Tuyển tập: Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả

CHUYÊN MỤC HỌC SINH GIỎI
✅Đề bài: Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến: "Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả". Hãy phân tích bài thơ Tây Tiến để làm sáng tỏ nhận định đó.

BÀI LÀM
"Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay chỉ biết làm một vài kiểu mẫu đưa cho văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" (Nam Cao). Thật vậy, từ khi khai sinh trong lòng nhân loại, văn chương luôn đòi hỏi người tạo tác phải có cái riêng, cái độc đáo, phải có cho mình một cái giọng nói riêng thứ sẽ không tìm được ở nơi một cổ họng nào khác, để tác phẩm tồn tại, được lưu truyền và triển nở nơi cõi lòng của độc giả. Cũng vì thế mà đã có nhận định cho rằng: "Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả". Câu nói mang đậm tính đúng đắn ấy đã đề cập đến một đặc trưng quan trọng mang tính sinh tử đối với nghề cầm bút – sự sáng tạo trong văn chương. Đồng thời câu nói còn nêu lên sự yêu cầu đối với người nghệ sĩ: phải có nét riêng, nét độc đáo, có phong cách riêng.

Trước hết, chúng ta sẽ bóc tách từng ý nghĩa của ngôn từ để hiểu được tại sao "Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả". "Riêng" là nét mới, cái độc đáo. Đến mỗi loài hoa đều khoác cho mình một bộ áo sặc sỡ sắc màu mang tính loại biệt rõ nét, mỗi loài chim được tạo hóa ban phát cho mỗi giọng điệu riêng để ca vang về mảnh đất đầy hứa hẹn. Thì cớ gì văn chương – một món quà vô giá thượng đế ban tặng cho nhân loại lại không sở hữu những nét riêng, độc đáo như thế. Bởi sáng tạo là quy luật đặc thù của văn học. Theo Tề Bạch Thạch: "Nghệ thuật vừa giống với cuộc đời, vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống với cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời, còn nếu hoàn toàn không giống với cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời." Nghệ thuật vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở tư tưởng nghệ thuật cũng như hệ thống các phương tiện biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật "riêng", một "chân trời" riêng, một "biên cương" riêng. Hơn thế, người đọc tìm đến văn chương trước hết là để lội sâu vào miền giá trị hiện thức được kí mã bới nhà văn để đắm chìm và trải nghiệm thực tại đó qua trí tưởng tượng, sau là để được chiếm lĩnh những giá trị thẩm mĩ, cái nét riêng biệt, được thưởng thức những "của ngon vật lạ" mà tác giả bày ra trên một bàn tiệc thịnh soạn. Bởi thế mà nhà văn nào càng có phong cách độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn. Chúng ta thấy rằng, mỗi khi một ngôi sao mới lóe sáng trên thi đàn, câu hỏi đầu tiên anh ta gặp phải ắt hẳn sẽ là "Anh là ai?", "Anh ta sẽ đem lại thứ gì mới cho chúng ta không?" hay "Anh ta sẽ có gì khác biệt so với những nhà văn khác?" Đó sẽ là những gì mà nhà văn sẽ gặp phải, đó cũng chính là yêu cầu mà người nghệ sĩ phải đáp ứng. Sẽ ra sao nếu chàng ta xuất hiện với một giọng điệu quá quen thuộc, bị trùng lặp hay đã được tìm thấy nơi cổ họng của người khác? Thiết nghĩ rằng nhà văn ấy sẽ mau chóng vụt tắt tựa như ánh sao chổi chỉ sáng một lúc rồi lịm dần vào màn đêm. Bởi lẽ, điều kiện tồn tại của văn chương là mới mẻ và độc đáo, tác phẩm văn chương nếu không có gì mới sẽ không được người đọc đón nhận. Nhà văn có phong cách mờ nhạt sẽ dần bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hay lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn "Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật" (M.Gorki).

Thật vậy, tác phẩm văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực cuộc sống nhưng phải qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, hiện thực trong tác phẩm còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó được nhào nặn qua bàn tay của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ là hơi thở của thời đại mà còn có cả sức sống tư tưởng và tâm hồn của người viết. Trong sáng tác văn học, nhà văn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi văn học không chỉ phản ánh đời sống mà còn biểu hiện thế giới quan của nhà văn: " Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan". Tất cả những gì hiện diện trong sáng tác của nhà văn dường như đều được lọc qua lăng kính của họ.

Và chính những nét riêng, nét độc đáo ấy sẽ kiến tạo nên một tòa lâu đài mang tính ổn định nhưng đa dạng vô cùng – phong cách nghệ thuật. "Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của hệ thống phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo của nhà văn trong một tác phẩm riêng lẻ, trong một trào lưu văn học hay văn học dân tộc". Phong cách trước hết biểu hiện nơi cách cảm thụ có tính chất khám phá và thể hiện bằng giọng điệu riêng. Trên luống đất hiện thực dồi dào phù sa màu mỡ, nhà văn được cấp cho một máy xúc để "khơi" những nguồn chưa ai khơi và lấy đó để nuôi dưỡng cho đứa con tinh thần của mình. Chính vì được khởi lên từ mảnh đất hiện thực ấy mà không hiếm khi các nhà văn "chạm" mặt nhau trong các đề tài...nhưng chính phong cách nghệ thuật của mỗi người sẽ nhào nặn cho đề tài ấy một hình sắc riêng bằng tài năng, trí óc và trái tim ấm nóng của mình.

Xuất thân từ mảnh đất xứ Đoài mây trắng, từ thủ đô hoa lệ Hà thành, Quang Dũng mang trong mình cái "chất" riêng, hào hoa của người con Hà Nội. Hơn thế, người ta còn biết đến Quang Dũng với danh "nghệ sĩ đa tài", ông biết làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng vẫn nổi tiếng nhất và thành công nhất ở mảng thơ ca với một phong cách hào hoa, lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa. Sự tài hoa đó đã ghi lại dấu ấn trong những trang thơ của ông, đặc biệt là những vần thơ lãng mạn phủ đầy chất nhạc, chất họa. Khi người thư kí trung thành ấy lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc, xả thân rời bỏ quê hương để nẻo bước đến vùng Tây Bắc xa xôi, hẻo lánh mà hiến mình cho sự nghiệp cách mạng và tại đây ông đã có duyên được cùng đồng hành với đoàn binh Tây Tiến. Tây Tiến là một đơn vị bộ đội được thành lập vào năm 1947, nhiệm vụ của Binh đoàn là phối hợp với đơn vị bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào. Địa bàn hoạt động rất rộng lớn, phủ khắp miền Tây Bắc, nơi rừng thiêng nước độc Lam Sơn chướng khí núi cao vực thẳm, rừng dày. Bài thơ Tây Tiến ra đời cuối năm 1948, đây là thời kì nhạy cảm của dân tộc. Đó là lúc Quang Dũng rời xa đơn vị của mình, vào một buổi chiều mưa tại Phù Lưu Chanh, nhớ đồng đội, nhớ đoàn quân Tây Tiến mà ông đã viết nên bài thơ này. Đầu tiên bài thơ có tên "Nhớ Tây Tiến" sau này khi in trong tập thơ "Mây đầu ô" ông đổi thành "Tây Tiến" vì theo ông, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là một nỗi nhớ mênh mông trong đó có nhớ cảnh, nhớ người, những kỉ niệm vui buồn gộp chung lại là nỗi nhớ Tây Tiến.

Chúng ta thấy rằng, đến với Quang Dũng thì không thể không nhắc tới phong cách nghệ thuật độc đáo của ông, được biểu hiện trước hết nơi cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật mà cụ thể ở đây là về đề tài người lính. Trong dòng chảy của văn học kháng chiến, đề tài người lính là một trong những đề tài lớn nhất và được biểu hiện một cách đa dạng và nhiều sắc thái. Cùng viết về đề tài người lính năm 1948, "Nhớ" của Hồng Nguyên là một nỗi nhớ về những cuộc hành quân gian khổ, "Đồng Chí" của chính Hữu lại lột tả hiện thực trần trụi khó khăn cùng tình đồng đội thắm thiết, "Cá nước" của Tố Hữu cũng là tái hiện một bức tranh hiện thực đầy đau đớn với "da anh vàng nghệ", đậm tình đồng đội, nhưng đến với Tây Tiến, Quang Dũng nói đến nhiều sự hy sinh.
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi", sương được nhân hóa trở nên như một thế lực hung tàn phủ lấp, cản bước đoàn binh Tây Tiến, khiến cho họ mệt mỏi. Thiên nhiên không chỉ dừng lại ở "sương lấp" mà ở đó còn là "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống". Điệp từ dốc được cường điệu hóa cái cheo leo của núi đèo khi được đặt ở hai đầu vế câu, thêm vào đó là cách sử dụng từ ngữ độc đáo dùng tính từ miêu tả độ sâu "thăm thẳm" để tái hiện độ độ cao của núi đồi, dùng từ diễn tả độ cao "heo hút" để miêu tả cái thăm thẳm của núi dựng vách thành, điệp khúc ngàn thước, phép đối "lên- xuống" càng làm rõ nét cái heo hút, thăm thẳm, độ nguy hiểm đến ghê sợ của thiên nhiên Tây Bắc, ảnh hưởng rất lớn cũng như gây bao nhiêu khó khăn gian khổ cho đoàn quân Tây Tiến. Bởi lẽ câu thơ hay là một câu thơ có nhiều sức gợi, dường như trong cái cheo leo cao vời vợi ấy, chúng ta còn lắng nghe được cái tiếng thở, của người chiến sĩ, lộ rõ cái vẻ mỏi mệt, gian lao trước thiên nhiên hung vĩ. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, đoàn quân Tây tiến còn phải đối diện với thiên nhiên bí ẩn, đầy nguy hiểm cùng thác dữ và thú dữ: "Chiều Chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm Đêm Mường hịch cọp trêu người". Cấu trúc điệp "chiều chiều- đêm đêm" như gợi lên một chu kì vận động của thời gian, thác thét, thú dữ luôn rình rập các anh cả ngày lẫn đêm, gây thêm phần khó khăn, nguy hiểm, cản bước bước chân người lính trước sự dữ dội "thác gầm thét", "cọp trêu người". Hậu quả là "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Bởi điều kiện chiến đấu khó khăn thiếu thốn, bởi những trận sốt rét nơi rừng thiêng nước độc mà tóc các anh đã rụng hết, da đã xanh xao, vàng nghệ vì phải dùng thuốc chữa trị, có khi là phải đối diện với cái chết. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tái hiện sự khó khăn gian khổ các chiến sĩ gặp phải thì Tây Tiến có gợi được tiếng vang như thế? Chắc chắn là không. Bởi Quang Dũng dưới cái lăng kính lãng mạn và tài hoa của mình đã xây dựng hình tượng người lính không chỉ bi mà còn có chất "tráng", bi nhưng không lụy. Trước thiên nhiên trùng điệp núi cao rồi lại núi cao chập chùng ấy, các anh vẫn đứng trên đỉnh núi Pha Luông, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn những ngôi nhà tranh mờ ảo, ẩn hiện trong biển mưa: "Nhà ai Pha Luông mưa sa khơi". Một câu thơ toàn thanh bằng vang lên giữa một bản hùng ca thanh trắc gợi cheo leo, heo hút, câu thơ như êm ái hóa, nhẹ nhàng hóa cái nguy hiểm của thiên nhiên, khoác cho các chàng trai đôi mươi ấy một chiếc áo lộ rõ sự lãng mạn. Đó cũng chính là nét tài hoa của nghệ sĩ đa tài "Quang Dũng", hay "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", chúng ta không chỉ thấu thị được cái sự nở bung của những cánh hoa nơi đại ngàn mà dường như câu thơ còn gợi ra một mùi hương lan tỏa trong gió nhẹ đưa vào nơi sống mũi. Câu thơ thật đẹp làm sao! Thế mới hiểu được rằng tại sao Quang Dũng lại chọn từ "hoa về" thay cho từ "hoa nở" bởi hoa nở chỉ diễn tả một trạng thái thông thường của bông hoa mà thôi, nhưng đặc trưng của thơ là sáng tạo, từng từ như ngọn nến để rồi hòa quyện cùng nhau khi kết hợp lại để thành một vùng sáng bừng cả không gian, gợi nhiều cách hiểu. Đó chính là tài năng, là phong cách của một nhà thơ đích thực. Những trái tim rực cháy ấy như đã cùng hợp sức với nhau để xua đi cái màn sương giăng khắp lối, những bó đuốc rực rỡ cứ nối nhau tạo nên một hình ảnh mĩ lệ, sáng lòa trong màn đêm u uẩn, bởi lẽ thiên nhiên khắc nghiệt nào đâu có thể cản bước chân anh, lòng anh vẫn yêu đời, vẫn lạc quan và cảm nhận cái nét đẹp của thiên nhiên ấy. Không những thế, các anh vệ quốc quân ấy vẫn chất chứa trong trái tim những nét lãng mạn, những mảnh tình riêng dễ thương, tha thiết, trong tâm hồn dào dạt sức sống ấy, hơi thở của tuổi 19 đôi mươi vẫn còn mãnh mẽ và da diết lắm: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Những đêm dài các anh hành quân nung nấu những ước mơ về một ngày mai độc lập, về sự lấy lại toàn vẹn tự do cho non sông, "mắt trừng" mở to thê hiện cái ước mong độc lập là trước tiên, trước hết sau sau đó mới là đêm mơ về Hà Nội, về chốn thủ đô hoa lệ nơi các anh chôn rau cắt rốn, nơi có tình yêu mà các các anh gửi gắm cho gia đình thân yêu, cho những mảnh tình chưa kịp yên bề gia thất. Những chiến sĩ ấy đã khép lại những tình cảm riêng để hướng về cái nghĩa chung với đất nước như "tôi buộc hồn tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi". Một tâm hồn hết sức lãng mạn, tình tứ, hào hoa vô cùng còn được điểm tô thêm phần sâu sắc với những lí tưởng cao đẹp: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", các anh dường như đã xác định rằng chiến trường một khi nẻo bước khó lòng có thể trở lại, nhưng các anh vẫn nhất quyết bước theo mà lòng nhẹ tựa lông hồng, họ đã chuẩn bị cho bi kịch xấu nhất là dừng chân nơi biên ải xa xôi, hy sinh cái xuân sắc của cuộc đời mình mà hiến thân cho tổ quốc, tựa như các anh đã muốn hóa thân vào hồn thiêng sông núi để trở thành một phần máu thịt của Tổ quốc. Nói như Thanh Thảo: "Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi tổ quốc". "Họ đã chết giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính họ đã làm ra đất nước". Đó chính là cái hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến, là hòn ngọc quý giá của văn học kháng chiến, là tài năng trong việc xử lí đề tài cũng như phong cách độc đáo của nhà văn xứ Đoài mây trắng – Quang Dũng, người thư kí trung thành của trái tim ấy đã thành công trong việc khắc tạc vào cõi lòng độc giả một hình tượng người lính Tây Tiến khẳng khái, hiên ngang, hào hoa, phóng khoáng và lãng mạn. Chính tài năng của Quang Dũng đã bất tử hóa sức sống mãnh liệt ấy. Người đọc muôn đời sẽ nhớ đến Tây Tiến, nhớ đến Quang Dũng như một nhà thơ kiệt xuất của thời đại.

Thời gian cứ trôi đi lặng lẽ mà vô tình nhưng thời gian cũng chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi bật lên những tác phẩm hay độc đáo. "Thời gian phá hủy các lâu đài nhưng lại làm giàu các vần thơ". Có một nữ văn sĩ từng nói đại ý rằng: "Sẽ không bao giờ chúng ta gặp lại mình như chiều nay". Cũng như một triết gia từng đúc rút: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Mỗi khoảnh khắc trôi đi không bao giờ trở lại. Sẽ không bao giờ ta gặp lại một Hồng Nguyên, một Chính Hữu, hay một Quang Dũng... thứ hai trên cõi đời này nữa. Bởi lẽ văn chương không bao giờ là sự lặp lại và mỗi nhà văn có một tạng riêng, một phong cách riêng:

Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn. (Lê Đạt).

Nhà văn Nga Torgenev từng nói: "Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng điệu riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của một người nào khác". Thật vậy, giọng điệu của Quang Dũng nơi "Tây Tiến" chan chứa một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi, vô hình vô lượng. Đó là nỗi nhớ về những kỉ niệm, những hình ảnh với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp với mỗi trạng thái của cảm xúc. Ở đoạn một là giọng điệu tha thiết, bồi hồi, được cất lên thành những tiếng gọi: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Câu thơ tựa như một con sóng lòng vồ lấy tiềm thức của thi nhân, mang dáng dấp của một câu cảm thán như tiếng vọng để đưa thi nhân trở về với Tây Bắc trong tâm tưởng. Quang Dũng nhớ son Sông Mã chảy dọc khắp miền Tây, tựa như một chứng nhân lịch sử cho một thời oanh liệt binh lửa, Quang Dũng nhớ thiên nhiên rừng núi Tây Bắc bởi rừng che bộ đội, rừng đánh quân thù, như người mẹ vỗ về bao bọc đứa con thơ khỏi những tên lưu manh thô bạo. "Nhớ chơi vơi", một nỗi nhớ chênh chao, cồn cào, vô hình vô lượng, không có nơi vương vấn, trơ trọi đến nao lòng. Ở đây, chúng ta lại một lần nữa được chiêm ngưỡng tài năng sử dụng ngôn từ của Quang Dũng: sử dụng một từ láy thanh không vốn để miêu tả chiều cao hun hút của địa hình nhưng ở đây lại được dùng đẻ vẽ nên chiều sâu của nỗi nhớ trong tâm hồn. Dù cho nỗi nhớ ấy không đong đếm được nhưng nó cứ ám ảnh như những tế bào hồng cầu chảy trong từng tơ máu, máu còn chảy thì lòng mình không khỏi nhớ nhung. Quả thực, có những mùi hương trăm năm không quên, có những nỗi nhớ thăm thẳm vô cùng, nỗi nhớ về rừng núi Tây Bắc, về đoàn binh Tây Tiến, về một tuổi trẻ gian khổ nhưng đầy hào hùng, nỗi nhớ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của Quang Dũng. Đặc biệt, nỗi nhớ ấy đậm đặc như một thứ trầm hương, mang trong mình hương thơm "thọ thiên địa chi khí" – một hương thơm thanh thoát dịu dàng nhưng day dứt mãi không nguôi.

Đến với đoạn thơ thứ hai, tác giả như người lái đò xuôi mái chèo kí ức của mình về những đêm hội liên hoa ấm áp tình quân dân, giọng điệu bây giờ chuyển sang hồn nhiên, tươi vui, sau đó bang khuâng, man mác khi gợi lại cảnh chia tay trong mong một chiều sương mờ bao phủ Châu Mộc. "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ". Sau chặng đường hành quân vất vả, gian nan, người lính Tây Tiến được chung vui với bản làng trong đêm liên hoa văn nghệ ấm áp tình quân dân – một món quà, hành trang tinh thần quý giá và ý nghĩa, đó chính là động lực to lớn khiến những bước chân của người lính Tây Tiến càng thêm vững mạnh, lạc quan yêu đời sau hành trình chiến đấu vất vả. Từ "bừng lên" giàu sắc thái biểu đạt gợi về một không gian tràn ngập ánh sáng, lung linh với niềm vui lan tỏa, không khí tưng bừng, rộn rã, ở đây không chỉ lá sự "bừng" lên của ánh sáng lửa trại mà sâu trong đó còn là sự "bừng" tỉnh của tâm can, như những tâm hồn đồng điệu réo rắt lên khi tìm thấy nguồn cảm hứng của đời mình. Quang Dũng với ngòi bút tài hoa của mình đã phác lên trên bức tranh ấy hình ảnh của "đuốc hoa" vốn chỉ ngọn nến thắp trong phòng tân hôn của những cặp uyên ương tạo được sự yêu đời, bay bổng, lãng mạn của chính tâm hồn nhà thơ. Giữa một khung cảnh lãng mạn như thế, hình ảnh con người xuất hiện và trở nên trung tâm của đêm hội. Đó là nhân vật em, người thiếu nữ Tây Bắc: "Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ." Chỉ từ "kìa" ở đầu câu thơ cho thấy sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng và thái độ trầm trồ mê đắm của người lính trước vẻ đẹp của những thiếu nữ phương xa xứ lạ. Người lính "Tây Tiến" không biết "tự bao giờ" mà những cô gái vùng cao đã mang lên mình bộ xiêm y lộng lẫy, điểm tô không gian thêm rực rỡ sắc màu. Những nàng thơ trẻ trung xinh đẹp ấy còn mang dánh vẻ e ấp, thẹn thùng với những điệu múa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc để nhiều thương nhớ trong trái tim của những chàng trai mười chín đôi mươi. Thật tài tình khi Quang Dũng đã tập trung khắc họa đêm liên hoan văn nghệ bằng đầy đủ dư vị và sắc thái của tạo vật một bữa tiệc thịnh soạn tràn ngập ánh sáng, âm thanh, điệu múa, tiếng khèn... tất cả đã làm nổi bật lên không khí tưng bừng, náo nhiệt, rộn rã, thắm thiết tình quân dân. Câu thơ cuối bộc lộ tâm hồn lãng mạn rất đặc trưng của người lính Tây Tiến: các anh hòa mình vào trong đêm hội, liên hoa văn nghệ, say đắm trước vẻ đẹp của con người, văn hóa nơi đây: "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ". Chính vẻ đẹp về con người, văn hóa, của điệu múa, âm nhạc khiến tâm hồn người lính thăng hoa, chấp cánh cho những giấc mơ, những chân trời chưa tới, xây hồn thơ với bao mộng ước ngọt ngào, hướng về ngày mai độc lập. Tất thảy để chúng ta thấy được một giọng điều trìu mến, hồn nhiên, trong sáng, thắm đượm tình cảm gắn bó giữa quân với dân ta. Tuy nhiên, ở 4 câu thơ sau, giọng điệu có chút trầm xuống bởi cảm giác bang khuâng, man mác khi gợi lại một cảnh chia tay trong một chiều sương mờ bao phủ Châu Mộc: "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ". Không gian thơ gợi nên một vẻ huyền ảo, não nùng, sương giăng mắc khắp núi rừng, từ "ấy" cất lên như sự tiếc nuỗi xót xa, chở nặng nỗi lòng của nhân vật trữ tình. Chính chiều sương mờ huyền ảo ấy là phông nền cho những nỗi nhớ nhung, lưu luyến thêm phần sâu sắc. Bản thân buổi chiều đã gợi buồn, nay chiều sương lại càng buồn hơn nên sự chia tay lại càng khiến lòng người buồn thấm thía, sâu nặng. Quả thật đúng khi "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", dường như nỗi buồn cũng đã tự vươn đến, giăng mắc nơi những nhành hoa lau trắng buốt. Đến với khổ 3, giọng thơ thay đổi thành một trạng thái mới: đầy bi tráng, tái hiện hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hy sinh cao cả của họ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá giữ oai hùm"."Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Như đã được phân tích ở trước, hình ảnh người lính Tây Tiến trong tư thế chủ động cạo trọc đầu, nước da xanh xao, thân hình tiền tụy bởi điều kiện sống và chiến đấu khó khăn gian khổ, muôn trùng đau khổ cứ thay nhau cuốn lấy thân xác các anh, rồi khi nhắm mắt xuôi tay, các anh cũng chẳng được mai tang đàng hoàng, kính cẩn, bởi có đâu ra những gấm vóc lụa là, có đâu những điều kiện đủ đầy cho các anh nơi biên ải xa xôi, í tai lui tới. Thật xót xa! Nhưng Quang Dũng đã phủ lên một khung cảnh buồn hiu hắt ấy một màu áo chàm, trong khói bụi của sự đau thương, sự tráng lệ nơi dáng đứng của các anh bắt đầu cháy lên cùng với lý tưởng cao đẹp, bằng cách sử dụng nhiều từ Hán Việt đem lại sự cổ kính, trang trọng, bằng chính giọng điệu hào hùng, hào hoa của mình. Những người lính dẫu chịu nhiều khó khăn gian khổ, vẫn ấp ủ cho mình về những giấc mộng tình yêu tuổi trẻ, cùng cái ngóng trông về một tương lại độc lập. Dường như cái tình riêng nơi các anh đã khép lại để cái nghĩa chung với tổ quốc được nâng lên hàng đầu. Đó là một lý tưởng cao đẹp của những tâm hồn "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đến đoạn thơ thứ bốn, với giọng điệu tha thiết, bồi hồi đã khái quát hết cảm xúc của bài thơ. Tác giả ca ngợi những con người "một đi không trở lại", những con người với một lý tưởng cao đẹp, sẵn sang hy sinh, tự nguyện hiến thân mình cho Tổ Quốc, quê hương. Đó là những tâm hồn lạc quan, yêu đời, sự yêu thương gắn bó hòa mình cùng những địa danh, những vùng đất họ từng đi qua.

Qua bốn đoạn thơ, chúng ta dễ thấy được rằng, giọng điệu chủ đạo của toàn bài là giọng điệu bi tráng, bi nhưng không lụy. Đó chính là tinh hoa, là nét hào hoa, phong cách sáng tác độc đáo của Quang Dũng khi viết về đề tài người lính.

Thêm vào đó, chúng ta biết rằng, ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ đặc trưng tiêu biểu nhất cho ngôn ngữ của văn học, nó tựa như một cái bản nhôm mà ở đó mỗi nhà thơ là một nghệ nhân kim hoàn, chính cách nhà thơ uốn nắn, rèn dũa cái bản nhôm ngôn từ ấy cũng sẽ tạo nên phong cách riêng, độc đáo. Chính vì thế, Quang Dũng với tư cách là một nhà thơ tài hoa, phóng khoáng, cũng đã sử dụng hệ thống ngôn từ cùng các thủ pháp nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng. Hình ảnh trong thơ được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau. Tiêu biểu nhất vẫn là bút pháp lãng mạn: "hoa về trong đêm hơi", "doanh trại bừng lên hội đuốc hoa", "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"...nhưng xen lẫn trong đó cái chất của hiện thực vẫn còn dư ba. Điều đó tạo nên một sắc thái phong phú. Trong bài thơ có hai hình ảnh chính: thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến. Ở mỗi loại hình ảnh có hai dạng chính, tạo nên sắc thái thẩm mĩ phối hợp, bổ sung cho nhau. Người thư kí trung thành của trái tim ấy đã vẽ thiên nhiên trong cái dữ dội, khắc nghiệt, hoang sơ, hùng vĩ với những khúc điệp thanh trắc liên tiếp, tạo thế hùng vĩ, dữ dằn cho thiên nhiên. Bên cạnh đó, có những hình ảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, ẩn hiện trong màn sương khói mờ ảo, trong màn mưa, mĩ lệ hóa hoa đong đưa, hồn lau nẻo bến bờ, đó tựa như những dải lụa mềm mại phủ lên cái bức tranh gân guốc nơi thiên nhiên Tây Bắc. Thật vậy, tác giả đã sử dụng nhiều bút pháp miêu tả, dựng hình ảnh, có khi tả cận cảnh, có khi lùi ra xa để bao quát khung cảnh rộng lớn, mở ra bức tranh phóng khoáng và hùng vĩ của thiên nhiên miền Tây. Tuy nhiên, thiên nhiên Tây Bắc tựa như phông nền để Quang Dũng xây dựng hình tượng trung tâm của bức tranh ấy: Người lính Tây Tiến, được hiện ra với nhiều sắc thái, chủ yếu là hào hùng và hào hoa. Hào hùng ở ý chí, tư thế hiên ngang "chẳng tiếc đời xanh", coi thường gian khổ. Hào hoa ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm tình người và cả những khát khao, mơ mộng.
Quả thực, Quang Dũng với ngòi bút hào hoa của mình đã chứng minh rằng "thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng." Không chỉ dừng lại ở đó, thưởng thức Tây Tiến, người đọc thật khoái chí với đặc sắc ngôn ngữ của Tây Tiến, một sự phối hợp, hóa trộn của nhiều sắc thái phong cách với ngôn ngữ những lớp từ đặc trưng. Có thứ ngôn ngữ trang trọng, mang màu sắc cổ kính ánh lên từ cách sử dụng từ Hán Việt khi miêu tả hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hy sinh bi tráng của họ. Có lớp từ ngữ sinh động của tiếng nói hàng ngày, in đậm phong cách người lính. Nhưng điểm sáng nhất có lẽ là cách mà nhà thơ kết hợp từ rất độc đáo, mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới: Nhớ chơi vơi, đêm hơi, sung ngửi trời, mưa xa khơi, mùa em thơm nếp xôi...Bên cạnh, nhà thơ còn sử dụng rất tinh tế việc đưa những địa danh xa xôi vào bài thơ, tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người, gợi được vẻ heo hút nhưng cũng rất hấp dẫn của xứ lạ phương xa. Kết hợp thê thơ bảy chữ với các biện pháp tu từ nhân hóa, sử dụng từ láy, liệt kê, nghệ thuật đối...càng làm cho bài thơ thêm phần sinh động, rõ nét hơn. Quả thật chính xác khi giáo sư Hà Minh Đức viết: "Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mĩ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ" Tây Tiến quả thật là một kiệt tác và Quang Dũng nghiễm nhiên trở thành người nghệ sĩ hào hoa thai nghén ra kiệt tác ấy bằng phong cách độc đáo của mình.

"Văn học không có gì riêng sẽ không là gì cả". Câu nói đề cập đến sự sáng tạo trong nghề con chữ. Nhưng có phải sáng tạo quyết định tất cả? Một tác phẩm chỉ có sáng tạo mà không truyền tải những tư tưởng nhân đạo lớn lao thì sẽ trở thành một kiệt tác? Không phải như vậy. Trước hết, trong mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, cuộc sống là mảnh đất màu mỡ cho văn chương để văn chương đào sâu và phát triển, điều kiện tiên quyết của một tác phẩm là nó phải được hút mật từ hiện thực, thứ làm nên tính đúng đắn, tính thực tế, tính chân thực cho tác phẩm. Cánh diều văn học dù bay cao bay xa tới đâu vẫn luôn gắn bó với mảnh đất cuộc sống bằng một sợi dây mỏng manh nhưng vô cùng bền chắc. Cho nên, muốn tác phẩm thực tồn tại trong lòng người độc, trước hết tác phẩm của anh phải ở giữa đời. Không chỉ thế, người nghệ sĩ còn phải có cho mình một trái tim ấm nóng, biết rung cảm trước mọi nhân tình thế thái của cuộc đời, chỉ có cảm xúc mới biến tác phẩm trở nên sống động và có hồn hấp dẫn độc giả để cùng đồng cảm và đồng điệu với chính nhà văn, nhà thơ. Anh bắt rễ từ hiện thực, anh có cho mình cái giọng riêng, phong cách độc đáo, anh đặt trái tim mình ở trong tác phẩm, thì ắt hẳn tác phẩm ấy sẽ như cánh chim thiên nga làm xao xuyến ánh nhìn, tâm hồn của tất cả mọi người. Ngoài ra, để hoàn thiện quá trình tiếp nhận văn học, người đọc đóng một vai trò cực kì quan trọng. Bởi lẽ, độc giả chính là người cấp chứng minh thư cho tác phẩm, người đọc nắm giữ chía khóa để mở ra cánh cửa bí ẩn của tác giả thông qua tác phẩm. Chính vì vậy, độc giả cũng phải rèn luyện cho mình một khả năng cảm thụ văn chương tốt, có cách đánh giá đa diện, đa chiều, soi chiếu tác phẩm vừa bằng cái tâm, vừa bằng cái tầm để có thể đặt chân đến địa hạt của cái đẹp, chiễm lĩnh thành công hạt ngọc ẩn dấu sâu bên trong lớp vỏ ngôn từ của tác phẩm. Có như vậy, sợi dây liên kết giữa tác giả và bạn đọc được hình thành bền chắc và là cơ sở để đứa con tinh thần – tác phẩm, được thoát li khỏi nhà văn, có cuộc sống riêng và trường tồn mãi với phong bụi của thời gian.

Thật vậy, thật đúng đắn khi nói rằng "văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả", câu nói đã khải quát được đặc trưng chủ đạo của văn chương nghệ thuật là sáng tạo, đồng thời đó cũng là một yêu cầu mang tính sinh tử đối với người nghệ sĩ- phong cách nghệ thuật riêng, độc đáo. Và qua Tây Tiến của Quang Dũng, chúng ta càng chứng minh được tính đúng đắn của quan điểm trên, qua đó ta cũng thấy được một hồn thơ tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng cùng hình tượng người lính bi tráng đầy hào hùng nhưng cũng rất hào hoa. Người nghệ sĩ hãy hoàn thiện thiên chức cao cả của mình bằng tài năng, phong cách độc đáo để "rồi mai đây nhân dân sẽ còn trìu mến tôi mãi vì tôi đã dùng thơ để đánh thức những tình cảm tốt lành, và trong thời đại khốc liệt của chúng ta tôi ngợi ca sự công bình và lòng thương xót cho những kẻ  khốn cùng" (Puskin).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top