Tai lieu4: Tu tuong HCM ve con nguoi2
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người
Ngày cập nhật: 10-09-2008
Khi nói về con người, M.Gorki, nhà văn lỗi lạc của nước Nga Xô viết đã từng thốt lên: "... Con người! Tiếng ấy thật tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng biết bao..." (Dưới đáy), vì thế, từ xưa đến nay, các bậc vĩ nhân, các nhà triết học, các nhà tư tưởng, các nhà khai sáng ra các tôn giáo lớn trên thế giới... đều vì con người, hướng về con người bằng tất cả tấm lòng yêu thương, trân trọng. Con người đã trở thành trung tâm của mọi hoạt động nghiên cứu. Đặc biệt, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì vấn đề con người được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, đúng bản chất của nó hơn cả.
Vấn đề con người là vấn đề lớn, được đặt lên hàng đầu và là vấn đề trung tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi nước ta vừa giành được độc lập sau bao năm nô lệ, Người đã khẳng định trong tuyên ngôn Độc lập: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và thậm chí đến cuối đời, qua bản Di chúc thiêng liêng, ta cũng thấy được tình yêu thương bao la, vô bờ ấy: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế".
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người được nhìn nhận vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong lý luận của Người về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong kháng chiến, Người nhấn mạnh là cần phải xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, phát huy tính sáng tạo của quần chúng nhân dân để kháng chiến và kiến quốc. Trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, bao giờ Người cũng coi trọng những yếu tố khách quan vì những yếu tố này luôn gắn liền và tác động đến con người. Người khẳng định, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trước tiên cần phải có "con người xã hội chủ nghĩa". Đó là những con người vừa "hồng" vừa "chuyên", có phẩm chất đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"; phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân và ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng "như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Quan niệm của Bác về con người rất toàn diện, có cái tốt và cái xấu, do đó, theo người "phải làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi".
Hồ Chí Minh luôn hướng về con người với tấm lòng yêu thương, trân trọng. Người có niềm tin rất lớn vào con người. Ngươi đã từng nói "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên". Lòng tin đó được hình thành ở Người từ những ngày cắp sách đến trường và phát triển lên trong thời gian bôn ba tìm đường cứu nước. Niềm tin đó càng được khẳng định khi Người bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin vì đó chính là "con đường để giải phóng của chúng ta". Người đã thâm nhập vào thế giới của những con người "dưới đáy" xã hội, tìm hiểu họ, hướng họ đến với ngày mai và cũng ở nơi đó, Người càng hiểu sâu sắc bản chất thật sự của khẩu hiệu mị dân mà bọn thực dân đang hô hào trên các nước thuộc địa: "Tự do, bình đẳng, bác ái"! Càng tin vào con người, tin vào quần chúng bao nhiêu thì tình thương yêu của Người đối với họ càng to lớn bấy nhiêu. Càng yêu dân, Người càng chăm lo đến nâng cao dân trí, chống giặc dốt, xóa nạn mù chữ, phát triển giáo dục vì Người từng khẳng định rằng "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Người ước mong dân tộc ta phải "sánh vai với các cường quốc năm châu", đất nước đẹp giàu, nhân dân no ấm.
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động, vì thế tư tưởng Hồ Chí Minh về con người thống nhất với tư tưởng, quan điểm của Đảng ta. Ngày nay, khi mà cả nước đang bước vào hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, để đưa đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu" và để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại thì chiến lược phát triển con người càng được chú trọng hơn bao giờ hết, con người phải trở thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển. Trước mắt và cả về lâu dài ta có rất nhiều việc cần làm để thực hiện chiến lược đó nhưng trước tiên, trong lúc này, các cấp, các ngành cần phải ra sức đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ra sức thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; quyết tâm xây dựng nước ta thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ từng mong muốn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top