Suy ngam
Trong một tiết học của các sinh viên trường mỹ thuật, vị giáo sư đưa cả lớp xem bức tranh mô tả thân phận con người của Goya, họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha.
Bức tranh mang tên Đánh nhau bằng gậy.
Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân đang xô xát nhau.
Mỗi người cầm trên tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ dùi cui để bảo vệ mặt mình.
Nền trời trong xanh không để lộ một nét gì nguy hiểm sắp xảy đến.
Người ta không đoán được trời sắp dông bão hay sáng rực nữa.---
Cả lớp nhốn nháo. Ai nấy đều lao nhao muốn phát biểu trước. Có sinh viên nói đây là bức tranh diễn tả định luật bảo tồn của con người: "Đấu tranh bảo tồn sinh mạng".
Sinh viên khác: bức tranh diễn tả mục đích của con người là muốn hạnh phúc vì hạnh phúc là đấu tranh. Sinh viên khác nữa lại phân tích: bức tranh muốn diễn tả chân lý con người là động vật có lý trí, vì chỉ có thú vật mới cắn nhau mà ở đây là thú vật có lý trí nên cắn nhau bằng gậy.---
Vị giáo sư ra hiệu cho cả lớp im lặng rồi bảo các sinh viên hãy quan sát thật kỹ một lần nữa.
Cả lớp im ăng ắng.
Mãi một lúc sau ông mới chậm rãi nói: "Thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây chỉ là bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: hai người nông dân đang hằm hằm sát khí để loại trừ nhau lại đang mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi đến, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối mà hai người không ai hay biết".---
Vị giáo sư ngừng lại hồi lâu rồi nói tiếp: "Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng vào nhau mà do cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.
Thế nhưng thay vì giúp nhau để thoát khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào loài thú dữ: họ cắn xé nhau.
Bức tranh trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua. Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, đói khổ, động đất, khủng bố, chiến tranh... thì con người lại dành giật chém giết lẫn nhau.
Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở một nơi nào đó ngoài cuộc sống của các bạn, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của ta với người xung quanh.
Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm nơi từng con người.
Một trong những cách tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, ta hãy liên đới để bảo vệ nhau, bảo vệ sự sống, bảo vệ hành tinh này
Dĩ Hòa Vi Quý - Nên Chăng?
Một người Việt Nam lớn lên vẫn không quen với rất nhiều lời răn dạy về cách sống, cách cư xử ở đời...
Thôi thì chịu chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, thôi thì đóng cửa bảo nhau, thôi thì dĩ hoà vi quý...
Tất thảy đều mang một tấm lòng khoan nhượng.
Nhưng những tính tốt ấy có phải lúc nào cũng là một cách sống tích cực?
Nếu nhìn vấn đề ở góc độ lịch sử, những cái đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hiện nay chủ yếu được hình thành trong thế kỷ 20.
Một thế kỷ đầy biến động, chúng ta kế thừa một thứ chủ nghĩa phong kiến để chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, và quy luật chiến tranh đè bẹp, lấn át mọi quy luật kinh tế xã hội. Ở miền Bắc hình thành cơ chế bao cấp . Nhưng bao cấp, nhất là bao cấp kéo dài sau năm 1975 lại làm nảy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm.
Báo "Ong đất" của Bungari nhìn lại thời kỳ này của chính họ, đã tổng kết nên 6 nghịch lý mà ta có thể tham khảo :
- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".
Bây giờ cơ chế thị trường lại sinh ra hai đứa con là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ.
Mọi nhược điểm chỉ phát huy tác dụng trong môi trường của bốn thói xấu này.
Một câu nhịn, tốt quá. Nhưng nếu tôi vô trách nhiệm, đó là sự biện hộ cho thói vô trách nhiệm của tôi.
Miệng Tiếng Thị Phi
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện với vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
- Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
- Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ. Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
Nói Câu "Xin Lỗi" Có Dễ Không?
"Cho mình xin lỗi" - thật là dễ dàng để viết câu này xuống giấy. Nhưng khi phải thốt ra với một ai đấy, ta thường cảm thấy "nghẹn nghẹn" trong cổ họng, như danh ca Elton John đã từng nói: "Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất".
Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái - dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: "Mình cảm thấy vô cùng ân hận và dày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!". Cũng chính vì điều này mà khi xin lỗi, chúng ta thường cảm thấy bản thân quá... "nhỏ nhoi", thấp bé", rằng xin lỗi là dấu hiệu của sự yếu đuối, của sự mất quyền lực và để cho nguời khác "nắm đầu".
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là "nhân vô thập toàn", không có ai trên cuộc đời này dám vỗ ngực tự hào là mình hoàn hảo cả. Cho nên, việc bạn sẵn lòng nhận lỗi lầm, đối diện thẳng thắn với nó và hành động để đưa mọi việc vào trật tự tốt đẹp như cũ, cho thấy nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao và cá tính tuyệt vời của bạn. Bạn bè (người thân, đồng nghiệp, cha mẹ v.v...) sẽ không đánh giá thấp những nỗ lực của bạn. Ngược lại, họ sẽ đánh giá bạn cao hơn, mở rộng lòng hơn cho sự tha thứ và bỏ lại đàng sau quá khứ những niềm đau, nỗi buồn.
* Nên xin lỗi vào lúc nào?
Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, câu xin lỗi cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để chứng tỏ sự thiện chí của bạn. Nếu cứ chần chừ biện hộ cho rằng bạn không cần xin lỗi vì chẳng có lỗi chi cả, hoặc bạn sẽ xin lỗi với một số điều kiện từ đối tượng, thì e rằng bạn đang làm vấn đề rắc rối thêm. Hãy nhớ lại những chi tiết sau đây để bạn hiểu rõ sự cần thiết và khẩn cấp của một lời xin lỗi:
- Bạn đã phát biểu một câu nói gì đấy không được duyên dáng, êm tai cho lắm và bạn đã nhìn thấy nét đau đớn ngạc nhiên trên khuôn mặt người ấy? Như vậy là bạn đã làm tổn thương bạn mình không ít!
- Ðã có ai la hét, gằn giọng, hạ bệ bạn bằng những ngôn từ không trau chuốt chưa? Hẳn bạn sẽ không ưa thích gì, thậm chí bực bội nữa là khác. Vậy mà bạn đã làm điều ấy cho người thân yêu của mình, thật đáng trách biết bao!
Một số người có tâm hồn nhạy cảm hơn những người khác. Ðiều mà bạn cho là nhỏ nhoi lại có sự tác động rất lớn đến cuộc sống của họ. Hoặc khi đôi bên tranh cãi nhau, ai cũng cố đưa ra những lời nói "nặng ký" nhất để dành chiến thắng, và bạn nghĩ rằng "kẻ kia" phải hạ mình xin lỗi bạn mới đúng.
Vấn đề cần bàn ở đây không phải là việc bạn có chủ ý làm người khác tổn thuơng, thất vọng, đau đớn hay không, mà là việc bạn đã gây ra "tội ác" ấy, dù bạn thật sự "vô tội".
Bằng bất cứ gịá nào, bạn hãy xin lỗi và nói cho người ấy hiểu, rằng bạn không cố ý làm một việc xấu như vậy. Xin lỗi sớm trong trường hợp này chứng tỏ bạn rất dũng cảm và nhanh nhạy, còn hơn là khi bị "dồn đến mức đường cùng" rồi mới tỏ thái độ ân hận muộn màng, thì lời xin lỗi sẽ không còn giá trị lớn nữa.
* Phải tự hoàn thiện bản thân
Biết xin lỗi là nét sống lành mạnh của một con nguời có lòng tự trọng và biết chia sẻ với cảm xúc của những người khác. Tuy nhiên, việc lạm dụng từ "xin lỗi" quá thường xuyên sẽ bớt đi nét đẹp vốn có của nó. Nếu bạn xin lỗi mà cứ tiếp tục phạm sai lầm tuơng tự, người khác sẽ nghi ngờ mức độ thành thật của bạn. Hãy cho từ "xin lỗi" một tác động lớn hơn và kỳ diệu hơn, khi sự tự hoàn thiện bản thân chứng tỏ bạn đã để tâm và trí để cải thiện mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp.
* Nói câu xin lỗi như thế nào?
Nói câu xin lỗi là một bước quan trọng để sửa chữa lại những lỗi lầm, thiệt hại mà bạn đã gây ra thông qua hành động "trêu ngươi" vừa rồi. Thế nhưng, phụ thuộc vào mức độ thiện chí của bạn, bạn vẫn có cách hay nhất để xây dựng lại niềm tin và những cảm xúc tốt đẹp giữa đôi bên.
- Không nên xin lỗi qua email, điện thoại, nếu như bạn có điều kiện gặp trực tiếp
- Hãy nói câu xin lỗi bằng ánh mắt chân thành, cử chỉ thân ái, từ tốn.
- Không nên biện luận dài dòng để "chạy tội", mà hãy nhìn thẳng vào vấn đề và nhận lãnh trách nhiệm về phía mình.
- Thể hiện một cử chỉ đặc biệt của lòng tốt khác hẳn ngày thường, để tạo ra sự khác lạ đáng lưu ý trong cung cách ứng xử.
-Nếu có thể thì nên tặng hoa kèm với lời xin lỗi, bạn sẽ thấy cực kỳ "ép-phê".
- Sau khi đã xin lỗi xong, bạn cần phải biết tha thứ cho bản thân mình trước, bởi vì bạn đã công nhận sai lầm và cố gắng để sống tốt hơn. Hãy rút kinh nghiệm để trở thành một con người mới mẻ hơn, tích cực hơn, khôn ngoan hơn. Nếu không, bạn sẽ phải hối tiếc và lại phải xin lỗi 1001 lần nữa!
Bài Học Về Cách Chấp Nhận
Ở một ngôi trường tiểu học nọ có tổ chức một buổi văn nghệ do chính các học sinh trong trường biểu diễn. Họ tổ chức hẳn một cuộc thi giữa các lớp để tuyển diễn viên cho các vai diễn trong vở kịch của trường, những đứa trẻ rất hăng hái tham gia.
Cậu bé hàng xóm của tôi cũng là một trong số những đứa trẻ đó. Mẹ cậu nói với tôi rằng cậu đã rất nghiêm túc chuẩn bị cho cuộc thi này. Cậu đã đứng hàng giờ trước gương để tập luyện chỉ với mong muốn có một vai diễn phụ trong vở kịch. Hơn ai hết mẹ cậu biết rằng cậu không có khiếu đóng kịch nhưng bà vẫn ủng hộ hết lòng cho nỗ lực của đứa con trai bé nhỏ.
Ngày diễn ra cuộc tuyển chọn tôi đã cùng mẹ cậu bé đến trường đón cậu tan học.
Vừa thấy chúng tôi, cậu bé vội chạy đến ngay, đôi mắt sáng long lanh ngập tràn vui sướng và hãnh diện :
_Mẹ ơi, mẹ thử đoán xem nào?
Và như không thể chờ được, cậu bé la toáng lên bằng giọng nói hổn hển và xúc động :
_Con được cô chọn là người vỗ tay và reo hò, mẹ ạ!
(Sự ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu của cậu bé khiến tôi vô cùng bất ngờ, tôi cứ tưởng nó sẽ tức tối hay buồn rầu..., nhưng đổi lại như các bạn thấy đấy...hãy thử nghĩ xem liệu chúng ta có được như cậu bé trong tình huống như thế, liệu chúng ta có thể chấp nhận chỉ là người vỗ tay và reo hò???
Với một sự nỗ lực nhất định, đôi lúc kết quả lại không được như ta mong muốn, đó là thực tế, vì sự mong đợi đôi khi vượt quá khả năng bản thân mình, vấn đề là ta có chấp nhận nó như một thực tế và bằng lòng với những gì mình có hay không mà thôi...)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top