2

 Trở lại chỗ ngồi quen thuộc nhìn ra những ô cửa sổ hình vòm lợp chì, tôi chỉ muốn vứt phịch cả chồng cổ thư lên bàn và lau sạch hai bàn tay. Nhưng ý thức rõ về tuổi thọ của chúng, tôi thận trọng hạ thấp chồng sách xuống.

 Cuốn cổ thư có kẹp tờ phiếu yêu cầu nằm ở trên cùng của chồng sách. Xi gắn mạ vàng ở gáy sách là huy hiệu thuộc về Elias Ashmole, một nhà sưu tầm sách thế kỷ XVII và là nhà giả kim, chủ nhân của những cuốn sách và các bản thảo được chuyển từ viện bảo tàng Ashmolean đến thư viện Bodleian vào thế kỷ XIX, với số hiệu 782. Tôi với tay chạm vào tấm bìa da màu nâu.

 Một cơn chấn động nhẹ khiến tôi rụt vội các ngón tay lại, nhưng vẫn không đủ nhanh. Cảm giác râm ran, tê buốt chạy ngược lên hai cánh tay khiến tôi nổi cả da gà, rồi nó lan qua hai bờ vai, làm các cơ ở lưng và cổ tôi căng cứng lại. Cảm giác này nhanh chóng dịu đi, nhưng chúng để lại sự trống trải của niềm khao khát chưa được thỏa mãn. Rùng mình trước phản ứng của bản thân, tôi vội lùi xa khỏi cái bàn.

 Ngay cả khi đã ở một khoảng cách an toàn, cuốn cổ thư này vẫn đang khiêu khích tôi - đe dọa những bức tường mà tôi đã dựng lên để ngăn cách giữa sự nghiệp học giả của mình với vai trò là hậu duệ cuối cùng của dòng họ phù thủy Hwang. Ở đây, với thu nhập cứng của học vị tiến sĩ, được bổ nhiệm giảng dạy và cơ hội thăng tiến trong tầm tay, sự nghiệp của tôi đang bắt đầu thăng hoa, tôi đã từ chối thừa kế gia tộc và tự tạo ra một cuộc sống bằng những năng lực hợp lý và học vấn của mình, chứ không phải bằng những linh cảm và các câu thần chú kỳ bí. Tôi ở Oxford để hoàn tất một đề tài nghiên cứu. Tùy thuộc vào kết luận sau cùng, các kết quả tôi thu thập sẽ được xuất bản, được minh chứng bằng các phân tích khái quát và chú thích chân trang, để giới thiệu tới các đồng sự loài người, sẽ không còn chỗ cho sự bí ẩn và những thứ chỉ có thể nhận biết bằng giác quan thứ sáu của phù thủy.

 Nhưng mặc dù không chủ tâm, tôi đã yêu cầu một cuốn cổ thư về thuật giả kim để phục vụ cho nghiên cứu của mình. Dầu vậy, dường như nó cũng sở hữu một sức mạnh khác thường không thể làm ngơ. Các ngón tay tôi khao khát muốn mở cuốn sách ra và khám phá nó. Nhưng một thôi thúc còn mạnh liệt hơn đã ngăn tôi lại: Sự tò mò của tôi có liên quan tới trí tuệ học thuật không? Hay nó liên quan tới mối dây ràng buộc giữa gia tộc tôi với phép thuật phù thủy?

 Tôi hít bầu không khí quen thuộc của thư viện vào đầy hai lá phổi rồi nhắm mắt lại, hy vọng nó sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn. Bodleian luôn luôn là chốn thiêng liêng đối với tôi, một nơi không liên quan gì tới nhà Hwang. Run rẩy thu mình lại, tôi nhìn chằm chằm vào cuốn Ashmole 782 trong ánh chiều nhập nhoạng đang ngày một tối dần và băn khoăn không biết phải làm gì.

 Mẹ tôi, theo bản năng, sẽ biết được ngay câu trả lời, nếu bà ở vào vị trí của tôi. Hầu hết các thành viên trong gia tộc Hwang đều là những phù thủy tài năng, nhưng mẹ Hyori của tôi là một nhân vật đặc biệt. Mọi người đều nói thế. Năng lực siêu nhiên của bà sớm bộc lộ. Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, bà đã có thể thi triển phép thuật xuất chúng hơn hẳn so với hầu hết các phù thủy cao niên trong hội đồng phù thủy địa phương nhờ khả năng trực cảm những câu thần chú, khả năng tiên tri đáng kinh ngạc và sở trường kỳ lạ trong việc đoán định rõ nội hàm của sự vật, sự việc và con người. Em gái của mẹ - dì Boa - cũng là một phù thủy lão luyện, nhưng tài năng của dì có sự định hướng rõ hơn: dì có bàn tay pha chế độc dược tài ba và khả năng làm chủ hoàn hảo những tri thức truyền thống cổ xưa của giới phù thủy với bùa mê và thần chú.

 Các sử gia là đồng sự của tôi dĩ nhiên đều không biết gì về gia tộc của tôi, nhưng mọi người ở Madison - một thị trấn xa xôi hẻo lánh phía trên bang New York nơi tôi sinh sống với dì Boa từ năm lên bảy tuổi - thì đều biết về nhà Hwang. Tổ tiên của tôi từ bang Massachusetts đã chuyển đến đây sau cuộc cách mạng giành độc lập. Lúc đó cũng đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi cụ tổ Rebecca Hwang bị xử tử ở Salem. Dù vậy, những lời đồn đại và chuyện ngồi lê đôi mách vẫn đeo bám theo tổ tiên tôi khi họ tới nơi ở mới này. Sau khi thu vén và tái định sư ở Madison, gia tộc Hwang đã làm việc chăm chỉ để chứng tỏ cho cư dân ở đây thấy hữu ích đến mức nào khi có được những người hàng xóm là phù thủy giúp họ chữa lành bệnh tật khi ốm đau và dự báo thời tiết. Gia đình tôi đã kịp thời ổn định và cắm rễ sâu trong cộng đồng dân cư ở đây đủ để chống chọi được trước những cuộc nổi loạn không thể tránh khỏi do thói mê tín và nỗi sợ hãi của con người.

 Nhưng mẹ tôi lại tò mò về thế giới, điều đó dẫn dắt bà rời xa khỏi sự an toàn của Madison. Đầu tiên bà tới Havard, và ở đó bà gặp một pháp sư trẻ tên là Ahn Jae Wook. Ông cũng xuất thân từ một dòng dõi pháp thuật lâu đời và khao khát trải nghiệm cuộc sống bên ngoài phạm vi lịch sử và ảnh hưởng của gia tộc. Hyori Hwang và Ahn Jae Wook là một cặp đôi đầy quyến rũ, bản tính ngay thẳng, bộc trực kiểu Mỹ của mẹ tôi là một đối trọng với lối sống khuôn phép, cổ điển của bố tôi. Họ trở thành những nhà nhân loại học, đắm mình vào các tín ngưỡng và những nền văn hóa nước ngoài, chia sẻ với nhau niềm say mê mang tính trí tuệ cùng lòng nhiệt huyết sâu sắc. Sau khi có những vị trí vững vàng tại các trường trong vùng - mẹ tôi thì ở trường của bà, còn bố thì ở Wellesley - họ tiến hành những chuyến nghiên cứu ra nước ngoài và có một mái ấm gia đình mới ở Cambridge.

 Tôi có rất ít những ký ức về thời thơ ấu, nhưng mỗi hồi ức lại rực rỡ sắc màu và trong sáng đến ngạc nhiên. Cảm giác mềm mại như nhung trên khuỷu tay bố, mùi nước hoa lan chuông mà mẹ thường xức, tiếng lanh canh của những ly rựu vang vào các tối thứ Sáu khi bố mẹ đưa tôi lên giường đi ngủ và cùng nhau thưởng thức rựu bên ánh nến lung linh. Mẹ kể cho tôi nghe các câu chuyện trước khi đi ngủ, và tiếng vang khi bố thả chiếc cặp đựng tài liệu màu nâu xuống cạnh cửa nhà. Những kỷ niệm này có lẽ sẽ đánh rúng vào các cung bậc xúc cảm thân thương đối với hầu hết mỗi người.

 Nhưng những hồi ức khác về cha mẹ tôi thì không như thế. Mẹ tôi dường như chẳng bao giờ làm công việc giặt là, nhưng quần áo của tôi luôn luôn sạch sẽ và được gấp gọn gàng. Tờ giấy cho phép tham gia chuyến dã ngoại tới công viên bị bỏ quên đột nhiên xuất hiện trên bàn học của tôi khi thầy giáo đến thu lại. Và phòng làm việc của bố tôi khi tôi vào hôn chúc ông ngủ ngon lúc nào cũng trong tình trạng như vừa có một vụ nổ lớn xảy ra ở đấy, thì sáng hôm sau nó luôn ngăn nắp, gọn gàng một cách hoàn hảo. Ở nhà trẻ, tôi đã hỏi bạn bè tại sao mẹ Amanda cứ than phiền về việc rửa bát đĩa bằng xà phòng và nước, trong khi chỉ cần tống chúng vào bồn rửa, búng ngón tay rồi thì thầm nói vài lời là xong. Cô Schmidt đã bật cười trước ý tưởng kỳ lạ đó của tôi, nhưng đồng thời, mắt cô ấy tối sầm lại vẻ bối rối.

 Tối hôm đó, bố mẹ bảo với tôi rằng chúng tôi phải cẩn thận trong việc nói về phép thuật và với ai thì chúng tôi được bàn luận về phép thuật. Con người đông hơn chúng tôi và họ sợ quyền năng của chúng tôi, mẹ đã giải thích như thế, và nỗi sợ hãi là thế lực mạnh nhất trên trái đất. Vào lúc đó, tôi đã không dám thú nhận rằng phép thuật - đặc biệt là phép thuật của mẹ - cũng khiến tôi sợ hãi.

 Ban ngày, mẹ tôi trông cũng giống như mọi bà mẹ khác ở Cambridge: hơi luộm thuộm, hơi lôi thôi, và thường xuyên bị áp lực gia đình cùng công việc quấy rầy. Mái tóc vàng chải rối hợp thời trang mặc dù quần áo bà mặc vẫn như ở năm 1977 - những chiếc váy dài nhiều ly, quần dài và áo sơ-mi ngoại cỡ, rồi các bộ vest nam và áo cộc tay đồng phục mà bà kiếm về từ mấy cửa hiệu đồ hạ giá trên khắp cả chiều dài và chiều rộng của Boston ăn theo phim Annie Hall. Chẳng có gì ở mẹ tôi có thể khiến bạn muốn ngoái lại nhìn nếu bạn đi ngang qua bà trên đường phố hay đứng xếp hàng sau bà trong siêu thị.

 Nhưng ở nhà tôi, khi những tấm rèm đã được kéo kín và cửa ra vào đã được khóa chặt, mẹ tôi vụt trở thành một con người khác hẳn. Mỗi chuyển động của bà toát lên vẻ tự tin và chắc chắn, không vội vã, không mệt mỏi. Thỉnh thoảng, bà thậm chí còn trông như đang trôi bồng bềnh trong không trung. Khi đi quanh nhà, mẹ tôi vừa hát vừa nhấc bổng mấy con thú nhồi bông và các cuốn sách lên, nét mặt bà từ từ chuyển sang một vẻ gì đó thoát tục và lộng lẫy. Khi mẹ tôi đang say sưa với các phép màu thì bạn không thể nào rời mắt khỏi bà được.

 ''Mẹ con có một quả pháo sáng trong mình đấy'', cha tôi thường nói thế với một nụ cười rạng rỡ, khoan dung. Nhưng những quả pháo sáng đó, theo tôi hiểu, thì không đơn giản chỉ phát sáng và sống động. Chúng thật khó lường và có thể làm bạn giật mình, sợ hãi.

 Vào một buổi tối, bố tôi có bài giảng ở trường, hôm đó mẹ quyết định lau chùi đồ dùng bằng bạc và bà bị thôi miên bên một bát nước đặt trên bàn phòng khách. Khi mẹ tôi nhìn chăm chăm vào mặt nước trong như gương, nó bắt đầu được bao phủ một lớp sương, rồi màn sương đó xoắn lại với nhau thành những hình thù ma quái nhỏ tí xíu. Tôi há hốc miệng ngạc nhiên khi chúng lớn dần, những thực thể to lớn dị thường ấy dần lấp đầy căn phòng. Chẳng mấy chốc, chúng trườn lên cả những tấm rèm và bám chặt vào trần nhà. Tôi khóc thét lên cầu cứu mẹ, nhưng bà vẫn chăm chú tập trung vào bát nước. Sức tập rung của mẹ không hề dao động cho tới khi một thứ nửa người, nửa thứ trườn đến gần tôi rồi kẹp chặt lấy khiến cánh tay tôi đau đớn. Đến lúc đó, mẹ tôi mới thoát khỏi cơn mơ màng, bà làm bùng nổ ra một cơn mưa ánh sáng đỏ rực, giận dữ đánh lùi những bóng ma và để lại một mùi hương khét lẹt như da cháy bay khắp nhà. Bố tôi nhận ra mùi hương lạ đó ngay khi về đến nhà, ông hốt hoảng tìm quanh và thấy hai mẹ con đang co cụm với nhau ở trên giường. Trước ánh nhìn của bố, mẹ tôi bật khóc nức nở đầy hối lỗi. Tôi không bao giờ còn cảm thấy được an toàn khi ở trong phòng khách nữa.

 Và bất cứ cảm giác an toàn nào còn sót lại đều bốc hơi hết sau khi tôi lên bảy tuổi, bố mẹ tôi tới Châu Phi và không còn sống sót trở về.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: