tai__xanh
Bệnh tai xanh ở heo
Hiện nay, dịch heo tai xanh đang bùng phát mạnh ở một số tỉnh khu vực Nam Bộ và chưa thấy dấu hiệu dừng lại làm bà con chăn nuôi nhất là bà con chăn nuôi trong tỉnh ta hết sức lo lắng. Một số thông tin về bệnh tai xanh ở heo và các biện pháp phòng chống sau đây được chia sẻ đến bà con chăn nuôi nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh này.
1. Tác nhân gây bệnh
Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sẩy thai ở heo nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở heo con cai sữa.
Bệnh do một loại vi rút gây ra. Heo chết thường đi kèm với nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn heo, v.v...
2. Cách lây lan
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh.
Bệnh có thể kéo dài khoảng 5-20 ngày tùy theo sức khỏe của heo.
Vi rút có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang...
3. Biểu hiện bệnh
Vi rút gây ra biểu hiện lâm sàng ở hai trạng thái sinh sản và hô hấp.
- Ở heo nái có biểu hiện: biếng ăn, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu (màu hồng), lờ đờ hoặc hôn mê, thai khô hoặc heo con chết ngay sau khi sinh.
- Ở heo con theo mẹ: thể trạng gầy yếu, mắt có ghèn màu nâu, da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy. Heo con yếu, tai chuyển màu tím xanh. Tỉ lệ chết ở đàn con có thể tới 100%.
Heo bệnh có biểu hiện tai màu tím xanh
- Ở heo cai sữa và heo vỗ béo: những biểu hiện ban đầu thường là da đỏ ửng hoặc mắt sưng đỏ. Khi bệnh tiến triển, có thêm những bệnh tích đặc biệt trên da hoặc trên tai (tỉ lệ chết từ 20-70%).
Heo bệnh ban đầu sốt đỏ ửng toàn thân
4. Cách phát hiện bệnh
Các biểu hiện của bệnh thường không đặc trưng và dễ nhầm lẫn khi kế phát với các bệnh khác. Để phát hiện heo bệnh tai xanh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn heo nuôi và sử dụng định nghĩa ca bệnh lâm sàng theo Cục Thú y như sau:
1. Heo sốt cao trên 40oC.
2. Khó thở.
3. Có những vết bầm, thâm tím trên da, tai tím xanh.
4. Heo ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh.
Trong thực tế chăn nuôi, khi bà con thấy các dấu hiệu sau đây:
- Heo chích kháng sinh nhiều ngày không giảm
- Có nhiều heo nái trị không khỏi phải cân bán hoặc có nhiều heo nái sẩy thai
- Heo con, heo cai sữa cả đàn có biểu hiện ửng đỏ toàn thân hoặc tai tím bầm
-> Phải nghi ngờ heo bị tai xanh !
5. Biện pháp xử lý
Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Việc sử dụng thuốc điều trị chỉ làm giảm triệu chứng hoặc chống bội nhiễm các bệnh khác mà không diệt được vi rút bệnh. Điều này có thể làm cho con heo sau khi trị khỏi các triệu chứng sẽ trở thành con vật mang trùng thường xuyên bài xuất vi rút và đe dọa lây bệnh cho những heo còn lại trong trại.
Vì vậy, chính sách của nhà nước trong phòng chống bệnh tai xanh là khi phát hiện thì bắt buộc phải tiêu hủy tất cả heo bệnh. Người chăn nuôi có heo bệnh bị bắt buộc phải tiêu hủy được hưởng chính sách hỗ trợ là 25.000 đ/kg heo hơi.
6. Phòng bệnh
- Chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như:
+ chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát;
+ tăng cường chế độ dinh dưỡng cho heo;
+ mua heo giống từ những cơ sở đảm bảo;
+ hạn chế người tham quan; không mượn dụng cụ chăn nuôi của các trại khác;
+ Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi: có thể định kỳ sát trùng chuồng 2 tuần một lần bằng các loại thuốc sát trùng thích hợp, không ảnh hưởng đến hô hấp khi heo hít phải.
- Có nên sử dụng vắc xin tai xanh để phòng bệnh hay không ?
Về vaccine phòng bệnh PRRS, hiện nay, có một vài loại vắc xin chủng Bắc Mỹ được Cục Thú y cho phép sử dụng tạm thời. Tuy nhiên, một số ổ dịch tai xanh gần đây cho thấy dịch vẫn phát sinh trên đàn heo đã được tiêm phòng vắc xin này. Do đó cách phòng bệnh bằng vắc xin không được khuyến cáo rộng rãi.
Thay vào đó, bà con chăn nuôi nên chú ý tiêm phòng vắc xin đầy đủ các bệnh nguy hiểm thường kế phát bệnh tai xanh như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn, Suyễn heo.
Tóm lại:
Để chủ động ngăn ngừa bệnh, bà con chăn nuôi cần lưu ý: không cho nhập heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc vào trại; tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm có thể kế phát sau bệnh tai xanh như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn, Suyễn heo; cần phát hiện bệnh sớm và khai báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y; không bán chạy heo bệnh vì bệnh tai xanh không lây sang người, không gây bệnh cho người.
Chúc bà con thành công./.
ThS. Phan Trung Nghĩa - Chi cục Thú Y tỉnh Bến Tre
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top