Văn 12: Chiếc thuyền ngoài xa - người đàn bà
PHÂN TÍCH NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TẠI TOÀ ÁN HUYỆN
Bài làm:
Cuộc sống xung quanh chúng ta luôn hiện hữu những gam màu sáng tối khác nhau, dưới "muôn hình vạn trạng" đòi hỏi con người, đặc biệt là người nghệ sĩ phải soi chiếu, khúc xạ cuộc đời qua lăng kính đa chiều. Chúng ta có thể say mê trước vẻ đẹp của trần thế nhưng không bao giờ được quên lãng những mặt tối, đắng cay của cuộc đời. Nhà văn Nguyễn Minh Châu- được mệnh danh là vị "khai quốc công thần" của triều đại mới văn học Việt Nam đã có những quan niệm sâu sắc và mới mẻ qua tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa". Đặc biệt, ông đã thành công khắc họa hình ảnh nhân vật người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện từ đó làm nổi bật lên thông điệp , tư tưởng của tác phẩm cũng như bộc lộ tình cảm nhân đạo của mình khi đi tìm tòi, khám phá những "mảnh đời chắp vá": "Người đàn bà bỗng chép miệng...chúng nó được ăn no".
Nguyễn Minh Châu là nhà văn "mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học Việt Nam sau năm 1975" (Nguyên Ngọc), ông đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình viết nên tuyệt phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa". Tác phẩm thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Được viết vào tháng 8/1983, tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là khi kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc, hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà, đất nước đã hoàn toàn thống nhất trong nền độc lập. Một xã hội hòa bình mở ra cũng mang theo những vấn đề về cuộc sống mà thời chiến chưa từng được nghĩ tới, làm con người không khỏi băn khoăn. Tác phẩm ra đời như sự tất yếu, khách quan, văn học phải đổi mới do tác động của kinh tế, chính trị và xã hội. Truyện ngắn ban đầu được in trong tập " Bến quê" (1985) sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn in 1987. Tác phẩm được viết theo hướng đổi mới với vấn đề xã hội được đặt ra là tệ nạn bạo lực gia đình, một vấn đề thời bấy giờ ít được người ta quan tâm, chú ý. Đồng thời rút ra thông điệp sâu sắc về cách nhìn cuộc đời và mối quan hệ biện chứng giữa cuộc đời và nghệ thuật. Là nhà văn với khát vọng "đi tìm hạt ngọc ẩn ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người", Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm tinh thần nhân đạo qua hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, đặc biệt là vẻ đẹp của chị trong đoạn trích ở tòa án huyện.
Đầu tác phẩm, người đàn bà hiện lên với vẻ ngoài xấu xí như là kết quả của cuộc sống lam lũ, khổ cực. Tuổi ngoài bốn mươi, mặt rỗ do di chứng bệnh đậu mùa để lại, áo quần bạc phếch, rách rưới được mặc lên thân hình thô kệch của người đàn bà miền biển càng tô đậm nên cuộc sống mưu sinh vất vả lúc bấy giờ. Chị còn là người có số phận bất hạnh khi hòa bình đã được lập lại trên mảnh đất quê hương. Gia đình chị đã nghèo lại đông con, quanh năm suốt tháng không đóng nổi một cái thuyền lớn hơn và có những tháng phải ăn xương rồng ròng rã cho qua cơn đói. Người đàn bà còn là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" của gã chồng vũ phu. Thế nhưng chị vẫn cam chịu, không khóc lóc van xin. Người đàn bà có cuộc sống mới bất hạnh làm sao!
"Nhà văn phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", tuy người đàn bà có cuộc sống khổ cực nhưng nhà văn đã thành công khi đào sâu tìm kiếm vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà thất học thông qua câu chuyện ở tòa án huyện. Ban đầu, người đàn bà tỏ ra rụt rè, e ngại, chỉ xưng: "con-quý tòa" nhưng sau đó chuyển thành "tôi-các chú", từ đó ta thấy rõ được sự sắc sảo ở chị.
Thứ nhất ta nhận thấy ở người phụ nữ có một tấm lòng nhân hậu, vị tha nghĩa tình, từng trải và thấu hiểu lẽ đời. Chị không bao giờ quên câu chuyện nghĩa tình ở quá khứ của người chồng. Lúc đó chị là một người phụ nữ xấu xí vì di chứng bệnh đậu mùa, nhưng người đàn ông là chồng chị bây giờ - người đàn ông khỏe mạnh đã thông cảm, chấp nhận sự thiệt thòi này về nhan sắc của chị. Chị kể về câu chuyện nhắc đến nguyên nhân không thể bỏ chồng đó là chị luôn tự nhắc bản thân về lòng biết ơn sâu sắc đối với người đàn ông này. Người chồng chính là người mang đến hạnh phúc lứa đôi và sau đó là hạnh phúc gia đình cho chị. Chị cố biện minh cho chồng, biện minh cho hành động của chồng mình bằng cách tự nhận hết lỗi về bản thân như là do đẻ quá nhiều hay do gia đình đông con. Chị cho rằng vì thuyền chật, con đông nên cuộc sống khốn khó lại càng khốn khó, gia đình không đóng nổi một chiếc thuyền to lớn hơn, có những lúc phải ăn xương rồng chấm muốn thay cơm. Trong suốt câu chuyện dài của mình, chị không buông lời trách móc với người đàn ông vũ phu. Thậm chí còn cố gắng phân tích, biện minh để khẳng định người chồng không xấu mà là do hoàn cảnh bởi trước kia anh là người hiền lành nhưng để giải tỏa khó khăn thì mới đánh vợ. Chị xem hành động dã man của người đàn ông là một cách để giải tỏa bức bí của cuộc đời. Rồi chị lại động viên, lại lạc quan rằng gia đình vui vẻ hạnh phúc đó là lúc các con của chị được ăn no.
Người đàn bà ấy thực sự biết chắt chiu những giọt hạnh phúc quý giá, dẫu đang ở trong hoàn cảnh khó khăn vất vả, chị vẫn cảm nhận được tia hạnh phúc nhỏ nhoi lóe lên từ những đứa con. Ta thấy có sự đồng điệu giữa chị và ông Mộc trong " Người chú dượng" (Kim Lân) khi ông dù mang tiếng xấu nhưng vẫn sống vì con mình: " Tôi nghiệm ra mỗi lần có những đứa con về nhà, ông ta lại vui hẳn lên và có một vẻ tự hào đặc biệt".Dường như đối với người làm cha, làm mẹ, những đứa con chính là người níu giữ chân họ lại các cuộc đời túng quẫn, cơ cực này. Chị như chỉ muốn nói với chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng rằng người chồng đó sẽ thực sự tốt nếu gia đình bớt khó khăn hơn, và ngay cả hiện tại chị vẫn thấy nhiều mặt tích cực của chồng mình. Người chồng đó hiền lành, không sa vào tệ nạn xã hội hay nghiện ngập bia rượu. Chính cuộc sống nghèo khổ, cơ cực đã khiến con người thay đổi tiêu cực, xấu xa che lấp đi bản tính lương thiện vốn có.
Chị ghi nhận lòng tốt của Phùng và Đẩu nhưng càng rất thẳng thắn và chân thật khi chỉ ra hạn chế của họ. Chị thẳng thắn: "Là bởi vì các chú không phải là người đàn bà, chưa bao giờ các chú biết được như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông" bởi lẽ người chồng là trụ cột, thuyền trưởng của chiếc thuyền. Nếu không có gã đàn ông vũ phu, cuộc đời chị liệu sẽ còn thê thảm đến mức nào nữa? Vì vậy, chị quyết hy sinh để người đàn ông ở lại chèo chống chiếc thuyền cùng chị nuôi đàn con. Chao ôi! Thật vĩ đại làm sao! Tấm lòng của người vợ thương chồng, người mẹ thương con, dốc hết sức vun vén cho gia đình mình. Chị không phải là một người thất học, cam chịu đến vô lý và chị không phải là một nạn nhân cần được sự giúp đỡ, chị hiểu mình, hiểu đời, nhận thức chồng mình vừa đáng trách vừa đáng thương.
Chị vị tha, đồng cảm và rất thấu hiểu cho chồng, chị còn sắc sảo, từng trải khi phân tích về lẽ đời, cuộc sống và gia đình. Một nạn nhân cần giúp đỡ như chị lại giúp cho Phùng và Đẩu ngộ ra nhiều điều về cuộc sống. Trong nỗi cơ cực vô hạn, người đàn bà vẫn biết "gạn đục khơi trong", chắt chiu những giọt hạnh phúc với tinh thần lạc quan. Cuộc đời chị khoảnh khắc vui nhất là khi chị chứng kiến đàn con của chị được ăn no, gia đình chị hạnh phúc, sum vầy. Ta thấy có sự đồng điệu giữa chị và ông Mộc trong " Người chú dượng" (Kim Lân) khi ông dù mang tiếng xấu nhưng vẫn sống vì con mình: " Tôi nghiệm ra mỗi lần có những đứa con về nhà, ông ta lại vui hẳn lên và có một vẻ tự hào đặc biệt". Ngay từ đầu, khi chị van xin, chắp tay lạy lục người chồng lên bờ đánh mình hay ngăn thằng Phác không được đánh bố nó đã cho thấy tâm hồn vàng ngọc của chị. Chị thấu hiểu và không muốn những đứa con của mình chứng kiến cảnh bạo lực gia đình để rồi ghi lại những vết chàm trong tâm hồn đứa trẻ. Người đàn bà đó muốn con mình có tình yêu thương của cả cha và mẹ. Vì lẽ đó chị sẵn sàng hy sinh, chịu tất cả những khổ cực để đổi lấy cuộc sống tốt đẹp cho con mình.
Như vậy, qua câu chuyện ở tòa án huyện cho ta thấy vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài thất học: nhân hậu, vị tha, nghĩa tình. Chị đã làm "vỡ" ra nhận thức của cả Phùng và Đẩu về cơ sự của người đàn ông và chân lý đơn giản của người đàn bà. Phùng đã phát hiện ra cái đẹp của đời thực, của nghệ thuật trong đời sống nội tâm của con người- thế giới con người là thế giới phức tạp, khám phá về con người, muốn giúp đỡ con người không phải là điều đơn giản. Còn chánh án Đẩu, vị bao công của phố huyện nghèo cũng sẽ thấy pháp luật và công lý không nằm trong đống sách vở thô cứng, lẽ phải ở chính lòng người, luật pháp là cần thiết, lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ, cần phải thấu hiểu,thâm nhập sâu vào đời sống của nhân dân hơn để tìm cách phù hợp giúp đỡ họ. Hơn nữa, câu chuyện ở tòa án huyện còn nêu lên cốt lõi tinh thần nhân đạo của tác phẩm.
Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm rằng: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị đày đọa và hắt hủi đến ê chề, hoàn toàn mất niềm tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực". Nhà văn đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình khám phá vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài, ca ngợi giá trị tốt đẹp của họ. Đồng thời đặt ra câu hỏi: "Người nghệ sĩ phải nhìn cuộc đời như thế nào?" và "Cần phải làm gì để nhân dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau khi hòa bình đã lập lại?".
Người đàn bà vùng biển này cũng giống như cô Nguyệt trong " Mảnh trăng cuối rừng", đều là kiểu "hạt ngọc ẩn" mà Nguyễn Minh Châu đang đi tìm. Có điều, cô Nguyệt là mẫu hình lý tưởng chỉ để ngắm nhìn, mơ ước chứ không có thực, còn người đàn bà trong tác phẩm hiện lên trong những cái lấm lem, bụi đời.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy. Người đã đi tìm vẻ đẹp tâm hồn con người bằng cách đào sâu vào nội tâm và mối quan hệ giữa con người, giữa con người với cuộc đời bởi lẽ ông không bằng lòng với hào quang quá khứ. Đồng thời, trước hoàn cảnh éo le của người đàn bà, tác giả bộc lộ niềm thương xót cho số phận khốn cùng của những mảnh đời bất hạnh sau khi hòa bình đã được lập lại. Liệu rằng khi đất nước thống nhất thì cuộc sống nhân ân ai ai cũng ấm nó hạnh phúc hay còn những góc tối chưa được soi chiểu? Nguyễn Minh Châu đã tự hóa thân mình thành nghệ sĩ Phùng và tự bước chân kiếm tìm vẻ đẹp của người đàn bà làng chài. Ông nhận ra rằng giữa cái thờ có cái tình, giữa cái tạp chất có cái lóng lánh vàng ngọc. Tầm nhìn của nhà văn cũng thật sâu rộng khi đề cập đến vấn đề bạo lực gia đình – một vấn đề vô cùng nóng bỏng hiện nay và rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta. Từ hình ảnh người đàn bà đã cho ta thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn cà có cách nhìn đa chiều của ông. Nghệ thuật không thể chỉ vì nghệ thuật mà còn phải vị nhân sinh bởi lẽ con người đa đoan, cuộc đời đa sự đòi hỏi người nghệ sĩ không được hời hợt với đôi mắt nhìn con người, cuộc đời.
Nguyễn Minh Châu đã thành công dựng lên nhân vật người đàn bà trong cái lấm lem bụi đời để bày tỏ tình cảm nhân đạo của mình. Cách trần thuật, tình huống truyện và lời thoại nhân vật đã góp phần làm nên cái đắc địa, tuyệt mĩ của "Chiếc thuyền ngoài xa". Từ đó cho ta thấy những triết lý nhân sinh và nghệ thuật, cuộc đời cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ ấy.
Theo Maksim Gorky thì: "Văn học là nhân học", tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" đi sâu vào lòng người không chỉ vì nhan đề đa nghĩa, cảnh thiên nhiên tươi đẹp hay vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà mà còn là những trang viết viết đầy ắp hơi thở cuộc sống và thấm đượm tinh thần nhân đạo của nhà văn với quan niệm: "Cuộc sống và nghệ thuật là những vòng tròn đồng tâm mà con người là tâm điểm". Ngày hôm nay ta đến với "Chiếc thuyền ngoài xa" – tác phẩm mang lại giá trị nhận thức sâu sắc về con người và cuộc đời. Mỗi chúng ta, đặc biệt là người nghệ sĩ cần phấn đấu nhìn cuộc đời, con người xét trên nhiều bình diện. Đồng thời, ta phải có lòng thương cảm sâu sắc với những mảnh đời chắp vá mà của người đàn bà là điển hình. Qua tuyệt phẩm văn học, tất cả độc giả đều "vỡ" ra nhận thức mới mẻ, triết lý để xứng đáng nâng "Chiếc thuyền ngoài xa" lên làm "bài học nghệ thuật và cuộc đời", tin hằn mãi trong tâm khảm mọi người!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top