Sóng


---------------------------------------
Con người nói chung và thi nhân nói riêng tự muôn thuở vẫn đi tìm kiếm về tình yêu. Thi nhân xúc cảm và khao khát được bộc bạch nỗi lòng, tỏ bày tâm sự và như Tago đã từng nói thì “Khi tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ”. Phải chăng khi đứng trước biển trời mênh mông rộng lớn Xuân Quỳnh xúc cảm trước cuộc đời mà viết nên “Sóng”, con sóng lòng tràn lên bờ, tràn trên con chữ thành thơ. Quỳnh gửi vào “Sóng” những tâm tư sâu kín và trạng thái phức tạp tinh vi của người con gái khi nói về tình yêu và khát vọng hạnh phúc muôn thuở.

Xuân Quỳnh là một nữ thi sĩ tiêu biểu cho dòng thơ tình thời kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ “Sóng” được Quỳnh đặt bút viết vào năm 1967 trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diên Điền (Thái Bình) in trong tập “Hoa dọc chiến hào” một năm sau đó. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước diễn ra gay go quyết liệt, văn học đương thời chủ yếu mang cảm hứng anh hùng ca, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, giữa những văn phẩm lấp đầy tiếng bom rơi đạn nổ, thì “Sóng” lại xuất hiện tiếng đập bồi hồi của trái tim đang yêu. Do đó Sóng của Xuân Quỳnh được đánh giá như một bông hoa lạ nở dọc chiến hào những năm đánh Mĩ.

Mở đầu, sóng hiện lên với vẻ đẹp vô cùng nữ tính. Ngẫm thật thú vị khi Xuân Diệu thì coi sóng biển như một chàng trai yêu bờ đắm đuối cuồng nhiệt, còn Xuân Quỳnh lại thấy ở sóng cái khí chất của người phụ nữ. Phải chăng, nói như Chu Văn Sơn,  các nhà thơ trữ tình thường áp đặt cái tôi vào đối tượng - hay người ta còn gọi là hiện tượng di tình. Vẻ nữ tính ở sóng toát lên ở ngay khổ thơ:

"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể".

Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Đứng trước cảnh biển rộng lớn, gió từ đại dương bao la thổi vào chị từng đợt sóng lòng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Quả rằng không sai khi nhận định rằng “Sóng” một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Xuân Quỳnh mở đầu bài thơ với hai câu thơ đầu không cần có chủ ngữ mà trực tiếp đi vào cảm nhận. Từng cặp tình tứ đối lập “dữ dội” – “dịu êm” và “ồn ào” – “lặng lẽ” cùng với sự ngắt nhịp câu thơ 2/3, thanh ở mỗi câu, mỗi vế có sự luân phiên bằng trắc tạo nên tiếng sóng xô vào bờ mạnh mẽ rồi nhẹ nhàng lùi về phía xa. 

Hai câu thơ đều có năm chữ ngoại trừ từ “và” thì tất cả đều là tính từ gợi những trạng thái thất thường đối lập nhau của những con sóng. Thay vì sử dụng từ “nhưng” để tô đậm sự đối lập thì Quỳnh dùng từ “và” vốn để biểu đạt quan hệ cộng hưởng, cộng thêm, nối tiếp từ đó tạo ra hai trạng thái cùng tồn tại vừa đối lập vừa song hành trong một thể là sóng. Đặt hai câu thơ trong cấu tứ của bài thơ gợi một liên tưởng thật tự nhiên đến khí chất, tâm hồn phong phú với những trạng thái tâm lí đầy thất thường đầy mâu thuẫn và phức tạp của người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu đích thực luôn là sự thống nhất kì lạ của những mâu thuẫn, biến động đầy phức tạp tạo nên nét quyến rũ ngọt ngào của tình yêu.

Sau cái dữ dội là cái dịu êm, nữ tính, sau cái ồn ào là dịu dàng, lặng lẽ. Cách sắp xếp hai từ này quả thật hé mở thêm về một nét đẹp khác của người phụ nữ. Câu thơ tuy mang nhiều điều trái ngược nhưng khi đọc lên ta thấy được vẻ đằm thắm hiện đại ở trong sự mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Sự khao khát hướng tới bến bờ bình yên hạnh phúc đời thường của phụ nữ nói chung và Xuân Quỳnh nói riêng.

Phép nhân hóa “Sóng tìm ra tận bể” gợi liên tưởng sóng dường như có ý thức, mang suy tư trăn trở rất con người. Sóng không còn là hiện tượng thiên nhiên vô tri vô giác mà còn có tâm trạng con người. Hiện tượng “Sóng” đã hòa vào hình tượng “Em” một cách rất tự nhiên.

Nếu sông là ẩn dụ cho cái giới hạn của không gian hẹp thì bể lại đặc trưng cho sự rộng lớn, vô cùng, vô tận. Sóng tự ngàn năm vẫn từ sông ra bể . Tương tự thế, trái tim người con gái cũng tự nhận thức được những khác thường của lòng mình, khao khát vượt ra giới hạn chật hẹp cô đơn của cái tôi cá nhân, tìm đến sự rộng lớn bao la của tình yêu cũng tương tự như hành trình sóng tìm ra bể. Phải chăng hành trình vượt qua thử thách cũng là qui luật tất yếu để đến với tình yêu. Sự tương đồng trong quy luật của sóng có cái tương đồng với quy luật của tình yêu mà Quỳnh gợi đến trong “Thuyền và biển”: 

"Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?"

Đặt câu thơ trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ ta còn thấy đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phu nữ thời đại. Có thấy ngày xưa quan niệm tình yêu cổ hủ "cha me đặt đâu con ngồi đó" để rồi bao cô gái đã phải cất lên lời than van ai oán:

"Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân."

Xuân Quỳnh để người đọc hiểu rằng muốn có được một tình yêu đích thực phải vượt lên trên mọi rào cản, mọi cái tầm thường để hướng đến những điều bao dung, cao cả. Cũng từ đó mà ta nhận ra quan niệm tình yêu vô cùng tiến bộ, đúng đắn của tác giả: Không yên phận với những thứ được sắp đặt, yêu là phải chủ động để được là chính mình.

Trong khổ thơ thứ nhất tuy không có một chữ nào nói về tình yêu nhưng ta thấy cả khổ thơ lại bao trùm là xúc cảm tình yêu. Dường như tình yêu ẩn chứa trong từng câu thơ, ý chữ, xôn xao, lắng đọng, thiết tha. Đứng trước những con sóng biển khơi, người ta thường nghĩ đến sự vô cùng vô tận của thiên nhiên, còn Xuân Quỳnh lại phát hiện ra sự đồng điệu của sóng với tâm hồn con người: sự thống nhất các tính chất đối lập nhau và khát vọng lớn lao về tình yêu hạnh phúc.

Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận, và làm sao con người ta có thể đi xuyên suốt cõi vô tận ấy. Lúc ngọn lửa tình yêu bùng lên cũng chính là lúc con người ta vượt qua cái giới hạn chật hẹp và lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Tình yêu là gì ư? Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:

"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ".

Nếu như khổ một sóng được đặt trong phạm trù không gian là sông với bể thì ở khổ này sóng được đặt trong phạm trù của thời gian. Thán từ “ôi” được đặt ở đầu câu thơ đã làm rung lên trái tim thổn thức của bất cứ ai đang yêu, bật ra ừ những xúc cảm chân thật bình dị nhất. Nỗi khát vọng về hạnh phúc tình yêu đã có từ bao đời nay trong trái tim của những người đang yêu, của người con gái. Tình yêu Xuân Quỳnh mang đến cho bạn đọc vẫn còn ẩn hiện những nét truyền thống khi tác giả nhắc đến sự tuần hoàn chảy trôi của thời gian: ngày xưa- ngày nay, và cụm từ “vẫn thế” càng khẳng định hơn rằng: thời gian cũng không thể làm xoay chuyển những khát vọng ấy.

Đối diện với biển, có vẻ như rằng Xuân Quỳnh đã phát hiện ra con sóng tồn tại trong tự nhiên vĩnh hằng và bất biến, để rồi liên tưởng đến tình yêu - nỗi khát vọng của muôn đời:

“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”.

Từ láy “bồi hồi” cùng hình ảnh hoán dụ “ngực trẻ” một lần nữa thắt chặt tình yêu và tuổi trẻ luôn song hành với nhau. Chỉ có trái tim trong lồng ngực của những người trẻ mới đủ chỗ chứa đựng khát vọng ấy. Như Xuân Diệu đã từng khuyên: "Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo, hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu".  Bốn câu thơ của khổ thơ có cấu trúc chặt chẽ: hai câu thơ đầu để nói về sóng- hình ảnh thiên nhiên, hai câu thơ sau nói về những khát vọng tình yêu của con người. Mượn quy luật của đất trời để gửi gắm nỗi khát vọng, tương tư cháy bỏng trong tâm hồn con người - một cách thể hiện rất Nguyễn Bính:

"Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng".

Nếu Nguyễn Bính mượn hình ảnh thiên nhiên để khẳng định nỗi tương tư của cái tôi trong thơ mới thì Xuân Quỳnh lại vận dụng cách nói khéo léo để gửi khát vọng của mình vào sóng. Đó là khát vọng tình yêu và một lần nữa Xuân Quỳnh đã bất tử hóa khát vọng của tình yêu, của tuổi trẻ, hạnh phúc.

Tuổi thanh xuân của con người cũng ngỡ như mây trời và đời người vẫn luôn là những chuyến đi. Dù đi qua bao thăng trầm của thời gian thì khao khát về tình yêu với tuổi trẻ luôn luôn bồi hồi, mãnh liệt nhất. Khi nhắc đến tuổi trẻ, bao giờ nó cũng đi đôi với tình yêu, bởi chính tình yêu đã làm cho tuổi thanh xuân của con người trở nên có ý nghĩa biết bao.

Dưới lăng kính của người thầy Chu Văn Sơn: “Hình tượng bài bao trùm cả bài thơ này không có gì ngoài sóng. Sóng vừa được gợi ra trong âm điệu rất phù hợp, vừa được tái tạo với hàng loạt ý nghĩa phong phú.” Quả thực vậy, tài năng biến hóa phong phú về vần, về nhịp của thể thơ ngũ ngôn đã được Xuân Quỳnh sử dụng nhuần nhuyễn. Sức hấp dẫn của sóng không chỉ nằm ở âm điệu vừa miên man vừa dào dạt như những con sóng biển mà còn ở ngôn ngữ giản dị tinh tế. Tiếng thơ của chị cũng đầy xúc cảm xúc động, giàu tinh tế nhạy cảm mà cũng đầy lo âu. Trái tim ấy luôn khao khát những hạnh phúc bình dị đời thường.

Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh giống với câu nói của Lev Tolstôi đại ý rằng con người ta sẽ có sức mạnh vô tận khi ta có tình yêu. Và nếu thật sự có một thứ tôn giáo tình yêu như thế thì Quỳnh chính là “một trong những tín đồ ngoan đạo nhất”. Khi sóng bước vào trong thơ ca, nó đã tượng trưng cho nỗi lòng của thi nhân, biểu tượng cho tình yêu. Có lẽ vậy nên nữ thi sĩ  Xuân Quỳnh nhìn thấy mình trong sóng và thấy sóng ở trong mình. Vì thế, sóng trở thành hóa thân đến nỗi ta có thể khẳng định rằng sóng chính là cái tôi thứ hai của Xuân Quỳnh. Cho nên mỗi lời thơ được viết ra như được trả giá bằng chính khắc khoải của bản thân mình. Thơ Xuân Quỳnh đi vào tâm hồn người đọc, làm rung động mãi trong lòng người có lẽ là vì thế.

------------------------

Nguồn: Đây là bún riêu ốc văn vở

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top