1. Mỹ Tho, năm 1929

Mỹ Tho, năm 1929.

Kỳ thức dậy khi ngoài trời vẫn tối om om. Đêm tháng Chạp, trời lâu sáng, xa xa chỉ thấy tảng sương mờ vắt vẻo trước ngọn tre trụi, chung quanh đặc sệt gió lạnh. Kỳ chui khỏi ổ rơm của mình, nó nghển cổ trông lên giàn thiên lý trước mặt, hít khí trời đương buổi sớm. Tiếng gà gáy mong manh và xa xôi, vẩn lên trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê của Kỳ. Đầu óc nó vẫn còn vất vưởng ý nghĩ mơ hồ và xa xăm lắm. Rồi Kỳ tỉnh hẳn, bởi tiếng gáy lộc cộc của anh gà chọi chuồng bên, trong cái hình dung của Kỳ, anh chàng lấc cấc và vụng dại, đôi chân cao cao, cái cổ trần ngất nghểu, cái mào đỏ khè mới nhu nhú và cái đuôi cụt ngủn. Anh chàng rất hay qua nhà tãi ro, tãi rác, khiến chị Mùi bực mình mấy lần toan vụt chết.

Trời lạnh sắc như dao, cứ đứng co ro chỉ tổ chết rét, Kỳ bèn vớ cái chổi cùn quét tước sân bãi, cổng ngõ. Mặt trời cũng đương nhú, nó lên cao dần, trượt qua thành núi rồi xé rách màn sương mờ, sương mờ cứ toạc ra, ra mãi. Nó lắng tai nghe tiếng vành khuyên cất lên sau hàng bưởi, rồi ngâm nga.

"Bao giờ cho đến tháng Ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng..."

"Kỳ, mang nước lên cho cậu Ba đi bây." Tiếng chị Mùi chu choa vọng ra từ trong bếp, ngày nào cũng vẳng lên như thế.

"Dạ, em mang ngay đây."

Kỳ dựng cái chổi cùn vào một xó, nó chạy ra vại nước trước hè, với cái gáo dừa, rửa qua loa mặt mũi, rồi lao lên nhà trên như đi đánh trận, tay khệ nệ bưng chậu nước đặt trước buồng cậu Ba.

"Cậu ơi, cậu Ba, em mang nước cho cậu rửa mặt nè. Cậu Ba!"

Nó ngồi lê lết ở ngoài cửa. Trời rét căm căm, gió lạnh sắc tựa dao cứa vào lớp áo cánh mỏng đã bung đi vài sợi chỉ, hai tay thằng bé ửng đỏ cả lên, ấy thế thằng con quý tử nhà ông hội đồng vẫn tay gác trán nằm ngửa mà ngủ.

"Cậu Ba!" Nó gọi lại lần nữa.

"Kỳ đấy à? Mày cứ để đấy cho cậu." Hanh nói bằng giọng nửa tỉnh nửa mê, còn khàn đặc vì một đêm trằn trọc không chợp nổi mắt.

"Cậu còn dở mắt thì cậu cứ ngủ đi, em ở ngoài này đợi cậu."

Hanh còn tính ngủ nữa, nhưng nghĩ tội thằng bé anh bục dậy, kéo cửa đánh xoành, làm Kỳ đang ngáp ngắn ngáp dài giật mình đổ ào chậu nước. Tiếng chậu kêu lên lẻng xẻng, inh om cả nhà.

"Cậu Ba. Cậu Ba rửa mặt." Kỳ lồm cồm bò dậy, nó với cái chậu trống không ôm vào ngực, cái đầu cúi gằm như sắp dính xuống đất.

"Nước đâu mà rửa? Mày làm đổ hết rồi còn chi. Ý mày là bảo cậu hốt nước dưới đất lên để rửa hử?"

"Em hổng có."

Hanh nhìn nó mà lắc đầu. Kỳ còn nhỏ, nó vào làm công cho nhà Hội đồng kỳ mục (*) từ năm bảy tuổi, đến nay mới tròn một năm. Người bé, sức lại yếu, chỉ làm được mấy việc chân tay nhẹ nhàng, bảo nó ra đồng chăn trâu thì về đến nhà lăn ra ốm cả, chẳng mần được việc chi cho ra hồn. Nên ông Hương cho nó theo hầu cậu Ba Hanh, để Hanh có bạn có bè.

Hanh gặp Kỳ vào một chiều trở gió, giàn thiên lý sau nhà đưa hương thơm ngát, Kỳ lúc đó mặt mày tèm lem đất cát, nó ôm khư khư cái tay nải trong lòng, mặt cúi gằm gằm chỉ còn hở chiếc mũi đỏ ửng. Ông Hương nói cho Kỳ theo hầu Ba Hanh. Cha má Kỳ mất sớm, mà để nó làm mấy việc nặng trong nhà thì không đặng lòng. Rồi Kỳ theo hầu cậu Ba đến nay đã tròn một năm giời.

"Mấy việc này từ giờ mày đừng làm nữa. Cậu thích tự làm. Cậu đi học thì ở nhà mày mần chi?"

"Dạ, em ra đồng với anh Hỷ."

"Ừ, thế đi đi. Cậu cũng chuẩn bị đi học rồi."

"Dạ cậu, thế em đi."

Hanh nhìn nó mà đâm ra buồn cười. Cái dáng đi ngồ ngộ như ông cụ, da nó trăng trắng, không phải cái trắng của con gái xứ Huế mộng mơ, mà cái trắng theo như Hanh bảo là nom giống quả đào chín rụng bị chim xới lởm chởm, cái mặt thì non choẹt, chẳng ai nghĩ nó là con trai. Hồi đầu gặp Kỳ, Hanh cũng tưởng nó là con gái cơ, rồi cậu bất ngờ bật ngửa khi nó có thứ cũng giống mình. Hanh chìa ngón cái cười khà khà "chà chà, mày là con trai cơ đấy."

Một buổi chiều lặng gió, Hanh ngồi bên hiên nhà đọc sách, Kỳ lúi húi mài mực cho anh, chốc chốc nó lại liếc cậu rồi lại cúi đầu nhìn vào nghiên.

"Mày mần chi mà cứ nhìn chằm chằm cậu ghê thế?"

"Dạ, cậu đọc gì vậy cậu?"

"Sách khoa học."

Nó nghe đến hai từ "khoa học" thấy mới lắm, nên nín luôn, chẳng hỏi nữa. Đám gia nô trong cái nhà Hội đồng này làm gì có đứa nào biết chữ. Bà Cả chẳng cho đứa nào học chữ, sợ nó có cái chữ, nó cậy, rồi nó làm mình làm mẩy, nó không nghe lời mình, nó phản mình. Vậy là vì sự ích kỷ, bà chẳng cho đứa làm nào trong nhà học chữ cả. Kỳ cũng chẳng biết chữ, thế nhưng nó quý cái chữ lắm, nó muốn học chữ để viết được tên của cha nó, má nó.

"Cậu ơi, học chữ khó lắm không cậu?"

"Khó chớ. Nhưng mà chỉ cần mình quyết thì chẳng có gì khó cả."

"Dạ, cậu dạy phải." Rồi nó lại cúi đầu, chuyên tâm mài mực, khi lại ngẩng đầu nhìn cậu Ba, nhìn quyển sách cậu đang đọc. Nó thèm quá, thèm cái chữ quá. Giá mà ai đó chịu dạy chữ cho nó thì nó ơn lắm, ơn suốt đời.

Chiều chiều, khi mặt trời còn nghiêng ngả sau lũy tre làng trơ trụi, Kỳ lóc cóc vác cuốc ra đồng với chị Mùi cùng anh Hỷ, tay khệ nệ đút thêm gói cơm nắm bọc trong lá chuối xanh vào túi áo. Đợi cho nắng chiều tà bớt gay gắt, nó chạy dọc theo triền đê vụt ra trường làng đón cậu Ba. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Kỳ, ông Hội đồng có việc lên tỉnh lị, ông rặn nó xế chiều phải vác cẳng, vác giò lên mà chạy ra trường hộ tống con trai ông về nhà an toàn. Kỳ thấy cái nghĩa vụ này cao cả lắm, còn hơn cả việc sau này lấy vợ, nó rất vinh dự khi được nhận trọng trách to lớn ấy.

"Cậu Ba, cậu Ba. Em nè!" Kỳ thập thò ở gốc phượng, rướn cần cổ gọi cậu ba nó.

"Kỳ, sao mày ra đây sớm chi vậy?"

"Dạ, em xong việc rùi cậu."

"Thôi, mày đứng đây đợi cậu vào học xong giờ tiếng Pháp, rồi cậu em mình về nghen, đừng có chạy lung tung, biết chưa."

"Dạ, cậu."

Nó đứng đấy, mặc nắng chiều thiu thiu hắt vào gương mặt non trẻ, hai chân xoáy xoáy mấy ụ cát thành từng đống, chán chê nó lại nhặt lá bàng, lá bưởi nhét đầy túi, tối về lấy cái mà gối đầu. Cái ổ rơm của nó bị người ta rút đi gần hết, trơ ra còn mấy tấm vải đụp cũ, nằm đau lưng lắm.

Kỳ đợi thất tha thất thểu ở cổng đến ráo cả cẳng, chắc phải qua giờ Thân rồi cũng nên, lúc ấy nó mới thấy cậu Ba nó thấp thoáng từ đàng trong. Nó giơ tay lên, vẫy gọi với cậu.

"Cậu ơi."

Cậu Ba của nó sành điệu lắm, nó hay đi khoe thế với đám trẻ con làng bên. Cậu hay đi giày Tây, cậu có cái đồng hồ quả quýt xinh xinh, cậu nó thắt cà vạt và mặc áo trắng tinh.

"Mày đợi cậu lâu không?"

"Dạ, không lâu lắm đâu cậu."

"Hanh." Tiếng gọi trong trẻo cất lên giữa chiều quê rộn rã, là của cô Diễm con ông Chánh trong làng. Cô bằng tuổi Kỳ. Con gái nhà ông Chánh đứa nào cũng ngoan, cũng hiền hậu, thục nữ. Nhà chẳng có con trai, thế nhưng mấy đứa con gái cũng làm ông nở mày nở mặt lắm. Các chị nhà Diễm đều lập nghiệp trên Sài Gòn, chị thì theo Tây, chị thì mở cả tiệm may mặc Âu hóa ở trển.

"Sao Kỳ đến sớm chi vậy, sợ ai bắt cậu Ba của Kỳ à?"

"Dạ, hổng có thưa cô."

Kỳ cúi đầu, nó ngại, hai tai đỏ rực lên như vừa bị người ta ép uống rượu cưới. Diễm mến Kỳ, vì thằng nhỏ trông trăng trắng, hiền lành, có chút ngốc, lại rất vừa ý cô. Diễm là con nhà đài cát, cấm có bao giờ thấy cô khinh bề dưới, hay phân biệt bề tôi, cô hiền lành và phúc hậu, bởi thế cô là đứa con gái duy nhất trong trường vừa cái lòng khắt khe của Hanh.

"Thôi, Diễm về đi kẻo cha Diễm mong, tôi cũng về đây."

"Vậy Diễm về nhé, khi nào rảnh Diễm sẽ sang nhà Hanh chơi nhen."

Hanh đưa cặp cho Kỳ, gọi một chiếc xích lô rồi trèo lên, hai chủ nô ngồi chung một chiếc; Kỳ hoang mang tột độ, mặt mày khăm khăm như trát tro, trát trấu; sao nó dám ngồi chung xe với cậu chủ nó cơ chớ, rồi để bà Cả thấy thì mông nở hoa, ra trái mất.

"Em thấy không hay đâu cậu, hay để em xuống đi bộ."

"Sao mày cứ thích cãi lại cậu nhỉ?"

"Dạ, em hổng có."

"Hổng có, thì ngồi im."

Hanh dựng thẳng chiếc lưng khom khom như ông cụ non tập tành chống gậy của Kỳ, anh kéo nó lại gần, rồi nghĩ vẩn nghĩ vơ quay ra kề sát tai nó, giọng nói nho nhỏ từ từ vọt lên. "Mày thấy cô Diễm thế nào?"

"Dạ, cô Diễm đẹp, còn tốt bụng nữa."

"Sau này đợi mày thành tài, cậu sẽ hỏi cưới cô cho mày."

Kỳ quay sang nhìn vào đôi mắt nghiêm nghị của Hanh, nó thỏ thẻ. "Em nào dám trèo cao thưa cậu, em chỉ muốn đi theo cậu thôi, đi theo suốt đời."

"Mày sao mà đi theo cậu suốt đời được, vợ của mày sau này thì sao?"

"Có gì đâu cậu, em không lấy vợ là được chớ gì. Cậu cho em theo hầu, rồi khi cậu lấy vợ thì em hầu cả cô, rồi con cậu nữa. Ở với cậu cả đời em còn ở được nữa là."

"Ngốc ghê luôn!" Hanh liếc thằng nhỏ, rồi gõ lên đầu nó một cái thật kêu, cả hai nhìn nhau cười khành khạch.

_____

(*) Hội đồng kỳ mục: Thời Pháp thuộc, việc quản trị mỗi xã nằm trong tay một tổ chức mang tên Hội đồng kỳ mục, đứng đầu là Hương cả, người ta thường gọi là ông Hương, hay ông Hội đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top