Tại sao ta nghiện yêu?*
Tại sao ta nghiện yêu?*
21. Sep, 2010 0 Comments
Tại sao ta trở nên "nghiện ngập" với một người khác phái?
Lý do tại sao quan hệ tình yêu lãng mạn của nam nữ là một trải nghiệm mạnh mẽ và được mọi người tìm kiếm là vì một quan hệ như thế dường như đưa người ta đến cảm giác thoát ra khỏi tình trạng sợ hãi, nhu cầu cần có một người khác phái để bù đắp cảm giác cô độc và thiếu thốn; đây là một phần của lối sống của nhiều người trong điều kiện chưa có sự cứu rỗi và giác ngộ đích thực. Trạng thái này có chiều sâu về thể chất và tâm lý.
Về mặt thể chất, rõ ràng bạn chưa toàn vẹn, và cũng không bao giờ cảm thấy thực sự toàn vẹn cả: vì bạn hoặc là đàn ông, hoặc là đàn bà, tức là một nửa của cái toàn thể. Về phương diện này, cảm giác mong muốn để trở thành một cái gì toàn thể - trở về với nhất thể - được thể hiện dưới lực hấp dẫn giữa người đàn ông và người đàn bà, nhu yếu của người đàn ông cần có một người đàn bà, và nhu yếu của người đàn bà cần có một người đàn ông. Đây là một sự đòi hỏi hầu như không thể cưỡng lại được để tiến tới sự hợp nhất giữa hai thái cực có năng lượng đối nghịch. Lòng ham muốn thể xác này còn có gốc rễ trong lĩnh vực tâm linh: Đó là sự mong muốn chấm dứt sự phân cách giữa hai đối cực ở trong bạn, để trở về trạng thái hợp nhất. Về mặt thể chất thì sự giao hợp trong tình dục là cách ngắn nhất để đạt đến tình trạng hợp nhất này. Cho nên kinh nghiệm tình dục này mang lại cho ta nhiều khoái cảm nhất trong thể xác, trong cảnh giới vật chất này. Nhưng sự giao hợp trong tình dục chỉ là một thoáng của trạng thái hợp nhất, một khoảnh khắc quá ngắn ngủi của niềm hạnh phúc sâu xa. Chừng nào mà bạn còn thiếu hiểu biết, xem tình dục như là một phương tiện cứu rỗi cho bạn, chừng đó bạn còn cố tìm cách chấm dứt sự phân cực trên bình diện hình tướng, và đó là một điều không bao giờ có thể xảy ra được. Đời sống cho bạn cảm nhận một thoáng hợp nhất ngắn ngủi như được lên thiên đàng, nhưng bạn không được phép ở lại đó lâu, và sau đó, bạn lại tìm thấy mình trong một hình hài riêng biệt, không còn cảm thấy hợp nhất với mọi thứ chung quanh mình.
Về mặt tâm lý, cái cảm giác thiếu thốn và chưa trọn vẹn ở trong bạn ít nhiều còn mãnh liệt hơn so với mặt thể chất. Khi nào bạn còn đồng nhất mình với lý trí, bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm chính mình qua những gì ở bên ngoài. Tức là bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm chính mình qua những thứ mà rốt cuộc không liên quan gì đến những gì chân thật của bạn như: địa vị xã hội, của cải, ngoại hình, thành công hay thất bại, tín ngưỡng, v.v... Cái bản ngã sai lầm do lý trí tạo ra, cái bản ngã luôn cảm thấy dễ bị tổn thương, thiếu an toàn, và luôn tìm kiếm một cái gì mới để bám vào, cho mình chính là cái đó và tạo ra cảm giác là nó vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, không một thứ gì có thể tạo cho bản ngã ở trong bạn một cảm giác đầy đủ, trọn vẹn và vững bền.
Rồi một quan hệ luyến ái nào đó của bạn bỗng dưng xuất hiện. Quan hệ đó có vẻ là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề của bản ngã bạn đang có, và đáp ứng được mọi yêu cầu của bản ngã, ít ra là lúc ban đầu. Lúc này mọi thứ trước đây được dùng để tạo ra cảm giác về một cái tôi, một cá thể ở trong bạn không còn quan trọng đối với bạn nữa. Giờ đây bạn có một tiêu điểm thay thế cho mọi cái khác, làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn, và qua đó mà bạn xác định tư cách của chính mình: đó là người mà bạn "đang yêu". Bạn bây giờ không còn là một mảnh rời rạc trong một vũ trụ lạnh lẽo, ít ra bạn cũng tưởng như thế. Thế giới của bạn giờ đây có một tâm điểm mới: người mà bạn đang yêu. Sự kiện là tâm điểm đó vốn ở bên ngoài bạn và do đó cảm nhận về tự thân bạn cũng xuất phát từ bên ngoài, thoạt đầu chưa trở thành vấn đề đối với bạn. Vấn đề là bạn không còn cảm thấy các đặc điểm của bản ngã như là nỗi sợ hãi, hay cái cảm giác thiếu thốn, bất toàn ở trong bạn nữa - nhưng chưa chắc. Chúng thực sự đã biến mất hay vẫn còn tồn tại bên dưới cái vỏ hạnh phúc bề ngoài?
Nếu trong quan hệ luyến ái của mình, bạn vừa cảm thấy cả "yêu" và cả những điều trái nghịch như đả kích nhau, giày vò, tra tấn nhau, v.v... thì rất có thể bạn đang lẫn lộn tình yêu với sự vướng mắc của bản ngã và sự bám víu đầy tính nghiện ngập. Bạn không thể lúc này thì rất yêu người bạn gối chăn của mình, còn lúc khác thì chỉ muốn làm tổn thương người đó. Tình yêu đích thực không thể có điều trái nghịch đó. Nếu "tình yêu" của bạn có điều trái nghịch thì đó không phải là tình yêu mà chỉ là một nhu yếu mạnh mẽ của bản ngã, đòi hỏi một cảm nhận về bản ngã toàn diện và sâu sắc hơn, một ham muốn mà người kia tạm thời đang đáp ứng được. Loại "tình yêu" này là cái mà bản ngã muốn dùng để thay thế cho sự giải thoát đích thực, và thoạt tiên thì bạn cảm thấy nó rất giống với sự giải thoát mà bạn đang tìm kiếm.
Nhưng rồi sẽ đến lúc người tình của bạn có cư xử khiếm khuyết với bạn, không còn đáp ứng được nhu cầu của bạn, đúng hơn là nhu cầu của bản ngã ở trong bạn. Lúc đó những cảm giác sợ hãi, đau khổ và thiếu thốn ở trong bạn lâu nay thường bị che đậy bởi "quan hệ yêu đương" bỗng trỗi dậy. Cũng như những cơn nghiện khác, khi sẵn thuốc thì bạn rất phấn khởi, nhưng rồi sẽ đến lúc chất thuốc đó mất tác dụng. Khi những cảm giác đau khổ tái xuất hiện thì bạn sẽ thấy nó còn mạnh hơn trước đây, và thậm chí bạn còn xem người kia là nguyên nhân gây ra đau khổ của bạn. Đó là lúc bạn sẽ không thừa nhận khổ đau sẵn có ấy vốn của bạn, và bạn sẽ phóng chiếu những khổ đau sẵn có ấy ở trong tự thân ra bên ngoài và đả kích người kia không một chút xót thương, để phát tiết bớt nỗi khổ đau của bạn. Sự công kích này có thể đánh thức khối khổ đau sâu nặng có sẵn trong người kia và họ có thể phản ứng lại sự công kích của bạn. Lúc này, bản ngã của bạn vẫn còn mê mờ vì hy vọng rằng bằng cách thao túng hay công kích như thế sẽ có tác dụng buộc người kia phải thay đổi thái độ, qua đó nỗi đau của bạn lại được che lấp thêm lần nữa.
Mỗi sự nghiện ngập đều phát sinh từ cố gắng trong sự thiếu hiểu biết của bạn để chối từ việc đối diện, và đi qua nỗi đau của mình. Sự nghiện ngập nào cũng bắt đầu bằng khổ đau và chấm dứt bằng khổ đau. Dầu bạn nghiện thứ gì: rượu, thức ăn, thuốc men, ma túy, hay một người nào đó - bạn đang dùng thứ đó để che đậy nỗi đau ở trong lòng. Điều này giải thích tại sao, sau những phấn chấn lúc ban đầu, quan hệ luyến ái mà bạn đã đặt rất nhiều kỳ vọng ấy bây giờ lại có quá nhiều bất hạnh và khổ đau. Tự thân của quan hệ luyến ái ấy không hẳn tạo ra nỗi bất hạnh và khổ đau cho bạn. Nhưng một quan hệ luyến ái thực ra chỉ làm bộc lộ rõ ra nỗi đau và bất hạnh đã có sẵn ở trong bạn. Sự nghiện ngập cũng vậy. Bất kỳ sự nghiện ngập nào rồi cũng đến lúc không còn tác dụng nữa, và lúc đó bạn sẽ cảm thấy nỗi đau càng sâu sắc hơn bao giờ.
Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người đều cố gắng trốn tránh phút giây hiện tại và tìm kiếm một sự cứu rỗi nào đó trong tương lai. Có lẽ vì biết rằng điều trước tiên họ phải đối diện khi chú tâm vào phút giây hiện tại là tiếp xúc với nỗi đau cũ ở trong mình. Và đây chính là điều mà họ rất sợ phải đối mặt. Ước gì họ biết rằng, chuyện này rất dễ dàng, vì từ phút giây hiện tại, họ có thể tiếp xúc với năng lực của sự có mặt của chính mình, xua đi quá khứ và những nỗi đau cũ, tiếp xúc được một thực tại có thể làm tiêu tan mọi ảo tưởng mê lầm.
Trốn tránh tất cả mọi quan hệ luyến ái để xa lánh khổ đau cũng không phải là một giải pháp đúng đắn. Dầu sao nỗi đau của bạn cũng vẫn còn đó. Đôi ba lần thất bại trong từng ấy năm thì cũng dễ khai mở cho bạn được tỉnh thức hơn là sống ba, bốn năm trên một hoang đảo hay trong một căn phòng kín. Tuy vậy, một khi bạn để sự có mặt sâu sắc của mình tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình(6) thì sự thực tập này chắc chắn sẽ giúp cho bạn chuyển hóa được nỗi cô đơn của mình.
4. Bạo hành về thể xác và tình cảm: Những bạo hành về thể xác thì rất dễ cho chúng ta nhận ra như sự hành hạ, đánh đập trên thân thể. Nhưng những loại bạo hành khác như về mặt tinh thần, tình cảm,... thì khó nhận ra hơn. Những khi ta dùng lời lẽ nặng nề, hay những mánh lới, thủ đoạn như đe dọa sẽ không đáp ứng chuyện sắc dục, tiền bạc,... cho người kia để uy hiếp người kia thì đó là một sự bạo hành về tinh thần hoặc tình cảm.
5. Thích gây hấn, phê bình, phán xét, đổ lỗi cho người khác, đả kích, giận dữ, báo thù một cách thiếu hiểu biết vì những khổ đau của cha mẹ mình đã gây ra cho mình trong quá khứ, hoặc thịnh nộ và đi đến khuynh hướng bạo hành về thể xác: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta thường mang theo rất nhiều hành trang của quá khứ, trong đó có những hành trang từ cha, mẹ, tổ tiên, ông bà trao truyền cho ta. Hành trang ấy gồm những hạnh phúc, những đức tính tốt, nhưng cũng gồm những khổ đau và những thói quen xấu. Do đó, những hành trang này ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người bạn gối chăn của mình. Những khó khăn trong quan hệ luyến ái này có thể có gốc rễ từ những khổ đau mà cha mẹ ta trao truyền.
6. Để cho sự có mặt sâu sắc của mình tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình: Nhiều khi chúng ta đi tìm một quan hệ luyến ái để chạy trốn nỗi cô đơn ở trong mình, không biết rằng khi đã có quan hệ rồi, ta vẫn thấy cô đơn, vì cô đơn là một cảm xúc ở trong mình, chỉ có mình mới có thể giúp cho mình chuyển hóa được nỗi cô đơn ở trong lòng. Khi có một cảm giác cô đơn xuất hiện, ta chỉ cần có mặt sâu sắc với cảm giác cô đơn đó, không tránh né, phê phán,... thì tự khắc cảm giác cô đơn sẽ được xoa dịu và chuyển hóa.
Trích Eckhart Tolle, Sức mạnh của Hiện tại
Tựa đề bài viết do Sống Đẹp tạm đặt
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top