1.3
.
Người Montana hiện đã bắt đầu nhận ra rằng hai quan điểm thủ cựu nhất của họ lại mâu thuẫn trực tiếp với nhau, đó là: quan điểm chống lại quy định của chính phủ để bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình, và lòng tự hào về chất lượng cuộc sống của họ. Cụm từ "chất lượng cuộc sống" được đề cập hầu như trong mọi cuộc chuyện trò của tôi với người Montana về tương lai của họ. Cụm từ này muốn nói rằng, trong cuộc sống hằng ngày, người Montana được tận hưởng một phong cảnh tươi đẹp mà những du khách từ các nơi khác đến (như tôi chẳng hạn) coi đó là một đặc ân khi mỗi năm được tới đây nghỉ một, hai tuần. Cụm từ này cũng thể hiện lòng tự hào của người Montana về lối sống truyền thống ở một vùng nông thôn có mật độ cư dân thấp, dân số trung bình và đều là những cư dân lâu năm ở đây. Emil Erhardt nói với tôi: "Ở Bitterroot, người dân muốn duy trì bản chất của một cộng đồng nông dân nhỏ, bình lặng, ở đó cuộc sống của mọi người đều nghèo như nhau và họ tự hào về điều đó". Hay, như Stan Falkow nói: "Trước đây, khi bạn muốn đi xe về Bitterroot, bạn có thể vẫy bất kỳ chiếc xe nào bởi mọi người đều biết nhau".
Đáng buồn là, do không giới hạn sử dụng đất và bởi dòng người nhập cư ngày càng đông, nên việc
người Montana liên tục phản đối các quy định của chính phủ lại là một trong những nguyên nhân làm suy thoái môi trường thiên nhiên tươi đẹp và chất lượng cuộc sống mà họ tự hào. Điều này có thể giải thích rõ nhất bằng những gì Steve Powell nói với tôi: "Tôi nói với những người bạn làm đại lý bất động sản và xây dựng rằng, 'Các cậu phải bảo vệ phong cảnh thiên nhiên, động vật hoang dã và đất nông nghiệp' bởi chúng là những điều làm tăng giá trị của tài sản. Chúng ta càng trì hoãn quy hoạch thì phong cảnh càng bị xấu đi. Đất nông nghiệp rất giá trị với toàn cộng đồng, nó là phần quan trọng trong 'chất lượng cuộc sống' cuốn hút mọi người ở đây. Với áp lực phát triển ngày càng tăng, cũng chính những người từng chống chính phủ giờ lại lo lắng cho sự phát triển của Montana. Họ nói những khu vực giải trí ưa thích của họ giờ đã trở nên đông nghịt người, và lúc này họ thừa nhận rằng phải có những quy định quản lý đất đai cần thiết". Khi Steve còn là ủy viên hội đồng hạt Ravalli năm 1993, ông đã tài trợ tổ chức những cuộc mít tinh để thảo luận về quy hoạch sử dụng đất và kích thích công chúng xem xét vấn đề này. Nhưng những thành viên dữ dằn của các tổ chức dân quân đã phá hoại những cuộc mít tinh này. Chúng ngang nhiên đeo súng để đe dọa người khác và sau đó Steve đã thất bại trong đợt tái cử.
Tới giờ vẫn chưa rõ xung đột giữa việc chống quy hoạch của chính phủ với sự cần thiết phải có quy hoạch củachính phủ sẽ được giải quyết như thế nào. Tôi lại trích lời của Steve Powell: "Mọi người đang cố bảo vệ Bitterroot như một cộng đồng nông thôn, nhưng họ lại không thể tìm ra cách vừa bảo vệ nó vừa có thể tồn tại về phương diện kinh tế". Land Lindbergh và Hank Goetz cũng có chung quan điểm: "Vấn đề cơ bản ở đây là làm sao chúng ta có thể bám mãi vào những gì cuốn hút chúng ta tới Montana, trong khi vẫn phải đối phó với những thay đổi không thể tránh được".
Để kết luận chương đầu về Montana, phần lớn là những bình luận của tôi, tôi sẽ để bốn người bạn Montana của tôi kể họ đã trở thành cư dân Montana như thế nào, và sự lo lắng của họ cho tương lai của Montana. Rick Laible là một cư dân mới chuyển đến, hiện là nghị sĩ của tiểu bang; Chip Pigman là cư dân lâu đời và là người đầu cơ đất đai; Tim Huls, một cư dân lâu đời và là một nông dân sản xuất bơ sữa; và John Cook, một cư dân mới làm nghề dạy câu cá.
Đây là chuyện của Rick Laible : "Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực gần Berkeley, California, nơi tôi có một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Vợ tôi Frankie và tôi đều làm việc rất vất vả. Một ngày, Frankie nhìn tôi và nói: 'Anh đang làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày và bảy ngày mỗi tuần đó'. Vậy là chúng tôi quyết định giảm cường độ làm việc, lái xe đi hơn 7.000 kilômét quanh miền tây để tìm một nơi ở mới. Chúng tôi mua căn nhà đầu tiên ở một vùng xa xôi của Bitterroot năm 1993, rồi lại chuyển tới một nông trại gần thị trấn Victor năm 1994. Vợ tôi chăm sóc những con ngựa A Rập gốc Ai Cập trong nông trại, còn tôi mỗi tháng quay về California một lần để kiểm tra công việc kinh doanh ở đó. Chúng tôi có
năm đứa con. Cậu con trai cả lúc nào cũng muốn được chuyển đến Montana, và cậu quản lý nông trại của chúng tôi. Bốn đứa trẻ còn lại không hiểu chất lượng cuộc sống tại Montana, không hiểu người Montana tốt như thế nào và không hiểu tại sao cha mẹ lại chuyển tới đây.
Hiện mỗi tháng tôi chỉ quay về California trong bốn ngày. Tôi muốn đi khỏi California càng sớm càng tốt. Ở đó tôi cảm thấy mình như tù túng như một con chuột bị nhốt trong lồng. Còn Frankie, mỗi năm bà ấy chỉ về California hai lần để thăm các cháu, với bà ấy thế là đủ. Một ví dụ về những gì khiến tôi không thích California là gần đây tôi có quay lại đó để dự một cuộc họp. Do có ít thời gian nhàn rỗi nên tôi chỉ đi dạo trên các đường phố. Tôi thấy những người đi ngược chiều tôi thường nhìn xuống đất, tránh cái nhìn của tôi. Khi tôi lên tiếng chào những người không quen biết, họ tỏ vẻ ngạc nhiên. Ở đây, ở Bitterroot, có một nguyên tắc rằng khi bạn đi qua ai đó, bạn phải nhìn người ta.
Còn lý do tôi tham gia chính trị là bởi tôi thường đóng góp nhiều ý kiến chính trị. Do vậy, người lãnh đạo hội đồng bang quyết định từ chức và thuyết phục tôi thay thế ông. Frankie cũng ủng hộ ông ấy. Còn tại sao tôi lại quyết định nhận lời? Là bởi tôi muốn đền đáp một điều gì đó. Tôi thấy người dân nơi đây quá tốt với tôi, và tôi muốn góp sức mình làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn.
Vấn đề pháp luật mà tôi đặc biệt quan tâm là quản lý rừng, do quận tôi ở toàn là rừng và nhiều cử tri của tôi làm nghề thợ mộc. Thị trấn Darby, nằm trong quận của tôi, từng là thị trấn có rất nhiều gỗ, và quản lý rừng tốt sẽ tạo ra nhiều việc làm cho thung lũng. Thời kỳ đầu, thung lũng có khoảng bảy nhà máy chế biến gỗ nhưng giờ chẳng còn cái nào khiến thung lũng mất nhiều việc làm và cơ sở hạ tầng. Các quyết định quản lý rừng hiện do các tổ chức môi trường và chính quyền liên bang đưa ra, chính quyền tiểu bang và hạt không được tham gia. Tôi đang đề xuất các quy định pháp luật về quản lý rừng nên có sự hợp tác giữa ba cấp chính quyền là các cơ quan liên bang, tiểu bang và hạt.
Vài thập kỷ trước, Montana nằm trong số 10 tiểu bang có thu nhập đầu người cao nhất nước Mỹ; giờ đã tụt xuống vị trí thứ 40 trong số 50 tiểu bang do sự suy thoái của các ngành công nghiệp khai thác (như gỗ, than, dầu, khí và khai mỏ) làm mất những việc làm có mức lương cao. Tất nhiên, chúng ta không thể quay trở lại khai thác quá mức như trước đây. Ở Bitterroot này, trong một gia đình cả hai vợ chồng đều phải làm việc, và thường mỗi người phải có hai công việc thì mới đủ sống tằn tiện, nhưng ở đây bao quanh chúng tôi lại là một khu rừng rậm rạp, rất dễ cháy. Mọi người ở đây, kể cả các chuyên gia môi trường và những người khác, đều đồng tình rằng chúng ta cần áp dụng các biện pháp phát quang rừng để phòng chống cháy rừng. Phát quang rừng sẽ khiến rừng thưa hơn, đặc biệt là những cây nhỏ, thấp. Giờ việc phát quang rừng chỉ tiến hành bằng cách đốt rừng có kiểm soát. Cơ quan phòng cháy quốc gia của chính quyền liên bang thực hiện bằng cách chặt tỉa những cây gỗ, mục đích để giảm lượng biomass trong rừng. Hầu hết lượng gỗ chúng ta đang sử dụng là nhập khẩu từ Canada! Nhưng
mục tiêu ban đầu của chúng ta với các cánh rừng quốc gia là cung cấp một lượng gỗ ổn định, và để bảo vệ các nguồn nước. Trước đây, khoảng 25% doanh thu từ các khu rừng quốc gia được dành cho giáo dục, nhưng hiện doanh thu này đã giảm mạnh. Càng khai thác nhiều gỗ có nghĩa càng có nhiều tiền dành cho giáo dục.
Hiện tại, không có chính sách phát triển nào cho toàn hạt Ravalli! Dân số trong thung lũng đã tăng 40% trong thập kỷ qua, và có thể vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ này trong thập kỷ tới: vậy số 40% tới sẽ đi đâu? Chúng ta có thể khoá cửa lại không cho người khác tiếp tục chuyển tới được không? Hay cấm nông dân phân chia mảnh đất của họ để xây dựng trên những mảnh đất đó? Hay buộc nông dân phải gắn bó suốt đời với nghề nông? Tất cả lương hưu của người nông dân nằm chính trên mảnh đất của họ. Nếu cấm nông dân bán đất để xây dựng thì bạn sẽ làm gì cho họ?
Còn về ảnh hưởng lâu dài của sự tăng trưởng dân số, trong tương lai sẽ xảy ra những chu kỳ giống như những chu kỳ trong quá khứ, và trong một trong những chu kỳ đó, những người từ nơi khác chuyển đến sẽ quay về nhà họ. Montana sẽ không bao giờ phát triển quá mức, nhưng hạt Ravalli sẽ tiếp tục phát triển. Trong hạt vẫn còn rất nhiều đất công. Giá đất ở đây sẽ tiếp tục tăng cho tới khi đạt mức quá cao, khi đó những người tìm mua nhà đất sẽ chuyển tới những vùng đất khác có giá rẻ hơn. Cuối cùng, toàn bộ đất nông nghiệp trong thung lũng sẽ trở thành đất xây dựng."
Còn đây là chuyện của Chip Pigman: "Cụ tôi từ Oklahoma chuyển tới đây vào khoảng năm 1925 và có một khu vườn trồng táo. Mẹ tôi lớn lên ở đây trong một nông trại nuôi cừu và sản xuất bơ sữa, giờ bà là chủ một văn phòng bất động sản trong thị trấn. Cha tôi chuyển tới đây từ khi ông còn nhỏ, đã từng làm thợ mỏ và trồng củ cải đường. Ngoài ra, ông còn làm thêm trong ngành xây dựng; đó là lý do vì sao tôi làm nghề này. Tôi sinh ra và học hành ở đây, tôi đã tốt nghiệp khoa kế toán thuộc trường Đại học Montana, ở Missoula.
Tôi từng sống ở Denver trong thời gian ba năm, nhưng tôi không thích cuộc sống đô thị nên tôi quyết định quay về đây, một phần bởi Bitterroot là nơi tuyệt vời để nuôi dạy con cái. Lúc tôi vừa mới chuyển tới Denver được hai tuần, tôi đã bị mất một chiếc xe đạp. Tôi không thích hệ thống giao thông của thành phố cũng như những nơi dân cư đông đúc. Ở Bitterroot, các nhu cầu của tôi được đáp ứng. Tôi được nuôi dạy không có "văn hoá" và tôi không cần điều đó. Tôi đã chờ tới khi nhận được cổ phiếu của công ty mà tôi làm ở Denver, rồi tôi quay về đây. Như vậy có nghĩa tôi đã bỏ công việc ở Denver với mức lương 35.000 đô-la mỗi năm và quay về đây sống với thu nhập 17.000 đô-la mỗi năm, và không có khoản trợ cấp nào khác. Tôi sẵn sàng bỏ công việc ổn định ở Denver để trở về sống ở thung lũng, nơi tôi có thể thoải mái đi bộ. Vợ tôi chưa bao giờ sống trong cảnh bấp bênh như vậy, nhưng trước đây tôi đã từng sống trong cảnh này ở Bitterroot. Ở Bitterroot này, gia đình bạn phải có
hai nguồn thu nhập mới đủ sống, và cha mẹ tôi từng phải làm thêm nhiều công việc lạ kỳ. Tôi cũng từng sẵn sàng nhận việc bốc vác hoa quả ban đêm để kiếm tiền cho gia đình. Khi quay lại đây, phải mất năm năm tôi mới khôi phục lại được mức thu nhập như ở Denver và phải mất một, hai năm sau tôi mới mua được bảo hiểm y tế.
Công việc của tôi chủ yếu là xây nhà, cùng với việc đầu tư vào những khoảnh đất rẻ tiền bởi tôi không thể mua và phát triển những mảnh đất đắt tiền. Ban đầu, những lô đất mà tôi mua toàn là đất nông trại, nhưng tại thời điểm tôi mua, phần lớn chúng không còn sử dụng làm nông trại. Chúng đã bị mua đi bán lại nhiều lần, và được chia nhỏ. Chúng không còn là đất nông nghiệp và trên đất mọc toàn cây xa cúc chứ không phải là trồng cỏ.
Có một ngoại lệ là dự án Hamilton Heights của tôi, tôi mua một nông trại cũ rộng 40 mẫu và hiện đang dự kiến chia thành những lô nhỏ. Tôi trình lên chính quyền hạt một kế hoạch phát triển chi tiết đòi hỏi phải qua ba lần phê duyệt, và tôi đã vượt qua hai lần. Nhưng tới lần thứ ba và là bước cuối cùng, chính quyền tổ chức lấy ý kiến của công chúng. Khoảng 80 người tới dự và phản đối rằng việc chia nhỏ lô đất có nghĩa sẽ làm mất đất nông nghiệp. Mặc dù đất còn tốt và trước đó từng là đất nông nghiệp nhưng khi tôi mua nó không còn sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp nữa. Tôi đã mua mảnh đất 40 mẫu này với giá 225.000 đô-la, nếu là đất nông nghiệp thì sẽ không có giá cao tới mức đó. Nhưng mọi người không để ý tới khía cạnh kinh tế này. Thay vào đó, những người hàng xóm nói: "Chúng tôi muốn được nhìn ngắm một không gian bao la với những khu rừng bao quanh". Nhưng làm sao có thể duy trì không gian đó nếu người bán đất là một người đã sáu mươi tuổi, họ đang cần tiền để nghỉ hưu? Nếu những người hàng xóm muốn bảo tồn khu đất liền thổ thì lẽ ra họ nên tự mua lấy mảnh đất này. Mặc dù có thể nhưng họ đã không mua. Dù không thuộc sở hữu của mình, nhưng họ vẫn muốn kiểm soát khu đất đó.
Kế hoạch của tôi đã bị bác bỏ bởi những nhà quy hoạch của hạt không muốn làm mất lòng 80 cử tri trước một cuộc bầu cử đang tới gần. Trước khi trình kế hoạch, tôi không đàm phán với những người hàng xóm bởi tôi là kẻ cứng đầu. Tôi muốn làm cái mà tôi nghĩ mình có quyền làm, và tôi không muốn bị chỉ bảo phải làm gì. Ngược lại, mọi người cũng không nhận ra rằng, với một dự án nhỏ như vậy, việc đàm phán sẽ khiến tôi tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Sau này với dự án tương tự, tôi sẽ thảo luận với những người hàng xóm, nhưng tôi cũng sẽ đưa 50 công nhân của tôi cùng tới dự, như vậy những ủy viên hội đồng của hạt sẽ thấy rằng cũng còn một bộ phận công chúng cần việc làm, ủng hộ cho dự án. Tôi bị sa lầy với những chi phí đất đai trong vụ tranh chấp này. Những người hàng xóm muốn tôi bỏ hoang lô đất và chẳng xây dựng gì trên đó cả.
Mọi người nói rằng ở đây đã có quá nhiều nhà ở rồi và dân số thung lũng đang ngày càng đông, và họ
cố lên án tôi. Câu trả lời của tôi là: Đó là nhu cầu của thị trường với sản phẩm của tôi, tôi không tạo ra nhu cầu. Hằng năm, số nhà ở và phương tiện giao thông trong thung lũng càng tăng. Nhưng tôi thích đi bộ, và khi bạn đi bộ hay bay trên thung lũng, bạn sẽ thấy còn rất nhiều không gian thoáng đãng ở đây. Giới truyền thông đưa tin rằng trong 10 năm qua, thung lũng đã tăng trưởng khoảng 44%, nhưng đó chỉ là dân số tăng từ 25.000 – 35.000 người. Giới trẻ đang dần dần rời bỏ thung lũng. Tôi có khoảng 30 nhân viên và tôi dự kiến trả lương hưu, bảo hiểm y tế, tiền nghỉ mát và chia sẻ lợi tức với họ. Không một công ty đối thủ nào làm như tôi, vì vậy doanh thu của tôi thấp. Tôi còn thường xuyên bị các nhà môi trường coi là nguyên nhân gây ra những vấn đề về môi trường nhưng tôi đâu có tạo ra nhu cầu. Nếu tôi không xây nhà thì cũng có người khác làm mà thôi.
Tôi dự định ở lại thung lũng cho hết phần đời còn lại. Tôi thuộc về cộng đồng này và tôi ủng hộ rất nhiều dự án của cộng đồng. Ví dụ: tôi ủng hộ các đội tuyển bóng chày, bóng đá và bơi lội. Tôi sinh ra ở đây và tôi muốn sống ở đây. Tôi không định kiếm tiền ở đây rồi bỏ đi. Tôi sẽ sống ở đây 20 năm, tiếp tục thực hiện các dự án của mình. Tôi không muốn sau này nhìn lại và thú nhận với chính mình: "Đó là dự án tồi tệ mà mình đã làm"'.
Tim Huls là một nông dân sản xuất bơ sữa trong một gia đình nông dân lâu đời. "ông cố, bà cố tôi là một trong những người đầu tiên trong gia đình lập nghiệp ở đây từ năm 1912. Họ mua 40 mẫu đất khi đó vẫn còn rất rẻ và nuôi một tá bò sữa để mỗi ngày bỏ ra hai tiếng đồng hồ vắt sữa bằng tay vào buổi sáng và buổi tối. Rồi ông tôi lại mua thêm 110 mẫu nữa với giá chỉ vài xu một mẫu. ông bán kem từ sữa bò để làm pho mát, trồng táo và cỏ. Nhưng phải rất cố gắng mọi người mới sống được. Hồi đó có những thời điểm rất khó khăn nhưng ông bà tôi vẫn tồn tại bằng chính đôi tay của mình trong khi đó một số nông dân khác thì không thể. Cha tôi đã định đi học đại học nhưng rồi ông quyết định tiếp tục ở lại nông trại. ông là người biết nhìn xa trông rộng và có trí sáng tạo, với những quyết định kinh doanh quan trọng, ông trở thành một chuyên gia sản xuất bơ sữa. ông đã xây dựng chuồng trại nuôi 150 con bò sữa như một cách để tăng thu nhập từ đất đai.
Anh em trai chúng tôi mua lại nông trại từ cha mẹ chứ họ không cho không chúng tôi. Cha mẹ bán đất cho chúng tôi bởi họ nghĩ người nào thực sự muốn làm nông nghiệp thì người đó sẽ sẵn sàng bỏ tiền để mua nông trại. Mỗi cặp vợ chồng chúng tôi sở hữu một mảnh đất và cho công ty của gia đình thuê lại. Phần lớn công việc trong nông trại đều do vợ chồng, con cái chúng tôi làm; chỉ có vài người làm công là người ngoài gia đình. Có rất ít nông trại hoạt động theo hình thức công ty như chúng tôi. Một trong những điều giúp chúng tôi thành công, đó là tất cả chúng tôi đều có chung một đức tin và đều đi lễ nhà thờ ở Corvallis. Tất nhiên chúng tôi cũng có những xung đột gia đình, nhưng chúng tôi tranh cãi vì những lợi ích chung và tối về vẫn là bạn của nhau. Cha mẹ tôi cũng đôi khi cãi nhau, nhưng họ luôn
giải quyết ổn thỏa mọi việc trước khi mặt trời lặn. Chúng tôi biết những ngọn đồi nào đáng để trồng trọt, chăn nuôi, những ngọn đồi nào không.
Bằng cách nào đó, tinh thần gia đình này đã truyền sang hai con trai tôi. Chúng học cách hợp tác với nhau ngay từ khi còn bé. Khi đứa nhỏ mới có bảy tuổi, chúng đã cùng nhau chuyển những đoạn ống nước bằng nhôm dài khoảng 12 mét, mỗi đường ống gồm 16 đoạn như vậy. Mỗi đứa một đầu ống, hai anh em cùng nhau chuyển hết số ống này. Sau này khi lớn lên phải rời thị trấn, hai anh em lại ở chung một phòng và trở thành bạn thân của nhau. Tới giờ chúng vẫn sống cạnh nhau. Những gia đình khác lấy hai anh em làm gương để dạy con cái họ duy trì chặt chẽ mối quan hệ gia đình, nhưng những đứa trẻ của các gia đình khác không mấy gắn bó với nhau, mặc dù dường như chúng cũng đang làm những công việc như gia đình tôi.
Kinh tế nông trại rất eo hẹp, bởi đất ở Bitterroot chỉ có giá trị cao khi dùng để ở hoặc xây nhà để bán. Nông dân trong vùng hiện đang phải đối mặt với quyết định khó khăn: có nên tiếp tục làm nông trại hay bán đất và nghỉ hưu? Chẳng có vụ mùa nào có thể cạnh tranh được với việc bán đất làm nhà, do vậy chúng tôi cũng không đủ tiền để mua thêm đất. Thay vào đó, điều quyết định sự sống còn của chúng tôi là hoặc tự tìm cách sản xuất hiệu quả nhất trên mảnh đất 760 mẫu của mình hoặc thuê của người khác. Chi phí sản xuất, như giá xe tải, đã tăng nhưng giá bán sữa thì vẫn giữ nguyên như cách đây 20 năm. Làm sao chúng tôi có thể thu được lợi nhuận khi có sự chênh lệch lớn tới vậy? Chúng tôi phải áp dụng công nghệ mới và phải tiếp tục tự học để ứng dụng công nghệ hiện đại vào nông trại của mình, việc này đòi hỏi phải có vốn. Chúng tôi sẵn sàng từ bỏ lối sản xuất lạc hậu.
Ví như, năm nay chúng tôi đã chi một khoản vốn lớn để xây dựng một trại nuôi 200 con bò được điều hành bằng máy tính. Trại này có hệ thống tự động dọn phân bò và di chuyển hàng rào để dồn bò về phía một máy vắt sữa tự động và sau khi bò được vắt sữa thì chúng sẽ được tự động chuyển ra ngoài. Tất cả bò đều được máy tính nhận diện và được vắt sữa bằng một máy tính tại chuồng của nó. Sản lượng sữa được máy kiểm tra ngay lập tức nhằm sớm phát hiện tình trạng nhiễm trùng, sữa cũng được cân để theo dõi sức khỏe của bò và những chất dinh dưỡng cần thiết bổ sung cho bò. Dựa trên những thông tin từ máy tính, chúng tôi sẽ phân loại bò vào những chuồng khác nhau. Nông trại của chúng tôi hiện được coi là mô hình mẫu cho toàn bang Montana. Những nông dân khác đang để ý xem nông trại của chúng tôi hoạt động như thế nào.
Bản thân chúng tôi cũng có một số nghi ngờ hiệu quả của nông trại hiện đại này, do có hai rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi. Nhưng nếu chúng tôi còn chút hy vọng vào nghề nông thì chúng tôi phải hiện đại hóa công việc này, nếu không chúng tôi sẽ chỉ còn cách bán đất xây nhà mà thôi. Ở đây, đất chỉ dùng để nuôi bò hoặc xây nhà để bán. Một trong số hai rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát của
chúng tôi đó là khoảng chênh lệch giữa giá của các thiết bị và dịch vụ nông nghiệp mà chúng tôi phải mua và giá bán sữa. Nông dân sản xuất bơ sữa không thể kiểm soát được giá sữa. Sữa của chúng tôi
có thể bị thối; khi đã vắt, chúng tôi chỉ có hai ngày để đưa sữa đi bán, vì vậy chúng tôi không có quyền mặc cả. Chúng tôi bán sữa theo giá mà người mua đưa ra.
Một rủi ro khác nữa là công chúng ngày càng quan tâm tới các vấn đề môi trường, trong đó có việc chúng tôi đối xử với động vật như thế nào, chất thải của gia súc và mùi bơ sữa. Chúng tôi đã gắng hết sức để kiểm soát những tác động này, nhưng chắc không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhiều người chuyển đến Bitterroot vì cảnh đẹp nơi đây. Ban đầu họ thích nhìn những con bò và những đồng cỏ xa xa, nhưng đôi khi họ không hiểu hết rằng tất cả những cảnh đẹp đó là từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sản xuất bơ sữa. Ở những vùng khác, nơi sản xuất bơ sữa và xây dựng nhà ở cùng tồn tại, việc phản đối sản xuất bơ sữa chỉ do mùi bơ sữa, tiếng động của thiết bị hoạt động ban đêm, với tiếng ầm ì của những chiếc xe tải chạy "trên những con đường nông thôn tĩnh lặng" và nhiều điều khác. Nhưng ở đây chúng tôi thậm chí còn bị trách cứ khi đôi giày trắng của một người hàng xóm dẫm phải phân bò khi chạy tập thể dục. Một trong những mối lo của chúng tôi là những người không thông cảm với việc chăn nuôi gia súc có thể đề nghị áp dụng biện pháp nào đó hạn chế hay cấm sản xuất bơ sữa. Hai năm trước, chính quyền đã từng quy định cấm săn bắn trong những nông trại sinh thái khiến các nông trại nuôi hươu bị phá sản. Trước đây chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng chính quyền sẽ tái áp dụng quy định này, nhưng giờ thì hoàn toàn có thể, nếu chúng tôi không thận trọng. Trong một xã hội đề cao sự khoan dung, thì thật ngạc nhiên khi một số người không thể chấp nhận ngành chăn nuôi gia súc và những khó khăn của ngành sản xuất thực phẩm."
Câu chuyện cuối cùng trong bốn câu chuyện về cuộc đời của người dân Montana mà tôi trích dẫn là chuyện của John Cook, một người dạy câu cá kiên nhẫn vô hạn dạy các con tôi câu cá từ năm chúng mới 10 tuổi và từ bảy năm nay, mùa hè nào cũng đưa chúng ra bờ sông Bitterroot câu cá. John Cook kể: "Tôi lớn lên bên một vườn táo ở thung lũng Wenatchee, bang Washington. Cuối năm học trung học, tôi đã sống như một gã hippy hoang dã và định đi mô tô tới Ấn Độ, nhưng tôi chỉ mới đi tới bờ biển phía đông nước Mỹ. Hồi đó, tôi đã đi du lịch khắp nước Mỹ. Sau khi gặp vợ tôi là Pat, chúng tôi chuyển tới bán đảo Olympic của Washington và sau đó tiếp tục chuyển tới đảo Kodiak ở Alaska, nơi tôi làm việc 16 năm liền với tư cách là người bảo vệ các loài thủy sản và động vật hoang dã. Rồi chúng tôi chuyển xuống Portland, để Pat có thể chăm sóc ông bà cô ấy đang bị ốm. ông bà lần lượt qua đời, sau khi ông mất một tuần, chúng tôi rời Portland tới Montana.
Tôi tới Montana lần đầu tiên từ những năm 1970, khi cha của Pat còn là hướng dẫn viên trong khu hoang dã Selway-Bitterroot của Idaho, ngay sát ranh giới Montana. Pat và tôi từng làm việc cho ông
trong một thời gian, Pat nấu ăn còn tôi làm hướng dẫn viên. Hồi đó, Pat đã rất thích sông Bitterroot và muốn được sống cạnh nó, nhưng đất ở đây giá hàng ngàn đô-la một mẫu, quá đắt để chúng tôi có thể mua được một nông trại. Sau đó năm 1994, khi định rời Porland, chúng tôi có cơ hội mua được một lô đất rộng 10 mẫu gần sông Bitterroot với giá hợp với khả năng của mình. Nông trại cần phải sửa chữa một chút, nên chúng tôi bỏ ra mấy năm để cải tạo nó, đồng thời tôi cũng được cấp giấy phép làm hướng dẫn viên và dạy câu cá.
Chỉ có hai nơi trên thế giới tôi cảm thấy gắn bó sâu sắc về mặt tinh thần: một là vùng bờ biển Oregon và hai là ở thung lũng Bitterroot này. Khi mua nông trại này, chúng tôi nghĩ nó là một thứ "tài sản chết", đó là căn nhà chúng tôi sẽ sống nốt phần đời còn lại. Ngay ở đây, trên mảnh đất này, chúng tôi nuôi những con cú lớn, những con chim trĩ, chim cút, những con vịt trời và một đồng cỏ lớn đủ để nuôi hai con ngựa.
Con người có thể được sinh ra đúng một thời điểm mà họ cảm thấy thật đáng sống và có thể họ không muốn sống ở thời điểm khác. Tình yêu của chúng tôi với thung lũng này vẫn nguyên vẹn như cách đây 30 năm. Kể từ đó tới nay, số dân trong thung lũng đã tăng lên nhiều. Tôi sẽ không còn muốn sống ở đây nếu thung lũng trở thành một nơi chật chội với cả triệu người sống trong thung lũng, giữa Missoula và Darby. Phong cảnh thoáng đãng là điều cực kỳ quan trọng đối với tôi. Khu đất bên kia đường, đối diện với nhà tôi, trước đây là một nông trại có chiều dài hơn 3 kilômét và rộng 1,6 kilômét trong đó có một đồng cỏ rộng, với hai trại nuôi chăn nuôi và một khu nhà. Khu đất này thuộc sở hữu của một ca sĩ nhạc rock kiêm diễn viên tên là Huey Lewis, từ nơi khác chuyển đến. Mỗi năm, anh ta chỉ tới đây chừng một tháng để săn bắn và câu cá, thời gian còn lại một người quản gia sẽ chăn bò, trồng cỏ hoặc cho nông dân thuê bớt một phần đất. Nếu khu đất của Huey Lewis bị chia thành những lô nhỏ, tôi sẽ không chịu được cảnh những căn nhà chắn trước mặt mình, khi đó tôi sẽ chuyển đi nơi khác.
Tôi thường tưởng tượng rồi mình sẽ chết như thế nào. Cha tôi đã chết dần chết mòn do bị bệnh phổi. ông mất khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và năm cuối đời, ông phải sống trong đau đớn. Tôi không muốn chết như vậy. Nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng tôi đã tưởng tượng mình sẽ chết như thế nào nếu được lựa chọn. Tôi tưởng tượng Pat sẽ chết trước tôi. Lý do bởi khi chúng tôi cưới nhau, tôi đã thề sẽ yêu thương, tôn trọng và chăm sóc bà ấy. Nếu bà ấy chết trước, tôi biết mình đã thực hiện trọn vẹn lời hứa. Cũng bởi tôi không có bảo hiểm nhân thọ để hỗ trợ bà ấy, nên bà ấy sẽ khổ nếu sống lâu hơn tôi. Sau khi Pat mất – tôi tiếp tục tưởng tượng – tôi sẽ di chúc căn nhà này cho con trai tôi là Cody và hằng ngày đi câu cá hồi khi còn đủ sức khỏe. Khi không còn đi câu được nữa, tôi sẽ kiếm một liều morphine lớn và đi sâu vào rừng. Tôi sẽ chọn một nơi thật xa để không ai có thể tìm ra thi thể tôi, để tôi có thể tận hưởng những cảnh đẹp tuyệt vời. Tôi sẽ nằm xuống, ngửa mặt lên trời và tiêm morphine
vào người. Đó là cách chết tốt nhất, chết đúng cách mà tôi đã chọn lựa với cảnh cuối cùng là bầu trời Montana mà tôi muốn mang theo."
Tóm lại, câu chuyện cuộc đời của bốn người Montana, và những nhận xét của tôi trước đó, cho thấy người Montana có những giá trị và mục đích khác nhau. Họ muốn dân số tăng lên hay giảm đi, quy định của chính phủ chặt chẽ hay nới lỏng hơn, đất nông nghiệp nên được phân thành các lô nhỏ hay xây nhà để bán, duy trì hay nới lỏng mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường hay giảm mức độ khai thác tài nguyên, chú trọng phát triển hay giảm các hoạt động du lịch ngoài trời. Mục tiêu của những người dân Montana này rõ ràng trái ngược với nhau.
Trong phần trước của chương này, chúng ta biết rằng những vấn đề môi trường mà Montana đang phải đối mặt hiện đã chuyển thành các vấn đề kinh tế. Do những giá trị và mục tiêu trái ngược nhau như chúng ta vừa đề cập bên trên nên sẽ dẫn tới những mâu thuẫn về phương pháp giải quyết các vấn đề môi trường, có lẽ sẽ gắn liền với khả năng thành công hay thất bại khi giải quyết chúng. Hiện đang có mâu thuẫn lớn giữa các ý kiến lựa chọn những phương pháp tốt nhất. Chúng ta không biết cuối cùng những công dân Montana sẽ chọn phương pháp nào, và chúng ta cũng không biết liệu các vấn đề môi trường và kinh tế của Montana sẽ tốt hơn hay xấu đi.
Ban đầu có vẻ vô lý khi chọn Montana là đối tượng của chương đầu tiên cuốn sách viết về sự sụp đổ của xã hội. Không phải Montana nói riêng, cũng như nước Mỹ nói chung, đang bên bờ vực sụp đổ. Nhưng xin hãy lưu ý rằng một nửa thu nhập của cư dân Montana không phải từ việc làm của họ ở Montana, mà là từ những nguồn tiền khác ngoài Montana đổ vào, như các khoản thanh toán cho an ninh xã hội, y tế, bảo hiểm y tế và các chương trình hỗ trợ nghèo khổ của chính quyền liên bang, và tiền của các cá nhân từ nơi khác chuyển đến như tiền lương hưu, khoản chênh lệch nhờ bán nhà đất ở nơi khác và thu nhập từ kinh doanh ở nơi khác. Như vậy, có thể thấy nền kinh tế của Montana giờ đã không còn đủ khả năng đáp ứng lối sống của Montana, thay vào đó phải trông chờ vào sự hỗ trợ và phụ thuộc vào phần còn lại của nước Mỹ. Nếu Montana là một hòn đảo biệt lập, như đảo Phục Sinh ở Thái Bình Dương trong thời kỳ của người Polynesia trước khi người châu âu đặt chân tới, thì nền kinh tế của Thế giới thứ nhất sẽ bị sụp đổ, cũng như không thể phát triển thành nền kinh tế hàng đầu.
Cũng nên suy ngẫm rằng các vấn đề môi trường của Montana mà chúng ta đang thảo luận, mặc dù nghiêm trọng, nhưng vẫn ít khốc liệt hơn nhiều so với những vấn đề môi trường ở các nơi khác của nước Mỹ; hầu như cả nước Mỹ đều gặp phải vấn đề dân số quá đông và những tác động tới con người cũng nặng nề hơn, và đa phần những bang khác đều có môi trường dễ bị tổn hại hơn Montana. Cuối cùng, nước Mỹ lại bị lệ thuộc vào những nguồn tài nguyên quan trọng của các quốc gia khác có liên quan tới các mặt kinh tế, chính trị và quân sự của nước Mỹ. Mặc dù một số quốc gia đó còn gánh chịu
những vấn đề môi trường khắc nghiệt hơn nhiều và đang trong tình trạng suy thoái mạnh mẽ hơn Mỹ nhiều lần.
Trong phần còn lại của cuốn sách, chúng ta sẽ xem xét các vấn đề môi trường, tương tự như của Montana, của một số xã hội hiện đại và xã hội cổ xưa. Đối với những xã hội cổ xưa mà chúng ta sẽ thảo luận, một nửa xã hội đó không có chữ viết, vì vậy chúng ta biết rất ít về những giá trị và mục tiêu của mỗi cá nhân so với Montana. Đối với các xã hội hiện đại, thông tin về những giá trị và các mục tiêu cũng sẵn có, nhưng ở Montana bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm hơn so với những nơi khác. Bởi vậy, khi bạn đọc cuốn sách này cũng như khi bạn xem xét những vấn đề môi trường chủ yếu được diễn đạt một cách khách quan, xin hãy nghĩ về những vấn đề của các xã hội khác được nhìn nhận dưới góc độ cá nhân như Stan Falkow, Rick Laible, Chip Pigman, Tim Huls, John Cook và anh chị em nhà Hirschy. Khi chúng ta thảo luận về xã hội rõ ràng thuần nhất của đảo Phục Sinh trong chương tiếp theo, hãy hình dung mỗi tù trưởng, mỗi nông dân, thợ khắc đá, và ngư dân đánh bắt cá heo trên đảo Phục Sinh đang thuật lại cuộc đời, những giá trị và mục đích riêng của họ như các bạn tôi ở Montana đã kể với tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top