II.
Thái Hanh lui về lại Sài Gòn nhộn nhịp. Đôi vai rộng đành yên ngủ dưới lớp áo khoác hờ lên lưng, sơ mi trắng đóng thùng đơn giản. Hanh đã trổ mã những vẻ đẹp trưởng thành, cái tuổi 23 càng làm cho hắn "biết điệu", hắn luôn chối điều đó, dù đã dành cả vài giờ đồng hồ để chọn cái mũ beret nâu nhạt sao cho phù hợp với xương hàm và tôn lên chiếc mũi cao của mình, càng lãng tử hơn cho cái lông mày đậm và đôi mắt sâu.
Sau những bước chân dồn dã trên chiến trường, giờ hắn bước đi trong thong thả, và dịu dàng, như cái cách bóng trăng đang tỏ trên những mái nhà. Đôi bàn chân chai sần hằn nhiều dấu đỏ bỗng được tiếng ca xa xăm nào đó an ủi, đưa lối Hanh vào một phòng trà vắng vẻ.
Nguyệt Anh đang hát trong phòng trà, cô e lệ - một thiếu nữ mỏng manh và luôn tạo cho người khác cảm giác muốn yêu chiều, trong chiếc váy suông màu lam nhàn nhạt. Thật khác so với vẻ quả cảm hôm đó, và với tấm thân mảnh khảnh cùng đôi mi luôn rủ xuống tâm tình một vẻ đượm buồn, ít ai có thể tưởng tượng được cô gái yếu đuối này đã làm nên những chuyện mà chẳng có thiếu nữ 18 tuổi nào dám làm: chạy ra mặt trận và đỡ đạn cho một cậu bé không may mắn thoát kịp.
Đó là cách mà Nguyệt Anh quật cường, không mềm mỏng như giọng hát, nhưng bướng bỉnh và liều lĩnh. Chỉ tiếc, với Hanh, hắn sẽ yêu Anh nếu cô không mang vẻ đẹp của một tên Pháp nào đó cho bị nhuộm xanh đôi mắt.
Anh đẹp, hát hay. Cô là đứa con lai hiếm hoi của bà mẹ Việt đơn thân tội nghiệp bị một thằng Pháp khốn nạn coi như "gái làng chơi". Và cái dòng máu kinh tởm kia vẫn đang chảy đều đặn trong từng huyết quản và mạch máu của Anh. Đôi lúc khiến hắn ghét bỏ, rồi lại buồn bã.
Hanh bước vào quán, lựa cho mình một góc tối nào đó - nơi mà cái giọng hát có lẫn hơi thở của lũ "da trắng" chỉ được phép xuất hiện với một khoảng không nhất định, thoang thoảng, đủ nhỏ, và...khiến hắn không rối bời khi chìm vào suy nghĩ của bản thân.
Nhưng cái giọng nói ấy đã in sâu vào trí óc hắn, Hanh nhớ những ngày còn nhỏ dại, Anh thường gọi hắn là "anh da xanh" - vì hắn luôn lén mặc bộ quân phục quá cỡ của bố, và cũng vì cái ước mơ lớn lao sau này giành lại bầu trời xanh trong trẻo mà hắn thường kể cô nghe. Hai đứa nhóc đã từng giậm chân lên bãi rơm thật nhiều lần, tập tành làm những người lính đang đều chân tập trận. Và khi đêm về, chúng lại trải tấm lưng nhỏ bé xuống mái nhà, trông ánh trăng với những mộng tưởng về tương lai sau này. Trăng lúc nào cũng tròn vành vạnh, như chiếc gương sáng, như tâm hồn thuần khiết của hai đứa trẻ.
Khi nhỏ, ta luôn muốn lớn để có thể giải đáp cho những hiếu kì ngốc nghếch và ngộ nghĩnh của mình. Nhưng càng trưởng thành, biết được càng nhiều, thì con người ta lại sợ phải lớn nữa.
Hắn và cô lớn lên, nhưng tiếc rằng Hanh lại lớn trước cô. Hắn dần để ý cái đôi mắt xanh ngày càng rõ màu của cô, dần để ý cái cách người ta thương hại mẹ Anh mỗi khi họ nhàn rỗi buôn chuyện. Hắn nhận ra, cô không có cha, và bọn người Pháp mang màu mắt xanh biển.
Rồi cứ thế, chúng chẳng còn líu lo với nhau mỗi sáng như mọi ngày, chẳng nhảy chân sáo, cũng chẳng giẫm lên những bãi rơm nữa. Hanh bỏ lại cô, bỏ luôn những niềm vui và kí ức của cô lại những nơi ấy. Có lẽ nào vì hắn nghĩ bản thân đã lớn, và càng sải những bước chân rộng hơn, để đi được thật xa, và bỏ lại cô thật xa.
Anh không phức tạp như thế, cô không muốn hơn thua những bước sải chân dài rộng ấy của Hanh, cả những lần hắn mắng cô vô cớ vì đôi mắt khác màu của mình, hay cả những lần giận dỗi bỏ cô lạc một mình ở cánh đồng lạ lẫm nào đó, hoặc cố ý ném vài cục đá con để đuổi cô đi chỗ khác. Nhưng không quan trọng, cô quý hắn, yêu hắn, và càng yêu hắn hơn khi cả hai đủ lớn để nhận thức được cô là đứa con lai Pháp. Cô tha thứ cho hắn. Vì hắn. Vì Hanh là "anh da xanh" ngày nào...
còn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top