i: phố nhỏ

tôi từng nghĩ cuộc đời này không thuộc về tôi.

tôi vác cái thân xác phờ phạc úa tàn về căn nhà nhỏ mục nát, sau một ngày làm việc mệt mỏi. tôi chẳng còn biết bây giờ là mấy giờ, chỉ biết người mình đã cạn kiệt sức lực.

tất cả mọi thứ xung quanh tôi trở nên tối màu. tôi thừa nhận mình không mù, nhưng tôi lại chẳng nhìn thấy một tia sáng nào trong cuộc đời vô nghĩa của mình.

tôi sống trong cô độc như con thiêu thân, tôi khát khao được đón lấy ánh sáng thứ có thể chiếu rọi cả cuộc đời nhạt nhẽo của tôi, nhưng lại chẳng có lấy chút hi vọng nào.

trời bên ngoài đổ mưa, ăn xong bát mì đồng hồ cũng đã chỉ mười một giờ đêm. tôi rửa xong bát cũng đóng cửa vào giường, bên ngoài trời mưa rất to, tiếng mưa hòa cùng tiếng nhịp tim đập khẽ trong đêm tối làm tôi chẳng còn nghe thấy tiếng tim mình đập như mọi ngày nữa.

hôm nay tôi thấy mình không cô độc như mọi ngày.

bước sang ngày mới, ánh sáng le lói qua khung cửa sổ bằng gỗ cũ đã bị mấy con mọt gặm cắn từng ngày. vừa mới mở mắt tôi đã nghe thấy tiếng chó sủa inh ỏi, tôi ngán ngẩm thở dài, hôm nay con chó nhà bà trần bên kia lại chạy lung tung khắp xóm.

tôi chậm chạp ngồi dậy, mái tóc từ lâu không cắt đã che cả tầm nhìn phía trước. tôi không muốn xuống giường, người tôi đau ê ẩm, chắc tại trời đột nhiên thay đổi nên người tôi mới ra nông nỗi này. tôi suy nghĩ đủ mọi lí do, chỉ không muốn thừa nhận sự thật rằng tôi không muốn đi làm.

giá mà đi làm nơi có điều hoà hay quạt mát thì còn đỡ, khổ nỗi tôi lại không được ăn học tử tế gì cho cam, học hết cấp ba thì nghỉ học đi làm. bây giờ ra đời cũng chỉ làm mấy công việc chân tay. cuộc sống đổi thay, giá cả tăng cao, bây giờ kiếm ăn còn khó hơn cả hái sao trên trời, người giàu vẫn cứ giàu, người nghèo như chúng tôi có bữa được ăn cơm là tốt lắm rồi.

tôi làm ở một xưởng cơ khí, vì công xưởng ấy làm ăn khấm khá nên tôi cũng kiếm đủ ăn, tạm thời trước mắt chưa phải lo đến chuyện chết đói.

tôi từng nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình bị đuổi việc, khi đó tôi chắc chỉ còn đường đi kiếm ăn với những người già neo đơn không nơi nương tựa ngoài kia. cuộc đời tôi sẽ cứ mãi trôi như thế, đến khi chết thì thôi.

đã từ lâu tôi không còn khát khao gì, tôi nghĩ mình đang sống cuộc đời đi mượn, tôi thậm chí còn chẳng nghĩ đến ngày mình được sống ở nơi có ánh sáng. đó là ước mơ xa xỉ nhất đời tôi, tôi biết cuộc đời mình sẽ chẳng thể thoát nổi cái chốn tăm tối chôn vùi tôi này nữa.

tôi khóa cửa nhà, ra đầu đường mua cái bánh bao của bà lão đã bán quán ở đây ngót nghét hai chục năm. tôi nhìn bà lão đầu tóc bạc phơ với cái lưng còng lọm khọm không khỏi xót xa, cuộc đời luôn khắc nghiệt với những con người lam lũ như thế.

"hôm nay đi làm sớm thế, mọi hôm phải một lúc nữa!" bà lão dùng đôi tay thoăn thoắt của mình lấy từ trong lồng hấp ra một cái bánh bao nóng hổi nghi ngút khói, suốt quá trình không có lấy một động tác thừa.

tôi chăm chú nhìn đôi tay chai sạn của bà lão, nghiền ngẫm một hồi rồi mới trả lời: "hôm nay con chó nhà bà trần hình như kêu to hơn mọi hôm, cháu không ngủ thêm được. con chó nhà bà trần cứ thế này thì cả xóm không cần chuông báo thức."

bà lão cười ha hả mấy tiếng rõ to, tôi cũng mỉm cười, coi đó là niềm vui trong ngày để tôi duy trì thân thể kiệt quệ cả về thể xác và tâm hồn.

"sắp đến tết trung nguyên, lão điên kia lại bắt đầu hát cái bài đồng dao dở hơi đấy rồi." bà lão liếc nhìn ông già điên đang đứng thẫn thờ trên đường.

ông già điên là một ông lão ngoài bảy mươi, đầu óc không được bình thường. từ khi chuyển đến đây tôi đã nghe nói ông già điên bị một tai nạn nên thành ra nông nỗi này, ngày trước là một ông cụ minh mẫn và sáng suốt lắm. ông cụ mặc cái áo rách rưới, chân còn không đi dép bao giờ, đến gần những ngày tết trung nguyên hàng năm ông lão lại ngân nga mấy câu đồng dao kinh dị cũ.

giữa cái thời tiết oi ả đến phát bực của tháng tám, chỉ nghe mấy lời đồng dao này thôi cũng đủ làm tôi và mọi người xung quanh ớn lạnh. tôi khẽ rùng mình, đôi mắt vẫn chưa rời khỏi người ông lão điên đó.

"ân tích, bình thường mỗi cậu nói chuyện được với ông ta, hôm nay nói mấy câu đi, bảo ông ta đừng mới sáng đã rủa mấy câu xui xẻo như vậy." đang mải nhìn ông lão điên và trong đầu vẫn văng vẳng mấy lời ca kia nên khi cô bán tạp hoá bên cạnh gọi tôi, cả người tôi giật thót lên.

tôi thấy hơi ngại, tôi cũng không còn trẻ nữa, gần ba mươi rồi mà nghe mấy câu chuyện thế này cũng bị doạ sợ thì đúng là chẳng còn mặt mũi gì nữa.

đường đã bắt đầu trở nên đông hơn, lúc ông lão điên đi gần đến chỗ tôi thì tôi đã chào hỏi ông trước.

"ông phác! hôm nay sao lại dậy sớm thế? đi ra chỗ kia ngồi với cháu đi."

ông phác nhìn thấy tôi rõ ràng là nhận ra, đôi mắt ông sáng lên, bây giờ nhìn ông giống như một người minh mẫn hơn là một ông lão đầu óc không bình thường.

"ân tích!" ông phác kích động kéo tay tôi, "đi, ra kia ngồi."

tôi cười trừ, nhưng không gỡ tay ông ra, trước lúc rời đi tôi còn thấy cô bán tạp hoá làm động tác ok với tôi, ý là "làm tốt lắm cậu trai!"

cô bán tạp hoá nói không sai, cả khu phố nhỏ này ông lão điên chỉ chịu nói chuyện với mình tôi. tôi chẳng biết vì sao lại như vậy, chỉ biết từ khi tôi đến đây ông lão ấy đã thích nói chuyện với tôi. ban đầu kì thực tôi không có tinh thần niềm nở tiếp chuyện với một ông lão điên, tôi không có kiên nhẫn sau ngần ấy chuyện xảy đến với mình. nhưng tôi ở khu phố này bảy năm rồi, lâu dần tôi cũng chẳng đề phòng như ban đầu nữa. bức tường thành ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài càng xây càng cao, nhưng tôi biết cách tự dựng một cách cửa nhỏ thành lối ra vào bức tường ấy.

"ân tích, hôm nay trời nóng như vậy, sao lại mặc áo dài tay." ông phác cười ngờ nghệch hỏi tôi, câu hỏi muôn thuở của ông.

"ông phác, cháu nói nhiều lần rồi mà, ông già rồi, lại quên rồi." tôi cắn một miếng bánh bao to, mái tóc dài cả tháng chưa cắt của tôi che lấp đi vài phần mất tự nhiên trong đôi mắt tôi. nói thật là tôi tự hi vọng như thế.

ông phác nhìn tôi, cái vẻ quắc thước ấy khiến tôi cảm giác như chưa từng có chuyện gì xảy đến với cuộc đời ông. nhiều khi nhìn ông phác tỉnh táo như thế tôi cũng tự nghi ngờ, liệu có phải ông lão này giả vờ bị điên hay không, vì nhìn ông những lúc như thế giống như bậc tiền bối dùng ánh mắt nhìn đời trước mấy chục năm mà dạy một vãn bối như tôi.

ông phác cười khà khà, vỗ xuống đùi mình một cái rất mạnh: "à, nhớ rồi! vì ân tích lạnh!"

tôi thở dài, thôi cũng được, miễn là ông lão không khó chịu. khi ông lão khó chịu rồi lại vào con phố kia làm loạn nên, khi ấy mấy ông chú bán thịt lợn nóng tính lại chửi đổng ông lão suốt dọc con phố, ảnh hưởng biết bao nhiêu người

tôi ngồi với ông lão một lúc, sau đó đột nhiên ông lão nói chuyện với tôi: "ân tích, sắp tới thằng cháu của ông sẽ đến ở với ông." ông phác nói được một câu lại cười khà khà, giống như chuyện gì vui lắm.

tôi khẽ "à" một tiếng, sau đó lại chậm rãi cắn một miếng bánh bao, nhai cẩn thận xong rồi mới nhìn thấy ánh mắt đầy nghi ngờ của ông phác.

tôi có thể phản ứng thế nào nữa đây? cũng đâu phải cháu của tôi, muốn tôi kích động nên như ông phác là chuyện không thể nào.

tôi cũng không phải chưa nghe thấy ông phác nhắc về đứa cháu này. ông phác bị điên cũng lâu, nhưng bằng cách nào đó ông vẫn còn nhớ đến một người cháu trai của mình đang học ở trong thành phố. thỉnh thoảng ông phác có kể cho tôi vài câu chuyện của thằng nhóc này, nhưng tôi thường không coi đó là sự thật. vì tôi nghĩ, tin lời một ông lão điên mới là người bị điên. ấy thế mà hôm nay ông lão điên này nói đứa cháu trai của ông sẽ đến đây ở trong căn nhà rộng rãi có đất có vườn của ông.

"ông phác" tôi nặng nề nuốt xuống miếng bánh bao còn nghẹn lại ở cổ khi nhận ra vấn đề nghiêm trọng hơn như vậy nhiều, "ông có chắc là cháu trai ông không?"

tôi thật sự không có lấy một tia lạc quan nào đối với người cháu trai này của ông lão điên. dù gì cũng là một người đầu óc không bình thường, làm sao có thể chắc chắn người cháu trai kia không lừa ông phác? dù sao một người đang bình thường không thể chấp nhận sống chung với ông lão bị điên suốt ngày nói nhăng nói cuội bên ngoài.

cứ cho là tôi lo chuyện bao đồng đi, nhưng căn nhà của nhà ông phác to hơn căn nhà mục nát của tôi nhiều, thậm chí cạnh nhà còn có mảnh vườn nhỏ. tôi từng nghe nói là trước đây ông lão chăm chút cho mảnh vườn ấy lắm, trồng đủ loại cây, hoa. nhưng từ khi gặp tai nạn đến giờ mảnh vườn ấy cũng bỏ không, ông lão cũng không còn bình thường, nhà cũng ít khi về, cuối cùng căn nhà ấy tan hoang đến đáng sợ. bây giờ đột nhiên có một thằng nhóc đến nhận là cháu ông phác, ở phố nhỏ này có ai biết cháu ông phác trông như thế nào? làm sao có thể chắc chắn là người ta không có tư lợi riêng được.

đầu óc tôi suy nghĩ quá nhiều, khuôn mặt cũng vì thế mà hơi nghiêm túc, tôi còn không phát hiện ra mình đang khẽ cau mày. mãi cho đến khi ông phác cười ha ha mấy tiếng thật to tôi mới bình tĩnh lại được.

"là cháu của ông phác mà, cháu của ông, cháu của ông tên thành xán, cháu của ông phác giỏi lắm!" ông phác ngoắc tay tôi, đôi mắt ông cười đến tít cả lại, tôi thấy có vẻ ông thoải mái lắm.

cháu của ông phác chắc bây giờ cũng học năm ba, năm tư đại học rồi, tôi còn nhớ ông lão từng nói đến chuyện cháu ông học lớp mười hai từ mấy năm trước. tôi chỉ nhớ loáng thoáng vì không để ý lắm, thậm chí tôi còn nghi hoặc, một ông lão điên làm sao mà nhớ được đứa cháu trai mấy năm không gặp của mình như thế chứ?

tôi chán ghét những con người bỏ mặc ba mẹ mình ở những nơi tàn tạ thế này khi biết họ không còn bình thường. tôi không thể hiểu được vì sao họ lại bỏ mặc ông phác ở đây một mình với cái đầu không còn minh mẫn. tôi đúng là một thằng thích kiếm chuyện, chuyện nhà người ta không đến lượt mình phán xét.

"được rồi ông phác, ông mau về nhà đi, cháu biết rồi. bây giờ ông đi một mạch về nhà, không cần dọn dẹp làm gì, cứ thế ngủ một giấc. thay quần áo đi, ở nhà đợi cháu trai ông đến." tôi khẽ nhìn ông, "nếu cháu trai ông đến thì ông phải báo cho cháu nhé, cháu cũng muốn xem cháu trai ông phác!"

ông phác gật gù cười, đôi mắt ông lại nhìn loạn xạ, ông đứng dậy vẫy tay với tôi rồi chạy về nhà. tôi ăn xong cái bánh bao thì nhét cái túi ni lông vào cái thùng rác bên cạnh, phủi tay rồi đi đến chỗ làm.

xưởng cơ khí hôm nay cũng bận rộn như thế, tôi bù đầu đứng trong xưởng làm việc đến chiều tối. người tôi nhẽ nhại mồ hôi, cả người nóng hầm hập, ai không biết còn tưởng tôi đang luyện đan ở lò bát quái mất. xung quanh còn một đám người như tôi, mùi mô hôi trên cơ thể từng người trộn lẫn lại khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. tôi cắn răng làm cho xong công việc của mình, cứ mải mê như thế cũng đã đến mười giờ tối.

tôi luôn làm thêm giờ, kiếm thêm được bao nhiêu thì kiếm, tôi không biết ngày mai ra mua ít thịt có thể tăng giá đến bao nhiêu.

trong xưởng chỉ còn vài người kiểm tra lại hàng hoá. họ nhìn thấy tôi cũng không ngạc nhiên lắm, thậm chí còn có chút ngán ngẩm.

"hôm nay cậu lại làm thêm à? khổ sở như vậy làm gì, cái áo dài tay của cậu ướt đẫm rồi kìa." một người trong số họ nói chuyện với tôi, nhưng tôi thì từ chối trả lời.

lúc bước ra khỏi xưởng tôi còn nghe thấy trong số họ có người nói trời nóng như vậy mà vẫn mặc áo dài tay, đúng là kì lạ.

tôi chẳng thèm để ý, cứ thế rời xưởng đi bộ về nhà. buổi tối con đường này trống trơn, cái không khí đông đúc buổi sáng cũng biến mất tăm. sắp đến tết trung nguyên nên người ta cũng chuẩn bị sớm hơn, chỉ còn vài nhà còn lác đác ánh đèn le lắt.

mẹ nó khó chịu thật chứ.

sau khi tôi chắc chắn đường sẽ không có một ai đi lại thì tay tôi mới khẽ động. tôi cởi cái áo dài tay bên ngoài ra, bên trong là chiếc áo sơ mi trắng đã ướt đẫm. người tôi không thuộc dạng tiêu chuẩn gì, nhưng ngày trước có tập luyện đôi chút nên nhìn vẫn có chút hương hoa. tôi không biết vì sao mình có thể duy trì cơ thể này trong khi đã lâu lắm rồi tôi không vận động.

"khó chịu thật" tôi khẽ kêu ca, nhưng không giấu đi được ánh mắt buồn bực của chính mình.

lúc tôi đi về nhà, trước mắt tôi là ông lão điên kia với một thằng nhóc. ông phác vẫn cười ngờ nghệch như vậy, nhưng nhìn mặt thằng nhóc kia thì có vẻ khó chịu lắm, đôi lông mày cau lại, chắc là đang bất mãn điều gì. nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là thằng nhóc kia nhìn giống ông phác đến tám mươi phần trăm, giống thế này tôi cũng dám chắc hai người họ cùng huyết thống.

tôi mải suy nghĩ mà quên mất mặc áo lại, ánh mắt của thằng nhóc kia cứ thế đặt lên người tôi.

"ông phác, tối lắm rồi còn tìm cháu à?" tôi cười, lôi từ trong túi quần chiếc chìa khoá nhà, "có vào nghỉ một lát không? cơm nước thì chưa có, chủ yếu là tấm lòng."

ông phác chẳng để ý nhiều như vậy, cứ thế bước vào trong. tôi cười hì hì nhìn ông lão, rồi quay sang nhìn thằng nhóc kia, bắt gặp nó đang nhìn tôi chăm chú.

tôi giật mình, nhớ ra bản thân không mặc áo dài tay, có lẽ thằng nhóc này đang nhìn tôi. ngay khi biết thằng nhóc này đang nhìn tôi, tôi có chút mất tự nhiên. cái cảm giác sợ hãi một lần nữa dâng lên trong lòng tôi, cái cảm giác lâu lắm rồi tôi đã không phải trải qua.

tôi không biết nói gì, chỉ đúng đờ ra đấy như một thằng ngốc. cuối cùng là thằng nhóc họ phác kia mở lời trước, "anh là tống ân tích ạ?"

tôi đang suy nghĩ thằng nhóc kia sẽ nói gì với tôi, buông lời chế nhạo hay là phản ứng lạ thường nào khác? nhưng tôi đúng là không quan tâm lắm, dù sao cảm giác sợ hãi kia giống như báo hiệu sự có mặt của nó vẫn tồn tại trong tôi mà thôi.

"em là phác thành xương à?" tôi hỏi ngược lại.

cậu nhóc kia lắc đầu, "là phác thành xán."

được rồi, tôi chỉ thử em thôi.

"vào nhà không? sáng nay tôi có bảo ông em nếu cháu ông đến đến cho cháu xem" tôi nhìn vào đôi mắt của thằng nhóc kém mình mấy tuổi trước mặt, từ chối đánh giá: "ông giữ lời hứa thật, nhưng nhìn hai người thì chẳng khác nhau chút nào."

phác thành xán đứng tựa vào cửa, đôi mắt vẫn sáng như thế, phong thái ung dung nhàn nhã nhìn tôi: "còn anh thì khác những gì ông em kể lắm."

tôi im lặng, chẳng thèm trả lời, trong lòng tôi đang thầm mắng thằng nhóc cợt nhả trước mặt, thú thật nói chuyện với thằng nhóc này tôi không thoái mái lắm. tôi sợ cái tường thành của mình cất công xây dựng bị thằng nhóc này nhìn ra được. phác thành xán làm tôi không được tự nhiên, nụ cười trên môi tôi cũng dần trở nên gượng gạo.

một người như tôi, từng trải qua rất nhiều chuyện đột nhiên bị một thằng nhóc kém mình mấy tuổi đánh giá, tôi chỉ cảm thấy khó chịu và không cam tâm.

"làm sao mà giống được, em nhìn tôi bằng cách khác, ông em nhìn tôi một cách khác, không thể giống nhau được."

lần này phác thành xán từ chối cho ý kiến, cậu nhóc chỉ nhún vai, tỏ ý không muốn nói tiếp.

"ông ơi, mình về thôi, anh ân tích mệt rồi!" phác thành xán nghiêng đầu vào trong cửa gọi ông phác. tôi hơi lùi lại một chút, vì khoảng cách chúng tôi hơi gần.

ông phác lấy từ trong nhà tôi vài cái bánh mà ông yêu thích ra, hỏi tôi ông cầm về được không. tôi cũng không từ chối, khẽ gật đầu. phác thành xán cũng không phản ứng gì mấy, chỉ lơ đãng nhìn lên người tôi.

trước khi rời đi tôi nhìn thấy phác thành xán khẽ cười, "anh, hình xăm anh đẹp đấy."

tôi mỉm cười, cố gắng làm khuôn mặt tự nhiên nhất, tôi không muốn mình bộc phát bản thân ngay trước mặt một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch.

phác thành xán vẫn nhìn thấy hình xăm của tôi, cái hình xăm bên cạnh sườn mà tôi cố gắng che giấu nhất. ngay từ khi phác thành xán nhìn tôi, tôi biết cái hình xăm ấy không thể nào giấu nổi vì chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của tôi dán chặt lên người.

cái hình xăm ấy là điều cấm kị của tôi.

cái hình xăm ấy là hiện diện khoảng thời gian tăm tối nhất của tôi.

__________________

cont.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top