Chương 3: Gốc Đa Làng Thượng
Đám cưới của nhà họ Khương và nhà họ Thôi là sự kiện lớn nhất vùng phía Nam từ trước đến nay. Bên làng Thượng, không khí náo nhiệt đến mức vang xa khắp xóm làng, thì bên làng Hạ cũng tưng bừng không kém với tiếng nhạc và cờ hoa rợp trời.
Thái Hiền, nhân vật chính của buổi lễ, lại nằm dài trong phòng, trốn tránh mọi ồn ào ngoài kia. Cậu bị cấm cửa, không được ra ngoài cho đến ngày cưới. Cảm giác ngột ngạt và bực bội xâm chiếm tâm trí Hiền. Nghĩ đến Xuân Đào – người mình thật sự thương yêu, cậu càng cảm thấy day dứt. Cưới Khuê là một sự sắp đặt không thể tránh, nhưng lòng cậu đã hứa với mình rằng nhất định phải bù đắp cho Xuân Đào sau này.
---
Sáng sớm hôm sau, khi gà còn chưa gáy, Phạm Khuê đã bị mẹ dựng dậy.
- Khuê, con dậy đi tắm rửa thay đồ, nhà bên Khương sắp qua rồi.
Khuê dụi mắt, đứng dậy chuẩn bị qua loa rồi lại quay về giường, vùi đầu vào chăn. Bà Thôi bước vào, thấy con mình nằm ngủ tiếp thì chỉ khẽ lắc đầu cười. Trong mắt bà, Khuê dù lớn xác đến mấy, có sắp gả đi thì vẫn là đứa trẻ chạy lẽo đẽo theo ông bà ngày nào.
Bà bước đến gần giường, dịu dàng vuốt tóc Khuê rồi khẽ gọi:
- Con dậy đi nào, ra ngoài với má cho tỉnh ngủ. Nhà bên Khương sắp qua rồi đó.
Khuê lí nhí đáp, giọng vẫn còn ngái ngủ:
- Chừng nào họ đến thì má hãy gọi con, con buồn ngủ quá.
- Con không dậy, má nói với nhà họ Khương cấm tiệt con đi chơi sau này đấy!
Hả? - Khuê giật mình bật dậy, mắt lờ đờ nhưng lo lắng rõ rệt. Không gì làm Khuê sợ bằng việc bị cấm đi chơi.
Con dậy rồi mà, dậy mà! – Em vừa nói vừa dụi mắt, bĩu môi, khiến bà Thôi không nhịn được cười.
---
Bên nhà họ Khương, Thái Hiền miễn cưỡng mặc vào bộ áo dài cưới đỏ, tượng trưng cho điềm lành. Cậu bước ra sân với khuôn mặt nhăn nhó, khiến ông Khương không nhịn được lải nhải:
- Mày cười lên coi! Cưới chồng nhỏ cho ai mà mặt như đưa đám thế?
Bà Khương đứng cạnh cũng không muốn bênh con, chỉ lắc đầu ngao ngán. Thái Hiền từ đầu đã phản đối cuộc hôn nhân này, và giờ mọi sự ép buộc càng khiến cậu khó chịu hơn.
Cậu đáp lại, giọng đầy bực bội:
- Cha má bắt con cưới người con không thương đã là quá sức rồi, giờ còn bắt cười nữa con làm không nổi.
Ông Khương sa sầm mặt mày, nén cơn giận:
- Vậy mày cũng đừng có nhăn mặt. Giữ chút thể diện cho tao với má mày trước mặt người ta.
- Nhớ kỹ, đừng nghĩ ở nơi đông người thì tao không dám đánh mày, đừng có làm tao mất mặt.
Thái Hiền cúi đầu, nhìn lại bộ áo dài đỏ thêm một lần nữa. Từng đường chỉ, từng họa tiết đều được chuẩn bị tỉ mỉ, nhưng tất cả đều xa lạ với cậu. Ngẩng đầu lên, cậu đáp, giọng đã bớt phần chống đối:
- Con biết rồi. Cha má đừng lo, con sẽ tự biết kiềm chế. Con không để nhà mình mất mặt đâu.
Ông Khương gật đầu, hài lòng nhưng vẫn giữ nét nghiêm khắc. Điều ông lo lắng không phải là Thái Hiền, mà là Khuê – một đứa trẻ non nớt mới 17 tuổi. Nếu xảy ra chuyện, chỉ có Khuê là người chịu thiệt thòi. Sau này, nếu Khuê xuất phu khỏi Thái Hiền, nó sẽ khó tìm được một người khác tốt hơn.
Cả nhà Khương và nhà Thôi đều kỳ vọng vào cuộc hôn nhân này, nhưng chính những người trong cuộc lại chỉ thấy mệt mỏi và miễn cưỡng. Thái Hiền cắn răng bước vào một cuộc đời không thuộc về mình, còn Khuê thì hồn nhiên như một đứa trẻ chưa hiểu hết những gì đang đợi phía trước.
---
Bên ngoài, họ hàng đã tụ họp từ sớm, cùng nhà họ Khương đi rước chồng nhỏ cho Thái Hiền.
Tiết trời mùa hạ rực rỡ, ánh nắng xuyên qua từng tán lá, trong khi chim chóc ríu rít như góp lời chúc mừng đôi uyên ương. Dòng sông Lương mọi hôm yên ả, nay dập dềnh theo bước chân người, bóng hình dòng người in xuống mặt nước, tạo nên khung cảnh tưng bừng, náo nức. Tụi trẻ con vừa đi vừa cười, miệng lanh lảnh: "Trăm năm hạnh phúc! Trăm năm hạnh phúc!" Nghe người lớn dặn sao, chúng cứ bắt chước thế.
Sính lễ nhà họ Khương mang theo khiến ai nấy càng khẳng định sự giàu có của gia đình này. Vàng ròng chất thành cây, trang sức chất đầy ba mâm, cộng thêm chín mâm bánh trái, trầu cau. Những sính lễ này nếu đem dùng cả đời cũng chẳng hết, khiến ai nhìn vào đều thầm mong được một lần bước chân vào cửa nhà Khương. Mấy cô gái chưa chồng chỉ biết đứng từ xa mà ao ước, tự nhủ mình có phúc mấy cũng chẳng gặp được người như Thái Hiền hay được hỏi cưới rình rang như Phạm Khuê.
Thái Hiền vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, như thể hôn sự này là chuyện của người khác, của cha mẹ hay cả làng, chứ không phải của mình. Dọc đường đi, cậu chỉ lơ đãng nhìn về đâu đó xa xăm, cho đến khi ông Khương nhắc nhở, cậu mới tạm tập trung lại đôi chút.
Khi đoàn người vừa đặt chân đến đầu làng Thượng, gốc đa to lớn đã hiện ra sừng sững, rợp bóng mát trải rộng dưới nắng hạ. Mấy cụ già trong làng đứng bên dưới, chào đón khách từ xa bằng cái cúi đầu nhẹ nhàng. Người đứng đầu làng – ông Tư, vị trưởng lão đã ngoài tám mươi, chống gậy bước ra cản đoàn rước, mỉm cười hiền từ:
- Chào nhà họ Khương, xin thứ lỗi vì phải tạm ngăn bước. Để làm lễ nhập làng, chúng tôi cần quý vị thắp hương và thực hiện một lời thề.
Ông Khương thoáng ngập ngừng, rồi quay sang người đối diện, hỏi với giọng nhã nhặn:
- Xin hỏi cụ Tư, lời thề cần thực hiện là gì?
Ông Tư chậm rãi chống gậy, ánh mắt dừng lại ở bóng cây đa cổ thụ:
- Lời thề của làng Thượng từ xa xưa là: Nếu cưới người làng ta, phải hứa cả đời đối xử tốt với họ, không được phụ bạc. Nếu làm trái, người ấy sẽ chịu số phận bất hạnh, phải mang nỗi tơ vò cả đời, người thương cầu không được, đợi cũng chẳng xong.
Lời nói vừa dứt, gió bỗng thổi mạnh, xao xác lá cây, như cảnh báo điều gì mơ hồ. Ông Tư quay lại nhìn Thái Hiền với ánh mắt dò xét, như muốn hiểu xem cậu rể tương lai này là người thế nào.
Ông Khương khẽ nhíu mày, vì chưa từng nghe phong tục này bao giờ. Đôi vợ chồng già liếc nhau đầy ngập ngừng, nhưng cuối cùng cũng chỉ biết thở dài, phó mặc cho con trai quyết định.
Mấy người trong đoàn bắt đầu bàn tán:
– Còn chờ gì nữa? Thắp hương đi chứ! Hay cậu ấy không muốn cưới?
Nghe những lời xì xào, Thái Hiền thêm phần bực bội. Cậu vốn không tin vào chuyện mê tín, chỉ muốn làm lễ cho xong để sớm được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, áp lực từ ánh mắt mọi người khiến cậu không thể tránh né.
Cậu tiến tới gần ông Tư, nói rõ ràng:
– Xin cụ cho cháu một nén hương.
Ông Tư chống gậy, nhìn sâu vào đôi mắt của Thái Hiền:
– Cậu chắc chứ? Cây đa này đã tồn tại từ trước khi có ngôi làng này. Tương truyền, có đôi tình nhân không thể đến với nhau nên đã chọn cái chết ở đây. Họ rất ghét những tình yêu giả dối và sẽ trừng phạt những ai thất hứa.
Ông Tư nói thêm, giọng trầm ngâm:
– Ta không muốn dọa cậu, chỉ muốn cậu hiểu rằng đây không phải chuyện đùa. Thách thức tình yêu của trẻ con!
Thái Hiền mím môi, ánh mắt không dao động:
– Cháu không tin vào những lời truyền thuyết ấy. Xin cụ đưa nén hương cho cháu.
Ông Tư thấy vậy cũng không nói thêm, lẳng lặng rút một nén hương từ miếu nhỏ sau gốc đa và trao cho Thái Hiền.
Cầm nén hương trên tay, Thái Hiền nghiêm mặt, dõng dạc thề:
– Con, Khương Thái Hiền, ở làng Hạ, xin hỏi cưới Thôi Phạm Khuê làng Thượng. Con hứa từ nay sẽ luôn yêu thương và đối xử tốt với em. Nếu con làm trái lời thề, con nguyện chịu hậu quả: Cả đời mang mối tơ vò, người thương cầu không được, đợi cũng không xong.
Cậu cúi đầu lạy ba lần, rồi cắm nén hương vào bát nhang. Khói hương bốc lên nghi ngút, nhưng cảnh vật vẫn tĩnh lặng, không có gì bất thường xảy ra.
Thái Hiền liếc nhìn nén hương, trong lòng cười nhạt: “Đúng là mê tín vô nghĩa.”
Ông Tư gật đầu, giọng hòa nhã:
– Được rồi, cậu vào đi kẻo trễ giờ lành. Đối xử tốt với Khuê nhé, nó là đứa trẻ tốt bụng.
Thái Hiền chỉ đáp lại hờ hững:
– Vâng, cháu biết rồi.
Đoàn rước tiếp tục tiến vào làng Thượng, tiếng gió thổi rì rào như thì thầm chứng giám cho lời thề vừa cất lên.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top