Sương Đỏ 120 - 3 part

120[P.1]

Nhật nguyệt trên cao, ta ngồi dưới thấp

Một giòng trong veo, sao lòng còn đục

Bầy vạc bay qua, kêu mòn tịch lặng

Đường đời không xa, sao chồn gối chân?(*)

Trời còn chưa sáng, Bùi Thị Xuân đã bị đánh thức bởi những tiếng động xào xạt ở bãi tập. Tránh đánh thức những nữ binh còn đang say ngủ, Bùi Thị Xuân nhẹ nhàng ngồi dậy, hé mở tấm liếp, mắt nhìn ra ngoài. Giữa khoảnh sân trống, vắng lặng, Bùi Thị Xuân dụi mắt khi thấy một người đang múa kiếm, tà áo trắng thấm sương bay phất phơ, mái tóc dài xõa trong gió, dải nơ hồng nhảy múa trên bờ vai thon, những đặc điểm đó khiến cô nhanh chóng nhận ra đó không ai khác là Linh Lan. 

Bầu trời còn sâm sẩm, Linh Lan đang luyện kiếm, nhưng cái cách luyện tập của nó khiến Bùi Thị Xuân ngạc nhiên, bởi nó không giống đang luyện tập mà như đang trút giận. Trên cây cao treo đầy những thanh gỗ, Linh Lan đang tung hoành trong những thanh gỗ ấy, mỗi khi nó chém xuống, tiếng gió rít vun vút, những thanh gỗ lắc lư, thân cây rung rinh, lá vàng rơi rụng xuống sân. Do ở xa nên Bùi Thị Xuân không trông thấy nét mặt Linh Lan như thế nào, nhưng cái cách nó vung kiếm không ngừng nghỉ, lao vào những thanh gỗ rồi đâm chém túi bụi như thế, cũng đủ để Xuân nhận thấy Linh Lan đang gặp chuyện không vui trong lòng.

Khi Linh Lan dừng tay cùng là lúc trời sáng hẳn, bãi đất trống bây giờ đã chen chúc những người. Đang biểu diễn một bài quyền để hướng dẫn cho binh lính trong doanh, Phan Văn Lân ngừng lại khi thấy Linh Lan từ xa đi tới. Tính mở miệng để nói chuyện gì đó, nhưng phút cuối anh đành bỏ cuộc vì nét mặt lạnh như phủ sương của nó. Tựa như không thấy anh, Linh Lan thẳng bước, mắt hướng về phía trước. Nhìn những bước chân của nó, Phan Văn Lân ngạc nhiên khi hướng nó đến chính là thư phòng của Long Nhương tướng quân, điều đó khiến anh không tránh khỏi lo lắng. Không hiểu sao qua một đêm, anh nhận thấy Linh Lan đã thay đổi, sự tinh nghịch, lém lỉnh biến mất, thay vào đó là nét mặt lạnh lùng, tựa như không quen biết ai khiến Phan Văn Lân cảm thấy tiếc nuối. Mới sáng sớm đã đến phòng tướng quân, chẳng lẽ cô gái này muốn gây sự sao, chẳng lẽ muốn trút giận, muốn phản bác lại lời tướng quân nói hôm qua?

Không chỉ có Phan Văn Lân thắc mắc ngoài kia mà trong thư phòng, Nguyễn Huệ cũng nhướng mày lên khi thấy Linh Lan đứng sừng sững trước mặt mình. Theo lẽ thường, giờ này nó phải cùng Bùi Thị Xuân trao đổi binh pháp, chứ không phải đứng trong phòng anh khi chưa có lệnh, đó không phải là chuyện một cấp dưới như nó có thể làm khi chưa được sự cho phép của cấp trên. Hơn nữa, Nguyễn Huệ không phải không biết nó rất đề phòng anh, thường ngày, chỉ khi nào anh triệu đến thì nó mới đến chứ chưa bao giờ xuất hiện đột ngột trong thư phòng mà không báo trước một lời như thế này. Chẳng lẽ hôm nay cô ta đã ăn gan hùm hay sao.

- Đừng nhìn tôi như thế, tôi có chuyện muốn nói với anh nên mới đến đây, mong anh hãy nhín chút thời gian quý báu của mình cho tôi, tôi cám ơn nhiều. Sau này, khi chưa có lệnh, tôi tuyệt đối không bước vào đây, yên tâm.

Quá chán ngán về việc mỗi lần đến thư phòng Nguyễn Huệ, Linh Lan luôn phải chờ đợi anh cất lời, nhưng từ giờ, nó sẽ không bao giờ để chuyện đó tái diễn với mình nữa. Anh ta không nói, thì nó nói, chẳng việc gì phải chờ đợi, chẳng hạn như lần này.

- Chuyện của Bùi Định – Phan Văn Lân và mọi điều anh nói, tối hôm qua tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Những gì anh nói đều đúng, không sai, chiến trường không phải trò chơi, tôi đã quá ích kỷ khi chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nếu lúc ấy tôi không vì sự trong sạch của mình mà ra tay với quân Nguyễn thì Bùi Định sẽ không chết. Nhưng may mắn làm sao khi Bùi Định là Phan Văn Lân, nhờ vậy mà anh ấy mới không chết, tôi mới không phải nuối tiếc, ân hận, và có thể đứng đây để mà nói những lời này với anh.

Nói đến đây, Linh Lan chống tay lên bàn, lưng khom xuống, để mắt mình ngang tầm mắt với Huệ. Không để anh lên tiếng, nó đã nói luôn.

- Đúng như anh nói, tôi cần phải có trách nhiệm với những gì mình đã gây ra, cần phải có trách nhiệm với không chỉ mạng sống của bản thân mà còn của mọi người xung quanh. Nguyễn Huệ, trong mắt anh, tôi chẳng là gì cả, đúng không? Thế thì trong mắt tôi anh cũng chẳng phải là tướng quân nắm quyền sinh sát mà chỉ là một người bình thường, mà đã là người thì phải bình đẳng như nhau. Tôi phải chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra, vì lòng nhân từ nửa mùa của tôi mà Bùi Định phải chết, vậy còn anh, anh chịu trách nhiệm thế nào với việc anh đã làm đây? Nếu ngày hôm đó, anh nói rõ ràng với tôi, rằng nhiệm vụ của tôi chỉ đến Hòa Nghĩa quân để che giấu cho hành tung của Phan Văn Lân, thì tôi rất vui lòng mà nghe theo, nhưng không, anh chỉ nói với tôi một câu lấp lửng, đầu không rõ, đuôi không thông, rồi để mặc tôi phải suy đoán, phải nghĩ xem anh muốn gì. Tôi đâu phải là anh, tôi chỉ là một người bình thường và tôi chán ngấy việc lúc nào cũng phải nhìn anh, nghe anh mà suy đoán xem phải làm gì. Tôi đã cố gắng làm việc của mình trong phạm vi và điều kiện có thể, nhưng tôi còn là con gái, cũng muốn được người ta đối xử dịu dàng, nhẹ nhàng. Nếu anh giải thích từ tốn với tôi chứ không phải to tiếng mắng mỏ, nặng lời thì tôi đã không cảm thấy bị lợi dụng, bị lừa dối, cũng không bị tổn thương. Anh biết quân Nguyễn sẽ cử người đến ám sát tôi, chính vì thế mới cho Phan Văn Lân cải trang thành người không biết võ để dạy cho tôi bài học về trách nhiệm và lòng nhân từ, anh giỏi lắm, anh đã dạy thì tôi tất nhiên phải tiếp thu nó để không phụ lòng mong mỏi của anh chứ.

Nói đến đây, Linh Lan ngưng lại một chút, rồi mỉm cười.

- Nhưng mà, có một chuyện làm tôi rất thắc mắc khó hiểu, đó là chuyện anh từng bảo mình muốn phá hoại hết mọi thứ mà Văn Bình gầy dựng cũng như yêu mến, nhưng tôi thấy hình như không phải thế, trái lại anh đã làm cho Tây Sơn tốt lên rất nhiều. Nếu muốn phá hoại, sao anh không bỏ lơ Tây Sơn, để mặc binh lính bài bạc, tổ tôm, ăn chơi trác táng, sai người vào các vùng lân cận cướp phá đồ đạc, để Tây Sơn bị ô danh, để Tây Sơn mang tiếng là quân cướp bóc. Đằng này, anh lại rèn giũa quân lính, lại bắt họ vào khuôn phép, theo dõi sát sao, tân trang vũ khí, trang bị chiến thuyền,… Tây Sơn bây giờ rất nghiêm minh, thậm chí còn tốt hơn khi Văn Bình nắm quyền. Anh nhọc công tính toán, suy nghĩ, công khai chống lại lệnh của Thái Đức hoàng đế để không phí hoài công sức của mọi người mấy tháng qua, Nguyễn Huệ, anh làm tôi thấy khó hiểu đó.

Linh Lan vừa nói vừa thăm dò phản ứng của Nguyễn Huệ. Ban đầu, nghe nó nói, Nguyễn Huệ chẳng có phản ứng nào khác lạ ngoài cái nhếch mép mỉa mai như thể chế giễu cái yêu cầu “dịu dàng, từ tốn” của nó, thế nhưng càng về sau, khi nó đề cập đến vấn đề mâu thuẫn trong cách anh nói và cách anh làm, nét mặt anh lại biến đổi nhanh chóng. Từ lạnh lùng, cười nhạt, chuyển dần sang bối rối, lúng túng. Rất nhanh, ánh mắt đen tối biến mất, thay vào đó, như có một tia nắng nhè nhẹ lan trong màu mắt đen thẫm ấy. Tuy chỉ thoáng chốc, nhưng Linh Lan đã tinh ý nhận ra sự thay đổi đó, còn Nguyễn Huệ thì nhanh chóng xoay mặt đi, anh nói lạnh lùng, mắt không còn nhìn thẳng vào mắt nó như ban đầu.

- Cô nói xong chưa?

Lần đầu tiên thấy phản ứng này của anh, Linh Lan rất ngạc nhiên, nó quyết định không ngừng lại, vấn đề nào khiến sắc mặt anh thay đổi, nó liền tiếp tục đào sâu vào.

- Anh đừng vội, tất nhiên là chưa. Giờ hãy nói đến tôi, nếu anh muốn đùa giỡn với tôi thì tại sao phải cử Phan Văn Lân giả làm Bùi Định theo tôi làm gì, việc gì anh phải nhọc công với tôi, việc gì anh phải vạch ra và chỉ trích cái mà anh gọi là “tư tưởng cá nhân, ích kỷ, nhân từ nửa mùa” của tôi. Lẽ ra anh phải để mặc tôi, để tôi tự sinh tự diệt mới phải chứ, anh chẳng phải từng muốn giết tôi sao? Còn nữa, khi anh mắng tôi, anh đã nói “khi giết người, tôi cũng chỉ nghĩ đến bản thân, nghĩ rằng mình không giết người thì người giết mình, chưa từng có ý niệm bảo vệ một ai đó, làm vì một ai đó, tôi chỉ biết bảo vệ mình trong khi người khác phải bảo vệ tôi, tôi chỉ nhận mà không cho đi, sống như tôi thật ích kỷ, sớm muộn gì cũng hại chết người khác. Trên chiến trường đâu chỉ có mạng tôi đáng giá, đâu chỉ có sự trong sạch và lương tâm đầy lòng nhân từ của tôi là cần giữ gìn, đến khi nào tôi  mới sống có trách nhiệm với sinh mạng bản thân và xung quanh”, tôi trích dẫn đúng chứ. Anh nói hay lắm, vậy thì tôi hỏi anh, nói thế nghĩa là anh đã từng “có ý niệm bảo vệ một ai đó, vì ai đó mà giết người”, anh đã “cho đi cái gì đó”, anh đã “sống có trách nhiệm với bản thân mình và mọi người xung quanh”, anh đã “giữ sự trong sạch và lòng nhân từ cho người khác”, có phải thế không, Nguyễn Huệ?

Đến nước này thì sự bối rối và lúng túng trên gương mặt Nguyễn Huệ ngày càng lộ rõ đến nỗi bất cứ ai, nếu có mặt ở đây lúc này đều có thể nhận ra. Lần đầu tiên, Nguyễn Huệ không còn xù xì, không còn gai góc, không cười nhạt, cũng không hồ hững, anh đang bối rối thật sự. Anh không còn nhìn vào mắt nó, mà ánh mắt lảng tránh đâu đó ra bên ngoài, tay chống cằm, những ngón tay dài che khuất bờ môi kiên nghị đang cắn lại, như một đứa bé con. Biểu hiện của anh thật sự khiến Linh Lan ngạc nhiên nhưng cũng không kém phần hài lòng, đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ không áp đảo nó, không nói gì với nó, chỉ có sự lúng túng trong ánh mắt, sự bối rối muốn che giấu gì đó, nhưng lại không thể, cứ như một tờ giấy trắng đã được vạch những nét chữ đầu tiên.

Khi cảm giác thích thú lạ lẫm vì lần đầu tiên trả đũa được Nguyễn Huệ trôi qua trong tâm trí mình, Linh Lan bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận lại những điều nó đã nói, những điều đang làm anh lúng túng đến vậy. Chẳng lẽ, đúng như lời nó thăm dò, anh ta quả thật đã từng vì một ai đó mà không màng đến vấy bẩn, vì một ai đó mà bảo vệ, vì một ai đó mà hy sinh chăng. Rốt cục, anh ta thật sự là người như thế nào đây. Tưởng nhẫn tâm nhưng “đã từng hy sinh vì một ai đó”, tưởng vô tình nhưng đã từng “vì ai đó mà bảo vệ”, tưởng lạnh lùng nhưng lại có thể chống lại vua anh chỉ vì nghĩ đến “công sức của bao nhiêu con người” mà anh ta chịu trách nhiệm. Rốt cục thì anh là người như thế nào đây, Nguyễn Huệ?

Chồm người về phía trước, Linh Lan túm lấy cổ áo của Nguyễn Huệ, kéo anh về phía mình, bắt anh nhìn thẳng vào đôi mắt của mình, rồi nói ngọt ngào.

- Nói cho anh biết, tôi là Linh Lan, là Linh Lan, một loài hoa có độc, chứ không phải là một con bé ngô nghê không biết gì, anh gọi đến là đến, bảo đi là đi, khi tôi nói anh lơ là, coi sự có mặt của tôi như không, ngay cả một chút tôn trọng tối thiểu cũng không có. Cấm hó hé, nghe tiếp đây. Tôi biết, trong mắt anh tôi chẳng là gì, nhưng không sao cả, anh cứ nghĩ thế đi, còn tôi thì rất thích thú với cảm giác một ngày nào đó, anh sẽ bị con bé Linh Lan mà anh chẳng coi ra gì ấy khám phá hết bí mật của mình. Đừng hù dọa tôi vô ích, cũng đừng nghĩ sẽ đuổi cổ được tôi, tôi đã tới đây nghĩa là đã quyết định sẽ thí mạng với anh, anh muốn gì tôi cũng theo được tất. Vì tôi là Linh Lan nên anh không sợ tôi, chẳng lẽ nào tôi sợ anh sao. Những gì tôi cần nói đã nói xong, một lần nữa, cám ơn vì bài học của anh, tôi sẽ ghi nhớ nó, suốt đời, tạm biệt.

Linh Lan nói xong liền buông áo Nguyễn Huệ ra, đầu cúi xuống chào, rồi quay lưng bỏ đi, nhanh như một cơn gió. Nhìn theo bóng Linh Lan khuất dạng sau những khóm trúc, tà áo trắng tung bay như đang cười, Nguyễn Huệ trước sau vẫn không nói tiếng nào, nét mặt anh vẫn chưa hết bối rối. Căn phòng chìm trong im lắng, chỉ nghe tiếng chim hót bên ngoài, và tiếng nhỏ giọt lặng lẽ của thời gian, ngồi thừ ra một lúc lâu, Nguyễn Huệ chậm rãi đứng lên, chẳng biết đi đứng thế nào lại vô tình làm rơi xấp giấy trên bàn xuống sàn. Nhìn những tờ giấy bay khắp nơi, anh cau mày ngồi xuống nhặt, nhặt rồi lại thả ra, thả ra rồi lại nhặt, đến cuối cùng thì bỏ mặc những tờ giấy bay lả tả khắp phòng, nhìn xuống đôi bàn tay đang nắm chặt lại của mình. Anh vốn không để cô gái ấy vào mắt, nhưng tại sao những lời cô ta nói cứ vang vọng trong đầu, khiến anh mất tập trung như thế này.

“Nói thế nghĩa là anh đã từng “có ý niệm bảo vệ một ai đó, vì ai đó mà giết người”, anh đã “cho đi cái gì đó”, anh đã “sống có trách nhiệm với bản thân mình và mọi người xung quanh”, anh đã “giữ sự trong sạch và lòng nhân từ cho người khác”, có phải thế không, Nguyễn Huệ.”

Phải thế không, Nguyễn Huệ…?

Nhật nguyệt  trên cao, ta ngồi dưới thấp

Một đường cong queo, nắng vàng đột ngột

Nguyễn Huệ yên lặng, anh nhắm mắt lại, đến khi mở ra, đôi mắt ấy lại đầy bóng tối, ánh sáng lẻ loi đã tan biến, sự xao động trong lòng cũng đã không còn. Nhìn những tờ giấy nằm rải rác khắp phòng, anh nhíu mày, lại cúi xuống và nhặt lên. Những tờ giấy trắng tinh trong tay anh nhăn nhúm, rúm ró, không còn phẳng phiu như lúc ban đầu.

Như thế vẫn chưa đủ, sâu như thế vẫn chưa đủ. Nơi ấy ánh sáng vẫn có thể rọi vào bóng tối, vẫn có thể đẩy lùi bóng tối. Không được, anh phải dấn thân vào sâu, sâu hơn nữa, để bóng tối nuốt chửng lấy anh, để ánh sáng không thể soi tới anh, để không một ai có thể nhìn thấy anh đang đứng nơi nào trong bóng tối mênh mang thăm thẳm kia…

Từ độ chim thiêng, hót lời mệnh bạc

Từng giọt vô biên, tôi chìm tiếng tăm…

oOo

Tây Sơn bây giờ đang rộn ràng, tất bật hơn bao giờ hết. Suốt mấy ngày qua, binh lính trong trại đã vất vả chuẩn bị để sẵn sàng theo lệnh Nguyễn Huệ, xuất phát bất cứ lúc nào, lên đường càn quét quân Nguyễn. Vì thu thập thêm Vinhlyma, lương thực và việc bảo đảm hình tung thật sự trở thành vấn đề lớn với Nguyễn quân. Quân Nguyễn cho Vinhlyma vào Hà Tiên để tìm lương thực, kết quả đã lộ tung tích đúng như Nguyễn Huệ đã dự đoán. Chỉ chờ có thế, Nguyễn Huệ lập tức xuất quân, toàn lực truy bắt Nguyễn Anh. Lần ra quân này khiến binh lính vô cùng phấn chấn vì sau bao tháng, cuối cùng cũng đã có kết quả, không phụ sự nhẫn nại chờ đợi của mọi người.

Đứng lẫn trong hàng ngũ của đội nữ binh, trong khi Xuân và mọi người bàn tán về lần xuất quân này, thì Linh Lan lại ngồi lau chùi cẩn thận thanh trường kiếm của mình. Lưỡi kiếm sắc, lạnh, phản chiếu đôi mắt đen láy ưu tư của nó. Ra trận lần này, nó biết mình phải làm gì. Trước khi chưa tìm được lý do thật sự để giải thích cho chuyện giết chóc, nó nhất định phải xem trọng bản thân và người xung quanh, nhất định không phải liên lụy đến ai nữa. Nó chắc chắn phải gạt bỏ sự ích kỉ của mình vì bài học chỉ diễn ra một lần đã quá đủ, nó không muốn có lần thứ hai. Hôm nay đến gặp Nguyễn Huệ để trút hết những gì muốn nói trong lòng, nó không còn quan tâm hay sợ hãi chuyện Nguyễn Huệ sẽ đối xử với mình thế nào nữa, mà quan tâm tới những chuyện khác hơn. Sau mấy tháng chờ đợi Tây Sơn mới lần ra được tung tích của Nguyễn Ánh, chắc chắn lần này sẽ không để anh ta thoát, rồi còn Nguyễn Huệ nữa, nét mặt bối rối ấy khiến nó thật sự cảm thấy lạ lẫm và bất ngờ, suy nghĩ mãi mà vẫn chưa thông được. Lạ lẫm là vì biểu hiện này trước nay nó chưa từng thấy ở anh, và bất ngờ là vì những dự đoán của nó có vẻ như có tác động rất mạnh đến Huệ, khiến môt người bình tĩnh như anh ta lại biểu hiện như thế. Rốt cuộc thì, ẩn sâu bên trong vẻ ngoài tưởng chừng như gai góc của anh ta là những gì đây? Anh ta cuối cùng là người tốt hay kẻ xấu, là muốn giúp đỡ hay phá hoại Văn Bình? Mâu thuẫn quá, đã từng bảo vệ, hy sinh vì ai đó, sống có trách nhiệm với mọi người như thế sao lại muốn phá hoại Văn Bình chứ, chỉ riêng điều này thôi quả thật khó lý giải vô cùng.

Đang miên man suy nghĩ, Linh Lan giật mình ngẩng đầu lên khi nghe tiếng bước chân tiến về phía mình. Đứng trước mặt Linh Lan là Phan Văn Lân, trên gương mặt thư sinh là một nụ cười hiền lành lẫn bối rối. Tối qua suy nghĩ đã thấu đáo, Linh Lan biết rằng mình giận dỗi là vô lý vì Phan Văn Lân không có lỗi trong chuyện này, thậm chí, lẽ ra nó còn phải biết ơn anh vì anh đã bảo vệ nó, giúp đỡ nó, và trên hết là anh vẫn còn sống trở về. Anh chỉ làm theo những gì Nguyễn Huệ đã giao phó, hơn nữa, Huệ là cấp trên, anh là cấp dưới, đã là cấp dưới sao có thể kháng lệnh nếu không muốn bị chém bay đầu. Dù đã thông suốt như thế, nhưng không hiểu sao với Nguyễn Huệ thì nó đã thôi giận, nhưng với Phan Văn Lân thì vẫn còn lấn cấn trong lòng, có lẽ đó là do Lân là bạn đồng hành cùng chia hoạn nạn với nó, còn Huệ thì vẫn còn lạ lẫm nên dễ tha thứ hơn chăng?

- Chỉ ít phút nữa là xuất binh, cô đã sẵn sàng rồi chứ?

Trước lời hỏi thăm của Lân, Linh Lan chỉ gật đầu, không trả lời, biểu hiện đó của nó làm Lân thất vọng, anh muốn nói gì đó, nhưng lại không nghĩ ra chuyện gì để nói trong tình cảnh này, đành ngập ngừng vài phút rồi quay lưng đi.

- Lân!

Khi Phan Văn Lân dợm bước đi, tiếng gọi của Linh Lan đã níu bước anh quay lại. Nhìn Phan Văn Lân bằng ánh mắt dịu dàng, Linh Lan nhẹ mỉm cười.

- Chuyện hôm qua, tôi xin lỗi anh nhé!

Nghe lời xin lỗi từ Linh Lan, Phan Văn Lân tròn mắt, anh không nghĩ rằng cô gái bướng bỉnh này sẽ nhận lỗi với anh chứ đừng nói là nhận lỗi nhanh đến thế. Anh thậm chí còn nghĩ rằng sẽ mất ít nhất một tuần, hay thậm chí cả tháng Linh Lan mới nguôi ngoai được chuyện ngày hôm qua khi nó đã oán giận đến như thế. Nét mặt ngơ ngẩn, ngạc nhiên của Phan Văn Lân khiến Linh Lan nhíu mày.

- Đừng nghĩ  tôi nhỏ mọn như thế, khi biết mọi chuyện, trong cơn nóng giận tôi mới như vậy. Trong chuyện này anh chỉ làm theo phận sự, không có lỗi gì cả, vì thế tôi không có lý do gì để giận anh, thậm chí còn phải cám ơn anh. Nhưng tôi cũng mong là lần sau sẽ không có chuyện tương tự như thế xảy ra nữa, tôi coi anh là bạn, chuyện gì anh cũng có thể nói với tôi mà.

Những lời Linh Lan nói rất bình thường, không ngôn từ hoa mỹ, nhưng lại làm cho nét mặt của Phan Văn Lân vui vẻ hẳn lên. Nét mặt ấy khiến Linh Lan phì cười, quả thật nó muốn giận Lân lắm, nhưng mỗi lần nhớ đến sự lo lắng, chăm sóc của anh khi nó bị trúng thương tại Gia Định thì lòng nó lại mềm lại. Hơn nữa, nếu giận anh, làm mặt lạnh với anh, thì chẳng có ai cho nó ăn hiếp, vòi vĩnh hay chiều chuộng nó nữa, chi bằng cứ làm hòa, rồi sau này bù lỗ lại. Mà trong chuyện này Lân hoàn toàn vô tội, nó mà giận, thì hóa ra chẳng vô lý lắm ư.

Sau khi làm hòa với Phan Văn Lân, tâm trạng Linh Lan đã khá hơn nhiều. Nhìn Nguyễn Huệ trên cao nói chuyện với các tướng sĩ, không hiểu sao Linh Lan lại nhớ đến nét mặt bối rối ban sáng của anh, khi ở trong phòng. Lần đầu tiên áp đảo được Nguyễn Huệ, lần đâu tiên nó là người nói, anh là người nghe, lần đầu tiên thấy anh bối rối, nét mặt bối rối ấy ngồ ngộ, hệt như một đứa bé đang ăn vụng bị bắt quả tang, khiến Linh Lan không khỏi tủm tỉm cười. Chẳng biết Nguyễn Huệ có biết nó đang cưởi tủm tỉm hay không, mà chỉ thấy anh vô tình lướt mắt về phía nó, nét mặt liền sa sầm xuống, nhưng chỉ trong thoáng chốc rồi lại điềm nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

“Tôi là Linh Lan, một loài hoa có độc.”

Tháng 6 năm Qúi Mão [1783], Tây Sơn xuất quân.

———————

Chú thích:

(*) In nghiêng trong chap là lời bài hát Nhật nguyệt của Trịnh Công Sơn

120.(P.2)

Hôm nay tiết trời không được tốt, ngoài khơi gió mạnh, mặt biển cuộn tràn, khiến Lê Văn Duyệt phải khó khăn lắm mới giữ vững những chiếc thuyền chở lương thực không bị tròng trành. Quan sát từng binh lính tất bật khuân vác đồ dùng cần thiết cho chuyến đi, Lê Văn Duyệt nhanh chóng đỡ lấy thân mẫu của chúa công khi người dợm ngã lúc bước lên thuyền. Gia đình chúa công đã có mặt đầy đủ, chỉ chờ khởi hành, thế nhưng mãi đến giờ này Nguyễn Ánh vẫn chưa trở ra, điều đó khiến Lê Văn Duyệt lo lắng trong lòng. 

Chuyển giao công việc giám sát lại cho Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt nhanh chóng lên bờ, tiến về căn nhà tranh nhỏ, nhưng chưa kịp tới nơi thì đã thấy Nguyễn Ánh trở ra ngoài. Nhìn Lê Văn Duyệt tất tả, Nguyễn Ánh không khỏi mỉm cười, con người này hễ không thấy anh ở đâu thì lại cuống lên, sợ có gì bất trắc xảy ra với mình. Trong số những thuộc tướng, anh biết, Lê Văn Duyệt là người sẽ không bao giờ phản bội mình. Sự cần mẫn, nhanh nhạy và thạo việc của ông khiến anh hài lòng, bất cứ việc gì anh giao cho ông ta cũng hoàn thành, và không bao giờ thắc mắc lấy nửa lời.

- Chúa công, tại sao lần này chúng ta lại đi gấp như thế. Trong khi chờ đợi tin tức của Châu Văn Tiếp báo về, ở ngoài này chẳng phải yên ổn sao.

Vừa hộ tống Nguyễn Ánh về phía chiến thuyền đợi sẵn, Lê Văn Duyệt vừa hỏi. Nhìn bao quát toàn bộ thuyền cùng binh lính trên biển, Nguyễn Ánh chậm rãi trả lời.

- Nếu chúng ta không đi gấp, Tây Sơn sẽ đuổi đến ngay. Mà không, ta cho rằng chúng đang trên đường đến đây rồi.

Nghe Nguyễn Ánh đáp lời, Lê Văn Duyệt liền sững lại, ông hỏi nhanh, giọng đầy nhạc nhiên như chưa thể tin vào những gì tai mình mới nghe.

- Không thể nào, Tây Sơn làm sao có thể biết chúng ta đang ở đây?

- Vì Vinhlima đã để lộ tung tích của chúng ta ra ngoài.

- Chúa công, chẳng lẽ Vinhlima đã phản bội lại chúng ta hay sao?

Những bước chân của Nguyễn Ánh chậm lại, anh lướt mắt về phía binh sĩ đang tất bật góp sức đẩy thuyền ra khơi, trên môi điểm nụ cười lửng lơ.

- Hắn ta sẽ không bao giờ làm chuyện ngu ngốc đó. Khi ta sai hắn vào Hà Tiên để kiếm khí giới, lương thực, ta đã lường trước chuyện hắn sẽ đánh động Tây Sơn, khiến chúng lần ra được nơi trú ẩn của chúng ta.

Không nghe giải thích thì thôi, nhưng Nguyễn Ánh càng nói, Lê Văn Duyệt lại càng hoang mang khó hiểu. Ông hỏi, giọng ngập ngừng.

- Chúa công, thứ lỗi cho thuộc hạ ngu muội không thể hiểu được, nếu như người đã biết Vinhlyma sẽ làm lộ nơi trú ẩn, vậy tại sao còn ra lệnh cho hắn vào Hà Tiên?

Dường như biết trước Lê Văn Duyệt sẽ hỏi câu này, Nguyễn Ánh nhíu mày. Anh nửa muốn nói, nửa muốn không, nhưng cuối cùng vẫn thủng thẳng đáp lời.

- Bởi vì không hẳn là tại hắn, mà là ta đã phạm sai lầm.

- Sao?

- Sau khi nghe ngươi thông báo kết quả việc cho mai phục sứ giả của Tây Sơn, ta biết mình đã phạm sai lầm.

Lê Văn Duyệt dừng bước, ông ngẩn người ra nhìn Nguyễn Ánh. Chúa công ông ngày thường tính toán rất chu đáo, không bao giờ đi lỡ một nước cờ nào. Suốt mấy năm theo hầu chúa công, đây là lần đầu tiên chúa công dự đoán sai, và thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình. Nét mặt ngỡ ngàng của Lê Văn Duyệt không làm Nguyễn Ánh để tâm, anh vẫn tiếp bước, giọng nói vẫn thản nhiên.

- Ngươi thấy lúc chúng ta thu phục Vinhlyma, thanh thế thế nào? Tuy Hoà Nghĩa quân chỉ là một đạo quân nhỏ, nhưng cũng có tổ chức rõ ràng chứ không phải một đám cướp núi vô dụng. Đi làm thuyết khách kêu gọi hợp tác, tuyệt đối không thể chỉ đi có một hai người, cố tình để sơ hở nhiều như thế cho chúng ta ra tay. Điều này chứng tỏ hắn không hề coi trọng chuyện thu phục hợp tác gì cả mà chỉ là đang giăng một cái bẫy dụ chúng ta vào tròng.

Đối thủ của ta không phải người tầm thường mà là Nguyễn Huệ, rất dày dạn kinh nghiệm chinh chiến. Suốt mấy tháng ở Gia Định không nắm được nơi trú ẩn, cũng như bất cứ thông tin nào về chúng ta, hắn đã lợi dụng chuyện Hoà Nghĩa quân tách ra, cho sứ giả đến chiêu dụ, khiến chúng ta tin rằng hắn muốn vịnh vào đám Hoà Nghĩa vô dụng đó để tìm chúng ta. Và ta đã đi sai nước cờ khi cử quân mai phục đến giết sứ giả mà không suy tính đến khả năng sứ giả thực chất chỉ là mồi nhử. Hắn ta quá xảo quyệt. Hắn đã đoán biết ta sẽ không tìm hiểu tên sứ giả đó đến Hòa Nghĩa quân với mục đích thật sự là gì mà chỉ cần giết chết hắn để mục đích gì cũng không thế thành lập, rồi sau đó nhanh chóng gia tăng thêm lực lượng để bổ sung quân số, chuẩn bị đối phó với bất cứ âm mưu nào của hắn. Đó chính xác là những gì mà hắn đã muốn ta làm. Ta đã hành động theo đúng ý đồ của hắn, thế nên việc bại lộ tung tích chắn chắn đã xảy ra từ hôm đó.

- Như vậy có nghĩa là….

- Phải, vì biết nơi trú ẩn đã bị bại lộ, ta không còn ngần ngại gì mà lệnh cho Vinhlyma vào Hà Tiên để nhanh chóng bổ sung lương thực, chuẩn bị khí giới cần thiết cho chuyến di chuyển này. Thứ nhất, Vinhlyma là cướp biển, quen thói cướp bóc, dân chúng Hà Tiên không ai là không biết, cử hắn ta đi, quân Nguyễn sẽ tránh ô danh. Thứ hai, Tây Sơn đã biết nơi trú ẩn của chúng ta, sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến, đưa Vinhlyma vào Hà Tiên sẽ đánh lạc hướng chúng được một lúc, kiếm thêm cho chúng ta chút thời gian rút đi. Vinhlyma cát cứ ở đây đã lâu, hải trình hắn nắm rõ, di chuyển rất dễ dàng, có gì sẽ linh hoạt chạy trốn rồi đến điểm hẹn tụ họp với chúng ta sau. Ngươi hiểu rồi chứ?

Lê Văn Duyệt không trả lời mà đăm đăm nhìn Nguyễn Ánh, đôi mày dính sát vào nhau như đang suy nghĩ một chuyện nào đó. Lê Văn Duyệt không trả lời, Nguyễn Ánh cũng chẳng nói thêm gì, anh quay nhìn cứ điểm thêm một lần nữa, đôi mắt nâu trong suốt như phủ một làn sương lạnh, rồi chậm rãi bước lên thuyền. Như chờ đợi anh đã lâu, khi Nguyễn Ánh vừa bước lên, Tống Thị Lan đã nhanh chóng khoác cho anh chiếc áo ấm, nhằm tránh những con gió lạnh bất thường trên mũi Đá Chồng. Thấy Tống Thị Lan lo lắng cho mình như thế, Nguyễn Ánh nhíu mày, anh lại cởi ngược áo ra và khoác lên người Tống Thị Lan. Trước đôi mắt ngạc nhiên của cô, Nguyễn Ánh nhẹ mỉm cười.

- Trong thời gian này ta không thể chăm sóc cho mẫu thân và gia đình, tất cả nhờ ở nàng, nếu nàng đổ bệnh thì mẫu thân ta sẽ như thế nào!

Những lời Nguyễn Ánh nói tuy rất nhẹ nhàng, không lạnh lùng, cũng không âu yếm, nhưng lại khiến gương mặt trái xoan của Tống Thị Lan tươi lên, trong ánh mắt lấp lánh niềm vui rạng ngời. Quay sang mẫu thân đang đứng bên cạnh, Nguyến Ánh nắm lấy bàn tay đang lạnh của bà, nhìn những ngón tay gầy xương xương, Nguyễn Ánh yên lặng không nói, lâu thật lâu anh mới cất lời.

- Mẫu thân hãy giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho hài nhi!

Nguyễn Thị Hoàn mấp máy môi, bà vuốt ve vầng trán cao của Nguyễn Ánh với cử chỉ trìu mến, rồi buông lời nhẹ nhàng.

- Mẫu thân chờ tin con!

Tất cả chỉ có thế, không gì hơn, nhưng lại khiến bàn tay của Nguyễn Ánh xiết chặt lấy đôi tay xương xương ấy trong phút chốc, rồi thả ra. Chậm rãi bước xuống thuyền để Nguyễn Văn Thành đưa thuyền ra khơi, Nguyễn Ánh nhìn bóng con thuyền từ từ rời bờ, xa dần, xa dần cho đến khi khuất dạng rồi mới quay người lướt nhìn những thuộc tướng quen thuộc đang chờ đợi trước mặt, bờ môi thanh tú điểm nụ cười kiêu ngạo thường ngày.

- Các ngươi sẵn sàng rồi chứ?

- Chúng thuộc hạ đã sẵn sàng, thưa chúa công!!!

- Tốt lắm, chúng ta ra khơi, thẳng tiến đến đảo Cổ Long.

Lời Nguyễn Ánh vừa dứt, binh sĩ đều đồng thanh hô vang, những chiếc thuyền lần lượt ra khơi, dẫn đầu là chiến thuyền của Nguyễn Ánh. Đứng trên đầu thuyền, nhìn lại mũi Đá Chồng chơ vơ trong gió, hai tay Nguyễn Ánh khoanh trước ngực, không biết anh suy nghĩ những gì mà chỉ thấy đôi mày kiếm lâu lâu chau lại, rồi giãn ra. Cùng cai cơ Lê Phước Điển đứng bên cạnh Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt trước sau vẫn im lặng không nói gì, đến chừng không chịu đựng được nữa, ông bèn quay sang Nguyễn Ánh, liếm môi.

- Chúa công, thuộc tướng mạo muội xin hỏi người một câu!

- Nói đi.

- Người đã biết tin tức đã bị lộ, Tây Sơn sẽ sớm xuất quân đến mũi Đá Chồng vây bắt chúng ta, vậy tại sao không sớm rời đi mà phải đợi đến tận bây giờ. Có phải là người…

- Duyệt, ngươi có biết vì sao ta quý trọng ngươi không?

Lê Văn Duyệt còn chưa nói hết, Nguyễn Ánh đã đột ngột cắt lời. Giọng nói lạnh băng cùng đôi mắt nâu uy quyền ấy khiến Lê Văn Duyệt lúng túng, ông cúi đầu, đáp nhỏ.

- Thưa không ạ!

- Ta quý trọng ngươi, vì ngươi chỉ nói những gì nên nói.

Lê Văn Duyệt vội ngẩng đầu lên. Chạm phải ánh mắt sương giá như soi thấu tâm can của Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt toát mồ hôi, ông lặng lẽ gật đầu, rồi lui về phía sau một bước mà không nói thêm lời nào. Nhìn Lê Văn Duyệt lúng túng, Nguyễn Ánh nhếch môi, anh nhìn về phía trước, nơi những chú chim hải âu chao lượn ở đường chân trời xa thẳm mênh mông. Tiếng sóng biển gào thét, con thuyền chập chùng, lắc lư dưới những lớp sóng bạc, trời trở gió, cuồng phong thổi mạnh, nhưng  những hiện tượng đó không làm Nguyễn Ánh nhíu mày bằng giọng nói hốt hoảng của Lê Phước Điển bất chợt vang lên.

- Chúa…chúa công, người nhin kìa!!

Nhìn về hướng Lê Phước Điển vươn tay chỉ, Nguyễn Ánh nhíu mày khi thấy những con thuyền tít ở phía sau đang lướt như bay về phía trước một cách dũng mãnh. Ngay trong khoảnh khoắc ấy, Nguyễn Ánh biết ngay chuyện gì đang xảy ra, anh đã lường trước được Tây Sơn đuổi tới nên đi sớm hơn một bước, chỉ có điều lần này bọn chúng đuổi tới quá nhanh chóng, còn sớm hơn anh dự tính mà thôi.

oOo

Vì vẫn chưa quen với việc di chuyển trên biển, Linh Lan bám chặt tay vào mạn thuyền do bị say sóng, cả thân người tròng trành khi thuyền lắc lư. Nhìn Nguyễn Huệ đứng ở đầu thuyền, đôi mắt đen tối thẫm lại, nét mặt có vẻ đăm chiêu, lo lắng, chốc chốc lại ngước nhìn bầu trời, Linh Lan hiểu Nguyễn Huệ đang tiến đến rất gần chiến thắng, chỉ chốc nữa thôi là Tây Sơn sẽ đuổi kịp quân Nguyễn. Thủy binh Tây Sơn lướt nhanh trên mặt biển như hải âu tung cánh, quả không phụ lòng Nguyễn Huệ đã cho người đóng tàu theo phương pháp cải tiến cho chiến thuyền.

Nhìn khoảng cách giữa Tây Sơn và quân Nguyễn ngày càng rút ngắn, Linh Lan có thể lờ mờ thấy bóng tà áo vàng phất phơ từ đằng xa. Căn cứ vào quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ càng lần này của Nguyễn Huệ, anh ta chắc chắn không để cho Nguyễn Ánh thoát. Bắt được Nguyễn Ánh, tất nhiên công sức mấy tháng qua của Tây Sơn sẽ được đền bù, nhưng còn Nguyễn Ánh, anh ta sẽ ra sao đây, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Gia Long hoàng đế không tồn tại, Linh Lan đau đầu không muốn nghĩ đến nữa. Tại sao cứ hết lần này đến lần khác nó lại phải đứng ở giữa chiến tuyến như thế này, cứu Nguyễn Ánh thì phụ Tây Sơn và Văn Bình, nhưng để Nguyễn Ánh chết đi thì nước Việt Nam sẽ không có mặt trên bản đồ năm châu. Cứu hay không cứu, ông trời hỡi, giờ phút này thử hỏi nó phải làm sao đây?

Trong khi Linh Lan còn mải đấu tranh tinh thần thì Nguyễn Huệ đã hành động, anh lệnh cho binh lính bắn hỏa hổ về phía quân Nguyễn. Lệnh ban ra ngay lập tức được thi hành, những dải lửa bay vùn vụt về phía quân Nguyễn, có cái nửa chừng rơi tõm xuống biển nhưng vẫn bốc cháy ngùn ngụt, đủ để thấy uy lực hỏa hổ mà Nguyễn Huệ đã cải tiến có công dụng như thế nào.

Bị hỏa hổ từ Tây Sơn bắn rào rào về phía mình, quân Nguyễn đã bắt đầu hoảng loạn khi thuyền bốc cháy. Hàng thuyền ngay ngắn trong phút chốc liền xáo trộn, tan vỡ, mỗi người một hướng. Trông thấy cục diện đó, cai cơ Lê Phước Điển vội vàng rút gươm ra, một tay che chắn cho Nguyễn Ánh không bị hỏa hổ tấn công, mặt khác nói nhanh.

- Chúa công, nơi này không an toàn, người hãy nhanh chóng lên thuyền nhỏ rời khỏi đây, thần sẽ ở lại đánh lạc hướng bọn chúng.

Nhìn lớp lớp binh lính Tây Sơn hung hãn bắn hỏa hổ, đốt cháy những chiến thuyền quân Nguyễn phía sau, Lê Phước Điển hiểu sớm muộn gì Tây Sơn cũng đuổi kịp. Quân địch quá đông, còn quân Nguyễn lại quá ít, tuy đã bổ sung lực lượng bằng cách thu thập thêm đám Vinhlyma nhưng hiện giờ chúng không có ở đây, cũng chưa biết có thoát khỏi vòng vây Tây Sơn hay không, vốn là không thể trông cậy cứu viện từ chúng. Trước tình hình này chỉ còn cách, nhân khi Tây Sơn vẫy chưa vây chặt, chưa tràn đến còn thuyền này, chúa công phải xuống thuyền nhỏ dự trữ, nhanh chóng rời khỏi đây. Bản thân ông sẽ ở lại, cầm cự, che chắn chúa công khỏi hỏa hổ Tây Sơn, đánh lạc hướng chúng để người thoát đi an toàn.

Những lời khẩn thiết của Lê Phước Điển, Nguyễn Ánh đã nghe thấy, nhưng anh vẫn đứng yên, nhìn chiến thuyền Tây Sơn sừng sững trong gió. Đôi mắt nâu trong suốt thẫm lại khi thấp thoáng sau lưng Nguyễn Huệ đang đứng đầu thuyền là một tà áo trắng, tà áo trắng đã biết bao lần anh nhìn thấy trong giấc mơ…

- Chúa công, xin người hãy đi nhanh!!!

Mục kiến chiến thuyền của Nguyễn Huệ đang lướt nhanh trên biển như một con mãnh hổ, Lê Phước Điển lo đến toát mồ hôi. Nhận thấy tình hình nguy cấp, không nói không rằng, Lê Văn Duyệt nghiêng người thì thầm mấy câu vào tai Lê Phước Điển. Không biết Duyệt đã nói những gì, mà chỉ thấy nét mặt Lê Phước Điển đang căng thẳng, lo âu bỗng gật đầu lia lịa, rồi tỏa ra một quyết tâm không gì thay đổi được.

Không để ý đến hai viên thuộc tướng đang nói với nhau những gì, Nguyễn Ánh vẫn nhìn đăm đăm về phía trước, giữa rừng cờ sắc áo, không khó khăn mấy để anh nhận ra tà áo trắng đó. Cô ta đang ở bên cạnh Nguyễn Huệ, đang theo sát hắn ta. Trong khoảnh khắc, đôi mắt Nguyễn Ánh như có cơn giông kéo qua, anh không định nghĩa được cảm giác bây giờ trong lòng mình là gì. Hòa lẫn trong sự nhung nhớ, vui mừng là sự bi phẫn, tức giận và oán hận, một mặt anh muốn vươn tay ra, ôm choàng lấy cô gái ấy vào lòng, xiết chặt, nhưng một mặt lại muốn vung kiếm, đâm thẳng vào trái tim cô ta để kết thúc những cảm xúc yếu mềm trong anh. Anh bây giờ mâu thuẫn như thế này, vô định như thế này là vì ai, không phải là vì cô ta hay sao…

- Chúa công, tình thế đã rất cấp bách, quân địch đang ở trước mắt, khí thế hừng hực không gì đánh đổ được, bây giờ chỉ có cách để cai cơ Phước Điển làm Lê Lai thưở trước, đóng giả người, thu hút sự chú ý của Tây Sơn, đánh lạc hướng bọn chúng thì tình thế mới có chuyển biến mà thôi.

Giữa dòng suy nghĩ bộn bề, giọng nói cứng rắn của Lê Văn Duyệt bất chợt vang lên cắt ngang dòng tư tưởng của Nguyễn Ánh. Đến khi anh định thần lại thì đã thấy Lê Phước Điển mặc áo vàng, đóng giả thành mình từ bao giờ. Đôi mày kiếm cau lại, Nguyễn Ánh lại lướt mắt về phía trước nhưng Lê Văn Duyệt đã nhanh chóng án ngữ, che khuất tầm nhìn của anh. Nhìn vào đôi mắt nâu đầy sóng, ông nói, giọng rất quyết tâm.

- Chúa công, hãy nghĩ tới những thuộc hạ đã liều thân vì người mà nhanh chóng rời khỏi đây. Người muốn nhìn thấy cô ta thì cũng đã thấy rồi, gặp cũng đã gặp rồi, hãy dứt bỏ tất cả đi, đừng vấn vương cô ta nữa, đừng nhung nhớ cô ta nữa, đừng để cô ta làm người đau lòng nữa. Chúa công, vứt bỏ đi thôi!

Đừng vấn vương cô ta nữa

Vẫn nhìn đăm đăm về phía trước, xuyên qua Lê Văn Duyệt như để tìm tà áo trắng ấy, đôi mắt nâu của Nguyễn Ánh thẫm lại, thẫm lại rồi lại trở nên trong suốt như nắng thủy tinh, thứ ánh nắng mơ hồ, bất định như chính bản thân anh bây giờ.

Đừng nhung nhớ cô ta nữa

Tiếng sóng biển gào thét như vó ngựa vang vọng đâu đây. Ngày ấy, khi những tưởng cô ta sẽ ở bên cạnh anh mãi mãi, thì cô ta không nói một lời, lại ra đi, để anh lại với đồng lau trắng, để anh lại với sự mềm yếu, với một trái tim bị tổn thương cùng với những mâu thuẫn đan xen trong lòng.

Đừng để cô ta làm đau lòng nữa

Nguyễn Ánh nhắm mắt lại, nét mặt anh trở nên lạnh lùng hệt như đêm ấy, đêm anh đứng nhìn con đường mòn hoang hoải, lạnh lẽo dưới trời khuya.

Nguyễn Ánh

Vứt bỏ đi thôi

Trước sự ngạc nhiên của Lê Văn Duyệt, Nguyễn Ánh chậm rãi mở mắt ra, anh rút kiếm, tay vung lên, thanh kiếm lấp lánh chém vào không khí, động tác vô cùng dứt khoát, trên môi là một nụ cười mỉa mai và tàn nhẫn. Tra kiếm vào vỏ, Nguyễn Ánh vỗ nhẹ lên vai Lê Phước Điển, rồi xiết chặt. Nhận được cái vỗ vai đó, Lê Phước Điển vô cùng ngạc nhiên, ông nhìn Nguyễn Ánh, mỉm cười, nét mặt kiên quyết, như không bao giờ hối hận về quyết định của mình.

Nguyễn Ánh yên lặng, anh nhìn một lượt người thuộc tướng, người anh rể (*)đã theo mình bôn tẩu suốt thời gian qua, rồi quay lưng bước xuống con thuyền nhỏ mà Lê Văn Duyệt đã chuẩn bị sẵn, nét mặt lạnh như phủ sương. Một Nguyễn Ánh yếu mềm, vô định đã bị anh loại bỏ, bây giờ anh lại trở về với Nguyễn Ánh như ngày xưa, không tình cảm, không điểm yếu, không vương vấn bất cứ một ai. Con đường anh đi được xây dựng từ xương máu, một khi chưa đi hết con đường, máu thịt vẫn cứ rơi, và anh phải đạp lên máu thịt ấy để mà đi, đi cho đến cuối con đường.

Đợi con thuyền nhỏ rời xa, Lê Phước Điển, Tôn Thất Điển, Tôn Thất Cốc (**)liền trở lại với cuộc chiến đang đợi mình phía trước. Tuy không nói lời nào nhưng trong ai cũng tỏ rõ quyết tâm liều mình không hối hận.

- Chúa công, bảo vệ người là nhiệm vụ của thuộc hạ, đã là nhiệm vụ thuộc hạ sẽ cố gắng hết mình dù cho có phải hy sinh. Chúa công, ngươi đi đường bình an!

Thế nên Nguyễn Ánh, vứt bỏ đi thôi…

______________

Chú thích:

(*) Lê Phước Điển: chồng của Long Thành công chúa Ngọc Tú, chị lớn của Ánh. Năm 1783 Điển mặc áo ngự chịu chết thay Ánh, bị Tây Sơn bắt giết ở hòn Đá Chồng.

(**) Tôn Thất Điển: Nguyễn Phúc Điển, em trai út của Ánh, cũng là người anh em ruột cuối cùng. Năm 1783 bị Tây Sơn bắt giết ở hòn Đá Chồng.

Tôn Thất Cốc, một người anh em họ hàng, cũng chết trong đợt vây bắt ở hòn Đá Chồng.

( Tóm lại là chết hết TT_TT)

120 (P.3)

Nhờ cải tiến thuyền bè theo phương pháp mới, chẳng mấy chốc Tây Sơn đã đuổi kịp quân Nguyễn. Bỏ lại những con thuyền rực cháy phía sau, Nguyễn Huệ lệnh cho thuyền lái nhanh chóng cập sát thuyền của Nguyễn Ánh, những chiếc móc câu đồng loạt quăng ra, Tây Sơn ồ ạt tràn lên thuyền chỉ huy quân Nguyễn. Con thuyền tròng trành, tiếng la hét quát tháo, bầu trời nổi gió lớn, mang theo mùi máu tanh nhuộm màu chết chóc.

Nắm chặt thanh kiếm trong tay, Linh Lan bám sát theo Nguyễn Huệ. Nhìn anh tung hoành giữa quân Nguyễn, chiếc áo bào đỏ hòa với màu máu, Linh Lan thừa biết Nguyễn Huệ dư sức đối phó với địch thủ, không cần nó theo sau giúp đỡ, có khi còn vướng víu tay chân hơn, thế nhưng không hiểu sao Linh Lan vẫn muốn bám sát theo sau Nguyễn Huệ. Nếu không nhìn vào đôi mắt đen thẫm đó, nếu không nhìn vào gương mặt lạnh lùng đó, thì từ phía sau lưng Nguyễn Huệ chẳng khác nào Văn Bình. Dõi theo bóng dáng quen thuộc ấy, quyết tâm bảo vệ trong nó càng trỗi dậy mạnh mẽ. Từ khi trở về quá khứ, Văn Bình đã bảo vệ nó, đã đối xử tốt với nó, đã cho nó cảm giác bình yên ở chốn quá khứ này thì giờ đây trên chiến trường, nó phải bảo vệ phía sau lưng anh, để anh an tâm tiến tới, không mảy may vướng bận hay lo lắng ngoái đầu.

 Mục kiến Nguyễn Huệ như mãnh hổ, tung hoành trên chiến thuyền khiến quân Nguyễn không thể nào chống chọi nổi, Nguyễn Phúc Điển nhìn chăm chăm về phía trước, tay nắm chặt thanh đoản đao, đôi mắt lấp loáng ánh sáng khi chiếc buồm trắng trên cao đã vấy máu của thuộc hạ mình.

- Anh Cốc này, anh đã có vợ chưa?

Đang lăm lăm thanh đao trong tay, tìm sơ hở của Nguyễn Huệ để tấn công, nghe Nguyễn Phúc Điển đột ngột hỏi, Tôn Thất Cốc nhíu mày, nhưng vẫn đáp lời.

- Chưa!

- Anh biết không, lúc trước, em luôn mong muốn sẽ lấy được một người vợ vừa hiền thục, vừa đảm đang, cô ấy sẽ sinh cho em những đứa con thật kháu khỉnh và đáng yêu.

Nghe như Nguyễn Phúc Điển thoáng cười, Tôn Thất Cốc hấp háy mắt, giọng anh bỗng trở nên nhẹ nhàng.

- Cậu nhất định sẽ là một người cha tốt.

- Cám ơn anh!

Chữ “anh” vừa thoát ra khỏi đầu môi, thân ảnh của Nguyễn Phúc Điển lao nhanh về phía trước, không ngần ngại, Tôn Thất Cốc cũng bám sát theo sau người em họ của mình. Hai thân ảnh lao nhanh về phía Nguyễn Huệ, đôi mắt rực sáng, lá cờ của Nguyễn quân phất phới trong tâm trí. Dường như đã quá quen với những đợt tấn công bất ngờ, Nguyễn Huệ không mảy may dao động. Thanh kiếm trong tay anh vung lên, ngăn chặn đường đao của Tôn Thất Cốc, đồng thời xoay người sang một bên để tránh đường đao thứ hai của Nguyễn Phúc Điển, rồi trực chiến với cả hai người sau khi thoát khỏi vòng vây quân Nguyễn.

Theo sát bên cạnh Nguyễn Huệ không rời, Linh Lan tiếp lãnh lính Nguyễn ở phía sau để Nguyễn Huệ đối phó với Tôn Thất Cốc và Nguyễn Phúc Điển. Rảo mắt quan sát một vòng chiến thuyền, không thấy bóng dáng của Nguyễn Ánh, Linh Lan đâm nghi hoặc. Chẳng lẽ anh ta đã thoát được? Không đúng, ban này nó vẫn còn thấy tà áo vàng ấy phấp phới trên chiến thuyền, trong phút sát sao không thể nào thoát nhanh như vậy được, chẳng lẽ trong chuyện này còn có âm mưu toan tính nào khác hay sao.

Nghĩ tới những toan tính của Nguyễn Ánh sẽ gây bất lợi cho Nguyễn Huệ, Linh Lan lo lắng. Nó giao những tên lính còn lại cho Phan Văn Lân khi anh vừa trờ tới, rồi ngay lập tức xoay mũi kiếm tấn công Tôn Thất Cốc để trợ giúp Nguyễn Huệ một tay. Ý định còn chưa thực hiện, một bóng người từ sau cột buồm đột ngột lao ra, tấn công sau lưng Nguyễn Huệ, trong khi anh đang bận đối phó với Tôn Thất Cốc và Nguyễn Phúc Điển khiến Linh Lan biến sắc. Trong giây phút đó, không cần suy nghĩ nhiều, sự lo lắng choáng ngợp tâm trí Linh Lan. Linh Lan liền xoay mũi kiếm, nhằm ngay yếu huyệt bóng người áo vàng mà đâm tới. Do toàn tâm dốc sức tấn công Nguyễn Huệ, bóng người áo vàng không nhìn thấy Linh Lan, kết quả là mũi kiếm của nó cắm ngập vào lưng, xuyên qua tim, đồng thời bị Nguyễn Huệ vung kiếm chém luôn vào người sau khi kết liễu Tôn Thất Cốc và Nguyễn Phúc Điển. Một lúc bị hai nhát kiếm chí mạng, người áo vàng trợn mắt nhìn trừng trừng Nguyễn Huệ, miệng nở nụ cười hả hê khi thấy ánh mắt sửng sốt của anh, rồi ngã xuống bên cạnh Tôn Thất Cốc và Nguyễn Phúc Điển nằm trên sàn thuyền.

Nhìn hai chiến tướng cùng vào sinh ra tử biết bao lần trên chiến trường, thân người đẫm máu, Lê Phước Điển mỉm cười, ánh mắt ông mơ hồ khi nhìn bầu trời. Bầu trời mây đen vẩn vũ, nhưng trong lòng ông bầu trời lại vô cùng xanh trong, trong như ánh mắt của Ngọc Tú, vợ ông, khi đứng trên thuyền trông theo bóng dáng ông lúc đoàn quân ra khơi.

Ngọc Tú, chúng ta thắng rồi…

Ngay khi lúc Lê Phước Điển trúng phải lưỡi kiếm của Linh Lan thì Nguyễn Huệ cũng đã hạ được hai đối thủ đã ngáng đường mình. Nhìn tà áo vàng cùng phong thái khác thường và nụ cười hả hê của Lê Phước Điển, trong tích tắc, Nguyễn Huệ đã hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Đôi mắt đen thẫm lại vì giận dữ, thanh kiếm đẫm máu trong tay anh vung lên, chất chứa phẫn nộ xả thẳng vào người Lê Phước Điển. Ngước nhìn bầu trời mây đen vần vũ, đôi mắt Nguyễn Huệ thấp thoáng lo lắng, nhưng cũng bùng cháy lên một quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Lệnh cho tất cả binh lính rút về thuyền khi quân Nguyễn đã bị tiêu diệt hoàn toàn, Nguyễn Huệ tiếp tục cho quân đuổi theo Nguyễn Ánh, vì anh biết rằng mình đã phí phạm thời gian cho kế hoạch kim thiền thoát xác của bọn họ.

Sau khi một kiếm đâm thẳng vào người Lê Phước Điển, Linh Lan nhanh chóng định thần lại, nó hết nhìn Nguyễn Huệ, nhìn thanh kiếm đẫm máu trong tay, rồi lại nhìn Lê Phước Điển nằm chết trên sàn thuyền, bờ môi đào mím lại. Nhận thấy đó không phải Nguyễn Ánh mà chỉ là một kẻ thế thân, Linh Lan không giấu được tiếng thở phào nhẹ nhõm trong lòng. Ban nãy ngàn cân treo sợi tóc, nó chỉ thấy một bóng người áo vàng mà không rõ đó là ai, giờ ngẫm lại nếu đó đúng là Nguyễn Ánh thật, thì mũi kiếm này đã lấy mạng của anh ta, kết quả sau này thế nào nó thật không dám nghĩ tới. Thế cũng tốt, không phải Nguyễn Ánh thì nó đỡ phải suy nghĩ nhiều, bởi nội tâm của nó bây giờ không thể lý giải được. Lần đầu tiên nó không mang cảm giác tội lỗi và dằn vặt khi phải tước đi sinh mạng một ai đó, mà trái lại là sự bình tĩnh đến đáng ngạc nhiên. Phải rồi, những lần trước nó luôn mang suy nghĩ ta không giết người thì người giết ta để buộc mình phải nhúng máu một cách khiên cưỡng, nhưng bây giờ, nó đã có lý do chính đáng cho riêng mình, đó là nó muốn bảo vệ một ai đó. Khi nãy, nó muốn bảo vệ Văn Bình, mắt nhìn thấy Nguyễn Huệ bị tấn công, nguy hiểm đến tính mạng, nó buộc phải ra tay. Có lẽ Nguyễn Huệ đã nói đúng, trên chiến trường không thể chỉ dựa vào bản lĩnh cá nhân mà phải biết bảo vệ lẫn nhau để cùng tồn tại. Nếu nó cứ khư khư suy nghĩ về bản thân mình thì nó chẳng thể nào ra tay, thế nhưng một khi vì bảo vệ một ai đó, vì một ai đó mà không ngại dấn thân, vì một ai đó mà không ngại hy sinh, cảm giác của nó lại không còn khó chịu nữa. Nó vì một ai đó mà không ngại hy sinh thì người khác cũng vì nó mà sẵn sàng dấn thân, như thế, nó không còn dằn vặt bởi câu hỏi vì sao mình phải giết người nữa, bởi vì nó phải bảo vệ những người mà nó yêu quý, quan tâm.

Nhìn cái xác đẫm máu của Lê Phước Điển, quân Tây Sơn vô cùng tức giận, họ quây lấy Lê Phước Điển, mỗi người một mũi thương, khiến toàn thân hắn thủng lỗ chỗ, máu chảy lênh láng trên sàn thuyền.Thấy Tây Sơn mỗi người đâm một mũi lên người Lê Phước Điển quá tàn bạo, Linh Lan cau mày lên tiếng ngăn cản. Sự can thiệp của nó cùng với lời nhắc nhở của Phan Văn Lân khiến binh sĩ dừng tay, rồi nhanh chóng tản ra. Trong khi Linh Lan đứng nhìn Lê Phước Điển chăm chăm thì Nguyễn Huệ đã hạ lệnh cho binh lính ngay lập tức lên thuyền, tiếp tục truy đuổi Nguyễn Ánh cho đến khi nào bắt được mới thôi. Nhận được lệnh đó, Trương Văn Đa e ngại, ông nhìn lên bầu trời rồi nói nhanh.

- Tướng quân, trên trời mây đen kéo đến dày đặc, sóng biển đang vỗ mạnh, cứ đà này không khéo sẽ xảy ra bão. Vả lại Thái Đức hoàng đế đã lệnh cho người phải mang quân về ngay lập tức, chúng ta không nên…

- Không được, cứ tiếp tục truy đuổi Nguyễn Ánh cho ta. Hắn thoát khỏi tầm mắt của chúng ta, chắc chắn do đã dùng thuyển nhỏ. Trong lúc biển động, đang chuẩn bị có bão, hắn không thể, cũng không dám mạo hiểm đi tiếp mà phải lánh tạm vào đâu đó để qua cơn bão này. Trong các đảo rải rác quanh đây chỉ có đảo Cổ Long là có khả năng nhất, vì nơi ấy vừa gần, vừa nằm khuất, được các đảo lớn khác che chắn, đó là nơi trú ẩn tốt nhất. Theo lệnh ta, mau cho quân tiến đến đảo Cổ Long.

- Nhưng thưa tướng quân…

- Làm đi!

Nhận được chiếu chỉ phải rút quân về của Thái Đức hoàng đế không chỉ một lần, Trương Văn Đa rất lo lắng. Thời tiết lúc này lại đang thất thường, gió to, sóng lớn, việc di chuyển rất khó khăn, hải lộ  phía trước lại không quen thuộc, nếu cứ mạo hiểm tiến lên e có chuyện không hay xảy ra. Nghĩ như thế, Trương Văn Đa cố ra sức ngăn cản Nguyễn Huệ tiếp tục truy đuổi Nguyễn Ánh để tránh thương vong, ông sững người lại khi anh gắt lên, ánh mắt lấp lánh lửa giận xoáy xâu vào ông khiến ông sợ hãi, vội cho lính giong buồm tiến thẳng về đảo Cổ Long.

Không màng đến sự lúng túng bất phục của Trương Văn Đa, Nguyễn Huệ nhìn về phía trước, nơi vùng biển mịt mờ đang dâng trào con sóng. Con thuyền tròng trành, ngả nghiêng theo nhịp đẩy của gió, chiếc buồm căn phồng, bay phần phật như muốn rách bung, những thay đổi dó khiến đôi mày kiếm của anh càng dính sát vào nhau vì lo lắng. Hơn ai hết, ngay từ lúc bắt đầu truy đuổi, anh đã biết sẽ có bão, biết nhưng lại tiếp tục cho thuyền tiến lên là bởi anh không chấp nhận công lao suốt mấy tháng qua của mình và tất cả mọi người bị trôi sông đổ biển. Anh đã dày công suy tính, mọi người dày công tập luyện, tất cả chỉ chờ đợi vào giây phút này, anh không cho phép bất cứ ai làm thay đổi kế hoạch ấy, không để bất cứ ai cản trở anh, kể cả khi phải chống lại lệnh của Thái Đức hoàng đế, anh trai của anh. Chút xíu nữa thôi, chỉ một chút xíu nữa thôi. Ván cờ này, anh đã đặt cược tất cả những gì mình có, anh sẽ không chấp nhận lùi bước một khi còn chưa hạ được Nguyễn Ánh.

Mặc cho những cơn giông đầu tiên kéo tới, lá cờ đào của Tây Sơn vẫn phấp phới trong gió. Con thuyền nghiêng ngả, chao đảo theo những nhịp sóng dồn, gió càng ngày càng mạnh, bầu trời bây giờ đã trở thành một tấm màn đen thăm thẳm. Bất chợt, một giọt mưa to mòng mọng rơi đánh bộp trên tay Nguyễn Huệ, liền sau đó, một giọt, hai giọt, rồi cả một trận mưa to thi nhau trút xuống con thuyền như chiếc xô dốc ngược đổ hết nước ra ngoài.

Con thuyền đang gắng sức trườn về phía trước bỗng nhiên bị khựng lại như có bàn tay vô hình nào níu lấy. Binh lính Tây Sơn kinh hãi trước cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên. Mặt biển âm u gào thét, từng con sóng dâng cao, vươn cánh tay nước choàng lên con thuyền khiến mọi người đều ướt sũng. Những hạt mưa nặng nề thi nhau giáng xuống như hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Cột buồm kêu răng rắc, con thuyền giờ đây như khối bột nhào nặn dười bàn tay của người làm bánh, hết quay qua bên này, rồi nghiêng qua bên nọ, khiến binh lính trên thuyền lớp va đập vào nhau, lớp ngã lăn lông lốc trên sàn, có người còn rơi xuống và mất dạng trong lòng biển cả. Màn đêm mênh mông buông xuống, nước mưa, nước biển hòa vào nhau trắng xóa, giận dữ, khiến đoàn thuyền chật vật, chống trả yếu ớt giữa biển khơi.

Đứng đầu mũi thuyền, Nguyễn Huệ vịnh tay vào mạn thuyền, từng mạch gân trên mu bàn tay hiện rõ khi anh đang giữ không để mình ngả nghiêng theo mặt biển đang gầm thét. Hiện ra lờ mờ trong gió mưa là bóng dáng của đảo Cổ Long cùng những chiếc thuyền con đang chập chờn trên biển khơi. Nguyễn Ánh cùng đám tàn quân của hắn đang trú ẩn trên đó, anh biết và đã tìm tới, thế nhưng giữa khoảng cánh tưởng gần ấy lại hóa ra quá xa xôi trong cơn bão đang mặc sức hoành hành, khiến con thuyền không cách nào tiến tới được khi bị gió mưa vây trập trùng.

- Tướng quân, bão quá lớn, đã có thuyền bị đắm rồi. Chúng ta phải làm sao đây?

Giữa những tiếng thét gầm của sóng biển, tiếng gào của Trương Văn Đa bị nhấn chìm, nghe rất yếu ớt. Nguyễn Huệ đứng thẳng người lên, đôi mắt đen thẳm nhìn đăm đăm về phía trước, nơi hòn đảo Cổ Long nhập nhòa như trêu đùa. Tiếng binh lính sợ hãi, tiếng gió thét gào, tiếng sóng biển ào ào như đánh trận, cả con thuyền rung chuyển, oằn mình dưới gió mưa. Cảnh vật nhạt nhòa trong mắt Nguyễn Huệ, giông tố trên biển và bão tung hoành trong đôi mắt anh.

- Mau… rút quân!!

Khoảnh khắc yên lặng tưởng như hàng thế kỷ đã trôi qua, sau khi cân nhắc thiệt hơn, gạt bỏ tư tưởng đấu tranh dữ dội, Nguyễn Huệ mới thốt thành lời. Như chỉ chờ có thế, con thuyền tròng trành giây lát rồi lục đục chuyển hướng một cách khó khăn. Tưởng chừng có thể quét sạch quân Nguyễn, kết thúc chuỗi ngày ăn gió nằm sương ở Gia Định, ngờ đâu kết quả ngay trước mắt mà không thể với lấy, chuyến rút quân ngoài ý muốn lần này thật khiến anh không cam lòng.

Ở Quy Nhơn xa xôi, Nguyễn Lữ đã tấu trình lên Nguyễn Nhạc, khiến ông sốt ruột lệnh cho anh cấp tốc rút quân về. Hết lần này đến lần khác kháng lệnh, trở về đợt này, Nguyễn Huệ biết mình sẽ bị trừng phạt, nhẹ thì khiển trách, nặng thì tước bỏ binh quyền, và điều chắc chắn là anh sẽ khó có dịp trở lại Gia Định một lần nữa. Nguyễn Ánh lại tiếp tục thoát thân, mầm mống đại họa không thể tiễu trừ thì sau này sẽ đâm chồi và bám rễ sâu trong lòng đất, đến lúc đó có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, cũng không thể tiêu diệt tận gốc như lần này. Càng nghĩ, Nguyễn Huệ càng tức giận, công lao suốt mấy tháng qua của mọi người đã tan thành mây khói, anh đã suy tính chu đáo, lao tâm khổ tứ để vạch ra kế hoạch chắc chắn, đánh cược mọi thứ mình có vào ván cờ lần này, ấy vậy mà phút cuối cùng lại thua, thua bởi ông trời.

Thua bởi ông trời

Nguyễn Huệ ngẩng mặt nhìn bầu trời xám xịt, anh gầm lên một tiếng, thu tay lại thành nắm đấm rồi đấm thật mạnh vào cột buồm, khiến bàn tay anh bật máu. Nước mưa vẫn tuôn xối xả, chảy dài trên gương mặt bi phẫn của anh, hòa vào dòng máu trên tay, nhỏ giọt xuống sàn thuyền. Là cờ đào rũ nước gắn trên cao lắc lư, rơi đánh bộp xuống đất. Chứng kiến tướng quân nổi giận, tất cả binh lính trên thuyền đều xanh mặt, không dám hó hé một tiếng, ai nấy lo lắng nhìn nhau vì lần đầu tiên nhìn thấy tướng quân của họ giận dữ đến như thế.

Đứng ôm chặt cột thuyền để không bị va đập khi sóng nhồi, Linh Lan đã chứng kiến tất cả. Nó nhìn Nguyễn Huệ đứng trong màn mưa, gió bão hoành hành trên đầu, chiếc áo bào đỏ ướt sũng nước, bị gió thổi tung như cánh bướm lạc lõng trong giông tố, lòng nó trỗi lên một cảm giác lạ thường. Tây Sơn đã có thể bắt được Nguyễn Ánh nếu như không có cơn bão đột ngột này, nếu Nguyễn Huệ thật sự muốn phá hoại tất cả những gì đã có của Văn Bình, tại sao nét mặt anh ta lúc này lại giận dữ, phẫn uất, bi thương đến thế, tại sao lại không cam lòng khi cuộc vây bắt bị thất bại, mọi thứ tưởng chừng đang có lại hóa không.

Linh Lan cắn môi tự hỏi, càng suy nghĩ nó lại càng thấy lạ. Nguyễn Huệ chắc chắn đang che giấu một điều gì đó, hành động và lời nói của anh ta hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược nhau, khiến nó lại càng nung nấu quyết tâm tìm hiểu xem giữa Văn Bình và Nguyễn Huệ đã xảy ra chuyện gì. Nhìn lá cờ đào nằm quắt queo trên sàn thuyền, mặc cho mưa gió táp vào, Linh Lan cau mày. Nó cẩn thận lần theo mạn thuyền để tránh bị sóng biển làm chao đảo, rồi tiến về phía Nguyễn Huệ. Không nói không rằng, Linh Lan nhặt lá cờ lên, ôm vào lòng, tay vuốt cho sạch nước, rồi nói nhẹ nhàng.

- Dù anh có giận thế nào thì lá cờ của Tây Sơn tuyệt đối không thể nằm dưới đất được.

Không để ý đến những lời Linh Lan nói, Nguyễn Huệ vẫn nhìn đăm đăm ra ngoài biển khơi mịt mù, nét mặt mang những nét cảm xúc phức tạp của anh cùng với vết thương trên mu bàn tay vẫn không ngừng chảy máu khiến Linh Lan bất nhẫn. Rút trong người ra một chiếc khăn, Linh Lan chộp lấy tay của Nguyễn Huệ. Giữ chặt tay anh lại khi anh hất ra, Linh Lan vừa băng bó, vừa nói nhanh.

- Yên nào, không được ngọ nguậy. Bàn tay này dùng để cầm đao kiếm, rất quan trọng, nếu bị thương thì sẽ không hay đâu.

Khi Nguyễn Huệ chưa kịp nói gì, thì Linh Lan đã băng bó xong, nó nhìn anh, mỉm cười rồi quay về chỗ của mình, nhường lại cho Nguyễn Huệ không gian riêng tư. Còn lại một mình đứng ở đầu thuyền, Nguyễn Huệ ngẩng nhìn trời cao, để mặc cho những giọt mưa nặng hạt rơi trên gương mặt. Mưa vẫn chưa dứt, mây đen trên bầu trời vẫn vần vũ không thôi, mặt biển cuộn sóng bạc, gió vẫn than khóc cho những xác tàu, xác người đã nằm lại trong lòng biển khơi. Trên thuyền, chiếc áo bào đỏ vẫn bay phần phật, sắc thắm trong tiết trời xám xịt, mịt mù của trời đất, ánh lên như một ngọn lửa dẫn đường. Vững chãi và bất diệt.

Bão đến, rồi bão cũng sẽ tan, nhưng bão trong lòng người, biết khi nào mới thôi gào thét.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #suong#đồ