26. Năm ấy là năm 41
Nắng tháng năm tan vào gió ngoài kia, để lại chút sắc nhàn nhạt vẽ nguệch ngoạc bên khung cửa đã mòn mọt. Hanh kéo tấm mành đã phủ vài tầng bụi khỏi chiếc giương gỗ trầm hương, những ngón tay gầy guộc trơ một sắc xanh loằng ngoằng vài gân máu kéo nắp giương cũ kỹ. Bức tranh đã nhàu đi, sờn lại, bức tranh người kia vẽ anh, bức tranh rất xấu, chỉ là bởi nụ cười ngây ngô của người ấy mà Hanh gìn giữ như một kỷ vật cố hữu.
Kỳ rời đô thành ngay đêm ấy, không một lời giã từ. Hanh bải hoải tìm nó khắp chốn kinh kỳ đất trật người đông, chen vào dòng người lạc lõng để tìm kiếm một bóng hình anh thương nhớ. Chỉ đến khi trái tim Hanh gần kiệt quệ, một bức thư biên tay rơi ra từ sấp vở cũ đã vàng vọt của Kỳ, Kỳ biệt giã bằng vài câu ngắn ngủi.
Nó bỏ anh rồi. Không còn đây nữa.
Kỳ về Mỹ Tho, căn nhà xưa cũ cha má nó từng ở vắng chủ thành ra xơ xác, tiêu điều. Nó dựng lại cái chòi giữa đầm sen, kiếm cơm bằng vài ba bữa ốc đồng, mấy con rô phi chẳng may lọt vào ruộng nhà nó, bữa nắm sen luộc ăn mát dạ, bữa lắt nhắt vài cọng rau muống chấm tương.
Nó phải về lại chốn cũ nơi nó sinh ra, đây mới thực sự là nơi nó nên thuộc về. Không phải phố đô hội trăm năm mườm mượp sáng, chốn kinh kỳ dập dìu đèn hoa, không phải căn nhà ba gian thạch cao màu trắng ngà, càng không phải trú ngụ trong vòng tay đã dần nới lỏng của người chủ cũ ấy.
Nó biết rồi sớm thôi, Hanh cũng lại về đây, anh cũng lại đem cái lý lẽ rằng yêu thương nó nhiều chừng nào, đau đớn ra sao khi thấy nó trao cả tim mình cho Diễm. Nó mệt mỏi với cái luận điệu ấy của cậu Ba rồi, nó chẳng còn sức mà kịp thương, kịp nhớ nữa. Nó cứ ở đây với chiếc lồng sáo nhỏ. Đêm trăng tròn, cảnh màn trời chiếu đất lưng lửng giữa không gian, nó nằm đấy, trên đám dạ khô thơm phức ngửa đầu chờ một ngày hòa bình sáng lòa.
Năm rộng tháng dài, thời gian nhiều như vậy, đối vời Kỳ cũng chỉ là tròn ba tháng có lẻ, khi ve đầu làng bắt đầu râm ran, khi phượng cạnh gốc đa mái đình rực đỏ cả khoảng trời xanh thẳm. Hè về không một lời báo trước, chỉ kịp đưa hương ổi tan vào mây.
Nó đã về đây, chốn Mỹ Tho này, đã tròn trăm lẻ một ngày. Thoáng hạ mơn man một góc sân vàng rực. Nó lại mơ về những thoáng hạ như thế, ngày ấy nó còn là cậu nhóc nhỏ cun cút sau lưng Ba Hanh. Những trưa hè vàng ruộm, cỏ ngoài đồng khoác một tấm áo lấp lánh, những lúc ấy một lớn một nhỏ đội nắng dắt díu nhau. Những thoáng hạ với cơn mưa rào đầu hè trực đến trực đi, Kỳ lại đội mưa, lội tận đầm sen hôi mùi bùn tanh tưởi, lấy một cái vá cũ úp lên một con óc da sần sùi đang nhầy nhậy dưới mưa. Nó reo lên, khanh khách cười, rồi bọc vào áo, đem cho vào một cái lọ sứ nho nhỏ, lại lụi cụi để trên bàn học cậu Ba.
Hè bây giờ buồn tênh. Hè trải dài miên man mòn mỏi.
-
Hanh một mình giữa Sài thành rộng lớn, cô đơn tựa vị khách vãng lai. Những lúc ấy, Tú lại líu lo bên cạnh, như một chiếc nấm cười chọc anh điên tiết rồi lăn ra khúc khích.
Kỳ bỏ đô thị mà về với thôn kia. Ông bà Hội đồng chẳng ai hay, đến Hanh mãi khi Kỳ đi tròn mười ngày mười đêm cũng mới vỡ lẽ từ bức thư Kỳ để lại. Anh cũng giấu tuốt mỗi khi ông Hội đồng biên thư lên hỏi thăm đến thằng Kỳ. Tú cũng hay tin mà mặt mày xám ngắt xám ngơ. Thị không thốt nên một lời nào trước sự tình ngang trái ấy. Chỉ một dấu hỏi to đùng hiện lên trong đầu thị. Hanh bức Kỳ đến mức nào để nó phải bỏ đi như thế?
Anh thi xong kỳ thi cuối. Nghỉ hè tròn hai tháng. Anh cắp đồ về Mỹ Tho ngay hôm thầy giáo thông báo kết thúc năm học. Anh tự viết giấy thôi học, cũng giấu giếm ông Hội đồng. Xưởng đóng tàu đổi chủ, cha Tú theo bọn đế quốc, phản cách mạng nên bị bắt giam.
Hanh nhớ năm ấy năm 41.
-
Quê xưa vẫn thế, vẫn đầu đình một lũy tre xanh chạy tít tắp từ bờ đê trải dọc theo đường làng. Lúc đứng giữa sân ga Hanh còn hồi hộp và mơ hồ lắm. Hai năm xa xứ, chưa một lần đặt chân về trốn cũ, có những cái đã mới, có những cái vẫn vậy.
Chiếc va li con con đủng đỉnh song song với ống quần tây màu chàm.
"Bây ra coi. Cậu Ba Hanh về rồi kìa." Tiếng chị mùi vẫn văng vẳng như thế, rọi vào nắng hè len lỏi vài tiếng nhảy ổ của mấy con gà mái mơ.
Hanh nhìn sân vườn một lượt, rồi đắm ánh mắt vào giàn thiên lý đang vàng ươm dưới nắng tháng sáu giòn tan. Hanh vươn tay đưa chiếc va li nhỏ cho chị Mùi, nhìn chị một cái đầy ý tứ. Mới hai năm thôi, chị khác đi nhiều quá, Hanh đánh giá qua ánh nhìn thầm kín. Mặt chị gầy hao, da chị xanh mướt, hai hốc mắt xám tro, đôi lưỡng quyền nhô cao như găm chiếc chùy vào mặt ai đó. Hanh thôi nhìn, rồi mỉm cười với chị.
Hanh nhận thấy, có những cái đã rất khác trong ánh mắt của những tấm thân nghèo nàn và khốn khổ ấy. Một cái gì đó bất lực như sóng biển chỉ đợi bão lên mà ầm ầm đập vào đất liền. Những con người đáng thương ấy nhận ra cái khốn cùng trong cảnh túng quẫn, ấy thế mà chỉ đứng yên để mặc thời thế xoay vần mà không thể thay đổi lấy một chút vận mệnh của chính mình bằng chính mình.
Hanh về, ngoài đám gia nô biết chuyện thì trong nhà im phăng phắc. Một phần ông Hội đồng đi Cần Thơ có việc, phần còn lại bà Cả với Hai Khuyến - hai hình nhân "miệng nam mô, bụng bồ giao găm" - dở chứng lên chùa cầu thần khấn phật.
Rồi Hanh lại nghe tiếng gia nô kháo nhau một cái tin rất phong phanh. Rằng cậu Hai sắp lấy vợ, mà vợ cậu là cô Diễm con ông Chánh làng mình chứ ai. Một người mới từ đất khách về lại quê xưa còn biết được cái tin này như Hanh, thì chắc Kỳ cũng mong manh cái tin này. Mà lời đồn lời đoán không tự dưng sinh ra, như khói cũng phải do có lửa mới thành, thế thì cái sự ấy đúng nghiệm rồi.
Diễm cũng qua cái tuổi cập kê đã lâu, gái xưa phải tam tòng tứ đức - tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; công dung ngôn hạnh - dựng vợ gả chồng phải do cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, làm trái thì cạo trọc đầu bôi vôi. Diễm phận tiểu thư, con nhà đài cát, lớn lên trong nhung lụa áo gấm, há chăng cũng chẳng thoát khỏi phong tục nghiệt ngã ấy, rồi cũng chôn đời con gái vào một tấm chồng mà thôi.
Hanh về nhà hai ngày, anh sắp xếp lại mọi việc trong nhà, cho đến đêm thứ ba trằn trọc không ngủ được nữa, anh mò dậy với chiếc đèn dầu lạc cháy còn phân nửa, khoác tấm áo lụa mỏng tanh bên ngoài, rồi thả mình vào trăng của miền quê.
Hanh nhớ đường này đi về làng nhà Kỳ, kia rồi, còn một cây cầu nữa thôi.
Đêm nhà Kỳ im re, đêm quê hương thì văng vẳng tiếng quốc. Hanh đứng lặng ngoài cổng, chó nhà hàng xóm đứng ở bờ rào chăm chăm đôi mắt sáng quắc nhắm vào Hanh. Rồi một tràng chó sủa dội vào bầu không.
Kỳ lịch cịch vớ cái áo cánh nâu vắt ở đầu giường, xách đèn dầu chạy thẳng ra sân.
"Thằng mất dạy nào lại trộm ngô nhà tao đấy?" Nó hét lên sang sảng, tiếng nói vọng và tai Hanh nghe thật sang. Rồi Hanh bật cười khanh khách, và thằng Kỳ thì sửng sốt ngã ngồi ra sân.
"Cậu, cậu Ba."
"Chẳng phải cậu Ba của mày thì chắc tao là hồn ma rồi."
Hanh vẫn cười, rồi chỉ tay về mấy cành cây chặn trước ngõ làm cổng.
Kỳ nửa nằm nửa ngồi trên đất bất động, rồi như chợt nhận ra điều gì đấy, nó bỏ tuốt cả đèn cả cái áo cánh còn chưa kịp khoác lên người, một mạch chạy vào nhà, rồi nó chốt sầm cửa lại.
"Ô hay!"
Hanh sững người. Nó bỏ anh đi, về đây mà tận hưởng cái thú điền viên, để anh lại với thế giới xám xịt ngoài kia. Rồi đây, khi anh đã bỏ cái tôi, bỏ cả cái tình cảm đã chẳng thể nảy nở này nữa, muốn làm lại một lần, làm một người tri kỷ với Kỳ. Chỉ là đôi tri kỷ không cần nó đáp lại hay cho anh điều gì. Ấy thế mà, vừa mới nhìn thấy anh, nó chạy mất dép.
Hanh trèo cổng, đi ra giữa sân nhặt cây đèn dầu đã cạn và chiếc áo cánh bị hắt hủi nằm trơ trọi, anh ngồi bên thêm, ngửa đầu nhìn vào nền trời pha màu sáng bạc.
"Kỳ nhớ anh không? Sao Kỳ bỏ anh đi?"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top