Suy niem ve luyen nguc

LỜI ÐẦU

Con người sinh ra đời không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Ðó là lối đi một chiều không có đường trì lại.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: Linh hồn người công chính khi chết nếu sạch mọi tội và hình phạt vì tội, thì được vào Thiên đàng hưởng phúc đời đời. Ðó là điều thuộc đức tin. Ngược lại, kẻ chết khi linh hồn mắc tội trọng, sẽ phải vào Hỏa ngục chịu hình phạt đời đời. Ðiều này cũng thuộc đức tin.  Còn người chết khi linh hồn mắc tội nhẹ, hoặc còn vướng hình phạt tạm vì tội chưa đền bù hết, sẽ phải vào Luyện ngục để chịu đền bù. Ðó cũng là điều thuộc đức tin. ( Dr. Ludwig Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, Tan Books...Inc.).

Nhưng mấy ai không "mắc tội nhẹ, và mấy ai không vướng hình phạt tạm thời vì tội chưa đền bù hết" để được  vào Thiên đàng ngay sau khi chết?

Những trang vắn vỏi sau đây sẽ trình bày về Luyện ngục qua các đề tài: Có Luyện ngục không? Luyện ngục ở đâu? Hình khổ Luyện ngục thế nào? Các linh hồn trong Luyện ngục chịu thanh tẩy thời gian bao lâu? Những phương thế cứu các linh hồn Luyện ngục? Các linh hồn Luyện ngục trả ơn các ân nhân đã cứu mình thế nào? Những cách tránh bị giam phạt trong Luyện ngục lâu dài.

Sách này viết theo những chỉ dẫn của Giáo lý Giáo hội Công giáo qua chứng lý Kinh Thánh, Thánh Truyền, Công đồng, và chứng cớ do các thánh thuật lại theo tài liệu từ 2 cuốn sách được phổ biến tại Mỹ: Charity for The Sufferings Souls của linh mục Gioan Nageleisen, và  Purgatory của linh mục Schouppe dòng Tên. Phần ân xá trình bày theo Tông huấn Ân xá của Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1967.

Ngoài ra, cũng in thêm vài  hình ảnh về dấu vết các linh hồn hiện về, hiện  nay còn giữ tại nhà thờ Luyện ngục tại Roma, nước Ý (số 12 đường Lungotevere cạnh bờ sông Tiber, gần pháp đình).

Ước mong những trang sách này giúp các độc giả cũng như thính giả hiểu hơn về Luyện ngục, nơi thanh tẩy cuối cùng, để gắng  vâng Ý Chúa, vui chịu những đau khổ đời này để lập công đền tội tránh Luyện ngục lâu dài sau này, và tìm cách cứu các linh hồn, nhất là các linh hồn thân yêu của chúng ta mau ra khỏi Luyện ngục đau đớn nóng nảy, về hưởng sự Sống hạnh phúc trong nhà Cha quê ta đời đời.

CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?

Thiên Chúa đã dựng nên loài người, ban Sự Sống thể xác và thần linh cho ông bà Nguyên tổ. Nhưng ông bà đã làm mất Sự Sống thần linh ấy khi không vâng lệnh Chúa cấm mà quyết tâm ăn trái cây biết lành biết dữ. Kết quả là ông bà đã làm mất Sự Sống, con cháu ông bà cũng bị vạ lây.

Phải chờ một thời gian lâu dài, Con Thiên Chúa xuống trần lập các Bí tích ban lại Sự Sống thần linh cho những ai Ngài nhận làm con qua Bí tích Rửa tội. Khi chết, người ta sẽ về nhập hiệp với Sự Sống (hưởng phúc Thiên đàng), hoặc mất Sự Sống (bị luận phạt trong Hỏa ngục).

Sau khi chết và chịu phán xét, linh hồn được lên Thiên đàng hoặc xuống Hỏa ngục là điều chắc chắn Kinh Thánh đã dạy rõ ràng (coi Mt 25,46). Nhưng có những linh hồn sau khi chết không đáng được lên Thiên đàng cũng không đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, họ sẽ đi đâu?

Thiên Chúa công bằng vô cùng, nhưng cũng thương xót vô cùng đã lập ra một nơi đền tội và thanh tẩy, nơi đó Giáo hội Công giáo gọi là LUYỆN NGỤC, nơi thanh tẩy cuối cùng.

* Kinh Thánh Cựu ước nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Tiên tri Mikha viết:" Nếu tôi phải ngồi trong tối tăm, thì Yavê là ánh sáng cho tôi. Tôi xin mang lấy phần nộ của Yavê, vì tôi đã có lỗi với Người, Người sẽ đem tôi ra ánh sáng và tôi sẽ được thấy đức độ của Người" (Mk 7,8-9).

2. Sách thứ 2 Macabê kể rằng: "Yuđa thu quân và đi đến thành Ôđôlam, và vì ngày thứ Bảy đến nơi rồi, họ đã thanh tẩy mình theo lệ và qua ngày Hưu lễ ở đó. Hôm sau người ta đến gặp Yuđa, xin để đi thu lượm xác những người đã thiệt mạng, mà đem về chôn cất họ với thân thuộc nơi mộ tổ. Nhưng dưới áo lót của mọi người chết, người ta đã tìm thấy những đồ cúng cho tượng thần Yamnia, điều lề luật cấm chỉ người Do thái, nên mọi người đều rõ vì duyên do nào mà các người ấy đã bị thiệt mạng. Bấy giờ mọi người đều chúc tụng cách xử sự của Chúa, Ðấng phán xét chí công và tỏ bày ra những điều giấu kín. Và họ đã quay đầu khẩn nguyện, xin cho tội phạm được hoàn toàn tẩy xóa. Còn vị anh hùng Giuđa thì ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, một khi họ đã thấy nhãn tiền sự  xảy ra vì tội những người đã thiệt mạng.

Ðoạn ông quyên tiền nơi mọi người và gửi về Giêrusalem lối hai ngàn quan, để dâng lễ tế đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quí, vì nghĩ đến sự sống lại, vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn, còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo hạnh; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi"(2 Mcb 12,38-45- Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR).

* Kinh Thánh Tân Ước cũng nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Phúc âm theo thánh Matthêu Chương 5 câu 25-26 Chúa Giêsu phán: "Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng".

Theo lý luận của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh: "Ra khỏi nơi đó" không thể hiểu là ra khỏi Thiên đàng, vì Thiên đàng không phải là nơi ngục tù. Ai đã được vào Thiên đàng thì không bao giờ phải loại ra. "Ra khỏi đó" cũng không thể hiểu là ra khỏi Hỏa ngục, vì đã vào Hỏa ngục thì đời đời không được ra nữa. Vậy "ra khỏi nơi đó" chỉ có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.

2. Cũng Phúc âm theo thánh Matthêu chương 12 câu 32 Chúa Giêsu phán: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng bất cứ ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, dù đời này dù đời sau".

Các Thánh Tiến sĩ như Augustinô, Gregoriô Cả, Benađô, Bêđa, đều cắt nghĩa rằng lời Chúa phán "không được tha dù đời sau" không thể hiểu về Thiên đàng, nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục, nơi đó không có sự tha thứ. Vậy "được tha thứ đời sau" chỉ có thể hiểu về Luyện ngục.

3. Thư Thánh Phaolô gửi dân thành Corinhtô đoạn sau đây cũng thường được cắt nghĩa về Luyện ngục: "Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quí, gỗ cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mọi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm các giá trị công việc của mọi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa" (1 Cr 3,11-15).

Các Thánh Giáo phụ giải nghĩa "vàng, bạc, đá quí" là những việc lành. "gỗ, cỏ, rơm" là những tội nhẹ, những khuyết điểm.

* Thánh Truyền Giáo hội minh chứng Luyện ngục:

1. Năm 205, Giáo phụ Clêmentê thành Alexandria dạy rằng:"Những người hối cải trên giường chết mà không có giờ làm việc đền tội, thì họ sẽ được lửa thanh luyện trong đời sống mai sau".

2. Trong Hang Toại đạo, nơi ẩn trốn của giáo dân Rôma thời bắt đạo, người ta đọc được trên tường một hầm mộ  viết: "Con yêu dấu, nơi đây đời con chấm dứt, nhưng lạy Cha trên trời, chúng con nài xin lòng Cha thương xót, thương cứu  con chúng con đang phải chịu những nỗi đớn đau. Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con".

3. Theo thánh Grêgôriô Cả: "Ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy một số lỗi lầm nhẹ trước ngày Phán xét chung, căn cứ vào những gì mà Ðấng là Chân lý đã dạy, khi Ngài nói rằng, bất cứ ai nói lời phạm thượng chống lại Thánh Thần, sẽ không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng: một số tội lỗi có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác có thể tha ở đời sau".

4. Thánh Gioan Kim khẩu khuyên: "Chúng ta hãy cứu giúp và tưởng nhớ tới các linh hồn. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hi sinh của cha họ (G 1, 5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không đem lại an ủi cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ".

5. Trong sách Tự thuật của thánh Augustinô kể về bà thánh Monica   Mẹ Ngài như sau: Trước khi qua đời, bà Thánh đã nói với con mình là thánh Augustinô rằng: "Khi   Mẹ chết rồi, con chôn xác   Mẹ ở đâu cũng được, đừng bận tâm về việc chôn táng,   Mẹ chỉ xin các con một điều là, bất cứ  các con ở đâu, hãy nhớ tới   Mẹ nơi bàn thờ Chúa".

* Các Công đồng Giáo hội tuyên ngôn:

1. Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25  dạy rằng: "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong Luyện ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông".

2. Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: "Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có Luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi công nghiệp Thánh lễ Misa".

3. Công đồng Vaticanô 2 (năm 1962-65) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn:  "Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có" (GH 49)

4. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo được Ðức Giáo hòang Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 tuyên bố trong khoản 1030 như sau: "Những ai chết trong ân sủng và tình nghĩa Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng".

5. Cũng sách Giáo lý Giáo hội Công giáo trên khoản 1031 viết thêm: "Giáo hội gọi Luyện ngục là cuộc thanh tẩy cuối cùng này của những người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị kết án trầm luân. Giáo hội đã trình bày giáo lý đức tin về Luyện ngục, nhất là tại Công đồng Florentia năm 1439 và Công đồng Trentô năm 1563. Dựa vào một số bản văn Kinh Thánh, Truyền thống Giáo hội nói đến thứ lửa thanh luyện (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1,7).

6. Khoản 1032 sách Giáo lý viết tiếp: "Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ đã chết, như được nói đến trong Kinh Thánh: "Ðó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hi lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát tội lỗi mình" (2 Mcb 12, 46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội đã tôn trọng việc tưởng nhớ những người đã qua đời, và dâng lời cầu khẩn cho họ, nhất là dâng thánh Lễ, để họ được thanh tẩy và tiến vào phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa (Công đồng Lyon 2 năm 1274). Giáo hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tội để giúp những người đã qua đời.

* Tâm lý con người muốn có nơi đền tội hơn là bị đọa phạt muôn đời:

Nhiều người dân các nước trên hoàn cầu vẫn tin có nơi đền tội trước khi linh hồn được siêu thoát về nơi cực lạc.

Theo tâm lý chung, khi cha   Mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn hữu ta qua đời, ai trong chúng ta lại không muốn các ngài được siêu thoát, được sống trong nơi hạnh phúc, mát mẻ, an nhàn. Nhưng nếu các ngài chưa đáng được vào nơi hạnh phúc Thiên đàng ấy, nếu các ngài chưa thanh sạch để vào gặp Chúa thanh sạch vô cùng, nếu các ngài chưa thánh thiện để vào gặp Chúa thánh thiện vô cùng, tự các ngài sẽ muốn có một thời gian, một nơi để tẩy luyện, để chuẩn bị gặp Chúa. Ðàng khác, bởi con người yếu đuối lầm lỗi, ta không dám nghĩ rằng, người thân yêu của ta sẽ được lên Thiên đàng ngay, ta cũng không muốn nghĩ rằng người thân yêu của ta đã làm điều gian ác đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, nếu suốt đời đã cố gắng giữ đạo Chúa. Vậy chắc các ngài  còn phải đền bù tội lỗi ở một nơi nào đó, nơi đó gọi là Luyện ngục.

Bằng chứng từ người quá cố: Trong sách Mạc khải của thánh nữ Gêtruđê in năm 1875 tại Poitiers bên Pháp kể rằng: "Trong tu viện thánh nữ có một nữ tu trẻ rất đạo đức nên được thánh nữ yêu mến cách riêng, nữ tu này qua đời trong hương thơm thánh thiện. Khi thánh nữ đang phó dâng linh hồn nữ tu này cho Chúa, thánh nữ được ngất trí đi. Bà thấy nữ tu mới qua đời đang đứng trước tòa Chúa, quanh mình nữ tu có hào quang sáng láng và được mặc y phục diễm lệ. Tuy nhiên nữ tu tỏ vẻ buồn và luống cuống, mặt cúi xuống đất, xấu hổ, không dám nhìn tôn nhan Chúa. Hình như nữ tu muốn chạy trốn đi ẩn mình. Thánh nữ Gêtruđê rất ngạc nhiên, bà thưa cùng Bạn Các Trinh nữ: "Lạy Chúa êm dịu tốt lành vô cùng, sao Chúa không gọi bạn Chúa đến cùng Chúa, cho bạn Chúa vào Nước Thiên đàng mà để bạn Chúa đứng xấu hổ, e thẹn trước Nhan Chúa như vậy?". Chúa Giêsu mỉm cười, vời nữ tu lại gần, nhưng nữ tu run rẩy, kinh hãi định chạy trốn. Thánh nữ liền nói với nữ tu: "Sao Chúa gọi con mà con không đến, con lại chạy đi?" Nữ tu trả lời:" Thưa   Mẹ yêu dấu, con thấy mình không đáng đến trước mặt Con Chiên trong sạch vô cùng. Con vẫn còn vài lầm lỗi. Ðể được đứng trước Con Chiên, con phải trong sáng như ánh mặt trời. Con chưa được trong sạch như vậy, dù cửa Thiên đàng mở sẵn cho con, con cũng không dám vào, trừ khi con được thanh tẩy hoàn toàn mọi vết nhơ. Nếu con vào bây giờ, ca đoàn trinh nữ theo sau Con Chiên sẽ kinh hãi đẩy con lại". Thánh nữ lại nói:"   Mẹ thấy quanh con đã có ánh sáng bao bọc rồi mà?" Nữ tu trả lời:"Thưa   MẸ, đó chỉ là phần ngoài của ánh vinh quang, để mặc chiếc áo vinh quang này, người ta phải sạch hết mọi vết nhơ tội lỗi" (Purgatory p. 70-72).

Chúng ta cùng tin như Giáo hội dạy rằng: Sau khi chết và chịu phán xét, có một nơi để thanh tẩy, để đền bù phần phạt bởi tội lỗi chưa được đền bù, hoặc đền bù chưa đủ khi còn sống, nơi đó là Luyện ngục. Luyện ngục, nơi Thiên Chúa tỏ ra công bằng nhưng cũng tỏ ra thương xót con người yếu đuối, ham điều hữu hình hơn điều vô hình.

Giáo hội luôn khuyến khích con cái mình khi còn sống, cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, bởi khi đã phải vào nơi đó, các ngài không thể tự cứu mình được nữa, thời gian lập công đã chấm dứt.

Phúc cho người Công Giáo tin vào mầu nhiệm các Thánh Thông công: Các Thánh trên Thiên đàng, các linh hồn trong Luyện ngục, các tín hữu còn sống trên trần gian cùng thông hiệp giúp đỡ nhau. Ðiều đó an ủi người còn sống cũng như người đã ra đi trước chúng ta.

LUYỆN NGỤC Ở ÐÂU?

* Kinh Thánh không nói rõ Luyện ngục ở đâu, nhưng chắc chắn phải có một nơi nào đó để giam giữ các linh hồn cần thanh tẩy trước khi vào Thiên đàng.

* Giáo hội dạy: "Luyện ngục là một nơi và là một tình trạng thanh tẩy tạm thời mà nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đó" (FCD p.482).

- Luyện ngục ở trong lòng đất:

* Theo ý kiến chung các nhà thần học như Thánh Augustinô, thánh Bêđa, Bellarminô... thì Luyện ngục ở trong lòng trái đất.

* Theo thánh Tôma Aquinô thì "Ý kiến có thể nhận được, và thấy hợp với những lời các thánh được mạc khải tư là Luyện ngục có hai nơi: một nơi dành chung cho các linh hồn, nơi này gần hoả ngục hơn; một nơi dành riêng cho một số trường hợp không thông thường, từ nơi này nhiều linh hồn được phép hiện về" (Purgatory p. 9).

* Thánh nữ Têrêsa Avila thương các linh hồn Luyện ngục cách đặc biệt. Bà hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Ðể thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ lòng đất đi ra. Bà thánh viết: " Tôi được tin một Bề trên Tỉnh dòng mà tôi quen biết đã qua đời. Khi còn sống ngài đã giúp tôi nhiều. Dù vị tu sĩ này được coi là có nhiều nhân đức, nhưng tôi thấy cần cầu nguyện cho linh hồn ngài, bởi ngài làm Bề trên trong thời gian 20 năm, nên tôi e ngại nhiều về việc săn sóc các linh hồn đã được trao phó cho ngài. Phiền muộn, tôi đi tới nhà Nguyện dâng lên Chúa chút việc lành đã làm, và van nài công nghiệp vô cùng của Chúa, xin giải thoát linh hồn vị Bề trên này khỏi Luyện ngục. Trong khi tôi đang sốt sắng khẩn nài như vậy, tôi thấy vị Bề trên này từ lòng đất đi lên phía bên phải tôi, rồi lên thẳng Thiên đàng cách vui vẻ. Vị Bề trên này đã cao tuổi, nhưng tôi thấy dáng người như ở tuổi ba mươi, vẻ mặt rạng ngời ánh sáng. Thị kiến này xảy ra rất ngắn, nhưng tôi không nghi ngờ chút nào về sự thật tôi đã được thấy. Dù ở xa chô ngài qua đời, đôi khi tôi cũng cảm thấy cái chết của ngài, nước mắt ngài chảy ra và khiêm tốn phó mình cho Thiên Chúa.

"Một nữ tu dòng tôi, qua đời chưa được hai ngày, khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện cho chị, tôi thấy linh hồn chị đi từ lòng đất lên thẳng Thiên đàng.

"Cũng trong tu viện này, một nữ tu khác quãng 18 đến 20 tuổi mới qua đời. Chị thật là một mẫu gương sốt sắng, kỉ luật và nhân đức. Ðời chị đã chịu nhiều đau khổ, bệnh nạn cách rất kiên trì. Tôi không nghi ngờ gở khi thấy cuộc sống như vậy, nghĩ rằng chắc sẽ khỏi phải vào Luyện ngục. Tuy nhiên, sau khi chị qua đời mười lăm phút, lúc chúng tôi đang cầu cho chị trong nhà Nguyện, tôi thấy linh hồn chị từ lòng đất bay thẳng về trời" (Purgatory p. 11-13).

* Theo hạnh tích thánh Lui Bertrand dòng thánh Ðaminh do cha Antist cùng dòng và sống cùng thời với thánh nhân viết trong cuốn Acta Sanctorum kể rằng: ngày 10 tháng Mười năm 1557, khi thánh Bertrand trông coi tu viện tại Valenti, cả thành phố bị ôn dịch. Cơn dịch khủng khiếp lan nhanh như vũ bão đe dọa sinh mạng mọi người. Trong tu viện của ngài có cha Clement ước ao được chết cách thật thánh thiện, đã xưng tội chung với thánh nhân, cha còn nói: Thưa cha, nếu con chết bây giờ, con sẽ hiện về cho cha biết tình trạng của con ở đời sau". Cha Clement đã chết thật. Ðêm hôm sau ngài hiện về với thánh nhân. Cha nói rằng cha đang ở trong Luyện ngục để đền một số tội nhẹ, và nhờ thánh nhân xin cộng đồng tu viện cầu cho mình. Thánh Bertrand lập tức đi  xin anh em cầu nguyện và dâng thánh lễ cho cha Clement. Sáu ngày sau, một người dân trong thành, không hay biết gì về cha Clement đã qua đời, đã tới xưng tội với cha Betrand, cho biết là linh hồn cha Clement mới qua đời đã hiện về với mình. Ông thấy đất mở ra, và linh hồn cha Clement bay thẳng về trời giống như một ngôi sao rực sáng" (Purgatory p. 13-14).

* Trong hạnh tích bà thánh Madalena de Pazzi, cha linh hồn bà là Cepari dòng Tên có ghi lại rằng: Bà thánh đã được chứng kiến một nữ tu trong dòng chết ít lâu trước. Một hôm, khi thánh nữ đang qùi chầu Mình Thánh, ngài thấy linh hồn nữ tu đã qua đời từ Luyện ngục trong lòng đất đi lên. Nữ tu khoác chiếc áo choàng lửa, bên trong là chiếc áo choàng sáng láng che chở cho nữ tu khỏi nóng rát. Nữ tu qùi hàng giờ tại chân bàn thờ, thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh. Ðây là giờ đền tội cuối cùng trước khi nữ tu được bay thẳng về trời".

- Ðền tội tại nơi phạm lỗi:

Ngoài nơi nhất định là trong lòng đất như trên, một vài Chân phước còn cho biết thêm: Không những bị phạt trong Luyện ngục, mà có khi còn bị phạt tại một nơi nào đó, có khi gần mồ mả, gần bàn thờ Mình Thánh Chúa, có khi trong căn phòng nơi có người cầu nguyện cho mình, có khi ngay tại nơi linh hồn đã phí phạm thời giờ khi còn sống.

* Chân phước Frances Thánh Thể đã thấy linh hồn các nữ tu chịu cực hình ngay tại phòng ngủ, tại nơi hát kinh của Tu viện, nơi các nữ tu đã phạm lỗi ngày trước.

* Chân phước Benađô Colagno dòng Tên thấy một linh hồn bị phạt 43 năm tại một đường phố thành Rôma.

Bàn tay linh hồn hiện về in vào tường trước khi trở lại Luyện ngục. Hình này hiện còn giữ tại Nhà thờ Luyện ngục tại Rôma

HÌNH KHỔ LUYỆN NGỤC NHƯ THẾ NÀO?

Trong Luyện ngục, các linh hồn phải chịu 2 thứ khổ: Khổ vì Lửa khao khát Chúa (pain of loss) và khổ vì Lửa thiêu đốt và các hình khổ khác (pain of sense).

1. Khổ vì tâm hồn khao khát được thấy Chúa, được kết hợp cùng Chúa trên Thiên đàng, đó là nỗi khổ lớn lao nhất, ví như lửa thiêu đốt linh hồn. Lý do vì khi ra trước tòa Chúa phán xét, linh hồn đã thấy Chúa đẹp đẽ, tốt lành, nhân từ đáng mến vô cùng, bây giờ phải xa cách, nên nóng lòng mong ước được thấy lại Chúa đáng mến vô cùng, sự mong mỏi quá sức, làm linh hồn héo hon chờ đợi.

* Thánh Tôma Aquinô xác quyết: "Hình khổ nhỏ mọn nhất trong Luyện ngục cũng vượt quá mọi đau khổ trên trần gian" (Purgatory p. 34).

* Thánh nữ Catarina thành Genova quả quyết: "Lòng ước muốn về gặp Chúa của linh hồn, chính là ngọn lửa cực nóng nảy làm héo hắt và gây đau thương cho các ngài hơn bất cứ thứ lửa thật nào khác".

* Thánh nữ Têrêsa   Mẹ viết trong sách Lâu đài Tâm hồn rằng: "Hình khổ mong thấy Chúa vượt quá mọi hình khổ có thể tưởng tượng, vì linh hồn khao khát thấy Chúa mà còn bị phép Công bằng Chúa giữ lại. Giống như một thủy thủ sau bao chiến đấu với sóng dữ để được vào bờ nhưng lại bị bàn tay vô hình đẩy ra xa bờ bến. Các linh hồn Luyện ngục còn đau khổ gấp ngàn lần người thủy thủ trên" (Purgatory p. 38).

* Năm 1880, một linh hồn kể lại với bà Thánh Mechtilđê rằng, "Tôi không cảm thấy khổ, nhưng tôi không được thấy Chúa, Ðấng mà tôi nhiệt liệt khát khao ,  mọi sự mong ước của loài người trên trái đất hợp lại cũng không sánh được với sự khát khao của tôi."

2. Khổ thứ hai bị lửa thiêu đốt, để thanh tẩy linh hồn nên thanh sạch, để đền bù các hình phạt tạm chưa đền đầy đủ khi còn sống.

* Thánh Tôma Aquinô viết rằng: "Lửa thiêu đốt các linh hồn trong Hỏa ngục cũng là lửa thiêu các linh hồn trong Luyện ngục. Sự đau đớn nhỏ nhất trong Luyện ngục, cũng là sự đau đớn lớn nhất ở trần gian".

* Thánh nữ Catarina thành Genoa viết rằng:" Linh hồn Luyện ngục phải chịu cực hình quá sức không lời diễn tả, không ý niệm nào giúp cho hiểu dễ dàng một chút, nếu Chúa không giúp cho cách riêng. Không miệng lưỡi nào có thể nói lên, không tâm trí nào có thể tạo nên một ý tưởng đúng về Luyện ngục. Về các đau khổ ở đó, đúng là như trong Hỏa ngục" (Purgatory p. 37).

3. Ngoài hình khổ về lửa thiêu, lại còn có những hình khổ khác:

* Thánh nữ Brigitta thấy có những linh hồn chịu lạnh lẽo giá buốt. Bà Thánh Hedvigê thấy kẻ kiêu ngạo bị ném vào vũng bùn và nơi nhơ nhớp, kẻ không chịu vâng lời phải cúi gò lưng xuống như đang mang đồ nặng, kẻ khác bị thuốc độc như bất tỉnh, kẻ tham ăn bị cơn đói khát cồn cào ruột gan, kẻ phạm tội lỗi trong sạch bị lửa thiêu đốt cháy khét.

* Thánh nữ Mađalena de Pazzi có người anh sống rất đạo hạnh. Sau khi anh chết, bà thánh được thấy anh ở trong Luyện ngục để đền một số tội nhẹ. Bà thấy rất nhiều linh hồn trong Luyện ngục đang chịu các hình khổ, nhưng các ngài vui vẻ chịu đựng. Xúc động bởi đã thấy cảnh tượng rợn rùng, bà vội chạy đến cùng   Mẹ Bề trên, qùi gối xuống chân bà, kêu lên: "Lạy   Mẹ, cảnh Luyện ngục kinh sợ chừng nào, con không thể tin được, nếu Chúa đã không tỏ cho con...tuy nhiên con không thể gọi là nơi tàn bạo, bởi từ nơi đó các linh hồn được đưa tới Thiên đàng (Purgatory p. 59).

* Thánh nữ Christina sinh tại nước Bỉ vào thế kỷ 12, xác ngài hiện còn giữ tại nhà thờ thành Tronđô do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cai quản. Thánh nữ qua đời lúc 32 tuổi, xác được đặt trong nhà thờ, quan tài mở nắp theo phong tục thời ấy, khi sắp đưa đi chôn, thánh nữ đột ngột chỗi dậy trước mặt mọi người hiện diện, kể lại rằng:

"Khi linh hồn tôi vừa ra khỏi xác, thiên thần dẫn tôi tới một nơi u ám đầy dãy các linh hồn. Họ phải chịu các cực hình khốn khổ quá sức, tôi không thể dùng lời nào diễn tả các hình khổ ấy được. Tôi thấy trong số đó có nhiều người tôi đã quen. Tôi rất cảm xúc trước tình trạng buồn khổ của họ. Tôi hỏi thiên thần đây là nơi nào, bởi tôi nghĩ rằng đây là Hỏa ngục, nhưng thiên thần bảo: đây chính là Luyện ngục, nơi các tội nhân bị phạt, bởi trước khi chết họ đã thống hối tội lỗi, nhưng chưa đền tội đủ trước mặt Chúa.

Từ nơi đó tôi được dẫn tới Hỏa ngục, ở đó tôi cũng nhận ra một số người tôi đã quen biết.

Thiên thần lại dẫn tôi vào Thiên đàng, trước tòa Thiên Chúa. Chúa nhìn tôi với mặt nhân từ, tôi rất vui mừng bởi nghĩ rằng mình sẽ được ở lại với Chúa đời đời. Nhưng Cha trên trời thấu suốt lòng tôi, Ngài phán: "Hỡi con cưng của Cha, con sẽ được ở với Cha, nhưng Cha cho con chọn: hoặc ở lại với Cha, hoặc trở về thế gian tiếp tục sứ mạng cứu độ của con qua những hành động bác ái và đau khổ. Ðể cứu các linh hồn Luyện ngục đang đau khổ, con sẽ phải chịu nhiều cực hình, con sẽ đền tội cho họ, và con còn nêu gương lôi kéo nhiều tội nhân sám hối. Khi mãn đời, con sẽ lên đây hưởng phúc đời đời". Sau khi nghe những lời đó, tôi đáp lời ngay không do dự, tôi muốn trở về thế gian, và tôi đã chỗi dậy.

Thánh nữ Christina lập tức bắt đầu chương trình đền tội khắc nghiệt: Từ bỏ tất cả những tiện nghi của cuộc sống, bà sống không nhà, không lửa nấu, như chim trời không tổ. Chưa hài lòng, bà còn tìm ra mọi thứ gây đau khổ. Bà lao mình vào đám lửa cháy, ở trong đó nhiều giờ chịu thiêu đốt, nhưng khi ra khỏi đó không ai thấy dấu vết bị thương. Vào mùa đông, tại sông Meuse băng giá, bà lao mình xuống sông không những hàng giờ, hàng ngày mà còn cả nhiều tuần lễ để cầu xin ơn thương xót của Chúa. Bà thánh còn để cho bánh xe đè, cho chó cắn, cho gai đâm đến chảy máu...Sau 42 năm hành xác, Chúa đã đưa thánh nữ về hưởng phúc đời đời.  Truyện này đã được Tổng Giám mục Cambray, ông Bellarmine, Hồng y Giacôbê de Vitry xác nhận (Purgatory p. 45-49).

* Thánh Bêđa thuật truyện sau cũng khá rùng rợn. Truyện xảy ra bên Nước Anh (miền Northumberland): Một người tên là Drythelm, ông và gia đình sống đời đạo hạnh theo tinh thần Công giáo. Ông mắc bệnh và bệnh tình ngày càng gia tăng. Kiệt lực, ông đã chết. Vợ con khóc lóc thương tiếc vô vàn. Con cái ngồi bên xác ông khóc lóc cả đêm. Nhưng hôm sau, trước khi đóng nắp quan tài, ông đột nhiên chỗi dậy. Thấy chuyện lạ, mọi người hoảng hốt trốn chạy. Chỉ còn lại vợ ông, run run sợ hãi ngồi lì đấy. Ông trấn an: "Ðừng sợ, chính Chúa cho phép tôi sống lại từ cõi chết. Tôi sẽ sống một đời sống mới". Nói rồi ông đứng thẳng lên, đi tới nhà thờ, ở lại đó ông cầu nguyện lâu giờ. Ông trở về nhà gặp bà con bạn hữu, nói lên cuộc sống của ông từ nay sẽ chỉ là để dọn mình chết lại. Ông còn khuyên mọi người noi gương ông. Rồi ông chia tài sản thành ba phần: cho con cái, cho vợ và cho người nghèo khó. Xong xuôi, ông đến gõ cửa Tu viện, nài xin cha Bề trên cho ông ở đó như một tu sĩ đền tội, làm tôi tớ mọi người. Cha Bề trên cho ông một phòng nhỏ. Ông chia thời giờ làm ba khoảng: cầu nguyện, làm việc cực nhọc và hãm mình khác thường. Ăn chay nhiệm nhặt nhất, ông cho là không có gì đáng kể. Mùa đông, ông lao mình xuống hồ nước băng giá, ở đó nhiều giờ cầu nguyện, đọc đủ 150 Thánh vẹnh vua Ðavit.

Ðời sống hãm mình của ông, thái độ luôn cúi mặt xuống đất, và cử chỉ của ông tỏ cho thấy nỗi sợ Thiên Chúa phán xét chừng nào. Ông giữ im lặng tuyệt đối, nhưng để cho người khác hiểu những gì đã xẩy ra cho ông sau khi chết, ông diễn tả:

"Khi linh hồn tôi lìa khỏi thân xác, có một thanh niên tốt lành bảo tôi đi theo. Mặt anh sáng láng, mình cũng có ánh sáng bao bọc. Anh dẫn tôi tới một thung lũng rộng bát ngát, tôi rất kinh sợ, run rẩy hãi hùng. Nơi này chia thành hai phía: môt bên tràn ngập lửa thiêu, gió nóng hừng hực, bên kia tràn đầy băng tuyết, gió thổi tái tê. Trong thung lũng lạ lùng này có rất nhiều linh hồn, tôi không thể đếm được, họ đang bị nhào lộn từ vực nóng qua vực lạnh và từ vực lạnh qua vực nóng, cứ liên hồi như vậy mà không được nghỉ. Tôi tưởng như tôi đang thấy Hỏa ngục bởi ở đây ghê gớm kinh hoàng quá, nhưng người thanh niên bảo tôi rằng, đó chỉ là Luyện ngục. Các linh hồn bị phạt như vậy bởi đã không chịu ăn năn sám hối khi còn khỏe mạnh, mà chỉ kịp ăn năn trong phút chót trên giường bệnh nhờ lòng thương xót Chúa. Nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đây đến ngày Phán xét chung, một số sẽ được ra khỏi đó trước, nhờ lời cầu nguyện của các giáo dân, sự làm phúc bố thí, ăn chay đền tội, và nhất là công phúc Thánh lễ Misa dâng lên cầu cho họ" (Purgatory p. 41-43).

Khi được hỏi, tại sao ông lại hãm mình quá như vậy, tại sao lại lao mình xuống hồ nước lạnh, ông mạnh mẽ trả lời: Sự khổ hạnh tôi chịu bây giờ chưa thấm vào đâu với hình khổ Luyện ngục tôi đã được thấy. Về sau ông qua đời như một vị thánh. Gương lành của ông đã lôi kéo một số tội nhân ăn ăn sám hối trở về đường lành.

* Thánh nữ Frances, sáng lập dòng Oblates, qua đời tại Rôma năm 1440, được Chúa soi sáng cho biết tình trạng các linh hồn Luyện ngục rất rõ ràng. Bà thấy Hỏa ngục và những hình khổ cực dữ trong đó. Bà cũng được thấy Luyện ngục nữa. Vâng lời các Bề trên, bà đã ghi lại những gì bà đã thấy theo lệnh cha linh hồn là cha đáng kính Canon Matteotti. Bà thánh viết: "Sau khi thấy những hãi hùng trong Hỏa ngục, tôi được thoát ra khỏi nơi đó và thiên thần dẫn tôi vào Luyện ngục. Luyện ngục không có cảnh hãi hùng và vô trật tự, cũng không có thất vọng và tối tăm đời đời, Luyện ngục có sự hy vọng thần linh ngời sáng, nơi thanh tẩy này coi như cuộc hành trình hy vọng. Các linh hồn Luyện ngục chịu đau đớn dữ dằn, nhưng các thiên thần thăm viếng, an ủi họ. Luyện ngục được chia làm ba phần, như ba địa hạt rộng lớn trong vương quốc đau khổ. Nơi nọ ở trên nơi kia với những loại linh hồn khác nhau. Những linh hồn ở tầng sâu hơn bởi có nhiều điều phải thanh tẩy hơn và phải ở đó lâu hơn. Tầng sâu nhất đầy lửa nóng hãi hùng nhưng không đen kịt như Hỏa ngục, đó là một biển lửa mênh mông, với những ngọn lửa bừng bừng. Vô số linh hồn phải lao mình vào đó. Họ là những linh hồn mắc tội trọng, đã thành thực xưng thú, nhưng chưa đền tội đủ khi còn sống. Với tất cả những tội trọng đã được tha, họ phải chịu đau đớn trong bảy năm. Thời gian này không thể đo lường cách rõ ràng, bởi tội trọng có ác tính khác nhau, đó chỉ là hình phạt trung bình. Và dù các linh hồn bị lửa vây quanh, hình khổ của họ cũng không giống nhau, nó khác nhau tùy theo số lượng và bản chất mọi tội.

Trong tầng sâu Luyện ngục này, có những giáo dân và tu sĩ. Giáo dân tuy đã phạm tội, nhưng sống hạnh phúc sau khi ăn năn chân thành. Tu sĩ đã hiến mình cho Thiên Chúa không sống thánh thiện theo bậc mình. Bà thánh cũng thấy linh hồn một linh mục bà đã quen biết, nhưng bà không nói tên, vị này che mặt bằng một tấm vải, tuy linh mục này có đời sống tốt lành, nhưng không luôn giữ điều độ mà còn quá tìm thỏa thích nơi bàn ăn.

Bà thánh lại được dẫn vào tầng giữa Luyện ngục, nơi dành cho những linh hồn không phải chịu hình khổ dữ dằn. Nơi này được chia thành 3 ngăn: Ngăn nhất giống như một khu ngục băng giá, buốt giá không thể tả, ngăn hai lại là một vạc dầu sôi vĩ đại, ngăn thứ ba giống như cái hồ chứa vàng bạc lỏng" (Purgatory p. 15-17).

* Theo thánh nữ Mađalena de Pazzi, nữ tu dòng Kín Florence, do cha linh hồn ghi lại trong truyện đời thánh nữ thì: Vào năm 1607, ít lâu trước khi thánh nữ qua đời, một chiều kia, khi thánh nữ đang ngồi với mấy chị em đồng tu trong khu vườn tu viện, thánh nữ được ơn xuất thần, được thấy Luyện ngục và được mời đi thăm viếng. Thánh nữ cho biết: ngài đã đi trong khu vườn rộng lớn 2 giờ đồng hồ, đôi khi ngừng lại. Chị em thấy mặt ngài tái nhợt và đôi lúc la lên: Lạy Chúa hay thương, xin xuống, giải thoát, lạy Máu Thánh Chúa. Ôi các linh hồn khốn khó, họ chịu đau khổ dữ dằn nhưng bằng lòng và vui vẻ".

Thánh nữ còn được dẫn xuống tầng sâu hơn nữa, ngài do dự, nhưng rồi cũng xuống,  đột nhiên ngài dừng lại, rồi thở dài, kêu lên: Lạy Chúa tôi, những linh hồn tu trì phải hành hình khổ sở chừng nào! Bà thánh không tả nỗi khổ, nhưng coi thái độ kinh hoàng của bà, người ta đoán được hình khổ hãi hùng. Bà còn được dẫn vào ngục tù của những linh hồn đơn thành, các trẻ em và những người phạm lỗi bởi thiếu hiểu biết, hình khổ của họ dễ chịu hơn. Nơi đó có giá lạnh và lửa nóng. Có các thiên thần Bản mạnh ở bên các linh hồn này, giúp họ can đảm chịu khổ. Bà cũng thấy quỉ dữ mặc những hình thù ghê gớm gia tăng nỗi khổ cho các linh hồn này.

Ði xa hơn, bà thánh thấy các linh hồn bất hạnh, bà kêu lên: Ôi nơi này khốn nạn chừng nào! Ðầy những quỉ xấu xa ghê gớm và những hình khổ không thể tả, họ bị đâm chém và xẻ ra từng mảnh". Bà thánh cho biết, họ là những kẻ giả đạo đức.

Xa hơn chút nữa, bà thánh thấy rất đông những linh hồn bị thương tích, bị đè dưới máy ép, bà thánh hiểu họ là những kẻ nghiện ngập, bất nhẫn, bất vâng phục khi còn sống. Một lúc sau, bà thánh lại kêu lên ghê sợ: Những kẻ dối trá bị giam phạt gần Hỏa ngục, hình khổ của họ là bị đổ chì lỏng vào miệng và đồng thời bị run rẩy bởi băng giá.

Bà cũng được dẫn đến ngục những linh hồn phạm tội bởi yếu đuối, nhưng họ cũng phải bị thiêu bằng thứ lửa gay gắt.

Bà lại được đi nữa, tới nơi phạt những linh hồn quá gắn bó với những của cải đời này, họ phạm tội hà tiện, keo kiết. Bà thánh kêu lên: Ôi, mù tối chừng nào! mong muốn tìm những của mau qua, họ đã được giầu có mà vẫn không thỏa lòng, bây giờ ở đây chịu khổ hình lên tới cổ họng, họ bị tan chảy như nến sáp trong lò lửa.

Bà lại tới chỗ những linh hồn phạm tội thiếu trong sạch. Bà thấy họ bị giam ở nơi dơ bẩn và dịch tả làm nôn mửa. Bà vội quay mặt khỏi nơi ghê tởm đó. Bà thấy những kẻ tham lam và kiêu căng, bà nói: Ðây là những kẻ muốn sáng chói trước mặt người đời, bây giờ họ bị án sống nơi tối tăm ghê rợn. Bà còn được thấy những kẻ sống vô ơn Thiên Chúa, họ bị những hình khổ không thể tả, bị ngâm trong hồ  chì lỏng để đền bù những tội vô ơn.

Cuối cùng, bà được dẫn tới nơi phạt những tội nhân không có nết xấu nào đáng kể, nhưng bởi thiếu lòng nhiệt thành, họ phạm đủ thứ tội lặt vặt, đôi khi họ phạm tội này tội nọ chứ không phạm theo thói quen.

Sau khi được chứng kiến Luyện ngục hãi hùng, thánh nữ nài xin Chúa đừng bao giờ để ngài phải chứng kiến lần nữa, những hãi hùng ngài nghĩ là không đủ sức chịu đựng. Ngài thưa cùng Chúa Giêsu: Lạy Chúa, Chúa có ý gì khi tỏ cho con những hình khổ ghê sợ trong Luyện ngục như vậy, dù con chưa thấy hết và chưa hiểu tỏ, ôi lạy Chúa, Chúa muốn con hiểu là Chúa thánh thiện vô cùng, và muốn con chê ghét tội lỗi dù là tội rất nhẹ, nó cũng rất đáng ghê tởm trước mặt Chúa (Purgatory p. 17-21).

* Thánh nữ Lidwina thành Schiedam qua đời ngày 11 tháng Tư năm 1433. Trong tiểu sử bà do một linh mục đồng thời có thế giá viết lại rằng: Bà thánh này thật là một quãng gương kiên nhìn và là một miếng mồi ngon cho mọi bệnh tật đau đớn tàn phá trong suốt 38 năm dài. Nỗi đau da diết làm cho bà không thể ngủ được. Bà đã qua đi những đêm dài thức trắng trong nguyện cầu. Bà được thiên thần Bản mạnh dẫn vào Luyện ngục, nơi đó bà thấy những ngục tù, những tội nhân, những hình khổ, và gặp cả những người bà đã quen biết.

Bà thánh nhớ rõ ràng những nơi được dẫn đi qua. Bà tả lại rằng: Bà gặp một tội nhân mắc đủ thứ tội xấu xa ở đời, nhưng sau cùng ông ta đã sám hối, đã xưng thú thành thực và được lãnh ơn xá giải, nhưng ông ta không có đủ giờ sống để đền tội, ông ta chết một thời gian sau bởi bệnh dịch. Bà thánh đã dâng lời cầu và các đau khổ chỉ cho linh hồn ông. Bà thánh muốn biết linh hồn ông còn ở Luyện ngục hay không, và tình trạng hiện nay thế nào? Thiên thần dẫn bà tới nơi và chỉ cho bà: Ông ta đang ở đó và rất đau đớn, Thiên thần hỏi bà có muốn chịu thêm đau khổ để cứu ông ta không? Bà thánh thưa : Có. Bà kinh hãi khi nhìn thấy những hình khổ và bà kêu lên: Ðây là Hỏa ngục sao? Thiên thần trả lời rằng: Không, đây là Luyện ngục nhưng ở phía trên Hỏa ngục. Nhìn quanh, bà thấy như một nhà tù rộng rãi, bao bọc bằng những bức tường rất cao, rất đen, xây bằng những viên đá khổng lồ. Bà nghe thấy những tiếng kêu la, gào thét hỗn độn, tiếng xích sắt va chạm, tiếng đập đánh, tát vả. Tiếng kêu la này còn lớn hơn những tiếng ồn ào trên thế giới, hơn tiếng reo hò xông vào trận địa, không gì có thể so sánh được. Bà thánh xin thiên thần đừng cho mình thấy cảnh tượng này: "Xin đừng để tôi thấy cảnh kinh hãi quá sức này, tôi không thể chịu được".

Ði tiếp, bà thấy một thiên thần ngồi buồn bã bên bờ giếng. Hỏi ra, bà được biết đó là thiên thần Bản mạnh của tội nhân trên. Linh hồn tội nhân đang ở dưới giếng, đó là một Luyện ngục biệt giam. Bà thánh muốn coi, và thiên thần đã mở nắp giếng lên, tức thì một đám lửa phực cháy và tiếng la kinh hãi vang lên rùng rợn. Thiên thần hỏi: Bà có nhận ra tiếng ai không? Bà có muốn thấy ông ta không? Thiên thần gọi tên ông, và kìa trong linh thiêng, ông ta ở trong khối lửa giống như kim loại đỏ rực trong lò. Ông ta kêu rên: Ôi bà Lidwina, tôi tớ Thiên Chúa, ai sẽ cho tôi được chiêm ngắm Nhan thánh Chúa tối cao? Tiếng thở dài của linh hồn này làm bà thánh không sao quên được, bà kinh hãi đến nỗi giây thắt lưng bung ra và bà chợt tỉnh giấc ngất trí. Bà hứa sẽ cầu nguyện và dâng đau khổ cho linh hồn này. Ít ngày sau, thiên thần cho bà biết, người bà cầu nguyện đã được chuyển qua Luyện ngục thông thường. Như thế cũng chưa đủ. Bà thánh tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn đáng thương ấy cho tới khi thấy linh hồn ông bay về Thiên đàng (Purgatory p. 21-25).

* Thánh nữ Brigitta kể lại trong cuốn thứ sáu về những mạc khải như sau: Tôi được đưa xuống Luyện ngục, và tôi thấy một thiếu nữ ở giữa những linh hồn khác. Thiếu nữ này trước kia là con nhà giầu, và thường ăn diện rất xa hoa theo thói đời. Thiếu nữ này đã kể lại tình trạng đời sống của mình cho thánh nữ Brigita nghe, và thêm rằng: "Phúc cho tôi, bởi trước khi chết, tôi đã được xưng tội dọn mình chết, tôi không phải rơi vào Hỏa ngục, nhưng tôi phải chịu cực hình trong Luyện ngục bởi cuộc sống trần tục mà   Mẹ tôi đã không chỉ cho tôi tránh, không chỉ dẫn cho tôi sống đạo hạnh" (Purgatory p. 117-118).

* Thánh Lui Bertrand dòng thánh Ðaminh kể rằng: Khi ngài ở tại Tu viện Valencia, có một tu sĩ trẻ trong tu viện này miệt mài với những khoa học trần thế. Tưởng mình thông thái, một hôm, không rõ bởi chuyện gì, tu sĩ này nói nặng cha Bertrand: "Thưa cha, ai cũng thấy rằng cha rất kém học thức". Cha Bertrand trả lời cách khiêm tốn nhưng quả quyết: "Luciphe rất thông thái, nhưng hắn đã bị phạt". Lời nói thiếu khiêm tốn và bác ái kính trọng của tu sĩ trẻ người non dạ đã phải đền bù. Dù là tu sĩ rất đạo đức, thầy không nghĩ tới việc sám hối lời nói đó. Một thời gian sau, thầy bị bệnh rất nặng, thầy được lãnh các Bí tích cuối cùng, và qua đời bình an.

Ít lâu sau, cha Bertrand được bầu làm Bề trên tu viện. Một hôm, khi ngài đang đọc kinh Sáng với cộng đoàn, tu sĩ trẻ hiện về mình đầy lửa quấn quanh, sấp mình trước mặt cha Bề trên Bertrand: "Lạy cha, xin tha thứ cho lời con đã nói thiếu lịch sự với cha ngày trước, Chúa không cho phép con được thấy mặt Chúa trước khi được cha tha thứ và dâng lễ cầu cho con". Cha Bề trên vui lòng tha thứ, và sáng hôm sau đã dâng lễ cầu cho thầy. Ðêm kế tiếp, khi đang cầu nguyện, ngài được thấy linh hồn thầy dòng trẻ tuổi rực sáng lên hưởng phúc Thiên đàng  (Purgatory p. 153-154).

CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC CHỊU THANH TẨY THỜI GIAN BAO LÂU?

Người còn sống ở trần gian không thể có cảm nghiệm đúng với hình khổ các linh hồn Luyện ngục đang phải chịu.

* Thánh Tôma  Aquinô viết: "Sự đau đớn của các linh hồn cùng một hình phạt thì giống nhau, nhưng khác nhau về thời gian lâu mau". Lâu, bởi mong ước từng giây được sớm về cùng Chúa. Khi càng mong, càng nóng ruột, thời giờ càng như chậm lại, ngày dài như cả ngàn năm.

* Cha Tôma a Kempis, tác giả sách Gương Chúa Giêsu cũng viết: "Nơi đó, một giờ chịu hành hình còn dữ dằn hơn cả trăm năm chịu cực hình hung bạo trên dương thế" (Gương Chúa Giêsu, quyển một , chương 24, đoạn 2).

* Thánh Augustinô nói rằng, " Hình khổ Luyện ngục lâu mau là tùy ở tội lỗi và sự đền bù của mọi người". Có thể một ngày, có thể lâu hơn, mười năm, hai mươi năm. Một linh hồn hiện về nói, tôi chịu phạt 3 ngày mà lâu như 3 ngàn năm.

* Bà Ðáng kính Frances Thánh Thể kể lại rằng: "Một số bà sơ đạo đức dòng Carmelô chịu khổ 20 năm, 40, 50 năm. Một Giám mục chịu khổ 55 năm bởi thiếu cẩn thận trong một số điều. Một linh mục bị phạt 40 năm cũng chỉ bởi thiếu cẩn thận trong khi thi hành nhiệm vụ. Một người giầu bị phạt 55 năm chỉ bởi quá ham mê cờ bạc".

* Thánh Antôniô kể lại trong sách Summa của người (Phần 4 tiết 4) câu truyện sau được trích trong cuốn Niên ký dòng của người năm 1285:

"Có một người đạo đức kia đã chịu đau khổ nhiều năm bởi bệnh tật. Sợ mình chán nản ngã lòng,  ông ta xin Chúa cho mình được chết sớm cho bớt khổ. Ông ta không nghĩ rằng được chịu đau khổ là do lòng Chúa thương mình, mà chỉ muốn chấm dứt những đau khổ càng sớm càng tốt.

Ðáp lời ông cầu nguyện, Chúa sai thiên thần Bản mạnh ông tới, cho ông chọn một trong hai: một là chết ngay và phải vào Luyện ngục 3 ngày, hai là chịu bệnh một năm nữa rồi chết, và được lên Thiên đàng ngay. Ông bệnh nhân này không ngần ngại chọn điều thứ nhất, ông muốn chịu đau khổ 3 ngày trong Luyện ngục hơn là chịu bệnh cả năm nữa trên trần gian.

Sau khi ông chết được một giờ, thiên thần Bản mạnh vào thăm ông trong Luyện ngục. Thấy thiên thần, ông lên tiếng phàn nàn coi như đã để ông phải chịu cực hình một thời gian quá lâu, ông lên tiếng: "Sao thiên thần nói với tôi là có ba ngày mà để tôi chịu cực hình ở đây quá lâu như vậy?". Thiên thần hỏi: "Ông nghĩ lâu là bao lâu?". Ông trả lời: "Ít ra cũng nhiều năm". Thiên thần tiếp: "Này, tôi cho ông biết: Ông mới ở trong Luyện ngục một giờ. Ðau khổ ở đây làm cho thời giờ sai biến, một lúc thành một ngày, một giờ thành nhiều năm". Linh hồn khẩn khoản: "Lạy thiên thần, tôi thật ngu dại quá khi chọn vào chốn này, xin tha thứ cho tôi và cầu Chúa cho tôi được trở lại trần gian, tôi bằng lòng chịu những bệnh nạn đau đớn nhất, không phải chỉ vài năm mà bao nhiêu năm tùy Thánh Ý Chúa. Sáu năm chịu cực hình khốn khổ ở trần gian còn hơn một giờ ở trong vực thẳm ghê gớm này" (Purgatory p.63-64).

* Thánh nữ Lutgarda thuật truyện về một Bề trên Dòng rất đạo đức nhưng lại quá nghiêm ngặt đã bị phạt 40 năm trong Luyện ngục. Tên ngài là Simon, Bề trên dòng Xitô. Thánh nữ Lutgarda rất kính phục ngài, và luôn theo những ý kiến ngài khuyên bảo. Hai vị rất hợp nhau trong tình bạn thiêng liêng. Ðiều đáng tiếc là Bề trên Simon không nhân từ với các anh em thuộc hạ như ngài nhân từ với thánh nữ. Ngài nghiêm khắc trong khi điều hành Tu viện, muốn mọi chuyện đã sắp đặt phải xảy ra đâu vào đó như ý ngài, ngài quên bài học của Thầy Chí thánh dạy gương hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Sau khi cha Bề trên qua đời, thánh nữ Lutgarda sốt sắng cầu nguyện và làm việc lành chỉ cho ngài. Cha Bề trên được hiện về với thánh nữ cho biết mình phải phạt trong Luyện ngục 40 năm. Hân hạnh cho ngài, bởi có thánh nữ Lutgarda đại lượng đã gia tăng gấp đôi lời cầu nguyện và việc lành xin Chúa tha thứ cho Bề trên Simon. Thánh nữ đã cầu nguyện cho tới khi thấy ngài về Thiên đàng.

Cậy nhờ lòng thương xót vô cùng của Chúa, lòng từ tâm rộng mở của Ðức   Mẹ, sự cầu bầu của các Thánh, ta hãy cứu giúp các linh hồn, và hãy tự lo cứu giúp chính chúng ta khi còn thời giờ, hơn là chờ khi nằm xuống mới trông vào anh em, con cháu. Họ còn sống đấy, nhưng mọi người một việc và có trăm điều phải lo phải sắm, họ có nhớ tới kẻ đã chết để mà cứu vớt hay không? Ðó chỉ là điều phụ thuộc đối với họ.

Muốn sớm chấm dứt thời giờ đau khổ, nhưng lúc này không phải là lúc đền tội lập công như khi còn sống. Linh hồn Luyện ngục chịu đau khổ mà không được tính công nghiệp gì. Ðau khổ mà không cứu được mình, và phải ở đó cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5,26).

NHỮNG PHƯƠNG THẾ CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Công đồng Lyon năm 1274 và Công đồng Florence năm 1439 tuyên ngôn rằng:

"Ðể làm giảm bớt các hình phạt các linh hồn khốn khó phải chịu trong Luyện ngục: Lời cầu nguyện, việc làm phúc bố thí, và các việc lành khác mà các giáo dân quen làm như Giáo hội dạy, nhất là Thánh Lễ Misa, có thể giảm bớt hình khổ cho các linh hồn Luyện ngục." (D. 464, 693).

Chúng ta nên dâng việc lành phúc đức như đọc kinh, lần hạt Mân côi, ăn chay, hãm mình, bố thí, nhường Ân xá, nhất là dự lễ và xin lễ cho các linh hồn trong Luyện ngục. Làm như thế ta thực hiện mầu nhiệm Các thánh Thông công, liên kết  đó là giáo lý rất an ủi người sống cũng như người đã qua đời.

Mầu nhiệm Các Thánh Thông công dạy ta rằng "Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời, đã được lên Thiên đàng hay còn trong Luyện ngục, đều liên lạc mật thiết với nhau."

Các tín hữu còn sống liên lạc với các Thánh trên trời bằng cách tôn kính cầu xin các Thánh, đối lại các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Chúa, xin cho các tín hữu những ơn cần thiết làm trọn thánh ý Chúa trong bậc mình khi còn sống ở trần gian.

Các tín hữu còn sống liên lạc với các linh hồn Luyện ngục bằng cách dâng các lời nguyện, việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn, đổi lại các linh hồn cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Chúa, xin cho các tín hữu những ơn cần thiết phần hồn phần xác.

Các tín hữu còn sống thông công liên lạc với nhau qua lời cầu nguyện, gương lành. Ðời sống thánh thiện của mọi người đều có ảnh hưởng đến người khác.

Chúa Kitô đã kết hợp các tín hữu thành một thân thể mầu nhiệm, đó là lý do giải nghĩa mầu nhiệm các Thánh thông công như đã trình bày trên.

Muốn cho các việc chúng ta làm sinh ơn ích cứu rõi các linh hồn, theo ý kiến Thánh Tôma Aquinô cần 3 điều sau:

1. Phải có ý nhường công phúc việc lành mình làm cho linh hồn nào đó, hoặc cho các linh hồn mồ côi. Nếu không có ý nhường thì công phúc việc lành vẫn thuộc về người làm.

2. Phải làm việc có tính cách đền tội, bởi tuy là việc lành nhưng sinh công hiệu khác nhau: công hiệu kinh Mân côi khác công hiệu lễ Misa. Và còn tùy người làm cách sốt sắng thánh thiện hay khô khan ơ hờ.

3. Phải làm khi có ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sạch tội trọng. Không kể những việc lành nguyên tự phát sinh công hiệu như Thánh lễ Misa, dù người dự hay xin lễ không có ơn nghĩa Chúa, Thánh lễ vẫn sinh công hiệu cho các linh hồn.

* Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.

Sau 33 năm người cha nói trên hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:

- Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.

Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:

- Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?

Người cha trả lời:

- Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.

Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần (Charity p. 526).

ÐỌC KINH CẦU NGUYỆN CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Một trong những phương thế cần thiết để lãnh nhận ơn Chúa cho mình và cho các linh hồn khác là CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện rất quan trọng, bởi là phương thế cứu rõi. Ðời sống chúng ta tốt hay xấu, tùy thuộc vào chúng ta có cầu nguyện hay không, cầu nguyện tử tế hay qua lần chiếu lệ.

* Theo thánh Augustinô: "Ai biết cầu nguyện là biết sống tử tế". Và nơi khác ngài nói: "Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa Thiên đàng". Bà Thánh Têrêxa   Mẹ thêm: "Ai không cầu nguyện thì tự họ đi xuống Hỏa ngục, không cần ma quỉ nào dẫn đường nữa".

Lời cầu nguyện, ngoài việc sinh công phúc cho mình, lại có thể cứu giúp các linh hồn, nhất là các linh hồn Luyện ngục.

* Thánh Gioan Chrisotômô dạy rằng: "Anh chị em khóc lóc kêu la thảm thiết trước quan tài người chết, nào có ích chi, tốt hơn là nên đọc kinh cầu nguyện và làm việc lành chỉ cho người quá cố".

Cầu nguyện không đòi kể lể dài dòng. Chúa Giêsu dạy: "Khi cầu nguyện đừng ham nói nhiều lời trống rõng như dân ngoại, họ tưởng họ nói nhiều mà được việc, đừng như họ, bởi trước khi các ngươi cầu, Cha các ngươi đã biết các ngươi muốn gì. Hãy cầu thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng..." (Mt 6,7-13).

Cầu nguyện cách đơn sơ như Ðức   Mẹ tại Cana, khi Ðức   Mẹ xin Chúa Giêsu ban rượu cho đám cưới, Ðức   Mẹ chỉ nói: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3). Trên thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện rất đơn sơ: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, bởi chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23,34).

Người ta cầu nguyện như người ta yêu mến, càng yêu mến Chúa nhiều, càng cầu nguyện đơn sơ sốt sắng chân thành.

Kinh cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục thích hợp nhất là Kinh Mân côi, sẽ nói tới ở chương sau. Ngoài ra, người ta có thể cầu nguyện bằng các lời than văn tắt hay các kinh, nhất là các kinh Giáo hội đã ban ân xá như sau:

1. Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy (được Tiểu xá),

2. Kinh Vực sâu (được Tiểu xá),

3. Chúng con cậy bởi Danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Ðức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

4. Lời than sau một chục kinh Ðức   Mẹ dạy ở Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa Hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

5. Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rõi các linh hồn.

6. Ðọc lời: Lạy Chúa Cha hằng hữu, con xin dâng Cha các vết thương thánh và Máu châu báu Con Cha, để cầu cho các tội nhân ăn năn trở lại và cho các linh hồn Luyện ngục được giải thoát. (Thánh nữ Maria Mađalena de Pazzi được Chúa dạy cho biết việc dâng Máu thánh này. Mọi ngày bà thánh dâng 50 lần. Trong một lần ngất trí, bà thấy nhiều tội nhân đã được ơn trở lại, và nhiều linh hồn Luyện ngục được giải thoát. Chúa Giêsu còn dạy: "Khi người nào dâng lên Chúa Cha Máu thánh cứu rõi, đó là dâng Chúa của lễ có giá trị vô cùng".

* Thánh nữ Mechtilđê khi cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục, được Chúa cho thấy nhiều linh hồn ra khỏi một vực sâu đi vào một vườn rất đẹp.

* Trong sách cầu cho các linh hồn Luyện ngục, ông Ackermann kể rằng:  "Một người nhà giầu kia biếu cha Bề trên nhà dòng một món tiền lớn để xin cầu nguyện cho cha ông ta mới qua đời. Khi các thầy hát kinh, ông cũng tham dự, nhưng chờ mãi không thấy có gì trịnh trọng khác thường cầu cho cha ông ngoài một câu "Xin cho linh hồn ấy được nghỉ yên". Người nhà giầu cằn nhằn bởi nghĩ rằng lời cầu ấy không tương xứng với món tiền lớn ông đã dâng.

Khi nghe biết đầu đuôi câu chuyện, cha Bề trên bảo một thầy viết lại câu "Xin cho linh hồn ấy được nghỉ yên" vào một mảnh giấy. Rồi ngài bảo để mảnh giấy vừa viết trên một đĩa cân, còn đĩa cân bên kia để món tiền của người nhà giầu. Trước mặt các thầy dòng, người nhà giầu mở to hai mắt để coi cho rõ. Ông ta hết sức kinh ngạc khi thấy gói tiền của mình bị cất bổng lên cách nhẹ nhàng, còn tờ giấy ghi lời cầu nguyện lại làm cho đĩa cân bên kia chĩu nặng xuống. Thấy sự lạ lùng trước mắt, người nhà giầu lúng túng xấu hổ không biết ăn nói ra sao với các cha các thầy. Ông ta xin lỗi, và cảm thấy rất được yên lòng. Ðức Giáo Hoàng Beneđictô 13 cũng đã kể chuyện này trong phiên họp do Ngài chủ tọa (Charity p. 99).

* Cha Conrad dòng Thánh Phanxicô sốt sắng cứu các linh hồn lắm. Một buổi tối kia, ngài chỉ đọc một kinh Lạy Cha và câu "Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời" để cầu cho môt thầy dòng đã chết, lập tức thầy hiện về cám ơn và xin cha tiếp tục cầu nguyện cho bằng những lời vắn tắt như vậy. Cha dòng nhận lời và cầu cho thầy tới khi được lên Thiên đàng (Charity p. 294).

Ta hãy năng đọc những lời cầu vắn tắt, những kinh Giáo hội dạy để cầu cho các linh hồn Luyện ngục. Chúa ưa nhận lời những ai yêu mến Người, lại có lòng bác ái cầu cho những người anh chị em đau khổ.

ÐỌC KINH MÂN CÔI CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Mân côi, cũng gọi là Văn côi hay Môi khôi, Mai khôi, được dùng để gọi những kinh Kính mừng kính Ðức   Mẹ. Kinh này phần đầu là lời chào của Tổng thần Gabriel khi đến báo tin Ðức   Mẹ thụ thai Chúa Cứu Thế "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà", thêm lời chúc tụng của bà thánh Isave ca tụng Ðức   Mẹ là "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ". Phần thứ hai là lời cầu của Giáo hội: "Thánh Maria Ðức   Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử". Xin cho bây giờ, "khi nay" được ơn sống thánh, và trong giờ chết, "lâm tử" được ơn chết lành trong tay ba Ðấng Giêsu Maria Giuse để được về hưởng tình yêu Chúa muôn đời. Amen (Ước được như vậy).

Kinh Mân côi nhắc lại cho Ðức   Mẹ đầy ơn phúc trước mặt Ðức Chúa Cha, là   Mẹ Ðức Chúa Con, và là Bạn chí thiết Ðức Chúa Thánh Thần. Khi nghe lời chào đó, tâm hồn Ðức   Mẹ lại hân hoan rộng mở ca ngợi Thiên Chúa và sẵn sàng ban tràn ơn cho con cái còn đang ở chốn lưu đày, nhất là cho các linh hồn đớn đau trong Luyện ngục. Chính Ðức   Mẹ đã phán với Thánh Ðaminh rằng," Một trong những hiệu quả chính của kinh Mân Côi là cứu rõi các linh hồn trong Luyện ngục."

Ngày 1 tháng 1 năm 1967 Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục đã ban ơn đại xá cho những ai đọc đủ 50 kinh Mân côi chung với gia đình, chung trong nhà thờ, chung trong Tu viện, chung một nhóm người trong Hội đoàn, với những điều kiện thông thường là xưng tội trước hoặc sau đó vài ba tuần, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng cầu theo ý Ðức Giáo Hoàng. Ai không đọc đủ 50 kinh hoặc không đủ các điều kiện nói trên cũng vẫn được hưởng Tiểu xá để chỉ cho các linh hồn theo ý muốn.

* Thánh Alano dòng Ðaminh kể lại về nhiều tu sĩ và nữ tu đang khi đọc kinh Mân Côi đã thấy các linh hồn từ Luyện ngục hiện về, các linh hồn này có mang dấu Thánh giá trên trán nài xin các vị tiếp tục đọc kinh Mân côi cho mình. Nhờ kinh Mân Côi giáo dân đọc hằng ngày mà một số lớn linh hồn Luyện ngục được lên Thiên đàng ngày này qua ngày khác.

Trong 15 ơn Ðức   Mẹ hứa với Thánh Alanô, ban cho những ai thành tâm sốt sắng đọc kinh Mân côi, có ơn thứ 9 Ðức Mẹ hứa rõ rệt rằng: "  Mẹ sẽ mau mắn cứu vớt các linh hồn siêng năng lần hạt Mân côi ra khỏi Luyện ngục".

* Linh mục Eusebio Nieremberg là người rất thương các linh hồn trong Luyện ngục, ngài thường đọc kinh Mân côi cầu cho các linh hồn. Ngài đã thuật lại truyện sau đây minh chứng Ðức Mẹ đã thương một tội nhân  có lòng tôn sùng và siêng năng đọc kinh Kính mừng kính Ðức Mẹ:

"Ở tỉnh Aragon trong nước Tây ban nha, có một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời, tên là Alexandria. Nàng là con nhà giầu sang, quyền thế,  nên nhiều gia đình quí phái muốn hỏi nàng cho con trai mình. Trong số đó cho hai thanh niên nhất định tranh nhau cho bằng được mới thôi. Khi thấy mình kém vế, không thể nào tranh giành ảnh hưởng với tình địch, một trong hai thanh niên mù quáng đến nỗi hạ sát Alexandria để trả thù đối phương. Y chặt đầu cô, quăng xuống một giếng kia cách kín đáo không ai biết. Sau đó ba hôm, Thánh Ðaminh tình cờ đi qua, thấy đầu cô đã nổi lên trên mặt nước và nói năng được như người còn sống, đồng thời xin Thánh nhân ban phép giải tội.

Tin này đồn ra khắp nơi nhanh chóng, người ta tuốn đến bên giếng đông nghịt để xem sự lạ chưa từng có. Khi Alexandria đã xưng tội xong, Thánh Ðaminh buộc cô phải nói ra bởi lý do nào mà cô được ơn đặc biệt quá sức tưởng tượng như vậy. Vâng lời Thánh Ðaminh, cô Alexandria thuật lại rằng," Sở dĩ con được ơn Ðức   Mẹ thương cách đặc biệt này là bởi từ thuở nhỏ, con vẫn có lòng kính mến Ðức   Mẹ và siêng năng đọc kinh Mân côi có ý xin được ơn ăn năn xưng tội trước khi chết."

 Nhờ dịp này, Thánh Ðaminh khuyến khích mọi người theo gương cô trong việc đọc kinh Mân côi tôn sùng Ðức Mẹ, tin chắc chắn sẽ được hưởng nhiều ơn quí hóa do Ðức Mẹ ban.

Qua hai ngày sau, đầu cô Alexandria mới  chìm xuống nước. Mười lăm ngày sau, cô hiện về với Thánh Ðaminh cám ơn ngài đã lo liệu cho mình được chịu phép giải tội trong trường hợp đặc biệt đó, nói đoạn cô tươi cười vui vẻ từ gia? Thánh nhân để lên Thiên đàng hưởng tôn nhan   Mẹ lành (Lm. Nguyễn Tri Ân, Tháng Mân Côi Ðức Bà, 1960, trang 203).

ĂN CHAY, HÃM MÌNH, BÁC ÁI THỨ THA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Trong con người chúng ta có một cuộc tranh giành như Thánh Phaolô viết cho dân thành Rôma rằng: "Sự lành tôi muốn, tôi không làm, sự dữ tôi không muốn tôi lại làm... Tôi thấy một luật khác nơi tôi cự lại luật lý trí, buộc tôi lại trong luật tội lỗi. Ai cứu tôi khỏi cái xác chết này?" (Rm 7,19-24).

Nơi khác ngài viết cho dân thành Corintô: "Trong trường đua mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải nhất, anh chị em hãy chạy để đoạt giải. Và đã là tay đua thì phải kiêng cữ đủ điều. Họ chạy để chiếm lấy triều thiên hư nát, còn chúng ta chạy để chiếm triều thiên không hư nát. Phần tôi, không phải tôi chạy vờ vịt, tôi đấm, không phải là đấm không khí, trái lại tôi nhắm vào xác tôi mà đấm, kẻo sau khi giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại ra chăng" (1 Cr 10,24-27).

Ðó là lý do tại sao cần ăn chay hãm mình để chiến đấu và chiến thắng ba thù: Xác thịt, thế gian, ma quỉ. Xưa, chính Chúa Giêsu đã ăn chay hãm mình để dạy chúng ta  noi theo gương Người.

Việc ăn chay hãm mình, ngoài hiệu quả lập công đền tội, còn sinh ích cứu rỗi các linh hồn Luyện ngục rất nhiều:

* Thánh Tôma Aquinô nói: "Ðền tội cho người đã chết thì đẹp lòng Chúa hơn đền tội cho người còn sống bởi người đã chết ở trong tình trạng khẩn thiết hơn, họ không còn tự giúp mình được như người còn sống" (Supplem. Q. 71 art. 5).

* Chân phúc Cecilia dòng nữ Ðaminh quen hãm mình khi khát nước để tôn kính sự khát của Chúa Giêsu trên Thánh giá và để giải khát cho các linh hồn Luyện ngục. Sau khi qua đời, bà hiện về với các nữ tu cùng dòng, nói rằng: "Ngay sau khi tôi vào Luyện ngục, Chúa cho Thiên thần mang đến một thùng nước, đổ xuống giập tắt ngọn lửa thiêu đốt tôi và cấp tốc đưa tôi về Thiên đàng mát mẻ đời đời."

* Vua Sanxiô bị chết bởi thuốc độc, hoàng hậu đêm ngày cầu nguyện cho linh hồn vua. Thứ Bảy bà chỉ ăn bánh mì uống nước lã để tôn kính Ðức Mẹ, có ý cầu cho vua. Vua được hiện về cám ơn hoàng hậu về việc hãm mình ấy, và xin hoàng hậu cứ tiếp tục. Sau 40 ngày, hoàng hậu thấy vua hiện về rực rỡ ánh sáng Thiên đàng, chào tạm biệt hoàng hậu, nói rằng: "Bây giờ tôi được giải thoát khỏi cực hình. Tôi mắc nợ bà, nguyện xin Chúa chúc lành cho bà đến muôn đời".

ăn chay cầu cho các linh hồn là một điều tốt, nhưng làm việc bác ái còn tốt hơn nữa. Chúa đã phán qua tiên tri Isaia rằng: "ăn chay thế này, chẳng làm ta hài lòng hơn sao: Hãy cởi trói tù nhân, cất gánh nặng cho người bị áp bức, tháo xiềng xích và thả chúng đi ra, bẻ gẫy ách quàng đầu quàng cổ chúng" (Is 80,6).

* Thánh Augustinô nói: "Nào có ích gì khi ta kiêng rượu mà lại bị đầu độc bởi nóng nảy giận hờn! Nào có hay gì khi ta kiêng thịt mà lại như con thú hoang làm hại danh giá tiếng tốt người lân cận!"

* Thánh Phanxicô Salesiô thuật truyện sau: Tại thành Padua, nơi người theo học khi còn là sinh viên, thành này có một tục lệ đáng chê: Những chàng thanh niên đeo gươm giáo ban đêm chạy ngoài đường phố nếu gặp ai thì hỏi lớn tiếng: Ai đi đâu đó? Người được hỏi bắt buộc phải trả lời, nếu không sẽ bị đốt, bị thương hay bị chết. Một đêm kia, có một sinh viên không trả lời, chàng ta bị đánh vỡ đầu và chết ngay. Kẻ gây ra án mạng này rất sợ hãi, tìm trốn ẩn trong nhà một quả phụ tốt lành y đã biết, mà con bà lại là nạn nhân đã qua đời. Chàng thú tội với nước mắt chan hòa rằng mình đã gây tử thương cho một người mà chàng không biết là ai, xin bà cho chàng ẩn núp trong nhà bà. Ðộng lòng thương, và không ngờ rằng kẻ giết con mình đang đứng trước mặt mình, bà bằng lòng cho hắn ẩn náu một nơi an toàn nhất trong nhà mà cảnh sát không dễ tìm ra được. Nửa giờ sau, có nhiều tiếng đập cửa, người ta đem xác nạn nhân đặt trước mặt bà. Trời ơi, đây chính là con tôi, và kẻ giết con tôi đang ẩn náu trong nhà tôi. Người   Mẹ đau khổ như vỡ tim ra, bà gào thét rồi vội chạy vào chỗ kẻ sát nhân ẩn náu, gào to: Mày là thằng khốn nạn, con tao đã làm gì mày mà mày giết nó?! Thủ phạm bấy giờ mới nhận ra rằng mình đã làm chết người bạn, chàng vò đầu bứt tóc khổ sở, qùi xuống chân bà   Mẹ xin ơn tha thứ và bào chữa cho mình, trao mình cho tòa án để chàng chịu mọi hình phạt đáng tội.. Bà   Mẹ người con quá cố sực nhớ mình là người Công giáo, nhớ gương Chúa đã tha thứ cho kẻ làm khốn mình, bà quyết tâm noi gương Chúa, làm một việc bác ái anh hùng: dù đau khổ cực độ, bà đã tha cho kẻ giết con bà và bênh đỡ hắn trước mặt tòa án. Sự tha thứ này rất đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa đã cho phép con bà từ Luyện ngục được hiện về sáng láng nói với bà rằng: "  Mẹ yêu dấu, Chúa đã tỏ lòng thương xót con, bởi   Mẹ đã tỏ lòng thương tha thứ cho nạn nhân, bởi sự tha thứ quảng đại này rất đẹp lòng Chúa, con đã được Chúa tha thứ khỏi Luyện ngục, nếu   Mẹ không tha thứ như vậy, con sẽ còn phải giam phạt ở đó nhiều năm trong những đau đớn cực hình dữ dội".

* Thánh Bênêđictô đã kể truyện dài sau đây, truyện được in năm 1881: Vào khoảng năm 1786, khi cuộc cách mạng tại Pháp bùng nổ. Vua Luy thứ 16 và Hoàng hậu Antoinet bị dân chúng lật xuống khỏi ngai vàng. Nước Pháp đầy dãy cảnh đầu rơi máu chảy bởi các cuộc xử tử bắn giết kinh hãi. Sau khi nhà vua bị lật đổ, bá tước Giaxintô thành Floren cùng với 900 bạn đồng đội cũng bị dồn vào tù, chờ án xử.

Một hôm gần cửa sổ phòng giam, bá tước trẻ ngạc nhiên thấy một thiếu nữ trẻ đẹp đứng ngoài nhìn vào phòng ông. Thì ra đó là Hermania, người em sinh đôi với ông. Ông vội kêu lên:

- Hermania, sao em dám đến chỗ nguy hiểm này ? Em không biết bọn cách mạng đang thù nhà vua và những ai theo nhà vua sao? Em phải cẩn thận chứ.

- Thưa anh em biết, nhưng hôm nay là ngày sinh nhật của anh em ta, em không thể không đến thăm anh. Hôm nay cả hai chúng ta được 19 tuổi và đây là lần thứ nhất chúng ta không mừng sinh nhật với nhau. Em không thể yên tâm nếu không thấy anh khỏe mạnh và bình an.

- Em thấy anh vẫn khỏe mà. Chắc em vẫn nhớ, khi má còn sống, má nói anh em ta giống nhau từ tình cảm tới ý nghĩ. Bởi thế hôm nay anh cũng rất buồn sầu như em vậy. Nhưng bây giờ em phải vui lên kẻo anh cũng buồn lây.

- Họ có xử tử tế với anh không?

- Anh có tất cả những gì anh cần, trừ ra không có tự do thôi. Anh xấu hổ bởi được xử như thế này, trong khi các bạn đồng đội bị xử tệ...Này, nghe như có người đang tới, thôi em đi đi, mong có ngày chúng ta mừng sinh nhật lớn hơn.

Thiếu nữ rời cửa sổ, bước vội qua sân, lẻn ra đường cái sau bức tường.

Giaxintô ngồi chờ, cánh cửa mở, viên sĩ quan cách mạng bước vào lễ độ chào tù nhân, cho chàng biết theo lệnh cấp trên, mời chàng đi dự tiệc chiều nay mừng sinh nhật của chàng. Chàng nhận lời. Ăn uống xong, một nhóm quân cách mạng tiến vào bắt chàng đi. Chàng ngồi bình tĩnh phân trần:

- Bởi tôi trung thành với nhà vua, nên tôi bị xử như các bạn đồng đội, tôi không phàn nàn, nhưng xin cho tôi xin ít phút để sửa soạn trước khi chết.

Lời xin của chàng bị từ chối. Chàng khảng khái quay lại nói:

- Ðược, tôi sẵn sàng đi.

Chàng bị dẫn ra bãi xử.

Thình lình cô Hermania em chàng, từ đâu vụt chạy đến ôm lấy chàng khóc lóc thảm thiết. Người cai bắn hô: "Bắn!" Nhưng Hermania kêu lên:

- Nếu bắn anh tôi thì bắn cả tôi đi!

Một sĩ quan đến lôi cô ra. Bốn viên đạn đã kết thúc đời anh cô. Khóc ngất, cô qùi xuống bất động.

Mười lăm năm sau, Hermania được 34 tuổi. Tâm hồn đắng cay chai cứng bởi cái chết phũ phàng của anh. Cô không chấp nhận gì nữa, kể cả đạo giáo. Cô từ chối tất cả thú vui, giải trí ở đời. Cô sống đơn độc. Hận đời đen bạc, ác ôn.

Hôm ấy, đứng cạnh cửa sổ lâu đài nhìn ra đường cái, cô thấy Linh mục xứ đang đi trên đường về phía nhà cô. Cô chạy xuống chào ngài lễ độ:

- Thưa cha, hôm nay là ngày 3 tháng 8, ngày kỷ niệm anh con bị bắn chết tàn bạo.

Linh mục xứ muốn hướng cô về niêm tin tôn giáo, ngài đọc câu Kinh Thánh:

- Phúc cho ai khóc lóc, bởi sẽ được an ủi.

- Thưa cha, đây không phải là lần thứ nhất cha nói câu đó. Cha nói vậy là cha không hiểu đau khổ của con. Con biết Phúc âm. Cha muốn con cầu nguyện, nhưng nếu con cầu nguyện, con phải tha cho kẻ thù như Chúa dạy, nhưng con không thể, không thể tha cho chúng, những đứa đã giết anh con. Con không trả thù chúng được nữa, bởi hầu hết chúng đã chết và ra trước tòa Chúa, nhưng con vẫn muốn trả thù. Cha bảo con đến dự lễ, nhưng con dự sao được khi lòng con đầy tức giận

- Bởi phần rỗi linh hồn con, cha xin con bỏ những tư tưởng ấy đi. Nhớ rằng trên Thánh giá, Chúa đã tha cho kẻ giết Ngài.

- Nhưng Chúa là Chúa Trời, còn con là kẻ có tội.

- Con nhớ rằng Chúa Kitô là gương, và các thánh phải noi  theo.

- Con không phải là thánh.

- Ðúng vậy, con là kẻ khổ sở, là phụ nữ rất đau khổ, nhưng chính con thích nghĩ rằng con can đảm, con trung tín. Phần Chúa là Chúa ta, bởi Ngài là Chúa, Ngài có quyền và muốn ban ơn cho ta giữ lề luật Ngài. Ngài đòi chúng ta tha cho kẻ thù như Ngài đã tha. Ngài sẽ ban ơn cho ta, nếu ta không chống lại ơn Ngài.

- Có thể như vậy. Con chưa bao giờ nghĩ như thế.

- Cha sợ trường hợp con rất khó, nhưng đừng thất vọng. Cha khuyên con nên cầu nguyện với các linh hồn Luyện ngục. Cha thường được các ngài giúp đỡ khi không còn hy vọng theo kiểu người đời thường nói. Nếu anh con ở trong số các linh hồn Luyện ngục, cha cầu xin anh con được phép làm mềm lòng con, bởi con rất yêu anh con.

- Anh con đã chết 15 năm nay làm sao còn ở trong Luyện ngục?

- Ðó là câu hỏi rất khó, cha không thể trả lời chắc chắn. Nhưng chúng ta biết chắc, Chúa thương xót vô cùng, nhất là thương những ai đau khổ, những ai bị cư xử bất nhân. Bá tước Giaxintô đã chết không kịp chuẩn bị ra trước Tòa Chúa, có thể phải đền bù bởi những tội thời niên thiếu.

Hermania đêm nay cũng như đêm các năm trước, từ khi anh bà chết, bà thức suốt đêm kỷ niệm sinh nhật của bà. Người đầy tớ đem lên chiếc đèn và đóng cửa lại rồi xuống nhà dưới. Hermania ngồi trên ghế bành, mắt lim dim hồi tưởng những năm xưa, nhất là đêm trăng người ta xử bắn anh bà. Anh bà đứng dựa vào tường, đầu ngả về một bên, có tiếng hô, một phát nổ... Nhưng kià ai vậy? Ai đang đứng trước mặt bà đây!? Bà mở to đôi mắt. Bà nghe rõ tiếng đồng hồ tích tắc trên tường, nhưng trước mặt bà có ai đứng đó. Lạy Chúa, có thật ai đứng đó không? Ðúng rồi! Chính anh, như hồi 19 tuổi, nhưng sao coi mắt anh buồn, thê thảm. Ðặt hai tay lên ngực để bình tĩnh hơn, bà hỏi:

- Có phải anh Giaxintô đây không? Anh về đây làm gì?

- Chính anh đây, anh về phàn nàn bởi người ta xử tàn ác với anh.

- Em biết, anh chết làm lòng em đau đớn vô ngần. Máu anh đòi em phải trả thù. Em phải làm sao bây giờ?

- Anh không phàn nàn về cái chết, đối với sự sống đời đời thì sự sống trên trần gian chỉ như một hạt cát trên bờ biển. Chết là bước qua bậc thềm để vào lâu đài nhà Vua Cả. Ðiều anh buồn là đứa em anh rất yêu dấu đã quên anh.

- Em quên anh?! Thử hỏi có ngày nào em không nhớ tới anh, có đêm nào em không mơ anh bị chết khổ sở. Em đã bởi anh mà bỏ hết cả tuổi hoa, bỏ hết thú vui cuộc đời, lòng em đâu còn vui khi vắng anh.

- Nước mắt và sự thất vọng của em chẳng giúp gì cho anh cả. Anh cần em cầu nguyện để đền tội cho anh. Anh ở trong Luyện ngục đền những tội chưa đền trong những năm cuối đời. Nhất là anh phải khổ bởi chết vội không kịp tha cho kẻ xử tử anh. Anh không nhớ tới gương của Chúa Kitô và của Thánh Têphanô. Anh không nhớ chúng ta phải yêu kẻ thù. Anh phải chịu khổ gấp đôi, bởi anh đã không tha và bởi em muốn trả thù cho anh. Sau thời gian dài em không tha cho họ, em cũng không cầu nguyện cho anh. 15 năm rồi, anh chờ đợi uổng công, không được một lời cầu nào trên cõi sống. Xác anh không được Giáo hội làm phép. Không Linh mục nào dâng lễ cho anh. Anh thấy vô số linh hồn lên Thiên đàng nhờ lời cầu nguyện và rước lễ cầu cho họ, còn anh phải rớt lại sau. Vào lúc cuối cùng, bước vào ngưỡng cửa đời đời, anh tự nhủ, "lời cầu của em tôi sẽ theo tôi trên nấm mộ", nhưng chỉ đêm nay anh mới được một kinh Vực sâu. Anh được phép về đây nài xin em giúp đỡ, xin em thương giúp anh được bớt phần phạt. Hãy yêu thương kẻ thù. Ôi loài hay chết trên đời không thể hiểu được những cực hình linh hồn đã thấy Chúa một chút rồi lại phải xa cách Ngài."

Nghe những lời đó, Hermania vội qùi phập xuống:

- Xin anh tha lỗi cho em, em thật tàn nhẫn với anh.

Bà khóc nức nở, tay ôm mặt. Khi ngẩng đầu lên, anh bà đã biến đi từ hồi nào. Thức trắng đêm ấy, bà cầu nguyện thiết tha như để bù lại những năm qua mà bà đã bỏ.

Bình minh sáng tỏ. Chuông nhà thờ kêu gọi giáo dân dự lễ 5 giờ sáng. Chỗi dậy, bà vội vã tới nhà thờ. Những người nhà quê ngạc nhiên thấy một bà sang trọng qùi giữa họ, lần đầu tiên trong nhiều năm nay. Lời cầu trước hết là cho những kẻ đã giết anh bà.

Sau lễ, bà xin gặp cha xứ kể lại đầu đuôi.

- Tạ ơn Chúa. Có phải bà đọc kinh Vực sâu cho anh bà không?

- Dạ phải, và anh con nói đó là kinh đầu tiên anh con được hưởng.

Sau ít ngày, Hermania đã xưng tội, rước lễ. Từ đó bà hiến thân làm việc bác ái. Bà không giàu của, nhưng những người nghèo được bà giúp đỡ luôn cảm thấy hài lòng, bởi bà  cư xử như bạn bè thân thiết. Không có tiền cho, thì bà giúp công. Chẳng bao lâu người ta coi bà như "Bà hảo tâm". Ai cảm ơn thì bà chỉ nói: "Xin cầu cho anh tôi, đừng cảm ơn tôi".

25 năm sau, cũng ngày 3 tháng 8, bà Hermania qua đời tốt lành sau khi lãnh các Bí tích cuối cùng. Bà bình tĩnh chờ đợi. Cuối cùng bà reo lên:

- Tôi thấy anh Giaxintô, anh đến với hương thơm trên trời và đưa tôi về với Chua. Anh thật hạnh phúc. Tôi với anh sẽ liên kết với nhau. Bà đã êm ái ra đi về nơi an nghỉ (Charity p. 323-332).

Ăn chay hãm mình tháo gỡ xiềng xích trói buộc linh hồn ta bởi sự kiêu căng, hà tiện, mê xác thịt, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, biếng nhác việc thờ phượng Chúa đã được tóm trong bảy mối tội đầu.

Chúng ta hãy nghe lời Ðức Mẹ hiện ra với 3 em nhỏ tại Fatima kêu gọi ăn năn đền tội tôn vinh Chúa, cầu các linh hồn, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn, những linh hồn tội lỗi cần ăn năn trở lại, những linh hồn Luyện ngục cần được cứu ra khỏi lò lửa nóng nảy hãi hùng. Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rõi các linh hồn.

TIỀN CỦA LÀM PHÚC, GIÚP VIỆC TỪ THIỆN CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Sách Huấn Ca trong Kinh Thánh Cựu Ước viết rằng:

"Nước giập tắt lửa, của làm phúc xóa các tội lỗi" (Hc 3,30). Sách ông Tôbia cũng viết: "Cầu nguyện kèm với cả chay tịnh, và làm phúc cùng với đức nghĩa, thì quí hơn là giầu có mà ở bất công. Làm phúc bố thí thì hơn tích trữ kho vàng. Bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội. Kẻ làm phúc bố thí sẽ được no nê sự sống. Kẻ phạm tội và ở bất công, chính họ là kẻ thù của mạng sống họ." (Tb 12,8-10). Ngài còn nói thêm:" Như mọi kẻ làm theo nhân nghĩa, con hãy lấy của con có mà làm phúc. Mắt con đừng ra chiều đố kị khi bố thí, đừng bao giờ con ngoảnh mặt đi trước kẻ nghèo nào, và Nhan Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh đi đối với con. Có của bao nhiêu, tùy theo số lượng, con hãy lấy mà bố thí. Có ít, con đừng sợ lấy theo số ít ấy mà bố thí. Quả đó là kho tàng con cất cho mình vào ngày túng quỡn, chật vật. Bởi chưng việc bố thí giựt con khỏi sự chết và không để lâm phải tối tăm.. Quả thế, bố thí là lễ tế tốt đối với mọi kẻ lo bố thí trước nhan Thượng đế." (Tb 4,7-11)

* Ðức Giáo Hoàng Beneđitô 13 dạy rằng: "Nếu muốn trả nợ cho chóng trong Luyện ngục, tốt hơn là nên trả ngay ở đời này bằng việc làm phúc bố thí, giúp đỡ cơ quan từ thiện bác ái".

* Ðức Giáo Hoàng Beneđitô 8 sau khi chết hiện về với Giám Mục Cadua nói rằng: "Tôi đã chết, và dù có ơn nghĩa Chúa, tôi vẫn phải chịu cực hình Luyện ngục, bởi thế xin Ðức Cha nói với Ðấng kế vị tôi là Ðức Giáo Hoàng Gioan làm phúc cho người nghèo để cứu tôi, bởi tôi không thể cứu lấy mình bây giờ". Ðức Giáo Hoàng Gioan đã làm phúc cho người nghèo khó,và Ðức Beneđitô đã được cứu khỏi Luyện ngục sớm như lòng mong ước.

Tiền bạc làm phúc cho người nghèo, cho cơ quan từ thiện bác ái giúp đền tội riêng ta, nhất là những tội lạm dụng tiền bạc, bất công của cải tư nhân hay chính phủ, và cứu rõi các linh hồn cách đắc lực.

* Thánh Bênađinô kể truyện về hai vợ chồng kia không có con. Ông bà đã làm giao kèo với nhau rằng: Nếu ai chết trước, thì người còn sống sẽ lấy phần gia tài của người chết chia cho người nghèo cầu cho linh hồn đã qua đời. Người chồng đã chết trước, nhưng người vợ chểnh mảng không giữ lời đã đoan hứa. Người chồng được phép hiện về với   Mẹ vợ, xin bà nói lại với vợ mình nhân Danh Chúa hãy mau mau thực hiện lời đoan kết xưa, nếu không phân phát của cải cho người nghèo, thì 30 ngày nữa sẽ phải chết bất ngờ. Người vợ nghe những lời   Mẹ nói cho rằng đó chỉ là mơ màng rồi bà ta không để ý tới. Ba mươi ngày qua, người đàn bà kia lên lầu có chút việc, bà đã ngã xuống qua cửa sổ chết ngay lập tức" (Purgatory p. 303-304).

Những điều đã hứa cầu nguyện dâng lễ cho ai, phải gắng thi hành kẻo phải đền trả theo sự công bằng đoan kết.

Không phải chỉ người có của mà cả người nghèo cũng có thể làm phúc bố thí tùy sức mình. Hãy nhớ đồng xu của bà góa mà Chúa Giêsu đã khen trong Phúc âm (Lc 21,3), bà còn được khen là bỏ nhiều hơn ai hết, bởi đã lấy của nuôi thân mà bỏ vào hòm khấn. Chúa cũng thương ban thưởng ngay ở đời này, có khi gấp trăm lần cho những ai biết làm phúc bố thí cứu giúp các linh hồn Luyện ngục.

* Linh mục Giacôbê Monphô, dòng Chúa Giêsu, trong cuốn sách về Luyện ngục (1605) thuật truyện  ông William Friesen làm nghề in sách ở Cologne viết cho ngài như sau:

"Vào ngày nghỉ lễ, con có giờ rảnh đọc quyển sách Luyện ngục cha gửi để in. Ðang khi đọc say mê, có người đến báo tin rằng, đứa con út của con năm nay 4 tuổi bị bệnh gần chết, bác sĩ bảo khó có thể cứu sống nó được. Làm sao bây giờ? Tự nhiên con nghĩ đến đi khấn các linh hồn. Con đã chạy đến nhà thờ và khấn ngay. Nếu con con khỏi chết, con sẽ phân phát 100 quyển sách Linh hồn Luyện ngục để xin các Linh mục cổ động việc cứu giúp các linh hồn. Dù ơn con xin khó được nhận, nhưng khi trở về nhà, lạ lùng, thấy cháu đã bớt và đòi ăn, hôm sau nó khỏi hẳn và chạy chơi như không có bệnh gì. Hết lòng vui mừng tạ ơn các linh hồn, con đã giữ lời và đem 100 quyển sách đi biếu các cha, nhờ các ngài phân phát cho giáo dân.

Ba tuần sau, lại đến lượt nhà con ngã bất tỉnh, rồi bị cấm khẩu không nói năng gì. Thuốc thang vô ích. Cha xứ đã đến xức dầu và yên ủi con chịu khó vâng theo Ý Chúa, nếu bạn con có mệnh hệ nào! Con lại chạy đến với các linh hồn Luyện ngục. Vào nhà thờ như lần trước, con hứa sẽ biếu 200 cuốn sách Linh hồn Luyện ngục. Khi con vừa về đến nhà, đứa con ở đã vội báo tin "bà bớt rồi, bà nói được vài câu". Dần dần vợ con đã khỏi hẳn. Có Chúa làm chứng, con xin kê khai những điều trên là sự thật" (Charity p. 154).

* Thánh nữ Têrêxa   Mẹ kể chuyện một người nhà giầu kia đã giúp của xây nhà dòng. Chết rồi ông phải vào Luyện ngục, nhưng Chúa phán với bà Thánh rằng: "Hỡi Têrêxa, người ấy giầu của mà gần mất phần rõi. Nhưng bởi nó đã giúp của cho dòng con, nên Cha thương, dầu vậy, linh hồn nó chỉ được ra khỏi Luyện ngục khi nào Thánh lễ Misa đầu tiên được dâng lên Cha trong Nhà nguyện Tu viện mới của con". Vào cuối Thánh lễ đầu tiên ấy, bà Thánh đã thấy linh hồn người nhà giầu sáng láng bay về Thiên đàng.

LÃNH ÂN XÁ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Ðiều thuộc đức tin là: Giáo hội có quyền ban Ân xá. (D. 989,998).

Ân xá là ơn Giáo hội ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Ðức   Mẹ và các Thánh, để tha hình phạt tạm người ta phải chịu bởi những tội đã được Chúa tha.

Ân xá có hai loại: Ðại xá (tha hết), và Tiểu xá (tha một phần).

Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo Luật 994).

Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:

1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm (Tông huấn Ân xá số 26).

2. Phải xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, hay một kinh nào tùy lòng đạo đức mọi người. Khi viếng nhà thờ để lãnh đại xá sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin kính.

Bà Thánh Brigitta nói: "Ai lãnh được một đại xá trước khi chết, thì sẽ được tha thứ và được rước vào Thiên đàng ngay, như khi vừa lãnh Bí tích Rửa tội mà chết vậy".

Ngày 1.1.1967, Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mọi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24).

Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24,3).

Sau đây xin kể những kinh, những việc có đại xá, tiểu xá:

1. CÁC KINH CÓ ÐẠI XÁ (theo số trong Tông huấn)

22. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay sau khi Rước lễ các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương khó. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

26. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội vào ngày lễ kính Trái Tim Chúa  để đền tạ Chúa. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

27. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng, là Ðấng đã chuộc tội loài người ta vào ngày lễ Chúa Giêsu Vua. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

48. Ðọc chung và suy ngắm 50 kinh Mân côi trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện công, hoặc với gia đình, cộng đồng tu trì, hay hội đạo đức. Ngoài ra chỉ được tiểu xá.

59. Hát kinh "Ðây Nhiệm tích vô cùng cao quí" tối Thứ Năm Tuần Thánh và lễ Mình Thánh Chúa. Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá.

60. Hát kinh Tạ Ơn Chúa (Te Deum) chiều ngày cuối năm. Hát lúc khác chỉ được tiểu xá.

61. Hát kinh Ðức Chúa Thánh Thần (Veni Creator) ngày đầu năm mới và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các lúc khác chỉ được tiểu xá.

2. CÁC VIỆC CÓ ÐẠI XÁ

3. Viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.

11. Viếng một trong bốn đại Thánh đường Rôma vào lễ Bổn mạng đại thánh đường ấy, hoặc tùy chọn một lần trong năm.

12. Lãnh phép lành Ðức Giáo Hoàng ban cho Rôma và thế giới (dù qua radio, TV).

13. Viếng nghĩa địa cầu hồn trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. Viếng các ngày khác chỉ được tiểu xá.

17. Thờ lạy và hôn kính Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần thánh theo nghi lễ Giáo hội.

23. Dự nghi lễ bế mạc Ðại Hội Thánh Thể.

25. Cấm phòng ba ngày trọn.

28. Giờ nguy tử, dù không thể có Linh mục tới ban các Bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo hội cũng ban đại xá cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinh cầu nguyện (trường hợp này thói quen đó thay ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Ðức Giáo Hoàng). Người nguy tử hôn kính tượng Thánh giá, giục lòng ăn năn tội để lãnh đại xá.

35. Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo Ðức Giáo Hoàng hay Ðức Giám Mục đã làm phép (để tôn kính, lần hạt...) vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, và đọc bản tuyên xưng Ðức Tin (kinh Tin kính). Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo do Linh mục làm phép chỉ được tiểu xá.

41. Nghe vài bài giảng trong kỳ có Linh mục tới giảng đại phúc, cấm phòng và dự nghi lễ trọng thể bế mạc. Nghe các bài giảng lúc khác chỉ được tiểu xá.

42. Người Rước lễ lần đầu và những người dự Thánh lễ ấy.

43. Linh mục dâng lễ đầu tay trọng thể và những người dự lễ ấy.

49. Linh mục tuyên hứa lại trung thành với Ơn gọi tu trì và những ai dự lễ trọng kỷ niệm 25, 50, 60 năm thụ phong Linh mục.

50. Cung kính đọc Kinh Thánh đủ nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.

63. Viếng và suy gẫm đủ 14 đàng Thánh giá. Ði từng nơi, nếu ít người.

65. Viếng nhà thờ giáo xứ ngày lễ Bổn mạng nhà thờ ấy, hoặc ngày 02 tháng 8 (ngày đặc ân Portiuncula của nhà thờ Thánh Phanxicô tại nước Ý).

66. Viếng nhà thờ, hoặc bàn thờ ngày được làm phép hiến thánh.

67. Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện công hay bán công vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ các Thánh để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

68. Viếng nhà thờ, nhà nguyện dòng ngày kính Vị Thánh Sáng lập.

69. Dự một nghi lễ tại nhà thờ trong thời gian Ðức Giám Mục hay Ðại diện thăm mục vụ Giáo xứ. Nếu chỉ viếng nhà thờ trong thời gian đó thì được tiểu xá.

70. Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tich Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội theo quãng Giáo hội quen dùng (từ bỏ ma quỉ, tin kính Thiên Chúa). Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá.

3. CÁC KINH CÓ TIỂU XÁ

2. Kinh Tin, Cậy, Mến, và ăn năn tội.

6. Kinh Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người.

9. Kinh Ðức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin, hoặc Lạy Nữ vương Thiên đàng.

10. Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô.

16. Kinh Tin kính các Thánh Tông đồ (Tôi tin kính ÐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất).

19. Kinh Vực sâu.

29. Kinh Cầu Tên Ðức Chúa Giêsu, kinh Cầu Trái tim Chúa, Máu Thánh Châu Báu Chúa, kinh Cầu Ðức Bà, kinh Cầu ông Thánh Giuse, kinh Cầu Các Thánh.

30. Kinh Ngợi khen (Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa).

32. Kinh Hãy nhớ (Lạy Thánh Nữ Ðồng trinh Maria là   Mẹ rất nhân từ).

33. Thánh vẹnh Thống hối 50.

37. Kinh cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ (được giáo quyền chuẩn nhận).

38. Dùng ít phút cầu nguyện thầm trong trí.

39. Lời nguyện cho Ðức Giáo Hoàng (Ta hãy cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng...).

44. Cầu nguyện cho Giáo hội hợp nhất (theo bản kinh được chấp nhận).

46. Lời cầu nghỉ yên (Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy).

51. Kinh Lạy Nữ vương (Lạy Nữ vương  Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống).

54. Tôn kính Thánh theo ngày chỉ trong lịch Công Giáo (đọc lời nguyện theo sách lễ, hoặc đọc kinh kính vị Thánh ấy).

57. Kinh Trông cậy (Chúng con trông cậy rất Thánh Ðức Mẹ Chúa Trời).

4. CÁC VIỆC CÓ TIỂU XÁ

1. Tiểu xá ban chung cho tín hữu nào trong khi làm việc bổn phận và chịu gian nan ở đời, hướng tâm trí lên cùng Chúa, khiêm nhường trông cậy thầm đọc một lời cầu xin (để giữ và gia tăng sự kết hợp với Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:

Matthêu 7,7-8 "Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở".

Matthêu 26,40 "Tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ",

1 Corinhtô 10,31 "Dù anh chị em ăn uống hay làm việc gì, nhớ làm bởi vinh Danh Chúa".

Công đồng Vaticanô 2, Hiến chế Giáo hội số 41, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 4 cũng khuyên những lời tương tự.

2. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:

Matthêu 25,35-36 "Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn... Khi Ta yếu ngươi đã thăm viếng".

1 Gioan 3,17-18 "Ai có của, khi thấy anh chị em mình túng cực mà khóa lòng lại, hỏi kẻ ấy có thật lòng yêu mến Chúa chăngì"

Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 8, số 31, Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay số 93 cũng khuyên những lời tương tự.

3. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ sở như Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:

Luca 9,23 "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta".

Thư Roma 8,13 "Nếu bởi tinh thần, anh chị em giết chết việc xác thịt, anh chị em sẽ được sống".

Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Huấn luyện Linh mục số 9, Hiến chế Giáo hội số 10, số 41 cũng có những lời khuyên tương tự.

15. Rước lễ thiêng liêng (Lạy Ðức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con...)

20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công Giáo.

34. Tham dự làm Tuần Chín tại nhà thờ trước lễ Sinh nhật Chúa, lễ Hiện Xuống, lễ   Mẹ Vô Nhiễm.

45. Dự Cấm phòng tháng.

55. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và con và Thánh Thần Amen.

 * Thánh nữ Madalena đệ Pazzi và các nữ tu dòng bà rất nhiệt thành lãnh ân xá cho các linh hồn. Trong truyện về thánh nữ, linh mục Cepari kể rằng: Thánh nữ đã giáo huấn, chăm sóc cho một nữ tu trong dòng người rất đặc biệt. Khi nữ tu qua đời, xác còn để trong nhà thờ như thói quen. Thánh nữ được ơn xuất thần, thấy linh hồn nữ tu bay về Thiên đàng tràn ngập niềm vui. Thánh nữ giơ tay chào rằng: "Tạm biệt, chị bay về Thiên đàng như chim bồ câu đẹp đe?, chúng tôi còn phải ở 'chốn khách đầy này'. Ôi chị đẹp chừng nào, ai có thể tả được vinh quang Chúa ban để thưởng công nhân đức của chị? Chị ở trong Luyện ngục không bao lâu, xác chị chưa chôn xuống đất mà hồn chị đã lên Thiên đàng. Giờ đây chị thấy đúng như lời tôi đã nói trước với chị: Tất cả những đau khổ ở đời này không thể sánh được với những vinh quang Chúa dành cho các bạn hữu của Người". Cũng trong lần ngất trí này, thánh nữ đã được biết linh hồn nữ tu chỉ phải qua 15 giờ trong Luyện ngục, bởi nữ tu đã phải chịu nhiều đau khổ ở đời này, và bởi nữ tu đã cẩn thận lãnh nhận những ân xá Giáo hội ban cho các con cái mình nhờ công nghiệp Chúa Kitô.

* Thánh nữ Têrêsa   Mẹ đã viết trong tác phẩm của người, ca tụng giá trị cao nhất trên những ân xá nhỏ nhất Giáo hội ban phát. Thánh nữ kể rằng: Một nữ tu dòng bà sống một đời bình thường, nhân đức bình thường như bao nữ tu khác. Nữ tu này qua đời, và thánh nữ rất ngạc nhiên thấy linh hồn nữ tu về Thiên đàng ngay sau khi chết, đến nỗi thánh nữ tưởng rằng không có Luyện ngục. Khi thánh nữ Têrêsa bày tỏ sự ngạc nhiên này, Chúa đã cho bà biết: BỞI nữ tu này khi còn sống đã hết sức cẩn thận lãnh nhận các ân xá Giáo hội ban, nhờ phương thế này, nữ tu được tha hết các nợ nần phải trả ngay trước khi qua đời, nữ tu được coi như thật trong sạch trước tòa Chúa phán xét (Purgatory p. 255).

* Tại thành phố Venexia nước Ý, một Linh mục chủ tâm đi viếng nhà thờ Assisi để lãnh đại xá Giáo hội ban, trên đường đi, ngài bị bệnh phải vào trọ tại nhà một Linh mục bạn. Thấy mình sắp chết, ngài xin cha bạn tiếp tục viếng nhà thờ Assisi thay mình để được ơn giải thoát khỏi Luyện ngục sớm. Rồi Linh mục ấy qua đời. Cha bạn chần chừ chưa đi viếng nhà thờ Assisi như lời hứa. Một hôm Linh mục đã chết hiện về rất đau đớn phàn nàn với Linh mục bạn: Tại sao còn chần chừ chưa đi viếng nhà thờ để lãnh đại xá cứu mình, và xin cha bạn viếng càng sớm càng tốt. Cha bạn thu xếp công việc và lên đường ngay. Khi viếng xong, cha đã chết cũng được tha khỏi Luyện ngục, ngài hiện về sáng láng như ánh mặt trời cảm ơn cha bạn, rồi bay thẳng về Thiên đàng (Charity p.147).

Chúng ta nên sốt sắng và siêng năng lãnh đại xá, tiểu xá để cứu cha   Mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn hữu chúng ta và cứu các linh hồn, nhất là các linh hồn mồ côi. Chúa đã phán: "Các con đong cho ai đấu nào, người ta sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy" (Mt 7,22).

Nay ta cứu người, mai người cứu ta.

DỰ LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Chúa Giêsu phán với Thánh nữ Getruđê rằng, "Vào giờ chết, Cha sẽ sai nhiều Thánh đến an ủi giúp đỡ những ai siêng năng sốt sắng tham dự Thánh lễ khi còn sống".

Trong Thánh lễ, Giáo hội dâng nhiều lời cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm và các tín hữu trên thế giới, cho những ai đang dự lễ, những ai dâng của lễ và những người đang an nghỉ trong Chúa Kitô chờ ngày sống lại. (Charity p. 186).

Công đồng Trentô xác quyết rằng, "Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, nhưng lời cầu nguyện giá trị nhất chính là Thánh lễ Misa".

Công đồng còn dạy thêm rằng: "Thánh lễ Misa ngày nay Linh mục thay Chúa dâng trên bàn thờ không đổ máu, cũng chính là Thánh lễ hy sinh xưa Chúa Kitô dâng mình trên bàn thờ thập giá với máu đổ chan hòa. Thánh lễ hy sinh này đền bù mọi tội lỗi, mà không phải chỉ đền bù cầu khẩn cho người sống, mà còn được dâng lên để đển bù cầu khẩn cho những người đã chết trong Chúa Kitô nhưng chưa được thanh tẩy vẹn toàn. Đây là thói lành từ thời các thánh Tông đồ truyền lại" (D. 940).

* Thánh Tôma Aquinô cũng dạy rằng, "Không có hy sinh nào giải cứu các linh hồn Luyện ngục bằng hy sinh của Thánh lễ Misa".

* Thánh Chrisôtômô viết: "Khi lễ Misa được cử hành ở trần gian, các Thánh trên trời xuống mở cửa Luyện ngục".

* Thánh Augustinô viết: "Chúng ta không thể nghi ngờ rằng, những lời cầu nguyện của Giáo hội, thánh lễ Misa, việc chia sẻ của bố thí chỉ cho các người đã qua đời có sức cứu các linh hồn này lắm, có sức làm cho Thiên Chúa cư xử nhân từ với họ hơn là tội họ đáng phạt. Đó là những điều thường thực hành trong Giáo hội, những thực hành có từ thời các giáo phụ ban đầu, từ các tông đồ" (Purgatory p. 195).

* Thánh nữ Monica,   Mẹ thánh Augutinô, khi sắp chết chỉ xin các con nhớ tới   Mẹ nơi bàn thờ. Thánh Augutinô đã viết điều này trong sách "Tự thuật". Ngài xin các độc giả cùng nhớ tới   Mẹ ngài khi dâng lễ.

* Thánh nữ Isave Hoàng hậu nước Bồ có một công chúa tên là Constance qua đời đột ngột. Công chúa đã được hiện về với một thầy ẩn tu ở tỉnh Santarem. Thầy vội chạy đi tìm thánh nữ báo tin công chúa của người hiện đang bị giam phạt ở tầng sâu trong Luyện ngục, và còn phải giam ở đó lâu dài, chịu những hình phạt khủng khiếp. Nhưng công chúa sẽ được giải thoát, nếu có linh mục dâng thánh lễ chỉ cho linh hồn công chúa trong vòng một năm. Khi nghe thế, các cận thần quanh thánh nữ hoàng hậu phì cười, cho là ông thầy điên, ăn nói xằng bậy. Nhưng thánh nữ quay sang hỏi đức vua, đức vua trả lời: ông tin điều đó là đúng. Linh mục Ferdinand Mendez được mời dâng lễ cho công chúa hằng ngày.

Sau một năm, công chúa đã hiện về sáng láng cùng   Mẹ nói rằng: "Mẹ ơi, hôm nay con được ra khỏi Luyện ngục để vào Thiên đàng". Cảm động vô ngần, thánh nữ Isave vội đi vào nhà thờ dâng lời cảm tạ Chúa. Thánh nữ đi tìm cha Mendez, ngài nói, hôm qua ngài đã dâng xong 365 thánh lễ như đã được chỉ định. Thánh Isave hiểu là Chúa đã giữ lời hứa với thầy ẩn sĩ. Thánh nữ đã phân phát nhiều của cải cho người nghèo khó để tạ ơn Chúa.

* Thánh Benađô kể: Có một tu sĩ đã chết hiện về với một anh em dòng của người, cảm ơn đã cứu mình khỏi bị giam lâu trong Luyện ngục. Khi hỏi bởi lý do nào mà được giải cứu, linh hồn ấy chỉ về phía bàn thờ nói rằng, "Đây chính là "khí giới ơn thánh" cứu rõi chúng tôi".

* Thánh Gioan Vianey xứ Ars bên nước Pháp, một hôm kể trong lớp giáo lý truyện sau: Chắc các con còn nhớ, một lần cha đã kể về một linh mục thánh thiện, có lẽ được Chúa cho biết bạn ngài đang bị giam trong Luyện ngục. Linh mục ấy muốn cứu người bạn. Ngài nghĩ rằng không có gì cứu nhanh hơn là Thánh lễ Misa, nên ngài lo liệu dâng lễ sớm. Trước khi dâng lễ, ngài thưa với Chúa đơn sơ như trẻ nhỏ nói với cha Mẹ rằng: "Lạy Cha chí thánh hằng có đời đời, con xin đánh đổi như sau: Cha đang giữ linh hồn bạn con trong Luyện ngục, còn con có thể đổi tấm bánh nên Mình Thánh Chúa Giêsu, bây giờ xin Cha tha cho bạn con ra khỏi Luyện ngục, và con sẽ dâng cho Cha mọi công nghiệp Chúa Giêsu Con Cha đã chịu nạn chịu chết". Sau khi truyền phép, ngài nâng Mình Thánh Chúa lên, ngài đã thấy linh hồn bạn ngài lên Thiên đàng.

* Thánh Laurensô Justianô nhận xét rằng: "Một Thánh lễ Misa có giá trị cứu rõi hơn mọi việc đền tội của cả thế giới. Bỏ lên hai đĩa cân, một bên là Thánh lễ, bên kia là các việc đền tội ăn chay bố thí của chúng ta xem bên nào nặng hơn?"

* Á thánh Henry Suso và linh mục bạn, khi cả hai còn sống đã làm lời đoan kết với nhau rằng: "Nếu ai chết trước thì người còn sống sẽ dâng mọi tuần hai thánh lễ trong đủ một năm cầu cho người chết trước". Sau ít năm, cha bạn qua đời, Thánh Suso ngày nào cũng cầu nguyện rất sốt sắng, lại thêm ăn chay và những việc đền tội khác, bởi chưa thể dâng lễ cầu cho cha bạn ngay như đã hứa. Sau ít ngày, cha bạn hiện về với vẻ mặt buồn bã trách móc nặng lời rằng: "Ôi ông bạn bất trung, sao ông không giữ lời hứa đã đoan kết với tôi ngày trước?" Thánh Suso trả lời rằng mình đã cầu nguyện và dâng rất nhiều hy sinh hãm mình, nhưng người chết nói: "Lời cầu của ông rất đẹp lòng Chúa, nhưng không có hiệu lực giải cứu tôi. Rồi người đó đập bàn la lên: "Máu! Máu! Những linh hồn đau khổ như chúng tôi cần máu, Máu Chúa Giêsu dâng lên trong Thánh lễ cầu cho chúng tôi sẽ giải thoát chúng tôi khỏi cực hình, nếu ông dâng lễ như đã hứa với tôi thì tôi đã được giải thoát khỏi Luyện ngục cực dữ rồi, bởi ông chậm trễ mà tôi còn chịu khổ, hãy dâng lễ cầu cho tôi, những lễ ông đã hứa với tôi" (Charity p. 191).

* Thánh Giêronimô dạy rằng, " Các linh hồn trong Luyện ngục được giải thoát ngay khi linh mục dâng lễ cầu cho họ và các giáo dân xin lễ hoặc dự lễ cầu cho họ."

Chúng ta hãy sắp xếp thời giờ, siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày hoặc nhiều ngày trong tuần để cầu cho các linh hồn. Đó là việc quan trọng, thánh thiện tôn vinh danh Chúa, ích lợi cho phần rõi ta, và cứu rõi các linh hồn đang đau khổ trong Luyện ngục.

RƯỚC LỄ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Bởi lòng yêu thương các linh hồn, trước khi chịu chết chuộc tội, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Mình Thánh để ở lại yên ủi dẫn dắt chúng ta về trời. Ngài cho phép chúng ta được rước Ngài như của ăn uống để nên một với chúng ta trong tình yêu. Thánh Têrêxa Chúa Hài Đồng đã nói: "Lạy Chúa, không phải bởi thích ở trong bình vàng bình bạc mà Chúa ở lại trần gian, nhưng chính là bởi Chúa muốn ở trong tâm hồn các bạn của Chúa". Chúng ta hãy năng cầu nguyện với Chúa trong tâm hồn mình, và cầu xin Chúa giải thoát các linh hồn Luyện ngục.

Giáo lý Công đồng Trentô dạy hai cách rước lễ:

1. Rước lễ cách Bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể.

2. Rước lễ cách thiêng liêng bởi giục lòng tin cậy kính mến ước ao rước Chúa Giêsu vào lòng.

Luật Giáo hội ngày nay ban phép cho giáo dân mọi ngày được Rước Lễ cách Bí tích hay rước lễ thật một lần, nếu dự thêm lễ nữa được rước lễ thêm lần nữa (GL.917) và một lần thứ ba nếu rước lễ như của ăn đàng khi gần chết (GL.921,2).

Rước lễ thiêng liêng bao nhiêu lần trong một ngày cũng được.

Rước lễ sinh muôn vàn ơn ích, bởi được kết hợp Chúa và kết hợp với nhau  trong Giáo hội, được xóa bỏ các tội nhẹ và thêm ơn thánh hóa, được thêm sức chống trả chước cám dỗ và sửa nết xấu, nhất là được bảo đảm sự sống đời đời.

* Một lần thánh Raymunđô dâng lễ có bà thánh Catarina Siena tham dự. Sau khi truyền phép, bà khát khao rước Chúa quá sức, nên khi Thánh Raymunđô bẻ Mình Thánh và bỏ phần nhỏ vào chén Máu Thánh, Ngài thấy nửa kia biến đâu mất. Hoảng sợ ngài quay tìm chung quanh xem Mình Thánh rơi chô nào, nhưng Thánh Catarina thưa rằng:     "Chúa đang ngự trong miệng con." Bởi bà bị bệnh hay ói, nên không được phép rước Chúa. Bà khát khao, bà không thể chịu bệnh nếu thiếu Mình Thánh Chúa, nên Chúa đã làm phép lạ để đến với bà.

* Chân phúc Angela thú nhận, bà không thể chịu những nỗi khổ trên đời, nếu Chúa Giêsu không dạy cách Rước lễ thiêng liêng.

* Bà Đáng kính Gioanna Thánh giá được Chúa phán rằng: "Mỗi khi bà rước lễ thiêng liêng, Chúa ban ơn cho bà như khi bà rước lễ thật vậy".

Giáo hội cũng ban ân xá cho những ai rước lễ thiêng liêng (Tông huấn Ân xá số 15 của Đức Giáo hoàng Phaolô 6).

Việc rước Mình Thánh Chúa còn sinh ơn ích cứu rõi các linh hồn trong Luyện ngục.

* Thánh nữ Gêtruđê cứu rất nhiều linh hồn Luyện ngục, bà thánh thích nhất là những ngày được rước lễ. Thời đó giáo dân chưa được phép rước lễ hằng ngày. Một lần Chúa phán với Thánh nữ: "Làm sao Cha từ chối lời con cầu xin cho các linh hồn Luyện ngục trong những ngày con rước lễ được, bởi con là bạn trăm năm của Cha".

* Khi thánh nữ Mađalena de Paoãi  thấy linh hồn em mình đang chịu đau khổ trong Luyện ngục, bà cảm kích, chan hòa nước mắt kêu than: " Ôi linh hồn khốn cực chừng nào, ôi hình khổ dữ dằn chừng nào, sao người ta không hiểu điều đó và không chịu vác thánh giá mình khi còn sống ở đời này? Em ơi, sao khi còn sống em không nghe lời chị khuyên và bây giờ em nóng lòng muốn chị nghe lời em van xin. Em xin chị điều gì đây? Bà thánh lắng nghe đếm tới số 107, bà nói lớn, đó là 107 lần Rước lễ mà em tôi xin phải không? Được, chị sẽ Rước lễ, nhưng than ôi, thời gian dài chừng nào. Lạy Chúa tôi, nếu Chúa cho phép, chị sẽ xuống Luyện ngục để giải thoát em, và tránh cho những người khác khỏi phải xuống nơi này".

* Cha Đáng kính Lui Blosio thuật truyện một linh hồn Luyện ngục quanh mình đầy lửa nóng rát rúa quá sức hiện về với ngài lúc giáo dân rước lễ và nài xin rằng: "Xin ngài bởi lòng kính mến Chúa và lòng thương các linh hồn làm ơn rước lễ chỉ cho tôi một lần, nhưng dọn mình thật sốt sắng trước khi rước lễ, có như vậy, tôi sẽ được ra khỏi chốn nóng nảy đau đớn tôi đang chịu bởi tội thờ ơ với Bí tích Mình Thánh Chúa khi  còn sống". Cha Đáng kính Lui đã sốt sắng rước lễ chỉ cho linh hồn ấy, và ngài đã thấy linh hồn bay vào Thiên đàng.

Chúng ta hãy siêng năng và sốt sắng dọn linh hồn bằng lòng tin cậy kính mến, khiêm nhường, nhất là cậy nhờ Đức Mẹ giúp ta dọn mình và cảm ơn Chúa để được nhiều ơn phúc cứu rõi các linh hồn Luyện ngục.

XIN LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Giáo hội dâng lễ Misa như Chúa Kitô đã dạy để "loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến" (Lời tung hô sau truyền phép). Thánh lễ cũng được dâng lên để thờ phượng Chúa, tạ ơn Chúa, đền bù tội lỗi nhân loại và cầu xin ơn phúc cho Giáo hội và thế giới (Giáo lý Công Giáo). Chủ tế đích thực và Lễ vật dâng lên trong Thánh lễ để "tôn vinh Danh Chúa, mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người" (Lời Tiền tụng Thánh lễ) là chính Chúa Kitô Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

Công Đồng Trentô dạy rằng, "Thánh lễ Misa không những ca tụng Chúa, mà còn là lễ đền tội cho người sống và cho người đã qua đời" (Khóa 22, chương 2). "Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi tớ nam nữ  mà Chúa đã gọi ra khỏi thế gian, xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người" (Lời Tiền tụng Thánh lễ).

* Thánh Benađô thuật truyện về Thánh Malaki, Tổng Giám Mục Armagh, nước Ái nhĩ lan đã dâng nhiều Thánh lễ cho linh hồn chị mình. Tưởng thế là đủ, ngài không dâng nữa. Ba mươi ngày sau, ngài nghe tiếng chị khóc trong phòng mặc áo lễ. Bà than rằng, bà "đã chờ 30 ngày mà không được giúp đỡ". Ngài tiếp tục dâng lễ cầu cho chị rồi thấy chị mặc đồ đen. Ngài lại tiếp tục dâng lễ cầu cho chị tới khi thấy chị vào Thiên đàng cùng với một số rất đông linh hồn đước giải thoát trong ngày hôm ấy (Charity p.199).

* Thánh Nicholas thành Tolentino thấy vô vàn linh hồn Luyện ngục ở trong một cánh đồng hợp nhau lại van xin ngài dâng lễ cầu cho họ. Sau 8 ngày dâng lễ, ngài được biết các linh hồn ấy đã được giải thoát khỏi Luyện ngục (Charity p.204).

* Thánh Antôn Padua kể rằng Chân phúc Gioan Alverina một lần dâng Thánh lễ vào ngày lễ Các Thánh. Sau khi truyền phép, ngài cầm Mình Thánh Chúa trong tay và khẩn khoản nài xin Chúa bởi công nghiệp Chúa Giêsu xin cứu các linh hồn Luyện ngục. Ngài được thấy một số rất đông linh hồn từ Luyện ngục bay lên như những tia sáng phát ra từ lò lửa về hướng Thiên đàng (Charity p.204).

* Theo Thánh Tôma Aquinô: "Khi Linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn nào, dù ngài đọc bài lễ kính Đức Mẹ, lễ kính các Thánh, lễ cầu hồn hay bài lễ nào đi nữa, thì công phúc của Thánh lễ cũng như nhau. Nhưng nếu ngài đọc bài lễ cầu hồn thì công phúc được đặc biệt hơn, bởi Giáo hội đã dọn riêng những lời cầu nguyện và bài đọc chỉ cho người quá cố" (Charity p.215).

* Thánh Vincentê Ferier, một linh mục rất nổi tiếng Dòng thánh Đaminh đã giảng nhiều lần về chân lý Tòa Chúa phán xét. Ngài có một cô em khá cứng lòng, chẳng hề lay động trước lời giảng và gương thánh thiện của anh. Tâm hồn cô em này đầy ắp tinh thần thế tục, bị nhiễm độc về các thú vui ở đời, và bước đi trên con đường diệt vong. Trong khí đó, thánh Vincentê tha thiết cầu cho em được ơn trở lại, sau cùng lời cầu của ngài đã được nhận lời. Cơn bệnh chín chết một sống kéo đến với cô cứng đầu này. Giờ chết gần tới, cô được ơn sám hối chân thành và xưng thú hết tội lỗi. Chết được ít ngày, cô hiện ra với thánh Vincentê anh khi ngài đang dâng thánh lễ, mình quấn đầy lửa bừng bừng và là miếng mồi của các hình phạt. Bà nói:"Ôi anh ơi, em bị luận phạt chịu cực hình trong Luyện ngục đến ngày tận thế, nhưng anh có thể giúp em, xin anh dâng cho em 30 thánh lễ, như thế em có thể hy vọng được kết quả hạnh phúc nhất". Thánh nhân lập tức thu xếp để dâng cho em các thánh lễ như em xin. Ngày thứ ba mươi, cô em lại hiện ra, nhưng lần này có các thiên thần vây quanh và cô hớn hở đi về Thiên đàng. Ôi thánh lễ Misa có giá trị vô cùng, đã giải cứu linh hồn sau ba mươi ngày thay cho hàng bao thế kỷ (Purgatory p. 96-97).

* Có người như ông Pasqualigo còn chủ trương rằng THÁNH LỄ HÁT cầu cho người đã chết lại gia tăng hiệu quả  đặc biệt hơn nữa, bởi không những có Linh mục mà có cả giáo dân cũng thông phần hợp lời cầu nguyện cách trọng thể hơn (Charity p.222). Giáo hội đặt ra những lời ca hát không phải để cộng đoàn vui vẻ, hay cá nhân người xin lễ tự hào, mà để những lời van xin làm vui lòng Chúa hơn và ý chỉ xin lễ dễ được chấp nhận hơn.

Người ta cũng có thể xin dâng lễ để CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÒN SỐNG VÀ CHO CHÍNH MÌNH. Thánh Leonard Maurice khuyên người ta dâng Thánh lễ cầu cho  mình khi còn sống, tốt hơn là sau khi qua đời, bởi những lý do sau đây:

1. Dâng lễ khi còn sống, chính mình được tham dự để xin ơn phúc.

2. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu là kẻ có tội, hy vọng sẽ được lòng thương xót Chúa ban ơn ăn năn xưng thú đền bù, dù mình không đáng. Chết rồi và đã xuống Hỏa ngục thì không còn cứu vãn cách nào nữa, dù có dâng cả ngàn lễ cũng không đổi được số phận đời đời.

3. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống để xin ơn chết lành, sẽ được Chúa phù hộ trong giờ chết nhờ ơn phúc Thánh lễ.

4. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, ơn phúc vẫn còn, và nếu có phải vào Luyện ngục, ngày giờ trong ấy sẽ được rút vắn hơn. Chết rồi mới được dâng lễ cầu cho thì linh hồn đã phải đợi chờ khốn khổ.

5. Dâng lễ cầu cho chính mình khi còn sống làm vinh Danh Chúa hơn. Khi dâng lên Chúa tiền bạc Chúa đã ban cho, ta được công từ bỏ của cải. Chết rồi tiền bạc về tay con cái họ hàng, mấy ai lo cứu giúp ta, đâu họ có cảm thấy nỗi khổ sở nóng nảy của ta mà cứu giúp mau chóng.

6. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình có ơn nghĩa Chúa thì được phần thưởng gấp đôi, vừa được tha phạt Luyện ngục, vừa được công thưởng Thiên đàng. Chết rồi mới xin thì chỉ được tha phạt Luyện ngục, không được gia tăng công thưởng Thiên đàng.

Cuối cùng chúng ta nên biết rằng, một Thánh lễ dâng cầu cho ta khi còn sống được tha hình phạt của ta nhiều hơn là dâng nhiều Thánh lễ sau khi ta chết, bởi nếu ta làm mất lòng ai mà xin lỗi ngay thì dễ được tha hơn là chần chừ để phải xin lỗi và đền bù trước tòa án. Một lời bào chữa trước tòa án tốn phí bao nhiêu tiền bạc rồi.

Chúng ta phạm đến Chúa nhiều cách, nếu chúng ta biết đền bù bằng việc lành phúc đức, việc từ thiện bác ái, nhất là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu qua Thánh lễ thì nợ nần chúng ta được tẩy xóa. Chờ đến trước tòa án Chúa mới xin đền thì hình phạt lại nặng nề hơn.

* Thánh Anselmo dạy: "Sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống, lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời" (Charity p.226).  Chính Chúa Giêsu dạy: "Hãy làm việc khi trời còn sáng, tối rồi ai thấy đường đâu mà làm" (Ga 4,4).

* Trong các thánh lễ chỉ cho người quá cố, có thánh lễ gọi là "Lễ Ba mươi." Lễ ba mươi hay ba mươi lễ dâng liên tiếp còn gọi là "Lễ Gregoriô". Lễ này được nói tới trong cuốn sách Đối thoại của người như sau: Có một tu sĩ tên là Giuttô, đã giữ lại cho mình ba đồng tiền vàng. Đó là điều lỗi nặng phạm lời khấn khó nghèo thầy đã tuyên khấn. Nhà dòng đã khám thấy, và thầy bị phạt "dứt phép thông công". Đang khi bị hình phạt tuyệt thông này, thầy Giuttô đã qua đời. Cha viện trưởng (sau này chính là Đức Giáo hoàng Gregôriô) muốn để các thầy dòng khác kinh sợ về hình phạt tội tham lam trong đời sống tu trì, đã không cất hình phạt tuyệt thông cho thầy Giuttô. Thầy Giuttô được chôn xa nghĩa trang nhà dòng, và ba đồng tiền vàng kia người ta vứt trên mộ thầy, trong khi các thầy dòng khác lặp lại lời xưa thánh Phêrô đã nói với tên phù thủy Simon: Ngươi hãy chết với tiền bạc của ngươi.

Sau một thời gian, cha viện trơởng thấy rằng hình phạt thầy Giuttô như vậy đã đủ, người cảm kích thương linh hồn thầy Giuttô, đã tìm thầy quản lý nói cách tha thiết rằng: "Từ khi người anh em chúng ta qua đời, thầy đã phải cực hình trong Luyện ngục, trong tinh thần đức ái, chúng ta phải tìm cách cứu giúp. Xin thầy liệu cách xin dâng 30 thánh lễ liên tiếp chỉ cho thầy Giuttô, không ngày nào được cách quãng". Thầy quản lý vâng lời ngay. Ba mươi thánh lễ liên tiếp đã được dâng lên. Sau ba mươi ngày, thầy Giuttô hiện ra cùng thầy bạn là Copiosô nói rằng: Anh bạn thân yêu ơi, chúc tụng Chúa, hôm nay tôi được tha thứ và được nhận vào nước Thiên đàng cùng với các thánh". Kể từ đó, thói quen đạo đức dâng ba mươi thánh lễ liên tiếp cầu cho linh hồn đã qua đời được thiết lập và lan tràn trong Giáo hội, nhất là tại nước Ý, nước Anh và nhiều nước khác (Purgatory p. 212).

* Cũng có nơi khác kể rằng: Khi thánh Grêgôriô còn là Bề trên tu viện Bênêđictô. Một thày dòng trong tu viện ngài qua đời, các thầy tìm ra 6 cái Mẹ thầy qua đời đã giữ làm của riêng trái với luật dòng. Thầy qua đời bị phạt không được an táng theo lễ nghi. Thánh Grêgôriô bởi lòng thương linh hồn người quá cố, đã ra lệnh dâng cho thầy 30 lễ liên tiếp. Sau ba mươi ngày, thầy dòng qua đời hiện về với một thầy bạn nói rằng mình bị khổ trong Luyện ngục, nhưng đã được tha để về Thiên đàng. Khi lên ngôi giáo hoàng, thánh Grêgôriô cổ động trong Giáo hội việc dâng 30 lễ liên tiếp cho linh hồn đã qua đời. Các Đức Giáo hoàng kế tiếp cũng đã ban nhiều ân xá cho việc xin lễ như trên. (Trích Tạp chí Fatima Findings tháng 11/1989).

Ước gì các dòng có tục lệ dâng 30 lễ cầu cho linh hồn anh chị em dòng đã qua đời để linh hồn quá cố chóng được hưởng phúc trường sinh bên cạnh Cha nhân từ, Mẹ nhân ái và cộng đoàn các thánh.

VIẾNG ĐÀNG THÁNH GIÁ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Viếng Đàng Thánh Giá để tưởng nhớ Tình yêu vĩ đại của Chúa Kitô qua cuộc thương khó và chịu chết của Người nên giá cứu chuộc ta, đem lại cho ta Sự Sống muôn đời. Việc đạo đức này đã có trong Giáo hội từ thế kỷ 14 do các cha Dòng thánh Phanxicô khởi xướng. Đức Giáo hoàng Phaolô 6 đã ban một ơn đại xá cho những ai xưng tội rước lễ và đi ngắm các chặng đàng.

Viếng đàng Thánh giá đem lại nhiều ơn ích cho người sống cũng như linh hồn Luyện ngục. Nhiều người sống rất thánh thiện và chết rất thánh thiện, tưởng là được lên Thiên đàng ngay, hay chỉ phải ở Luyện ngục ít ngày, nhưng Chúa lại phán xét cách khác.

* Năm 1870 tại thành phố Malines, nước Bỉ (Bruxelles), sơ Seraphine tự nhiên bị mệt mỏi bần thần như có sức gì đè nén, ám ảnh suốt ngày, và như bị ai lôi kéo. Sau cùng, ngày 29 tháng 7 năm ấy sơ nhận được thư báo tin người cha qua đời. Sơ vẫn không hết mệt mỏi, nhức nhối và luôn nghe như có tiếng kêu: "Con ơi, thương ba, thương cứu ba".

Gần ba tháng sau, sơ bị nhức nhối hơn trước, đầu đau như búa bổ. Nằm trên giường, vừa chợp mắt liền thấy ba hiện về đứng bên cạnh giường, quanh mình lửa đỏ rực quấn chặt, vẻ mặt nặng trĩu buồn phiền. Hoảng sợ, bà sơ la lên kêu cứu, nhưng ngọn lửa vây luôn cả bà, hết đường trốn thoát.

Chiều hôm sau, khi bà qùi bên cạnh giường, đọc kinh Lạy Nữ Vương trước khi nằm ngủ, thấy ba lại hiện về như hôm trước, và tiếp tục hiện về các ngày sau. Bà sơ nghĩ, có lễ ba mình phạm tội gì bất công trong việc buôn bán, nên phải chịu phạt như vậy! Ba của bà trả lời rằng:

- Ba không làm điều gì bất công, nhưng chỉ bởi ba luôn luôn thiếu nhìn nhục, và những lỗi lầm khác ba không thể nói cho con hay được.

- Bà sơ hỏi: "Vậy ba không nhận được bao nhiêu Thánh lễ gia đình họ hàng ta đã xin cho ba sao?"

- Ông trả lời: "Có con ạ, linh hồn ba được mát mẻ nhờ sương sa từ Thánh lễ mọi buổi sáng, nhưng chưa đủ, ba thật cần có ai viếng đàng Thánh giá nữa".

Lần khác, ba của bà hiện về trách bà rằng:

- Ba đã ở Luyện ngục 6 năm rồi mà con không thương ba".

- Bà sơ trả lời: "Ba ơi, sao ba nói vậy, ba mới qua đời gần 3 tháng thôi".

-  Ồ, con không biết sự đời đời là gì cả. Linh hồn khi đã được thấy Chúa thì nóng nảy khát khao gặp lại Ngài. Ba bị án vào Luyện ngục 6 tháng, nhưng nhờ Nhà dòng con cầu nguyện liên tiếp cho ba, nên Chúa bớt cho ba một nửa thời gian. Chúa đã cho phép ba về nài xin con cứu ba. Thật vô lý khi trước ba đã ngăn cản ơn  Chúa gọi con đi tu. Bây giờ ba chỉ còn trông vào con. Mấy đứa con khác nghĩ rằng ba đã lên Thiên đàng rồi, thỉnh thoảng mới có đứa đọc cho ba một kinh vực sâu. Bà Gioanna, đầy tớ nhà ta, đã luôn luôn cầu nguyện cho ba, nhờ thế bà ta đã giúp ba bớt hình khổ.

Thật vậy, anh chị em trong gia đình tôi tưởng ba chúng tôi đã lên Thiên đàng rồi, bởi trong thư gia đình viết cho tôi có đoạn nói rằng: "Ba đã chết như một vị thánh, và bây giờ đang ở trên Thiên đàng".

- Bà sơ tiếp: "Ba ơi, con hoàn toàn làm theo lời ba xin,  ba làm phiền con chứ đừng làm phiền nhà Dòng. Con sẽ xin nhiều người cầu nguyện cho ba, cho con biết ba muốn gì?

- Ông trả lời: "Ba muốn được dâng mười Thánh lễ, và có ai năng viếng đàng Thánh giá chỉ cho ba.

Mấy hôm sau ba của bà sơ lại hiện về với vẻ mặt rất buồn, nhưng không còn bị thiêu như trước, ông phàn nàn bởi hôm qua không được mát mẻ.

- Bà sơ nói: "Ba ơi ba không biết rằng các sơ không thể đọc kinh cầu nguyện cả ngày sao, các sơ còn phải làm việc khác nữa.

- Ông trả lời: "Ba không mong họ đọc kinh cầu nguyện cả ngày, nhưng xin họ làm việc với ý chỉ cứu ba. Mọi việc dù nhỏ mọn nhất, làm khi có ơn nghĩa cùng Chúa, dâng lên Chúa, có một giá trị lạ lùng và giảm phần phạt cho chúng tôi. Nếu các sơ không cứu ba, ba sẽ làm phiền con, bởi Chúa đã cho phép ba rồi. Con ơi hãy nhớ đến hy sinh ngày con bắt đầu dấn thân vào đường tu, bây giờ con hãy tiếp tục đi cho đến cùng. Trong bồn lửa ba đang chịu, có hàng trăm người khác nữa. ÔI GIÁ NGƯỜI TA BIẾT LUYỆN NGỤC LÀ GÌ. NGƯỜI TA SẼ CHỊU MỌI THỨ KHỔ ĐỂ KHỎI PHẢI VÀO ĐẤY, VÀ NGƯỜI TA SẼ CẤP CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC. Con phải nên một nữ tu thánh thiện. Con phải trung thành giữ kỷ luật, cả những điều xem ra nhỏ mọn. Ôi Luyện ngục của nhà tu kinh hãi chừng nào!

Bà sơ được thấy khói từ bồn lửa bốc lên và thấy lưỡi ba của bà bị bỏng, và nghe ba của bà kêu khát.

Bà sơ nói với nhà Dòng, khi còn sống ba của bà đã làm những việc lành, nên Chúa cho phép hiện về với bà. Ông cũng có lòng kính mến Đức Mẹ và xưng tội rước lễ trong các ngày lễ kính Người. Ông cũng rất bác ái sẵn lòng giúp đỡ ngay khi có ai cần đến. Ông cũng đã đi từng nhà để quyên tiền giúp các bà sơ nghèo xây Tu viện (Charity p. 343-344).

Theo truyền thống từ xa xưa tới nay trong Giáo hội, các Đức Giáo hoàng như Innocentê 11, Innocentê 12, Bênêđictô 23, Clêmentê 12, Bênêđictô 14 và nhiều đấng khác ban nhiều ân xá cho những ai viếng đàng Thánh giá. Đức Phaỗ 6 đã ban đại xá cho người viếng đàng Thánh giá như nói ở phần Ân xá.

RẢY NƯỚC THÁNH CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Nước Thánh hay nước phép là nước đã được Linh mục làm phép nhân Danh Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống thể xác và linh hồn. Linh mục cầu xin Chúa ban phép lành cho nước để những ai tin tưởng mà dùng được Chúa ban ơn tha tội, được ơn chống lại bệnh hoạn và mưu kế ma quỉ (Lời nguyện khi làm phép nước). Khi giáo dân thành tâm tôn kính làm dấu Thánh giá nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần thì được ơn Tiểu xá Giáo hội ban (Tông huấn Ân xá, số 55).

Khi làm dấu Thánh giá với Nước thánh, giục lòng ăn năn tội thì được những ơn ích sau:

1. Được tha các tội mọn (do lòng ăn năn).

2. Được tha một số hình phạt tạm (do ân Tiểu xá).

3. Được sức khỏe phần xác theo Ý Chúa (do hiệu lực Nước thánh).

4. Được ơn chống cám dỗ (do hiệu lực Nước thánh).

Thánh Luca thuật lại dụ ngôn Chúa kể về người giàu và Lagiarô nghèo. Từ dưới Hỏa ngục người nhà giầu ngửa cổ lên van nài tổ phụ Abraham sai Lagiarô nhỏ xuống cho một giọt nước giải khát, nhưng tổ phụ Abraham nói là không được nữa, bởi đôi bên đang ở trong tình trạng khác, không còn giống như khi còn sống (Lc 16,24).

* Lịch sử Giáo hội Rôma cũng kể lại, nhờ rảy Nước thánh do Đức Giáo Hoàng Stephanô 6 làm phép đã giết được cả bầy châu chấu phá hại mùa màng.

* Linh mục Đắc Lộ (Alexander de Rhodes) kể rằng nhờ làm dấu Thánh giá bằng Nước thánh và rẩy Nước thánh mà các giảng viên giáo lý của ngài ở Việt nam đã được rất nhiều ơn lạ. Một lần ngài nhờ 6 giảng viên giáo lý đi thăm một làng có nhiều người bệnh, nhờ Nước thánh, họ đã chữa được 272 bệnh nhân (Charity p. 133).

Nước thánh có thể mưu ích cho người hiện ở đó mà cũng có thể mưu ích cho các linh hồn Luyện ngục. Một giọt Nước thánh nhiều khi có giá trị hơn một kinh dài, bởi nhiều khi đọc kinh dài, người ta khó cầm trí trọn vẹn được. Các linh hồn Luyện ngục khát khao Nước thánh lắm.

* Một người chết được chôn ở nghĩa địa thành Roma, nước Ý, đã chết 17 năm. Ông ta hiện về với Đấng Đáng kính Đaminh Giêsu Maria nài xin rảy Nước thánh cho mình để linh hồn ông ta được mát mẻ.

* Một thầy dòng Carmelô để sọ người trên bàn làm việc của thầy để dễ suy sự chết, một hôm thầy lấy Nước thánh rảy trên sọ ấy, liền nghe tiếng xin: "Rảy nữa! Rảy Nước thánh nữa!"

* Bà Đáng kính Mình Thánh Chúa thấy một sơ bạn đã qua đời thường hiện về xin rảy Nước thánh trên mộ mình để linh hồn được mát mẻ dưới Luyện ngục.

* Bà đáng kính Lindmayer đôi khi được Chúa nhắc cho rảy Nước thánh cho các người đã chết. Bà có thói quen rảy Nước thánh rồi mới đi ngủ. Một hôm bà vội vàng lên giường, quên rảy Nước thánh như thói quen thì nghe tiếng các linh hồn nài van, bà lập tức chỗi dậy rảy Nước thánh và không thấy tiếng kêu nài như trước (Charity 133).

Nếu các linh hồn Luyện ngục xin chúng ta một chút Nước phép để các ngài được mát mẻ, chúng ta đừng tiếc. Khi vào hay ra khỏi cửa nhà thờ đừng quên giơ tay chấm Nước phép làm dấu Thánh giá, giục lòng ăn năn tội, lãnh ân xá cầu cho các linh hồn.

Nhiều giáo dân đạo đức quen làm dấu Thánh giá bằng Nước phép trước khi ra khỏi nhà và khi trở về, khi rời khỏi phòng, trước khi đi ngủ, khi bị cám dỗ. Cha Mẹ nên dạy con cái năng dùng Nước phép để chúng được ơn  phù hộ hồn xác và cứu giúp các linh hồn Luyện ngục.

LINH HỒN LUYỆN NGỤC TRẢ ƠN ÂN NHÂN ĐÃ CỨU MÌNH

Chúa Giêsu đã phán: "Hãy dùng tiền của vô nghĩa mà mua chuộc bạn bè, để khi ngươi hết của, họ sẽ đón ngươi vào nơi ở muôn đời" (Lc 16,9).

* Thánh Anphongsô cũng dạy: "Ai cứu giúp các linh hồn Luyện ngục là những con cái rất thân thương của Chúa, người ấy có thể tin tưởng rằng mình sẽ được cứu rõi, bởi nếu một linh hồn được giải thoát nhờ lời cầu nguyện và các việc lành của ai, linh hồn được cứu sẽ cầu nguyện không ngừng cho người đã cứu mình, và Chúa sẽ không từ chối lời cầu xin của bạn thân thiết Người".

1. Các linh hồn cầu bầu cho các ân nhân trước mặt Chúa.

2. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân trong công việc làm ăn đời này.

3. Các linh hồn biết ơn các ân nhân bằng cách giúp phần rõi đời đời.

4. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân khi họ qua đời và trước tòa Chúa phán xét.

Các nhà thần học như Gregoriô, Valencia, Berlaminô, Suarez, Sylviô, và nhiều vị khác đồng ý rằng các linh hồn Luyện ngục cầu bầu cho các tín hữu cách chung, nhưng cầu bầu cho những ân nhân và thân nhân mình còn sống trên trần gian  cách riêng.

* Thánh nữ Magarita thành Cortona có lòng thương các linh hồn Luyện ngục lắm. Trong truyện đời thánh nữ, người ta kể rằng: Sau khi qua đời, thánh nữ đã thấy vô số linh hồn mà người đã cứu khỏi Luyện ngục đã mặc hình người đón linh hồn thánh nữ vào thiên quốc.

* Thánh Philip Nêri  cũng được nhiều linh hồn con thiêng liêng người hiện ra với người sau khi họ qua đời, hoặc để xin người cầu nguyện, hoặc để cảm ơn người đã cứu giúp. Khi thánh nhân qua đời, một linh mục dòng người được thấy vô số linh hồn đến vây quanh và đưa người vào Thiên đàng.

* Cha Lacordaire, một Linh mục nổi tiếng nước Pháp kể truyện sau đây trong cuốn sách Các Bài giảng về linh hồn bất tử: Một hoàng tử vô thần người Ba lan đã viết xong một quyển sách chống vấn đề linh hồn bất tử . Hoàng tử sắp cho in ra. Ngày kia, ông đang đi bộ trong công viên, một phụ nữ chạy tới qùi xuống chân ông khóc lóc: "Lạy hoàng tử, chồng tôi chết mấy ngày nay, có lễ linh hồn ông ta đang ở dưới Luyện ngục đau khổ, nhưng tôi nghèo  không có lấy một đồng để xin lễ cho linh hồn chồng tôi, xin hoàng tử giúp tôi để tôi giúp lại chồng".

Dù không tin có đời sau, hoàng tử cũng mủi lòng và đưa cho bà ta một đồng tiền vàng ông đem theo mình. Người đàn bà mau mắn  chạy đến nhà thờ xin lễ cho chồng. Ba hôm sau, vào buổi chiều, hoàng tử đang ngồi nghỉ trong phòng đọc sách vắng vẻ, bận bịu sửa chữa lần chót quyển sách nói trên, bỗng ông nghe có tiếng động đậy, vội nhìn chung quanh, ông đã thấy sừng sừng trước mặt một người ăn vận kiểu nhà quê đang đứng đó. Ngạc nhiên và tức giận, sao lại có người nhà quê vào phòng lúc này khi ông chưa cho phép. Ông đứng dậy đuổi đi ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử gọi các tôi tớ đến trách mắng tại sao lại cho người nhà quê vào phòng không xin phép trước. Các tôi tớ ngạc nhiên không biết ai đã vào phòng ông. Họ quả quyết không có khách lạ vào dinh lúc này. Hoàng tử im lặng về phòng, nhưng đinh ninh rằng "Chắc chắn có người đã vào".

Cũng cùng giờ chiều hôm trước, khi ông ta đã quên truyện ấy, người nhà quê lại hiện ra đứng trước mặt ông không nói nửa lời. Lần này hoàng tử nổi giận quát mắng xua đuổi ra ngay. Người nhà quê lại biến mất. Hoàng tử chạy tìm quanh nhà không thấy người ấy đâu. Tôi tớ xục xạo khắp chốn nhưng không ai hiểu ra sao hết. Hoàng tử bắt đầu suy nghĩ, chờ đợi.

Chiều hôm sau cũng giờ ấy, người nhà quê đến nữa, nhưng trước khi hoàng tử nổi nóng đuổi đi thì ông đã lên tiếng: "Thưa hoàng tử, tôi tới đây cảm ơn ngài, tôi là chồng của đàn bà nghèo khổ, ngài đã bố thí cho một đồng vàng để bà ta xin lễ cầu cho linh hồn tôi cách đây mấy bữa. Cử chỉ bác ái của ngài đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa cho phép tôi về đây để cảm ơn hoàng tử và quả quyết với ông rằng "có đời sau", và linh hồn người ta không chết. Hoàng tử hãy dùng ơn Chúa ban đây để lo phần rõi đời đời của mình". Nói xong người nhà quê biến đi. Hoàng tử đã chợt bừng tỉnh, ông quyết định không xuất bản quyển sách chống linh hồn bất tử nữa (Charity p. 298).

* Thánh nữ Catarina thành Bologna chứng thực rằng, bất cứ khi nào bà xin Chúa ơn gì, bà luôn nhờ các linh hồn Luyện ngục, và hầu như lần nào bà cũng được ơn xin. Bà thánh thêm rằng, nhiều ơn bà xin các Thánh không được, bà xin các linh hồn Luyện ngục lại được, bà nói: "Khi tôi muốn được ơn nào từ Cha nhân lành, tôi thường xin qua các linh hồn đau khổ trong Luyện ngục, và tôi thường được ơn tôi xin" (Charity p. 299).

* Đấng Đáng kính Frances Thánh Thể rất hay cứu giúp các linh hồn quả quyết rằng: Các linh hồn giúp đỡ bà trong mọi nơi nguy hiểm và cho bà biết ma quỉ đặt ra cạm bẫy để cám dỗ bà. Một linh hồn hiện ra nói rằng: "Quỉ dữ tìm mọi cách hại bà, nhưng đừng sợ, chúng tôi che chở bà". Linh hồn khác nói rằng: "Chúng tôi cầu cho bà hằng ngày. Khi ai nhớ tới chúng tôi, chúng tôi cũng nhớ tới và cầu bầu cho họ trước mặt Chúa, nhất là chúng tôi xin cho họ được ơn trung thành phụng sự Chúa  và được ơn chết lành" (Charity p. 299).

* Thánh nữ Brigitta, trong cơn ngất trí nghe thấy nhiều linh hồn kêu lên: Lạy Thiên Chúa Toàn năng, Chúa thưởng gấp trăm lần cho những ai giúp đỡ chúng con bằng lời cầu nguyện, bằng việc lành, để chúng con được về hưởng Tôn nhan Chúa".

* Cha thánh Gioan Vianey nói: "Các linh hồn Luyện ngục có thần thế chừng nào đối với Trái Tim nhân lành của Chúa, nếu chúng ta biết đã nhận bao nhiêu ơn lành do các linh hôn cầu bầu, ta sẽ không quên cầu cho các ngài". Thánh nhân nói thêm: "Ta phải cầu thật nhiều cho các linh hồn Luyện ngục, để các linh hồn Luyện ngục cầu nhiều cho ta" (Purgatory p. 339).

* Đấng Đáng kính Crescentia có thói quen cầu xin các linh hồn Luyện ngục giúp đỡ, và bà quyết chắc rằng bất cứ khi nào bà ước muốn được Chúa ban ơn gì đặc biệt, bà cũng được nhận lời.

* Bà Bề trên Macrina kể lại truyện này cùng Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, ngài truyền thuật lại cho mọi người nghe như sau: Năm 1843, những người bắt đạo Công Giáo thời Cêzar Nicholas nhốt chúng tôi vào tù, bắt nhịn đói và bắt uống nước pha muối, để bởi khát khô cổ mà chị em chúng tôi phải bỏ đạo. Hai ngày đầu cơn khát nước hành hạ chúng tôi khổ sở lắm, da và môi chúng tôi se lại.

Trong nơi khổ sở này, chúng tôi nhớ đến cơn khát của các linh hồn Luyện ngục nóng nảy rát rúa và khát nước hằng sống gấp bội chúng tôi. Chúng tôi liền sấp mặt xuống đất cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Chúa đã thương chúng tôi, bởi mấy ngày sau cũng bị bắt nhịn đói và uống nước muối, nhưng chúng tôi không thấy đói  khát nữa. Tới ngày thứ bảy người ta mở cửa tù ra và tưởng chúng tôi ù chạy tới vòi nước uống cho giải khát, nhưng chúng tôi lại xin chịu khát để kính 7 sự đau đớn Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc. Người quản tù ngạc nhiên và rất tức bực, lớn tiếng quát hỏi người canh tù tại sao kết quả  xảy ra trái ngược như vậy,  tại sao chúng tôi không chết, hay là chúng tôi có phù phép gì đây? Nhưng không, chính Chúa, Đức Mẹ, các linh hồn Luyện ngục đã cứu giúp chúng tôi (Charity p. 306).

* Một thiếu nữ nghèo nhưng được học  giáo lý từ ngày còn nhỏ. BỞI nhà nghèo cô phải đi ở mướn. Cô có thói lành là tháng nào cũng xin lễ cho các linh hồn Luyện ngục. Khi rời miền quê theo ông chủ lên ở tỉnh thành, cô cũng vẫn giữ thói quen đó. Hơn nữa chính cô đi dự lễ hợp lời cầu nguyện với linh mục chủ tế để cầu cho các linh hồn sắp được ra khỏi Luyện ngục. Chúa muốn thử lòng cô gái nghèo bằng một cơn bệnh. Không những cô đau đớn bởi bệnh, cô còn bị mất việc làm và tiêu xài hết cả món tiền nhỏ đã dành dụm được. Khi khỏi bệnh, túi cô chỉ còn một đồng bạc. Làm sao bây giờ? Cô ngửa mặt cầu xin Chúa ban cho chỗ làm khác. Nghe nói có một nhà cuối phố muốn tìm người ở mướn, cô liền tìm đến xin việc làm. Khi đi được nửa đường, gặp nhà thờ, cô vào để kính viếng Chúa.

Cô nhớ lại cả tháng nay không được dự lễ, nên nảy ra ý định lấy đồng bạc cuối cùng xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, nhưng bụng đói quá làm sao chịu được. Cuối cùng cô vào phòng mặc áo lễ với niềm tin "Chúa biết mọi sự, bởi vinh Danh Chúa, Chúa không bỏ con". Cô đã xin một lễ cầu cho linh hồn Luyện ngục, rồi cô sốt sắng dâng Thánh lễ đó.

Dự lễ xong cô tiếp tục đi về cuối phố, phó thác tương lai cho Chúa. Đang khi cô lủi thủi bước đi thì một thanh niên dáng vẻ xanh xao đi ngược chiều. Gặp cô, chàng hỏi: "Có phải cô đang đi tìm việc làm không? Cô cứ đến nhà đường này, số này, vào tìm bà này... bà ta sẽ nhận cô và xử tử tế với cô". Nói xong chàng biến đâu mất, cô chưa kịp cám ơn chàng. Tìm đến đúng đường và đúng số nhà, cô ấn chuông cổng. Một cô gái khác đã bị bà chủ đuổi, sắp phải ra đi, vẻ tức giận càu nhàu ra mở cổng nói xẵng: "Vào mà gõ cửa, bà ta sẽ mở cho!" Rồi cô ta xách gói đồ của mình đi thẳng ra phố.

Bà chủ nhà nghe tiếng gõ cửa, ra mở và thấy cô thiếu nữ nghèo, bà hỏi ai chỉ cho mà biết đường tới đây xin việc. Cô thật thà kể lại tình cảnh. Thấy truyện hay hay, bà bảo cô kể lại từ đầu, kể xong cô nhìn bức ảnh trên tường reo lên: "A! Thưa bà, chính anh này bảo con tìm đến nhà bà". Bà chủ nhà rất xúc động thấy cô nhà nghèo có lòng thương các linh hồn , đã bỏ ra đồng bạc cuối cùng để xin lễ, và như có sức thúc giục, bà ôm chầm lấy cô, nói trong nghẹn ngào: "Con ơi, con không phải là người làm mướn của ta, con là con ta. Chính con trai ta đã chỉ cho con tới đây, nó chết hai năm nay rồi, và con đã cứu nó. Ta tin rằng nó về chỉ lối cho con. Từ nay hai chúng ta sẽ hợp nhau cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục chóng lên Thiên đàng (Charity p. 307-309).

* Công tước Eusebiô sống vào thế kỷ 13 kể truyện sau thật lạ lùng. Siêng cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục ông chưa coi là đủ, ông còn dành một phần mười lợi tức để cứu giúp các linh hồn. Đến sau xảy ra một cuộc chiến gay go giữa phần đất của ông và vua đảo Silicia. Quân ông bị vây hãm rất gắt đến nỗi ông nghĩ phải bỏ thành chạy thoát thân. Sáng hôm sau ông thấy một đạo quân đông đúc chừng 4 ngàn chiến sĩ đồng phục trắng, cỡi ngựa và đeo binh khí hùng hậu không rõ từ đâu tới giúp. Chính vua đảo Sicilia cũng trông thấy như vậy, nên đã bằng lòng ký hiệp ước hòa bình với công tước Eusebiô.

Công tước này tạ ơn Chúa và Tướng quân đã đến giúp. Vị Tướng đạo quân vô danh nói với công tước rằng: "Những người lính ông thấy đây hầu hết là những linh hồn Luyện ngục ông đã cứu. Chúa cho chúng tôi hợp thành đoàn quân tới giúp ông. Xin ông tiếp tục cầu nguyến cứu giúp các linh hồn. ông càng cứu được nhiều linh hồn thì trên Thiên đàng ông càng có nhiều người phù hộ. Trên đó họ sẽ xin Chúa chúc phúc lành cho hồn xác ông (Charity p. 310).

* Cha Lui Monaco rất thương các linh hồn Luyện ngục. Lần kia ngài đi bộ một mình qua khu rừng vắng, miệng lẩm bẩm đọc kinh Mân côi cầu cho các linh hồn như thói quen mọi khi đi đường. Lúc ấy, có hai tên cướp chờ sẵn trong bụi rậm tính giết khách bộ hành cướp của. Bất ngờ khi chúng đến gần thì gặp ngay lúc các linh hồn Luyện ngục đến giúp ân nhân. Các ngài kết tay bao quanh cha Monaco thành một vòng tròn. Hai tên cướp không hiểu người đâu tự nhiên đến đông như thế, chúng hoảng sợ nháy nhau vội rút lui thật lỊ vào rừng rậm. Thế là cha dòng được thoát nạn. (Charity p. 310)

* Một người đã được thoát chết lạ lùng kể lại: Ông này rất tôn sùng Đức Nữ Đồng Trinh và hay cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục. Ông có thói quen tối nào cũng đọc kinh Cầu Đức Bà để cầu cho các linh hồn.  Một hôm, đọc kinh vừa xong ông lên giường nằm ngủ và ngủ rất say sưa mệt mã. Trong xóm này có mấy người ghét ông bởi một lý do nào đó, từ lâu, họ đã tính giết ông. Tối hôm ấy chờ ông đi ngủ, họ bẻ khóa cửa, rón rén đi vào chỗ ông nằm. Thấy áo  vắt trên ghế, nhìn vào giường không thấy ông ta đâu, chung quanh cũng không có. Lạ thật, tức giận đầy đầu, kẻ thù ông chán nản bảo nhau ra đi. Thì ra Chúa, Đức Mẹ đã che mắt không cho chúng  thấy để giết ông đêm đó.

Mấy ngày sau, bọn kẻ thù bàn định  trở lại giết cho được mới thôi. Tối hôm ấy, ông ta đi đâu, mệt mã trở về phòng, đọc kinh như thường lệ, nhưng đọc mới nửa kinh cầu Đức Bà, ông đã bỏ đi ngủ. Quan sát kỹ càng, kẻ thù mừng thầm bảo nhau vào chỗ ông nằm. "Lần này không chạy đâu được nữa con ơi". Đúng vậy, ông ta đang nằm dài trên giường, nhưng kỳ thật, sao ông ta bị chặt làm đôi, khúc đầu biến đâu mất, còn lại có khúc từ bụng trở xuống đang nằm đó. Hoảng sợ, mấy tên sát nhân bảo nhau bỏ chạy lập tức.

Sáng hôm sau mấy kẻ thù rất bỡ ngỡ khi thấy người mình định giết tối hôm qua vẫn còn sống lành mạnh  đang đi ngoài phố như không có chuyện gì xảy ra hôm qua. Họ tưởng ông là ma. Sau khi hỏi han và thú thật dự tính định giết ông, và bắt ông kể lại lý do. Ông đã kể lại và nhận ra rằng bởi có lòng thương giúp các linh hồn Luyện ngục nên Chúa đã cứu, nhưng bởi ông đọc  nửa kinh cầu Đức Bà nên chỉ có nửa mình được giấu đi. Cả đôi bên đều tạ ơn Chúa Đức Mẹ và các linh hồn Luyện ngục (Charity p. 312).

* Một người kia buôn bán thế nào mà hàng hóa còn ứ đọng rất nhiều trong sáu bảy năm trời, đến nỗi như sắp bị vỡ nợ. Ông ta đã xin một số lễ cầu cho các linh hồn Luyện ngục xin cứu giúp. Lời cầu đã được nhận, hàng hóa sau một thời gian vắn đã bán hết và thoát khỏi cảnh vỡ nợ, mất nhà, dịp tiệm (Charity p. 315).

* Đức Giáo Hoàng Benedictô thứ 8 kể như sau: Cha thánh Anphongsô Lotesi thuộc dòng Tên, bị cám dỗ rất nặng nề về đức khiết tịnh, ngài đã cố gắng mọi cách để giữ mình khỏi sa ngã chước cám dỗ ấy. Ngài chạy đến cầu khẩn cùng Đức Mẹ là Đức Nữ Đồng Trinh vẹn sạch. Đức Mẹ hiện ra dạy ngài sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục, ngài vâng nghe lời và được khỏi cơn cám dỗ (Charity p. 321).

* Một người khá giả kia là ân nhân lớn của các linh hồn Luyện ngục. Đêm kia khi ông đang ngủ thì có người đánh thức bảo phải đi xưng tội ngay, càng nhanh càng tốt, bởi tử thần sắp đến rước ông. Ông ta đã nghe lời đi xưng tội, rước Mình Thánh Chúa và đã chết đúng như lời người lạ loan báo. Chúa đã thương ông bởi ông đã thương các linh hồn (Charity p. 321).

* Chân phúc Frances Năm dấu thường liên lạc mật thiết với các Thiên thần và các linh hồn Luyện ngục. Trong tiểu sử đời bà kể chuyện sau đây có bằng chứng xác thực rằng: Bà kia là bạn của Chân phúc đã làm ơn nhiều cho Chân phúc khi còn sống. Sau khi bà bạn chết, Chân phúc đã dâng một thời gian dài cầu nguyện, hy sinh, làm việc lành chỉ cho bà ân nhân. Một lần, khi Chân phúc cầu nguyện, bà ta hiện về tỏ cho biết nhiều điều về tương lai. Chân phúc hỏi về những kinh nguyện mình dâng lên Chúa có giúp ích gì cho bà bạn không? Bà bạn trả lời rằng: "Tất cả những công phúc lời cầu  đều ở trong tay Đức Mẹ, nhờ Đức Mẹ rộng ban, bà ta được an ủi rất nhiều và được giảm bớt ngày tháng chịu phạt". Chân phúc còn hỏi về một điều nghi ngờ không biết những sự đau đớn bà chịu do những bệnh nạn chỉ cho bà bạn, bà có được ích gì không? Bà này trả lời: "Ồ, ngay lúc bà chịu đau đớn ở trần gian, Thiên thần chuyển cho tôi sự vui sướng Thiên đàng. Khi bà hết đau, tôi lại phải chịu khổ ". Sau ít ngày, bà ân nhân  hiện về cảm ơn Chân phúc đã cứu mình khỏi Luyện ngục (Charity p. 322).

* Sơ Magarita Ebner dòng Thánh Đaminh, rất thân thiết với các linh hồn Luyện ngục. Bà đã hy sinh cầu nguyện và cứu được nhiều linh hồn. Bà rất muốn tiến nhanh trên đường trọn lành kính mến Chúa, nên xin với các linh hồn cách riêng về chủ ý này. Các linh hồn đã trả ơn bà. Chính bà khuyến khích rằng: "Nếu ai muốn tiến tới trên đường trọn lành, hãy nhờ các linh hồn Luyện ngục cầu bầu cho, các linh hồn sẽ giúp được như lòng mong ước" (Charity p. 321).

* Một Linh mục nói rằng, nhiều năm làm cha xứ, ngài nhận thấy các học sinh lớp giáo lý rất khó nhớ bài học. Ngài đã xoay xở mọi cách để giúp các trẻ em mà kết quả rất kém. Lưỡng lự bởi thấy trẻ em ngoan ngoãn, không lẽ không cho chúng xưng tội rước lễ lần đầu. Nhớ lại đã đọc mấy chuyện về các linh hồn Luyện ngục giúp đỡ, ngài liền bảo các em sáng tối đọc kinh cầu nguyện chỉ cho các linh hồn Luyện ngục xin giúp các em nhớ bài giáo lý. Kết quả rực rỡ, khi khảo bài, các em không những trả lời được các câu hỏi, mà còn trả lời một cách rất xuôi xắn nữa (Charity p. 322).

* Tại đô thành Paris nước Pháp, có người Công Giáo kia tìm hết cách để khuyên ông già bạn sắp chết ăn năn xưng tội. Cố gắng khuyên bao nhiêu lần mà ông già gân vẫn cứng lòng từ chối. Sau cùng ông nghĩ tới một cách là hứa xin một số lễ cho các linh hồn mồ côi cô độc nhất trong Luyện ngục, xin các ngài giục lòng ông già kia ra mềm  mà chịu xưng tội rước lễ như của ăn đàng trước khi chết. Thật lạ lùng, chính ngày cuối đời, ông già đã được ơn đón nhận các Bí tích cuối cùng và chết lành bình an (Charity p. 333).

* Truyện sau đây xảy ra năm 1884 tại Florence nước Ý, một người Công Giáo tên Parrini theo hội kín Tam điểm. Ông ta đã viết chúc thư rằng, sau khi đấu kiếm với người bạn, nếu ông ta có bị thương, thì cũng không linh mục, mục sư bất cứ đạo nào được quyến dụ ông ăn năn. Sau khi ông chết,  chỉ có gia đình và bạn bè được đưa xác, không cần nghi lễ tôn giáo nào hết.

Tới gần ngày định đấu kiếm, ông lại viết một chúc thư khác giống như chúc thư ông ta đã viết hai năm trước. Lập trường cứng rắn không thay đổi. Không tin tưởng tôn giáo, thánh thần nào hết.

Sau 16 hiệp đấu kiếm, ông ta bị thương nặng, chắc chắn chết tới nơi. Người ta khiêng xác hấp hối ông về nhà. Biết mình không qua khỏi, ông nói với bà bạn đi bên cạnh: "Bà làm ơn đi mời linh mục cho tôi, đi thật nhanh, tôi muốn gặp linh mục, tôi chắc chắn muốn gặp, bà đi thật nhanh cho tôi, tôi muốn gặp linh mục".

Khi cha xứ vào phòng ông đang nằm, ông vui như gặp vị sứ giả từ trời xuống. Hai người nói truyện riêng xong, cha xứ ra mời hai người vào làm chứng. Cha xứ đã hỏi ông ta có bằng lòng từ bỏ hội Tam điểm, có chừa đấu kiếm, có rút lại các bài báo nhục mạ Giáo hội không? Ông đã mạnh dạnh tuyên bố trước tượng Chúa để trên ngực, trước cha xứ và hai chứng nhân rằng ông xin từ bỏ hết, ông xin rút lại di chúc chị, xin mọi người tha thứ và cầu xin Chúa tha thứ cho ông ta. Bản tuyên bố từ bỏ này còn giữ lại tại Văn khố Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận.

Sau đó ông ta được xưng tội, rước Mình Thánh Chúa. Ông ghì chặt Thánh giá trên môi nài xin ơn tha thứ. Ông chịu các phép Bí tích cuối cùng thật sốt sắng làm mọi người Công Giáo hay không, đang đứng đó cũng phải cảm động. Ông giục lòng tin cậy mến ăn năn tội và cầu xin Đức   Mẹ cứu giúp. Cha xứ xức dầu xong, ông tắt thì khi còn đang kêu tên cực trọng Giêsu Maria và ôm Thánh giá trên ngực.

Người này được ơn trở lại là nhờ ai? Là bởi từ đáy lòng ông ta chưa bỏ hẳn đức tin mà bà Mẹ đạo đức đã dạy ông hồi còn nhỏ. Và dù bên ngoài ông chống đạo nhưng ông vẫn hay làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo và các linh hồn Luyện ngục cách rộng rãi. Trong thời gian nhập hội kín Tam điểm, ngày nào ông cũng đọc kinh Vực sâu cầu cho các linh hồn. Mọi khi nghe có người bạn qua đời, ông liền đọc kinh Vực sâu cầu cho họ. Ông đã được chết trong Giáo hội là nhờ các linh hồn Luyện ngục bầu cử cho (Charity p. 336-338).

* Linh mục Henry người nước Bỉ kể rằng: Sau khi thụ phong linh mục, ngài được cử đi dạy học và giảng đạo tại nước Đức. Ở đâu cha cũng tỏ ra là người bạn tốt của các linh hồn Luyện ngục, và thường được các linh hồn tỏ ra biết ơn. Một lần ở Cologna, sau khi dự đám táng của thầy dòng Phanxicô, cha Henry tiếp tục cầu cho thầy và cho các linh hồn Luyện ngục (Charity p. 338).

Thầy dòng Phanxicô mới qua đời được phép hiện về cảm ơn cha Henry, bởi nhờ lời cầu của ngài mà thầy chỉ phải ở Luyện ngục  nửa ngày. Bây giờ thầy được lên Thiên đàng với 24 linh hồn khác cũng nhờ lời cha cầu nguyện cho.

Khi cha Henry được cử đi Wimpfen  dạy học, người ta nói với cha có một người mới qua đời, khi còn sống người này đã muốn vào dòng Thánh Đaminh, người này đã giúp nhà dòng rất nhiều, coi như một đại ân nhân của dòng. Cha Henry thương cầu cho ông ta hằng ngày. Tới ngày giáp năm qua đời, ông ta hiện về với người bà con, nhờ người này đến cảm ơn cha Henry đã cầu nguyện cho mình được thoát Luyện ngục.

Sau cùng khi cha Henry gần qua đời, ngài bị bệnh rất đau đớn, nhưng ngài đã được biết trước, nên rất nhìn nhục chịu đựng. Ngài bình tĩnh chờ Đức Mẹ và các linh hồn Luyện ngục đến. Lúc ngài tắt thì, một bà già đã được thấy ngài lên Thiên đàng với 336 linh hồn khác cùng lên với ngài (Charity p. 339).

* Một giáo dân đạo đức tại miền Britany nước Pháp rất hay cầu nguyện cho các linh hồn, ông mắc bệnh sắp chết. Người ta mời cha xứ tới cho ông lãnh các Bí tích cuối cùng. Bởi mệt quá, cha xứ đã nhờ cha phó đi thay mình. Khi cha phó tới cho ông ta xưng tội, xức dầu, rước mình Thánh Chúa rồi trở về nhà. Khi đi qua nghĩa địa gần nhà xứ, ngài nghe tiếng gọi lớn: "Hỡi những kẻ chết, chỗi dậy, tới nhà thờ cầu nguyện cho đại ân nhân chúng ta mới qua đời, chúng ta mắc nợ, bởi ông hay cầu nguyện cho chúng ta!"

Cha phó bỗng thấy cửa nhà thờ mở ra và trên cung thánh thắp nến sáng, và ngài nghe có tiếng  từ bàn thờ gọi kẻ chết đến cầu nguyện. Rồi ngài nghe tiếng ồn ào các bộ xương cử động bước ra khỏi mồ, xếp hàng đi vào nhà thờ hát kinh cầu cho kẻ chết. Hát xong, các bộ xương lại im lặng trở về mồ mình tại nghĩa địa, nến nhà thờ tắt hết, chung quanh im lặng hãi hùng. Tái mặt sợ hãi, run rẩy, cha phó chạy vào nhà hỏi xem cha xứ có thấy gì như mình  không, cha phó thuật lại đầu đuôi, nhưng cha xứ không tin bởi ngài chưa biết người bệnh đã chết hay chưa. Trong khi hai vị còn đang nói,  có người nhà vào báo tin bệnh nhân đã qua đời. Cha phó bị ám ảnh mạnh mẽ về những gì đã thấy. Ngài đã xin bỏ xứ để vào dòng, về sau lên chức Bề trên, ngài thường kể lại chuyện này cho anh em nghe mà cầu cho các linh hồn Luyện ngục (Charity p. 339-340).

* Thầy dòng Simon và thầy Gioan Fabriciô dòng Chúa Giêsu, cả hai đều là ân nhân của các linh hồn Luyện ngục, đã được các linh hồn giúp đỡ khi sắp qua đời. Một số lớn linh hồn Luyện ngục các ngài đã cứu vây quanh giường các ngài để an ủi và khi các ngài qua đời, liền đem linh hồn các ngài về Thiên đàng (Charity p. 341).

* Các linh hồn Luyện ngục không những giúp các ân nhân giờ chết, mà còn cầu bầu để các ân nhân sớm ra khỏi Luyện ngục như chuyện sau:

Bà sơ Paula Terexa nổi tiếng thánh thiện tại thành Napoli nước Ý, được thấy Chúa từ trời xuống Luyện ngục, Ngài chọn linh hồn nọ linh hồn kia đem về Thiên đàng. Bà sơ hỏi sao Chúa chọn lựa như vậy?  Chúa trả lời: BỞI những linh hồn này khi còn sống đã có lòng bác ái với các linh hồn Luyện ngục, Cha thương cho chúng sớm thoát khỏi nơi này bởi Cha đã phán: "Ai thương xót thì sẽ được xót thương" (Charity p. 341).

Trong sách bà Ruth trong Cựu ước có lời Chúa phán: "Chúa sẽ thương xót con như con thương người đã chết" (Rt 1,8), bởi khi đã chết họ không lập được công trạng gì để cứu mình nữa, mà còn phải trả nợ tới đồng xu cuối cùng (Mt 5,25). Và có lời khác rằng: "Kẻ không biết thương ai, thì sẽ không được ai thương xót khi bị phán xét" (Gc 2,13).

* Bà Đáng kính Archangela Panigarola, Bề trên một nhà dòng tại Milanô nước Ý, vào lễ các Linh hồn, được Thiên thần bản mệnh dẫn vào Luyện ngục. Tại đây bà thấy bố bà đang đau khổ rên xiết giữa các linh hồn khác. Khi thấy con mình, ông bố vội kêu lên: "Archangela con ơi, sao con quên người cha vô phúc này chịu cực hình nóng nảy ở đây! Con đã cầu nguyện và cứu nhiều linh hồn, còn cha, con mang ơn rất nhiều, con lại bỏ quên". Sơ Archangela rất ngạc nhiên thấy bố phàn nàn như thế, nhưng Thiên thần Bản mệnh nói với bà rằng: "Chúa để vậy, bởi khi còn sống, bố bà đã không tha thiết lo lắng phần rõi linh hồn mình và cũng không có lòng bác ái với các linh hồn Luyện ngục"(Charity p. 342).

Những ai đọc hay nghe các truyện này, nên ân cần lo lắng phần rõi đời đời của mình, và  rộng lòng bác ái thương cứu các linh hồn Luyên ngục. Nay ta cứu người, mai người cứu ta. Lời Chúa nhắc nhớ ta rằng: Các ngươi đong cho ai đấu nào, người ta sẽ đong lại cho các ngươi đấu ấy.

NHỮNG PHƯƠNG THẾ TRÁNH LUYỆN NGỤC LÂU DÀI

1. ĂN NĂN SÁM HỐI

Sau khi đã đọc hoặc đã nghe từ đầu cuốn sách này cho tới đây, ta đã biết phải làm gì để tránh chịu thanh tẩy trong Luyện ngục lâu dài. Điều phải gắng trước hết là TRÁNH PHẠM TỘI. Tội trọng chỉ được tha với lòng ăn năn thật và xưng thú cùng linh mục, trừ khi không có thể. Tội nhẹ được tha bằng nhiều cách: Aên năn sám hối, qua Bí tích Hòa giải, qua Bí tích Thánh Thể, qua dấu Thánh giá với Nước thánh. Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Thà gột rửa tội lỗi và khử trừ thói hư ngay bây giờ, còn hơn đợi đến trong kiếp sau" (Q. một, chương 24, đoạn 2)

2. ĐỀN TỘI

Muốn khỏi đền tội lâu dài trong Luyện ngục, chỉ có cách lo đền tội trước ở đời này như Chúa Kitô đã phán: Hãy làm việc khi trời còn sáng, đêm tối đến biết đường đâu mà làm. (Ga 9,4)

Đền tội có thể bằng nhiều cách, như ta đã nghe qua ở các chương trên: Có thể bằng đền trả những xâm phạm bất công về tiền của và danh giá, bằng hy sinh, hãm mình, chịu đau khổ theo thánh Ý Chúa; có thể bằng lãnh ân xá Giáo hội ban, bằng chia sẻ của cải, giúp đỡ tha nhân, yêu mến Chúa (tôn thờ Thánh Thể Chúa và sự Thương khó Chúa), yêu mến Đức Mẹ; xây đắp Giáo hội Chúa ... Ở đây xin nhấn mạnh tới một vài việc:

3. HY SINH, HÃM MÌNH, VUI CHỊU ĐAU KHỔ

Hãm mình là điều rất cần thiết để tiến tới trong đàng nhân đức, và rất cần để đền bù tội lỗi khi được hợp với những đau khổ của Chúa Kitô. Nhờ hãm mình, chịu đau khổ ta cứu được ta và ta cứu được các linh hồn Luyện ngục.

Thánh nữ Catarina thành Siena, theo lời cha Đáng kính Raymond Capua kể lại rằng: Tôi tớ Chúa có lòng rất nhiệt thành cứu các linh hồn, trước hết, tôi xin kể về việc cứu cha của người là ông Giacômô. Ông bố này nhận ra sự thánh thiện của con gái mình nên ông có lòng kính trọng con ông lắm, ông bảo mọi người trong nhà không bao giờ được làm gì trái ý cô, nhưng để cho con tự do làm việc lành phúc đức. Tình cha con ngày một tăng tiến. Catarina kiên tâm cầu nguyện cho phần rõi của cha. Ông Giacômô vui cách tốt lành trong các nhân đức của con, hy vọng nhờ đó ông được ơn trước mặt Chúa.

Ông Giacômô đã chết bởi cơn trọng bệnh, Catarina cầu nguyện xin Chúa là Bạn Trăm năm trên trời của mình cứu chữa cha khỏi bệnh, nhưng Chúa trả lời, Gicômô cha của con phải chết, bởi có sống lâu, ông cũng  không ích lợi cho ông. Catarina liền khuyên cha sẵn lòng ra khỏi cuộc đời, thánh nữ cảm ơn Chúa hết lòng và không dám tiếc xót. Nhưng thánh nữ cầu xin Chúa ban ơn tha tội cho cha bà, hơn nữa được Chúa nhận vào Thiên đàng ngay sau khi chết, không phải qua lửa Luyện ngục. Chúa phán: "Cha con đã sống đời tốt lành trong bậc gia đình, đã làm những việc lành đẹp lòng Chúa, cách cư xử với con của cha con làm đẹp lòng Chúa, nhưng sự Công bằng của Chúa đòi cha con phải thanh luyện bằng lửa, để tẩy hết mọi vết nhơ dính bén sự đời". Thánh Catarina van nài: "Lạy Chúa, làm sao con chịu được cảnh người đã nuôi con, dạy con cách yêu thương, đã cư xử tốt lành với con cả cuộc đời phải chịu đau đớn trong lửa nóng nảy như vậy? Con xin Chúa nhân từ vô cùng đừng để linh hồn cha con rời xác đến khi được sạch hoàn toàn để không còn phải qua Luyện ngục...nếu con không xin được ơn này, xin Chúa cho con được chịu đau khổ thay cho cha con tất cả những đau khổ nào vừa Ý Chúa". Chúa trả lời: "BỞI lòng con mến Chúa, Chúa bằng lòng chấp nhận điều con xin, con sẽ phải đau khổ thay cho cha con". Thánh nữ cảm tạ Chúa vô ngần, quay sang phó linh hồn cho cha. Vừa lúc ông Giacômô tắt thờ, thánh nữ bị cơn đau đớn dữ dội lập tức, tưởng phải chết đến nơi, nhưng thánh nữ rất can đảm chịu đựng không hé môi. Người cầu nguyện: Chúc tụng Chúa và mở miệng mỉm cười như nói với cha: Cha ơi, con ước gì được như cha bây giờ. Trong tang lễ, thánh nữ an ủi   Mẹ và mọi người cách can đảm. Linh hồn ông Giacômô đã lên Thiên đàng ngay như người trộm lành được ơn tha thứ (Purgatory p. 310-314). Thánh nữ tiếp tục phải chịu đau khổ để bù phần phạt cho cha mình, nhờ đó thánh nữ cũng được tiến cao trên đường nhân đức.

Tác giả Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Ai ngày nay khiêm tốn chịu người đời xét đoán... chịu khinh bởi Chúa Kitô...đến ngày công phán sẽ vui mừng. Lúc đó thân xác bị cầm hãm sẽ nhảy mừng hơn là được nâng niu. Lúc đó chiếc áo thô sẽ tỏa sáng hơn lụa là lộng lẫy. Lúc đó xó lều tranh còn quí hơn lầu vàng. Lúc đó lòng nhìn nhục quí hơn quyền lực thế gian. Lúc đó lương tâm trong sạch quí hơn thông minh xuất chúng" (Quyển một, chương 24, đoạn 3)

 4. VÂNG THEO Ý CHÚA ĐÌNH ĐOẠT MỌI  SỰ, KỂ CẢ SỰ CHẾT

(Theo G.B. Saint-Jure, S.J. Tin Cậy Chúa Quan Phòng trang 70-73).

Chúng ta còn phải đem sự tuân theo Thánh Ý Chúa vào việc nhận lấy cái chết của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ chết, đó là một quyết định không có thể kháng cự được. Chúng ta sẽ chết vào ngày giờ và bằng thứ chết mà Chúa sẽ muốn. Chính cái chết đó Người đã định cho ta phải vui nhận, bởi đó là cái chết Chúa đã xét là hợp với sự vinh quang của Người nhất. Một hôm bà thánh Gertruđê trèo đồi, trượt chân, lăn xuống một thung lịng. Chỗi dậy an lành, bà lại trèo đồi và nói: "Lạy Chúa đáng mến, thực là một phúc lớn cho con, nếu cái ngã vừa rồi đã giúp con một phương tiện tiến đến Chúa sớm hơn". Các chị em đứng chung quanh hỏi: "Lúc đó bà không sợ chết mà không được chịu các phép sau hết sao?". "Ồ, bà thánh trả lời, thực tôi ao ước hết lòng được chịu các Bí tích trong giờ sau hết nhưng tôi còn yêu mến thánh Ý Chúa hơn. Tôi tin chắc rằng sự dọn mình chết tốt nhất và chắc chắn nhất để chết lành là tuân phục Ý Chúa muốn. Cho nên cái chết Chúa muốn cho tôi qua để về cùng Ngài là cái chết tôi mong ước và tôi tin rằng: được sửa soạn như thế, thì dù chết cách nào, sự thương xót của Chúa cũng đến giúp tôi".

Hơn nữa, nhiều nhà tu đạo học nổi danh đã cùng thánh Louis de Blois dạy rằng: Ai trong lúc sắp chết làm một việc tuân theo Ý Chúa hoàn toàn, thì sẽ được giải thoát không những khỏi Hỏa ngục, mà còn khỏi cả Luyện ngục nữa, dù một mình người đó đã phạm hết mọt tội của cả thế gian. Lý do là bởi- thánh Anphongsô nói thêm- kẻ nhận lấy cái chết một cách nhìn nhục hoàn toàn, thì được công nghiệp giống như công nghiệp các thánh tử đạo là những vị đã tự hiến mạng sống mình bởi Đức Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó chết vui vẻ và thỏa mãn, dù ở giữa những đau đớn mãnh liệt nhất.

5. THỰC THI ĐỨC BÁC ÁI

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã phán với người phụ nữ sám hối rằng: "Chị này nhiều tội nhưng đã được tha thứ cả, bởi chị yêu mến nhiều" (Lc 7, 47). Chúa còn khuyên nhủ "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu" (Lc 16,9). Cụ Tobia trong Cựu Ước cũng khuyên con mình như sau: "Con hãy lấy của con có mà làm phúc, đừng ngoảnh mặt đi trước kẻ nghèo nào. Và nhan Thiên Chúa cũng không ngoảnh đi với con. Có của bao nhiêu, tùy theo số lượng, con hãy lấy mà bố thí. Quả đó là kho tàng con cất cho mình vào ngày túng quỞn chật vật. BỞI chưng việc bố thí giựt khỏi sự chết và không để lâm phải tối tăm. Quả thế, bố thí là lễ tế tốt đối với mọi kẻ lo (bố thí) trước nhan Thượng đế" (Tb 4,7-11- Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn).

* Thánh Phêrô Đamianô đã thuật lại trong sách của người truyện này: Ở thành Rôma có một ông chúa tên là Gioan Patrixi đã qua đời. Cuộc sống của ông, tuy là một người Công giáo, được coi như một người giầu có, khác xa với Thầy Chí Thánh là Chúa Kitô nghèo khó, đau khổ, đội   mạo gai, chịu đánh đòn. Tuy nhiên ông ta rất có lòng bác ái thương người nghèo, có khi ông cho cả áo choàng của mình để che thân họ. Ít ngày sau khi ông qua đời, một linh mục thánh thiện, khi đang cầu nguyện, được ơn ngất trí, thấy mình được đưa đến đại thánh đường thánh nữ Cecilia, một trong những thánh đường nổi tiếng ở Rôma. Linh mục thánh thiện này trông thấy vô số thánh nữ đồng trinh từ trời xuống, thánh Cecilia, thánh Anê, thánh Agata và các vị thánh khác vây quanh cỗ kiệu lộng lẫy Đức Nữ Đồng Trinh Maria đang ngự, có các thiên thần và linh hồn hạnh phúc bao quanh.

Vào lúc đó, một người phụ nữ nghèo khó, mặc áo rách rưới, nhưng lại khoác áo choàng lông đắt giá trên vai bà. Bà nghèo này qùi khiêm tốn trước nhan thánh Đức Mẹ, tay chắp, mắt tràn đầy dòng lệ, thân thưa với niềm vui: "Lạy Mẹ Tình thương, nhân danh lòng tốt lành vô biên của   Mẹ, con xin Mẹ thương xót người bất hạnh là Gioan Patrixi vừa mới chết, và bây giờ đang chịu cực hình Luyện ngục". Ba lần, người phụ nữ nghèo đều cầu nguyện một lời như nhau, mỗi lần một sốt sắng hơn, nhưng vẫn không được Đức Mẹ trả lời. Bà ta lại van xin: "Lạy Mẹ là Nữ vương rất hay thương xót, Mẹ quá biết, con là kẻ ăn xin ngồi ở cửa đền thánh, xin của bố thí vào mùa đông rét buốt, con không có áo che thân, mà chỉ có manh dẻ rách. Con run rẩy bởi giá lạnh. Thế nhưng khi con xin ông Gioan nhân Danh   Mẹ, ông đã đưa  áo choàng lông đắt giá đang mặc cho con, không kể gì đến bản thân mình. Ông đã làm việc bác ái anh hùng đó, lại không đáng được Mẹ, Ôi Maria, ban cho chút ân xá sao?". Nghe thế, Đức Nữ vương động lòng thương xót, âu yếm cúi xuống trên người phụ nữ đáng thương đang kêu van nói rằng: "Người mà con đang cầu xin cho đã phải luận phạt một thời gian lâu, với những đau khổ dữ dằn để đền những tội vô số của ông ta, nhưng bởi ông ta có hai nhân đức nổi bật là lòng thương kẻ nghèo khó và lòng tôn sùng các bàn thờ Mẹ, Mẹ sẽ xuống cứu vớt ông ta". Sau những lời này, cả đoàn thánh nhân lộ vẻ vui mừng biết ơn  Mẹ Tình Thương. Ông Patrixi được dẫn đến: thân hình xanh xao, hình thù ghê gớm, mang đầy xiềng xích, nhiều vết thương sâu hoắm. Đức Nữ Vương nhìn ông ta một lúc với dạ cảm thương, rồi Người ra lệnh tháo xiềng, mặc cho ông áo vinh quang, cho ông được tham dự vào đám đông đang vây quanh Mẹ. Lệnh được thi hành lập tức và chấm dứt cuộc ngất trí.

Vị linh mục thánh thiện này từ đó đã không ngớt ca tụng Tình Thương Vô biên của Mẹ Maria là Nữ Vương Thương xót. đối với các linh hồn khốn khổ trong Luyện ngục, nhất là những linh hồn đã chân thành tôn kính phụng sự Người, và những ai đã biết thương xót bác ái với những người nghèo khó (Purgatory p. 379-381).

6. KÍNH MẾN ĐỨC MẸ (LẦN HẠT MÂN CÔI, ĐEO ÁO ĐỨC MẸ...)

Truyện sau đây lưu ý ta về lời khuyên của thánh Gioan Vianey xứ Ars bên Pháp, về lòng sùng kính Đức   Mẹ và việc lành cầu cho các linh hồn:

* Một linh mục dòng giảng truyền giáo cho các quí bà ở thành Nancy. Trong số các bà, có một bà vẻ mặt âu sầu, mình mặc áo tang đến với cha dòng nói rằng: "Thưa cha, cha khuyên chúng con tin cậy cầu khẩn cho các linh hồn, những gì mới xảy đến cho con minh chứng điều đó. Con có người chồng rất tử tế và dễ thương, dù đời sống của chồng con không có điều gì tội lỗi, nhưng anh ấy lơ là việc sống đạo. Con đã cầu nguyện và khuyên nhủ nhưng không kết quả gì. Trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ, trước khi nhà con qua đời, theo thói quen, con làm một bàn thờ nhỏ trong phòng con và trang hoàng hoa nến để kính Đức   Mẹ. Chồng con cứ ngày Chúa nhật là về miền quê, nhưng khi trở lại nhà, anh thường đem về cho con một bó hoa chính anh đã hái, con dùng những bông hoa ấy trang hoàng bàn thờ Đức   Mẹ. Anh có biết điều đó hay không? Anh tặng hoa cho vui lòng con? Anh có lòng kính mến Đức Mẹ? Con không biết, chỉ biết rằng anh luôn mang hoa về cho con.

Vào tháng sau, nhà con qua đời, không kịp lãnh các Bí tích cuối cùng trong đạo. Con đau đớn vô ngần, bởi những hy vọng đưa anh về với Chúa đã tiêu tan. Trong nỗi chán chường như vậy, con đâm ra yếu đau, xuống tinh thần rõ rệt. Gia đình con khuyên con nên đi nghỉ ngơi ở miền Nam một thời gian. Khi con đi qua thành Lyon, con muốn qua thăm cha sở xứ Ars, nên con viết thư xin được gặp người, và xin người cầu cho chồng con đã chết bất ngờ, ngoài ra con không nói thêm gì nữa.

Đi tới xứ Ars, vào gặp cha Sở. Con thật hãi hùng khi nghe người nói với con những lời này: "Thưa bà, bà đang lo buồn, bà đã quên những bó hoa chồng bà đã đem về cho bà các ngày Chúa nhật trong tháng Năm phải không?".  Thật không thể giấu được nỗi ngạc nhiên khi nghe những lời cha Gioan Vianey vừa nói, người nhắc cho con điều con đã không hề nói với ai, như vậy người chỉ có thể biết nhờ ơn Chúa tỏ ra. Người nói thêm: "Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho những ai tôn kính   Mẹ Thánh Người. Vào lúc chết, chồng bà đã thống hối, linh hồn ông đang ở trong Luyện ngục, lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta sẽ giải thoát ông khỏi chốn này" (Purgatory p. 274- 275).

* Thánh nữ Brigitta cho biết Đức   Mẹ đã nói với bà rằng: "  Mẹ là   Mẹ các linh hồn Luyện ngục,   Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng". Điều này rất thích hợp, bởi   Mẹ trần gian khi thấy con mình rơi vào đống lửa sẽ cứu ra ngay lập tức, Đức   Mẹ là   Mẹ nhân từ bội phần lẽ nào thấy con mình rơi vào lửa Luyện ngục cực khốn khổ, sao lại không cứu giúp.   Mẹ thúc giục những con cái còn sống dâng lời cầu nguyện và những việc lành cầu cho các linh hồn, hoặc Đức   Mẹ xin Chúa cho các linh hồn Luyện ngục về thế gian xin người sống cứu giúp. Đức   Mẹ cũng xuống Luyện ngục để an ủi, giảm bớt hình phạt cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Nhiều thánh nhân dạy rằng: Trong các ngày lễ, Đức   Mẹ xuống Luyện ngục, và khi Người từ Luyện ngục về trời, Người đem theo nhiều linh hồn về Thiên đàng với Người.

Những người con yêu của Đức   Mẹ khi sống siêng năng và sốt sắng đọc kinh Mân côi tôn kính   Mẹ, khi chết   Mẹ sẽ cứu khỏi Luyện ngục rất sớm.

Những người có lòng tin kính sùng mộ đeo Áo Đức   Mẹ (mảnh trước ngực mảnh sau lưng, sau một thời gian có thể đeo ảnh vảy Áo Đức   Mẹ thay thế, theo ơn Đức Giáo hoàng Piô 10 ban năm 1910) còn được hứa ban ơn thoát khỏi Luyện ngục sớm hơn nữa. Đức   Mẹ đã hứa cùng thánh Simon Stock Bề trên dòng Carmelô ngày 16 tháng 7 năm 1251 rằng: "Những ai sùng kính đeo Áo này sẽ được cứu thoát khỏi Hỏa ngục. Đây là dấu cứu rõi, gìn giữ khỏi bị tiêu diệt, là sự hứa ban bình an và che chở đặc biệt tới mãn đời". Sau khi thánh Simon qua đời được 15 năm, một buổi sáng kia, khi Đức Giáo hoàng Gioan 22 đang cầu nguyện, Đức   Mẹ hiện ra  mang Áo Đức   Mẹ Carmelô và phán: "Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người vào hội Áo, bởi tội lỗi mình phải vào Luyện ngục,   Mẹ sẽ xuống, như người   Mẹ nhân lành vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời". Những lời vừa qua được công bố trong Tông thư "Sabbatine Bull" công bố ngày 3 tháng 3 năm 1322. Theo Tông thư này, muốn hưởng đặc ân trên  phải giữ 3 điều kiện: 1. Ghi tên vào sổ nơi giáo xứ mình và đeo Áo Đức   Mẹ, 2. Giữ đức trinh khiết theo bậc mình, và 3. Đọc kinh Tiểu nhật khóa Đức   Mẹ hằng ngày, ai không đọc kinh Tiểu nhật khóa Đức   Mẹ được, thì phải kiêng thịt các thứ Tư và Thứ Bảy. Linh mục nào có năng quyền có thể thay điều kiện thứ 3 bằng một việc đạo đức khác, ví dụ đọc kinh Mân côi hằng ngày. Bởi ơn ích rất trọng của ơn được cứu khỏi Luyện ngục ngày thứ Bảy (Sabbat), dòng Carmelô đề nghị điều kiện thứ 3 được thay thế bằng việc đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng, 7 kinh Sáng Danh. (Purgatory p. 411-412).

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rõi các linh hồn.

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rõi các linh hồn.

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rõi các linh hồn.

ĐIỀU GÌ XẨY RA KHI TA CHẾT

Hồi nhỏ chúng ta thích đọc truyện ma quỉ, thần thoại hay kiếm hiệp thường thấy nói người chết sống lại. Vợ con đã làm lễ phát tang, than khóc ỉ ôi, có khi một hai ngày rồi bất thần người chết mở mắt, ngồi dậy, ăn uống và nói truyện bình thường, lại còn kể những cảnh thần tiên hoặc ác quỉ ghê gớm mà họ đã sống, đã thấy sau khi chết. Chuyện đó có thật hay không thì chưa ai thực sự kiểm chứng được. Nay đời sống văn minh tiến bộ hơn, người ta nghi ngờ những cậu chuyện như vậy, coi là giả tưởng, chỉ là những câu chuyện người ta kể lại. Có thể đúng như người chết kể lại. Có thể do người chết chưa chết, tâm trí vẫn còn hoạt động và quay trở lại những hình ảnh, những suy tư lúc còn sống rồi biến hóa câu chuyện thành thần tiên quỉ dữ..Người ta đặt vấn đề: Người “chết” đã chết thực sự chưa? Câu chuyện người “chết” kể lại có thực sự đúng như họ thấy không?

Chết thì từ ngàn xưa vẫn là những vấn nạn nan giải. Con người sinh ra, sống, rồi chết. Sinh Ký Tử Qui là lẽ tự nhiên. Một đời sống mới nối tiếp theo sau sự chết.

Bác sĩ Sam Parnia, trong cuốn sách của ông nhan đề “Điều gì xẩy ra khi ta chết / What happens When We die”  không bàn về đời sau như Thiên Đàng, Hỏa ngục, nhưng đặt vấn đề một người gọi là “chết” có thực sự chết chưa để tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó mới có thể có những định nghĩa chết khác nhau một cách chính xác. Rồi vấn đề được đặt ra: Khi đã chết, trí khôn, nhận thức con người có chết cùng với não bộ và thân xác không? Khi chết, nhận thức và thần trí con người có lìa khỏi thân xác không? Nếu có thì nó có những suy tư cảm nghiệm gì sau đó?

THẾ NÀO LÀ CHẾT?

Có rất nhiều định nghĩa CHẾT: Chết hiểu theo y học, luật học, sinh học và văn hóa, tôn giáo, đạo đức….Ở đây,  chúng tôi chỉ nói về cái chết theo quan niệm y học.

Lúc còn nhỏ khi học giáo lý, các cha thường định nghĩa chết là lúc linh hồn lìa khỏi xác. Nhưng xác định lúc nào linh hồn lìa khỏi xác thì quả là rất khó mà biết. Do đó chẳng có thể xác quyết chắc chắn lúc nào một người gọi là chết. Định nghĩa CHẾT quả là một vấn đề. Theo y học thì chết là lúc Tim Ngừng Đập và Phổi Ngừng Thở. Nhưng ngày nay nhờ khoa cấp cứu hồi sinh (CPR) phát triển và tiến bộ, khi tim vừa ngừng đập nếu người ta dùng máy kích tim (defibrillation) ngay lập tức thì tim đôi khi có thể hoạt động trở lại. Do đó định nghĩa như ở trên có vẻ không còn được chính xác cho lắm.. Ngay cả khi những nguyên do hoặc cơ quan như tim và phổi là những cơ phận cần thiết cho sự sống chết như ta hiểu cũng không còn giá trị khít khao nữa. Mạng sống con người vẫn có thể tồn tại nhờ những kỹ thuật trợ sinh (Life support) phối hợp với cách ghép cơ quan và trợ tim nhân tạo (organ transplants and artificial pacemakers).

Vì vậy, ngày nay người ta định nghĩa “lúc chết” là lúc bác sĩ điều trị đưa tay cắt máy trợ sinh, rút ống thở dưỡng khí của bệnh nhân khiến óc bệnh nhân hết hoạt động trước sự chứng kiến của  bác sĩ khám nghiệm. Lúc đó gọi là “Óc Chết” hay “Chết Sinh Học”. Lúc này óc của bệnh nhân không còn sinh động điện nữa và người bệnh coi như chết ở tình trạng thực vật. Khi óc không còn sinh động điện và ngưng hoạt động là lúc con người không còn nhận thức nữa (consciousness). Tuy nhiên tình trạng mất nhận thức đó (unconsciousness) phải là vĩnh viễn (permanent), không là tạm thời (transient) như khi chúng ta ngủ rất say nhất là lúc bị hôn mê (coma), bởi vì trong những trường hợp như vầy, não động đồ (EEGs) vẫn cho ta thấy một sự khác biệt rất rõ ràng. Do đó xác định lúc chết rất quan trọng trong trường hợp cần lấy cơ quan để ghép cho người khác. Cơ quan phải được lấy ngay lập tức và nhanh hết sức có thể lúc người bệnh vừa mới chết tức thì.

Khả năng óc lấy lại được sinh động -ở Hoa Kỳ- là một điều kiện cần thiết về mặt pháp lý, chứng tỏ một người vẫn còn sống. “…một khi óc đã được xác định là chết….thì việc cắt  đứt trợ sinh rút ống dưỡng khí sẽ không bị liên đới tội hình sự hoặc dân sự” (Trường hợp Dority v. Tối Cao Pháp viện San Bernadino County, 139 Cal.Rptr.288,291 (1983).

Nhưng có người tranh luận cho rằng phần vỏ não (neo-cortex) của óc mới là quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến ý thức (consciousness) con người cho nên chỉ có sinh động điện  (electrical activity) của não mới có thể xác định được một người chết hay không. Lý lẽ nào cũng có lý cả nên sau cùng tiêu chuẩn chết có thể chấp nhận được là khi nạn nhận mất khả năng ý thức vĩnh viễn và bất khả hồi được chứng tỏ là vỏ não đã chết thực sự (death of celebral cortex). Tất cả hy vọng phục hồi tư tưởng và nhân tính vô phương  cứu chữa với những kỹ thuật y khoa tân kỳ hiện đại đang có. Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi người ta chấp nhận một định nghĩa CHẾT có tính cách bảo thủ hơn: Chết là khi toàn thể bộ óc đã ngừng sinh động điện và bất khả hồi (irreversible cessation of electrical activity) chứ không chỉ riêng của vỏ não (neocortex) như trước kia. (Uniform Determination Of Death Act in USA)

Với tiêu chuẩn về toàn thể bộ não, xác quyết óc chết cũng vẫn còn lôi thôi, bởi vì Não Động Đồ (EEGs) vẫn có thể khám phá ra những kích động của não giống như thiệt hoặc một số thuốc hay lượng đường trong máu xuống quá thấp, dưỡng khí thiếu hay nhiệt độ trong người quá thấp cũng có thể khiến óc tạm thời ngừng sinh động. Vì vậy các nhà thương thường có những nguyên tắc chỉ dẫn để xác định óc chết dựa vào não động đồ bất thường tùy theo trường hợp.

Cũng vì lúc nào gọi là chết thực vẫn còn chưa được xác quyết và công nhận nên những vấn đề về tôn giáo, xã hội, y học hay luật học….vẫn còn phải đặt thành vấn đề. Chừng nào vấn đề vẫn chưa được giải quyết và công nhận thì những luật lệ, nguyên tắc mà tôn giáo, xã hội, nhà nước đưa ra vẫn còn là những gì chưa được ổn?

NHỮNG NGHIÊN CỨU CỦA BÁC SĨ SAM PARNIA VÀ NHÓM CHUYÊN VIÊN

Bác sĩ Sam Parnia là một trong những chuyên viên hàng đầu đặc trách nghiên cứu Sự Chết theo phương pháp khoa học thuộc Trung tâm Y Khoa Weil Cornell ở  Nữu Ước. Tháng trước ông và các đồng nghiệp của ông đã tuyên bố tại Trung Tâm Dự Án Nghiên Cứu Ý Thức Con Người (Human Consciousness)những công việc đầu tiên họ đang làm: Ba (3) năm nghiên cứu tìm tòi về sinh học của những “kinh nghiệm lúc hồn lìa khỏi xác”. Cuộc nghiên cứu được gọi là Sự Tỉnh Táo khi Hồi Sinh / AWARE (AWAreness during REsustitation) và nghiên cứu trên 1,500 người được cứu sống sau khi tim ngừng đập thuộc 25 Trung Tâm Y Tế lớn ở Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ. Báo Time có tường thuật việc này và nói với Bác sĩ Parnia về xuất xứ của dự án, những nghi ngờ cũng như những khác biệt giữa trí khôn và bộ óc con người.

Phương pháp  kiểm chứng những điều mà một người “Gần Chết” cho biết.

Theo nguyên tắc, khi tim ngừng đập thì máu sẽ không chạy lên được óc. Lúc đó chỉ cần

10 giây đồng hồ là óc sẽ ngưng hoạt động. Nhưng kinh nghiệm cho biết cỡ 10%-20 % người khi tim đã ngừng đập lại có thể được cứu sống, và chừng vài phút hoặc hơn giờ đồng hồ sau họ cho biết là họ vẫn tỉnh táo. Vậy thì vấn đề ở đây là những điều người đó cho biết có thật hay không hay chỉ là một loại ảo tưởng?  Để kiểm chứng, một cách duy nhất là để những hình ảnh chỉ có thể trông thấy được khi nhìn từ trên trần nhà xuống mà thôi để xem họ nói có đúng hay không, bởi vì họ nói họ có thể nhìn thấy tất cả mọi sự từ trên trần nhà. Vậy nếu chúng ta thử nghiệm một loạt cỡ 200 hay 300 người có tình trạng chết như vậy và nếu họ có thể được cứu sống trở lại và nói cho chúng ta biết chúng ta đang làm gì và họ trông thấy đúng những hình ảnh mà ta đã sắp đặt thì có thể kết luận là họ còn tỉnh táo mặc dù óc họ không còn hoạt động nữa.

Dự án nghiên cứu này có cho kết quả phù hợp với quan niệm về chết ở một xã hội  bình thường hay không?

Người dân trong xã hội bình thường quan niệm Chết là trong khoảnh khắc: Hoặc là chết hoặc là sống, không thể vừa sống vừa chết. Nhưng định nghĩa chết mà chúng ta công nhận là tim ngừng đập, phổi ngừng thở và kết quả là óc hết sinh động. Khi bác sĩ chiếu một tia sáng vào đồng tử con mắt, bình thường mắt sẽ có phản xạ, bởi vì phản xạ mắt là biểu hiện sinh động của tế bào óc, cơ quan giúp chúng ta sống, nếu không có phản xạ là óc đã hết sinh động và người đó đã chết. Lúc đó bác sĩ có thể chứng nhận là bệnh nhân đã chết với sự chứng kiến của y tá. Nhưng đó là năm mươi năm trước đây, vì lúc đó với tình trạng này bệnh nhân không có thể sống lại được.

Làm sao khoa học kỹ thuật hiện đại có thể thuyết phục được quan niệm “chết là trong khoảnh khắc”?

Ngày nay với khoa học kỹ thuật tân kỳ hiện đại người ta có thể làm cho người chết sống lại. Có những loại thuốc kỳ thần đã được phát minh, nhưng không biết nó sẽ được tung ra thị trường hay không, có đặc tính làm chậm lại tiến trình suy thoái của tế bào óc bị tổn thương và làm bệnh nhân chết chậm lại. Cứ tưởng tượng bạn tiến trước 10 năm, người ta đưa cho bạn một bệnh nhân mà tim vừa mới ngừng đập cùng với loại thuốc thần diệu ấy thì cái gì sẽ xẩy ra. Thuốc đó sẽ làm cho mọi sự chậm lại, và nếu là bây giờ thì sẽ chậm  hơn một tiếng, nhưng 10 năm nữa nó có thể kéo dài đến hơn 2 ngày. Như vậy cứ cái đà phát triển này, y khoa hiện đại càng ngày càng tiến xa hơn nữa thì một ngày nào đó chúng ta sẽ có không biết bao nhiêu là vấn nạn về luân lý, đạo đức, luật lệ và tôn giáo.

Nhưng thử hỏi cái gì sẽ xẩy ra cho con người lúc bấy giờ? Điều gì thực sự sẽ xẩy ra?  Ta biết rằng khi luồng máu không lưu thông đủ thì các tế bào sẽ phản ứng loạn xạ để tự bảo vệ hầu sinh tồn. Nhưng chỉ trong vòng chừng 5 phút là chúng bắt đầu bị tổn thương và biến thái. Sau chừng một giờ, sự tổn thương sẽ rất lớn và nếu ta có cố gắng kích động tim và bơm máu trở lại thì bệnh nhân cũng không thể sống được, bởi vì các tế bào đã biến đổi quá nhiều rồi. Cứ đà đó, các tế bào vẫn cứ tiếp tục biến đổi và chỉ trong vòng vài ngày là toàn thể xác bệnh nhân bắt đầu phân hóa thối rữa. Vậy thì chết không phải là trong khoảnh khắc. Nó là cả một tiến trình thay đổi bắt đầu từ lúc tim ngừng đập đi đến cao điểm là toàn thể thân xác, tất cả mọi tế bào bị hủy hoại và phân hóa thành thối rữa. Sau cùng, còn một điều nữa là trí khôn / linh hồn con người thì sao? Cái gì sẽ xẩy ra cho trí khôn và ý thức con người trong khi chết?  Phải chăng nó cũng ngưng hoạt động ngay lập tức khi tim vừa mới ngừng đập? Phải chăng nó cũng ngừng hoạt động trong vòng 2 giây hoặc 2 phút đồng hồ đầu tiên ?  Chúng ta cũng nên nhớ là các tế bào vẫn liên tục thay đổi trong thời gian đó. Phải chăng nó ngừng sau 10 phút, một nửa giờ hay một giờ? Đến đây thực sự chúng ta không ai biết.

Điều đầu tiên người chết sống lại nói với bạn là cái gì?

Đây là những điều bác sĩ Parnia biết được do chính người “chết” sống lại kể với ông. “Họ làm tôi sáng mắt bừng tỉnh –Bác sĩ Parnia kể- và cảm thấy mình thấp hèn nhỏ bé lại, bởi vì nghe họ kể mới thấy họ là những con người thành thật, nói sự thật chứ không phải kể ra để gây chú ý hay có tham vọng nổi danh gì. Rất nhiều trường hợp họ không nói cho bất cứ ai biết những điều đó bởi vì họ không muốn người ta sẽ nghĩ sai lầm về họ”. Bác sĩ Parnia đã phỏng vấn hơn 500 trường hợp khác nhau từ hơn 10 năm nay.  Tất cả những điều họ kể đều tương tự như nhau và được họ diễn tả đúng như đã xẩy ra. Bác sĩ Parnia đã tìm cách nói chuyện được với các bác sĩ và các y tá đã có mặt khi những người chết sống lại và chính tai họ được nghe những điều người chết nói lại mà họ không thể cắt nghĩa được là tại sao. Một số những dữ kiện này đã được bác sĩ Parnia ghi lại trong sách của ông nhan đề What Happens When We Die. Bởi vì ông muốn mọi người nhìn vấn đề ở cả hai khía cạnh, không phải chỉ bên phía bệnh nhân mà còn cả bên phía bác sĩ nữa, để thấy rằng bệnh nhân họ cảm nhận thế nào khi họ được các bác sĩ cứu họ sống lại và kể cho các bác sĩ những điều đã xẩy ra với họ.  Bác sĩ Parnia đã nói chuyện với một bác sĩ chuyên khoa tim mạch, ông này nói rằng ông không có kể lại câu chuyện này cho bất cứ ai bởi vì ông không biết cắt nghĩa làm sao một bệnh nhân chết sống lai mà có thể kể lại rất chi tiết những điều ông đã nói và làm. Chuyện này đã làm ông quá sợ hãi khiến ông quyết định không muốn nhắc đến nó nữa.

Tại sao ta lại nghĩ là có những phản đối chống lại dự án nghiên cứu này?

Bởi vì chúng ta cố gắng vượt qua giới hạn của khoa học, đang cố gắng chống lại những ức đoán và quan niệm cố định từ ngàn xưa. Rất nhiều người vẫn giữ cái ý định cố hữu là “khi ta chết là ta chết”. Chỉ có vậy thôi. “Chết là trong khoảnh khắc”. Hoặc chết hoặc sống. Không có vừa sống vừa chết. Tất cả những ý tưởng đó chẳng có một giá trị khoa học gì cả, nhưng đó lại là một quan niệm xã hội. Nếu chúng ta nhìn lại cuối thế kỷ XIX, các nhà vật lý học lúc bấy giờ làm việc dựa vào luật chuyển động Newton, và họ giải đáp tất cả các hiện tượng trong vũ trụ này theo luật Newton. Nhìn vào thế giới quanh ta lúc bấy giờ thì luật vật lý của Newton hoàn toàn đầy đủ, nó có thể giải thích tất cả mọi sự mà ta gặp. Nhưng ngày nay, khi chúng ta nhìn vào những vật chuyển động  thực nhỏ -nhỏ hơn cả những nguyên tử- thì luật Newton’s  không còn giá trị áp dụng được nữa. Do đó cần phải có một khoa vật lý học mới.  Sau cùng chúng ta buộc phải đi tới khoa vật lý học quantum. Luật này đã gây ra rất nhiều tranh cãi mà ngay cả chính nhà bác học Einstein cũng không thể ngờ được.

Bây giờ chúng ta nhìn vào trí óc, ý thức và bộ não. Nếu cứ cho rằng trí óc và bộ não là một như nhau thì cũng được đi đối với đa số các trường hợp, bởi vì có đến 99% trường hợp, chúng ta không thể tách biệt được trí óc khỏi bộ não. Chúng làm việc và hoạt động cùng một lúc rất khít khao. Nhưng lại còn những trường hợp đặc biệt, dù là rất hiếm đi nữa, như khi bộ não ngưng hoạt động thì chúng ta thấy rằng lý luận cho rằng trí khôn và bộ não là một không còn đứng vững được nữa như ta thấy những kinh nghiệm dẫn chứng ở trên. Vậy thì cần phải có một nền khoa học mới tương tự như khoa vật lý quantum vậy.  Máy Gia Tốc Siêu Nguyên Tử của Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử của Âu Châu (CERN)[1] có thể đưa ta trở về cội nguồn. Nó có thể đưa chúng ta ngược trở lại lúc khởi đầu, chính những giây phút đầu tiên sau Big Bang. Với nghiên cứu của chúng ta, lần đầu tiên, chúng ta dùng những kỹ thuật và phương tiện khả dĩ có thể kiểm chứng được chuyện này.

ĐÔI LỜI KẾT:

Sự sống đã là một kỳ công do Thiên Chúa tạo ra, nhưng Chết cũng là một huyền bí còn mung lung mờ tối. Để có thể thấy được những gì xẩy ra ở những giây phút cuối cùng của đời ta lúc chết, chúng ta còn cần phải tiếp tục nghiên cứu tìm tòi thêm nữa. Có hay không một cái gì còn tiếp diễn sau đó…….và mãi mãi…?

Hãy nhớ rằng: Đời là vô thường, giả trá. Sinh ký tử qui.

Fleming Island, Florida  19-10-2008

NTC Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

VietCatholic News (Thứ Tư 29/10/2008 18:16)

Lễ Các Đẳng Linh Hồn

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cách đặc biệt hướng về các đẳng Linh Hồn là những người đã ra đi trước chúng ta, trong đó có cha mẹ, ông bà tổ tiên nội ngoại, bạn bè của chúng ta,… v?i mục đích là tỏ tình liên đới với các ngài. Người công giáo có nhiều cách thức để tỏ tình liên đới đối với những người đã khuất. Chẳng hạn ở Philiphin, vào ngày lễ giỗ, đặc biệt là ngày lễ Các Đẳng, cả gia đình cùng ra nghia trang, ăn uống, sinh hoạt và sống bên mộ người thân trọn cả ngày. Ở Việt nam chúng ta, thì có tập tục trang hoàng bông hoa đèn nến nơi lăng mộ, viếng nghĩa trang, sửa sang bàn thờ, thắp nén hương, đơm hoa quả…. Đây là những cách thế biểu lộ nét nghĩa tình rất cao đẹp đối với những người đã khuất. Tuy nhiên cách thức có ý nghĩa nhất vẫn là dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho các ngài.

1. Khi chúng ta dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta trực tiếp bày tỏ tấm lòng mình:

- Thứ nhất là tấm lòng biết ơn. Biết ơn các ngài vì nhờ có các ngài mới có ta trên đời. Biết ơn các ngài vì nhờ các ngài chúng ta được thừa hưởng gia tài cao quý là đức tin vào đạo Chúa. Biết ơn các ngài vì nhờ các ngài mà chúng ta có được giáo xứ thân yêu này. Biết ơn các ngài vì đó cũng là lẽ thường của đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

- Thứ hai là tấm lòng thảo hiếu. Kitô hữu không phải là người bất hiếu vong ân như một thời bị hiểu lầm; trái lại chúng ta có một tháng để tỏ lòng hiếu thảo. Nếu bên Phật giáo chỉ có một ngày báo hiếu, đó là ngày lễ Vu lan, thì chúng ta có đến một tháng đế sống tình con thảo. Ngoài ra chúng ta còn có rất nhiều ngày khác nữa, các ngày lễ giỗ, ngày cầu hồn, ngày Mùng hai Tết …

- Thứ ba là tấm lòng bác ái. Bác ái Kitô giáo không chỉ được thể hiện đối với những người còn sống mà cả đối với những người đã qua đời. Đức bác ái thúc đẩy ta cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả các linh hồn bên kia thế giới. Lời cầu nguyện có thể rút bớt thời gian thanh luyện của các ngài nơi luyện ngục. Hãy dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh để bày tỏ tình bác ái yêu thương đối với các ngài.

2. Ngoài ra, khi chúng ta dâng các việc lành và cầu nguyện cho những người đã khuất cũng là cách thế tuyên xưng niềm tin của mình:

- Trước hết là tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời. Đó là sự sống mà chính Đức Kitô đã khai mở cho chúng ta: “Ngài là hoa quả đầu mùa của người kẻ yên giấc”.

Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu hồn, như Thánh lễ ngày hôm nay. Nếu không tin vào sự phán xét cá nhân và sự thưởng phạt ngay sau khi chết, thì mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa. Bởi thế bên Giáo hội Tin lành họ không có chuyện cầu hồn hay xin lễ cho các đẳng, vì họ không tin vào sự phán xét cá nhân, vào sự thưởng phạt ngay sau khi chết. Còn chúng ta khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta gián tiếp tuyên xưng niềm tin vào sự sống, sự thưởng phạt sau khi chết.

- Thứ đến là tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Đức Kitô đã nối kết chúng ta bằng mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô đã nối kết người còn sống và người đã chết một cách nhiệm mầu. Giáo hội lữ hành nơi trần thế và Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục có thể chuyển thông các công phúc cho nhau. Chính vì thế mà lời cầu nguyện và việc việc hy sinh của những người còn sống trở nên có giá trị vô cùng.

- Sau nữa là tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Có thể nói luyện ngục là nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất. Thiên Chúa đã ban cho con người đặc ân được cộng tác vào công nghiệp của Đức Kitô để cứu độ mình và cứu độ anh chị em mình, dẫu mình tội lỗi bất xứng.

Tóm lại, khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, lòng thảo hiếu, và lòng bác ái đối với các ngài; đồng thời cũng là cách thế chúng ta gián tiếp tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, và vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức được điều đó để chúng ta sống tốt bổn phận của mình đối với những người đã qua đời. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Thành Long

LUYỆN NGỤC LÀ NƠI CỦA TÌNH YÊU

 VietCatholic News (Thứ Tư 29/10/2008 23:36)

 (Theo Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Cụ Jean Guitton)

“Nếu tôi vào Luyện ngục, tôi rất bằng lòng. Tôi sẽ làm như ba trẻ Do thái ở trong lò lửa, tôi vừa đi dạo trong lửa cháy vừa hát thánh ca của Tình yêu” (Têrêsa HàidồngGiêsu, Derniers).

"Nếu tôi biết Thiên Chúa dịu hiền biết bao với tôi" (idem)

“Đối với người bé nhỏ, phán xét sẽ rất dịu hiền” (idem).

Luận đề “một số ít được rỗi linh hồn”, thuyết tiền định của Jansenius, chủ thuyết vô hành (quiétisme: chủ trương sự toàn thiện cốt tại tình yêu của Thiên Chúa, không cần có hoạt động cộng tác của linh hồn) là những nhánh cây phát xuất từ cùng một gốc. Vì một số rất ít được may mắn cứu độ thì quả là tôi bị lỗ mất rồi.

Thuyết tiền định cho tôi ý tưởng ai được chọn là do một sắc lệnh thần linh không để ý tới các công trạng có thể cho phép tôi hy vọng rằng tôi có một chỗ giữa những kẻ được chọn do tiền định từ trước không ? Và nếu ở trong miền những người bị sa hỏa ngục thì thật hỡi ôi cho số phận của tôi. Thuyết “vô hành”, tôi cũng có thể dâng cho Chúa những dấu hiệu “dửng dưng” và “tình yêu thuần túy”.

Nơi thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, tất cả những hình ảnh này ít nhiều là bệnh tâm thần bị thánh nữ chăt hết tận gốc rễ. Thánh nữ nghĩ rằng đối với người có thiện tâm, phán xét sẽ êm dịu. Chị thánh nói theo ngôn ngữ của mình câu nói của các thiên thần: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Chị thánh không săn sóc được những người sa hỏa ngục, nhưng thái độ của Chị trong trường hợp tử tội Pranzini ngay khi xét số phận bên ngoài, anh ta bị phạt đời đời vì tội lỗi của anh ta nhưng phút cuối cùng có thể thay đổi hoàn toàn.

Kẻ viết tập này xin nói rõ: Pranzini can tội giết ba mạng người, anh bị tòa kêu án tử hình. Nơi anh ta không có một dấu hiệu gì ân hận, thống hối. Têrêxa cầu nguyện cho anh ta ăn năn trở lại và xin Chúa cho một dấu hiệu chứng tỏ lòng thống hối của anh ta. Bị đưa ra pháp trường, anh ta từ chối nói chuyện với linh mục, nhưng giây phút cuối cùng khi anh ta bị trói trên tấm ván, anh ta đã xin linh mục đứng kề bên cho anh hôn thánh giá ba lần.

Vậy, đối với một người bị sa hỏa ngục rõ ràng như vậy, linh hồn của một đứa trẻ đã thành công trong việc giúp người đó vượt qua sự chết đến sự sống trong một tích tắc. Têrêxa nghĩ rằng tất cả các linh hồn đều làm được như vậy. Một phép lạ bao giờ cũng chỉ là một cái nhìn tặng cho tâm hồn con người do hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa (hoạt động sáng tạo không ngừng dầu ta không thấy). Cũng vậy, phép lạ Chúa làm nhờ lời cầu nguyện của Têrêxa cho tội nhân bị án tử hình là một ánh sáng lóe ra cho Têrêxa để Chị nhận ra hoạt động phổ quát của ơn cứu độ.

Kinh nguyện biến lời cầu nguyện thành sức mạnh (vì tương quan nhân quả giữa lễ hy sinh khiêm nhường của Chị thánh đền thay cho tên tử tội cứng lòng và sự thống hối bất ngờ thấy được) có một tầm quan trọng căn bản trong các suy nghĩ của Chị thánh. Rất hiếm khi chúng ta có thể đạt được trọn vẹn lời hứa long trọng, được nhắc lại bảy lần trong bài diễn từ sau Tiệc ly: Anh em xin Cha Thầy điều gì nhân danh thầy, thầy sẽ ban cho (Gioan 16,23). Tuy nhiên, lời hứa này là một định luật của thế giới vô hình.

Thánh Têrêxa không làm hỏa ngục trống trơn. Chị thánh không chối bỏ sự khả thể ghê tởm của hình phạt hỏa ngục. Nhưng Chị thánh đã nghiệm thấy mầu nhiệm Các Thánh Thông Công trên một điểm trong một giây lát duy nhất.

Nhưng nếu thánh nữ không thất vọng việc cứu độ một tội nhân lớn thì làm sao không tin được việc cứu độ những người thiện chí mà thánh nữ gọi là những linh hồn bé nhỏ. Theo tư tưởng truyền thống thì không ai biết được mình đáng được thương hay ghét, thánh nữ thay thế (chứ không từ chối điều đó) một cái nhìn rất bảo đảm và rất thật khi nói: Không có ai biết mình là công chính hay tội nhân, nhưng Chúa Giêsu ban ơn cho ta thấy tận đáy lòng ta rằng chúng ta mến cái chết hơn là xúc phạm đến Chúa. Ngày kia, nơi Dòng nữ tu thánh Biển Đức, người ta đã nghe Chị thánh nói câu đầy nữ tính này: Nếu tôi là Đức Chúa Trời, tôi tin rằng tôi sẽ cứu rỗi tất cả (những em bé chết chưa chịu phép Thánh tẩy).

Bây giờ, tư tưởng nào của Chị thánh bị lung lay khi nói về sự bất cân bằng trong việc phân phát các ân sủng, ân huệ nghĩa là ân sủng ban cho người này nhiều, kẻ kia ít ?

Chỉ cần suy nghĩ về lịch sử các tâm hồn, về đời sống Giáo hội, những người thân cận của mình cũng nhận ra được (những điều Tin Mừng đã loan báo) Thiên Chúa là chủ các ân huệ, ân sủng của Ngài và Ngài ban cho người này nhiều hơn người khác. Đó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm thần linh về sự không cân bằng trong việc phân phát ân huệ vô cùng. Thật vậy, yêu sách của những thợ làm việc bắt đầu từ giờ thứ nhất bị bác bỏ, phân biệt rõ: nơi Thiên Chúa đức công bằng như là một bổn phận và sự đại lượng là quy luật của Ngài. Thiên Chúa, sau khi xét xử công bằng, Ngài còn có thể sử dụng phương thế khác hay hơn.

Nhưng trong phương thế hay hơn, tôi không biết có cái gì làm tổn thương tới tình yêu. Người ta có thể không ghen tức một người anh một mình nhận lấy hết gia tài. Tuy nhiên, tình ruột thịt anh em làm sao hàn gắn được khi tài sản của cha mẹ không được chia sòng phẳng với nhau ?

Một triết gia Kitô giáo thế kỷ 19, Jules Lequier, đã biến suy tư vấn đề này thành trục trung tâm của tư tưởng ông. Một trong các tác phẩm sâu xa nhất của ông gọi là Abel và Abel (Abel anh(Cain nhận được ít ơn, Abel em nhận được nhiều ơn, người viết tập này thêm vào như vậy), ông chứng minh rằng hình như người nhận ít, thực tế ra đã nhận nhiều, vì “Thiên Chúa ban cho kẻ Ngài từ chối các ơn sủng phong phú hơn là cho kẻ Ngài chấp nhận” (Dieu fait avec ce qu'il refuse des dons plus riches qu' il n'en fait avec ce qu’ il donne). Đến nỗi giữa Abel đã nhận di sản và Abel đã không nhận di sản, họ tạo ra một cuộc thi đua về tình yêu và người này an ủi người kia.

Đối với tôi hình như cái nhìn sâu thẳm này có trong nhiều tư tưởng của thánh Têrêxa nói chung, nói riêng thì trong tư tưởng này (tế nhị bên ngoài thôi) nói về Đức Trinh Nữ Maria: “Mẹ có tất cả mà Mẹ lại thiếu vô cùng vì Mẹ không có bà mẹ ở trên trời để yêu mến”.

“Ôi Đức Maria, nếu con là Nữ Vương trên trời và nếu Mẹ là Têrêxa thì con muốn là Têrêxa để cho Mẹ là Nữ Vương trên trời” (tại vì con có Mẹ là Mẹ, còn Mẹ thì không có ai khác nữa làm mẹ của Mẹ, người viết thêm vào).

Người ta biết rằng Chị thánh viết câu này ba tuần trước khi chết và tôi sẽ bình phẩm sau đây.

Những ai thấu hiểu câu này chắc sẽ yêu mến điều kiện dưới trần của Chị thánh. Ở đây, chúng tôi còn tìm thấy ý tưởng của Chị Têrêxa (rất mới trong lịch sử tình cảm tôn giáo ở Tây phương) bất kể tấm thân mỏng manh, dễ bể của Chị, hoàn cảnh chết, đời sống đức tin đáng ao ước không cho phép viết như thế.

Nghĩ kỹ, điều đo là một tư tưởng thuộc loại này chứa trong ý tưởng về sáng tạo và nhất là ý tưởng nhập thể. Nhưng cần phải nhiều trang dài mới chứng minh được những hệ quả này.

Điều trổi vượt nơi Chị thánh chính là Chị lấy mất đi đặc tính hung dữ khỏi những hình phạt Luyện ngục giống như thánh Catêrin Gêne, Chị suy nghĩ lại những hình phạt đó trong tình yêu. Kỳ thực, tất cả các linh hồn ở Luyện ngục đang ở trong con đường có đời sống thần bí cao nhất, ở giữa những thử thách. Lửa của Luyện ngục là thứ lửa vui mừng, lửa của hỏa ngục là lửa của đau khổ.

Tình yêu (của Chúa) bao bọc chúng ta luôn luôn, do thái độ của chúng ta đối với tình yêu, chúng ta biến đổi tình yêu thành lửa hay thành ánh sáng. Các linh hồn ở Luyện tội tất nhiên là những nhà chiêm niệm, thu được một kinh nghiệm về Đêm tối, giống như các nhà thần bí lớn đã có kinh nghiệm đó, và ngay cả Đức Trinh Nữ Maria cũng có kinh nghiệm đó dầu Ngài không phạm tội nào. Khác với các nhà thần bí lớn nhất ở trên mặt đất còn đang trong cuộc chiến đấu và thấp thỏm về số phận cuối cùng của mình, các linh hồn ở Luyện ngục không còn thấp thỏm nữa vì đang ở trong “cánh tay của Thiên Chúa”. Những linh hồn đó đi đạo giữa “những ngọn lửa” như những đứa trẻ của tình yêu trong lò lửa. Và nếu sự chờ đợi được giải thoát (khỏi Luyện tội) là nỗi đau khổ cho các linh hồn thì sự chờ đợi càng ngày càng tăng thêm, ơn giải thoát càng ngày càng gần hơn (như kinh nghiệm một tù nhân chiến tranh của tôi cho tôi tin tưởng như vậy), vả lại, các linh hồn có một bảo đảm tuyệt đối chắc chắn là được sống đời đời và ở trên triền núi tốt đẹp. Các linh hồn không còn biết đến điều mà Đức Hồng Y Newman gọi là “tiếng đập rộn rịp” (the busy beat of time) trong bài thơ The Dream of Gerontius nói về Luyện ngục. Được giải thoát khỏi cái vỏ bọc sinh học và những nghĩa vụ xã hội, cả những chăm sóc thuộc bổn phận, các linh hồn hoàn toàn thuộc về Chúa, tất cả trong Chúa, tất cả cho Chúa. Rất có lý mà nghĩ rằng các linh hồn không còn muốn kỳ hạn được rút bớt vì các linh hồn chìm đắm trong tình yêu của Thánh ý Thiên Chúa. Thánh Catêrin Gênes (mà thánh Têrêxa không biết, nhưng Têrêxa nhận biết được mình trong ngài) nói rằng các linh hồn trong Luyện ngục ở trong tình trạng vui vẻ giữa những đau khổ của mình nếu họ quên mình đi và không tự dày vò mình bằng sự hối tiếc vô bổ vì bỏ qua đời sống thánh khi ở trần gian. Cũng thế, đúng như thánh Têrêxa suy nghĩ, ở trong hình phạt thanh tẩy, luyện ngục là tình trạng trung gian có một tầng chiều dày bình an và thanh thản. Và đối với chúng tôi là những “người nghèo tội lỗi”, không có hy vọng chút nào được nhận ngay vào thiên đàng hưởng Nhan Chúa, thì Luyện ngục là một niềm vui mừng vì biết được nơi Luyện ngục có cái điều mà tôi gọi là phát triển tinh ròng, chúng tôi sẽ ở trong tình trạng của một tình yêu thuần túy và được giải thoát khỏi ưu sầu. (Xin xem nguyên văn, Jean Guitton, Le génie de Thérèse de Lisieux, Edt Emmanuel, Paris 1995, Le Pourgatoire, lieu d'amour, trang 61-68).

(Bài của cụ Jean Guitton, LM Fx Nguyễn hùng Oánh dịch)                    

 Lm Fx

Nguyễn hùng Oánh

THÁNG 11 VỚI LỜI CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH CẢ GERTRUDE CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN

VietCatholic News (Thứ Bảy 17/11/2007 09:22)

Thiên Chúa đã từng nói với Thánh Cả Gertrude rằng: cứ mỗi lần lời cầu nguyện này được đọc lên thì sẽ có 1,000 linh hồn được thoát khỏi lửa luyện ngục. Lời cầu nguyện này rất hay, rất ngắn gọn và rất dễ nhớ như sau:

Phiên Bản Anh Ngữ:

"Eternal Father, I offer Thee the Most Precious Blood of Thy Divine Son, Jesus, in union with the masses said throughout the world today, for all the Holy Souls in Purgatory, for sinners everywhere, for sinners in the Universal Church, those in my own home and within my family. Amen."

Phiên Bản Việt Ngữ:

"Lạy Cha, Đấng Ngự Muôn Đời, con xin dâng lên Cha Máu Cực Thánh của Người Con Chí Thánh Cha là Đức Giêsu, cùng với các Thánh Lễ được cử hành trên khắp cả thế giới ngày hôm nay, cho tất cả các Linh Hồn nơi Luyện Ngục, cho những người phạm tội ở khắp mọi nơi, cho những người phạm tội trong khắp cả Giáo Hội Hoàn Vũ, những người trong mái ấm và trong nội bộ gia đình của con. Amen."

Phiên Bản Tây Ban Nha:

El Padre eterno, yo ofrezco Le la Sangre más Preciosa de Tu Hijo Divino, Jesús, en la unión con las masa dijo a través del mundo hoy, para todas las Almas Santas en el Purgatorio, para pecadores por todas partes, para pecadores en la Iglesia Universal, ésos en mi propio hogar y dentro de mi familia. Amén.

Phiên Bản Pháp Ngữ:

Le Père éternel, je t'offre le Sang le plus Précieux de Ton Fils Divin, Jésus, dans l'union avec les masses dites à travers le monde aujourd'hui, pour toutes les Ames Saintes dans le Purgatoire, pour les pécheurs partout, pour les pécheurs dans l'Eglise Universelle, ceux-là dans ma propre maison et dans ma famille. Amen.

Thánh Nữ Gertrude, người Đức, là vị Nữ Tu Dòng Kín thuộc Dòng Biển Đức. Mỗi ngày, Thánh Nữ lúc nào cũng chiêm niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu; và cứ mỗi lần chiêm niệm như vậy, nước mắt của Thánh Nữ cứ tuôn tràn ra. Thánh Nữ đã thực hiện rất nhiều việc đền tội cho các linh hồn, và Đức Mẹ đã hiện ra rất nhiều lần với Thánh Nữ. Thánh Nữ rất sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ và luôn cầu nguyện cho các Linh Hồn nơi Luyện Ngục. Thánh Nữ qua đời vào năm 1334. Giáo Hội dành ngày 16 tháng 11 để Kính Thánh Cả Getrude.

LỄ CÁC LINH HỒN: "XIN HÃY NHỚ ĐẾN TÔI CÙNG”

VietCatholic News (Thứ Năm 30/10/2008 01:27)

Người ta nói rằng:

“Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! “

Hôm nay chúng ta quây quần nơi đây trong ngày lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta đang đứng bên ngôi mộ của những người rất thân thương của chúng ta. Họ đã có một thời gian sống với chúng ta. Họ đã một đời gắn bó với chúng ta. Họ có thể là cha, là mẹ, là anh em bè bạn của chúng ta. Thế nhưng, “một cơn gió thoảng” đã khiến họ xa cách chúng ta ngàn trùng. Nhìn xuống nấm mộ mà lòng nghẹn ngào thốt lên: “Trăm năm còn có gì đâu?”. Hỏi trời, hỏi đất để rồi cũng nghiệm ra rằng: “Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!”.

Phận người thật mong manh. Cuộc đời thật chóng vánh. Cuộc đời thật phù du đến nỗi mà Trần Long Ẩn đã cảm thấy sợ hãi khi mùa xuân đến, mừng tuổi mẹ mà lòng lại nghẹn ngào rưng rưng. Tại sao vậy? Thưa, vì mừng tuổi mẹ cũng đồng nghĩa là xa mẹ thêm chút nữa! Mừng tuổi mẹ mà con lại sợ sắp đến ngày “gió đưa mẹ rụng con rầy mồ côi”. Bài hát này có thể cũng đang diễn tả chính nỗi lòng xao xuyến của chúng ta trong giờ phút này. Chúng ta cũng đang sợ hãi cho những cuộc chia ly phải đến của kiếp sống con người. Bài hát “Mừng tuổi Mẹ” đã diễn tả thật rợn rùng của cõi đời hợp tan như sau:

“… Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi

Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.

Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,

tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.

Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới

Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ”

Chia ly, âm dương cách biệt. Đó là định luật tất yếu của kiếp người. Hợp tan là lẽ thường tình. Nhưng liệu rằng những con người đang nằm dưới nấm mộ này, hoặc những người sẽ xa cách chúng ta, họ cần gì nơi chúng ta. Họ cần gì nơi những con người đang sống? Chắc chắn họ không cần cơm áo gạo tiền. Họ không cần bổng lộc. Họ không cần của phù du mau qua. Điều họ cần là lòng thương xót của Chúa. Điều họ cần là Chúa sẽ tha thứ cho những thiếu sót trong kiếp người của họ. Bà thánh Monica đã nói với Augustino con bà rằng: “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng lễ” là đủ rồi.

Thực vậy, theo giáo lý kytô giáo, những người chết là những người hết khả năng để lập công đền tội. Họ đã bị bia đá ngàn năm kết dính thân xác của họ dưới nấm mồ hoang lạnh. Có biết bao công việc dở dang họ chưa làm xong, cái chết đến, khiến họ không còn khả năng để hoàn tất những công việc dang dở. Có biết bao những thiếu sót trong cuộc đời của họ, nay họ muốn thực hiện, nhưng lại không còn khả năng để thể hiện. Họ hoàn toàn bất lực. Họ chỉ còn cậy dựa vào những người còn sống. Hãy thay mặt họ để hoàn thành những ước nguyện của họ, để hoàn tất những công việc dở dang của họ và nhất là để lập công đền bù những thiếu sót trong cuộc đời của họ. Họ rất cần chúng ta những người còn sống hãy nhớ đến họ để đọc kinh dâng lễ, cầu nguyện cho họ. Họ không còn khả năng tự cứu mình nữa. Họ cần chúng ta giải thoát họ khỏi những giam cầm nơi luyện tội vì cuộc sống dương thế của họ còn thiếu bác ái, còn chưa làm tròn bổn phận của cuộc sống hằng ngày.

Niềm tin kytô giáo còn nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ có Thiên Chúa mới có thể lăn tảng đá ra khỏi nấm mồ của chúng ta, chỉ có thiên Chúa mời có thể giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bởi yếu đuối và tội lỗi. Thế nên, chúng ta dâng lễ cầu nguyện, làm việc bác ái để kết hợp với hiến tế đền tội của Chúa Giêsu trên thập giá, để xin ơn tha thứ cho các linh hồn của những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta phó dâng linh hồn người thân yêu trong lòng từ bi của Chúa để nhờ Chúa giải thoát họ và dẫn đưa họ về thiên đàng, về nơi mà chính Đức Kytô đã từng nói: Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con”.

Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Đó cũng là lời an ủi cho kiếp người chúng ta. Thiên Chúa sẽ tìm muôn ngàn cách để giải thoát chúng ta. Vì chính Ngài đã chết vì loài người và cho loài người chúng ta. Người đã chết để cho chúng ta được sống. Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, đã ra đi để nài xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta và ban cho chúng ta mỗi người một chỗ trong nhà của Chúa Cha, trong Lòng Thương Xót của Cha nhân từ. Amen                                                                         

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN NHỚ ĐẾN NGƯỜI QUÁ CỐ

Lc 23, 33.39-43

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !" Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Cứ mỗi lần lễ các linh hồn đến, ta lại cảm nhận sự mau qua của thời gian. Chỉ còn 60 ngày nữa là hết một năm. Thêm vào đó, gió bấc thổi, không gian u ám, vài loại cây đã trút lá vàng trên lối đi khiến ta cảm thấy bùi ngùi nghĩ đến những người đã khuất. Có lẽ đó cũng chính là ý định của Giáo Hội khi đặt ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn vào dịp tháng 11. Nhớ đến những người đã khuất là một việc làm quan trọng vì 4 lý do:

1. Nhớ đến người chết để biết ơn. Ta không thể tưởng tượng thế giới ta đang sống hôm nay sẽ thế nào nếu đã không có những người đã khuất. Nếu không có ông bà cha mẹ, cũng không có ta trên đời này. Nếu không có các bậc tiền nhân, không có đất nước này. Nếu không có những người đi trước, không có thành phố như ngày hôm nay. Nếu ông bà cha mẹ ta không truyền lại đức tin, khó có thể tưởng tượng hôm nay ta biết thờ phượng và yêu mến Chúa. Các ngài làm nên đời ta. Các ngài xây dựng đất nước cho ta. Các ngài truyền lại cho ta một di sản cao quí là đức tin vững mạnh vào Chúa. Các ngài là thành phần của đời sống ta. Một thành phần quan trọng. Một thành phần quyết định. Vì thế, tưởng nhớ đến các ngài để biết ơn, cầu nguyện cho các ngài là một việc làm hợp đạo lý, một bổn phận không thể thiếu.

2. Nhớ đến người chết để nhớ đến thân phận mình. Nếu người chết đã là một phần của đời ta thì cái chết lại là một phần gắn liền với thân ta. Con người không ai tránh khỏi cái chết. Càng sống lâu càng gần cái chết hơn. Và ngay trong khi sống, cái chết đã đến. Những tế bào chết hết lớp này đến lớp khác. Tóc rụng hằng ngày. Với thời gian, mắt mờ, răng rụng, gối mỏi, chân run. Tất cả lần lượt từ bỏ ta. Và cuối cùng là hơi thở. Chết là không thể tránh khỏi. Biết bao người tài giỏi đã qua đi. Biết bao binh hùng tướng mạnh đã nằm xuống. Biết bao lãnh chúa quyền uy nghiêng trời lệch đất đã chỉ còn là mớ xương khô. Không ai tránh khỏi cái chết. Hiểu được như thế, ta sẽ tránh được nhiều sai lầm trong cuộc sống. Hiểu được như thế, ta sẽ biết chuẩn bị cái chết cho tốt đẹp.

3. Nhớ đến người chết để biết chết. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại 3 cái chết. Người trộm dữ, người trộm lành và Chúa Giêsu. Ba người chung một hoàn cảnh. Nhìn bề ngoài chẳng khác gì nhau. Nhưng cái chết lại khác xa nhau. Người trộm dữ chết trong tức tưởi. Ong không biết chết vì ông đã không biết sống. Chỉ sống cho mình. Người trộm lành đã chết trong an bình. Ong đã chấp nhận cái chết. Trong những giờ phút cuối đời ông đã nhận ra chân lý nên đã biết sống cho Chúa, phó thác cho Chúa vận mạng của mình. Chúa Giêsu là tấm gương cho ta về việc chấp nhận cái chết. Người chủ động đi đến cái chết. Mạng sống Người chính Người tự ý trao nộp. Người phó thác linh hồn trong tay Đức Chúa Cha. Vì Người không sống cho bản thân, nhưng sống cho Đấng đã sai Người. Không những chấp nhận cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu còn chấp nhận cái chết dần mòn trong cuộc sống. Người tự hiến mình đi khắp đó đây rao giảng Tin Mừng. Người tự hiến đời mình phục vụ tha nhân. Người chấp nhận cái chết dần mòn trong những mệt nhọc, vất vả, đau khổ, nhục nhã. Chấp nhận cái chết trong cuộc sống, Người trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.

4- Nhớ đến người chết để biết sống. Chúa Giêsu, vì dám chết theo thánh ý Đức Chúa Cha, nên đã được Đức Chúa Cha tôn vinh, đem sự sống đến cho chúng ta. Người chết để đi vào cõi hằng sống. Người chết để từ nay luôn ở bên chúng ta, nâng đỡ cuộc đời chúng ta. Người sống mãi. Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Các thánh là những người đã chết cho Chúa và cho anh em. Các ngài cũng sống mãi và tiếp tục nâng đỡ cuộc sống của chúng ta. Khi thánh Đaminh sắp qua đời, anh em trong dòng buồn thảm khóc lóc. Nhưng thánh nhân nói với anh em: “Anh em đừng lo buồn. Về thiên đàng, Cha còn trợ giúp đắc lực hơn cho anh em”. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giê su cũng hứa: “Về trời, tôi sẽ làm mưa hoa hồng trên mặt đất”. Các Đấng đã dám chết cho Chúa và cho anh em sẽ sống mãi và tiếp tục là một thành phần tích cực của đời sống chúng ta. Đã biết chết, các ngài sẽ sống mãi.

Nhân dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, ta hãy biết noi gương các ngài, biết chết đi hằng ngày trong quên mình yêu mến Chúa và phục vụ anh em, ta sẽ được sống mãi với Chúa.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1. Nhớ đến người chết có cần thiết không ? Tại sao ?

2. Cái chết có giá trị gì trong cuộc sống ?

3. Biết chết thì mới biết sống. Bạn nghĩ thế nào về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LỄ CÁC ĐẲNG, ngày 02/11

VietCatholic News (Thứ Hai 27/10/2008 08:36)

Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành mạnh ( 2 Mcb 12-45 ). Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn và đặc biệt suốt cả tháng 11 là một việc làm tốt lành, thánh thiện. Hội Thánh mỗi năm luôn dành riêng tháng 11 để mọi Kitô hữu dâng lễ, làm việc bố thí, bác ái, các việc lành, để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

NGƯỜI SỐNG VÀ NGƯỜI CHẾT KHÔNG HỀ BỊ GIÁN ĐỌAN:

Sách Giáo lý Công Giáo từ số 0946 đến 0962 viết: “Hết thảy mọi người chúng ta, từng cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta”. “Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần của Ngài, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài( Ep 4,16 ). Bởi vậy sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã an nghỉ trong bình an của Chúa Kitô không hề bị gián đoạn “ ( GH 49 ). Mọi Kitô hữu đều tin rằng qua cuộc lữ hành trần gian, họ sẽ có một nơi nhà ở vĩnh viễn, Chúa đã dọn trước cho họ.Trong Kinh Tiền tụng I cầu cho kẻ qua đời có viết: “Vì, lạy, Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”. Do vậy, có sinh, ắt có tử. Đó là định luật tất yếu của con người. Nhưng, người tín hữu hữu rõ rằng sự chết và sự sống như một ngăn cách không thể nào vượt qua ranh giới; tuy nhiên, đối với Kitô hữu, sự sống và sự chết như có một cái gì rất liên kết, rất gắn bó, đến nỗi trong lòng tin người sống và kẻ chết như đang ở gần kề. Và đó là điều, người tín hữu luôn xác tín mạnh mẽ và hết sứ yên tâm, bởi vì người sống và kẻ chết luôn liên kết với chúa. Mọi Kitô hữu sẽ ý thức và tin tưởng sâu xa vào lời Chúa: ” Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, sẽ được sống đời đời, và không bị xét xử, nhưng sẽ được từ cõi chết mà qua cõi sống “ ( Ga 11, 25; 3, 36; 5, 24).

Chính vì thế, người tín hữu luôn vững dạ an lòng, bởi vì họ được hiệp thông trong Hội Thánh, cùng liên kết với Chúa Kitô trong phép rửa. Như thế, người đã chết luôn nhận được nhiều lời cầu nguyện, các việc lành phúc đức và các thánh lễ do những người còn sống dành cho họ, miễn họ không phải lìa xa Chúa muôn đời.

SỰ SỐNG THAY ĐỔI CHỨ KHÔNG MẤT ĐI:

Mọi Kitô hữu đều sống liên kết với nhau trong Hội Thành bởi vì qua bí tích rửa tội, họ được làm con Chúa và con của Hội Thánh. Nên, họ luôn sống kết hiệp với nhau trong tình yêu thương của Thiên Chúa và sống hiệp thông trong thân thể của Chúa Kitô. Kitô hữu xác tín mạnh mẽ: ” Sự sống thay đổi chứ không mất đi “. Vâng, trong cùng một Giáo Hội “ có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này, và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có “ ( GH 49 ).Quả vậy, mọi Kitô hữu đều xác tín cách mạnh mẽ lời Chúa phán: ” Ta là sự sống lại và là sự sống.Ai tin Ta, sẽ được sống đời đời, và không bị xét xử, nhưng sẽ được từ cõi chết mà qua cõi sống “( Ga 11, 25; 3, 36; 5, 21 ). Hoặc như Sách Khải Huyền viết: ” Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ nơi mắt họ, sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la và không còn đau khổ nữa, vì các việc cũ đã qua đi “ ( Kh 21, 4 ). Người tín hữu yên tâm bởi vì cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ và đời sống mai sau mới vĩnh cửu trường tồn. Chúa Kitô qua sự chết đã đánh bại tử thần, người tín hữu là con Chúa, họ cũng đánh bại sự chết vì sự sống của họ sẽ thay đổi và nhận lấy cuộc sống mới của Chúa trao ban.

CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT LÀ VIỆC LÀM LÀNH THÁNH. ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH:

 Ngưòi tín hữu hướng tâm hồn lên Chúa Giêsu Kitô, lên Đức Mẹ và các Thánh để “ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Chúa Kitô và khám phá ra một lý do mới thúc đẩy ta tìm thành Thánh tương lai”( GH 50 ). Đồng thời để xin các Thánh cầu thay nguyện giúp vì: ” Các Thánh không ngừng cầu bầu cho ta bên Chúa Cha…Các Ngài đã phục vụ Chúa trong mọi sự và hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân thể Ngài là Hội Thánh ( Cl 1, 24 ). Do đó, với tình huynh đệ các Ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn “ ( GH 49 ).

Tháng 11 hằng năm, Hội Thánh dành riêng cầu nguyện cho các linh hồn. Điều này, chứng tỏ lòng thương vô bờ của Hội Thánh đối với những người đã khuất, đồng thời Hội Thánh cũng thúc giục, cảnh tỉnh mỗi Kitô hữu hãy nhớ tới mình, bởi vì một ngày nào đó mình cũng sẽ qua đi như biết bao nhiêu người đã khuất bóng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho các linh hồn được an nghỉ muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.

+ Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THIÊN CHÚA, NGUỒN CẬY TRÔNG CỦA CHÚNG TA

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN (A)

Khôn ngoan 3:1-9; Tv: 23; Rôma 5:5-11; Gioan 6:37-40

Anh chị em thân mến,

Cách đây vài năm khi cha mẹ tôi mất, tôi đã nhờ những lời Thánh Kinh trong ngày lễ hôm nay để an ủi tôi được phần nào.

Sách Khôn Ngoan không nói rõ các linh hồn người quá cố hiện giờ đang ở đâu. Nhưng, những lời đó là những lời an ủi gây niềm hy vọng cho chúng ta:"Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa". Đây là những lời giúp tôi hy vọng khi cha mẹ tôi mất. Tôi có nói với bạn bè là tôi không biết cha me tôi đang ở đâu và đang làm gì, tôi chỉ tin là cha me tôi đang ở trong tay Thiên Chúa nhân từ. Những người trong gia đình và bạn bè tôi có thể hình dung được mẹ tôi đang nấu mì trong ngày Chúa nhật với dì tôi, và cha tôi đang chơi bài với người em rể.

Những cảnh tượng đó thật an ủi cho gia đình tôi. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến bàn tay nhân từ của Thiên Chúa đã tạo dựng cha mẹ tôi, và đã gìn giữ cha me tôi trong đức tin qua những ngày khó khăn, đau yếu, và bây giờ thì ôm ấp cha mẹ tôi vào lòng Ngài. Cũng như sách Khôn Ngoan nói "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa".

Sách Khôn Ngoan nói đến những linh hồn đặc biệt: "Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc". Thường, người ta hay xuôi tay chịu những khó khăn đời này. Nhưng sách Khôn Ngoan nhìn vào những khó khăn đó như của lễ dâng trên bàn thờ Chúa. Vì khi chúng ta chịu phép rửa là chúng ta lãnh nhận chức tư tế, hiến dâng những việc làm cùng những khó khăn trong đời sống cho Chúa. Và chúng ta có được hy vọng theo sách Khôn Ngoan dạy "Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn".(Kn 3:9). Bây giờ, chúng ta đang nghe lại những lời mà xưa kia lúc cha mẹ tôi mất tôi đã nghe: "họ đã ở trong tay Thiên Chúa nhân từ". Đó chính là sự trông cậy vững vàng của chúng ta vào Thiên Chúa – Vì ngài biết rõ mọi sự.

Và đây cũng là ý chính lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay - Trông Cậy. Sự Trông cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa đã thể hiện qua sự đau khổ của Chúa Giêsu vì chúng ta. Mà chúng ta không xứng đáng được hưởng tình yêu này, vì chúng ta đang là những tội nhân. "Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta"(Rm.5:8). Chúng ta không còn sợ sự chết, như nhiều người trong chúng ta thường sợ, nếu chúng ta tin rằng sau khi chết, chúng ta sẽ ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tội lỗi không thể ngăn cản được sự bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Chúa Giêsu, và không thể nào làm chúng ta xa cách Thiên Chúa ở đời này và cả đời sau. Vì Thiên Chúa luôn cho chúng ta có cơ hội để hòa giải với Người "Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người"(Rm.5:10)

Trong đời này và đời sau, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa qua niềm tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi chúng ta do dự trong niềm tin này, ắt chúng ta sẽ phải đương đầu với sự chết và sự đau đớn lâu dài của người thân thương, hoặc khi chúng ta nghĩ đến cái chết của chúng ta thì Chúa Thánh Thần vẫn liên tục đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhằm giúp chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Ngay cả tội lỗi và sự chết, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Như thế, không phải chỉ đến lúc chết chúng ta mới được ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa, mà nhờ Chúa Giêsu chúng ta đã được ở trong vòng tay của Người, và Người sẽ uốn nắn chúng ta trở thành người con luôn trông cậy vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói gọn là:"Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta"(Rm.5:5)

Phúc âm hôm nay cũng tiếp tục ý tưởng này là chúng ta chắc chắn ở trong vòng tay Thiên Chúa nhân từ trong đời này và đời sau. Mỗi lần nghĩ đến sự đối đãi của Thiên Chúa đối với những vấp phạm, thì tôi hình dung lại thời thơ ấu. Với những hình ảnh một Thiên Chúa giận dữ, phán xét chi li, và sẵn sàng phạt người tội lỗi, trừ khi Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa can thiệp và làm Thiên Chúa dừng tay lại. Trước đây, trong đám tang, những hình ảnh ấy của Thiên Chúa được hiện rõ: Linh mục mặc áo đen, các bài hát buồn tẻ, nhất là bài nói về ngày phán xét, một bài hát xưa nói về sự phán xét giận dữ của Thiên Chúa đối với người qua đời. Với lời nhạc buồn đã tăng thêm phần lo sợ. Và chúng ta không biết ai là người xét xử linh hồn chúng ta lúc lâm chung, Đức Chúa Cha hay Chúa Giêsu, Đấng phán xét nhân từ.

Những lúc ấy đáng lẽ chúng ta nên đọc Thánh Kinh nhiều hơn, như đoạn Phúc âm thánh Gioan hôm nay. Thánh Gioan cho chúng ta biết, Thiên Chúa không phải là Đấng có hai tính: Một là quan tòa giận dữ phán xét loài người, và hai là Chúa Kitô tha thứ và thương yêu. Hơn nữa, thánh Gioan lại thêm: Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến gần với chúng ta. Sách Khôn Ngoan an ủi chúng ta rằng người quá cố "đã được an nghỉ trong tay Thiên Chúa". Câu Phúc âm ấy vang dội trong hôm nay. Chúa Giêsu là bằng chứng cụ thể của cánh tay nhân từ đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa. Vòng tay đó ôm ấp người công chính trong đời này và cả đến đời sau của chúng ta.

Thánh Gioan viết: Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cữu ngay từ bây giờ, vì qua Chúa Giêsu, chúng ta đã được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nên sự sống của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta. Sự kết hợp này bắt đầu ngày hôm nay và không bị đứt đoạn bởi sự chết, vì chính Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ cho chúng ta sống lại "vào ngày sau hết". Vậy chúng ta có vui lòng nhận đời sống mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta bây giờ, và có chấp nhận Thiên Chúa mến yêu trong đời sống chúng ta không?

Chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa chính sự sống của Ngài vào lòng chúng ta. Và mỗi khi chúng ta họp nhau ngày Chúa nhật, chúng ta lại được nhắc nhớ đến hồng ân Thiên Chúa đã ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Nhờ nghe Thánh Kinh đã làm cho Thiên Chúa đang hoạt động một cách sáng tạo trong chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta đón nhận là lương thực nuôi dưỡng sự cậy trông của chúng ta vào vòng tay nhân từ của Thiên Chúa bây giờ cho đến đời sau mãi mãi bên chúng ta.

Chúa Giêsu đã cam đoan với chúng ta hôm nay: "…ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài"(Ga.6:37). Chúa Giêsu nói rõ ràng ý định của Ngài là đặt một mối liên hệ dài lâu với chúng ta, vì đó cũng là "Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai". (Ga. 6:39)

Trong lễ hôm nay và những ngày kế tiếp, cộng đoàn người Mễ Tây Cơ mừng ngày tảo mộ của họ là lễ Cầu cho người qua đời. Gia đình đi thăm nghĩa trang nơi những người thân đã được chôn cất, và họ đem những món ăn mà những người quá cố trước kia thích. Nơi phần mộ các thân nhân, mọi người tụ lại cùng ăn uống với nhau cả người lớn và trẻ em, và nói với nhau những câu chuyện về người quá cố. Đó là hành vi biểu lộ tình yêu thương của gia đình đối với người đã qua đời. Họ cũng tin là linh hồn của người quá cố vẫn còn sống với họ.

Chúng ta không cần phải là người Mễ Tây Cơ để mừng sự sống của những người quá cố trong gia đình và bạn hữu của chúng ta. Vì khi chúng ta họp nhau nơi bàn tiệc Thánh là chúng ta cũng mừng như vậy. Chúng ta cùng nghe lời Thánh Kinh, và những chuyện chung trong gia đình. Rồi chúng ta cùng ăn "của ăn" đã nuôi dưỡng người thân thương của chúng ta là bánh và rượu là món ăn đã nâng đỡ họ khi họ còn sống và lúc họ đã qua đời. Món ăn ấy cho chúng ta trông cậy là ngày sau sẽ cùng hưởng với Chúa Phục sinh.

Đây là lúc chúng ta nên đi thăm mộ và kể chuyện những người quá cố cho con cháu nghe. Chúng ta nên nhắc đến đời sống đức tin của các bậc tiền nhân, và nhờ các vị ấy mà đức tin được chuyển đến chúng ta. Về nhà, chúng ta có thể mở tập hình ảnh của gia đình cho con trẻ xem. Đến lúc đọc kinh tối chúng ta nên nhắc đến những người đã khuất.

Lúc này là mùa thu, cảnh vật có vẽ tàn úa với chúng ta. Nhưng chúng ta hy vọng chắc chắn là cảnh vật sẽ trở nên xanh tươi. Chúng ta có sự trông cậy vững vàng vì Chúa Giêsu đã hứa là Ngài cho chúng ta sự sống vĩnh cữu và với Ngài tất cả chúng ta sẽ được sống lại " vào ngày sau hết"

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

 +Lm. Lm Jude Siciliano OP

NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ SỰ CHẾT-

Mỗi người công giáo chúng ta có ba nhà: nhà thứ nhất, là nhà sinh, nhà cha mẹ sinh chúng ta ra, nơi đây, chúng ta sống và lớn lên, gọi là nhà ở; nhà thứ hai, là nhà thờ, nhà thờ của giáo xứ chúng ta, nơi chúng ta thờ phượng Chúa, nơi chúng ta được chịu phép Rửa Tội để làm con Chúa, chịu các phép bí tích khác, nơi chúng ta được gặp Chúa Giêsu trong Nhà Chầu, được nghe Lời Hằng Sống của Chúa, được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng; nhà thứ ba, là nhà chết, tức là ngôi mộ chôn vùi chúng ta sau khi chúng ta tắt thở lìa đời. Nhà chết, ngôi mộ của chúng ta, chỉ có ý nghĩa khi còn sống, chúng ta năng đến nhà thờ để gặp Chúa Giêsu, bởi vì, khi thân xác chúng ta nằm trong nhà chết của mình, nằm trong ngôi mộ của mình, thì linh hồn chúng ta trước tòa của Chúa Giêsu để chịu phán xét riêng, và Chúa Giêsu sẽ nhận ra ngay chúng ta là con của Chúa, khi đó, linh hồn chúng ta sẽ được thưởng vào nước thiên đàng, còn thân xác sẽ được sống lại sáng láng sau nầy trong ngày tân thế. Đạo chúng ta là đạo suy tưởng và thẳng thắn nhìn vào sự chết không khiếp sợ, tránh né. Ngày nào, Giáo Hội cũng dạy con cái mình lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xa xưa nhất, do từ cửa miệng các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội: " Xin cho các linh hồn được nghỉ ngơi bằng an ". Ngày nào chúng ta cũng âu yếm nhìn lên Tháng Giá để thấy Chúa chết. Ngày nào chúng ta cũng nhiều lần sốt sắng làm Dấu Thánh Giá trên thân xác chúng ta để kính nhớ sự Chúa chết, để in cái chết của Chúa Giêsu trên thân xác mình. Sáng nào, khi vừa thức dậy, cũng như môỵi tối trước khi đi ngủ, đôi môi chúng ta luôn mấp máy lời cầu nguyện tha thiết: "Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con, Chúa đã chết, xin cho con được chết như Chúa và được chết giống Chúa. Xin cho con ngày hôm nay, xin cho con tối nay, biết luôn luôn ăn năn tội để khỏi phải chết tươi khốn nạ đời đời". Và ngày nào, từ sáng đến tối, thế nào môi miệng chúng ta cũng nhiều lần lặp đi lặp lại lời cầu nguyện với Mẹ Maria trong Kinh Kính Mừng: "Cầu cho con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen!".

Đạo chúng ta là đạo hiệp thông với người chết. Khi biết được trái tim người chết của chúng ta vừa thôi đánh, Giáo Hội dạy đánh chuông nhà thờ để tiếng chuông vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn người nầy đã được Chúa gọi về. Khi nghe tiếng chuông báo tin nầy, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ đến nhà người chết, đọc kinh, cầu nguyện, tẩm liệm cung kính theo nghi thức của Giáo Hội. Và kìa đây, xác người chết được rước đến Nhà Thờ, được đặt ngay trước Nhà Chầu của Chúa Giêsu, được đặt gần quả tim của Người. Cây nến Phục Sinh, tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu và của những ai theo ngài, được thắp sáng lên, đặt cạnh quan tài người chết. Rồi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội cung kính xác người chết, như thánh nữ Mađalêna cung kính Xác Thánh của Chúa Giêsu. Đại diện cho Giáo Hội, linh mục lên đường đi tống táng, từ Nhà Thờ ra đến Đấùt Thánh, nơi đây, linh mục làm phép huyệt để thánh hóa nơi người chết an nghỉ, và nói lên cho mọi người nghe những lời hy vọng tuyệt vời: chúng ta hãy gởi xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại, sẽ gặp nhau trên nước thiên đàng.

Trên trần gian nầy, Giáo Hội dạy người có đạo phải kính trọng và săn sóc hai nơi đặc biệt, một nơi để thờ phượng Chúa, là Nhà Thờ; một nơi để kính các người có đạo đã qua đời, mà Giáo Hội tin thế nào cũng sẽ về trời để làm những vị thánh, đó là Đất Thánh.

Bởi vậy, Đạo chúng ta là đạo của người sống và của người chết. Người chết, tuy là người đã hết sống đời nầy, nhưng họ đang sống ở đời sau, trong tình yêu của Chúa, và họ đang đợi gặp chúng ta lại. Người sống là người sẽ chết và sẽ gặp lại những người thân yêu của mình sau nầy.

Như thế, đối với người sống, người chết vẫn còn sống để gặp nhau lại, và đối với người chết, người sống một ngày kia sẽ gặp lại họ trên nước thiên đàng. Thế là kẻ chết người sống không mất nhau: người chết không mất người sống, và người sống cũng không mất kẻ chết. Kẻ chết, người sống, không ai mất ai hết: họ chỉ tạm biệt nhau nơi bờ đau khỗ dưới trần gian, để gặp nhau lại vĩnh viễn nơi bến hạnh phúc trên thiên đàng.

Cùng với thời gian, Chúa ban cho chúng ta đang sống trên trần gian nầy được ý thức rằng mình không phải sống trong một gia đình, mà sống trong hai gia đình rõ rệt: một gia đình với những người đang còn sống với mình, và một gia đình với những người đã chết trước mình. Và tâm hồn chúng ta luôn luôn đi từ gia đình nầy đến gia đình kia, trong niềm yêu thương vui sướng.

Trong thinh lặng của đêm khuya, chúng ta nhớ đến cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bà con, bạn bè, ân nhân của chúng ta đã qua đời. Bao nhiêu khuôn mặt hiện ra trước mắt chúng ta: đó là cha, mẹ ta, đó là anh, chị, em ta, đó là bạn bè ân nhân của ta. Những người nầy luôn luôn hiện diện trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta nhớ tên từng người một. Chúng ta thấy rõ họ hơn và thấy họ luôn mới mẽ. Chúng ta nghe rõ giọng đặc biệt của họ, nghe rõ tiếng họ nói, thấy rõ những cử chỉ thân mật của họ, thấy rõ cặp mắt trong sáng của họ, và nụ cười thân ái của họ. Chúng ta nhìn họ và nói chuyện với họ. Chúng ta thấy giờ đây, họ đã thoát khỏi vật chất, thoát khỏi lầm lạc, thoát khỏi xa cách. Chúng ta thấy họ hiểu rõ chúng ta hơn chúng ta hiểu rõ mình, và họ thấy rõ chúng ta hơn là chúng ta thấy rõ chúng ta. Vì những người chết, mặc dù chúng ta không thấy họ, không nghe họ, không đụng chạm đến họ nữa, nhưng tâm hồn họ vẫn luôn bao phủ lấy chúng ta, luôn luôn hiện diện với chúng ta: những người chết không phải là những kẻ vắng mặt, họ chỉ là những kẻ chúng ta không trông thấy mà thôi, nhưng họ vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

Chúa Giêsu của chúng ta là Đấng đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng: em bé kia nằm chết trên giường, ngài được mời đến, cầm tay em, lôi dậy, cho em sống lại; thanh niên con trai bà góa thành Naim nọ đã bị bó lại, đem đi chôn, ngài phán một lời, anh ta sống lại ngay; Ladarô đã chôn trong mộ bốn ngày, không ai dám mở nắp mộ ra kẻo thúi, Chúa truyền cho mở nắp mộ, phán một lời, ông ta sống lại, ra khỏi mổ, không còn thúi tha gì nữa.

Chúa Giêsu đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng, nhưng ngài cũng đã thắng cái chết của chính mình một cách lạ lùng hơn nữa. Khi còn sống, ngài nói rõ: "Tôi có quyền trên sự sống của tôi", và ngài đưa ra một lời tiên tri táo bạo về sự sống lại của ngài: "Tôi chết, nhưng ba ngày sau, tôi sống lại". Trên núi Canvariô, quân nghịch của Chúa nhạo cười ngài đang hấp hối trên thập giá: "Nếu ngươi là Con của Thiên Chúa, hãy xuống thập giá để chúng ta tin." Chúa Giêsu im lặng, không trả lời. Đối với Chúa Giêsu lúc đó, xuống khỏi thập giá cũng dễ dàng như khi ngài ra lệnh cho bão táp im lặng, cho người bất toại đi được, cho kẻ chết sống lại. Nhưng Chúa Giêsu muốn dành cho loài người chúng ta một sự lạ lùng vĩ đại hơn nhiều: Ngài muốn chết như mọi người chúng ta, bị đem chôn chặt trong mồ, để từ trong ngôi mộ, - ngôi mộ mà từ xưa đến nay, và từ nay cho đếán tận thế, đè bẹp tất cả những ai nằm trong đó, không cho ai chỗi dậy, - thì Chúa Giêsu của chúng ta sau khi chết chôn ba ngày nằm trong đó, đã tung mồ sống lại.

Giáo Hội reo mừng chiến thắng khi thấy Thầy mình sống lại. Giáo Hội ca lên lời ca bất hủ ngày Chúa Phục Sinh: "Sự sống và sự chết giao tranh ác liệt, nhưng sự sống đã toàn thắng sự chết và ngự trị muôn đời." Và kể từ đó, những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, đều bước theo dấu vết của ngài trên con đường sống lại. Thánh Atanasiô dạy chúng ta: "Từ khi Đấng Cứu Thế sống lại thì sự chết không còn đáng sợ nữa. Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô đều biết rằng khi chết, mình không hết, nhưng vẫn sống, và sự sống lại sẽ làm cho thân xác mình được sáng láng." Chúng ta phải chết để đền tội chúng ta, như Chúa Giêsu đã chết để đền tội nhân lọai. Nhưng chúng ta chết, còn là để được sống lại, để được sống muôn đời bên cạnh Thiên Chúa Ba Ngôi, bên cạnh Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, bên cạnh Đức Mẹ Maria đã sinh Chúa Cứu Thế ra cho chúng ta, bên cạnh những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta.

Vậy chúng ta hãy sống thánh, để được chết lành vì chỉ khi nào chết lành, chúng ta mới được gặp lại những người thân yêu của chúng ta trên nước thiên đàng. Chúng ta hằng ngày luôn nhớ cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta, nhất là cầu nguyện cho họ trong Thánh Lễ và xin dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho họ. Amen.

 +Lm Nguyễn Vinh Gioang

NHỚ CÁC ĐẲNG – NGHĨ PHẬN MÌNH

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 01:04)

Nhớ các đẳng – nghĩ phận mình

Còn ít ngày nữa, chúng ta lại giã từ một năm Phụng vụ cũ và bước vào năm Phụng vụ mới. Những ngày cuối năm Phụng vụ là dịp để mỗi người nhìn lại mình một năm qua, nhìn lại cuộc đời của mỗi người qua một chặng đường. Dẫu là bất cứ ai trên cõi đời này đi chăng nữa nhưng không thể nào thoát khỏi cái phận người mong manh, mỏng dòn và non yếu.

Những trang sách Thánh, những trang Tin mừng càng về cuối năm càng đưa mỗi kitô hữu chúng ta về ngày cánh chung, về ngày chung cục của cuộc đời. Đặc biệt, tháng cuối năm này, Giáo Hội lại mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại phận người trong tháng nhớ đến các đẳng linh hồn. Các đẳng linh hồn đấy là ai? Là ông, là bà, là cha, là mẹ, là anh, là chị, là người thân quen nghĩa thiết với mỗi người chúng ta. Nhìn họ, nhớ họ để nhìn, để nhớ đến phận người của mỗi người chúng ta.

Với tuổi sung sức để làm việc trong vườn nho nhà Chúa nhưng nào ngờ người anh em thân thương đã được Thiên Chúa gọi về. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng (Dòng Chúa Cứu Thế) đã dệt trong mình biết bao nhiêu mơ ước cho đời mục tử của mình. Anh vui vẻ, dễ thương quá để rồi đàn em gọi anh với một cái tên thật gần gụi, thật dễ thương: anh Hai. Cái tên ấy đi theo anh mãi ngay cả sau cái ngày anh lãnh sứ vụ linh mục. Và thật sự là như thế sau khi lãnh sứ vụ linh mục, anh Hai Đồng thân yêu đã không từ nan bất cứ một việc gì được Thiên Chúa sai đi qua ý của Bề Trên. Từ vùng biển mặn Cần Giờ ngược ra Nha Trang và lại về vùng Nước nổi trước ngày trở về với Chúa. Anh đã tận tuỵ, anh đã dốc hết sức lực của anh để làm việc trong vườn nho Nhà Chúa thế nhưng cơn bạo bệnh đã đến với anh.

Anh ra đi để lại trong lòng cha mẹ, những người thân và nhất là anh em trong Dòng sự thương tiếc vô hạn vì tình cảm của con người dành cho nhau. Sự ra đi của anh cũng để lạo sự trống vắng một bàn quỳ trong ngôi nhà nguyện thân thương mà ngày mỗi ngày anh cùng cầu nguyện, cùng kinh sách với anh em. Và quan trọng nhất, sự ra đi của anh đang còn tuổi xanh như thế cho ta nhìn lại phận của con người. Chúng ta, dù thương anh vô hạn, dù tiếc anh vô cùng nhưng cũng không thể nào ngăn cản được thánh ý của Chúa trên anh. Anh ra đi như là một sự nhắc nhớ cho những người còn ở lại về phận người.

Mới đây, sau khi dâng lễ chiều, tôi chạy sang đường Thích Quảng Đức để thăm một nữ tu Dòng Nữ Vương Hoà Bình. Trong tin nhắn vì không có dấu nên tôi cứ nhầm tưởng là nữ tu ấy đang bệnh thế nhưng khi đến cộng đoàn, hỏi ra mới biết là sơ ấy đang đi nuôi một sơ trẻ đang chờ ngày về trình diện với Chúa. Thêm một chút nữa thì được biết sơ trẻ ấy năm nay mới ngoài ba mươi, mới khấn trọn đời được có vài năm !

Trên đường về lại tu viện, lòng tôi nặng trĩu khi đối diện với một sự thật mà khó ai có thể chấp nhận. Nữ tu trẻ ấy không phải là người tội lỗi nhất để lãnh căn bệnh nghiệt ngã mà cả ngoại quốc cũng phải bó tay, nữ tu trẻ ấy không phải là người xấu để lãnh nhận bản án xấu như vậy, nữ tu trẻ ấy không phải là người muốn mang gánh nặng cho chị em trong cộng đoàn và gia đình. Qua căn bệnh nghiệt ngã mà nữ tu trẻ ấy đón nhận chúng ta là những người tin sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa muốn nói điều gì đó với mỗi người chúng ta:

Nhà tôi ở đã bị giật tung

và đem đi như lều mục tử

Con như người thợ dệt

đang mãi dệt đời mình

bỗng nhiên bị tay Chúa

cắt đứt ngay hàng chỉ … (Is 38, 12)

Qua biến cố của anh Đồng, qua biến cố của vị nữ tu trẻ tuổi ấy chúng ta lại xác tín với nhau như lời Thánh Vịnh 145:

Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế

nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.

Họ tắt hơi là trở về cát bụi

dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan

Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacob phù hộ

và cậy trong Chúa, Thiên Chúa họ thờ.

Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi

cùng muôn loài trong đó. (Tv 145, 3.4)

Chỉ có một Đấng mà chúng ta tín thác tôn thờ là Chúa thế nhưng đôi lúc ta lại quên đi Đấng là Chúa là Chủ của cuộc đời ta. Phận con người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối để rồi có những lúc chúng ta đánh mất Chúa và chúng ta lại để cho con người yếu đuối nổi lên trong lòng ta. Và khi đối diện với những thực tại căn bản và hiện thực như thế này lòng chúng ta chạnh lại.

Nhớ lại câu chuyện của vị thiền sư nọ bên Tô Châu. Ông để trên bàn làm việc của ông chiếc quan tài con để rồi ai vào phòng của ông đều ngạc nhiên với chiếc quan tài đó. Người ta thắc mắc thì ông giải thích rằng trước khi giải quyết chuyện gì ông đều nhìn vào chiếc quan tài đó để mà quyết. Và cứ như thế, nhìn vào chung cục đời mình, nhìn vào cùng đích của đời mình ông đã quyết định mọi việc có tình và có nghĩa hơn.

Thiển nghĩ thân phận của anh Hai Đồng, thân phận của vị nữ tu trẻ, hình ảnh cũng suy nghĩ của vị thiền sư phần nào để lại trong chúng ta cái nhìn về phận người. Phận người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối lắm vậy mà quá nhiều lúc ta cứ tưởng ta hơn người khác, ta hay hơn người khác để rồi đủ mọi mánh khoé, đủ mọi mưu mô, đủ mọi tính toán mà chà đạp anh chị em đồng loại.

Đừng để những hành động mang tính con người nó chi phối ta để đến ngày phải đối diện với cái chết ta mới nhận ra phận người. Đừng để anh chị em đồng loại xung quanh ta phải quá đau khổ vì những suy nghĩ, những lối hành xử quá sức là kinh khủng của ta.

Ta hoàn toàn tự do chọn lựa quyết định, ta hoàn toàn tự do lựa chọn cách hành xử. Bề ngoài, có thể là những quyết định, hành xử rất bác ái, rất hoa mỹ, rất hoành tráng nhưng có thể bên dưới những lời hoa mỹ, những lời đầy tính bác ái yêu thương đấy lại là những vết dao đang đâm thâu anh chị em đồng loại.

Chỉ khi nào ta đối diện với lòng ta, với lương tâm ta và với chính Chúa ta mới có thể nhận ra ta là người thật hay người giả mà thôi. Chỉ khi nào ta đối diện với những cái chết, với những cơn đau đớn do căn bệnh thập tử nhất sinh mang lại ta mới có lòng thương cảm với những phận người nhỏ bé và yếu đuối xung quanh ta mà thôi.

 Lm Anmai, CSsR -dongcong.net

XIN CHO CÁC LINH HỒN ÐƯỢC NGHỈ YÊN MUÔN ÐỜI

 VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 01:15)

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (Kn 3:1-9; Rm 6:3-9; Ga 11:17-27)

Tại những xứ sở có bốn mùa, thì tháng Mười Một nằm giữa mùa Thu - mùa lá vàng. Giữa những khu rừng lá vàng, còn điểm những vùng lá đỏ ối. Chẳng thế mà giới thi sĩ cũng như hoạ sĩ đã tốn nhiều sơn mực để mô tả vẻ đẹp của mùa thu. Những người không biết hoạ, cũng không biết làm thơ, nhưng có tâm hồn thi sĩ, thì lái xe hằng giờ ra khỏi nhà để ngắm lá thu. Ôi chao, mầu sắc rực rỡ của mùa thu, sao mà đẹp thê-ế! Tuy nhiên chẳng bao lâu nữa, lá cây sẽ rụng xuống, rồi vạn vật cũng đi nằm ngủ. Mùa thu báo hiệu cái chết của thảo mộc: cỏ cây và hoa lá, khiến cho người ta cũng liên tưởng đến cái chết của con người.

Với người không tin tưởng vào sự sống đời sau thì chết là hết, chết là một thất bại, ngoài ra không còn gì khác nữa. Ðối với họ chỉ có mùa đông, mà không có mùa xuân. Còn đối với người tín hữu tin tưởng, thì chết không phải là hết, cũng không phải là thất bại. Chết chỉ là một sự biến đổi từ đời này qua đời khác. Chết không phải là một thất bại vì Chúa Kitô qua cái chết, đã toàn thắng sự chết nhờ cuộc phục sinh vinh hiển: Nhờ máu Chúa Kitô đổ ra, ta đã được nên công chính hoá (Rm 5:9). Như vậy chết không phải là hết, nhưng chỉ là kết thúc đời sống tại thế như kinh Tiền tụng I Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời ghi lại: Sự sống biến đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.

Trước Công đồng Vaticanô II, người ta hay nói đến hỏa ngục. Sau Công đồng, người ta lại ít nói về hỏa ngục, và cũng ít nói về luyện ngục. Nhắc đến hoả ngục thì không ai có ý hù ai đâu. Chính Chúa Giêsu cũng nói về hoả ngục một số lần trong Tân ước (Mt 5:22, 29, 30; Mt 10:28; Mt 18:9; Mt 23:33; Mc 9:43, 45, 47; Lc 12:5); nơi tối tăm bên ngoài (Mt 25:30); nơi chịu cực hình muôn kiếp (Mt 25:46); nơi khóc lóc nghiến răng (Lc 13:28) hay chốn âm phủ (Lc 16:23). Chúa Giêsu còn nói đến nơi phải trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5:26; Lc 12:59).

Luyện ngục nói lên lòng từ bi thương xót của Chúa. Thật vậy nếu không có luyện ngục thì Thiên Chúa quả là khắt khe độc dữ. Nếu không có luyện lục mà chỉ có thiên đàng và hỏa ngục, thì quả là điều đáng sợ vì khi chết rồi, nếu không lên thiên đàng thì phải xuống hoả ngục, không có nơi ỡ giữa để được luyện lọc thanh tẩy linh hồn. Nếu không có luyện ngục thì người ta không cần cầu nguyện cho người quá cố, không cần xin lễ cho linh hồn nọ, linh hồn kia làm gì. Ngay từ thời Cựu ước, sách Macabê cũng đã nhắc đến việc dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố trong nơi thanh luyện khỏi tội lỗi: Thật quả là một ý nghĩa đạo đức và thánh thiện. Ðó là việc xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (2Mcb 12:45-46).

Trên đường hành trình đi về nhà Chúa, người tín hữu không đi một mình, nhưng đi cùng với toàn thể dân Chúa: đi cùng với Mẹ Maria và các thánh trên trời, đi cùng với người tín hữu tại thế, và đi cùng với các linh hồn nơi luyện ngục. Theo Tín điều Các Thánh cùng thông công thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể bầu cử cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế cũng có thể hiệp thông với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng gương sống đạo và việc hi sinh bác ái và thiện hảo. Người tín hữu tại thế còn có thể dâng lời cầu nguyện và công việc hi sinh, bác ái và thiện hảo cho các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô. Ðiều mà Công Ðồng Triđemtinô gọi là Tín điều Các Thánh cùng Thông công thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH # 51).

Như vậy đời sống đức tin của người tín hũu được hỗ trợ một cách tối đa bằng việc bầu cử của mẹ Maria và các thánh, bằng việc cầu nguyện và thúc đẩy của người này lẫn cho người kia. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, ta vẫn còn được hỗ trợ. Người quá cố vẫn được nhớ đến bằng hình ảnh, bằng công việc người quá cố để lại, bằng kỷ niệm và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng. Biết được như vậy, biết được sau khi chết, ta vẫn còn được sự nâng đỡ và hỗ trợ sẽ làm sưởi ấm lòng ta biết bao! Truyền thống công giáo nhắc nhở người tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Tuy nhiên các linh hồn nơi luyện ngục không thể làm gì để cứu giúp mình. Các linh hồn nơi luyện ngục tuỳ thuộc vào lời cầu nguyện và những việc hy sinh, bác ái và thiện hảo của người tín hữu làm để chỉ cho họ.

Hôm nay nhằm ngày lễ các Linh hồn, ta cùng dâng lời cầu nguyện cho các linh hồn tiên nhân, các linh hồn thân nhân, bạn hữu, các linh hồn đã qua đời. Ðiều răn thứ bốn dạy ta thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ khi sống thì cũng thảo kính cha mẹ khi các vị đã khuất bóng. Nhớ ơn người sống thì ta cũng nhớ ơn người quá cố bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục để xin Chúa vì lòng xót thương tha thứ tội lỗi cho người quá cố và dẫn đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa như lời Chúa Giêsu đã hứa trong Phúc âm hôm nay: Ai tin vào người Con thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho sống lại trong ngày sau hết (Ga 6:40).

Theo truyền thống trong Giáo hội, hôm nay người tín hữu được khuyến khích ra viếng nghĩa địa để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân họ hàng. Và trong cả Tháng các Linh hồn người tín hữu cũng được nhắc nhở để dâng lễ cầu nguyện theo những ý chỉ trên.

Lời cầu nguyện, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời:

Lạy Chúa cả toàn năng!

Chúa là vinh quang của các thánh,

là hi vọng của người tín hữu.

Xin tha thứ tội lỗi cho những người quá cố

Xin chiếu ánh sáng ngàn thu trên linh hồn họ.

Và xin cho con được ở trong nhà Chúa

khi sống cũng như sau khi lìa đời.

Xin đừng để con xa lìa Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng      trongtb@yahoo. com

NGHĨA TRANG

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 01:17)

NGHĨA TRANG

(Lễ cầu cho các linh hồn 02-11)

Hằng năm cứ vào tháng 11 Dương lịch, đặc biệt vào ngày 02 của tháng, đoàn tín hữu được dịp quây quần với người đã khuất. Thánh Lễ được cử hành tại nghĩa trang quả là một truyền thống tốt đẹp. Thánh Lễ ở nghĩa trang là một trong những sinh hoạt Phụng Vụ không chỉ làm nổi bật chiều kích tâm linh như kiểu cảm nhận của cố nhạc sĩ họ Trịnh “ người chết nối linh thiêng vào đời”, không chỉ đượm nét nhân văn khi con người sống biết cội biết nguồn… mà còn ghi đậm nhiều tâm tình trong lòng người đang còn lữ thứ.

Lẽ thường, ai ai cũng sợ chết cả. Không phải bằng thể lý nhưng bằng ý nghĩ, người ta tìm cách tránh né những hình ảnh gợi nhớ về sự chết như quan tài, ngôi mộ hay nghĩa trang… Bà con có niềm tin thì cứ vào dịp xuân về hay dịp kỵ giỗ người thân, thưòng đi tảo mộ. Kitô hữu, cách riêng người Công giáo thì có thêm một ngày đặc biệt trong năm là ngày 02-11, ngày hướng lòng về những người đã khuất. Khác với bà con lương dân hay anh em khác đạo, Kitô hữu quây quần bên nhau tại các nghĩa trang quanh các ngôi mộ với một bầu khí tưng bừng như lễ hội.

Xin được chia sẻ một đôi tâm tình, đúng hơn là một vài cảm nghiệm liên hệ đến cái nơi được gọi là nghĩa trang. Nếu được hỏi nghĩa trang là gì ? Ta dễ dàng trả lời đó là nơi chôn cất người chết. Văn vẻ hơn thì nói đó là nơi yên nghĩ của những người đã ra đi, đã giả từ dương thế. Nếu chịu khó nghĩ suy một chút thì hai từ nghĩa trang còn gợi mở cho ta nhiều điều sâu xa.

Từ “nghĩa” diễn tả những việc, những điều hợp lẽ đạo. Chẳng hạn “nghĩa tử, nghĩa tận” tức là những gì ta làm cho người đã khuất là làm cho đến cùng mới hợp lẽ đạo. Từ “nghĩa” còn diễn tả sự kết hợp, sự nối liền nhờ ân tình. Chẳng hạn nghĩa tử, nghĩa phụ, nghĩa huynh, nghĩa đệ, nghĩa tế… tức là nhờ ân tình mà nối kết nhau thành cha con, anh em... Từ “trang” diễn tả nơi ở, nơi sinh hoạt. Chẳng hạn “gia trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của gia đinh, “nông trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của nông dân…Ghép hai từ nghĩa trang thì ta có được khái niệm đó là nơi ở của những người liên kết với nhau bằng ân tình, một nơi ở hợp lẽ đạo.

“Sinh ký, tử quy” và “lá rụng về cội”. Chết là đi về. Người đã khuất thì sẽ về một mối là về với cội nguồn. Trước đây, khi còn sống, người ta có thể khác nhau về tuổi tác, xa nhau về môi trường sống, sinh hoạt, khác nhau về địa vị, công việc…nhưng sau khi chết người ta được gần kề nhau. Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, người già hay trẻ bé, là đàn ông hay đàn bà…tất thảy đều nằm bên nhau và với nhau, không một chút tị hiềm hay cạnh tranh, không một chút so sánh hay đôi co hơn thiệt. Khi còn sống, có thể khác nhau huyết nhục, có thể khác nhau ngôn ngữ hay màu da và cả khác nhau về chính kiến hay niềm tin, người ta vẫn nằm kề bên nhau, có khi lại nằm chồng lên nhau trong sự an bình, yên tỉnh. Nghĩa trang là nơi ở của những người được kết nối với nhau bằng ân tình, hợp lẽ đạo là đạo làm người.

Nhiều người với nhiều cái xưa khác nhau, nay lại yên nghỉ trong cùng một mái nhà ân tình là nghĩa trang, ít nhiều cũng nhắc nhớ chúng ta quy luật của muôn đời, đúng hơn là quy luật của Đấng Tạo thành đặt để trên phận người là rồi đây ai cũng sẽ trở về với nơi mình phát xuất ra. Trong đức tin, chúng ta tin nhận rằng mọi người, bất phân chính kiến, màu da, quốc tịch hay niềm tin, thảy đều phải ra trình diện trước Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Thành. Hết thảy mọi người rồi sẽ trở về với cội nguồn để trả lẽ về những gì mình đã sống trên cõi dương gian này. Và cái nơi hội ngộ của ân tình là nghĩa trang cũng nhắc nhớ chúng ta tiêu chuẩn căn bản mà chúng ta phải trả lẽ trước Đấng Hoá Công đó là trái tim, tấm lòng của chúng ta đối với nhau khi ta còn lữ thứ. Chúa Kitô đã minh nhiên nói lên sự thật này trong dụ ngôn ngày phán xét chung ( x. Mt 25,31-46 ).

Cố nhạc sĩ họ Trịnh không chỉ cảm nhận “ người chết nối linh thiêng vào đời” mà còn đồng cảm với Kitô hữu chúng ta rằng người chết nhắc nhớ ta hãy sống với nhau cho có ân tình: “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi…”, nghĩa là để bình an, thanh thản mà đi đến nơi mọi người sẽ đến là nghĩa trang, căn nhà của ân tình. “ Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát. các ngươi đã cho Ta uống…” ( Mt 25,34 tt ).

Tháng 11 lại về, Hội Thánh mẹ mở kho tàng ân phúc của Chúa tạo dịp để các tín hữu mở rông tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Hội Thánh thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Dù rằng Hội Thánh dạy mỗi ngày chỉ có thể lãnh nhận một ân xá dành chi các linh hồn thế mà vẫn có đó hình ảnh nhiều cụ ông, cụ bà hết vào Nhà Thờ cầu nguyện lại ra nghĩa trang cầu nguyện. Có người vừa bước ra khỏi Nhà thờ lại quay vào để tiếp tục kiếm xin ân tình của Chúa mà trao dâng cho các linh hồn. Nói đến các linh hồn thì ít ai tiếc xót công hay của. Nhiều người đang nằm đó trong các nghĩa trang như một lời mời gọi chúng ta hãy sống cho có ân tình không chỉ cho chính họ mà cho cả chúng ta, những người đang con trong kiếp lữ thứ gian trần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

CHỐN LUYỆN HÌNH

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 00:57)

CHỐN LUYỆN HÌNH

Các linh hồn ở nơi luyện tội,

Từng phút giây mong đợi thiên đàng.

Ngõ hầu chiêm ngắm thánh nhan,

Của Cha Từ Ái lòng tràn niềm vui.

Từ đây hết nếm mùi đau khổ,

Bởi gặp Chúa là chỗ tựa nương.

Chính Ngài mạch suối yêu thương,

Hằng luôn tưới gội cho muôn người phàm.

Chốn Thiên Quốc đầy tràn sự thiện,

Khi thời gian thanh luyện đã qua.

Từ nay có mặt trong nhà,

Muôn đời được sống bên Cha Nhân Lành.

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26)

Hai Tê Miệt Vườn

 Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - dongcong.net

LỄ CÁC LINH HỒN: CẦU CHO CHA CHẸ VÀ CHO CHÍNH BẢN THÂN TA

CẦU CHO CÁC ĐẲNG: CẦU CHO CHA, CẦU CHO MẸ, CẦU CHO CHÍNH BẢN THÂN TA

Hội thánh có 3 trạng thái: Vinh Hiển – Thanh Luyện và Lữ Hành. Sau khi tuyên xưng “Hội Thánh Công Giáo”, kinh tin kính các tông đồ còn thêm “các thánh hiệp thông”. “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn tất cả các thánh ?”. Hội Thánh chính là mầu nhiệm các thánh hiệp thông. Chúng ta, tất cả mọi người tuỳ theo mức độ của mình đều hiệp thông trong tình Chúa – tình người. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và sở hữu Thánh Thần Người, đều hợp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Đức Kitô.

Hội Thánh Vinh Hiển là các Thánh đã sống trọn vẹn tình Chúa – tình người và ngày nay được hưởng Nhan Thánh Chúa trên Thiên quốc mà Chúa đã hứa dành cho những người có tinh thần nghèo khó, bị bách hại, có tâm hồn trong sạch … Hội Thánh Thanh Luyện có thể nói là những người sống trong cuộc đời nhưng còn khiếm khuyết một chút gì đó về tình Chúa – tình người để rồi cần phải có một thời gian thanh luyện mới được hưởng Nhan Thánh của Ngài. Hội Thánh Lữ Hành là gồm tất cả mọi người chúng ta còn đang sống, còn đang trong hành trình tiến về nhà Cha.

Dẫu là 3 đấy nhưng 3 vẫn hướng về nhau và vẫn hiệp thông với nhau. Hội Thánh Vinh Hiển cầu bầu cho Hội Thánh Thanh Luyện và Hội Thánh Lữ Hành, Hội Thánh Lữ Hành chiêm ngưỡng, noi theo gương lành, nhờ Hội Thánh Vinh Hiển cầu thay nguyện giúp cho mình và Hội Thánh Lữ Hành làm những việc lành phúc đức, cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Hội Thánh Thanh Luyện thì lại nại đến lời chuyển cầu của Hội Thánh Lữ Hành và Hội Thánh Vinh Hiển.

Trong suốt năm Phụng vụ, nhiều và rất nhiều dịp để Hội Thánh Lữ Hành mừng kính các vị trong Hội Thánh Vinh Hiển. Cách riêng, trong tháng 11 này, Hội Thánh dành riêng và mời gọi con cái mình chuyên tâm, chú ý hơn nữa để cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Cầu cho Hội Thánh Thanh Luyện để cầu mong ngày sống lại, tất cả mọi người được hưởng Nhan Thánh Chúa. Như trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và vì vậy những người đang trong cõi Thanh Luyện cũng như chúng ta những người đang còn sống, một ngày nào đó cũng ra đi và mong cũng như tin xác loài người ngày sau sống lại.

Khi đề cập đến sự sống lại của con người sau khi chết, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng nhìn nhận rằng đây không phải là một vấn đề luôn luôn được mọi người hay tôn giáo xác tín. Không chỉ ngày nay, nhưng ngay từ xa xưa cũng đã thế. Sách Công Vụ Tông Đồ đã tường trình cho thấy rằng sau khi thánh Phaolô đến rao giảng Tin mừng cho thành A-then, thủ đô của đế quốc văn minh Hy Lạp lúc bấy giờ, ông đã được cả những nhà trí thức, các học giả và các triết gia thích thú lắng nghe. Nhưng khi Phaolô đề cập đến việc kẻ chết sống lại, thì ai nấy đều nhạo cười ông và bỏ ra về với lời mỉa mai: “Thôi, để lần khác chúng tôi lại nghe ông luận bàn về điều đó” (Cv 17,18-32). Nhưng không chỉ dân ngoại mới có phản ứng tiêu cực như thế, ngay cả trong Do thái giáo cũng không phải mọi tín hữu cũng đều tin có sự sống lại. Ví dụ: Phái Xa đốc trong Do thái giáo hoàn toàn phủ nhận sự sống lại của con người sau khi chết. Chính họ đã đến tranh biện với Đức Giêsu và vặn hỏi Người về điều đó.

Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng niềm tin vào sự sông lại là một đặc điểm rõ ràng nhất của Kitô giáo, vì đã được chính Đức Kitô chuẩn nhận, và chính Người cũng là Người đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại không phải là khám phá mới của Kitô giáo mà niềm tin vào sự sống lại thực sự đã xác định trong Cựu Ước. Ngôn sứ Isaia đã đề cập: “Các vong nhân của Người sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Nay những kẻ nằm trong bụi đất, hãy chỗi dậy, hãy reo mừng !” (Is 26,19). Còn tác giả các Thánh Vịnh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đã viết: “Thiên Chúa sẽ chuộc mạng sống tôi ra khỏi âm phủ, vâng, Người tiếp nhận tôi” (Tv 49, 16). Đặc biệt nhất, trong sách Đaniel, chúng ta còn đọc thấy lời khẳng định: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đnl 12, 2).

Qua đó, chúng ta thấy rằng có một sự liên hệ rõ ràng giữa sự sống lại của các kẻ chết và việcc xét xử phúc tội của họ. Đây là điều đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thần học và tu đức Kitô giáo.

Nhất là trong công cuộc rao giảng Tin mừng và các giáo huấn của Đức Giêsu cũng chứa đựng những mạc khải về sự sống lại của những kẻ đã chết. Đặc biệt nhất là trong cuộc đối thoại với phái Sa đốc, Đức Giêsu đã làm nổi bật vấn đề sống lại của các kẻ đã qua đời. Và cao điểm của cuộc đối thoại đó, là những lời khẳng định của Người: “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Còn chính niềm hy vọng sống lại của Đức Giêsu đã được bày tỏ trước hết qua những lời loan báo rằng Người, với tư cách là Con Người, sẽ phải chịu khổ hình nhưng “ngày thứ ba” Người sẽ được chỗi dậy từ kẻ chết. Và chắc chắn rằng Đức Giêsu cũng đã biết mình sẽ sống lại ngay sau khi chết. Một dẫn chứng cụ thể để minh chứng điều đó là lời Người hứa cùng một trong hai tên trộm đã chịu đóng đinh với Người, khi tên này thành khẩn xin cùng Người: “Lạy Đức Giêsu, khi nào Ngài về trong Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng !” (Lc 23, 42). Và Người đã trả lời cho tên trộm: “Ngày hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đức tin dạy cho chúng ta rằng Đức Giêsu Phục Sinh luôn hoạt động dưới một cách thức mới và Người hiển trị trên toàn thể mọi tạo vật, nhưng Người không hoạt động và hiển trị một mình. Những ai đã được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời đều cùng đồng hiển trị với Đức Kitô (Mt 19, 28). Như vậy, qua đức tin, chúng ta cũng biết được rằng - bằng một cách thức đặc biệt – chúng ta luôn liên kết với những anh chị em đang được vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, như chúng ta hằng liên kết gắn bó với Đức Giêsu vậy.

Mỗi người chúng ta, sinh ra làm người đều mang trong mình những mối tương quan: nào là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cô dì chú bác … Là kitô hữu, chúng ta lại có thêm mối tương quan với các tín hữu đang hưởng Nhan Thánh Chúa cũng như có mối tương quan với những tín hữu đang ở trong thời gian Thanh Luyện.

Đặc biệt, ngày hôm nay, Giáo Hội - mỗi người chúng ta – nhớ đến những người đã khuất. Những người đã khuất đó có thể là ông, là bà, là cha, là mẹ, là anh chị em ruột thịt cũng như chỉ là họ hàng, thân hữu và có cả những linh hồn mồ côi.

Dẫu là ai đi chăng nữa, cũng không thể nào thoát khỏi cái ngày phán xét chung cục. Ngày phán xét chung cục được Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe đấy: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”.

Phải nói rằng trang Tin mừng này quá quen thuộc với chúng ta đến đỗi có thể trong chúng ta có những người thuộc nằm lòng. Nhất là các em thiếu nhi, trang Tin mừng này quá quen thuộc với các em khi nói về ngày cánh chung, ngày chung tận. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ có trò chơi: “Thiên Đàng - Địa Ngục hai bên, hai bên ai dại thời khôn. Thiên Đàng có Chúa có Cha, phải lo phải giữ để lên Thiên Đàng”. Trò chơi từ những ngày còn thơ ấu đấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi hình ảnh một Thiên Đàng trong đó có Thiên Chúa và làm sao ta phải sống để đạt được Thiên Đàng mà ở đó có Chúa còn nếu không thì phải vào địa ngục thì thật là khổ.

Trang Tin mừng hôm nay đã vẽ lên cho mỗi người chúng ta viễn cảnh của ngày phán xét và rõ ràng có hai lớp người hẳn hoi. Người tốt thì được Thiên Chúa là Cha chúc phúc còn những người xấu thì bị nguyền rủa. Cả hai lớp người trong ngày phán xét đều ngạc nhiên trước lời phán xét của Chúa nhưng rồi Chúa bảo cho cả hai rằng khi họ làm cho những người bé mọn chính là họ làm cho chính Chúa vậy.

Vấn đề nằm ở chỗ này, đó chính là những người bé mọn chứ không phải là những người tai to mặt lớn ! Và đa số con người dễ bị rơi vào cái hoàn cảnh phải nói là éo le cay nghiệt này bởi vì khi sống thì quả thật ít ai chịu quan tâm đến những con người nghèo, những con người bị bỏ rơi nhưng lại quan tâm đến những người có chức có quyền hay là những người có thể mang lại nguồn lợi cho mình.

Mới đây, chúng ta cảm thấy quá buồn cười khi người ta đưa ra văn bản là những người thiếu chiều cao, thiếu vòng ngực và thiếu cân nặng thì không được điều khiển xe máy !? Thật sự mà nói thì họ là những người kém may mắn hơn chúng ta, thật sự họ là những người thấp cổ bé họng, thật sự họ là người chịu nhiều thiệt thòi hơn những người chúng ta. Là những người may mắn hơn họ, lẽ ra những người may mắn ấy phải ưu đãi, phải dành một số ưu tiên cho những người bất hạnh đấy nhưng rồi họ đã quyết định ngược lại.

Thế nhưng, đây chẳng là vấn đề gì cả vì đây là văn bản, là quy định của đất nước, của quê hương mà đất nước quê hương này chỉ là tạm bợ mà thôi. Và điểm này thôi, chúng ta thấy quê hương trần gian này ngược hẳn với Nước Trời. Trần gian có vẻ như khước từ những kẻ thấp cổ bé miệng, những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề. Thế nhưng, là con cái của Chúa, là công dân Nước Trời, chúng ta hoàn toàn bình an, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Thấp cổ bé họng, nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại, bị vu khống, bị thoá mạ như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, như các Cha dám đứng ra bảo vệ công lý và sự thật đi chăng nữa cũng chẳng là vấn đề gì cả. Vì lẽ giữa cuộc đời này, chuyện quan trọng, chuyện căn cốt không phải là thành công hay thất bại, không phải là được vênh vang hay bị nhục mạ nhưng chuyện căn cốt đó là có được Thiên Chúa cứu hay là không cứu mà thôi.

Chúng ta nhớ lại lời Thánh Vịnh 24 mà chúng ta vẫn thường nghe, đọc và hát: “Này là dòng dõi những người tìm Chúa. Đây là những người mong bệ kiến Người. Một đời lòng ngay không hề gian dối.Giữa bao hận thù luôn sống mến yêu. Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền Thánh của Người? Đó là những kẻ có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng, không hề, thề dối thề gian” (Tv 24, 2-6)

Vâng! Vậy là chuẩn được lên núi Chúa đó là mỗi người chúng ta phải có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng và không được thề dối thề gian !

Vậy thì Hội Thánh Vinh Hiển là những người đã sống như lời Thánh Vịnh 24 đã nói. Những người đang ở trong Hội Thánh Thanh Luyện là những người đang còn vướng bận, đang còn khiếm khuyết điều nào đó để rồi đang còn phải chờ và chúng ta là những người còn đang sống, những người đang còn cơ hội thì chúng ta cầu nguyện cho những người đang còn chờ để thanh luyện ấy.

Cầu nguyện cho họ và cũng là cơ hội, cũng là dịp để cầu nguyện cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cần phải xác định lại với nhau rằng quê hương chúng ta đích thực ở đâu ? Nếu quê hương là trần gian này thì cứ sống tự do, cứ sống thoải mái chẳng cần tin ai cả, cũng chẳng cần tin Chúa và cũng chẳng tin vào đời sau làm gì. Còn nếu, còn nếu chúng ta tin rằng quê hương chúng ta ở trên trời như Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời. Vậy tôi xin anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Nếu quê hương chúng ta ở trên trời thì tháng kính nhớ các Đẳng linh hồn - Hội Thánh Thanh Luyện cũng là tháng mà chúng ta nhớ đến phận người của chúng ta để rồi chúng ta cố gắng cân chỉnh, cố gắng sữa chữa những khiếm khuyết của mình để ngày sau chúng ta cùng được hưởng Nhan Thánh Chúa cùng với Hội Thánh Vinh Hiển.

Và thêm nữa. Bên Phật Giáo, họ dành tháng 7 là tháng Vu Lan để tỏ lòng báo hiếu. Người ta vẫn thường nói mùa Vu Lan là mùa báo hiếu vậy thì tháng 11 này với kitô hữu chúng ta cũng là mùa báo hiếu. Mùa này là cơ hội để chúng ta nhìn lại những đấng bậc sinh thành của chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã khuất.

Chắc hẳn rằng chúng ta, không phải từ lỗ nẻ mà chui lên nhưng chúng ta ai ai cũng có cha và có mẹ cả. Phúc thay những ai đang còn bóng cha, Diễm thay cho những ai còn hình mẹ.

Thi thoảng, mở CD để Gia Ân trải lòng của người con về cha và mẹ mình:

“Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống

Con cứ ngỡ rằng bàn tay Cha mãi mãi bên con

Nhưng hôm nay bóng dáng Cha đã khuất xa rồi

Núi Thái Sơn ngã bóng cuối trời

Con ở lại với nỗi đơn côi

Gọi thầm tên Cha: Cha ơi Cha hỡi !

Con cứ ngỡ rằng núi đá kia muôn đời đứng vững

Con cứ ngỡ rằng rồi mai đây được báo hiếu công ơn

Nhưng hôm nay tấm thân cha về với cát bụi

Núi Thái Sơn chìm giữa biển đời

Có dòng lệ thấm xuống đại dương

Nhưng hôm nay tấm thân Cha về với cát bụi

Núi Thái Sơn tìm đến cội nguồn

Có dòng lệ thấm xuống hồn con.”

Và với người Mẹ thì:

“Mẹ đã đi rồi lòng con thương nhớ khôn nguôi

Mẹ đã đi rồi con không còn gọi tiếng: Mẹ ơi !

Từng bữa cơm ngon không còn có Mẹ

Rồi lúc đi xa quay về mái nhà

Con chẳng còn thấy Mẹ đợi con

Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi

Mẹ đi về cùng Chúa tình thương

nơi Mẹ hằng khao khát chờ mong

mà lệ buồn sao cứ tuôn

Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi

Nơi cõi trời là bến bờ vui

Con với Mẹ rồi sẽ đoan khiên

mà lòng con sao vẫn nghẹn ngào.

Mẹ đã đi rồi, buồn đau giây phút chia ly

Mẹ đã đi rồi cho đôi dòng lệ đắm bờ mi

Mẹ đã ra đi đi về Nước Trời

là chính quê hương Mẹ hằng trông đợi

Suốt một đời vững dạ đợi trông”.

Cũng trong tâm tình ấy. Linh mục Lê Quang Uy nhắc nhớ chúng ta rằng: “Giả như khi tôi mất, một người bạn thân tình, thì quanh tôi vẫn có thật nhiều bạn dễ thương nhưng khi cha tôi mất hoặc mẹ đã khuất xa ôi sao bơ vơ quá ! Biết tìm đâu Mẹ Cha. Vì Mẹ Cha tôi đó một đời sống cho tôi, một đời dưỡng nuôi tôi là phúc đức ơn trời để cho tôi làm người !”.

Vâng ! Những ai không còn cha mẹ hãy xin lễ, hãy đọc kinh, hãy cầu nguyện cho cha mẹ mình mau được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Và, những ai đang hạnh phúc còn cha còn mẹ hãy làm điều gì đó nhỏ bé hết sức có thể để báo hiếu cho Cha Mẹ mình.

Tất cả ấy cũng là biểu lộ lòng tin, lòng mến của người Công Giáo.

Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến những người thân yêu của chúng ta đã khuất. Xin thương tha mọi hình phạt cho những người ấy và mở lòng cho những người ấy được vào hưởng Nhan Thánh Chúa.

Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến thân phận mỏng dòn và yếu đuối của chúng ta và giúp chúng ta dẫu sống trong trần gian đầy thăng trầm này nhưng lòng luôn luôn hướng tìm Nhan Thánh Chúa như những đấng bậc trong Hội Thánh Vinh Hiển đang được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen.

Lm. Anmai, CSsR - dongcong.net

SỰ THANH LUYỆN CẦN THIẾT

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 09:15)

Ngày lễ Các Thánh, Giáo hội vui mừng với những con cái của mình đã được hưởng vinh quang thiên quốc. Hôm nay trong tinh thần hiệp thông, Giáo hội tưởng niệm và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời hiện đang còn thanh luyện trước khi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

1. Các linh hồn cần được thanh luyện.

Những tín hữu đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa sạch hết mọi tội và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời này thì không thể vào thẳng thiên đàng được, chưa xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa nên họ phải chờ đợi thanh luyện xong mới vào thiên đàng. Thời gian đó là thời gian xa cách Chúa. Công đồng Floren đã định tín: có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Đặc biệt là việc dâng thánh lễ, dành tháng 11 cầu nguyện cho họ. Giáo hội còn mở kho tàng ân xá là công nghiệp của các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội. Giáo hội khuyến khích việc đi viếng các nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn theo câu tục ngữ: mồ thật chôn các người chết là trái tim người sống.

Công đồng Vatican II đã xác tín lại tín điều Giáo hội cùng thông công giữa ba thành phần: lữ hành, thanh luyện và vinh thắng. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng: Trong số những môn đệ của Chúa, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ hoàn tất cuộc sống này nhưng đang được thanh luyện, và có những người đang được chiêm ngưỡng "rõ ràng Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có"... Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghĩ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời cũng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (Lumen Gentium, chương 7, số 49).

Trong số 50, Hiến Chế Lumen Gentium viết: nhận biết sự đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết vì "cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh tốt đẹp" (2 Mac 12, 46).

Việc lành thánh tốt đẹp ấy được nói đến trong Thánh kinh và giáo huấn của Giáo hội.

A. Thánh kinh:

Hai đoạn văn thường được nhắc đến là 2Macabê12, 39-46 và 1Côrintô 3, 10-15. Một bản văn thuộc Cựu ước và một thuộc Tân ước.

a. Sách Macabê II: sách được viết vào khoảng năm 124 trước công nguyên, đánh dấu nhiều bước tiến trong mạc khải cánh chung. Ở chuơng 7, chúng ta gặp thấy chứng tích về niềm tin vào sự sống lại dành cho các vị tử đạo. Chương 11, chúng ta lại thấy chứng tích về việc cầu nguyện cho người đã qua đời được thúc đẩy bởi niềm tin vào sự phục sinh.

b. Thư thứ nhất Côrintô: bản văn nói đến sự thanh luyện. Đoạn văn đã được sử dụng để nói tới sự phân biệt ba hạng ngưởi sau khi chết: những người lành được lên thiên đàng, những người xấu phải xuống hoả ngục, hạng người thứ ba được cứu rỗi nhưng cũng cần được thanh luyện bằng lửa, tức là lửa thanh luyện.

Trong bối cảnh tổng quát của mạc khải, có thể biện minh sự hiện hữu của việc thanh luyện tội lỗi sau khi chết với ba lý chứng sau đây: sự thanh sạch cần thiết để được đến gần Chúa (x. Xh 29, 4; Lêvi 11; Tv 24, 3-4; Is 35, 8. 52, 1; Mt 5, 8. 48; Kh 21, 27); trách nhiệm cá nhân trong việc đền tội (x. 2Sm 12, 13-15); và giá trị của sự cầu nguyện cho người qua đời (x. 2Macabê 12, 40; 1Cor 15, 29; 2 Tim 1, 16-18).

B. Giáo huấn giáo hội:

Công đồng Vatican II bàn đến tình trạng thanh luyện sau khi chết ở chương VII của hiên chế Lumen Gentium. Số 49, Công đồng nhìn nhận rằng "có những tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện". Số 50, đạo lý về sự thông hiệp giữa hết mọi phần tử Giáo hội được dựa trên thói tục bắt nguồn từ thưở ban đầu Kitô giáo về sự tưởng niệm người chết và cầu nguyện cho họ. Phần kết chương VII trình bày về đường hướng mục vụ, Công đồng tái khẳng định đạo lý cổ truyền của Giáo hội: "Thánh Công Đồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được vinh hiển trên trời hay còn phải thanh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của thánh Công đồng Nicêa II, Firence, Trento (số 51 a)"

C. Sách giáo lý Giáo hội Công giáo

Các số 1030 -1032 bàn đến sự thanh luyện. Có thể tóm lại trong các điểm sau:

• Các linh hồn cần được thanh luyện để hoàn tất sự thánh thiện cần thiết để được vào thiên đàng (sô1030). Lưu ý là sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một 'nơi chốn', lại càng không thể nói "thời gian" bao lâu.

• Các linh hồn có thể được chúng ta giúp đỡ bằng lời cầu nguyện (số 1032)

• Luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn (số 1031), luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục. 

• Sách giáo lý có trích dẫn cụm từ "lửa thanh luyện" (x. 1Cor 3, 15; 1Pr 1, 7) nhưng không nói là phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng (số 1032)

2. Các linh hồn được thanh luyện bằng cách nào?

Truyền thống Giáo hội nói rằng: các linh hồn được thanh tẩy bằng lửa, lửa tình yêu (x. Dc 8, 7), lòng khát khao thấy Thiên Chúa. Sự đau khổ trong day dứt hối hận tột độ. Các linh hồn mong hưởng nhan thánh Chúa nhưng lại chưa được vì mình chưa trong sạch xứng đáng nên phải thanh luyện bằng sự hối hận đầy lòng mến. Thánh Tôma cho rằng nguyên sự nôn nao muốn về thiên đàng cũng đã đủ tạo nên cực hình rồi (x. IV Sent, d. 21, q. 1 de Purgatorio, a. 3). Thực vậy, nếu các tội nhân hoả ngục đau đớn vì mãi mãi lìa xa Chúa, thì các linh hồn đang thanh luyện phải trải qua một thứ cực hình khác: họ mong mỏi mau đựoc về với Chúa. Sự náo nức vì chờ đợi kẻ thân yêu cũng đã đủ "thiêu đốt tâm can" rồi! Dù sao, một khi họ biết được lý do vì sao họ chưa được vào thiên đàng, họ sẽ đau buồn vì trước kia họ chưa mến Chúa cho đủ, họ đã coi nhẹ việc thống hối đền tội.

Do đó có thể hiểu rằng nổi thống khổ của các linh hồn thanh luyện tuy cực độ nhưng đượm màu hân hoan và tràn trể hy vọng. Đức Cha Tihaner quan niệm rằng: luyện ngục là một hoả ngục đầy hân hoan, là một thiên đàng đầy đau khổ. Chính linh hồn ý thức tình trạng bất xứng của mình trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì thế tự nguyện được thanh tẩy. Giống như khi ta vào nhà nào lát gạch men bóng loáng, thì tự nhiên để dép ở ngoài. Nếu chân ta dính nhiều bùn đất mà muốn vào phải rửa chân cho sạch. Chính linh hồn muốn trở nên thanh khiết hơn, trưởng thành hơn, trong sáng hơn để được hiệp nhất với Thiên Chúa nên đón nhận những đau khổ do việc thanh luyện như là một phương thế cần thiết. Bởi đó trong luyện ngục hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở. Đây là một thứ đau đớn làm sung sướng hay một thứ hạnh phùc pha lẫn đau khổ. Nhìn dưới lăng kính tình yêu, các linh hồn đau đớn do hình phạt đền tội, do sự khắc khoải vì chưa được lên thiên đàng. Nhưng họ vui sướng bởi vì chính tình yêu Chúa đang thanh luyện họ, họ đang tập "yêu mến" cách trọn hảo hơn, cắt đứt những ràng buộc với thọ tạo. Họ cũng vui sướng vì họ đã được đảm bảo về phần rỗi, bởi vì họ chắc chắn rằng mình sống trong ân sủng và đức ái.

Sự thanh luyện nói lên lòng lân tuất của Thiên Chúa: Ngài muốn chúng ta nên hoàn thiện, thanh sạch ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm nhan Ngài. Sự thanh luyện cũng nói lên tình yêu của Thiên Chúa: Ngài muốn cho chúng ta dành trọn cả mối tình cho Ngài chứ không quyến luyến với thọ tạo nào.

3. Cần phải cầu nguyện cho các linh hồn

Sự thanh luyện thuộc về "cánh chung trung thời" bởi vì nó sẽ không tồn tại sau ngày tận thệ thế nữa. Luyện ngục chỉ là thời gian tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú ở đóù cả. Luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang. Thiên Chúa mới là bến bờ. Đời sống vĩnh cửu mới là cùng đích, là phần thưởng Thiên Chúa hứa ban.

Đạo lý về sự thanh luyện thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Tập tục này đã có từ cuối thời Cựu ước và trong suốt lịch sử Giáo hội (x. GLCG số 1032; 958; 1371; 1689). Ngoài những hình thức cầu nguyện riêng tư, phụng vụ Giáo hội khuyến khích tục lệ này. Khởi đầu từ Thánh lễ, nơi đó Giáo hội hiệp thông với Các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn còn đang chịu thanh luyện. Hằng năm, ngày 2 tháng 11 được dành để cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã qua đời tiếp sau lễ kính Các Thánh. Giáo hội còn dành cả tháng 11 nhớ đến các linh hồn và mời gọi con cái mình cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với họ cũng như tình hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.

 Lm. Lm Giuse Nguyễn Hữu An - dongcong.net

ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008 09:19)

Ở Việt Nam khoảng ba năm trước đây người ta thấy rộ lên những tin tức về một nhà ngoại cảm nữ ở Hà Nội. Báo chí trong nước đua nhau ca tụng thành tích của nhà ngoại cảm này về việc nhờ khả năng giao tiếp được với người “cõi âm”, chị ta đã tìm được nhiều ngôi mộ bị thất lạc hay là xác định được nơi chôn cất của những chiến binh bị chết trong chiến tranh. Qua lời tường thuật của chính đương sự thì năm 1990 khi vừa thi đậu vào đại học, chị ta bị chó dại cắn và qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chị ta thoát chết. Từ đó chị ta nhận thấy mình có khả năng tiếp xúc được với người chết nghĩa là có thể nhìn thấy người chết và nói chuyện được với họ. Nói chuyện trước đông đảo cử tọa tại Hà Nội và trả lời phỏng vấn, nhà ngoại cảm nữ này- đã tốt nghiệp đại học, hiện công tác tại trường đại học Quản Trị Kinh Doanh Hà Nội và cũng là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học- cho rằng chết không phải là hết và rằng người “cõi âm” rất sợ bị lãng quên, họ mong mỏi sự quan tâm của người thân.

Nêu lên chuyện này chỉ muốn nói lên rằng chính người cộng sản vô thần càng ngày càng tin tưởng có một thế giới khác sau cuộc sống hiện tại và họ cũng tin rằng người đã qua đời vẫn cần đến người còn sống. Trong khi đó, thật đáng buồn, không ít người Kitô hữu vốn có niềm tin vào cuộc sống đời sau lại chạy theo cách sống như là chết là hết và vì vậy họ đã dễ dàng lãng quên những người qúa cố.

Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một mẩu chuyện kể rằng một ngày nọ một bà mẹ hối thúc người con trai đi lễ cầu nguyện cho thân phụ của anh vào ngày giỗ của thân phụ anh. Nhưng người con trai lười biếng không muốn đi lễ đã tìm cách thoái thác cho rằng “Lên thì đã lên rồi, xuống thì cũng đã xuống rồi”. Câu nói của anh thanh niên này cho thấy anh không hề quan tâm đến người cha đã chết và cũng không hiểu rằng lời cầu nguyện của người còn sống có sức cứu thoát những linh hồn khỏi luyện ngục. Nếu anh ta đọc những sách nói về cuộc sống đời sau kể về một số trường hợp các linh hồn ở luyện ngục được Chúa cho phép trở về trần gian để xin người còn sống cầu nguyện cho họ thì anh ta sẽ thấy việc cầu nguyện cho người chết là khẩn thiết đến chừng nào. Nhiều linh hồn đã phải ở luyện ngục hàng mấy chục năm trời vì thiếu lời cầu nguyện của người còn sống.

Lúc còn ở Việt Nam tôi biết có một gia đình thường xin lễ và tổ chức đọc kinh cho bà mẹ trong mấy năm liên tiếp sau khi bà cụ mất. Nhưng rồi đến một năm, gia đình thôi không xin lễ nữa và những lời kinh cầu nguyện cho bà cụ cũng không còn nữa. Hỏi ra mới biết những người trong gia đình cho rằng bà cụ đã được lên thiên đàng rồi nên không cần phải xin lễ hay đọc kinh cầu nguyện cho cụ nữa.

Tôi thật sự kinh ngạc và không thể nào đồng ý với lập luận này nhưng là chuyện của gia đình người ta mình đâu có quyền xen vào. Không biết phải làm gì, tôi đem câu chuyện trình bày với một vị có uy tín với hy vọng tìm được người đồng minh với mình. Nào ngờ, trái với những gì tôi trông đợi, vị này đã cho tôi câu trả lời cộc lốc: lên thiên đàng rồi thì còn cầu nguyện làm gì.

Ai chả biết những linh hồn đã được lên thiên đàng tức là đã được làm thánh. Mà đã làm thánh thì còn cần ai cầu nguyện cho nữa. Nhưng vấn đề là làm sao người phàm có thể biết được một linh hồn nào đó đã được lên thiên đàng. Căn cứ vào đâu để xác định được rằng bà cụ đã được lên thiên đàng. Điều tôi muốn nói đến là liệu gia đình kia có đúng không khi họ bảo rằng bà cụ đã lên thiên đàng? Bởi vì ai cũng biết một linh hồn được lên thiên đàng là quyền của Chúa chứ không phải con người có thể định đoạt. Một linh hồn được cứu rỗi là nhờ vào lòng từ bi, nhân hậu và thương xót của Chúa chứ không phải là do công trạng của linh hồn đó.

Tôi cũng tin rằng khi ta cầu nguyện cho một linh hồn mà linh hồn đó đã được lên thiên đàng rồi thì vì ở trong một giáo hội hiệp thông, một linh hồn khác sẽ được Chúa cho hưởng lời cầu nguyện đó. Và rồi linh hồn này khi được lên thiên đàng sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta. Do đó lời cầu nguyện không bao giờ là vô ích mà lúc nào cũng cần thiết và có ích cho phần rỗi các linh hồn.

Có nhiều người rất quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Linh hồn mồ côi theo cách hiểu thông thường là những linh hồn bị lãng quên hay là ít được cầu nguyện cho. Trong ý nghĩa này có ý kiến táo bạo cho rằng những linh mục cao tuổi sau khi qua đời cũng dễ trở thành linh hồn mồ côi. Là vì đến khi đó thì ông bà cố đều đã mất, anh chị em nhiều khi cũng không còn, linh mục lại không có con cái, giáo dân thì cứ nghĩ linh mục dễ lên thiên đàng và thế là linh mục bị rơi vào tình trạng… mồ côi.

Viết đến đây tôi nhớ đến một mẩu chuyện liên quan đến cha Francis Holland, một linh mục người Mỹ được mọi giáo dân trong cộng đoàn của chúng tôi yêu mến. Một lần cha đến nhà quàn để cùng với giáo dân Việt Nam cầu nguyện cho một giáo dân trong cộng đoàn mới qua đời. Tại đây cha đã có dịp tham dự một buổi cầu nguyện cho người qua đời theo kiểu Việt Nam. Buổi cầu nguyện gồm có hát thánh ca, đọc sách Thánh, cầu kinh và cuối cùng thì tất cả những người hiện diện xếp hàng và lần lượt tiến đến trước quan tài rảy nước thánh cho người qúa cố. Cha cũng đi trong hàng người rảy nước thánh cho người qúa cố. Sau đó khi trở về ghế ngồi cha đã nói bằng môt giọng rất chân thành rằng cha rất thích buổi cầu nguyện hôm nay và cha mong muốn khi cha chết cũng sẽ có được một buổi cầu nguyện như vậy. Có phải khi thấy mình tuổi đã gìa sức đã yếu cha đã mơ hồ nghĩ đến cảnh…mồ côi”?

Có một số ý kiến không chấp nhận có linh hồn mồ côi. Những ý kiến này cho rằng không có linh hồn nào là mồ côi theo ý nghĩa là không được cầu nguyện cho. Lý do là vì trong thánh lễ hàng ngày ở phần Kinh Nguyện Thánh Thể, linh mục chủ tế đều “Xin Chúa cũng nhớ đến… mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa, xin cho các linh hồn ấy được vào hướng ánh sáng tôn nhan Chúa”. Mặt khác khi lần hạt mân côi sau mỗi chục kinh đều có lời cầu “ Lạy Chúa Giêsu … Xin đem các linh hồn lên thiên đàng” hay trong kinh Vực Sâu “Lạy Chúa con, xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời, và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa con, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên”. Hàng ngày có biết bao nhiêu thánh lễ được dâng trên địa cầu và có biết bao nhiêu người lần hạt mân côi trên thế giới đều nhớ đến mọi linh hồn thì không có linh hồn nào bị bỏ rơi hay là không được cầu nguyện cho.

Tuy nhiên, thiết tưởng cũng không cần phải đặt nặng vấn đề có hay không có linh hồn mồ côi. Thực tế vẫn có những linh hồn cần được cầu nguyện nhiều hơn những linh hồn khác như đã được xác nhận trong lời cầu nguyện được Đức Mẹ dạy tại Fatima “.... xin đưa các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Trong tháng các linh hồn chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn cho những linh hồn đó.

Giáo hội đưa tháng Các linh hồn vào lịch Phụng vụ là muốn nhắc nhở người tín hữu nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta. Đồng thời Giáo hội cũng muốn cảnh giác chính người tín hữu về cuộc đời chóng qua ở trần gian này. “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Trong cuộc sống ai cũng có những điều để ưu tư, lo lắng, chuẩn bị … nhưng có lẽ ít ai ưu tư, lo lắng và chuẩn bị cho cái ngày ra đi mà không có ai tránh khỏi. Cái ngày ấy chẳng ai biết trước được. Xin Chúa cho con luôn biết sẵn sàng để lúc nào cũng có thể cất lên lời hát:

“Khi Chúa thương gọi tôi về,

hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.

Miệng tôi nức vui tiếng cười,

lưỡi tôi vang lời ca hát.

Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc”

(Ngày Về: Kim Long)

 Lại Thế Lãng - dongcong.net

BIẾT CHẾT ĐỂ BIẾT SỐNG

Trong đời sống của Đức Phật, người ta có kể lại mẩu chuyện này: Một hôm Đức Phật đang ngồi với các môn đệ, bỗng chốc có một thiên thần hiện đến và bảo:

-Người còn muốn sống đến bao lâu nữa?  Hãy xin một ngàn năm và một ngàn năm sẽ ban cho ngươi.

Đức Phật trả lời một cách ngượng nghịu:

-Tôi chỉ xin 8 năm nữa thôi.

Khi thiên thần biến đi rồi, các môn đệ buồn rầu trách Đức Phật:

-Thưa thầy sao thầy không xin cho sống thêm một ngàn năm nữa?  Thầy thử nghĩ xem, thầy sẽ giúp ích cho biết bao thế hệ nữa.

Đức Phật mỉm cười trả lời:

-Nếu ta sống thêm một ngàn năm nữa, thì ta sẽ chỉ lo lắng đến việc kéo dài đời sống mình hơn là đi tìm sự khôn ngoan của cuộc sống.

Ai không sợ chết?

Ai trong chúng ta chẳng một lần nghe nói về sự chết?  Có điều là người ta thường không thích nghĩ về cái chết.  Nhiều người cho rằng không nói, không bàn về cái chết, thì nó sẽ không xảy ra. Chẳng hạn như nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood trước thế chiến thứ hai, đã cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ "chết" trước mặt ông.  Những ai lỡ miệng nói ra thì bị đuổi việc.  Ông thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó!  Rồi cuối cùng Hearst cũng chết và để lại một toà lâu đài rộng lớn, bây giờ trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở California.

Ngược lại, người Việt thời xưa có thói quen lo hậu sự cho mình.  Tôi nhớ hồi bà ngoại tôi còn sống, bà luôn nói với tôi rằng "sinh ký tử quy", sống là gửi thác là về.  Tuy bà ngoại tôi là một Phật tử, nhưng xem ra bà không thích thuyết luân hồi cho lắm, bà thích được "về với tổ tiên" hơn là tái sinh vào cõi này cõi nọ.  Năm 65 tuổi bà đã bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của mình, mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, lại còn viết trên giấy rành mạch những điều cần phải làm khi lo ma chay, từ việc mua quan tài cho đến nghi thức tẩm liệm tống táng.  Bà muốn mặc chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ.  Lại còn dặn bỏ vào quan tài cái này cái kia, như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa về gặp tổ tiên.  Coi vẻ bà chẳng sợ chết tí nào.  Bà cứ sống như thế thêm 20 năm nữa, vui vẻ bình an…và bà cũng đi cái rụp sau một cơn đột quỵ tim, hưởng thọ 86 tuổi.  Con cháu bàng hoàng bối rối, nhưng vì bà ngoại tôi đã chuẩn bị tất cả, nên mọi việc xảy ra rất êm xuôi.

Chết rồi đi về đâu?

Đối với những kẻ không tin thì chết là hết!  Là cái chung cuộc chẳng ai muốn đi tới.  Nếu thế thì cái chết đáng sợ lắm, vì nó chấm dứt tất cả những ước mơ của đời này. Cát bụi trở về cát bụi, không còn gì để đi tiếp.  Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết.  Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu.  Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình.  Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa.  Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình.  Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Dầu vậy trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa.  Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của thế giới này làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi.  Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi.  Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa.  "Lửa" luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.

Còn một thực tế khác là sự xa cách đời đời với Thiên Chúa, mà trong giáo lý gọi là Hoả Ngục. Nếu lúc còn sống, tôi đã chọn một lối sống đứng ngoài Thiên Chúa, một lối sống mà Ngài hoàn toàn không có ý nghĩa gì hoặc đóng một vai trò gì trong đó, thì chẳng có lý do gì tôi lại đến gần Ngài sau khi chết. Bóng tối không thể sống chung với ánh sáng.  Cũng giống như người sống trong phòng tối quá lâu thì thấy khó chịu xốn xang khi phải ra ánh nắng, trong khi người bình thường khoẻ mạnh thì thích đến cùng ánh sáng. Hiểu như thế, chúng ta thấy rõ Hoả Ngục là con đường mình tự chọn, chẳng phải Thiên Chúa trách phạt tôi.

Vì chúng ta không thật sự biết những người thân yêu đã qua đời của mình, lúc còn sống họ đã ngoan cố khước từ Thiên Chúa, hay họ đã lầm chẳng biết, nên chúng ta cần cầu nguyện cho họ.  Đó là ý nghĩa của ngày lễ các đẳng linh hồn chúng ta mừng kính hôm nay.  Cũng như ngày lễ các thánh, chúng ta nhớ đến những người đã khuất và bày tỏ sự hiệp thông với họ.  Khi còn sống họ đã ít nhiều mang những vết thương trong linh hồn vì hậu quả của tội lỗi.  Giờ đây, chúng ta xin cho họ được Thiên Chúa giầu lòng thương xót chữa lành các thương tích vì tội lỗi, để họ trở thành những tạo vật mới, đi vào cõi bất diệt với Đấng Tạo Hoá từ nhân.

Trong mỗi thánh lễ chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn của ông bà cha mẹ, thân nhân bạn hữu, và kể cả những linh hồn mồ côi được chóng hưởng thánh nhan Chúa, nhưng hôm nay chúng ta nhớ đến họ một cách đặc biệt, vì đó cũng là số phận của phần lớn chúng ta.

Biết Chết Để Biết Sống

Nhớ đến người chết để cầu nguyện cho kẻ sống.  Có lần tôi đọc được đâu đó một câu: "Hôm nay là ngày đầu tiên của những ngày còn lại của đời bạn."  Lúc đó tôi chẳng quan tâm nhiều lắm! Ôi, đời còn dài mà, suy nghĩ chi cho mệt!  Nhưng càng ngày tôi càng ý thức được điều này.  Ai mà chẳng một lần phải chết thì tại sao mình không để ý đến làm sao để sống cho trọn vẹn nhỉ?

Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã Loyola khuyên ta nên tưởng tượng mình trong giờ phút hấp hối, nhìn lại cuộc đời mình, và lượng giá mọi quyết định của đời mình theo nhãn quan đó.  Có lẽ khi nhìn từ nhãn quan của một người sắp chết, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những điều gì thật sự quan trọng và cần thiết cho cuộc đời mình.  Những gì hào nhoáng giả dối sẽ bộc lộ.

Nhưng cuộc thanh luyện không nhất thiết phải bắt đầu lúc hấp hối hoặc sau khi chết.  Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những đau khổ mà tôi đang gánh chịu, phải chăng cũng là một thứ luyện tội ngay tại thế gian này?  Ai từng bị bệnh nan y đều có cảm nghiệm này.  Từ lúc khám phá ra họ có tên trong sổ đen của thần Chết, nhất là sau khi bị bác sĩ nhà thương "chê", cách nhìn của họ về cuộc sống thay đổi rất nhiều.

Ai mà chẳng phải chết, nhưng liệu chúng ta muốn chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, nuối tiếc.  Phải chăng những người dám đối diện với cái chết thì biết cách sống?  Có lẽ muốn sống tốt hơn, phải hiểu cái chết.  Nhưng xin chúng ta đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai

Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.

Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,

Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy

Thì con lại chưa làm gì cả.

Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,

Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.

Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình

Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?

Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa

Không biết Chúa có nhận ra con hay không,

Hay là Chúa bảo "đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác"

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,

Con xin Chúa sự khôn ngoan

Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại

Trong ân nghĩa của Chúa

Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,

Sẽ không như hai người xa lạ

Nhưng là hai người rất thân quen.

Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến

Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!

CHẾT

Khi biết rằng Minh Sư của mình sắp lìa xa cõi trần, các đệ tử vô cùng thất vọng. Minh Sư nhìn họ và tươi cười bảo :

- Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống của ta đáng yêu, đáng qúy hơn sao?

 - Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ chết thì hơn.

- Các con ơi! Bất cứ cái gì thực sự sống thì đều phải chết. Các con hãy nhìn xem những bông hoa ngoài kia: chỉ những bông hoa giả, làm bằng giấy, bằng nhựa mới không bao giờ chết.

(Anthony de Mello, trích trong "One Minute Wisdom")

***

Bạn thân mến!  Chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến cho mỗi người chúng ta, không ai trên cõi đời này mà không có ngày phải đi qua sự chết.  Chết là một kết thúc của cuộc sống này và là một khởi đầu cho một cuộc sống khác.  Ðó là một chân lý hết sức rõ ràng và chắc chắn. Nó nhắc nhở chúng ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế này.

Hằng năm, cứ vào tháng 11, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy nghĩ đến những người đã chết, đã ra đi trước chúng ta, trong đó có thể có những người thân yêu trong gia đình, có ông bà tổ tiên, có cha mẹ anh em bạn bè … "Hãy cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ", đó là điều mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau thực hiện trong tháng 11 này.

Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Có những điều chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

- Tôi là một con người nên tôi phải chết

- Khi chết tôi không mang theo được điều gì ngoài trừ tội lỗi và công phúc

- Chết không phải là hết, mà là còn...còn đời sau, còn ra trước tòa Chúa.

Cũng có những điều không chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

- Cái chết sẽ đến với tôi vào lúc nào ? Ngay bây giờ ?, Ngày mai hay vài ba năm sau

- Cái chết đến với tôi ở đâu? chỗ nào? Trong bệnh viện ? Ngoài xa lộ ? Trên biển cả ? Trên máy bay ?

- Cái chết đến với tôi bằng cách nào? Chết vì bệnh? Vì tuổi già? vì tai nạn ?

- Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Đi về cõi trường sinh vĩnh phúc hay nơi trầm luân đời đời?

Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Nhất định nó phải xảy ra.

Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, hoặc một chuyến đi nghỉ hè đôi ba bữa…Tôi đã phải xắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi?  Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

***

"Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga.12: 24).

Lạy Chúa! Xin cho con chịu mất bản thân mình để được chính Chúa, chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả, chịu mất trần gian tạm bợ này để được thiên đàng vĩnh cửu đời đời.

Xin cho cuộc sống của con hôm nay luôn mang đậm dấu ấn cầu nguyện sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.  Xin cho con biết "tránh tội lập công", biết "từ bỏ để sẵn sàng ra đi", không bám dính vào những điều tạm bợ của cuộc đời này. Xin cho con biết nỗ lực chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng và tối quan trọng của cuộc đời con, để con không bị rơi vào chốn trầm luân đời đời mà nhất định đi về cõi trường sinh vĩnh phúc.  Amen

 Linh Xuân Thôn - dongcong.net

CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

VietCatholic News (Thứ Bảy 01/11/2008 07:54)

Lễ các thánh ngày hôm nay và sự tưởng nhớ các tín hữu đã ly trần có một số điểm chung, và vì lý do này, mà hai thánh lễ được đặt sát kề nhau. Cả hai thánh lễ đều nhắn nhủ với chúng ta những điều về thế giới bên kia. Nếu chúng ta không tin vào sự sống đời sau, thì việc cử hành lễ các thánh, chưa nói gì đến việc viếng nghĩa trang, sẽ chẳng xứng đáng gì cả. Chúng ta đi viếng thăm ai hoặc vì sao chúng ta lại thắp nến và mang hoa tới cho họ?

Do đó, những sự kiện trong ngày hôm nay mời gọi chúng ta đi vào một sự phản tỉnh khôn ngoan. Thánh vịnh đã viết: “Xin dạy con biết đếm ngày con sống để con biết tìm kiếm sự khôn ngoan trong tâm hồn.” “Cuộc đời chúng ta trôi qua như chiếc lá mùa thu” (G. Ungaretti). Vào mùa xuân năm sau, cây tiếp tục nẩy nụ bung hoa, nhưng lại khoác trên mình những cánh lá mới; thế giới sẽ vẫn diễn tiến sau lưng chúng ta, nhưng với những con người mới. Lá thu không tìm được sự sống mới, nó tan biến tại nơi nó rụng xuống. Điều ấy có xảy ra với chúng ta không? Đó là điểm mà phép loại suy đi đến bước đường cùng. Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tìn ta thì dẫu có phải chết cũng sẽ được sống.” Đây là thách đố lớn lao cho niềm tin, không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho người Do Thái giào và Người Hồi giáo, cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa.

Những người đã xem phim “Bác sĩ Zhivago” chắc sẽ nhớ bài hát nổi tiếng do cô ca sỹ Lara hát trong phần nhạc nền. Bản dịch từ tiếng Ý có nghĩa: “Tôi không biết đó là gì, nhưng có một nơi tôi sẽ không bao giờ trở lại…” Bài hát nhắm đến ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng do Pasternak viết mà bộ phim đã dựa vào đó để dàn dựng: Đôi tình nhân tìm thấy nhau, tìm kiếm nhau, nhưng định mệnh (ta có thể tìm thấy chính mình trong thời đại rối ren của cuộc cách mạng Bolshevik) đã phân ly họ cách nghiệt ngã, mãi đến khi họ gặp nhau vào cảnh cuối nhưng lại không nhận ra nhau.

Mỗi khi những nốt nhạc này vang lên, đức tin làm cho tôi hầu như muốn thét lên bên trong con người tôi: Vâng, có một nơi ta sẽ chẳng bao giờ trở về và cũng chẳng muốn trở về. Đức Giêsu đã ra đi để chuẩn bị cho chúng ta, Ngài đã mở ra cánh cửa sự sống ngang qua sự phục sinh của Ngài và Ngài đã chỉ cho ta biết đường theo Ngài qua tám mối phúc thật. Nơi thời gian đi tới hồi tận sẽ mở đường dẫn vào cõi vĩnh hằng. Tại nơi ấy, tình yêu sẽ trở nên sung mãn và trọn vẹn, không chỉ là tình yêu Thiên Chúa và cho Thiên Chúa mà còn là tất cả tình yêu chân thành và thánh thiện vốn đã tồn tại trên trái đất.

Đức tin không giải thoát tín hữu khỏi nỗi đau khổ của cái chết, nhưng nó xoa dịu chúng ta qua đức tin. Kinh Tiền Tụng ngày lễ các linh hồn viết: “Nếu việc phải chết làm cho chúng ta buốn rầu, thì niềm hy vọng vào sự bất tử mai sau sẽ an ủi chúng ta.” Trong cảm thức này, có một chứng từ đầy cảm động ở nước Nga. Vào năm 1972, một tạp chí bí mật đã cho đăng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo của một người lính tên Aleksander Zacepa. Anh viết lời cầu nguyện này chỉ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, và anh đã thiệt mạng trong cuộc chiến ấy.

Lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, xin Ngài lắng nghe con! Trong suốt cuộc đời, con chưa từng một lần nói chuyện với Ngài, nhưng hôm nay con có ao ước làm điều đó. Khi con còn nhỏ, người ta bảo con rằng Ngài không hiện hữu. Và như một thằng ngốc, côn đã tin điều ấy.

Con chưa bao giờ suy niệm về công trình của Ngài, nhưng đêm nay nằm trong hố bom và nhìn bầu trời đầy sao, con đã bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của chúng. Ngay lập tức, con hiểu rằng sự lừa dối ấy khốn nạn đến mức nào. Ôi lạy Chúa, con không biết là Chúa có giang tay chạm đến con hay không, nhưng con dám nói với Chúa rằng Chúa hiểu con…

Chẳng phải là lạ lùng lắm sao khi giữa cảnh địa ngục rợn rùng, ánh sáng đã chiếu giãi trên con, và con đã khám phá ra Ngài?

Con chẳng có điều gì nữa để thân thưa với Ngài. Con cảm thấy thật hạnh phúc, vì con đã nhận biết Ngài. Vào lúc nửa đêm hôm nay, chúng con sẽ bắt đầu chiến sự, những con chẳng sợ hãi gì vì Ngài trông thấy con.

Họ phát tín hiệu rồi Chúa ạ. Con phải đi đây. Thật tuyệt vời dường bao khi con được ở với Ngài. Con muốn thưa với Chúa, và Chúa cũng biết, là trận đánh sẽ rất ác liệt. Có lẽ đêm nay, con sẽ đến gõ cửa nhà Ngài. Và nếu đến lúc này đây, con chưa phải là bạn của Ngài thì khi con ra đi, Ngài có đón con vào nhà Ngài không?

Nhưng điều gì đang xảy ra với con đây? Con la lên hay sao? Lạy Chúa Trời con, xin hãy nhìn đến những điều xảy ra với con. Chỉ lúc này đây, con mới bắt đầu nhìn thấy Chúa cách rõ ràng. Lạy Chúa, con đi đây, có lẽ chẳng bao giờ trở lại. Thật lạ lùng, lạy Chúa, cái chết chẳng làm con sợ hãi.

(Nguồn: Bài viết của Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Zenit ngày 31 tháng 10, năm 2008)

 Nguyễn Quốc Tâm - dongcong.net

SỰ CHẾT TÍCH CỰC

VietCatholic News (Thứ Bảy 01/11/2008 07:56)

Trong những tuần Thường niên cuối tháng Mười, chúng ta được Hội Thánh dọn những bàn tiệc rất phong phú để suy về sự chết. Đó là cứu cánh và đó cũng là chương trình cứu độ đã được dành cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, sự chết là một vấn đề thường trực của nhân loại.

Sự chết có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời đại nào, bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, việc tỉnh thức vẫn luôn luôn là sự khôn ngoan và được coi như là người đầy tớ trung tín giúp cho mỗi người Kitô hữu chúng ta gặp được chủ của mình. Với lối nhìn ấy, cái chết trở nên tích cực, vì người đầy tới mong chủ về, chủ mới biết được lòng trung tín của người đầy tớ; chủ mới hiểu được giá trị của người đầy tớ biết vâng nghe theo mình, biết trung tín chờ đón mình. Như vậy, ngày của chủ trở về không phải là một sự đối phó như thái độ của người đầy tớ bất trung. Bởi lẽ, coi ngày chủ trở về là một giờ chứng tỏ lòng trung tín của mình, chứng tỏ cho sự chu toàn bổn phận của mình, đấy mới là thái độ tích cực và chân thành đích thực.

Thánh Phaolô đã có một cái nhìn tích cực như vậy, khi nói với Timothe rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy. Và không chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2Tm 4,7-8)

Như vậy sự chết không phải là một trạng thái sợ hãi, đối phó. Nhưng sự chết là một sự giải thoát đưa con người về gặp chủ của mình. Do vậy, một cách khôn ngoan và một cách ích lợi nhất là: con người hướng về sự chết không phải là với một thái độ tiêu cực, sợ hãi, đối phó nhưng là cách tích cực chờ đón, như là một cuộc giải thoát, một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của mình. Do đó, nó có tác động đến đời sống hàng ngày của chúng ta, bởi lẽ, đời sống ấy được quy chiếu vào sự sống đời đời:

- Họ sẽ dùng tiền để mua công phúc Nước Trời;

- Họ sẽ dùng thời gian để biện minh cho lòng tín trung và khôn ngoan tỉnh thức;

- Họ sẽ dùng ánh sáng để chiếu soi mọi ngóc ngách tối tăm của cuộc đời.

Lạy Chúa, Xin Chúa cho chúng con,  ngày hôm nay, những người được lãnh nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. Nhưng điều đó không làm cho chúng con sợ mà là nhắc nhở trách nhiệm và ân huệ của chúng con.  Để chúng con mãi nguyện theo Chúa  và điều đó có ích lợi cho phần rỗi linh hồn của chúng con.  Để ngày giờ Chúa đến  sẽ là ngày giờ chúng con lĩnh phần thưởng mũ triều thiên vinh sáng dành cho  những ai mong đợi Chúa xuất hiện. Như người đầy tớ khôn ngoan trung tín chờ đợi chủ trở về. Amen.

LM Phêrô Hồng Phúc - dongcong.net

CHẾT LÀNH

VietCatholic News (06 Nov 2009 00:49)

Trong ít năm gần đây, càng ngày tôi càng dây dưa với cái chết. Sự dây dưa này do nhiều nguồn khác nhau: do công việc của tôi trong tư cách một y sĩ chuyên chăm sóc người già, do công tác mục vụ của tôi trong tư cách một linh mục Dòng Tên tại một trung tâm giảng dạy y khoa và do cố gắng cá nhân của tôi trong tư cách một nhà giáo dục muốn cải thiện việc chăm sóc người hấp hối. Tôi dành phần lớn thì giờ của mình để chăm sóc người hấp hối, dạy các sinh viên y khoa và các y sĩ về việc chăm sóc cuối đời và cùng các linh mục, các lãnh tụ giáo xứ và nhiều người khác tìm tòi các nguồn tài liệu trong truyền thống đức tin Công Giáo nói về lúc chấm dứt sự sống.

Thỉnh thoảng, tôi cũng thắc mắc về chính cái chết của mình, không biết nó sẽ như thế nào và liệu tôi có được chết lành hay không. Các suy tư ấy phần lớn xoay quanh vấn đề “chết lành” nghĩa là gì và nghĩ tới thánh nhan Chúa khi tôi được gọi ra khỏi đời này. Hoàn cảnh đặc biệt của đời tôi trong tư cách một linh mục Dòng Tên, người sẽ chết mà không có vợ, có con, khiến cho việc sắp xếp hoạch định của tôi có hơi khác thường và chắc chắn không thích hợp với đại đa số người khác vốn không khấn sống tu dòng. Nhưng qúy bạn cũng nên cho phép tôi được chia sẻ chút ít ý kiến liên quan đến việc tôi muốn hiểu và nghĩ tưởng ra sao về việc chết lành.

Chết lành chắc chắn không phải là chết theo lối khắc kỷ. Hiển nhiên là tôi sẽ sợ. Ý nghĩ phải rời bỏ cái nắng ấm áp của Cape Cod Bay, âm thanh của dòng sông đầy cá hồi ở Montana và vòng thân mật và hỗ trợ của bạn bè và con cái họ chắc chắn là điều tôi chẳng thấy hứng thú là bao. Nhưng suốt cuộc đời, tôi đã hiểu Thiên Chúa như một Đấng khá quen thuộc với nỗi sợ sệt và âu lo xao xuyến của tôi. Và tôi cảm nhận rằng Chúa đối xử với tôi như một người cha đang cố gắng kéo đứa con thơ ra khỏi những điều có lẽ chỉ mua vui nhất thời cho nó nhưng sau cùng nhất định không làm nó thỏa mãn hoàn toàn. Sự chết do đó sẽ là lực kéo dứt khoát khiến tôi rơi vào vòng tay Thiên Chúa…

Bị những kẻ cổ vũ trợ tử và an tử làm cho khiếp sợ, nhiều người cảm thấy hấp hối là một diễn trình khủng khiếp ngay trong nó. Dĩ nhiên, hấp hối đâu phải là việc dễ chịu. Luôn luôn có đau đớn buồn bực thực sự đối với những ai biết mình đang mất đi những điều tốt đẹp trong đời. Tôi biết tôi sẽ rất buồn khi không còn được nghe nhạc Mozart nữa, khi mất đi những cái ôm hôn của con cái và nhiều cái dịu ngọt của cuộc đời. Nhưng tôi cũng biết rằng chẳng có lý do gì khiến tôi phải đau đớn cùng cực, khốn khổ với những hơi thở càng lúc càng ngắn lại cũng như những trận ói mửa liên tiếp. Tiếc thay, nhiều người tốt lành đã ủng hộ việc trợ tử vì họ từng chứng kiến những cái chết không lành, đầy đau đớn và những khốn khổ không nhất thiết phải có. Những đớn đau khốn khổ ấy sở dĩ xẩy ra vì các y sĩ và các bệnh viện, như một toàn thể, đã không coi việc chăm sóc có chuyên môn đối với người hấp hối là một ưu tiên.

Điều ấy ngày nay đang thay đổi. Đau đớn có thể giảm thiểu được mà không cần làm cho bệnh nhân mất ý thức. Có sai sót, nhưng sẽ tới lúc việc thuốc thang giảm đau sẽ được điều chỉnh hay thay đổi. Các phản ứng phụ của thuốc thang, như táo bón, sẽ được dự phòng và chữa trị. Hơi thở ngắn có thể được giảm bớt nhờ một loạt các cố gắng, tùy theo mỗi trường hợp. Ói mửa, dù là một triệu chứng khó chữa, nhưng vẫn có thể điều trị được bằng những loại thuốc táo bạo hay các biện pháp giảm đau khác.

Một số người coi việc nghĩ đến đường dài của hấp hối cũng như các triệu chứng khiến chết trở thành khó khăn là một việc bệnh họan từ bên trong. Cho nên, đối với tôi, điều chủ yếu là phải muốn được chết lành. Chết lành đòi phải có dự kiến và chọn lựa. Điều ấy không có nghĩa ta có thể kiểm soát và dàn dựng mọi khía cạnh của diễn trình hấp hối. Mất kiểm soát chính là một phần của diễn trình chết. Nhưng ta có thể lo liệu để các mục tiêu của ta được tôn trọng khi ta giáp mặt với cái chết.

Dự liệu để chết lành có nghĩa là phải đưa ra các chỉ thị từ trước. Các chỉ thị này sẽ nói cụ thể ý muốn được chăm sóc của ta khi gặp trọng bệnh hay tai nạn đến không thể nói năng gì được nữa. Chỉ thị từ trước này có nhiều hình thức, tùy tình trạng sống của ta. Có thể là một di chúc, một thừa ủy nhiệm (proxy) chăm sóc sức khỏe, hay một bản ủy quyền (power of attorney) dài hạn để người khác quyết định chăm sóc sứ khỏe cho ta. Tại nhiều quốc gia, việc soạn thảo các chỉ thị này tương đối dễ dàng không cần tới luật sư. Nhưng điều quan trọng nhất khi soạn ra các chỉ thị này là cuộc bàn thảo trong đó, người bệnh phát biểu rõ ràng mục tiêu của mình là thế nào lúc ở cuối đời.

Trong nghề y của mình, tôi thường đề nghị ba điều: Thứ nhất, người ta phải cho tôi rõ tôi được tiến xa như thế nào để duy trì sự sống cho họ khi tình thế trở nên mập mờ hay xem ra bi đát. Thứ hai, bệnh nhân cần bàn thảo với gia đình về các ước nguyện của mình để gia đình nắm rõ. Thứ ba, bệnh nhân phải chỉ định một người khác phát ngôn giùm mình (để tôi có được ai đó mà tham khảo ý kiến nếu bệnh nhân yếu quá đến nói không được). Chỉ thị từ trước không hề là một thuốc bách bệnh. Chúng sẽ vô dụng, nếu bác sĩ không biết gì về chúng, nếu gia đình không mang theo chúng tới bệnh viện trong trường hợp cấp cứu bất thần hay nếu chúng không được cập nhật hóa khi tình trạng bệnh nhân thay đổi. Rất có thể có người sẽ dùng các chỉ thị từ trước này để hạn chế việc chữa trị hay làm nhanh diễn trình chấm dứt sự sống. Nhưng đối với hầu hết các bệnh nhân của tôi, các chỉ thị từ trước này rất có giá trị. Muốn được soạn thảo tốt, các chỉ thị từ trước cần được suy nghĩ và bàn hỏi cẩn thận. Chúng giúp đem sự chết ra công khai và cho phép việc chăm sóc dựa trên ý muốn của bệnh nhân xẩy ra được. Đó là khía cạnh tư riêng của việc xem sét chết lành là thế nào.

Nhưng chết lành không đơn thuần chỉ là vấn đề sắp xếp ổn thỏa mọi sự việc và lo liệu để người được thừa ủy nhiệm chăm sóc sức khỏe của ta biết ta đang ở phòng cấp cứu. Đây là lúc ta gặp Chúa một cách dứt khoát. Chết lành có ba yếu tố chủ chốt.

Thứ nhất, chăm sóc y khoa phải được đặt trong viễn tượng thích đáng của nó. Không ai ra khỏi đời này mà còn sống nhăn. Các bác sĩ có thể chữa ta trong một thời gian, họ có thể giảm đau cho ta lúc ta hấp hối, và họ còn có thể làm được việc tốt là ngăn trở sự chết ngay cả lúc ta rõ ràng đang hấp hối, nếu ta cho phép. Chết lành hay chết tốt đòi phải có một bác sĩ lành hay một bác sĩ tốt. Tức một bác sĩ biết chú tâm tới ước nguyện của tôi, tỉnh táo để ý tới việc kiểm soát triệu chứng và giảm đau; bác sĩ ấy cũng phải là một cố vấn khôn ngoan khi giáp mặt với buồn phiền và sợ hãi, và phải nhạy cảm đối với tính năng động của việc không bao giờ tự ý lấy đi sự sống nhưng cũng không được kéo dài sự sống ấy nếu gánh nặng của trị liệu vượt quá ích lợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng là việc chăm sóc của y khoa không phải là tập chú của hấp hối. Bác sĩ và các thành viên khác của toán chăm sóc không phải là các siêu sao của buổi trình diễn khi đề cập tới màn cuối cùng. Lúc ấy, họ đóng vai phụ, một vai phụ khá quan trọng.

Người đóng vai chủ yếu trong lúc này chính là người đang hấp hối, những ai yêu thương họ và Thiên Chúa. Bác sĩ tốt hay bác sĩ lành là người hiểu rõ các giới hạn trong nghề nghiệp của mình. Người ta thường nghe các y sĩ nói với họ: “Xin lỗi, nhưng tôi không còn làm được điều gì khác nữa”. Câu trả lời tốt đẹp và khôn ngoan hơn chắc chắn là câu như thế này: “Tôi không có phương pháp điều trị thần kỳ, không có thuốc gì mới, không có phương pháp mổ xẻ nào có thể thay đổi được bệnh tình của ông/bà. Nhưng tôi hứa sẽ ở bên ông/bà, cố gắng giảm thiểu các triệu chứng và không bỏ mặc ông/bà phải chịu bệnh một mình”. Đặt việc chăm sóc y khoa vào viễn tượng thích đáng của nó có nghĩa là bệnh nhân và gia đình họ không luôn mong được nhiều hơn và đặt những hy vọng lầm chỗ vào các bác sĩ và cách chữa trị khi chết đã trở thành hiển nhiên. Dưới ánh sáng đời sống vĩnh cửu, và hy vọng vào phục sinh của chúng ta, thì những cố gắng vô vọng nhằm kéo dài diễn trình chết cho một ai đó mắc chứng bệnh không thể chữa được là đâu đó nằm giữa ngu xuẩn và phạm thượng.

Thứ hai, chết lành đối với người có đức tin trong Đạo Công Giáo có nghĩa là nhạy cảm đối với truyền thống luân lý của Giáo Hội. Điều này đòi ta phải tìm trung dung giữa những người bác khước bất cứ loại chăm sóc nào nhằm duy trì sự sống và những người nghĩ rằng là Công Giáo thì phải đòi cho được bất cứ thứ ống nào hay thứ điều trị nào được đem tới chất chồng lên người sắp chết. Thái độ đầu gần như là an tử vì không biết qúy chuộng tính tốt lành của sự sống và bổn phận phải qúy trọng hồng ơn Chúa đã ban cho ta. Thái độ thứ hai quả đã thay thế niềm tin vào Thiên Chúa bằng chủ nghĩa duy sinh (vitalism); nó cho thấy: mỗi nhịp tim đều thánh thiêng mà không hiểu được rằng giá trị tuyệt đối của sự sống chỉ có thể tìm thấy trong việc kết hợp với Chúa.

Nói một cách thực tiễn, khi một ai đó đương đầu với căn bệnh chết người, thì sự khôn ngoan của Giáo Hội là họ không bắt buộc phải theo đuổi những cách chưa trị quá đau đớn, không chịu đựng nổi hay chỉ nhằm kéo dài cơn hấp hối. Một người mắc bệnh ung thư hay khí thũng nặng, hay đang đương đầu với giai đoạn chót của suy thoái tim mạch không nên cho rằng sẽ lỗi luật luân lý nếu từ khước việc hồi sinh hay giảm thiểu những kỹ thuật cao có tính táo bạo (aggressive) tại phòng chăm sóc cuối cùng (intensive care).

Thứ ba, và là điều quan trọng nhất, chết lành nghĩa là phải sống lành với Chúa. Chuẩn bị chết phải là việc hàng ngày của mọi Kitô hữu, không có nghĩa lúc nào cũng duyệt lại các chỉ thi từ trứơc hay suy nghĩ thắc mắc về các mâu thuẫn luân lý có thể có, nhưng là hàng ngày cố gắng sống thân mật hơn với Chúa và sống tốt cuộc sống của mình. Mặc dù dự kiến sự chết bằng các chỉ thị từ trước, chăm sóc y khoa tốt và nhạy cảm luân lý đều là những điều quan trọng, nhưng điều chủ yếu để chết lành vẫn là sống trong Chúa Kitô.

Người ta phải sống cuộc sống thiêng liêng ra sao trong hy vọng được chết lành? Câu hỏi này có cả triệu câu trả lời, và làm ta nhớ tới câu hỏi người thanh niên giầu có đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, con phải làm gì đề hưởng được sự sống đời đời?”. Ở cốt lõi của nó, chết lành chỉ xẩy tới vào lúc cuối đời cho những ai tận tụy yêu Chúa và yêu người lân cận. Cái chết của Kitô hữu chính là thời điểm sinh vào sự sống đời đời với Thiên Chúa. Thực hiện các lựa chọn từ viễn tượng giường chết là tuyệt diệu quan tâm tới sự khác biệt giữa điều chủ yếu và tốt lành với điều tầm phào và xấu xa. Trong cuốn “Tập Dụng Thần Công” của mình, Thánh Inhaxiô thành Loyôla thúc giục ta dùng một loạt các phương pháp để thực hành các thao tác nhằm chọn bậc sống hay quyết định bất cứ điều đặc thù nào. Một trong các phương pháp ấy là coi sự chọn lựa ấy như thể “tôi sắp sửa qua đời”. Cuốn “Gương Phúc Chúa Kitô” (1, 23, 1) nhìn đời sống người Kitô hữu dưới lăng kính sự chết: “mọi hành động của bạn, mọi tư tưởng của bạn, phải là hành động hay tư tưởng của người đang chờ chết trước khi đời tàn. Sự chết sẽ chẳng có chi kinh hoàng khủng khiếp nếu bạn có một lương tâm thanh tĩnh… Vậy thì tại sao không tránh xa tội thay vì trốn chạy khỏi cái chết? Nếu hôm nay, bạn không đủ can đảm đương đầu với cái chết, thì ngày mai chắc lại còn không đủ can đảm hơn nữa”.

Thánh Cyprianô, vị giám mục và tử đạo người Bắc Phi vào thế kỷ thứ 3, từng nghi vấn đức tin của những Kitô hữu tự hào cầu nguyện hàng ngày cho Nước Chúa trị đến và ý Chúa thể hiện, nhưng lại không chấp nhận sự chết và tìm mọi cách tránh né tính hay chết của mình như sau: “Quả là phi lý xiết bao khi cầu xin cho ý Chúa được thể hiện mà lại không mau mắn vâng theo khi Người gọi ta ra khỏi đời này! Thay vào đó, ta đã vẫy vùng và chống đối như những tên nô lệ bướng bỉnh và được điệu tới trước nhan thánh Chúa lòng đầy buồn bã và than van, chứ không tự ý chấp nhận cuộc ra đi, coi nó như một bức bách cần thiết”.

Mục đích của Thánh Cyprianô là khuyến khích các Kitô hữu đương đầu với việc tử đạo, nhưng lời của ngài cũng khuyên dạy ta là những người đang sống trong một nền văn hóa ngày càng mù mờ về ý nghĩa thiêng liêng của sự chết và nhu cầu phải sống cuộc sống ta dưới ánh sáng vĩnh cửu: “Hãy một tâm một trí, hảy kiên định trong đức tin, và bền vũng trong can đảm, sẵn sàng vâng theo ý Chúa, bất kể ý ấy ra sao. Hãy dẹp bỏ sự sợ chết mà nghĩ tới sự sống đời đời tiếp theo nó. Điều ấy sẽ chứng tỏ cho người ta thấy chúng ta thực sự sống đức tin của mình. Hỡi anh em thân thương, ta không bao giờ được quên rằng chúng ta đã từ bỏ thế gian. Hiện ta đang sống như khách lạ và chỉ trong một khoảng thời gian mà thôi. Và khi ngày về nhà xẩy tới, chấm dứt cảnh lưu đầy của ta, giải thoát ta khỏi xiềng xích thế gian, và tái lập ta vào thiên đàng và nước Chúa, ta hãy chào đón nó”.

Học để biết chào đón ngày về quê Cha ấy xem ra là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng cầu nguyện, đặt kế hoạch và nghĩ về đời sống làm Kitô Hữu của mình cũng như niềm hy vọng của ta sẽ dẫn ta tới những chọn lựa quan trọng, giúp ta có thể chết trong ánh sáng đức tin. Một lần nữa, điều ấy không có nghĩa chúng ta sẽ có được cái can đảm của Thánh Cyprianô hay đức anh hùng của các tử đạo. Tôi không có là cái chắc rồi đấy. Nhưng trong cái sợ của tôi, tôi muốn dự kiến càng nhiều càng tốt để được chết trong tình yêu Chúa Kitô hơn là chết trong những cái quá lạm vô kế hoạch của việc chăm sóc sức khỏe. Và tình yêu của Chúa Kitô chính là tất cả nội dung của chết lành.

Phóng dịch bài “On Dying Well” của Myles N. Sheehan S.J., đăng trên tập san The America, số 29 tháng 7 năm 2000

Vũ Văn An

THÁNH KINH NÓI GÌ VỀ Ý NIỆM ĐỜI SAU

VietCatholic News (22 Nov 2009 23:13)

Có người nhận xét rằng không có chủ đề nào được người ta, kể cả người tôn giáo, ít nói tới bằng chủ đề sự sống đời sau. Một số nhà thần học không phải là Công Giáo còn công khai cho rằng họ không tin sự sống đời sau như một thứ hiện hữu sau cái chết vật lý. Về phía Công Giáo, nền thần học gọi là Giải Phóng không hẳn bác bỏ nhưng rõ ràng muốn tránh né quan niệm “một thế giới khác” cho cánh chung luận, vì họ chỉ quan tâm tới việc phát triển “ở đời này” mà thôi, như phương tiện cứu rỗi.

Nói chung, trong bối cảnh văn hóa hiện nay, thái độ im lặng trước sự sống đời sau được nhiều người âm thầm chấp nhận. Có nhiều lý do tạo nên hoàn cảnh đó. Trước hết, nhãn hiệu thuốc phiện ngu dân được Marx gán cho các tôn giáo nói chung và sau đó được tâm lý học của Freud tiếp tục đã làm tư duy Phương Tây sợ hãi bất cứ những gì dính dáng tới tôn giáo. Người ta hết sức nhạy cảm đối với những hậu quả tha hóa của việc thực hành tôn giáo, bị họ coi là làm giảm giá trị, trách vụ, các cơ may của đời này, để mơ ước hướng tới một đời sau tốt đẹp hơn. Mặt khác, bên trong Giáo Hội Công Giáo, sự giải thích sai lầm Công Đồng Vatican II cũng góp phần đáng kể vào việc giữ im lặng trước cái chết nói chung, và đời sau nói riêng, bởi vì giải thích này cho rằng Công Đồng đã khẳng quyết tầm quan trọng và tính cấp bách của ơn gọi ở đời này. Công Đồng đã không khuyên người ta đừng ngần ngại góp phần vào việc xây dựng đời này, trái lại phải coi đó là nhiệm vụ của mình đó sao? Không cần phải nói, ai cũng biết Vatican II nhấn mạnh tới nhiệm vụ trên trong khung cảnh số phận đời đời của con người. Dù thế, cách giải thích trên đã ảnh hưởng khá nhiều trên tâm thức người Công Giáo nói chung.

Trên bình diện đạo đức học Kitô Giáo, ý niệm đời sau thường đem theo ý niệm thưởng phạt. Theo truyền thống, người ta vốn cảm nhận rằng ý niệm thưởng phạt sau khi chết, tức thiên đàng hay hỏa ngục, đã được dùng làm bức tường thành bảo vệ luân lý. Các nhà luân lý học ngày nay thường đặt câu hỏi: nếu bỏ đừng mang củ càrốt thiên đàng và chiếc gậy hỏa ngục ra đe dọa, liệu có thể có một nền luân lý thực sự tự do (tự ý) cho mọi người chăng? Dù sao, các nhà luân lý học này cũng cho rằng loại luân lý răn đe ấy đã khiến cho việc khai triển luân lý dừng lại ở trình độ hay giai đoạn ấu trĩ, điều được họ gọi là “giai đoạn một” hay giai đoạn “đức tin tổng hợp qui ước”. Thiên đàng và hỏa ngục, do đó, phải chịu trách nhiệm trong việc giam hãm không cho con người phát triển bản thân hướng tới giai đoạn nhận trách nhiệm thực sự dựa trên việc đánh giá phẩm giá của tôi cũng như nhu cầu, quyền lợi và sự tự do của người khác.

Sau cùng, người Kitô hữu chắc chắn còn chịu ảnh hưởng của não trạng duy vật thời nay, một não trạng luôn luôn cảm thấy không thoải mái đối với ý niệm bản thể thiêng liêng hay linh hồn, nhất là thứ linh hồn hiện hữu tách biệt khỏi vật chất. Não trạng này khó có thể hòa hợp với ý niệm truyền thống về đời sau như là tính bất tử của linh hồn. Xem ra chỉ còn giải pháp trung dung giữa việc chấp nhận theo nghĩa đen các tuyên bố của Thánh Kinh về việc thân xác sống lại và việc bác bỏ thẳng thừng bất cứ sự hiện hữu nào sau khi thân xác đã chết.

Quan điểm chính thức

Tuy nhiên, trên bình diện thính thức, Giáo Hội Công Giáo không có những chủ trương như thế. Năm 1979, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một tuyên ngôn nhắc lại các niềm tin truyền thống, mặc dù đã bỏ không nhấn mạnh tới các khía cạnh tiêu cực. Các bản văn phụng vụ, kinh nguyện Thánh Thể, kể cả ba kinh mới được thêm vào, nghi thức an táng, và phụng vụ các giờ kinh mới được duyệt xét, tất cả đều mạnh mẽ tái khẳng định niềm hy vọng sống lại.

Đàng khác, trên bình diện bình dân, cả bên trong lẫn bên ngoài các giới Kitô Giáo, quan tâm tới vấn đề sự sống đời sau vẫn không suy giảm. Sách báo ngày càng nói nhiều tới các kinh nghiệm sau khi chết, hay việc dùng đồng cốt giao thiệp với người đã qua đời. Việc tìm hiểu các lời dạy về đời sau nơi các tôn giáo không phải là Kitô Giáo, đặc biệt là các tôn giáo Đông Phương, cũng gia tăng đáng kể.

Các sự kiện trên không hẳn không hữu ích trong việc giúp ta một ngữ cảnh để khảo sát chứng cớ Thánh Kinh liên quan đến sự sống sau khi chết. Chú tâm của bài này là tìm hiểu các trước tác của Thánh Phaolô nhất là Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrintô, chương 15, là chương Thánh Phaolô khai triển khá sâu rộng về chủ đề phục sinh và là chương đóng một vai trò quan trọng nhất trong sự biến hóa của nền thần học Kitô Giáo về sự sống sau khi chết. Tuy nhiên, để mở rộng tầm nhìn, bài này cũng xét tới ngữ cảnh Do Thái Giáo, lời dạy của Chúa Giêsu, và tư tưởng thời Giáo Hội sơ khai liên quan tới chủ đề này. Ta có thể nói ngay ở đây rằng đối với Thánh Phaolô, cũng như đối với chính Chúa Giêsu, khẳng định sự sống sau khi chết là một yếu tố chủ yếu của Phúc Âm nhưng không phải là trung tâm của phúc âm này.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính chủ đề, tưởng cũng nên đưa ra một số nhận xét về việc sử dụng Thánh Kinh. Trước nhất, chúng ta phải dành cho Thánh Kinh thế giá nào đối với chủ đề đang bàn ở đây? Sự đóng góp chính xác của Thánh Kinh cho bất cứ vấn đề thần học nào tự nó vẫn là đầu đề cho nhiều tranh cãi kịch liệt nơi các nhà thần học trong truyền thống Kitô Giáo. Thiển nghĩ trong vấn đề đang bàn ở đây, Thánh Kinh có một thế giá nhất định, nhưng không tuyệt đối hay dứt khoát, càng không có nghĩa đen. Ta phải nhìn nhận rằng nhiều phạm vi khác cũng có phần đóng góp như truyền thống Giáo Hội (thần học và thực hành), suy tư triết học và cả giáo huấn của các tôn giáo khác cũng như các kinh nghiệm ngoại giác quan (extra-sensory) mà ta thấy càng ngày càng được chú ý.

Thứ hai, ý định tìm hiểu Thánh Kinh của ta sẽ như thế nào. Thiển nghĩ không nên quá chú trọng tới vấn đề của chúng ta mà quên không lưu ý tới tâm điểm thực sự của lời giải đáp trong Thánh Kinh. Ta nên tránh không làm điều mà trong quá khứ nhiều người đã phạm phải nghĩa là quào vơ các giải đáp đó đây, khắp nơi trong Thánh Kinh và gán cho chúng một thế giá như nhau và tuyệt đối mà không xét tới ngữ cảnh cận kề của chúng, vị trí của chúng trong việc khai triển ra toàn bộ tư tưởng Thánh Kinh, và mối liên hệ của chúng với điều vốn được nhận là chiều hướng trung tâm của Thánh Kinh đối với bất cứ chủ đề đặc thù nào.

Thứ ba, một khía cạnh có ý nghĩa nữa đối với chủ đề của chúng ta ở đây là: các phát biểu của Thánh Kinh về đời sau thường được trình bày bằng ngôn ngữ và hình thức văn chương khải huyền của Do Thái Giáo vốn rất nhiều các hình ảnh phong phú và đôi khi kỳ quái. Xử lý hình thức và thế giới quan khải huyền này vốn là trách nhiệm hàng đầu của khoa giải thích Thánh Kinh. Giữa hai khuynh hướng bác bỏ ngôn ngữ cánh chung và chấp nhận nó theo nghĩa đen hay cực đoan, chúng ta tin có con đường thứ ba.

SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT TRONG DO THÁI GIÁO

Hiện nay, ai cũng công nhận rằng ý niệm sự sống sau khi chết chỉ xuất hiện mãi về sau này trong Do Thái Giáo. Phải đợi đến cuối Sách Đanien (12:2), ý niệm rõ ràng về sống lại mới xuất hiện. Sách Isaia (26:19) và Êdêkien (37:1-14) chỉ mới dự ứng nó mà thôi. Đối với phần lớn Cựu Ước, sự chết được chấp nhận như một chấm dứt việc hiện sinh của con người theo nghĩa hẹp. Người ta quan niệm sự sống như ơn phúc qúy giá nhất. Cái thứ “phản quang” của đời này được mô tả là ‘Sheol’ chỉ tượng trưng cho việc lưu luyến hoàn toàn không có tính lôi cuốn, không nhân bản và hiển nhiên là tạm bợ trước khi bị tắt ngúm hòan toàn. Tuy nhiên, ý niệm cho rằng trong Cựu Ước, sự chết được coi như sự chấm dứt tự nhiên của mọi loài và do đó được thanh thản chấp nhận thì không được mọi người nhìn nhận. Thí dụ, trong sách Gióp, và trong nhiều Thánh Vịnh, người ta thấy có sự không hài lòng chút nào đối với sự chết, một bồn chồn áy náy khi phải bước vào thứ đêm đen đó.

 Việc tiến tới được ý niệm sự sống sau khi chết trong các thế kỷ tiếp theo cuộc lưu đày thường được liên kết với việc biết trân quí công trạng của các cá nhân, nhất là những người từng chịu đau khổ vì niềm tin của mình và vì lòng trung thành đối với Luật vào thời bách hại, tức các vị tử đạo. Những người này hiển nhiên phải được dự phần vào một Israel sẽ được tái lập trong vinh quang vào ngày thế mạt. Bởi thế, Sách Đanien đã đề cập tới việc phục sinh phổ quát như là phương cách để phục hồi các vị tử đạo đời xưa trong một Israel vinh quang, để tôn vinh họ trước mặt những kẻ từng bách hại họ. Dưới ảnh hưởng tư tưởng Hy Lạp, các trước tác như Khôn Ngoan cũng chứa ý niệm linh hồn bất tử trong ngữ cảnh tôn vinh những vị tử đạo, từng bị bách hại, tức “những con người công chính”. Lẽ dĩ nhiên, ý niệm linh hồn bất tử khác với ý niệm sống lại. Tuy nhiên, nhiều học giả không chấp nhận sự khác biệt sắc cạnh giữa hai ý niệm ấy dù ý niệm sống lại vốn phát xuất từ văn hóa Do Thái, trong khi ý niệm bất tử xuất phát từ văn hóa Hy Lạp.

Đến cuối thời Cựu Ước, Do Thái Giáo đã có được nhiều cách để nói lên niềm tin rằng người công chính, sau khi chết, sẽ được chia sẻ lời hứa cứu chuộc. Tuy nhiên, có nhiều cách quan niệm về sự cứu chuộc cánh chung này: có những cánh chung luận “thuộc đời này” mà cũng có những cánh chung luận “thuộc đời khác”, có tính thiêng liêng hơn. Nhưng trong tất cả các cánh chung luận ấy, sự tiếp tục hiện hữu của cá nhân, dù dưới hình thức sống lại hay bất tử đều được nối kết với sự tái lập một Israel trung thành và sự khai mở một thời đại huy hoàng, cánh chung.

Như ta đã nhờ Phúc Âm và các nguồn văn chương Do Thái khác mà biết, niềm tin vào sự sống đời sau ấy, dù hết sức phổ thông, nhưng không hề có tính phổ quát. Phái Xa-đốc chẳng hạn đã bác bỏ nó. Phái Pharisêu coi nó như chủ trương chính. Thời Chúa Giêsu, vấn đề ấy, nhất là việc sống lại, vốn là vấn đề được bàn cãi nhiều.

TÂM TƯ VÀ GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU

Cho đến mấy năm gần đây, tâm tư hay giáo huấn của Chúa Giêsu, như đã được tường thuật trong Phúc Âm, vẫn được coi là yếu tố quyết định cho nền thần học Kitô Giáo về vấn đề đời sau. Nhưng ngày nay, một phần nhờ các nghiên cứu hiện đại về bản chất và sự cấu thành của các phúc âm, xem ra tình thế đã ra khác. Không kể sự khó khăn trong việc tìm ra những lời nói đích thực do chính Chúa Giêsu nói và nhờ đó hiểu được phần nào tâm tư của Người, còn có việc thừa nhận rằng những gì mạc khải đem lại cho ta trong các bản văn kia đều trước hết và đầu hết đã được đem lại cho ta qua đức tin của các cộng đoàn hậu Phục Sinh. Quan trọng hơn nữa, về phương diện thần học, đó cũng là điều Giáo Hội tiên khởi, dưới sự linh hứng của Thần Trí Chúa Giêsu Phục Sinh, vốn tin và giảng dạy về niềm hy vọng sống lại. Đeo đuổi bằng mọi giá để tìm cho ra bất cứ điều gì có thể kết luận là niềm tin hay giáo huấn của Chúa Giêsu lịch sử về vấn đề đời sau này đều chỉ là một thứ chủ nghĩa duy ngữ (literalism) hay cực đoan rất xa lạ với truyền thống Công Giáo, là truyền thống luôn tin tưởng coi cộng đồng hay Giáo Hội là người hàng đầu tiếp nhận mạc khải.

Nói như thế rồi, ta có thể an tâm chấp nhận sự nhất trí tổng quát giữa các học giả ngày nay. Họ vốn cho rằng Chúa Giêsu có cùng quan điểm về sự sống đời sau, nhất là về phục sinh, như phái Pharisêu. Trong các phúc âm (Mt 22:23-33; Mc 12:18-27; Lc 20:27-40), Chúa Giêsu được mô tả như người minh nhiên bác bỏ quan điểm của Phái Xa-đốc và chủ trương một quan điểm khá “thiên thần” về sự sống phục sinh. Trong giáo huấn luân lý, Chúa Giêsu được trình bày như đã đề xuất cả việc phán xét sắp tới và một hệ thống thưởng phạt đời sau cho những người có tác phong tốt và xấu.

Tuy nhiên, những lời giảng về sự phán xét không phải là trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu. Các học giả nhất trí cho rằng: trọng tâm thực sự và rõ ràng trong giáo huấn và lời giảng của Chúa Giêsu chính là việc Người công bố Nước Thiên Chúa. Ý niệm này nhận được chỗ đứng hết sức nổi bật trong lời giảng của Người, so với việc nó xuất hiện trong Do Thái Giáo vào thời của Người. Căn cứ vào lời giảng của Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực tại khá mầu nhiệm, khó nắm bắt, chỉ có thể thông truyền chủ yếu nhờ hình ảnh và các gợi ý trong dụ ngôn. Xét theo một phương diện, Nước ấy chỉ về tương lai, mô tả tình trạng chung cục của người được cứu rỗi, với ý niệm phán xét, trong đó có ý niệm phục sinh. Nhưng xét theo phương diện khác, Nước Thiên Chúa cũng đã hiện diện ngay bây giờ rồi và ta có thể đạt được nó nhờ con người và hành động của Chúa Giêsu. Nó đòi ta phải quyết định ngay bây giờ chứ không chỉ sẵn sàng chờ một phán xét sắp tới. Người ta có thể dự phần vào Nước ấy ngay ở đây và bây giờ bằng quyết định tin vào Chúa Giêsu và điều này, xét đúng nghĩa, quả đã tương đối hóa sự phán xét trong tương lai (Lc 11:20; 17:20-21; Mt 11:12).

Việc hiện tại và tương lai nằm đè lên nhau này, cái cảm thức có thể nắm bắt tương lai ngay trong hiện tại này chính là đặc điểm của cánh chung luận Kitô Giáo và, như đã nói trên đây, nó phát nguyên từ chính lời giảng dạy của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa. Cảm thức ấy không loại bỏ ý niệm về đời sống mới sẽ đến, cũng không xuống cấp niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho các tín hữu của Người. Nhưng nó muốn nói rằng điều quan trọng hơn cả là mối liên hệ với Thiên Chúa do đức tin thiết lập ra và mối liên hệ này vượt lên trên và do đó tương đối hóa sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Chúa Giêsu không phải chỉ là một vị rao giảng, hô hào ăn năn thống hối ở đời này để có thể thừa hưởng đời sau. Người kêu gọi ta chia sẻ mối liên hệ của Người với Thiên Chúa, một mối liên hệ bao hàm việc phó mình hoàn toàn cho sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa Cha đối với cả hiện tại lẫn tương lai (Lc 12:24-34).

Việc sống lại của Chúa Giêsu

Việc sống lại của chính Chúa Giêsu hiển nhiên là chủ yếu và điển hình cho bất cứ cuộc thảo luận nào về sự sống đời đời trong thần học Kitô Giáo. Nhưng điều quan trọng là phải xem sét việc Chúa Giêsu sống lại này bên trong ngữ cảnh tư duy đúng đắn của nó, nghĩa là bên trong khuôn khổ niềm tin khá phổ biến về việc sống lại của mọi người công chính hòng tạo thành cộng đoàn hoàn toàn thiên sai vào thời thế mạt.

Biến cố sống lại, tức việc công bố rằng một ai đó thực sự đã sống lại là điều hoàn toàn mới mẻ. Chính phạm trù sống lại thì không có gì mới mẻ cả. Nó khá quen thuộc, nếu không muốn nói từng là yếu tố gây tranh cãi nơi người Do Thái, như đã thấy trên kia. Việc công bố Chúa Giêsu là người sống lại từ cõi chết ít nhất cũng diễn tiến bằng một ngôn ngữ và phạm trù quen thuộc với người Do Thái, dù nó hàm ý: cái thời sau hết ấy đã bắt đầu ló dạng rồi.

Điểm thách thức thực sự và làm Do Thái Giáo phật lòng không phải là phạm trù sống lại mà là việc công bố rằng con người chịu đóng đinh tên là Giêsu thành Nadarét kia, mà bề ngoài rõ ràng là một tên thất bại ê chề trong âm mưu tôn mình lên làm Đấng Thiên Sai, đã được Thiên Chúa cho sống lại và lập làm Đấng Thiên Sai của Israel, tác nhân của Thiên Chúa trong việc đem lại một thời đại mới. Vào thời ấy, Do Thái Giáo chưa hề có ý niệm gì về một Đấng Thiên Sai đau khổ và nhất là một Đấng Thiên Sai chỉ vào được vương quốc của mình qua ngả sự chết và sự sống lại, dùng cái chết của mình làm giá chuộc tội cho con người. Trong các giới Do Thái Giáo, sự hiển dương Đấng Thiên Sai thuộc phạm vi tán tụng và quyền lực ở đời này, mặc dù Đấng Thiên Sai ấy luôn là một khuôn mạo tôn giáo và là một tác nhân của Thiên Chúa.

Hơn nữa, như đã thấy, tuy Do Thái Giáo có ý niệm về việc mọi người chết công chính sẽ sống lại để tái lập cộng đồng thiên sai, nhưng họ không hề có khái niệm cánh chung giống lời giảng dạy của Kitô Giáo rằng: việc sống lại của Đấng Thiên Sai phải đi trước vô hạn định việc sống lại chung của mọi người. Về phương diện thần học và hiện sinh, cả một thời đại mới cần phải có giữa thời điểm Đấng Thiên Sai sống lại và thời điểm chung cục toàn diện, một thời đại trong đó vương quốc thiên sai đã khởi đầu rồi, cộng đoàn được Chúa Thánh Thần ban dư đầy ơn phúc đã lên tiếng chứng thực mối liên hệ mới với Thiên Chúa rồi, nhưng cũng là thời đại còn đầy đau khổ, bách hại và ngay cả chết chóc nữa. Các điều đó vốn là đặc điểm của thời đại tiền thiên sai.

Cộng đoàn đầu hết của thời hậu Phục Sinh đã đương đầu với vấn nạn thần học của thời kỳ ở giữa hay thời kỳ chồng lên nhau này bằng cách triển hạn cuộc quang lâm sớm sủa của Chúa Giêsu trong tư cách Thiên Sai đầy uy quyền và Quan Án cánh chung. Tuy nhiên, niềm hy vọng Chúa Giêsu một ngày rất gần sẽ trở lại đã dần dần nhạt phai và sau đó ta thấy việc đánh giá thời kỳ ở giữa này về phương diện thần học đã trở thành trách vụ chính, nếu không muốn nói là dẫn đạo của Giáo Hội trong thế kỷ thứ nhất. Việc ấy đã lên khuôn một cách nặng nề, và có lẽ đã linh hứng phần lớn cho hai công trình Phúc Âm Luca và Tông Đồ Công Vụ. Ta cũng thấy dấu vết của nó trong phúc âm Gioan, trong đó, hai cánh chung luận ‘hướng về tương lai’ và ‘đã thể hiện’ đã được để cho chạy song song với nhau tại nhiều chỗ (như Ga 5:18-24 (đã thể hiện); 5:25-29 (hướng về tương lai)); ta có thể tìm thấy ảnh hưởng của nó trong phúc âm Mátthêu và trong Thư Do Thái. Trên hết, nếu ta khảo sát các thư của Thánh Phaolô từ thư sớm nhất (1 Tx) tới thư cuối hết (Êph), ta có thể nhận ra sự biến chuyển dần dần từ quá chú tâm tới việc Chúa trở lại tới thái độ không hẳn thôi không còn hy vọng gì tới việc ấy nữa nhưng chú trọng nhiều hơn tới nhiệm vụ hiện nay của người Kitô hữu trong việc sống thực ơn gọi làm dân cánh chung của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, thời kỳ ở giữa này, mà theo lược đồ của Thánh Luca, ta có thể gọi là “thời của Giáo Hội”, là thời kỳ chúng ta tiếp tục hiện hữu. Từ đầu thời kỳ này cho đến nay, vấn đề chúng ta đang bàn ở đây, tức sự sống đời sau, đã liên tiếp làm bận tâm tư duy người Kitô hữu.

Thánh Phaolô

Liên quan tới niềm hy vọng sống lại, ta nghĩ ngay tới ba đoạn thư của Thánh Phaolô: 1 Tx 4:13-18; 1Cor 15; 2Cor 5:1-5. Đoạn đáng lưu ý nhất chính là 1Cor 15. Đoạn đầu trong ba đoạn ở đây, tức 1Tx 4:13-18, có thể dùng làm giáo đầu để ta khảo sát chủ đề sống lại của 1Cor 15. Giáo đầu này chú trọng tới điều có thể gọi là chi tiết ngoại vi của khung cảnh khải huyền: “nghênh đón Chúa trên không trung” (4:17), một điều sau này sẽ dần dần bị lược bỏ. Cùng với sự chú trọng đó, ta không thấy có quan tâm gì tới điều có thể gọi là “biến đổi nhân học”: những người còn sống tới lúc Chúa đến chỉ ra nghênh đón Chúa trên không trung, chứ không thấy họ phải biến đổi chi, điều mà phần sau đoạn 1Cor 15 sẽ nhấn mạnh khá nhiều. Từ những khác biệt ấy, ta thấy có sự chuyển dịch hết sức đặc trưng trong việc khai triển ra suy tư cánh chung nơi Thánh Phaolô, một chuyển dịch từ từ không còn quá chú tâm tới ‘các biến cố’ sau chót mà quan tâm tới việc thể hiện nơi con người nhân bản kế hoạch mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho loài người từ nguyên thủy. Kế hoạch này không là gì khác hơn sự viên mãn của nhân loại mà Chúa Phục Sinh vừa là điển hình vừa là tác nhân biến đổi. Đoạn 2Cor 5:1-5 là một đoạn nổi tiếng khó hiểu, vì chứa nhiều hàm hồ về văn bản và giải thích. Ở đây, thiển nghĩ chỉ nên nói: nó cũng giúp minh họa việc khai triển ra khuynh hướng vừa đề cập, tức việc chú trọng tới việc thay đồi nơi con người nhân bản hơn là các biến cố chung cục.

a) 1Cor 15:1-34: Đức tin phục sinh

Đích xác vấn đề xẩy ra tại Côrintô ra sao khiến Thánh Phaolô phải giải đáp bằng 1Cor 15 là việc còn đang được tranh biện. Nhiều thế giá khác nhau đã được nói ra liên quan tới nội dung của vấn đề “bác bỏ việc người chết sống lại” (câu 12). Việc bác bỏ này bao gồm những gì? Theo thiển ý, có thể hiểu: một số người Côrintô không nhìn nhận việc các Kitô hữu đã qua đời được dự phần vào vương quốc sau cùng, nghĩa là vương quốc ấy chỉ dành cho những người còn sống lúc Chúa Kitô trở lại mà thôi, và đó là điều bất hạnh cho những người đã chết trước đó. Thánh Phaolô đã cực lực phản đối ý nghĩ đó và đã bao gồm người đã chết vào vương quốc cánh chung.

Ngài làm điều đó một cách khá có ý nghĩa đối với mục đích của chúng ta ở đây. Ngay trước khi đề cập tới vấn nạn ở câu 12, bằng một công thức truyền thống (các câu 3b-5), ngài đã phác họa ra cốt lõi của Phúc Âm như ngài từng rao giảng cho người Côrintô và như họ đã chấp nhận bằng đức tin. Khai triển thêm công thức truyền thống, trong các câu 8-10, Thánh Phaolô trình bày kinh nghiệm riêng của ngài về phục sinh, một kinh nghiệm hoàn toàn ngang thế giá với kinh nghiệm của các nhân chứng khác, dù ngài là nhân chứng sau cùng. Sau khi đã nhắc tới đức tin phục sinh, với câu 12, Thánh Phaolô đã quay qua xử lý thẳng vấn đề người Côrintô bác bỏ việc người chết sống lại. Luận điểm của ngài xoay quanh mối liên kết chủ yếu giữa việc sống lại của Chúa Kitô và việc sống lại của người chết (Kitô hữu) nói chung. Bằng lối suy luận phản bác có tính giản lược, Thánh Nhân nhấn mạnh rằng bác bỏ việc sống lại của các Kitô hữu đã qua đời nhất thiết sẽ bác bỏ chính điều ngài đã rao giảng cho người Côrintô, bác bỏ chính những điều họ từng chấp nhận (các câu 14-15 và 17a), nghĩa là bác bỏ những điều ngài đã nhắc qua tại các câu 1-11. Nếu thế, thì sẽ hết đức tin, mà hết đức tin thì họ “vẫn còn ở trong tội” (câu 17b).

Cùng trong dòng suy luận này là quan điểm sau đây của Thánh Phaolô: Chúa Kitô không hề chết và sống lại như một cá nhân. Người chết và sống lại như Đấng Mêxia, tức Đấng tự mang trong mình và trong số phận mình toàn bộ cộng đồng thiên sai. Sự sống lại của Chúa Kitô, vì thế, bao hàm sự sống lại của mọi người, giống cánh chung luận khải huyền của Do Thái xưa. Bạn không thể có sự sống lại của Chúa Kitô mà lại thiếu sự sống lại của các tín hữu đã qua đời. Sự sống lại của tín hữu chính là yếu tố chủ yếu của Phúc Âm.

Dĩ nhiên, giống như buổi đầu, vấn nạn là ‘khoảng trống’ giữa việc sống lại của Đấng Thiên Sai (Mêxia) và sự sống lại của cộng đồng thiên sai. Đó chính là vấn nạn sẽ được Thánh Phaolô nói tới trong các câu 20-28. Trong một ẩn dụ khéo léo, ngài ví Chúa Kitô sống lại như “hoa quả đầu mùa”, nghĩa là phần đầu của một mùa gặt vừa có tính đại biểu vừa có tính hứa hẹn đối với những phần còn lại, sắp được thu gặt. Sau đó, ngài trình bày ‘chương trình’ phục sinh có tính chung luận, được tái duyệt dưới hình thức Kitô Giáo, nhằm lưu tâm tới khoảng trống vốn không được cánh chung luận Do Thái dự ứng. Chúa Kitô sống lại như “hoa quả đầu mùa”; mọi người còn lại chỉ theo chân khi nước thiên sai của Chúa Kitô (tức thời của Giáo Hội) đã hoàn tất, lúc mọi quyền lực thù địch đã bị dẹp tan, mà quyền lực cuối cùng chính là sự chết. Việc hạ bệ kẻ thù cuối cùng này (câu 26) sẽ là khúc giáo đầu cho cuộc sống lại toàn diện và việc trao vương quốc cho Chúa Cha (câu 24). Trước khi bàn thêm, chỉ xin thưa: trong các câu 21-22, Thánh Phaolô trình bày Chúa Kitô như một đối tác tích cực của Adong, đấng tổ phụ thất bại xưa kia của nhân loại. Và sau đó, trong các câu 27-28, triều đại thiên sai của Đấng Phục Sinh được mô tả bằng ngôn từ của Thánh Vịnh 8 (câu 6-7), tức thánh vịnh vốn diễn tả vai trò và phẩm giá nhân loại trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Xem ra, từ phần đầu bàn tới phục sinh trong 1Cor 15 này, ta thấy Thánh Phaolô đã xác tín rằng, trong Phúc Âm Kitô Giáo, niềm tin vào sự phục sinh của các Kitô hữu đã qua đời là yếu tố cũng chủ yếu như niềm tin vào sự phục sinh của chính Chúa Kitô. Thực thế, cốt lõi luận điểm của ngài là việc không thể tách biệt được hai sự phục sinh ấy. Không có niềm tin vào sự sống lại của người đã qua đời, Phúc Âm sẽ vô giá trị.

Quả là một thứ ngôn từ mạnh bạo. Tuy nhiên, ngôn từ này đã được bổ túc bằng một trình bày Phúc Âm long trọng hơn và có hệ thống hơn trong thư gửi tín hữu Rôma. Bài này không bàn tới thư đó, chỉ xin thưa: chân lý của trình bày này phải được tìm ra trong chính chủ đề và cấu trúc của thư. Chủ đề này được nhắc đến như là “sự chính trực của Thiên Chúa”. Nhưng điều ấy chỉ là một trong các yếu tố của thư. Theo các câu 1:16-17, thì chủ đề đầy đủ của thư là quyền năng cứu vớt của Thiên Chúa dành cho mọi tín hữu, trên căn bản lòng chính trực của Thiên Chúa được chiếm hữu nhờ đức tin. Bốn chương đầu của thư (1:18-4:25) thiết lập ra tiền đề căn bản trên đây, tức việc người ta trở nên ‘chính trực với Thiên Chúa’ nhờ đức tin; bốn chương kế tiếp thiết lập ra điểm chính của chủ đề: niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu dựa trên sự chính trực do đức tin mà có. Như thế, chính cấu trúc của thư Rôma đã thiết lập ra tính trung tâm cho xác tín về cuộc sống vĩnh cửu ở tâm điểm Phúc Âm.

b) 1Cor 15: 35-59: cuộc hiện hữu “phục sinh”

Trong phần thứ hai của 1Cor 15, Thánh Phaolô đề cập tới khía cạnh: cuộc hiện hữu phục sinh sẽ như thế nào: “Nhưng có người sẽ nói, kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể (soma) nào mà trở về?”. Câu trả lời của Thánh Phaolô ở đây thực sự là một khảo luận nhỏ về “thân xác” hay “soma” phục sinh. Chính từ phần này, thần học của Giáo Hội về tình trạng phục sinh đã được khai triển. Do đó, nó góp phần rất quan trọng vào các xem sét của ta ở đây đối với việc thiết lập ra điểm chính cũng như các giới hạn của điều Thánh Phaolô phát biểu. Đầu tiên, ta nên xem sét hạn từ “soma” theo lối nói của Thánh Phaolô.

“Soma” thường được các bản thánh kinh dịch là thân xác. Tuy nhiên, nó là một hạn từ rất khó nắm bắt và từng gây nhiều tranh cãi. Điều chắc chắn là Thánh Phaolô có dùng nó để chỉ thân xác vật lý và đôi khi chỉ là thân xác vật lý mà thôi (xem Gl 6:17). Nhưng ngài cũng dùng nó để chỉ cả con người nữa. Dựa trên những khía cạnh nào, ngài hiểu nó có nghĩa cả con người? Dưới khía cạnh ta có thể gọi là tính thông đạt (communicability). Trong tư cách soma, tôi tự trình diện với người khác, với thế giới bên ngoài, tôi “giao tiếp đụng chạm”, vừa để tạo ra vừa để tiếp nhận các ấn tượng. Chính trong tư cách soma, tôi hiện diện hay hiện thực với người khác hay hiến thân cho người khác: soma là nền tảng của việc kết hợp bản thân và xã hội. Theo Thánh Phaolô, các Kitô hữu là ‘thân xác Chúa Kitô’, theo nghĩa họ kết hợp với Người thành một thân xác, một soma. Đồng thời, Người ‘giao tiếp đụng chạm’ với thế gian qua họ như một thân xác.

Điều Thánh Phaolô làm trong 1Cor 15:35-49 là đề cập đến nhiều cách làm ‘thân xác’: cùng một hữu thể theo yếu tính nhưng có thể hiện hữu nhiều cách khác nhau. Hình ảnh ngài dùng (câu 36-38) về hạt giống ‘chết’ đi và sau đó tái xuất hiện như một thân cây là hình ảnh tốt nhất để minh họa liên tục tính của bản ngã xuyên qua cái chết của một soma và việc tiếp nhận một soma khác. Những lời sau đó của ngài (các câu 39-41) nói về các kiểu “xác thịt” (flesh) khác nhau, cả xác thịt nhân bản lẫn xác thịt thú vật, và tới các thiên thể, đều nhằm mục đích nhấn mạnh cùng một điểm căn bản này, tuy có hơi vất vả: phải nhìn nhận có nhiều cách hiện hữu bằng thân xác khác nhau.

Trong câu 42, ngài áp dụng điều trên vào vấn đề đang bàn: nếu con người nhân bản có thể xuất hiện trong một soma vật lý dễ chết mà ta biết ở đời này, thì ít ra cũng phải nhận rằng Thiên Chúa có thể mặc cho người được cứu rỗi một soma hoàn toàn do Chúa Thánh Thần chi phối, một soma pneumatikon, một thân xác có thần khí (câu 44). Và Thánh Phaolô bỗng ngưng lại ở đây, không cố gắng mô tả thêm về sự hiện hữu phục sinh. Thiển nghĩ ngài đã khôn ngoan khi tỏ ra mình “bất khả tri”, không giống nhiều nhà thần học trong nhiều thế kỷ qua cứ loay hoay mãi ở điều được ngài bỏ lửng. Ngài chỉ yêu cầu tín hữu Côrintô dùng óc tưởng tượng mà quan niệm ra khả thể một cuộc hiện sinh nhân bản vừa khác vừa cao hơn cuộc hiện sinh trần thế hiện nay.

Tuy nhiên, Thánh Phaolô có tiến thêm bước nữa, một bước khá có ý nghĩa. Ngài trình bày sự hiện hữu bằng thân xác phục sinh của Kitô hữu trực tiếp mô phỏng sự hiện hữu của Chúa Kitô Phụ Sinh, mà đến lúc này được ngài minh nhiên gọi là “Adong cuối cùng” (câu 45): “Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh của người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến (Chúa Kitô Phục Sinh)” (câu 49). Như thế, Chúa Kitô Phục Sinh đã trở nên cả tổ phụ lẫn mẫu mực của một nhân loại mới.

Sau đây, xin tóm tắt những điều chúng ta vừa xem xét:

1. Vì tính sâu sắc của hạn từ soma theo nghĩa của Thánh Phaolô, nên “sự sống lại của thân xác” nói ở đây không nhất thiết cột chặt vào ý nghĩa vật lý như nhiều người vẫn nghĩ. Thánh Phaolô không có cái nhìn “hồi sinh” (resuscitationist) thô thiển về phục sinh. Trái lại, ngài mở ra cả một tầm nhìn hết sức rộng về bản chất sự hiện hữu phục sinh. Ta cần nhớ rằng Thánh Phaolô, người đã đặt ý niệm hiện hữu phục sinh của Kitô hữu trên căn bản cuộc hiện hữu của Chúa Kitô Phục Sinh, cũng là người đã kể mình vào hàng ngũ các chứng nhân hàng đầu của phục sinh, như người được Chúa Phục Sinh hiện ra (1Cor 15:8), như người được thấy Chúa Phục Sinh (1Cor 9:1). Có điều cần phải nhấn mạnh ở đây là: trong tư cách chứng nhân phục sinh, nghĩa là từng đã nhìn được ý nghĩa cuộc hiện hữu phục sinh, nhưng Thánh Phaolô đã quyết định không muốn bàn gì thêm đến cuộc hiện hữu ấy, bất kể là ngài có khả năng bàn đến nó hay không.

2. Tích cực hơn, thiển nghĩ Thánh Phaolô mạnh mẽ cho rằng cuộc hiện hữu mới này là một cuộc hiện hữu thực sự có tính nhân bản, ít nhất cũng nhân bản hơn là điều chúng ta thường nghĩ. Sở dĩ như thế vì với Chúa Kitô Phục Sinh làm mẫu mực, cuộc hiện hữu này đã ứng nghiệm số phận mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại từ đầu. Khía cạnh “nhân bản” này phát xuất từ nền Kitô học “Adong cuối cùng” của Thánh Phaolô ở đây, là nền thần học tiếp nhận ý nghĩa câu 22 của thư này và được thư Rôma 5:12-21 nhắc lại khi khẳng định về số phận được hưởng sự sống vĩnh cửu.

3. Sau cùng, dù Thánh Phaolô liên kết phục sinh với số phận tương lai của Kitô hữu, coi sự sống vĩnh cửu như một đối tượng hy vọng chứ không hẳn đã nắm được ngay bây giờ, nhưng căn cứ vào các trước tác của ngài, ta cũng thấy nẩy sinh một yếu tố liên tục giữa hiện tại và tương lai. Căn bản của sự liên tục này chính là mối liên hệ mới mẻ với Thiên Chúa đã do sự chính trực tạo nên. Theo nghĩa đúng, đây là mối liên hệ sau cùng, mối liên hệ làm con được Chúa Thánh Thần chứng thực (Rm 8:14-16; Gl 4:6-7; c (Rm 8:14-16; Gl 4:6-7; xem Rm 5:5). Trong Chúa Thánh Thần, Kitô hữu đã được sống trong thực tại Nước Trời rồi; điều còn lại chỉ là việc thể hiện thực tại mới mẻ và sau cùng ấy trong khía cạnh thân xác của họ mà thôi. Và đó chính là nòng cốt của phục sinh theo Thánh Phaolô (Rm 8:23; 2Cor 4:16-18; Pl 3:21).

Kết luận

Như vậy, dựa vào chứng cớ Tân Ước, ta khám phá được gì về sự sống đời sau? Trước nhất, xem ra đối với cộng đoàn hậu Phục Sinh tiên khởi, sự chết là yếu tố rất ít khi được bàn tới. Vì cộng đoàn này tin mình là những người được chọn để chờ đón Chúa Kitô trở lại thiết lập Nước Thiên Chúa. Khi thấy Chúa Kitô không trở lại và cái chết đến thật, họ đành hòa nhập nó vào niềm hy vọng cánh chung của mình. Họ giữ vững niềm tin vào tính liên tục trong mối liên hệ mới mẻ của họ với Thiên Chúa, một mối liên hệ vượt qua nhưng không tháo bỏ sự kiện chết chóc. Họ hiểu ra rằng cả họ nữa cũng sẽ đi theo con đường của Thầy nghĩa là đạt được cuộc hiện hữu mới xuyên qua bóng tối sự chết.

Bởi thế, vấn đề sự sống sau khi chết ít được coi như một yếu tố khải huyền của Kitô Giáo sơ khai. Đây là vấn đề được phát sinh, được đối chất và tiếp nhận được một đáp ứng mạnh mẽ và tinh tế, ít nhất cũng từ Thánh Phaolô. Mạnh mẽ, vì thánh nhân coi nó là một trong những điểm cốt yếu của Phúc Âm; tinh tế, vì những hạn chế cẩn trọng mà ngài đặt để cho nó, không giống các trước tác khải huyền thời đó.

Còn đối với nhiệm vụ của Giáo Hội hiện nay trong vấn đề này, có tác giả cho rằng trách nhiệm hàng đầu trong việc rao giảng Phúc Âm là không nên công bố tính cách có sẵn của sự sống đời sau, hay nói cho ngay, không nên đẩy các linh hồn vào thiên đàng bằng bất cứ giá nào. Căn cứ vào trọng tâm lời giảng của Chúa Giêsu, thì trọng tâm lời giảng của Giáo Hội phải là lời mời gọi gia nhập Nước Trời, tức công bố rằng mối liên hệ sau cùng với Thiên Chúa đã có ngay ở đây và vào lúc này rồi, nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong Giáo Hội. Hiện nay, ta có thể thực hiện cái bước chủ yếu và bất phản hồi để, nhờ đức tin và phép rửa, ta có thể gia nhập hàng ngũ dân sau cùng của Thiên Chúa, bắt đầu ngay từ bây giờ, trở thành hoàn toàn nhân bản trong Chúa Thánh Thần, theo cách Thiên Chúa dự định sẵn cho nhân loại. Viễn ảnh sự sống vĩnh cửu, hay sự sống đời sau, dù không nằm ở trọng tâm lời rao giảng, nhưng trong Tân Ước vẫn là một yếu tố chính, trong đó, người qua đời được "phục sinh" để gia nhập cộng đoàn sau cùng của Nước Trời, giống như cánh chung luận của Do Thái xưa.

Trong phạm vi này, Giáo Hội đứng trước hai cám dỗ. Một là đặt việc rao giảng sự sống sau khi chết vào tâm điểm Phúc Âm và sao lãng đời sống Kitô giáo, cả trong bình diện tu đức lẫn bình diện luân lý. Phương thức này từng dẫn và còn tiếp tục dẫn người ta tới kiểu phúc âm “bánh bao trên trời” vốn bị những người chống đối chế nhạo. Dù sao, đối với chúng ta, điều đó chứng tỏ một đức tin không trưởng thành, chỉ biết lo cho số phận riêng mình bằng mọi giá thay vì phải sống tin cậy bên trong mối liên hệ kỳ diệu từng đã bắt đầu với Thiên Chúa. Hai là rút gọn niềm hy vọng Kitô giáo, cột chặt nó vào đời này, không còn chỗ cho kế hoạch Thiên Chúa dành cho nhân loại đã nên trọn để họ có thể vượt qua biên giới sự chết. Chấp nhận quan điểm ấy là mất hết đảm lược, là mất hết trí tưởng tượng, chứ không hẳn là một chiến thắng của đầu óc suy tư có phê phán, ít nhất cũng theo quan điểm của Thánh Phaolô trong đoạn 1Cor 15 này.

Các chứng cớ Thánh Kinh cho thấy: thái độ Kitô giáo đúng đắn phải là sẵn sàng sống trong hoàn cảnh “chồng lên nhau”: nghĩa là sống cuộc sống của dân cánh chung Thiên Chúa ngay bây giờ. Cánh chung luận khải huyền của Do Thái Giáo, dù đa dạng đến đâu, vẫn đã phân biệt sắc cạnh một bên là thế giới đau buồn hiện nay và bên kia là hế giới hạnh phúc sắp tới. Yếu tố chủ chốt tạo ra đức tin Kitô Giáo là quan niệm cho rằng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã đột nhập và phá nát cái khung ngây ngô đó, đem tương lai vào hiện tại bằng cách nhưng không hiến tặng nhân loại tội lỗi mối liên hệ sau cùng với Người. Dưới hình thức Kitô Giáo, hy vọng đi đôi với đức tin vì hy vọng đó dựa trên niềm tin tưởng hoàn toàn rằng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã khởi động kế sách sau cùng của Người dành cho nhân loại.

Viết theo Brendan Byrne, S.J. 'Life after Death, Some Scriptural Evidence Reconsidered', The Australasian Catholic Record, Tháng Mười 1982.

Vũ Văn An

THÁNG CÁC LINH HỒN:

CON CÁM ƠN CUỘC ĐỜI ĐÃ CHO CON CÒN MẸ

VietCatholic News (02 Nov 2009 17:49)

Tháng 11, tháng Các Đẳng, tháng tri ân báo hiếu. Linh mục Giuse chép lại tâm tình cảm tạ của một bạn trẻ gửi người Mẹ của mình… còn sống! Nhưng nếu không còn Mẹ, thì việc “tưởng nhớ” đến Mẹ vẫn làm cho Mẹ như còn đang sống ngay bên. Hơn nữa, niềm tin Kitô giáo dạy rằng: sự sống thay đổi chứ không mất đi. Chết là chuyển trạng thái sống. Chết là sống theo một cách khác. Và thế là ta vẫn luôn “còn Mẹ” khi tưởng nhớ đến Mẹ của ta!

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để mỗi sớm mai thức dậy, con còn thấy khói ấm trong nhà, cơm thơm trên bếp. Con ngồi vào bàn ăn, cùng Mẹ cảm nhận một ngày mới đang đến, cảm nhận tia nắng ban mai đang chiếu sáng ấm áp ngoài khung cửa sổ nhà mình.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để mỗi buổi tan học về, con được nhìn dáng Mẹ chờ con trên bậc cửa, con còn được Mẹ đợi chờ bên mâm cơm còn úp lồng bàn. Đã bao lần con nhắc Mẹ cứ ăn cơm trước đi nếu như con có đi học thêm ca ba mà về muộn. Song Mẹ không bao giờ ăn cơm trước. Mẹ đợi con về. Mẹ xới cho con từng bát cơm, gắp cho con từng cọng rau, miếng thịt. Mắt Mẹ nhìn con ăn thăm thẳm yêu thương.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để con biết sợ mỗi khi làm điều gì sai quấy. Con không dám nói dối vì con sợ Mẹ mất lòng tin nơi con. Con không nói được một câu hỗn hào vì con sợ trái tim Mẹ sẽ buồn mà tan thành nước. Con không dám đi chơi về muộn vì con sợ Mẹ sốt ruột lắng lo. Con không dám gục ngã vì sợ Mẹ nghĩ rằng con của Mẹ yếu mềm.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để con biết mình phải cố gắng vươn lên. Con nhớ cái lần con nhận được giấy báo vào đại học. Mắt Mẹ đã long lanh vì quá mừng vui. Nhìn vào ánh mắt ấy, con đã tự nhủ: Mẹ ơi dù phải phấn đấu đến đâu chăng nữa, chỉ cần thấy ánh mắt Mẹ vui thế kia thì con sẽ không bao giờ ngần ngại. Con nhớ Mẹ đã từng nói: đời Mẹ học hành chưa được bằng người, con phải cố học để hơn Mẹ nhé. Vâng bây giờ con đang học vì lẽ đó, Mẹ ạ.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để khi nào mỏi mệt, thấy trái tim mình trống rỗng và hoang hoải thì con vẫn có nơi để tìm về. Những năm tháng con đi học xa nhà, con đã hiểu thấu thế nào là nỗi cô đơn của một đứa con không được ở bên những người mà nó thương yêu nhất. Có nhiều lúc con cũng thấy bàn chân mình không muốn bước, thấy bao nhiêu quyết tâm của mình đi đâu mất cả. Chỉ cần trở về bên Mẹ, ăn uống cơm nhà, ngủ một giấc thật sâu trong căn phòng của Mẹ là tất cả những lo âu trong con lắng lại. Con thấy mình bình yên !

Bên kia sự chết

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh". Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy. Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

(Nguồn: Hiền Mẫu Đà Lạt, tờ 8)

Linh mục Giuse

THÁNG CÁC LINH HỒN: NGHĨ ĐẾN CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

VietCatholic News (01 Nov 2009 21:17)

Không có ai tránh khỏi cái chết nhưng ai cũng sợ chết. Đối với người vô thần thì chết là hết nhưng đối với người có niềm tin tôn giáo thì chết chưa phải là hết mà còn có cuộc sống khác sau cái chết. Người Kitô hữu tin rằng khi con người chết thì chỉ có thân xác là tiêu tan còn linh hồn thì bất tử. Chết chỉ là chấm dứt cuộc sống trần gian để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Sách Giáo lý Công giáo nói rọ linh hồn sau khi lìa khỏi xác sẽ phải ra trước tòa phán xét để rồi sẽ được lên Thiên đàng, phải vào thanh luyện ở luyện ngục hoặc là phải trầm luân đời đời trong lửa hỏa ngục. Biết vậy nhưng dường như chẳng mấy ai thực sự quan tâm đến cuộc sống đời sau.

Tôi thích câu chuyện hai người con trong một bài suy niệm mà tôi đã đọc. Đây không phải là câu chuyện về hai anh em trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” được kể trong Kinh thánh. Cũng không phải là chuyện có thật mà chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Tuy câu chuyện chẳng có gì hấp dẫn nhưng tôi thích vì tôi thấy ở trong câu chuyện đó có dáng dấp của rất nhiều người trong đó có cả tôi nữa.

Chuyện kể rằng gia đình kia có hai người con. Một người được cha mẹ quan tâm đặc biệt, được chăm sóc từng ly từng tí, được chiều chuộng đủ điều, muốn gì được nấy. Cha mẹ sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi của người con này cho dù biết là có hại. Trong khi đó thì người con kia bị bỏ rơi, không được đoái hoài tới. Người con đáng thương này vẫn hiện diện trong gia đình nhưng đã bị lãng quên như thể anh ta không hề có mặt ở trên đời.

Câu chuyện có lẽ đã khiến chúng ta bất mãn về cách đối xử không công bằng với con cái. Làm cha làm mẹ mà phân biệt đối xử với con cái như vậy là qúa bất công, không thể chấp nhận được. Con nào cũng là con sao lại thiên lệch, bên trọng bên khinh. Thật đáng bị lên án. Thế nhưng câu chuyện cũng là một lời cảnh cáo đối với chúng ta. Là vì chính chúng ta cũng đã có những hành động bất công chẳng khác gì cảnh bất công đã xẩy ra trong gia đình nói trên. Đúng như vậy. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có hai đứa con: đứa con thể xác và đứa con linh hồn. Chúng ta có đối xử công bằng đối với hai đứa con này không?

Tôi nghĩ rằng không. Chúng ta đã qúa lo lắng cho thân xác, qúa chú tâm đến đời sống vật chất nhưng lại thờ ơ việc linh hồn. Chúng ta đã bỏ hết thời gian và tâm trí cho tiền tài, danh vọng, tài năng, sắc đẹp … để không còn thì giờ đến nhà thờ, để làm việc lành phúc đức. Chúng ta chỉ giữ đạo chứ không sống đạo. Chúng ta chỉ là con chiên ngoan đạo tuân giữ luật Chúa ở trong nhà thờ còn khi ra khỏi nhà thờ thì khác. Nhiều khi chỉ vì một mối lợi nào đó chúng ta sẵn sàng đi ngược lại giới răn của Chúa và lề luật của Giáo hội. Chúng ta chỉ nghĩ đến mình, chỉ biết thu vén cho mình mà không hề quan tâm đến luật bác ái, yêu thương.

Cuộc sống thể xác của con người, như ai cũng biết, có kéo dài lắm thì cũng chỉ được hơn 100 năm là cùng. Trong khi đó đời sống của linh hồn, đưới con mắt đức tin, là đời sống bất tận,bất diệt. Mỗi người được Chúa cho sống ở trần gian một thời gian dài ngắn khác nhau. Thời gian này không phải chỉ để lo cho thân xác, cho công việc ở thế gian này mà còn phải là thời gian chuẩn bị cho cuộc sống đời đời. Phải sống như lời Chúa dạy. Thờ phượng Chúa, yêu thương đồng loại; làm lánh lánh dữ; giúp đỡ người nghèo khó; bênh đỡ kẻ cô thế; phải đặt những thứ có gía trị vĩnh cửu lên trên những gì mau qua chóng hết.

Khi cuộc sống trần thế đã mãn người Kitô hữu đều biết linh hồn sẽ đi đến những nơi nào. Những linh hồn được lên Thiên đàng thì hạnh phúc rồi. Những linh hồn phải sa hỏa ngục đời đời thì không nói đến nữa. Hãy nghĩ đến những linh hồn ở luyện ngục là nơi vẫn còn có hy vọng được giải thoát. Nhưng đã trễ rồi họ không còn thì giờ và cũng chẳng còn có thể làm được gì để tự cứu mình. Họ chỉ còn biết trông chờ vào những người còn sống. Nhưng những người còn sống có nghĩ đến họ không?

Cuộc sống bận rộn của xãhội ngày nay khiến người ta không còn thì giờ để nghĩ đến những gì xa hơn là cuộc sống bon chen trước mặt. Thêm vào đó cái khuynh hướng tư nhiên “Xa mặt cách lòng” khiến cho những người đã qua đời dễ bị lãng quên. Việc cầu nguyện, xin lễ cho người qúa cố sẽ thưa thớt dần và đến một lúc nào đó người còn sống có thể sẽ chẳng còn một ấn tượng gì về những người đã khuất nói gì đến việc cầu nguyện cho.

Phải chăng vì vậy mà Giáo hội đã dành tháng 11 để nhắc nhở giáo hữu nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã khuất. Và phải chăng đây cũng là dịp để người giáo hữu suy gẫm về thân phận mỏng dòn của kiếp người như lời hát trong bản “Hỡi người hãy nhớ” của linh mục Kim Long:

“Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro.

Một mai người sẽ trở về bụi tro.

Ôi thân phận của con người tựa bông hoa nở tươi.

Một làn gió nhẹ lung lay cũng biến tan sắc màu”.

Nay người mai ta. Một ngày nào đó mỗi người chúng ta sẽ nằm trong quan tài, sẽ xuống mồ và đến lúc đó chúng ta cũng lại ở trong số các linh hồn trông chờ vào lời cầu nguyện từ những người còn sống.

Mỗi dịp tháng các linh hồn đến chúng ta thường được chỉ bảo những phương cách hữu hiệu để cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục. Những phương cách đó là: lần hạt Mân côi, xin lễ, tham dự thánh lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể, thực hành việc bác ái từ thiện, hy sinh hãm mình v.v. Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn thì các linh hồn cũng cầu nguyện lại cho chúng ta.

Tôi nhớ năm ngoái cũng vào khoảng thời gian này, tháng các linh hồn, tôi nhận được một email từ một đứa cháu ở Việt Nam. Cháu kể với tôi về giấc mơ của đứa em. Theo giấc mơ này thì đứa em gái thấy nó đi đến một nơi rất tối tăm và ở đây nó gặp được bố cháu. Cháu kể tiếp bố cháu đã nói với đứa em phải rán sống sao cho tốt, cho đẹp lòng Chúa để khi chết đi được lên thẳng Thiên đàng mà không phải xuống nơi này âm u và đau khổ lắm. Bố cháu còn nói bố bây giờ hối hận nhưng đã muộn rồi. Bố chỉ còn trông chờ vào lời cầu nguyện của mấy mẹ con con mà thôi. Cháu cho biết khi nghe đứa em kể lại giấc mơ nước mắt cháu đã tuôn tràn vì thương bố. Đọc email của cháu tôi cũng thấy xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của đứa con gái đối với người cha qúa cố.

Cháu còn kể lể thêm với tôi trước khi chết bố cháu đã phải chịu đau đớn hơn một tháng trời trên giường bệnh. Lúc chết cũng trần truồng như Chúa (vì bệnh nặng nhà thương không cho mặc quần áo mà chỉ phủ lên người một tấm chăn mỏng). Cháu có vẻ tin tưởng hoàn toàn vào giấc mơ của đứa em khi kể tiếp cháu tưởng bố cháu chịu như thế là đã đền tội rồi và bố cháu đã được lên Thiên đàng. Vậy mà không ngờ bố cháu vẫn đang chịu đau khổ dưới luyện ngục.

Cháu cũng cho tôi biết trong suốt ba năm qua, từ khi bố cháu qua đời cháu đã không ngừng cầu nguyện cho bố cháu nhưng cháu thú nhận nhiều lúc cháu không thể nào tập trung khi đọc kinh. Cháu hỏi tôi có phải vì vậy mà bố cháu chưa được lên Thiên đàng?

Trong email hồi âm cho cháu tôi có góp ý với cháu về giấc mơ của đứa em. Có thể đó chỉ là một giấc mơ bình thường như bao nhiêu giấc mơ khác nhưng cũng có thể đó là một cách Chúa cho phép bố cháu được tỏ bày với gia đình để xin gia đình cầu nguyện thêm. Nhưng cho dù chỉ là một giấc mơ bình thường thì gia tăng cầu nguyện cho bố cháu vẫn là việc nên làm. Tôi cũng góp ý với cháu việc đọc kinh thì chẳng thà đọc ít mà tập trung, miệng đọc tâm suy còn hơn đọc nhiều mà lo ra, miệng thì đọc mà tâm trí lại để ở nơi khác.

Có nhiều người cũng nghĩ như cháu cho việc chịu đau đớn trong thời gian bệnh họan là dịp đền tội. Khi còn ở Việt Nam có lần đi dự thánh lễ an táng tôi cũng đã nghe cha giảng đại khái ông cụ nọ, bà cụ kia đã phải chịu đau đớn trong một thời gian dài trên giường bệnh đã đền tội để được Chúa cho lên Thiên đàng. Tôi không tin tưởng lắm. Tôi nghĩ còn tùy thái độ của người bệnh có chấp nhận những đau đớn thể xác như là sẵn sàng vâng theo Thánh y Chúa và có đón nhận những đau đớn đó với ý để đền tội hay không? Khi chịu đau đớn thể xác, đau khổ tinh thần, gặp nghịch cảnh hay những điều trái ý v.v. mà sẵn sàng đón nhận vì lòng mến Chúa thì những sự hãm mình đó sẽ trở nên công phúc. Ngược lại nếu than vãn, oán trách, buồn bực v.v. thì chưa chắc đã có tác dụng trong việc đền tôi.

Thánh nữ Têrêsa nói “Nhặt một cây kim vì tình yêu có thể hoán cải một tâm hồn”. Câu nói này cho thấy một việc làm nhỏ có thể có hiệu qủa lớn nhưng phải làm vì tình yêu, vì lòng mến và phải nhắm tới việc đền tôi cho mình hay đền thay cho người khác và cầu nguyện cho họ. Trong cuộc sống mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để sinh công phúc, làm lợi cho việc rỗi linh hồn ở đời sau. Vấn đề là chúng ta có biết tận dụng những cơ hội đó hay không ?

Vermont tháng các linh hồn.

Lại Thế Lãng

MỘT SUY NIỆM VỀ SỐNG CHẾT

VietCatholic News (31 Oct 2009 21:24)

Tại các nước Bắc Bán Cầu, không tháng nào thích hợp để mừng Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng cũng như tưởng niệm người quá cố nói chung cho bằng tháng Mười Một. Không những nó là tháng áp chót của một năm, một cái gì đó gần như nhắc nhở con người nhớ tới điểm tận cùng của sự sống, mà nó còn mang theo một bầu khí ẩm thấp, mưa phùn, ảm đạm, tiêu điều rất thích hợp với chủ đề sự chết.

Nói đến sự chết, Ernest Becker, trong cuốn The Denial of Death, một tác phẩm được giải Pulitzer, đã viết như sau: “…ý niệm chết, nỗi sợ đối với nó, vốn ám ảnh loài người hơn bất cứ điều gì khác; nó là động cơ chính cho hành động con người, một hành động chủ yếu nhằm mục đích tránh tính thảm hại (fatality) của sự chết, vượt thắng nó bằng cách bác bỏ cách nào đó rằng nó không phải là số phận sau cùng của con người”. Tác giả này, sau đó, đã cho rằng sự bác bỏ kia bàng bạc và tiêu cực đến độ hiện nay đã trở thành nguồn gốc tạo ra tâm thức hiện đại và đủ căn bệnh xã hội.

Luận điểm của Becker không hẳn không có lý. Chết khiến chúng ta lo sợ hóa ra không, mất hết bản thân mình và tất cả những gì vốn mang lại ý nghĩa cho sự sống. Lẽ dĩ nhiên, sợ điều gì còn tùy tôi nhìn tôi ra sao, coi tôi là cái gì. Nếu tôi là thân xác, tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo tồn nó. Phải chăng nỗi sợ này đang đứng đàng sau thứ văn hóa tôn thờ thân xác của thời đại ta? Nếu tôi là gia đình hay nòi giống, tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo tồn chúng. Trong thế kỷ vừa qua, ta đã được chứng kiến nhiều kinh hoàng do văn hóa tôn thờ gia đình, nòi giống hay quốc gia tạo ra. Thay vì chấp nhận các cách định nghĩa ấy về cái tôi, ta nên xem xét quan điểm của triết gia John Macmurray, người Tô Cách Lan. Ông bảo: muốn làm người phải nằm trong một liên hệ, đơn vị bản thân phải là Tôi và Anh.

Không có cái Anh nào đó, tôi không phải là một con người. Nói cách khác, Tôi cần Anh (và cả Anh, cả Anh… nữa) để trở nên chính tôi. Để hiểu được phần nào chân lý của phát biểu trên, bạn hãy nhớ lại chúng ta đã bám víu vào các mối liên hệ quan yếu ra sao ngay cả lúc chúng trở thành độc hại hay việc níu lấy chúng trở thành độc hại. Nếu phát biểu trên đúng, thì điều tôi sợ nhất lúc chết là mất hết mọi liên hệ, cũng là mất hết chính cái tôi. Như thế, sợ chết chẳng qua là sợ mất chính mình.

Tuy nhiên, làm người là phải chết. Nhưng có người lý giải rằng sự chết chỉ bước vào thế giới vì con người phạm tội mà thôi. Về vấn đề này, một số nhà thần học hiện nay cho rằng tội không hẳn đem sự chết vào thế gian, nó chỉ thay đổi cách người ta cảm nghiệm nó. Đó là quan điểm của Sebastian Moore, O.S.B., trong cuốn “Let This Mind Be in You”. Nói cách khác, vì tội lỗi, sự chết đã được cảm nghiệm như một đe dọa bị hóa ra không. Dưới quan điểm này, Thiên Chúa tạo ra các hữu thể nhân bản với một thực tại bao gồm sự chết. Do đó, chết không phải bị hóa ra không, mà là một thành toàn (consummation) cuối cùng của sự sống và cửa ngỏ đi vào sự sống sung mãn hơn. Như thế, chết không phải là mất hết mọi liên hệ, nhưng là cửa ngỏ đi vào các liên hệ sâu rộng hơn. Tội làm cho cảm nghiệm chết thành kinh hãi, chứ không phải chính sáng tạo.

Muốn chấp nhận quan điểm trên, ta cần nhìn vào cái chết của Chúa Giêsu. Dù là người không hề có tội, Chúa Giêsu vẫn không có bất cứ ảo tưởng hay lý giải (rationalization) nào. Người không có con cháu nào nối dõi khi giáp mặt với cái chết. Người có thể đã trực giác được số phận của Dân Người trước người La Mã, nên chắc chắn Người không hy vọng gì nòi giống Người sẽ chiến thắng. Người bị một trong những bạn bè thân thiết nhất phản bội, bị một người khác bác bỏ và bị mọi người còn lại bỏ rơi. Thân thể người bị lột hết phẩm giá; bị đóng đinh là cách chết nhục nhã nhất. Sứ mệnh của Người bị coi là thất bại; Người bị người Do Thái và La Mã nhạo báng và chế riễu. Cả Cha Người hình như cũng xa cách khi Người kêu lớn: “Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?”. Cả vũ trụ dường như nín thở. Liệu Người có tự ý chấp nhận, chấp nhận trong yêu thương và tin cậy, điều J.R.R. Tolkien gọi là “tận số của con người” (doom of men) hay không? Hay cuối cùng Người cũng sẽ thất vọng như ai? Phúc âm Luca hình như đã nắm bắt được cái nín thở ấy, khi tường thuật rằng: “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bỗng bao trùm khắp lãnh thổ cho đến tận giờ thứ chín, vì mặt trời đã ngưng không chiếu sáng nữa. Màn trong Đền Thờ bỗng bị xé ra làm hai” (Lc 23:44-45). Nhưng ta thấy vũ trụ rõ ràng thở nhẹ phào khi Người kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (câu 46) và tắt thở.

Sebastian Moore cho đó là một khổ nạn tự chọn, không theo nghĩa: vì Chúa Giêsu không có tội nên Người không phải chết, mà đúng hơn theo nghĩa: Chúa Giêsu tin tưởng chấp nhận “ngày tận số của con người”. Người tin tưởng rằng Thiên Chúa là Bố (Abba) của Người (và là Bố của chúng ta) và dù sự chết cũng không thay đổi được điều ấy. Nếu Thiên Chúa đời đời là Bố của chúng ta, thì đời đời Chúa Giêsu và tất cả chúng ta vẫn sẽ là con cái của Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu là con người nhân bản một cách trọn vẹn nhất từng sống xưa nay vì Người đã tin tưởng và yêu thương chấp nhận thực tại trọn vẹn của hữu thể nhân bản, gồm cả việc chấp nhận sự thật này: chết là cách duy nhất để là nhân bản một cách trọn vẹn. Trong quan điểm của Macmurray, Chúa Giêsu tin tưởng rằng Người luôn luôn là một bản vị dù kinh qua sự chết và Người luôn luôn ở trong mối liên hệ. Thực ra, chỉ qua sự chết, Người mới là một bản vị hơn nữa, ở trong mối liên hệ hơn nữa, một liên hệ sâu sắc và mạnh mẽ hơn, không những với Bố mà còn với mọi anh chị em của Người từng đi trước Người và sẽ đến sau Người.

Có lẽ giờ đây ta có thể hiểu tốt hơn ý nghĩa sâu sắc của những lời sau đây trong Phúc Âm Gioan: “Đã đến giờ để Con Người được tôn vinh. Ta nói thật với qúy ông, ngoại trừ hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hột đơn độc. Nhưng nếu chết đi, nó sẽ sản sinh ra nhiều hạt khác. Ai yêu sự sống mình sẽ mất nó, nhưng ai ghét sự sống mình ở đời này sẽ giữ được nó cho đời sau vĩnh cửu. Ai phụng sự Ta phải theo chân Ta; và Ta ở đâu, đầy tớ Ta cũng sẽ ở đó. Cha Ta sẽ vinh danh những ai phụng sự Ta. Bây giờ tâm hồn Ta bất an, Ta phải nói gì đây? ‘Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ phút này?’ Không, chính vì lý do này mà con đến vói giờ phút này. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha!” (Ga 12:23-28). Cách duy nhất để Chúa Giêsu sống, nghĩa là trở nên một bản vị trọn vẹn hơn, được tôn vinh, là chết. Và quả Người đã làm thế theo nghĩa hiện thực nhất. Người quả đã chọn cái chết.

Đối với các môn đệ của Người, chịu đóng đinh là vỡ tan mọi hy vọng của họ. Ta có thể nghe thấy giọng bi thảm trong lời hai môn đệ gặp người khách lạ trên đường Emmau: “ấy thế mà chúng tôi đã hy vọng rằng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24:21). Họ đã mất cái Anh từng mang ý nghĩa lại cho mọi cái Tôi. Người ra đi, họ còn là ai đây? Nhưng chính trong giây phút chán chường ấy, một điều gì đó đã xẩy ra khiến tâm hồn họ bừng cháy. Liệu có thế chăng? Bất cứ là thế nào, họ cũng không thể để người lạ mặt ấy rời khỏi tình đồng hành của họ và họ đã thuyết phục được người ấy ở lại và dùng bữa với họ. Họ cảm thấy tất cả những rung động cũ của sự sống, của ấm áp, thách đố và hy vọng, có thể thế không?, mà họ từng cảm nhận khi có Chúa Giêsu. “Khi ngồi vào bàn với họ, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và bắt đầu đưa cho họ. Mắt họ bỗng mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người khuất dạng khỏi họ” (Lc 24:30-31). Với cảm nghiệm ấy, họ lại có họ một lần nữa, như trước đây. Cái Anh từng làm họ ra khác đang sống và đang sống rất khỏe. Và tầm quan yếu sinh tử của những nhân chứng đầu hết này, đối với chúng ta, là họ chứng thực rằng họ đã cảm nhận cùng một Chúa Giêsu, Đấng họ đã cùng bước, cùng nói và cùng ăn với, cùng một Chúa Giêsu mà họ đã bỏ rơi và bác bỏ, cùng một Chúa Giêsu mà họ thấy đã chết một cách nhục nhã. Như thế, họ bảo đảm với ta rằng Chúa Giêsu mà ta cảm nghiệm trong lúc cầu nguyện, trong lúc đọc Phúc Âm, trong bí tích hòa giải, Thánh Thể, chính là Chúa Giêsu thành Nadarét, con Đức Maria.

Đó chính là trọng tâm của vấn đề trong tháng Mười Một này, bất kể nó ảm đạm, mưa phùn hay không. Tâm hồn ta đôi lúc quả có bừng cháy trong ta. Ta quả có cảm thấy sự hiện diện của Đấng mầu nhiệm mà ta gọi là Giêsu và ít nhất trong những khoảnh khắc ấy, với đức tin, đức cậy và đức mến, ta biết chết quả không có nọc độc. Trong những khoảnh khắc ấy, ta thấy Giáo Hội quả có lý khi cử hành Lễ Các Thánh vì ta biết không ai chết trong Chúa Kitô lại hóa ra không. Đúng hơn, ta biết “ta được vây quanh bởi hàng hà sa số các nhân chứng” (Dt 12:1) và ta còn có nhiều liên hệ hơn lòng mong ước nữa. Trong những khoảnh khắc ấy, ta cũng biết rằng Giáo Hội quả có lý khi cử hành Lễ Các Đẳng, vì ta có thể hy vọng rằng tất cả những người thân yêu của ta đều ở trong Chúa Kitô như Mẹ Maria và do đó trọn vẹn và hoàn toàn nằm trong mối liên hệ với ta và với mọi người khác.

Vì ta đã cảm nghiệm Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria, các thánh và các đẳng linh hồn, nên ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: “Như thế, ta nên nói gì để đáp lại điều ấy? Nếu Thiên Chúa ở với ta, ai có thể chống lại ta? Đấng đã không tiếc Con duy nhất của mình, nhưng đã ban Người Con ấy cho hết thẩy chúng ta, thì làm sao cùng với Người Con ấy, Người lại không rộng rãi ban cho ta mọi sự?... Vì tôi xác tín rằng cả sự chết lẫn sự sống, cả thiên thần lẫn ma qủy, cả hiện tại lẫn tương lai, cả bất cứ quyền lực nào, cả tầng cao lẫn vực thẳm, cả bất cứ điều gì khác trong sáng thế, không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vốn hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 8:31-39). Có lẽ trong những giờ phút như thế, ta còn có thể nói rằng sự chết không phải là tận số của con người, mà là ngày bừng nở của chúng ta. Vì chỉ có sự chết mới lấy mất khỏi ta các tấm che mắt từng không để ta nhìn rõ trọn vẹn thực tại của ta, nhìn rõ ta vốn hiệp thông với Cộng Đoàn vĩnh cửu gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm duy nhất mà ta gọi là Thiên Chúa.

Viết theo William A. Barry, S.J., The American Magazine, 28 tháng 11 năm 1987.

Vũ Văn An

NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

VietCatholic News (09 Nov 2009 09:19)

NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT NHÂN THÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Có lẽ chẳng ai thích nghe nói đến những chuyện xui xẻo, nhất là chuyện bệnh tật và chết chóc. Tuy nhiên, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận rằng con người bản chất vốn mỏng dòn và dù có niềm tin hay không thì đều phải chấp nhận cái thực tại Sinh-Tử như người ta thường nói: Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Chúng ta bước vào tháng 11, theo niềm tin Công giáo của chúng ta, đây là tháng giành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Xin mạo muội chia sẻ một vài cảm nghĩ nhân tháng Các Đẳng Linh Hồn.

Trong những ngày Tu Nghị Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Paraguay vừa qua để chuẩn bị bầu bán Bề trên và các vị cố vấn Tỉnh Dòng nhiệm kỳ mới, một anh em linh mục người Paraguay tướng tá rất mập tròn khoẻ mạnh tự nhiên cảm thấy hơi choáng váng nên báo với các anh em xin chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Khi đến bệnh viện thì người anh em linh mục này đã bị dựt méo miệng, mất cảm giác hoàn toàn và trong trạng thái hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán do cao huyết áp và bị stroke nên mới dẫn đến tình trạng này. Cũng may là đến bệnh viện kịp thời và được sự can thiệp của y khoa nên người anh em này đã được điều trị tốt dù đến giờ vẫn chưa nói được lời nào.

Tôi muốn đưa ra một dẫn chứng cụ thế như thế để nói rằng Sinh-Lão-Bệnh-Tử là chuyện khó ai có thể đoán trước được. Có thể hôm nay chúng ta rất khoẻ mạnh nhưng chẳng biết ngày hôm sau chúng ta sẽ thế nào dù chúng ta có những dự định rất tốt đẹp cho tương lai. Nói dại như thế nhưng cũng là để cảnh báo cho những ai luôn tự hào cho rằng mình có thuốc cãi lão hoàn sinh, có bảo hiểm y tế tối tân, có một tài sản kết sù thì không sợ gì cái chết. Hãy nhìn cái gương trước mắt về ông vua nhạc Pop nổi tiếng thế giới Michael Jackson với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, với tài sản kếch sù mà có mua được sự sống không? Ông ta đã đem được gì vào chiếc quan tài nhỏ bé của ông?

Tôi đã từng chứng kiến những cái chết oan uổng và bất ngờ của những anh em trong Dòng khi tôi còn ở Việt Nam và tại Paraguay này. Tôi cũng từng cử hành nhiều lễ an táng và làm phép xác cho đủ hạng người ở vùng đất truyền giáo này. Tựu trung một điều, đứng trước cái chết, con người đành bất lực, chỉ biết khóc, và… khóc. Nếu những người còn sống, những người thân và bè bạn có làm được gì cho người quá cố cũng chỉ biết tham dự lễ tiễn biệt, thắp lên những nén hương, dâng lên những lời cầu nguyện và hàng năm vào những ngày giỗ kỵ thì xin một thánh lễ cầu cho người đã khuất. Thế thôi!

Những người không có niềm tin thì cho rằng chết là hết. Còn đối với những người Công giáo chúng ta, thì chết chưa phải là hết nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới như thánh Phaolô Tông Đồ đã nói. Bởi thế, tháng 11 là tháng giành riêng để cầu nguyện cho ngững người đã khuất, trong đó có những người thân yêu của chúng ta.

Khi còn học phổ thông trung học, tôi được học lớp chuyên và trong lớp tôi chỉ có tôi và một bạn học nữ (giờ đã kết hôn với một doanh nhân bên Phật) là người Công giáo. Mặc dù giữa chúng tôi không có những cuộc tranh luận gay gắt về tôn giáo nhưng cũng có những tranh cãi nho nhỏ về một số nghi thức kính nhớ tổ tiên. Những bạn học của tôi cho rằng người Công giáo quên mất cội nguồn và không biết kính nhớ những người đã khuất. Người bạn nữ Công giáo của tôi thì không bao giờ biểu lộ hay có phản ứng về những tranh luận về tôn giáo nên tôi phải đơn thương độc mã khẩu chiến với họ. Dĩ nhiên chẳng có bên nào thắng cuộc cả vì bên nào cũng có cái lý. Vì cũng chính nhờ những cuộc tranh luận thời học sinh ấy mà tôi cảm thấy “khôn ra” và quyết “nuôi hận” để trở thành một vị linh mục để sau này có dịp “rửa hận” với chúng bạn. Thế là là đã bước vào Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời và giờ đây dẫu không còn có thời gian và cơ hội để tranh luận với chúng bạn về đề tài tôn giáo và kính nhớ tổ tiến nhưng tôi được sống bên những người nghèo ở vùng truyền giáo để nói với họ về Chúa, về Các Thánh và về Các Linh Hồn. Chính nhờ được sống với những người dân chất phát ở đây mà mình có cơ hội được rong ruổi và chia sẻ những buồn vui trong sứ vụ truyền giáo và những ngày vừa qua tôi được dịp nói với họ về những người đã khuất.

Trở lại câu chuyện về Tháng Các Đẳng Linh Hồn. Tôi thường nghe người người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận. Một chị Việt Nam sống ở Paraguay gần 35 năm có một lần tâm sự với tôi rằng chị muốn về Việt Nam và được chết ở đó ấm cúng hơn, chứ ở bên này họ coi cái chết nhẹ quá. Ở đây nếu một người chết thì sau 24 giờ phải đem chôn giống như con gà, con vịt rồi thôi. Nếu may có linh mục gần đó thì ngài tới làm nghi thức an táng vì ở đây họ không có thói quen xin cử hành lễ an táng, chỉ có những nhân vật quan trọng hay những người cộng tác viên của giáo xứ hay giáo điểm truyền giáo thì họ mới yêu cầu thánh lễ an táng. Tôi có nói đùa với chị rằng nếu làm đám tang lớn với biết bao người tham dự và ăn uống linh đình, rồi nợ một đống tiền so với đám tang nhỏ chỉ có lèo tèo vài người thì người chết có biết gì đâu! Chị ta cười và nói với tôi rằng chị thấy đám tang ở Việt Nam ấm cúng hơn, và cái chết của một người dù có nghèo mạt rệp vẫn đầy đủ kèn trống và được chôn cất tử tế. Điều này thì chị có lý. Tôi đã chứng kiến nhiều đám tang ở đây mà thấy mủi lòng cho thân phận làm người. Hai vị linh mục truyền giáo cùng Dòng với tôi qua đời đột ngột vào năm 2007 và 2008 mà đám tang trông thật giản dị cứ y như là đám tang của một em bé mới sinh vậy. Cũng một kiếp người mà ở nơi này khác, ở nơi kia lại khác nhau. Biết làm sao được vì đó là nét văn hoá riêng của mỗi vùng, mỗi dân tộc.

Sáng thứ Hai ngày 2 tháng 11 vừa qua là ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn, tôi cùng những người dân chất phát hiệp dâng thánh lễ tại Nghĩa Trang để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Người ta nói với tôi đây là lần đầu tiên họ tham dự thánh lễ ngoài nghĩa trang kể từ ngày tôi chuyển về đây vì trước đây các linh mục khác không bao giờ cửa hành như thế. Dù là buổi sáng thứ Hai với biết bao công việc đầu tuần và trời nóng oi bức với nhiệt độ 44 độ C, người ta cũng đã kéo đến nghĩa trang rất đông từ nhiều nơi khác nhau. Phóng viên truyền hình của thành phố cũng đến để phỏng vấn tôi và hỏi tôi về ý nghĩa của ngày cầu nguyện cho các linh hồn. Họ cũng hỏi tôi về cách thực hành đạo của người Công giáo Việt Nam nói riêng và của một số nước Á châu nói chung thế nào. Mặc dù không được chuẩn bị trước các câu hỏi nhưng tôi cũng cố gắng trả lời gói gọn trong 10 phút đồng hồ để họ hiểu biết thêm về ý nghĩa của tháng 11, tháng giành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn. Ông Tỉnh trưởng sau khi họp bàn giao đầu tuần cũng vội vã đến tham dự thánh lễ và chính ông là người mang theo chiếc đàn ghi-ta để đệm các bài hát trong thánh lễ. Trong bài giảng lễ, tôi chia sẻ và nhắc nhở họ đến thân phận mỏng giòn của kiếp làm người và cố gắng thực thi các giới răn của Chúa vì “lời lãi được cả thế gian mà mất mạng sống thì có ích gì” (Xc. Mc 8,36). Những người dân chân quê thật thà chất phát đã khóc nhiều khi tôi gợi lại cho họ những điều đẹp đẽ mà những người thân của họ khi còn sống đã làm cho họ. Tôi cũng chia sẻ cho họ về giới răn thứ 4 là Thảo Kính Cha Mẹ không chỉ là khi còn sống mà khi cha mẹ và những người thân yêu đã qua đời thì chúng ta cũng phải tiếp tục thực thi bổn phận đó qua việc tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn, viếng mộ và làm vệ sinh các phần mộ của những người đã khuất bởi vì các linh hồn không còn khả năng cầu nguyện sau khi họ đã lìa cõi đời. Sau thánh lễ, các bà goá chạy lại nói với tôi những lời nửa Guarani, nửa Tây Ban Nha “Pa’i, nde homilía iporã” (Cha ơi, bài giảng của cha hay quá!). Mấy bà goá thường tốt lành như vậy và cũng chính nhờ mấy bà goá mà cuộc sống của những linh mục được khích lệ thêm.

Nhiều người nói dân Nam Mỹ nói chung và dân Paraguay nói riêng chỉ giữ đạo qua các bí tích, nghĩa là đa số chỉ tham dự thánh lễ 3 lần trong đời là Rửa Tội, Rước Chúa Lần Đầu và Thêm Sức. Điều đó cũng đúng một phần vì trong những dịp lễ này người ta tham dự rất đông và sốt sắng; nhưng có lẽ vì ở đây thiếu nhân sự là các linh mục và tu sĩ nam nữ, thiếu sự hướng dẫn và huấn luyện đời sống tâm linh nên người ta không hiểu biết những điều họ làm. Thánh Kinh đã nói là nếu không biết mà làm thì không có tội. Quan sát những người dân những người dân chất phát ngây thơ ngồi bên bia mộ để than khóc người quá cố làm tôi chợt nhớ đến những người thân đã qua đời của tôi bên quê nhà và bỗng dưng những dòng lệ từ hai khoé mắt lại rơi xuống. Tôi vội lấy áo Alba lau nước mắt và thầm thĩ dâng lời cầu nguyện: Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ cho Các Đẳng Linh Hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Paraguay, ngày 9 tháng 11 năm 2009 – Tháng Các Đẳng Linh Hồn

Lm. Trần Xuân Sang, SVD.

Ý NGHĨA CỦA THÁNG CÁC LINH HỒN

VietCatholic News (22 Nov 2009 12:30)

Tháng mười một vẫn được dành riêng cho các linh hồn. Người Công Giáo nói chung rất quan tâm đến những ai đã ra đi, mong rằng người thân quá cố của mình được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa tình yêu. Đây là một ước muốn rất đẹp, rất tình người.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, ví dụ như xin Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức,… để “an ủi” những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Chúa. Có một vài điều cần được lưu ý khi thực hiện những việc bác ái này.

Thứ nhất, việc xin Lễ không phải để “mua phần rỗi” cho những người đã qua đời. Thiên Chúa không cần tiền của con người. Vả lại, hãy nghe Chúa Giêsu “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin người sao?” (Mt 7:11). Tấm lòng của Thiên Chúa bao la đến nỗi không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được, làm sao lại có thể chịu thua tấm lòng của con người?! Những đóng góp vẫn được gọi là “xin Lễ” là một chia sẻ thiết thực để các Thừa tác viên trong Hội Thánh có phương tiện để mục vụ. Đó là một nghĩa cử rất đẹp, rất tình người vì nó diễn tả tình liên đới trong cộng đoàn con cái Chúa và cộng đồng nhân loại.

Thứ hai, “Luyện Ngục”, như cách dịch chữ purgatorium hay purgatories từ Tiếng La Tinh, không phải để chỉ một tình trạng đau khổ bị hành hạ đau đớn như có nhiều người vẫn tưởng. “Luyện Ngục” không phải là một nơi chốn của đau khổ, mà là một tình trạng chưa trọn vẹn kết hợp trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Những người trong tình trạng này đã hưởng vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa rồi, nhưng một cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn vì một lý do bất toàn nào đó (ví dụ như: những việc làm tiêu cực của họ khi còn sống trên trần gian này đang để lại hay gây ra những hậu quả tiêu cực cho anh chị em). Họ sống trong vui mừng vì biết chắc chắn rằng họ sẽ kết hợp với Chúa trọn vẹn một lúc nào đó.

Thứ ba, về vấn đề “Hoả Ngục”, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ khẳng định có một ai cụ thể đang ở trong Hoả ngục. Giáo Hội luôn cảnh giác và thúc giục con cái mình sống trong tinh thần tỉnh thức để lúc nào Chúa đến thì hân hoan chào đón Người để Người đem mình vào hạnh phúc viên mãn. Như vậy, luôn luôn có chỗ cho hy vọng, ngay cả đối với tội nhân xấu xa nhất. Và như thế, không ai có quyền lên án và kết luận về vận mệnh của người khác. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nói một cách rất rõ ràng nơi Đức Giêsu: “Ai trong các ngươi không có tội thì hãy giơ tay ném đá trước đi.” (Ga 8:7)

Cuối cùng, những ai quan tâm đến “luyện ngục” sẽ thắc mắc không biết ý nghĩa của Tháng Các Linh Hồn là gì. Những việc mình đang làm như xin Lễ, cầu nguyện, làm việc bái ái,… sẽ có lợi gì cho những người đã qua đời? Câu trả lời rất đơn giản nếu tất cả các việc trên được đặt trong chiều kích hiệp thông và nhập thể. Tất cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa hiệp thông sâu xa trong Người. Đây chính là ý nghĩa rất đẹp, rất tuyệt vời của mối dây liên kết nhân loại mà Giáo hội vẫn gọi là “mầu nhiệm Các Thánh thông công”. Tất cả mọi người được nối kết và chia sẻ với nhau trong chính sự sống của Thiên Chúa nơi cuộc đời của mình và của anh chị em mình. Cho nên khi người này làm một việc tốt, đóng góp một hy sinh, tất cả mọi người trong cộng đồng hiệp thông ấy đều được chia sẻ. Chính Thiên Chúa đã đích thân khẳng định điều ấy qua Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm [điều tốt] cho một trong những anh chị em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.”(Mt 25:40) Ngược lại, khi một ai đó trong cộng đồng hiệp thông ấy làm một việc gây tổn thương đến người khác, mọi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Cho nên, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ khôi phục lại những gì họ đã làm tổn thương, và giúp họ làm những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, nỗi trăn trở họ vẫn còn đang mang vác. Làm như thế ta sẽ giúp họ đi vào hạnh phúc với bình an trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng đã dùng phương thế nhập thể để dạy con người về ý nghĩa của hiệp thông.

Lm Giuse Tuấn Việt, O.Carm

44-LUYỆN NGỤC: NƠI CHÚNG TA SẼ ĐẾN

Cách đây khoảng vài năm một đứa con dâu của tôi có gửi cho tôi một dĩa CD lần hạt Mân Côi để tôi nghe khi ở trên xe, vừa để cho đỡ buồn lại vừa thông công với những lời kinh đọc trong dĩa.

Trong CD này hai giọng một nam và một nữ lần hạt hai trăm kinh Kính mừng, suy gẫm về các sự Sáng, vui,Thương, Mừng. Trong câu than Fatima đọc sau mỗi chục kinh họ đổi mấy chữ “lửa hỏa ngục” bằng “lửa luyện ngục”. Họ đọc “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa luyện ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Dĩa CD này tôi chỉ nghe một lần rồi bỏ vì thấy việc sửa đổi lời kinh như vậy là không hợp lý.

Người công giáo nào cũng được giảng dạy để biết rằng linh hồn sau khi lìa khỏi xác sẽ đến một trong ba nơi: thiên đàng, hỏa ngục hay là vào lửa luyên tội. Khi xin cho khỏi vào luyện ngục thì chỉ còn hai nơi là thiên đàng và hỏa ngục. Chẳng lẽ lại muốn xuống hỏa ngục? Còn nếu xin cho được lên thẳng thiên đàng thì qủa là “không biết  lượng sức mình”, một đòi hỏi không phải là quá đáng hay sao?

Thiết nghĩ ngoại trừ trường hợp  Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được Chúa cho lên thiên đàng cả hồn lẫn xác hay là những trường hợp đặc biệt được Chúa ân thưởng cho lên thẳng thiên đàng như trường hợp của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên núi Sọ hay là những trường hợp khác được Chúa thưởng công đặc biệt . Còn loài người cho dù có được coi là thánh thiện đến đâu thì so với sự tốt lành và toàn thiện của Thiên Chúa cũng chỉ là con số không. Làm sao mà xứng đáng đến gần Chúa, làm sao mà dám diện kiến với Thiên Chúa khi chưa được thanh tẩy cho tinh tuyền?

Được vào luyện ngục đã là may phước lắm rồi. Là vì những linh hồn ở luyện ngục biết rõ được một điều là họ chắc chắn sẽ được cứu rỗi. Những linh hồn này chỉ phải ở luyện ngục cho đến một ngày nào đó sau khi thanh luyện để trở nên tinh tuyền thì Chúa sẽ cho lên thiên đàng.

Những ai đã trải qua thủ tục phỏng vấn để được xuất ngoại sẽ dễ dàng hiểu được tâm trạng của những linh hồn ở luyện ngục. Sau giai đoạn phỏng vấn và được chấp thuận thì việc xuất ngoại chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy có những người phải chờ đợi nhưng là sự chờ đợi trong hy vọng cho nên tất cả những người sửa soạn để xuất ngoại đều vui tươi hớn hở chờ ngày lên đường chứ không ai buồn rầu chán nản.

Đã có không ít những điều đọc được trong sách vở hoặc nghe được qua những lời giảng dạy có thể soi sáng phần nào để hiểu về vấn đề luyện ngục. Theo những ý kiến này thì các linh hồn ở luyện ngục tuy là phải chịu một hình phạt nhưng là loại “hình phạt tự nguyện”. Giống như một người được mời dự tiệc chẳng hạn. Tuy chẳng có ai bắt buộc nhưng bất cứ người nào trước khi đến bàn tiệc cũng muốn có thời gian tắm gọi cho sạch sẽ, cạo râu, chải tóc cho gọn gang và ăn mặc chỉnh tề thì mới thấy yên tâm đi dự tiệc. Cũng vậy các linh hồn ở luyện ngục tuy tội lỗi đã được tha nhưng vẫn còn tì vết và tự cảm thấy mình nhơ nhớp không xứng đáng đến trước mặt Chúa. Vì vậy tuy là phải chịu hình phạt cũng đau đớn lắm nhưng các linh hồn cũng mong muốn được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền hầu xứng đáng được về với Chúa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Tuy là một hình phạt tự nguyện và các linh hồn chịu hình phạt không kêu ca trách móc Thiên Chúa nhưng chắc chắn cũng mong muốn rút ngắn thời gian ở luyện ngục để sớm được về thiên đàng diện kiến nhan Thánh Chúa. Chính lòng khát khao được về cùng Chúa mà chưa được về là hình phạt ghê gớm đối với các linh hồn ở luyện ngục. Lấy thí dụ khi ta từ xa đang trên đường trở về nhà thì lòng nôn nao, nóng ruột chỉ mong mau đến nơi để được gặp mặt người thân.

***

Đã là con người thì ai cũng phải chết và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Biết vậy nhưng ai cũng sợ chết. Người ta sợ đến nỗi không dám nói đến chữ “chết” mà thường nói tránh đi, gọi người chết là người qúa cố, qua đời … Trong các cáo phó hay phân ưu người Công giáo khi nói về người chết thường gọi là về nhà Cha trên Trời, được Chúa gọi ra khỏi thế gian…

Giáo lý Công giáo nói rõ chết không phải là hết mà là bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu. Người Công giáo nào cũng được dạy và biết như vậy nhưng cũng vẫn sợ chết. Những người gìa cả, bệnh tật sợ chết chắc chắn không phải vì luyến tiếc cuộc sống trần thế nhưng chỉ vì không biết cuộc sống đời sau sẽ ra sao. Lỡ mà phải đẩy xuống hỏa ngục thì khốn nạn. Phải xuống hỏa ngục đời đời trầm luân qủa là điều khủng khiếp ai mà không run sợ. Tuy nhiên có cần phải qúa lo lắng, sợ hãi phải xuống hỏa ngục hay không?

Theo Kinh thánh thì chỉ có tội phạm đến Chúa Thánh Thần tức là tội khước từ Thiên Chúa là tội không được tha. Tội mà không được tha thì còn con đường xuống hỏa ngục. Những người tin theo Chúa thì không có chuyện khước từ Thiên Chúa cho nên sẽ không mắc vào tội không được tha và như thế có thể yên trí tránh được hỏa ngục vì tội này. Những tội khác nếu người phạm tội biết thực tâm thống hối xin Chúa thứ tha thì Thiên Chúa với lòng từ bi và nhân hậu Ngài sẽ không chấp tội. Như vậy những ai thực tâm theo Chúa, tuân giữ giới răn của Chúa, thực hành lời Chúa dạy, biết mở lòng ra vì bác ái, yêu thương, giúp đỡ kẻ hoạn nạn, bênh vực người cô thế …thì không đến nõi phải sa hỏa ngục. Mà đã không phải xuống hỏa ngục thì chỉ có con đường vào luyện ngục để thanh tẩy cho tinh tuyền trước khi được về thiên đàng hưởng phước với Chúa. Như vậy có thể nói luyện ngục là nơi đến của hầu hết những người tin và thực hành lời Chúa.

Thời gian ở luyện ngục tuy là thời gian thanh luyện cho đưọc tinh tuyền nhưng chắc chắn linh hồn nào cũng mong sớm rời khỏi luyện ngục. Nhưng thật đáng tiếc là họ không còn có thể làm được gì để tự giúp mình mà phải nhờ vào những thành phần khác. Theo tín điều “Các Thánh thông công” thì Hội Thánh Chúa gồm có ba thành phần hiệp thông với nhau rất chặt chẽ. Đó là thành phần khải hoàn tức là các Thánh ở trên trời, thành phần đau khổ tức là các linh hồn trong luyện ngục và thành phần còn đang chiến đấu tức là các tín hữu còn tại thế.

Các thánh ở trên Trời có thể cầu thay nguyện giúp các tín hữu còn tại thế và cho những linh hồn trong luyện ngục. Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cho nhau và cầu cho các linh hồn trong luyện ngục. Nhưng chính các linh hồn trong luyện ngục thì không thể cầu nguyện cho mình để rút bớt thời gian phải xa cách Chúa. Họ chỉ còn trông chờ vào sự trợ giúp của các Thánh ở trên trời và vào chúng ta, những người còn đang sống.

Giáo hội dành riêng tháng 11 để tín hữu nhớ đến người đã khuất mà cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy nhớ đến trước hết là ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, những ân nhân và bạn hữu của chúng ta. Có thể họ đang ở trong luyện ngục và đang trông chờ vào sự trợ giúp của chúng ta. Theo giáo lý Công giáo thì chúng ta có thể giúp đỡ họ bắng cách nhường lại cho họ những ơn Toàn xá đã được lãnh nhận, bằng lời cầu nguyện, bằng những việc hy sinh, hãm mình, ăn chay, tham dự thánh lễ và nhất là xin lễ cho họ.

Đừng bỏ rơi các linh hồn trong luyện ngục. Nay người mai ta. Một ngày nào đó chính chúng ta cũng sẽ như họ và cần đến sự cầu nguyện từ các thành phần khác. Khi đó nếu như họ đang được ở trên thiên đàng thì chắc chắn họ sẽ trả ơn cho chúng ta bằng lời cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa.

44-LUYỆN NGỤC: NƠI CHÚNG TA SẼ ĐẾN

Có một tâm tình cảm tạ của một bạn trẻ gửi người Mẹ của mình… còn sống! Nhưng nếu không còn Mẹ, thì việc “tưởng nhớ” đến Mẹ vẫn làm cho Mẹ như còn đang sống ngay bên. Hơn nữa, niềm tin Kitô giáo dạy rằng: sự sống thay đổi chứ không mất đi. Chết là chuyển trạng thái sống. Chết là sống theo một cách khác. Và thế là ta vẫn luôn “còn Mẹ” khi tưởng nhớ đến Mẹ của ta!

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để mỗi sớm mai thức dậy, con còn thấy khói ấm trong nhà, cơm thơm trên bếp. Con ngồi vào bàn ăn, cùng Mẹ cảm nhận một ngày mới đang đến, cảm nhận tia nắng ban mai đang chiếu sáng ấm áp ngoài khung cửa sổ nhà mình.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để mỗi buổi tan học về, con được nhìn dáng Mẹ chờ con trên bậc cửa, con còn được Mẹ đợi chờ bên mâm cơm còn úp lồng bàn. Đã bao lần con nhắc Mẹ cứ ăn cơm trước đi nếu như con có đi học thêm ca ba mà về muộn. Song Mẹ không bao giờ ăn cơm trước. Mẹ đợi con về. Mẹ xới cho con từng bát cơm, gắp cho con từng cọng rau, miếng thịt. Mắt Mẹ nhìn con ăn thăm thẳm yêu thương.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để con biết sợ mỗi khi làm điều gì sai quấy. Con không dám nói dối vì con sợ Mẹ mất lòng tin nơi con. Con không nói được một câu hỗn hào vì con sợ trái tim Mẹ sẽ buồn mà tan thành nước. Con không dám đi chơi về muộn vì con sợ Mẹ sốt ruột lắng lo. Con không dám gục ngã vì sợ Mẹ nghĩ rằng con của Mẹ yếu mềm.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để con biết mình phải cố gắng vươn lên. Con nhớ cái lần con nhận được giấy báo vào đại học. Mắt Mẹ đã long lanh vì quá mừng vui. Nhìn vào ánh mắt ấy, con đã tự nhủ: Mẹ ơi dù phải phấn đấu đến đâu chăng nữa, chỉ cần thấy ánh mắt Mẹ vui thế kia thì con sẽ không bao giờ ngần ngại. Con nhớ Mẹ đã từng nói: đời Mẹ học hành chưa được bằng người, con phải cố học để hơn Mẹ nhé. Vâng bây giờ con đang học vì lẽ đó, Mẹ ạ.

Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:

Để khi nào mỏi mệt, thấy trái tim mình trống rỗng và chán nản thì con vẫn có nơi để tìm về. Những năm tháng con đi học xa nhà, con đã hiểu thấu thế nào là nỗi cô đơn của một đứa con không được ở bên những người mà nó thương yêu nhất. Có nhiều lúc con cũng thấy bàn chân mình không muốn bước, thấy bao nhiêu quyết tâm của mình đi đâu mất cả. Chỉ cần trở về bên Mẹ, ăn uống cơm nhà, ngủ một giấc thật sâu trong căn phòng của Mẹ là tất cả những lo âu trong con lắng lại. Con thấy mình bình yên !

Quả thực, trái tim của mẹ là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng cho con người. Thế nhưng, cuộc đời luôn hợp rồi tan. Kiếp người luôn đong đầy nước mắt của chia ly. Cho dù mẹ có yêu ta đi mấy chăng nữa, cũng sẽ có ngày mẹ bỏ lại chúng ta để đi tìm một cõi riêng. Sẽ có ngày chúng ta sẽ không còn vui sướng khi gọi hai tiếng mẹ ơi, mà là tiếng nấc nghẹn từng lời hai tiếng mẹ ơi mà thưa rằng:

'Gió đưa cây cải về trời ...'

Rau răm theo bước con thời một thân!

từ nay nẻo đường trần con bước

chỉ một mình sau trước quạnh hiu!

Mẹ ơi, con nhớ Mẹ nhiều ..

Các môn đệ CGS cũng từng nuốt vội những giọt nước mắt trước cái chết tức tưởi của Thầy. Lòng họ cũng từng hoang mang. Họ đã từng mang nặng tâm trạng thất vọng buông xuôi trước biền cố chia ly. Nhưng nỗi buồn đã biến thành niềm vui, khi mà Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra với các ông. Chân trời mới của niềm hy vọng đã bừng sáng. Cái chết của Chúa không còn là nỗi buồn mà là niềm vui cho cả kiếp người. Con người sinh ra không phải để chết mà là để sống đời đời. Chúa phục sinh là câu trả lời cho kiếp người chúng ta, sinh ra để làm gì, chết rồi đi đâu?

Hôm nay, chúng ta đang đứng bên ngôi mộ những người rất thân yêu của chúng ta. Họ đã về với Chúa, với họ là niềm vui, vì được chuyển đổi từ sự sống tạm trần gian qua sự sống vĩnh cửu quê trời, được chuyển đổi nơi trần đời bi ai đầy nước mắt để tiến vào thiên đàng vĩnh phúc. Với chúng ta là nỗi buồn vì mất đi sự chia sẻ tình yêu thật ngọt ngào nồng ấm mà họ đã dành cho chúng ta.

Tháng 11 là tháng để cầu nguyện cho những người đã chết trong thân xác bụi trần và đang cần được thanh luyện để được vào thiên đang vĩnh phúc, vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa. Vì thế, trong đạo hiếu Việt Nam luôn mời gọi con cái hãy biết đền ơn đáp nghĩa mẹ cha qua những thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các tiền nhân. Nhớ đến công lao cha mẹ không chỉ bằng những giọt nước mắt nuối tiếc mà cần phải tỏ lòng hiếu thảo qua lời kinh cầu hằng đêm và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm cho cha mẹ mới là tấm lòng hiếu thảo mà những tổ tiên đang cần nơi con cháu chúng ta.

Với tâm tình đó, chúng ta hãy sốt sắng dâng thánh lễ để cầu cho ông bà cha mẹ và những người thân hữu đã qua đời với  lòng tín thác nơi tình thương quan phòng của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

46- MÙA TÌNH YÊU HIỆP THÔNG

Nữ tu Mai Bảo Linh

       Tháng 11, nổi bật lên tâm tình của toàn thể Giáo Hội nhớ đến bậc tổ tiên, những người thân yêu đã khuất bóng trên cõi đời nầy...

       Ngày 01.11, Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, Các Ngài đã được vinh hiển nhờ Tình thương của Chúa nhân lành, cho các Ngài được chia sẻ hạnh phúc viên mãn của Chúa. Giờ đây trên trời các Ngài chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa đồng thời các Ngài cũng đang cầu bàu cho chúng ta và đang chờ đợi chúng ta..... Các Ngài là Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội vinh thắng sau cuộc chiến ở trần gian .

      Ngày 02.11. lễ cầu cho các Linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện ngục, toàn thể Giáo Hội dâng thánh lễ, lời cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn đã qua đời, đó là tổ tiên ong bà cha mẹ mà hôm nay chúng ta đang thương nhớ tưởng niệm, hiệp thông, để cầu nguyện trong lòng tin thể hiện niềm thảo kính ấy, vì cầu nguyên cho những người đã qua đời được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...

      Công Đồng Vatican II trong Hiễn chế Vui Mừng và Hy vọng  viết:

       "Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại, và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết...Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những người anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự trong Thiên Chúa"(HC về GH số 18b).

      Về điều nầy thì chính Thánh Phaolô Tông đồ đã mang cho chúng ta sứ điệp của niềm hy vọng khi Ngài viết cho tín hữu Thesalônica: "Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghĩ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô... và những người đã chết trong Đức Kito sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi" (1Thes. 4, 14-16).

      Việc tưởng nhớ người thân yêu đã qua đời  cũng chuẩn bị cho chúng ta nhớ đến quê trời và cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa: Đấng Hằng Sống và Đấng ban Sự sống cho chúng ta, dù chúng ta chết hay đang sống, vẫn luôn hiện diện trong Chúa và trước thánh nhan Người...  Người là Chúa kẻ sống và cũng là Chúa của những kẻ đã qua đời, nên chúng ta hãy sống xứng đáng với Ngài và sống tốt đẹp với nhau.

      Chúng ta hãy nghĩ xem, những người đã ra đi đang muốn gởi cho chúng ta sứ điệp nào khi chúng ta dâng lễ, cầu nguyện, thắp hương tưởng niệm khi đứng trước mộ phần người thân, hay đi viếng nghĩa địa, đặc biệt trong mùa báo hiếu nầy? 

      Phải chăng chúng ta đang đứng trước một huyền nhiệm rất sâu thẳm mà cũng rất hiện thực, sự sống và sự chết không có ranh giới! Cái chết là cánh cửa mở ra cho chúng ta vào cuộc sống mới, sự sống chân thật, sự sống vĩnh cữu... Sự sống mà sau khi chúng ta thoát khỏi ngôi nhà thân xác bụi đất nầy thì chỉ có nơi Thiên Chúa, Thiên Chúa Hằng Sống, mà Thiên Chúa là Tình yêu, tình yêu làm cho con người  trở nên bất tử và vĩnh cữu, cả đời nầy lẫn đời sau; đời nầy con người sống trong tình yêu: tha thứ, khoan dung, nhân hậu, tốt lành... thì đời sau, khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, con người cũng sẽ ở trong tình yêu sung mãn, trong cung lòng của Đấng mệnh danh là TÌNH YÊU; nên cái chết cũng không làm cho con người  quá sợ sệt, khiếp hãi, vì "trong tình yêu không có sợ hãi ", con người đã sống trong tình yêu, trong tương quan mật thiết với chính Đấng Yêu Thương,  và vì Tình yêu, Thiên Chúa đã ban CON MỘT NGƯỜI là ĐỨC KITÔ GIÊSU xuống thế, chết và sống lại, để đem con người vào Vương Quốc Tình Yêu với Thiên Chúa. Nên sứ điệp mà chúng ta phải lắng nghe và đón nhận, đó là SỨ ĐIỆP TÌNH YÊU.

      Thật là hữu ích cho chúng ta, khi chúng ta đang sắp đi vào tuần cuối của năm phụng vụ A, và cũng là những ngày trong tháng các linh hồn, chúng ta sẽ nghe lại đoạn Tin Mừng về ngày chung thẩm, Thiên Chúa, Đấng xét xử chúng ta theo thái độ việc chúng ta làm đối với tha nhân trong cuộc sống đời thường, chính Chúa đồng hoá mình vào những người anh chị em hèn mọn, bất hạnh và thua thiệt "vì mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". (Mt 25,40). Vâng, Sứ điệp Tình Yêu là sợi giây xuyên suốt trong tâm tư, hành dộng của đời kitô hữu, hướng dẫn, đồng hành với chúng ta ở cuộc trần nầy và theo ta về bên thế giới hằng sống.

      Vậy để đáp trả lại ân sâu nghĩa nặng, cũng như tình yêu mến đối với các bậc tiền bối, Thánh lễ, kinh nguyện và hy sinh, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với những di sản và công đức các vị đã để lại; cùng nhau xây dựng đời sống thánh hảo hơn, tài bồi sản nghiệp đức tin công giáo của tình yêu gia tộc ngày thêm vững mạnh, thắm thiết, tình yêu tha nhân ngày thêm mặn mà, đem cho nhau niềm hy vọng và tin yêu  vào cuộc sống hơn! 

      Có như vậy, nén hương chúng ta thắp lên trong Mùa Hiệp Thông Yêu Thương  nầy sẽ có ý nghĩa thắm thiết và lòng thành kính  đối với những người đã ra đi và những người đang tiếp nối trên bước đương trần gian. Các linh hồn được thanh luyện để về Quê Vĩnh Hằng trước chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta... trong niềm hiệp thông gắn bó yêu thương, củng cố cho chúng ta là giáo hội đang lữ hành được kiên vững trong đức tin mà nổ lực sống thánh thiện, rồi mai ngày chúng ta cũng sẽ được gặp các đấng...

      Cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất  là chúng ta đang làm trọn  ĐẠO HIẾU mà các ngài  đang mong muốn, khát khao, chờ đợi... để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng  các thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thương yêu mà ca tụng  lòng từ bi lân tuất Chúa  muôn đời.

      Lời kinh hay nhất, quý trọng nhất, HIỆP THÔNG nhất là lời kinh nguyện Thánh Thể III, Hội Thánh giao chiến ở trần gian, NHỜ - VỚI - TRONG  hy lễ Đức Giêsu, sốt sắng "Nguyện xin của lễ hoà giải nầy đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới. Xin ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin, đức mến, cùng với ĐTC, các ĐGM chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục và giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa, xin thương nhận lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Chúa nhân từ xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để  cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời..."

Hỏi còn Lời kinh nào  ĐẸP hơn, HIỆP THÔNG hơn! trọn vẹn Tình Yêu hơn! trong Đại Gia Đình Hội Thánh.   - Xin muôn ngàn lần tạ ơn Chúa. Amen

47- ĐỜI NGƯỜI CHIẾC LÁ

Những ngày cuối tháng 10, Đất Thánh các Giáo xứ đông người đi tảo mộ. Bên người thân yêu đang an nghĩ, con cháu, thân nhân thành kính đốt nến, thắp nhang cầu nguyện.

Mỗi chiều, tôi ra Đất Thánh của Giáo xứ cùng mọi người dọn dẹp cỏ rác, phát quang bụi rậm, sữa sang lễ đài, chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng linh hồn.

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp Nghĩa Trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.

Lá thu rơi xào xạc.

Con nai vàng ngơ ngác.

Đạp trên lá vàng khô.

(Tiếng thu)

Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió chiều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng. Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay”. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngã trên mặt đất. Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng thanh thản.  “Lá rụng về cội”. Lá rơi bên gốc cây. Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây. Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây. Đời lá ngắn ngũi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2). Mỗi loài thụ tạo đều có thời hạn của nó. Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi. Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc.Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai. Sức khoẻ, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai. Nó đến bất ngờ làm ta bang hoàng. Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng. Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày…tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi? Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16). Dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết. Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết. Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.

Đời người ngắn ngủi như chiếc lá như lời Thánh Vịnh:

Đời con là một kiếp phù du,

Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.

Sống làm người ai không phải chết,

Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty ?

(Tv 88,48-49)

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa. Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ. Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì. Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi. Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được. Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì. 

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền. Như ai đó đã từng nói:“Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

48- CHẾT

Trần Mỹ Duyệt

* Khái niệm về chết lành

* Ngãng trở ơn chết lành

* Ứng dụng vào đời sống

“Hạnh phúc người để luôn giờ chết trước mắt và ngày ngày dọn mình sẵn luôn” (Imt 23:15). Thường xuyên suy niệm về sự chết, người Kitô hữu sẽ có dịp nhắc nhở mình về cứu cánh của cuộc đời, và phải sống thế nào để đạt được cứu cánh đó. Ngoài ra, không có gì bóc lột con người cách trần trụi hơn sự chết, cũng như không đau khổ nào mà con người sợ hãi bằng khi đối diện với sự chết. Do đó, ý nghĩa của sự chết sẽ giúp ta sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, thử thách trong cuộc sống bằng tinh thần thánh hóa và từ bỏ.

KHÁI NIỆM VỀ CHẾT LÀNH

Chết tốt lành hay chết trong ơn thánh của Thiên Chúa, còn gọi là chết mà không mang trong tâm hồn những trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ðức Kitô đã đề cập tới cái chết này qua dụ ngôn Mười Trinh Nữ.

Ý nghĩa dụ ngôn Mười Trinh Nữ đã cho ta ý niệm rõ ràng về sự chết, đó là mọi người đều được kêu gọi về với Thiên Chúa qua cái chết của mỗi cá nhân, hay việc Ðức Kitô thình lình đến với toàn thể nhân loại trong ngày thế mạt. Theo Thánh Phaolô, không có cách chết nào hơn cách nào, vì khi Ðức Kitô xuống thế lần thứ hai, mọi kẻ chết sẽ chỗi dậy.

Ðiều quan trọng là khi thời giờ đến, lúc ta phải ra đón Ðức Kitô như mười cô trinh nữ ra đón chàng rể, ngọn đèn tình yêu của ta, tức là lòng kính mến Thiên Chúa có còn cháy sáng hay không? Nếu luồng gió tội lỗi làm tắt ngọn đèn yêu mến trước giờ chết, ta còn có cơ hội thắp sáng lại bằng tâm tình thống hối. Nhưng nếu khi ta bước qua ranh giới sự chết mà đèn tắt, thì thời giờ đã chấm dứt!

“Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đón đôi tân hôn. Trong bọn có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại lúc cầm đèn lại không đem dầu theo. Năm cô khôn ngoan khi cầm đèn lại đem theo bình dầu. Vì chàng rể đến trễ, nên các cô đều ngủ thiếp đi. Nửa đêm có tiếng gõ cửa: “Kìa, tân lang đến. Hãy ra đón chàng”.

Các cô liền thức giấc, sửa soạn đèn. Các cô khờ dại mới nói với các cô khôn ngoan rằng: “Xin các chị cho chúng em ít dầu, vì đèn chúng em tắt rồi.” Mấy cô khôn ngoan trả lời: “E không đủ cho chúng em và các chị đâu. Các chị ra ngoài hàng mua thì hơn”.

Họ vừa đi mua, thì chàng rể tới. Những cô sẵn sàng cùng vào tiệc cưới với chàng, và cửa đóng lại. Một lúc sau, năm cô kia mới tới và gõ cửa: “Xin mở cửa cho chúng tôi vào với.” Nhưng có tiếng trả lời rằng ta không biết các cô là ai”.

Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì không biết ngày và giờ nào Con Người sẽ tới” (Mt 25:1-13).

Người Kitô hữu phải giữ cho ngọn đèn yêu mến của mình được luôn cháy sáng, vì theo Thánh Gioan Thánh Giá, trong lúc xế chiều của cuộc đời ta sẽ được xét xử theo tình yêu. Nhưng để ngọn đèn tình yêu đó cháy sáng được, ta cần phải có dầu. Vậy dầu của ngọn đèn yêu mến này là gì?

Trong đời sống Kitô hữu, dầu của ngọn đèn tình yêu là đức tin, là dầu thánh được xức trên trán ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thánh Nữ Catarina Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh thì cho rằng đó là đức khiêm nhường. Nhờ sự hòa trộn giữa đức tin, dầu Thanh Tẩy, và đức khiêm nhường sẽ đem lại những hoa trái tốt.

Tình mến trọn hảo đòi hỏi đức tin vững mạnh, đời sống khiêm nhường, cũng như sự bền đỗ trong ơn thánh sủng mà Thiên Chúa đã ban cho ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Nếu giờ chết đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thì dù ta có sợ hãi đôi chút vì đức tin còn yếu kém, hoặc đời sống bị chao đảo do những cám dỗ và khuyết điểm, ta vẫn tin tưởng ra trước tôn nhan Thiên Chúa, vì biết rằng Ngài không từ chối ta khi ta đã cố gắng kiếm tìm và thực hiện ý Ngài trong cuộc sống.

NGÃNG TRỞ ƠN CHẾT LÀNH

Ðối với nhiều người, sự sợ hãi ghê gớm nhất khi nghĩ đến giờ chết, là không biết mình sẽ chết như thế nào. Qua dụ ngôn Mười Trinh Nữ, Ðức Kitô đã cho biết rõ ràng về cái chết của mỗi người bằng cách căn cứ vào đời sống của người đó. Nhưng qua tình thương của Thiên Chúa, ta có thể tin tưởng rằng Ngài không muốn ai chết trong lúc ngọn đèn tình yêu của họ hết dầu. Ngoại trừ trường hợp giống như năm cô trinh nữ đã không giữ được đèn mình cháy sáng.

Do đó, thái độ cẩn trọng của ta là phải giữ cho ngọn đèn tình yêu luôn cháy sáng, bằng việc chuẩn bị và lo lắng cho đèn luôn luôn có đủ dầu. Ðây là hành động khôn ngoan của người tìm kiếm Thiên Chúa, một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Nhờ ánh sáng và sự soi dẫn của nó, ta biết tìm kiếm những giá trị thật của cuộc đời. Cuộc sống có giá trị được xây dựng trên sự kính mến Thiên Chúa, trên những hành động bác ái với anh chị em đồng loại, cũng như trên những việc làm tiết chế và tự chủ đối với tính tình hoặc xu hướng xấu.

Nhờ sống và hành động dưới sự hướng dẫn của đức khôn ngoan, ta sẽ có một tâm hồn bình an. Ðức khôn ngoan giải thoát ta khỏi những băn khoăn lo lắng thái quá về cuộc sống. Nó cho biết mình phải làm gì, và hành động tới đâu, rồi để phần còn lại trong sự tin tưởng và phó thác cho tình thương của Thiên Chúa. Nhưng để có ơn khôn ngoan cần thiết trong cuộc sống, ta phải cầu nguyện. Nhờ kinh nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, ta sẽ tìm được sự khôn ngoan chân thật, cũng là chính Thiên Chúa.

Tóm lại, trở ngại lớn nhất đối với ơn chết lành là không sống đạo một cách chân thành, hăng say và bền bỉ. Không tuân giữ những luật lệ cần thiết cho đời sống đức tin của người Kitô hữu. Trở ngại thứ hai là phủ nhận tình thương, và sự tha thứ của Thiên Chúa.

ỨNG DỤNG VÀO ÐỜI SỐNG

Cuộc hành trình của mỗi Kitô hữu trên dương thế dài hay ngắn, lâu hay mau, tất cả đều được kết thúc bằng cái chết. Khi bước vào biên giới vĩnh cửu, con người phải bỏ lại tất cả những gì mình có thuộc về thế giới vật chất. Sự tước đoạt trần trụi này chỉ cái chết mới có thể làm được. Ứng dụng ý nghĩa của sự chết vào cuộc sống và để chuẩn bị cho mình một giờ chết tốt lành, sẽ giúp ta hăng hái và kiên trì sống đạo giữa muôn thách đố của cuộc đời.

- Trước hết, ta phải làm trọn bổn phận đã được Thiên Chúa trao phó. Ðức Kitô, trong Bữa Tiệc Ly, đã cho ta thấy Ngài sẵn sàng trước cái chết vì Ngài đã chu toàn Thánh Ý của Thiên Chúa Cha về Ngài: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất. Con đã chu toàn công việc mà Cha đã trao phó cho con” (Jn 17:4). Là Kitô hữu, trong cuộc sống mỗi ngày trên dương thế, ta cũng phải lo hoàn tất Thánh Ý của Thiên Chúa. Hành động như vậy, như Ðức Kitô, ta tôn vinh Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

- Ta phải chuẩn bị cho giờ chết của mình bằng đời sống cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa. Nhờ kết hợp với Ngài qua tâm tình và đời sống cầu nguyện, ta sẽ được ngọn lửa tình yêu đốt nóng, như tác giả Thánh Vịnh đã thưa lên với Chúa: “Vì Ngài thân xác tôi hao mòn và linh hồn tôi khao khát”.

- Ta chuẩn bị giờ chết bằng cách nhận thức như Thánh Ambrôsiô, cho rằng Thiên Chúa định liệu sự chết như một phương thuốc để chữa tội lỗi. Một thứ thuốc mà ta không nên sợ hãi, bởi vì Vị Lương Y Tốt Lành đã cho toa đúng liều lượng vì lợi ích của mỗi người.

Ý nghĩa từ bỏ ở đây là ta phải sẵn sàng để bất cứ lúc nào Thiên Chúa muốn, Ngài có thể đến để đón ta ra khỏi thế gian.

- Ta phải chuẩn bị giờ chết bằng cách suy ngắm về cái chết của Ðức Kitô trên thánh giá. Ngài đã chết và sống lại cho ta. Do đó, ta cũng sẽ chết và sống lại cho Ngài. Nếu trong khi suy niệm về sự chết của Ngài ta sống với Ngài trong giờ chết của Ngài, Ngài và Ðức Trinh Nữ Maria cũng sẽ ở bên ta trong giờ chết của ta.

Từ đó, ta hiểu tại sao Giáo Hội dậy ta phải cầu xin với Ðức Trinh Nữ Maria để được Mẹ cầu bầu cho ta trong giờ chết: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Vì Mẹ đã đứng dưới chân thập giá Ðức Kitô, và đã chứng kiến cái chết đau đớn của Con Mẹ cho các linh hồn, nên hiểu rõ hơn ai hết giá trị cao quí của một linh hồn, cũng như tầm quan trọng của giây phút linh hồn đó giã từ trần gian để bước vào vĩnh cửu.

- Sau cùng, ta phải chuẩn bị giờ chết bằng cách sốt sắng tham dự các bí tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải.

Mỗi khi phạm một tội trọng, tức là ngọn đèn tình yêu của ta bị vụt tắt, và dầu kính mến bị đổ khỏi bình. Tâm tình và việc làm hòa giải sẽ giúp ta có thêm dầu và thắp sáng lại ngọn đèn yêu mến.

Do đó, ta không những phải thống hối khi biết mình phạm tội trọng qua Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải để tâm tu tỉnh mỗi ngày bằng tình mến để thanh tẩy tâm hồn cho thêm phần đẹp đẽ, như đổ thêm dầu vào đèn mặc dù đèn của ta chưa hẳn đã hết dầu.

Chúa Kitô đã đến qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Ngài đang đến qua các bí tích ta lãnh nhận thường ngày trong Giáo Hội. Người sẽ đến để kêu gọi ta về với Ngài bằng cái chết của mỗi cá nhân, cũng như ngày thế mạt chung cho toàn thể nhân loại. Hãy chuẩn bị dâng tặng Ngài niềm vui do hành động sẵn sàng của ta. Ðây là ý nghĩa từ bỏ trọn vẹn nhất của một Kitô hữu qua việc thực hành đức tin trong đời sống.

(Trích trong SỐNG ÐẠO GIỮA ÐỜI, xuất bản 2004 của cùng tác giả)

49- CẢM NGHIỆM SỐNG

CHỐN /CÕI /LỬA ĐỜI ĐỜI   (Mt 25: 41-46)

Cuộc đời trên trần gian chẳng qua chỉ là một cuộc tổng dượt trước cuộc diễn xuất thật. Bạn và tôi sẽ có thời gian dài hơn nhiều sau khi bước qua phía bên kia của sự chết : CÕI / CHỐN ĐỜI ĐỜI.

1- Đời sống này chỉ là chuẩn bị cho đời sau, nhiều nhất thì bạn sống được khỏang một trăm năm; nhưng trong cõi đời đời thì bạn và tôi sẽ sống mãi mãi. Vi thế ông Abraham Lincincoln nói:Thượng Đế tạo nên con người không chỉ sống có một ngày! Không, không, con người được tạo dựng để cho cõi bất diệt.

2- Một ngày kia tim bạn sẽ ngưng đập, đó là dấu chấm dứt cho thể xác cũng như thời gian trên trần gian; nhưng chưa phải là chấm hết cho bạn. Thân thể chỉ là nơi tạm trú của tâm linh bạn. Kinh Thánh gọi thân thể là: Nhà Tạm/ Cái Lều, còn thân thể tương lai bạn trên Thiên đàng là “Nhà Đời Đời.” Kinh Thánh nói: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở  dưới đất này bị thiêu huỷ đi, thì chúng ta có một căn nhà vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa dựng nên, chứ không phải do tay người phàm làm ra.” (2 Cor 5, 1)

3- Cuộc đời trần gian cho tôi nhiều lựa chọn; nhưng chốn đời  đời chỉ có hai lựa chọn: Thiên đàng hay Địa ngục. Mối tương giao giữa tôi với Chúa trên trần gian sẽ quyết định mối tương giao giữa tôi với Ngài trong cõi đời đời. Nếu tôi yêu thương tha nhân thì tôi sẽ được mời đến sống trong cõi đời đời bằng không sẽ vào lửa đời đời.

4- Khi sống trong ánh sáng của cõi đời đời , bạn sẽ thay đổi cách sống như: dùng tiền bạc và thời gian một cách khôn ngoan hơn, ít ham mê các thú vui thời trang, xếp đặt lại công việc cho tốt hơn. Thánh Phaolô nói: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.”   (Phil 3,7)

5- Nhưng sự chết không phải là kết thúc của tôi, mà là chuyển tiếp sang chốn đời đời, nó sẽ phải trả lẽ về những việc lành dữ tôi đã làm, nó sẽ đánh vào một sợi dây đàn nào đó rung lên trongcõi đời đời. Ngày hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng trên biển, cõi đời đời là toàn bộ phận còn lại, tôi không thấy được dưới mặt tảng băng.

6- Sống trong cõi đời đời như thế nào, bạn không thể nắm bắt hết sự kỳ diệu và vĩ đại của Thiên đàng. Ngôn ngữ con người cũng không thể nào truyền đạt hết về chốn đời đời. Kinh Thánh viết: Điều mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.”(1Cor2,9

7-Tuy nhiên, Thiên Chúa đã cho bạn nhìn thoáng qua về chốn đời đời trong Lời của Ngài  đang chuẩn bị một căn nhà đời đời cho bạn. Một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ phán: “Hỡi các người được Cha Ta ban phúc, hãy đến thừa hưởng Nước Thiên đàng đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lâp địa.”   (Mt 25,34)

8-Thời gian tốt nhất để mọi người suy niệm vể cõi đời đời, đó là trong các đám tang. Bạn không nên coi thường mà không chịu chuẩn bị gì cả, vì sự chết sẽ xảy đến bất ngờ, bạn chớ nên thờ ơ.!

Cũng như chín tháng bạn ở trong bụng mẹ, tự nó không đầy đủ ý nghĩa, mà nó còn chuẩn bị cho đời sống lớn lên ở ngoài. Cũng vậy, cuộc đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Nếu bạn liên kết với Chúa hàng ngày thì không sợ chết, vì nó là cửa dẫn vào cõi đời đời.

9- Giờ phút cuối cùng của bạn sẽ đến; nhưng nó không phải là kết thúc cuối cùng của bạn: nó là NGÀY SINH NHẬT CỦA BẠN để đi vào CÕI ĐỜI ĐỜI. Vì Hội Thánh gọi đời trần gian là THỜI THAI NGHÉN, là đoàn người vô số kẻ trước người sau được sinh ra trong, với và cùng Đức Kitô. Sách Khải Huyền viết: “Bây giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ, đất cũ đã biến đi…không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.” (Kh 21, 1- 4)

Thánh Phaolô nói: “Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững; nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai.” (Do thái 13,14) hay nói rõ hơn: Thế giới này không phải là quê hương của chúng ta. Chúng ta chờ đợi một quê hương vĩnh cửu ở trên Trời.

10- Khi so với cõi đời đời, thời gian của tôi trên mặt đất này chỉ là một nháy mắt; nhưng hậu qủa của nó thì tồn tại đời đời. Những việc làm của tôi ở đời này là số phận của đời sau: “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, đễ mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt xấu đã làm khi còn ở trong thân xác.  (2 Cor 5,10) ( xét xử trong giờ chết mỗi người.)

Như vậy, bạn và tôi hãy sống tốt mỗi ngày như ngày cuối cùng của đời mình, như thế mới là người khôn ngoan. Hoặc nhiệm vụ của chúng ta phải CHUẨN BỊ  mỗi ngày là NGÀY CUỐI CÙNG.

Phó tế GB. Maria Nguyễn văn Định  *  [email protected]

49- CẢM NGHIỆM SỐNG

Hằng năm trước ngày lễ các thánh nam nữ ít ngày, nơi các nghĩa trang của các giáo xứ miền quê, người ta tấp nập như đi trảy hội, với một công việc dọn dẹp, sơn phết lại những ngôi mộ của người thân, chuẩn bị nhang đèn cho sáng ngày 2/11 ngày lễ cầu cho các linh hồn, sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ gia đình tề tựu nơi nghĩa trang, cùng đọc kinh cầu nguyện cho người thân và cho tất cả những người đã yên nghỉ.Công việc tốt đẹp này được kéo dài suốt tháng 11.

Đây là một truyền thống tốt đẹp mà Giáo Hội đã xác lập, trước là để cho con cái nhận thức sâu hơn về mầu nhiệm các thánh cùng thông công, như ta đang sống là Giáo Hội lữ hành tỏ lòng báo hiếu các bậc tiền nhân, những người ân nhân, bè bạn đã về với Chúa, qua việc dâng những hy sinh, việc lành, bác ái, lời cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là Giáo Hội thanh luyện, sớm hưởng thánh nhan Chúa trên Thiên Đàng để trở thành những thành viên trong Giáo Hội khải hoàn. Cả ba Giáo Hội lữ hành, thanh luyện, khải hoàn, đều được nối kết vào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa qua Hội Thánh, dưới sự chăm sóc của Mẹ Maria.

Khi nói về việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn “ Giáo Hội Thanh Luyện ”, công việc thiết thực và đẹp lòng Chúa, nhưng quanh đó còn có nhiều vấn đề ta nên xem lại như:

1. Phát tán tài liệu về các linh hồn nơi luyện ngục.

Hiện nay đang phát tán những tài liệu lược thuật lời kêu gọi cầu nguyện cho các linh hồn, nếu chỉ mời gọi cầu nguyện không thì không có gì bàn cãi. Nhưng, trong các tập tài liệu có những chi tiết tường thuật lại những hình phạt mà các linh hồn phải chịu nơi luyện ngục, khi đọc qua ai cũng rợn tóc gáy như giòi bọ lúc nhúc nơi thân xác, ở nơi đá lạnh hơn băng, lửa cháy thiêu đau đớn....Rồi linh hồn hiện về nói điều này, điều kia nghe rất ghê rợn, có tài liệu được giới thiệu tên tác giả, cũng có những tài liệu không rõ nguồn gốc.

Thú thực, rất nhiều người tặng, giới thiệu và truyền tay nhau, đặc biệt là giới phụ nữ trong các giờ cầu nguyện tự phát hiện nay. Theo người viết, những người phát tán tài liệu đó,  có lẽ họ mong mọi người đọc và nhận thấy những hình phạt ghê rợn đó để sống đạo tốt hơn, may ra tránh được những hình phạt như tài liệu tường thuật. Nhưng, nếu như thế thì còn gì là hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng xót thương, dẫu biết rằng Thiên Chúa rất từ tâm và cũng công minh trong thưởng phạt, nhưng chẳng lẽ Ngài lại phạt con cái của Ngài một cách tàn nhẫn, khi vì yếu đuối mà lầm lỗi như thế sao?

Trong Tin Mừng tường thuật, khi một luật sỹ gọi Đức Kitô:  Thưa Thầy nhân lành, Ngài đã nói:  Sao ông lại gọi Tôi là nhân lành, không ai nhân lành cả, chỉ trừ một Thiên Chúa. Vâng! Với sự tuyệt đối thánh, nhân lành của Thiên Chúa, với sự cao sang và vẻ đẹp thuần khiết của Ngài thì không một phàm nhân nào có thể sánh ví, ngoại trừ Mẹ Maria đã được Chúa ân thương cách riêng, kế đến là các thánh, các ngài đã một đời dâng hiến, một đời chịu nhiều khổ đau, và các ngài được thanh luyện ngay khi con sống, bằng sự khinh chê, ghét bỏ của thế gian; bằng sự hy sinh, từ bỏ một cách trọn vẹn. Chính vì thế, ngay khi từ giã cõi đời các ngài đã được Thiên Chúa ân thưởng cho chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Quốc.

Còn ta nói riên và các linh hồn nơi luyện ngục nói chung, chỉ là những phàm phu tục tử, trong đời sống còn nhiều hệ lụy của tội, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, vì thế sau khi ta từ giã cõi đời, Chúa ân ban cho ta có thêm một thời gian nơi luyện ngục, nơi đó ta nhìn thấy Thiên Chúa rất sáng láng và tuyệt đẹp, nhờ ơn của Ngài ta nhìn lại cuộc sống đã qua với biết bao lầm lỗi, từ đó ta cảm thấy đau khổ, lương tâm cắn rứt vì trước đây ta quá thờ ơ với lời mời gọi và giáo huấn của Ngài.

Thiên Chúa là bình an, là niềm vui, hạnh phúc, một khi ta phải tạm xa Ngài thì còn gì đau khổ hơn, nỗi đau đớn nữa là ta nhận ra những sai lầm, thiếu sót của ta đó, nhưng ta không thể tự phục thiện được, mọi sự giờ đây đều phải cậy nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa qua những người thân trong gia đình, nơi bè bạn của ta đang còn sống nơi dương thế. Theo cách nghĩ của người viết hình phạt đó lớn gấp vạn lần những hình phạt mà các tài liệu tường thuật như đang phát tán hiện nay. Hơn nữa, ta đang sống dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội là Mẹ, vì thế tất cả các tài liệu, nếu đã được sự chuẩn y của bề trên thì ta đọc và phát tán, còn ngược lại ta hãy cảnh giác với những mưu mô thâm độc của quyền lực sữ dữ, chúng tô vẽ một Thiên Chúa như một ông quan án luôn đằng đằng sát khí với con người.

2.  Hình thức xin lễ cầu cho các đẳng linh hồn.

Lời Chúa vẫn nhắc nhở: “ Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ ”. Trong cuộc sống và nhất là trong tháng các linh hồn, ta dành chút thù lao xin lễ cầu cho các linh hồn là một công việc mang tính nhân bản, trước tiên là tỏ hiện niềm tin của mình vào tình yêu thương của Thiên Chúa; kế đến, ta tỏ lòng hiếu thảo với các đấng bậc bề trên; qua hình thức xin lễ, một phần nào đó ta đóng góp vào sự nuôi dưỡng và phát triển Giáo Hội. Nhưng có nhưng hình thức xin lễ ta cần xem lại như:

Thứ nhất:  Ta xin lễ với hình thức khoán trắng cho các vị linh mục, muốn dâng lúc nào thì dâng, có trường hợp gần tới giờ lễ, chạy thẳng vào phòng thánh xin lễ, rồi vô tư đi về lo việc riêng của mình và nghĩ như thế là đủ, thú thực Thiên chúa Ngài không bán ơn và những vị linh mục cũng không làm nghề khấn mướn.

Thứ hai: Ta xin lễ nhưng lại mang nặng tính toán với Chúa và Giáo Hội như:  Khi ta dự định dành một số tiền cho việc xin lễ cầu cho các linh hồn, đáng lý ra ta xin một lần và cùng hiệp ý dâng thánh lễ, đằng này ta chia nhỏ số tiền đó ra và xin thành nhiều lễ, ta suy diễn các cha dâng nhiều lễ sẽ tốt hơn, điều này đúng chứ không sai, nhưng với một ý ngay lành không tính toán, ngược lại ta tính toán so đo như thế, điều này dễ rơi vào hoàn cảnh như đã từng sảy ra vào thời Giáo Hội sơ khai mà sách Công Vụ đã trình thuật như sau:

Vào một lần khi các thánh Tông Đồ đặt tay xin ơn Thánh Thần ngự xuống trên những người đón nhận Tin Mừng và tin vào danh Đức Kitô, thầy phù thủy Simon thấy vậy liền đem tiền đến biếu các tông đồ để mong được ơn đặt tay ban ơn Thánh Thần, khi ấy thánh Phêrô lên tiếng quở trách ông: “ Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa! Chẳng có phần chia cho anh, cũng chẳng có phần thừa kế trong việc này đâu, vì lòng anh không ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa. Vậy anh hãy sám hối về việc xấu ấy của anh, và cầu xin Chúa, may ra Người sẽ tha cho anh tội đã nghĩ như thế trong lòng. Thật vậy, tôi thấy anh đang ứ đầy mật đắng và đang bị tội ác trói buộc."(Cv.9,20-23).

Lạy Chúa Giêsu! Trước khi lên Giêrusalem, uống cạn chén đắng để cứu độ chúng con, Chúa đã cầu nguyện cùng với Chúa Cha: Lạy Cha! Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng được ở đó với Con, để họ chiêm ngương vinh quang mà Cha đã ban cho Con”. Xin Chúa ban cho tất cả các linh hôn nơi luyện ngục trong đó có những linh hồn là người thân của chúng con, nhờ ơn của Chúa, Chúa Cha sẽ đón nhận vào nước Chúa hưởng vinh quang mà Chúa đã hứa ban cho chúng con.Amen

An-tôn Lương Văn Liêm

CHẾT

Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết.  Làm gì có sự chết nếu không có sự sống.  Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi.  Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau.  Trong lớn lên đã có mầm tan rã.  Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết.  Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề.  Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không?  Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi.  Chết ở trong tôi.  Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi.  Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết.  Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình.  Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu.  Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình.  Chẳng ai đi với tôi.  Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh.  Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại.  Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc.  Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra.  Mà cũng có thể là một thứ nô lệ.  Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: "Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi".

Ngài đã nói cùng họ: "Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải".

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: "Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì?  Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa.  Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta:  Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó:  Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi.  Không ai chết thay tôi.  Không ai đi cùng tôi.  Tôi sẽ ra đi lẻ loi.  Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người.  Có thể đôi khi họ nhớ tôi.  Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia.  Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt.  Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54).  Chết là đi về sự sống vĩnh cửu.  Chết là gặp gỡ.  Gặp Ðấng tạo nên mình.  Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi.  Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề.  Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa?  Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà.  Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con.  Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi.  Hôm nay hay ngày mai?  Mùa thu này hay mùa xuân tới?  Con âu lo.  Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang.  Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa.  Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.

Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương.  Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.  Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao.  Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm.  Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được.  Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc.  Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai.  Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không.  Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá.  Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.  Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: "Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm" (Rom 7,15-16).  Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá.  Con không biết con can đảm đến đâu.  Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi.  Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Thập giá nào thì cũng có đau thương.

Con không muốn thập giá.  Vì thập giá làm con mang thương tích.  Chúa cũng đã ngã.  Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tử nẩy sinh sự sống.  Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết.  Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: "Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46).  Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa.  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết.  Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Con muốn chết để được sống.

Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự.  Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ –

Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

52-TẢN MẠN CHUYỆN NGHĨA TRANG

VietCatholic News (31 Oct 2010 17:36)

Xưa nay, trong tâm thức người Việt, họ vẫn tin rằng sống chỉ là cõi tạm, cuộc sống đời sau mới là vĩnh hằng (Thành ngữ:“sống gởi, thác về”, “sinh ký, tử quy”). Chính vì thế, sau khi người thân ra đi, con cháu có nhiệm vụ phải lo liệu mai táng, chôn cất. Tùy vào điều kiện khí hậu, văn hóa của từng vùng miền hay điều kiện kinh tế mà có thể có những nghi thức mai táng, chôn cất khác nhau, có nơi thì địa táng, có nơi thì thủy táng hay hỏa táng.

Bài viết này, xin lạm bàn một chút về nghĩa trang - địa táng của người Việt (cách riêng của người Công giáo) xưa nay.

NẤM MỘ NĂM XƯA

Do ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, người Việt khá tin vào phong thủy. Thuyết này đặc biệt được các vua chúa, quan lại chú tâm. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.

Trên thực tế, phong thủy chỉ là chuyện của một nhóm thiểu số, còn phần đa người dân, khi lìa đời đều gởi thân xác vào lòng đất, đất được vun lên thành những gò như hình tổ mối hay cái mủ nấm (nên được gọi là nấm…mộ). Đây là cách chôn cất truyền thống và kéo dài của người Việt cũng như của nhiều dân tộc khác. Cách mai táng này tuy có vẻ đơn giản, nghèo nàn nhưng một cách nào đó, nó làm cho người ra đi gần gũi với đất, hòa tan vào đất, thanh thoát và nhẹ nhàng. Hình ảnh cái chết thật giống với sự ví von trong của Chúa Giêsu "Hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt (Ga, 12, 24). Có lẽ, cảm hiểu được điều này mà nhiều người xem cái chết là “về với cát bụi”, về với “đất mẹ” (“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, Cát bụi – Trịnh Công Sơn). Chính vì không được bê tông hóa nên chỉ sau một thời gian chôn cất, nấm mồ sẽ bị phủ kín bởi cỏ cây (Truyện Kiều: “Sè sè nắm đất bên đường/Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”). Dựa vào những biến chuyển này, cha ông đã sáng tạo một khái niệm mới để đo thời gian: “xanh cỏ”. Khái niệm này ý nói về quãng thời gian đủ để quên đi một điều gì đó. Chẳng hạn như con cháu, người thân tối thiểu, phải chờ cho người mất “xanh cỏ” thì người ở lại mới được tiệc tùng, hoặc tục huyền/tái giá.

Có dịp đi công tác, tình cờ ghé thăm một số nghĩa trang ở nước ngoài, tôi thấy rằng: xu hướng “cỏ hóa” đang thịnh hành. Nghĩa trang của họ trông rất thanh thoát nhẹ nhàng. Nhìn thoáng qua, chúng ta chỉ thấy một bãi đất phẳng, có xanh phủ kín. Điều làm cho chúng ta biết đó là ngôi mộ là tấm bia nhỏ ghi những thông tin của người quá cố.

…VÀ NẤM MỘ BÂY GIỜ

Khi điều kiện kinh tế khá hơn, người ra đi được con cháu xây cho những ngôi mộ (Tôi phân biệt “nấm mộ” là cách chôn cất bằng cách đắp đất; còn ngôi mộ là cách chôn cất được bê tông hóa). Lúc đầu, ngôi mộ được xây bằng xi măng, sau là quét vôi, rồi gần đây là ốp gạch men, ốp đá hoa cương. Trước đây, thông tin của người quá cố được viết lên trên bề mặt mộ. Gần đây, các thông tin này và di ảnh của người quá cố được khắc và scan vào bia mộ, rồi ốp vào mặt chính của ngôi mộ. Cũng cần nói thêm rằng, tôi không thích ốp gạch men, đá hoa cương vào mộ người thân vì làm như thế thì ngôi mộ sẽ luôn mới, luôn đẹp. Ngôi mộ còn mới, sạch, đẹp thì con cháu sẽ không thường xuyên đến “tảo mộ”; và kéo theo đó là tình cảm của kẻ ở lại với người quá cố cũng sẽ nhạt dần!

Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một mồ”. Mồ mả cũng…“thượng vàng hạ cám” lắm. Nhìn vào ngôi mồ cũng có thể biết được người sang, kẻ hèn. Gần đây, báo chí đề cập đến những “thành phố ma”, “thành phố âm phủ”, “thành phố buồn” – nơi mà nhiều gia đình chấp nhận bỏ ra cá tỷ đồng để xấy cất những ngôi mộ. Nhìn cách tiêu tốn sa hoa này, tôi chợt nhớ về ngôi mộ trống của Chúa Giêsu trên Núi sọ năm nào! Một tín hiệu vui là đây đó, một số giáo xứ đã có những quy định về vấn đề này. Chẳng hạn như ở Giáo xứ Vinh Đức – Buôn Ma Thuật, cha xứ yêu cầu giáo dân phải xây các ngôi mộ theo một mẫu chung; Vật liệu xây dựng cũng không được sử dụng các loại phá cách, đắt tiền.

Lại nói chuyện gần đây, không thể không nhắc đến các ngôi mộ nhỏ bé, đơn sơ nhưng rất linh thiêng và xúc động. Đó là những nấm mồ mà kích thước khoảng 1, 2 viên gạch trong nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang, ở Tp. Pleiku. Mỗi nấm mồ này được lập nên là một niềm vui của phận người (vì ít nhất các trẻ sơ sinh cũng được chết, được chôn cất như một con người) nhưng cũng là một nhắc nhớ khôn nguôi về lối sống của con người hôm nay. Hiện nay, những nghĩa cử thiện nguyện này đã lan đến rất nhiều vùng miền như Tp. Hồ Chí Minh, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuật … Đến nghĩa trang Đồng nhi Tp. Pleiku, tôi vừa xúc động vừa buồn, vừa thao thức bởi dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” mà Linh mục Nguyễn Văn Đông đã cho ghi trước cổng nghĩa trang. Ước mong sao, những lời chia sẻ đó sẽ giúp các bạn trẻ biết điều chỉnh lối sống của mình.

CÁCH QUY HOẠCH

Ngày xưa, do ảnh hưởng thuyết phong thủy nên người chết phải được chôn cất theo một “bài sai” nhất định: Đầu hướng nào, chân hướng nào. Chính vì thế, nếu có nghĩa trang tập thể thì cũng khó mà quy củ, hàng lớp. Sau này, cùng với việc bê tông hóa, nghĩa trang cũng được quy hoạch, có hàng lớp rõ ràng hơn. Nhìn chung, các nghĩa trang được quy hoạch theo hai loại: theo từng gia đình, dòng họ. Cách quy hoạch này tạo cảm giác ấm lòng khi người thân về bên kia vẫn được cạnh kề bên nhau. Phổ biến hơn là cách quy hoạch theo giới tính: nam một bên, nữ một bên, các bé sơ sinh, thiếu nhi một góc. Tôi có dịp dự lễ an táng của khá nhiều người thân, bạn bè khắp nơi nhưng vẫn ấn tượng với nghĩa trang của Gx. Vinh Quang (Buôn Ma Thuật). Nghĩa trang được xây trên triền đồi nên Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Tâm đã quy hoạch theo từng lớp cao thấp, trông như môt “phố núi”. Bên các đường đi và giữa các ngã tư, ngã ba là các cây bonsai, cây cảnh rất đẹp. Ở đây, các ngôi mộ được xây theo một mẫu chung, khá đẹp mắt. Trên mỗi ngôi mộ có gắn một lồng đèn bằng kính để những dịp tháng linh hồn, mồng hai tết giáo dân quy tụ về, thắp nến và cùng nhau tham dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung cầu nguyện cho người thân. Ánh nến lung linh trong đêm cộng với mùi hương phảng phất làm không khí thêm linh thiêng, huyền ảo.

VỀ CÂU CHỮ

Sau cùng xin được nói về những ngôn từ, câu chữ trong nghĩa trang. Trước cổng nghĩa trang thường có các câu Kinh thánh, Thánh vịnh hay danh ngôn như “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh tin kính), “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại”, “Chúa đã Phục sinh”, “Cuộc sống không mất nhưng chỉ đổi thay” hay "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi, mọi người khóc còn ta lại mỉm cười"…Tôi khá ấn tượng dòng chữ ghi ở nghĩa trang của Gx Thổ Hoàng – Đăk Nông: “Ngày mai đến phiên bạn”. Thoáng giật mình khi đọc qua nhưng ngẫm lại thì đó là một nhắc nhớ cần thiết.

Về câu chữ đề trên bia mộ được ghi khá thống nhất, gồm tên gọi, tên thánh, ngày – tháng - năm sinh, nơi sinh và ngày - tháng – năm mất, nơi mất. Nếu người mất là các vị quan lại hay chức sắc thì còn thêm một số chi tiết về các học vị, chức tước, thời gian nhận chức sắc…Riêng về chữ “chết” có nhiều cách viết khác nhau. Bình dân thì viết là “tử”, “mất”, “qua đời” sang hơn thì gọi “tạ thế”, “từ trần”, các vị sư mất thì gọi là “viên tịch”. Về cách gọi này, tôi cho rằng, người Công giáo có cách gọi tên rất tuyệt vời “Về nhà cha”. Cách gọi tên như vậy làm cho cái chết trở nên nhẹ nhàng, làm ấm lòng, an tâm cho kẻ ở lại cũng như người ra đi.

Tiện đây, xin xới lại vấn đề: người quá cố bao nhiêu tuổi thì được gọi là “hưởng thọ”? Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay. Tranh cãi bởi trước hết trong các từ điển, tự điển cũng không thống nhất, rõ ràng. Hán Việt tự điển của Nguyễn Văn Khôn cho rằng trên 50 tuổi là thọ. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh giải thích từ “hưởng thọ” khá mập mờ: “sống lâu”(tr 406). Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân) cũng không có gì rõ ràng khi giải thích hưởng thọ là “sống được” (tr 414). Theo tôi, cái gốc của tranh cãi là do không rõ nguồn gốc của khái niệm trên. Có ý kiến cho rằng trên 50 là thọ bởi họ xuất phát từ quan niệm truyền thống của các làng xã người Việt: 50 tuổi lên lão làng. Đã là lão thì tất phải…thọ! Theo tôi, người quá cố phải sống trên 60 năm mới gọi là “hưởng thọ”. Bởi theo hệ thống đánh số Can chi (phổ biến tại một số nước Á Đông - trong đó có Việt Nam) thì sau 60 năm (theo âm lịch) lịch lại quay lại ngày, tiết, khí…như 60 năm trước. Từ đây, người ta gọi 60 năm là chu kỳ một vòng đời (chả thế mà có lời bài hát: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”!). Thực tế, quan niệm trên chịu ảnh hưởng của Nho giáo rất rõ (ngay cả khái niệm hưởng thọ/dương cũng là Hán tự). Mà theo Nho giáo thì họ có cách phân đoạn của người quá cố như sau: 1 – 10 tuổi là hưởng đào hoa, từ 10 – 20 tuổi là hưởng thanh xuân, từ 20 – 30 tuổi là hưởng xuân quang, từ 30 – 40 tuổi là hưởng thu sương, 40 – 50 tuổi là hưởng dương quang, 50 – 60 tuổi là hưởng hà linh, 60 – 70 tuổi là hưởng thọ…Hơn nữa, trong điều kiện xã hội ngày nay, tuổi thọ trung bình của con người không ngừng được nâng cao. Theo Tổng cục thông kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2009 là 72,8. Trong xu thế chung đó, không có lý gì khi mình lại hạ chỉ tiêu để gọi những người sống dưới 60 tuổi là hưởng thọ!

TẠM KẾT

Tôi viết chuyện về nghĩa trang - ngôi nhà của kẻ chết, ngoài mục đích để chúng ta cùng đọc, gẫm suy, tưởng nhớ về tổ tiên, những ân thân nhân đã ra đi trước chúng ta, còn có dụng ý chia sẻ những thông tin trên để góp thêm một ý kiến cho các giáo xứ, cộng đoàn tham khảo khi xây dựng, quy hoạch lại nghĩa trang của giáo xứ.

Đặng Quốc Minh Dương

53-KINH MÂN CÔI CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN

... Vào thời kỳ Thánh Đaminh (1170-1221) còn sống, có một phụ nữ nổi tiếng trắc-nết sống tại thủ đô Roma. Nàng tênCaterina. Nếp sa đọa của nàng gây ra không biết bao gương mù gương xấu và kéo theo không biết bao nhiêu đàn ông nghiêng ngả vì nàng. Nhưng nhờ nghe lời giảng thuyết của thánh Đaminh và nhất là nhờ vào lòng từ bi vô biên của THIÊN CHÚA, Caterina quyết định từ bỏ lối sống lăng-loàn. Rồi từ thái-cực sự dữ chuyển sang thái-cực sự lành. Caterina trở thành người say mê yêu mến Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cùng lúc, trái tim nồng cháy tình yêu của nàng giờ đây dành cho Tràng Chuỗi Mân Côi và các Linh Hồn trong Lửa Luyện Hình.

Để cứu giúp các Đẳng Linh Hồn, mỗi ngày Caterina lần không biết bao nhiêu Tràng Chuỗi Mân Côi. Chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã muốn tỏ lộ ơn lành bao la mà tràng chuỗi Mân Côi có thể mang đến cho các Linh Hồn trong Lửa Luyện Ngục.

Một ngày trong khi Caterina đang lần hạt cầu cho các đẳng Linh Hồn đến phần thứ ba của Tràng Chuỗi Mân Côi 150, thì Đức Chúa GIÊSU hiện ra với thánh Đaminh dưới hình dáng một Thiếu Nhi vô cùng khôi ngô. Từ thân mình tuyệt đẹp của Thiếu Nhi phát ra những tia sáng tương đương với 50 Kinh Ave Maria của phần thứ ba của Tràng Hạt Mân Côi. Các tia sáng là tia nước bắn thẳng xuống Luyện Ngục làm dịu mát đau đớn các Linh Hồn đang chịu vì bị các ngọn lửa thiêu đốt. Khi nhận trận mưa hồng phúc này, các Linh Hồn vô cùng sướng và bày tỏ lòng tri ân đối với vị ân nhân đang cứu giúp mình. Các Linh Hồn nói lớn tiếng:

- Cám Ơn! Cám Ơn Caterina nhiều lắm! Vì việc lành làm cho chúng tôi qua tràng hạt Mân Côi, xin THIÊN CHÚA trả công bội hậu bằng ân thưởng nước Thiên Đàng!

... Lời cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn được các ngài trả ơn và bảo vệ gìn giữ.

Một buổi tối, một chủ tiệm vàng đóng cửa để về nhà. Nhưng vì sợ kẻ trộm lẻn vào ban đêm nên ông quyết định mang về những đồ trang sức quí báu đáng giá nhất. Nỗi lo âu vẫn chưa chấm dứt. Trên đường về, sợ rằng có kẻ gian theo dõi để cướp mất của quí, người chủ tiệm liền khẩn cầu sự trợ giúp của các Đẳng Linh Hồn. Ông sốt sắng lần tràng chuỗi 100 kinh Requiem cầu cho kẻ qua đời.

Đến nửa đêm khi đi vào góc đường dẫn vào nhà, ông chủ tiệm vàng bỗng kinh hãi nhận ra là xa xa có mấy tên gian phi đang đi theo mình. Ông không biết làm gì hơn là tha thiết khẩn cầu sự trợ giúp của các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình. Chính lúc ấy ông trông thấy từ ngôi thánh đường nho nhỏ ở đầu góc đường, lần lượt tiến ra một đoàn rước gồm các tu sĩ mặc áo dòng màu trắng. Các ngài vừa đi vừa hát thánh vịnh giống như đi đưa đám tang một tu huynh quá cố. Người chủ tiệm vàng tức tốc nhập đoàn với các tu sĩ và như thế, ông có thể đi tiếp chặng đường về nhà cách an toàn.

Trong khi đó, người vợ ở nhà lo âu trông ngóng chồng. Vì trời đã khuya mà không thấy bóng dáng chồng đâu nên bà mở cửa sổ ra để nhìn.

Vừa lúc đó thì ông chủ tiệm cũng về đến nhà. Ông vui mừng kể lại cho vợ nghe câu chuyện may mắn ông vừa thoát tay các tên gian phi. Ông nói rằng THIÊN CHÚA Quan Phòng lo liệu cho ông gặp đoàn ngũ các tu sĩ đưa người quá cố đi chôn nên ông nhập đoàn để về nhà. Bà vợ ngạc nhiên cho biết là từ cửa sổ bà chỉ trông thấy ông chứ không hề thấy đoàn thầy dòng đưa đám tang đâu cả! Vã lại, bà vợ nhận xét: đâu có đám tang nào lại tổ chức ban đêm!

Bà vợ nói xong thì cả hai vợ chồng cùng vỡ lẽ ra rằng:

- Đoàn thầy dòng đưa đám tang bí nhiệm ấy chắc hẳn là các Linh Hồn Luyện Ngục đáp lời khẩn cầu kêu xin cứu giúp. Các ngài đích thân tháp tùng ông về nhà bằng an.

Đó cũng là cử chỉ Các Linh Hồn bày tỏ lòng tri ân đối với những ai đọc kinh cầu cho các ngài.

... ”Lạy THIÊN CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Thánh Vịnh 51(50) 3-9).

(”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2010 - 31 Dicembre 2010, Anno IV/C, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 211-212+247-248)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

54-BÁC ÁI ĐỐI VỚI CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Câu chuyện xảy ra tại thành Roma vào năm 1620. Một thanh niên - tạm gọi Antonio - sống phóng túng và vô độ. Tính tình cộc cằn vũ phu khiến anh bị nhiều người oán ghét và trở thành kẻ thù chống lại anh. Họ hùa nhau tính chuyện thủ tiêu anh.

Thế nhưng, giữa cuộc sống ”dao búa” và ăn chơi trác táng ấy, anh Antonio vẫn giữ nguyên một thói quen lành thánh. Đó là việc anh thường xuyên xin lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn trong Lửa Luyện Ngục. Anh đặc biệt có lòng thương xót các ngài. Anh muốn cứu giúp các Đẳng Linh Hồn sớm được giải thoát khỏi nơi Đền Tội. Chính nghĩa cử bác ái đó đã cứu sống anh, cả hồn lẫn xác.

Một buổi tối, Antonio có chuyện phải đi về thành phố Tivoli, cách Roma khoảng 40 cây số về hướng đông bắc. Anh đi nhưng không biết mình đi vào hang kẻ thù. Bởi vì, kẻ thù biết rõ Antonio sẽ đi về hướng ấy, nên họ phục kích để giết anh. Họ núp trong một rừng cây nhỏ, mang đầy súng hỏa mai, chờ đợi giây phút Antonio đi ngang qua đó ..

Antonio cỡi ngựa bình thản nhắm thẳng hướng Tivoli. Khi gần đến nơi, anh bỗng trông thấy xác chết của một tử tội bị treo trên cây sồi. Động lòng trắc ẩn, anh cho ngựa dừng lại, đọc vài kinh cầu cho Linh Hồn kẻ quá vãng đáng thương. Bỗng chốc, tử thi hồi sinh, động đậy rồi rơi cái bịch xuống đất. Chưa hết, người chết từ từ tiến lại gần Antonio. Antonio thất kinh hồn vía đứng im như bị trời tròng. Người chết cầm lấy dây cương, bảo Antonio hãy xuống khỏi ngựa và đứng yên đó, chờ ông ta.

Antonio vô cùng ngạc nhiên, nhưng không hỏi lý do. Anh ngoan ngoãn xuống ngựa và giao cương ngựa cho người chết. Người chết lên yên và thúc ngựa chạy nhanh! Vừa tới khúc quẹo, bỗng có tiếng đạn bay vèo vèo. Những kẻ thù của Antonio bắn đạn hỏa mai xối xả vào tử thi khiến tử thi ngã gục và rơi khỏi ngựa. Trông thấy người cỡi ngựa té xuống đất, những kẻ bắn vội cao bay xa chạy. Họ nắm chắc đã giết chết Antonio!

Đứng xa xa, Antonio chứng kiến cảnh người chết lồm cồm đứng dậy và leo lên ngựa. Tử thi quay ngựa trở về chỗ Antonio đang đứng run lập cập và nói:

- Anh vừa nghe rõ những tiếng đạn hỏa mai nổ! Đó là tiếng đạn dành cho anh. Đúng ra anh rơi xuống hỏa ngục rồi! May mắn thay, các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục đã van xin được THIÊN CHÚA, Ngài cho phép tôi đến cứu sống anh, cả xác lẫn hồn, trong giờ phút nguy hiểm tột cùng này! Anh hãy ghi khắc công ơn trời bể ấy, bằng cách tiếp tục cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn, và còn hơn thế nữa, bằng cách thay đổi lối sống của anh.

Nói xong, tử thi trở lại chỗ cũ: treo lủng lẳng trên cây sồi. Về phần Antonio, khỏi cần phải nói, anh hoàn toàn hoán cải, thay đổi hẳn lối sống. Một thời gian ngắn sau đó, anh xin gia nhập một dòng tu và sống thánh thiện cho đến khi qua đời.

Câu chuyện trên minh chứng lời quả quyết của thánh Léonard de Port-Maurice (1676-1751):

- Các Linh Hồn phúc lành mà anh chị em cầu nguyện, hy sinh, làm việc thiện để xin ơn giải thoát các ngài khỏi Lửa Luyện Hình, sẽ từ Trời Cao xuống trần gian, để giúp đỡ hộ phù anh chị em trong những công việc thuộc đời này cũng như trong đời sống thiêng liêng.

Về phần thánh Augustino (354-430), ngài thường nói:

- Tôi luôn luôn nhớ cầu nguyện cho các người quá cố, để một khi các vị ấy được vào hưởng vinh quang muôn đời, đến phiên các ngài, các ngài sẽ nhớ cầu bầu cho tôi trước tòa THIÊN CHÚA Nhân Lành.

... ”Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên lời Ngài phán”(Thánh Vịnh 119, 9-16).

(Jacques Lefèvre, ”Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 41-42)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

52-TẢN MẠN CHUYỆN NGHĨA TRANG

 (Nguyên Phong dịch)

Bác sĩ Elizabeth Kübler-Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết:

“Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được.”

Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La Revue Spirite:

Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử.

Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: “Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?”

Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con.”

Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa.

Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: “Xin cho gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi.”

Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cầu cơ này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành bức thư như sau:

Các con thân mến,

Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội nói lại cho các con biết.

Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mỏi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.

Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với “tần số rung động” (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.

Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặt câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được.

Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.

Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.

Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú, v.v...

Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là khuôn vàng thước ngọc thì đời sau lại bị coi là cổ hủ, lỗi thời; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi nhũng giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.

Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.

Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang những thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vật chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự trải nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.

Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên cá nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một dòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sóng biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu. Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.

Nguyên Phong dịch

Anna Queen 

56-HỒN VÀ XÁC

Tôi sinh ra với hai phần hồn, xác

Xác mệt nhoài, vì mưu kế sinh nhai

Hồn an ủi! xác ơi hãy mạnh sức

Xác khổ đau, vì đói nghèo, bệnh tật

Hồn khẽ bảo, vàng thử lửa mới nên

Xác mệt mỏi, vì lợi danh, quyền thế

Hồn nhắc thầm, đừng nhọc sức, lao tâm

Mọi sự kia, rồi tan theo mây khói

Xác thỏa mãn, với niềm vui, khoái lạc

Hồn ần cần, vui đó sẽ qua mau

Xác nuối tiếc, khi sắp lìa cõi thế

Hồn nhủ rằng, về với Chúa vui lên

****

Xác kiêu ngạo, trong nói cười, hành động

Hồn nhủ rằng, khiêm hạ được Chúa yêu

Xác đang tâm, làm anh em đau khổ

Hồn đớn đau, nhắc nhở thôi hãy dừng

Xác thờ ơ, với việc lành bác ái

Hồn nhắc nhở, đây là điều Chúa dạy

Xác lãng quên, không theo lời giáo huấn

Hồn rỉ tai, kẻo lạc bước xa chân

Xác thỏa mãn, với niềm vui, khoái lạc

Hồn ần cần, vui đó sẽ qua mau

Xác biếng nhác, việc nguyện kinh, cầu lễ

Hồn bảo rằng, hạnh phúc chính là đây

Xác không tin, Thiên Chúa thấu sự tình

Hồn nhắc nhở, Ngài luôn luôn dõi bước

****

Rồi một ngày, xác bỗng dưng  lớn tiếng

Này hồn ơi! thôi hãy để tôi yên

Hãy để tôi, vui trọn kiếp sống này

Đừng cản trở khi lợi danh đang đến

Thú vui trần lắm kẻ mãi ước mơ

Nghe theo hồn, tôi có được những gì?

Mãi kiếp nghèo, hẩm hiu không hưởng thụ

Thế gian cười, kìa coi kẻ dở hơi..!

Sống khôn hưởng, chỉ có điên mới thế

Thôi hồn ơi! Xin hãy để tôi yên

****

Hồn khe khẽ giọng thân thương trìu mến

Nghe hồn đi chẳng thua thiệt gì đâu

Tuy kêu hai, nhưng hai ta là một

Cả hai ta, do một Đấng tác thành

Vì lẽ đó ta song hành nhắc nhở

Cùng giúp nhau, hướng chân lý ngàn đời

Cuộc sống này, dài lắm chỉ trăm năm

Quê trời kia, mới là nơi viên miễn

Siêu thoát đi, mới nhẹ cánh về trời

Ở nơi đó, ta thỏa lòng vui hưởng

Phúc bồng lai, Đấng tạo dựng hứa ban

Xác có trách, có buồn hồn gắng chịu

Vì hai ta không thể sống tách rời

Đấng tạo hóa đã sinh ra như thế

Nghe hồn đi chẳng thua thiệt gì đâu

Phúc Thiên Đàng sẽ là của hai ta.

Tháng các Linh Hồn 2010

An-tôn Lương Văn Liêm

57-LỊCH SỬ NGÀY LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái.  Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ."  Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh.  Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người.  Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa.  Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này.  Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi.  Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt.  Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

                              ****************************************

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo.  Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội.  Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết.  Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

                              ****************************************

"Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục - hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.'  Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác...  Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên.  Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn" (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).

Lm Nguyễn Phước, OFM (from vietcatholic.net)

****************************************

Lạy Chúa Giêsu,

nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này

thì thật là phiền toái.

Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn

vì phải chia tay với những người thân yêu,

vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.

Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết

như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý,

nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương.

            Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,

            Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,

            và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,

            để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống Vĩnh Hằng.

Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.

Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,

chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.

Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.

Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành

đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.

Sống một đời và chết một lần.

Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.

Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống.

Amen!   (theo Maranatha 89)

58-NGƯỜI KHÔN NGOAN ĐI THEO CON ĐƯỜNG ĐƯA LÊN SỰ SỐNG

Bà Maria Agatha Simma chào đời ngày 5-2-1915 tại Sonntag, nước Áo, trong gia đình Công Giáo nghèo thật nghèo. Bà có lòng yêu thương cách riêng các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Vì thế, THIÊN CHÚA chọn bà làm vị tông đồ giúp đỡ các Đẳng Linh Hồn. Chúa cho phép các Linh Hồn hiện về xin bà cầu nguyện hoặc làm việc đền bù phạt tạ thay cho các ngài. Xin nhường lời cho bà Maria Agata.

Một Linh Hồn hiện về với thùng rác cầm tay. Tôi liền hỏi:

- Bà làm gì với cái thùng rác này?

Linh Hồn hớn hở trả lời:

- Đây là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng cho tôi! Khi còn sống, tôi cầu nguyện rất ít. Họa hoằn lắm tôi mới đến nhà thờ xem lễ một lần. Nhưng một hôm, trước lễ Giáng Sinh, tôi tình nguyện quét dọn nhà cửa cho một bà cụ nghèo thật nghèo. Nhờ thế mà tôi được cứu rỗi. Điều này chứng tỏ: “Tất cả tùy thuộc nơi việc chúng ta có thi hành đức bác ái hay không!”

Lần khác, một Linh Mục hiện về với cánh tay phải đen thui trông thật hãi hùng! Tôi hỏi lý do thì Linh Hồn trả lời:

- Đáng lý tôi phải thường xuyên ban nhiều phép lành hơn nữa! Vậy bà hãy nói với tất cả các Linh Mục bà có dịp gặp: “Xin Các Cha hãy chúc lành nhiều hơn nữa. Bởi vì, các Linh Mục càng ban nhiều phép lành thì càng phân phát nhiều ơn thiêng, có sức mạnh đẩy xa sự dữ cùng tà-ma ám ảnh phá hoại loài người”.

Lần kia, một Linh Hồn sau khi trình bày những gì Linh Hồn cần để được giải thoát khỏi Lửa Luyện Hình, nói thêm:

- Nếu người ta làm cho tôi điều ấy, tôi sẽ được hài lòng!

Chỉ có vậy, không thêm không bớt điều gì nữa, ngoại trừ chi tiết ông sống tại đâu và qua đời khi nào.

Tôi lập lại những gì Linh Hồn xin cho các thân nhân. Các thân nhân tỏ dấu nghi ngờ không tin. Họ muốn biết có phải tất cả các Linh Hồn khi hiện về đều nói: ”Nếu người ta làm cho tôi điều ấy, tôi sẽ được hài lòng”. Tôi trả lời:

- Không! cho đến bây giờ thì đây là lần đầu tiên một Linh Hồn nói như thế!

Các thân nhân muốn biết tại sao Linh Hồn lại nói như vậy. Tôi trả lời:

- Không biết!

Họ liền nói:

- Thế thì chúng tôi biết tại sao. Đó là phương châm của thân phụ quá cố của chúng tôi. Lúc còn sống, người thường nói: ”Nếu các con làm điều đó, cha rất hài lòng”. Vì thế, chúng tôi tin lời bà nói.

Những người này không còn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật nữa. Đối với họ, đây là giới luật của Hội Thánh chứ không phải một giới răn đến từ THIÊN CHÚA. Tôi giải thích cho họ hiểu:

- Nơi cuộc sống vĩnh cửu thì một giới răn do Giáo Hội đặt ra cũng có giá trị y như một giới luật đến từ THIÊN CHÚA. Chỉ có sự khác biệt duy nhất: Giáo Hội có thể xóa bỏ hay thay đổi một giới luật do Giáo Hội đặt ra, trong khi giới răn đến từ THIÊN CHÚA thì bất biến. Giáo Hội không được phép cũng không có quyền thay đổi giới luật của THIÊN CHÚA.

Một Linh Hồn thú nhận:

- Tôi đã phạm một tội ác chống lại THIÊN CHÚA. Một ngày, trong cơn giận bốc cao, tôi vứt mạnh Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ xuống đất, rồi lấy chân đạp nát! Vừa đạp, tôi vừa thách thức: ”Nếu THIÊN CHÚA hiện hữu thật sự, Ngài không để cho điều ấy xảy ra!” Nhưng THIÊN CHÚA không dung tha cho kẻ nào dám chế nhạo Ngài. Tôi bị phạt nằm cứng đơ tại chỗ. Nhưng hình phạt bất toại ấy lại là ơn cứu rỗi cho tôi!

Kể xong, Linh Hồn xin tôi nhắn lại với bà vợ, những gì bà phải làm để có thể giảm bớt hình phạt nặng nề của ông nơi Lửa Luyện Ngục.

Khi tôi lập lại những điều ông nói với bà vợ, bà tỏ ra vô cùng kinh hãi. Từ lâu, bà đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo. Bà nói:

- Chuyện chồng tôi xúc phạm đến Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ, chỉ có duy nhất một mình hai vợ chồng chúng tôi biết. Tôi không hề tiết lộ chuyện này với ai. Chồng tôi cũng không thể nào kể lại cho ai nghe. Nếu Linh Hồn đó có thể nói như thế, thì tôi xin tin lời bà!

Sau đó, bà vợ ăn năn thống hối và trở về với Giáo Hội Công Giáo duy-nhất thánh-thiện và tông-truyền.

Linh Hồn một bác sĩ than thở về hình phạt nặng nề ông đang phải đền trong Lửa Luyện Ngục. Lý do là khi còn sống, trong lúc hành nghề, ông đã chích thuốc cho các bệnh nhân làm giảm cơn đau, nhưng cùng lúc, khiến họ chóng chết. Giờ đây, ông mới thấy rõ tầm quan trọng và giá trị lớn lao của đau khổ, nhất là đau khổ chấp nhận với lòng kiên nhẫn, mang lại giá trị vô biên. Linh Hồn nói:

- Người ta được phép làm giảm bớt các đau đớn quá lớn, nhưng không được quyền rút ngắn cuộc sống của các bệnh nhân, bằng những phương tiện hóa học, y khoa.

... ”Người khôn ngoan đi theo con đường đưa lên sự sống, tránh con đường dẫn xuống âm ty. Nhà đứa kiêu căng, THIÊN CHÚA giật cho sập, đất kẻ góa bụa, Ngài giữ vững đường ranh. THIÊN CHÚA ghê tởm những mưu đồ xấu xa, còn lời lẽ nhân hậu thì thuần khiết. Kẻ hám lợi làm tan hoang nhà cửa, người khinh chê quà hối lộ sẽ được sống lâu. Người công chính nghĩ suy rồi mới đáp, miệng kẻ gian ác tuôn trào chuyện xấu xa. THIÊN CHÚA ở xa phường gian ác, nhưng nghe lời nguyện của chính nhân. Cái nhìn ngời sáng làm tâm hồn vui sướng, tin tức may lành khiến xương cốt vững vàng. Kẻ lắng nghe lời sửa dạy, lời ban sự sống, sẽ được cư ngụ với những bậc khôn ngoan. Bỏ lời nghiêm huấn là coi rẻ chính mình, nghe lời sửa dạy là sắm lấy hiểu biết. Lòng kính sợ THIÊN CHÚA là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự” (Sách Châm Ngôn 15,24-33).

(Maria Simma, ”Les Âmes du Purgatoire m'ont dit”, Editions Du Parvis, 1990, trang 68-70)

Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt

59-PHÉP CÔNG THẲNG CỦA THIÊN CHÚA TỪ BI

... Cách đây đúng 91 năm, lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày 9-11-1919 một Linh Hồn Luyện Ngục hiện về thông báo đã được giải thoát khỏi Lửa Luyện Hình, sau đúng 40 năm bị giam cầm. Câu chuyện xảy xa tại Đan Viện San Leonardo của Các Nữ Tu Kín Clarisse ở Montefalco thuộc miền Trung Bắc nước Ý.

Ngày 13-1-1915 một trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Montefalco khiến toàn đan viện San Leonardo bị lung lay rúng động. Rất may là các Nữ Tu Kín Clarisse không hề hấn gì. Ngay hôm sau, các nữ đan sĩ bắt đầu tuần cấm phòng thường niên. Cuối tuần tĩnh tâm năm đó, toàn thể Nữ Tu đồng lòng hiệp ý quyết định dâng trọn lao nhọc, đau khổ, kinh nguyện và các việc lành đạo đức thi hành suốt cuộc đời với mục đích làm vinh danh THIÊN CHÚA và cứu thoát các Linh Hồn khỏi Lửa Luyện Hình. Ý chỉ hẳn làm đẹp lòng THIÊN CHÚA Từ Bi nên Ngài cho phép câu chuyện sau đây xảy ra.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng ngày 2-9-1918 có tiếng chuông reo ở Phòng Thánh. Mẹ Maria Teresa di Gesù (1878-1948) liền đến xem. Mẹ vừa là Bề Trên vừa là người phụ trách Phòng Thánh, nơi có chiếc bàn quay của Đan Viện để liên lạc với bên ngoài và nhận các vật dâng cúng của tín hữu. Sau lời chào thường lệ ”Ngợi Khen Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA - Siano lodati GESÙ e MARIA” của Mẹ Bề Trên thì có tiếng nói vừa bi-ai vừa cay-đắng đáp lại:

- Tôi phải để lại đây của bố thí này!

Đó là tờ giấy bạc 10 lire của thời bấy giờ tức là tương đương với 200 euros của ngày nay. Khi Mẹ Bề Trên hỏi danh tánh thì tiếng nói trả lời không cần biết tên tuổi.

Đây là lần xuất hiện đầu tiên trong tổng số 28 lần. Các cuộc viếng thăm sau đó đi kèm tờ giấy bạc 10 lire khiến các Nữ Tu Kín đơn sơ nghĩ rằng có lẽ vị ân nhân không muốn tỏ lộ danh tánh. Mãi đến hơn nửa năm sau, vào ngày 11-4-1919 mới bắt đầu có dấu hiệu khác thường.

Hôm ấy, khi nghe tiếng chuông báo hiệu như thường lệ, Mẹ Bề Trên ra Phòng Thánh với 2 Nữ Tu khác. Tiếng nói từ bên ngoài cất lên:

- Tôi để lại đây của dâng cúng này để cầu cho một người quá cố!

Mẹ Bề Trên liền mở cửa chiếc bàn quay nhỏ để lấy tờ giấy bạc. Nhưng Mẹ ngạc nhiên biết bao khi hai Nữ Tu cùng đứng với Mẹ chỉ trông thấy tờ giấy bạc nhưng không nghe có tiếng nói.

Lần kéo chuông sau đó Mẹ Bề Trên không đích thân ra Phòng Thánh nhưng bảo một Chị đi thay. Sau lời chào ”Ngợi Khen Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA - Siano lodati GESÙ e MARIA” của Nữ Tu thì không có tiếng đáp lại cũng không có tờ giấy bạc 10 lire. Thế nhưng sáng hôm sau thì xuất hiện tờ giấy bạc 10 lire như thường lệ. Các cuộc viếng thăm của người khách lạ bỗng trở thành bí ẩn đối với các Nữ Tu Kín Clarisse đan viện San Leonardo.

Ngày 16-9-1919 tiếng chuông Phòng Thánh lại reo vang sau khi các Nữ Tu đã cẩn thận đóng kín các cửa ra vào và cửa Nhà Nguyện nơi có Phòng Thánh nối liền. Lúc ấy là 9 giờ 15 phút tối. Mẹ Bề Trên đi ra Phòng Thánh với một Chị khác. Không có tiếng nói nhưng chỉ có tờ giấy bạc 10 lire. Mẹ Bề Trên không lấy tờ giấy bạc. Nhưng khi Chị kia quay đi thì Mẹ lại nghe tiếng chuông báo hiệu. Mẹ Bề Trên một mình trở lại bàn quay thì lần này có tiếng nói:

- Việc lấy tờ giấy bạc là để làm nguôi Phép Công Thẳng của THIÊN CHÚA!

Vô cùng kinh ngạc trước câu nói, Mẹ Bề Trên Maria Teresa di Gesù liền cất giọng đọc lời nguyện tắt:

- Chúc tụng sự Vẹn Tuyền Chí Thánh Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Nữ Trinh Phúc Lành MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA và Mẹ chúng con. Tên thật dịu hiền, Tên sủng ái. Mẹ là nơi nương ẩn của tội nhân: giữa các thiên thần yêu dấu và hòa điệu, xin kính chào Đức MARIA.

thì ở bên ngoài, tiếng nói bí nhiệm kia cũng cất giọng đọc theo cho đến hết câu:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các Linh Hồn lên Thiên Đàng, nhất là những Linh Hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Chưa hết! Một đêm kia Mẹ Bề Trên nghe có tiếng gỏ nhẹ cửa phòng Mẹ và một tiếng nói nhẹ nhàng báo hiệu có chuông reo nơi Phòng Thánh. Sáng hôm sau Mẹ hỏi toàn Cộng Đoàn thì không Chị nào nói là chính mình đã gỏ cửa phòng Mẹ Bề Trên. Thêm vào đó, mọi cửa ra vào Đan Viện đều được cẩn thận đóng kín. Vậy thì, tiếng gỏ cửa và tiếng nói bí nhiệm kia chắc chắn không phải của một người còn sống!!!

Ngày 3-10-1919 chuông Phòng Thánh lại reo. Thể theo lời Cha Giải Tội dặn, vì sợ rằng đây là trò đùa của ma quỉ chăng, nên Mẹ Maria Teresa di Gesù từ chối không nhận tờ giấy bạc 10 lire. Trước sự kiện này, tiếng nói vừa buồn-sầu vừa áo-nảo trấn an Mẹ Bề Trên:

- Không, tôi là một Linh Hồn Luyện Tội, từ 40 năm qua, tôi phải ở trong Lửa Luyện Hình vì tội đã phung phí tài sản của Hội Thánh!

Sau lời giải thích này, Linh Hồn còn trở lại Phòng Thánh nhiều lần nữa. Cho đến ngày 10-10, Mẹ Maria Teresa di Gesù thu hết can đảm nói với Linh Hồn Luyện Tội:

- Tại sao ngài còn phải ở trong Lửa Luyện Tội lâu như thế, trong khi có vài Thánh Lễ đã dâng để cầu cho ngài, không phải chỉ cần một Thánh Lễ là đủ để giải thoát ngài ra khỏi chốn Luyện Hình sao???

Linh Hồn trả lời:

- Trong các Thánh Lễ dâng cầu cho tôi, tôi chỉ được hưởng nhờ ít thật ít!

Nói xong, Linh Hồn để lại 2 tờ giấy bạc 10 lire xếp lên nhau làm thành hình Thánh Giá.

Trước lần hiện về sau cùng, chuông Phòng Thánh reo vào lúc 2 giờ 45 phút sáng. Vẫn bằng tiếng gỏ cửa nhẹ và tiếng nói quen thuộc báo cho Mẹ Bề Trên biết là có chuông reo ở Phòng Thánh. Khi trông thấy tờ giấy bạc 10 lire, Mẹ Maria Teresa di Gesù trịnh trọng nói:

- Theo lệnh của Cha Giải Tội, xin nói cho con biết ngài là ai: có phải là Linh Mục không???

Tiếng nói bên ngoài bàn quay đáp lại:

- Đúng thế!

Lần hiện về cuối cùng Linh Hồn báo tin đã được giải thoát khỏi Lửa Luyện Tội. Lúc ấy là 4 giờ 45 phút sáng ngày 9-11-1919.

... Hội Thánh có sáu điều răn: Thứ nhất: Xem Lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày Lễ Buộc. Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày Lễ Buộc. Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần. Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU trong Mùa Phục Sinh. Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc. Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.

... Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều Răn. Thứ nhất: Thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật. Thứ bốn: Thảo kính Cha Mẹ. Thứ năm: Chớ giết người. Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy: Chớ lấy của người. Thứ tám: Chớ làm chứng dối. Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười: Chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 7 giorni di formazione e di informazione cattolica, 11 Novembre 2007, n.44, Anno VI, trang 21-24)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

60-SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU!

Đã là con người, ai cũng có lúc phải cần đến người khác; đó là bản tính xã hội của con người. nếu không con người chỉ sống lẻ loi cô độc, vô nghĩa như một hòn đảo lạc lõng giữa đai dương, lúc còn sống con người cần đến nhau là chuyện dễ hiểu, lúc chết đi, liệu con người có còn cần đến nhau? Tháng Các Đẳng linh hồn là dịp thuận tiện để chúng ta cùng suy nghĩ về vấn đề này.

Sỏi đá cũng cần có nhau

Những ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn đều biết rằng nhạc ông viết nhiều về tình yêu và thân phận con người. Có người cho rằng nét trữ tình và đầy tính triết lý của ông chỉ nên trình diễn với cây giuta thùng, nếu trình bày theo một lối khác sẽ bị coi là “phá cách”, có người đặt thẳng vấn đề: “NhạcTrịnh có thể phá cách đến đâu ?”. Hãy để lời phán xét cho nhà chuyên môn.

Lắng nghe ca từ của bài hát đã được trau chuốt để hiểu được tính triết lý của tác giả là vấn đề khó, đặt mình trong bối cảnh lễ các đẳng sắp đến để lắng nghe rồi tìm ra ý nghĩa của thân phận con người lại càng khó hơn nữa.

Càng nghe nhạc Trịnh càng nhận thấy thân phận con người thật khó hiểu, giống như một vòng xoáy hình tròn ốc ; có khi đời ta là “đốm lửa”, có khi là “cát bụi tuyệt vời”, có khi được nâng lên như “hoa mới nở” như “đoá hoa tường vi”. Rồi cũng bất chợt nhận ra quanh ta luôn có “Lời thiên thu vẫy gọi” rồi cũng không hiểu tại sao …”nhiều hôm muốn đi về con phố xưa, nhiều hôm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà…” (1) Tính triết lý về thân phận con người và tình yêu thật sâu và thật khó hiểu khiến cho những ai muốn trình bày ca khúc của ông cũng phải cân nhắc cẩn thận.

Không chỉ có âm nhạc truyền tải thân phận con người mà cả cây cỏ và những vật vô tri vô giác cũng góp phần để gẫm suy về thân phận con người. Đó là sỏi đá chúng cũng mang tính triết lý sống thật độc đáo: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Tại sao sỏi đá lại cần đến nhau? Một lối so sánh giữa đá và sỏi không cân xứng nhưng rất độc đáo. nếu có dịp đi bộ trên bãi biển, ta sẽ thấy những tảng đá lớn nhỏ quấn lấy nhau thật lạ lùng, lúc chết đi con người càng cần nhau hơn nữa, tạo thành một thế kiềng để giữ lấy nhau. Đôi khi bên dưới những tảng đá lớn là những hòn đá nhỏ hoặc những viên sỏi nhỏ như hình ảnh gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh. Theo lẽ thường, ai cũng nghĩ rằng những hòn đá nhỏ, những viên sỏi nhỏ cần núp bóng những tảng đá lớn, cần ẩn mình bên tảng đá lớn để tồn tại, nếu không chúng sẽ bị sóng cuốn trôi đi. Nhưng cũng thật éo le, những tảng đá dù lớn đến đâu, cũng phải cần đến những hòn đá nhỏ, cần đến những viên sỏi nhỏ chèn ở dưới chân để tạo thành thế đứng tồn tại, nếu chúng không muốn bị sóng cuốn trôi ra biển. Hóa ra, để tồn tại, để được hiện hữu trên miền đất của kẻ sống, sỏi đá là những vật vô tri vô giác cũng phải cần có nhau.

NGƯỜI SỐNG & NGƯỜI CHẾT CŨNG CẦN CÓ NHAU

Từ chuyện sỏi đá đến chuyện của con người “Sỏi đá cũng cần có nhau”còn con người thì sao? Lúc còn sống, con người cần có nhau để nương tựa để sinh tồn là chuyện dễ hiểu. Niềm tin Kitô giáo dạy rằng lúc chết đi con người càng cần nhau hơn. Cần có nhau lắm trong lúc không thể làm được gì. Đó là niềm tin từ bao đời nay trong Hội Thánh.

Tháng Các Đẳng gợi lên trong mỗi người cảm xúc khó tả về người đã khuất. Người còn sống dành một chỗ trong cõi lòng mình về hình ảnh của người thân đã khuất, cho dù trong quá khứ họ đã gây phiền hà và làm ta buồn, nhưng giờ đây tất cả đã trở thành những ký ức sâu đậm và đáng trân trọng. Vì thế, tháng Các Đẳng là thời gian thuận tiện để người thân hướng về những người đã khuất, họ bộc lộ niềm tin cũng như tình cảm bằng hành động rất cụ thể: xin lễ cầu nguyện, viếng nghĩa trang, viếng nhà mồ, sửa sang lại bàn thờ, thắp nén hương… có người còn dựng lều bên phần mộ của người chết để ở với người chết suốt ngày cho trọn tình vẹn nghĩa.

Tất cả những nghĩa cử đó tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa người sống và người chết. Thế giới của người sống và người chết không còn ngăn cách nữa nhưng trở nên gần gũi, được nối kết với nhau trong cõi linh thiêng. Như thế “người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi”. Qua chính những nghĩa cử này, hình ảnh của người thân sống lại, người còn sống nói chuyện với người đã khuất như là hai người còn sống đang nói chuyện với nhau.

Thật đúng với niềm tin bình dân của người Việt nam “sống chết có nhau”, người chết không phải là chết hẳn mà chỉ khuất bóng, người chết không cách xa với người còn sống mà vẫn hiện diện bên nhau trong yêu thương và tưởng nhớ.

Tuy hiện diện trong cõi linh thiêng, nhưng ngưởi khuất bóng rất cần sự trợ giúp của người còn sống, cần hơn cả “sỏi đá cần có nhau”vì liên quan đến sự sống đời đời của người đã khuất.

Niềm tin của Hội Thánh dạy rằng “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn,mặc dù chắc chắn được ơn cứu độ đời đời, còn phải chịu sau khi chết, để đạt được sự thanh luyện cần thiết để vào hưởng phúc Thiêng Đàng” (2) Thời gian ‘lập công chuộc tội’ của những người đã chết không còn nữa. Do vậy, những hy sinh, hãm mình, cầu nguyện, ăn chay… của người còn sống đều có giá trị thanh tẩy và giảm bớt thời gian thanh luyện cho những người khuất cũng như các linh hồn. Mọi việc làm của người sống dành cho người chết đều có giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu, những việc lành phúc đúc ta làm với ý chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục đều được Thiên Chúa tính công.

Tín điều các thánh cùng thông công càng làm cho ta xác tín rằng giữa người sống và người chết có mối liên hệ không thể thiếu được. Trong sách Gióp có nói đến trường hợp, nhờ việc ông Gióp dâng lễ vật mà con ông được thanh luyện. sách Giáo Lý của Hội Thánh dạy: “Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha”(G 1, 5), tai sao chúng ta còn nghi ngờ là những của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho người qúa cố, lại không đem đến cho họ một phần un ủi sao ? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời? (3)

Chính vì thế, “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố, và cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh”(2Mcb 12, 45), đặc biệt trong thánh lễ để một khi được thanh luyện họ có thể hưởng nhan Thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường các ân xá cho những người đã qua đời (4)

Các linh hồn có người thân, đến các linh hồn không có người thân hoặc không ai biết đến, các linh hồn “chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha”… tất cả đều rất cần những việc hy sinh, việc lành của người còn sống. Đó là cách ta có thể giúp các linh hồn.

“Nay người mai ta’ người sống và người chết đều cần có nhau, không ai biết trước được điều gì. Đến lượt ta, sau khi nhắm mắt lìa đời, ta cũng cần đến lời cầu nguyện và những hy sinh của người cỏn sống. Nếu ta muốn người khác nhớ đến mình sau khi qua đời, thì ta hãy nhớ đến những người đã qua đời đi. Đó là quy luật.

“Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, có ông bà có cha mẹ”. Tháng Các Đẳng là thời gian thật thuận tiện để ta nhớ đến và bày tỏ lòng yêu mến hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, những người thân đã khuất, những người đã đi qua cuộc đời của ta, mà nay đã ly trần.

Xin đừng để thời gian trôi qua mà không sinh ích lợi cho các linh hồn

________________________________________

1. Ca từ được trích tử các bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

2. GLTC, số 1030

3. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về 1 Cr 41, 5

4. GLTC 1032

Lm ĐaMinh ĐặngQuốc Hưng

61-ĐỂ KHỎI XUỐNG LUYỆN TỘI

Tháng 11 được Giáo Hội dành để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục và dạy ta: nếu muốn khỏi xuống luyện ngục sau khi chết, thì bao lâu còn sống trên đời, hãy chịu khó làm việc đền tội và ra sức cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.

Để nhắc nhở ta sốt sắng làm hai việc trên này, ta hãy suy gẫm một chút về 5 mục sau đây: Về tín điều luyện ngục, về những linh hồn phải xuống luyện ngục, về hình khổ luyện ngục, về nhiệm vụ cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục, về cách thức cứu giúp họ.

1. Về tín điều luyện ngục

Có luyện ngục! Đó là một tín điều phù hợp với đức công bằng và lòng từ bi của Thiên Chúa.

a/. Công Đồng Vatican II chia Dân Chúa làm ba thành phần: “Trong các môn đệ Chúa Kitô, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế; có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện; và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong Ba Ngôi cực thánh. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong cùng một đức mến Chúa yêu người” (LG 49).

b/. Kinh Thánh không dùng tiếng luyện ngục, nhưng cho ta thấy thực tại của luyện ngục, như khi Chúa Giêsu dạy: có những tội được tha ở đời  này, và có những tội được tha ở đời sau (Mt 12,32). Và ta thấy rõ: không thể nào được tha trong hỏa ngục, thì hẳn là được tha trong luyện ngục. Và như vậy là có luyện ngục.

c/. Thánh Phaolô cũng bảo: có kẻ được cứu rỗi, nhưng phải qua ngọn lửa (1Cor 3,15), tức là lửa luyện ngục.

d/. Giuđa Macabê khi thắng trận Gorlias, đã quyên tiền gởi về Giêrusalem, xin dâng lễ đền tội cho các lính tử trận, để họ được tha tội (2Mac 12,43-45), thì hẳn là họ ở luyện tội.

e/. Có lạ gì, xưa nay trong Giáo Hội Công giáo, các linh mục cũng như giáo dân vốn năng cầu nguyện và dâng lễ chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Phụng vụ đã đặt lễ các linh hồn vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh; lại dành cả tháng 11 để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục.

2. Những linh hồn nào phải xuống luyện ngục?

a/. Sách Bổn công giáo chúng ta, ở số 123 có hỏi: “Những ai phải vào luyện ngục?” Và ta thưa: “Những người chết khi có ơn nghĩa cùng Chúa, nhưng còn mắc tội nhẹ, hay chưa đền hết hình phạt bởi tội, thì phải vào luyện ngục mà đền cho hết, mới được lên thiên đàng”.

Ta biết: mỗi tội ta phạm đều có hình phạt kèm theo (coulpe et peine: tội và vạ). Khi ta xưng tội, thì được khỏi tội, nhưng còn phải đền hình phạt, do linh mục bảo đền một phần, do ta tiếp tục đền sau.

Vậy linh hồn phải xuống luyện là khi chết ở trong tình trạng sạch mọi tội trọng, chỉ có tội nhẹ chưa được tha, hay là những hình phạt bởi tội đã được tha, nhưng chưa đền xong. Cho nên phải vào luyện tội đền cho xong, mới được lên thiên đàng.

b/. Ta cũng thấy Giáo Hội đã trù liệu các phương tiện cần thiết để giúp những người lâm chung được thanh tẩy linh hồn hoàn toàn trong sạch, trước khi từ giã đời này. Cho nên, thường các bệnh nhân nguy tử được chịu 3 bí tích một trật: xưng tội, chịu phép xức dầu, chịu lễ như của ăn đàng; lại được lãnh một ơn đại xá, để thanh toán tất cả các hình phạt bởi tội mà chưa đền xong. Và như vậy, có chết là được lên thiên đàng ngay, khỏi phải qua luyện ngục.

Nhưng trong thực tế, vì lẽ này lẽ nọ, nhiều người lâm chung không biết triệt để lợi dung các phương tiện thanh tẩy của Giáo Hội; nên khi chết, còn phải vào luyện ngục, để đền cho xong.

3. Linh hồn ở luyện ngục phải chịu những hình khổ gì?

a/. Các linh hồn nơi luyện ngục phải khổ nhất là không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, là nguồn hạnh phúc của họ. Ở đời này, người ta bị bao vui thú quyến rũ, mà những người lành còn khát khao Thiên Chúa, như thánh Augustinô dạy: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con thao thức không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Fecisti nos ad Te, Domine, et inquietum est cor nostrum, donec requiscat in Te” (Tự Thuật I,1). Huống chi, khi ở luyện ngục, người ta không còn bị cái gì thu hút nữa, chỉ còn một mình Thiên Chúa, thì sự khao khát đó sẽ tới mức nào!

b/. Đàng khác, các linh hồn còn phải chịu nóng nảy, tối tăm, khổ cực gần như ở hỏa ngục vậy. Vì thế, trong kinh nguyện Thánh Thể thứ I, Giáo Hội cầu cho các linh hồn ấy rằng: “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương ban cho các linh hồn ấy và tất cả những người nghỉ an trong Chúa Kitô được vào nơi mát mẻ, ánh sáng và bình an”.

c/. Có điều rất an ủi các linh hồn ấy, là các ngài biết mình kính mến Chúa và biết Chúa thương yêu mình. Lại xác tín rằng: các hình khổ đó chỉ nhằm mục đích thanh luyện mình để được hoàn toàn trong sạch mà thôi. Cho nên các ngài không buồn chán, mà còn ước ao chịu khổ để chóng được lên thiên đàng. Đồng thời các ngài ước ao chúng ta giúp đỡ lắm.

4. Ta có phải giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục không?

a/. Giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục là giữ luật buộc ta phải thi hành mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Thánh Phaolô đã dạy: “Trong một thân mình, một chi thể đau, thì các chi thể khác cũng phải đau lây; một chi thể được vinh dự, thì các chi thể khác cũng được hưởng nhờ” (1Cor 12,26). Việt Nam ta cũng có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.

b/. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục còn là một nghĩa vụ công bằng, đối với cha mẹ, bà con, ân nhân, bạn hữu và những kẻ đã vì ta mà phải xuống luyện ngục.

c/. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, là các chi thể đau khổ của Chúa Kitô, tức là giúp Chúa, như chính Ngài đã dạy: “Mỗi khi các ngươi làm các việc ấy cho một kẻ bé mọn nhất trong các anh em Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25,40). Và ta biết: làm cho Chúa thì được trả công bội hậu dường nào. Chúa lại đã cho ta một qui tắc tốt: “Các con muốn người ta làm cho các con thế nào, thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Nhà nho cũng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì cũng đừng làm cho người ta”. Ta giúp các linh hồn, thì các linh hồn cũng sẽ giúp lại ta.

5. Ta có thể giúp các linh hồn ấy cách nào?

Có 4 cách này:

a/. Một là hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn ấy, hợp với kinh nguyện của Giáo Hội, là trong lễ an táng, lễ giỗ 30 ngày, 100 ngày và hằng năm.

b/. Hai là năng dâng các việc lành của ta chỉ cho họ như: ăn chay, hãm mình, bố thí, chu toàn phận sự, chịu các đau khổ gặp phải hằng ngày vv...

c/. Ba là cách tốt nhất, là dâng lễ và xin lễ chỉ cho họ.

d/. Bốn là lãnh ơn xá chỉ cho họ. Ta biết: mỗi ngày ta có thể lãnh rất nhiều tiểu xá, gắn liền với các việc lành ta làm; nhưng phải có ý lãnh tất cả các ơn xá đó khi đọc kinh dâng ngày, lúc thức dậy, có ý chỉ cho các linh hồn.

Còn ơn đại xá, thì mỗi ngày, chỉ lãnh được một mà thôi, tức là phải làm việc có ơn đại xá, với 3 điều kiện, là xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Giáo Hoàng.

- Xưng tội, thì chỉ cần xưng 15 ngày một lần, đủ cho được lãnh đại xá mỗi ngày, miễn là ta làm việc có ơn xá trong tình trạng sạch tội trọng.

- Rước lễ, thì làm chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.

- Cầu theo ý Đức Giáo Hoàng là đọc 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Tin Kính, chỉ cho Đức Giáo Hoàng, cũng chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.

-  Ta biết: giá trị ơn đại xá là tha hết các hình phạt đáng chịu vì tội đã phạm và đã được tha. Cho nên một linh hồn nào ở luyện ngục, mà được nhờ một ơn đại xá, thì được lên thiên đàng ngay lập tức.

…. Vậy trong tháng 11 này, ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và thúc giục giáo hữu ta làm như vậy nữa.

Vì cách tốt nhất để dọn mình chết lành và chết “được lên thiên đàng thẳng rẵng”, như thánh Dũng-Lạc đã ước ao, là khi còn sống ở đời này, hãy làm việc đền tội nhiều và hãy hết sức cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục, bằng các việc lành phúc đức. Đó là mua chuộc nhiều bạn hữu, để khi ta chết, họ “đón ta vào cung điện đời đời”, như Chúa đã dạy (Lc 16,9).

Chớ gì được như vậy!

Đức Cha cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ

62- KHÁC BIỆT GIỮA LINH HỒN HIỆN VỀ VÀ HIỆN TƯỢNG CẦU CƠ

Bà Maria Agata Simma chào đời ngày 5-2-1915 tại Sonntag, Vorarlberg, bên nước Áo, trong một gia đình Công Giáo nghèo nhưng đạo đức, có 8 người con. Song Thân là ông Giuseppe Antonio Simma và bà Aloisa Rinderer. Vào thời niên thiếu, cô Maria Agata muốn dâng mình cho Chúa trong dòng tu nhưng vì sức khoẻ yếu kém nên bị từ chối. Không thực hiện được ước nguyện, Maria Agata rất đau khổ về tinh thần, nhưng cúi đầu tuân phục thánh ý THIÊN CHÚA.

Mãi đến năm 25 tuổi, cô Maria Agata Simma mới nhận dấu hiệu rõ ràng về ơn gọi cuộc đời mình:

- Chấp nhận chịu đau khổ và cầu nguyện để cứu các Linh Hồn sớm thoát ra khỏi Lửa Luyện Hình.

Ơn gọi đặc thù của cô được chính Cha Linh Hướng Alphonse Matt xác nhận và khuyến khích.

Năm 2001, trong cuộc nói chuyện với nữ tu Emmanuel, bà Maria Agata Simma giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa việc các Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin cầu nguyện với hiện tượng cầu cơ - gọi hồn người chết - bị Giáo Hội Công Giáo nghiêm cấm. Bà Maria Agata nói.

Người ta không được phép gọi hồn người chết. Phần tôi, tôi không bao giờ tìm kiếm các cuộc hiện ra của các Linh Hồn. Trong khi cầu cơ thì trái lại, người ta khiêu khích, người ta gọi hồn người chết phải hiện về.

Sự khác biệt quá rõ ràng và chúng ta - tín hữu Công Giáo - có bổn phận phải suy xét thật nghiêm chỉnh. Không được đùa chơi với thế giới bên kia! Nếu người ta chỉ buộc phải tin một điều tôi nói, thì tôi ước ao người ta tin điều quan trọng này:

- Những người cầu cơ nghĩ rằng họ gọi hồn người chết, nhưng thật ra, nếu có tiếng trả lời thì luôn luôn là tiếng trả lời của chính Satan hay là bè lũ của Satan mà thôi.

Những người cầu cơ - kẻ bói toán hay đồng bóng - làm chuyện hết sức nguy hiểm cho chính họ cũng như cho những người đến hỏi ý kiến của họ. Họ là những kẻ sống trong sự cực kỳ gian dối và lừa bịp. Chúng ta biết rõ Kinh Thánh Cựu Ước nơi sách Đệ Nhị Luật dạy rằng: “Không ai được làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn..” (18,10-11).

Phần tôi, tôi không bao giờ - trong quá khứ, nơi hiện tại cũng như trong tương lai - tôi không bao giờ gọi Linh Hồn những kẻ đã qua đời. Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA cho phép những gì xảy ra mà thôi. Dĩ nhiên Satan - là con khỉ luôn luôn bắt chước các điều THIÊN CHÚA làm - có thể giả làm hồn người chết hiện về nói thế này, nói thế kia. Cho dầu các hình thức hiện về có khác nhau thế nào đi nữa thì vẫn luôn luôn có sự can thiệp của Ma Quỷ. Đừng nên quên rằng Satan cũng có thể chữa lành tật bệnh, nhưng việc chữa lành này thường không kéo dài lâu.

Xin trưng dẫn trường hợp một lần Satan lấy hình Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục hiện về với tôi. Hắn ta nói:

- Bà đừng nhận lời cầu xin của Linh Hồn đến sau tôi, bởi lẽ Linh Hồn đó sẽ xin bà phải chịu quá nhiều đau khổ. Chắc chắn bà không đủ sức làm điều Linh Hồn ấy xin đâu!

Lời nói của linh hồn này khiến tôi âu lo áy náy, bởi lẽ tôi nhớ lại lời Cha Sở dặn:

- Con phải nhận lời giúp đỡ mỗi Linh Hồn với lòng mau mắn quảng đại!

Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi cảm thấy bị thử thách trong việc thi hành nhân đức vâng lời. Thế rồi tôi tự nhủ:

- Phải chăng đây là trò chơi của ma quỷ thay vì của Linh Hồn hiện về từ Lửa Luyện Tội?

Tôi liền ra lệnh:

- Nếu ngươi là tên quỷ dữ thì hãy cút đi!

Ngay lúc đó, quỷ rú lên một tiếng thét rồi biến mất. Điều hiển nhiên là Linh Hồn đến sau đó chính là Linh Hồn rất cần tôi trợ giúp.

... Ngoài việc cứu giúp các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục, bà Maria Agata Simma cổ động người còn sống đừng quên các người thân yêu đã qua đời, đồng thời giúp đỡ người hấp hối được ơn chết lành. Bà Maria Agata Simma cũng xin quý bậc phụ huynh lưu ý đến việc giáo dục con cái. Bà nói:

Ngày nay nhiều bậc cha mẹ không biết giáo dục con cái mỗi khi họ chìu theo hoặc thỏa mãn tức khắc bất cứ đòi hỏi chướng-kỳ nào của con cái. Làm như thế tức là khiến cho tính xấu kiêu ngạo dễ đâm rễ sâu trong lòng một đứa trẻ. Sau này khi đến trường đứa trẻ không biết đọc ngay cả kinh Lạy Cha hoặc không biết làm dấu Thánh Giá. Đôi khi chúng chả biết gì về THIÊN CHÚA.

Xin quí vị nhớ dạy cho con trẻ biết hy sinh. Sở dĩ ngày nay có hiện tượng dửng dưng tôn giáo và nền luân lý xuống thấp là vì trẻ em không được giáo dục cho biết phải từ khước những đòi hỏi lắc-léo thất-thường! Lớn lên chúng trở thành những kẻ hay bất bình, không có trí phán đoán đúng đắn hoặc có đời sống tính dục buông thả, vô chừng mực! Lúc nhỏ nếu không được dạy cho biết cách tự kiềm chế thì lớn lên sẽ trở thành người ích kỷ, vô tâm và độc đoán. Không lạ gì trong thế giới ngày nay người ta thấy có nhiều hận thù hơn là tình yêu và lòng thương xót. Nếu quí vị muốn sống thời kỳ tốt đẹp hơn thì phải bắt đầu ngay hôm nay việc giáo dục kỹ lưỡng con cái.

Con người rất dễ phạm tội, lỗi nhân đức bác ái bằng cách vu khống, lừa đảo và thóa mạ. Tội khởi đầu trong tư tưởng. Vì thế phải giáo dục cho con trẻ biết xua đuổi tức khắc những tư tưởng đối nghịch với đức bác ái và không bao giờ được phán đoán người khác mà không dựa trên đức bác ái.

Đối với các tín hữu Công Giáo thì làm việc tông đồ là một bổn phận. Có người làm việc tông đồ bằng chính cuộc sống nghề nghiệp. Người khác làm việc tông đồ bằng cuộc sống gương mẫu đạo đức và thánh thiện.

Mối lo lắng về phần rỗi linh hồn không được bị bóp nghẹt bởi các chăm sóc thái quá về thân xác.

Sau cùng, nữ tu Emmanuel nói về bà Maria Agata Simma:

- Tôi rất hài lòng vì được quen biết bà Maria Simma. Bà là người phụ nữ dâng hiến trọn cuộc sống cho người khác. Mỗi giây phút cuộc đời bà có giá trị vĩnh cửu, không phải cho riêng bà nhưng còn cho rất nhiều Linh Hồn - quen biết cũng như không quen biết. Bà hết lòng giúp đỡ các Linh Hồn để giải thoát các Linh Hồn ra khỏi Lửa Luyện Ngục, được vào vui hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu trên Trời.

... ”Khi vào đất mà THIÊN CHÚA ban cho anh chị em, thì anh chị em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh chị em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với THIÊN CHÚA và chính vì những điều ghê tởm ấy mà THIÊN CHÚA của anh chị em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh chị em. Anh chị em phải sống trọn hảo với THIÊN CHÚA của anh chị em” (Sách Đệ Nhị Luật 18,9-13).

(Sr Emmanuel + Maria Simma, ”L'étonnant secret des Âmes du Purgatoire”, Éditions des Béatitudes, Shalom, 1998, trang 46-51)

Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt

62- LẠY CHÚA, XIN LẤY LÒNG NHÂN HẬU THƯƠNG XÓT CON

... Vào năm 1827 tại thủ đô Paris của nước Pháp có một thiếu nữ Công Giáo nghèo thật nghèo nhưng vô cùng quảng đại. Cô tên Têrêsa. Têrêsa có thói quen lành thánh: mỗi tháng xin một Thánh Lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn trong Lửa Luyện Ngục.

Nhưng rồi THIÊN CHÚA thử thách cô gái bằng một chứng bệnh hiểm nghèo khiến cô vô cùng đau đớn. Têrêsa bị mất việc làm và tiêu tán tiền của. Ngày cảm thấy kha khá, Têrêsa ra khỏi nhà với vỏn vẹn 20 xu trong túi.

Cô rảo qua các khu phố thủ đô Paria để tìm việc làm. Khi đi ngang nhà thờ Thánh Eustache, Têrêsa ghé vào cầu nguyện. Bỗng cô sực nhớ là tháng ấy cô chưa xin Thánh Lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn. Têrêsa thoáng chút do dự. Số tiền 20 xu cũng là lương thực trong ngày. Nhưng Têrêsa không do dự lâu. Cô biết mình phải làm gì. Bất ngờ có một Linh Mục bước vào nhà thờ chuẩn bị dâng Thánh Lễ. Têrêsa liền hỏi Cha có bằng lòng dành Thánh Lễ ngày hôm ấy để cầu cho các Đẳng Linh Hồn không. Cha vui vẻ nhận lời với số tiền dâng cúng 20 xu của Têrêsa.

Thánh Lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn chỉ có vị Linh Mục chủ tế và một giáo dân tham dự.

Lễ xong, Têrêsa ra khỏi nhà thờ tiếp tục đi lang thang tìm việc làm. Cô thật sự lo lắng vì đi mãi mà không có hy vọng gì hết. Bỗng một thanh niên dáng quí tộc tiến đến gần và hỏi:

- Cô tìm việc làm phải không?

Têrêsa nhanh nhẹn đáp:

- Thưa phải!

Thanh niên nói tiếp:

- Cô hãy đến đường X nơi nhà số Y chắc chắn cô sẽ có việc làm và sẽ được hạnh phúc!

Nói xong, anh bỏ đi ngay không đợi nghe lời Têrêsa rối rít cám ơn.

Khi tìm được căn nhà đúng số đã chỉ, Têrêsa thấy một cô giúp việc từ trong nhà đi ra, nét mặt cau có khó chịu. Têrêsa rụt rè hỏi thăm bà chủ có nhà không. Cô kia đáp lửng-lơ:

- Có lẽ có .. có lẽ không .. nhưng có hệ gì! vì đâu có dính dáng gì đến tôi!

Nói xong, cô gái ngoay-ngoảy bỏ đi.

Têrêsa run rẩy bấm chuông. Một tiếng nói dịu dàng bảo vào. Cô bỗng đối diện với một phụ nữ cao niên quí phái. Bà nhẹ nhàng bảo Têrêsa trình bày cho bà biết cô muốn gì. Têrêsa nói nhanh:

- Thưa bà, sáng nay con hay tin bà cần người giúp việc. Con xin đến nhận chỗ làm này. Người ta bảo đảm với con là bà sẽ tiếp nhận con với lòng nhân hậu!

Bà chủ ngạc nhiên nói với Têrêsa:

- Điều con vừa nói thật là lạ. Sáng nay bà chả cần ai hết. Nhưng cách đây nửa giờ bà vừa đuổi cô giúp việc vì nó chễnh-mãng trong việc làm. Chuyện chưa hề có người biết, ngoại trừ bà và cô giúp việc. Vậy ai đã chỉ đường cho con đến đây?

Têrêsa đơn sơ trả lời:

- Một thanh niên dáng điệu sang trọng, con gặp ngoài đường, bảo con đến đây!

Bà chủ nhà thử tìm cho biết thanh niên ấy là ai, nhưng vô hiệu.

Bỗng Têrêsa nhìn lên và trông thấy tấm ảnh một chàng trai treo trên tường. Cô mừng rỡ kêu lên:

- Thưa bà, bà không cần tìm đâu cho xa. Đây chính là gương mặt người đã nói chuyện với con. Chính anh chỉ đường cho con đến đây!

Vừa nghe xong, bà chủ nhà kêu lên một tiếng thất thanh, như muốn ngã xuống bất tỉnh. Xong, bà bảo Têrêsa tỉ mỉ kể lại cho bà nghe, bắt đầu từ chuyện cô có lòng thương mến các Đẳng Linh Hồn, đến Thánh Lễ sáng hôm ấy, rồi chuyện gặp gỡ chàng thanh niên.

Khi Têrêsa chấm dứt, bà chủ âu yếm ôm hôn cô và nói:

- Con không phải là đầy tớ giúp việc cho bà, nhưng từ giờ phút này, con là con gái bà. Thanh niên con trông thấy chính là quý tử độc nhất của bà. Con bà chết cách đây hai năm và hôm nay chính con đã giải thoát nó ra khỏi Lửa Luyện Hình. Bà chắc chắn như thế. Bà hết lòng ghi ơn con. Giờ đây chúng ta cùng nhau sốt sắng cầu nguyện cho những Linh Hồn còn chịu thanh tẩy trong Lửa Luyện Ngục trước khi được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

... “Lạy THIÊN CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Thánh Vịnh 51(50) 3-9).

 (Jacques Lefèvre, ”Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 35-37)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

62- NHÂN ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG GIÚP RẤT NHIỀU CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Ngày 6-12-1726, tại đan viện kín Cát-minh ”Chúa Ba Ngôi” ở Munich, Đức Quốc, nữ tu Anne-Josèphe de Jésus Lindmayr, trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 69 tuổi. Ngay năm sau, 1727, giáo phận Munich liền mở cuộc điều tra để lập hồ sơ xin phong thánh cho Chị.

Trước khi vào tu, Chị Anne-Josèphe de Jésus đã nổi tiếng đạo đức, dưới tên gọi Marie-Anne Lindmayr. Chị được đặc ân tiếp xúc với các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội, hay nói đúng hơn, các Linh Hồn thường hiện về xin Chị ăn chay, hãm mình đền tội và cầu nguyện cho họ sớm được giải thoát khỏi nơi giam cầm về hưởng tôn nhan Chúa. Xin trích dịch một đoạn trong ”Nhật Ký” của Chị.

Để củng cố sức mạnh tâm hồn con, nhờ kinh nghiệm, con học biết danh thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ có quyền lực lớn lao như thế nào. Muôn vàn cảm tạ hồng ân vô biên của THIÊN CHÚA, qua nhiều lần nhiều cách, đã thương chỉ dạy cho con hiểu rằng:

- Phải hết sức trang nghiêm khi kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU và phải kêu van danh thánh Người với trọn lòng tin tưởng.

Chính nhờ danh thánh cực trọng Đức Chúa GIÊSU mà con được đặc biệt trợ giúp trong việc chống cự với ma quỷ. Ma quỉ thường xuất hiện quấy phá con và nhìn con với đôi mắt giận dữ tột độ, làm như thể chúng muốn xé nát thân xác con thành trăm mảnh. Mỗi lần ma quỉ xuất hiện, con kính cẩn kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU KITÔ, chúng liền ù té chạy trốn tức khắc ..

Ngoài ra, một Linh Hồn thực thi nhân đức khiêm nhường sẽ không bao giờ thua trận, cho dù cả hỏa ngục hùa nhau chống lại Linh Hồn ấy. Trái lại, một Linh Hồn không có nhân đức khiêm nhường thì chỉ cần một tên quỉ con cũng dư sức để thắng Linh Hồn đó, thắng dễ như trở bàn tay!

Vì bị yếu mệt không thể đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, con lấy thói quen giục lòng sốt sắng và dùng tâm trí hiện diện trước Mình Thánh Chúa, nơi bàn thờ đang cử hành Thánh Lễ. Con cảm nghiệm rằng với Đức Tin sống động và với lòng ước muốn nhiệt thành, cho dù không thể tham dự Thánh Lễ thực sự, Linh Hồn vẫn nhận lãnh nhiều ơn lành THIÊN CHÚA ban cho các tôi tớ trung tín của Ngài.

Con được khuyến khích và nhắc nhở hãy luôn luôn đặt mình trước sự hiện diện của THIÊN CHÚA, trong mọi nơi và mọi lúc. Nếu con không thể làm được bằng thân xác thì ít nhất bằng tinh thần, có thế, con mới đạt đến tình trạng sống kết hiệp mật thiết với Chúa.

Ngoài ra, mỗi khi gặp thử thách nội tâm như: sống trong đêm tối mịt mù, bị bỏ rơi thảm thương hoặc bị ma quỉ quấy phá ngày đêm, con thường lần hạt Mân Côi liên miên. Tràng Chuỗi Mân Côi có sức mạnh nhiệm mầu mang lại cho con rất nhiều lợi ích thiêng liêng.

Ngay từ niên thiếu, con đã cảm thấy được các đẳng Linh Hồn lôi cuốn cách riêng. Hồi còn bé, con đã biết thương mến các đẳng Linh Hồn và thường lần hạt Mân Côi ngày thứ bảy để cầu cho các Linh Hồn. Lớn lên, khi đạt mức độ hiểu biết cao hơn, con dâng các việc lành phúc đức con làm để cầu cho các đẳng Linh Hồn. Con luôn luôn nghĩ đến các đẳng Linh Hồn mỗi khi con làm việc thiện và trong nhiều năm trời, con làm rất nhiều việc hãm mình phạt xác dâng cho các đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình. Thêm vào đó, con được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chỉ dạy cho biết:

- Hàng tuần con phải thực thi một nhân đức trước mặt THIÊN CHÚA và trước mặt người đời, với ý chỉ nhường lại cho các đẳng Linh Hồn.

Chẳng hạn con phải thực thi nhân đức khiêm nhường để đền bù cho các Linh Hồn đang phải chịu hình phạt về tội kiêu ngạo. Đó là các Linh Hồn khi còn sống tự coi mình là cao trọng và khinh rẻ người khác. Con cũng phải làm các tác động nội tâm khiêm tốn và tự khinh rẻ chính mình rồi gởi các việc lành ấy xuống cho các đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục qua bàn tay từ mẫu của Mẹ THIÊN CHÚA hoặc qua trung gian Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của con.

Con thường kêu xin các đẳng Linh Hồn giúp con bằng cách gởi các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của các vị đến nhắc nhở con, trường hợp con thiếu sót trong việc thực thi nhân đức khiêm nhường. Chỉ như thế con mới có thể luôn luôn thực hành nhân đức khiêm nhường rồi nhường công phúc lại cho các đẳng Linh Hồn, hầu các vị được sớm thoát khỏi Lửa Luyện Hình. Chỉ với nhân đức khiêm nhường tín hữu Công Giáo mới có thể giúp các đẳng Linh Hồn nhiều hơn bất cứ việc thực hành nhân đức nào khác hoặc nhiều hơn các việc ăn chay hãm mình phạt xác lớn lao khác.

... Có lời THIÊN CHÚA phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói với thủ lãnh của Tia: Chúa Thượng là THIÊN CHÚA phán thế này: Vì ngươi đem lòng tự cao tự đại nên ngươi đã nói: “Ta là thần, ta ngự trên ngai các thần, giữa trùng dương”. Ngươi chỉ là người, chứ không phải là thần mà lại dám cho mình ngang hàng với thần thánh ... nên, này Ta sẽ đưa những người ngoại bang hung dữ nhất trong các dân tộc đến đánh phá ngươi. Chúng sẽ tuốt gươm đối lại sự khôn ngoan tuyệt vời của ngươi, làm cho vẻ huy hoàng của ngươi ra ô trọc. Chúng sẽ xô ngươi xuống hố, và ngươi sẽ chết thê thảm giữa trùng dương. Trước mặt những kẻ sắp giết ngươi đó, liệu ngươi còn nói được: ”Ta là thần” nữa chăng, đang khi ở trong tay những kẻ sắp đâm ngươi, ngươi chỉ là người chứ không phải thần thánh? (Sách Êdêkien 28,1-9).

(”Mes relations avec les Âmes du Purgatoire”, Marie-Anne Lindmayr, Éditions Christiana, 1986, trang 13-28)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

62- PHẢI THA THỨ CHO ANH CHỊ EM MÌNH

... Một ngày, tôi tiếp một người đến thăm tôi. Ngay từ hành lang, tôi nghe tiếng la mắng om sòm. Tôi mở cửa để xem thì trông thấy một người đàn ông. Ông cất tiếng hỏi với giọng khinh-khi:

- Cái bà thường đùa dai với vụ các Linh Hồn ở Luyện Ngục hiện về, đang trốn xó nào rồi???

Tôi trả lời:

- Xin ông đi về phía này. Tôi đang đứng ở đây. Và không có chuyện đùa dai với các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình đâu!

Nghe vậy, ông lầm bầm trong miệng, rồi đi thẳng vào đề:

- Bà có phải là người mà ông E. hiện về không?

Thì ra ông là người nhà của ông E. mà tôi đã thông truyền lại những gì ông E. nhắn gởi. Ông E. muốn người nhà phải hoàn lại tài sản đã chiếm hữu cách bất chính.

Sau khi nghe tôi xác nhận mình là người mà ông E. đã hiện về, ông liền nổi giận đùng đùng, quát tháo ầm ĩ:

- Tài sản nào chiếm hữu bất chính mà chúng tôi phải trả lại???

Tôi trả lời:

- Tài sản nào thì tôi không biết! Ông E. chỉ nhờ tôi nói lại với người nhà như thế. Chính người nhà ông E. phải biết rõ đâu là tài sản đã chiếm hữu bất chính và phải hoàn lại cho chủ nhân.

Vừa trả lời tôi vừa nghĩ là ông biết rõ tài sản nào. Thế rồi, theo lời ông nói, tôi biết ông không sống đạo và chỉ trích mọi người từ Đức Thánh Cha đến các Giám Mục, Linh Mục và Giáo Hội Công Giáo. Tôi từ từ giải thích cho ông hiểu mọi chuyện. Ông như dịu hẳn lại và nói:

- Nếu quả là như thế thì tôi phải thay đổi cuộc sống. Tôi không tin tưởng nơi Linh Mục nào hết, nhưng giờ đây, tôi phải bắt đầu đặt niềm tin nơi THIÊN CHÚA, bởi vì, bà không thể nào biết được trong gia sản chúng tôi, có những tài sản mà chúng tôi chiếm hữu cách bất hợp pháp. Kể cả các thân nhân họ hàng của chúng tôi, phần đông cũng không biết điều này!

... Một lần kia, một Linh Hồn hiện về với tôi. Đó là một bà mẹ gia đình. Linh Hồn nói:

- Tôi bị giam cầm đền tội nơi Lửa Luyện Ngục trong vòng 30 năm trời. Lý do vì tôi ngăn cản không cho phép con gái tôi gia nhập dòng tu.

Linh Hồn nói thêm:

- Khi các bậc cha mẹ dâng con cho Chúa và khi THIÊN CHÚA gọi con cái vào chức vụ Linh Mục hoặc đời sống tu trì, mà cha mẹ ngăn cản, thì cha mẹ chịu trách nhiệm vô cùng nặng nề .. Có rất nhiều người trẻ, đáng lý đã trở thành Linh Mục hoặc tu sĩ, nhưng không được cha mẹ cho phép. Các cha mẹ này phải trả lẽ nặng nề trước mặt THIÊN CHÚA!

... Một người viết cho tôi rằng vợ ông qua đời hơn một năm. Nhưng kể từ đó đêm nào phòng ông cũng bị đập ầm ầm không ngủ được. Ông xin tôi đến xem có thể làm được gì giúp ông không.

Tôi nhận lời nhưng nói trước là có lẽ tôi không làm được gì nhiều. Nếu vợ ông chưa được phép hiện về thì đành phải phó thác mọi sự trong tay THIÊN CHÚA Quan Phòng.

Tôi đến và ngủ trong phòng đó. Vào khoảng 23 giờ 30 phút, tiếng đập cửa bắt đầu nổi lên. Tôi cất tiếng hỏi:

- Linh Hồn muốn gì? Tôi có thể làm gì giúp cho Linh Hồn?

Tôi không thấy ai cũng không nghe tiếng trả lời. Tôi nghĩ là bà này chưa được phép nói. Sau khoảng 5 phút, một con hà-mã xuất hiện. Trông thật khủng khiếp. Tôi liền rảy Nước Thánh và hỏi:

- Tôi phải làm cách nào để giúp Linh Hồn?

Vẫn không có tiếng trả lời. Tức khắc, một tên quỷ xuất hiện dưới dạng một con-rắn khổng lồ. Con rắn quấn chặt quanh con hà-mã, như để bóp chết. Rồi cả hai con thú biến mất. Tôi buồn rầu tự nhủ:

- Không lẽ Linh Hồn này bị trầm luân đời đời trong Hỏa Ngục sao???

Một lúc sau, một Linh Hồn khác xuất hiện. Linh Hồn này an ủi tôi:

- Đừng sợ! Bà ấy không bị rơi xuống Hỏa Ngục đâu! Nhưng bà bị một thứ hình phạt nơi Lửa Luyện Tội dữ dằn nhất. Lý do là khi còn sống, bà đã giữ mối hận thù triền miên với một phụ nữ khác. Phụ nữ này đã nhiều lần tìm cách xin lỗi và làm hòa, nhưng bà ấy nhất định từ chối, ngay cả khi bị bệnh nặng gần chết!

Câu chuyện cho thấy THIÊN CHÚA trừng phạt nặng nề những tội phạm lỗi đức bác ái, chống lại người thân cận.

Chứng từ của bà Maria Agatha Simma sống tại Sonntag, nước Áo.

... Ông chủ cho đòi tên đầy tớ bất nhân đến và bảo: ”Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi ông chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, CHA của Thầy ở trên Trời cũng sẽ đối xử với anh chị em như thế, nếu mỗi người trong anh chị em không hết lòng tha thứ cho anh chị em mình (Matthêu 18,32-35).

(Maria Simma, ”Les Âmes du Purgatoire m'ont dit”, Editions Du Parvis, 1990, trang 70-72)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

63- LÀM ĐƯỢC GÌ TRƯỚC KHI CHẾT?

PT Phêrô Đặng Phi Hùng       

Tiên tri Malachi trong Bài Đọc I bảo rẳng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa đối với những ai giữ vững đức tin, và kính sợ Ngài, sẽ không phải sợ hãi khi đối diện tận thế hay giây phút cuối đời. Bài Đọc II Thánh Phaolo nhắc chúng ta sửa soạn cho đời sống vĩnh cửu bằng những hành động thực tế như làm việc một cách lương thiện. Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng khuyến cáo những ai sống theo đường lối và thánh ý Chúa sẽ có được “miệng lưỡi và sự khôn ngoan” để chiến thắng kẻ thù thiêng liêng là thần dữ. Hôm nay, tôi mời tất cả QÔB/ACE chúng ta tự hỏi mình “Tôi phải làm gì để có được miệng lưỡi khôn ngoan trước khi tôi từ giã cõi đời nầy?”

Nếu hôm nay chúng ta lìa đời liệu người phối ngẫu, con cái, cháu chắt, bằng hữu, láng giềng sẽ nhận xét về chúng ta như thế nào? Chúng ta là một người luôn lưu tâm tới Thiên Chúa và Gia Đình hay chỉ chú ý tới công ăn việc làm, tới danh vọng, địa vị, tiền tài hay hư mất? Bạn cũng đồng ý với tôi là chúng ta chưa hề thấy có ai sau khi qua đời, kéo sau quan tài mình một xe “u-haul” chở theo của cải ra nghĩa trang bao giờ? Chúng ta chỉ thấy theo sau xe chở quan tài người quá cố là một đoàn xe (đoàn người) nối đuôi nhau. Đoàn xe (đoàn người) đó dài hay ngắn tuỳ thuộc vào mối liên hệ thân tình giữa người quá cố nằm trong quan tài với những người còn sống ngồi trong xe (hoặc đi) theo sau.

Vua Salomôn là một vị vua khôn ngoan tài giỏi và giàu sang quyền quí. Một hôm nổi hứng phán với các quan cận thần rằng: “Ta sẽ trọng thưởng cho ai tìm được trong thiên hạ chiếc gương thần. Ai soi mình trong chiếc gương thần đó đang buồn trở nên vui, đang vui trở nên buồn.” Cuối cùng, có quan đại thần đã tìm được chiếc gương thần nầy đem về. Sau khi soi mình trong gương, vua Salomôn bỗng biến sắc mặt vì trên gương hiện rõ hàng chữ: “Cái đó rồi cũng sẽ qua đi!” Cái đó đây là khôn ngoan, tài giỏi, danh vọng, vinh hoa, phú quí…rồi cũng sẽ qua đi!

Thánh nữ Elizabeth Chúa Ba Ngôi qua đời năm 1906 lúc mới 26 tuổi vì bệnh nan y. Lời cuối cùng của Thánh nữ trước khi lìa đời được người ta ghi lại: “Mọi sự rồi sẽ qua đi! Cuối đời người chỉ còn lại tình yêu!”

Trong ngày phán xét, Chúa sẽ không hỏi ta có bao nhiêu chiếc xe khi còn sống, nhưng sẽ hỏi ta đã giúp chuyên chở được bao nhiêu người không có phương tiện di chuyển;

Chúa sẽ không hỏi căn nhà ta đã ở rộng bao nhiêu phòng, nhưng hỏi ta đã chào đón và cho trú ngụ được bao nhiêu người;

Chúa sẽ không hỏi về số quần áo mà ta có trong tủ áo, nhưng hỏi ta đã cho bao nhiêu kẻ rách rưới áo quần;

Chúa sẽ không hỏi về số lương bổng cao nhất mà ta lãnh, nhưng sẽ hỏi bao nhiêu lần ta đã hành động mờ ám, làm ngơ trước lương tâm để được lãnh cho nhiều, cho cao;

Chúa sẽ không hỏi ta có bao nhiêu người bạn, nhưng hỏi có bao nhiêu người muốn kết thân với ta như bạn hữu thân tình;

Chúa sẽ không hỏi ta sống ở đâu, trong khu vực nào, nhưng sẽ hỏi ta đối xử với chòm xóm láng giềng thế nào;

Chúa sẽ không hỏi về màu da của ta, nhưng sẽ hỏi dưới màu da đó chứa đựng cá tính của ta ra sao. (trích và dịch từ Internet bản tiếng Anh, không rõ tác giả, July 2010)

Chúa Giêsu đã dạy và đã sống như Ngài dạy cho dù Lời Ngài trái ngược hẳn với não trạng người ta thời đó. Chúa còn nhắn lại cho các môn đệ và chúng ta những gì đã xảy ra trong thời Ngài sẽ tái diễn trong mọi thời đại hậu thế. Sau đây là một vài thí dụ:

-Nếu có ai trong chúng ta dám can đảm nói lên việc phá thai là một tội hình trước mặt Chúa, người đó sẽ được cho là lập dị, không giống ai đối với đa số những quan toà ngồi xử án hay các chính trị gia tranh cử;

-Nếu chúng ta bênh vực cho “sự sống” (phò sự sống/pro-life) chúng ta sẽ lập tức bị gán cho một nhãn hiệu “ngu” là “khờ” bởi những người theo phong trào phò chọn lựa (pro-choice);

-Nếu chúng ta biểu tình chống đối chính quyền đã vi phạm tìn ngưỡng khi cấm con em mình cầu nguyện trong trường học, chúng ta có thể bị kết án;

-Nếu chúng ta lên tiếng về việc tiêu thụ: phí phạm quá mức những gì không cần thiết trong đời sống, lập tức chúng ta sẽ bị coi là không thức thời, không biết xử dụng discount/giảm giá và nhất là không biết gì về “American way!”

Chúa Giêsu hứa ban khôn ngoan cho chúng ta trong mọi lúc và mọi nơi. Nói cách khác, Ngài sẽ cho chúng ta sự thật làm vũ khí để chiến đấu trong mọi thử thách. Sự Thật nầy được tiềm ẩn nơi các triều đại Giáo Hoàng xuống các Giám Mục, nơi Giáo Huấn của Giáo Hội trải dài hơn 2000 năm nay. Chính Chúa Giêsu chứng minh về “miệng lưỡi của sự khôn ngoan” trước khi lìa đời trên Thánh giá. Chúa đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết Ngài và hứa ban phúc Thiên đàng cho người trộm và những ai biết ăn năn thống hối.

Trên đường lữ thứ trần gian, nơi mà tiếng nhà đạo gọi là nơi của Giáo hội chiến đấu, người có đạo Chúa như chúng ta trước hết bám chặt đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, cậy trông hy vọng vào sự sống đời sau với Ngài trên cõi vĩnh hằng. Là môn đệ Chúa, chúng ta được kêu mời nhìn với nhãn quan khôn ngoan, luôn tin tưởng vào Chúa. Luôn đào luyện Lưong Tâm và luôn xét mình theo sự dạy dỗ của Giáo Hội do Chúa Giêsu đã dạy và đã sống (CCC#1785). Đề phòng và chiến đấu với thần dữ dưới sự trợ giúp của Chúa trong một thế giới mà hầu hết người ta coi thường giá trị của đời sống tâm linh. Nếu không chúng ta có thể đánh mất đức tin như Giáo hội đã khôn ngoan cảnh cáo (GLCG#162).  Cuối cùng luôn luôn sẵn sàng với niềm hy vọng vào Ngài khi đối diện với cái chết. (12 tháng 11-2010).

64- SỰ NGẮN NGỦI CỦA ÐỜI NGƯỜI

Ðời người không đáng là bao, và tất cả những gì có cùng có hạn đều chẳng đáng là bao.  Sẽ đến lúc mà một người xem ra rất lớn lao đối với ta sẽ không còn nữa, lúc mà người ấy sẽ như một em bé chưa được sinh ra, lúc mà người ấy không còn nữa.  Người ta có sống trên đời này lâu dài bao nhiêu, cho đi một nghìn năm, thì rồi cũng đến ngày hết hạn.  Chỉ có thời gian tôi sống mới làm cho tôi khác với những gì chưa xuất hiện bao giờ, nhưng cái khác biết này cũng quá nhỏ nhoi, vì cuối cùng tôi cũng sẽ hòa tan vào cái gì không có, và rồi sẽ đến ngày chẳng những hình như tôi đã có, và tôi có sống được bao lâu đi nữa thì cũng chẳng đáng kể là bao, vì tôi sẽ không còn nữa.  Tôi bước vào cuộc đời với định luật là phải ra khỏi đời này, tôi đến đóng vai trò của tôi, tôi đến để trình diễn như mọi người: rồi sau đó, tôi phải biến đi.  Tôi đã thấy nhiều người đi qua trước tôi, rồi những người khác sẽ thấy tôi đi qua; rồi chính những người này cũng hiến cho những người đến sau họ một cảnh tượng tương tự; và cuối cùng tất cả mọi người đều sẽ đến hoà mình trong cái hư vô.

Cuộc đời tôi sống được tám mươi tuổi là cùng; cho được một trăm tuổi đi nữa, đã có một lúc tôi chưa có!  Và đến một lúc tôi sẽ không còn nữa!  Và thời gian tôi sống, tôi chiếm một chỗ quá ít ỏi trong vực thẳm vĩ đại của thời gian!  Tôi chẳng là gì cả; cái khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể làm cho tôi khác biệt nhiều với cái hư vô mà tôi phải đi đến.  Tôi đã đến trong cuộc đời để cho thêm một con số, mà rồi người ta cũng chẳng biết làm gì với tôi; và vở hài kịch sẽ được diễn xuất chẳng kém hơn, một khi tôi sẽ trở vào hậu trường sân khấu.  Vai trò tôi phải diễn xuất thì quá nhỏ nhoi trên đời này, và quá ít quan trọng đến nỗi, khi tôi nhìn kỹ, tôi có cảm tưởng là một giấc mộng đã thấy tôi có ở đây, và tất cả những gì tôi thấy cũng chỉ là điều hão huyền: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1 Cor 7, 9).

Ðường đời tôi đi chỉ được tám mươi năm là cùng, và để đi đến đó, tôi phải vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy, biết bao nhiêu bệnh tật, v.v..?  Vì đâu mà cuộc hành trình ấy đã không ngừng ở mỗi giây phút?  Tôi đã không nhận ra bao nhiêu lần tôi phải ngừng sao?  Tôi đã thoát chết ở cuộc gặp gỡ này ở cuộc găp gỡ nọ: nói tôi thoát chết là nói sai; tôi tránh được hiểm nguy này, nhưng không phải tránh được cái chết: cái chết đang giăng nhiều cạm bẫy đủ loại trước mặt chúng ta; nếu tránh được cạm bẫy này, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy khác; cuối cùng chúng ta phải rơi vào hai cánh tay của thần chết.  Giống như tôi trông thấy một cây to bị gió đánh nghiêng ngả, có nhiều lá rụng xuống từng lúc; có những lá cầm cự được lâu hơn, có những lá khác chịu đựng được ít hơn: mà nếu có những lá cầm cự qua được cơn giông tố, thì luôn luôn mùa đông sẽ đến làm cho chúng héo đi và rụng xuống đất, hoặc như trong một cơn bão lớn những người này bất thần bị ngạt thở, những người khác nằm trôi trên mảnh ván chịu buông xuôi theo làn sóng; và lúc mà họ tưởng đã thoát khỏi mọi hiểm nguy, sau khi đã cầm cự được khá lâu, thì một ngọn sóng đẩy họ đập vào một tảng đá ngầm, thế là tan xác.  Cũng vậy, một số đông người chạy cùng một con đường đời, chỉ có vài người mới chạy được đến cùng; nhưng sau khi đã tránh được những cuộc tấn công khác nhau của thần chết, đã đến được cuối cuộc hành trình mà họ đã vươn tới giữa biết bao nhiêu nguy hiểm, họ lại gặp ngay thần chết và rút cục ngã quỵ ở cuối hành trình: đời họ vụt tắt như cây nến đã tiêu hao hết chất đốt của nó.

Cuộc đời tôi sống được tám mươi năm là cùng; và trong tám mươi năm ấy, có bao nhiêu năm được gọi là đáng kể trong cuộc sống của tôi?  Giấc ngủ thật giống như cái chết; thời thơ ấu là cuộc sống của một con vật.  Bao nhiêu thời gian của thời thanh xuân, tôi muốn xoá đi?  Và khi tôi có tuổi, tôi còn muốn xoá đi bao nhiêu nữa!  Thử tính xem tất cả thời gian ấy thu lại còn được cái gì? Vậy tôi sẽ đếm được những gì?  Vì tất cả những thứ ấy sẽ không còn nữa.  Thời gian mà tôi cảm thấy thoả thích, thời gian mà tôi có được vài danh vọng chăng?  Nhưng thời gian ấy đã quá thưa thớt trong cuộc sống của tôi biết bao!  Nó tựa như những cái đinh được đóng vào một bức tường dài, trong một khoảng tường nào đó: có lẽ bạn nói là những cái đinh đó chiếm nhiều chỗ quá, thu nhặt lại thì chúng chẳng chiếm được cả lòng bàn tay.  Nếu tôi loại đi khỏi đời tôi giấc ngủ, các bệnh tật, các nỗi lo âu và bây giờ tôi thử tính tất cả thời gian mà tôi có được vài thoả thích hoặc vài danh vọng, thì cái thời gian đó đưa tới được cái gì?  Nhưng các thoả thích ấy, tôi có được cùng một lúc không?  Tôi được nó có khác gì hơn là những thoả thích vụn vặt?  Nhưng tôi có được những thoả thích ấy mà không vướng một lo âu nào, và nếu có lo âu, tôi sẽ đặt những thoả thích ấy vào thời gian mà tôi quý trọng hay vào thời gian mà tôi không kể đến?  Và khi đã không có được thời gian ấy cùng một lúc thì ít ra tôi có được thời gian thoả thích ấy tức khắc không?  Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn chia tách hai lần thoả thích ra sao?  Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn gieo trở ngại để ngăn cản các lần thỏa thích không nối liền với nhau sao?  Nhưng các thoả thích ấy còn để lại gì cho tôi? Những thú vui chính đáng thì chỉ là một kỷ niệm vô ích; những thú vui bất chính thì lại là một mối ân hận, là một sự ràng buộc dẫn tới hỏa ngục hoặc là phải sám hối, v.v…

A! Ta rất có lý mà nói rằng ta sống cho qua thời giờ!  Thật vậy, ta sống cho qua thời giờ và ta qua đi với nó!  Tất cả con người tôi thu gọn trong một giây lát; và đó là điều phân cách tôi khỏi cái hư vô; giây lát ấy trôi qua, tôi bắt lấy giây lát khác; giây lát này trôi qua sau giây lát khác, tôi nối kết giây lát này với giây lát kia, cố gắng làm cho mình an tâm, mà tôi không nhận thấy rằng những giây lát ấy đang từ từ lôi cuốn tôi đi với chúng, và tôi sẽ thiếu thời gian, chứ không phải thời gian thiếu tôi.  Cuộc đời tôi là thế đó; và điều đáng ghê sợ là nó trôi qua đi đối với tôi, chứ trước mặt Chúa, nó vẫn tồn tại.  Nhưng sự việc này liên quan đến tôi.  Cái gì thuộc về tôi, nhưng cái tôi có tùy thuộc vào thời gian,vì chính bản thân tôi cũng tuỳ thuộcvào thời gian; nhưng cái tôi có thì thuộc về Chúa, trước khi tôi xuất hiện; nó tùy thuộc Thiên Chúa trước khi tùy thuộc thời gian; thời gian không thể lôi nó ra từ thế giới của mình, vì thế giới ấy ở trên thời gian; đối với Chúa, những cái đó vẫn tồn tại và được kể vào kho tàng của Người.  Ðiều gì tôi sẽ đặt vào trong kho tàng ấy, tôi sẽ tìm thấy lại, điều gì tôi làm trong thời gian, sẽ từ thời gian mà đi vào vĩnh hằng; vì lẽ rằng thời gian nằm trong cái vĩnh hằng và dưới cái vĩnh hằng, cũng dẫn đến vĩnh hằng.  Tôi chỉ được hưởng những giây lát của cuộc sống này trong lúc nó trôi qua; khi chúng trôi qua rồi, tôi phải chịu trách nhiệm như thể chúng vẫn còn tồn tại.  Nói như vậy chưa đủ các giây lát ấy đã qua, tôi không còn nghĩ đến nữa. Chúng đã trôi qua, quả thế, đối với tôi, nhưng không phải thế, đối với Thiên Chúa; và Người sẽ đòi tôi phải trả lẽ.  Vậy, hỡi linh hồn tôi, cuộc đời này có phải là cái gì đáng kể lắm không?  Và nếu cuộc đời này chẳng đáng kể là bao, vì nó sẽ qua đi, thì những thú vui không kéo dài cả đời sống và sẽ qua đi trong chốc lát có nghĩa lý gì?  Nó có đáng để ta bị đọa đày không?  Nó có đáng để ta bỏ ra bao nhiêu công lao vất vả, để ta tỏ bày bao sự khoe khoang không?  Lạy Chúa, con hết lòng quyết tâm suy nghĩ về cái chết, mỗi ngày, trước mặt Chúa, ít nữa trước khi đi ngủ và lúc mới thức dậy. Với suy tưởng này: “Tôi có ít thời gian, nhưng lại có nhiều điều phải làm, có thể tôi còn có ít thời gian hơn tôi tưởng,” tôi sẽ ngợi ca Chúa đã lôi kéo tôi ra nơi đây để nghĩ đến việc ăn năn thống hối, và tôi sẽ thu xếp công việc của tôi, để nghĩ đến việc xưng tội, đến những việc đạo đức cách nghiêm chỉnh, với nhiều can đảm và cần mẫn; suy nghĩ không phải đến những gì qua đi, mà đến những gì còn tồn tại.

Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704) - Phan Minh Thiện chuyển dịch - maranatha-vietnam.net

Tác giả soạn bài này là một chủng sinh viết trong dịp cấm phòng để chuẩn bị chịu chức phụ phó tế (sous-diacre), tháng 9 năm 1648, lúc thầy mới 21 tuổi.  Sau này thầy thăng tiến làm linh mục, rồi giám mục giáo phận Meaux, được mệnh danh là "Aigle de Meaux" về tài hùng biện xuất chúng của ngài.  Ngài là một trong hai giám mục được vào danh sách những văn nhân của nước Pháp, có tác phẩm trong chương trình học về văn chương.  (Giám mục kia là Fénélon).

65- BÍ MẬT THÚ VỊ VỀ LINH HỒN LUYỆN NGỤC

60 câu hỏi trong Cuộc phỏng vấn của Nữ tu Emmanuel Maillard với bà Maria Simma

(Lm Mark, CMC theo web Holysoulscrusade.org)

"Một hôm, tôi (Nữ tu Emmanuel Maillard) đọc cách rất chăm chú cuốn sách về Các linh hồn Luyện Ngục. Điều đánh động tôi rất nhiều, vì nó liên quan đến những chứng cớ đã xảy ra và cũng giải thích rất rõ học thuyết của Giáo Hội về vấn đề Luyện ngục. Đó là cuốn sách của Maria Simma, nói về "Các Linh hồn Luyện ngục...nói với tôi".

Tôi đã viết ngay cho biên tập viên nhà xuất bản, và được biết rằng: "Maria Simma vẫn còn sống". Nhanh chóng, tôi liên lạc với bà ấy và bà đã đồng ý gặp tôi để trả lời nhiều câu hỏi của tôi.

Tôi rất vui mừng, vì mỗi lần tôi có cơ hội để nói chuyện hay trình bày về các linh hồn khốn khó, tôi thấy các thính giả của tôi quan tâm đặc biệt. Thường, họ xin tôi nói nhiều hơn "Hãy nói cho chúng tôi nhiều hơn, những điều khác về các linh hồn Luyện ngục ." Tôi thấy rằng ai trong chúng ta cũng muốn biết điều gì đang chờ đợi chúng ta sau khi chết.

Ngày nay, tại các giáo xứ, trong các bài giáo lý thường xuyên, không thấy nói tới vấn đề Luyện ngục. Đó là một thiếu sót lớn.

Hi vọng những điều nói đây sẽ bổ túc những thiếu sót và cho ta biết rằng Thiên Chúa sắp xếp cho ta một kế hoạch hoàn toàn tuyệt vời. Hơn nữa, để khi còn sống trên thế gian này, ta biết lo liệu cho mình một tương lai tốt đẹp đời sau.

Maria Simma là ai?

Là người nước Áo (Austria),

Từ thời thơ ấu, bà đã cầu nguyện rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Ngục.

Năm 1940, lên 25 tuổi, bà đã được một đặc sủng rất cao quí, được các linh hồn trong Luyện Ngục viếng thăm.

Các linh hồn thường xin bà những lời cầu nguyện và thánh lễ misa dâng lên cầu cho họ được giải thoát.

(Bà Maria Simma)

Năm 1997, khi tôi tới thăm, Maria Simma đã 82 tuổi.

Sống một mình trong ngôi nhà nhỏ của bà tại Sonntag, một ngôi làng rất đáng yêu ở vùng núi Vorarlberg thuộc nước Áo (Austria), và đó là nơi tôi gặp bà và hỏi nhiều câu.

Bà là một người Công giáo nhiệt thành, rất khiêm nhường, rất đơn sơ, rất nghèo khó. Ví dụ, trong căn phòng nhỏ của mình, chúng tôi hầu như không có đủ chỗ để di chuyển xung quanh các ghế bà đã mời chúng tôi ngồi...

Bà được cha xứ và giám mục địa phương khuyến khích rất nhiều trong việc cầu nguyện và giúp đỡ Các linh hồn Luyện ngục. Các ngài nói với bà rằng: bà được phép công bố những cuộc thăm viếng đó vì "không có những lầm lạc về tín lí".

Bà qua đời tháng Ba năm 2004.

Có một đặc sủng bất thường không? Có, trong lịch sử Giáo hội Công giáo, đã có những vị thánh - được phong thánh hay không - những người đã thực hiện đặc sủng này. Có thể nêu ví dụ như Thánh Gertrude, thánh Catherine  Genoa, người đã viết nhiều về Luyện ngục. Maryam Chúa Giêsu, Thánh Margaret Mary tại Paray-le-Monial người cổ động tôn sùng Thánh Tâm Chúa, Thánh Gioan Vianney xứ Ars, Thánh Faustina, Thánh John Bosco, Thánh Maryam Bethlehem, v.v.

Bà Maria Simma cũng được đặc sủng trong thời đại ta về sự Cứu giúp các linh hồn Luyện ngục. Bà ấy không nói được tiếng Pháp, vì thế, tôi phải nhờ thông dịch viên.

Vì muốn ngắn gọn nhưng rõ ràng, tôi sẽ tổng hợp một số các câu trả lời của Maria. Tôi cũng thêm vào vài ý kiến cá nhân của tôi.

(Sơ Emmanuel và Bà Maria Simma)

Các Cuộc phỏng vấn:

1-Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên linh hồn Luyện ngục về thăm bà thế nào và vào năm nào không?

-Được chứ, năm 1940. Vào ban đêm lúc 3, 4 giờ sáng. Tôi thấy như có ai vào phòng tôi.

2-Bà có sợ không?

-Không, tôi không sợ gì cả, từ hồi nhỏ má tôi đã nói: con này lạ thật, nó chẳng bao giờ biết sợ là gì.       

3-Rồi đêm đó ra sao?

-Tôi thấy một người rất lạ. Ông ta đi lại thật chậm. Tôi nói thật lớn: Tại sao lại vào phòng tôi? Đi ra ngay! Nhưng ông ta cứ đi  đi lại lại bên giường tôi, làm như không nghe gì cả. Tôi hỏi lại: Ông tính làm gì đây?. Nhưng ông ta vẫn lặng thinh. Tôi nhảy ra khỏi giường, định chộp ông ta, nhưng chỉ chộp được không khí, không chộp được ai cả. Tôi lên giường ngủ tiếp. Nhưng tôi lại nghe tiếng đi đi lại lại.

Tôi nghĩ phải chộp được người này, nhưng không được. Tôi chồm dậy, chộp hắn, nhưng lại chộp không khí thôi. Mơ màng, tôi lại nằm xuống. Hắn không trở lại nữa, nhưng tôi cũng không ngủ được nữa.

Sáng hôm sau, lễ xong, tôi trình cha linh hồn sự việc đã xảy ra đêm qua. Ngài bảo: Nếu thấy người ấy nữa, hỏi xem: Ai đó? Ông muốn tôi làm gì?

Đêm hôm sau, người đó trở lại, tôi hỏi: Ông muốn tôi làm gì cho ông?

Ông ta trả lời: Xin dâng cho tôi 3 lễ Misa, tôi sẽ được cứu.

Tôi hiểu đó là linh hồn luyện ngục. Cha linh hồn tôi cũng nói thế. Ngài khuyên tôi đừng bao giờ từ chối lời xin của linh hồn luyện ngục, nhưng hãy quảng đại giúp họ những gì họ xin.

4-Rồi sau đó, còn có những cuộc thăm viếng khác không?

-Đúng, trong mấy năm, chỉ có 3 hoặc 4 linh hồn, thường về vào tháng 11, sau tháng đó, có thêm những linh hồn khác. 

5-Các linh hồn này xin những gì?

-Hầu hết họ xin lễ Misa, xin đọc kinh Mân côi, cũng xin viếng Đàng Thánh giá.

Nhiều người hỏi tôi: Thực ra Luyện ngục làm sao?  Tôi trả lời: Đó là một sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa . Tôi xin nêu một hình ảnh mà tôi nghĩ:

Ví dụ về vết thương tình

Giả như một hôm bạn mở cửa ra, thấy ánh sáng và vẻ đẹp bầu trời rực rỡ, tuyệt đẹp như chưa bao giờ bạn thấy.  Bạn say mê, bạn bị vẻ đẹp bao quanh, cuốn hút, mê man. Đối lại, ánh sáng và vẻ đẹp cũng say mê bạn. Bạn chưa bao giờ dám mơ ước như vậy. Ánh sáng và vẻ đẹp muốn thấu nhập, muốn kết hợp nên một với bạn. Lửa tình rừng rực trong tim, như có đôi tay giơ ra ôm ẵm. Nhưng này, hãy khoan, bạn nhận ra mình đã nhiều tháng, nhiều năm không tắm rửa, hôi hám quá, nước mũi xụt xịt, đầu tóc mỡ màng, dính bệt, quần áo nhem nhuốc...Bạn tự nhủ: "Không, tôi không thể để ai ôm ẵm lúc này được, tôi phải đi tắm, tắm thật sạch, rồi tôi mới trở lại".

Nhưng trong lòng bạn lửa tình bùng cháy, quá nóng lòng muốn kết hợp, bạn không chịu nổi phải khoan giãn để đi tắm rửa, dù chỉ vài phút. Đó lòng vết thương tình đau đớn.

Luyện ngục giống hệt như vậy. Phải hoãn lại vì linh hồn không trong sạch. Hoãn lại trước cái ôm yêu của Chúa, một vết thương tình gây nên những đau khổ da diết, một sự chờ đợi như nỗi nhớ thương. Chính sự đốt cháy này, sự mong ước này tẩy sạch những gì là bợn nhơ. Luyện ngục là nơi ước mong, ước mong Thiên Chúa, ước mong Thiên Chúa Đấng linh hồn đã biết, đã thấy Người, nhưng chưa được kết hợp với Người.

6-Maria, các linh hồn Luyện ngục có vui và hi vọng đang khi ở giữa những đau đớn như vậy không?

-Có chứ. Không linh hồn nào từ Luyện ngục muốn trở lại thế gian. Họ đã biết những sự đời đời vượt hẳn chúng ta. Họ không thể quyết định trở về nơi tăm tối trên thế gian nữa. Ở đây chúng ta thấy có sự khác nhau về đau khổ như ta thấy khi sống ở trần gian. Trong Luyện ngục dù đau khổ của linh hồn rất kinh khủng, họ chắc chắn sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa . Đó là sự chắc chắn không thể chuyển lay. Niềm vui thì lớn hơn nỗi đau. Không có sự gì trên thế gian có thể làm cho họ muốn trở lại sống ở đây, nơi không có gì chắc chắn bao giờ.

7-Maria, Bà cho chúng tôi biết: Thiên Chúa bảo các linh hồn phải xuống Luyện ngục hay các linh hồn tự mình đi vào đó?

-Chính các linh hồn muốn đi vào Luyện ngục để được tẩy luyện thanh sạch trước khi vào Thiên đàng. Các linh hồn trong Luyện ngục dính kết chặt chẽ với Thánh ý Thiên Chúa, các ngài vui trong sự lành, các ngài ước ao sự lành chúng ta, các ngài yêu mến rất nhiều: các ngài mến Chúa và yêu thương chúng ta nữa. Các ngài kết hợp hoàn toàn với Thánh Thần của Chúa, sự sáng của Chúa.

8-Maria, khi chết linh hồn thấy Chúa trong sự sáng hoàn toàn hay trong cách mờ mờ?

-Trong cách mờ mờ, nhưng mờ mờ như thế cũng đủ gây nên niềm mong ước lớn lao. Đúng ra, sự sáng chói lọi sánh với sự tối tăm mù mịt của thế gian. Không có gì có thể so sánh với sự sáng hoàn toàn mà linh hồn sẽ thấy khi bước vào Thiên đàng. Đây ta liên tưởng tới "kinh nghiệm khi gần chết", linh hồn được ánh sáng này lôi kéo, họ sẽ phải khổ thế nào khi trở lại thế gian, vào lại  thân xác sau khi được thấy sự sáng.

"Bác ái che lấp muôn ngàn tội lỗi"

9-Maria, xin cho biết về Đức Mẹ cứu giúp các linh hồn Luyện ngục thế nào?

-Đức Mẹ thường đến an ủi các linh hồn và nhắn bảo họ còn phải chịu khó thêm. Đức Mẹ khuyến khích họ.

10-Có những ngày nào đặc biệt, Đức Mẹ đến giải thoát họ không?

-(Có những ngày khác) nhưng trên hết là Lễ Giáng sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu tuần thánh, lễ Đức Mẹ Lên trời, lễ Chúa lên trời.

11-Maria, tại sao người ta phải vào Luyện ngục? thứ tội nào dẫn vào Luyện ngục nhiều nhất?

-Các tội sau này: tội lỗi đức Bác ái, tội phạm đến người lân cận, tội cứng lòng, tội thù hằn, tội bỏ vạ, cáo gian.

12-Nói những lời độc ác và vu khống là một trong những nhược điểm tồi tệ nhất và đòi hỏi một tinh luyện lâu dài sao?

-Đúng.

(Ở đây, bà Maria cho chúng ta một ví dụ đã đánh động tâm trí Bà, mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Bà đã được yêu cầu cho biết về một người phụ nữ và một người đàn ông ở trong Luyện Ngục. Điều làm rất  ngạc nhiên những người đã yêu cầu là người phụ nữ đã được vào Thiên đàng, nhưng người đàn ông còn đang ở trong Luyện Ngục.

Người phụ nữ này đã chết khi phá thai, nhưng người đàn ông thường đi nhà thờ và dường như có một cuộc sống đạo đức. Vì vậy, bà Maria tưởng mình đã lầm. Nhưng không, đó là sự thật. Cả 2 người đã chết, nhưng người phụ nữ đã thực sự ăn năn  và rất khiêm tốn, trong khi người đàn ông thì chỉ trích mọi người, ông  luôn luôn phàn nàn, và nói những điều xấu về người khác. Đó là lý do tại sao Luyện Ngục của ông kéo dài rất lâu.

Bà Maria kết luận: "Chúng ta không được đánh giá người ta theo dáng vẻ bên ngoài."

Tội khác chống lại đức Bác ái: Ta từ bỏ những người ta không thích, từ chối đem lại bình an, từ chối tha thứ, và giữ trong lòng  những cay đắng thù hận.

Bà Maria cũng nêu một ví dụ khác khiến  chúng ta suy nghĩ. Đó là câu chuyện của bà A mà bà Maria biết rõ. Bà A đã chết và đang ở trong Luyện ngục, trong Luyện ngục kinh khủng nhất, với những nỗi đau khổ tàn tệ nhất. Và khi hiện về với bà Maria, bà A giải thích lí do: Bà A có một người bạn nữ tên B. Hai bà AB thù hằn nhau. Bà A đã giữ mối thù này trong nhiều năm, ngay cả khi bạn bè của bà ta đã nhiều lần yêu cầu hòa giải, nhưng bà A đều từ chối. Khi bà A ngã bệnh nặng, bà cũng vẫn đóng kín tâm hồn, từ chối lời xin hòa giải của bà B đến xin tại giường bệnh. Vì vậy...

Ví dụ trên có ý nghĩa rất lớn liên quan đến giữ lòng thù hận. Nó có thể  giết chết và coi thường bao nhiêu lời hàn gắn.

13-Maria, xin bà vui lòng cho biết: những ai có cơ hội lớn nhất đi thẳng về Thiên Đàng?

-Những người có một tấm lòng tốt lành đối với tất cả mọi người. Tình yêu che lấp muôn vàn tội lỗi.

14-Phải, chính Thánh Phaolô đã nói với chúng ta điều này! Vậy các cách chúng ta có thể có  trên đời này để tránh Luyện ngục và đến thẳng Thiên đàng là gì?

Chúng ta phải làm rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện ngục, vì họ sẽ trả ơn giúp đỡ chúng ta. Chúng ta phải thật khiêm tốn, đây là vũ khí mạnh nhất chống lại sự dữ, chống lại quỉ dữ. Sự Khiêm tốn xua đuổi chúng đi.

Tôi không thể không nói tới một chứng cớ rất đáng yêu của Cha Berlioux (người đã viết một cuốn sách tuyệt vời về các linh hồn  Luyện ngục), liên quan đến sự trả ơn, trợ giúp của các linh hồn đã được các người còn sống cầu nguyện để giảm bớt đau khổ cho. Cha kể chuyện về bà kia đã dùng cuộc sống  nghèo khó của mình để cứu các linh hồn Luyện ngục.

"Vào giờ chết, Bà đã bị quỉ dữ tấn công kịch liệt, vì nó thấy bà sắp thoát khỏi tay nó. Dường như toàn bộ quân quốc hỏa ngục hợp lại tấn công bà. Nhưng bà hấp hối này được thấy cả một đoàn quân gồm những người đẹp đẽ chưa từng thấy vào nhà bà. Họ đuổi quỉ đi và nói những lời an ủi bà, những lời an ủi từ trời cao. Khi gần tắt hơi, bà khóc lên, vui mừng kêu to: " Các ngài là ai, các ngài là ai mà đã đến đây giúp tôi và an ủi tôi như vậy?

Các vị ân nhân trả lời: " Chúng tôi là những người từ trên trời xuống, những người đã được bà cứu khỏi Luyện ngục, bây giờ đến lượt chúng tôi trả ơn bà, giúp bà đi qua ngưỡng cửa sự chết mà vào Thiên đàng.

Nghe xong người đàn bà nở nụ cười, nhắm mắt lại và nghỉ an trong Chúa. 

Linh hồn của Bà, trong trắng như chim bồ câu, ra mắt Thiên Chúa,  và  được các linh hồn bà đã cứu trợ đưa vào hưởng vinh quang, Bà đã xứng đáng đi vào nơi chiến thắng, giữa những tràng pháo tay và vui mừng của các linh hồn bà đã cứu thoát khỏi Luyện ngục.

Ước gì chúng ta, một ngày kia có được hạnh phúc như vậy.. "

Những linh hồn được giải thoát bởi lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ biết ơn chừng nào. Các ngài giúp chúng ta trong cuộc sống, đó là điều rất khích lệ. Tôi nhiệt liệt khuyên các bạn cứ thử đi coi. Các ngài chắc chắn sẽ giúp đỡ chúng ta. Các ngài biết chúng ta cần gì và xin cho chúng ta nhiều ơn thánh.

15-Maria, tôi nghĩ về người trộm lành bên cạnh Chúa Giêsu trên thập giá. Tôi thực sự muốn biết những gì ông đã làm cho Chúa Giêsu hứa với ông rằng "Ngay hôm nay, con sẽ ở trong Nước trời với Ta"?

-Ông đã khiêm nhường chấp nhận đau khổ của ông, ông ta nói rằng mình chịu khổ "thực là đích đáng". Ông khuyến khích kẻ trộm kia cũng chấp nhận như vậy. Ông kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là ông có sự khiêm nhường.

Một ví dụ đẹp khác bà Maria Simma nêu lên cho thấy hành động tốt chừng nào trong đời tội lỗi. Xin nghe bà nói:

"Tôi biết một người đàn ông trẻ khoảng 20 tuổi, ở một ngôi làng gần bên làng tôi. Người đàn ông trẻ đã đau khổ rất nhiều, vì một loạt tuyết lở đã giết chết một số lớn người... Một đêm, người trẻ này đang ở trong nhà của cha mẹ anh ta. Anh ta nghe tuyết lở ngay cạnh cửa vào nhà mình, anh ta nghe tiếng kêu cứu thê thảm: "Cứu chúng tôi! Đến, cứu chúng tôi. Chúng tôi đang mắc kẹt dưới đống tuyết". Chồm dậy, anh ta ra khỏi giường lao xuống cầu thang để cứu những người bị nạn, nhưng mẹ anh ta đã cản anh lại, bà đóng chặt cửa, bà nói: "Không! để người khác đến giúp họ, không phải chúng ta! Bên ngoài quá nguy hiểm, ta không muốn có thêm một cái chết nữa! " Nhưng người con, vì xúc động bởi những tiếng la cầu cứu, nên thực sự muốn đến cứu những người này, ông đẩy mẹ mình sang một bên. Anh nói với mẹ: "Không, con phải xuống, con  không thể để cho họ chết như thế này". Anh đã đi ra ngoài!, đang khi đi, anh bị một trận tuyết lở đè chết.

Ba ngày sau khi chết, anh ta đến thăm tôi vào ban đêm, anh nói với tôi:

- "Xin cho cháu 3 thánh lễ, cháu sẽ được giải thoát khỏi Luyện ngục".

 Tôi đã đi nói cho gia đình và bạn bè anh. Họ rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ sau 3 Thánh Lễ, anh sẽ được giải thoát khỏi Luyện ngục. Bạn bè anh ta nói với tôi: "Ồ, tôi không thích chết như thế, nếu thấy tai họa như anh ta đã làm!" Nhưng người thanh niên này nói với tôi:. "Bà thấy, tôi muốn làm một hành động hoàn toàn vì bác ái cho những người bị nạn, nhờ đó, Chúa cho tôi vào thiên đàng cách mau lẹ. Quả thực "Bác ái che lấp muôn ngàn tội lỗi".

Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng bác ái, chỉ một hành vi bác ái tinh ròng được tự ý làm, đã đủ để thanh luyện người thanh niên này từ một cuộc sống không hạnh phúc; và Chúa đã thực hiện điều tốt nhất trong Tình yêu của Ngài.

Bà Maria nói thêm rằng, người thanh niên này có thể không bao giờ sẽ có cơ hội thực hiện một hành động tuyệt vời của bác ái, và có thể trở nên xấu. Thiên Chúa , theo lòng thương xót Ngài, đã đưa anh ta đến với Ngài vào lúc đẹp nhất, tinh khiết nhất, vì hành động của tình yêu. Điều rất quan trọng là vào giờ chết, người ta từ bỏ chính mình để làm trọn Ý Chúa.

Bà Maria còn nói với tôi về trường hợp của một người mẹ bốn đứa con. Khi bà sắp chết, thay vì nổi loạn và lo lắng, bà nói với Chúa: "Con chấp nhận cái chết theo thánh Ý Chúa. Con phó cuộc sống con trong tay Chúa. Con phó thác cho Chúa các con cái con. Con biết rằng Chúa sẽ trông coi săn sóc chúng".

Bà Maria nói rằng, vì niềm tin cậy lớn lao vào Chúa , người phụ nữ này đã đi thẳng tới thiên đàng và tránh được luyện ngục.

Vì vậy, chúng ta thực sự có thể nói rằng  lòng mến, sự khiêm nhường, và lòng phó thác nơi Thiên Chúa là ba chìa khóa vàng để đi trực tiếp đến thiên đàng.  

Dâng lễ chỉ cho các linh hồn:

  16-Maria, xin bà cho biết phương thế nào hữu hiệu nhất để cứu các linh hồn nơi Luyện ngục ?

-Phương thế hữu hiệu nhất để cứu các linh hồn Luyện ngục là thánh lễ Misa.

17-Tại sao là thánh lễ Misa?

Bởi vì Thánh lễ Misa là do chính Chúa Kitô đã hiến mình vì yêu thương cho chúng ta. Đó là sự hiến dâng chính mình Chúa Kitô cho Thiên Chúa, một của lễ đẹp nhất.

Linh mục là người đại diện Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Kitô đã dâng mình và chính Chúa Kitô là của lễ cho chúng ta.

Hiệu quả của Thánh lễ cho người chết còn lớn hơn cho những người dâng Lễ trong cuộc sống của họ. Nếu họ tham dự Thánh lễ và cầu nguyện với tất cả tấm lòng, nếu họ đã dự Lễ ngày thường - theo thời biểu của họ - họ sẽ thu được nhiều phúc lợi lớn lao từ các Thánh Lễ họ dự. Cũng vậy, người ta thu những gì người ta gieo. Linh hồn trong Luyện ngục nhìn thấy rất rõ ràng vào ngày đám tang của ông, nếu chúng ta thực sự cầu nguyện cho ông, hoặc nếu chúng ta có chỉ cần hiện diện ở  đó.

Những linh hồn khốn khó nói rằng, nước mắt khóc thương không ích gì cho họ, chỉ có lời cầu nguyện mới giúp họ. Họ phàn nàn rằng, nhiều người đi dự đám tang mà không cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho họ, trong khi lại khóc lóc than van, điều này là vô ích!

 Liên quan đến Thánh Lễ, tôi trích dẫn một ví dụ tuyệt đẹp cha thánh Gioan Vianney nhắn nhủ giáo dân của mình. Ngài nói:

"Các con ơi, có một linh mục tốt lành đã mất một người bạn mà ông rất quí mến, vì vậy ông đã cầu nguyện rất nhiều cho linh hồn người bạn ấy được nghỉ yên.

Một hôm, Chúa cho ông biết rằng, người bạn của ông đang ở trong luyện tội và phải chịu đau đớn khủng khiếp. Linh mục thánh thiện ấy tin rằng ông không thể làm gì tốt hơn là dâng lễ cầu cho người bạn thân của mình trong Luyện ngục.

Vào lúc truyền phép, ông cầm Mình Thánh giữa hai tay và thưa:"Lạy Chúa Cha Hằng hữu, con xin đánh đổi: Cha giữ linh hồn người bạn con đang ở trong Luyện ngục, con  giữ Mình Thánh Con Cha trong tay con. Lạy Cha đầy lòng thương xót, xin giải thoát người bạn con, còn con xin dâng lên Cha Con của Cha với mọi công phúc của cái chết và cuộc khổ nạn của Người".

Điều xin đã được chấp nhận, vào lúc dâng Mình Thánh lên, cha thấy linh hồn của bạn mình, sáng láng trong vinh quang, tiến về Thiên đàng.

"Các con ơi, khi chúng ta muốn giải cứu một linh hồn thân yêu của ta khỏi Luyện ngục, ta hãy làm như vậy, hãy dâng lên Thiên Chúa Thánh lễ Misa, Con Yêu Dấu của Ngài với tất cả các công nghiệp sự chết và khổ nạn của Người, Ngài sẽ không từ chối chúng ta bất cứ điều gì. "

Đừng phí phạm những đau khổ đời này:

Còn có một phương thế rất mạnh mẽ để cứu giúp các linh hồn nghèo khó; đó là dâng những đau khổ, việc đền tội như ăn chay, từ bỏ, v.v, - dĩ nhiên những đau khổ ngoài ý mình như bệnh tật hoặc tang tóc.

18-Maria, bà đã được xin nhiều lần chịu đau khổ  cho các linh hồn nghèo khó để giải thoát họ. Bà có thể cho chúng ta biết những kinh nghiệm bà đã trải qua trong những lúc này?

-Lần đầu tiên, một linh hồn yêu cầu tôi, nếu tôi không ngại, chịu  đau khổ  3 giờ trong mình tôi cho người ấy, sau đó tôi tiếp tục làm việc. Tôi nghĩ: "Nếu chỉ có 3 giờ thì tôi đồng ý." Trong 3 giờ ấy, tôi đã có ấn tượng rằng nó dài như 3 ngày, đau đớn lắm lắm. Nhưng cuối cùng, nhìn đồng hồ, tôi thấy nó chỉ kéo dài đúng 3 giờ. Linh hồn ấy nói với tôi rằng, chấp nhận đau khổ với kính mến Chúa trong 3 giờ, tôi đã bớt được 20 năm trong Luyện ngục của người đó!

19-Phải, nhưng tại sao bà  chỉ chịu có 3 giờ mà bớt được 20 năm Luyện ngục? Điều gì đã làm đau khổ của bà có được giá trị như vậy?

-Bởi vì đau khổ trên trái đất không có giá trị như nhau. Trên trái đất, khi chúng ta đau khổ, chúng ta có thể lớn lên trong tình yêu, chúng ta có thể lập công phúc mà các linh hồn đau khổ trong Luyện ngục không lập được. Trong Luyện ngục, những đau khổ chỉ để thanh tẩy tội lỗi. Trên trái đất, chúng ta có những ơn phúc. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn.

Tất cả điều này rất đáng khích lệ, bởi vì nó đưa ra một ý nghĩa đặc biệt cho đau khổ của ta, những đau khổ được ban cho, tự nguyện hoặc không tự nguyện, ngay cả những hy sinh nhỏ nhất chúng ta có thể thực hiện, đau khổ hay ốm bệnh, tang chế hay thất vọng ...

Nếu chúng ta chịu đựng với sự kiên nhẫn, nếu chúng ta đón nhận chúng với sự khiêm tốn, những đau khổ này sẽ có một sức mạnh  chưa từng có để giúp các linh hồn.

Bà Maria cho biết: Điều tốt nhất có thể làm là kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau đớn của Chúa Giêsu, và đặt chúng trong tay Mẹ Maria. Đức Mẹ biết rõ nhất làm thế nào để sử dụng đau khổ, vì chính chúng ta thường không biết những nhu cầu cấp thiết nhất chung quanh ta. Những đau khổ này, Mẹ Maria sẽ trả lại để sử dụng trong giờ lâm tử của ta. Bạn thấy, những đau khổ này là những bảo vật quý giá nhất trên Thiên đàng. Chúng ta phải nhắc nhở nhau điều này và khuyến khích nhau khi chúng ta đau khổ.

Viếng Đàng Thánh giá, lần hạt Mân côi, lãnh Ân xá:

Bà Maria cho chúng ta hay: Một phương tiện khác rất hiệu quả là Viếng Đàng Thánh Giá, vì suy niệm những đau khổ của Chúa, chúng ta bắt đầu từ từ ghét tội lỗi, và mong muốn cứu độ các linh hồn. Xu hướng này đưa đến sự cứu rỗi  cho các linh hồn Luyện Ngục.

Các chặng Đàng Thánh Giá cũng cảm kích chúng ta ăn năn hối cải, chúng ta bắt đầu ăn năn khi phải suy về tội lỗi.

Một việc khác, rất hữu ích cho các linh hồn trong Luyện ngục, là lần hạt Mân côi cầu cho người quá cố. Thông qua việc lần hạt, nhiều linh hồn từ Luyện ngục được giải thoát. Cũng nên biết rằng chính Mẹ Thiên Chúa xuống cứu các linh hồn Luyện Ngục. Điều này tuyệt đẹp, vì các linh hồn trong Luyện ngục gọi Đức Mẹ là "Mẹ Tình Thương."

 Các linh hồn cũng nói với bà Maria rằng ân xá có một giá trị vô giá để giải thoát của họ. Đôi khi người ta tàn nhẫn không sử dụng kho báu này mà Giáo Hội ban cho vì lợi ích của các linh hồn.

Các chủ đề của ân xá sẽ quá dài không được nói ở đây, nhưng tôi có thể giới thiệu bạn tìm đọc văn bản tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 công bố vào năm 1968 về ân xá. Bạn có thể xin linh mục giáo xứ của bạn cho, hoặc hỏi tại tiệm sách Công giáo bạn thường gặp.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng các phương tiện tuyệt vời giúp các linh hồn trong Luyện ngục là lời cầu nguyện nói chung, tất cả các loại cầu nguyện.

Tôi muốn cung cấp cho bạn những lời khai của Hermann Cohen, một nghệ sĩ Do Thái đã đổi sang Công giáo vào năm 1864, ông rất tôn kính Thánh Thể. Ông bỏ thế gian, xin vào một Dòng tu rất khắc khổ, ông thường xuyên viếng Thánh Thể  mà ông rất tôn sùng. Trong khi thờ lạy, ông cầu xin Chúa để hoán cải mẹ mình, người mà ông rất mực yêu mến.

 Mẹ ông qua đời mà không được trở lại Công giáo. Hermann buồn rầu đến đâm bệnh. Ông đến  sấp mình trước Nhà Tạm, trong nỗi đau buồn sâu sắc, ông cầu nguyện: "Lạy Chúa, con mắc nợ Chúa  mọi sự, đó là sự thật. Nhưng con đã từ chối Chúa điều gì? Tuổi trẻ của con, niềm hi vọng của con, của cải, niềm vui gia đình, và những gì còn lại...Con đã hy sinh tất cả khi Chúa gọi con. Còn Chúa, Đấng Thiện hảo muôn đời, Chúa đã hứa sẽ trả lại gấp trăm lần, Chúa  đã từ chối không cho con linh hồn mẹ con. Lạy Chúa , con không chịu nổi sự tử đạo này, con sẽ không khiếu nại nữa. " Ông đã òa lên khóc với tấm lòng tan nát của mình.

Đột nhiên, một giọng nói bí ẩn vang bên tai: "Con người kém lòng tin, mẹ ngươi đã được cứu. Nhớ rằng lời cầu nguyện là toàn năng trước mặt Ta. Ta đã nhớ tất cả những lời cầu của con cho mẹ con, và sự quan phòng của ta đã cứu giúp mẹ con trong giờ cuối cùng.

Khi sắp ra khỏi đời này, Ta đã đến với mẹ con. Mẹ con thấy Ta và kêu lên "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con". Hãy can đảm lên, mẹ con đã không phải sa Hỏa ngục nhưng con cần cầu nguyện sốt sắng để cứu mẹ con khỏi Luyện ngục".

Người ta biết, cha Hermann Cohen, sau đó, đã biết qua thị kiến lần thứ hai rằng, mẹ cha đã được về Thiên Đàng.

Tôi quả quyết khuyên bạn nên đọc những lời cầu nguyện của Thánh Brigita để cầu cho các linh hồn khốn khổ trong Luyện ngục. Tôi muốn nói điều quan trọng nữa là các linh hồn trong Luyện ngục không còn có thể làm bất cứ điều gì cho mình, họ hoàn toàn bất lực. Nếu người còn sống không cầu nguyện cho họ, họ hoàn toàn bị bỏ rơi.

Vì vậy, điều rất quan trọng là nhận ra sức mạnh to lớn, sức mạnh không thể tin được mà mỗi người chúng ta có trong tay để cứu các linh hồn đau khổ.

Chúng ta sẽ để lần thứ 2 mới giúp một đứa trẻ bị rơi từ trên cây xuống trước mặt chúng ta, nó bị gãy xương. Tất nhiên, chúng ta sẽ làm mọi cách giúp nó! Cũng vậy, ta cần rất để ý giúp các linh hồn đang mong đợi tất cả mọi thứ nơi chúng ta, chú ý đến những việc nhỏ nhất, những lời cầu nguyện để giảm bớt nỗi đau đớn cho các linh hồn. Đó là  cách đẹp nhất để thực hành bác ái. Tôi nghĩ rằng, ví dụ, lòng tốt của người Samaritan nhân hậu trong Tin Mừng, đối với người bị đánh nửa sống nửa chết bên vệ đường,  máu chảy từ vết các thương. Người đàn ông này hoàn toàn cậy nhờ vào lòng tốt của người qua lại.

20-Maria, tại sao người còn sống trên thế gian lại có thể lập công cho các linh hồn còn ở trong luyện ngục?

Bởi vì khi người ta chết, người ta đã hết thời giờ lập công.

Khi người ta còn sống, người ta còn có thể sửa lại lầm lỗi đã làm.

Các linh hồn trong Luyện ngục ghen tị với chúng ta cơ hội này. Ngay cả các thiên thần cũng ghen tị với chúng ta. Chúng ta có khả năng gia tăng công phúc khi chúng ta còn sống.

Nhưng thường, những đau khổ trong cuộc sống làm chúng ta bất nhẫn, chúng ta rất khó chấp nhận và sống đau khổ.

Làm thế nào chúng ta có thể sống đau khổ để nó mang lại kết quả? Đau khổ là bằng chứng lớn nhất của tình yêu thương của Thiên Chúa, và nếu chúng ta chịu đựng được, ta sẽ cứu giúp nhiều linh hồn.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận đau khổ như một món quà chứ không là hình phạt (như chúng ta thường làm), coi như một sự trừng trị? Chúng ta phải dâng tất cả cho Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất những người cần giúp, cần được cứu.

Về vấn đề đau khổ, tôi muốn nêu lên chứng cớ phi thường mà bà Maria đã nói với chúng ta.

Đó là vào năm 1954, một loạt các mảng tuyết lở gây chết người đã tấn công ngôi làng cạnh làng bà Maria. Sau đó, vụ tuyết lở khác đã xảy ra, nhưng đã dừng lại cách hoàn toàn lạ lùng trước khi đến làng, do đó không có thiệt hại.

Các linh hồn giải thích rằng trong làng này một phụ nữ đã bị bệnh, đã không được chữa trị đúng cách, bà ta đã bị đau đớn khủng khiếp 30 năm, bà ta đã chết. Bà đã chịu những đau khổ ấy vì lợi ích của làng mình.

Các linh hồn giải thích cho bà Maria rằng đó là nhờ vào sự đau đớn người phụ nữ chịu cho làng mà làng đã được thoát các trận tuyết lở. Bà ta đã chịu đau khổ cách kiên nhẫn.

Bà Maria cho chúng ta biết rằng nếu bà kia đã được hưởng sức khỏe tốt, làng có thể không được tránh thoát như vậy. Bà Maria nói thêm rằng những đau khổ chịu với sự kiên nhẫn có thể cứu nhiều linh hồn hơn lời cầu nguyện (nhưng lời cầu nguyện giúp chúng ta chịu đau khổ của mình).

Chúng ta không nên coi đau khổ như hình phạt. Tôi có thể được chấp nhận như sự đền tội không chỉ cho bản thân nhưng cho những người khác. Chính Chúa Kitô vô tội đã phải chịu đau khổ cực dữ để chuộc tội lỗi của chúng ta.

Chỉ có ở trên Thiên đàng, chúng ta mới biết tất cả những gì chúng ta đã thu được bằng cách chịu đau khổ với sự kiên nhẫn trong sự hiệp nhất với những đau khổ của Chúa Kitô.

LỄ CÁC THÁNH

PHÚC!

Mt 5, 1-12a

Hạnh phúc luôn là một khát vọng của con người. Mọi người bất kể là ai, ở địa vị nào cũng đều đi tìm hạnh phúc: Phải sống như thế nào để luôn hạnh phúc, câu hỏi đó trăn trở con người từ bao ngàn thế hệ. Chính vì thế, từ xa xưa, các nhà hiền triết đã suy tư, nghiền ngẫm để tìm những con đường đi đến hạnh phúc. Từ thời Aristote (384-322 trước Chúa giáng sinh), các nhà triết học phân biệt thành hai kiểu hạnh phúc:

-Hạnh phúc được hiểu như là sự cảm nhận niềm vui thích hoặc sự mãn nguyện tinh thần ngay trong chính hoạt động học tập, nghiên cứu hoặc thực thi đạo đức. Đó là quan niệm hạnh phúc theo chủ nghĩa duy khoái của nhà triết học Epicure.

-Hạnh phúc là cái được nảy sinh bên ngoài sự thoả mãn về hành động hay tính cách đạo đức của chủ thể. Đó là quan niệm của chủ nghĩa hạnh phúc.

Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc bằng tám phúc. Hạnh phúc tiếng Latinh “beatitudo”. Tin mừng ghi lại nguyên ngữ Hy Lạp “μακαριος” nghĩa là: người sở hữu một niềm vui tâm hồn, không có thể bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh bên ngoài chung quanh tác động. Như thế, hạnh phúc mà Chúa Giêsu rao giảng là một tình trạng niềm vui tâm hồn luôn mãi không bị chi phối bởi hoàn cảnh - sự việc bên ngoài.

Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại la những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất:

-"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những người nghèo là những người được Thiên Chúa quan tâm, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong diễn văn tại Hội đường Nagiaret khi bắt đầu sứ vụ, mượn lời ngôn sứ Isaia nói về mình tuyên bố: “Thánh Linh Chúa ngự trên Tôi…, sai Tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4, 18). Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ. Thánh Hilaire de Poitiers đã suy niệm sự hạnh phúc của những người sống trong tinh thần nghèo: “Sự nghèo khó gợi lại rằng chính chúng ta không có gì hết, mà chúng ta nhận tất cả từ Thiên Chúa; tất cả mọi gia sản là của chung; khó nghèo dẫn chúng ta chịu khuất phục trước Thiên Chúa, và trong sự khuất phục này để chia sẻ tất cả những gì chúng ta có; sự nghèo khó đưa chúng ta vào sự hiệp nhất với sự lãnh nhận Thiên Chúa trong lúc chờ đợi, chính tinh thần nghèo khó đưa chúng ta tham dự vào sự vinh quang” (saint Hilaire de Poitiers: commentaire de l’évangile selon saint Matthieu, IV 2).

-“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 29), Hiền lành nhu Chúa Giêsu không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5). Sự hiền lành cũng gợi lại hình ảnh người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã phác họa (x. Is 53, 7).

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Vâng, Thiên Chúa không bỏ họ một mình trong lúc sầu khổ, ngôn sứ Isaia đã nhấn mạnh “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 3-4). Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến, sai đi đem Tin mừng cho những người khổ, những kẻ bị giam cầm và bị áp bức, Ngài giải thoát và dẫn họ đến tự do - hạnh phúc (x.Lc 4, 18-19). Hơn nữa, trong đau khổ con người tham dự vào cuộc Thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Tình trạng khổ dưới mắt người đời là vô phúc lại được Thiên Chúa chúc phúc, là tham dự vào cuộc khổ nạn của Thiên Chúa cho nhân loại, cho nên chính họ được tham dự vào hạnh phúc vinh quang trong Đức Kitô Phục sinh. Chính vì lẽ đó Thánh Phaolô đã xác tín: “tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Ðức Giêsu” (Gal 6, 17). Cho nên, trong đau khổ Phaolô đã tin rằng: “Tôi bỏ khuyết những thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (Col 1,24). Phêrô cũng xác tín: “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1P 4, 1)

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Đấng Công chính là Thiên Chúa như Tôbia đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (Tb 3, 2) “Thiên Chúa công chính” (x. G 6, 1). Tước hiệu Vua Công chính cũng được ngôn sứ Giêrêmia chỉ Đấng Messia là Đức Kitô: “bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."(Gr 23, 6). Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và người trở nên công chính sẽ được Thiên Chúa bảo vệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. (Kn 3, 1), hơn nữa: “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145). Thánh Ambroise đã suy gẫm và quyết tâm khao khát nên người công chính: “Tôi đã giải phóng tôi khỏi mọi lỗi lầm, tôi đã giải quyết được mọi thói quen, tôi đã khóc cho tội lỗi của tôi, tôi bắt đầu đói và khát sự công chính, đó là một tín hiệu của sức khỏe.” Vâng, đó là sức khỏe của người công chính trong Thiên Chúa.

-“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi, Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11, 4).Ngài trách những người Pharisêu bỏ quên những cơ bản của luật: sự công chính, lòng xót thương, sự trung thành để giữ những tập tục phàm nhân (x. Mt 23, 23)

-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”. Theo văn hóa Hipry (Thánh Kinh được linh hứng viết trong môi trường văn hóa này) trái tim là nguồn suối của hành động, nếu trái tim không sạch thì mọi hành vi thực hiện cũng nhiễm dơ. Vì thế, ai có tâm hồn trong sạch sẽ làm những công trình cuộc đời trong sự hoàn thiện. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 10, 9). Yêu mến Chúa ( x. Mt 22, 37;  Mc 12, 30; Lc 10, 27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x.Ho 2, 16-18; 21-22)

-“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Những tác nhân xây dựng hòa bình trở nên giống Thiên Chúa vì “Người thiết lập hoà bình trên cõi trời cao” (G 25, 1-2), người xây dựng hòa bình trên trái đất là đang tham gia thiết lập vương quốc hòa bình mà Thiên Chúa thiết lập trên trời cho trần gian. Chính đêm Giáng sinh, Ngài cũng ban bình an cho nhân loại qua lời ca tụng của các Thiên thần: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14)

-“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”. Chúa Kitô đã nói trước về sự tử đạo của người tín hữu vì công chính, vì danh Kitô. “...Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33). Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang như Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8, 17). Xây dựng Nước Thiên Chúa - Nước Công Chính viên mãn, chính Đức Kitô trả giá bằng việc hy sinh chính mạng sống mình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Người tham gia xây dựng vương quốc công chính bằng máu là tham dự vào chính tình yêu của Thiên Chúa. Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc. Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (x. Cv 5, 41), cho nên Thánh Phaolô đã xác quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? ... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35.37)

Khi nghe giáo huấn Bát Phúc, Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Phúc của Chúa Giêsu và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”

Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì xảy ra chung quanh ta, nhưng là “beatitudo - μακαριος” mà Đức Giêsu nhấn mạnh. Hạnh phúc được tính bởi tinh thần với sức mạnh, chúng ta tranh đấu với những vấn đề cuộc sống. Hạnh phúc được sinh ra trong lúc chúng ta đặt trong tim mình những công trình và thực hiện với sự vui mừng và hoan hỉ trong Thiên Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh như các Thánh  trải qua, đã chiến thắng, đang hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban.

“Hạnh phúc đúng là món quà của thượng đế…” (Aristote) và hạnh phúc do ở nơi chúng ta: "Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 39, 5c).

Lm. Vinh Sơn

ANH EM HÃY TỈNH THỨC

Cuối tháng 10 năm 2005, cả thành phố Sài gòn xôn xao về chuyện tượng Đức Mẹ ở Nhà thờ Đức Bà chảy nước mắt. Nhận định về tính xác thực của sự kiện là việc của Đấng Bản quyền, nhưng dù sao thì việc người ta đổ xô đến thăm tượng Đức Mẹ cũng gián tiếp nói lên cái nhu cầu quan trọng của đời sống tâm linh trong cuộc sống của mỗi người, bất kể đó là người có đạo hay bên lương, ngay cả nơi những người suốt ngày chỉ lo toan cho cái ăn, cái mặc, và chỗ ở trong cuộc sống trần tục.

Trong những ngày sau đó, nhiều cú điện thoại gọi đến Toà Tổng Giám mục Sài gòn để hỏi về biến cố trên cũng cho thấy cái nhu cầu có được sự khôn ngoan nơi mỗi người, để biết được điều phải điều trái, để biết được việc phải làm, để sống cho đáng sống ...

Đúng thế, sống thế nào cho đáng sống là câu hỏi lúc nào cũng vang lên trong tâm trí mỗi người, nhất là khi đứng trước cái chết; và tâm hồn người ta sẽ chưa được bình an khi nào niềm tin chưa có câu trả lời cho niềm hy vọng sau cùng của cuộc sống: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su” (1Tx 4,13-14)

Sự khôn ngoan bởi đức tin không ở đâu xa: ngay từ xa xưa, Thiên Chúa đã không để con người bơ vơ trên con đường tìm kiếm sự khôn ngoan mà luôn ở ngay bên để giúp họ phân biệt điều phải, điều trái, cũng như biết được việc phải làm: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (Kn 6,13-14).

Với người tin vào Đức Kitô, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho họ biết việc phải làm, chỉ cần họ một điều là trung thành với niềm tin của mình giữa các thử thách, là giữ cho đèn đức tin của mình luôn rạng sáng trong bóng đêm, chờ đợi ngày Chúa đến:“Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2Pr 3,14).

Ngày Chúa đến có chậm trễ là bởi tình thương, bởi lòng kiên nhẫn với những yếu đuối của con người, và cũng là để đức tin trong đời sống tâm linh của mỗi người được nên tinh tuyền, đáng thưởng; nhưng sẽ đến ngày Chúa đến, một ngày không chấp nhận sự trễ nải vì bất cứ lý do gì, như cánh cửa đóng lại khi tiệc cưới đã bắt đầu: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2Pr 3,9-10).

Sự bất ngờ của cái chết cũng như của ngày Chúa đến không làm cho người tin phải sợ hãi mà chỉ nhắc nhở họ luôn sẵn sàng, đừng ngủ quên tưởng rằng đèn mình vẫn còn sáng khi vẫn còn giữ những việc đạo đức bên ngoài mà tâm hồn lại bị điều khiển bởi hận thù, ghen ghét; còn với ai sống trong tội thì sự bất ngờ đó lại không để cho họ tính toán theo kiểu được cả đời này lẫn đời sau: Chúa đã tha cho anh trộm lành thì mình cứ để đến lúc nào hấp hối rồi mới ăn năn để mua một vé vào thiên đàng!

Một người Hinđu đang hấp hối và được Mẹ Têrêxa chăm sóc. Ông ta cầm lấy cây thánh giá Mẹ đeo nơi cổ và hỏi: “Cái gì đây?”

 “Đó là một biểu tượng nhắc tôi nhớ đến Thiên Chúa của tôi”, Mẹ trả lời. Và người đàn ông đã nói cách cả quyết với chút hơi sức còn lại của mình: “Vậy thì Thiên Chúa của bà cũng là Thiên Chúa của tôi”.

Cuộc sống với các hoạt động âm thầm mà chân tình của Mẹ Têrêxa còn loan báo Tin Mừng nhiều hơn là bằng lời nói. Một trong những mưu chước thâm độc của ma quỉ là làm cho người ta yên tâm về hạnh phúc đời đời với danh hiệu Kitô hữu chứ không phải với đời sống Kitô hữu, như năm cô trinh nữ vẫn yên tâm cầm đèn mà không để ý đèn đó còn sáng hay tắt rồi.

Giáo hội hôm nay cần nhiều chứng nhân hơn là nhiều thành viên mới, cần nhiều người sống Lời Chúa hơn nhiều người rao giảng Tin Mừng. Chàng rể có đến trễ, nhưng cánh cửa tiệc cưới sẽ đóng lại với tất cả những ai đến trễ. Đó là lý do thôi thúc tôi phải tỉnh thức giữ gìn cho ngọc đèn đức tin của mình luôn cháy sáng:“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)

Lm. HK

Ý NGHĨA CỦA CUỘC ĐỜI: NHẢY MÚA DƯỚI CƠN MƯA

Lúc đó khoảng 8:30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cu nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phài hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ. vì lúc đó tôi cũng không bận với một bịnh nhân nào khác cả.

Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phài không.

Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó. Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi). Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trể một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, " và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buồi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?" Ông cụ mĩm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói "Bà ấy không còn  biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai."

Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, "Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế!"

Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn.

Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không.

Mỗi ngày bạn nhận được rất nhiều email và phần lớn là chuyện vui hoặc chuyện khôi hài; nhưng thỉnh thoảng cũng có những email mang theo những thông điệp có ý nghĩa như thế này. Và hôm nay tôi muốn được chia xẻ thông điệp này với các bạn.

 Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những  gì mà mình có được. Tôi hy vọng bạn chia xẻ ý tưởng nay với những người mà bạn yêu mến.

"Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa".

NHỚ ĐẾN TÔI

Nhật báo Bild tại thành phố Ham-burg nước Đức, trong số báo ra ngày 3 tháng 10 năm 1996, có đăng tin như sau: Anh Eduardo Sierra, 35 tuổi, người Công Giáo thuộc nước Tây Ban nha, nhân một chuyến du lịch sang nước Thụy Điển đã ghé thăm một nhà thờ bỏ trống thuộc thành phố Stock-holm. trong đó có đặt một chiếc hộp đựng xương của một người quá cố nào đó.  Anh Eduaro Sierra quyết định cầu nguyện cho linh hồn người quá cố và viết tên cùng địa chỉ vào cuốn sổ đặt trước chiếc hộp với dòng chữ: "Ai cầu nguyện cho người quá cố này xin ghi tên và địa chỉ vào cuốn sổ".  Thế rồi sau đó hai tuần khi trở lại nước Tây ban Nha, anh Eduaro Sierra đã nhận được lá thư từ nước Thụy Điển báo rằng anh được hưởng trọn vẹn gia tài người đã chết là ông Jens Svenson, một nhà địa ốc 73 tuổi, không có một ai thân thích.  Ông Jens Svenson đã ghi vào bản di chúc của mình rằng: "Bất cứ ai cầu nguyện cho linh hồn tôi thì sẽ được thừa kế tất cả gia tài của tôi".

Số tiền anh được hưởng tương đương hai triệu Mỹ kim.  Ông Jens Svenson cả một đời làm việc vất vả, dành dụm được một số tiền khá lớn, nhưng khi nằm xuống, ông chẳng mong ước gì hơn là có người nhớ đến và cầu nguyện cho ông .  Thực ra đối với một người đã chết dù 2 triệu Mỹ kim cũng không ích lợi bằng một Thánh Lễ hay một lời cầu nguyện bé nhỏ đơn sơ.

***************************

Có một loài hoa tên là "Forget Me Not", người biết thưởng thức hoa thì gọi nó là "Lưu Ly Thảo”, còn giới bình dân thì đặt tên cho nó là "Đừng Quên Tôi”.  Đừng Quên Tôi là ba chữ tự nhiên được in sâu trong tâm trí con người.  Ai trong chúng ta cũng ao ước người khác nhớ đến mình. 

Mẹ sửa soạn đi chợ thì đứa con nói: "Mẹ nhớ mua quà cho con nhé.”  Anh kia mở một bữa nhậu, bạn bè đánh hơi được thì nói ngay: "ông nhớ gọi tôi đấy nhé.”  Chồng đi làm xa thì vợ dặn dò:"Anh nhớ gọi về cho em nhé.”  Vị linh mục sau khi thăm viếng bệnh nhân thì bệnh nhân thường nói: "Cha nhớ cầu nguyện cho con nhé.”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng không ngoại lệ.  Trong phần Truyền Phép là phần quan trọng nhất của Thánh Lễ, chúng ta vẫn nghe câu: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta".

Trong bài Phúc âm người trộm lành cũng bộc lộ tâm tình sâu kín nhất của anh ta với Chúa Giêsu: "Lạy Ngài khi nào vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi ".

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có biết bao cực nhọc, biết bao trăn trở ưu phiền, thế nhưng khi có người gọi điện thoại đến hỏi thăm, hay chúng ta nhận được một lá thư, một món quà nào đó thì lòng chúng ta cũng nhẹ nhõm đi nhiều.  Tại sao vậy?  Thưa, bởi vì họ nhớ đến tôi nên mới gọi điện thoại cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới viết thư cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới gửi quà cho tôi.  "Nhớ Đến Tôi" là ba chữ chúng ta không muốn biến mất trong cuộc đời mình.  Bởi vì nếu nó biến mất thì cuộc đời chúng ta sẽ rất bất hạnh.

Quí vị có biết thân nhân, ân nhân, bạn bè của quí vị đang nằm trong lòng đất cần điều gì nhất không?  Tôi thiết tưởng họ cần đến lòng Thương Xót của Chúa.  Đó là điều chắc chắn.  Ngoài ra họ mong điều gì nhất không?  Cũng chắc chắn là họ mong chúng ta Nhớ Đến Họ.  Nhưng cái thiệt thòi nhất của họ là gì?  Bị quên lãng.  Thời gian thì đồng loã với Quên Lãng.  Dần dần người chết bị quên lãng.  Bởi vì định luật của cuộc đời vẫn là: "Out of sight, out of mind."  Việt Nam mình có câu rất sát nghĩa: "Xa mặt cách lòng”.  Đó là điều đau đớn nhất của người đã chết.  Một em bé muốn ăn chỉ cần khóc, một người lớn muốn ăn thì lên tiếng nói.  Còn người đã chết chẳng cần ăn, chẳng cần mặc.  Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho họ thì tội nghiệp họ không nói được, không khóc được, không làm dấu hiệu gì được.  Đó mới là nỗi đau khổ vô cùng.  Vì thế văn sĩ Pháp Jean Couteau nói một câu rất hay: "Đối với những người đã chết thì nấm mồ thực sự của họ không phái ở trong nghĩa trang mà ở trong con tim quên lãng của người còn sống".

Một ngày nào đó tôi sẽ chết.  Tôi muốn người ta đặt trên quan tài tôi không phải chục bó hồng, không phải mười vòng hoa tươi mát, vì hoa đẹp mấy rồi cũng tàn.  Nhưng tôi muốn người ta rải lên thi thể tôi những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những chùm hoa Xin Lễ, những bông hoa hy sinh.  Hãy tặng tôi những bông hoa Forget Me Not.

Hãy để hương hoa "Đừng Quên Tôi" còn phảng phất chung quanh tôi.  Tôi cần thứ hoa đó hơn con thơ cần sữa mẹ, hơn thiếu nữ cần tình yêu, hơn khu vườn cần nắng ấm.  “Hãy làm cho người khác điều mà con muốn người khác làm cho con.”  Đó là lời vàng của Chúa Giêsu.  Hãy tưởng nhớ đến những linh hồn thân nhân ân nhân, bạn bè, mồ côi, nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người tưởng nhớ đến mình.  Tình nghĩa thì quan trọng hơn bạc tiền.  Đời sau thì giá trị hơn đời này.  Những đồng tiền Xin Lễ cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

"Nhớ Đến Tôi" đó là ba chữ quan trọng không những cho người còn sống mà còn quan trọng hơn nữa cho những người đã ra đi trước chúng ta.  Xin cám ơn quí cha và quí vị đã lắng nghe con nói. Con nói thay cho những người không còn tiếng nói.

Lm. Hữu Độ, CMC

CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN ĐÃ QUA ĐỜI

VietCatholic News (Thứ Bảy 01/11/2008 08:01)

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, trong đó có những linh hồn ông bà, cha me, anh chị em, bà con nội ngoại, thân bằng quyến thuộc, những bạn bè,và những người ân nhân của chúng ta.

“Các anh, bạn hữu của tôi ơi, hãy thương, hãy thương tôi, vì bàn tay của Thiên Chúa đã đánh tôi!” (Sách Yob, đoạn 19, câu 21).

Trên đây chính là lời cầu cứu động lòng nhất mà các linh hồn cô đơn nơi lửa luyện ngục đang khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện cho các linh hồn ấy!

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta hầu như không còn mấy tin vào nơi luyện ngục và có những ý tưởng rất mơ hồ về luyện ngục, để rồi chúng ta làm ngơ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Chúng ta cứ để cho ngày tháng cứ trôi qua mà chúng ta không hề biết xin lể cho các linh hồn! Cũng rất ít khi mà chúng ta cùng đi dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn, cũng như rất ít khi chúng ta cầu nguyện hay nghĩ về họ, những người đã chết!

Một câu chuyện kể rằng; có một anh sinh viên người Trung Hoa sang du học tại Hoa Kỳ, trong thời gian theo học ở đây, anh ta đã yêu một người bản xứ, tình yêu rất chân thành và hai người rất hạnh phúc, nhưng có một vấn đề xãy ra cho đôi trẻ này, đó là sự khác biệt tôn giáo, cha mẹ anh chỉ có một mình anh, muốn anh nối dõi tông đường, không chỉ lo giúp đỡ ông bà cha mẹ lúc sinh thời mà còn phải lo huơng khói khi ông bà cha mẹ qua bên kia thế giới nữa, và gia đình anh sinh viên đã tìm cách ngăn trở cuộc hôn nhân này, vào một ngày đầu tháng 11, người cha đã từ Trung Hoa bay qua Hoa Kỳ thăm con và tìm cách ngăn cản tình cảm của con mình, Người bạn gái thì vừa lo vừa sợ cho số phận tình duyên của mình bị trở ngại về phong tục và tôn giáo. Nhân ngày Lễ Các Linh Hồn, cô mời hai cha con người bạn trai cùng đi dự lễ, đi lễ về người cha đã thay đổi thái độ, bởi vì ông không ngờ rằng, người công giáo cũng có những nghi thức, những thánh lễ đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, vậy thì ông không phải lo sợ bị con ông lãng quên ông nữa.

Thưa quý ông bà và anh chị em, qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy, một người chưa tin vào Chúa, chưa nhận được ơn trở lại, nhưng vẫn tin vào sự sống đời sau, còn chúng ta, những người đã được làm con Chúa, làm con Hội Thánh chẳng lẽ chúng ta lại không tin sao ?

Các linh hồn nơi luyện ngục không còn cơ hội lập công đền tội cho mình được nữa. Bởi vậy nhờ vào luật liên đới “Các Thánh cùng thông công” Thiên Chúa cho phép chúng ta là những người còn sống, lập công thay mà giúp đỡ các linh hồn nơi Luyện ngục, nhất là những linh hồn mồ côi.

Trong tháng này, tháng dành riêng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta cũng cần làm những việc phúc đức, những hy sinh hằng ngày, những ý lễ, những tràng kinh Mân Côi, như là những món quà thăm nuôi, để mong giúp các linh hồn, những người đang phải bị phạt vì tội lộĩ, trong đó có bà con thân thuộc của chúng ta, chúng ta đã mắc nợ những người này,và nay có bổn phận phải trả.

Ngày 1/11 cũng là ngày ghi dấu một khúc quanh của lịch sử Việt Nam,

Trong cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Cộng Hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, họ đã giết đi chết TT Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là cố vấn Ngô Đình Nhu, sau này giết luôn người em nữa là Ngô Đình Cẩn. Cuộc cách mạng tuy thành công trong nhất thời, nhưng hậu quả của nó quá tệ hại, quá thê thãm và cuối cùng là mất luôn Miền Nam.

Ngày 2/11 là ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Việt Nam Cộng Hòa, xin mọi người hãy dành một phút để tưởng nhớ đến những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân, những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến, trong lao tù cọng sản hay trên bước đường đi tìm tự do, những nhà đấu tranh đã và đang tranh đấu cho một Việt Nam Tự do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Từ vực sâu u tối

Con cầu xin Chúa, Chúa ôi

Từ vực sâu thương đau

Con đợi trong Chúa nhậm lời.

SỐNG NHƯ NGÀY CUỐI CÙNG CỦA ĐỜI MÌNH

Thưa bạn đọc thân mến, chúng ta sẽ làm gì và nghĩ gì nếu hôm nay chúng ta biết chỉ còn có 6 tháng nữa là chúng ta lìa đời? Ý nghĩ nầy sẽ có ảnh hưởng gì đến đời sống chúng ta?  Thánh Don Bosco ở tuổi thiếu niên, lúc đang chơi túc cầu trên sân cỏ, khi Cha linh hướng hỏi: “Nếu Chúa cho con biết con sẽ chết đêm nay thì ngay bây giờ con sẽ làm gì?” Don Bosco không chút ngập ngừng đáp: “Thưa Cha, con sẽ tiếp tục đá banh.”

Nhiều người bị ung thư vào giai đoạn cuối nhưng vẫn vui vẻ tuyên bố “tôi mắc bệnh ung thư chứ không phải ung thư chiếm đoạt tôi.” Quả là một thái độ sống tích cực và hân hoan, thứ hân hoan và bình an vì có Chúa trong tâm hồn. Ung thư làm con người nghĩ đến phẩm lượng của đời mình. Có người vì nhờ mắc bệnh ung thư mà trở nên một con người sống trọn vẹn cho mình và cho tha nhân. Mọi người chúng ta ai cũng biết một ngày nào đó không chóng thì chầy mình sẽ chết, nhưng bệnh ung thư làm người ta trực diện với cái chết hằng ngày nếu không muốn nói từng giây. Điều đó làm bệnh nhân ung thư cảm nghiệm được niềm hân hoan của sự sống mà người khác ít khi có được, vì họ không đối diện với sự chết như người mắc bệnh. Quả thực, bệnh nhân ung thư đang sống chứ không phải đang chết.

Những tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ Giáo hội luôn nhắc nhở giáo hữu chúng ta cuộc đời trần gian ngắn ngủi dần dần cũng sẽ phải nhường chỗ cho sự chết vào cuối đời người. Là những Kitô hữu, chúng ta chấp nhận sự chết như là nhịp cầu nối tiếp sự sống đời sau. Sự chết nhắc nhở mỗi cá nhân chúng ta chấp nhận mỗi ngày là một tặng ân, giúp chúng ta tăng trưởng và lớn lên, trở nên tốt hơn, nhiều bao nhiêu có thể, trong mọi hoàn cảnh Chúa sắp đặt, để giúp đỡ bất cứ ai Chúa gửi đến với chúng ta. Cho dù không thể biết trước tương lai sẽ ra sao nhưng chúng ta có thề làm được là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, những giây phút đang nằm trong tầm tay mình. Bài đọc I kể chuyện người đàn bà Cựu Uớc trong sách Châm ngôn tận dụng mọi giây phút bà có để làm những việc thông thường như nội trợ, nấu nướng, giúp đỡ hàng xóm…với một thái độ khác thường như đang sống những giây phút cuối đời. Thánh Phaolo cũng khuyên giáo đoàn Thesalonica và chúng ta, hãy cẩn trọng đừng để thời gian và cơ hội qua đi, nhưng hãy sống vui, sống mạnh để khỏi hối tiếc khi cơ hội và thời gian không còn.

Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng Matthêu tuần nầy đồng điệu với các tư tưởng vừa trình bày nêu trên, đòi buộc các tín hữu của Chúa tận dụng hết mọi khả năng của mình để sinh lợi từ các tặng ân Ngài ban cho. Không phải mọi tặng ân đều giống nhau nhưng đều đặc thù với mỗi cá nhân và có giá trị vì từ Chúa. Các tôi tớ của dụ ngôn đã không biết thời gian bao lâu họ phải xử dụng các tặng ân để sinh lợi. Hai trong ba người đã tận dụng mọi khả năng họ có để làm lợi nên họ được chủ trọng thưởng. Người tôi tớ thứ ba đã không sinh lợi được một tí nào từ ân ban từ chủ vì đã không chú tâm vào kho tàng của chủ. Nói cách khác, anh ta đã không yêu thương chủ anh. Anh ta chỉ ích kỷ nghĩ đến sự an toàn của mình thay vì dấn thân phục vụ.

Thưa bạn, chúng ta là loại tôi tớ nào sau khi suy niệm Lời Chúa qua các bài đọc hôm nay? Chúng ta bắt chước người đàn bà tốt trong sách Châm ngôn, chúng ta theo chân Thánh Phaolô trong BĐII? hay chúng ta đồng tình với người tôi tớ bị Chúa nguyền rủa trong Tin Mừng? Cho dù chúng ta chỉ còn sống được 6 tháng hoặc 6 thập niên nữa, quà tặng mà Thiên Chúa gửi mỗi người đều phải được trân quí, bảo bọc, và triển nở từng giây phút mỗi ngày. Nhiều người, rất nhiều người trong chúng ta hiện nay đang chạy trốn, trùm chăn hay “mũ ni che tai” để khỏi phải phiền hà, bị quấy rầy, hoặc liên lụy vì lợi ích Phúc âm cho người khác. Chúng ta tự nhủ rằng những tài năng Chúa ban không được ai chú ý tới hoặc bị người khác coi khinh. “Thiếu gì người khác có tài hơn tôi, phục vụ tốt hơn tôi nên việc gì tôi phải thử, phải cố gắng?” v.v. và v.v…. Nhưng Tin Mừng hôm nay thách thức mọi người, Bạn và Tôi nhìn lại mọi khả năng, mọi tài năng v.v… tất cả đều là tặng ân từ Thiên Chúa. Hãy cố gắng xử dụng nhiều bao nhiêu có thể và phục vụ tha nhân nhiều bao nhiêu có thể, bao lâu chúng ta còn có cơ hội trên dương gian nầy.

PT Phêrô Đặng Phi Hùng

TÂM SỰ CỦA NGHĨA TRANG

(Tháng 11 nhớ về Mẹ hiền đang yên giấc tại nghĩa trang này)

Thưa bạn, Tôi (cái nghĩa trang) không được diễm phúc sinh ra để làm con người như bạn hay như cây cỏ, bông hoa, chim chóc. Nhưng thân phận của tôi sinh ra được mang cái tên “Nghĩa Địa”. Nghe đến tên chắc chắn bạn và nhiều người khác cảm thấy sợ hãi và rớn tóc gáy. Để làm bớt sự ám ành và sợ hãi, các bạn đã dùng đến cái tên “Nghĩa Trang” nghe cũng thanh tao và nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn không xua tan được nỗi sợ hãi và ám ảnh đó.

Năm mươi năm trước, nơi đây là vùng đất trù phú tốt tươi, cây cối xum xuê, nhiều bông hoa rừng thật đẹp, cũng là nơi sinh sống cho các loài thú và chim rừng. Nhưng sự bình an đó không còn, khi các bạn đã đến vùng đất này làm quê hương, các bạn đã buộc tôi phải làm một công việc mà không ai muốn và ưa thích. Đó là làm người canh giữ và chăm sóc những người chết.

Hôm nay ở nơi này, lúc màn đêm buông xuống, dù mưa hay nắng tất cả là sự cô đơn lạnh lẽo luôn đến với tôi, đêm về ngồi một mình suy tư, so sánh và có những lúc nảy sinh tư tưởng ghen tức với bạn, với hoa và chim chóc. Con người như bạn thì có được một khối óc thông minh, bông hoa có nhiều vẻ đẹp muôn màu, luôn khoe sắc dưới ánh mặt trời, với các loài chim, chúng được tung tăng bay nhảy khắp đó đây, bạn hãy so sánh giữa tôi và bạn, Tôi là người thiệt thòi. Có phải thế không bạn?

Nhưng không, đó là những ý nghĩ trong lúc cô đơn. Còn với Tôi vẫn chấp nhận làm công việc này như đã làm hơn 50 năm nay trong sự vui vẻ và chu toàn.

Thời gian hơn 50 năm qua, ngày lại ngày, người này nối tiếp người kia. Từ con số 01 bây giờ đã lên tới con số ngàn thân xác nằm ở nơi đây. Đã hơn 50 năm tôi phải chịu những mùi hôi tanh của thân xác mục nát, sự mục nát chỉ làm cho cây cối, cỏ dại tốt tươi và xum xuê hơn, thêm sự hoang vắng và buồn thảm. Tôi đã nghe câu nói các bạn nói chuyện và ví von với nhau, nơi đây "buồn như nghĩa trang”

Thỉnh thoảng nghe tiếng trống, tiếng chuông, đó là sự báo hiệu có người tìm đến mảnh đất linh thiêng này để xin kết bạn với Tôi. Lúc này Tôi được vui lên, dù trong chốc lát, còn, các bạn thì buồn lắm, Tôi biết. Nói vui, nhưng không vui, mà buồn thêm, buồn vì nghe tiếng than khóc, kể lễ, não nề thảm thiết của các bạn bên người thân nằm im và bất động.

Nơi đây luôn luôn là sự khác biệt với xã hội của các bạn, tiếng cười của bạn thì mơi đây thay cho tiếng khóc, sụ náo nhiệt của bạn thì ở nơi đây là sự vắng vẻ, cô đơn…v. v. Trong nỗi cô đơn hoang lạnh triền miên, Tôi đã quen và học được nơi bạn những câu kinh, tiếng hát mỗi lúc có dịp bạn ghé thăm, như:

"Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro …”

Với những lời kinh, câu ca này hằng đêm Tôi sẽ cất tiếng hát và cầu cho người thân của bạn, thay cho các bạn. vì đó là niềm vui của Tôi.

Trong sự cô đơn hoang lạnh, sự thăm viếng là niềm an ủi cho cho người thân bạn vàTôi, một năm được một hay 2 lần, được bạn ghé thăm vào tháng 11 hay dịp cuối năm, sau đó mơi đây lại hoang vắng và cô tịch .

Nhưng trong thời đại văn minh cuộc sống của bạn chắc cũng nhiều đổi thay, trong hơn 10 năm nay các bạn đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc, để chỉnh trang laị “Nghĩa Trang” thật đẹp mắt, các ngôi mộ đã được làm lại mới, cùng một kiểu mẫu giống nhau, sắp xếp ngay hàng thẳng lối, chia thành từng vùng để có lối đi, hai bên lối đi là những bóng cây rợp bóng mát và trên lối đi được trải cement. Cây cối và cỏ dại nay không còn thay vào đó là nhưng cây bông, hoa kiểng, trông xinh đẹp hơn và sạch sẽ. giống như một công viên.

. Nơi đây hôm nay không còn sự phân chia giàu nghèo, giai cấp, vì ai cũng được hưởng quyền lợi ngang nhau. Một điều đạc biệt, những nắm mộ không có người thân, vẫn được các bạn chăm chóc chưng bông, thắp nhang và đốt nến.

 Vào dịp cuối năm và trong tháng 11 hàng năm, người thân, con cháu quét dọn, lau chùi sạch sẽ ngôi nhà cho người thân, trang hoàng cắm bông nhìn xinh tươi và đẹp mắt. Suốt một tuần lễ, đêm về là lúc tất cả người thân tụ họp đông đủ, thắp nhang dốt nến trên từng ngôi mộ, cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát, cầu nguyện cho người thân qúa cố. Từng đoàn người chập chờn trong anh nến lung linh, những giây phút này Tôi và những người thân của bạn cũng muốn được chỗi dậy để hòa chung với bạn trong tình người để Ca Khen Danh Chúa.

Hơn thế nữa các bạn còn tổ chức có thánh lễ Misa tại Nghĩa Trang, thật là sự quí hoá cho người chết và niềm vui cho tôi. người chết cũng được tham dự chung với các bạn.

Tình người các bạn đã thế hiện cho người thân và cho Tôi, làm vơi bớt đi sự cô đơn hiu quạnh. Sự chăm sóc của các bạn đã làm cho Tôi cũng như người nằm xuống cảm thấy thật gần gũi với con người còn sống.

Thưa các bạn, Tôi mượn lời của vị Linh Mục trẻ của Giáo Xứ bạn, môt linh mục năng động và đạo đức đã chia sẻ với các bạn hôm dâng Thánh lễ tại Nghĩa Trang thay cho lời chào tạm biệt của tôi gởi đến bạn: ”Với chúng ta là những người đang còn sống. Xin hãy cho nhau một nụ cười, những lời thăm hỏi, sự khích lệ động viên. Hãy sẵn lòng thực thi những nghĩa củ yêu thương khi còn sống. Chứ đợi đến khi chết rồi có cả một rừng hoa phúng điếu cùng bài điếu văn thảm thiết bi ai cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với những người được Chúa gọi về, Bổn phận của những người còn sống chúng ta. Trong tình hiếu thảo và thương nhớ đối với người thân, chúng ta phải cầu nguyện có nhiều việc làm phúc đức và lòng bác aí, dâng lên Thiên Chúa, như của lễ của chúng ta. xin Chúa thương đến những người thân chúng ta. Đặc biệt trong tình yêu thương đồng loại, chúng ta cũng cầu nguyện cho những “Linh Hồn Mồ Côi”. Chắc chắn các "Linh Hồn Mồ Côi” rất cần đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta".

Tôi thành thật cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của các bạn.

Peter Hà (tinvui.org)

HỎA NGỤC

Ngày xưa ta nghe các cụ đi khuyên những kẻ liệt, đọc sách thiêng liêng hay nói đến hỏa ngục như là nơi đày ải khổ sở, trầm luân vô cùng: nào là quỉ đen thui, mắt ốc nhồi nhe răng nanh, đầu có sừng, đít có đuôi, trên tay lăm le cái xiên ba răng để xiên người bỏ vào những lò nung mấy ngàn độ hoặc đưa qua những vạc dầu sôi, mùi cháy khét bốc lên ngùn ngụt.  Những câu chuyện đó nhằm làm cho ai nấy khiếp sợ để tăng phần nhân đức và để đừng phạm tội nữa.

Khi tôi còn là cậu giúp lễ, tôi cũng được nghe nhiều thánh tích về hỏa ngục khác nữa.  Như có lần cha xứ đang mặc áo lễ để dâng lễ cho một linh hồn mới qua đời, thì linh hồn đó hiện về đen đủi đen đui, nói với cha xứ là đừng dâng lễ cho tôi nữa, tôi đã xuống hỏa ngục rồi, chẳng còn gì mà hy vọng, xin cha dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn khác.  Rồi sau đó linh hồn nhỏ một giọt mồ hôi vào lòng bàn tay cha xứ, tức thì bàn tay cha bị giọt mồ hôi xuyên qua vì nóng và rát dúa quá, xác thịt bình thường con người không thể chịu nổi.  Ôi! Ghê gớm quá, giục lòng mà xưng tội đi.

 **********************************

Có những người bi quan cho rằng đằng nào số phận của mình cũng xuống hỏa ngục rồi, đã được xếp vào cỏ lùng, cá xấu, năm cô khờ dại...  Có những người hồ nghi là chẳng biết chết xong rồi có hỏa ngục không, ai nắm chắc chuyện đó, bảo đảm có hay không, chứng minh?  Cả hai lối suy nghĩ trên đều đưa đến cuộc sống ăn chơi buông thả, thoải mái tự do, ngông nghênh với đời và còn triết lý cùn thú vị như mình đã khám phá phát minh ra: "Tôi xuống hỏa ngục chả lẽ có một mình tôi, có người có ta chứ, sợ gì".  Và còn biết bao tâm hồn không lên tiếng, không chối, không tin rõ rệt, có một lối sống lấp lửng, do dự, lững lờ... ra như chẳng còn sức cố gắng hơn nữa, ý chí cũng chẳng còn, hy vọng mong manh là mình sẽ không bị tụt xuống.  Nhất là cha mẹ, bạn bè hay nhắc nhở nhau đi lễ đi nhà thờ đọc kinh, để khỏi xuống hỏa ngục...

Nhìn lại những cách sống như vậy để chúng ta, những người Kitô hữu, tin vào Đức Giêsu thật sự và có một tình yêu chân chính, chúng ta bình tĩnh đặt lại vấn đề giáo dục, hướng dẫn của nền "đạo lý Kitô giáo".  Có thể  chúng ta thiếu một nền giáo dục Kitô giáo, hoặc có một nền giáo dục Kitô giáo không khá, với những lý thuyết xa vời, những giáo điều cứng ngắc, những tưởng tượng sai lạc, những bài luân lý vô tận....

 Trong Tin mừng có kể chuyện người phú hộ với yến tiệc linh đình, và ông Lazarô nghèo đói ghẻ lở tìm nhặt dưới đất những mảnh vụn ở trên bàn rơi xuống, húp những thừa cặn của tô phở mà người ăn đã bỏ đi, hút lại những mẩu thuốc lá dưới gầm bàn ăn... và cuối cùng, sau khi đã van nài đủ kiểu, ông phú hộ xin về báo cho mấy thằng anh em còn sống biết nỗi khốn khổ của con người ích kỷ. Nhưng cha Abraham nói rằng ở trần gian chúng nó đã có Môisen và các ngôn sứ, chúng nó không tin các ngài thì cho dù người chết có trở về nói cho chúng, chúng cũng chẳng tin nghe đâu (Lc 16,19-31).

 Điều tôi muốn chia sẻ lại với các bạn ở đây là các ngôn sứ, nhất là Đức Kitô, đã gào thét lên cho con người về Tình Yêu Thương và Lời Chúa cho đến hôm nay.  Các chứng nhân, ngôn sứ thời đại mới, vẫn kêu gào như thế mà vẫn bị khước từ, vẫn có người bịt tai, làm ngơ : "nghe như không nghe, nhìn mà không thấy..."và họ chỉ thấy có hỏa ngục thôi.  Những người không tin, không yêu thì có lẽ cũng không nên nói về hỏa ngục vì rất dễ dễ bị lệch, vì chỉ để hù dọa, gây kinh hoàng, sợ hãi.....

Hoả ngục, đây là tình trạng lãng phí của một tình thươngyêu âu yếm.  Đức Giêsu Kitô đến đâu phải để hù dọa, nhưng là để  tỏ bày tình thương yêu của Thiên Chúa, họ đã đón nhận, đã sống và đã từ chối.  Phải đặt hỏa ngục trong tương quan với tình yêu, khi đó những cực hình tra tấn, vạc dầu sôi, các lò nung nướng thịt sẽ phai nhạt đi.

Sự trầm luân với những tình huống có thể xảy ra, đó chỉ là hậu quả của tính nghiêm túc của tình yêu.  Một hình ảnh dễ hiểu là: Thiên Chúa như cái bóng đèn, ai ở gần thì người đó được hưởng ánh sáng, ai từ khước thì sẽ ở nơi tối tăm, mò mẫm, loạng quạng.  Tình thương của cha mẹ bị con cái khước từ, tình yêu của chàng bị nàng khước từ, đau đớn lắm chứ?  Nói đến hỏa ngục là để nói với những người đang yêu.  Như thánh Ignatio Loyola mỗi lần ngài bị khô khan, ngài suy niệm về hỏa ngục để kích thích lòng mến.  Thánh Têrêsa hài đồng nói với Chúa:  nếu Chúa có cho con xuống hỏa ngục thì con xin vẫn cứ yêu Chúa, một tình yêu có tính cách nhưng-không và chuyện này chẳng có thể xảy ra được.  Sự nghiền ngẫm hỏa ngục phát xuất từ lòng từ bi yêu thương âu yếm, chứ không phải bất cứ điều gì khác. Vì thế mà nó mang tính cách cầu nguyện "Lạy Chúa, xin đừng để con xa lìa, xin đừng xa cách con khỏi Thánh Nhan Ngài". Người đang yêu thì suy nghĩ về hỏa ngục trong tư cách là người đang yêu, tức là trong niềm tin tưởng, trong sự phó thác cậy trông  nơi bàn tay Cha ấp ủ.  Đức Kitô qua cái chết cứu độ trên thập giá của Ngài, đã giang tay ra chận đứng cánh cổng xuống đó, và hẳn ai muốn đi xuống đó chắc là phải bước qua xác Ngài.

Tấn bi kịch của hỏa ngụclà người đã nhận biết Tình yêu và đã từ chối.Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội  nào có ai đứng vững được chăng ? (Tv 129)

Mong Manh

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top