Chương V

Một năm làm việc tại hãng Francon & Heyer đã mang lại cho Keating một danh hiệu truyền miệng: thái tử không ngai. Dù vẫn chỉ là một nhân viên thiết kế, nhưng anh là sủng thần của triều đại Francon.c Francon đưa anh đi ăn trưa – một vinh dự chưa từng có tiền lệ đối với một nhân viên. Francon gọi anh tham dự các buổi phỏng vấn với khách hàng. Hình như các khách hàng có vẻ thích thấy một chàng trai trẻ ưa nhìn như vậy trong một văn phòng kiến trúc.

Lucius N. Heyer có một thói quen rất khó chịu là hay bất chợt hỏi Francon: "Ông nhận anh chàng mới này khi nào vậy?" và chỉ vào một nhân viên đã làm việc ở đó suốt ba năm. Nhưng Heyer làm mọi người ngạc nhiên vì ông nhớ ra tên của Keating và chào hỏi anh – những khi họ gặp nhau – với một nụ cười thể hiện là Heyer có nhận ra anh. Keating đã có một cuộc nói chuyện dài với ông ta vào một buổi chiều tháng Mười một ảm đạm về đồ gốm cổ. Đó là sở thích của Heyer; ông ta say mê thu thập và sở hữu một bộ sưu tập nổi tiếng. Keating đã thể hiện một kiến thức uyên thâm về chủ đề này mặc dù anh chưa từng biết về đồ gốm cổ cho đến khi anh dành cả buổi tối hôm trước để đọc tài liệu ở thư viện công cộng. Heyer đã rất sung sướng; không ai trong văn phòng quan tâm đến sở thích của ông, và chỉ một số ít chú ý đến sự hiện diện của ông ta. Heyer nhận xét với Francon: "Ông quả là khéo chọn người đấy Guy. Có một chàng trai mà tôi muốn chúng ta giữ bằng được, tên anh là gì nhỉ? – À, Keating."

"Chính thế," Francon mỉm cười trả lời, "Chính thế, chính thế."

Trong phòng thiết kế, Keating tập trung vào Tim Davis. Công việc và các bản vẽ chỉ là những thứ bề ngoài không thể tránh khỏi mà anh buộc phải làm hàng ngày; Tim Davis mới là nội dung và hình hài của nước đi đầu tiên trong sự nghiệp của Keating.

Davis để anh làm hầu hết công việc của mình; ban đầu chỉ là các công việc vào buổi tối, rồi đến một phần các việc hàng ngày; lúc đầu là bí mật rồi sau là công khai. Davis vốn không muốn mọi người biết chuyện. Keating làm cho mọi người biết với vẻ tự tin ngây thơ, ngầm ý rằng anh chỉ là một công cụ, không hơn cái bút chì hay cái thước vuông chữ T của Tim, rằng sự trợ giúp của anh nâng cao tầm quan trọng của Tim hơn là làm suy giảm nó và do đó mà anh không muốn giấu diếm điều này.

Ban đầu, Davis truyền đạt công việc lại cho Keating; về sau người thiết kế chính coi sự bố trí công việc là hiển nhiên và bắt đầu đến gặp thẳng Keating với những yêu cầu lẽ ra được dành cho Davis. Keating luôn ở đó, mỉm cười và nói: "Tôi sẽ làm; đừng làm phiền Tim với những thứ nhỏ nhặt thế này, tôi sẽ giải quyết chúng." Davis cứ thư giãn và để cho bản thân anh ta bị cuốn theo; anh đốt thuốc liên tục, anh đi dạo thơ thẩn, đôi chân anh vắt lỏng lẻo trên thanh ngang của cái ghế cao, hai mắt nhắm lại, mơ màng về Elaine; thỉnh thoảng anh lại hỏi: "Peter, xong việc chưa?"

Davis đã cưới Elaine vào mùa xuân năm đó. Anh thường xuyên đi làm muộn. Anh đã thì thầm với Keating: "Cậu thường đi với sếp, Peter, thỉnh thoảng hãy nói vài lời tốt đẹp cho tớ nhé? – để họ bỏ qua một vài việc. Lạy Chúa, sao mà tôi lại căm ghét việc đi làm vào lúc này thế nhỉ!" Keating sẽ nói với Francon: "Tôi xin lỗi, ông Francon, bản vẽ cái tầng hầm phụ cho công trình nhà Murray quá chậm; chỉ vì Tim Davis cãi nhau với vợ anh ấy đêm hôm qua; mà ông biết các cặp vợ chồng mới cưới là thế nào rồi đấy, ông hãy thông cảm cho họ." hoặc "Lại là Tim Davis, ông Francon, hãy bỏ qua cho anh ấy, anh ấy không thể đừng được, anh ấy không còn đầu óc nào để tập trung vào công việc nữa!"

Khi Francon nhìn lướt vào bảng lương nhân viên, ông ta thấy rằng nhân viên thiết kế được trả lương cao nhất của ông ta là người ít cần thiết nhất trong văn phòng.

Khi Tim Davis mất việc, không ai trong phòng thiết kế ngạc nhiên, trừ chính Tim Davis. Anh ta không thể hiểu nổi tại sao. Anh ta mím chặt hai môi một cách cay đắng – anh sẽ mãi mãi căm ghét thế giới này. Tim Davis cảm thấy mình không còn người bạn nào trên trái đất, ngoại trừ Peter Keating.

Keating an ủi anh ta, nguyền rủa Francon, nguyền rủa sự bất công của nhân loại, chi sáu đô la tại một cửa hàng bán rượu lậu, mua chuộc cô thư ký của một kiến trúc sư ít tiếng tăm mà anh có quen biết và bố trí một công việc mới cho Tim Davis.

Về sau này, bất kỳ khi nào nghĩ đến Davis, Keating cảm thấy một sự thỏa mãn ngọt ngào; anh đã tác động đến sự nghiệp của một cá thể người, đã ném cá thể đó khỏi con đường này rồi đẩy anh ta vào một con đường khác; một cá thể người – không còn là Tim Davis nữa mà là một hình hài sống với một bộ óc – một bộ óc có ý thức – tại sao anh đã luôn sợ hãi cái thực thể nhận thức bí hiểm đó ở những người khác nhỉ? – anh đã vặn xoắn cái hình hài và bộ óc đó theo ý muốn của anh. Bằng một quyết định thống nhất giữa Francon, Heyer và thiết kế trưởng, bàn làm việc, chức vụ và mức lương của Tim được chuyển giao cho Peter Keating. Nhưng đây chỉ là một phần sự thỏa mãn của anh; còn có một cảm giác khác nữa, ấm áp hơn, ít hiện thực hơn – và nguy hiểm hơn. Anh thường nói một cách tự hào rằng: Tim Davis á? À, phải, tôi đã kiếm cho anh ấy cái việc anh ấy đang làm."

Anh viết thư kể cho mẹ mình về chuyện này. Bà nói với những người bạn: "Petey đúng là một chàng trai không ích kỷ."

Anh chăm chỉ viết thư cho mẹ hàng tuần; những bức thư của anh ngắn và thể hiện sự kính trọng; những bức thư của bà mẹ thì dài dòng, chi tiết và đầy những lời khuyên nhủ mà anh hiếm khi đọc hết.

Thỉnh thoảng anh gặp Catherine Halsey. Anh đã không đến gặp cô vào buổi tối hôm sau như anh đã hứa. Anh đã thức giấc vào buổi sáng đó và nhớ lại những điều anh đã nói với cô và ghét cô vì những điều anh nói. Nhưng một tuần sau anh lại đến gặp cô; cô không gợi lại chuyện cũ và họ không nhắc đến ông chú của cô. Sau đó, cứ một hoặc hai tháng, anh đến gặp cô; anh thấy vui vẻ khi gặp cô nhưng không bao giờ nói với cô về công việc của mình.

Anh thử nói chuyện công việc với Howard Roark; nhưng không thành. Anh ghé thăm Roark hai lần; cáu kỉnh trèo năm tầng lầu để đến chỗ ở của Roark. Anh hào hứng chào hỏi Roark; anh chờ đợi một sự công nhận mà không biết mình cần sự công nhận như thế nào cũng như tại sao nó chỉ có thể đến từ Roark. Anh nói về công việc của mình và hỏi Roark, với sự quan tâm chân thành, về văn phòng của Cameron. Roark lắng nghe, sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi của anh, nhưng từ đôi mắt không đổi của Roark, Keating cảm thấy anh đang gõ vào một cánh cửa thép và họ không hề nói về cùng một thứ. Trước khi chuyến viếng thăm kết thúc, Keating chú ý đến cái cổ áo đã sờn, đôi giày và miếng vá ở đầu gối quần của Roark và anh cảm thấy hài lòng. Anh vừa đi ra vừa cười thầm, nhưng bao giờ cũng về với cảm giác bức bối đến khổ sở; anh băn khoăn không hiểu tại sao và thề là sẽ không bao giờ gặp lại Roark nữa; để rồi sau đó lại băn khoăn không biết tại sao anh biết chắc rằng mình sẽ lại đến gặp Roark.

*

* *

"À," Keating nói, "cháu không thể mời bà ấy ăn trưa nhưng bà ấy sẽ đến triển lãm của Mawson cùng với cháu vào ngày kia. Giờ thì sao?"

Anh ngồi trên sàn nhà, đầu dựa vào cạnh cái đi-văng, bàn chân trần duỗi thẳng, hai ống quần pyjama màu lục nhạt của Guy Francon rộng thùng thình quanh chân anh.

Qua cánh cửa phòng tắm đang mở, anh nhìn thấy Francon đứng cạnh bồn rửa mặt, áp bụng vào cái cạnh bóng láng của nó để đánh răng.

"Tuyệt vời," Francon nói lúng búng vì mồm đầy kem đánh răng. "Làm thế cũng được. Cậu thấy không?"

"Cháu không."

"Lạy Chúa, Peter, tôi đã giải thích điều này với cậu ngày hôm qua trước khi chúng ta bắt đầu. Chồng cô Dunlop định xây một ngôi nhà cho cô ấy."

"À, vâng." Keating nói một cách yếu ớt và vén những lọn tóc quăn màu đen khỏi mặt.

"À, phải... giờ thì cháu nhớ rồi... Lạy Chúa, Guy, hình như cháu bị mất trí!..."

Anh mơ hồ nhớ lại bữa tiệc mà Francon đã đưa anh đến vào tối hôm trước; anh nhớ đến món trứng cá đặt trong một tảng băng khoét rỗng, bộ đầm dạ hội ren màu đen và khuôn mặt xinh đẹp của bà Dunlop; nhưng anh không thể nhớ nổi làm sao mà anh lại kết thúc bữa tiệc ở căn hộ của Francon. Anh nhún vai; anh đã tham dự nhiều bữa tiệc với Francon trong năm vừa qua và thường được đưa về đây như thế này.

"Nó không phải là một ngôi nhà quá lớn," Francon nói và giữ bàn chải trong miệng; cái bàn chải tạo thành một cái bướu trên má ông ta còn cái cán màu xanh lá cây của nó thì thò ở bên ngoài. "Khoảng 50 ngàn – tôi đoán thế. Dù sao, bọn họ cũng chỉ là những con cá nhỏ. Nhưng anh rể của bà Dunlop là nhà Quimby – cậu biết đấy, một nhân vật lớn trong giới bất động sản. Sẽ chẳng hại gì nếu có thể tiếp cận được nhà đó, chẳng hại gì cả. Cậu phải xem cái hợp đồng thiết kế đó dành cho ai nhé, Pete. Tôi có thể tin cậu được không, Pete?"

"Chắn chắn rồi," Keating trả lời, đầu gục xuống. "Bác có thể luôn tin cậy ở cháu mà Guy..."

Anh ngồi yên nhìn những ngón chân trần của mình và nghĩ về Stengel, người thiết kế của Francon. Anh không muốn nghĩ, nhưng đầu óc anh tự động nhảy đến Stengel – điều này thường xuyên xảy ra vì Stengel là nước cờ tiếp theo của anh.

Stengel là người khó kết bạn. Trong hai năm qua, các nỗ lực của Keating đều đổ vỡ khi đối mặt với đôi kính cận lạnh lẽo của Stengel. Mọi người trong phòng thiết kế thì thầm với nhau những gì mà Stengel nghĩ về anh, nhưng ít ai dám nhắc lại, trừ khi theo kiểu trích dẫn trực tiếp lời Stengel; Stengel thì nói toạc ra, mặc dù ông biết những sửa chữa trên bản vẽ của mình – khi chúng được trả về cho ông từ phòng làm việc của Francon – là do tay của Keating. Nhưng Stengel có một điểm yếu: ông ta đã dự định một lúc nào đó sẽ rời khỏi Francon và mở văn phòng riêng của mình. Ông ta đã chọn được một đối tác, một kiến trúc sư trẻ không có tài cán gì nhưng lại được thừa kế một gia tài lớn. Stengel chỉ còn chờ một cơ hội. Keating đã nghĩ rất nhiều về điều này. Anh không thể nghĩ về bất kỳ điều gì khác. Anh lại nghĩ đến điều này khi đang ngồi trên sàn phòng ngủ của Francon.

Hai ngày sau đó, trong lúc hộ tống bà Dunlop đi xem triển lãm tranh của một ông Frederic Mawson nào đó, kế hoạch hành động của anh đã xong xuôi. Anh dẫn bà Dunlop đi xuyên qua đám đông tản mát, các ngón tay thỉnh thoảng lại nắm nhẹ vào khuỷu tay bà và cố tình để bà thấy ánh mắt anh thường xuyên hướng vào khuôn mặt trẻ trung của bà hơn là vào các bức tranh.

"Vâng," anh nói khi bà ngắm nghía một bức tranh vẽ cảnh một bãi thải ô-tô và cố gắng làm cho khuôn mặt mình thể hiện sự ngưỡng mộ cần có; "một kiệt tác. Hãy chú ý đến các màu sắc, thưa bà Dunlop... Người ta nói rằng anh chàng nghệ sĩ Mawson này đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn. Đó là một câu chuyện kinh điển – cố gắng để được công nhận ấy mà. Kinh điển và xúc động. Chuyện này xảy ra trong tất cả các môn nghệ thuật. Bao gồm cả nghề của tôi."

"Thật vậy sao?" bà Dunlop nói, lúc này bà tỏ ra ưa thích kiến trúc hơn.

"Nào, bức này," Keating nói và dừng lại trước bức vẽ mô tả một phụ nữ già xấu xí đang bẻ những ngón chân trần của mình trên hè phố, "đây chính là nghệ thuật như một chứng nhân xã hội. Phải là một người đủ dũng cảm thì mới cảm nhận được nó."

"Đơn giản là nó thật tuyệt vời," bà Dunlop nói.

"À, vâng, sự dũng cảm. Đó là một phẩm chất hiếm hoi... Họ nói rằng khi bà Stuyvesant phát hiện ra Mawson thì anh gần như sắp chết đói trong một căn gác xép. Thật là vinh dự khi có thể giúp đỡ một tài năng trẻ trên con đường phát triển."

"Hẳn phải rất tuyệt vời." bà Dunlop đồng ý.

"Nếu như tôi giàu có," Keating nói với vẻ nuối tiếc, "thì tôi sẽ biến nó thành sở thích của tôi: đó là tổ chức triển lãm cho một họa sĩ mới, tài trợ cho buổi hòa nhạc của một nhạc công piano trẻ, hoặc là để nhà mình được kiến thiết bởi một kiến trúc sư mới vào nghề..."

"Anh biết không, Keating; chồng tôi và tôi đang định xây một ngôi nhà nhỏ ở Long Island đấy."

"Ồ, thật vậy sao? Bà Dunlop, bà mới tuyệt vời làm sao, khi cho tôi biết điều đó. Bà còn quá trẻ, xin bà tha lỗi cho tôi vì nói như vậy. Lẽ nào bà lại không biết bà đang gặp một mối nguy là tôi sẽ quấy rầy bà và cố làm bà quan tâm đến hãng của tôi? Hay là bà thấy an toàn vì đã chọn được một kiến trúc sư rồi?"

"Không, tôi chẳng an toàn chút nào cả," bà Dunlop nói một cách duyên dáng, "và thực ra thì tôi cũng không e ngại lắm về mối nguy đó. Tôi đã nghĩ nhiều đến hãng Francon & Heyer trong một vài ngày qua. Và tôi có nghe nói rằng đây là một hãng rất tốt."

"Thật vậy sao, cảm ơn bà, thưa bà Dunlop."

"Ông Francon là một kiến trúc sư vĩ đại."

"Ồ, vâng."

"Có chuyện gì vậy?"

"Không có gì. Thực ra là không có gì cả."

"Không phải, có chuyện gì vậy?"

"Bà có thật sự muốn tôi nói cho bà biết không?"

"Tất nhiên rồi."

"Thì, bà biết đấy, Guy Francon – đó chỉ là một cái tên. Ông ta sẽ chẳng thực sự làm gì với ngôi nhà của bà cả. Đây là một trong những bí mật nghề nghiệp mà tôi không nên tiết lộ, nhưng tôi không biết cái gì ở bà đã làm tôi muốn nói thật. Tất cả những tòa nhà đẹp nhất trong văn phòng chúng tôi là do ông Stengel thiết kế."

"Ai cơ?"

"Claude Stengel. Bà chẳng bao giờ nghe thấy cái tên này đâu, nhưng rồi bà sẽ biết đến nó khi một người nào đó đủ dũng cảm để phát hiện ra ông ấy. Bà biết không, ông ấy làm tất cả mọi việc, ông ấy mới là thiên tài thực sự, nhưng lại đứng ở hậu trường, còn Francon thì ký tên lên bản thiết kế và nhận mọi công trạng về mình. Ở đâu cũng có những chuyện thế này."

"Nhưng tại sao ông Stengel lại chịu đựng điều này?"

"Ông ấy có thể làm gì đây? Không ai tạo cơ hội cho ông ấy khởi nghiệp. Bà biết đấy hầu hết mọi người đều thế, họ bám chặt vào lối mòn suy nghĩ, họ trả cao gấp ba lần cho cùng một thứ chỉ vì cái thương hiệu. Sự dũng cảm, vâng thưa bà Dunlop, họ thiếu sự dũng cảm. Stengel là một nghệ sĩ vĩ đại, nhưng có quá ít người có khả năng nhận ra điều đó. Ông ấy sẵn sàng để tự đứng ra làm riêng, chỉ cần ông ấy tìm được một người vĩ đại nào đó, giống như bà Stuyvesant, để cho ông ấy một cơ hội."

"Thật vậy sao?" bà Dunlop hỏi. "Thật là thú vị! Nói thêm cho tôi biết xem nào."

Keating kể cho người phụ nữ thêm nhiều nữa. Đến lúc họ kết thúc việc khám phá các tác phẩm của Frederic Mawson, bà Dunlop bắt tay Keating và nói rằng: "Anh thật là một người tốt, rất tốt bụng hơn mức bình thường. Có thật là anh không gặp trở ngại với văn phòng của mình nếu anh bố trí cho tôi gặp Stengel chứ? Tôi thực sự không dám đề nghị điều này và anh thật tốt bụng vì đã không giận tôi. Anh quả là người hào hiệp và cư xử hơn hẳn những người ở cùng vị trí anh trong chuyện này."

Khi Keating đến gặp Stengel với một đề nghị về một bữa ăn trưa, Stengel lắng nghe mà chẳng nói lời nào. Sau đó ông ta hất hàm và cắm cảu:

"Anh được lợi lộc gì từ chuyện này?"

Trước khi Keating kịp trả lời, Stengel đột ngột quay đầu lại.

"À," Stengel nói. "À, tôi hiểu rồi."

Sau đó ông ta cúi người về phía trước, miệng ông ta bĩu ra với vẻ khinh bỉ:

"Được. Tôi sẽ đến dự bữa trưa đó."

Khi Stengel rời hãng Francon & Heyer để mở văn phòng riêng của mình và tiến hành việc xây dựng ngôi nhà của gia đình Dunlop, hợp đồng đầu tiên của ông ta, Guy Francon phang mạnh cái thước kẻ vào cạnh bàn làm việc của mình và gầm lên với Keating:

"Thằng khốn nạn! Đồ táng tận lương tâm! Sau tất cả những gì ta đã làm cho nó mà nó dám...!"

"Bác hy vọng gì chứ?" Keating hỏi trong lúc nằm ườn trên một cái ghế bành thấp trước mặt ông ta. "Đời là thế đấy."

"Nhưng điều tôi không hiểu là làm sao mà cái con chồn hôi hám bé tý đó lại biết được vụ này? Để cướp lấy nó ngay trước mũi chúng ta!"

"À, thực ra cháu chưa bao giờ tin ông ta." Keating nhún vai. "Bản tính con người mà..."

Sự chua chát trong giọng nói của anh rất chân thành. Anh đã không nhận được một chút biết ơn nào từ Stengel. Lời nhận xét lúc ra đi của Stengel đối với anh chỉ là: "Anh khốn nạn hơn tôi tưởng. Chúc may mắn. Một ngày nào đó, anh sẽ là một kiến trúc sư vĩ đại."

Và như thế, Keating đã được nhận vị trí kiến trúc sư trưởng của hãng Francon & Heyer.

Francon ăn mừng dịp này bằng một bữa tiệc nhỏ ở một nhà hàng yên tĩnh và đắt tiền. "Chỉ một vài năm" ông lặp đi lặp lại, "Chỉ một vài năm nữa thôi, cậu sẽ thấy... Peter... Cậu là một chàng trai tốt và tôi thích cậu và tôi sẽ tạo điều kiện cho cậu... Tôi đã tạo điều kiện cho cậu chưa?... Cậu sẽ được đi chỗ này chỗ khác... chỉ một vài năm nữa thôi..."

"Cái cà-vạt của bác bị xoắn kìa, Guy," Keating nói với giọng khô khan, "bác đang làm đổ rượu brandy vào áo vét của bác..."

Đối mặt với nhiệm vụ thiết kế đầu tiên của mình, Keating nghĩ đến Tim Davis, đến Stengel, đến rất nhiều người đã thèm muốn nhiệm vụ này, cố gắng giành giật nó và bị anh đánh bại. Đó là một cảm giác chiến thắng. Đó là sự khẳng định hữu hình về sự vĩ đại của anh. Nhưng rồi anh thấy mình trong văn phòng ốp kính, trước mặt là một tờ giấy trắng – và anh chỉ có một mình. Có cái gì đó cuộn trong cổ họng anh xuống dạ dày, lạnh lẽo và trống rỗng – chính là cái cảm giác cũ về một cái hố rỗng đang rơi. Anh dựa vào bàn, nhắm mắt lại. Chưa bao giờ anh thực sự cảm nhận một cách thực tế như lúc này – rằng đây mới chính là điều người ta mong chờ ở anh: lấp trống một tờ giấy, tạo ra một cái gì đó trên tờ giấy.

Nó chỉ là một biệt thự nhỏ. Nhưng thay vì thấy nó mọc lên trước mặt anh, thì anh thấy nó đang chìm xuống; anh thấy hình dáng của nó như một cái hố sâu trên mặt đất; và như một cái hố sâu trong chính anh; như một sự trống rỗng mà trong lòng nó chỉ có những tiếng kêu gào tuyệt vọng của Davis và Stengel. Francon đã nói với anh về biệt thự này: "Nó phải có sự bề thế, cậu biết đấy, sự bề thế... không được có cái gì lập dị, một ngôi nhà tao nhã... và phải tiêu trong phạm vi ngân sách," – đấy chính là quan điểm của Francon về việc khơi gợi ý tưởng cho kiến trúc sư của mình, rồi để cho anh ta tự suy luận. Trong một cơn ớn lạnh, Keating nghĩ đến cảnh khách hàng cười nhạo vào mặt anh; anh nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy quyền uy của Ellsworth Toohey nhắc nhở anh chú ý đến các cơ hội mở ra cho anh trong nghề thợ ống nước. Anh căm ghét mọi hòn đá trên bề mặt trái đất. Anh căm ghét bản thân mình vì đã chọn nghề kiến trúc sư.

Khi anh bắt đầu vẽ, anh cố không nghĩ đến công việc mà anh đang làm; anh chỉ nghĩ rằng Francon đã từng làm việc này; Stengel, thậm chí cả Heyer và tất cả những người khác đã từng làm; rằng anh cũng có thể làm được nếu như họ từng làm được.

Anh mất nhiều ngày để hoàn thành các bản phác thảo sơ bộ. Anh dành hàng tiếng trong thư viện của Francon & Heyer, để chọn – từ trong các bức ảnh về kiến trúc cổ điển – kiểu dáng bề ngoài cho ngôi nhà đang thiết kế. Anh cảm thấy sự căng thẳng đang tan dần trong đầu mình. Ngôi nhà đó đang mọc lên dưới bàn tay anh – chuẩn mực và đẹp đẽ – bởi vì con người vẫn tôn thờ những bậc thầy kiến trúc trước anh. Anh không phải băn khoăn, sợ hãi, cũng chẳng cần mạo hiểm; mọi thứ đã được làm sẵn cho anh rồi.

Khi các bản vẽ đã sẵn sàng, anh đứng nhìn chúng – hoang mang. Nếu có ai đó nói với anh rằng đây là ngôi nhà đẹp nhất hoặc xấu nhất trên thế giới, thì anh sẽ đồng ý với cả hai. Anh không chắc chắn. Nhưng anh cần phải chắc chắn. Anh nghĩ đến Stanton và nghĩ đến cái mà anh thường dựa vào khi làm các bài tập của mình ở đó. Anh gọi điện đến văn phòng của Cameron và xin gặp Howard Roark.

Anh đến chỗ ở của Roark vào đêm đó và trải ra trước mặt Roark tất cả các bản phác mặt bằng, hình chiếu, phối cảnh tòa nhà đầu tiên của mình. Roark đứng nhìn chúng, cánh tay anh duỗi thẳng, hai bàn tay nắm lấy cạnh bàn và chẳng nói gì một lúc lâu.

Keating bồn chồn chờ đợi; anh cảm thấy sự giận dữ cũng dâng dần lên cùng với sự bực bội – bởi vì anh không thể hiểu nổi tại sao mình lại bồn chồn đến vậy. Khi anh không còn chịu đựng nổi cảm giác này, anh nói:

"Howard, cậu biết đấy, mọi người nói rằng Stengel là người thiết kế giỏi nhất trong thành phố và tôi không nghĩ là anh thực sự sẵn sàng bỏ việc, nhưng tôi đã buộc anh làm vậy và tôi thế chỗ của anh. Tôi đã phải tốn nhiều công để làm được cái trò đó, tôi..."

Anh ngừng lời. Những lời của anh nghe không vui vẻ và tự mãn như khi anh nói với những người khác. Chúng giống như những lời cầu xin.

Roark quay lại và nhìn anh. Đôi mắt Roark không tỏ ra khinh bỉ; chỉ mở to hơn bình thường một chút, chăm chú và ngạc nhiên. Roark không nói gì và quay trở lại với các bản vẽ.

Keating cảm thấy bị lột truồng. Davis, Stengel, Francon chẳng có ý nghĩa gì ở đây. Trước đây, anh luôn luôn dùng người này để chống lại người khác. Nhưng Roark lại không để ý đến con người. Những người khác cho Keating cảm giác về giá trị của bản thân anh. Còn Roark chẳng cho anh cái gì cả. Keating nghĩ anh nên thu vén các bản vẽ của mình và biến khỏi đây. Mối nguy hiểm không phải là Roark. Mối nguy hiểm là việc anh, Keating, vẫn cứ đứng đó.

Roark quay về phía anh.

"Anh có thấy vui khi làm việc theo kiểu này không, Peter?" Roark hỏi.

"Ồ, tôi biết," Keating nói, giọng anh thất thanh, "Tôi biết cậu không đồng ý kiểu làm việc này, nhưng đây là chuyện làm ăn, tôi chỉ muốn biết cậu nghĩ gì về nó – nghĩ một cách thực tế chứ không phải là lý thuyết, không phải..."

"Không, tôi không định nói lý thuyết với anh. Tôi chỉ muốn biết thôi."

"Nếu cậu có thể giúp tôi, Howard, hãy giúp tôi chút ít thôi. Nó là ngôi nhà đầu tiên của tôi và nó rất quan trọng cho công việc của tôi ở hãng. Cậu nghĩ sao? Cậu sẽ giúp tôi chứ, Howard?"

"Thôi được."

Roark ném sang một bên cái bản vẽ mặt tiền trang nhã với những trụ tường có rãnh, các trán tường đứt quãng, các huy hiệu kiểu La Mã trên các cửa sổ và hai con đại bàng biểu tượng của đế chế La Mã ở lối ra vào. Anh nhặt các bản vẽ mặt bằng lên. Anh lấy một tờ giấy can, đặt lên trên bản phác thảo và bắt đầu vẽ. Keating đứng nhìn cái bút chì trong tay Roark. Anh thấy cái phòng đợi hoành tráng ở lối ra vào biến mất, cả các hành lang lắt léo, và các góc tường thiếu ánh sáng; anh nhìn thấy phòng khách mới, rộng mênh mông, mọc lên từ khoảng không mà anh từng nghĩ là quá chật hẹp; một bức tường với các cửa sổ lớn mở ra vườn, một nhà bếp rộng rãi. Anh nhìn một lúc lâu.

"Còn mặt tiền thì sao?" anh hỏi khi Roark bỏ cái bút chì xuống.

"Tôi không thể giúp anh cái đó được. Nếu anh cứ muốn làm mặt tiền theo kiểu Cổ điển, thì ít nhất hãy làm Cổ điển một cách tử tế. Anh không cần tới ba cái trụ tường trong khi một cái là đủ. Và hãy bỏ những con vịt đó khỏi cửa ra vào đi, trông rối mắt lắm."

Lúc ra về, với các bản vẽ kẹp dưới nách, Keating mỉm cười với Roark với vẻ biết ơn; nhưng liền đó, anh đi xuống cầu thang với cảm giác tổn thương và căm giận. Anh làm việc suốt ba ngày để hoàn thành các bản thiết kế mới từ bản vẽ phác của Roark; và để thiết kế một cái cầu thang mới, đơn giản hơn. Anh nộp bản vẽ ngôi nhà của mình cho Francon với cử chỉ đầy tự hào, trông như một sự cung tiến.

"Chà," Francon nói trong lúc xem, "chà, tôi phải thừa nhận... Cậu thật là có óc tưởng tượng, Peter... Thiết kế hơi khác thường, nhưng mà..." Ông ta hắng giọng và nói thêm: "Nó đúng như tôi đã hình dung."

"Tất nhiên rồi," Keating nói. "Cháu đã nghiên cứu các tòa nhà của bác và cố gắng đoán xem bác sẽ làm gì; và nếu thiết kế này đẹp thì chính là vì cháu biết cách nắm bắt các ý tưởng của bác."

Francon mỉm cười. Và Keating chợt nghĩ: Francon không thực sự tin vào điều này và ông ta biết chính Keating cũng không tin; nhưng cả hai đều đồng tình với nhau, ràng buộc chặt hơn với nhau bởi vì họ là những kẻ cùng hội cùng thuyền.

*

* *

Bức thư trên bàn làm việc của Cameron cho biết Ban giám đốc của Công ty Tín thác Chứng khoán lấy làm tiếc rằng, sau khi đã cân nhắc rất thận trọng, họ không thể chấp nhận các bản thiết kế của ông cho việc xây dựng tòa nhà chi nhánh mới của công ty ở Astoria và hợp đồng thiết kế đã được ký với hãng Gould & Pettingill.

Một tờ séc được đính kèm với bức thư để thanh toán cho các bản phác thảo sơ bộ, như đã thỏa thuận; số tiền đó không đủ để trang trải chi phí thực hiện những bản vẽ đó.

Bức thư được để ngỏ trên bàn làm việc. Cameron ngồi trước nó, dựa người về phía sau, không chạm vào bàn, hai tay đặt trên đùi, hai mu bàn tay úp vào nhau, các ngón tay khép chặt. Nó chỉ là một mảnh giấy nhỏ nhưng ông ngồi co người lại và không cử động; như thể lá thư là một vật siêu nhiên, nó giống như chất phóng xạ Radium và nó đang phát ra các tia xạ có thể làm ông bị thương nếu ông cử động và để lộ làn da của mình.

Suốt ba tháng qua, ông đã chờ đợi hợp đồng với Công ty Tín thác Chứng khoán.

Trong hai năm qua, các cơ hội hiếm hoi đã lần lượt ra đi, sau khi thấp thoáng hiện ra trong những lời hứa mơ hồ và biến mất trong những lời từ chối thẳng thừng. Cách đây khá lâu, ông đã buộc phải để một nhân viên thiết kế nghỉ việc. Ông chủ nhà liên tục hỏi tiền thuê, lúc đầu là lịch sự, sau thì khô khan rồi thô lỗ và huỵch toẹt. Nhưng không ai trong văn phòng quan tâm đến điều đó cũng như những khoản nợ lương thường xuyên; bởi vì đã có hợp đồng của Công ty Tín thác chứng khoán rồi. Ông phó chủ tịch, người yêu cầu Cameron nộp bản thiết kế, đã nói rằng: "Tôi biết một số giám đốc sẽ không nhìn đến nó như tôi đâu. Nhưng cứ làm đi, ông Cameron. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này; tôi sẽ tranh đấu cho ông."

Cameron đã nắm lấy cơ hội. Ông và Roark đã làm việc với cường độ khủng khiếp – để hoàn thành các bản vẽ đúng thời hạn, trước thời hạn, trước khi hãng Gould & Pettingill có thể nộp bản vẽ của họ. Pettingill là anh họ của vợ ông chủ tịch Ngân hàng và là một người nổi tiếng am hiểu về các di tích Pompeii; còn ông chủ tịch Ngân hàng lại là người hâm mộ cuồng nhiệt Julius Caesar và một lần, khi ở Rome, ông đã dành một tiếng mười lăm phút đồng hồ để kính cẩn thăm viếng Đại hý trường La Mã.

Cameron và Roark và một bình cà phê đen đã sống ở văn phòng từ bình minh này đến bình minh khác trongnhiều ngày. Cameron đã ép mình phải quên đi những hóa đơn tiền điện mà ông thỉnh thoảng bất giác nghĩ đến. Các bóng điện vẫn thắp trong phòng thiết kế vào lúc sáng sớm khi ông yêu cầu Roark đi mua bánh mì kẹp và Roark thấy bình minh đã lên trên các đường phố khi mà màn đêm vẫn ngự trị trong văn phòng, trong các cửa sổ nhìn ra bức tường gạch cao. Vào ngày cuối cùng, chính Roark đã buộc Cameron phải về nhà sau nửa đêm vì bàn tay của Cameron run rẩy còn đầu gối ông phải liên tục dựa vào cái ghế đẩu cao dùng để ngồi thiết kế thì mới đứng vững được. Ông dựa vào nó một cách chậm chạp, thận trọng và ốm yếu. Roark đưa ông xuống taxi và dưới ánh sáng một ngọn đèn đường, Cameron nhìn thấy khuôn mặt của Roark hõm sâu, đôi mắt cố mở to, đôi môi thì khô ráp. Buổi sáng hôm sau, Cameron bước vào phòng thiết kế và thấy bình cà phê trên sàn nhà, bên cạnh nó là một vũng nước đen và bàn tay của Roark đặt trong vũng nước đó, lòng bàn tay ngửa lên, các ngón tay khép hờ, người Roark nằm dài trên sàn, đầu ngửa ra sau, ngủ say như chết. Trên bàn, Cameron thấy các bản vẽ đã hoàn thành...

Ông ngồi nhìn bức thư trên bàn làm việc của mình. Điều tồi tệ là ông không thể nghĩ đến những đêm đã qua đó, ông không thể nghĩ đến tòa nhà đáng lẽ đã mọc lên ở Astoria và về tòa nhà giờ sẽ thay thế nó; ông chỉ nghĩ đến hóa đơn tiền điện chưa được thanh toán...

Trong hai năm qua, có lúc Cameron đã không có mặt tại văn phòng của mình trong nhiều tuần liền và Roark không thấy ông ở nhà. Anh biết điều gì đang xảy ra nhưng anh chỉ có thể chờ đợi và hy vọng rằng Cameron sẽ trở về an toàn. Rồi Cameron thậm chí mất cả cảm giác xấu hổ về tình trạng của mình; ông khật khưỡng đến văn phòng, không nhận ra một ai, say rượu một cách công khai và khoe khoang điều đó trước những bức tường của tòa nhà duy nhất trên trái đất mà ông tôn trọng.

Roark học cách đối mặt với người cho thuê nhà bằng một câu trả lời nhẹ nhàng, rằng anh không thể trả tiền thuê trong tuần tới; ông chủ nhà sợ anh và không kiên quyết đòi nữa. Bằng cách nào đó, Peter Keating biết được điều này – giống như anh luôn biết mọi thứ mà anh muốn biết. Anh đến căn phòng không có lò sưởi của Roark vào một buổi tối và ngồi xuống mà vẫn mặc nguyên áo khoác. Anh mở ví, lấy ra năm tờ mười đô và đưa cho Roark. "Cậu cần nó, Howard. Tôi biết là cậu cần nó. Đừng phản đối. Cậu có thể trả lại tôi bất kỳ lúc nào." Roark nhìn anh, ngạc nhiên, nhận lấy số tiền và nói: "Đúng vậy, tôi cần nó. Cảm ơn anh, Peter." Sau đó Keating nói: "Cậu đang làm cái quái gì vậy, phí phạm bản thân mình cho ông già Cameron à? Tại sao cậu lại muốn sống như vậy chứ? Dẹp nó đi, Howard, đến chỗ tôi. Tôi chỉ cần nói một tiếng là được. Francon sẽ rất mừng. Chúng tôi sẽ trả cậu mức lương khởi điểm là 60 đô một tuần." Roark lấy tiền khỏi ví của mình và đưa lại cho Keating.

"Ồ, vì Chúa, Howard! Tôi... tôi không có ý xúc phạm cậu."

"Tôi cũng vậy."

"Thôi nào, Howard, hãy cầm tiền đi."

"Tạm biệt anh, Peter."

Roark đang nhớ lại chuyện này khi Cameron bước vào phòng thiết kế, bức thư của Công ty Tín thác Chứng khoán trong tay ông. Ông đưa bức thư cho Roark, chẳng nói gì, quay ra và đi về phòng của mình. Roark đọc lá thư và đi theo ông. Bất kỳ khi nào họ bị mất thêm một hợp đồng, thì Roark biết Cameron muốn gặp anh trong phòng làm việc của mình, không phải để nói về chuyện đó; mà chỉ là để nhìn thấy anh ở đó, để nói về những chuyện khác và để cảm thấy an tâm về sự hiện diện của anh.

Trên bàn làm việc của Cameron, Roark nhìn thấy tờ Ngọn cờ New York.

Nó là tờ báo hàng đầu của tập đoàn Wynand nổi tiếng. Nó là tờ báo mà anh biết là có thể tìm thấy trong bếp, ở cửa hàng cắt tóc, trong một phòng thiết kế hạng ba, dưới tàu điện ngầm, ở bất kỳ chỗ nào, ngoại trừ trong văn phòng của Cameron. Cameron thấy anh nhìn nó và nhăn mặt.

"Tôi mua nó sáng nay trên đường đến đây đấy. Buồn cười, phải không? Tôi không biết là chúng ta sẽ... nhận được bức thư đấy vào hôm nay. Nhưng có vẻ chúng đẹp đôi đấy – tờ báo này và bức thư. Không biết tại sao tôi lại mua nó. Chắc là linh cảm về các biểu tượng liên quan đến nhau. Đọc đi, Howard. Thú vị lắm đấy!"

Roark đọc lướt qua tờ báo. Trang đầu tiên có hình một bà mẹ không hôn thú với đôi môi dày bóng nhẫy đã bắn chết người tình của mình; bức hình mở đầu cho kỳ đầu tiên của cuốn tự truyện và những tin chi tiết về phiên tòa xử bà ta. Các trang tiếp theo đưa tin một cuộc vận động chống lại các công ty dịch vụ công cộng (điện, nước, chất đốt); tử vi hàng ngày; trích đoạn các bài thuyết giáo của nhà thờ; công thức nấu ăn cho các cô dâu trẻ; ảnh các cô gái đẹp; tư vấn cách giữ chồng; thi bé khỏe bé đẹp; một bài thơ tuyên bố rằng rửa bát cao quý hơn soạn nhạc giao hưởng; một bài báo chứng minh rằng một phụ nữ đã sinh một đứa con thì tự động trở thành một vị thánh.

"Đó là câu trả lời cho chúng ta, Howard. Đó là câu trả lời cho cậu và cho tôi. Tờ báo này. Sự tồn tại của nó và việc nó được ưa chuộng. Cậu có thể đấu tranh chống lại điều đó không? Cậu có lời nào để nói cho họ nghe và làm cho họ hiểu không? Lẽ ra họ không cần gửi thư cho chúng ta làm gì. Họ chỉ cần gửi tờ Ngọn cờ của Wynand. Sẽ đơn giản và rõ ràng hơn nhiều. Cậu có biết rằng chỉ một vài năm nữa, cái thằng khốn nạn, vô liêm sỉ Gail Wynand đó sẽ thống trị thế giới này không? Sẽ là một thế giới tuyệt đẹp. Và có lẽ hắn ta đúng."

Cameron mở rộng tờ báo và để nó trong lòng bàn tay mình để ước lượng.

"Cho bọn chúng cái bọn chúng muốn, Howard, và để chúng tôn thờ vì đã liếm gót chân chúng... hay là... hay là... Ôi, đằng nào cũng thế... Chả còn nghĩa lý gì cả, chả nghĩa lý gì hết, thậm chí việc nó chả có ý nghĩa gì cũng chẳng còn quan trọng với tôi..."

Rồi ông nhìn Roark. Ông nói thêm:

"Giá mà tôi có thể cố gắng đến lúc tôi giúp cậu đứng được một mình, Howard..."

"Đừng nói đến chuyện đó."

"Tôi muốn nói đến chuyện đó... Thật buồn cười, Howard, đến mùa xuân tới là cậu làm ở đây được ba năm. Cảm giác là lâu hơn thế nhiều, đúng không? Hừm, tôi đã dạy cậu cái gì chưa nhỉ? Tôi sẽ nói cho cậu biết: Tôi đã dạy cậu rất nhiều và chẳng gì cả. Không ai có thể dạy cậu bất kỳ cái gì – không thể dạy ở phần gốc rễ, nguồn cội của nó. Cái mà cậu đang làm – nó là của cậu, không phải của tôi, tôi chỉ có thể dạy cậu làm nó tốt hơn mà thôi. Tôi có thể đưa cho cậu phương tiện, chứ không phải là mục đích – mục đích là của chính cậu. Cậu sẽ không phải là tín đồ đi chắp vá những thứ nhỏ mọn từ thời tiền vua Giêm I hoặc hậu Cameron. Cậu sẽ trở thành... giá mà tôi có thể sống để thấy điều đó!"

"Bác sẽ sống để thấy điều đó. Và bác biết điều đó, ngay chính lúc này."

Cameron đứng nhìn những bức tường trống không của văn phòng mình, các tập hóa đơn trắng trên bàn làm việc của mình, những vệt nước mưa đen như bồ hóng chầm chậm chạy dọc cửa sổ.

"Tôi không có câu trả lời nào cho chúng, Howard ạ. Tôi sẽ để cậu đối mặt với chúng. Cậu sẽ trả lời chúng. Tất cả bọn chúng – những tờ báo của Wynand, những cái làm cho những tờ báo như thế tồn tại, và cả những cái phía sau chúng. Giao cho cậu việc này là kỳ quặc. Tôi không biết câu trả lời của chúng ta là gì. Tôi chỉ biết rằng có một câu trả lời và rằng cậu đang nắm giữ nó, rằng cậu chính là câu trả lời, Howard, và một ngày nào đó, cậu sẽ tìm được từ ngữ để diễn tả nó."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #suoinguon