LLVH: Chi tiết nghệ thuật trong văn chương

Nguồn: 𝐓𝐓𝐒

"Bàn về vai trò của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật, Pauxtopxki từng cho rằng: "Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm". Bụi vốn nhỏ bé, dễ lẫn, nhạt nhòa, phổ biến. Còn bụi vàng, nhỏ bé nhưng không dễ lẫn. Bụi vàng, nhỏ bé nhưng lấp lánh ánh sáng. Bụi vàng, nhỏ bé nhưng quý giá. Bụi vàng trong tác phẩm nghệ thuật là những chi tiết đắt giá, cái đắt chẳng dễ mua, dễ tìm, lấp lánh ánh màu của sự sống, và tự nó làm nên một giá trị.

Chi tiết đắt chính là bụi quý trong lao động của nhà văn, được mua bằng cái giá của lao động nghệ thuật chân chính: sức lực, tâm huyết, tình yêu, trải nghiệm. Ai dám chắc "bông hồng vàng" sẽ nở nếu không có một anh thợ quét rác thành Paris kiên trì gom bụi quý cho cô gái Xuyzan? Làm sao có được "tiếng hót hay nhất thế gian" nếu con chim nhỏ bé không lao mình vào bụi mận gai, đánh đổi cả sinh mệnh? Và làm sao "chiếc lá cuối cùng" còn ở trên cành để mang lại niềm tin cho một trái tim bé bỏng nếu không có hi sinh của người họa sĩ ấy? Đó không phải là truyền thuyết, là hư cấu, đó là những bông hoa của cuộc đời đã nở sau tất cả những hành trình hi sinh, khát vọng mệt nhoài. Bụi quý là tinh hoa, tinh huyết nở ra sau lao động cao quý của nhà văn.

Thế nên, bụi vàng - chi tiết tuy nhỏ bé thế mà bao chứa trong đấy là cả một đời người, một gửi gắm, một mong đợi về nhân sinh. Trong đó là xúc cảm và tư tưởng đã được đúc lại, nén kĩ, chờ đợi thời cơ để được chinh phục và chinh phục".

🌿 Chi tiết nghệ thuật và cảm nhận chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương (Hà Thị Hoài Phương) <3

1. Khái niệm

Không phải ngẫu nhiên mà văn hào vĩ đại người Nga Macxim Gorki từng phát biểu: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Hơn ai hết, tác giả những thiên truyện viết ra từ trường đại học cuộc sống, người được coi là "cánh chim báo bão của cách mạng Nga", "nhà văn của những người chân đất" là người hiểu rõ tầm quan trọng của những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Tương quan đối lập trong câu nói trên đã khẳng định: Cái làm nên tầm vóc của nhà văn không hẳn là quy mô tác phẩm mà chính là "chi tiết" – yếu tố đôi khi được coi là nhỏ, là vặt vãnh... Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời...của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời. Nhà văn chỉ thực sự là "người thư kí trung thành của thời đại" (H.Balzac) khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút.

Chi tiết không phải là một khái niệm xa lạ với đời sống.

Theo Từ điển Tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1988) thì chi tiết là: "Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng" (Ví dụ: Kể rành rọt từng chi tiết). "Là thành phần riêng rẽ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được" (Ví dụ: Chi tiết máy). Như vậy, trong đời sống hàng ngày, từ "chi tiết" được hiểu và dùng như là một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.

Trong văn học, "chi tiết" theo định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997) là: "Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng" và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Cũng theo nhóm tác giả này thì: "Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với "quan niệm nghệ thuật" về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định"

Như vậy, chi tiết nghệ thuật được xem như linh hồn của một văn bản nghệ thuật. Muốn hiểu, nắm chắc văn bản, phải hiểu rõ chi tiết nghệ thuật. Khái niệm chi tiết được đặt ra nhằm phân biệt với tổng thể nhưng nó không tách rời tổng thể. Sự hòa hợp giữa chi tiết và tổng thể sẽ tạo thành chỉnh thể. Chi tiết nghệ thuật được xem là thành tố nhỏ nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật.

2. Tầm quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương
Bàn về tương quan giữa chi tiết và tổng thể, có ý kiến cho rằng: "Đôi khi chỉ vì một đôi mắt mà người ta phải cưới nguyên một người đàn bà". Câu nói đó khẳng định một thực tế: Đôi khi, chi tiết có thể đánh gục được cả tổng thể, thậm chí nó thay thế, lấn át tổng thể. Trong tác phẩm văn chương, chi tiết có thể nhỏ về quy mô, tầm vóc nhưng nó chứa đựng tư tưởng lớn, tình cảm lớn. Không nhà văn vĩ đại nào không tập trung xây dựng hình tượng nghệ thuật từ những chi tiết nhỏ, đặc sắc. Thực tế cho thấy, chỉ bằng những chi tiết cô đúc, tiêu biểu, kết hợp với lối hành văn nhiều ẩn ý, nhiều nhà văn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo, giàu sức sống. Nhân vật Bêlicôp ("Người trong bao" - A. Sêkhôp), nhân vật AQ ("AQ chính truyện" - Lỗ Tấn), nhân vật Grăngđê ("Ơgiêri Grăngđê" – H. Banlzac), nhân vật Chí Phèo ("Chí Phèo" - Nam Cao)..., đều là những hình tượng điển hình đặc sắc, được khắc họa bằng nhiều chi tiết cụ thể nhưng có sức khái quát cao, phản ánh được diện mạo, bản chất con người và bộ mặt của xã hội, đồng thời thể hiện những quan niệm nghệ thuật về con người rất riêng của mỗi nhà văn.

Trong truyện, nhờ chi tiết mà cốt truyện được triển khai và phát triển đầy đặn, thông qua chi tiết mà cảnh trí, tình huống, tính cách, tâm trạng, hình dáng, số phận của nhân vật được khắc họa và bộc lộ đầy đủ. Nhiều chi tiết trở thành những điểm sáng thẩm mĩ của tác phẩm, có vị trí không thể thiếu trong sự phát triển của cốt truyện, gắn liền với những bước ngoặt trong cuộc đời, số phận nhân vật. Thiếu chi tiết là thiếu sự đặc tả, thiếu tính cụ thể, truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo, hời hợt, thiếu sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu ôm đồm nhiều chi tiết thì rối rắm, rườm rà, giảm giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.

Trong thơ, nhờ chi tiết mà cảm xúc của nhà thơ có nơi nương náu. Đặc thù của thơ là cảm xúc và hình ảnh. Hình ảnh chính là chi tiết trong thơ. Một cánh chim, một làn mây, một chiếc lá, một nhành hoa hay tia nắng...đi vào thơ không còn là sự vật vô tri nữa. Nó là hình ảnh phản chiếu tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ. Từ một cảnh huống, một tâm trạng mà thấy được nỗi niềm không chỉ của cá nhân thi sĩ mà của cả một lớp người, một thời đại. Cao hơn là phản ánh số phận con người của một quốc gia, dân tộc ở những chặng đường lịch sử nhất định. Đỗ Phủ, Puskin, Nguyễn Du...đều là những thi hào mà tên tuổi đã gắn liền với dân tộc và thời đại.
Tóm lại, dù là thơ hay văn xuôi, đều cần phải xây cất từ chi tiết. Theo quy luật điển hình hóa của văn học, qua một giọt sương để thấy cả bầu trời. Nghệ sĩ lớn là người có khả năng chưng cất cả đại dương vào trong một giọt nước, cả vũ trụ vào trong một giọt sương. Tầm cỡ nhà văn là viết về những cái không đâu, vặt vãnh nhưng khơi gợi được những vấn đề lớn, liên quan đến số phận con người, nhân loại.

Trong tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) hình ảnh Liên và An ngồi nhìn bầu trời đêm "ngàn sao ganh nhau lấp lánh" không phải là chi tiết vu vơ. Đằng sau nó chứa đựng niềm khao khát rất lớn của hai đứa trẻ, niềm khát khao hướng tới một bầu trời khác, nguồn sáng khác, không phải là cuộc sống đang lụi tàn trong vô vọng như ở phố huyện. Từ khát vọng mơ hồ đó của tuổi thơ, nhà văn đã lay tỉnh những tâm hồn mệt mỏi đang sống lay lắt, héo úa như cảnh ngày tàn ở những miền quê nghèo xác xơ, mòn mỏi trong xã hội cũ.

Chuyện miếng ăn trong truyện Nam Cao tưởng chỉ là vặt vãnh nhưng sức phản ánh rất lớn. Từ Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một truyện sú vơ nia đến Sống mòn..., từ người nông dân đến người trí thức đều không thoát khỏi chuyện miếng ăn. Nó không chỉ nói lên thực trạng đói nghèo khốn khổ của con người, quan trọng hơn, nó phản ánh nhân cách, phẩm giá người, nhân tính của cuộc sống người. Người ta có thể từ bỏ lòng tự trọng vì miếng ăn, thậm chí chết vì miếng ăn, chà đạp cả những tình cảm thiêng liêng như tình phụ tử, giẫm đạp lên tình yêu thơ mộng...cũng chỉ vì miếng ăn. Hóa ra, trong xã hội ấy, miếng cơm, manh áo giết chết cả phần người trong mỗi con người. Và Nam Cao khắc khoải, lo âu: Liệu nhân tính có còn không, có được vun xới không? Làm sao để con người giữ được tính người trong một xã hội tàn bạo, phi nhân tính?

Như vậy, chi tiết nghệ thuật dù chỉ là yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Thiếu chi tiết, nhà văn không thể đúc nên tác phẩm. Chi tiết càng có sức biểu hiện, sức khơi gợi và ám ảnh càng lớn, càng góp phần nâng cao giá trị tác phẩm. Và không có một tác phẩm lớn nào mà chi tiết lại nhạt nhẽo, nông cạn, thiếu sức sống.

3. Cảm nhận chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương

Căn cứ vào văn bản, người ta chia làm hai loại: Chi tiết trong văn xuôi và chi tiết trong thơ.

3.1. Chi tiết trong văn xuôi

Chi tiết trong văn xuôi thường là chi tiết sự vật và chi tiết sự việc. Chi tiết sự vật thường gắn với 3 đối tượng: cảnh vật, đồ vật, nhân vật.

Hình ảnh những ngọn đèn trong tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) là chi tiết sự vật. Có nhiều loại đèn được nhà văn miêu tả. Đèn rất sáng (đèn ở Hà Nội và đèn ở đoàn tàu) và đèn tù mù (ở phố huyện). Một loại ánh đèn mạnh nằm trong quá khứ đã mất hoặc chỉ trong mơ tưởng xa xôi. Một loại ánh đèn hiện tại rất yếu ớt ở phố huyện. Gia đình chị Tí, cửa hàng của chị em Liên, bác Siêu bán phở..., mỗi người có một ngọn đèn nhưng tất cả đều tù mù, chỉ tạo nên những "khe sáng", "hột sáng", "quầng sáng", "chấm lửa vàng lơ lửng" trong đêm, đối lập hoàn toàn với "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo". Sống trong ánh đèn tù mù đó, Liên nhớ tiếc ánh sáng quá khứ, mơ tưởng tương lai tươi sáng. Nó phản ánh tâm trạng chán ghét hiện tại tăm tối và mơ ước có cuộc sống khác của hai đứa trẻ.

Chi tiết sự việc (cốt truyện) gắn với các tình tiết. Một tình tiết được hợp nên bởi nhiều chi tiết.

Chí Phèo thức dậy vào buổi sáng hôm sau là một tình tiết, nó được hợp nên từ nhiều chi tiết: tâm trạng, cảm xúc, cảm giác...của Chí Phèo.
Căn cứ vào thái độ của nhà văn, người ta phân ra chi tiết nóng và chi tiết lạnh.

Chi tiết nóng thường được trở đi trở lại, được nhà văn khắc họa kĩ, nằm trong mạch chính của văn bản nghệ thuật.

Trong tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao), "bát cháo hành" là chi tiết nóng, được nhắc đi nhắc lại, hàm chứa tình người, tình yêu thị Nở dành cho Chí Phèo. Bởi được chưng cất từ tình người nên bát cháo hành đã thức dậy phần người trong Chí, làm cho hắn biết "buồn", biết "ngạc nhiên", xúc động và "ăn năn". Thiếu chi tiết này, là thiếu sự xuất hiện của tình người, lấy gì thức tỉnh Chí Phèo để hắn có khát vọng trở lại làm người lương thiện?
Chi tiết lạnh không nằm trong mạch chính, xuất hiện thoáng qua, nhà văn không tập trung cho chi tiết nổi lên nên khó viết và người đọc hời hợt rất dễ bỏ qua. Nhà văn phải có giác quan thẩm mĩ, bản lĩnh mới viết được chi tiết lạnh. Để che giấu được cảm xúc của mình, giảm thiểu tính biểu cảm khi mô tả chi tiết, nhà văn phải có khả năng đóng cũi cảm xúc. Cảm nhận được chi tiết lạnh thể hiện tầm đón nhận của người đọc.

Bát cháo hành là chi tiết nóng nhưng hơi cháo hành là chi tiết lạnh. Chí Phèo khóc khi được Thị Nở cho ăn cháo hành là chi tiết lạnh. ..."mắt hắn hình như ươn ướt". Nhà văn chỉ nói ngắn, không lặp lại, xa cách, giả định "hình như" đi kèm với tính từ giảm thiểu "ươn ướt". Chi tiết mờ nhạt, tưởng thoáng qua nhưng rất đáng kể. Chi tiết lạnh bao giờ cũng có sức công phá rất lớn. Nam Cao là nhà văn tin vào nước mắt, "đứng về phe nước mắt". Nước mắt là hiện thân cho nỗi khổ, nước mắt là giọt châu của loài người, kết tụ của tính người. Chỉ người nào còn tình người mới biết khóc. "Con người chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ"(Kôbe). Nếu nhìn đời bằng đôi mắt khô cạn tính người sẽ chỉ thấy cái xấu xa, nếu nhìn bằng nước mắt sẽ thấy khác, biết cảm thông, độ lượng. Hầu hết các nhân vật của Nam Cao đều khóc. Những nhân vật nào bị tha hóa rồi thức tỉnh cũng đều khóc cả, nước mắt là sự thức dậy của tình người, tính người. Còn biết khóc là còn biết cảm động về một sự chăm sóc trước tình người. Một người biết cảm động trước tình người là còn tính người. Một chi tiết thoáng qua đã biểu hiện những diễn biến vô hình trong nội tâm nhân vật. Hơi cháo hành là kỉ niệm hiếm hoi về tình người mà Chí Phèo được hưởng. Mất hơi cháo hành Chí Phèo không còn được chở che, nương tựa bởi tình người. Mất đi tình người khi đã biết hơi ấm của tình người, đối với kẻ đã bao năm sống bên lề của xã hội như Chí Phèo mà nói, chỉ còn cách tìm đến cái chết.

Trong truyện Đời thừa (Nam Cao), nhân vật Hộ tỉnh dậy sau đêm say, sờ tay lên bàn thấy "ấm nước hãy còn ấm" cũng là một chi tiết lạnh. Chi tiết ấy nói với Hộ về Từ, khiến cho Hộ nhìn thấy sự cao đẹp của Từ và tất cả sự tồi tệ của mình. Nó chứng tỏ rằng Từ là một người có sự tử tế, chu đáo. Từ tử tế, chu đáo với Hộ cả khi Hộ tàn nhẫn với Từ. "Ấm nước còn ấm" là hình ảnh của sự khoan dung, sự chăm sóc và tha thứ. Người ta chỉ có thể tha thứ cho người khác khi người ta mạnh bởi đó là cái mạnh trong lương tri, lương tâm, tình người. Đối lập với sự yếu đuối trong hình hài, vóc dáng, Từ rất mạnh ở lòng thương. Lòng thương ấy bền vững chứ không chông chênh như của Hộ. Nhận ra điều đó, Hộ càng thấy Từ đáng được che chở, yêu thương, càng thấy mình đớn hèn, đáng khinh bỉ. Hộ đã khóc trước Từ khi nhận ra tất cả sự thảm hại ấy của mình.

Cảm nhận chi tiết trong văn xuôi khi dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông có thể không phân loại nhưng nhất thiết phải hiểu rõ chi tiết đó đóng vai trò gì trong mạch truyện, trong diễn biến tính cách, số phận nhân vật. Nói cách khác là luôn gắn chi tiết với tổng thể để thấy được tính thống nhất của một chỉnh thể nghệ thuật. Quan trọng hơn là qua đó, hiểu được ý đồ nghệ thuật, đọc được tư tưởng, tình cảm nhà văn muốn gửi gắm. Đồng thời, thấy được tài năng sáng tạo của người cầm bút.

3.2. Chi tiết trong thơ

Khác với văn xuôi, thơ được xem là vương miện của nền văn học, là tinh chất của ngôn ngữ văn học. Một ngôn ngữ chưa có thơ là một ngôn ngữ chưa phát triển. Một sự đổi mới văn học mà chưa có sự đổi mới về thơ là sự đổi mới chưa hoàn thiện. Chi tiết vốn là lẽ sống của nghệ thuật, với thơ, chi tiết là hồn cốt. Bài thơ sống được hay không là nhờ chi tiết. Chi tiết trong thơ thu hẹp lại trong một giới hạn nhỏ trong thi ảnh và ngôn từ. Đối với một bài thơ, nếu nắm được thi ảnh và ngôn từ đặc sắc xem như đã nắm được linh hồn bài thơ, gọi là nắm được nhãn tự, kết tinh được thần thái linh hồn tác phẩm. Quy mô chi tiết trong thơ thường nhỏ hơn rất nhiều trong tác phẩm văn xuôi.

Bài thơ "Tức cảnh Pac Bó" (Hồ Chí Minh) có một từ - một chi tiết đặc sắc nằm ở câu cuối:

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

"Sang" là nhãn tự của bài thơ, thâu tóm toàn bộ tinh thần bài thơ, cảm hứng thơ của Hồ Chủ Tịch. Toàn bộ cái hay trong bài thơ là nói về cái sang của người làm cách mạng. "Sang" trước hết là một giá trị. Về bản chất, sang là một cái đẹp. Tất nhiên, không phải cái đẹp nào cũng sang, cái đẹp là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Chỉ những khi nó đạt tới đẳng cấp mới gọi là sang, nó thường đi liền với cao, với trọng, mang nghĩa quý phái, quý tộc, là đẳng cấp thẩm mỹ của quý tộc. Cái đẹp thể hiện đẳng cấp mới là sang. Bác nói tới cái sang của người cách mạng là đẳng cấp cao trong văn hóa. Sang trong quan niệm có hai loại: Sang theo kiểu trưởng giả (tỉ lệ thuận với vật chất, thường gọi là sang giầu). Kiểu sang này chỉ có khi hưởng cao lương mĩ vị, gắn với một đối tượng người tầm thường nhất định trong xã hội. Loại thứ hai là sang theo quan niệm kẻ sĩ (người có học). Sang là một giá trị tinh thần đôi khi còn đối lập với vật chất, trưởng giả giàu mới sang còn kẻ sĩ thì nghèo mới sang. Biểu hiện nổi bật là coi thường vật chất, khinh thế. Những người cách mạng thực ra là những kẻ sĩ. Những hình ảnh "cháo bẹ", "rau măng", "bàn đá" không nhằm nói lên điều kiện sống mà chủ yếu bộc lộ tư thế cao sang, đẳng cấp văn hóa của người đi làm cách mạng. Cách cấu tứ của bài thơ này là nhập cái sang của kẻ sĩ trung đại với cái sang của chiến sĩ hiện đại thành cái sang của người cách mạng. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn và khí chất của người cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong bài thơ Đò Lèn (Nguyễn Duy) gồm 6 khổ, tác giả viết về một tuổi thơ nghèo khó bên cạnh người bà tần tảo. Hệ thống chi tiết cảnh vật được nhà thơ liệt kê gồm: cống Na, đồng Quan, ga Lèn, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền cây Thị, đền Sòng..., giúp người đọc hình dung về diện mạo một miền quê với những cảnh trí rất dân dã, gần gũi, quen thuộc. Quan trọng hơn, nó giúp Nguyễn Duy thể hiện sâu sắc thân phận người bà: Đó là thân phận con sâu cái kiến, thân phận thảo dân, mang sắc thái dân đen, đối lập với Tiên Phật, Thánh thần... Bài thơ nói về sự ân hận, sự trưởng thành muộn màng của người cháu. Sống bên bà nhưng vô tâm với nỗi khổ của bà, sống bằng sự chăm sóc, yêu thương vất vả của bà mà cháu không hề biết.

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
Giữa bà tôi và Tiên Phật thánh thần

Người cháu đã sống rất thực với cái hư và sống rất hư với cái thực. Chữ hư mang hai nghĩa: hư ảo và hư đốn. Nó chi phối quyết định đến mạch tâm sự mang màu sắc triết luận, thể hiện quá trình giải thiêng, giải ảo. Nhìn ở góc độ tình cảm, đó là quá trình rời khỏi niềm tin ngây thơ dành cho thánh thần để đến với tình thương dành cho người bà, từ đối tượng mơ hồ đến đối tượng thực. Đôi khi người ta phải trả giá cho những bài học vô cùng đắt. Khi biết yêu thương thì bà đã mất rồi. Nhìn từ góc độ đời sống, đó là cuộc rời bỏ những đối tượng không xứng đáng để đến với đối tượng xứng đáng hơn. Chính người dân kia mới làm nên hiện thực đời sống. Chỉ hai chi tiết "hư" – "thực" đã nói lên sự sụp đổ niềm tin của tác giả, rời bỏ thế giới của đức tin đơn thuần để đến với hiện thực cuộc đời gần gũi, đáng tin hơn.

Chi tiết trong thơ nhiều khi là một mật mã. Giải mã chi tiết tức nắm được ý đồ nghệ thuật, ý đồ tư tưởng của nhà thơ. Chỉ qua một vài con chữ trong Truyện Kiều, như chữ "tót" (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), chữ "cò kè" (Cò kè bớt một thêm hai) mà thi hào Nguyễn Du đã lật tẩy cả một chân dung kẻ con buôn, vô học, thô lỗ của nhân vật Mã Giám Sinh, hay một chữ "lẻn" làm lộ ra một tính cách mờ ám, lén lút, tráo trở... của Sở Khanh, hay hai chữ "mặt sắt" đã gọi ra một chân dung tính cách lạnh lùng, hiểm độc, tàn nhẫn và bỉ ổi của Hồ Tôn Hiến... Các chữ "tót", "cò kè", "mặt sắt" được gọi là những chi tiết đắt giá làm nổi lên hồn cốt nhân vật.

Chi tiết trong thơ hàm chứa nhiều nét nghĩa, nhiều giá trị được gọi là tín hiệu nghệ thuật. Để giải mã chi tiết trong thơ đôi khi cần đến cả một chiều sâu văn hóa. Ví dụ để hiểu câu thơ: Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn ("Đất nước" – Nguyễn Khoa Điềm) phải hiểu về nghi thức giao đãi, về nét đẹp trong phong tục ăn trầu của người Việt. Để cắt nghĩa được hình ảnh, người đọc buộc phải liên tưởng về câu chuyện cổ Trầu cau và rất nhiều câu ca dao mượn hình ảnh cau trầu để bộc lộ khát vọng nhân duyên và tình yêu đôi lứa. Từ chiều sâu văn hóa của hình ảnh miếng trầu, Nguyễn Khoa Điềm muốn nhấn mạnh đến chiều dài của lịch sử và bề dày của văn hóa – những phương diện cấu thành Đất nước. Hình ảnh thơ đó góp phần làm sáng tỏ tư tưởng Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao, thần thoại – một tư tưởng cốt lõi trong chương thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Cảm nhận chi tiết trong thơ không chỉ là đi tìm nhãn tự, giải mã từ ngữ, cắt nghĩa hình ảnh mà cần đặt nó trong tương quan với các biện pháp tu từ, cách sử dụng ngôn ngữ, âm, vần, nhịp điệu...để khám phá cái hay, cái đẹp của câu thơ. Đặc biệt, cần chú ý đến tứ thơ, vì mọi chi tiết trong thơ thường xoay quanh tứ thơ. Tách rời chi tiết khỏi tứ thơ là tách rời nó khỏi chỉnh thể nghệ thuật, mọi sự khám phá sẽ thiếu tính toàn vẹn. Chi tiết có thể giống nhau nhưng tứ thơ là sáng tạo đơn nhất, không lặp lại. Gắn chi tiết với tứ thơ mới thấy được tài năng sáng tạo của thi sĩ.

Những hình ảnh dòng sông, con thuyền, nhịp cầu, cánh chim, làn mây, khói sóng...không phải là những hình ảnh xa lạ với thơ ca truyền thống. Nhưng đi vào bài thơ "Tràng giang" (Huy Cận), chúng được tập trung làm rõ cho sự phi hòa điệu của tạo vật với nhau và giữa con người với tạo vật, nhằm khắc họa cái Tôi cô đơn và nỗi buồn sông núi của nhà thơ. Tứ thơ đó đã chi phối mạch cảm hứng của bài thơ, khiến tất cả các hình ảnh chỉ nhằm phản ánh sự mênh mông vô biên (về chiều kích) và sự hoang vắng cô liêu (về tính chất) của tràng giang. Con thuyền và dòng nước, cành củi khô, cồn nhỏ đìu hiu, sông dài trời rộng, cánh chim chiều chao nghiêng...mô tả sự lạc lõng, chia rời, sự hoang vắng, trống trải đến rợn ngợp của đất trời. Đối diện với cảnh ấy, con người càng cảm thấy cô đơn. Cô đơn trên chính quê hương, đất nước mình là tâm trạng chung của cả một thế hệ thi nhân mất nước lúc bấy giờ, nhưng có lẽ Huy Cận với bài thơ Tràng giang là tiêu biểu nhất.

Ngoài những yếu tố nêu trên, cảm nhận chi tiết trong thơ còn đòi hỏi người đọc có một năng lực thẩm thấu nhất định. Cảm thụ thơ xưa nay chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi đó là sự cảm thụ cái hay, cái đẹp. Để hiểu về cái hay, cái đẹp cần có sự kết hợp giữa một tâm hồn nhạy cảm biết rung động với một con mắt tinh tế biết phát hiện và một khả năng sử dụng ngôn từ chọn lọc. Cần một sự bồi đắp, trau dồi, rèn giũa lâu dài mới đạt được.

Tóm lại, khó thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật. Với nhà văn, quá trình sáng tạo gắn liền với ý thức làm nên những chi tiết đặc sắc, góp phần thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm. Chi tiết gánh trọng trách chuyển tải đến người đọc những thông điệp mà nhà văn gửi gắm, những cách nhìn và quan niệm sâu xa về con người và cuộc đời của người nghệ sĩ. Với người đọc, cảm nhận chi tiết nghệ thuật là mở những cánh cửa đầu tiên để đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Nhà văn sẽ không thể làm nên tên tuổi nếu tác phẩm của anh ta không bắt đầu từ những chi tiết. Người đọc sẽ không nối được nhịp cầu tri âm với tác giả nếu không thông qua tác phẩm từ những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhất bởi chân lí trong sáng tạo nghệ thuật luôn là: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn".

| TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1997), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Phan Trọng Luận (2000), Làm văn lớp 12 , Nxb Giáo dục.
3. Phan Trọng Luận (2008), Ngữ văn 12 tập hai, Nxb Giáo dục.
4. Phan Trọng Luận Trần Đình Sử (2008) Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12 môn Ngữ văn, Nxb Giáo dục
5. Phan Trọng Luận (2010), Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 12, Nxb Đại học Sư phạm.
6. Vương Trí Nhàn, Kinh nghiệm viết truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới
7. Phan Ngọc Thu (2001) Để hiểu thêm một số tác giả, tác phẩm Văn học hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục.
8. Nguyễn Quang Thiều (2000), Tác giả nói về tác phẩm, Nxb Trẻ.
9. Nguyễn Quang Trung (1999) Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, Nxb Giáo dục.

🌿 Chuyên trang ôn Văn - Thưởng Thức Sách ❤

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top