NLVH: Những nội dung vận dụng khi viết khái quát về tác giả


Chắc hẳn có rất nhiều bạn khi viết văn thường có những khái quát về tác giả tác phẩm sau mở bài, trước khi vào vấn đề nghị luận. Phần này cũng là một trong số những điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng cho người chấm bài. Sau đây, mình sẽ nêu ra những vùng kiến thức cũng rất quen thôi để mọi người vận dụng khi viết khái quát về tác giả nhé.

✅Một câu trích dẫn bất kì
Có thể là lời nhận xét, phê bình của một nhà văn bất kì đối với đối tượng mà bạn đang hướng đến. Ví dụ:

Nhận xét về Xuân Diệu, Tố Hữu viết "Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam... cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu". Thơ của ông mang nhiều màu sắc khác nhau và đều để lại rất nhiều dấu ấn trong tim bạn đọc. Ông chính là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân nơi tràn đầy sự tươi mới và yêu đời mãnh liệt...

✅Quan niệm nghệ thuật

Quan niệm nghệ thuật được hiểu là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về một vấn đề nào đó của nhà văn của nhà văn. Đó là quan niệm mà nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm. Quan niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể. Trong bài làm, vận dụng vùng kiến thức này có thể giúp các bạn trong việc cắt nghĩa và lí giải vấn đề có thể là về nhân vật văn học, ngôn ngữ, vùng đời sống nhà văn sử dụng.

Mình ví dụ, đề bài cho phân tích một đoạn văn trong tác phẩm "Chí Phèo"của Nam Cao:
Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao thể hiện ở việc ông coi lao động nghệ thuật là một quá trình hoạt động nghiêm túc, công phu và con người làm nghệ thuật rất cần sự cẩn trọng. Ông lên án gay gắt sự cẩu thả trong nghề văn: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện". Vì lẽ đó, bản thân Nam Cao luôn cố gắng tìm tòi, khám phá để tạo nên những điều mới mẻ ở cả nội dung và hình thức thể hiện.

✅Phong cách nghệ thuật


"Nghệ thuật vốn là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình". Là lĩnh vực của "cái độc đáo" và do vậy, mỗi nhà văn không chỉ có khát vọng sáng tạo mà cần có tố chất. Họ cần phải thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc, bởi thế mà nhà văn phải mang tính chất của riêng mình với dấu ấn cách tân không thể bị hòa lẫn với bất cứ ai. Sự độc đáo trong phong cách sáng tác đã tạo nên nét riêng – tạo nên phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Trước Cách mạng tháng Tám phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông". Ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Sau Cách mạng ông không đối lập giữa quá khứ hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy vừa đĩnh đạc cổ kính vừa trẻ trung hiện đại.
Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế đối với ông, đã là đẹp phải là đẹp đến tuyệt mĩ, đã là dữ dội, phải dữ dội đến khác thường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top