29. Vì đất nước, vì em
Cuối năm 44, Kỳ rời xứ Mỹ Tho. Đêm nó đi, đất trời Mỹ Tho lặng im phăng phắc, không một tiếng gió lùa, chẳng tiếng chó sủa gần xa. Mỹ Tho chìm vào im lìm và lạnh lẽo. Lòng nó hiu hắt vài tiếng vè mong manh.
Kỳ lên Sài Gòn, mà Sài Gòn những năm này khác xa so với trí nhớ của nó. Sài Gòn u hoài, buồn bã. Sài Gòn không còn sáng trưng những phố đèn, xanh đỏ với tấm áo lụa thướt tha của các vị tiểu thư khuê các chốn kinh kỳ. Sài Gòn giờ xơ xác, tiêu điều quá.
Trong cơn nheo nhóc của kẻ không nhà, không cửa, Kỳ gặp Thế. Ký ức chập chờn của nó còn lởn vởn hình ảnh Thế bế xốc nó lên từ đống rác, toàn thân mềm oặt, lả lướt, mưa ngoài trời xối mạnh lên mặt nó tím tái. Nó đã nghĩ mình sắp về chầu ông bà ông vải rồi, ấy thế, nó còn sống dai chán, nhịn đói ba ngày mà vẫn chả chết. Cái số nó, chắc còn phải khổ nữa, khổ mãi, khổ cho đến tận khi chẳng còn hơi sức mà than thì sẽ tự khắc chết.
Mấy tháng giời, nó được Thế chăm sóc chu đáo, bệnh tình mới chịu thuyên giảm. Một đêm nghe Thế phàn nàn tình hình đất nước, nó liền xin xung phong được tham gia vào cứu nước, cứu dân. Cái đời nó, chỉ biết làm kẻ hầu người hạ cho người ta, chỉ biết đem cả lòng cả dạ mà dâng cho người ta, nay cũng xin nguyện mà đem thân này hi sinh cho Tổ quốc. Đêm ấy, Kỳ chẳng thông qua bằng cấp, cũng chẳng giấy tờ gì cho cam, nó tham gia vào đội tình báo của hội Thanh niên Tiền Phong chỉ với sự tin tưởng mà Thế giành cho nó.
-
Cuối tháng hai, năm 45, Hanh kết hôn với cô con gái ngoài giá thú của Thống Đốc Nam Kỳ. Mối hôn sự này nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình hội đồng Kim được bảo hộ dưới tay Pháp.
Đêm ngày mùng chín tháng ba, Nhật đảo chính Pháp. Dưới sự lãnh đạo của các Xứ ủy Nam Kỳ, nhân dân các tỉnh tự sắm sửa giáo mác, xà mâu, gậy tầm vông vạt nhọn; công nhân, nông dân, tìm cách lấy súng, đạn của Pháp, của Nhật.
Các gia đình quan lại, quý tộc, địa chủ, thương gia dưới sự bảo hộ của Pháp đều thất thế. Hàng nghìn người ùa ra bến cảng lên tàu sang Pháp, tự cứu lấy mình. Gia đình cũng vậy, chỉ có anh ở lại. Vì một nỗi áy náy của một kẻ bỏ nước chạy lấy thân, vì còn một người mà bao năm nay anh vẫn hoài tìm kiếm. Hanh ở lại, tìm Kỳ.
-
Đã là đêm thứ ba nó không ngủ, ngồi tuốt trên trạm gác, tì cằm vào góc án thư cũ kĩ, giấy rách nham nhở bị thấm nước và loang vài vết mực. Trăng đêm nay sáng quá, trăng hiền hòa vỗ về lên mái tóc non tơ của người niên thiếu. Đêm ở rừng, canh ba trời hãy còn rất sáng, xa xa vẫn nghe vài tiếng cú khạc, tiếng ríu rít của lũ chuột nhắt. Kỳ ngửa mặt nhìn trời, để gió lùa vào manh áo mỏng và để trăng thoa nước mát lên da.
"Sao giờ này còn chưa ngủ?"
"Anh Thế, anh vẫn còn thức đấy à?" Kỳ nhìn Thế đỡ cây đèn dầu đặt lên góc bàn.
"Thì tôi cũng không ngủ được như chú. Mà nghĩ cái gì cứ thất thần. Thầm thương trộm nhớ nàng nào chăng?"
Kỳ cười mỉm, rồi kéo ghế cho Thế ngồi.
"Anh Thế yêu bao giờ chưa?"
"Yêu rồi. Mà chả đâu với đâu cả?"
Kỳ im lặng như đợi anh nói thêm. Thế đành hắng giọng, ngồi thẳng lưng kể nốt câu chuyện cho thỏa lòng tò mò của Kỳ.
"Cô ấy là gái Hà Nội, có một lần cổ vào Nam công tác, hai chúng tôi gặp nhau, đem lòng thầm mến, lúc ấy sự nước còn hoang mang, tôi cũng chả biết tương lai thế nào nên cũng không có nói với cô ấy. Hôm cô ấy lên tàu ra Bắc, tôi cũng chỉ kịp tặng cổ một cái trâm cài, coi là vật kỷ niệm. Đến giờ, vỏn vẹn hai năm, chúng tôi cũng chẳng qua lại thư từ gì. Coi như đứt gánh."
Kỳ ngồi nghe, rồi tẩn mẩn ngẫm ngợi.
"Lại thơ thẩn. Thế còn chú, yêu bao giờ chưa?"
Kỳ gục đầu xuống bàn, hơi thở nhè nhẹ, êm ái. Nó cứ im lặng như thế cho đến khi ngỡ tưởng mặt trời sắp đứng bóng nó mới lí nhí vài tiếng.
"Em yêu rồi. Biết thương người ta rồi. Nhưng người ấy có gia đình rồi."
"Là cô con gái nhà ai mà nỡ phụ lòng chàng thiếu niên đẹp giai ngời ngời này."
"Người ấy không phụ em, mà là em hết lần này lần khác phụ người ấy. Giờ khắp chân trời bốn bể rộng lớn này, em chẳng còn biết tìm người ấy ở đâu nữa."
"Dưới sự bảo hộ của bọn Pháp à?"
"Ừ."
"Thế thì, chắc sang Pháp rồi. Khối người chạy sang Pháp. Có sang Pháp thì cũng chẳng tìm nổi được đâu. Ở đây bọn nó đối xử chả ra gì rồi, còn phải nịnh nó chán, sang bển có khi nó còn đối chẳng khác trâu khác ngựa, mục xác ở đâu đó rồi cũng nên."
Người Kỳ bỗng run lạnh. Nó hết lần này, lần khác bỏ đi không một lời từ biệt. Đến bây giờ biết tìm cậu Ba ở đâu.
Năm ấy, khi biết tin Hanh sắp lập gia thất, nó từ chối gặp anh, cắt đứt mọi liên lạc, rồi vì sự sốc nổi lại lên đường rời Mỹ Tho lần nữa. Chỉ có điều lần này nó mãi mãi sẽ không về xứ ấy. Nó làm sao biết, Hanh đau khổ đến nhường nào, thương nhớ nó ra sao, anh đau ốm rồi nằm bệnh suốt một năm trời. Tâm bệnh dày vò anh trong những cơn thổ huyết, những cơn mê sảng miên man, hôn sự hoãn lại một năm, mà người Hanh khi ấy trơ trọi như một cái xác tàn. Mơ mơ, dại dại tiến vào cuộc sống hôn nhân với một người mình không yêu.
Ngày ấy, Hanh vì không muốn làm lỡ dở mối tình đầu của Kỳ mà can tâm tình nguyện đem tình cảm cất giữ thật sâu trong lòng. Mà Kỳ sau này, cũng vì áy náy với Diễm, nên lại nỡ lòng tổn thương Hanh. Nhưng rồi nó hiểu, tình đầu tuy đẹp nhưng có bao giờ bền lâu, vì một người mà chấp nhận dừng lại, cũng vì một người mà chấp nhận rẽ ngang. Những năm tháng ấy, ba người hai cuộc tình, rốt cuộc là cả ba đau khổ.
Sau này, khi tìm thấy bản ngã và tính hướng riêng của mình, thì cảnh đời xô đẩy, Kỳ lại chẳng thể trọn vẹn mà đem hết tình, hết lòng để ở bên Hanh. Tình cảm lại như mớ bòng bong rối rắm không thể gỡ lại cũng không thể buông bỏ.
Hiện tại, trong lòng chỉ còn toàn dằn vặt, thương nhớ.
Biết tìm người ở đâu, giữa trốn đất trời rộng lớn này?
-
Hanh ở lại Nam Kỳ, làm việc cho tờ báo "Tiền Phong" - cơ quan ngôn luận chính bấy giờ.
Hanh gấp lại mớ giấy báo lộn xộn trên bàn, thở dài một hơi. Hai tháng rồi.
"Chú Hanh này."
"Tôi đây."
"Ngày mai có người tìm chú."
"Ai?"
"Bên cơ quan tình báo."
"Có chuyện gì à?"
"Ừ. Cần một người ở tòa soạn theo họ ra Bắc. Chắc là cần chú."
"Để làm gì?"
"Tôi không biết."
Cuộc trò chuyện vỏn vẹn kết thúc ở đấy, mà làm Hanh suốt đêm trằn trọc không thể ngủ. Anh có cảm giác người ngày mai anh gặp là một người mà anh đã quen, quen lâu lắm rồi. Một người vừa quen thuộc lại vừa xa lạ.
Sáng ấy trời rất trong, gió hiu hiu thổi, tiếng người ta râm ran truyền tai nhau chuyện bãi công ở Đức Hòa, Bến Lức. Hanh lặng im trong tòa soạn, nhìn vài chiếc lá trong tiết tháng Tám đang nhẹ nhàng xoáy trên tầng không.
"Chào, đồng chí."
Một tiếng nói như đang lắng trong không gian rót vào tai anh, tiếng nói ấy lâu lắm rồi, ngỡ tưởng đã ngủ quên trong kí ức nay bật dậy khao khát được vỗ vào lòng Hanh những cơn bồi hồi. Hanh ngoảnh đầu lại, nhìn vóc dáng hao gầy của người trước mặt. Kia rồi, không sai vào đâu được, người mình thương mình nhớ bao lâu, đây rồi. Hanh cứ tẩn ngẩn tần ngần, nhìn Kỳ, nước mắt tứa ra tràn trên hai má, hốc mắt đỏ ngàu, mũi cay cay, lồng ngực như trống đánh dồn dập, hai chân anh ngỡ sắp nhão ra thành bùn. Hanh đứng không vững, đành đưa tay bám chặt lấy thành bàn.
"Kỳ." Hanh ào đến, bám lấy bả vai Kỳ.
Nó không nói gì, cũng ngây người mà nhìn Hanh.
"Ngồi đi, ngồi đi. Đi đường xa chắc mệt lắm. Em uống gì, à chỉ có nước sôi thôi. Có đói không, khoai mới luộc còn bắc để cạn trên bếp. Ăn nhé. À đúng rồi, cụ Ràng vừa cho anh vài cái bánh ngô, nguội rồi nhưng vẫn còn thơm chán. Ngồi yên đây nhé, đừng đi đâu."
Hanh lăng xăng khắp phòng. Khi mà người ta vui quá, người ta quên mất cái cung cách người ta vẫn thường làm, khi mà người ta hạnh phúc quá, người ta hóa mình thành trẻ con, người ta đem cho hết tất cả những gì người ta có.
Kỳ níu lấy tay Hanh, đặt nhẹ lên má mình.
"Cậu ơi, em nhớ cậu lắm."
Hanh dừng lại mọi động tác. Anh ôm nó vào lòng, vỗ về lên tấm lưng gầy.
"Ngoan. Anh thương."
Nó ôm chặt lấy Hanh mà khóc, khóc cho thỏa cơn nhớ cơn thương, khóc mà hồ như bao nhiêu xương thịt đều tan thành nước mắt.
"Sao cậu không đi Pháp?"
"Anh không đi Pháp. Anh ở lại. Vì đất nước. Vì em."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top