế rồi cái tiếng dép "sột xoạt" bắt đầu vang vọng, Tâm ngồi đó liếc nhìn về phía trước, cô rụng rời chân tay đứng hình khi cô nhìn thấy cái ống quần xanh màu bộ đội, cái đôi dép lốp cứ thế bước đi hướng về phía ga Hàng Cỏ. Dù cho người đàn ông đó đã đi khá xa, nhưng Tấm vẫn run lên cầm cập cắm mặt vào rửa bát đũa khi mà tiếng người bộ đội vẫn vang vọng:

- Con về quê đây... mẹ ơi... mẹ đợi con nhé...

Những điều kinh dị kì quái cứ thế diễn ra ngày một nhiều, và Tấm là người cảm nhận rõ ràng nhất. Họa chăng, đó là điềm báo hiệu cái ngày mà bà nội cô qua đời đã cận kề.

Cái buổi sáng định mệnh ngày hôm đó, Tấm là người phát hiện ra cơ thể bà nội mình đã lạnh đầu tiên. Không còn cái tiếng ú ớ của bà mỗi khi Tấm bước vào, không còn cái đôi mắt đã đục đi vì thời gian mở ra nhìn Tấm nữa. Cái sáng hôm đó Tấm ôm bà nội mình mà gào khóc trong đau đớn:

- Bà dậy đi bà ơi... đừng bỏ cháu lại... cháu sợ lắm... cháu sợ lắm...

Cái tiếng khóc như xé tan mọi âm thanh khác của một buổi sáng nhộn nhịp, cái tiếng khóc ai oán như chứa đầy uất hận khổ đau, cái tiếng nấc lên của sự xúc động uất ức tột cùng. Phải chăng, đó chính là cái tiếng khóc của một người đang đứng trước cánh cửa địa ngục trần gian? Đối với mẹ ghẻ của Tấm thì bà nội chết là bớt đi được một gánh nặng, và khi bà nội của cô mất, thì bố cô cũng không về kịp. Cái đêm hôm canh áo quan bà nội trước khi đem đi hỏa táng, Tấm đã nhìn nhận ra rõ mụ dì ghẻ của mình. Do là thức canh nhang suốt mấy hôm bên cạnh quan tài của bà nội, Tấm như người không hồn luôn trong trạng thái mê man, mệt mỏi. Chính cái đêm cuối cùng đó cô như gục ngay bên cạnh quan tài bà, cứ ngỡ rằng trong cái cơn mê đó Tấm thấy mẹ con nhà Cám khi không tiến tới bên cạnh áo quan của bà. Hai mẹ con nó mở nắp quan tài, con Cám là người cầm cánh tay trái của bà nội Tấm nhấc lên, còn mụ dì ghẻ thì cầm cái kéo sắt to cắt phăng đốt ngón út đi. Tấm ngồi cạnh đó mở to mắt sỡ hãi, cái cảnh tượng trước mặt khi mà mụ dì ghẻ cắt cái đốt ngón tay út của bà nội xong thì mụ ta đưa lên nhìn vẻ mặt thích thú với cái tiếng cười đắc trí ghê rợn. Nhưng còn chưa kịp hét lớn lên thì Tấm ăn một cái tát trời giáng của con Cám, nó quát:

- Đ*t mẹ con l*n này! Mày canh hương cho con bà mày mà ngủ gật à?!

Tấm ăn cái tát ngã lăn ra đất mà hốt hoảng nhìn, cái áo quan của bà đã được đóng lại, mọi thứ đã trở lại bình thường. Con Cám nó lại nhéo tai Tấm lôi cô đứng lên quát:

- Ra châm nhang cho con bà mày đi con m*t l*n!

Tấm run rẩy tiến lại châm thêm hương cho bà nội cô, mẹ con nhà Cám thì lại bỏ lên gác ngủ. Tấm đứng đó châm hương run rẩy, trong đầu cô thì không thoát khỏi cái suy nghĩ "mụ... hóa ra mụ là..."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thoca