TIP: Cách mình học văn

Chào mọi người, gần đây mình tương đối bận, giờ mới nghiêm túc ngồi chia sẻ lại quá trình học văn của mình. Mình thấy hiệu quả với cá nhân mình chứ không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, mong rằng các bạn có thể sớm tìm ra cách học phù hợp với bản thân qua một số tip sau đây.

- Đọc thật kĩ - nắm được nội dung văn bản
Nắm được nội dung chính, mạch cảm xúc chủ đạo, nghệ thuật trong bài và tư tưởng, tình cảm, phong cách nhà thơ cũng như hoàn cảnh ra đời, nhân vật... của tác phẩm đó. Những ý chính như vậy luôn cần phải có trong bài làm, nếu không thì chắc chắn bài sẽ bị trừ điểm đó nhé. Với cả khi thuộc văn bản, chắc chắn vào đề sẽ viết nhanh hơn, có chiều sâu hơn.

- Viết sẵn mở bài
Mình đã có 1 vài bài hướng dẫn viết mở bài rồi, mọi người tham khảo mấy phần trước nhé. Theo cảm nhận và sự quan sát của mình thì phần mở bài luôn là phần khó viết nhất và cũng là một trong số phần quan trọng nhất, bởi chúng ta chưa có được mạch cảm xúc xuyên suốt, luôn phải cân nhắc lưỡng lự rất lâu trước khi đặt bút, chắc hẳn đây cũng là vấn đề không nhỏ của 1 số bạn. Phần mở bài gần như là cảm tình đầu tiên của người chấm với bài viết của mình nha. Thế nên là viết một cái mở bài ấn tượng và học thuộc nó là điều nên làm, nhưng đừng lạm dụng những cách mở bài phổ biến trên mạng nhé.

- Luyện viết.
Bình thường đại đa số mọi người hay học theo văn của thầy cô giáo trên lớp, nhiều bạn còn học thuộc luôn. Cá nhân mình cảm thấy việc học như thế này tương đối rập khuôn, và có 1 sự thật là không phải giáo viên nào cũng sẽ tỉ mỉ, trau chuốt lời văn để có thể phù hợp với việc đưa vào bài văn của mình. Mình không quen và cũng tuyệt đối không học thuộc văn mẫu. Đây không phải là sự phủ định hoàn toàn về các nguồn bài tham khảo nhưng hãy biết học một cách chọn lọc các chi tiết một cách hợp lí.

Thường với mỗi văn bản sẽ có nhiều dạng ra đề khác nhau, hãy chọn những cách ra đề phổ biến và làm thành một bài văn hoàn chỉnh. Trước khi đặt bút mình sẽ tìm đọc tất cả các tư liệu về những thứ mình viết, note lại những ý hay sau đó gạch ý cho bài làm để tránh sót ý. Dùng lời văn của mình để hoàn thiện bài viết. Cách học này mình thấy là nó rất hiệu quả với mình. Vì một lần viết là một lần nhớ, khi mình viết một đoạn phân tích nào đấy mình sẽ quay lại từ đầu và đọc lại, cân nhắc chỉnh sửa một số chỗ để bài văn liền mạch hơn. Mình thì thường hay đánh máy trước khi viết vào vở, một phần là muốn sau này tìm lại cho dễ, phần là cái tật hay thích thêm lời, nếu viết luôn vào vở thì rất dễ xảy ra sự "nhem nhuốc". Và với cách lưu trữ trên laptop, điện thoại mình có thể bỏ ra đọc bất cứ khi nào rảnh rỗi. Thế nhưng, bạn tuyệt đối đừng chỉ gõ bàn phím suông, hãy viết lại vào vở một lần nữa. Riêng cá nhân mình cảm thấy không viết thì sẽ không bao giờ lên trình cả. Nhiều lần mình lười thường hay gõ văn bản trên laptop  rồi photo để học, nhưng mình cũng nhận ra rằng, so với việc vừa ghi chép, vừa suy nghĩ rồi viết lên giấy thì ghi chép bằng word thực sự không hiệu quả chút nào. Muốn lên trình viết thì chắc chắn phải đặt bút! Khi mà mình có một sự chuẩn bị thì chắc chắn là vào phòng thi mình sẽ không bị lúng túng.

Đọc
Chắc chắn rồi, đây là việc không thể thiếu để trau dồi vốn từ và cảm xúc. Mình thường đọc khá nhiều, từ tiểu thuyết ngôn tình đến sách tham khảo... đọc bất cứ khi nào có thể. Hãy lưu trữ sẵn các dạng bài bạn cần học trên điện thoại, mỗi ngày dành ra tối thiểu 15p cho việc đọc và ngẫm thật cẩn thận. Cá nhân mình thường thêm ngoại tuyến trên Wattpad, chụp ảnh qua điện thoại, word... và thậm chí là ghi âm giọng nói để nghe trước khi ngủ.

Và bản thân mình thấy việc viết NLXH muốn được điểm cao thì cần phải có dẫn chứng thuyết phục, tiêu biểu. Những đừng lấy dẫn chứng phổ biến quá nhé (Khi ra dạng đề về dám nghĩ dám làm, nửa lớp mình lấy dẫn chứng Bác Hồ luôn á, điều này không sai, nhưng không để lại được ấn tượng cho người chấm bài) Để có thể làm tốt phần này mọi người có thể tìm đọc cuộc đời của các vĩ nhân, người nổi tiếng... note lại những phần bạn cảm thấy hữu ích. Tin mình đi, đọc mấy cái này vừa cuốn cuốn lại dễ nhớ hơn đọc văn bản nhiều á :((

Mở rộng
Tất nhiên là để được điểm cao Văn thì chắc chắn mọi người phải có phần mở rộng rồi, để cho bài viết sâu sắc hơn và để cho giám khảo cảm thấy bài viết này xứng đáng được mức điểm đó. Mọi người có thể trích dẫn một câu lí luận văn học hoặc câu thơ, lời bình về tác phẩm mà mình hướng đến ngay từ phần mở bài, ví dụ:

                "Chín năm làm một Điện Biên

             Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"

   Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Sự kiện này cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thi sĩ viết nên những tác phẩm bất hủ, mang tầm vóc lịch sử, mang giá trị thời đại sâu sắc. "Việt Bắc" của Tố Hữu cũng được thai nghén trong bối cảnh hào hùng của thắng lợi này. Tố Hữu – cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Thơ ông thể hiện lí tưởng, lẽ sống của con người Việt Nam hiện đại, nhưng vẫn thấm đẫm chất dân tộc, truyền thống. Bài thơ "Việt Bắc" là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu, một thi phẩm xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ vừa là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa là khúc tình ca nghĩa tình Cách mạng Việt Nam.

Sau phần mở bài tuyệt đối không được phép quên hoàn cảnh ra đời, ta có thể cho thêm một số nội dung khác (Mình đã có một bài viết về phần này, nên sẽ không nhắc lại quá nhiều nữa), ví dụ như:

Không phải ngẫu nhiên trong Sổ tay viết văn của mình, Nguyễn Minh Châu đã xác quyết: "Không có một thứ nghề nào mà kết quả công việc lại có thể cắt nghĩa rõ rệt chân giá trị của người làm ra nó như nghề viết văn." Bởi chính quá trình từng trải trong "trường văn trận bút", luôn ý thức về trách nhiệm trước cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã nhận ra rằng: "Người đọc khi lần giở những trang sách chẳng khác nào đang giở từng trang lý lịch tư tưởng của người viết. Và khi đến với "Chiếc thuyền ngoài xa" quả thực ta đã hiểu thêm về "trang lí lịch tư tưởng" mà Nguyễn Minh Châu một đời cần mẫn dành cho con người, cho cuộc đời đa sự...

Tùy vào từng dạng đề mà mọi người có thể mở rộng liên hệ cho phù hợp bằng trích dẫn lí luận văn học hoặc các tác phẩm khác. Ví dụ như khi phân tích "Tây Tiến":

Tây Bắc là thế – chỉ một cái tên thôi cũng đủ làm ta xúc động rồi, hơn nữa, ngạn ngữ Hi Lạp có câu: "Mảnh đất lưu giữ được tâm hồn con người khi ở đó chôn cất một người thân hoặc gửi gắm một phần trái tim họ" hay Chế Lan Viên đã từng chiêm nghiệm:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"

Vì thế mà mỗi miền đất không chỉ gắn với Tây Tiến mà còn gắn bó máu thịt với cuộc đời Quang Dũng. Sài Khao – mảnh đất lắm sương nhiều khói, sương che đường đi, sương phủ kín bóng người, sương như tấm áo choàng lảng bảng, từng con sông, ngọn suối sườn đèo...

Trước khi kết bài là nghệ thuật, hãy nhắc lại phần này một lần nữa nếu bạn đã phân tích bên trên, bởi rất nhiều thầy cô chấm bài sẽ không để ý kĩ dẫn đến sự sót ý. Về phần chuyển ý, mình thường áp dụng câu: "Nếu ví nội dung như một cánh diều thì nghệ thuật chính là làn gió mát trong lành nâng đỡ cánh diều ấy bay cao bay xa... đã thăng hoa tài năng của mình để tạo nên luồng gió mát ấy qua ..."

Cuối cùng, về thời lượng học, thực sự quỹ thời gian mình dành cho môn văn không nhiều, mình luôn tâm niệm rằng chất lượng hơn số lượng, đặc biệt là với bộ môn cần nhiều "chất xám" - sự sáng tạo như môn Văn này thì mình lại càng không cưỡng ép bản thân phải học quá nhiều, nhưng một khi đã đặt bút thì nhất định phải chuyên tâm tuyệt đối. Bởi sẽ chẳng ai có thể dung nạp hiệu quả kiến thức khi phải cưỡng ép bản thân quá mức. Khuyến khích các bạn lập thời gian biểu cố định, mỗi ngày dành ra 30p viết, 15p đọc lại bài là đủ (Đây là mình khi trong giai đoạn chuẩn bị thi THPTQG, đối với các bạn đội tuyển hay với những bạn không chuyên có thể tùy chỉnh thời gian cho phù hợp, nhưng đừng để nước đến chân mới chạy mà hãy mưa dầm thấm lâu nhé)

Chúc các bạn học tốt 🥰

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top