17. Dở trang mới viết tiếp nha em

Mỗi sáng thức dậy khoảng rỗng lạnh bên lồng ngực lại đầy thêm một chút, nỗi chơi vơi như nhiều dần, rốt cuộc thì phải làm gì cho mối quan hệ này đây. Yêu đồng nghĩa với thương và đau hay sao? Hanh không biết, Kỳ thì chẳng hay. Họ bắt đầu một ngày mới với nụ cười sống sượng vẽ đầy trên môi, với những cái liếc mắt lơ đễnh, cái tuềnh toành ngay trong cả bữa ăn, chẳng một lời thăm hỏi, đôi ba câu thú vui đùa, dội thẳng vào khoảng không là sự im ắng đến lặng tờ của đôi chủ tớ.

Nắng tháng Ba hanh khô từng tầng sương còn đọng lại trên hiên nhà, Hanh lọc cọc chiếc xe đạp chạy thẳng ra phố. Cả một đêm trằn trọc không ngủ nổi, nỗi phiền muộn dường như vơi dần trên cái trán đang hóa phẳng phiu, nhưng còn sầu bi thì vẫn vương đầy ngực trái. Ai bảo yêu đơn phương, ai bảo yêu thầm chi một người chẳng thương mình, để rồi vẫn là tự bản thân để trường đoạn tình cảm này đay nghiến trái tim. Anh muốn Kỳ cho anh thêm cơ hội, muốn mọi thứ trở lại bình thường như trước, muốn cả hai sẽ tiếp tục với những mảnh kí ức hạnh phúc của ngày xưa, chứ không phải là họ của bây giờ, họ của bây giờ xa lạ như hai người dưng.

Chiếc xe của Hanh hì hục trên đường láng đầy nắng vàng, anh ghé vào trường xin đơn nhập học cho Kỳ. Trường Kỳ học là một trường nghề dành cho những người mới lấy được bằng thành chung như nó. Nơi này, anh gặp Trung, một thầy giáo trẻ trong trường. Trung nức tiếng ở xứ này bởi cái tài ăn nói thẳng tắp, lề lối, thêm vẻ ngoài gia phong, nề nếp, Trung được lòng các thiếu nữ xứ Sài Thành này, hẳn cũng được lòng Hanh. Người yêu cái đẹp như Hanh hơn hết yêu cả những kẻ biết lễ nghĩa. Trung ngoài ba mươi, chưa bề gia thất lại chẳng thấy có mối nào kề cận ngay bên, người đàn ông trẻ này chẳng có mực gì là đào hoa phong lưu cả. Trung bảo, tôi gắn bó với cái trường này cũng ngót chục năm, vợ con chi mà cho nhọc người, cứ ở đây thảnh thảnh thơi thơi, đem cái chí hướng lý tưởng mà truyền đạt cho thanh niên ta, thế mới vui phải biết chứ. Hanh phục, phục cái tài cán của Trung, phục cả lý tưởng của Trung, để Kỳ theo học trường này còn được Trung kèm thì còn gì lí trí bằng nữa. Hanh gật đầu, thay lời cảm ơn bằng cái bắt tay đầy tin tưởng, giao người anh thương cho một người đàn ông xa lạ mới quen.

Đường về nhà bỗng như dài thêm từng dặm, Hanh đang lắng lo nên nói gì với Kỳ đây. Mà lạ thật, từ khi nào chuyện giao tiếp giữa cả hai lại như một cuộc chiến đấu với chính cám dỗ trong lòng, khó khăn hơn cả việc chiến tranh bom đạn sẽ xuyên vào từng tấc đất. Hanh dừng ven đường mua cá, Kỳ thích cá kho tộ, coi như chiêu đãi nó một bữa lấy lòng, lấy lại những gì mà cả hai đã mất.

Kỳ hì hục dọn nhà từ bảnh mặt sáng đến tận táng trưa, mệt phờ cả hơi tai mà nó vẫn làm, chỉ có để bản thân bận rộn nó mới thực sự quên đi chuyện tối đó, quên đi những thay đổi lạ lùng trong lòng nó, những cảm xúc không tên được gợi lên, và cả sự suy đồi trong trí nghĩ của cậu chủ nó đối với nó nữa. Mà càng chối bỏ thì càng khó buông, sáng giờ không biết nó đã để hơi thở dài tuột khỏi môi bao nhiêu lần, số lần vượt quá tầm kiểm soát của nó rồi.

"Cậu mua cá này, mày nấu đi." Hanh đặt đống thức ăn anh mới mua trên kệ bếp, liếc nó một cái thật khẽ như để nó không phát hiện ra mà ngồi bệt mông xuống chiếc tràng kỷ duy nhất trong phòng khách, tay cầm tờ báo thật khoan thai, gấp mở rất lặng lẽ, đầu chúi và mắt nhìn rất chăm chú nhưng trong tâm thì loạn xạ như đang lửng lơ chín tầng mây.

Kỳ vâng một cái thật nho nhỏ rồi lủi thủi vào bếp, coi cái con người đang chình ình trên ghế là một pho tượng vô tri vô giác. Hanh bực, bực vì cái thái độ hờ hững của nó, nó dám đối xử với cậu chủ nó thế hả, đến một cái liếc nó còn chả thèm dành cho mình. Hanh giận trong lòng, mà nếu có can đảm thì nhất định anh sẽ quạt thẳng mặt Kỳ, nhưng can đảm chết rụi hết rồi, trong lòng chỉ là những khoảng trống rỗng lấp đầy phiền muộn.

Kỳ tay chân ì ạch như bà bầu chửa chín tháng sắp vào cơn lâm bồn, nó mầm không ra mầm, đầu óc thì vẩn vơ, Hanh nhìn mà chán ghét kinh khủng. Anh đập tờ báo xuống bàn chạy lại chỗ nó, khi đi thì vùng vằng khi đến nơi thì bao cái nóng giận lụi tan hết. Anh hỏi han.

"Mày nhắm coi mần được thì mần, không để cậu mần cho. Mày mần có con cá mà đến nửa tiếng đồng hồ rồi."

"Cậu cứ để yên cho em làm. Cậu lên nhà trên đi."

Hanh liếc nó mấy cái, rồi lảng tránh sang chuyện khác.

"Nay cậu vừa nói chuyện với thầy chủ nhiệm của mày."

Kỳ buông con dao còn đang chặt dở cá, nó dỏng tai lên lắng nghe, đôi môi mím lại chờ đợi, ánh mắt không đặt lên người Hanh mà nhìn chằm chằm xuống đất.

Hanh như được hưởng ứng, anh tiếp lời.

"Thầy tên Trung, gần ba mươi rồi, là người có kinh nghiệm giảng dạy và truyền đạt kiến thức rất tốt. Yên tâm đi, mày theo học thầy ấy sẽ không phải chịu thiệt thòi." Hanh nói một tràng dài, rồi kết thúc lời hào hứng bằng tiếng cười giòn giã ngăn đi hai phiến má hồng đang dần lộ rõ dưới ánh mắt của Kỳ.

Nó lại gật đầu, cười một cái đầy gượng ép. "Em cảm ơn cậu."

"Cảm ơn chi, cậu giúp mày sau này mày làm quan to chức lớn gì thì sao, lúc đấy cả nhà cậu khéo lại được nhờ mày cũng nên." Vẫn là điệu cười ồ ồ của Hanh. Kịch này anh diễn đạt quá, đạt đến nỗi mặt Kỳ vẫn tỉnh bơ, nó vẫn quyết lơ anh đến cùng. Thôi thế thì hết cách rồi. Hanh hạ giọng mình xuống, nhìn Kỳ đầy chăm chú, cứ như sợ chút nữa nó sẽ chạy trốn anh.

"Kỳ này!"

"Em đang nghe cậu cứ nói đi."

Hanh xoay người nó nhìn thẳng vào mắt mình. "Cậu biết giờ mày đang thấy khó xử ra sao, sau tất cả những gì đã xảy ra với chúng ta. Chính cậu, chính cậu cũng cảm thấy khó khăn muôn phần. Cậu cần mày tha thứ cho cậu, cậu cần chúng ta như trước, là chủ tớ không thôi cũng được, cậu không cần gì thêm, mày đừng lạnh nhạt với cậu nữa có được không? Đừng lạnh nhạt với cậu."

Nó lại thở dài. Nỗi phiền muộn của Kỳ là một khối thống nhất, nó chẳng có ý định đem nỗi sầu ấy ra hong khô trong những ngày nắng, nó quyết giữ trong lòng, và thay lời hồi đáp cho sự mòn mỏi từ câu cầu xin của Hanh, nó gật đầu. Chỉ thế thôi và chẳng nói gì thêm. Thế là quay trở lại như cũ nhưng mọi thứ đều đảo lệch khỏi vị trí.

Hanh cười ngượng nghịu. Ừ thì, là thế. Anh cưỡng cầu sao được, thương người ta nhiều thì đau nhiều khi người ta không thương. Đành gác lại mọi suy tư mà cố sống, sống cho qua những ngày tẻ nhạt bi hài này.

Bữa cơm ngon mà đắng trong miệng, Hanh nuốt chẳng nổi mà chính Kỳ cũng nuốt không xong. Sao cứ phải dày vò nhau như thế, làm như vậy thì mới thấy vui hả, mới thấy cái hổ thẹn vơi bớt hay cái chấp niệm sâu thêm?

"Sau này mày muốn làm gì?" Hanh hỏi, câu nói đầu tiên cất lên trong suốt bữa ăn trưa.

"Em cũng chưa có dự tính."

"Thì mày cứ nói cho cậu nghe coi nào."

Nó chần chừ, ngẫm nghĩ ít lâu rồi mới dám nói. "Dạ, em tính làm nhà báo."

"Nhà báo!" Hanh vỗ tay cái đốp làm cây đũa cũng giật mình rơi cộc xuống đất, anh với tay nhặt lên rồi phủi phủi vô áo mình như chưa hề gì. "Được đấy, rất được. Cậu thấy mày nên theo cái nghề ấy."

"Thật hở cậu?"

"Thì cậu có nói dối mày bao giờ đâu. Nhưng mà khổ nỗi..."

"Khổ nỗi gì ạ?"

"Cái nghề cứ liên quan đến văn chương thì bạc bẽo, chìm chìm nổi nổi lắm. Mà xã hội này đủ để con người ta chìm nổi rồi, dấn thân vào văn chương như hạt mưa xa, hạt rơi đài cát, hạt ra ruộng cày. Mày viết theo cái thị hiếu của người ta bây giờ thì người ta trưng mày như trưng đồ trong mấy bảo tàng ấy, mà thị hiếu bây giờ thì toàn mấy thứ lố lăng kệch cỡm, viết như thế thì trái lương tâm lắm. Còn giờ viết cho dân, viết vì những lí tưởng cao đẹp thì bèo bọt vô cùng, có mấy người ta còn bắt vì tội truyền bá tư tưởng hậm dịch nữa chứ. Rồi mày thấy nó bạc bẽo chưa?" Hanh buông đũa chợt đứng dậy.

"Nhưng cậu hiểu em mà, bèo bọt thì em cũng làm, đem được cái tư tưởng liêm khiết cho dân ấy là điều sung sướng."

Hanh xoa đầu nó rồi gật.

Thời buổi này dân nào thì chả bị cái tù túng làm cho lậm người, nghèo đói cầm tù tư tưởng. Bao giờ dân ta hết bị cơm áo gạo tiền trói buộc thì khi ấy mới thoát khỏi kiếp sống quần quật vươn tới lí tưởng cao đẹp được.

Chiều ấy là một chiều nắng vàng, sau bữa cơm trưa kết thúc bằng cái xoa đầu đầy chột dạ của Hanh với Kỳ, Hanh lại phóng xe đi mất, đi ngót nghét tận chiều tối mới về. Đầu thềm lá còn vương đầy ánh hoàng hôn, bầu không trơ lại vài đám mây hồng hờ hững, Hanh đáp con xe ngay sau hè, chạy một mạch vào nhà như đứa trẻ lên ba. Anh ùa vào phòng Kỳ như một siêu nhiên, mà buồn thay Kỳ đang cởi đồ, trên dưới trần truồng chẳng mảnh vải. Vậy là đi đời nhà Hanh. Kỳ thẹn quá, sẵn cái áo quất vào người Hanh trền trệt như nện chó. Tiếng la thất thanh của Hanh phả vào chiều Sài Gòn đầy thơ mộng. Sau tất thảy lại thay bằng một tràng cười vỡ bụng. Ừ thì...

"Cậu có biết mày đang thay đồ đâu. Mà mày đánh cậu đau ghê, sưng vu mặt cậu mày luôn, cái gương mặt đẹp trai này ngày mai còn dám nhìn ai nữa."

"Cho chết, tại cậu không chịu gõ cửa chứ."

"Vì cậu mày đang vui."

Kỳ uể oải lấy dầu gió xoa mấy vết bầm cho Hanh, nó ra tay mạnh thật, người Hanh thiếu điều tím ngắt mà ngỏm nữa thôi. "Cái gì làm cậu vui?"

"Nay cậu ra ngoài phố, thấy người ta kháo sắp tới thả hoa đăng."

"Thả hoa đăng chi tháng Ba, người ta thả tháng Bảy mà."

"Ấy là thú vui của mấy ông tây bà đầm mày hiểu không, chỉ cần người ta thích thì cái lễ nghĩa cũng đi chệch hết."

"Kệch cỡm, chả ra làm sao cả." Kỳ bất mãn vứt tõm lọ dầu vào đầu giường, nó phủi mông đứng dậy toan về phòng.

"Cho cậu ngủ cùng nhá." Rồi chả đợi Hanh chìa thêm đôi môi của mình ra tề nũng nịu nữa, Kỳ vung tay đấm một cú thật hoàn hảo vào gò má anh, thêm một vết bầm. Hanh ôm má ê chề ngồi than.

"Mặt cậu hôm nay trông đẹp lắm." Kỳ cười như hoa, lượn về phòng với tốc độ bàn thờ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top