Tham vọng
Tại thế giới song song, tồn tại một lục địa rộng lớn. Thuở sơ khai, con người lập nên các bộ lạc rải rác khắp nơi. Dần dần các bộ lạc nhỏ buộc phải thần phục các bộ lạc lớn hơn, bộ lạc lớn lại phải quy thuận những siêu bộ lạc. Bộ lạc lớn bảo vệ bộ lạc nhỏ, bộ lạc nhỏ thì phải nộp cống phẩm cho bộ lạc lớn, đó là một vòng lặp ác tính không có điểm dừng với sự phát triển không đồng đều, thiên về những bộ lạc lớn trên phiến đại lục này.
Theo dòng chảy tất yếu của thời gian, các bộ lạc xâm chiếm lẫn nhau, từ đó phát minh ra vũ khí chiến đấu và vật phẩm phụ trợ bảo vệ chiến sĩ, đồng thời hình thành các phương pháp bày binh bố trận, gia tăng phần thắng. Cũng từ đó, xã hội phân hóa thành nhiều tầng lớp.
Đứng đầu là quý tộc. Là những vị chỉ huy trời sinh, họ thao túng các trận chiến, điều hành bộ lạc theo cách riêng của mình với mong muốn trở thành bộ lạc phồn thịnh nhất. Họ trời sinh là những vị chỉ huy tài ba và họ cũng được hưởng thụ cống phẩm tốt nhất, con mồi và hoa quả tươi ngon nhất, sống trong nhung lụa và được các chiến sĩ và tộc dân tôn kính và thần phục.
Kế tiếp là chiến sĩ, bảo vệ cho quý tộc, họ là những con người mang trong mình dòng máu hiếu chiến, sẵn sàng đổ máu vì một mục tiêu nhất định. Họ cũng được hưởng thụ các vật phẩm tốt hơn, được tộc dân tôn trọng vì những chiến công, những gì được đánh đổi bằng máu và sự hy sinh của họ.
Tiếp theo là tộc dân, cũng là tầng lớp chiếm số lượng nhiều nhất trong lãnh địa, họ phải lao động, phải cống hiến, phải hiến dâng những gì mình có cho các tầng lớp cao hơn và bóc lột tầng lớp yếu hơn mình. Tuy vậy, họ lại là những thợ thủ công với bộ não sáng tạo. Mọi vật dụng sinh hoạt đơn giản trong lãnh địa đến những vật phẩm quý giá dâng cho quý tộc và chiến sĩ đều được họ tỉ mỉ chế tác.
Cuối cùng là một tầng lớp mới xuất hiện: nô lệ. Họ là những tộc dân, chiến binh, thậm chí là quý tộc của những bộ tộc thua trận. Họ bị tước đi sự tự do, niềm hạnh phúc, trở thành một món đồ vật thấp hèn, một vật phẩm có cũng được không có cũng chẳng sao của bộ tộc giành chiến thắng. Họ trở thành công cụ lao động, một vật phẩm trao đổi không hơn không kém.
Nhưng một chế độ phụ thuộc như vậy không thể duy trì được lâu, nô lệ, tộc dân và thậm chí cả những chiến binh nảy sinh ý định phản kháng. Họ không muốn nghe lời, không muốn phụ thuộc vào quý tộc, họ cho rằng quý tộc chỉ là những kẻ ngồi không ăn bám, hưởng thụ thành quả lao động của họ. Sự đố kị như một con rắn độc, len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn trong sáng, từ từ gặm nhấm trái tim thiện lương của họ. Họ tức giận, họ bất bình và họ nổi dậy đấu tranh. Từ những bộ lạc nhỏ, bộ tộc nhỏ mà lan ra toàn đại lục. 1 năm, 2 năm rồi cả trăm năm đấu tranh. Sau nhiều thiên niên kỷ phản kháng, kiên quyết đấu tranh đến cùng, quý tộc và thân binh của họ thua trận, phải nhường lại lãnh địa rộng lớn, vật phẩm quý giá cho những kẻ mà họ đã từng khinh thường
Người thủ lĩnh mới hủy bỏ quy tắc cũ để thiết lập chế độ mới, hủy bỏ chế độ nô lệ, khôi phục thân phận tộc dân, nhằm thu phục nhân tâm khiến cho tất cả tộc dân đều tin tưởng và nghe theo họ. Nhưng dã tâm của họ đâu chỉ có vậy. Họ muốn thống trị cả đại lục rộng lớn này, mơ ước về những mảnh đất phù sa màu mỡ, những thảo nguyên bát ngát cỏ non hay những núi cao với khoáng sản bất tận và cả những bờ biển không tìm ra biên giới. Họ tập kết quân đội, rèn luyện vũ khí, họ đưa cả lục địa vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến phân chia lãnh thổ và thuộc địa.
Sử sách sau này gọi đây là hai cuộc đại cải cách gắn liền với hai thế chiến vĩ đại.
Cuối cùng, một vị lãnh chúa đến từ một lãnh địa hùng cường đã thống nhất được toàn bộ đại lục, thu phục được tất cả các bộ tộc lớn nhỏ khác để hình thành nên một đế chế mới. Ông lập nên một triều đại vĩ đại trong lịch sử, lấy quốc họ là Thượng Quan, hình thành nên Long Phượng quốc. Tên của ông được lưu truyền cho đến ngàn đời sau, xưng tụng là Thủy Hoàng Đế. [Thủy ở đây không phải là Nước đâu nhá, mà là cái Đầu tiên ý. ví dụ Tần Thủy Hoàng Đế thật ra là ông ý tự nhận mình là vị vua đầu tiên họ Tần]
Lấy ngày đầu tiên ông thống nhất đại lục làm ngày đầu tiên của triều đại mới. Cũng là ngày thứ nhất của năm đầu tiên trong kỷ nguyên mới, Thủy Hoàng chia ra thành 12 canh giờ = 1 ngày, 30 ngày = 1 tháng, 3 tháng = 1 quý, 4 quý = 1 năm; ban hành những mệnh giá tiền thông dụng trên cả đại lục; cuối cùng, ông cho người soạn ra "Đại Luật", "Binh Pháp", "Trận Pháp", "Thư Pháp" và "Nghệ Thuật" - Ngũ Thư lưu danh muôn thuở. Bên cạnh đó, ông còn là một vu sư cường đại, có thể tính toán ra mọi điều đã - đang - sẽ xảy ra trên lục địa này. Tên cả ông được nhắc đến trong mỗi câu chuyện của người dân trong sự tôn sùng, kính ngưỡng.
Nhưng, trên thế gian nào có ai có thể hoàn mỹ mười phân vẹn mười (chả hạn như Kiều, thấy bảo là thông minh vốn sẵn tính trời mà bị lừa hết lần nà đến lần khác mà vẫn tin) , ông buộc phải từ bỏ cuộc sống của mình, từ bỏ ngai vị vừa thành lập không bao lâu vì những vết thương chinh chiến ngày xưa. Hai người con của ông cũng chỉ kịp kế thừa một chút tài hoa mà ông để lại.
Trưởng nữ kế thừa ngôi vị, kế thừa sự thông minh, nhạy bén trở thành một vị minh quân sắc sảo. Thứ tử kế thừa vu lực cường đại, được phong làm quốc sư, tay nắm giữ Hổ phù điều khiển trọng binh bảo vệ nữ hoàng và đế quốc.
Năm 126, vào ngày kỉ niệm 100 năm dựng quốc, bầu trời đang trong trẻo bỗng xuất hiện một cặp rồng phượng bay lượn tạo nên bức Long Phượng trình tường, một bảo vật rơi xuống trước Kính Thiên điện, quốc sư đương nhiệm mừng rỡ báo tin rằng đây là báu vật trời ban, sẽ phù trợ cho Long Phượng quốc phồn vinh mãi mãi. Hoàng đế vui mừng, cất giữ báu vật trong cấm địa hoàng cung, trân trọng gìn giữ, canh phòng cẩn mật.
Nhưng cũng vào ngày này của 100 năm sau, hoàng cung xảy ra cung biến, thái hậu chấp chính nắm quyền sau màn, ấu đế mới 6 tuổi vô tri vô giác trở thành vua bù nhìn, các tướng lãnh đại thần như hổ rình mồi, nhăm nhe ngôi báu. Ngay lúc ấy, cấm địa truyền ra tin tức: báu vật biến mất. Tin tức lan truyền nhanh chóng, tạo ra sự khủng hoảng cho toàn bộ quan viên và dân chúng. Hoàng thất hốt hoảng, phái những binh sĩ tinh nhuệ nhất truy tìm bảo vật. Bảo vật còn chưa thấy tung tích thì tai họa đã lần lượt giáng xuống Long Phượng quốc: bệnh dịch, hạn hán, mất mùa, thiên tai, lũ lụt và cả phản loạn. Từng tin dữ báo về triều đình như cơn sóng thần quét sạch những phồn hoa ngày xưa. Nhất ba vị bình, nhất ba hựu khởi [=sóng sau xô sóng trước], một dòng nước xanh trong phun lên từ lòng cấm địa, hoàng cung nhanh chóng sụp đổ, chìm sâu vào đáy nước. Đại lục bị chia đôi thành nhiều phần, thiên hạ đại loạn. Các thân vương nơi đất phong may mắn thoát nạn nhưng lại nhanh chóng nảy sinh ý định tự xưng làm vua. Lục địa một lần nữa bị phân chia thành nhiều vương quốc nhỏ lẻ, tự chia để trị, không ai nhường ai nhưng ai ai cũng muốn tranh giành, xâu xé miếng mồi ngon này, tập kết đánh chiếm lẫn nhau.
Năm 326, một tổ chức hắc ám thần bí tự xưng là Ma giáo tìm thấy tung tích bảo vật, cướp đoạt tài nguyên khắp nơi để phục vụ cho công cuộc tìm kiếm, dân chúng chịu hai tầng gông cùm đè nặng lên đôi vai, oán thán ngút trời. Lúc ấy, một nhân sĩ ẩn cư - Hi Mã chân nhân thấy sự bất bình, rút đao tương trợ. Ông giao đấu với Giáo chủ ma giáo 3 ngày 3 đêm, trời long đất lở, lưỡng bại câu thương. Vào một khắc cuối cùng của trận chiến, chân nhân sử dụng bí pháp độc môn của mình để xuất ra chiêu cuối thành công đẩy ma giáo Giáo chủ vào địa ngục vĩnh hằng. Bí pháp là một con dao hai lưỡi, Giáo chủ ma giáo chết, nhưng ông cũng bị thương nặng, không chống đỡ được bao lâu. Ông quyết định sử dụng cấm thuật, lấy thần hồn mình phong ấn báu vật, lấy huyết nhục của mình tạo huyết trận canh giữ. Báu vật chính thức biến mất trên lục địa.
15 thân vương không vì thế mà buông tay từ bỏ, họ dốc hết nhân lực, vật lực quyết tử cùng các thân vương khác, không ai chịu nhường ai, không ai chịu lùi bước. Lấy biển nước chôn vùi Long Phượng cung - Vi Không hải làm ranh giới, các thân vương ở các mảnh lục địa quyết định tự đánh chiếm lẫn nhau rồi mới tìm cách vượt biển. Các mảnh lục địa nhanh chóng trở nên hoang tàn, người dân đói khổ. Tưởng chừng đã đi đến hồi kết nhưng hai phiến lục địa nhanh chóng bị ba thân vương có huyết thống cao quý nhất thu phục. Sử gọi là "thập ngũ sứ quân chi loạn"
Phía nam Vi Không là Phi Phụng quốc, 4 mùa tươi tốt với phù sa màu mỡ, lương thực dồi dào do vị nữ hoàng duy nhất Phượng Phi Vân nắm quyền. Phía Bắc là Thiên Long quốc, quanh năm tuyết trắng nhưng trù phú tài nguyên khoáng sản cùng các thảo nguyên rộng lớn do hoàng đế Long Mặc Vũ cai trị. Chiếm cứ mảnh lục địa phía tây là Ly Thiên Hoàng lập nên Minh Ly đế quốc. Không chỉ vậy, rải rác trên Vi Không hải là các đảo lớn nhỏ do những gia tộc cổ xưa chiếm cứ. Cuối cùng, nằm chính giữa vùng giao nhau giữa ba nhánh biển là Ma Vực nơi Ma giáo luôn ngấp nghé miếng mồi ngon là đất liền trú ẩn. Để chống lại Ma giáo đang ngày một lớn mạnh, ba nước cùng ký chung một giao ước, tạo thành thế chân vạc kiềm chế lẫn nhau và kiềm chế Ma giáo.
Nhưng họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai [hiểm họa thì không đi một mình mà phúc lợi thì không đến một đôi], tai họa tiếp nối tai họa, nữ hoàng Phi Phụng quốc chưa nắm quyền được bao lâu, thân muội đồng mẫu của nàng đã dấy binh tạo phản. Cấu kết cùng quốc sư và thái y, hạ độc nữ hoàng, giam lỏng nàng trong tẩm cung, thái nữ Phượng Vân Hằng mất tích. Thân vương Phượng Phi Nguyệt cầm ngọc tỉ chấp chính, xử tử cựu thần, tru di những đại thần phản đối, kháng cự.
Đề ra nhiều loại thuế khóa, thu thuế một cách chóng vánh, nhanh chóng lấp đầy tư khố, xây dựng đình đài lầu các xa hoa, ngày ngày hưởng thụ của cải vơ vét từ mồ hôi xương máu của người dân, tiếng than dậy sóng, nổi loạn xảy ra ở khắp nơi nhưng nhanh chóng bị đàn áp, bị dìm trong biển máu. Mỗi ngày có biết bao cuộc nổi dậy, mỗi ngày người bị đưa lên Đoạn Đầu đài nhiều vô số kể. Máu chảy thành sông, đất nước chìm vào u tối.
Thiên Long quốc cũng không được bình yên. Trận tuyết lớn nhất từ trước tới giờ hạ xuống giữa mùa hạ, đánh sập một dải tường thành, tử thương vô số. Người dân truyền tai nhau rằng hoàng đế vô năng nên trời giáng thiên phạt. Người ta truyền tai nhau "đông lôi chấn, hạ vũ tuyết" [1], quân vương vô năng. Long đế bận dẹp loạn, bận sửa chữa tường thành, mọi việc cứ lần lượt đổ lên đầu không thể tránh. Các vương gia cũng nhân đó bắt tay kéo quân đánh vào hoàng cung với mỹ danh "thanh quân trắc".
Minh Ly quốc có lẽ là nước duy nhất yên bình nhưng ẩn trong bóng tối lại là một âm mưu vô cùng to lớn.
Còn tại Hỗn Thủy Sau khi Giáo chủ ma giáo tạ thế, Tả - Hữu hộ pháp cùng tứ đại đường chủ tự chiêu binh mãi mã [= chiêu mộ binh sĩ, mua ngựa để phục vụ cho chiến trận], muốn chiếm lấy cái ghế cao cao tại thượng, muốn phong mình làm tân Giáo chủ, nhân được vạn tín đồ sùng bái. Đương nhiên không ai nhường ai, cũng không muốn sau khi mình chiếm được cái ghế đó lại thấy Ma giáo sụp đổ nên 6 người tự hẹn ước: nếu ai có thể tìm được báu vật Long Phượng quốc đã thất truyền thì sẽ được trở thành Giáo chủ đời tiếp theo. Và đầu mối bắt nguồn từ chìa khóa trong tay hoàng đế Thiên Long và nữ hoàng Phi Phụng, nhân mạch của ma giáo ở khắp nơi đều một lần nữa bùng lên sau cơn biến động.
Tin tức này, lấy tốc độ ánh sáng tỏa đi mọi hang cùng ngõ hẻm của Thiên Long, truyền đến tai hoàng đế. Ngài cũng không mấy để tâm vì tin tưởng tầng tầng lớp lớp 10 đạo cơ quan trong cấm địa sẽ ngăn chặn không cho bất cứ một tên đạo tặc nào có thể đột nhập. Cho đến khi, tầng cơ quan thứ 8 bị phá hủy, long nhan phẫn nộ, hoàng đế mới vội vội vàng vàng gia tăng thủ vệ, đồng thời cho quan binh gắt gao đi truy lùng dư đảng Ma giáo.
Đúng lúc này,chỉ sợ thiên hạ không loạn, một tin tức động trời lan tỏa ra khắp võ lâm giang hồ: "Bảo vật ngày xưa bị vỡ thành hai nửa cất dấu ở một nơi bí mật, truyền quốc chi bảo của Long - Phượng quốc là chìa khóa mở ra bảo tàng. Nhưng nếu không có bản đồ thì sẽ không thể giải trừ cấm thuật. Mà hai tấm bản đồ này lại nằm trong tay của truyền nhân Hi Mã chân nhân."
Dù là bạch đạo hay hắc đạo, dù là chính phái hay ma giáo, thậm chí là những vương gia đang hưởng thụ vinh hoa ở đất phong đến những ẩn sĩ trong thâm sơn cùng cốc cũng muốn chiếm lấy bảo vật làm của riêng. Hoàng cung hai nước lại tiếp tục trở thành đích ngắm của "nhân sĩ giang hồ". Một tin tức nữa lặng lẽ được truyền ra: "Trấn quốc chi bảo của Phi Phụng đã bị thái nữ mang theo lúc chạy trốn". Nhưng thái nữ chạy trốn ư? Vì sao lại là chạy trốn? Những điều đó không ai muốn quan tâm, họ chỉ muốn truyền quốc chi bảo đang nằm trong tay nàng. Những "nhân sĩ giang hồ" ngày thường giảng đạo lý: nào là phải bảo vệ nữ nhân, nào là không được sát hại người vô tội ... nay gặp ai có nét tương đồng với thái nữ đều một mực nghi ngờ, tra hỏi tung tích của bảo vật khiến cho gia đình các thiếu nữ không dám cho họ bước chân ra khỏi cửa, chỉ sợ gặp một vị "nhân sĩ giang hồ" nào đó liền biến mất không rõ tung tích.
Lá cờ thêu 4 chữ vàng "thay trời hành đạo" được dựng lên ở khắp nơi, chính phái nói với nhau rằng Ma giáo là những kẻ giết người không chớp mắt, là những tên thị huyết thành tính, bất nhân bất nghĩa, giết hại chúng sinh vạn vật nên chúng ta phải thay trời hành đạo. Ma giáo lại cho rằng chính phái là một lũ rùa rụt đầu, một lũ hèn nhát, ti bỉ, lòng dạ dối trá, miệng nam mô bụng một bồ dao găm đã vậy chỉ biết kích động nhân tâm nhằm chia rẽ "đoàn kết" của Ma giáo, vậy nên chúng ta phải diệt trừ lũ giả dối đó, thay trời hành đạo. Hai bên đều tự cho mình là đúng, không ai chịu nhường ai, nhìn nhau như nhìn kẻ giết cha hiếp mẹ mình, vừa gặp nhau không hai lời liền rút đao đánh nhau ngươi chết ta sống.
Hỗn loạn là thế, tang thương là thế nhưng các vị quân chủ nào có tinh lực xử lý mọi chuyện, chỉ hận mình không thể phân thân, hay mọc thêm một đôi tay, một đôi chân, não to gấp vài lần để giải quyết loạn lạc. Đất nước hỗn loạn, dân chúng lầm than. Họ không có võ công cao cường để tự bảo vệ chính mình, họ cũng không thể lên tiếng kêu oan vì trời cao nghe chẳng thấu, vua nơi xa vua nào hay. Họ làm ra của cải vật chất nhưng nhanh chóng bị cướp đoạt, bị trưng thu với mỹ danh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tín ngưỡng tôn thờ. Đến đường cùng, họ bị ép phải chạy lên núi cao, lập trại xưng vương. Con thỏ khi bị dồn vào đường cùng cũng có thể cắn người, bị dồn tới ranh giới cuối cùng, nửa chân đã đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết, họ cũng giết người, cũng cướp của. Dần dần, nhân tính bị bào mòn, cái thiện lương nhân ái vốn đáng giá ngàn vàng nay trở nên không đáng một xu, dần bị hòa tan trong nỗi thù hận điên cuồng, họ giết cha giết mẹ, họ bán vợ bán con thậm chí là ăn thịt cả đồng bào. Phẩm chất, luân lý, đạo đức còn không bằng một miếng bánh nhỏ. Những người nhát gan hoặc bị bắt lại đã trở thành những binh lính cấp thấp hoặc nhân công với đồng lương rẻ mạt trong các công xưởng, hầm mỏ, phục vụ cho tham vọng chiến tranh. Họ ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy nắng, vạn dặm không mây, sông hồ đã sớm cạn khô từ lâu, động vật, thực vật hay bất cứ thứ gì có thể duy trì sự sống cũng đang dần biến mất, đất đai nứt nẻ, bốc lên từng luồng nhiệt khí. Đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của họ đã sớm không còn trông chờ gì vào ngày mai. Đại lục chìm vào u ám, không một tia ánh sáng.
"Chu môn tửu nhục xú Lộ hữu đống tử cốt"
( Cửa son rượu thịt ôi Ngoài đường xương chết buốt)
Có lẽ hai câu thơ này cũng không thể diễn tả hết những gì mà dân chúng đang phải hứng chịu. Hết cách, Phượng Vân Nguyệt đành "ngậm ngùi, tiếc nuối" trả lại ngọc tỉ, dẫn theo thân binh chạy về đất phong, bỏ lại một quốc khố trống rỗng cùng với hàng tá việc khẩn cấp ném lại cho vị tỉ tỉ nổi danh thông minh, sắc sảo của mình giải quyết hậu quả.
Ngay lập tức, hội nghị Liên triều được cử hành bí mật ở hoàng cung Thiên Long quốc, tất cả văn võ bá quan thân cận của hai vị đế vương đều có mặt. Không một ai biết họ đã làm gì, không ai nghe thấy họ đã nói gì, chỉ biết rằng tất cả cấm vệ quân đều được đều đến, bao vây Nghị Sự phòng, một con ruồi cũng không chui lọt.
Ba ngày ba đêm, nói nhanh thì cũng không nhanh mà bảo chậm thì cũng không chậm, cửa son của đại điện cũng được mở ra, theo sau là vẻ mặt tái nhợt xen lẫn phần không tin tưởng của văn võ bá quan.
Sau hơn một năm tiếp tục án binh bất động, hai nước đồng thời xuất binh, triệt hạ các cứ điểm của Ma giáo, vây quét những địa phương ngoan cố chống cự, thu phục dân tâm, dồn tàn dư Ma giáo đến Quỷ vực, đưa chính phái vào quy quy củ củ, truy bắt những vương gia vẫn còn đang đắm trong mĩ tửu, chìm trong xa hoa trụy lạc, trong đó có cả thân vương Phượng Phi Nguyệt.
Sử sách gọi đây là cuộc "đại thanh trừng" và nội dung hội nghị bí mật cũng được giữ kín, trở thành bí sử cung cấm mà các nhà sử học phải đau đầu nghiên cứu. Danh tiếng nữ hoàng Phượng Phi Vân và hoàng đế Long Mặc Vũ được nâng lên một tầm cao mới. Họ dường như đã trở thành thần trong thâm tâm của chúng dân. Lúc này nếu như đi ra khỏi nhà, tất sẽ nghe thấy những chiến tích hào hùng qua lời kể tự hào của dân chúng.
Sau cuộc "đại thanh trừng", Phi Phụng cũng như Thiên Long đồng thời miễn giảm ba năm tiền thuế cho dân chúng, khởi công xây dựng lại nhà cửa, trùng tu lại đê điều ruộng vườn, dốc sức phục hồi hậu quả sau chiến tranh. Một tế đàn được lập nên bên bờ Vi Không hải, hai vị quân chủ tắm rửa trai giới thành tâm cầu xin trời cao ban phép lành. Dường như nghe thấy lời khẩn cầu mà cũng dường như cảm phục tấm lòng yêu nước thương dân của hai vị quân chủ, trời đổ cơn mưa. Các dòng sông, ao hồ nhanh chóng được lấp đầy bằng dòng nước tươi mát, những cây cỏ vốn héo khô cũng dần trở nên xanh tươi. Khi giọt nước đầu tiên chạm tới mặt đất cũng là lúc vạn dân thành tâm quỳ xuống cảm tạ trời xanh, cảm tạ đấng quân vương vĩ đại. Sau hơn 20 năm chìm trong chiến hỏa, Phi Phụng và Thiên Long đang dần khôi phục một cách nhanh chóng và từng bước trù phú như xưa.
Ngàn năm sau này, một nhà nghiên cứu sử học đã nói rằng: "Mọi chiến hỏa trên thế gian đều bị chi phối bởi một ý niệm mang tên "tham vọng" trong tâm trí của con người. Vì tham vọng nên mới đố kị, vì đố kị nên mới tranh giành, vì tranh giành nên lại càng trở nên tham vọng. Đó là một vòng tuần hoàn ác tính mà không ai có thể phá vỡ."
_______________________________
[1]: = sấm sét giữa mùa đông, mưa tuyết giữa mùa hè: là điềm báo không may theo quan niệm xưa. Mùa đông thời tiết khô hanh nên khó có sấm sét, còn mùa hè thì không thể nào có tuyết rơi. Vì không thể giải thích được nên họ cho rằng vị quân chủ của mình ăn ở thất đức, bị trời phạt, là điềm xui. Câu này được lấy trong bài thơ "thượng da" - vô danh
Thượng da,
Ngã dục dữ quân tương tri,
Trường mệnh vô tuyệt suy.
Sơn vô lăng,
Giang thuỷ vị kiệt,
Đông lôi chấn chấn,
Hạ vũ tuyết,
Thiên địa hợp,
Nãi cảm dữ quân tuyệt.
Dịch:
Hỡi trời,
Ta nguyện được cùng chàng tương tri (yêu nhau),
Duyên tình mãi mãi không dứt.
(Tới khi nào) núi không còn đất,
Nước sông chưa cạn,
Mùa đông sấm chớp,
Mùa hè tuyết rơi,
Trời đất hợp làm một,
Mới dám cùng chàng chia lìa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top