Qianyan
Trên thực tế, cả hai quan điểm cực đoan trong cuộc tranh luận này - những người phân biệt chủng tộc và những người tin vào một Eden trong quá khứ - đang phạm phải những sai lầm khi coi thổ dân trước đây hoàn toàn khác biệt với con người của các nước thuộc Thế giới thứ nhất (cho dù họ kém hơn hay giỏi hơn). Quản lý bền vững nguồn tài nguyên môi trường luôn là một điều rất khó khăn, thậm chí ngay từ khi những Người tinh khôn (Homo sapiens) phát triển các kỹ năng săn bắn sáng tạo và hiệu quả vào khoảng 50.000 năm trước đây. Bắt đầu với cuộc xâm lấn đầu tiên của con người lên lục địa Australia khoảng 46.000 năm trước, và kéo theo hậu quả là sự tuyệt chủng của phần lớn các loài thú lớn có túi và các loài động vật lớn khác. Rồi kế đó là Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Madagascar, các đảo Địa Trung Hải hay Hawaii, New Zealand và hàng chục đảo khác ở Thái Bình Dương - mỗi cuộc xâm lấn của con người tới một vùng đất trước đây chưa hề có dấu chân người đều kéo theo một làn sóng tuyệt diệt các loài thú lớn trước đó chưa hề biết đến con người, nên chúng dễ bị giết hay bị chết do môi trường sống
bị con người thay đổi, hoặc do sự xuất hiện của các loài sinh vật có hại và bệnh dịch. Bất cứ dân tộc nào cũng có thể bị rơi vào chiếc bẫy khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên môi trường, do các vấn đề tồn tại ở khắp nơi mà chúng ta sẽ xem xét ở phần sau của cuốn sách: đó là các nguồn tài nguyên ban đầu dường như vô tận; những dấu hiệu của giai đoạn mới bắt đầu cạn kiệt dễ bị nhầm lẫn là những dao động bình thường của tài nguyên giữa các năm hay các thập kỷ; rất khó buộc mọi người chấp thuận áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác một nguồn tài nguyên chung (cái gọi là thảm họa của tài nguyên chung sẽ được thảo luận trong các chương sau); và các hệ sinh thái rất phức tạp nên thường gây ra những hậu quả không thể lường trước, khiến con người, kể cả chuyên gia sinh thái học phải lo lắng. Các vấn đề môi trường hiện đang khó kiểm soát chắc chắn trước đây còn khó kiểm soát hơn nữa. Đặc biệt, những dân tộc không có chữ viết không thể hiểu rằng những vụ sụp đổ xã hội, hủy hoại sinh thái đã gây ra những hậu quả bi thảm, không thể lường trước chứ không chỉ là một sai lầm về mặt đạo đức do mù quáng hay sự cố tình, ích kỷ gây ra. Các xã hội chấm dứt trong sụp đổ (như Maya) khi đó đang ở giữa thời kỳ thành công, tiên tiến và sáng tạo nhất của họ chứ không phải là trong giai đoạn mông muội và nguyên thủy.
Những dân tộc trước đây không phải là những người quản lý kém cỏi và dốt nát đáng bị tuyệt diệt hay bị truất quyền sở hữu nhưng họ cũng không phải là những nhà bảo vệ môi trường tận tâm, thông thái để có thể giải quyết mọi vấn đề mà hiện chúng ta không thể giải quyết được. Họ cũng là những người như chúng ta, phải đối mặt với những vấn đề giống như những gì chúng ta đang phải đối mặt. Họ cũng rất dễ thành công hay thất bại tùy từng tình huống cụ thể như chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác biệt giữa những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề mà những dân tộc trước kia gặp phải, nhưng đồng thời cũng vẫn có những điểm tương đồng đủ để chúng ta có thể học hỏi từ quá khứ.
Trước hết, dường như tôi là kẻ bướng bỉnh và nguy hiểm khi đưa ra các giả thiết mang tính lịch sử về thực tế môi trường của những thổ dân những mong chúng được xem xét một cách công bằng. Các sử gia và các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều bằng chứng chứng minh giả thuyết về chủ nghĩa môi trường như Eden là sai. Bằng việc viện dẫn giả thuyết này để mong những thổ dân được đối xử công bằng, chúng tôi cũng ngụ ý rằng sẽ không có gì sai khi các dân tộc này lâm vào hoàn cảnh khó khăn nếu giả thiết trên bị bác bỏ. Thực tế, ý kiến phản bác rằng các dân tộc này đáng bị tuyệt diệt không dựa trên bất kỳ giả thiết lịch sử nào về thực tiễn môi trường của họ: nó dựa trên một nguyên tắc đạo đức, rằng sẽ là một hành vi vô đạo đức nếu một dân tộc tước quyền sở hữu, nô dịch hay hủy diệt một dân tộc khác.
Đó là cuộc tranh luận về những vụ sụp đổ trước đây do hệ sinh thái bị hủy hoại. Còn về mức độ phức
tạp, tất nhiên không phải tất cả mọi xã hội đều phải chịu chung số phận bi đát là sụp đổ chỉ bởi những tổn hại môi trường. Trước đây, một số xã hội đã sụp đổ trong khi những xã hội khác thì không. Vấn đề thực sự ở đây là tại sao chỉ một số xã hội rõ ràng rất dễ bị đổ vỡ và khác biệt giữa những xã hội này với những xã hội khác là gì? Một số xã hội mà tôi sẽ thảo luận, như người Iceland và người Tikopia, giải quyết thành công những vấn đề môi trường cực kỳ khó khăn nên họ đã tồn tại trong một thời gian dài và hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, khi những người Na Uy tới chiếm Iceland, lúc đầu họ thấy môi trường nơi đây rất giống với môi trường Na Uy nhưng thực tế chúng rất khác nhau. Bởi vậy họ đã vô tình tàn phá phần lớn lớp đất mặt và diện tích rừng của Iceland. Trong một thời gian dài, Iceland đã từng bị coi là nước nghèo nhất và môi trường sinh thái bị hủy hoại nặng nề nhất châu âu. Tuy nhiên, người Iceland đã rút ra những kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt nhất nên Iceland hiện đang là một trong những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Cư dân đảo Tikopia sống trên một đảo nhỏ, cách xa các láng giềng nên họ buộc phải tự lập hầu như mọi thứ. Nhờ quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên và kiểm soát nghiêm ngặt dân số nên hiện hòn đảo của họ vẫn rất màu mỡ dù con người đã đặt chân lên đây từ 3.000 năm nay. Bởi vậy, cuốn sách này không phải tập hợp một chuỗi không dứt những câu chuyện đau buồn về sự sụp đổ, mà còn cả những câu chuyện thành công thôi thúc sự học tập và làm tăng niềm lạc quan của con người.
Hơn nữa, tôi cũng không thấy trường hợp xã hội nào sụp đổ chỉ bởi những tổn hại môi trường, mà luôn phải có tác động từ những yếu tố khác. Khi dự kiến viết cuốn sách này, tôi không đánh giá hết những phức tạp đó, tôi ngây thơ nghĩ rằng cuốn sách sẽ chỉ viết về những tổn hại môi trường. Cuối cùng, tôi đã vạch ra được một khung gồm năm yếu tố có thể khiến một xã hội sụp đổ và tôi đang cố tìm hiểu bất kỳ sự sụp đổ nào do môi trường. Bốn yếu tố đầu là tổn hại môi trường, thay đổi khí hậu, láng giềng thù địch và các đối tác thương mại thân thiện. Trong một xã hội cụ thể, những yếu tố này có hoặc không thể đóng vai trò quan trọng. Nhưng yếu tố thứ năm - cách đối phó của xã hội đối với các vấn đề môi trường - luôn được xem là yếu tố quan trọng. Thứ tự sắp xếp các yếu tố này không phải theo tầm quan trọng của chúng, mà chỉ để thuận tiện cho trình bày mà thôi, chúng ta sẽ lần lượt xem xét cả năm yếu tố này.
Như đã thảo luận, những yếu tố đầu tiên liên quan tới những tổn hại mà con người vô tình gây ra cho môi trường. Quy mô và khả năng đảo ngược những tổn hại này phụ thuộc một phần vào những đặc tính của con người (ví dụ mỗi năm họ chặt bao nhiêu cây trên một mẫu), và một phần vào các đặc tính của môi trường (như các đặc tính quyết định số hạt giống nảy mầm trên mỗi mẫu và tốc độ phát triển hằng năm của số cây non). Những đặc tính môi trường này sẽ được coi hoặc là mong manh (dễ bị tổn hại) hoặc là mau phục hồi (khả năng phục hồi sau khi bị tổn hại), và chúng ta có thể thảo luận riêng về khả năng dễ bị tổn hại hay mau phục hồi của các cánh rừng, đất đai, của các loài cá và những nguồn tài
nguyên khác trong một khu vực. Bởi vậy, lý do vì sao chỉ một số xã hội nhất định bị sụp đổ vì môi trường, về cơ bản, đó là do cư dân trong xã hội quá bất cẩn hoặc do một số đặc tính môi trường của họ quá mong manh, hoặc cả hai lý do này.
Nghiên cứu tiếp theo trong khung năm điểm của tôi là yếu tố thay đổi khí hậu, một khái niệm mà hiện nay chúng ta đang có khuynh hướng gắn với hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng lên do con người gây ra. Thực tế, khí hậu có thể nóng lên hay lạnh đi, ẩm ướt hay hanh khô hơn, hoặc ít nhiều biến động giữa các tháng hay các năm, do thay đổi của các lực lượng tự nhiên ảnh hưởng tới khí hậu mà con người không thể làm gì được. Ví dụ như những thay đổi về sức nóng do Mặt trời tỏa ra, núi lửa hoạt động phun tro bụi vào không khí, hướng của trục Trái đất thay đổi so với quỹ đạo của nó và những thay đổi trong phân bố lục địa và đại dương trên bề mặt Trái đất. Những trường hợp thay đổi khí hậu tự nhiên thường được thảo luận nhiều nhất còn do cả hiện tượng các tảng băng lục địa trôi dạt trong Thời kỳ Băng hà bắt đầu từ hơn hai triệu năm trước, thời kỳ được gọi là Tiểu Băng Hà vào khoảng năm 1400 - 1800, và hiện tượng khí hậu toàn cầu lạnh đi do núi lửa Mt. Tambora khổng lồ của Indonesia hoạt động vào ngày 5 tháng Tư năm 1815. Núi lửa này đã phun tro bụi vào khí quyển nhiều tới mức làm giảm ánh sáng mặt trời chiếu xuống Trái đất, cho tới khi tro bụi được dọn sạch. Mùa hè năm 1816, hiện tượng này đã gây ra nạn đói lan tràn tới tận Bắc Mỹ và châu âu do thời tiết lạnh giá và sản lượng hoa màu bị giảm sút. (Do vậy, năm đó còn gọi là năm không mùa hè).
Đối với các xã hội trước kia, thay đổi khí hậu thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi tuổi thọ của con người thời đó thấp và không có ghi chép về những thay đổi đó như hiện nay, do khí hậu ở nhiều nơi trên Trái đất có khuynh hướng thay đổi không chỉ hằng năm mà còn trong hàng thập kỷ, chẳng hạn, sau khoảng thời gian nửa thế kỷ khô hanh là vài thập kỷ khí hậu ẩm ướt. Trong nhiều xã hội tiền sử, khoảng cách giữa các thế hệ - trung bình năm giữa năm sinh của cha mẹ với con cái - chỉ kéo dài vài chục năm. Bởi vậy, vào cuối những thập kỷ khí hậu ẩm ướt hầu như số người sống sót không còn nhớ gì về những gì đã diễn ra trong giai đoạn khí hậu hanh khô trước đó. Thậm chí ngày nay, con người vẫn có xu hướng tăng sản lượng và dân số trong những năm khí hậu thuận lợi mà quên mất (hay như trong quá khứ là không nhận ra) rằng giai đoạn này sẽ không kéo dài. Bởi vậy khi giai đoạn khí hậu thuận lợi chấm dứt, xã hội mới thấy rằng dân số đã vượt quá khả năng chu cấp của mình, hay những thói quen thâm căn cố đế không còn thích hợp với những điều kiện khí hậu mới. (Điển hình là miền Tây hanh khô của nước Mỹ với chính sách sử dụng nước thoải mái ở đô thị và nông thôn thường được đưa ra trong những thập kỷ khí hậu ẩm ướt). Cùng với những khó khăn do hiện tượng thay đổi khí hậu gây ra, nhiều xã hội trước đây còn không có các cơ chế "giảm nhẹ tai họa" để nhập khẩu lượng lương thực dư thừa từ các vùng có khí hậu khác vào các vùng đang thiếu lương thực. Tất cả những nghiên cứu này cho thấy các xã hội trước đây có nhiều nguy cơ chịu tác động tiêu cực từ hiện tượng
thay đổi khí hậu.
Khí hậu tự nhiên thay đổi có thể tạo ra những điều kiện tốt hơn hoặc xấu hơn cho bất kỳ xã hội cụ thể nào của con người, và cũng có thể tạo thuận lợi cho xã hội này nhưng lại gây tổn hại tới xã hội khác. (Ví dụ, chúng ta sẽ thấy rằng khí hậu thời kỳ Tiểu Băng Hà bất lợi cho xứ Norse nhưng lại thuận lợi cho xứ Inuit cũng của Greenland). Trong lịch sử có nhiều trường hợp, một xã hội đang bị cạn kiệt tài nguyên môi trường vẫn có thể chịu đựng tổn hại chừng nào khí hậu vẫn còn thuận lợi, nhưng sau đó bị đẩy tới bờ vực sụp đổ khi khí hậu trở nên hanh khô hơn, lạnh giá hơn, nóng hơn, ẩm ướt hơn hay thay đổi nhiều hơn. Lúc đó liệu có thể kết luận rằng xã hội đó sụp đổ là do tác động môi trường mà con người gây ra hay do thay đổi khí hậu gây ra? Hai kết luận đơn giản này chẳng có cái nào đúng cả. Thay vào đó, nếu xã hội đó không tự làm cạn kiệt một phần nguồn tài nguyên môi trường của mình, thì nó đã có thể vượt qua sự cạn kiệt tài nguyên do thay đổi khí hậu gây ra. Ngược lại, cho dù chính xã hội đó đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhưng nó vẫn có thể tồn tại cho tới khi hiện tượng thay đổi khí hậu khiến nguồn tài nguyên cạn kiệt hơn nữa. Không thể tách riêng một yếu tố nào, sự kết hợp giữa thay đổi khí hậu và tác động môi trường rõ ràng là một đòn quyết định.
Nghiên cứu thứ ba là mối quan hệ với các láng giềng thù địch. Hầu như rất ít xã hội lịch sử có vị trí địa lý gần với các xã hội khác để có thể quan hệ với nhau. Quan hệ với các xã hội láng giềng có thể trong tình trạng thù địch thường xuyên hoặc tạm thời. Một xã hội có thể kiềm chế kẻ thù khi xã hội ấy còn hùng mạnh và chỉ chịu thất bại khi bị suy yếu vì bất kỳ lý do nào, kể cả những tổn hại môi trường. Lý do sát nhất của sự sụp đổ là do bị xâm lược vũ trang, nhưng lý do chính – yếu tố mà khi nó thay đổi sẽ dẫn tới sự sụp đổ - phải là yếu tố đã khiến cho xã hội đó suy yếu. Bởi vậy, những sụp đổ vì lý do sinh thái hay vì các lý do khác thường bị che đậy dưới lý do thất bại quân sự.
Minh chứng rõ ràng nhất về sự che đậy này chính là sự sụp đổ của Đế chế La Mã phương Tây. Do La Mã thường xuyên bị những tộc người dã man tấn công nên đã sụp đổ vào khoảng năm 476, năm vị vua cuối cùng của phương Tây bị phế truất. Tuy nhiên, thậm chí trước khi Đế chế La Mã xuất hiện đã có những tộc người "dã man" sống ở Bắc âu và Trung á, ngoài biên giới của châu âu Địa Trung Hải "văn minh", và thi thoảng tấn công châu âu "văn minh" (cũng như Trung Quốc và Ấn Độ "văn minh"). Trong thời gian hơn một ngàn năm, La Mã đã khống chế thành công những tộc người dã man, như đánh tan một đạo quân xâm lược lớn của người Cimbri và người Teutone khi chúng tấn công miền Bắc Italy trong trận chiến tại Campi Raudii vào năm 101 TrCN.
Cuối cùng, chính những tộc người dã man chứ không phải là người La Mã đã chiến thắng trong cuộc chiến này. Vậy nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi vận mệnh này là gì? Có phải do những tộc người dã man đã tự thay đổi, như binh lính đông hơn và được tổ chức tốt hơn? Hay họ có nhiều ngựa hơn,
nhiều vũ khí tốt hơn? Hay do hiện tượng thay đổi khí hậu đã tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho những thảo nguyên Trung á? Trong trường hợp này, chúng ta sẽ cho rằng những tộc người dã man chính là nguyên nhân khiến La Mã sụp đổ. Hay phải chăng những tộc người dã man vẫn cũ kỹ và không hề đổi mới luôn rình rập ngoài biên giới Đế quốc La Mã, và chỉ chiến thắng khi La Mã bị suy yếu bởi sự kết hợp của hàng loạt khó khăn về chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề khác? Trong trường hợp này, chúng ta thấy rằng La Mã bị sụp đổ bởi chính những vấn đề của bản thân nó, cùng với đòn kết liễu của những tộc người dã man. Vấn đề này hiện vẫn còn gây tranh cãi và về cơ bản cũng được thảo luận khi bàn về sự sụp đổ của một số xã hội khác như Đế chế Khmer, định đô tại Angkor Wat với những cuộc xâm lược của những láng giềng người Thái, sự suy tàn của nền văn minh Harappan ở lưu vực sông Ấn với những cuộc xâm lăng của người Aryan, và sự sụp đổ văn minh Mycenae của người Hy Lạp và những xã hội Địa Trung Hải thời kỳ đồ Đồng với những cuộc xâm lăng của hải tặc.
Yếu tố thứ tư trái ngược với yếu tố thứ ba: sự hỗ trợ của những láng giềng hữu nghị bị suy thoái, hoàn toàn trái ngược với những cuộc tấn công liên tiếp của các láng giềng thù địch. Trong lịch sử, hầu như chỉ một vài xã hội có cả đối tác thương mại hữu nghị và cả những kẻ thù ở ngay bên cạnh mình. Thông thường, kẻ thù và đối tác đều là một và chính là nước láng giềng với quan hệ lúc tốt, lúc xấu tùy thuộc vào sự hữu nghị hay thù địch. Hầu hết các xã hội đều phụ thuộc vào các nước láng giềng hữu nghị ở một mức độ nào đó, hoặc để nhập khẩu các loại hàng hóa thương mại thiết yếu (như ngày nay Mỹ nhập khẩu dầu lửa, Nhật Bản nhập khẩu dầu lửa, gỗ và hải sản), hoặc có những ràng buộc văn hóa gắn liền với xã hội (như Australia "nhập khẩu" bản sắc văn hóa từ Anh cho mãi tới gần đây mới chấm dứt). Bởi vậy xuất hiện nguy cơ, nếu đối tác thương mại của bạn bị suy yếu bởi bất kỳ lý do nào (kể cả những tổn hại môi trường) và không còn tiếp tục cung cấp các mặt hàng thiết yếu hay quan hệ văn hóa, thì chắc chắn xã hội của bạn cũng sẽ suy yếu theo. Đây là một vấn đề quen thuộc với thế giới ngày nay bởi Thế giới thứ nhất phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa từ Thế giới thứ ba, nơi bất ổn về chính trị và sinh thái, dễ bị tác động và từng áp dụng lệnh cấm vận dầu lửa đối với Mỹ vào năm 1973. Những vấn đề tương tự cũng từng xuất hiện trong các xã hội trước đây như xứ Norse của Greenland, Pitcairn của Iceland và những xã hội khác.
Yếu tố cuối cùng trong khung năm điểm của tôi chính là cách đối phó của xã hội với các vấn đề của mình, cho dù đó có phải là vấn đề môi trường hay không. Cùng một vấn đề nhưng các xã hội khác nhau có những cách đối phó khác nhau. Ví dụ, phá rừng xuất hiện trong nhiều xã hội trước đây, trong khi New Guinea Cao nguyên, Nhật Bản, Tikopia và Tonga quản lý rừng thành công và tiếp tục phát triển thịnh vượng thì đảo Phục Sinh, Mangareva và xứ Norse Greenland lại thất bại và sụp đổ. Chúng ta có thể hiểu những hậu quả trái ngược này như thế nào? Cách đối phó của một xã hội phụ thuộc vào thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và những giá trị văn hóa của nó. Những thể chế và giá trị này ảnh hưởng tới
cách xã hội xử lý (hay thậm chí cố gắng xử lý) vấn đề của mình như thế nào. Trong cuốn sách, chúng tôi sẽ áp dụng khung năm điểm này khi thảo luận về các xã hội trước đây đã sụp đổ hay tiếp tục phát triển.
Tất nhiên, tôi cũng muốn nói thêm rằng, cũng như các yếu tố thay đổi khí hậu, xã hội láng giềng thù địch và các đối tác thương mại có thể hoặc không thể góp phần làm một xã hội sụp đổ, thì yếu tố tổn hại môi trường cũng có thể hay không thể góp phần làm nên điều đó. Sẽ là ngớ ngẩn khi cho rằng tổn hại môi trường phải là yếu tố chủ chốt trong mọi vụ sụp đổ, như sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là một minh chứng mới và việc La Mã hủy diệt Carthage vào năm 146 TrCN là một minh chứng cũ. Nhưng hiển nhiên rằng chỉ riêng các yếu tố quân sự hay kinh tế là có thể khiến xã hội sụp đổ. Bởi vậy, tiêu đề đầy đủ của cuốn sách này phải là "Sự sụp đổ của xã hội có liên quan tới yếu tố môi trường, và trong một số trường hợp còn có sự góp phần của hiện tượng thay đổi khí hậu, xã hội thù địch và các đối tác thương mại, cộng với những vấn đề về sự đối phó của xã hội". Giới hạn này vẫn mang lại cho chúng ta nhiều bằng chứng mới và cũ để nghiên cứu.
Ngày nay, những vấn đề về tác động tới môi trường của con người đang gây tranh cãi và các ý kiến có khuynh hướng phân hóa thành hai trường phái đối lập. Trường phái thứ nhất, được gọi là "các nhà môi trường" hay "thân môi trường", cho rằng các vấn đề môi trường của chúng ta hiện đang rất nghiêm trọng và rất cần được chỉ rõ, và rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay không thể duy trì lâu dài. Trường phái thứ hai thì cho rằng các nhà môi trường lo lắng thái quá, vô căn cứ, tăng trưởng kinh tế và dân số sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển. Không thể tìm một cái tên ngắn gọn cho trường phái thứ hai nên tôi gọi đó là trường phái "phi môi trường". Những quan điểm của họ xuất phát từ giới các tập đoàn tài chính và kinh tế lớn, nhưng công thức "phi môi trường" = "thân kinh doanh" là không chính xác. Nhiều thương nhân tự coi mình là những nhà môi trường và nhiều người chỉ trích các quan điểm của các nhà môi trường lại không thuộc giới các tập đoàn tài chính lớn. Khi viết cuốn sách này, tôi sẽ đặt mình ở đâu giữa hai trường phái này?
Một mặt, từ khi mới bảy tuổi, tôi đã làm công việc theo dõi nhận dạng các loài chim. Chuyên môn của tôi là nghiên cứu sinh vật học, và từ 40 năm nay tôi nghiên cứu các loài chim rừng nhiệt đới ở New Guinea. Tôi quý các loài chim, thích ngắm nhìn chúng và thích được sống trong rừng nhiệt đới. Tôi cũng yêu quý các loài thực vật, động vật và các môi trường sống khác cũng như coi trọng chúng vì những lợi ích của chúng. Tôi cũng đã rất nỗ lực để bảo tồn các loài sinh vật và môi trường thiên nhiên ở New Guinea và những nơi khác. Hơn 10 năm qua, tôi là Giám đốc chi nhánh của tổ chức Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) ở Mỹ, một trong những tổ chức môi trường quốc tế lớn nhất thế giới với những mục tiêu môi trường mang tầm thế giới. Tất cả những điều này khiến tôi bị phái phi môi trường
chỉ trích là "kẻ gieo rắc hoang mang", "Diamond chỉ thuyết giảng những điều tối tăm và bất hạnh", "thổi phồng rủi ro" và "coi trọng cây cối hơn nhu cầu của con người." Nhưng mặc dù yêu quý các chú chim New Guinea, tôi cũng rất yêu vợ con, bạn bè tôi, yêu người New Guinea và những dân tộc khác. Tôi quan tâm tới các vấn đề môi trường nhiều hơn bởi tôi biết chúng có tầm quan trọng to lớn với con người hơn là với các loài chim.
Mặt khác, tôi cũng có nhiều sự từng trải, mối quan tâm, đã và đang thực hiện nhiều công việc liên quan tới các tập đoàn kinh tế và các tổ chức khác trong xã hội chúng ta hiện đang khai thác các nguồn tài nguyên môi trường và thường bị coi là những người chống môi trường. Khi còn niên thiếu, tôi từng làm việc như một người lớn trong một trang trại chăn nuôi lớn ở Montana. Giờ đây khi đã trưởng thành và làm cha, tôi vẫn thường xuyên đưa vợ con tới nghỉ hè ở đó. Tôi cũng từng làm việc trong một nhóm thợ mỏ khai thác đồng ở Montana trong một mùa hè. Tôi yêu Montana và những người bạn làm việc ở các trang trại, tôi hiểu, ngưỡng mộ và thông cảm với công việc sản xuất nông nghiệp cũng như lối sống của họ và tôi kính tặng họ cuốn sách này. Những năm gần đây, tôi có nhiều cơ hội quan sát và trở nên quen thuộc với các công ty khai thác lớn trong các ngành công nghiệp mỏ, lâm nghiệp, đánh bắt cá, và dầu khí. Bảy năm qua, tôi làm công tác giám sát tác động môi trường tại khu khai thác dầu khí lớn nhất Papua New Guinea bởi các công ty dầu khí cam kết với tổ chức Động vật Hoang dã Thế giới tiến hành đánh giá các tác động môi trường một cách độc lập. Tôi thường xuyên tới thăm những khu khai thác của họ và trò chuyện với rất nhiều nhà quản lý cũng như với các nhân viên, và tôi hiểu quan điểm cũng như những khó khăn riêng của họ.
Trong khi những mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế giúp tôi có cái nhìn rõ hơn về những tổn hại môi trường mà họ gây ra, thì tôi cũng hiểu biết hơn về lợi ích của các tập đoàn khi áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và hiệu quả hơn cả các công viên quốc gia. Tôi quan tâm tới nguyên nhân tạo ra sự khác biệt trong chính sách môi trường của các ngành kinh doanh. Đặc biệt, việc tôi tham gia làm việc với các công ty dầu lửa lớn khiến một số nhà môi trường lên án tôi với những từ ngữ như: "Diamond đã bán chúng ta cho các tập đoàn", "ông ta chung chạ với các tập đoàn", hay "ông ta bán mình cho các công ty dầu lửa".
Thực tế, tôi không làm việc cho các tập đoàn kinh tế, và tôi mô tả trung thực những gì mình thấy trên đất đai của họ, mặc dù tôi tới thăm với tư cách là một vị khách. Ở một số nơi, tôi đã thấy các công ty dầu lửa và các công ty lâm nghiệp tàn phá môi trường và tôi đã nói đúng như vậy. Ở nơi khác, tôi thấy họ rất thận trọng và tôi cũng đã nói vậy. Quan điểm của tôi là, nếu các nhà môi trường không tự nguyện hợp tác với các tập đoàn, hiện đang là lực lượng mạnh nhất thế giới hiện đại, thì họ sẽ không thể giải quyết các vấn đề môi trường của thế giới. Bởi vậy, tôi viết cuốn sách này trên quan điểm trung dung,
với những hiểu biết cả về các vấn đề môi trường lẫn thực tiễn kinh doanh.
Làm thế nào để nghiên cứu "một cách khoa học" về sự sụp đổ của các xã hội? Khoa học thường bị bóp méo là "những tri thức được thu thập qua tiến hành những thí nghiệm có kiểm soát, lặp đi lặp lại trong phòng thí nghiệm". Thực ra, khoa học là điều gì đó lớn hơn nhiều: nó là sự thu thập các tri thức đáng tin cậy về thế giới. Trong một số lĩnh vực như hóa học và sinh học phân tử, những thí nghiệm có kiểm soát, được lặp đi lặp lại trong phòng thí nghiệm có thể và tới giờ vẫn là các phương tiện đáng tin cậy nhất để thu thập kiến thức. Chuyên môn chính của tôi là hai ngành này, tôi có bằng cử nhân sinh hóa và bằng tiến sĩ sinh lý học. Từ năm 1955 - 2002, tôi chuyên nghiên cứu thực nghiệm sinh lý học trong phòng thí nghiệm, ở Đại học Harvard và sau này ở Đại học California tại Los Angeles.
Năm 1964, khi bắt tay nghiên cứu các loài chim sống trong các khu rừng nhiệt đới tại New Guinea, lập tức tôi vấp phải khó khăn là làm sao thu thập được những kiến thức xác thực mà không cần tiến hành những thí nghiệm có kiểm soát, được lặp đi lặp lại, bất kể là ở trong phòng thí nghiệm hay ở ngoài trời. Sẽ là không khả thi, bất hợp pháp hay vô đạo đức nếu thu thập kiến thức về các loài chim bằng những thí nghiệm tiêu diệt hay làm giảm số chim trong một khu vực trong khi số chim ở khu vực khác không bị ảnh hưởng. Tôi đã phải vận dụng các phương pháp khác nhau. Những vấn đề tương tự về phương pháp luận cũng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành sinh học dân số, cũng như trong thiên văn học, dịch tễ học, địa chất học và cổ sinh vật học.
Giải pháp thông thường là áp dụng cái gọi là "phương pháp so sánh" hay "thí nghiệm tự nhiên", như so sánh sự khác nhau của các hoàn cảnh tự nhiên với biến số mà bạn quan tâm. Ví dụ, khi tôi là nhà điểu học, tôi quan tâm tới những tác động của loài chim hút mật Melidectes có chỏm lông đầu màu nâu vàng của New Guinea tới số lượng các loài chim hút mật khác. Tôi so sánh các loài chim trên núi và thấy chúng tương đối giống nhau ngoại trừ một số loài có tác động rõ ràng tới số chim hút mật Melidectes, trong khi một số khác thì không. Tương tự, trong các cuốn The Third Chimpanzee: The Evolution and Future of the Human Animal (tạm dịch: Loài tinh tinh thứ ba: Sự tiến hóa và tương lai của loài người) và Why is Sex Fun?: The Evolution of Human Sexuality (tạm dịch: Tại sao tình dục lại thú vị? Cuộc cách mạng giới tính của con người) đã so sánh các loài động vật khác nhau, đặc biệt là các bộ động vật có tay khác nhau, nhằm tìm ra lý do vì sao phụ nữ (không như giống cái của các loài động vật khác) lại trải qua thời kỳ mãn kinh và không có dấu hiệu rõ ràng của sự rụng trứng. Tại sao đàn ông lại có dương vật tương đối lớn (theo tiêu chuẩn động vật), và tại sao con người thường sinh hoạt tình dục ở nơi kín đáo (chứ không công khai như phần lớn các loài động vật khác). Có hẳn một tài liệu khoa học đồ sộ về những khó khăn của phương pháp so sánh này, và cách tốt nhất để khắc phục những khó khăn đó. Đặc biệt là trong các môn khoa học liên quan tới lịch sử (như tiến hóa sinh
vật học và lịch sử địa chất học), những môn không thể vận dụng các thí nghiệm về quá khứ, con người không có chọn lựa nào khác ngoại trừ phủ nhận những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để thừa nhận những thí nghiệm tự nhiên.
Cuốn sách này sử dụng phương pháp so sánh để tìm hiểu những xã hội bị sụp đổ phần nào do tác động của các vấn đề môi trường. Cuốn sách trước của tôi (cuốn Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies [tạm dịch: Súng, vi trùng và thép: Định mệnh của xã hội loài người]) áp dụng phương pháp so sánh để giải quyết một vấn đề ngược lại hoàn toàn, đó là: khả năng xây dựng các xã hội loài người trên các lục địa khác nhau trong suốt hơn 13.000 năm qua. Còn cuốn này chú trọng vào sự sụp đổ hơn là sự xây dựng của các xã hội, tôi so sánh sự khác nhau giữa nhiều xã hội hiện tại với các xã hội trước đây về mức độ dễ tổn hại của môi trường, quan hệ với các xã hội láng giềng, thể chế chính trị và những biến số "đầu vào" khác, là điều kiện ảnh hưởng tới sự ổn định của một xã hội. Những biến số "đầu ra" giúp tôi xác định xã hội đó sụp đổ hay tồn tại, và hình thái sụp đổ nếu một vụ sụp đổ xảy ra. Bằng việc liên kết các biến số đầu ra với các biến số đầu vào, tôi muốn vạch ra ảnh hưởng của những biến số đầu vào tới các vụ sụp đổ.
Có thể áp dụng phương pháp định lượng này một cách toàn diện và chính xác đối với sự sụp đổ do phá rừng trên các đảo Thái Bình Dương. Cư dân Thái Bình Dương thời kỳ tiền sử tàn phá rừng trên những hòn đảo của mình ở những mức độ khác nhau, từ mức độ nhẹ cho tới chặt phá toàn bộ, gây ra những hậu quả xã hội khác nhau, từ tồn tại trong thời gian dài cho tới bị sụp đổ hoàn toàn, cư dân tuyệt diệt. Tôi và đồng nghiệp Barry Rolett phân loại 81 hòn đảo Thái Bình Dương theo mức độ phá rừng trên quy mô số học. Chúng tôi cũng phân loại giá trị của chín biến số đầu vào (như lượng mưa, sự cô lập và mức độ phục hồi độ màu của đất) là điều kiện ảnh hưởng tới sự phá rừng. Bằng một phân tích thống kê, chúng tôi có thể tính toán được ảnh hưởng của mỗi biến số đầu vào tới hậu quả phá rừng. Một thí nghiệm so sánh khác có thể áp dụng với Bắc Đại Tây Dương, nơi hải tặc Địa Trung Hải từ Na Uy xâm chiếm sáu hòn đảo và lãnh thổ có những ưu thế khác nhau trong sản xuất nông nghiệp, giao thương với Na Uy, và những biến số đầu vào khác. Những hòn đảo này cũng chịu các hậu quả khác nhau, từ nhanh chóng bị bỏ hoang cho tới cư dân tuyệt diệt sau 500 năm hoặc tiếp tục phát triển sau 1.200 năm. Ngoài ra còn có thể đưa ra những so sánh khác giữa các xã hội ở những nơi khác nhau trên thế giới.
Tất cả những so sánh này đều dựa trên nhiều thông tin chi tiết về những xã hội cụ thể, do các nhà khảo cổ học, lịch sử học và các học giả khác kiên trì tích lũy. Phần cuối cuốn sách, tôi liệt kê danh mục những cuốn sách và những tài liệu tham khảo xuất sắc về nền văn minh cổ Maya và Anasazi, về người Rwanda và người Trung Quốc hiện đại, và về các xã hội khác trong quá khứ cũng như hiện tại mà tôi đã so sánh. Những nghiên cứu đơn lẻ này tạo nên cơ sở dữ liệu không thể thiếu được cho cuốn sách
của tôi. Có những kết luận bổ sung có thể rút ra từ việc so sánh những xã hội này với nhau nhưng lại không thể rút ra nếu chỉ nghiên cứu một xã hội riêng biệt. Ví dụ, để hiểu được sự sụp đổ của xã hội Maya nổi tiếng cần không chỉ những kiến thức chính xác về lịch sử và môi trường của Maya, mà chúng ta còn có thể đặt Maya trong một khung cảnh rộng hơn, và hiểu sâu hơn bằng việc so sánh Maya với những xã hội khác bị hoặc không bị sụp đổ nhằm tìm ra những điểm giống và khác nhau. Để hiểu rõ hơn đòi hỏi phải sử dụng phương pháp so sánh.
Tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết này để có những nghiên cứu riêng biệt xác đáng và những so sánh hợp lí, bởi các học giả khi thực hiện phương pháp nghiên cứu này thường coi nhẹ kết quả của phương pháp nghiên cứu kia. Các chuyên gia nghiên cứu lịch sử của một xã hội có khuynh hướng bỏ qua những phép so sánh và coi chúng là thiển cận, trong khi những người thực hiện phương pháp so sánh lại có khuynh hướng xem thường những nghiên cứu về các xã hội riêng biệt cũng với lý do coi chúng là thiển cận, vô vọng và ít có giá trị trong việc tìm hiểu các xã hội khác. Nhưng để thu thập những kiến thức xác thực, chúng ta cần kết hợp cả hai phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt, sẽ rất nguy hiểm nếu khái quát hóa một xã hội, hay cho rằng đã hiểu tường tận về một vụ sụp đổ đơn lẻ. Chỉ dựa trên sức nặng của các bằng chứng thu thập được từ phương pháp so sánh nhiều xã hội với những hậu quả khác nhau mới có thể hy vọng đưa ra được những kết luận thuyết phục.
Như vậy, để độc giả có vài ý tưởng sơ bộ để biết trước mình sẽ đọc về vấn đề gì, sau đây là bố cục của cuốn sách. Cuốn sách được bố cục giống như một con trăn Nam Mỹ nhiệt đới nuốt hai con cừu rất lớn. "Hai con cừu" đó là thảo luận của tôi về thế giới hiện đại và cả thế giới trong quá khứ, cả hai phần đều bao gồm một phần mô tả dài, không cân đối về một xã hội, cùng với những phần mô tả ngắn gọn về bốn xã hội khác.
Chúng ta sẽ bắt đầu với "con cừu lớn" đầu tiên. Phần I gồm một chương dài (Chương 1) về những vấn đề môi trường của bang Montana, tây nam nước Mỹ, nơi có trang trại Huls và trang trại của gia đình Hirschy bạn tôi (mà cuốn sách này đã đề tặng). Montana có ưu điểm là một xã hội hiện đại thuộc Thế giới thứ nhất, nơi có những vấn đề về môi trường và dân số nhưng những vấn đề của nó vẫn ít nghiêm trọng hơn so với hầu hết các xã hội phát triển khác. Hơn hết, do quen biết nhiều người Montana nên tôi có thể liên hệ các chính sách của xã hội Montana với những động cơ xung đột rõ ràng của mỗi con người. Từ bối cảnh quen thuộc của Montana, chúng ta có thể dễ dàng hình dung điều gì đã diễn ra trong các xã hội xa xôi trước đây mà ban đầu ta thấy rất kỳ lạ, và chỉ có thể từ đó chúng ta mới đoán ra được động cơ của mỗi dân tộc.
Phần II bắt đầu với bốn chương ngắn hơn về những xã hội trước đây đã sụp đổ, được sắp xếp theo mức độ phức tạp tăng dần theo khung năm điểm của tôi. Hầu hết các xã hội trước đây mà tôi sẽ thảo
luận chi tiết đều có quy mô nhỏ và nằm ở vùng ngoại biên, một số có biên giới địa lý hoặc bị cô lập về mặt xã hội, hoặc trong môi trường dễ bị tổn hại. Do sợ độc giả có thể bị lạc hướng, sa vào kết luận rằng chúng là những hình mẫu nghèo nàn so với những xã hội quy mô, hiện đại quen thuộc, nên tôi phải giải thích rằng tôi đã chọn lựa chúng vì những nghiên cứu kỹ lưỡng, chính xác bởi trong những xã hội nhỏ này, các giai đoạn bộc lộ nhanh hơn và những hậu quả thảm khốc hơn, khiến chúng trở thành những minh họa đặc biệt rõ ràng. Như vậy, không có nghĩa là những xã hội lớn, ở trung tâm có quan hệ thương mại với các nước láng giềng và có môi trường lành mạnh không bị sụp đổ trong quá khứ, thì ngày nay cũng không thể sụp đổ. Một trong những xã hội trước đây mà tôi sẽ thảo luận chi tiết là xã hội Maya, với dân số nhiều triệu, thậm chí đến hàng chục triệu người, thuộc một trong hai nền văn hóa tiên tiến nhất của Tân Thế giới trước khi người châu âu (Mesoamerica) đặt chân tới. Xã hội này có quan hệ thương mại và chịu ảnh hưởng của những xã hội tiên tiến khác trong khu vực. Trong phần đọc thêm của Chương 9, tôi tóm lược một số xã hội khác nổi tiếng trong quá khứ như xã hội người Thổ, Angkor Wat, văn minh Harappan ở lưu vực sông Ấn và những xã hội khác giống Maya ở những điểm trên và cũng bị suy tàn bởi tác động lớn từ các yếu tố môi trường.
Trường hợp nghiên cứu đầu tiên của chúng ta về quá khứ, lịch sử của đảo Phục Sinh (Chương 2), gần gũi tới mức chúng ta có thể thấy được một vụ sụp đổ thuần túy do sinh thái. Trong trường hợp này, do rừng bị phá toàn bộ nên dẫn tới chiến tranh, lật đổ chế độ và lật đổ cả những pho tượng đá nổi tiếng cùng một dân số đông đúc bị chết dần chết mòn. Theo những gì chúng ta biết, xã hội Polynesia trên đảo Phục Sinh biệt lập hoàn toàn kể từ khi nó hình thành, bởi vậy hành trình của đảo Phục Sinh không bị ảnh hưởng bởi những xã hội thân thiện hay thù địch. Chúng ta cũng không có bằng chứng về tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu tới đảo Phục Sinh, mặc dù có thể sau này sẽ có những kết quả nghiên cứu khác về vấn đề này. Những phân tích so sánh của tôi và Barry Rolett giúp chúng ta hiểu tại sao Phục Sinh, và tất cả những hòn đảo khác trên Thái Bình Dương, lại bị sụp đổ thảm khốc đến thế.
Đảo Pitcairn và đảo Henderson (Chương 3), cũng là quê hương của người Polynesia, là bằng chứng về ảnh hưởng của yếu tố thứ tư trong khung năm điểm, đó là mất sự hỗ trợ từ các xã hội láng giềng thân thiện. Môi trường của cả hai đảo Pitcairn và Henderson đều bị hủy hoại nghiêm trọng, nhưng đòn quyết định khiến cả hai xã hội này sụp đổ lại là do đối tác thương mại chủ chốt của họ bị sụp đổ cũng vì lý do môi trường. Không có bằng chứng nào về tác động từ các xã hội thù địch hay do thay đổi khí hậu.
Từ những thớ gỗ trên các cây cổ thụ ta có thể tìm hiểu những thông tin chi tiết về thời tiết, xã hội của thổ dân châu Mỹ Anasazi ở tây nam nước Mỹ (Chương 4) minh họa rõ ràng tác hại của sự kết hợp giữa yếu tố tổn hại môi trường và tăng trưởng dân số với yếu tố thay đổi khí hậu (trong trường hợp này là
hạn hán). Rõ ràng không phải yếu tố xã hội láng giềng thân thiện hay thù địch, cũng không phải yếu tố chiến tranh (ngoại trừ giai đoạn gần cuối của xã hội) là nguyên nhân chính khiến Anasazi sụp đổ.
Không cuốn sách nào viết về những sự sụp đổ của xã hội được coi là hoàn thiện nếu không đề cập tới Maya (Chương 5), xã hội thổ dân châu Mỹ tiên tiến nhất với sự bí ẩn thi vị và tinh tế của những thành phố nằm sâu trong rừng già. Cũng như Anasazi, xã hội Maya minh họa những tác động của sự kết hợp giữa các yếu tố tổn hại môi trường, tăng trưởng dân số và thay đổi khí hậu nhưng không có vai trò cốt yếu của các xã hội láng giềng thân thiện. Khác với sự sụp đổ của Anasazi, các quốc gia láng giềng thù địch là nỗi ám ảnh lớn của các thành phố Maya ngay từ thời kỳ đầu mới hình thành. Trong số những xã hội được thảo luận từ Chương 2 tới Chương 5, chỉ có Maya còn lưu lại những tài liệu bằng chữ viết đã được giải mã.
Xứ Norse Greenland (Chương 6 - 8) là trường hợp nghiên cứu phức tạp nhất về sự sụp đổ xã hội thời tiền sử, cũng là trường hợp chúng ta có nhiều thông tin nhất (bởi đó là một xã hội châu âu có chữ viết dễ hiểu) và cũng là trường hợp được thảo luận nhiều nhất: đây là "con cừu" thứ hai trong bụng con trăn Nam Mỹ nhiệt đới. Cả năm yếu tố trong khung năm điểm của tôi đều được chứng minh rõ ràng, đó là: tổn hại môi trường; thay đổi khí hậu; mất mối quan hệ thân thiện với Na Uy; xung đột gia tăng với Inuit; và hình thái kinh tế; văn hóa; xã hội và chính trị của xứ Norse Greenland. Greenland mang lại cho chúng ta những phỏng đoán tương đối chính xác so với những thí nghiệm có kiểm soát về những vụ sụp đổ. Hai xã hội (Norse và Inuit) chung sống trên một hòn đảo nhưng rất khác biệt về văn hóa, tới mức một xã hội thì tồn tại trong khi xã hội kia thì suy thoái dần. Bởi vậy, lịch sử Greenland mang một thông điệp rằng, thậm chí ngay cả trong một môi trường khắc nghiệt, sụp đổ không phải chắc chắn sẽ xảy ra mà phụ thuộc vào những chọn lựa của xã hội. Những so sánh giữa xứ Norse của Greenland với năm xã hội khác do chính người Norse xâm chiếm và dựng lên ở Bắc Đại Tây Dương giúp chúng ta hiểu rằng tại sao xã hội Orkney Norse phát triển thịnh vượng trong khi người anh em của họ ở Greenland lại suy tàn. Một trong năm xã hội Norse khác là Iceland được đánh giá là thành công nổi bật khi chiến thắng những khó khăn môi trường để vươn lên thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng.
Phần II kết thúc (tại Chương 9) với ba xã hội thành công khác (giống như Iceland), như sự đối chiếu để hiểu hơn về những xã hội đã sụp đổ. Mặc dù những vấn đề môi trường của ba xã hội này ít khắc nghiệt hơn so với Iceland hay so với đa phần những xã hội đã sụp đổ khác, nhưng chúng ta vẫn nhận ra rằng có hai con đường khác nhau dẫn tới sự thành công. Đó là phương pháp "từ dưới lên" mà Tikopia và các cao nguyên New Guinea là một ví dụ, và phương pháp "từ trên xuống" mà Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa là một ví dụ.
Phần III sẽ quay trở lại với thế giới hiện đại. Chúng ta đã xem xét Montana hiện đại ở Chương 2, giờ
chúng ta sẽ tiếp tục xem xét bốn đất nước hiện đại khác nhau rõ rệt, đầu tiên là hai nước nhỏ và sau đó là hai nước lớn hay khổng lồ. Một thảm họa của Thế giới thứ ba (Rwanda), một nước Thế giới thứ ba tồn tại tới tận ngày nay (Cộng hòa Dominica), một nước lớn thuộc Thế giới thứ ba đang chạy đua để bắt kịp Thế giới thứ nhất (Trung Quốc) và một xã hội thuộc Thế giới thứ nhất (Australia). Rwanda (Chương 10) tượng trưng cho một thảm họa theo thuyết Malthus diễn ra ngay trước mắt chúng ta, một đất nước quá đông dân đã sụp đổ trong những cuộc xung đột đẫm máu, rùng rợn, giống như sự sụp đổ của Maya trước đây. Rwanda và nước láng giềng Burundi nổi tiếng vì những cuộc xung đột sắc tộc giữa Hutu và Tutsi, nhưng chúng ta cũng nên thấy rằng tăng trưởng dân số, tổn hại môi trường và thay đổi khí hậu cũng là thùng thuốc súng làm cho xung đột sắc tộc bùng nổ.
Cộng hòa Dominica và Haiti (Chương 11) cùng chung sống trên hòn đảo Hispaniola, cho chúng ta thấy sự tương phản dữ dội, như hai xã hội Norse và Inuit trên đảo Greenland. Sau hàng chục năm cùng nằm dưới ách độc tài tàn bạo, Haiti trở thành một trong những nước què quặt, thảm thương nhất Tân Thế giới hiện đại, trong khi cộng hòa Dominica có những dấu hiệu của hy vọng. Để mọi người không cho rằng cuốn sách chỉ thuyết giáo về thuyết định mệnh môi trường, trường hợp Dominica là một minh họa cho vai trò của một cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt lớn như thế nào cho xã hội, đặc biệt khi họ là nguyên thủ quốc gia.
Trung Quốc (Chương 12) chịu những tác động nặng nề của cả 12 loại vấn đề môi trường hiện đại. Là một nước khổng lồ cả về diện tích, dân số và kinh tế nên tác động kinh tế và môi trường của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới người dân Trung Quốc mà còn với cả thế giới.
Australia (Chương 13) là trường hợp hoàn toàn trái ngược với Montana, một xã hội thuộc Thế giới thứ nhất sống trong môi trường dễ bị tổn hại nhất và từng phải đối mặt với những vấn đề môi trường khắc nghiệt nhất. Bởi vậy, nó cũng là một trong những nước hiện đang tái tổ chức xã hội triệt để nhất nhằm giải quyết những vấn đề này.
Phần kết luận của cuốn sách (Phần IV) rút ra những bài học thực tế cho chúng ta ngày nay. Chương 14 đặt ra một câu hỏi khó xuất hiện trong tất cả các xã hội trước đây đã sụp đổ do tự hủy hoại mình và sẽ khiến con người trong tương lai lúng túng bởi không biết liệu thế giới của chúng ta cũng sụp đổ do chúng ta tự hủy hoại không: Tại sao một xã hội lại không thể nhận ra những nguy hiểm dường như rất rõ ràng khi chúng ta xem xét lại chúng? Liệu chúng ta có thể nói rằng sự chấm dứt của các xã hội này chính là do lỗi của cư dân của nó, hay họ chỉ là nạn nhân của những vấn đề không thể giải quyết được? Có bao nhiêu tổn hại môi trường trước đây do không định trước được và không thể nhận thấy? Và bao nhiêu tổn hại do con người cố tình gây ra mặc dù đã nhận thức đầy đủ về những hậu quả? Ví dụ, những cư dân đảo Phục Sinh nghĩ gì khi họ chặt cây gỗ cuối cùng trên đảo? Hóa ra, quyết định của một tập
thể có thể bị vô hiệu hóa bởi một loạt các yếu tố, đầu tiên là không thấy trước hay không nhận thức được vấn đề, tiếp đó là những xung đột về lợi ích khiến một nhóm thiểu số trong xã hội theo đuổi những mục tiêu tốt cho bản thân họ nhưng lại gây hại cho đa số cư dân của xã hội.
Chương 15 xem xét vai trò của các ngành kinh doanh hiện đại, trong đó có một số ngành thuộc loại phá hủy môi trường tàn khốc nhất hiện nay, trong khi những ngành khác áp dụng một số biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả nhất. Chúng ta sẽ xem xét tại sao một số (nhưng chỉ một số) ngành kinh doanh nhìn thấy lợi ích của họ khi bảo vệ môi trường, và chúng ta cần có những thay đổi nào để cho những ngành kinh doanh khác nhìn thấy lợi ích của mình để họ tự kích thích bản thân.
Cuối cùng, Chương 16 tóm lược những loại nguy cơ về môi trường mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt, những phản bác phổ biến nhất về mức độ nghiêm trọng của chúng, cùng những khác biệt giữa các nguy cơ môi trường hiện nay và các nguy cơ mà nhiều xã hội trước đây phải đối mặt. Một khác biệt cơ bản là sự toàn cầu hóa, trọng tâm theo đuổi của cả phái theo chủ nghĩa lạc quan và phái theo chủ nghĩa bi quan về khả năng giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay của chúng ta. Toàn cầu hóa khiến các xã hội hiện đại không thể sụp đổ trong cô độc như đảo Phục Sinh và xứ Norse của Greenland trước đây. Ngày nay, bất cứ xã hội nào rơi vào hỗn loạn, cho dù nó có xa xôi tới đâu chăng nữa như Somalia và Afghanistan, vẫn có thể gây khó khăn cho những xã hội thịnh vượng ở các lục địa khác, và nó cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng của các xã hội kia (cho dù đó là ảnh hưởng hữu ích hay gây mất ổn định). Cuối cùng, lời bạt mới, "Sự thăng trầm của Angkor", mô tả những kết quả nghiên cứu gần đây mà ở đó, người ta đã phải mất rất nhiều thời gian để khám phá một bí ẩn lãng mạn vĩ đại khác của quá khứ. Khoảng năm 1200, Đế chế Khmer, với thủ đô là Angkor, từng là quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam á, và dân số Angkor đông hơn London lúc đó tới 20 lần. Các vòng gỗ cây cổ thụ cho thấy khí hậu gió mùa của vùng này trở nên bất ổn, và lũ lụt, hạn hán, phá rừng, các kẻ thù và sự chuyển dịch của các tuyến thương mại đã kết hợp hạ gục Angkor.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu. Nhưng chúng ta cũng lần đầu tiên có cơ hội để nhanh chóng học tập những tiến bộ của các xã hội ở khắp nơi trên thế giới ngày nay và từ những gì chúng ta tìm hiểu được về bất kỳ xã hội nào trong bất kỳ thời điểm nào của quá khứ. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top