Sưởng Đỏ 116

116.

Đứng trong căn phòng không có ánh đèn, Phan Văn Lân có hơi bối rối. Sáng nay, khi nhận được tin quan trọng đến từ Quy Nhơn, anh đã lập tức đến diện kiến tướng quân, thế nhưng bây giờ anh lại đứng gãi tai bối rối vì không biết phải mở lời thế nào. Đương còn lúng túng, Phan Văn Lân chợt thấy căn phòng tối tăm dần bừng sáng, ánh đèn dầu đã được thắp từ bao giờ. Ngồi trước mặt anh là tướng quân, thứ ánh sáng lập lòe từ ngọn đèn dầu soi rõ một nửa gương mặt kiên nghị của vị đại tướng, nửa còn lại chìm trong bóng tối, thần bí, xa lạ. Đôi mắt sáng như sao xuyên qua bóng đêm, nhìn thẳng về phía Phan Văn Lân, khiến anh cảm thấy căn phòng như không đủ không khí để cho anh thở, nhưng lại không dám để lộ điều đó ra ngoài.

- Bẩm tướng quân, thuộc tướng nhận được tin Thái Đức hoàng đế đã cho người triệu Tiết chế và người rút đại quân trở về. Sau khi nhận được thư, Tiết chế đã tức tốc hồi đáp lại, có lẽ sáng nay thư hồi đáp đã được gửi về Quy Nhơn rồi.

Không thể giữ yên lặng quá lâu, Phan Văn Lân liền bẩm báo lại những chuyện cần thiết. Sau khi anh đã dứt lời, Nguyễn Huệ vẫn không lên tiếng, chỉ có những ngón tay nhịp trên mặt bàn, như đang đuổi theo một ý nghĩ nào đó. Những ngón tay ấy chỉ ngừng lại khi nghe thấy tiếng bước chân mạnh mẽ vang lên ngoài hành lang. Một nụ cười lướt qua trên bờ môi, Nguyễn Huệ đánh mắt về phía Phan Văn Lân, nhận được ánh mắt đó, Lân liền cúi đầu, rồi nhanh chóng lui ra bên ngoài.

Vừa bước chân ra khỏi thư phòng, Phan Văn Lân đã nhìn thấy gương mặt chữ điền đăm chiêu của Nguyễn Lữ, anh vòng tay chào, sau đó quay người đi khi Nguyễn Lữ gật đầu. Nhìn theo bóng dáng Phan Văn Lân xa dần, đôi mày rậm của Nguyễn Lữ nhíu lại, ông đẩy cửa bước vào phòng, rồi tằng hắng một tiếng khi thấy Nguyễn Huệ đang ngồi quay lưng về phía mình. Lúc nào cũng thế, cứ bước chân vào thư phòng của Nguyễn Huệ, ông lại thấy em trai đang ngồi nhìn ra ngoài. Với ông, bên ngoài chỉ có khoảnh vườn nhỏ với vài luống rau, cảnh vật đơn điệu, nhàm chán, chẳng hiểu có gì đặc biệt để em ông nhìn suốt ngày như thế. Những lúc ấy, ông luôn thắc mắc trong lòng Nguyễn Huệ đang nghĩ gì, để rồi khi quay lại, gương mặt kiên nghị ấy chẳng biểu lộ chút sắc thái nào, ngoại trừ cái nhìn hờ hững, dửng dưng. Ánh nhìn ấy khiến ông cảm thấy xa lạ, và tự hỏi người này có phải là đứa em trai quen thuộc của ông hay không?

- Anh đã hồi đáp thế nào với Thái Đức hoàng đế?

Phải mất một lúc, Nguyễn Lữ mới hiểu ra Nguyễn Huệ đang nói về bức thư anh trai đã gởi cho hai anh em ông. Xem ra Nguyễn Huệ biết cả rồi, chỉ ngồi đây nhưng đúng là không có động tĩnh nhỏ nào có thể qua mắt nó. Dẫu vậy, cách nói chuyện không đầu, không đuôi mà cứ đi thằng vào vấn đề chính, cứ như chỉ muốn biết kết quả rõ ràng mà không cần biết quá trình bắt đầu ra sao, khiến Nguyễn Lữ hơi bực. Dù sao ông cũng là anh trai nhưng dường như lại chẳng nhận được chút tôn trọng tối thiểu nào. Đặt mạnh lá thư xuống bàn, Nguyễn Lữ nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Huệ, nhấn mạnh từng tiếng.

- Đây là lá thư ta phúc đáp cho Thái Đức hoàng đế, vẫn chưa gửi đi, chú tự mà xem.

Nhìn lá thư thư nằm trên bàn, Nguyễn Huệ mỉm cười, anh vuốt nhẹ lá thư cho phẳng phiu rồi lướt mắt lên những con chữ đen thẫm. Chợt anh lên tiếng hỏi, nhưng mắt vẫn nhìn những dòng chữ không rời, gương mặt tuyệt nhiên không có chút biểu cảm khác lạ nào.

- “Để Nguyễn Ánh thoát, khiến hoàng thượng phải thất vọng, đó là lỗi của chúng thần”, như vậy là sao?

- Chú còn hỏi ta? Tung quân vào Gia Định lần này, chẳng phải chú đã mạnh miệng tuyên bố với hoàng thượng sẽ nhổ cỏ tận gốc quân Nguyễn sao, thế nhưng kết quả là Nguyễn Ánh vẫn chạy thoát. Mấy tháng đóng quân ở Gia Định vẫn chưa bắt được hắn, hoàng thượng đã viết thư khiển trách chúng ta về điều này, để hoàng thượng phải thất vọng, để Nguyễn Ánh chạy thoát, đó chẳng phải là chúng ta có lỗi hay sao?

Nguyễn Lữ nói một hơi không ngừng nghỉ, ông nhấn mạnh ở câu cuối, cốt để cho Nguyễn Huệ thấy tầm quan trọng của sự việc như thế nào. Trước lời ông nói, Nguyễn Huệ chỉ nhếch môi, tưởng rằng đang cười nhưng hóa ra lại không.

- Sự việc chưa đến hồi kết, ai thắng ai thua vẫn chưa biết, chúng ta không có lỗi tại sao phải nhận! Còn nữa, câu “chúng thần sẽ nhanh chóng trở về Quy Nhơn ngay” là thế nào?

Trước những lời bình thản của Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cau mày, ông sẵn giọng.

- Chuyện đã đến nước này mà chú còn cho đó không phải lỗi của mình ư? Mấy tháng ròng ở Gia Định, tung tích của Nguyễn Ánh ở đâu cũng không thu thập được, tàn quân của hắn lẩn khuất khắp nơi, chúng ta chỉ dậm chân tại chỗ chứ không thu được thành quả nào. Ai thắng ai thua vẫn chưa biết, thế ta hỏi chú khi nào mới biết. Hoàng thượng đã rất nóng lòng, người không hài lòng với tình hình hiện tại nên đã triệu chúng ta về Quy Nhơn gấp. Hơn nữa, trong trận Đồng Tuyên, theo binh sĩ báo cáo lại thì quân Nguyễn Ánh thiệt hại rất nặng nề, hầu hết dũng tướng của hắn đã bị chúng ta bắt hoặc giết, hắn bây giờ như ngọn đèn trước gió, không nhất thiết phải là chúng ta ra tay. Chuyện ở Gia Định hãy để lại cho Trương Văn Đa cùng một số tướng sĩ trấn giữ, còn chúng ta về Quy Nhơn thôi.

Nguyễn Lữ nói một hơi, mang hết những lí lẽ mà ông cho là hợp lý nhất ra để thuyết phục Nguyễn Huệ. Trái với sự nôn nóng của ông, Nguyễn Huệ một tay chống cằm, ngồi nghe rất bình thản. Ngay khi ông vừa nói dứt, Nguyễn Huệ như thoáng cười, anh đột ngột ngồi thẳng dậy, xé toạc bức thư trên tay và châm lên ngọn lửa đèn dầu đốt đi.

- Anh muốn về, muốn nhận lỗi thì cứ việc, em ở lại. Lưới đã tung ra thì phải thu về, không thể để phí hoài.

Trước hành động ngang tàng của Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tức đến phát điên. Ông đập tay xuống bàn, cả người chồm về phía trước, giọng nói đầy giận dữ và đe dọa.

- Cái gì? Chú không nghe rõ sao! Là hoàng đế cho triệu chúng ta về, chú là quân thần, không về xem như kháng chỉ. Kháng chỉ sẽ bị chém đầu, bất kể đó là ai!

- Chẳng phải đã nói rõ rồi sao, anh muốn về thì cứ việc, chém đầu em chứ không phải anh. Anh không thích Gia Định, cũng không ưa dân Gia Định nên mới muốn về, hà cớ gì phải lấy Thái Đức hoàng đế ra làm cái cớ. Em sẽ ở lại, đến khi xong việc, không cần ai hối thúc em sẽ tự về.

Nguyễn Huệ nói, giọng trung dung, lại có phần châm biếm khiến nét mặt Nguyễn Lữ sa sầm xuống bởi em ông đã nói đúng những gì ông không muốn thừa nhận hay phải nói ra. Mấy tháng ròng rã ở Gia Định đã làm ông phát chán. Tin tức của Nguyễn Ánh không thấy, suốt ngày hết ra bến tàu xem xét lại đến chấn chỉnh quân đội, thêm những cái nhìn thiếu thiện cảm của dân chúng Gia Định mỗi khi ông ra ngoài khiến ông càng thêm bực bội. Tâm trạng bực bội, chồn chân nhưng lại không thể phát tiết khiến trong người ông căng thẳng khó chịu. Cứ thế, ngày qua ngày, khối u ấy lớn dần trong ông, khiến ông chán nản, cáu gắt, chỉ muốn mau chóng quay trở về Quy Nhơn với những công việc yêu thích xưa kia.

Nguyễn Huệ nói đúng, ông ghét Gia Định, ghét cái nắng như thiêu như đốt, ghét những cơn mưa dai dẳng không dứt, ghét những con đường nhão nhoẹt bùn sình, ghét khí hậu thất thường và những đám muỗi, mòng hoàng hoành trong doanh trại. Sau vụ tàn sát đám Minh Hương năm ngoái, ông biết dân chúng Gia Định không hoan nghênh Tây Sơn. Vụ thảm sát ấy in vào trí óc họ như một tấn thảm kịch kinh hoàng, khiến họ nhìn Tây Sơn bằng đôi mắt e dè, sợ sệt. Họ sợ Tây Sơn không phải vì uy danh hay chiến công của các ông, mà sợ vì lo ngại số phận của mình cũng như đám khách trú Minh Hương nọ, bị tàn sát vô tội vạ mà không cần lý do cũng chẳng có phán xử công khai.

Đôi khi, ông tự nhìn lại bản thân mình, nhìn lại lý tưởng và ước mơ chung của anh em ông khi đứng lên khởi nghĩa. Các ông, đơn thuần muốn dân chúng thoát khỏi ách áp bức, nhưng có khi nào lại vô tình tạo ra một ách áp bức khác, một chế độ cai trị khác chăng. Các ông muốn thiết lập một trật tự mới, một xã hội mới công bằng hơn cho dân chúng, nhưng các ông lại thảm sát người Minh Hương vì lý do trả thù cá nhân, vậy thử hỏi, các ông có khác gì bọn quyền thần áp bức người vô tội như Trương Phúc Loan trong mắt dân chúng đâu.

Nguyễn Lữ càng nghĩ càng hoang mang. Trước đây ông nào có nghĩ thế, nhưng khi đối diện với ánh mắt thiếu thiện cảm của dân chúng, đối diện với bốn bức tường lạnh ngắt, những đêm trằn trọc không ngủ được, ông đã bắt đầu suy nghĩ lại. Từ những chuyện xa xưa khi anh em ông vừa đứng dậy khởi nghĩa, cho đến những chiến thắng vinh quang ngày hôm nay, ông không khỏi cảm thấy hoài nghi cho ước mơ và lý tưởng của mình. Anh trai ông có nghĩ thế hay không, em trai ông có từng do dự hay không? Ông muốn về Quy Nhơn không phải vì cảm thấy có lỗi, ông muốn về Quy Nhơn là để trốn tránh cảm giác bất lực, khó chịu và hoang mang này mà thôi.

- Được rồi! Chú muốn ở lại thì cứ việc, còn ta sẽ quay về. Đến khi hoàng đế trách tội thì chú hãy tự gánh vác, không ai giúp được gì đâu.

Nguyễn Lữ hừ nhạt một tiếng vì sự bướng bỉnh của em trai, nói xong ông liền quay lưng bỏ đi. Tiếng gót giày vang lên lộp cộp trên thềm nhà, tiếng cánh cửa đóng sập lại thật mạnh cũng không khiến Nguyễn Huệ quay lại, anh đang nhìn ra vườn, đôi mắt sao băng dừng lại trên nụ hoa vàng vừa mới nở. Lâu thật lâu, bờ môi kiên nghị của anh lướt nhẹ nụ cười khi tiếng cánh cửa kẽo kẹt vang lên.

- Lân, gọi Linh Lan đến đây, ta có chuyện muốn nói với cô ta.

oOo

Trong thư phòng của Nguyễn Huệ, Linh Lan đã đến được một lúc lâu, ngồi ngắm chán chê mọi thứ trong phòng mà vẫn không thấy Nguyễn Huệ nói năng gì, tựa như chẳng hề để ý đến sự tồn tại của nó. Ban nãy đang gầm đầu học hành, bất đắc dĩ lắm Linh Lan mới phải rời khỏi sách vở khi Phan Văn Lân gọi nó đến gặp Nguyễn Huệ theo lệnh. Cơn giận vì bị Nguyễn Huệ xỏ xiên khi nãy vẫn chưa hết, nay lại gặp mặt anh, lòng nó không vui chút nào. Không muốn bị khép tội kháng lệnh cấp trên, Linh Lan đành miễn cưỡng đến thư phòng Nguyễn Huệ. Nó phải dẹp việc riêng của mình để đến đây gặp anh, vậy mà ngồi chán chê mê mỏi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, do anh còn đang chăm chú xem những bức thư vừa được gởi tới. Cái cảm giác bị coi như không tồn tại, muốn gì gọi đến, cần thì kêu chứ cơ bản không cho nó vào mắt khiến Linh Lan lấy làm khó chịu trong lòng.

- Nè, anh gọi tôi tới có việc gì?

Không thể lãng phí thời gian thêm được nữa, Linh Lan đành phải lên tiếng hỏi. Tới lúc này, Nguyễn Huệ mới hạ những lá thư xuống, ngước lên nhìn nó, mỉm cười.

- Ta có việc muốn giao cho cô.

Nụ cười của Nguyễn Huệ không làm Linh Lan thấy nhẹ nhõm, trái lại càng tăng thêm sự cảnh giác trong nó. Khoanh hai tay lại với nhau, Linh Lan nhướng mày.

- Giao việc cho tôi? Là việc gì?

- Cô hãy đến quân trại của Hòa Nghĩa quân, với tư cách là một người đại diện cho Tây Sơn.

Những tưởng công việc Huệ giao không quan trọng, Linh Lan tròn mắt khi nghe những gì anh vừa nói. Đến quân trại của Hòa Nghĩa quân với tư cách là một người đại diện cho Tây Sơn, có lẽ để đàm phán gì đó. Công việc này thiên về ngoại giao, đúng sở trường của nó, nhưng cũng có rất nhiều người có thể đảm nhiệm công việc này, tại sao Nguyễn Huệ không chọn ai lại chọn nó. Hơn nữa, Hòa Nghĩa quân là gì? Quan hệ trước đây với Tây Sơn là thế nào? Cụ thể thì anh muốn nó đàm phán thỏa thuận những gì? Vai trò công việc đó thế nào? Nếu đó là việc cực kỳ quan trọng, thành công, hẳn nhiên mang đến cho Tây Sơn nhiều lợi ích, nhưng nếu thất bại thì hậu quả gì sẽ xảy ra đây. Thất bại, đó là hai từ Linh Lan không muốn nhắc đến chút nào.

Đang chờ đợi Nguyễn Huệ nói tiếp về công việc cụ thể thế nào, Linh Lan tròn mắt khi trái với sự chờ đợi của nó, anh lại quay về với những bức thư trong tay, cứ như thể là đã xong việc với nó rồi vậy. Đợi thêm một lúc, Linh Lan bực dọc hỏi lại.

- Chỉ thế thôi à?

- Chỉ thế thôi! – Nguyễn Huệ nói mà không hề nhìn nó lấy một lần, mặc kệ Linh Lan đang hết sức hoang mang.

- Đến quân trại của Hòa Nghĩa quân với tư cách là một người đại diện cho Tây Sơn, rồi làm gì nữa? Kêu gọi Hòa Nghĩa quân hợp tác với Tây Sơn, chiêu hàng chúng hay thương lượng đàm phán? Chúng hiện đang ở đâu? Tình hình hiện ra sao? Gồm những ai, tôi không biết gì về chúng cả?

- Nếu không làm được thì ta giao cho người khác.

Trước hàng loạt câu hỏi của Linh Lan, Nguyễn Huệ điềm nhiên trả lời. Anh ngước lên nhìn nó, ánh mắt sáng và nụ cười có chút giễu cợt của anh khiến Linh Lan nhíu mày, nó cảm thấy mình đang bị anh đánh giá thấp, bị coi thường và điều này khiến nó không vui. Dù sao đây cũng là một cơ hội tốt, nó nhất định cố gắng để khiến anh phải thay đổi cách nhìn, phải thừa nhận thực lực của nó. Vuốt nhẹ lọn tóc xõa dài trên bờ vai, Linh Lan nhìn thẳng vào đôi mắt của Nguyễn Huệ, nói chậm rãi, không lớn tiếng, cũng chẳng hạ giọng, mà đủ để cả hai nghe thấy.

- Được! Anh giao thì tôi nhận. Nếu không còn việc gì nữa, tôi xin phép ra ngoài.

Đáp lại lời Linh Lan là nụ cười của Nguyễn Huệ, nó nhẹ nhàng đứng lên rồi khoan thai ra khỏi phòng, tay nhẹ nhàng khép cửa lại. Gọi nó đến để giao việc, nhưng lại tiết lộ rất chung chung về công việc và nó phải làm, đối tượng mà nó phải gặp, anh ta đúng là biết cách làm khó người khác. Nhưng nếu Nguyễn Huệ giao việc càng khó, thì nó càng phải hoàn thành một cách xuất sắc để anh ta hết coi thường. Hiện tại nó chỉ biết vị trí của mình và đối tượng cần tiếp xúc, phải tiến hành công việc thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hiểu biết của nó về đối tượng. Việc đầu tiên mà giờ đây nó cần làm là tìm hiểu kỹ càng về nhóm Hòa Nghĩa quân này, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, thông tin chẳng bao giờ là thừa cả. Nói là nói vậy, nhưng Linh Lan chỉ mới ở trong Tây Sơn một khoảng thời gian không lâu, những chuyện trước đó nó không được tỏ tường. Nếu muốn biết lai lịch xuất thân của Hòa Nghĩa quân, thì nó phải tìm một người lâu năm trong Tây Sơn, là thuộc tướng thân cận của Văn Bình, theo chinh chiến nhiều nơi mới có thể biết được những điều này. Mà đã thế, ứng cử viên hội tụ đủ những yếu tố đó, không ai khác chính là Phan Văn Lân.

Linh Lan mỉm cười hài lòng, chân thẳng tiến ra bãi luyện tập. Giờ này, Văn Lân chắc chắn đang ở ngoài bãi để luyện đao. Quả đúng như suy nghĩ của nó, vừa mới dẫm chân lên những viên sỏi rải dọc lối đi, Linh Lan đã nghe thấy tiếng đao vun vút xé gió. Hình ảnh Phan Văn Lân đang múa những đường đao tuyệt đẹp khiến Linh Lan lại nhớ đến Văn Bình. Trong khi nó đang mướt mồ hôi với những thế võ của Yến Phi quyền thì Văn Bình lại luyện đao, những lúc ấy, nó đều ngồi bệt xuống đất để xem anh luyện tập, sau đó đòi cầm thử đao, để rồi le lưỡi vì thanh đao quá nặng khiến Văn Bình bật cười.

Giờ đây, gương mặt tươi cười của Văn Bình nó không còn nhìn thấy nữa. Sự ấm áp, bình yên không còn khiến Linh Lan cảm thấy trống vắng, một nỗi buồn riêng len lỏi vào trong trái tim nó, khiến nó bần thần. Linh Lan chớp mắt, nó ngẩng nhìn lên bầu trời, sóng mũi cay cay. Đã hứa sẽ cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa anh và Nguyễn Huệ, đã hứa sẽ đưa anh quay trở lại, ấy thế mà lời hứa đó nó vẫn chưa thực hiện được, nó thật có lỗi với anh biết bao. Anh đã luôn quan tâm nó, chăm sóc nó, dịu dàng với nó, vậy mà nó lại để những chuyện hơn thua với Nguyễn Huệ làm xao lãng mục tiêu của mình, nó thật không xứng với những gì văn bình đã giành cho nó, thật không xứng chút nào.

- Linh Lan, cô sao thế?

Đang chìm trong những cảm xúc của riêng mình, Linh Lan chợt tỉnh lại khi giọng nói lo lắng của Phan Văn Lân chợt vang lên. Đưa tay gạt những giọt nước mắt ngân ngấn trên rèm mi, Linh Lan quay người lại, cố lấy giọng tươi tỉnh khi thấy ánh mắt khó hiểu của Phan Văn Lân đang nhìn mình.

- À, không sao, không có gì. Tôi đến đây để hỏi anh chút việc thôi.

- Chuyện gì? – Nhận ra giọng nói của Linh Lan có đôi chút khác lạ, Phan Văn Lân nhíu mày.

- Tướng quân gọi tôi đến để giao việc, đó là công việc liên quan đến Hòa Nghĩa quân, tôi sẽ đến gặp bọn họ với tư cách một người đại diện cho Tây Sơn, nhưng thú thật tôi không biết Hòa Nghĩa quân như thế nào nên mới đến hỏi anh, hy vọng anh biết về họ.

- Hòa Nghĩa quân? Tất nhiên tôi biết!

Linh Lan mừng rỡ khi nghe Phan Văn Lân nói, nếu thế, công việc của nó sẽ không còn khó khăn nữa mà có thể triển khai dễ dàng hơn. Vội kéo tay Lân ngồi xuống mấy tảng đá lô nhô trong vườn, Linh Lan hỏi nhanh, khiến anh còn chưa kịp lau đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán sau buổi luyện đao.

- Nếu anh biết về đám Hòa Nghĩa quân này thì tốt cho tôi quá. Bây giờ anh hãy cho tôi biết lai lịch xuất thân, nơi đóng quân của chúng đi, càng nhiều càng tốt, được thế tôi cám ơn anh nhiều.

Nhìn vẻ mặt nôn nóng chờ đợi của Linh Lan, Phan Văn Lân mỉm cười, anh nói chậm rãi, cốt để Linh Lan có thể tiếp thu kịp thông tin.

- Hòa Nghĩa quân vốn là có nguồn gốc gắn kết với chúng ta. Theo tôi được biết, Hòa Nghĩa quân thành lập vào những năm đầu Tây Sơn khởi nghĩa, được chỉ huy bởi Lý Tài, xuất thân là một thương nhân người Hoa. Sau này, do xích mích với tướng quân và bất đồng mục đích chung, Lý Tài làm phản, mang lực lượng của mình tách khỏi Tây Sơn, về đầu quân cho Nguyễn quân.

Hòa Nghĩa quân là đám khó thuần phục nhất trong quân Nguyễn nhất là từ sau khi Lý Tài chết đi, hành động của chúng càng khó kiểm soát. Để có thêm lực lượng, Nguyễn Ánh đã để chúng ở trong trướng nhưng lại không giao nhiệm vụ quan trọng gì, điều này khiến chúng rất bất mãn. Quan hệ của Hòa Nghĩa lúc này và Nguyễn quân chỉ dựa vào lợi ích nhận được từ hai phía. Theo thám báo Tây Sơn báo lại, sự sa cơ và cuộc sống lưu vong của Nguyễn quân đã không còn mang lại lợi ích cho chúng, nên chúng đã manh nha trở lòng.

Hiện tại, không hiểu là xích mích gì mà Nguyễn Ánh đã cho chém thủ lĩnh Hòa Nghĩa quân là Trần Đình. Hành động này như giọt nước tràn ly, khiến cho đám thuộc hạ của Đình là Trần Hưng và Lâm Phúc tạo phản, thống lĩnh Hòa Nghĩa quân tách ra và chiếm cứ Hà Tiên.

Nếu muốn đến gặp Hòa Nghĩa quân thương lượng, cô phải đến Hà Tiên. Từ Gia Định xuống đó khá xa, đi ngựa mất mấy ngày đường mới đến, chưa kể tình hình ở đó khá loạn, dọc đường còn có các tàn quân của Nguyễn Ánh, thổ phỉ rồi nhiều nguy hiểm khác. Mà đó là còn chưa nói đến bản chất bọn Hòa Nghĩa quân này, chúng rất hiếu sát, cứng đầu và không chịu thuần phục ai ngoài thủ lĩnh của chúng. Cô cũng thấy rồi đó, hết phản lại Tây Sơn rồi phản lại Nguyễn quân, bọn chúng vốn không đáng tin, cô tính sẽ làm gì khi gặp chúng đây? Cẩn thận đấy Linh Lan, nếu cô làm không khéo, Tây Sơn sẽ có thêm kẻ thù, hay tình huống tồi tệ nhất là cô sẽ mất mạng trong tay chúng đấy. Hãy suy nghĩ thật cẩn thận, cô có thể từ chối mà. Tôi không muốn cô chỉ có đi mà không có về đâu.

Phan Văn Lân nói xong, Linh Lan không vội trả lời ngay, nét mặt nó đăm chiêu, mày liễu nhíu lại, dường như đang suy nghĩ, cân nhắc về những gì anh vừa nói. Thời gian chậm chạp trôi qua, bóng chiều tràn xuống khu vườn, phủ lên gương mặt nghiêm nghị của Linh Lan thứ sắc hồng dịu dàng trên đôi má, lâu thật lâu, Linh Lan ngẩng đầu lên, đôi mắt lấp lánh, tỏ rõ quyết tâm, nó mỉm cười.

- Không sao! Tất nhiên là tôi muốn sống sót trở về rồi, thế nên sẽ cẩn thận , đừng lo. Giờ thì tôi biết việc của mình là làm gì rồi, tôi phải về phòng để suy nghĩ xem làm cách nào đây. Cám ơn anh nhiều nhé.

Linh Lan chậm rãi đứng dậy, nó mỉm cười với Phan Văn Lân thêm một lần nữa rồi quay người trở về phòng. Chợt, ánh mắt nó dừng lại ở cuối góc vườn, nơi có bông lau đang phất phơ trước gió. Giữa đám cỏ dại xanh rờn, nổi bật lên bông lau trắng muốt, bông lau vươn cao, đung đưa theo chiều gió, khiến đôi mắt Linh Lan chợt trở nên mông lung khi thoáng nhớ đến cánh đồng lau trắng nhạt nhòa hôm ấy.

Linh Lan yên lặng, nó hướng mắt về hoàng hôn đang phủ lên rừng cây nhạt nhòa một màu đỏ quạnh hiu. Trong khoảnh khắc ấy, đôi mắt nó chợt mênh mông, những sợi tóc mây khẽ cài qua vành môi mềm mại đang hé mở, như muốn nói một điều gì đó mà không thể thốt nên lời. Không được! Đêm nay, nó sẽ phải suy nghĩ rất nhiều thứ, chuẩn bị rất nhiều thứ để tiến hành công việc Nguyễn Huệ giao phó, sao lại còn thời gian nghĩ mông lung như thế. Linh Lan lắc đầu, chân nó lại sải bước, bỏ lại bông lau trắng ngơ ngác đang vươn về phía nó, chờ đợi một điều gì đó mơ hồ…

Tôi xin lỗi…

… Xin lỗi anh, rất nhiều!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #suong#đồ