Jared Diamond và vận mệnh các xã hội loài người


Jared Mason Diamond (10/9/1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Loài tinh tinh thứ ba; Súng, vi trùng và thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua, v.v... Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học. Ông cũng không phải là một học giả "tháp ngà" khi từng chu du nhiều châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi "tận cùng thế giới" (như đảo Tân Ghi-nê, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.

Từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay, Jared Diamond luôn nung nấu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sau hơn 13.000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới đã trở thành quá khác nhau như ngày nay? Theo Diamond, các nhà viết sử (đơn cử ở phương Tây) đã phạm một lỗi lầm vì họ đã nhìn không đúng khuôn mặt lịch sử của loài người. Cụ thể, họ chỉ chú trọng vào các xã hội tương đối văn minh (ít nhất là có chữ viết) ở Âu Á (Eurasia) và Bắc Phi, và ngay trong dòng sử của lục địa Âu Á, họ lại chỉ tập trung vào phía Tây, ít chú ý đến các quốc gia phía Đông (nổi bật là Trung Quốc, rồi đến cả Nhật Bản và Đông Nam Á). Hơn nữa, phần lớn sử ký hiện nay chỉ nhìn vào khoảng 3.000 năm sau này, dù rằng khoảng thời gian đó chỉ là 0,1% trong chiều dài 5 triệu năm loài người có mặt trên trái đất. Theo Diamond, nhờ những tiến bộ như sinh vật học phân tử, di truyền học, sinh địa lý, khảo cổ học, và ngôn ngữ học đã đến lúc chúng ta có thể giải thích sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước. Và những tác phẩm của ông lần lượt xuất bản qua các năm đã làm sáng tỏ vấn đề đó.

Trong Súng, vi trùng và thép: Định mệnh của các xã hội loài người – tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1997 và giải Phi Beta Kappa về khoa học – Jared Diamond đã đưa ra những minh chứng để giải thích việc tại sao các dân tộc ở một số lục địa đã có thể xâm chiếm, chinh phục hoặc chiếm chỗ những dân tộc đã có mặt từ trước ở các lục địa. Với cuốn sách này, ông đã tạo nên cuộc cách mạng về nghiên cứu lịch sử nhân loại.

Cuối năm 2004, Jared Diamond xuất bản cuốn Sụp đổ: Cách xã hội chọn thất bại hoặc thành công, vẫn với góc tiếp cận của cuốn trước, tức là dựa vào những yếu tố môi trường và cơ cấu xã hội để giải thích lịch sử của xã hội ấy. Tuy nhiên, trong khi cuốn trước tìm cách lí giải sự thống trị của văn minh Tây phương trên phần lớn thế giới, thì trong tác phẩm này, Diamond nghiền ngẫm nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của một số nền văn minh.

Thế giới cho đến ngày hôm qua: Chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống? Là cuốn sách mới nhất được xuất bản của Jared Diamond, tiếp tục phát triển các lý thuyết và nghiên cứu của ông về vận mệnh các xã hội loài người. Cuốn sách cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất, và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại... để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

Nhận thấy tầm vóc và những giá trị to lớn mà bộ sách mang lại, Alpha Books tiến hành tái bản các cuốn Súng, vi trùng và thép; Sụp đổ – từng được Nhà xuất bản Tri thức xuất bản năm 2007 trong "Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới" với sự bảo trợ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh; xuất bản và giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuốn Thế giới cho đến ngày hôm qua. Mong nhận được sự đón nhận và đóng góp ý kiến của bạn đọc!

Công ty Cổ phần Sách Alpha

Tại sao lịch sử thế giới giống như củ hành?

Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một lược sử về tất cả mọi con người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Câu hỏi đã khiến tôi viết ra cuốn sách này là: tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác? Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì, xin thưa, không phải vậy. Như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu hỏi này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc. Cuốn sách này tập trung truy tìm những lý giải tối hậu và đẩy lùi chuỗi nhân quả lịch sử càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Hầu hết những cuốn sách có mục đích điểm lại lịch sử thế giới đều tập trung vào lịch sử các xã hội có chữ viết ở lục địa Âu-Á và Bắc Phi. Các xã hội bản địa ở các vùng khác trên thế giới - châu Phi cận Sahara, châu Mỹ, Đông Nam Á hải đảo, châu Úc, New Guinea và các đảo Thái Bình Dương - chỉ được nhắc sơ qua, chủ yếu là về những gì xảy ra với họ ở giai đoạn rất muộn trong lịch sử, sau khi người châu Âu đã khám phá ra họ và chinh phục họ. Ngay cả với lục địa Âu-Á, hầu hết số trang trong sách được dành cho lịch sử phần phía Tây của Âu-Á hơn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á xích đạo và các xã hội Âu-Á khác. Lịch sử trước thời điểm phát sinh chữ viết vào khoảng 3.000 năm tr.CN cũng chỉ được điểm qua vắn tắt, mặc dù nó chiếm tới 99,9% toàn bộ lịch sử năm triệu năm của loài người.

Những tường trình về lịch sử nhân loại mà diện khảo sát bị bó hẹp như vậy thường gặp ba điều bất lợi. Trước hết, vì những nguyên nhân dễ hiểu, ngày càng có nhiều người quan tâm đến các xã hội khác ngoài các xã hội phía tây lục địa Âu-Á. Nói gì thì nói, chính các xã hội "khác" kia mới bao hàm hầu hết dân số thế giới và đại đa số các nhóm dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ trên thế giới. Một số xã hội trong đó đã trở thành - vài xã hội khác thì đang trở thành - những lực lượng kinh tế và chính trị mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Thứ hai, nhất là đối với những người Thứ hai, nhất là đối với những người đặc biệt quan tâm đến sự hình thành thế giới hiện đại, lịch sử mà chỉ biết tự giới hạn vào những diễn biến từ sau khi chữ viết ra đời thì không thể mang tới sự hiểu biết sâu sắc được. Chẳng phải vì các xã hội trên những châu lục khác nhau đã có thể so sánh với nhau cho đến 3.000 năm tr.CN, khi các xã hội ở phía tây Âu-Á bất ngờ phát minh chữ viết và cũng lần đầu tiên bứt lên dẫn đầu trong các lĩnh vực khác. Thay vì vậy, vào khoảng 3.000 năm tr.CN, đã có những xã hội Âu-Á và Bắc Phi không chỉ manh nha có chữ viết mà còn có cả chính phủ tập trung hóa, các thành thị, sử dụng phổ biến công cụ và vũ khí bằng kim loại, sử dụng động vật thuần hóa để vận chuyển, làm sức kéo và lực cơ giới, làm nghề nông và chăn nuôi để sản xuất lương thực. Ở hầu hết hay tất cả các vùng khác trên các châu lục khác thì tại thời điểm đó không hề có một cái gì trong những thứ kể trên; một số - nhưng không phải là tất cả - những cái đó mãi về sau mới nảy sinh ở một số vùng của châu Mỹ bản địa và châu Phi hạ Sahara, nhưng chỉ trong vòng năm ngàn năm sau, và không một cái nào trong số đó phát sinh ở châu Úc thổ dân. Điều đó ắt đã cảnh báo cho ta rằng, sự thống trị của các xã hội tây Âu-Á trong thế giới hiện đại đã bắt nguồn từ trong quá khứ bất thành văn cách đây trên 3.000 năm (khi nói về sự thống trị của các xã hội phía tây lục địa Âu-Á, ý tôi muốn nói sự thống trị của bản thân các xã hội ở phía tây Âu-Á và các xã hội bắt nguồn từ họ mà ra ở các lục địa khác1).

Thứ ba, nếu viết sử mà chỉ tập trung vào các xã hội tây Âu-Á thì sẽ hoàn toàn bỏ qua câu hỏi lớn hiển nhiên. Câu hỏi ấy là: tại sao chính các xã hội này mới là những xã hội trở nên hùng mạnh và đổi mới một cách bất cân xứng đến như vậy? Để trả lời câu hỏi đó người ta thường viện đến những nguyên nhân trực tiếp nhất, như sự phát sinh chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa trọng thương, sự tìm tòi khoa học, công nghệ, và các vi trùng độc hại đã giết chết hàng triệu người ở các châu lục khác khi họ tiếp xúc với người Âu-Á. Nhưng tại sao tất cả các nhân tố hỗ trợ cho sự chinh phục đó chỉ phát sinh ở Âu-Á mà thôi, còn ở các lục địa khác chúng chỉ phát sinh ở mức độ thấp hơn hoặc hoàn toàn vắng mặt?

Tất cả các nhân tố trên đều chỉ là những nhân tố trực tiếp chứ không phải lời giải thích tối hậu. Tại sao chủ nghĩa tư bản không sinh sôi nảy nở tại Mexico bản địa, chủ nghĩa trọng thương không phát sinh ở châu Phi hạ Sahara, sự tìm tòi khoa học không phát triển ở Trung Quốc, công nghệ tiên tiến không nảy sinh ở Bắc Mỹ bản địa và vi trùng không ra đời ở châu Úc thổ dân? Nếu trả lời bằng cách viện tới các nhân tố văn hóa đặc thù - chẳng hạn như sự tìm tòi khoa học bị Khổng giáo bóp nghẹt ở Trung Hoa nhưng lại được người Hy Lạp hay các truyền thống Do thái-Cơ đốc giáo ở tây Âu-Á khích lệ - chúng ta vẫn sẽ tiếp tục lờ đi việc cần phải có lời giải thích tối hậu: tại sao các truyền thống như Khổng giáo không phát triển ở tây Âu-Á còn đạo đức Do Thái-Cơ đốc giáo không phát triển ở Trung Hoa? Ngoài ra, khi nói vậy, người ta vẫn lờ đi thực tế rằng cho đến khoảng 1.400 năm tr.CN nước Trung Hoa Khổng giáo đã đạt trình độ công nghệ tiên tiến hơn so với vùng tây Âu-Á.

Không thể thấu hiểu được ngay cả bản thân các xã hội tây Âu-Á nếu chỉ tập trung vào đó mà thôi. Những câu hỏi thú vị là những câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giữa những xã hội đó với các xã hội khác. Muốn trả lời các câu hỏi đó, ta cũng cần phải hiểu tất cả các xã hội khác kia nữa; được vậy thì mới có thể đặt các xã hội tây Âu-Á vào một bối cảnh rộng hơn.

Một số độc giả có thể cảm thấy tôi đang đi từ chỗ lịch sử quy ước về phía thái cực ngược lại, bằng cách dành quá ít trang cho vùng tây Âu-Á mà nói quá nhiều về các vùng khác của thế giới. Tôi sẽ trả lời rằng, một số vùng khác kia của thế giới bao hàm rất nhiều thông tin, bởi chúng bao quát rất nhiều xã hội - và đấy là những xã hội rất khác nhau - trong một khu vực địa lý nhỏ hẹp. Với giọng điệu phê phán nhẹ nhàng, người điểm sách này đã viết rằng hình như tôi xem lịch sử thế giới như một củ hành, trong đó lịch sử hiện đại chỉ chiếm phần bề mặt, muốn hiểu lịch sử thì phải bóc dần đến các lớp bên trong. Phải, lịch sử thế giới đúng là một củ hành như vậy! Nhưng bản thân việc bóc dần từng lớp vỏ hành kia mới thật hấp dẫn, đầy thử thách - và có tầm quan trọng lớn lao đối với chúng ta ngày nay, một khi chúng ta muốn thấu hiểu những bài học của quá khứ ngõ hầu nhìn tới tương lai.

Jared Diamond

LỜI NÓI ĐẦU

Câu hỏi của Yali

Tất cả chúng ta đều biết, lịch sử đã diễn ra rất khác nhau đối với từng dân tộc ở những phần khác nhau trên trái đất. Trong vòng 13.000 năm kể từ cuối Kỷ Băng hà sau cùng, một số vùng trên thế giới đã phát triển được thành những xã hội công nghiệp có chữ viết, công cụ bằng kim loại, một số vùng khác chỉ phát triển được những xã hội chăn nuôi không chữ viết, nhiều vùng khác nữa vẫn chỉ là các xã hội săn bắt hái lượm dùng công cụ bằng đá. Những sự bất quân bình lịch sử này đã hắt những cái bóng dài lên thế giới hiện đại, bởi các xã hội có chữ viết và sử dụng công cụ bằng kim loại đã chinh phục hoặc tiêu diệt các xã hội khác. Tuy những khác biệt này vẫn là nhân tố cơ bản nhất của lịch sử thế giới, song nguyên nhân của chúng vẫn chưa rõ ràng và đang gây tranh cãi. Câu hỏi hóc búa về nguồn gốc của những khác biệt đó đã đặt ra trước mắt tôi từ 25 năm trước, trong một dạng đơn giản và mang tính cá nhân.

Vào tháng 7 năm 1972, có lần tôi đi bộ dọc bờ biển trên hòn đảo xích đạo New Guinea nơi tôi đang nghiên cứu sự tiến hóa của chim với tư cách nhà sinh vật học. Tôi từng nghe nói về một chính trị gia nổi tiếng người địa phương tên là Yali, lúc đó ông này đang đi kinh lý trong vùng. Hôm đó tình cờ Yali và tôi lại đi cùng một hướng, và ông ta bắt kịp tôi. Chúng tôi đi bên nhau trong khoảng một tiếng đồng hồ và nói chuyện suốt thời gian đó.

Con người Yali đầy lôi cuốn và nghị lực. Cặp mắt ông ngời sáng đầy mê hoặc. Ông nói năng hết sức tự tin về bản thân mình, nhưng ông cũng đặt nhiều câu hỏi thấu đáo và biết chăm chú lắng nghe. Cuộc đàm đạo của chúng tôi bắt đầu với chủ đề mà lúc đó người New Guinea nào cũng canh cánh trong lòng: nhịp độ nhanh chóng của diễn tiến chính trị. Papua New Guinea, theo cách mà hiện nay người ta gọi dân tộc của Yali, lúc đó còn là lãnh thổ do Australia cai quản theo ủy trị của Liên Hợp Quốc, nhưng chẳng bao lâu nữa ắt sẽ giành được độc lập. Yali giải thích cho tôi về vai trò của ông trong việc giúp người dân địa phương chuẩn bị cho việc tự mình nắm chính quyền.

Sau một hồi, Yali chuyển hướng cuộc trò chuyện và bắt đầu "quay" tôi. Ông ta chưa hề đi đâu ra khỏi New Guinea và chưa hề học quá bậc trung học, nhưng không gì có thể thỏa mãn được nỗi tò mò của ông. Trước hết ông ta muốn biết về công việc nghiên cứu chim của tôi ở New Guinea (kể cả chuyện tôi được trả bao nhiêu tiền). Tôi giải thích cho ông ta rằng có những nhóm chim rất khác nhau đã di cư đến New Guinea trong vòng hàng triệu năm qua. Rồi ông ta hỏi tôi tổ tiên của chính dân tộc ông ta đã đến New Guinea bằng cách nào trong mấy vạn năm trở lại đây, và người châu Âu đã biến New Guinea thành thuộc địa như thế nào trong 200 năm qua.

Cuộc đối thoại vẫn khá thân thiện, mặc dù cả hai chúng tôi chẳng lạ gì về sự căng thẳng giữa hai xã hội mà Yali và tôi là đại diện. Hai thế kỷ trước đây, tất cả người New Guinea hãy còn "sống trong Thời đại Đồ đá". Nghĩa là, họ vẫn dùng những công cụ bằng đá tương tự những gì mà ở châu Âu đã bị thay thế bằng công cụ kim loại từ hàng ngàn năm trước; và họ sống trong những ngôi làng không được quản lý dưới một chính quyền có tính tập trung. Người da trắng đã đến, áp đặt chính quyền tập trung và mang lại những hàng hóa vật chất mà người New Guinea lập tức nhận ra giá trị, từ rìu thép, diêm và thuốc men cho tới quần áo, rượu và ô. Ở New Guinea, tất cả các vật phẩm này được gọi chung là "hàng" (cargo).

Nhiều thực dân da trắng thẳng thừng khinh miệt người New Guinea, coi họ là những kẻ "bán khai". Ngay cả những "ông chủ" da trắng kém cỏi nhất - mãi đến năm 1972 họ vẫn được gọi là "ông chủ" - cũng có mức sống cao hơn nhiều so với người New Guinea, thậm chí cao hơn cả những chính trị gia đầy sức lôi cuốn như Yali. Thế nhưng Yali đã quay rất nhiều người da trắng cũng như đã "quay" tôi khi đó, còn tôi thì đã quay nhiều người New Guinea. Cả ông ta lẫn tôi đều biết rõ rằng người New Guinea trung bình ít nhất cũng thông minh ngang với người châu Âu. Tất cả những điều đó Yali đều có nghĩ tới khi ông ta hỏi tôi với một cái nhìn sáng quắc xuyên thấu nữa: "Thế thì tại sao người da trắng các ông lại chế ra nhiều hàng như vậy rồi đem sang New Guinea, còn người da đen chúng tôi lại có ít hàng của chính mình đến vậy?"

Đó là một câu hỏi đơn giản nhưng chạm đến tâm điểm của đời sống, Yali nhận ra điều đó. Thế nhưng vẫn có một sự khác biệt to lớn giữa lối sống của người New Guinea trung bình với lối sống của người châu Âu hay người Mỹ trung bình. Giữa các dân tộc khác trên thế giới cũng có những khác biệt tương tự về lối sống. Những khác biệt lớn lao đó ắt có những nguyên nhân sâu xa mà người ta có thể cho là hiển nhiên.

Thế nhưng câu hỏi bề ngoài đơn giản của Yali lại không dễ trả lời. Lúc ấy tôi đã không trả lời được. Các sử gia chuyên nghiệp vẫn còn tranh cãi với nhau về lời đáp cho câu hỏi đó, hầu hết thậm chí còn không đặt câu hỏi đó ra nữa kia. Trong nhiều năm kể từ khi Yali và tôi có cuộc đàm đạo kể trên, tôi đã nghiên cứu và viết về các phương diện khác của lịch sử loài người, lịch sử và ngôn ngữ. Cuốn sách này, được viết ra sau đó hai mươi lăm năm, là nỗ lực nhằm trả lời cho Yali.

Mặc dù câu hỏi của Yali chỉ liên quan đến sự tương phản về lối sống giữa người New Guinea với người da trắng châu Âu, song ta có thể mở rộng ra nhiều cặp tương phản khác trong thế giới hiện đại. Các dân tộc có nguồn gốc Âu-Á, nhất là các dân tộc hiện vẫn đang sống ở châu Âu và Đông Á, cộng với những người đã di cư sang Bắc Mỹ, hiện đang thống trị thế giới về của cải và quyền lực. Các dân tộc khác, trong đó có hầu hết người châu Phi, đã dứt bỏ được ách thực dân châu Âu song vẫn còn tụt hậu rất xa về của cải và quyền lực. Lại có những dân tộc khác, chẳng hạn như cư dân bản địa châu Úc, người châu Mỹ bản địa và người cực nam châu Phi, không còn là chủ nhân mảnh đất của mình mà đã bị tàn sát, bị chinh phục, trong một số trường hợp thậm chí còn bị diệt chủng bởi người châu Âu thực dân.

Vậy, ta có thể đặt lại những câu hỏi về sự bất bình đẳng trong thế giới hiện đại như sau: Tại sao của cải và quyền lực chỉ được phân phối như hiện nay chứ không được phân phối theo cách nào khác? Chẳng hạn, tại sao không phải người châu Mỹ bản địa, người châu Phi và người châu Úc bản địa là những kẻ đi tàn sát, chinh phục hay tiêu diệt người châu Âu và người châu Á?

Ta có thể dễ dàng đẩy câu hỏi này lùi lại thêm một bước. Vào năm 1500, khi sự bành trướng thuộc địa của châu Âu chỉ mới khởi đầu, các dân tộc trên những lục địa khác nhau đã khác nhau rất nhiều về công nghệ và tổ chức chính trị. Hầu hết châu Âu, châu Á và Bắc Phi là nơi có những nhà nước hoặc đế quốc vũ trang bằng kim loại, trong số đó vài nước đang trên ngưỡng cửa công nghiệp hóa. Hai dân tộc châu Mỹ bản địa, người Aztec và người Inca, đang cai trị những đế quốc dùng công cụ bằng đá. Một số phần của châu Phi hạ Sahara được phân chia giữa các quốc gia hay tù trưởng quốc nhỏ dùng công cụ bằng sắt. Hầu hết các dân tộc khác - trong đó có tất cả các dân tộc ở châu Úc và New Guinea, nhiều đảo Thái Bình Dương, hầu hết châu Mỹ và nhiều phần nhỏ của châu Phi hạ Sahara - vẫn sống thành những bộ lạc chăn nuôi hay thậm chí như là những bộ lạc săn bắt hái lượm dùng công cụ bằng đá.

Dĩ nhiên, những sự khác biệt về công nghệ và chính trị đó vào khoảng năm 1500 đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bất quân bình của thế giới hiện đại. Các đế quốc có vũ khí bằng thép đã có thể chinh phục hay tiêu diệt các bộ lạc chỉ dùng vũ khí bằng đá và gỗ. Tuy nhiên, làm cách nào thế giới đã đạt tới tình trạng như vậy vào thời điểm năm 1500?

Một lần nữa, chúng ta có thể dễ dàng đẩy lùi câu hỏi này thêm một bước, bằng cách dựa vào lịch sử thành văn và các di chỉ khảo cổ. Cho đến cuối kỷ Băng hà, khoảng 11.000 năm tr.CN, mọi dân tộc trên mọi lục địa đều hãy còn là dân săn bắt hái lượm. Mỗi lục địa phát triển với một tốc độ khác nhau trong khoảng từ 11.000 năm tr.CN đến năm 1500, đó chính là điều đã dẫn đến những bất quân bình về công nghệ và chính trị vào năm 1500. Trong khi người châu Úc bản địa và nhiều dân châu Mỹ bản địa vẫn cứ là dân săn bắt hái lượm, hầu hết người Âu-Á, hầu hết người châu Mỹ và châu Phi hạ Sahara đã dần dần phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, nghề luyện kim và các tổ chức chính trị phức tạp. Nhiều phần của Âu-Á và một khu vực của châu Mỹ cũng đã phát minh ra chữ viết một cách độc lập với nhau. Tuy nhiên, chính tại Âu-Á các phát minh này xuất hiện sớm hơn ở bất cứ nơi nào khác. Chẳng hạn, việc sản xuất đại trà công cụ bằng đồng, vốn chỉ mới khởi đầu ở vùng Andes Nam Mỹ vào các thế kỷ trước năm 1500, đã xuất hiện ở Âu-Á từ trước đó trên 4.000 năm. Công nghệ dùng đá của người Tasmania, khi được các nhà thám hiểm châu Âu phát hiện lần đầu vào năm 1642, còn đơn sơ hơn nhiều so với ở nhiều vùng của châu Âu Sơ kỳ Đồ đá cũ trước đó hàng vạn năm.

Vậy là rốt cuộc ta có thể đặt lại câu hỏi về những sự bất quân bình của thế giới hiện đại như thế này: tại sao sự phát triển của loài người đã diễn ra trên những lục địa khác nhau với những tốc độ khác nhau đến vậy? Những tốc độ phát triển rất khác nhau đó chính là mẫu hình lớn nhất của lịch sử và là chủ đề cuốn sách của tôi.

Tuy cuốn sách này nói cho cùng là về lịch sử và tiền sử, song chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay.

Chẳng hạn, hầu hết châu Phi vẫn đang phải đánh vật với di sản quá khứ thuộc địa của mình. Ở các khu vực khác - gồm hầu hết Trung Mỹ, Mexico, Peru, Tân Caledonia, Liên Xô cũ và nhiều phần của Indonesia - các cuộc nội loạn và chiến tranh du kích đang khiến những người dân bản địa mà dân số vẫn còn khá đông chống lại các chính phủ vốn chủ yếu nằm trong tay hậu duệ của những người chinh phục từ nơi khác đến. Nhiều dân tộc bản địa khác - như người Hawai bản địa, người Australia bản địa, người Siberia bản địa, người châu Mỹ bản địa ở Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Argentina và Chile - đã bị giảm sút nghiêm trọng về dân số do nạn diệt chủng và bệnh tật đến nỗi ngày nay họ chỉ còn một dúm lọt thỏm giữa số đông hậu duệ những kẻ xâm lược. Mặc dù không có khả năng tiến hành chiến tranh du kích do dân số quá ít, họ vẫn đang ngày càng mạnh mẽ đòi quyền lợi của mình.

Ngoài ảnh hưởng lâu dài của các xung đột giữa các dân tộc trong quá khứ đối với tình hình chính trị và kinh tế ngày nay, còn có những ảnh hưởng về ngôn ngữ, đặc biệt là sự biến mất trong ngày một ngày hai của hầu hết trong số 6.000 ngôn ngữ của thế giới hiện đại, do chúng bị thay thế bởi tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Nga và một số ít ngôn ngữ khác mà số người nói đã tăng vọt trong vài thế kỷ gần đây. Mọi vấn nạn đó của thế giới hiện đại đều là hệ quả của những quỹ đạo lịch sử khác nhau hàm chứa trong câu hỏi của Yali.

Trước khi tìm lời đáp cho câu hỏi của Yali, ta nên dừng một chút để xem xét một số ý kiến phản đối bản thân việc thảo luận câu hỏi đó. Đối với một số người, nội việc đặt ra câu hỏi đó thôi cũng đủ khiến họ thấy mình bị xúc phạm, vì một số lý do.

Một ý kiến phản đối như sau: Nếu chúng ta thành công trong việc lý giải làm cách nào một số người này thống trị những người khác, thì liệu điều đó có biện minh cho bản thân việc thống trị không? Liệu có phải nói vậy là hàm ý cái tình trạng thống trị kia là không tránh được và do đó việc đấu tranh hòng thay đổi tình trạng đó ngày nay là vô nghĩa? Ý kiến phản đối này dựa trên một khuynh hướng phổ biến là lẫn lộn giữa việc lý giải nguyên nhân với việc biện minh cho kết quả hoặc chấp nhận kết quả. Sử dụng một cách lý giải lịch sử vào việc gì và bản thân việc lý giải đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hiểu một hệ quả thường là để tìm cách thay đổi hệ quả đó, chứ không phải để lặp lại hoặc kéo dài nó. Chính vì vậy các nhà tâm lý học mới cố thấu hiểu não trạng của những kẻ sát nhân hay kẻ hãm hiếp, chính vì vậy các sử gia chuyên ngành xã hội học mới cố thấu hiểu hành vi diệt chủng, các bác sĩ mới cố thấu hiểu các nguyên nhân bệnh tật ở người. Các nhà khoa học đó không tìm cách biện minh cho hành vi sát nhân, hãm hiếp, diệt chủng và bệnh tật. Họ tìm cách sử dụng hiểu biết của họ về chuỗi nhân quả hầu chặn đứng cái chuỗi đó.

Thứ hai, liệu việc trả lời câu hỏi của Yali có tự động bao hàm một cách tiếp cận lịch sử theo hướng lấy châu Âu làm trung tâm, một sự vinh danh người Tây Âu và nỗi ám ảnh về tầm quan trọng của Tây Âu và châu Mỹ Âu hóa trong thế giới hiện đại hay không? Liệu cái tầm quan trọng đó chỉ là một hiện tượng nhất thời trong vài thế kỷ trước, còn nay thì đã lu mờ sau sự nổi lên của Nhật Bản và Đông Nam Á hay không? Trên thực tế, hầu hết cuốn sách này sẽ đề cập đến các dân tộc khác không phải người châu Âu. Thay vì chỉ tập trung vào những tương tác giữa người châu Âu với người không phải châu Âu, ta cũng sẽ xét những tương tác giữa các dân tộc ngoài châu Âu với nhau - nhất là các tương tác diễn ra trong nội bộ châu Phi hạ Sahara, Đông Nam Á, Indonesiavà New Guinea, giữa các dân tộc bản địa ở các khu vực đó. Còn xa mới là tán dương các dân tộc có nguồn gốc Tây Âu, ta sẽ thấy rằng hầu hết các yếu tố cơ bản trong nền văn minh của họ đã được phát triển bởi các dân tộc khác sống ở những nơi khác, chỉ sau đó mới được du nhập đến Tây Âu.

Thứ ba, liệu những từ như "văn minh" và những cụm từ như "sự trỗi dậy của văn minh" có hàm chứa cái ấn tượng sai lạc rằng văn minh mới là hay ho còn săn bắt hái lượm thì khốn khổ và lịch sử trong suốt 13.000 năm qua là sự tiến bộ dần dần từ chỗ bất hạnh đến chỗ ngày càng hạnh phúc hơn cho con người? Thật tình, tôi không cho rằng các nước công nghiệp là "tốt" hơn các bộ lạc săn bắt hái lượm, hay việc từ bỏ lối sống săn bắt hái lượm để chuyển sang nhà nước dựa trên công cụ bằng sắt là đại diện cho "tiến bộ", hay điều đó đã dẫn đến việc nâng cao hạnh phúc của con người. Ấn tượng riêng của tôi, do đã từng sống ở cả các thành phố Hoa Kỳ lẫn các làng mạc New Guinea, là không phải ai cũng hiểu như nhau cái gọi là những phúc lợi của văn minh. Chẳng hạn, so với những người săn bắt hái lượm, công dân ở các nước công nghiệp hóa được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn, ít có rủi ro bị sát hại và được sống lâu hơn, nhưng lại ít được hưởng sự hỗ trợ xã hội từ tình bạn và gia đình mở rộng. Động cơ để tôi khảo sát những khác biệt địa lý trong các xã hội loài người không phải là để tán dương rằng một loại xã hội nào đó là hay ho hơn, mà chỉ để thấu hiểu điều gì đã xảy ra trong lịch sử.

Liệu câu hỏi của Yali có thực sự cần một cuốn sách khác để trả lời không? Chẳng phải chúng ta chưa biết câu trả lời ư? Nếu có câu trả lời thì nó là gì?

Có lẽ cách lý giải thông thường nhất đều hoặc ngấm ngầm hoặc thẳng thừng quy cho sự khác biệt về sinh học giữa các dân tộc. Trong các thế kỷ sau năm 1500, khi các nhà thám hiểm châu Âu bắt đầu biết đến những khác biệt to lớn về công nghệ và tổ chức chính trị giữa các dân tộc trên thế giới, họ cho rằng những khác biệt đó phát sinh từ những khác biệt về khả năng nội tại. Khi thuyết Darwin xuất hiện, người ta dùng các thuật ngữ về chọn lọc tự nhiên và nguồn gốc tiến hóa để nhào nặn lại cách lý giải này. Các dân tộc sơ khai về công nghệ bị họ coi là dấu vết sự tiến hóa của loài người từ tổ tiên loài vượn. Họ cho rằng việc những dân tộc như vậy bị các nhà thực dân từ các xã hội công nghiệp hóa đến giành đất đai là tiêu biểu cho sự sống sót của loài thích nghi nhất. Khi ngành di truyền học xuất hiện, cách lý giải này được nhào nặn lại thêm lần nữa, lần này dùng thuật ngữ di truyền học. Người châu Âu bắt đầu được coi như vốn dĩ từ trong gen di truyền đã sẵn thông minh hơn người châu Phi, đặc biệt là so với người châu Úc bản địa thì lại càng thông minh hơn.

Ngày nay, một số bộ phận của xã hội phương Tây công khai bác bỏ chủ nghĩa phân chủng. Thế nhưng nhiều (có khi là hầu hết!) người phương Tây, dù với tư cách cá nhân hay trong tiềm thức, vẫn tiếp tục chấp nhận những cách lý giải theo hướng phân biệt chủng tộc. Mỗi khi nhắc đến chủ đề người châu Úc bản địa, ngay cả những người Mỹ, người châu Âu và người Úc da trắng có học thức đều cho rằng trong bản thân người châu Úc đã có cái gì đó sơ khai. Rõ ràng là trông họ khác người da trắng. Nhiều hậu duệ của những người bản địa đã sống sót qua thời kỳ thực dân châu Âu nay cảm thấy khó mà thành đạt về kinh tế trong xã hội của người Úc da trắng.

Một lập luận có vẻ hấp dẫn thì phát biểu như sau: Những người di cư da trắng đến Úc đã xây dựng một nhà nước có học vấn, công nghiệp hóa, tập trung hóa về chính trị và dân chủ dựa trên công cụ kim loại và sản xuất lương thực, tất cả chỉ trong vòng một thế kỷ thực dân hóa một lục địa nơi mà người châu Úc bản địa đã sinh sống bằng cách săn bắt hái lượm và không có công cụ kim loại trong vòng ít nhất 40.000 năm. Đây là hai thử nghiệm liên tiếp nhau trong sự phát triển của loài người mà ở đó môi trường trước sau chỉ là một, biến tố duy nhất là những con người chiếm hữu môi trường đó. Còn phải có bằng chứng nào hơn thế nữa để có thể kết luận rằng những khác biệt giữa xã hội châu Úc bản địa với các xã hội châu Âu phát sinh từ những khác biệt ở bản thân các dân tộc đó?

Lý do để ta phản đối những cách lý giải theo hướng phân biệt chủng tộc này không phải chỉ vì chúng thật đáng tởm mà còn bởi chúng sai. Không có bằng chứng vững chắc nào cho thấy có tồn tại những khác biệt ở trí thông minh của con người song song với những khác biệt về công nghệ. Trên thực tế, như tôi sẽ giải thích sau đây, các dân tộc "Đồ đá Mới" thời hiện đại, xét trên mức trung bình, có lẽ thông minh hơn chứ không phải kém hơn các dân tộc đã công nghiệp hóa. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng ở Chương 15 ta sẽ thấy, các di dân da trắng đến châu Úc không đáng được hưởng cái tiếng thơm mà lâu nay người ta vẫn gán cho là đã xây dựng một xã hội có văn hóa, công nghiệp hóa cùng với các đức tính khác như đã kể ở trên. Ngoài ra, các dân tộc mà chỉ mới gần đây hãy còn sơ khai về công nghệ - như người châu Úc bản địa và người New Guinea - thường nắm rất chắc công nghệ một khi họ đã được trao cơ hội làm điều đó.

Các nhà tâm lý học nhận thức đã có những nỗ lực to lớn hòng tìm kiếm những khác biệt về IQ giữa những người xuất thân từ nhiều vùng địa lý khác nhau nhưng hiện nay sống trong cùng một nước. Đặc biệt, nhiều nhà tâm lý học người Mỹ da trắng suốt nhiều thập kỷ qua đã ra sức chứng minh rằng người Mỹ da đen gốc Phi tự trong di truyền đã kém thông minh hơn người Mỹ da trắng gốc Âu. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, những người được đem ra so sánh vốn dĩ khác nhau rất nhiều về môi trường xã hội và cơ hội học hành. Sự thật này càng gây khó khăn gấp đôi cho những nỗ lực nhằm kiểm chứng cái giả thiết rằng những khác biệt về trí tuệ là nguyên nhân sâu xa cho những khác biệt về công nghệ. Trước hết, ngay cả khả năng nhận thức của người lớn chúng ta đã chịu ảnh hưởng nặng nề của môi trường xã hội nơi ta sinh trưởng thời thơ ấu, khiến cho thật khó lòng phân biệt rạch ròi xem những ảnh hưởng nào là do những khác biệt bẩm sinh trong gen di truyền. Thứ hai, các thử nghiệm về khả năng nhận thức (chẳng hạn như thử nghiệm IQ) có xu hướng đo đếm vốn học vấn và văn hóa chứ không phải trí thông minh bẩm sinh dù trí tuệ đó là thế nào đi chăng nữa. Do những tác động đáng ngờ đó của môi trường sống thời thơ ấu và tri thức thu nhận được đối với kết quả thử nghiệm IQ nên nỗ lực của các nhà tâm lý học cho đến nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận nào đủ thuyết phục về sự thiếu hụt IQ bẩm sinh mà nhiều người cho là hiển nhiên không phải bàn ở những ai không phải người da trắng.

Quan điểm của tôi đối với cuộc tranh cãi này hình thành từ 33 năm làm việc với những người New Guinea trong chính xã hội của họ và đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngay từ những ngày đầu làm việc với người New Guinea, họ đã gây ấn tượng cho tôi rằng họ là những người xét trung bình là thông minh hơn, sáng trí hơn, biết biểu cảm hơn và quan tâm nhiều hơn đến những người và vật quanh mình so với người Âu hay người Mỹ trung bình. Ở những công việc mà người ta có thể giả định một cách hợp lý là phản ánh những phương diện khác nhau của chức năng não bộ, chẳng hạn như khả năng lập bản đồ trong đầu về những cảnh quan không quen thuộc, họ tỏ ra tinh tường hơn nhiều so với người phương Tây. Dĩ nhiên, người New Guinea có xu hướng đạt hiệu quả kém hơn ở những việc mà người phương Tây đã được rèn luyện từ thời thơ ấu còn người New Guinea thì không. Vì vậy mà những người New Guinea sống trong các làng mạc xa xôi, không hề được học hành có vẻ như ngu độn trong mắt người phương Tây. Ngược lại, tôi luôn luôn biết mình có vẻ ngu độn đến thế nào trong mắt người New Guinea mỗi khi tôi cùng họ vào rừng rậm, bởi tôi tỏ ra thật vụng về, kém cỏi ở những việc đơn giản (chẳng hạn như lần theo một lối mòn trong rừng rậm hoặc dựng lều) bởi những việc đó người New Guinea đã được dạy làm từ bé còn tôi thì không.

Không khó nhận ra hai lý do tại sao ấn tượng của tôi rằng người New Guinea thông minh hơn người phương Tây là đúng. Trước hết, người châu Âu từ hàng ngàn năm nay đã sống trong những xã hội có mật độ dân cư cao, với chính phủ trung ương, cảnh sát và tòa án. Trong các xã hội đó, các bệnh dịch truyền nhiễm đặc thù cho dân cư tập trung (chẳng hạn như đậu mùa) là nguyên nhân tử vong chính trong lịch sử, trong khi việc giết người tương đối không phổ biến còn tình trạng chiến tranh là ngoại lệ chứ không phải luôn luôn diễn ra. Hầu hết người châu Âu nào thoát khỏi các bệnh truyền nhiễm chết người thì cũng thoát khỏi các lý do tử vong tiềm tàng khác và lưu truyền gen của mình cho các thế hệ sau. Ngày nay, hầu hết trẻ em châu Âu sinh ra đều sống qua được các căn bệnh truyền nhiễm chết người và có thể sinh con đẻ cái, bất kể trí thông minh và các gen mà chúng mang trong người là như thế nào. Ngược lại, người New Guinea đã sống trong những xã hội mà số lượng người quá ít không đủ cho các bệnh truyền nhiễm vốn chỉ nảy sinh ở quần thể đông có thể phát triển. Ngược lại, người New Guinea truyền thống thường chết nhiều hơn do tình trạng giết hại lẫn nhau, các cuộc chiến tranh liên miên giữa các bộ lạc, tai nạn, và những khó khăn trong tìm kiếm lương thực.

Trong xã hội New Guinea truyền thống, người thông minh thường có nhiều khả năng thoát khỏi các nguyên nhân tử vong cao kể trên so với người kém thông minh. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì bệnh truyền nhiễm ở các xã hội châu Âu thì chẳng mấy liên quan đến trí thông minh mà lại liên quan đến kháng thể di truyền vốn tùy thuộc vào chi tiết thành phần hóa học của cơ thể. Chẳng hạn, người có nhóm máu B hoặc O có nhiều kháng thể chống bệnh đậu mùa hơn so với người có nhóm máu A. Nghĩa là, ở New Guinea, sự chọn lọc tự nhiên để cho ra gen thông minh có lẽ là nghiệt ngã hơn nhiều so với ở các xã hội với mật độ dân cư cao hơn và tổ chức chính trị phức tạp hơn, nơi mà sự chọn lọc tự nhiên đối với thành phần hóa học của cơ thể là mạnh mẽ hơn.

Ngoài nguyên nhân di truyền này, còn có một nguyên nhân thứ hai khiến người New Guinea có khi lại hóa ra thông minh hơn người phương Tây. Trẻ em châu Âu và Mỹ ngày nay dành phần lớn thời gian để giải trí thụ động bằng cách xem ti vi, nghe radio và xem phim. Trong gia đình Mỹ trung bình, người ta bật ti vi mỗi ngày bảy tiếng đồng hồ. Ngược lại, trẻ em New Guinea truyền thống gần như không có cơ hội nào để giải trí thụ động như vậy mà dành hầu hết thời gian trong ngày để làm việc gì đó tích cực, chẳng hạn trò chuyện hoặc chơi với các trẻ khác hay người lớn.Hầu như mọi nghiên cứu về sự phát triển của trẻ đều nhấn mạnh vai trò của sự kích thích và hoạt động trong thời thơ ấu đối với việc phát triển trí não, và nêu rõ rằng nếu thiếu sự kích thích trong thời thơ ấu thì trí não sẽ phát triển còi cọc không thể cứu vãn. Điều này chắc chắn đã góp một nhân tố phi di truyền vào [sự hình thành] chức năng trí não vượt trội ở người New Guinea trung bình.

Nghĩa là, về khả năng trí não, người New Guinea có lẽ vượt trội về di truyền so với người phương Tây, và chắc chắn họ cũng vượt trội ở khả năng thoát khỏi những bất lợi to lớn về phát triển mà hầu hết trẻ em trong các xã hội công nghiệp hóa ngày nay phải đối mặt trong giai đoạn chúng lớn lên. Hiển nhiên là ở đây tuyệt không có hàm ý gì về sự bất lợi của người New Guinea về mặt trí tuệ đặng có thể trả lời câu hỏi của Yali.

Cũng hai nhân tố đó - di truyền và sự phát triển trong thời thơ ấu - là cái không chỉ khiến người New Guinea khác biệt người phương Tây mà hẳn cũng khiến những người săn bắt hái lượm và thành viên của các xã hội sơ khai về công nghệ khác biệt với thành viên các xã hội tiên tiến về công nghệ nói chung. Vậy là, cái giả định mang tính phân biệt chủng tộc thường tình ắt phải bị lật nhào. Song nếu thế thì tại sao người châu Âu, mặc dù hình như có những bất lợi về di truyền và (trong thời hiện đại) có những bất lợi hiển nhiên trong quá trình phát triển ở tuổi thơ ấu, rốt cuộc lại vẫn có nhiều hàng hóa hơn? Tại sao người New Guinea lại là những kẻ sơ khai về công nghệ, dù họ có cái mà tôi tin là trí thông minh vượt trội?

Cách lý giải dựa theo di truyền học không phải là lời đáp duy nhất khả dĩ cho câu hỏi của Yali. Một cách lý giải khác, rất phổ biến ở người Bắc Âu, thì lại dựa vào cái gọi là tác động kích thích của khí hậu lạnh ở đất nước họ, trong khi khí hậu nóng, ẩm, nhiệt đới thì có tác động kìm hãm đối với sức sáng tạo và năng lực. Có thể là khí hậu thay đổi theo mùa ở các vĩ độ cao đặt ra nhiều thách thức đa dạng hơn so với khí hậu nhiệt đới vốn ít thay đổi theo mùa. Có thể là khí hậu lạnh đòi hỏi người ta phải giàu sáng tạo hơn về công nghệ để có thể sinh tồn, bởi người ta phải xây nhà đủ ấm, mặc đủ ấm, trong khi sống ở vùng nhiệt đới thì ít phải lo về nhà ở hơn và hoàn toàn không phải lo mặc ấm. Hoặc, cũng có thể đảo ngược cái lập luận đó để đi đến cùng một kết luận: mùa đông dài ở các vĩ độ cao khiến người ta phải dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà đặng lo việc phát minh.

Mặc dù kiểu lý giải này đã có thời rất thịnh hành, song nếu khảo sát cẩn thận thì cũng không đứng vững. Như ta sẽ thấy, các dân tộc Bắc Âu mãi đến mấy ngàn năm gần đây vẫn không hề đóng góp được gì có tầm quan trọng cơ bản đối với nền văn minh Âu-Á; đơn giản là họ có may mắn sống ở một vị trí địa lý nơi họ có thể tiếp thu những thành tựu (chẳng hạn như nông nghiệp, bánh xe, chữ viết và nghề luyện kim) đã được phát triển ở những khu vực ấm áp hơn của lục địa Âu-Á. Ở Tân Thế giới, các khu vực lạnh ở vĩ độ cao thậm chí còn là nơi trì trệ hơn của loài người. Những xã hội châu Mỹ bản địa duy nhất từng phát minh ra chữ viết đều đã nảy sinh ở Mexico tại phía nam Hạ chí tuyến; những đồ gốm xưa nhất của Tân Thế giới xuất hiện ở gần xích đạo tại vùng nhiệt đới Nam Mỹ; và xã hội Tân Thế giới mà ý kiến chung nhận định là xã hội tiên tiến nhất về nghệ thuật, thiên văn và các phương diện khác là xã hội Maya cổ ở vùng Yucatán và Guatemala nhiệt đới vào thiên niên kỷ đầu sau Công nguyên.

Lại có một cách lý giải thứ ba cho câu hỏi của Yali; nó giả định về tầm quan trọng của các thung lũng đất thấp tại các vùng khí hậu khô, nơi mà sản xuất nông nghiệp năng suất cao phụ thuộc vào những hệ thống đê điều quy mô lớn, các hệ thống này lại đòi hỏi phải có chính quyền tập trung. Người ta đề xuất cách lý giải này là do cái thực tế hiển nhiên rằng các đế quốc sớm nhất và chữ viết lâu đời nhất đều phát sinh ở các thung lũng Tigris và Euphrate tại vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và thung lũng sông Nile của Ai Cập. Các hệ thống kiểm soát nước hình như cũng gắn liền với các tổ chức chính trị có tính tập trung tại một vài khu vực khác của thế giới, trong đó có thung lũng sông Ấn ở tiểu lục địa Ấn Độ, các thung lũng Hoàng Hà và Dương Tử ở Trung Hoa, vùng đất thấp Maya tại Trung Mỹ và vùng sa mạc duyên hải Peru.

Tuy nhiên, nghiên cứu khảo cổ chi tiết đã chỉ ra rằng các hệ thống tưới tiêu phức tạp không đi liền với sự phát sinh các chính quyền tập trung hóa mà chỉ xuất hiện sau đó một thời gian dài. Có nghĩa là, sự tập trung hóa về chính trị đã phát sinh vì một lý do nào khác, chỉ sau đó nó mới cho phép việc xây dựng các hệ thống tưới tiêu phức tạp. Không một phát minh chủ chốt nào ra đời trước các chính quyền tập trung kể cả tại các khu vực này của thế giới mà lại gắn liền với các thung lũng sông hoặc với các hệ thống tưới tiêu phức tạp. Chẳng hạn, ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, sản xuất lương thực và lối sống thành làng mạc đã phát sinh ở vùng đồi núi chứ không phải ở các thung lũng sông đất thấp. Thung lũng sông Nile vẫn là một khu vực chậm tiến về văn hóa trong khoảng 3.000 năm sau khi nền sản xuất lương thực theo làng mạc đã bắt đầu hưng thịnh tại vùng đồi của Lưỡi liềm Phì nhiêu. Các thung lũng sông ở Tây Nam Hoa Kỳ rốt cuộc cũng đã hỗ trợ sự ra đời của nông nghiệp tưới tiêu và xã hội phức tạp, song chỉ sau khi nhiều phát minh mà các xã hội đó dựa vào đã được du nhập từ Mexico. Các thung lũng sông ở Đông Nam Úc vẫn chỉ có các xã hội bộ lạc không biết làm nông sinh sống.

Lại có một loại lý giải khác liệt kê những nhân tố trực tiếp cho phép người châu Âu giết chết hoặc chinh phục các dân tộc khác - đặc biệt là súng ống, bệnh truyền nhiễm, công cụ bằng thép và các sản phẩm chế tác của họ. Cách lý giải như vậy thì cũng đúng, bởi các nhân tố đó rõ ràng là đã từng trực tiếp chịu trách nhiệm về các cuộc chinh phục của người châu Âu. Tuy nhiên, giả thuyết này không hoàn chỉnh, bởi nó vẫn chỉ đưa ra một cách lý giải gần nhất (giai đoạn đầu) để nhận diện các nguyên nhân trực tiếp. Nó mời gọi chúng ta đi tìm những nguyên nhân tối hậu: tại sao người châu Âu - chứ không phải người châu Phi hay người châu Mỹ bản địa - là những người rốt cuộc đã có trong tay súng, vi trùng và thép?

Tuy người ta đã đạt được vài tiến bộ trong việc nhận diện những nguyên nhân tối hậu đó trong trường hợp châu Âu chinh phục Tân Thế giới, song châu Phi vẫn là một câu đố lớn. Châu Phi là châu lục nơi người nguyên thủy đã tiến hóa trong thời gian dài nhất, nơi người hiện đại về mặt giải phẫu cũng đã ra đời, và nơi mà các căn bệnh bản địa như sốt rét và sốt hoàng nhiệt đã giết chết các nhà thám hiểm châu Âu. Nếu như quả thật ai khởi đầu sớm hơn sẽ có ưu thế hơn, thì tại sao súng và thép không phát sinh đầu tiên ở châu Phi, cho phép người châu Phi cùng các vi trùng của họ đi chinh phục châu Âu? Và đâu là nguyên nhân tại sao người châu Úc bản địa đã không thể đi xa hơn giai đoạn săn bắt hái lượm dùng công cụ bằng đá?

Các câu hỏi nảy sinh từ việc so sánh các xã hội loài người trên phạm vi toàn thế giới từng lôi cuốn sự quan tâm của các sử gia và nhà địa lý. Ví dụ nổi tiếng nhất cho một nỗ lực như vậy ở thời đại ngày nay là cuốn Nghiên cứu Lịch sử (Study of History) gồm 12 tập của Arnold Toynbee. Toynbee đặc biệt quan tâm đến tính năng động nội tại của 23 nền văn minh tiên tiến, trong đó 22 nền văn minh có chữ viết và 19 nằm ở lục địa Âu-Á. Ông ít quan tâm hơn đối với thời tiền sử và các xã hội giản đơn, không có chữ viết của thời tiền sử. Thế nhưng, những cội rễ của sự bất bình đẳngtrong thế giới hiện đại nằm trong chính thời tiền sử đó. Vì vậy mà Toynbee không đặt ra câu hỏi của Yali, cũng không nhìn thấy được cái mà tôi coi là mẫu hình lớn nhất của lịch sử. Những cuốn sách khác về lịch sử thế giới cũng có xu hướng tương tự là tập trung vào các nền văn minh có chữ viết ở Âu-Á trong vòng 5.000 năm trở lại đây; họ chỉ nhắc qua loa đến các nền văn minh châu Mỹ bản địa tiền Colombo và thậm chí còn qua loa hơn khi đề cập đến phần còn lại của thế giới ngoại trừ những tương tác gần đây của bộ phận này với các nền văn minh Âu-Á. Kể từ nỗ lực của Toynbee, các giả thuyết mang tính tổng hợp những nhân quả lịch sử trên phạm vi toàn thế giới đã bị giới sử gia coi nhẹ, bởi nó đặt ra một vấn đề rõ ràng là nan giải.

Các chuyên gia thuộc nhiều ngành đã đưa ra những giả thiết tổng hợp có tính toàn cầu trong lĩnh vực của mình. Đặc biệt hữu ích là đóng góp của các nhà địa lý học môi sinh, nhân chủng học văn hóa, nhà sinh học chuyên nghiên cứu việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi, và các học giả quan tâm đến ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm đối với lịch sử. Các nghiên cứu này đã khiến người ta chú ý đến một số phần của bài toán khó, song chúng chỉ đưa ra từng mảnh nhỏ của cái hợp đề lớn cần thiết vẫn đang còn thiếu vắng kia.

Vậy là không có lời đáp nào mà tất cả mọi người thừa nhận cho câu hỏi của Yali. Một mặt, những cách lý giải trực tiếp thì đã rõ: một số dân tộc đã phát triển được súng, vi trùng và thép, cùng các nhân tố khác khiến họ có được sức mạnh chính trị và kinh tế sớm hơn các dân tộc khác; còn một số dân tộc khác thì đã không bao giờ phát triển được các nhân tố sức mạnh ấy cả. Mặt khác, những cách lý giải tối hậu - chẳng hạn, tại sao công cụ bằng đồng xuất hiện sớm ở nhiều phần của Âu-Á, muộn hơn và chỉ ở vài vùng ở Tân Thế giới, song đã chẳng bao giờ xuất hiện ở châu Úc bản địa - thì vẫn còn chưa rõ.

Chúng ta hiện vẫn thiếu những cách lý giải tối hậu như vậy, điều đó khiến cho vẫn còn đó một khoảng trống lớn về tri thức, bởi mẫu hình rộng lớn nhất của lịch sử vẫn chưa thể lý giải được. Mọi người, dù là kẻ phân biệt chủng tộc hay không, đều thấy rành rành một điều rằng mỗi dân tộc có một hành trình riêng trong lịch sử. Hoa Kỳ hiện nay là một xã hội được nhào nặn theo khuôn mẫu châu Âu, chiếm những vùng đất chinh phục được từ người châu Mỹ bản địa và tích hợp hậu duệ của hàng triệu người châu Phi hạ Sahara bị đưa sang châu Mỹ làm nô lệ. Châu Âu hiện đại không phải là một xã hội nhào nặn theo mẫu của người châu Phi đen hạ Sahara, những kẻ đem hàng triệu người châu Mỹ bản địa sang làm nô lệ.

Những kết quả đó [của tiến trình lịch sử] thật hoàn toàn thiên lệch: nào có phải là 51% châu Mỹ, châu Úc và châu Phi bị người châu Âu chinh phục còn 49% châu Âu bị người châu Mỹ bản địa, người châu Úc bản địa và người châu Phi chinh phục. Toàn bộ thế giới hiện đại đã được hình thành với những kết quả đầy thiên lệch. Vậy nên những kết quả đó đòi hỏi phải có những cách lý giải vững chắc, những cách lý giải cơ bản hơn, chứ không chỉ là những tiểu tiết nào là cách đây vài ngàn năm ai tình cờ thắng trong vài trận đánh hoặc ai đã tình cờ phát minh được cái gì.

Dường như có vẻ hợp lý khi giả định rằng mẫu hình lịch sử đó phản ánh những khác biệt bẩm sinh trong bản thân các dân tộc. Dĩ nhiên, người ta dạy chúng ta rằng nói thẳng điều đó trước mặt thiên hạ thì chẳng lịch sự cho lắm. Chúng ta từng đọc các nghiên cứu chuyên môn tuyên bố mình đã chứng minh được những khác biệt bẩm sinh đó, song chúng ta cũng từng đọc được những lời phản đối cho rằng các nghiên cứu đó mắc phải những khiếm khuyết về kỹ thuật. Chúng ta thấy trong đời sống hằng ngày rằng, sau nhiều thế kỷ bị chinh phục hay buôn nô lệ, một số trong các dân tộc từng bị chinh phục đến nay vẫn cứ thuộc một đẳng cấp dưới. Người ta bảo chúng ta rằng cả điều đó nữa cũng không liên quan đến những thiếu sót về sinh học mà là do những bất lợi về xã hội và bị hạn chế về cơ hội.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tự hỏi. Chúng ta vẫn cứ nhìn thấy tất cả những khác biệt rành rành và dai dẳng đó trong thân phận của các dân tộc. Chúng ta yên trí rằng những cách lý giải dựa trên sinh học có vẻ rất minh bạch kia đối với những bất bình đẳng của thế giới tại thời điểm 1500 năm Công nguyên là sai, nhưng không ai cho ta biết đâu là cách lý giải đúng. Chừng nào ta chưa có một cách lý giải đủ thuyết phục, chi tiết và được mọi người đồng ý đối với mẫu hình lớn của lịch sử, chừng đó hầu hết người ta còn tiếp tục cho rằng, nói gì thì nói, cách lý giải dựa trên sinh học mang tính phân biệt chủng tộc vẫn là lý giải đúng. Đó dường như là lý lẽ hùng hồn nhất để tôi viết cuốn sách này.

Cánh nhà báo thường vẫn yêu cầu các tác giả tóm tắt cuốn sách của mình trong một câu. Với cuốn sách này thì câu tóm tắt đó là đây: "Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do những khác biệt giữa môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt về sinh học giữa bản thân các dân tộc đó".

Đương nhiên, ý tưởng rằng môi trường địa lý và địa sinh học ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội là một ý tưởng chẳng có gì mới. Tuy nhiên, ngày nay, quan điểm này không còn được giới sử học coi trọng; người ta cho rằng nó sai hoặc quá đơn giản hóa, hoặc châm biếm, coi là thuyết quyết định luận môi trường rồi thì lờ đi, nếu không thì các nỗ lực hòng thấu hiểu những khácbiệt ở quy mô toàn cầu lại bị người ta cho là quá khó khăn và đem xếp xó. Thế nhưng địa lý đúng là có tác động đến lịch sử; câu hỏi ở đây là tác động đến đâu, và liệu địa lý có thể giải thích cho mẫu hình lớn của lịch sử hay không.

Thời điểm đã chín muồi để ta có một cái nhìn mới mẻ đối với các câu hỏi đó, bởi có những thông tin mới từ những ngành khoa học có vẻ như rất xa ngành lịch sử loài người. Các ngành khoa học đó bao gồm trước hết là di truyền học, sinh học phân tử và địa sinh học áp dụng với cây trồng và các cây dại tổ tiên của chúng, cũng các ngành đó cộng thêm sinh thái học hành vi, áp dụng cho vật nuôi và các loài vật hoang dã tổ tiên của chúng; sinh học phân tử về các vi trùng ở người và các vi trùng liên quan của thú; khoa truyền nhiễm học đối với các bệnh của người; di truyền học người; ngôn ngữ học; các nghiên cứu khảo cổ trên mọi lục địa và các hòn đảo chính; và các nghiên cứu về lịch sử công nghệ, chữ viết và tổ chức chính trị.

Sự đa dạng của các ngành này đặt ra nhiều khó khăn đối với những tác giả nào có ý muốn viết sách nhằm trả lời câu hỏi của Yali. Tác giả phải có một kiến văn rộng lớn bao quát tất cả các ngành khoa học trên, để có thể tổng hợp những kết quả mới nhất có liên quan. Lịch sử và tiền sử của từng lục địa đều phải được tổng hợp theo cách tương tự. Chủ đề chính của sách là lịch sử, nhưng cách tiếp cận là của khoa học - nhất là của các khoa học liên quan đến lịch sử như sinh học tiến hóa và địa chất học. Tác giả phải hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp về một loạt nhiều xã hội loài người, từ các xã hội săn bắt hái lượm đến các nền văn minh hiện đại trong thời đại khoa học không gian.

Những yêu cầu đó thoạt trông có vẻ đòi hỏi phải có một công trình của nhiều tác giả. Thế nhưng giải pháp nhiều tác giả sẽ không ổn ngay từ đầu, bởi bản chất của vấn đề là phải phát triển được một cách lý giải tổng hợp duy nhất. Muốn vậy thì chỉ có thể là một tác giả duy nhất, dù điều đó đặt ra nhiều khó khăn đến đâu đi nữa. Điều không tránh khỏi là tác giả duy nhất đó sẽ phải toát mồ hôi hột để tích hợp tư liệu từ nhiều ngành và sẽ phải được sự hướng dẫn của nhiều đồng nghiệp.

Lai lịch của tôi đã giúp tôi tiếp cận với một số ngành khoa học như vậy từ trước khi Yali đặt câu hỏi đó cho tôi vào năm 1972. Mẹ tôi là giáo viên và nhà ngôn ngữ học, cha tôi là bác sĩ chuyên về di truyền bệnh ở trẻ em. Nhờ tấm gương của cha nên suốt thời đi học tôi luôn nghĩ lớn lên mình sẽ làm bác sĩ. Tôi cũng đã trở thành kẻ say mê quan sát chim chóc từ năm lên bảy tuổi. Do đó âu cũng chỉ là một bước dễ dàng để đến năm cuối đại học tôi chuyển từ mục đích ban đầu là nghề y sang mục đích nghiên cứu sinh học. Tuy nhiên, suốt những năm trung học và đại học, tôi vẫn học chủ yếu là ngôn ngữ, lịch sử và viết văn. Ngay cả sau khi quyết định lấy bằng tiến sĩ về sinh lý học, tôi gần như bỏ ngang khoa học ngay trong năm đầu học cao học để trở thành nhà ngôn ngữ học.

Từ khi lấy bằng tiến sĩ vào năm 1961, tôi đã cùng một lúc tiến hành nghiên cứu khoa học trong hai lĩnh vực: một bên là sinh lý học phân tử, một bên là sinh học tiến hóa và địa sinh học. Một thuận lợi ngoài dự kiến cho cuốn sách này là, sinh học phân tử là một ngành khoa học lịch sử vốn buộc ta phải dùng những phương pháp khác với những phương pháp của các ngành khoa học thực nghiệm. Nhờ vậy mà những khó khăn trong việc xây dựng một cách tiếp cận mang tính khoa học đối với lịch sử loài người trở nên quen thuộc với tôi. Nhờ sống tại châu Âu từ năm 1958 đến 1962, giữa những người châu Âu mà cuộc đời đã bị chấn thương ghê gớm vì lịch sử châu Âu thế kỷ XX, tôi bắt đầu nghĩ nghiêm túc hơn đến việc những chuỗi nhân quả đã vận hành như thế nào trong diễn trình lịch sử.

Trong 33 năm gần đây nhất, công việc điền dã của tôi với tư cách nhà sinh học tiến hóa đã cho tôi cơ hội tiếp xúc gần gũi với nhiều xã hội khác nhau của loài người. Chuyên môn của tôi là tiến hóa của loài chim, nên tôi từng nghiên cứu tại Nam Mỹ, Nam Phi, Indonesia, Úc và đặc biệt là New Guinea. Nhờ sống chung với người dân bản địa tại các vùng đó, tôi đã trở nên quen thuộc với các xã hội người hãy còn sơ khai về công nghệ, từ những người săn bắt hái lượm đến các bộ lạc làm nông và câu cá mà mãi đến gần đây vẫn còn sử dụng công cụ bằng đá. Vì vậy, cái mà những người có chữ viết coi là những lối sống xa lạ từ thời tiền sử xa xăm lại chính là một phần sống động nhất của cuộc đời tôi. New Guinea, mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi của đất đai thế giới, lại bao hàm một phần lớn lao đến kỳ lạ của sự đa dạng nhân loại. Trong số 6.000 ngôn ngữ của loài người hiện nay, riêng ở New Guinea đã có tới 1.000 ngôn ngữ. Trong quá trình nghiên cứu loài chim ở New Guinea, mối quan tâm của tôi đối với ngôn ngữ lại hồi sinh, bởi tôi cần phải soạn danh sách tên địa phương của các loài chim trong gần 100 ngôn ngữ thuộc số 1.000 ngôn ngữ New Guinea đó.

Từ tất cả các mối quan tâm đó mà hình thành nên cuốn sách gần đây nhất của tôi, một tường trình không nặng tính kỹ thuật về sự tiến hóa của loài người có tựa đề Loài tinh tinh thứ ba. Chương 14 của cuốn sách, có tựa đề "Các nhà chinh phục tình cờ", nhằm để hiểu hậu quả của sự gặp gỡ giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa. Sau khi hoàn thành cuốn sách đó, tôi nhận ra rằng những cuộc gặp gỡ khác giữa các dân tộc, trong thời hiện đại cũng như thời tiền sử, cũng đã làm nảy sinh những vấn đề tương tự. Tôi nhận thấy vấn đề mà tôi đã vật lộn trong Chương 14 về thực chất là câu hỏi mà Yali đã đặt ra cho tôi vào năm 1972, chỉ có điều được chuyển sang một phần khác của thế giới. Thế là rốt cuộc, được nhiều bạn bè giúp đỡ, tôi sẽ cố gắng thỏa mãn nỗi tò mò của Yali, cũng là nỗi tò mò của chính tôi.

Các chương của cuốn sách này được chia làm bốn phần. Phần I, với tựa đề "Từ Vườn địa đàng đến Cajamarca", gồm ba chương. Chương 1 cho bạn đọc một cái nhìn chớp nhoáng về sự tiến hóa và lịch sử của loài người, từ khi chúng ta tách khỏi loài vượn cách đây khoảng 7 triệu năm cho đến cuối thời kỳ Băng hà cách đây khoảng 13.000 năm. Chúng ta sẽ lần theo dấu vết bành trướng của tổ tiên loài người, từ cái nôi đầu tiên ở châu Phi sang các lục địa khác, nhằm thấu hiểu tình trạng của thế giới ngay trước khi khởi đầu các sự kiện mà người ta vẫn gán chung cái thuật ngữ "sự phát sinh các nền văn minh". Hóa ra rằng sự phát triển của loài người trên một số lục địa đã có bước khởi đầu sớm hơn về thời gian so với các lục địa khác.

Chương 2 chuẩn bị cho chúng ta khảo sát những tác động của môi trường lục địa lên lịch sử trong 13.000 năm qua, bằng cách khảo sát ngắn gọn những tác động của môi trường hải đảo đối với lịch sử trong phạm vi thời gian và khu vực nhỏ hơn. Khi tổ tiên người Polynesia bành trướng sang khu vực Thái Bình Dương khoảng 3.200 năm trước, họ đã gặp những hòn đảo có môi trường hoàn toàn khác nhau. Trong vòng vài ngàn năm, cái xã hội Polynesia thủy tổ đó đã sinh sôi nảy nở trên các hòn đảo rất khác nhau đó để trở thành một loạt xã hội con rất khác nhau, từ các bộ lạc săn bắt hái lượm đến những đế quốc sơ khai. Sự phát tán này có thể làm mẫu hình cho sự phát tán lâu dài hơn, trên quy mô lớn hơn và ít được hiểu rõ hơn của các xã hội trên những lục địa khác nhau từ cuối thời kỳ Băng hà sau cùng để trở thành những bộ lạc săn bắt hái lượm và đế quốc khác nhau.

Chương 3 giới thiệu cho chúng ta những cuộc va chạm giữa các dân tộc từ những lục địa khác nhau, bằng cách thuật lại thông qua lời kể của các nhân chứng đương thời từng mắt thấy tai nghe cuộc đụng độ bi thảm nhất trong lịch sử: tại Cajamarca, thành phố tại Peru, Francisco Pizarro cùng một nhúm quân chinh phục đã bắt sống hoàng đế Inca Atahualpa ngay trước mắt toàn bộ quân đội của ông ta. Chúng ta có thể nhận diện chuỗi nhân tố trực tiếp đã cho phép Pizarro bắt sống Atahualpa, các nhân tố này cũng có tác động như vậy trong những cuộc chinh phục khác của người châu Âu đối với các xã hội châu Mỹ bản địa. Các nhân tố này bao gồm vi trùng, ngựa, chữ viết, tổ chức chính trị và công nghệ (đặc biệt là tàu biển và vũ khí) của Tây Ban Nha. Việc phân tích các nhân tố trực tiếp đó là phần dễ của cuốn sách này; phần khó là làm sao nhận định những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các nhân tố đó và dẫn đến cái hậu quả đã diễn ra trong thực tế chứ không phải cái hậu quả ngược lại là Atahualpa đến Madrid để bắt sống vua Charles Đệ nhất của Tây Ban Nha.

Phần II, với tựa đề "Sự phát sinh và bành trướng của sản xuất lương thực" bao gồm từ Chương 4 đến Chương 10, đề cập đến cái mà tôi cho là nhóm nguyên nhân quan trọng nhất trong số các nguyên nhân tối hậu. Chương 4 trình bày sơ lược bằng cách nào nền sản xuất lương thực - nghĩa là làm ra lương thực bằng cách trồng trọt hoặc chăn nuôi thay vì săn bắt và hái lượm lương thực trong tự nhiên - rốt cuộc đã dẫn đến các nhân tố trực tiếp cho phép Pizarro giành thắng lợi. Song việc phát sinh sản xuất lương thực diễn ra khác nhau ở từng vùng trên thế giới. Như ta sẽ thấy trong Chương 5, các dân tộc ở một số vùng trên thế giới đã tự mình phát triển nền sản xuất lương thực; một số dân tộc khác tiếp thu được nền sản xuất lương thực từ các trung tâm độc lập đã nói ở trên vào thời tiền sử; một số dân tộc khác nữa không tự mình phát triển cũng chẳng tiếp thu nền sản xuất lương thực vào thời tiền sử mà đến mãi thời hiện đại vẫn cứ là những tộc người săn bắt hái lượm. Chương 6 khảo sát các nhân tố dẫn tới việc các dân tộc ở một số vùng đã chuyển từ săn bắt hái lượm sang sản xuất lương thực song các dân tộc ở nhiều vùng khác thì không.

Các Chương 7, 8 và 9 cho thấy cây trồng và vật nuôi vào thời tiền sử đã được thuần hóa từ cây dại và vật hoang như thế nào bởi các nhà nông và người chăn nuôi sơ khai vốn không hề hình dung được việc mình đang làm sẽ dẫn đến kết quả gì. Những khác biệt về địa lý dẫn đến sự khác biệt trong chủng loại cây dại và thú hoang có thể thuần hóa ở từng khu vực, lý giải được khá nhiều về việc tại sao chỉ một vài khu vực đã trở thành trung tâm sản xuất lương thực, tại sao sản xuất lương thực phát sinh ở các khu vực này sớm hơn ở các khu vực khác. Từ số ít trung tâm phát nguyên này, sản xuất lương thực đã bành trướng sang một số khu vực nhanh hơn sang những khu vực khác. Một nhân tố chính tác động đến việc bành trướng nhanh hay chậm kia là hướng trục chính của từng lục địa: trong khi ở lục địa Âu-Á hướng trục chính là Tây-Đông thì ở châu Mỹ và châu Phi hướng trục chính là Bắc-Nam (Chương 10).

Vậy là, Chương 3 phác họa những nhân tố trực tiếp đằng sau cuộc chinh phục người châu Mỹ bản địa, còn Chương 4 phác họa việc các nhân tố đó đã phát triển như thế nào từ nguyên nhân tối hậu là nền sản xuất lương thực. Trong Phần III ("Từ lương thực đến súng, vi trùng và thép", Chương 11 đến Chương 14), mối liên hệ giữa nguyên nhân tối hậu đến nguyên nhân trực tiếp sẽ được khảo sát một cách chi tiết, bắt đầu từ sự tiến hóa của các vi trùng đặc trưng cho dân số tập trung với mật độ cao (Chương 11). Người châu Mỹ bản địa và các dân tộc phi Âu-Á khác chết vì vi trùng Âu-Á đông hơn nhiều so với chết vì súng hay vũ khí bằng thép của lục địa Âu-Á. Ngược lại, rất ít hoặc hoàn toàn không có loại vi trùng giết người đặc thù nào phục sẵn chờ các nhà chinh phục châu Âu ở Tân Thế giới. Tại sao sự trao đổi vi trùng giữa các lục địa lại thiếu cân bằng đến vậy? Ở đây, các kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa sinh học phân tử sẽ làm sáng tỏ vấn đề khi chỉ ra mối quan hệ giữa vi trùng với sự phát triển nền sản xuất lương thực tại Âu-Á nhiều hơn là ở châu Mỹ.

Một chuỗi nhân quả khác dẫn từ sản xuất lương thực đến chữ viết, vốn có lẽ là phát minh quan trọng nhất trong mấy ngàn năm trở lại đây (Chương 12). Chữ viết ra đời từ chỗ chưa có gì chỉ một vài lần ít ỏi trong lịch sử loài người, tại những khu vực vốn dĩ đã là cái nôi phát sinh nền sản xuất lương thực sớm nhất. Tất cả các xã hội khác có được chữ viết chỉ là nhờ tiếp thu hệ chữ viết của các khu vực khác, hoặc dựa trên ý tưởng chữ viết từ các trung tâm phát nguyên kia mà phát minh ra chữ viết của mình. Do vậy, đối với sinh viên ngành lịch sử thế giới, hiện tượng chữ viết là đặc biệt hữu ích để có thể khảo sát những nhóm nguyên nhân quan trọng khác: tác động của địa lý để cho các ý tưởng và phát minh có thể bành trướng dễ dàng hay khó khăn.

Điều gì đúng với chữ viết thì cũng đúng với công nghệ (Chương 13). Một vấn đề cốt tử là: liệu có thật việc đổi mới công nghệ tùy thuộc nhiều đến mức ấy vào những thiên tài sáng chế hiếm hoi và các yếu tố văn hóa đặc thù hay không, như để thách thức sự hiểu biết về các mẫu hình của thế giới. Trên thực tế, chúng ta sẽ thấy rằng, thật nghịch lý thay, số lượng lớn các yếu tố văn hóa này không ngăn cản mà ngược lại còn giúp ta hiểu rõ hơn các mẫu hình thế giới về công nghệ. Nhờ có sản xuất lương thực mà nông dân có thể làm ra lương thực thặng dư, điều này cho phép các xã hội làm nông nghiệp có thể nuôi sống các thợ thủ công chuyên môn vốn không tự làm ra lương thực mà dành toàn bộ thời gian cho việc phát triển công nghệ.

Sản xuất lương thực không chỉ nuôi sống các viên thư lại và nhà phát minh mà còn cho phép nông dân có thể nuôi sống các nhà chính trị (Chương 14). Các bộ tộc săn bắt hái lượm du cư vốn tương đối bình quyền, cương vực chính trị của họ chỉ giới hạn ở lãnh thổ của bộ lạc và ở việc thay đổi liên minh với các bộ lạc láng giềng. Với sự xuất hiện các quần thể dân cư mật độ cao, định cư và sản xuất lương thực, cũng xuất hiện các tù trưởng, vua chúa và quan lại. Các chính phủ quan lại này cần thiết không chỉ để cai quản những vùng dân cư rộng lớn đông dân mà còn để duy trì quân đội thường trực, cử các đoàn tàu đi thám hiểm và tổ chức các cuộc chiến tranh chinh phạt.

Phần IV ("Vòng quanh thế giới trong năm chương", từ Chương 15 đến Chương 19) áp dụng các bài học ở Phần II và Phần III vào từng lục địa và một số hòn đảo quan trọng. Chương 15 khảo sát lịch sử của bản thân châu Úc và của hòn đảo lớn New Guinea mà trước kia từng gắn liền với châu Úc thành một lục địa duy nhất. Trường hợp châu Úc, quê hương của các xã hội loài người mà mãi gần đây vẫn có trình độ công nghệ đơn giản nhất, là lục địa duy nhất nơi sản xuất lương thực đã không phát sinh tại chỗ, là một trường hợp có tính thử thách cho những lý thuyết về sự khác biệt giữa các xã hội loài người trên những lục địa khác nhau. Ta sẽ thấy tại sao người châu Úc bản địa vẫn cứ là dân săn bắt hái lượm ngay cả khi hầu hết các dân tộc trên hòn đảo New Guinea kế cận đã chuyển sang sản xuất lương thực.

Chương 16 và Chương 17 tích hợp những diễn biến tại châu Úc và New Guinea vào bối cảnh toàn khu vực gồm cả Đông Á lục địa và các đảo Thái Bình Dương. Việc phát sinh nền sản xuất lương thực tại Trung Hoa đã làm nảy sinh một số chuyển động lớn vào thời tiền sử trong dân số loài người hoặc ở các dấu vết văn hóa, hoặc cả hai. Một trong các chuyển động đó, ở ngay tại Trung Hoa, đã tạo ra hiện tượng chính trị và văn hóa Trung Hoa như ta biết ngày nay. Một chuyển động khác dẫn đến hệ quả là, hầu như ở toàn bộ Đông Nam Á nhiệt đới, các bộ lạc săn bắt hái lượm bản xứ đã bị thay thế bởi các nông dân có cội nguồn sâu xa từ Nam Trung Hoa. Lại còn một chuyển động nữa: sự bành trướng của người Austronesia. Họ, cũng tương tự, đã giành chỗ các bộ lạc săn bắt hái lượm bản địa ở Philippines và Indonesia và bành trướng sang những hòn đảo Polynesia xa xôi nhất nhưng lại không chinh phục được châu Úc và hầu hết New Guinea. Đối với sinh viên ngành lịch sử loài người, tất cả các xung đột kể trên giữa các dân tộc Đông Á và Thái Bình Dương là cực kỳ quan trọng: chúng làm hình thành những quốc gia nơi một phần ba dân số thế giới hiện đại đang sinh sống và nơi sức mạnh kinh tế đang ngày càng trở nên tập trung, và chúng cung cấp những mẫu hình đặc biệt rõ rệt để có thể thấu hiểu lịch sử các dân tộc ở những vùng khác trên thế giới.

Chương 18 quay lại vấn đề đã được đề cập ở Chương 3, cuộc xung đột giữa các dân tộc châu Âu với các dân tộc châu Mỹ bản địa. Một bản tóm tắt 13.000 năm gần đây nhất của lịch sử Tân Thế giới và lịch sử vùng tây Âu-Á sẽ cho ta thấy rõ rằng việc châu Âu chinh phục châu Mỹ chỉ là đỉnh điểm của hai diễn trình lịch sử lâu dài và hầu như hoàn toàn tách biệt với nhau. Những khác biệt giữa hai diễn trình lịch sử đó mang dấu ấn của những khác biệt giữa hai lục địa về các loài cây và thú có thể thuần hóa, các loài vi trùng, thời điểm định cư, hướng của trục lục địa và các ranh giới sinh thái.

Cuối cùng, lịch sử châu Phi hạ Sahara (Chương 19) cho ta thấy những sự tương đồng cũng như tương phản đáng kinh ngạc với lịch sử Tân Thế giới. Những nhân tố định hình các cuộc gặp gỡ giữa người châu Âu với người châu Phi cũng chính là những nhân tố định hình các cuộc gặp gỡ giữa người châu Âu với người châu Mỹ bản địa. Song châu Phi cũng khác châu Mỹ ở tất cả các yếu tố trên. Hệ quả là việc người châu Âu chinh phục châu Phi đã không dẫn đến việc người châu Âu bành trướng rộng khắp hoặc lâu dài ở châu Phi hạ Sahara ngoại trừ ở mỏm cực Nam. Sự dịch chuyển dân số ở quy mô lớn có tầm quan trọng lâu dài nhất là của chính người châu Phi - sự bành trướng của người Bantu. Người ta đã chứng minh được rằng cuộc bành trướng này đã nảy sinh bởi chính những nguyên nhân như đã diễn ra ở Cajamarca, Đông Á, trên các đảo Thái Bình Dương, ở châu Úc và New Guinea.

Tôi không hề có ảo tưởng rằng các chương này đã thành công trong việc lý giải lịch sử của tất cả các lục địa trong 13.000 năm trở lại đây. Hiển nhiên, điều đó là bất khả thi trong khuôn khổ một cuốn sách cho dẫu ta nghĩ rằng mình thấu hiểu mọi câu trả lời, trong khi trên thực tế ta không hiểu được như vậy. Giỏi lắm cuốn sách này cũng chỉ xác định được một số nhóm nhân tố môi trường mà tôi tin rằng qua đó có thể trả lời một phần lớn câu hỏi của Yali. Thừa nhận các nhân tố đó nghĩa là phải thấy rõ rằng còn một phần ngầm chưa lý giải được, và hiểu được phần ngầm đó sẽ là một nhiệm vụ trong tương lai.

Lời kết mang tựa đề "Tương lai của lịch sử loài người như một khoa học" trình bày một vài mảng của cái phần ngầm đó, trong đó có vấn đề những khác biệt giữa nhiều phần khác nhau của lục địa Âu-Á, vai trò của các nhân tố văn hóa không liên quan đến môi trường, và vai trò của các cá nhân. Trong các vấn đề chưa giải quyết được đó, có lẽ vấn đề lớn nhất là làm sao xác lập lịch sử loài người như một ngành khoa học về lịch sử, đồng đẳng với các ngành khoa học lịch sử đã được thừa nhận như sinh học tiến hóa, địa chất học và khí hậu học. Việc nghiên cứu lịch sử loài ngườiđặt ra những khó khăn có thực, song các ngành khoa học lịch sử đã được thừa nhận đó cũng gặp phải một số thử thách y như vậy. Vì thế, các phương pháp đã được phát triển trong một số lĩnh vực khác cũng có thể tỏ ra hữu ích trong lĩnh vực lịch sử loài người.

Tuy nhiên, tôi hy vọng mình đã thuyết phục được quý độc giả rằng lịch sử không phải "chỉ là một sự kiện khỉ gió này tiếp theo sự kiện khỉ gió kia" như có kẻ yếm thế đã nói. Quả thật là có những mẫu hình lớn trong lịch sử, và cuộc truy tìm nhằm lý giải các mẫu hình đó vừa hữu ích lại vừa hấp dẫn.

CHƯƠNG 1. Trước vạch xuất phát

Một điểm xuất phát thích hợp để từ đó so sánh những diễn tiến lịch sử trên các lục địa khác nhau là khoảng 11.000 năm tr.CN2. Thời điểm này đại khái tương ứng với lúc khởi đầu cuộc sống theo làng mạc ở một vài khu vực trên thế giới, sự di dân đầu tiên đến châu Mỹ mà mọi người đều nhất trí, cuối kỷ Pleitoxen và thời kỳ Băng hà sau cùng, và là lúc khởi đầu của cái mà các nhà địa chất gọi là Kỷ Cận đại (Recent Era). Việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi đã bắt đầu ít nhất là ở một khu vực của thế giới trong vòng vài ngàn năm kể từ thời điểm này. Vào lúc đó, có phải các dân tộc sống ở một số lục địa đã có lợi thế xuất phát hoặc ưu thế rõ ràng so với các dân tộc sống ở các lục địa khác hay không?

Nếu vậy thì có lẽ cái lợi thế xuất phát ấy, ngày càng được tăng cường trong vòng 13.000 năm qua, sẽ cung cấp lời đáp cho câu hỏi của Yali. Vì lý do đó, chương này sẽ cho bạn có một cái nhìn chớp nhoáng về lịch sử loài người trên tất cả các lục địa, trong hàng triệu năm, từ khởi thủy của chúng ta với tư cách một loài cho tới 13.000 năm trước. Từng ấy chuyện sẽ được tóm gọn trong không quá 20 trang sách. Đương nhiên, tôi sẽ lướt qua các tiểu tiết và chỉ nhắc tới những gì tôi cho là các xu hướng có liên quan nhiều nhất đến cuốn sách này.

Những họ hàng còn sống gần gũi nhất của chúng ta là ba loài vượn lớn còn sống sót: khỉ đột, tinh tinh thường và tinh tinh nhỏ (còn gọi là bonobo). Việc ba loài này chỉ sống tại châu Phi, cùng với sự hiện diện rất nhiều chứng cứ hóa thạch, cho thấy những giai đoạn sớm nhất của sự tiến hóa loài người cũng đã diễn ra tại châu Phi. Khác với lịch sử các loài vật, lịch sử loài người đã khởi đầu tại đó chừng 7 triệu năm trước (con số ước tính dao động trong khoảng từ 5 đến 9 triệu năm trước). Vào khoảng thời gian đó, một nhóm vượn châu Phi đã tách ra thành nhiều nhóm, trong số đó một nhóm đã tiến hóa thành khỉ đột ngày nay, nhóm thứ hai tiến hóa thành hai nhóm tinh tinh hiện đại, nhóm thứ ba thì tiến hóa thành người. Dòng khỉ đột hình như đã tách ra ít lâu trước khi hai dòng tinh tinh và dòng người tách khỏi nhau.

Hóa thạch cho thấy dòng tiến hóa dẫn đến loài người chúng ta đã đạt đến tư thế chủ yếu đứng thẳng vào khoảng 4 triệu năm trước, sau đó thì bắt đầu tăng dần về kích thước thân thể và kích thước tương đối của não vào khoảng 2,5 triệu năm trước. Những người nguyên thủy này thường được gọi là Australopithecus africanus, Homo habilisHomo erectus, hình như loài sau đã hình thành từ loài trước trong chuỗi thứ tự trên. Mặc dù Homo erectus, giai đoạn vào khoảng 1,7 triệu năm trước, gần với người hiện đại chúng ta nhất về kích thước cơ thể, song kích thước não của họ thì vẫn chưa bằng phân nửa của chúng ta. Công cụ bằng đá bắt đầu trở nên phổ biến vào khoảng 2,5 triệu năm trước, nhưng chỉ là những mảnh đá tước ra hoặc ghè đẽo rất thô sơ. Đối với tầm quan trọng và sự khác biệt về sinh vật học, Homo erectus tuy có hơn vượn nhưng vẫn còn kém xa so với người hiện đại.

Toàn bộ lịch sử loài người đó, trong khoảng 5 đến 6 triệu năm sau khi con người xuất hiện lần đầu tiên cách đây 7 triệu năm, vẫn chỉ bó hẹp trong phạm vi châu Phi. Tổ tiên đầu tiên của loài người bành trướng ra ngoài châu Phi là Homo erectus, điều này được minh chứng qua các hóa thạch phát hiện được ở đảo Java thuộc vùng Đông Nam Á và thường được gọi một cách quy ước là người Java (Xem Hình 1.1.). Hóa thạch "người" Java cổ nhất - có thể là đàn ông hoặc đàn bà - thường được cho là có tuổi khoảng một triệu năm. Tuy nhiên, gần đây lại có lập luận rằng trên thực tế nó có tuổi đến 1,8 triệu năm. (Nói nghiêm khắc ra thì cái tên Homo erectus là của chính các hóa thạch Java đó, còn hóa thạch châu Phi mà người vẫn xếp loại là Homo erectus có lẽ cần được đặt cho tên khác). Hiện nay, bằng chứng hiển nhiên sớm nhất của loài người ở châu Âu xuất hiện vào khoảng nửa triệu năm trước, nhưng cũng có ý kiến cho rằng còn sớm hơn nữa. Nhất định là người ta có thể giả định rằng việc chiếm cứ châu Á cũng đã cho phép loài người chiếm cứ châu Âu cùng một lúc, bởi Âu-Á là một khối lục địa duy nhất không bị chia cắt bằng những hàng rào tự nhiên đáng kể.

Điều đó minh họa cho một vấn đề sẽ trở đi trở lại nhiều lần trong cuốn sách này. Bất cứ khi nào có một nhà khoa học tuyên bố mình đã phát hiện ra "X cổ nhất" - dù X ở đây là hóa thạch người cổ nhất ở châu Âu, bằng chứng xưa nhất về việc thuần hóa cây ngô ở Mexico hay bất cứ cái gì cổ nhất ở bất cứ nơi đâu - thì y như rằng tuyên bố đó sẽ thách thức những nhà khoa học khác ra sức bác bỏ nó, bằng cách chứng minh mình đã tìm được một cái gì đó còn xưa hơn nữa. Trên thực tế, ắt phải có một cái "X" nào đó thực sự là "X cổ nhất", trong khi toàn bộ các X khác được cho làcổ hơn đều sai. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, hầu như với bất cứ X nào, mỗi năm người ta lại có những khám phá mới và tuyên bố về một X nào đó được cho là còn xưa hơn nữa, đồng thời bác bỏ một số hay tất cả các tuyên bố về những X gọi là cổ nhất. . Các nhà khảo cổ thường phải mất hàng mấy thập kỷ mới có thể đi đến đồng thuận về những vấn đề này.

Hình 1.1: Sự bành trướng của loài người ra khắp thế giới.

Nơi phát nguyên: cách đây 7 triệu năm (châu Phi)

Đến khoảng nửa triệu năm về trước, hóa thạch người đã khác với các bộ xương Homo erectus cổ hơn ở chỗ sọ lớn hơn, tròn và ít góc cạnh hơn. Sọ người châu Phi và người châu Âu cách đây nửa triệu năm khá giống sọ người hiện đại chúng ta nên được xếp vào loài Homo sapiens thay vì Homo erectus. Sự phân biệt này là võ đoán, bởi Homo erectus đã tiến hóa thành Homo sapiens. Tuy nhiên, những người Homo sapiens xa xưa đó vẫn còn khác với chúng ta ở các chi tiết xương, sọ nhỏ hơn nhiều so với chúng ta, và khác biệt khá nhiều so với chúng ta ở công cụ chế tác và hành vi. Các dân tộc dùng công cụ bằng đá ở thời hiện đại, chẳng hạn như cụ tổ mấy đời của Yali, hẳn sẽ khinh miệt gọi những công cụ bằng đá cách đây nửa triệu năm đó là quá sức thô sơ. Thứ duy nhất đáng kể khác được bổ sung vào gia sản văn hóa của con người thời đó, mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn, là việc dùng lửa.

Những người Homo sapiens xa xưa đó chẳng hề để lại di sản nghệ thuật lẫn công cụ bằng xương hay bất cứ cái gì khác ngoài di cốt cộng thêm những công cụ bằng đá thô sơ kia. Hãy còn chưa có người ở châu Úc, vì lý do hiển nhiên rằng từ Đông Nam Á muốn sang châu Úc thì phải dùng thuyền. Cũng chưa hề có người ở bất cứ nơi nào tại châu Mỹ bởi muốn vậy thì trước hết con người phải chiếm cứ vùng nào của lục địa Âu-Á gần châu Mỹ nhất (tức Siberia), ngoài ra có lẽ cũng phải có kỹ năng đóng thuyền. (Eo Bering ngày nay chia cắt giữa Siberia và Alaska vốn nông, vào thời đó lúc thì là eo biển, lúc lại là một cầu lục địa nối giữa hai bên đất liền tùy theo mặt biển liên tục lên rồi lại xuống trong suốt Thời kỳ Băng hà). Tuy nhiên, kỹ năng đóng tàu cũng như sinh tồn ở vùng Siberia giá lạnh hãy còn vượt xa ngoài khả năng của những người Homo sapiens đầu tiên.

Sau nửa triệu năm, dân số loài người ở châu Phi và tây lục địa Âu-Á bắt đầu tách biệt khỏi nhau và tách biệt khỏi người Đông Á ở chi tiết xương. Dân cư châu Âu và Tây Á trong khoảng từ 130.000 đến 40.000 năm trước đây được đại diện bởi số di cốt đặc biệt nhiều được gọi là người Neanderthals, đôi khi được xếp thành một loài riêng là Homo neanderthanlensis. Tuy thường bị mô tả trong vô số tranh hoạt hình như những con dã thú giống như vượn sống trong hang động, song thật ra người Neanderthals có não lớn hơn não chúng ta một chút. Họ cũng là những người đầu tiên để lại chứng cứ hùng hồn về nghi thức mai táng người chết và chăm sóc người ốm. Thế nhưng công cụ bằng đá của họ vẫn còn thô sơ so với những chiếc rìu đá tinh xảo của người New Guinea và thường vẫn chưa được chế tác thành những dạng chuẩn, mỗi cái mang một chức năng riêng có thể nhìn thấy rõ.

Một ít mảnh xương châu Phi còn giữ được mà niên đại tương đương với người Neanderthals lại gần gũi với xương của người hiện đại chúng ta hơn là xương của người Neanderthals. Xương ở vùng Đông Á còn giữ được lại càng ít hơn nữa, nhưng hình như chúng lại cũng khác với cả người châu Phi lẫn người Neanderthals. Về lối sống vào thời đó, bằng chứng được lưu giữ tốt nhất là từ các vật dụng bằng đá và xương con mồi thu thập được ở các di chỉ miền nam châu Phi. Mặc dù những người châu Phi cách đây 100.000 năm đó có nhiều bộ xương giống người hiện đại hơn so với người Neanderthals sống cùng thời, nhưng họ cũng chỉ làm ra những công cụ bằng đá thô sơ y như người Neanderthals, nghĩa là vẫn không có hình dạng chuẩn. Họ không để lại di tích về nghệ thuật. Xét theo bằng chứng xương các con mồi mà họ săn, có thể thấy kỹ năng săn bắn của họ còn chưa có gì đặc sắc, chủ yếu nhằm vào các loài vật dễ giết và hoàn toàn không nguy hiểm. Họ vẫn chưa đủ sức giết trâu, lợn và các con mồi nguy hiểm khác. Thậm chí họ còn chưa biết bắt cá: nơi ở của họ ở ngay trên bờ biển nhưng lại không hề có dấu vết xương cá và lưỡi câu. Họ và những người Neanderthals cùng thời vẫn còn chưa đạt đến mức con người đầy đủ.

Lịch sử con người rốt cuộc đã cất cánh vào khoảng 50.000 năm trước, vào thời gian mà tôi từng gọi là Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước của chúng ta. Những dấu vết xác định sớm nhất của cú nhảy đó là ở các di chỉ Đông Phi với những công cụ bằng đá được chuẩn hóa và những đồ trang sức đầu tiên còn giữ được (những chuỗi hạt bằng vỏ trứng đà điểu). Chẳng bao lâu sau, những phát triển tương tự cũng xuất hiện ở vùng Cận Đông và Đông Nam châu Âu, kế đó (khoảng 40.000 năm trước) là ở Tây Nam Âu, nơi còn lại nhiều công cụ chế tác bên cạnh xương của những người được mệnh danh là Cro-Magnon hoàn toàn giống người hiện đại. Sau đó, những bãi rác thải còn giữ được ở các di chỉ khảo cổ nhanh chóng trở nên ngày càng thú vị hơn và khiến không còn nghi ngờ gì nữa rằng ở đây ta đang gặp những người hiện đại về cả mặt sinh học lẫn về mặt hành vi.

Những bãi rác thải của người Cro-Magnon bao gồm không chỉ công cụ bằng đá mà cả công cụ bằng xương, được chế tác thành những hình dạng thích hợp (chẳng hạn thành lưỡi câu), điều mà rõ ràng là những người tiền sử cổ hơn không biết tới. Các công cụ được sản xuất với nhiều hình dáng đa dạng và khác biệt, hiện đại đến mức chỉ nhìn là chúng ta ngày nay có thể nhận biết công năng của chúng như kim khâu, dùi, công cụ chạm khắc, v.v. Thay vì những công cụ chỉ gồm một bộ phận chẳng hạn như đồ nạo cầm tay, các công cụ gồm nhiều mảnh đã xuất hiện. Những vũ khí gồm nhiều bộ phận mà chúng ta có thể nhận ra ở các di chỉ Cro-Magnon bao gồm lao móc, dụng cụ ném lao, cuối cùng là cung và tên, tiền thân của súng trường và các vũ khí nhiều bộ phận hiện đại khác. Các phương tiện này cho phép giết thú hữu hiệu ở cự ly an toàn, nhờ vậy con người đã có thể săn các con mồi nguy hiểm như tê giác và voi, trong khi việc phát minh ra dây thừng để bện lưới, dây và bẫy cho phép người ta bổ sung chim và cá vào thực đơn hằng ngày. Di tích nhà cửa và quần áo may chứng minh rằng con người đã có bước tiến lớn về khả năng sinh tồn ở nơi có khí hậu lạnh, còn di tích đồ trang sức và các bộ xương được chôn cất cẩn thận chỉ ra rằng đã có những phát triển mang tính cách mạng về thẩm mỹ và tâm linh.

Trong số các sản phẩm của người Cro-Magnon còn giữ được đến nay, nổi tiếng nhất là các tác phẩm nghệ thuật: những bức tranh kỳ vĩ trong hang động, những bức tượng, và các nhạc cụ mà đến ngày nay chúng ta vẫn xem là nghệ thuật. Bất cứ ai từng trực tiếp trải nghiệm cái sức mạnh choáng ngợp của những bức tranh bò mộng và ngựa to bằng thật ở hang Lascaux miền nam nước Pháp sẽ lập tức hiểu ngay rằng, với tác giả những bức tranh đó, tâm trí họ ắt cũng phải hiện đại như là bộ xương của họ.

Hiển nhiên rằng đã có một thay đổi to lớn nào đó diễn ra trong năng lực của tổ tiên chúng ta trong khoảng từ 100.000 năm đến 50.000 năm trước. Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước này đặt ra hai câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp: nguyên nhân nào làm phát sinh cú nhảy đó, và vị trí địa lý của cú nhảy đó. Về nguyên nhân phát sinh Cú Nhảy Lớn, tôi đã lập luận trong cuốn Loài tinh tinh thứ barằng đó là sự hoàn thiện thanh quản, do đó là sự hoàn thiện cơ sở giải phẫu học của ngôn ngữ hiện đại, mà khả năng sáng tạo của con người phụ thuộc rất nhiều. Những người khác thì lại cho rằng vào thời gian đó đã có sự thay đổi trong tổ chức của não song kích thước não thì không thay đổi, nhờ vậy mới xuất hiện ngôn ngữ hiện đại.

Về địa điểm của Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước, liệu có phải nó đã diễn ra chủ yếu ở một khu vực địa lý duy nhất, trong một nhóm người duy nhất mà sau đó đã có thể bành trướng và thay thế những nhóm người trước đó ở các vùng khác trên thế giới? Hay cú nhảy đó đã diễn ra song song ở nhiều khu vực khác nhau, các cư dân cư ngày nay ở mỗi khu vực đó là hậu duệ của những cư dân sống ở đó từ trước cú nhảy? Những sọ trông có vẻ hiện đại hơn ở châu Phi cách đây khoảng 100.000 năm được cho là hỗ trợ cho giả thuyết đầu, theo đó thì cú nhảy đã diễn ra chủ yếu ở châu Phi. Các nghiên cứu phân tử (của cái gọi là DNA ti thể) ban đầu cũng được diễn dịch theo lối châu Phi là cội nguồn của con người hiện đại, dẫu rằng ý nghĩa của các phát hiện phân tử đó vẫn còn đáng ngờ. Mặt khác, sọ những người sống tại Trung Hoa và Indonesia hàng trăm ngàn năm trước được một số nhà nhân chủng học vật lý cho là mang những đặc điểm chung với người Trung Hoa và người châu Úc bản địa ngày nay. Nếu đúng vậy, phát kiến này sẽ gợi ý rằng đã có sự phát triển song song và có nhiều cái nôi của người hiện đại ở nhiều khu vực, chứ không phải chỉ có một Vườn địa đàng duy nhất. Câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

Bằng chứng về một cái nôi cục bộ của con người hiện đại, theo sau là việc con người bành trướng và thay thế những loại người khác ở một vùng khác, có vẻ là mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Cách đây khoảng 40.000 năm, người Cro-Magnon xuất hiện ở châu Âu, với bộ xương hiện đại, vũ khí ưu việt và các nét văn hóa tiên tiến khác. Trong vòng vài ngàn năm đã không còn một người Neanderthals nào nữa, dù chính người Neanderthals đã tiến hóa như là những cư dân duy nhất ở châu Âu trong suốt hàng trăm ngàn năm. Chuỗi sự kiện đó gợi ý mạnh mẽ rằng người Cro-Magnon hiện đại, bằng cách nào đó, đã dùng công nghệ vượt trội của mình, cùng với kỹ năng ngôn ngữ của bộ não, để gây bệnh, giết chết hoặc xua đuổi người Neanderthals, để lại rất ít hoặc không một bằng chứng nào về sự hợp huyết giữa người Neanderthals và người Cro-Magnon.

Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước trùng hợp với sự mở rộng địa vực sinh sống của con người lần đầu tiên mà khoa học chứng minh được kể từ khi tổ tiên chúng ta chiếm cứ lục địa Âu-Á. Sự mở rộng đó bao gồm việc xâm chiếm châu Úc và New Guinea mà hồi đó còn nối với nhau thành một lục địa duy nhất. Nhiều di tích phóng xạ chứng minh sự hiện diện của con người ở châu Úc/New Guinea trong khoảng từ 40.000 đến 30.000 năm trước (cộng với một số tuyên bố tìm được chứng cứ cổ hơn song hãy còn gây tranh cãi). Trong một khoảng thời gian ngắn của lần di dân nguyên thủy đó, con người đã bành trướng ra toàn bộ lục địa và thích nghi với môi trường đa dạng của nó, từ những khu rừng mưa nhiệt đới và những ngọn núi cao ở New Guinea cho tới những vùng nội địa khô hạn và chỏm đông nam ẩm ướt của châu Úc.

Trong suốt các Thời kỳ Băng hà, nước đại dương bị giam trong băng nhiều đến nỗi mực nước biển trên toàn thế giới thấp hơn mực nước biển hiện tại đến hàng mấy chục mét. Kết quả là, những nơi mà nay là các biển cạn giữa châu Á và các đảo Sumatra, Borneo, Java và Bali của Indonesia thì ngày xưa là đất cạn. (Các eo biển nông ở nơi khác như eo Bering và biển Manche cũng vậy). Bờ biển Đông Nam Á thời đó nằm cách vị trí ngày nay đến hơn 1.100 km về phía Đông. Tuy nhiên, các đảo trung tâm Indonesia giữa Bali và châu Úc thì vẫn nằm giữa và bị chia cắt bởi các eo biển sâu. Để đến châu Úc/New Guinea từ nội địa châu Á vào thời đó thì vẫn phải vượt qua ít nhất tám eo biển, eo rộng nhất có bề ngang ít nhất 80 km. Hầu hết các eo này chia cắt các hòn đảo với nhau khiến từ đảo này không thể thấy đảo kia, nhưng bản thân châu Úc thì ngay cả từ các đảo Indonesia gần nhất như Timor và Tanimbar vẫn có thể nhìn thấy được. Vậy nên, việc chiếm cứ châu Úc/New Guinea rất quan trọng, ở chỗ nó đòi hỏi phải có tàu biển và cung cấp bằng chứng sớm nhất về việc dùng tàu biển trong lịch sử. Mãi đến khoảng 30.000 năm sau đó (13.000 năm trước đây) mới có bằng chứng mạnh mẽ về việc tàu biển được dùng ở một nơi khác trên thế giới, ấy là ở Địa Trung Hải.

Ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng có khả năng việc chiếm cứ châu Úc/New Guinea chỉ là do một nhúm người làm được một cách tình cờ khi họ bị cuốn ra biển trong khi đang đánh cá trên bè gần một hòn đảo của Indonesia. Ở giả thuyết cực đoan nhất, người ta mô tả những người định cư đầu tiên đó chỉ là một phụ nữ duy nhất đang mang thai một bé trai. Song những người tin ở lý thuyết di dân tình cờ này đã ngạc nhiên trước những khám phá gần đây rằng cả những hòn đảo khác nằm về phía đông New Guinea cũng đã bị chiếm cứ chẳng bao lâu sau bản thân New Guinea, vào khoảng 35.000 năm trước. Đó là các đảo New Britain và New Ireland trong quần đảo Bismarck và đảo Buka ở quần đảo Solomon. Buka nằm khuất tầm nhìn từ hòn đảo gần nhất về phía đông và chỉ có thể đến được bằng cách vượt qua một khoảng cách chừng 160 km bằng đường biển. Như vậy, người châu Úc và New Guinea hẳn đã có khả năng du hành bằng đường biển một cách có chủ định đến các hòn đảo nhìn thấy được, và họ đã sử dụng phương tiện đường biển khá thường xuyên nên cũng hay tình cờ đến được cả các hòn đảo xa không nhìn thấy được.

Việc định cư ở châu Úc/New Guinea hẳn đã gắn liền với một sự kiện lớn đầu tiên khác ngoài việc con người lần đầu tiên sử dụng thuyền vượt biển và sự di cư lớn đầu tiên của loài người từ khi định cư ở lục địa Âu-Á: ấy là sự diệt vong lớn đầu tiên của các loài thú lớn bởi tay con người. Ngày nay chúng ta coi châu Phi chính là lục địa của các loài hữu nhũ lớn. Lục địa Âu-Á ngày nay cũng có nhiều loài hữu nhũ lớn (tuy không dồi dào phong phú như ở đồng bằng Serengeti của châu Phi), như tê giác, voi và hổ châu Á, nai sừng tấm, gấu và sư tử châu Âu (riêng sư tử thì mãi đến thời Hy-La vẫn còn). Châu Úc/New Guinea ngày nay không có loài hữu nhũ nào lớn tương đương như vậy, trên thực tế là không có loài nào lớn hơn con thú có túi nặng xấp xỉ 50 kg. Nhưng châu Úc/New Guinea trước kia từng có những loài hữu nhũ lớn đa dạng của riêng mình, trong đó có thú có túi khổng lồ, những con thú có túi giống như tê giác gọi là diprotodont và có kích thước bằng con bò, và một loài "báo" có túi. Ngày xưa vùng này còn có một loài chim không biết bay giống như đà điểu nặng gần 200 kg, cộng với một số loài bò sát cực lớn trong đó có một loài thằn lằn nặng một tấn, một loài trăn khổng lồ và những loài cá sấu sống trên cạn.

Tất cả các loài thú khổng lồ ở châu Úc/New Guinea đó đều đã biến mất sau khi con người xuất hiện. Tuy người ta vẫn còn tranh cãi về thời điểm chính xác chúng diệt vong, nhưng một số di chỉ khảo cổ tại Úc có niên đại hàng vạn năm, với rất nhiều dấu tích xương người, đã được khai quật cẩn thận, không hề bao gồm dấu vết nào của các loài vật khổng lồ vào 35.000 năm trước mà ngày nay đã tuyệt diệt. Vì vậy, các loài vật khổng lồ hẳn đã bị diệt vong chẳng bao lâu sau khi con người đặt chân đến châu Úc.

Sự biến mất gần như đồng thời của nhiều loài thú lớn như vậy hiển nhiên làm nảy sinh câu hỏi: Cái gì đã gây ra chuyện đó? Có thể có một câu trả lời hiển nhiên, ấy là chúng đã bị giết sạch hoặc bị tiêu diệt một cách gián tiếp bởi những người đầu tiên đến. Hãy nhớ rằng các loài thú châu Úc/New Guinea đã tiến hóa hàng triệu năm mà không hề có mặt những tay thợ săn của loài người. Ta biết rằng các loài chim và thú ở quần đảo Galápagos và Bắc Cực, vốn cũng đã tiến hóa mà không hề có mặt con người và cho mãi đến thời hiện đại vẫn chưa hề biết đến con người, đến ngày nay vẫn cứ hiền khô không chịu nổi. Lẽ ra chúng đã bị tuyệt diệt nếu các nhà bảo vệ môi trường đã không nhanh chóng áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trên các hòn đảo mới được phát hiện gần đây nơi các biện pháp bảo vệ không được thực thi nhanh chóng, tình trạng diệt chủng đã thật sự xảy ra: loài dodo ở đảo Mauritius hầu như đã trở thành biểu tượng của sự tuyệt diệt. Ngày nay ta cũng biết rằng, trên bất cứ hòn đảo đại dương nào có con người định cư kể từ thời tiền sử đến nay mà các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ, việc đến định cư của con người đều dẫn đến những cơn diệt chủng mà nạn nhân là chim moa ở New Zealand, loài vượn cáo khổng lồ ở Madagascar và loài ngỗng lớn không biết bay ở Hawaii. Cũng như người hiện đại đã lại gần lũ dodo và hải cẩu vốn không hề biết sợ người để giết chúng, người tiền sử hẳn cũng đã lại gần lũ moa và vượn cáo khổng lồ không hề biết sợ người rồi giết chúng.

Vì vậy có một giả thuyết về việc các con thú khổng lồ của châu Úc và New Guinea diệt chủng, ấy là chúng đã gặp cùng một số phận như nhau vào khoảng 40.000 năm trước. Ngược lại, hầu hết các loài thú lớn của châu Phi và Âu-Á vẫn còn sống sót đến ngày nay bởi chúng đã cùng tiến hóa bên cạnh người nguyên thủy suốt hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu năm. Nhờ vậy chúng đã có khối thì giờ để biết sợ người trong khi kỹ năng săn bắn ban đầu còn thô sơ của tổ tiên chúng ta được cải tiến rất chậm chạp. Các loài dodo, moa và có lẽ cả các loài thú khổng lồ của châu Úc/New Guinea đã thật không may khi chúng đột ngột phải đối mặt - mà không hề được chuẩn bị trước về mặt tiến hóa - với những con người hiện đại với kỹ năng săn bắt đã phát triển đầy đủ.

Tuy nhiên, cái "giả thuyết giết sạch"3 như người ta gọi không phải là không gặp ý kiến phản đối trong trường hợp châu Úc/New Guinea. Những người phê phán thuyết này nhấn mạnh rằng cho đến nay chưa hề có di tích xương nào của các loài thú khổng lồ châu Úc/New Guinea mang bằng chứng rõ ràng rằng chúng đã bị con người giết hay thậm chí rằng chúng từng sống bên cạnh con người. Những người bảo vệ "giả thuyết giết sạch" trả lời: Nếu như việc giết sạch các loài đó đã diễn ra rất nhanh và lại cách đây rất lâu, chẳng hạn chỉ trong vòng vài ngàn năm nhưng lại cách đây đến 40.000 năm, thì cũng khó mà mong tìm được di tích khảo cổ chứng minh cho việc đó. Những người chỉ trích đáp lại bằng một phản giả thuyết: rằng có lẽ các loài thú khổng lồ kia đã không bị giết mà bị chết vì một thay đổi khí hậu, chẳng hạn như hạn hán nghiêm trọng trên lục địa châu Úc vốn đã khô hạn triền miên. Cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp diễn.

Riêng tôi, tôi không thể hiểu tại sao các loài thú khổng lồ châu Úc đã sống sót qua không biết bao nhiêu lần hạn hán trong suốt hàng triệu năm lịch sử châu Úc, thế rồi đùng một cái lại cùng nhau chết gần như cùng một lúc (ít nhất là so với chặng thời gian hàng triệu năm) tình cờ đúng vào thời điểm những con người đầu tiên xuất hiện. Những loài khổng lồ đã tuyệt chủng không chỉ ở vùng trung tâm châu Úc khô hạn mà ở cả vùng tây New Guinea và vùng đông nam Úc vốn mưa như trút nước. Chúng cùng tuyệt chủng ở mọi môi trường, không có ngoại lệ, từ vùng sa mạc cho tới rừng mưa lạnh và rừng mưa nhiệt đới. Vì vậy, tôi cảm thấy khả năng lớn nhất là các loài thú khổng lồ đã bị con người tiêu diệt, cả một cách trực tiếp (giết để làm thức ăn) lẫn gián tiếp (do con người dùng lửa và làm thay đổi môi trường). Song dù giả thuyết giết sạch hay giả thuyết khí hậu tỏ ra là đúng, việc tất cả các loài thú lớn ở châu Úc/New Guinea biến mất, như chúng ta sẽ thấy, có những hậu quả nặng nề đối với lịch sử loài người từ đó về sau. Những sự diệt chủng đó đã loại bỏ tất cả các loài thú hoang lớn mà lẽ ra con người đã có thể thuần hóa, khiến người châu Úc và New Guinea bản địa không hề có lấy một con vật nuôi nào của riêng mình.

Vậy là, việc con người chiếm cứ và định cư ở châu Úc/New Guinea chỉ diễn ra vào khoảng thời gian Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước. Một cuộc di dân lớn của con người diễn ra không lâu sau đó là đến những vùng lạnh nhất của lục địa Âu-Á. Tuy người Neanderthals sống vào các thời kỳ Băng hà và đã thích nghi với cái lạnh, họ vẫn không đi lên phía Bắc xa quá miền bắc Đức và Kiev.Điều đó không lạ, bởi người Neanderthals rõ ràng là không có kim, không biết may quần áo, không có nhà cửa ấm và không có những công nghệ khác cần thiết để có thể sống còn ở những vùng khí hậu lạnh nhất. Những người hiện đại về mặt giải phẫu mà có các công nghệ đó thì đã bành trướng đến Siberia vào khoảng 20.000 năm trước (một số người đưa ra những thời điểm sớm hơn nhiều, tuy nhiên điều này còn tranh cãi). Sự bành trướng này hẳn là nguyên nhân cho sự tuyệt chủng của loài voi mamút lông dày và tê giác có lông của lục địa Âu-Á.

Với việc định cư ở châu Úc/New Guinea, con người giờ đây đã chiếm cứ ba trong số năm lục địa có thể sinh sống được. (Trong cuốn sách này, tôi xem Âu-Á là một lục địa duy nhất, đồng thời không kể Châu Nam cực bởi lục địa này mãi đến thế kỷ 19 con người mới đặt chân đến và chưa bao giờ có con người sinh sống tự túc). Vậy là chỉ còn lại hai lục địa, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Chắc chắn đó là hai lục địa được con người định cư sau cùng, vì lý do hiển nhiên là để đến được châu Mỹ từ Cựu Thế giới thì hoặc phải dùng thuyền (mà bằng chứng về sự có mặt của thuyền thì ngay cả ở Indonesia mãi đến 40.000 năm trước đây mới có, ở châu Âu thì càng muộn hơn nhiều) để vượt biển, hoặc phải chiếm lĩnh Siberia (mà mãi đến 20.000 năm trước vẫn chưa có người ở) thì mới có thể băng qua dải đất Bering.

Tuy nhiên, con người di cư sang châu Mỹ lần đầu tiên cụ thể vào khi nào trong khoảng từ 14.000 đến 35.000 năm trước thì vẫn còn chưa rõ. Di tích hiển nhiên xưa nhất của con người ở châu Mỹ là tại các di chỉ ở Alaska có niên đại khoảng 12.000 năm tr.CN, theo sau là một loạt di chỉ ở Hoa Kỳ phía nam biên giới Canada và ở Mexico vào các thế kỷ ngay trước 11.000 năm tr.CN. Các di chỉ ở Mexico được gọi là di chỉ Clovis, đặt theo tên của di chỉ tiêu biểu gần thị trấn Clovis, bang New Mexico, nơi những mũi lao lớn bằng đá đặc trưng của nó được tìm thấy lần đầu tiên. Đến nay người ta đã biết đến hàng trăm di chỉ Clovis, phủ khắp 48 bang nội địa Hoa Kỳ kéo dài đến tận Mexico. Bằng chứng hiển nhiên về sự hiện diện của con người chẳng bao lâu sau cũng xuất hiện ở Amazonia và Patagonia. Các sự kiện này gợi ý rằng các di chỉ Clovis chứng minh cho việc con người lần đầu tiên di cư sang châu Mỹ, sau đó nhanh chóng nhân lên, bành trướng rộng ra đầy cả hai lục địa.

Thoạt tiên người ta có thể lấy làm lạ rằng các hậu duệ của người Clovis đã có thể đến được Patagonia nằm cách biên giới Hoa Kỳ-Canada những 13.000 km trong vòng chưa tới một ngàn năm. Tuy nhiên, nếu chia khoảng cách ấy cho một ngàn năm thì người tiền sử đã nam tiến trung bình 13 km một năm, đó chỉ là chuyện vặt đối với người săn bắt hái lượm bởi có khi chỉ trong một ngày tìm thức ăn họ cũng đã đi được ngần ấy quãng đường rồi.

Chúng ta thoạt tiên cũng có thể ngạc nhiên rằng cư dân châu Mỹ thời đó đã trở nên đông đúc nhanh đến mức phải nghĩ đến chuyện di cư mãi về phía nam đến tận Patagonia. Song, sự tăng dân số đó cũng chẳng có gì lạ nếu ta xét kỹ những con số cụ thể. Nếu châu Mỹ rốt cuộc đã là nơi cư trú của những người săn bắt hái lượm với mật độ dân số trung bình khoảng dưới một người trên một dặm vuông (khoảng 1,6 km2, ND) (một con số cao so với những người săn bắt hái lượm hiện đại), thì toàn bộ diện tích châu Mỹ sẽ có dân số khoảng 10 triệu người săn bắt hái lượm. Nhưng thậm chí nếu những người đến định cư đầu tiên chỉ có khoảng 100 người và dân số của họ chỉ tăng với tốc độ 1,1% một năm thì hậu duệ của họ sẽ đạt ngưỡng 10 triệu người trong vòng một ngàn năm. Một lần nữa, tốc độ tăng dân số 1,1% một năm chẳng có gì là khó: thời hiện đại người ta đã quan sát được tốc độ tăng dân số tới 3,4%/năm khi người ta di cư sang các vùng đất hoang, chẳng hạn như khi những thủy thủ nổi loạn trên con tàu HMS Bounty và các bà vợ người Tahiti của họ di cư sang đảo Pitcairn.

Sự phong phú di chỉ của người săn bắn Clovis trong vài thế kỷ đầu tiên sau khi họ xuất hiện ở châu Mỹ cũng giống như sự phong phú di chỉ đã được chứng minh về mặt khảo cổ sau khi tổ tiên người Maori phát hiện ra New Zealand gần đây nhất. Một sự phong phú di chỉ khác cũng được chứng minh cho việc những người hiện đại về mặt khảo cổ di cư sang châu Âu vào thời kỳ xa xưa hơn nhiều, cũng như việc chiếm lĩnh châu Úc/New Guinea. Nghĩa là, bất cứ cái gì về hiện tượng Clovis và về việc họ bành trướng khắp châu Mỹ đều tương đồng với các khám phá mà khoa học đã chứng minh được về việc con người đến định cư tại các vùng đất hoang khác trong lịch sử.

Việc bùng nổ các di chỉ Clovis trong các thế kỷ ngay trước 11.000 năm tr.CN, chứ không phải các thế kỷ trước 16.000 hay 21.000 năm tr.CN, có thể có ý nghĩa gì? Hãy nhớ lại rằng Siberia vốn dĩ bao giờ cũng lạnh, và có một dải băng thường trực trải dài như một ranh giới không thể vượt qua suốt cả chiều ngang của Canada trong hầu hết thời đại Pleitoxen. Ta đã thấy rằng công nghệ cần thiết để chống chọi với cái lạnh cực độ kia đã không hề xuất hiện mãi đến khi những người hiện đại về mặt giải phẫu xâm chiếm châu Âu vào khoảng 40.000 năm trước, và rằng con người mãi đến 20.000 năm sau đó mới di cư sang Siberia. Cuối cùng, những người Siberia đầu tiên đó đã sang Alaska hoặc bằng đường biển qua eo Bering (mà đến ngày nay vẫn chỉ rộng 80 km) hoặc bằng cách đi bộ vào những thời băng hà khi eo Bering là một dải đất liền. Dải đất Bering, trong những lần hiện hữu cách quãng mà cộng lại cũng đến hàng ngàn năm, hẳn đã rộng đến hàng ngàn km, bao phủ toàn lãnh nguyên4 bằng phẳng, nơi những người đã thích nghi với khí hậu có thể dễ dàng băng qua được. Dải đất này gần đây bị ngập nước và lại trở thành eo biển khi mực nước biển dâng lên vào khoảng 14.000 năm tr.CN. Dù những người Siberia đầu tiên ấy đi bộ hay chèo thuyền đến Alaska, bằng chứng chắc chắn có sớm nhất về sự hiện diện của loài người ở Alaska có niên đại khoảng 12.000 năm tr.CN.

Chẳng bao lâu sau đó, một hành lang không có băng theo hướng Bắc-Nam đã mở ra trong mảng băng lớn ở Canada, cho phép những người Alaska đầu tiên băng qua để xuống vùng Đồng bằng Lớn (Great Plains) xung quanh khu vực thành phố Edmonton hiện nay của Canada. Việc này đánh dấu chấm hết cho cái rào cản lớn cuối cùng giữa Alaska và Patagonia đối với người hiện đại. Những người Edmonton tiên phong hẳn đã thấy vùng Đồng bằng Lớn có cơ man nào thú săn. Ắt hẳn là họ đã an cư, ngày một đông lên, và dần dần bành trướng về phía Nam để chiếm lĩnh toàn bộ Tây bán cầu.

Một khía cạnh khác của hiện tượng Clovis đáp ứng mong đợi của chúng ta về sự hiện diện đầu tiên của con người ở phía nam mảng băng lớn Canada. Cũng như châu Úc/New Guinea, thoạt tiên châu Mỹ cũng có đầy rẫy các loài thú lớn. Khoảng 15.000 năm trước, miền Tây châu Mỹ trông rất giống đồng bằng Serengeti của châu Phi ngày nay, với hàng đàn voi và ngựa bị sư tử và báo săn đuổi, lại còn có những loài đặc dị như lạc đà và con lười đất khổng lồ. Cũng như ở châu Úc/New Guinea, tại châu Mỹ hầu hết các loài thú lớn đó đều bị tuyệt chủng. Trong khi những sự tuyệt chủng có lẽ đã diễn ra tại châu Úc từ hơn 30.000 năm trước, thì tại châu Mỹ sự tuyệt chủng chỉ diễn ra trong khoảng 17.000 đến 12.000 năm trở lại đây. Đối với các loài thú lớn châu Mỹ đã tuyệt chủng mà xương vẫn còn vô số và có niên đại đặc biệt chính xác, người ta có thể xác định rằng sự tuyệt chủng đã diễn ra vào khoảng 11.000 năm tr.CN. Có lẽ hai sự tuyệt chủng được xác định niên đại chính xác nhất là của con lười đất Shasta và loài dê núi Harrington ở vùng Hang Lớn (Grand Canyon), cả hai đều đã biến mất trong vòng một, hai thế kỷ vào khoảng 11.000 năm tr.CN. Dù có tình cờ trùng hợp hay không, niên đại đó là đồng nhất - trong phạm vi dung sai thí nghiệm - với thời điểm những người săn bắn Clovis đặt chân đến khu vực Grand Canyon.

Việc phát hiện nhiều bộ xương voi mamút mà giữa xương sườn có cắm mũi giáo Clovis cho thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà các niên đại này khớp nhau. Những nhà săn bắn di cư về phía Nam băng qua châu Mỹ, khi gặp các loài thú lớn vốn trước đó chưa hề nhìn thấy con người, có thể đã nhận thấy rằng thú châu Mỹ quá dễ giết và đã tuyệt diệt chúng. Có một thuyết ngược lại cho rằng các loài thú lớn châu Mỹ tuyệt chủng không phải do bị giết mà là do khí hậu thay đổi vào cuối thời kỳ Băng hà cuối cùng vốn cũng đã xảy ra vào khoảng 11.000 năm tr.CN (điều chỉ khiến các nhà cổ sinh học hiện đại càng bối rối hơn khi họ cố công lý giải).

Về phần mình, tôi cũng gặp cùng một mắc mứu như vậy với lý thuyết cho rằng các loài thú lớn châu Mỹ diệt chủng vì sự thay đổi khí hậu như đã từng gặp với lý thuyết tương tự về châu Úc/New Guinea. Các loài thú lớn của châu Mỹ đã sống sót đến tận cuối 22 thời kỳ Băng hà trước đó. Tại sao hầu hết chúng lại chọn đúng thời kỳ Băng hà thứ 23 để diệt chủng đồng loạt khi có mặt những con người được giả định là vô hại kia? Tại sao chúng biến mất ở mọi môi trường, không chỉ ở những môi trường đã thu hẹp mà cả ở các môi trường đã mở rộng rất nhiều vào cuối Thời kỳ Băng hà sau cùng? Do vậy tôi ngờ rằng chính các thợ săn Clovis đã làm việc đó, nhưng cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết thúc. Dù lý thuyết nào được chứng minh là đúng thì hầu hết các loài thú hoang dã lớn lẽ ra đã có thể được người châu Mỹ bản địa thuần hóa cũng vì vậy mà bị xóa sổ.

Một câu hỏi nữa cũng chưa có lời giải đáp, ấy là liệu có thật các thợ săn Clovis là những người châu Mỹ đầu tiên không. Cũng như bất cứ khi nào ai đó tuyên bố tìm được cái gì đó là xưa nhất, người ta thường xuyên tuyên bố đã phát hiện được ở châu Mỹ di chỉ của những người còn xưa hơn người Clovis. Hằng năm, một vài tuyên bố như vậy quả thực có vẻ thuyết phục và hấp dẫn khi lúc đầu được đưa ra. Nhưng rồi lại không tránh khỏi nảy sinh những khó khăn trong cách diễn dịch. Liệu có thật các công cụ được tìm thấy ở các di chỉ đó là do con người làm ra không, hay chúng chỉ là những hình dạng đá tự nhiên? Liệu các niên đại cácbon phóng xạ được người ta tuyên bố kia là đúng chứ không bị loại bỏ bởi một trong rất nhiều khó khăn có thể xảy ra khi xác địnhniên đại bằng cácbon phóng xạ? Nếu niên đại là đúng thì liệu chúng có thực sự gắn liền với những sản phẩm của con người chứ không phải chỉ là một cục than 15.000 tuổi [tình cờ] nằm cạnh một công cụ bằng đá mà kỳ thực chỉ được làm ra khoảng 9.000 năm trước?

Để minh họa những vấn đề đó, ta hãy xét ví dụ điển hình sau đây về một tuyên bố tìm thấy di chỉ tiền Clovis mà người ta hay trích dẫn. Tại một hang đá ở Brazil tên là Pedra Furada các nhà khảo cổ tìm thấy những bức tranh hang động mà, không nghi ngờ gì nữa, là do con người làm ra. Trong những đống đá dưới chân một vách đá, họ cũng tìm thấy một số hòn đá mà hình dạng cho thấy có khả năng chúng là những công cụ thô sơ. Ngoài ra họ còn bắt gặp cái mà họ cho là những bếp lò trong đó có than đã đốt với niên đại khoảng 35.000 năm trước. Các bài viết về Pedra Furada được cho in trên tờ tạp chí khoa học thế giới đầy uy tín và rất ư kén chọn là Nature.

Nhưng không một hòn đá nào nơi chân vách đá đó hiển nhiên là công cụ do con người làm ra như các mũi lao Clovis và công cụ Cro-Magnon. Nếu đã có hàng trăm ngàn hòn đá từ một vách đá cao rơi xuống trong vòng hàng vạn năm thì nhiều hòn trong đó sẽ bị cắt xẻ và vỡ ra khi chạm đến các tảng đá bên dưới, trong đó một số hòn rốt cuộc sẽ trông như những công cụ thô sơ do con người ghè đẽo. Ở Tây Âu và vài nơi khác tại Amazonia, giới khảo cổ đã xác định niên đại các sắc tố được sử dụng trong các bức họa hang động, nhưng việc đó lại không được tiến hành ở Pedra Furada. Xung quanh đó thường xuyên xảy ra nạn cháy rừng tạo nên than, than này thường được gió và các dòng nước quét vào hang động. Không có bằng chứng nào nối kết những viên than có tuổi 35.000 năm với những bức tranh hang động không thể nghi ngờ ở Pedra Furada. Mặc dù những người khai quật đầu tiên vẫn tin tưởng vào quan điểm của mình, mới đây một nhóm nhà khảo cổ - vốn không tham gia khai quật nhưng cởi mở với các tuyên bố về phát hiện tiền Clovis - đã đến thăm di chỉ này, song khi trở về họ vẫn tỏ ra chưa bị thuyết phục.

Di chỉ Bắc Mỹ mà hiện nay được coi là di chỉ tiền Clovis có bằng chứng mạnh mẽ nhất là hang đá Meadowcroft ở Pennsylvania, cung cấp niên đại cácbon phóng xạ liên quan tới người khoảng 16.000 năm trước. Tại Meadowcroft không nhà khảo cổ nào phủ nhận rằng đã xuất hiện nhiều công cụ chế tác của con người ở nhiều tầng được khai quật cẩn thận. Nhưng niên đại cácbon phóng xạ xưa nhất không có ý nghĩa lắm, bởi các loài cây trồng và vật nuôi gắn liền với những di chỉ này lại là các loài vẫn sống ở Pennsylvania trong thời đại gần đây khi khí hậu ôn hòa, chứ không phải các loài thuộc thời đại băng hà cách đây 16.000 năm như người ta vẫn nghĩ. Vì vậy người ta buộc phải ngờ rằng các mẫu than có niên đại từ những lớp con người định cư xưa nhất bao gồm than sau thời Clovis lẫn với cácbon xưa hơn. Di chỉ được cho là tiền Clovis "nặng ký" nhất ở Nam Mỹ là di chỉ Monte Verde ở miền nam Chile, có niên đại ít nhất 15.000 năm trước. Di chỉ này hiện nay có vẻ cũng thuyết phục được nhiều nhà khảo cổ, song người ta vẫn phải thận trọng bởi đã nhiều lần bị tưởng bở để rồi thất vọng như thế rồi.

Nếu quả thật có những người tiền Clovis ở châu Mỹ thì tại sao việc chứng minh họ có tồn tại lại khó khăn đến như vậy? Các nhà khảo cổ đã khai quật hàng trăm di chỉ tại Mỹ mà tất cả đều có niên đại từ 2.000 đến 11.000 năm tr.CN, trong đó có hàng tá di chỉ Clovis tại miền tây Bắc Mỹ, các hang đá ở dãy Appalache và các di chỉ ở ven biển California. Dưới các lớp khảo cổ nơi sự hiện diện của con người là không thể nghi ngờ, tại nhiều di chỉ trong chính các di chỉ đó, người ta đã khai quật thêm nhiều lớp sâu hơn, xưa hơn, và tìm thấy nhiều di tích hiển nhiên của các loài thú, nhưng bằng chứng về con người thì không tìm thấy nữa. Bằng chứng về những người tiền Clovis tại châu Mỹ thật yếu ớt, trái ngược với bằng chứng mạnh mẽ ở châu Âu, nơi hàng trăm di chỉ minh chứng cho sự hiện diện của con người từ xưa hơn nhiều trước khi các thợ săn Clovis xuất hiện tại châu Mỹ khoảng 11.000 năm tr.CN. Còn hùng hồn hơn nữa là bằng chứng tại châu Úc/New Guinea, nơi chỉ có giỏi lắm là một phần mười số nhà khảo cổ so với số nhà khảo cổ chỉ riêng tại Mỹ, nhưng một dúm nhà khảo cổ đó lại đã phát hiện được trên một trăm di chỉ tiền Clovis không thể chối cãi rải rác trên toàn lục địa này.

Những con người cổ xưa chắc chắn là đã không bay bằng trực thăng từ Alaska đến Meadowcroft và Monte Verde, lướt qua tất cả các cảnh quan giữa các nơi đó. Những người biện hộ cho thuyết tiền Clovis gợi ý rằng, trong hàng ngàn hay thậm chí hàng vạn năm, những người tiền Clovis chỉ có mật độ dân số thấp hoặc khó nhận thấy được về mặt khảo cổ, vì những nguyên nhân chưa biết và chưa từng có tiền lệ ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tôi thấy đề xuất này lại còn kém thuyết phục hơn gấp bội so với đề xuất rằng vấn đề Monte Verde và Meadowcroft rốt cuộc rồi sẽ cũngđược diễn giải lại cũng như nhiều di chỉ tiền Clovis khác mà người ta từng tuyên bố. Tôi thì cảm thấy, nếu như quả thật đã có người tiền Clovis định cư ở châu Mỹ, ắt hẳn ngày nay chúng ta đã có thể thấy dấu vết hiển nhiên ở nhiều nơi chứ không phải cãi nhau suốt như vậy. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn đang bất đồng ý kiến về những vấn đề này.

Dù cách diễn giải nào là đúng đi nữa, hệ quả cho sự hiểu biết của chúng ta về tiền sử châu Mỹ gần đây vẫn là một. Hoặc, châu Mỹ đã có người đến định cư đầu tiên vào khoảng 11.000 năm tr.CN và nhanh chóng đầy người. Hoặc, việc định cư đầu tiên đã diễn ra sớm hơn (hầu hết các giả thuyết về người định cư tiền Clovis cho rằng việc đó diễn ra vào khoảng 15.000 hay 20.000 năm tr.CN, có thể 30.000 năm trước, một số nghiêm túc cho rằng còn sớm hơn nữa); song những người định cư tiền Clovis đó vẫn còn ít ỏi về số lượng, ít để lại dấu vết hoặc ít có ảnh hưởng cho mãi đến khoảng 11.000 năm tr.CN. Dẫu trường hợp nào đi nữa thì, trong năm lục địa mà con người có thể cư trú được, Bắc Mỹ và Nam Mỹ là các lục địa có giai đoạn tiền sử loài người ngắn ngủi nhất.

Với việc con người chiếm lĩnh châu Mỹ, hầu hết các khu vực có thể cư trú được của các lục địa và đảo lục địa, kể cả các hải đảo từ Indonesia đến vùng đông New Guinea đều đã có người. Việc định cư ở các hòn đảo còn lại của thế giới mãi đến thời hiện đại mới được hoàn tất: các đảo Địa Trung Hải như Crete, Cyprus5, Corsica6 và Sardinia được định cư từ 8.500 đến 4.000 năm tr.CN, các đảo Caribê bắt đầu được định cư vào khoảng 4.000 năm tr.CN, các đảo Polynesia và Micronesia từ khoảng 1.200 đến 1.000 năm tr.CN, Madagascar khoảng năm 300 CN đến 800, và Iceland vào khoảng thế kỷ thứ IX. Người châu Mỹ bản địa, có lẽ là tổ tiên của người Inuit, đã bành trướng khắp vùng Bắc Cực vào khoảng 2.000 năm tr.CN. Như vậy, những khu vực duy nhất còn lại chưa có người ở, chờ đợi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân đến trong vòng 700 năm sau đó, là những hòn đảo xa xôi nhất của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương (như quần đảo Azores và Seychelles) cộng với Nam cực.

Việc các lục địa được con người đến định cư vào những thời điểm khác nhau liệu có ý nghĩa gì đối với lịch sử từ đó về sau? Nếu có, ý nghĩa ấy là gì? Giả định rằng có một cỗ máy thời gian có khả năng đưa các nhà khảo cổ đi ngược thời gian chu du vòng quanh thế giới vào thời điểm 11.000 năm tr.CN. Xét tình hình thế giới vào thời đó, liệu các nhà khảo cổ có thể tiên đoán xem các xã hội loài người trên những lục địa khác nhau sẽ phát triển súng, vi trùng và thép theo những trình tự nào và từ đó tiên đoán tình trạng của thế giới ngày nay hay không?

Các nhà khảo cổ hẳn sẽ xét đến những lợi thế khả dĩ của nơi có lợi thế xuất phát. Nếu lợi thế xuất phát là đáng kể thì châu Phi hẳn đã có lợi thế lớn lao: ở đó người nguyên thủy đã hiện hữu như một loài riêng biệt sớm hơn ở các lục địa khác ít nhất 5 triệu năm. Ngoài ra, nếu đúng là người hiện đại đã nảy sinh ở châu Phi khoảng 100.000 năm trước rồi mới bành trướng ra các lục địa khác,điều đó hẳn đã triệt tiêu bất kỳ lợi thế nào tích lũy được ở các nơi khác tại thời điểm đó và mang lại cho châu Phi một lợi thế xuất phát mới. Hơn nữa, sự đa dạng gen của người ở châu Phi là cao nhất: một khi con người đã đa dạng hơn thì họ hợp lại ắt sẽ cho ra nhiều phát minh đa dạng hơn.

Song nhà khảo cổ của chúng ta có thể lại phản tỉnh: thực ra thì cái "lợi thế xuất phát" này có ý nghĩa gì cho mục đích của cuốn sách này? Chúng ta không được hiểu cái ẩn dụ cuộc chạy đua [giữa các châu lục] theo nghĩa đen. Nếu bảo "lợi thế xuất phát" nghĩa là quãng thời gian cần thiết để con người chiếm cứ toàn bộ một lục địa sau khi một số người tiên phong đầu tiên đặt chân lên lục địa đó, thì quãng thời gian này tương đối ngắn: không quá 1.000 năm để con người bành trướng ra toàn bộ Tân Thế giới. Còn nếu "lợi thế xuất phát" hàm ý khoảng thời gian cần thiết để thích nghi với môi trường địa phương thì tôi công nhận rằng một số môi trường có tính cực đoan quả thật là đòi hỏi phải mất thời gian để thích nghi. Chẳng hạn, người ta phải mất tới 9.000 năm mới chiếm lĩnh được Bắc Cực sau khi đã chiếm cứ toàn bộ phần còn lại của châu Mỹ. Song người ta hẳn đã khai phá và thích nghi với hầu hết các khu vực một cách nhanh chóng, một khi khả năng phát minh của con người hiện đại đã phát triển. Chẳng hạn, sau khi tổ tiên người Maori đến được New Zealand, hình như họ chỉ mất chưa đầy một thế kỷ để phát hiện ra toàn bộ các nguồn cung cấp đá đáng kể, chỉ thêm vài thế kỷ nữa để tận diệt con moa cuối cùng ở những vùng địa hình hiểm trở nhất thế giới, và chỉ thêm vài thế kỷ để tách ra thành một loạt nhiều xã hội khác nhau, từ những người săn bắt hái lượm vùng duyên hải cho đến các nông dân biết áp dụng những cách lưu trữ lương thực mới.

Vì vậy nhà khảo cổ của chúng ta hẳn sẽ nhìn sang châu Mỹ và kết luận rằng người châu Phi, tuy rõ ràng là những người có lợi thế xuất phát, hẳn đã bị những người châu Mỹ đầu tiên hất cẳng trong vòng nhiều lắm là một ngàn năm. Sau đó, do châu Mỹ rộng hơn (so với châu Phi thì rộng hơn đến 50%) và môi trường đa dạng hơn nhiều nên người châu Mỹ bản địa đã có được lợi thế so với người châu Phi.

Nhà khảo cổ sau đó hẳn sẽ nhìn sang Âu-Á và lập luận như sau: Âu-Á là lục địa lớn nhất thế giới. Nó đã có người sinh sống từ lâu hơn tất cả các lục địa khácngoại trừ châu Phi. Mặc dù châu Phi đã có người từ sớm hơn Âu-Á một triệu năm nhưng điều đó không đáng kể bởi người nguyên thủy lúc đó vẫn còn ở tình trạng hết sức sơ khai. Nhà khảo cổ của chúng ta có thể nhìn vào sự nở rộ của vùng tây nam châu Âu vào Hậu kỳ Đồ đá cũ cách đây từ 20.000 đến 12.000 năm với tất cả các tác phẩm nghệ thuật và công cụ phức tạp lừng danh đó mà tự hỏi liệu Âu-Á đã có lợi thế xuất phát ngay từ lúc đó chăng, ít nhất là trong phạm vi Âu-Á.

Cuối cùng, nhà khảo cổ sẽ quay sang châu Úc/New Guinea và trước hết sẽ lưu ý rằng đây là một khu vực nhỏ (lục địa nhỏ nhất), phần lớn bao phủ toàn sa mạc chỉ có khả năng nuôi sống một số ít người, nằm ở vị trí cô lập, và có người sinh sống muộn hơn so với châu Phi và Âu-Á. Tất cả những điều đó hẳn sẽ khiến nhà khảo cổ tiên đoán châu Úc/New Guinea sẽ phát triển chậm.

Nhưng hãy nhớ rằng người châu Úc và người New Guinea là những người có kỹ thuật hàng hải sớm nhất trên thế giới. Họ đã tạo ra những bức tranh hang động rõ ràng là muộn nhất thì cũng xưa như người Cro-Magnon ở châu Âu. Jonathan Kingdon và Tim Flannery đã lưu ý rằng việc di cư sang châu Úc/New Guinea từ các đảo ở vùng thềm lục địa châu Á đòi hỏi con người phải thích nghi được với những môi trường mới mà họ gặp trên các hòn đảo miền trung Indonesia - một mê cung những đường bờ biển cung cấp nguồn hải sản, rạn san hô và cây đước phong phú nhất trên thế giới. Khi những người định cư này vượt các eo biển chia cắt mỗi hòn đảo Indonesia với hòn đảo kế cận về phía đông, họ lại thích nghi từ đầu, chiếm lĩnh toàn bộ hòn đảo kế cận đó rồi lại tiếp tục di cư sang hòn đảo kế tiếp. Đó là một thời kỳ hoàng kim của sự bùng nổ dân số loài người mà đến nay chưa có tiền lệ. Có lẽ những chu kỳ đến định cư, thích nghi rồi bùng nổ dân số này là cái đã tạo điều kiện cho Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước mà sau đó lan truyền trở lại về phía tây đến Âu-Á và châu Phi. Nếu giả thuyết này là đúng thì châu Úc/New Guinea đã có một lợi thế xuất phát mạnh mà sau đó hẳn đã tiếp diễn hầu thúc đẩy sự phát triển của loài người tại đó mãi một thời gian dài sau Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước.

Vậy, một nhà quan sát được đưa ngược thời gian về 11.000 năm tr.CN không thể tiên đoán xem các xã hội loài người trên châu lục nào sẽ phát triển nhanh nhất, song lại có thể biện luận rằng bất cứ lục địa nào cũng có thể là nơi phát triển nhanh nhất. Dĩ nhiên, ngày nay khi mọi việc đã rồi, ta biết Âu-Á là lục địa phát triển nhanh nhất. Song, những nguyên nhân thật đằng sau sự phát triển nhanh hơn của các xã hội Âu-Á hóa ra lại hoàn toàn không phải là các nguyên nhân mà nhà khảo cổ tưởng tượng của chúng ta vào năm 11.000 tr.CN có thể hình dung. Phần còn lại của sách này bao hàm cuộc tìm kiếm hầu khám phá những nguyên nhân thật đó.

CHƯƠNG 2. Thí nghiệm tự nhiên về lịch sử

Trên quần đảo Chatham, cách New Zealand 500 dặm (khoảng 800 km, ND) về phía Đông, dân tộc Moriori từng sống nhiều thế kỷ trong độc lập nhưng rồi lại gặp kết cục tàn khốc vào tháng Mười hai năm 1835. Vào ngày 19 tháng Mười một năm đó, một con tàu chở 500 người Maori mang theo súng ống, gậy gộc và rìu đổ bộ lên quần đảo, sau đó vào ngày 5 tháng Mười hai lại thêm một tàu nữa chở 400 người Maori đến. Những nhóm người Maori bắt đầu đi khắp các làng mạc của người Moriori, tuyên bố rằng từ nay người Moriori là nô lệ của họ, ai phản đối là họ giết. Giá như người Moriori lúc đó tiến hành một cuộc kháng chiến quy mô thì hẳn đã có thể đánh bại người Maori bởi người Moriori đông gấp đôi. Tuy nhiên, người Moriori có truyền thống giải quyết các cuộc tranh chấp bằng cách hòa bình. Tại một cuộc họp cộng đồng, họ quyết định không đánh lại người Maori mà đề xuất hòa bình, hữu nghị và phân chia tài nguyên.

Nhưng người Moriori chưa kịp đưa ra đề xuất đó thì người Maori đã tấn công đại quy mô. Chỉ trong mấy ngày sau họ đã giết hàng trăm người Moriori, đem nhiều xác chết của người Moriori ra nấu nướng rồi ăn thịt, bắt tất cả những người khác làm nô lệ và chỉ vài năm sau đã tùy ý giết chết hầu hết số người đó. Một người Moriori sống sót kể lại: "Người Maori bắt đầu giết chúng tôi như giết cừu... Chúng tôi sợ chết khiếp, trốn trong bờ trong bụi, nấp trong hố dưới đất, bất cứ ở đâu để tránh kẻ thù. Nhưng vô ích; họ tìm ra và giết hết chúng tôi, không phân biệt đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé". Một người chinh phục Maori giải thích: "Chúng tôi nắm quyền sở hữu theo phong tục của chúng tôi, chúng tôi bắt hết người. Không ai thoát cả. Một vài người bỏ chạy, những kẻ đó chúng tôi giết, những người khác chúng tôi cũng giết - thì đã sao? Đó là theo phong tục của chúng tôi mà".

Hậu quả tàn khốc của sự đụng độ này giữa người Moriori với người Maori lẽ ra có thể dễ dàng tiên đoán được. Người Moriori là một nhóm người săn bắt hái lượm nhỏ sống cô lập, chỉ có công nghệ và các vũ khí thô sơ nhất, hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến tranh, lại thiếu người lãnh đạo hay tổ chức mạnh. Những người Maori xâm lược (từ đảo Bắc New Zealand) đến từ một vùng đông dân cư gồm những người làm nông thường xuyên dính vào những cuộc chiến tranh khốc liệt, có công nghệ và vũ khí tiên tiến hơn, hoạt động dưới quyền một nhóm lãnh đạo mạnh. Dĩ nhiên, khi hai nhóm này rốt cuộc cũng tiếp xúc với nhau thì chính người Maori tàn sát người Moriori chứ không phải là ngược lại.

Bi kịch của người Moriori giống như nhiều tấn bi kịch khác đã diễn ra ở cả thế giới hiện đại lẫn thế giới cổ xưa, khi những dân tộc đông người và được trang bị tốt đối đầu với những dân tộc ít người và trang bị kém. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa người Maori và người Moriori soi sáng cho chúng ta một cách đáng buồn rằng cả hai nhóm này đã tách ra từ một nguồn chung trước đó chưa đầy một ngàn năm. Cả hai đều là dân Polynesia. Người Maori hiện đại là hậu duệ của các nông dân Polynesia từng di cư sang New Zealand vào khoảng năm 1000. Chẳng bao lâu sau đó, một nhóm người Maori này đến lượt mình lại di cư sang quần đảo Chatham và trở thành người Moriori. Trong các thế kỷ sau khi hai nhóm tách nhau ra, họ tiến hóa theo hai hướng trái ngược nhau, người Maori ở Đảo Bắc phát triển công nghệ và tổ chức chính trị phức tạp hơn, người Moriori thì ít phức tạp hơn. Người Moriori trở lại sống bằng săn bắt hái lượm, còn người Maori Đảo Bắc chuyển sang làm nông nghiệp triệt để hơn.

Những lộ trình tiến hóa trái ngược nhau này đã quyết định hệ quả khi hai nhóm này rốt cuộc đối đầu nhau. Nếu ta có thể hiểu những nguyên nhân dẫn tới sự phát triển khác biệt nhau của hai nhóm xã hội hải đảo này, ấy là ta đã có một mẫu hình để thấu hiểu câu hỏi lớn hơn là những hướng phát triển khác nhau trên các lục địa khác nhau.

Lịch sử Moriori và Maori là một thí nghiệm nhanh trên quy mô nhỏ nhằm kiểm chứng xem môi trường có ảnh hưởng thế nào lên xã hội loài người. Trước khi đọc cả một cuốn sách khảo cứu những tác động của môi trường trên quy mô thật lớn - chẳng hạn như tác động lên các xã hội loài người trong vòng 13.000 năm trở lại đây - hẳn bạn cần có sự đảm bảo - từ các thí nghiệm nhỏ hơn - rằng những tác động đó là thực sự quan trọng. Nếu bạn là nhà khoa học phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu chuột, bạn hẳn sẽ tiến hành một thí nghiệm như vậy bằng cách lấy một đàn chuột, chia số chuột tổ tiên này ra thành nhiều chuồng mỗi chuồng có một môi trường khác nhau, đến khi chuột đã sinh sôi được nhiều thế hệ thì bạn quay lại xem điều gì đã xảy ra. Dĩ nhiên, những thí nghiệm có chủ đích này không thể thực hiện đối với các xã hội loài người. Thay vào đó, nhà khoa học phải tìm những "thí nghiệm tự nhiên" mà ở đó một điều gì tương tự cũng đã xảy ra với con người trong quá khứ.

Một thí nghiệm như vậy đã diễn ra trong quá trình con người di cư sang Polynesia. Rải rác khắp Thái Bình Dương bên ngoài New Guinea và Melanesia là hàng ngàn hòn đảo khác nhau rất nhiều về diện tích, mức độ cô lập, độ cao, khí hậu, tính năng sản, tài nguyên địa chất và tài nguyên sinh học (Hình 2.1). Trong hầu hết lịch sử loài người, các hòn đảo này nằm ngoài tầm với của kỹ thuật hàng hải. Vào khoảng 1.200 năm tr.CN một nhóm người làm nông, đánh cá và đi biển từ quần đảo Bismarck về phía Bắc New Guinea cuối cùng cũng tới được một vài đảo trong số này. Trong vài thế kỷ sau, hậu duệ của họ đã định cư ở hầu như bất cứ rẻo đất nào có thể sống được ở Thái Bình Dương. Quá trình này hầu như hoàn tất vào năm 500, vài ba hòn đảo cuối cùng cũng có người định cư từ sau năm 1000.

Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian không dài, những môi trường hải đảo hết sức đa dạng đã được chiếm lĩnh bởi những người định cư mà tất cả đều phát nguyên từ cùng một nhóm người thủy tổ. Thủy tổ tất cả những người Polynesia ngày nay đều có cùng một nền văn hóa, ngôn ngữ và công nghệ như nhau, cùng một số cây trồng và vật nuôi như nhau. Từ đó, lịch sử Polynesia là một thí nghiệm tự nhiên cho phép ta nghiên cứu sự thích nghi của con người mà không vướng phải những khó khăn thường gặp khiến ta nản lòng khi nghiên cứu những làn sóng di dân khác nhau hòng thấu hiểu sự thích nghi của con người ở các nơi khác trên thế giới.

Trong phạm vi thí nghiệm cỡ trung này, số phận của người Moriori là một thí nghiệm nhỏ hơn. Mô tả cho thấy các môi trường khác nhau ở quần đảo Chatham và New Zealand đã nhào nặn nên những người Moriori và Maori khác nhau đến thế nào là việc không khó. Tuy những người gốc gác Maori đầu tiên di cư sang Chatham có thể vẫn làm nghề nông, song vì các cây trồng nhiệt đới Maori không thể mọc ở khí hậu lạnh của vùng Chatham cho nên những người định cư này chẳng có cách nào khác ngoài trở lại sống bằng săn bắt hái lượm. Bởi là người săn bắt hái lượm nên họ không sản xuất ra lương thực thặng dư đủ để tái phân phối hay dự trữ, họ không thể nuôi ăn những thợ thủ công, quân đội, quan lại và tù trưởng chuyên làm việc của mình mà không săn bắt. Con mồi của họ là hải cẩu, sò ốc, chim biển làm tổ và cá, những loài có thể bắt bằng tay hay bằng gậy và không cần phải có công nghệ tinh xảo. Ngoài ra, Chatham gồm những hòn đảo tương đối nhỏ và cách xa nhau, chỉ có thể nuôi sống một nhóm người săn bắt hái lượm với nhân khẩu không quá hai ngàn. Không còn hòn đảo nào khác để đến định cư, người Moriori đành phải ở lại quần đảo Chatham và học cách sống hòa thuận với nhau. Họ làm được điều đó bằng cách từ bỏ chiến tranh, và họ giảm thiểu những xung đột tiềm tàng do dân số quá đông bằng cách thiến một số bé trai. Kết quả là người Moriori trở thành một nhóm người nhỏ không ưa chiến tranh, có công nghệ và vũ khí thô sơ, không có người lãnh đạo hoặc cơ cấu tổ chức mạnh.

(Các vùng/đảo có tên trong ngoặc đơn thì không phải là Polynesia).

Ngược lại, phần phía bắc (ấm hơn) của New Zealand, nhóm đảo lớn nhất ở Polynesia, thì thích hợp với nghề nông của người Polynesia. Những người Maori nào ở lại New Zealand thì sinh sôi nảy nở dần cho đến khi đạt tới dân số hơn 100.000 người. Họ phát triển thành những nhóm dân cư đông đúc thường xuyên đánh nhau ác liệt với các nhóm láng giềng. Với chỗ lương thực thặng dư có thể trồng và dự trữ được, họ có thể nuôi ăn các thợ thủ công, tù trưởng và binh lính làm việc bán thời gian. Họ cần có và đã phát triển được nhiều công cụ để thu hoạch mùa màng, chiến đấu và làm nghệ thuật. Họ dựng lên những công trình tế lễ tinh vi và nhiều pháo đài sừng sững.

Như vậy, các xã hội Moriori và Maori đã phát triển từ cùng một xã hội tổ tiên nhưng theo hai hướng rất khác nhau. Hai xã hội phát sinh từ đó không còn biết đến sự tồn tại của nhau và không hề tiếp xúc lại với nhau trong suốt nhiều thế kỷ, có thể tới 500 năm. Cuối cùng, một con tàu săn hải cẩu của Úc ghé thăm quần đảo Chatham trên đường đến New Zealand đã mang về New Zealand thông tin về những hòn đảo nơi "biển ê hề, cơ man nào là cá; ao hồ lèn chặt những lươn là lươn; lại có lắm quả dâu karaka... Dân cư rất đông, nhưng họ không biết đánh nhau, không có vũ khí". Tin ấy là quá đủ để xui 900 người Maori dong thuyền đến quần đảo Chatham. Hệ quả này cho thấy rõ môi trường có thể ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, công nghệ, tổ chức chính trị và kỹ năng chiến đấu của con người trong một thời gian ngắn.

Như tôi đã nhắc ở trên, sự đụng độ Maori-Moriori là một thí nghiệm nhỏ bên trong một thí nghiệm cỡ trung. Ta có thể học được gì từ các dân Polynesia về ảnh hưởng của môi trường lên xã hội loài người? Những khác biệt nào giữa các xã hội khác nhau trên những đảo Polynesia khác nhau cần phải được chúng ta lý giải đến nơi đến chốn?

Polynesia, về tổng thể, bao gồm một loạt điều kiện môi trường đa dạng hơn nhiều so với New Zealand và quần đảo Chatham mặc dù Chatham là một thái cực (cực đơn giản) của tổ chức xã hội Polynesia. Về loại hình phương thức tồn tại, người Polynesia bao gồm từ dân săn bắt hái lượm ở quần đảo Chatham, những người trồng trọt chuyên chặt rừng đốt rẫy, cho đến những nông dân sản xuất lương thực thâm canh sống ở một trong những quần thể dân cư dày đặc nhất so với bất cứ xã hội loài người nào khác. Những người sản xuất lương thực Polynesia nuôi thâm canh lợn, chó hoặc gà. Họ tổ chức lực lượng lao động để xây dựng các hệ thống tưới tiêu lớn phục vụ nông nghiệp và xây những hồ lớn để nuôi cá. Cơ sở kinh tế của các xã hội Polynesia bao gồm những hộ gia đình ít nhiều tự cấp tự túc, nhưng ở một số đảo cũng có cả những hội thợ thủ công bán chuyên nghiệp cha truyền con nối. Về tổ chức xã hội, các xã hội Polynesia bao gồm từ những xã hội làng xã tương đối bình đẳng cho đến một số xã hội thuộc loại nhiều đẳng cấp nhất trên thế giới, với nhiều dòng dõi cha truyền con nối theo thứ bậc, có đẳng cấp tù trưởng và lớp thường dân, ai ở giai cấp nào thì chỉ lấy vợ lấy chồng trong giai cấp đó. Về tổ chức chính trị, các đảo Polynesia bao gồm từ các vùng bị chia cắt thành những đơn vị làng hoặc bộ lạc độc lập cho tới những đế quốc sơ khai trải rộng trên nhiều đảo, có quân đội thường trực đi xâm chiếm các hòn đảo khác và tiến hành chiến tranh chinh phạt. Cuối cùng, về văn hóa vật thể, Polynesia bao gồm từ những xã hội chỉ biết sản xuất dụng cụ cá nhân cho đến các xã hội xây dựng được những công trình kỳ vĩ bằng đá. Làm sao lý giải được sự đa dạng đến nhường này?

Góp phần vào những khác biệt đó giữa các xã hội Polynesia là ít nhất sáu tập biến tố môi trường giữa các hòn đảo Polynesia: khí hậu đảo, loại hình địa chất, tài nguyên biển, diện tích, độ cắt xẻ địa hình, mức độ cô lập. Ta hãy xét chuỗi nhân tố này trước khi xét hậu quả cụ thể của chúng đối với các xã hội Polynesia.

Khí hậu Polynesia thay đổi từ khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới ấm áp trên hầu hết các đảo nằm gần xích đạo, cho đến khí hậu ôn hòa ở hầu hết các đảo New Zealand, và khí hậu cận Nam cực lạnh trên quần đảo Chatham và phần phía nam của Đảo Nam thuộc New Zealand. Đảo Lớn của Hawaii, mặc dù nằm ngay trong vùng hạ chí tuyến, có những ngọn núi đủ cao để có môi trường sống cho các loài ở vùng núi, thỉnh thoảng còn có cả tuyết rơi. Lượng mưa thay đổi từ cao nhất thế giới (tại Fjorland thuộc New Zealand và đầm lầy Alakai trên đảo Kauai thuộc Hawaii) cho đến chỉ bằng một phần mười như vậy ở những đảo khô đến mức khó lòng trồng trọt gì được.

Loại hình địa chất của các đảo bao gồm đảo san hô, đảo đá vôi nổi, đảo núi lửa, mảnh lục địa, và hỗn hợp giữa các loại trên. Ở một cực, vô số hòn đảo nhỏ, như các đảo ở quần đảo Tuamotu, là những đảo san hô phẳng, thấp, chỉ cao hơn mực nước biển chút ít. Những đảo san hô khác như Henderson và Rennell thì lại được nâng lên cao hơn mực nước biển rất xa để thành những đảo đá vôi nổi. Cả hai loại đảo san hô này đều khó định cư đối với con người bởi chúng gồm toàn đá vôi chứ không có loại đá nào khác, chỉ có lớp đất cực mỏng và không có nước ngọt thường xuyên. Ở cực đối lập, hòn đảo Polynesia lớn nhất, New Zealand, là một vùng đất cổ, đa dạng về địa chất, một mảnh của lục địa Gondwana, có nhiều tài nguyên khoáng sản trong đó có sắt, than, vàng và ngọc bích có thể khai thác thương mại. Hầu hết các đảo Polynesia lớn khác là những núi lửa trồi lên khỏi mặt biển, chưa bao giờ là một phần lục địa và có thể bao gồm hoặc không bao gồm những khu vực đá vôi. Tuy thiếu sự phong phú về địa chất của New Zealand, các đảo núi lửa đại dương ít nhất cũng khá hơn các đảo san hô (theo quan điểm Polynesia) ở chỗ chúng có nhiều loại đá núi lửa đa dạng trong đó có những loại rất thích hợp để làm công cụ đá.

Bản thân các đảo núi lửa cũng rất khác nhau. Một số nhô cao hơn nên có mưa trên núi vì vậy các đảo này có thời tiết phân biệt rõ rệt, có lớp đất sâu và dòng chảy thường xuyên. Đó là trường hợp các đảo Society, Samoa, Marquesas và đặc biệt Hawaii, quần đảo Polynesia có những ngọn núi cao nhất. Trong số các hòn đảo thấp hơn, Tonga và (ở mức độ thấp hơn) đảo Phục Sinh cũng có lớp đất màu mỡ vì có tro núi lửa rơi xuống nhưng lại thiếu những dòng chảy lớn như ở Hawaii.

Về tài nguyên biển, hầu hết các đảo Polynesia đều được nước nông và đá ngầm bao quanh, nhiều đảo lại vây quanh những đầm phá. Những môi trường này đầy ắp cá tôm, sò ốc. Tuy nhiên, bờ biển lắm đá của đảo Phục Sinh, Pitcairn và quần đảo Marquesas, cũng như đáy biển dốc và xung quanh không có rạn san hô khiến cho các đảo này cung cấp ít hải sản hơn nhiều.

Diện tích cũng là một biến tố hiển nhiên khác. Từ 100 ha như Anuta, hòn đảo Polynesia nhỏ nhất có người thường trú, cho tới 103.000 dặm vuông7 của tiểu lục địa New Zealand. Địa hình có thể sinh sống được của một số đảo, đặc biệt là Marquesas, bị những dãy núi chia cắt thành các thung lũng dốc, trong khi những đảo khác như Tonga và Phục Sinh lại có địa hình hơi mấp mô không gây trở ngại gì cho việc đi lại và giao tiếp.

Biến tố môi trường cuối cùng cần xét là mức độ cô lập. Đảo Phục Sinh và quần đảo Chatham nhỏ bé và xa các đảo khác đến nỗi khi đã có con người đặt chân tới rồi, các xã hội hình thành từ đó phát triển một cách hoàn toàn cách biệt với phần còn lại của thế giới. New Zealand, Hawaii và Marquesas cũng rất xa, nhưng ít nhất thì Hawaii và Marquesas rõ ràng đã có vài sự giao tiếp với các quần đảo khác sau khi có người đặt chân đến đầu tiên, và cả ba đều bao gồm nhiều đảo đủ gần nhau để những người sống trên các đảo khác nhau của cùng một quần đảo có thể thường xuyên giao tiếp với nhau. Hầu hết các đảo Polynesia khác đều ít nhiều có giao tiếp với các đảo khác. Đặc biệt, quần đảo Tonga nằm gần các quần đảo Fiji, Samoa và Wallis đủ để cho phép người ta đi lại thường xuyên giữa các quần đảo này và rốt cuộc đã cho phép người Tonga tiến hành chinh phục Fiji.

Sau khi lướt qua những môi trường khác nhau của Polynesia, giờ ta hãy xem các biến tố đó ảnh hưởng thế nào đến các xã hội Polynesia. Phương tiện sinh tồn là một khía cạnh thuận lợi để chúng ta khảo sát đầu tiên, bởi đến lượt mình nó ảnh hưởng đến các khía cạnh khác.

Phương tiện sinh tồn của người Polynesia bao gồm nhiều kết hợp khác nhau giữa đánh cá, hái lượm quả dại, bắt tôm cua sò ốc, săn các loài chim sống trên mặt đất và chim biển đang giao phối, và sản xuất lương thực. Hầu hết các đảo Polynesia ban đầu là nơi sinh sống của những loài chim lớn không biết bay từng tiến hóa trong hoàn cảnh không hề bị bất cứ loài nào săn để ăn thịt, mà ví dụ nhiều người biết nhất là loài moa New Zealand và ngỗng không biết bay của Hawaii. Tuy các loài chim này từng là nguồn lương thực quan trọng cho những người đến định cư đầu tiên, nhất là trên Đảo Nam của New Zealand, song hầu hết chẳng bao lâu sau đều tuyệt chủng trên tất cả các đảo vì chúng quá dễ săn. Chim biển giao phối cũng nhanh chóng sụt giảm về số lượng nhưng vẫn là nguồn thực phẩm quan trọng trên một vài đảo. Tài nguyên biển là quan trọng trên hầu hết các đảo nhưng ở đảo Phục Sinh, Pitcairn và Marquesas thì lại không quan trọng lắm bởi dân cư các đảo này sống bằng lương thực tự sản xuất là chính.

Người Polynesia xa xưa mang theo ba loài vật đã thuần hóa (lợn, gà và chó) đến những nơi định cư mới và không thuần hóa thêm bất cứ loài vật nào khác ở Polynesia. Nhiều đảo vẫn giữ tất cả ba loài đó, song những đảo Polynesia cô lập hơn thì không còn giữ một trong ba loài ấy hay còn nhiều hơn vậy, hoặc vì gia súc chở trên xuồng không sống được đến cuối cuộc hành trình dài trên biển hoặc vì gia súc một khi đã chết thì không thể đưa gia súc từ ngoài vào thay thế được. Chẳng hạn, New Zealand bị cô lập nên rốt cuộc chỉ còn mỗi loài chó; đảo Phục Sinh và Tikopia chỉ còn lại mỗi gà. Vì không thể tiếp cận các rạn san hô hay những vùng nước nông giàu hải sản còn những loài chim sống trên cạn thì nhanh chóng tuyệt chủng, dân đảo Phục Sinh đành chuyển sang xây chuồng gà để thâm canh nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, ba loài vật đã thuần hóa đó giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn dăm ngày ba bữa. Sản xuất lương thực của người Polynesia phụ thuộc chủ yếu vào cây trồng, nhưng ở các vĩ độ cận Nam cực thì không thể trồng trọt được bởi tất cả các loại cây trồng Polynesia đều là cây vùng nhiệt đới, được thuần hóa ở nơi khác rồi mới được di dân mang đến Polynesia. Vì vậy những người định cư ở Chatham và vùng phía nam giá lạnh của Đảo Nam New Zealand buộc phải từ bỏ di sản trồng trọt của tổ tiên tự hàng ngàn năm trước để lại trở thành dân săn bắt hái lượm.

Dân cư trên các đảo Polynesia còn lại thì có làm nông nghiệp dựa trên các loại cây trồng đất khô (nhất là khoai sọ, khoai mỡ, khoai lang), cây trồng tưới nước (chủ yếu khoai sọ) và cây trồng có thân (như quả sa-kê8, chuối và dừa). Năng suất và tầm quan trọng tương đối của các loại cây trồng này thay đổi đáng kể từ đảo này sang đảo khác tùy theo môi trường. Mật độ dân cư của người là thấp nhất trên đảo Henderson, Rennell và các đảo san hô do đất cằn và ít nước ngọt. Mật độ cũng thấp ở New Zealand có khí hậu ôn hòa bởi nơi đây quá lạnh so với một số loại cây trồng Polynesia. Người Polynesia trên các đảo này và một số đảo khác làm nông nghiệp theo lối không thâm canh mà là du canh, đốt rừng làm rẫy.

Những đảo khác có đất màu mỡ nhưng lại không đủ cao để có những dòng chảy lớn thường xuyên, do đó cũng không thể có kênh mương. Cư dân các đảo này làm nông nghiệp thâm canh trên đất khô nên cần phải đầu tư nhiều sức lực để đắp nền, phủ bổi, xoay vòng cây, giảm thiểu hoặc loại trừ hẳn những thời kỳ bỏ hóa đất và chăm sóc các đồn điền. Nông nghiệp đất khô trởnên đặc biệt có năng suất cao ở đảo Phục Sinh, đảo Anuta bé tí và đảo Tonga phẳng, thấp, nơi người Polynesia dành hầu hết diện tích đất để trồng lương thực.

Ngành nông nghiệp có năng suất cao nhất ở Polynesia là trồng khoai sọ ở các cánh đồng có tưới tiêu. Trong số các hòn đảo nhiệt đới đông dân nhất, lựa chọn này bị loại trừ đối với Tonga do đảo này có độ cao thấp nên thiếu sông ngòi. Nông nghiệp tưới tiêu đạt tới đỉnh cao ở các đảo cực tây Hawaii gồm Kauai, Oahu và Molokai vốn đủ rộng và ẩm ướt để có không chỉ những dòng chảy lớn thường xuyên mà cả dân số đông để có thể xây dựng các công trình. Những người lao dịch Hawaii đã xây dựng các hệ thống tưới tiêu tinh vi cho các cánh đồng khoai sọ cho năng suất đến 24 tấn một hécta, năng suất cây trồng cao nhất trên toàn Polynesia. Năng suất này đến lượt mình lại cho phép thâm canh nuôi lợn. Hawaii cũng là nơi duy nhất ở Polynesia sử dụng lao động quy mô lớn cho nghề thủy sản, xây những ao cá lớn để nuôi cá măng và cá đối. Do hệ quả việc phương tiện sinh tồn có liên quan đến biến tố môi trường, nên mật độ dân cư (đo bằng đơn vị số đầu người trên dặm vuông đất có thể trồng trọt) thay đổi khá nhiều trên toàn Polynesia. Mật độ thấp nhất là những người săn bắt hái lượm ở quần đảo Chatham (chỉ 5 người trên một dặm vuông) và Đảo Nam của New Zealand cũng như những người làm nông trên phần còn lại của New Zealand (28 người trên một dặm vuông). Ngược lại, nhiều hòn đảo có nền nông nghiệp thâm canh đạt mật độ dân số tới 210-250 người trên một dặm vuông, ở Hawaii lên tới 300. Cực cao nhất là 1.100 người trên một dặm vuông ở hòn đảo đất cao Anuta nơi cư dân đã biến hầu như toàn bộ hòn đảo thành đất thâm canh nông nghiệp cho nên chỉ vỏn vẹn một hécta mà lèn chặt tới 160 người, trở thành một trong những quần thể dân cư có mật độ cao nhất thế giới. Mật độ dân cư của Anuta vượt cả mật độ của Hà Lan hiện nay và thậm chí ngang ngửa với Bangladesh.

Quy mô dân số là tích số của mật độ dân cư (số người trên dặm vuông) và diện tích (dặm vuông). Diện tích ở đây không phải là diện tích một hòn đảo mà là diện tích của một đơn vị chính trị, vốn có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn một hòn đảo. Một mặt, những hòn đảo gần nhau có thể được kết hợp thành một đơn vị chính trị duy nhất. Mặt khác, những hòn đảo duy nhất với địa hình cắt xẻ được chia thành nhiều đơn vị chính trị độc lập. Vì vậy, diện tích một đơn vị chính trị thay đổi không chỉ theo diện tích một hòn đảo mà cả theo mức độ chia cắt và tách biệt của hòn đảo đó.

Với những hòn đảo nhỏ tách biệt mà không có những rào cản lớn đối với sự giao tiếp trong nội bộ đảo thì toàn bộ đảo là một đơn vị chính trị duy nhất, như trong trường hợp Anuta với vỏn vẹn 160 người. Nhiều đảo lớn hơn chẳng bao giờ thống nhất được về mặt chính trị, hoặc vì dân cư bao gồm nhiều bộ lạc khác nhau, mỗi bộ lạc chỉ gồm vài chục người săn bắt hái lượm (như quần đảo Chatham và phía nam Đảo Nam của New Zealand) hoặc gồm những người làm nông sống rải rác cách xa nhau (phần còn lại của New Zealand) hoặc những nông dân cư trú với mật độ cao song ở vùng địa hình lởm chởm gây trở ngại cho việc thống nhất về chính trị. Chẳng hạn, dân cư ở những thung lũng sườn dốc kề cận nhau ở Marquesas chỉ giao tiếp với nhau chủ yếu bằng đường biển; mỗi thung lũng là một thực thể chính trị độc lập gồm dăm ngàn cư dân, và hầu hết các đảo lớn của quần đảo Marquesa vẫn chia cắt thành nhiều thực thể như vậy.

Địa hình các đảo Tonga, Samoa, Society và các đảo Hawaii thì lại cho phép thống nhất chính trị trong nội bộ các đảo, cho ra những đơn vị chính trị gồm 10.000 người hay nhiều hơn (trên 30.000 đối với các đảo lớn của Hawaii). Khoảng cách giữa các đảo của quần đảo Tonga cũng như khoảng cách giữa Tonga với các quần đảo láng giềng là đủ gần để rốt cuộc người ta có thể thiết lập một đế quốc đa đảo bao gồm 40.000 người. Vậy là, các đơn vị chính trị ở Polynesia thay đổi về quy mô từ dăm chục người đến bốn vạn người.

Dân số của một đơn vị chính trị tương tác với mật độ dân số có ảnh hưởng đến công nghệ và tổ chức kinh tế, xã hội và chính trị của người Polynesia. Nói chung, dân số càng đông và mật độ càng cao thì công nghệ và tổ chức càng phức tạp và chuyên biệt, vì những nguyên nhân mà chúng ta sẽ xét chi tiết ở các chương sau. Nói ngắn gọn, khi mật độ dân cư cao thì chỉ một phần dân chúng trở thành nông dân, nhưng họ được huy động để dành hết công sức làm nông nghiệp thâm canh, nhờ đó có lương thực thặng dư đặng nuôi sống những người không sản xuất. Những người không trực tiếp sản xuất mà chuyên huy động nông dân là các tù trưởng, tăng lữ, quan lại và binh lính. Các đơn vị chính trị lớn nhất có thể tập hợp lực lượng lao động lớn để xây dựng các hệ thống tưới tiêu và ao cá, những việc này lại càng giúp tăng cường sản xuất lương thực. Những diễn biến này đặc biệt thấy rõ tại Tonga, Samoa và đảo Society, tất cả đều màu mỡ, mật độ dân số cao và diện tích tương đối rộng theo chuẩn của Polynesia. Những xu hướng này đạt tới đỉnh cao trên quần đảo Hawaii bao gồm những hòn đảo Polynesia rộng nhất ở vùng nhiệt đới, nơi mật độ dân số cao và diện tích đất rộng nên các tù trưởng có thể huy động những lực lượng lao động rất lớn khi cần.

Những biến đổi khác nhau trong các xã hội Polynesia gắn liền với sự khác nhau về mật độ dân số và quy mô dân số là như sau: Nền kinh tế đơn giản nhất là nền kinh tế trên những đảo có mật độ dân số thấp (như săn bắt hái lượm trên đảo Chatham), quy mô dân số thấp (các đảo san hô nhỏ) hay cả mật độ thấp lẫn quy mô dân số thấp. Ở các xã hội này mỗi gia đình tự làm lấy những gì mình cần; ít có hoặc không có sự chuyên môn hóa trong kinh tế. Sự chuyên môn hóa tăng lên ở các đảo lớn hơn, dân cư đông hơn, đạt đỉnh cao ở Samoa, các đảo Society, đặc biệt là ở Tonga và Hawaii. Hai hòn đảo vừa nhắc sau cùng này có những thợ thuyền bán chuyên nghiệp cha truyền con nối trong đó có những thợ đóng xuồng, hoa tiêu, thợ xây đá, thợ bắn chim và thợ xăm mình.

Tính phức tạp xã hội cũng thay đổi theo cách tương tự. Lại nữa, quần đảo Chatham và các đảo san hô có những xã hội đơn giản nhất, bình đẳng nhất. Tuy các đảo này vẫn duy trì truyền thống nguyên thủy của người Polynesia là có tù trưởng, song các tù trưởng của họ ít có hoặc không hề có những dấu hiệu phân biệt thấy rõ, sống trong những túp lều giống như của thường dân, và cũng tự trồng trọt hay săn bắt lương thực cho chính mình như mọi người. Sự phân biệt xã hội và quyền lực của tù trưởng tăng lên ở các đảo có mật độ cao và đơn vị chính trị lớn, đặc biệt là ở Tonga và Society.

Tính phức tạp xã hội cũng lại đạt đỉnh cao ở quần đảo Hawaii, nơi những người là hậu duệ của tù trưởng được chia thành tám dòng dõi theo thứ bậc. Thành viên các dòng dõi tù trưởng này không kết hôn với thường dân mà chỉ kết hôn với nhau, đôi khi thậm chí với cả anh chị em ruột, anh chị em cùng mẹ hoặc cùng cha. Thường dân phải cúi rạp mình trước mặt các tù trưởng quyền cao chức trọng. Mọi thành viên của dòng dõi tù trưởng, quan lại và một số thợ thủ công được miễn làm công việc sản xuất lương thực.

Cơ cấu chính trị cũng theo đúng xu hướng đó. Trên quần đảo Chatham và các đảo san hô, tù trưởng chẳng có nhiều quyền để ra lệnh, các quyết định đều đạt được thông qua thảo luận chung, và quyền sở hữu đất đai nằm trong tay cộng đồng với tư cách toàn thể chứ không phải trong tay tù trưởng. Những đơn vị chính trị lớn hơn, mật độ dân số cao hơn thì tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay tù trưởng. Tính phức tạp về chính trị là cao nhất ở Tonga và Hawaii nơi quyền lực của tù trưởng cha truyền con nối cũng gần như của vua chúa ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đất đai là do tù trưởng cai quản chứ không phải thường dân. Dùng các quan lại được bổ nhiệm làm trung gian, tù trưởng tiến hành trưng thu lương thực của thường dân và trưng dụng họ làm việc ở các công trình xây dựng. Hình thức các công trình này khác nhau tùy đảo: các hệ thống tưới tiêu và ao cá ở Hawaii, các trung tâm nhảy múa và lễ hội ở Marquesas, mộ tù trưởng ở Tonga, đền đài ở Hawaii, đảo Society và đảo Phục Sinh.

Vào thời điểm người châu Âu đặt chân đến Polynesia ở thế kỷ XVIII, tù trưởng quốc hay nhà nước Tonga đã trở thành một đế quốc liên quần đảo. Vì bản thân quần đảo Tonga khá san sát nhau và gồm một số đảo có địa hình không chia cắt, nên mỗi đảo đều được thống nhất dưới quyền một tù trưởng duy nhất; sau đó các tù trưởng cha truyền con nối trên hòn đảo lớn nhất của Tonga (Tongatapu) thống nhất toàn bộ quần đảo, cuối cùng họ chinh phục cả những đảo khác bên ngoài quần đảo mà hòn xa nhất cách những 500 dặm (800 km, ND). Họ thường xuyên buôn bán đường dài với Fiji và Samoa, thiết lập những điểm định cư của người Tonga ở Fiji và bắt đầu tấn công, xâm chiếm từng phần của Fiji. Việc chinh phục và cai quản cái đế quốc hải đảo sơ khai này thực hiện được nhờ những hạm đội gồm các chiếc xuồng lớn mỗi chiếc chứa được tới 150 người.

Cũng như Tonga, Hawaii đã trở thành một thực thể chính trị bao gồm vài hòn đảo đông dân, song là một thực thể chính trị chỉ gói gọn trong một quần đảo duy nhất bởi vị trí cực kỳ cách biệt của nó. Tại thời điểm người châu Âu "phát hiện" ra Hawaii vào năm 1778, sự thống nhất chính trị đã diễn ra trong từng hòn đảo Hawaii và đã manh nha có vài sự hợp nhất chính trị giữa nhiều hòn đảo. Bốn đảo rộng nhất - Đảo Lớn (Hawaii theo nghĩa hẹp), Maui, Oahu và Kauai - vẫn độc lập, nắm quyền kiểm soát (hoặc dùng mánh khóe để tranh nhau quyền kiểm soát) các đảo nhỏ hơn (Lanai, Molokai, Kahoolawe và Niihau). Sau khi người châu Âu đến, Vua Kamehameha Đệ Nhất của Đảo Lớn nhanh chóng tiến hành hợp nhất các đảo lớn bằng cách mua súng và tàu thuyền của người châu Âu để xâm chiếm và chinh phục đầu tiên là Maui, sau đó Oahu.

Rồi Kamehameha đã chuẩn bị xâm lăng hòn đảo Hawaii cuối cùng còn độc lập là Kauai, nhưng cuối cùng tù trưởngđảo này đạt được một giải pháp với nhà vua thông qua đàm phán, đến đây cuộc thống nhất quần đảo đã hoàn tất.

Loại biến tố còn lại giữa các xã hội Polynesia mà chúng ta cần xét là các công cụ và những phương diện khác của văn hóa vật thể. Việc mỗi nơi có những loại nguyên liệu thô khác nhau có tác động rõ rệt đến nền văn hóa vật thể. Ở một thái cực là Đảo Henderson, một rạn san hô nổi lên trên mặt biển và không có loại đá nào khác ngoài đá vôi. Cư dân trên đảo chỉ còn biết chế tác ra những chiếc rìu lưỡi vòm bằng vỏ trai. Ở thái cực đối lập là người Maori trên tiểu lục địa New Zealand, có trong tay một loạt nhiều loại nguyên liệu thô và trở nên đặc biệt đáng chú ý ở cách họ sử dụng ngọc bích. Giữa hai thái cực đó là các đảo núi lửa đại dương của Polynesia, vốn thiếu đá granit, đá lửa và các loại đá lục địa khác nhưng ít nhất cũng có đá núi lửa, người Polynesia chế tác đá này thành những chiếc rìu đá được mài hay đánh bóng dùng để phát quang đất làm ruộng.

Về các loại vật dụng chế tác, dân quần đảo Chatham chẳng cần gì lắm ngoài những chiếc dùi cui và gậy cầm tay để giết hải cẩu, chim và tôm hùm. Cư dân hầu hết các đảo khác thì tạo ra rất nhiều vật dụng khác nhau, gồm lưỡi câu, rìu, đồ trang sức và nhiều vật khác nữa. Trên các đảo san hô, cũng như ở Chatham, các vật dụng này nhỏ, tương đối đơn giản, ai làm ra thì của người ấy, còn kiến trúc thì chẳng có gì hơn là những túp lều đơn sơ. Các hòn đảo lớn và đông dân thì có những thợ thủ công chuyên nghiệp làm ra nhiều thứ vật phẩm gây uy thế dành riêng cho tù trưởng, chẳng hạn những áo choàng không tay bằng lông chim dành cho các tù trưởng Hawaii được làm từ hàng ngàn cái lông chim.

Những sản phẩm lớn nhất của Polynesia là các công trình đồ sộ bằng đá trên một số đảo - những bức tượng đá đá lừng danh trên Đảo Phục Sinh, mộ các tù trưởng Tonga, các đàn tế lễ ở quần đảo Marquesas, các đền đài ở Hawaii và các đảo Society. Nền kiến trúc hoành tráng này của Polynesia rõ ràng là tiến hóa theo cùng một hướng như các kim tự tháp của Ai Cập, Lưỡng Hà, Mexico và Peru. Hiển nhiên, các công trình của Polynesia không có quy mô bằng các kim tự tháp kia, nhưng điều đó chỉ phản ánh thực tế là các pharaông Ai Cập có thể huy động nhân lực từ một dân số đông hơn nhiều so với tù trưởng của bất cứ hòn đảo Polynesia nào. Song, dù có vậy đi nữa, cư dân đảo Phục Sinh vẫn đã xây được những bức tượng nặng tới 30 tấn, đó chẳng phải là việc dễ đối với vỏn vẹn 7.000 con người không có trong tay nguồn lực nào khác ngoài cơ bắp của chính mình.

Như vậy, các xã hội đảo Polynesia khác nhau rất nhiều ở tính chuyên môn hóa trong kinh tế, độ phức tạp xã hội, tổ chức chính trị và sản phẩm vật thể, những điều này có liên quan đến những khác biệt về quy mô và mật độ dân số, rồi đến lượt mình dân số lại liên quan đến diện tích, độ cắt xẻ, độ cô lập của từng đảo, cũng như cơ hội sinh tồn và cơ hội phát triển nền sản xuất lương thực trên từng đảo. Tất cả những khác biệt đó giữa các xã hội Polynesia đã phát triển - chỉ trong một thời gian tương đối ngắn và tại một phần khiêm tốn của bề mặt Trái đất - như những biến thái liên quan đến môi trường trên cùng một xã hội tổ tiên duy nhất. Các chủng loại khác biệt văn hóa này trong phạm vi Polynesia, về bản chất, cũng chính là các chủng loại đã phát sinh ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Dĩ nhiên, dãy biến thái trên toàn thế giới là lớn hơn nhiều so với trong phạm vi Polynesia. Vào cùng thời gian khi cư dân các lục địa chỉ bao gồm những người vẫn dựa vào công cụ đá, Nam Mỹ cũng sinh ra những xã hội chuyên dùng kim loại quý, còn người Âu-Á và người châu Phi thì tiến tới dùng sắt. Những sự phát triển đó không thể xảy ra được ở Polynesia bởi không một đảo Polynesia nào trừ New Zealand có quặng kim loại đáng kể. Tại Âu-Á đã hình thành những đế quốc hẳn hoi từ khi chưa có ai di cư đến Polynesia; Nam Mỹ và Trung Mỹ thì phát triển thành đế quốc muộn hơn, trong khi Polynesia chỉ sinh ra được hai đế quốc sơ khai trong đó có một (Hawaii) chỉ hình thành sau khi người châu Âu đến. Âu-Á và Trung Mỹ đã phát triển chữ viết của riêng mình, còn tại Polynesia thì chữ viết đã không nảy sinh, có lẽ chỉ ngoại trừ Đảo Phục Sinh song ngay cả thứ chữ viết bí ẩn của đảo này cũng chỉ ra đời sau khi dân đảo tiếp xúc với người châu Âu lần đầu tiên.

Vậy nghĩa là, Polynesia cho ta thấy một lát cắt nhỏ - chứ không phải toàn bộ bức tranh - về tính đa dạng của xã hội loài người. Điều này âu chẳng có gì lạ, bởi Polynesia chỉ là một lát cắt nhỏ của tính đa dạng địa lý của thế giới. Ngoài ra, bởi Polynesia chỉ có người đến định cư rất muộn trong lịch sử loài người, nên ngay cả những xã hội Polynesia cổ nhất cũng chỉ có vỏn vẹn 3.200 năm để phát triển, trái ngược với ít nhất 13.000 năm đối với các xã hội ở ngay cả lục địa có người ở muộn nhất (châu Mỹ). Giá như có được thêm vài ngàn năm nữa thì chắc hẳn Tonga và Hawaii đã đạt tới cấp độ những đế quốc phát triển đầy đủ, đánh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương, tự sáng tạo ra chữ viết dùng để cai quản các đế quốc đó, trong khi người Maori ở New Zealand hẳn đã có thể bổ sung công cụ bằng đồng và sắt vào danh mục các vật phẩm bằng ngọc bích và những chất liệu khác của mình.

Nói ngắn gọn, Polynesia cho ta một ví dụ đầy thuyết phục về sự đa dạng liên quan đến môi trường của các xã hội loài người đang trong quá trình tiến triển. Nhưng ta cũng chỉ học được rằng chuyện đó có thể xảy ra bởi vì nó đã xảy ra rồi, ở Polynesia. Liệu điều đó có xảy ra trên các lục địa khác không? Nếu có, thì những khác biệt môi trường nào là nguyên nhân cho tính đa dạng trên các lục địa, và những hệ quả của chúng ta là gì?

CHƯƠNG 3. Cuộc đụng độ ở Cajamarca

Những sự hoán đổi dân số lớn nhất trong thời cận đại là việc người châu Âu di cư sang Tân Thế giới, và kết quả của nó là hầu hết các nhóm người châu Mỹ bản địa (người Anh-điêng châu Mỹ) bị chinh phục, suy giảm dân số hoặc biến mất hoàn toàn. Như tôi đã giải thích ở Chương 1, Tân Thế giới có người đến định cư đầu tiên vào khoảng 11.000 năm tr.CN hoặc trước đó theo ngả Alaska, eo Bering và Siberia. Các xã hội phức tạp làm nghề nông đã dần dần nảy sinh ở châu Mỹ xa dần xuống phía Nam dọc theo con đường xâm nhập đó, phát triển trong sự cách ly hoàn toàn với các xã hội phức tạp đang nảy sinh ở Cựu Thế giới. Sau khi con người từ châu Á di cư sang châu Mỹ lần đầu tiên, những tiếp xúc duy nhất có thể chứng minh được giữa Tân Thế giới và châu Á chỉ diễn ra giữa những người săn bắt hái lượm sống hai bên bờ eo Bering, cộng với một chuyến du hành xuyên đại dương mang khoai tây từ Nam Mỹ đến Polynesia mà ta có thể luận ra.

Về những tiếp xúc giữa các dân tộc của Tân Thế giới với châu Âu, những tiếp xúc sớm duy nhất là của người Na Uy khi họ chiếm cứ Greenland với số lượng rất nhỏ từ năm 986 đến khoảng năm 1.500. Song những cuộc viếng thăm của người Na Uy không có tác động thấy rõ nào đến các xã hội châu Mỹ bản địa. Thay vào đó, vì những mục đích thực dụng, cuộc đụng độ giữa các xã hội tiên tiến của Cựu Thế giới với các xã hội Tân Thế giới diễn ra đột ngột vào năm 1492 khi Christopher Columbus "phát hiện" ra các đảo Caribê nơi có đông người châu Mỹ bản địa sinh sống.

Khoảnh khắc kịch tính nhất trong quan hệ giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa từ đó về sau là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hoàng đế Atahualpa của đế quốc Inca với nhà chinh phục Francisco Pizarro người Tây Ban Nha trên thành phố cao nguyên Cajamarca ở Peru vào ngày 16 tháng Mười hai năm 1532. Atahualpa là vị chúa tể tuyệt đối của nhà nước lớn nhất và tiên tiến nhất ở Tân Thế giới, trong khi Pizarro là đại diện cho hoàng đế Charles V của đế quốc La Mã Thần thánh (còn được gọi là Vua Charles Đệ nhất của Tây Ban Nha), chúa tể của nhà nước hùng mạnh nhất ở châu Âu. Pizarro, dẫn đầu một toán quân ô hợp gồm 168 binh sĩ Tây Ban Nha, đang ở trên một vùng đất xa lạ, hoàn toàn chẳng biết gì về cư dân bản địa, hoàn toàn không thể liên lạc với những người Tây Ban Nha gần nhất (cách 1.600 km ở phía Bắc Panama) và quá xa đến nỗi khó lòng được kịp thời tiếp viện. Atahualpa đang ở giữa đế quốc của chính mình với hàng triệu thần dân, vây quanh sát nách là đạo quân gồm 80.000 chiến binh vừa ca khúc khải hoàn sau một cuộc chiến với những người Anh-điêng khác. Thế nhưng Pizarro đã bắt sống Atahualpa trong vòng vài phút sau khi hai người nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Pizarro tiếp tục giam giữ tù nhân trong tám tháng, đòi một khoản tiền chuộc lớn nhất trong lịch sử để đổi lấy lời hứa trả tự do cho nhà vua. Sau khi nhận được tiền chuộc - một số vàng đủ để chất đầy một căn phòng dài 22 bộ (gần 7 m), rộng 17 bộ (hơn 5 m) và cao trên 8 bộ (khoảng 2,5 m), Pizarro nuốt lời hứa và hành quyết Atahualpa.

Sự kiện bắt sống Atahualpa có ý nghĩa quyết định với việc người châu Âu chinh phục toàn bộ Đế quốc Inca. Mặc dù vũ khí ưu việt của Tây Ban Nha hẳn cũng có thể bảo đảm cho người Tây Ban Nha sớm muộn gì cũng thắng, song việc bắt sống nhà vua khiến cho cuộc chinh phục diễn ra nhanh chóng hơn và hết sức dễ dàng. Atahualpa được người Inca sùng bái như thần mặt trời và có uy quyền tuyệt đối với thần dân, họ tuân theo mệnh lệnh của nhà vua ngay cả khi ngài đang bị giam cầm. Mấy tháng trước khi nhà vua chết là đủ để Pizarro cử những nhóm thám hiểm đến những vùng khác của Đế quốc Inca mà không ai dám cản cũng như cử người đến Panama xin tiếp viện. Đến khi giao tranh giữa người Tây Ban Nha với người Inca rốt cuộc cũng xảy ra sau khi Atahualpa bị hành quyết thì lực lượng của người Tây Ban Nha đã đáng sợ hơn nhiều.

Như vậy, sự kiện bắt giữ Atahualpa đáng chú ý với chúng ta ở chỗ nó đánh dấu thời điểm quyết định trong cuộc đụng độ lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Nhưng sự kiện này còn đáng chú ý theo nghĩa khái quát hơn, bởi các nhân tố dẫn đến việc Pizarro bắt giữ Atahualpa, về thực chất, cũng chính là các nhân tố quyết định kết cục của nhiều đụng độ tương tự giữa những kẻ thực dân với các dân tộc bản địa ở bất cứ đâu trong thế giới hiện đại. Do đó, việc bắt giữ Atahualpa cho ta một cửa sổ rộng để nhìn vào lịch sử thế giới.

Những gì diễn ra ngày hôm đó tại Cajamarca được nhiều người biết đến bởi được nhiều người Tây Ban Nha đã trực tiếp tham gia ghi lại. Để có chút cảm nhận về những sự kiện đó, ta hãy cùng sống lại thời điểm ấy bằng cách đan dệt vào nhau trích đoạn tường thuật của những người tai nghe mắt thấy - sáu chiến hữu của Pizarro trong đó có hai người anh em của ông là Hernando và Pedro.

"Sự khôn ngoan, tính can trường, kỷ luật quân đội, lòng cúc cung tận tụy, những chuyến hải hành đầy ắp hiểm nguy, và những trận chiến của người Tây Ban Nha - những bề tôi của Hoàng đế bất khả chiến bại của Đế quốc La Mã thần thánh, Đức Vua và Chúa tể hiển nhiên của chúng ta - sẽ mang niềm vui cho người ngoan đạo và nỗi kinh hoàng cho những phường vô đạo. Vì lý do này, vì vinh quang của Chúa Trời, và để phụng sự Đức Giáo hoàng của chúng ta, thần thật vui sướng được viết bản tường trình này gửi lên Hoàng thượng, sao cho mọi người biết đến những gì liên quanđang diễn ra ở chốn này. Bản tường thuật này là vì vinh quang của Chúa Trời bởi họ đã chinh phục được và mang về cho Tín Ngưỡng Kitô thần thánh của chúng ta cơ man nào là những kẻ ngoại đạo nhờ sự dẫn dắt thiêng liêng của Người. Đó là vì vinh quang của Hoàng đế chúng ta bởi nhờ quyền năng vĩ đại và hồng phúc của Ngài mà những sự kiện như vậy đã diễn ra dưới thời cai trị của chính Ngài. Việc này sẽ mang lại niềm vui cho những người ngoan đạo rằng họ đã chiến thắng những cuộc giao tranh thế kia, đã khám phá và chinh phục được những vùng đất thế kia, đã mang về cho Đức Vua và cho chính mình những bạc vàng châu báu thế kia, đã gieo rắc nỗi khiếp sợ đến ngần ấy ở những quân ngoại đạo và đã khiến toàn nhân loại phải đem lòng bái phục.

Bởi đã có bao giờ, dẫu thời xưa hay ngày nay, một số người ít ỏi đến thế đã thắng được số đông đến thế, vượt qua ngần ấy xứ sở, băng qua ngần ấy biển khơi, ruổi qua ngần ấy quãng đường, đạt được những kỳ tích lớn lao đến thế hầu chinh phục cái ta chưa từng thấy và chưa từng biết? Những người Tây Ban Nha của chúng ta, tuy chỉ là số ít, chưa lúc nào có quá 200 hay 300 người cùng một lúc, đôi khi chỉ có vỏn vẹn 100 người hay còn ít hơn nữa, ngay trong thời đại chúng ta đã chinh phục nhiều lãnh thổ hơn bất cứ thời nào từ trước đến nay hoặc nhiều hơn lãnh thổ mà tất cả các ông hoàng ngoan đạo và ngoại đạo từng sở hữu. Giờ thần sẽ chỉ viết về những gì đã xảy ra trong cuộc chinh phạt, và sẽ không viết nhiều để tránh dông dài.

Thống đốc Pizarro muốn có thông tin tình báo từ một số người Anh-điêng ở Cajamarca đến, thế là ngài ra lệnh tra tấn chúng. Chúng thú nhận rằng nghe nói Atahualpa đang đợi Thống chế ở Cajamarca. Thế là Thống chế hạ lệnh tiến quân. Khi đến cổng thành Cajamarca, chúng tôi thấy trại của Atahualpa cách chừng một lý9, nơi chân núi. Trại của người Anh-điêng trông như một thành phố thật đẹp. Họ có nhiều lều đến nỗi tất cả chúng tôi cứ ngẩn ra nhìn. Cho tới lúc đó chúng tôi chưa hề thấy một cái gì như vậy ở vùng Đông Ấn. Nó khiến tất cả người Tây Ban Nha chúng tôi kinh sợ và bối rối. Nhưng chúng tôi không thể để lộ mình đang sợ hãi hoặc quay lưng rút lui, bởi nếu người Anh-điêng nhận thấy dù chỉ một mảy may yếu đuối nào ở chúng tôi thì ngay cả những người Anh-điêng mà chúng tôi mang theo làm người hướng dẫn cũng có thể sẽ giết chúng tôi. Vì thế chúng tôi cố tỏ ra tươi tỉnh phấn chấn, và sau khi cẩn thận quan sát thành phố cùng những chiếc lều, chúng tôi đi xuống thung lũng để vào thành Cajamarca.

Chúng tôi bàn với nhau hồi lâu xem cần phải làm gì. Tất cả chúng tôi đều đầy sợ hãi bởi chúng tôi ít người quá mà lại đã thâm nhập quá sâu vào một vùng đất nơi chúng tôi không hy vọng gì được tiếp viện. Tất cả chúng tôi đến gặp Thống chế để bàn xem sẽ hành động ra sao vào ngày hôm sau. Đêm hôm ấy chẳng mấy ai trong chúng tôi chợp mắt, chúng tôi cứ ngắm mãi quảng trường Cajamarca, nhìn những đống lửa ngoài trời của quân Anh-điêng. Nhìn cảnh tượng ấy mà khiếp sợ. Hầu hết các đống lửa đều ở trên sườn đồi, gần nhau đến nỗi trông như bầu trời chi chít những sao. Đêm hôm đó không hề có sự phân biệt giữa kẻ quyền uy với người hèn mọn hay giữa binh lính chân đất và kỵ sĩ. Tất cả đều làm nghĩa vụ canh gác, vũ khí lăm lăm trong tay. Hernando Pizarro, em trai10 của Thống chế, dự đoán số binh sĩ Anh-điêng vào khoảng 40.000 người, nhưng ấy là ông nói dối để khích lệ chúng tôi, chứ thật ra có đến hơn 80.000 người Anh-điêng.

Sáng hôm sau một điệp sứ của Atahualpa đến, Thống chế liền bảo y: 'Về bảo chúa của ngươi hãy đến khi nào và bằng cách nào tùy ngài muốn, và dù ngài đến bằng cách nào đi nữa ta cũng sẽchào đón ngài như người bạn và người anh em. Ta mong ngài đến sớm bởi ta rất muốn gặp ngài. Ngài sẽ không bị hại gì cũng không phải chịu lời xúc phạm nào đâu'.

Thống chế cho ém quân quanh quảng trường ở Cajamarca, chia kỵ binh thành hai nhóm, một nhóm ngài giao cho em trai Hernando Pizarro chỉ huy, nhóm kia ngài giao cho Hernando de Soto. Cũng vậy ngài chia bộ binh ra, bản thân ngài nắm một nhóm, nhóm kia ngài giao cho em trai là Juan Pizarro. Đồng thời ngài ra lệnh cho Pedro de Candia đem hai, ba lính bộ binh mang kèn lên một pháo đài nhỏ trong quảng trường, chốt tại đó với một ít hỏa lực. Khi tất cả người Anh-điêng có Atahualpa đi cùng đã bước vào quảng trường, Thống chế sẽ ra hiệu cho Candia và người của ông ta, sau đó họ sẽ bắt đầu nổ súng, kèn sẽ vang lên, nghe tiếng kèn, kỵ binh sẽ tràn ra từ khoảnh sân rộng nơi họ đang ẩn nấp sẵn sàng xung trận.

Đến trưa Atahualpa bắt đầu ra lệnh cho người của mình xếp thẳng hàng rồi tiến lại gần. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy toàn bộ đồng bằng đã tràn ngập người Anh-điêng, chốc chốc lại dừng để đợi những người Anh-điêng khác nữa vẫn đang rời trại mà tiến tới đằng sau họ. Họ cứ kéo đến hết tốp này đến tốp khác mãi tới chiều. Những tốp đầu tiên đã tiến sát gần trại chúng tôi mà những toán khác vẫn tiếp tục từ trại của người Anh-điêng túa ra. Đi đằng trước Atahualpa là 2.000 người Anh-điêng vừa đi vừa dẹp đường, theo sau họ là các chiến binh, một nửa đi đều bước trên cánh đồng bên trái ông ta, nửa kia thì bên phải ông ta.

Đi đầu là một phân đội Anh-điêng mặc quần áo nhiều màu giống như bàn cờ. Họ vừa tiến tới vừa nhặt hết các cọng rơm trên mặt đất và quét sạch đường. Sau đó là ba phân đội ăn mặc khác nhau vừa đi vừa múa hát. Rồi đến một số người mặc áo giáp, mang những chiếc đĩa kim loại lớn, đội mũ miện bằng vàng và bạc. Lượng đồ trang sức bằng vàng và bạc họ mang trên người nhiều đến nỗi ánh mặt trời lấp lánh trên đó nhìn thật vô cùng ngoạn mục. Chính giữa họ nổi bật lên hình dáng của Atahualpa trong một chiếc kiệu thật đẹp, đầu các đòn khiêng cáng đều bịt bạc. Tám mươi vị quý tộc khiêng ngài trên vai, tất cả đều mặc sắc phục màu xanh dương sặc sỡ. Bản thân Atahualpa ăn mặc cực kỳ diêm dúa, đầu đội vương miện, cổ đeo vòng gồm những viên ngọc lục bảo lớn. Ông ta ngự trên một chiếc ghế nhỏ, với một chiếc đệm lót đẹp đẽ hình cái yên đặt trên kiệu. Xung quanh kiệu cắm những chiếc lông két nhiều màu sắc, lại trang hoàng những chiếc đĩa bằng vàng và bạc.

Đằng sau Atahualpa là hai kiệu khác và hai chiếc võng trong đó là một vài vị thủ lĩnh cấp cao, sau đó là mấy toán quân Anh-điêng đội mũ miện bằng vàng và bạc. Các toán người Anh-điêng này bắt đầu bước vào quảng trường trong giai điệu những bài hát nghe thật hay, cứ vậy họ chiếm lĩnh từng ngóc ngách quảng trường. Trong khi đó những người Tây Ban Nha chúng tôi thảy đều nấp trong sân chờ đợi sẵn sàng, dạ phập phồng sợ hãi. Nhiều người đái trong quần mà không biết chỉ vì khiếp đảm. Khi đến chính giữa quảng trường, Atahualpa vẫn ngồi trong kiệu trên cao, trong khi binh lính tiếp tục dấn bước đằng sau ông ta.

Thống chế Pizarro lúc này bèn cử Đức cha Vicente De Valverde đến nói chuyện với Atahualpa và yêu cầu Atahualpa, nhân danh Chúa Trời và Đức Vua Tây Ban Nha mà dâng mình cho luật pháp của Chúa Jesus Christ và phụng sự Chúa Thượng, Đức Vua Tây Ban Nha. Một tay cầm thánh giá, tay kia cầm quyển Kinh Thánh, Đức Cha bước giữa những hàng quân Anh-điêng mà tiến về phía Atahualpa rồi nói với ông ta: "Ta là Thầy cả của Chúa trời, ta dạy những người Cơ đốc những điều về Chúa, và cũng bằng cách đó ta đến để dạy ngài. Cái ta dạy là những gì Chúa đã nói trong quyển sách này. Vì vậy, nhân danh Chúa và những người Cơ đốc, ta khẩn cầu ngài hãy là bạn của họ, bởi đó là ý Chúa và việc đó sẽ mang điều tốt lành cho chính ngài".

Atahualpa yêu cầu được xem cuốn sách, thế là Đức Cha đưa sách lại gần ông ta. Atahualpa không biết cách mở sách ra, nên Đức Cha liền chìa tay ra để mở, nhưng Atahualpa lại nổi cơn thịnh nộ mà đấm vào tay Cha không muốn sách được mở ra. Đoạn tự ông ta mở sách, thế rồi, hoàn toàn không sửng sốt trước những con chữ và trang giấy, ông ta quẳng sách ra xa năm sáu bước chân mà đỏ mặt tía tai.

Đức Cha quay về phía Pizarro mà thét: "Đến đây! Những người Công giáo, hãy đến đây! Hãy đến mà tấn công bọn kẻ thù chó má này, kẻ đã dám cự tuyệt những gì của Chúa! Tên bạo quân này đã ném cuốn sách luật thiêng của ta xuống đất! Các con không thấy chuyện gì vừa xảy ra sao? Tại sao vẫn cứ lịch thiệp và xun xoe quỵ lụy quân chó má kiêu căng quá đỗi này khi các đồng bằng đầy nghẹt người Anh-điêng? Hãy tiến ra trừng trị nó đi, ta sẽ tha tội cho các con".

Thế là Thống chế ra hiệu cho Candia, ông này liền nổ súng. Đồng thời tiếng kèn vang lên, và những toán quân Tây Ban Nha mang giáp trụ, cả kỵ binh lẫn bộ binh, liền từ chỗ nấp lao ra xông thẳng vào đám người Anh-điêng không vũ khí đang đứng nghẹt quảng trường, miệng thét vang khẩu hiệu chiến đấu của Tây Ban Nha "Santiago!" Chúng tôi đã gắn lục lạc trên ngựa để làm người Anh-điêng khiếp sợ. Tiếng súng nổ đùng đoàng, kèn vang inh ỏi và tiếng lục lạc lanh canh của ngựa khiến cho người Anh-điêng cuống cuồng hoảng loạn. Những người Tây Ban Nha đâm bổ vào chúng, xả chúng thành từng mảnh. Người Anh-điêng khiếp hãi đến mức chúng nháo nhào trèo lên nhau thành đống và đè nhau chết ngạt. Bởi chúng không có vũ khí nên những người Cơ đốc có thể tấn công chúng mà không hề nguy hiểm. Kỵ binh quật chúng xuống, giết và đả thương chúng, truy đuổi chúng. Bộ binh đột kích những kẻ còn lại một cách hoàn hảo đến mức chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết bọn chúng đã làm mồi cho lưỡi kiếm.

Đích thân Thống chế cầm kiếm và dao găm cùng những người Tây Ban Nha ở bên ngài xông thẳng vào đám Anh-điêng dày đặc, và bằng sự dũng cảm vô song ngài đến được chỗ kiệu của Atahualpa. Chẳng mảy may sợ hãi, ngài túm lấy tay trái Atahualpa mà thét "Santiago!" nhưng không lôi được Atahualpa ra khỏi kiệu bởi nó được giữ trên cao quá. Mặc dù chúng tôi đã giết chết những người Anh-điêng khiêng kiệu song những người khác lập tức xáp vào thế chỗ mà không ngừng giữ kiệu trên cao, cứ thế chúng tôi phải mất một hồi lâu để trấn áp và giết người Anh-điêng. Cuối cùng, bảy tám kỵ binh Tây Ban Nha thúc ngựa lồng lên húc vào một bên chiếc kiệu; cố hết sức bình sinh cuối cùng họ cũng lật được kiệu sang một bên. Thế là Atahualpa bị bắt, và Thống chế đưa Atahualpa về chỗ trú của ngài. Những người Anh-điêng khiêng kiệu và những người hộ tống nhà vua chẳng lúc nào bỏ rơi ông ta: tất cả đều đã chết quanh ông ta.

Bọn Anh-điêng còn lại trên quảng trường cuống cuồng hoảng loạn, sợ chết khiếp khi nghe súng nổ và nhìn thấy những con ngựa - chúng chưa thấy cái gì như vậy bao giờ - chúng cố tháo chạy khỏi quảng trường bằng cách đạp đổ một khúc tường rồi túa ra chỗ đồng bằng bên ngoài. Kỵ binh của chúng ta nhảy phóc qua bức tường đổ, rầm rập phi ra chỗ đồng bằng, miệng thét: "Đuổi theo những tên ăn mặc diêm dúa kia! Đừng để đứa nào thoát! Xiên giáo vào chúng đi!" Tất cả binh lính Anh-điêng khác mà Atahualpa đã mang đến đang ở cách Cajamarca một dặm sẵn sàng giáp chiến, nhưng không tên nào nhúc nhích, suốt thời gian đó chẳng một tên Anh-điêng nào giương vũ khí lên chống lại người Tây Ban Nha. Khi các toán quân Anh-điêng đang ở trên đồng bằng bên ngoài thành phố trông thấy những đám Anh-điêng khác vừa tháo chạy vừa kêu thét, hầu hết chúng cũng kinh hồn táng đởm mà tháo chạy. Đó là một cảnh tượng kinh khủng, bởi toàn bộ thung lũng rộng từ 15 đến 20 dặm11 hoàn toàn kín nghịt người Anh-điêng. Đêm đã xuống, kỵ binh chúng tôi vẫn đang xiên giáo vào bọn Anh-điêng trên những cánh đồng thì bỗng nghe tiếng kèn gọi chúng tôi tập kết về trại.

"Giá như đêm chưa xuống thì chắc chẳng còn bao nhiêu tên trong số hơn 40.000 binh lính Anh-điêng còn sống sót. Sáu, bảy ngàn tên Anh-điêng nằm chết, rất nhiều tên khác bị chặt tay hoặc những vết thương khác. Bản thân Atahualpa thừa nhận chúng tôi đã giết 7.000 người của ông ta trong trận chiến đó. Kẻ bị giết trên một trong những chiếc kiệu là ngài Chincha, một mệnh quan của ông ta, người mà ông ta rất sủng ái. Tất cả những người Anh-điêng khênh kiệu của Atahualpa hóa ra đều là những tù trưởng và ủy viên hội đồng cao cấp. Họ đều bị giết sạch, cũng như những người Anh-điêng được khênh trên các kiệu và võng. Vị chúa vùng Cajamarca cũng bị giết cùng nhiều người nữa, nhưng số người bị giết quá lớn không đếm xuể, bởi tất cả những ai tháp tùng Atahualpa đều là những quý tộc và chúa công lớn. Thật kỳ diệu khi thấy một thủ lĩnh hùng mạnh như vậy bị bắt một cách chớp nhoáng đến thế, khi ông ta đi cùng một đội quân hùng hậu nhường kia. Thật ra thì không phải nhờ sức chúng tôi mà làm được điều này bởi chúng tôi quá ít người. Ấy là nhờ ân sủng lớn lao của Đức Chúa Trời.

Áo của Atahualpa bị rách khi người Tây Ban Nha lôi ông ta ra khỏi kiệu. Thống chế ra lệnh mang áo quần đến cho ông ta, và khi Atahualpa đã mặc quần áo rồi, Thống chế ra lệnh Atahualpa ngồi cạnh ngài rồi xoa dịu cơn cuồng nộ và phẫn khích của ông ta khi thấy mình đang từ ngôi vị cao vời rơi phịch xuống nhanh đến vậy. Thống chế bảo Atahualpa: "Ngài có bị đánh bại và bắt làm tù binh thì cũng đừng coi là mình bị xúc phạm, bởi vì với những người Kitô đã đến đây cùng tôi, dù số lượng ít ỏi là vậy nhưng tôi đã chinh phục những vương quốc còn lớn hơn vương quốc của ngài, đánh bại những vì vua chúa còn hùng mạnh hơn ngài rồi đặt lên đó quyền thống trị của vị Hoàng đế mà tôi là một thần dân, ấy là Đức Vua của Tây Ban Nha và của toàn thế giới. Chúng tôi đến đây chinh phạt mảnh đất này là theo lệnh của Đức Vua, sao cho tất cả đều biết đến Chúa Trời và Tín Ngưỡng Kitô Thần thánh của Người; và bởi sứ mệnh tốt lành của chúng tôi, Chúa Trời, Đấng tạo ra trời đất và mọi vật trong trời đất, cho phép việc này xảy ra, để ngài được biết đến Người mà thoát khoải cái cuộc sống thú vật và ác quỷ mà ngài vẫn sống lâu nay. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi, dù ít ỏi đến vậy, đã khuất phục được một xứ sở rộng lớn nhường ấy. Khi ngài đã thấy lâu nay mình sống trong lầm lạc thế nào, ngài sẽ hiểu rằng khi đến đất nước ngài theo lệnh của Hoàng Thượng, Vua của Tây Ban Nha, ấy là chúng tôi làm điều tốt lành cho ngài. Hoàng Thượng chúng tôi cho phép rằng lòng kiêu hãnh của ngài sẽ bị hạ thấp và không người Anh-điêng nào có thể xâm phạm đến một người Cơ đốc."

Giờ chúng ta hãy lần ngược lại chuỗi quan hệ nhân quả trong cuộc đụng độ khác thường này, bắt đầu từ những sự kiện trực tiếp nhất. Khi Pizarro và Atahualpa gặp nhau ở Cajamarca, tại sao Pizarro lại bắt sống Atahualpa và giết nhiều kẻ tùy tùng của Atahualpa đến vậy chứ không phải lực lượng đông hơn gấp bội của Atahualpa bắt sống và giết Pizarro? Xét cho cùng, Pizarro chỉ có vỏn vẹn 62 lính cưỡi ngựa, cùng khoảng 106 lính bộ, trong khi Atahualpa thống lĩnh một đội quân khoảng 80.000 người. Còn về những sự kiện xảy ra trước các sự kiện đó, làm thế nào Atahualpa lại đến Cajamarca kia chứ? Làm thế nào Pizarro lại có mặt ở đó để bắt sống Atahualpa, chứ không phải Atahualpa đến Tây Ban Nha để bắt sống Vua Charles Đệ nhất? Tại sao Atahualpa cứ thế đi thẳng vào cái bẫy của người Tây Ban Nha, cái bẫy mà do chúng ta là kẻ hậu sinh nên chúng ta mới thấy là lộ liễu đến vậy? Liệu có phải các nhân tố đã tác động đến cuộc gặp gỡ giữa Atahualpa với Pizarro cũng đóng một vai trò lớn hơn trong những cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc Cựu Thế giới với các dân tộc Tân Thế giới và giữa những dân tộc khác hay không?

Tại sao Pizarro bắt sống được Atahualpa? Ưu thế quân sự của Pizarro nằm ở các lưỡi gươm bằng thép và những vũ khí khác, áo giáp thép, súng ống và ngựa của người Tây Ban Nha. Đối với những vũ khí đó thì quân đội của Atahualpa, vốn không có con vật nào để cưỡi đặng xông vào trận chiến, chỉ có thể đương đầu bằng những chiếc dùi cui, gậy và rìu tay bằng đá, đồng hay gỗ, cộng thêm ná và áo giáp bằng vải chần. Sự bất cân xứng về trang thiết bị đó có tầm quan trọng quyết định trong vô số những cuộc đối đầu khác giữa người châu Âu với người châu Mỹ bản địa và những dân tộc khác.

Những người châu Mỹ bản địa duy nhất đã kháng cự được sự chinh phục của người châu Âu trong suốt nhiều thế kỷ là các bộ lạc đã giảm bớt được sự chênh lệch về quân sự bằng cách xoay xở sao cho có được ngựa và súng rồi học cách làm chủ chúng. Đối với người Mỹ da trắng bình thường, từ "người Anh-điêng" gợi lên hình ảnh một người Anh-điêng vùng đồng bằng cưỡi ngựa khoác súng trường, giống như các chiến binh Sioux từng xóa sổ tiểu đoàn quân đội Mỹ của Tướng George Custer trong trận đánh lừng danh tại Little Big Horn vào năm 1876. Chúng ta dễ dàng quên mất rằng xưa kia người châu Mỹ bản địa vốn không hề biết đến ngựa và súng trường. Hai thứ này được người châu Âu mang tới và đã làm biến đổi xã hội những bộ lạc Anh-điêng nào cóđược chúng. Nhờ làm chủ được ngựa và súng trường mà những người Anh-điêng vùng đồng bằng (Plains Indians) ở Bắc Mỹ, người Anh-điêng Araucania ở nam Chile và người Anh-điêng vùng Pampas ở Argentina đã có thể kháng cự lại người da trắng xâm lăng trong một thời gian dài hơn bất cứ người châu Mỹ bản địa nào khác, họ chỉ chịu khuất phục khi chính phủ da trắng tiến hành những chiến dịch quân sự quy mô lớn vào các thập niên 1870 và 1880.

Ngày nay chúng ta khó lòng hiểu nổi vì sao dù có sự chênh lệch quá lớn về quân số nhưng rốt cuộc thiết bị quân sự của người Tây Ban Nha vẫn thắng. Tại trận Cajamarca được tường thuật lại trên đây, 168 người Tây Ban Nha đã nghiền nát một đội quân châu Mỹ bản địa đông hơn tới 500 lần, giết hàng ngàn người bản địa trong khi phía Tây Ban Nha không hề mất lấy một người. Rồi lại bao nhiêu lần nữa, các tường thuật về những trận đánh về sau của Pizarro với người Inca, rồi việc Cortés chinh phục người Aztec, cùng những chiến dịch đầu tiên khác của người châu Âu đánh người châu Mỹ bản địa càng minh họa thêm những cuộc đối đầu mà ở đó một dúm vài chục người châu Âu cưỡi ngựa đánh cho tan tác và giết sạch hàng ngàn người Anh-điêng. Trong cuộc hành quân của Pizarro từ Cajamarca đến thành phố Cuzco của nước Inca sau khi Atahualpa chết đã diễn ra bốn trận đánh như vậy: tại Jauja, Vilcashuaman, Vilcaconga và Cuzco. Trong mỗi trận trong bốn trận này, vỏn vẹn 80, 30, 110 và 40 người Tây Ban Nha đã đương đầu với hàng ngàn, hàng vạn người Anh-điêng.

Những chiến thắng đó của người Tây Ban Nha không thể lý giải chỉ là do sự giúp đỡ của các đồng minh châu Mỹ bản địa, do cú sốc tâm lý khi lần đầu tiên nhìn thấy vũ khí và ngựa của người Tây Ban Nha, hay là do (như người ta thường nói) người Inca lầm tưởng những người Tây Ban Nha kia là thần Viracocha của họ trở về. Những chiến thắng đầu tiên của Pizarro và Cortés đúng là có sự tham gia của các đồng minh người bản địa. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó hẳn sẽ không trở thành đồng minh nếu họ không "tâm phục khẩu phục" trước việc người Tây Ban Nha đã thắng những trận tưng bừng trước đó mà chẳng cần ai giúp đỡ, nếu họ không hiểu rằng kháng cự là vô ích và tốt nhất nên đứng về phía những kẻ mà trước sau cũng thắng. Ngựa, vũ khí bằng thép và súng ống quả đúng là những thứ mà người Inca ở Cajamarca chưa từng thấy bao giờ, song ở những trận đánh sau trận Cajamarca, người Inca đã kháng cự quyết liệt sau khi họ đã nhìn thấy vũ khí và ngựa của người Tây Ban Nha. Trong vòng sáu năm kể từ cuộc chinh phục đầu tiên, người Inca đã dấy lên hai cuộc khởi nghĩa ác liệt, quy mô lớn và được chuẩn bị kỹ càng hòng chống lại người Tây Ban Nha. Các nỗ lực đó đều thất bại bởi ưu thế vượt trội của vũ khí Tây Ban Nha.

Cho đến năm 1700, súng đã thay gươm làm vũ khí chính khiến người châu Âu có ưu thế so với người châu Mỹ bản địa và các dân tộc bản địa khác. Chẳng hạn, vào năm 1808, một lính thủy Anh tên là Charlie Savage có súng trường và mang mục đích rõ ràng đã đến quần đảo Fiji. Tay Savage (cái tên thật là thích hợp)12 này đã hành động hoàn toàn đơn thương độc mã hầu đảo lộn cán cân quyền lực ở Fiji. Trong số nhiều kỳ tích của ông ta, có lần ông ta chèo xuồng ngược sông đến một làng của người Fiji, dừng lại cách hàng rào làng chưa quá một tầm súng lục rồi cứ thế xả súng vào đám dân làng chẳng có gì bảo vệ. Nạn nhân của ông ta nhiều đến nỗi đám dân làng còn sống sót chất những cái xác lên thành đống làm chỗ nấp, dòng sông sau làng thì đỏ ngầu màu máu. Những ví dụ như vậy về sức mạnh của súng ống khi đối đầu với các dân tộc bản địa không có súng có thể nhân lên vô cùng tận.

Tuy nhiên, vào thời điểm người Tây Ban Nha chinh phục người Inca, súng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Súng vào thời đó (gọi là súng hỏa mai) khó nạp đạn và khó bắn, mà Pizarro cũng chỉ có hơn mười khẩu mà thôi. Quả là những khi người Tây Ban Nha bắn thì chúng cũng có gây tác động tâm lý lớn. Song có tầm quan trọng hơn nhiều là những lưỡi gươm, mũi giáo và dao găm bằng thép của người Tây Ban Nha, những vũ khí mạnh mẽ sắc nhọn có thể giết chết những người Anh-điêng mặc áo giáp mỏng manh. Ngược lại, những chiếc dùi cui đầu tù của người Anh-điêng tuy có thểđánh và làm người Tây Ban Nha bị thương nhưng lại hiếm khi giết được họ. Áo giáp bằng thép hoặc mảnh kim loại ghép và trên hết là mũ trụ bằng thép của người Tây Ban Nha thường bảo vệ họ một cách hữu hiệu trước những cú đánh bằng dùi cui, trong khi áo giáp bằng vải chần của người Anh-điêng chẳng bảo vệ được gì trước những vũ khí bằng thép.

Tường thuật của những người chứng kiến luôn nhắc tới ưu thế to lớn của người Tây Ban Nha nhờ cưỡi ngựa. Các kỵ sĩ có thể dễ dàng vượt trước đám lính Anh-điêng chạy bộ trước khi đám này kịp báo tin cho những toán quân Anh-điêng đi sau họ, cũng như có thể truy đuổi và giết chết những người Anh-điêng chạy bộ. Cơn sốc khi nhìn thấy những cú phi của lũ ngựa, tính cơ động của chúng, tốc độ tấn công chớp nhoáng nhờ có chúng, lại thêm nhờ cưỡi trên ngựa mà các kỵ sĩ được có thể chiến đấu từ tầm cao an toàn, tất cả những điều đó khiến cho binh sĩ chạy bộ của đối phương gần như vô vọng khi ra ngoài đồng trống. Hiệu quả của ngựa không phải chỉ gói gọn trong nỗi kinh hoàng mà chúng gây ra cho quân đối phương khi mới gặp lần đầu. Đến thời điểm xảy ra cuộc khởi nghĩa lớn của người Inca vào năm 1536, người Inca đã học được cách tự vệ trước kỵ binh Tây Ban Nha, bằng cách phục kích và tiêu diệt kỵ sĩ Tây Ban Nha ở cự ly gần. Nhưng người Inca, cũng như mọi binh sĩ chạy bộ khác, không bao giờ đánh bại nổi kỵ binh khi ra ngoài đồng trống. Khi Quizo Yupanqui, vị tướng giỏi nhất của Manco, hoàng đế Inca, kẻ nối ngôi Atahualpa, bao vây quân Tây Ban Nha ở Lima vào năm 1536 và cố chiếm thành phố, hai toán kỵ binh Tây Ban Nha đã tấn công một lực lượng Inca đông hơn gấp nhiều lần trên đất bằng, giết chết Quizo và tất cả ban tham mưu của ông ta ngay trong cuộc đột kích đầu tiên, sau đó đánh cho quân Anh-điêng tan tác. Một toán kỵ binh tương tự gồm 26 người đã đánh tan những đạo quân tinh nhuệ nhất của bản thân hoàng đế Manco khi ông này đang bao vây người Tây Ban Nha ở Cuzco.

Việc loài ngựa làm thay đổi hình thái của chiến tranh đã khởi đầu từ sự thuần hóa ngựa vào khoảng 4.000 năm tr.CN ở vùng thảo nguyên phía bắc Biển Đen. Ngựa cho phép những ai sở hữu chúng vượt những khoảng cách xa hơn nhiều so với đi bộ, tấn công bất ngờ, và chạy thoát trước khi tập hợp được lực lượng phòng ngự mạnh. Như vậy, vai trò của chúng ở Cajamarca là tiêu biểu cho một vũ khí quân sự mạnh mẽ và hữu hiệu trong suốt 6.000 năm cho đến tận đầu thế kỷ XX, một vũ khí mà rốt cuộc đã được áp dụng trên mọi châu lục. Mãi đến Thế chiến Thứ nhất, vị thế thống trị của kỵ binh trong chiến tranh cuối cùng mới chấm dứt. Đã xét tới những lợi thế của người Tây Ban Nha có được nhờ ngựa, vũ khí bằng thép và áo giáp khi chống lại những binh lính chạy bộ trong tay không có một tấc kim loại thì chẳng còn lạ gì việc người Tây Ban Nha cứ đều đều thắng hết trận này đến trận khác trước đối phương đông gấp nhiều lần.

Tại sao Atahualpa lại đến Cajamarca? Atahualpa và quân đội ông ta đến Cajamarca bởi họ vừa chiến thắng những trận đánh có ý nghĩa quyết định trong một cuộc nội chiến khiến cho người Inca bị chia rẽ và dễ bị tổn thương. Pizarro nhanh chóng nhận ra được những sự chia rẽ đó và lợi dụng chúng. Nguyên nhân dẫn tới nội chiến là một trận dịch đậu mùa lan tràn khắp cả vương quốc giữa những người Anh-điêng Nam Mỹ sau khi người Tây Ban Nha đến định cư ở Panama và Colombia, giết chết hoàng đế Inca Huayna Capac và hầu hết triều đình của nhà vua vào khoảng năm 1526, sau đó thì lại giết chết luôn người được chỉ định kế vị nhà vua là Ninan Cuyuchi. Những cái chết này dẫn tới một cuộc tranh đoạt ngôi báu giữa Atahualpa và người anh cùng cha là Huascar. Giá như không có trận dịch thì người Tây Ban Nha đã phải đối đầu với một đế quốc thống nhất.

Sự có mặt của Atahualpa ở Cajamarca làm nổi bật một trong những nhân tố chủ chốt trong lịch sử thế giới: những căn bệnh từ các dân tộc đi xâm lược vốn đã mang kháng thể đáng kể lây nhiễm sang các dân tộc không có kháng thể. Bệnh đậu mùa, bệnh sởi, cúm, sốt phát ban, dịch hạch và những căn bệnh truyền nhiễm khác ở châu Âu đã đóng vai trò quyết định trong các cuộc chinh phục của người châu Âu, bằng cách giết hại nhiều dân tộc trên các châu lục khác. Chẳng hạn, một trận dịch đậu mùa đã tàn hại người Aztec sau khi cuộc tấn công đầu tiên của người Tây Ban Nha vào năm 1520 thất bại, giết chết Cuitláhuac, vị hoàng đế Aztec vừa kế ngôi Montezuma. Khắp nơi ở châu Mỹ, các bệnh dịch do người châu Âu mang tới đã lan tràn từ bộ lạc này sang bộ lạc khác từ lâu trước khi bản thân người châu Âu đến, giết chết khoảng 95% dân số người châu Mỹ bản địa tiền Colombo. Những xã hội bản địa đông dân và có tổ chức cao nhất ở châu Mỹ, các tù trưởng quốc vùng Mississippi, đã biến mất theo cách đó trong khoảng từ năm 1492 đến cuối thế kỷ XVII, ngay cả trước khi bản thân người châu Âu đến định cư lần đầu tiên ở lưu vực sông Mississippi. Một trận dịch đậu mùa vào năm 1713 đã là bước duy nhất và lớn nhất để người di cư châu Âu tiêu diệt sạch dân tộc San bản địa ở Nam Phi. Chẳng bao lâu sau khi người Anh định cư ở Sydney vào năm 1788 đã bắt đầu trận dịch đầu tiên làm chết hầu hết người châu Úc bản địa. Một ví dụ có bằng chứng rõ ràng từ các đảo Thái Bình Dương là trận dịch đã quét qua Fiji vào năm 1806 do một vài thủy thủ châu Âu bị đắm tàu Argo mà dạt lên bờ. Những trận dịch tương tự cũng xảy ra trong lịch sử Tonga, Hawaii và các đảo Thái Bình Dương khác.

Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng vai trò của bệnh dịch trong lịch sử chỉ là lót đường cho sự bành trướng của người châu Âu. Sốt rét, sốt hoàng nhiệt và những bệnh khác của châu Phi nhiệt đới, Ấn Độ, Đông Nam Á và New Guinea là những trở ngại quan trọng nhất đối với người châu Âu khi thực dân hóa những vùng nhiệt đới này. Làm cách nào Pizarro đến được Cajamarca? Tại sao không phải là Atahualpa tìm cách chinh phục Tây Ban Nha? Pizarro đến được Cajamarca là nhờ công nghệ hàng hải của châu Âu, vốn đã chế tạo được những con tàu đưa ông ta vượt Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha đến Panama, sau đó từ Panama đến Peru trên Thái Bình Dương. Vì thiếu công nghệ đó, Atahualpa đã không thể vượt biển mà bành trướng được ra ngoài Nam Mỹ.

Ngoài bản thân những con tàu, sự hiện diện của Pizarro còn phụ thuộc vào tổ chức chính trị tập trung hóa vốn đã cho phép Tây Ban Nha có tiền để đầu tư, đóng tàu, thuê nhân công và trang bị cho những con tàu đó. Đế quốc Inca cũng có tổ chức chính trị tập trung hóa, nhưng điều này hóa ra lại gây bất lợi cho họ vì Pizarro đã lợi dụng đúng quy trình lãnh đạo tập trung đó bằng cách bắt sống Atahualpa. Bởi vì bộ máy cai trị của Inca bị đồng hóa mạnh mẽ với vị quân vương tuyệt đối được coi là thần thánh đó, cho nên sau khi Atahualpa chết thì nó cũng tan rã. Công nghệ hàng hải cộng thêm tổ chức chính trị cũng có tầm quan trọng cốt tử đối với việc người châu Âu chinh phục các lục địa khác cũng như việc bành trướng của nhiều dân tộc khác.

Một sự kiện có liên quan đã đưa người Tây Ban Nha đến Peru, ấy là sự hiện diện của chữ viết. Tây Ban Nha có chữ viết còn đế quốc Inca thì không. Nhờ có chữ viết mà thông tin có thể được truyền bá rộng hơn nhiều, chính xác hơn nhiều và chi tiết hơn nhiều so với truyền miệng. Thông tin đó quay trở về Tây Ban Nha sau những chuyến du hành của Colombo và từ cuộc chinh phục Mexico của Cortés, đã khiến người Tây Ban Nha đổ xô sang Tân Thế giới. Các thư từ và sách vở mang lại động cơ cho việc này và đồng thời cho những chỉ dẫn cặn kẽ cần thiết về hàng hải. Bản báo cáo đầu tiên được ấn hành về những kỳ tích của Pizarro, của bạn đồng hành ông ta là Thuyền trưởng Cristóbal de Mena, được in tại Seville vào tháng Tư năm 1534, chỉ sáu tháng sau khi Atahualpa bị hành quyết. Nó trở thành sách bán chạy nhất, được nhanh chóng dịch ra các thứ tiếng châu Âu khác và khiến lại thêm một dòng người di cư Tây Ban Nha nữa đổ sang nhằm củng cố quyền kiểm soát của Pizarro đối với Peru.

Tại sao Atahualpa đi thẳng vào bẫy? Ngày nay nhìn lại, ta thấy thật lạ lùng rằng Atahualpa đã bước thẳng vào cái bẫy rất ư lộ liễu của Pizarro ở Cajamarca. Bản thân những người Tây Ban Nha đã bắt cóc ông ta cũng ngạc nhiên không kém khi thấy mình thành công như vậy. Những hệ quả của chữ viết thật là rõ ràng trong cách lý giải tối hậu.

Cách lý giải trực tiếp nhất là Atahualpa có rất ít thông tin về người Tây Ban Nha, sức mạnh quân sự và ý định của họ. Ông ta có được chút thông tin ít ỏi đó nhờ truyền miệng, chủ yếu từ một đặc sứ đã đến thăm lực lượng của Pizarro trong vòng hai ngày khi lực lượng này đang trên đường từ bờ biển tiến vào nội địa. Viên đặc sứ này đã thấy những người Tây Ban Nha giữa lúc họđang nhếch nhác lôi thôi nhất, thành thử ông ta bảo Atahualpa rằng họ không phải là những chiến binh, nên chỉ cần 200 người Anh-điêng là có thể trói gô họ lại dễ dàng. Thật dễ hiểu rằng Atahualpa đã không bao giờ nghĩ đến chuyện người Tây Ban Nha rất đáng sợ và họ sẽ tấn công ông ta mà chẳng buồn khiêu khích.

Ở Tân Thế giới, chỉ một số người thuộc lớp tinh hoa ở một số dân tộc tại Mexico ngày nay và những vùng lân cận xa về phía bắc đế quốc Inca mới có khả năng viết. Mặc dù việc người Tây Ban Nha chinh phục Panama - chỉ cách biên giới phía bắc của Inca vỏn vẹn 600 dặm13 - đã khởi đầu vào năm 1510, nhưng mãi đến khi Pizarro lần đầu tiên đặt chân lên bờ biển Peru vào năm 1527 người Inca vẫn hoàn toàn chẳng biết tí gì ngay cả về chính sự tồn tại của người Tây Ban Nha. Atahualpa hoàn toàn chẳng biết gì về việc người Tây Ban Nha đã chinh phục được những xã hội hùng mạnh và đông dân nhất ở vùng Trung Mỹ.

Đối với chúng ta ngày nay, cũng lạ lùng như cách hành xử của Atahualpa dẫn đến việc ông ta bị bắt cóc là cách hành xử của ông ta sau khi bị bắt. Ông ta đồng ý nộp khoản chuộc lừng danh kia bởi tin tưởng một cách ngây thơ rằng một khi đã được tiền chuộc người Tây Ban Nha sẽ thả ông ta ra rồi bỏ đi. Ông ta chẳng thể nào hiểu nổi rằng người của Pizarro chỉ là mũi nhọn đầu tiên của một lực lượng đang rắp tâm chinh phục lâu dài chứ nào phải là một cuộc tấn công nhỏ lẻ.

Atahualpa không phải là người duy nhất mắc phải những tính toán sai lầm chết người đó. Ngay cả sau khi Pizarro đã bị bắt, em của Francisco Pizarro là Hernando Pizarro đã lừa được vị thống soái của Atahualpa là Chalcuchima, kẻ đang cầm đầu một đạo quân lớn, để ông này tự nộp mình cho người Tây Ban Nha. Tính toán sai lầm của Chalcuchima đánh dấu một bước ngoặt trong sự sụp đổ của cuộc kháng chiến Inca, một sự kiện hầu như cũng hệ trọng như bản thân việc Atahualpa bị bắt. Hoàng đế Aztec Montezuma đã tính nhầm còn tai hại hơn khi xem Cortés là một vị thần tái giáng trần và cho phép Cortés cùng đội quân bé tí của ông ta được vào kinh đô Tenochtitlán của Aztec. Hậu quả là Cortés bắt sống Montezuma, sau đó tiến lên chinh phục Tenochtitlán và toàn bộ đế quốc Aztec.

Ở mức độ thường tình, những tính toán sai lầm của Atahualpa, Chalcuchima, Montezuma và vô số các nhà lãnh đạo châu Mỹ bản địa khác bị người châu Âu lừa phỉnh đều là bởi không một cư dân nào của Tân Thế giới thời đó từng đến Cựu Thế giới nên dĩ nhiên họ không thể có thông tin cụ thể nào về người Tây Ban Nha. Nhưng dù vậy đi nữa, chúng ta vẫn khó lòng tránh khỏi đi đến kết luận rằng "lẽ ra" Atahualpa nên đa nghi hơn, giá như xã hội của ông ta đã trải nghiệm nhiều loại hành vi của con người hơn. Pizarro khi đến Cajamarca cũng hoàn toàn chẳng có thông tin gì về người Inca ngoại trừ những gì ông ta biết được bằng cách tra hỏi những thần dân Inca mà ông ta gặp vàonăm 1527 và 1531. Tuy nhiên, dù bản thân Pizarro là kẻ mù chữ, dẫu sao ông ta vẫn thuộc về một xã hội có chữ viết. Từ sách vở, người Tây Ban Nha đã biết về nhiều nền văn minh đương thời cách xa châu Âu và về hàng mấy ngàn năm lịch sử châu Âu. Pizarro rõ ràng đã giăng bẫy bắt Atahualpa theo đúng khuôn mẫu học được từ Cortés.

Nói ngắn gọn, chữ viết đã giúp người Tây Ban Nha được thừa hưởng một nền tri thức rộng lớn về hành vi con người và lịch sử loài người. Ngược lại, Atahualpa không chỉ chẳng có chút khái niệm nào về bản thân người Tây Ban Nha, cũng chưa hề có kinh nghiệm cá nhân về những kẻ xâm lược đến từ bên kia biển, mà thậm chí ông ta còn chưa hề nghe nói (hay đọc được) về những mối đe dọa tương tự đối với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào trước kia trong lịch sử. Cái kinh nghiệm bao la đó đã khích lệ Pizarro giăng bẫy và xui khiến Atahualpa bước vào bẫy đó.

Như vậy, việc Pizarro bắt sống Atahualpa minh họa cho chuỗi nhân tố trực tiếp dẫn đến việc người châu Âu thực dân hóa Tân Thế giới thay vì người châu Mỹ bản địa thực dân hóa châu Âu. Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thành công của Pizarro là kỹ thuật quân sự dựa trên súng ống, vũ khí bằng thép và ngựa, những bệnh truyền nhiễm xuất xứ từ Âu-Á, kỹ thuật hàng hải của châu Âu, tổ chức chính trị tập trung hóa của các nước châu Âu, và chữ viết. Nhan đề cuốn sách này sẽ đóng vai trò tóm lược các nhân tố trực tiếp này, vốn cũng là những nhân tố cho phép người châu Âu hiện đại chinh phục các dân tộc khác trên những châu lục khác. Từ lâu trước khi có người nghĩ đến chuyện chế ra súng và thép, những nhân tố khác cũng trong nhóm nhân tố này đã dẫn đến sự bành trướng của một số dân tộc không phải châu Âu, như ta sẽ thấy trong các chương sau.

Nhưng chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ câu hỏi cơ bản, ấy là tại sao tất cả những ưu thế trực tiếp này đều nằm ở châu Âu chứ không phải ở Tân Thế giới. Tại sao không phải người Inca phát minh ra súng và vũ khí bằng thép, cưỡi những con vật cũng đáng sợ như ngựa, mang những mầm bệnh mà người châu Âu không có kháng thể, đóng những con tàu có khả năng vượt đại dương, có tổ chức chính trị tiên tiến, và có khả năng dựa vào kinh nghiệm của hàng ngàn năm lịch sử thành văn? Đó không còn là những câu hỏi về chuỗi nhân quả trực tiếp mà chương này đề cập đến; các câu hỏi về nguyên nhân tối hậu sẽ chiếm trọn hai phần tiếp theo của cuốn sách này.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: