sv doc sach

Thú vui đọc sách có còn không? Ngày cập nhật: 10/09/2006 09:23 Kiến thức là kho tàng quý giá nhất của nhân loại và sách vở chính là phương tiện mang kho tàng ấy đến với con người. Đối với sinh viên, học sinh, sách càng quý hơn vì nó giúp các em rất nhiều trong học tập. Thế nhưng con đường để sách vở đến với mọi người xem ra còn khá nhiều trắc trở, bên cạnh đó "văn hóa đọc" ngày càng bị "văn hóa nghe, nhìn" lấn át? NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐƯA SÁCH ĐẾN NGƯỜI ĐỌC

Thư viện: Năm 2005, Thư viện tỉnh phục vụ được 152.000 lượt độc giả, như vậy bình quân mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến thư viện tìm hiểu kiến thức. Chị Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Năm 2006 chắc chắn số độc giả sẽ tăng hơn các năm trước do Thư viện đã hoàn chỉnh dự án ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa các khâu phục vụ, giúp bạn đọc thuận tiện hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm sách phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của mình. Nhưng chị cũng cho biết thêm, trong khoảng 300 độc giả đến thư viện mỗi ngày, chiếm đa số là các đối tượng học sinh, sinh viên. Các công chức đến thư viện cũng có nhưng phần đông chỉ đến mượn tài liệu khi có đợt học tập bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn. Số độc giả thật sự đam mê, xem việc đọc sách là một thú vui vẫn còn nhưng chiếm tỷ lệ rất ít. Thư viện ở huyện, thị và các trường học do phụ thuộc kinh phí được cấp nên lượng sách cũng chưa thật sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Do đó, để cập nhật kiến thức, khá nhiều sinh viên, học sinh phải tiết kiệm chi phí sinh hoạt để dành tiền mua sách. Và để có được những quyển sách "nóng", nhiều người đã tự bỏ tiền túi ra mua vừa không lỡ thời cuộc vừa có sách quý để dành.

Nhà sách: Tại Nhà sách Bình Minh, anh Lê Minh Anh, trưởng quầy sách cho biết, hoạt động của nhà sách hiện đang khá nhộn nhịp do vào thời điểm tựu trường, ngoài lượng sách giáo khoa, các sách văn học trong và ngoài nước như Thế giới phẳng, Điệp viên 002... vẫn có nhiều người tìm mua. Còn ở các hiệu sách cũ, nhiều phụ huynh cũng đang cố gắng tìm sách cho con em mình với giá rẻ hơn chút đỉnh. Em Đinh Văn Sỹ, sinh viên trường Đại học Dân lập Bình Dương đang tìm mua bộ sách giáo khoa lớp 7 để đi dạy kèm. Em cho biết: Là sinh viên nên túi tiền có giới hạn, tối về thường trực một gói mì tôm nên có "yêu" sách thế nào đi chăng nữa cũng chẳng mấy khi dám mua một quyển sách văn học để đọc. Tiền mua sách tham khảo để học cũng đã vất vả lắm rồi.

Bưu điện văn hóa xã: Là mô hình nhà bưu điện mới, vừa cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông vừa đóng vai trò là nhà trung tâm văn hóa xã. Tại đây, người dân không những được sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông mà còn được đọc sách báo, tạp chí miễn phí, tham khảo một số tài liệu văn bản pháp quy, văn kiện giúp bà con hiểu được chính sách, đường lối của Nhà nước. Tủ sách tại mỗi điểm BĐVHX có khoảng vài trăm đầu sách và các loại báo. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng vài chục người đến nhưng rất ít người đọc. Tại Đại lý Bưu điện số 9, phường Phú Hòa, anh Phan Đoàn Hải Nam cho biết: Trước đây, Bưu điện thị xã có đưa sách, báo xuống đại lý của anh để phục vụ cho khách nhưng hoạt động chỉ được vài tháng thì ngưng do không có người đọc. Thư quán: Là quán cà phê sách. Quán dành cho những người có thú vui tao nhã, thích nhâm nhi ly cà phê bên những cuốn sách mà mình yêu thích. Thư quán B69 bis, ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An của chị Trần Nguyên Đan Phượng sau gần 2 năm hoạt động đã thu hút được một lượng khách nhất định (theo người quản lý, sách cũng đã bị mất một lượng đáng kể). Không gian của Thư quán thật khá lý tưởng cho những người thích thả hồn với văn chương, bên cạnh những vườn cây cỏ xanh tươi, với dòng nhạc dịu êm, với những dòng thư pháp cùng cung cách phục vụ nhã nhặn, lịch sự của các nhân viên nữ mặc áo dài nền nã vào buổi tối. Thế nhưng, hình như cả tỉnh duy nhất chỉ có một Thư quán tại đây dành cho người yêu sách.

VẪN ÂM Ỉ GIỮA THỜI ĐẠI BÙNG NỔ THÔNG TIN

Dù con đường để đưa sách đến với người đọc còn nhiều trắc trở, các nhà xuất bản vẫn đều đặn in sách; dù giá bìa một quyển sách có làm cho người yêu sách nhịn ăn sáng một tuần vẫn còn người tìm mua; và dù cho văn hóa nghe nhìn có lấn át văn hóa đọc nhưng văn hóa đọc vẫn đang sống. Tuy âm ỉ nhưng vẫn sẽ còn sống lâu dài. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người mê sách, ham đọc sách và thích sưu tầm sách. Và theo họ để sách "gần gũi" với người đọc hơn thì các nhà xuất bản nên hạ giá thành các loại sách; thời gian mở cửa ở các thư viện nên kéo dài thêm sau giờ làm việc, giờ học tập; cần gầy dựng lại thói quen đọc sách của người dân ở nơi công cộng như công viên, trạm chờ xe buýt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hưng