Sóng

Có ý kiến cho rằng thơ Xuân Quỳnh thể hiện tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, thủy chung, muốn vượt lên thử thách của thời gian và cái hữu hạn của đời người. Anh chị hãy bàn về ý kiến trên. ~~•••~~

   Xuân Quỳnh - một nữ sĩ đa tài, chị xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ. Xuân Quỳnh luôn khao khát một tình yêu thuỷ chung cùng mái ấm gia  đình và tình mẫu tử. Một trong những bài thơ về tình yêu hay nhất đối với sự nghiệp Xuân Quỳnh không thể không nhắc tới bài thơ "Sóng". Từ cảm nhận của "Sóng" ta mới có thể bắt gặp được tiếng lòng cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Bàn về "Sóng" có ý kiến cho rằng "thơ Xuân Quỳnh thể hiện tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, thuỷ chung muốn vượt lên thử thách của thời gian và hữu hạn của đời người".

   Bài thơ "Sóng" được Xuân Quỳnh sáng tác vào năm 1967, trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa Dọc Chiến Hào. Những lời tự hát tình yêu của bài thơ Sóng nhằm bộc lộ lên niềm khao khát nhận thức về tình yêu, về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. "Sóng" để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi vẻ đẹp của tình yêu được gắn liền với thuỷ chung cùng nỗi nhớ da diết, bất tận.

   Vẻ đẹp tâm hồn chính là vẻ đẹp mang tính kế thừa gắn liền với người phụ nữ Việt Nam có từ ngàn xưa tới nay; chân thành trong tình yêu luôn thuỷ chung và tin tưởng vào tình yêu, khát vọng hạnh phúc và táo bạo, nồng nhiệt với tình yêu của mình. Đó là những giá trị trường tồn như một bản năng trong trái tim người phụ nữ. Bản năng không thể bị giới hạn với những quy luật, khuôn khổ. Những vẻ đẹp đó sinh ra cùng tình yêu và ngàn năm vẫn vỗ cùng tình yêu. Bởi vậy những người phụ nữ xưa khi yêu cũng thế mà những người phụ nữ ngày nay vẫn vậy. Nó góp phần tạo nên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

   Trước hết, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ được Xuân Quỳnh thể hiện rõ nét ở khát khao tình yêu và hạnh phúc đời thường. Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đã diễn tả trạng thái của Sóng và đồng hành theo đó là tâm trạng người phụ nữ đang yêu với nghệ thuật ẩn dụ đầy độc đáo:

"Dữ dội dịu êm 

  Ồn ào lặng lẽ

  Sóng không hiểu nổi mình 

  Sóng tìm ra tận bể"

   Tác giả đã tái hiện lên những hình ảnh về sắc thái, trạng thái khác nhau của sóng chỉ bằng nghệ thuật đối lập: Dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ. Vẫn là những con sóng ấy trên mặt biển khơi xa, ta có thể liên tưởng thật tự nhiên để thấy được sự bất thường từ con sóng. Cũng giống như tình yêu của người phụ nữ vậy, lúc thì dịu dàng, đầm thấm, khi thì khao khát mãnh liệt. Tất cả những biểu hiện khác nhau của người con gái khi đang yêu đều có một tâm hồn thật nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Xuân Quỳnh rất tài tình khi sử dụng nghệ thuật nhân hoá trong câu thơ "Sóng không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể ". Cách nhân hoá " sóng " trong thế chủ động tìm đến hạnh phúc, tìm trong sự khát khao và cố gắng cho tới "tận bể". Từ cách dùng câu thơ càng thể hiện thêm tình yêu ấy được bộc lộ thật mãnh liệt và da diết. Trong đó câu thơ còn có cả nghệ thuật ẩn dụ cho tình yêu của người phụ nữ. Đối với Xuân Quỳnh riêng tình cảm ấy đã trở nên vĩnh hằng kỳ diệu, nhất là trái tim của tình yêu của trẻ.

   Sang khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh cho ta thấy hành trình của sóng được viết nên với niềm bồi hồi đầy sâu lắng:

"Ôi con sóng ngày xưa 

  ngày sau vẫn thế 

  Nỗi khát vọng tình yêu 

  Bồi hồi trong ngực trẻ".

   Từ ngữ cảm thán "Ôi" được cất lên để mở đầu đoạn thơ làm bao trái tim người đọc thật xốn xao, rộn ràng trong tình yêu. Hai cụm từ "ngày xưa", "ngày sau" kết hợp với "vẫn thế" khơi gợi cho ta một ý niệm vĩnh hằng về tình yêu luôn tồn tại mãi mãi theo thời gian của tuổi thanh xuân của chúng ta. Giữa hai nét nghĩa riêng, những con sóng là vĩnh hằng trên biển khơi thì tình yêu cũng vĩnh hằng trong trái tim người "ngực trẻ". Họ "bồi hồi" khao khát mãnh liệt về tình yêu cháy bổng và thuỷ chung. Xuân Quỳnh rất thấu hiểu điều này, vì thế từ cảm nhận như chắc chắn thêm nữa tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thật đẹp biết bao.

   Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ không chỉ dừng lại ở khát khao hướng tới sự vĩnh hằng mà còn khát khao khám phá sự bí ẩn đầy quyến rũ trong tình yêu.

"Trước muôn trùng sóng bể

  Em nghĩ về anh, em

  Em nghĩ về biển lớn

  Từ nơi nào sóng lên".

   Hình tượng "em", Xuân Quỳnh đặt phía trước cái mênh mông "muôn trùng sóng bể". Em nghĩ người đầu tiên nhất là anh, rồi mới nghĩ đến em, sau cùng em nghĩ về biển lớn. Như vậy mới có thể chứng minh được tình yêu ấy em dành cho anh, em trân trọng biết bao. Với câu hỏi tu từ "Từ nơi nào sóng lên" như một nỗi niềm buâng khuâng về nguồn gốc tình yêu. Xuân Quỳnh đã mượn sóng cắt nghĩa tình yêu nhưng chị cũng chỉ có thể lý giải bằng những câu hỏi và lời đáp: "Sóng bắt đầu từ gió - Gió bắt đầu từ đâu?" thì Xuân Quỳnh lại không thể trả lời được. Chị chỉ có thể thú nhận một cách bất lực mà thốt lên "Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau?". Câu trả lời "không biết" sao thật chơi vơi giữa những con sóng và tình yêu. Những câu hỏi về tình yêu muôn đời vẫn là một bí ẩn. Tình yêu thật dịu kỳ làm sao, nó đến mà không biết khi nào nó đến. Và chỉ có người yêu tha thiết thì mới có thể nghĩ nhiều về tình yêu, về nguồn gốc của tình yêu đến thế.

   Bước sang khổ thơ thứ năm, ta thấy được nét đặc sắc riêng. Đó là một khoảng trời nhớ nhung da diết em dành cho anh. 

"Con sóng trên mặt nước 

  Con sóng dưới lòng sâu

  Ôi con sóng nhớ bờ

  Ngày đêm không ngủ được  

  Lòng em nhớ đến anh

  Cả trong còn thức ".

   Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi khắc hoạ nỗi nhớ của sóng đối với bờ. Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hoá vô cùng độc đáo với hình ảnh không gian của "mặt nước", "lòng sâu" thì thời gian là "ngày" và "đêm". Sóng là hiện tượng vĩnh hằng của biển khơi, dù "lòng sâu" hay "mặt nước", dù "ngày" hay "đêm". Trong cảm nhận của người phụ nữ khi yêu con sóng ngày đêm mãi miết tha hương vào bờ là con sóng nhớ bờ, sóng nhớ bờ, lòng em nhớ đến anh. Con sóng nhớ bờ cả ngày và đêm, dù lòng sâu hay mặt nước còn em nhớ anh cả khi "trong mơ" lúc "thức", lúc nào cũng xuất hiện bóng hình anh. Phải có yêu thì mới có nhớ, có yêu sâu đậm thì mới nhớ mãnh liệt đến thế, nỗi nhớ cồn cào, da diết, nỗi nhớ chiếm cả tầng sâu, chiều rộng và trải dài theo thời gian, lúc hiện hữu khi lắng sâu, lúc ý thức khi nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức. Một lần nữa, ta không thể phủ nhận nét đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

   Và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ càng sáng hơn bởi lòng thuỷ chung son sắt:

"Dẫu xuôi về phương Bắc

  Dẫu ngược về phương Nam

  Nơi nào em cũng nghĩ 

  Hướng về anh - một phương.

  Ở ngoài kia đại dương

  Trăm ngàn con sóng đó

  Con nào chẳng tới bờ

  muôn vời cách trở."

   Nghệ thuật điệp cấu trúc độc đáo: "Dẫu... Dẫu" đã giúp Xuân Quỳnh thể hiện lòng thuỷ chung của em đối với anh. Hai câu thơ đầu khổ sáu vô cùng đặc biệt "Dẫu xuôi về phương Bắc - Dẫu ngược về phương Nam", Xuân Quỳnh muốn khẳng định dù cuộc đời có nghịch lý trái ngang đến mức nào thì em vẫn chỉ hướng về "một phương" duy nhất đó là anh. Người phụ nữ hướng về người mình yêu không chỉ bằng trái tim mà bằng cả cảm xúc và lí trí. Chính tình yêu mặn nồng tha thiết mà cả trăm ngàn con sóng dù ở xa rất xa bờ đi nữa nhưng chúng đều vượt qua tất cả khoảng cách địa lý để tìm đến bờ, khát khao được xô vào bờ, đó cũng chính là lẽ tự nhiên. Với Xuân Quỳnh trái tim của mỗi người luôn chất chứa một tình yêu chung thuỷ, gắn bó tới mức cả lúc chết cũng không thể chia cắt nhau.

   Người phụ nữ vốn rất nhạy cảm, trong tình yêu lại càng nhạy cảm hơn. Nếu ở hai khổ thơ trước, em rất lạc quan, tự tin vào tình yêu thì ở hai khổ cuối cùng này, em lại lo lắng, trăn trở về cuộc đời.

"Cuộc đời tuy dài thể

  Năm tháng vẫn đi qua

  Như biển kia dẫu rộng 

  Mây vẫn bay về xa.

  Làm sao được tan ra

  Thành trăm con sóng đó

  Giữa biển lớn tình yêu

   Để ngàn năm còn vỗ."

   Xuân Quỳnh ý thức rất rõ về cái hữu hạn của cuộc sống. Dẫu cuộc đời có dài tới đâu đi nữa thì thời gian vẫn trôi đi mà không chờ đợi ai bao giờ. Cũng như biển dẫu rộng lớn vô tận thì mây vẫn bay về nơi xa. Xuân Quỳnh dù không nói ra một cách trực tiếp những chiêm nghiệm của mình nhưng đằng sau những vần thơ về cái vĩnh hằng trường cửu của thiên nhiên người ta vẫn nhận ra cái hiện thực đối lập: Sự hữu hạn nhỏ bé của đời người và sự ngắn ngủi mong manh sương khói của tình yêu. Nữ sĩ không thất vọng mà xem đó là động lực để em sống hết mình. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mong muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu. Đó là khát vọng được vĩnh cửu hoá tình yêu, được hoà tình yêu mình vào khối tình yêu chung của toàn nhân loại.

   Xuân Quỳnh thông qua hình tượng sóng cho ta thấy được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu: dịu dàng, chân thành, thuỷ chung, son sắc và khát khao tình yêu, hạnh phúc. Điều này chứng tỏ quan niệm tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn có gốc rễ trong tâm thức dân tộc. Đồng thời nó còn thể hiện, vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, chủ động tìm đến tình yêu và bày tỏ tình cảm trong nỗi nhớ thương, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn tình yêu và hạnh phúc. Và chính vì thế thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ "Sóng " nói riêng đã tạo nên được sự đồng điệu trong nhiều thế hệ người đọc.

   Bài thơ" Sóng" là lời tự hát tình yêu hồn nhiên, chân thành mãnh liệt của người phụ nữ đang yêu: một tình yêu hiện đại mới mẻ nhưng vẫn không tách rời truyền thống. Từ đó thấy được tình yêu là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao đẹp, một hạnh púc lớn lao của con người.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vanhoc