Chương 4
Đồng hồ điểm sáu giờ tối, một tiếng 'bong' vang lên vọng khắp không gian như muốn báo hiệu đã đến giờ cơm. Tấm khăn trải bàn hoạ tiết cổ điển phủ lên chiếc bàn gỗ, nhìn thoáng qua chẳng ai thấy điều bất thường nhưng khi an toạ nơi những chiếc ghế gỗ mới thấu vẻ kệch cỡm mà ông chủ nhà hàng cố tình muốn che đậy. Bởi chạy theo những điều Âu Hoá nhưng với lỗi suy nghĩ nửa vời hạn hẹp, lão Trư không muốn thay toàn bộ đống đồ nội thất đậm tính Trung Hoa trong cửa hàng của mình. Nhưng với tư cách một người chủ, lão ái ngại trước những cái lắc đầu của những vị khách Tây với nước da trắng ngần và con ngươi điểm màu xanh dương. Một người chủ tham lam không muốn mất đi những vị khách ruột nhưng cũng chẳng cam chịu khi tuột tay vài vị khách lặn lội từ bên kia bán cầu. Vậy là với một quyết định táo bạo, lão phủ lên bàn những tấm khăn, mua thêm một chiếc đồng hồ quả lắc còn chu đáo phục vụ thêm dao và nĩa ăn chứ đâu đơn thuần chỉ có đũa như thường lệ. Không mất lòng khách quen lại làm vừa lòng khách lạ. Quan trọng hơn cả, tất thảy những điều ấy chẳng đáng bao nhiêu tiền.
Trong góc phòng, chiếc nhẫn kim cương ngay ngón giữa của Phục Hắc Huệ ánh lên lấp lánh dưới ánh nến lập loè. Hào quang từ của hồi môn như lấn át chiếc nhẫn đính hôn đơn giản nơi ngón áp út kế cận. Đến tận bây giờ, y vẫn chưa thể tin mình đã kết hôn với người đàn ông kề bên, một vị công tử nổi tiếng bậc nhất với gia thế hậu thuẫn, lừng lẫy vang danh khắp chốn Thượng Hải. Huệ đánh mắt nhìn anh một lần, người vẫn chăm chú nhìn vào chiếc đồng hồ quả quýt trong tay, chốc chốc lại ngẩng mặt ngắm nghìn chuyển động chiếc kim ngắn lớn hơn nơi đồng hồ quả lắc hiện diện ngay trước mặt. Từ lúc bước vào đây, Hạc Hiên chưa nói với y một lời và Huệ biết rằng trong lòng anh cũng bộn bề tâm tư giống như y. Hắc Huệ không phải người duy nhất bất ngờ trước lễ cưới, Hạc Hiên cũng chẳng thể tin được sự chấp thuận từ gia đình để rước y về dinh cơ tráng lệ, chễm chệ danh vợ cả, cùng nhau kế thừa cơ ngơi tổ tiên để lại và vô vàn quyền lợi chính trị từ cái danh gia tộc. Nhưng y biết rằng bất ngờ là điểm chung duy nhất giữa hai người, Hạc Hiên tin rằng trái tim y và anh dưới một mái nhà nghiễm nhiên cùng chung nhịp đập. Còn Huệ, ngay lúc này đây, ngồi trong quán lão Trư, nôn nóng được nhìn thấy hắn như để trấn an trái tim nức nở sau khi rời Bách Lạc Môn.
"Đẹp đôi đấy, tôi mong rằng có thể nhìn thấy cảnh tượng này trong mười, hai mươi năm nữa"
Chưa thấy mặt đã nghe thấy tiếng, chỉ có thể là người đàn ông phong lưu nhất đất Cảng này - Túc Na. Hắc Huệ thôi xoay chiếc nhẫn kim cương trên tay, ngước mắt nhìn hắn, trong khoảnh khắc ấy, y hận rằng không thể trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Đôi đồng tử xanh ngọc đăm chiêu nhìn hắn, chẳng để tâm rằng người đàn ông trên danh nghĩa thuộc về y đã rời khỏi ghế từ lúc nào. Hạc Hiên nhét chiếc đồng hồ quả quýt vào túi áo trong, húng hắng ho một tiếng như muốn đánh động sự bần thần của Huệ. Những tiếng ho giả tạo cất ra từ cuống họng như kéo y về thực tại, một hiện thực phũ phàng khi minh tinh Bách Lạc Môn kề cận bên ông chủ của mình suốt từng ấy năm, hy sinh vạn điều nhưng cuối chặng đường chẳng có nổi một danh phận. Y đứng dậy, vờ như phủi sạch những vết bụi trên quần áo cốt điều chỉnh nhịp thở đôi phần bất thường của mình. Xong xuôi, nén tình yêu đơn phương đang cuộn lên trong ổ bụng, Huệ cúi đầu hành lễ, điềm nhiên ban tặng đối phương một nụ cười.
''Sao lại hai mươi năm, vậy có khác nào cậu nói rằng tôi chỉ có thể sống đến bốn mươi lăm tuổi. Chẳng phải cậu đã nói rằng chúng tôi sẽ bên nhau đến khi bách niên giai lão sao....haha''
"Bằng hữu, sai sót rồi, thế này đi, để tạ lỗi, chầu này tôi mời"
Hạc Hiên cười phá lên hoan hỉ, bàn tay không ngừng vỗ lên bả vai Túc Na, tạo nên những tiếng 'bụp, bụp' đến là vui tai. Huệ đã quá quen với cảnh này, kể cả khi chưa đeo trên tay chiếc nhẫn đính hôn, Hạc Hiên và Túc Na, một cặp bài trùng, kề cận sánh vai đúng với cái danh hảo bằng hữu. Người ngoài nhìn vào chẳng mảy may nghi ngờ quan hệ khăng khít giữa hai người đàn ông này, có người còn cho rằng nếu có tình bạn nào cao cả hơn cắt máu ăn thề thì đó chính là sự liên kết giữa Túc Na và Hạc Hiên. Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, là một người sống chung một mái nhà cùng hắn, Huệ đang đếm ngược từng ngày, bởi chỉ mình y biết sự thật rằng, Túc Na không tin vào hai từ bạn bè. Hạc Hiên may mắn hơn người khác bởi dinh cơ anh kế thừa tầm cỡ hơn những kẻ còn lại, vậy nên con đường khiến anh và hắn trở thành người dưng cũng dài hơn kẻ khác một đoạn.
Huệ biết sự thật rằng bản thân hắn chưa bao giờ đặt niềm tin lẫn giữ lửa cho một mối quan hệ không cùng huyết thống. Người duy nhất hắn gật đầu cam chịu, nhẫn nhịn lắng nghe lúc này đây đã nằm dưới ba thước đất. Dẫu rằng sự thật ấy như trăng rằm sáng tỏ nhưng Phục Hắc Huệ vẫn ôm lấy mảnh tình cho riêng mình, đáng thương hơn, cho dù biết rằng chính tay hắn gả bản thân cho một người bằng hữu, hòng thoả mãn đại nghiệp của bản thân, Huệ vẫn chung thủy mong cầu một lời hồi đáp. Kể cả khi đeo trên tay chiếc nhẫn đính hôn vàng lấp loáng, y vẫn một lòng hướng về dáng vẻ kiều diễm nơi viên kim cương cô độc toả hào quang lấp lánh trên ngón tay giữa.
"Tất cả đều là món ăn cổ truyền, kệch cỡm làm sao, lão ấy còn chẳng phiên dịch quyển menu này sang tiếng Anh"
"Nhưng ít ra lão đã cho người vẽ thêm vài hình minh hoạ, kể cả khi dịch sang tiếng Anh người ta cũng khó lòng biết được nguyên liệu cho món này có những gì, nhưng nhìn ảnh là biết. Kìa....hình vẽ toàn món đắt tiền. Haha''
''Được rồi, để tôi chọn món. Hôm qua tôi đã đặt trước với lão Trư ba phần Phật Nhảy Tường. Mong là lão nhớ. Ba con cua lông, một gà nướng đất...à với cả cho ba phần Mala Tang''
Hắc Huệ - lặng thinh từ giây phút hắn an tọa nơi vị trí đối diện, đột ngột lên tiếng. Câu từ bật ra nơi khuôn miệng cựu minh tinh khiến cây bút trên tay người phục vụ ngưng lại vài giây, tiếng loạt xoạt ma sát trên mảnh giấy cũng theo đó biến mất. Đôi mắt non nớt của cậu chăm chú nhìn y, rồi lại đánh sang người đàn ông bên cạnh trên tay cầm cuốn thực đơn.
''Hai phần mala tang''
''Sao thế em không ăn được sao?''
''Không phải em, Túc Na không ăn được cay''
Hạc Hiên 'ồ' một tiếng, đôi mắt mang vài phần dò xét hướng về người bằng hữu trước mặt, người đang loay hoay với chiếc bật lửa của mình, chật vật kiếm tìm một mồi lửa, hòng thỏa mãn cơn thèm thuốc dâng lên tận cổ họng. Anh gật đầu tỏ ý đồng thuận với cậu phục vụ, xong xuôi vị công tử đất Cảng lục tìm túi áo trong, sau cùng, từ sâu trong những lớp vải dạ, thảy lên bàn một chiếc bật lửa sáng bóng. Khóe miệng nhàn nhạt nở một nụ cười, Túc Na gật đầu tỏ ý cảm tạ, bàn tay to lớn nhanh chóng với lấy tạo vật vài giây trước còn nằm sâu trong túi áo vị bằng hữu, bàn tay phải khum lại như muốn chắt chiu từng ngọn lửa.
''Ông chủ này quả là có phước, nhân viên còn nhớ thói quen của cậu, chẳng bù cho tôi, đã là bạn từng ấy năm vẫn không biết anh ăn được cay''
Vị công tử đẩy lại chiếc kính, câu từ mang vài phần hoan hỉ, thực chất người đàn ông này chỉ muốn pha trò một chút, xóa đi không khí gượng gạo giữa cựu minh tinh và ông bầu của mình. Nhưng thành ý ấy trong mắt y và hắn giống như một lời châm chọc, nhất là khi đã nghe đủ tin đồn và trong nhà hàng này có nhiều hơn một đôi mắt ưa đánh giá hướng về phía chiếc bàn tròn đây. Ánh lửa khuất sau lòng bàn tay, Túc Na ngước lên nhìn hắn và khoảnh khắc ấy, mồi lửa Hạc Hiên vừa trao tay hắn ánh lên trong đôi đồng tử nhuốm màu hoàng hôn. Giống như một con tắc kè nhưng chẳng có lớp da đổi màu nào, hắn che đậy bản thân bằng loạt biểu cảm khiến người khác chẳng hề mảy may nghi ngờ. Hắn biết rằng Hạc Hiên không có ý xấu sau cái cười nhẹ của anh nhưng với vị trí kề bên, Huệ chẳng nhìn ra điều ấy.
''Tất cả mọi người ở Bách Lạc Môn đều ăn chung một bàn, nên điều này dễ hiểu thôi''
"Vui vẻ vậy sao. À đây, tôi đã thương lượng cho cậu, ba ngàn cổ phần cảng Dương Sơn"
Điếu thuốc cháy dở trên tay hắn trong thoáng chốc dập xuống chiếc gạt tàn, nơi một chạm trổ một con rồng sứ cuộn quanh một chiếc ao rỗng. Mặc dù không thể hiện rõ nét qua biểu cảm trên khuôn mặt nhưng những chuyển động rất nhỏ trên cơ thể như muốn nói rằng hắn đang phấn khích. Sự thích thú này khiến bắp chân hắn dậm từng nhịp đều đều trên mặt sàn gỗ và chỉ khi nụ cười thoả mãn vẽ lên bờ môi, tất cả sự trông ngóng ấy mới chính thức kết thúc. Hắc Huệ không rành về những ý đồ của hắn và cũng chẳng mang danh nghĩa 'người nhà' để tường tận những điều hắn gọi là đại nghiệp. Nhưng có một điều y biết chắc chắn rằng, số cổ phiếu hắn đang cầm trên tay và cặp nhẫn đính hôn của y và Hạc Hiên có quan hệ mật thiết với nhau.
Cay đắng làm sao, tương lai, hạnh phúc và nửa phần đời còn lại của y chỉ đáng giá cho ba ngàn cổ phiếu cảng Dương Sơn.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sau tai nạn ấy, Mạn Nhu vĩnh viễn chẳng thể đứng trên sân khấu, Bách Lạc Môn mất đi một minh tinh. Nhưng không vì lẽ đó người đàn bà này được tự do, tự tại dưới bầu trời ngoài kia. Sở Tiêu đã sớm sắp xếp cho bà một công việc, thứ hủy hoại bởi ngọn lửa là ngoại hình và một phần đôi chân chứ không phải giọng hát. Vài người nói rằng đó là một điều may mắn khi chẳng cần đứng trên cái bục gỗ kia, cuộc sống của Mạn Nhu vẫn giống như một ca sĩ.
Thời đại phát triển, càng nhiều người đổ về Thượng Hải, điều đó đồng nghĩa với việc những gương mặt xa lạ xuất hiện dày đặc trong sàn nhảy mỗi tối thứ bảy. Để níu chân thượng đế, để từ người lạ thành khách quen, nâng cấp cơ sở hạ tầng thôi là chưa đủ, sự độc đáo nơi mỗi minh tinh chính là điều khiến Bách Lạc Môn nổi danh khắp đất Thượng Hải. Mạn Nhu góp một phần không nhỏ trong việc khiến vũ trường vạn người say đắm, bởi mỗi ca sĩ có được đứng trên cái bục gỗ kia hay không đều qua tay người đàn bà với đôi chân nhăn nhúm bởi bỏng lửa này.
Sở Tiêu sắp xếp cho lớp học của bà trên môt tầng áp mái, nơi một chiếc cửa sổ tròn ngày ngày hứng nắng chiếu rọi cả căn phòng; nơi mỗi ngày mưa, gió rít thét gào trên mái nhà; nơi cuối ngày khi mặt trăng treo ngang bầu trời Mạn Nhu trong tay một cái tẩu, phì phèo điếu thuốc hướng mặt về phía bến cảng, ánh mắt thèm khát hướng về những chiếc tàu ngoài kia, mong cầu nửa đời còn lại thoát khỏi mảnh đất Thượng Hải này. Lớp thanh nhạc của bà chẳng bài trí nhiều đồ nội thất, tất cả chỉ có vài chiếc bàn con và một cây thước kẻ sắt đặc chế. Trong lớp không có bảng đen phấn trắng nên dễ hiểu thanh kim loại ấy dùng để làm gì. Thanh Liên là một trong những học sinh đầu tiên và cuối cùng của bà, về sau này khi Sở Tiêu đã chết, Túc Na thế chỗ cha mình, hắn đã loại bỏ lớp thanh nhạc trên gác mái và thay vào đó giao cho bà một công việc khác nhẹ nhàng hơn.
Hắc Huệ chưa bao giờ được đặt chân vào căn phòng ấy vào những buổi sáng bởi không có lý do gì bào chữa cho việc một người hầu bước chân vào lớp thanh nhạc khi mọi người chăm chỉ luyện tập. Vả lại ngoại hình của y, xuất thân của y, cử chỉ của y đều khiến Thanh Liên vạn phần chán ghét, tốt hơn hết vẫn tránh chạm mặt nhau thì hơn, đây là ngôi nhà duy nhất của Huệ, sẽ tồi tệ siết bao nếu trong cái rét cắt da cắt thịt này lang thang trên vệ đường. Dạo gần đây, Bạch Lạc Môn thường xuyên vắng bóng người thừa kế, Sở Tiêu cũng không còn nhắc đến hắn nhiều như dạo trước, nếu không phải lão chỉ có một đứa con trai độc nhất, chắc chắn không đời nào lão trao quyền cho hắn tiếp quản cơ ngơi lão một đời gây dựng này. Bởi Túc Na không hứng thú với âm nhạc, cũng không say mê nguồn lợi khổng lồ mà vũ trường này đem lại, hắn khác biệt và chính bản thân ông bố của hắn cũng chẳng thấu hắn thực sự mê mải điều gì. Người ta thấy hắn đi sớm về khuya, vây quanh bởi bằng hữu, thi thoảng lại có những chuyến công tác dài ngày đem theo của ngon vật lạ khiến nhiều kẻ trầm trồ. Phục Hắc Huệ không biết những người khác dưới mái nhà này nghĩ gì về hắn nhưng trong lòng y đã sớm chẳng dừng lại ở hai từ 'ngưỡng mộ'.
Bắt nạt Hắc Huệ đã là một thú vui tao nhã của Thanh Liên, không kể đêm hay ngày, cáu giận hay vui vẻ, mùa hè hay mùa đông. Bất kể lúc nào chúng ta chạm mặt, tên thiếu niên hẹp hòi này luôn có một cái cớ khiến khuôn miệng nhỏ nhắn của Huệ khó lòng mà chối cãi. Nhẹ thì vài vết trầy nơi đầu gối, nặng thì sưng u một bên mắt. Mỗi lần như vậy, Thanh Liên đều ngoác miệng cười hỉ hả. Những trò đùa nghịch của gã không bao giờ nhân từ, chỉ tàn nhẫn lên mỗi ngày. Đôi lúc Huệ tự hỏi sao luôn là y, tại sao giữa vô vàn gia nhân chỉ Huệ chịu đựng sự bất công đến vậy. Sự giày vò này đến bao giờ mới kết thúc và liệu rằng có bàn tay nhân từ nào sẽ chấm dứt chuỗi ngày khốn cùng này của y. Mãi mãi về sau này, khi Thanh Liên đã gần đất xa trời, trên chiếc giường quen thuộc, khuôn mặt trắng bệch bạc của gã thổ lộ mọi tâm tình đã thổ lộ mọi tâm tình vào tai y, rồi cuối cùng trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn.
"Dừng lại, sao ngươi có thể ác ý đến vậy, ta có thể nhắm mắt cho qua những trò bắt nạt của ngươi nhưng lần này thì không"
Tai Huệ lùng bùng trong chậu đồng, nước đã sớm lọt vào những cái lỗ chúng tìm thấy nơi ngũ quan khuôn mặt. Bàn tay chới với trong không gian và những tiếng ọc ọc đáng thương đã lọt vào lỗ tai cô giáo thanh nhạc của Thanh Liên, đồng thời là người luôn chia cho Hắc Huệ nửa phần ăn nhẹ của mình. Huệ đã uống no một bụng nước, phần tóc mái ướt nhẹp phủ xuống che kín con ngươi. Vạt áo cũng chẳng khô, dưới tiết trời cắt da cắt thịt này, Thanh Liên muốn y chết đuối trong giá lạnh. Phần đỉnh đầu phía sau nhói lên đau nhức, nguyên do bởi bàn tay đầy độc đoán của gã cứ liên hồi túm lấy nắm tóc trên đỉnh đầu của Huệ, rồi dìm thật lực xuống chậu nước ngay trước mặt. Huệ không biết gương mặt mình đã ngẩng lên bao nhiêu lần, chỉ biết rằng nước mắt đã hoà vào chậu nước này không ít.
Nếu ngày đó không có Mạn Nhu ra tay cứu giúp, có lẽ Huệ đã chết vào mùa đông năm đó, chết đuối trong một chiếc chậu đồng rửa mặt.
"Thằng ôn dịch này, mày có thể có giọng hát nhưng không có nhân cách, cuộc đời của mày sẽ không khá lên được đâu"
Khi Huệ kịp định thần điều gì đang diễn ra thì cảnh tượng khiến y khiếp đảm hiện hữu ngay trước mắt, nắm ngón tay Mạn Nhu in hằn lên gò má trắng hồng của gã. Khuôn mặt gã vẹo sang một bên khoé môi run rẩy chuẩn bị bật lên những tiếng nức nở. Thanh Liên là một trong những học trò xuất sắc nhất của bà nhưng cũng là học trò sở hữu nhân cách lệch lạc nhất. Có lẽ bởi sống lâu trong vọng tưởng thiên tài, được tôn lên minh tinh đẻ trứng vàng cho Bách Lạc Môn nên trong kiến trúc châu Âu này, gã trai mới lớn luôn nghĩ mình chỉ nên cúi đầu trước Sở Tiêu, Túc Na và Mạn Nhu còn những người khác gã coi như cỏ rác. Tính cách kiêu ngạo, hẹp hòi và ích kỷ ấy đã khiến gã không ít lần vướng vào rắc rối nhưng có vẻ như gã chẳng rút ra bài học nào.
"Núi cao còn có núi cao hơn, chưa đứng trên sân khấu đừng vội đắc ý. Mày có đủ can đảm luyện thanh với nó không"
"Sao tôi phải luyện thanh với thằng người hầu bẩn thỉu này, ăn cơm chung một bàn đã là quá lắm rồi. Mà thằng này...biết hát? Bà đùa tôi sao? Tiếng chó sủa còn dễ nghe hơn nó"
"Được, vậy ngươi ngân cho ta đoạn trong bài Đêm Thượng Hải"
Thanh Liên sửa soạn quần áo, thả ống tay xuống, áo bào thêu hình con hạc lấp loáng dưới ánh đèn, trên người không vướng một hạt bụi. Kỹ thuật ngân dài không thể làm khó gã, nhất là khi cái danh thiên tài vẫn luôn là động lực cho thói kiêu ngạo. Lớp thanh nhạc đã đi vào hoạt động được hơn nửa năm và chưa bao giờ gã nhận được cái nhíu mày từ bà, Thanh Liên tự hào rằng mình giỏi hơn tất cả, mình là truyền nhân đại minh tinh và sẽ sớm kế thừa đêm nhạc thứ bảy trong tương lai. Chỉ với suy nghĩ ấy, gã hít vào một hơi thật sâu và bắt đầu nhả chữ. Thanh âm trong trẻo cất lên giữa hành lang và chính nó khiến Huệ phải ngây người, chưa bao giờ y chứng kiến Thanh Liên hát trước mặt mình và chắc chắn y thấu rằng mình sẽ không bao giờ có diễm phúc chứng kiến màn trình diễn của gã. Vậy mà hôm nay, trong hoàn cảnh trớ trêu đến nhường này, tiếng hát Thanh Liên phô bày trước mặt y và kỹ thuật khó nhất được trình diễn ngay trước mắt.
Gã nhắm mắt, chẳng cần để ý vạn vật xung quanh, tựa như âm nhạc chính là nguồn sống của gã và tương lai được đứng trên cái bục kia chính là lý do khiến Thanh Liên luôn phải khẳng định bản thân trước toàn thể người làm tại Bách Lạc Môn này. Để họ thấu rằng, ngoài gã ra chẳng còn ai xứng đáng với tối thứ bảy. Ngoài gã ra chẳng ai xứng đáng với danh đại minh tinh. Ngoài gã ra chẳng ai xứng đáng với người kế vị Sở Tiêu. Những suy nghĩ ấy thôi thúc gã và thêm sự đề cao của Mạn Nhu với thằng người hầu mà gã luôn khinh rẻ, Thanh Liên phải thắng ván cược này bằng mọi giá. Mặc dù gã biết rằng chiến thắng đã sớm trong lòng bàn tay khi đối thủ của gã chỉ là một đứa trẻ không hề có chút năng khiếu âm nhạc.
Nhưng đó là điều Thanh Liên luôn ngộ nhận nhiều năm về trước, Huệ chưa từng hát trước mặt mọi người không có nghĩa y chẳng thể hát.
Gã phá kỷ lục của chính mình, ngân một đoạn trong ba mươi giây, xong xuôi, khuôn mặt chẳng hề biến sắc, chỉ giống như vừa thở ra một hơi thật dài. Nhếch khéo miệng nhìn về phía y, người đang bần thần nhìn gã với mái tóc ước nhoè che mờ đôi mắt. Không thể phủ nhận Thanh Liên luôn khiến người khác ngưỡng mộ khi trình diễn kỹ năng thanh nhạc của mình nhưng đây là một trận đấu, ngưỡng mộ không thôi sẽ chẳng thể giúp y chiến thắng. Hắc Huệ nhìn về phía Mạn Nhi, người đàn bà gật nhẹ đầu với y như ngụ ý rằng sân khấu này đã nhường chỗ cho Huệ. Trong đáy mặt của bà, tận sâu thẳm mang vài phần kỳ vọng. Với một chiếc bụng no bởi phần ăn phụ được bà chia nửa, Hắc Huệ như thêm phần tự tin. Y tự nhủ rằng dẫu sao nếu có thua cuộc cũng là kết quả dễ đoán bởi đối thủ là Thanh Liên chứ chẳng phải một kẻ kém cỏi nào khác.
Huệ học rất nhanh, kiến thức lấy hơi vừa được phô bày trước mặt y đã nhanh chóng biến nó thuộc về bản thân mình, mặc dù có đôi chỗ vụng về nhưng suy cho cùng về cơ bản thì chẳng sai đi đâu. Tiếng hát của Huệ không trong như Thanh Liên, nó đặc biệt, trầm và ấm, loại giọng khó lòng tìm thấy nơi vị minh tinh khác, nếu so với tiếng hát đại trà của gã, chất giọng của y lại mê hoặc hơn cả. Thành thực mà nói, với tông giọng này thì không chỉ mỗi Thời Đại Khúc, Hý Kịch, Kinh Kịch y đều có thể đảm nhận. Chỉ là lúc này viên ngọc ẩn này vẫn còn thô kệch, cần một bàn tay mài dũa và không ai khác, người làm lên lịch sử ấy chính là giáo viên thanh nhạc đang đứng trước mặt y.
Mạn Nhu không ngờ đến tình huống này, rằng màu giọng của y lại đặc biệt đến vậy. Bà biết chắc rằng phần thắng sẽ thuộc về Huệ ngay từ đầu bởi trong quá trình Thanh Liên dìm đầu y xuống nước năm, bảy lần, Huệ đều sống sót mà gào lên than khóc ngay sau khi thoát khỏi chiếc chậu rửa mặt. Điều này đồng nghĩa với việc dung tích phổi của y lớn hơn người bình thường và sự thật này tương đương với việc khả năng ngân giọng của y sẽ vượt trội hơn Thanh Liên. Cuộc thi này dẫu rằng sẽ chỉ là một bài răn đe người học trò ngỗ ngược nhưng bà chẳng thể ngờ nhờ lần thể hiện này, Mạn Nhu tìm được một ngôi sao nhỏ khác, một thiên tài thứ hai dưới mái nhà đây.
Huệ có thể ngân trong ba mươi lăm giây, trước mặt giáo viên thanh nhạc và kẻ luôn coi y không bằng cỏ rác, trong tâm trí y lúc đó, không tồn tại định nghĩa chiến thắng, chỉ là trước cơ hội ngàn năm có một này Huệ chẳng thể cứ thế nhắm mắt bỏ qua. Lá phổi căng lên, khuôn mặt nhuộm một màu đỏ tía tai trong những giây cuối cùng. Sau tất cả, khi màn trình diễn kết thúc, thái dương y ong ong nhức nhối, hơn nữa nước còn tràn vào tai, vào mũi, vào họng ba bốn bận nên đôi mắt cũng vì lẽ đó mà nhoà đi, cảnh vật trước mặt như tan ra dưới ánh nắng chiều yếu ớt. Dứt thanh âm vừa bật ra trong cuống họng, Phục Hắc Huệ ho khan vài tiếng, hai bàn tay giữ chặt trước ngực, ngăn không cho tình hình tồi tệ thêm, bởi y biết rằng nếu ốm dưới tiết trời rét mướt này, không có cơ may nào dành cho y.
"Thấy sao? Thằng người hầu mà ngươi luôn coi khinh, hoá ra cũng có thể làm điều tương tự mà còn giỏi hơn ngươi, ta luôn trông ngóng ngày này, để được nhìn thấy biểu cảm bàng hoàng khi có kẻ khác vượt mặt. Thanh Liên, ngươi thua rồi"
Mạn Nhu thẩy tàn thuốc xuống chân, vết bỏng không khiến bà kinh sợ khói thuốc ngược lại còn cho bà thời gian rảnh để có thể làm bạn với chiếc tẩu của mình. Nụ cười diễu trên môi mang bảy phần đắc ý, ba phần thích thú trước đứa trẻ trước mặt. Cả đời người phụ nữ này chưa từng làm điều tốt, định nghĩa việc thiện chỉ đến tay bà khi Hắc Huệ xuất hiện dưới mái nhà Bách Lạc Môn. Nhưng thành thật mà nói trong lòng bà chẳng rõ ấy có là việc tốt hay chăng khi chia nửa cho Huệ phần ăn của mình cốt để lấp đầy cái miệng y cho khỏi bật ra nơi giúp bà giấu tiền, giờ thì với một vết bỏng dọc đôi chân, cơ hội bỏ trốn cũng bay biến, số tiền lại mất tích từ sau cơ sự ấy, bà có nhiều hơn một lý do để thôi san sẻ miếng bánh của mình cho Huệ nhưng có lẽ đó đã là thói quen khói bỏ của cựu minh tinh này.
Lần chiến thắng ấy của Huệ, không giúp y dễ sống hơn với Thanh Liên, tất cả như châm ngòi một cuộc chiến dai dẳng bởi từ bây giờ y không chỉ đơn thuần một người ở mà gã đem lòng thù hằn. Phát hiện ra tài năng khác hiện hữu ngay trước mũi, Sở Tiêu đã không để vuột mất cơ hội này, vậy là trong tương lai, cái ghế màn trình diễn đêm thứ diễn đêm thứ bảy không còn nghiễm nhiên thuộc về gã. Sự tồn tại của y ngay lúc này chính là nỗi đe doạ cho miếng cơm manh áo cùng danh tiếng của gã mãi về sau này. Thanh Liên cứ sống trong thù ghét và lo âu suốt những năm tháng tuổi trường thành để rồi khoác lên mình đôi lông mày lúc nào cũng nhíu lại và một cái đầu độc đoán...
"Sáng mai, em hãy thay cho anh chiếc ga trải giường này nhé"
Túc Na đặt chiếc vali quá khổ xuống giường, không hề quay mặt nhìn y, thuận tiện bấm vào chiếc khoá, hai nửa vali nhanh chóng phơi bày trước mặt. Hắn trở về nhà khi sau chuyến đi dài biền biệt và trùng hợp làm sao chỉ sau vài tiếng khi cuộc thi giữa y và Thanh Liên kết thúc. Như mọi lần, với thân hình nhỏ bé của mình, Hắc Huệ khệ nệ bê chiếc chiếc vali chất đầy hành lý của hắn, cẩn thận từng bước dò dẫm trên những bậc cầu thang gỗ, tiến về căn phòng trên tầng hai.
"Sáng mai ạ...em có thể làm nó vào chiều mai không?"
"Sao thế, em bận việc gì sao?"
"Em phải đi học"
Bàn tay mân mê những chiếc cúc áo sơ mi được điểm gọn gàng trên một miếng vải lụa thoáng chốc ngưng lại, nhưng hắn vẫn chẳng quay lại nhìn y, đôi mắt vẫn dán chặt vào chiếc vali da bò màu nâu nhạt. Một thoáng suy nghĩ lướt qua trong tâm trí hắn, sau cùng khi đã chấn chỉnh những dòng tâm tư lộn xộn trong đại não, bằng chất giọng trầm đục, Túc Na tiếp tục cất lời và nhuộm màu những từ ngữ bằng ngữ khí ân cần.
"Em sẽ học chữ sao?"
"Không ạ, bà Mạn Nhu nói rằng ngài Sở Tiêu đã cho phép em được đến phòng thanh nhạc, bà ấy còn nói nếu không có gì thay đổi em sẽ trở thành ca sĩ khi em trưởng thành. Có rất nhiều chuyện xảy ra khi anh không có ở đây"
"Ừ, như là chuyện Thanh Liên tiếp tục bắt nạt em"
Lần này thì người lặng thinh lại là y, Hắc Huệ không ngẩng mặt bởi y biết rằng đôi mắt Túc Na đang nhìn chằm chằm về phía này. Hắn có thể thờ ơ về việc tiếp quản, có thể chẳng quan tâm về tương lai của một người nhưng nhất định không bao giờ làm ngơ những tình huống nhức nhối đang diễn ra trước mắt. Túc Na đã cứu y không ít lần, có cả những trò đùa ác ý hơn những điều Mạn Nhu đã thấy ngày hôm trước. Nhưng khi hắn rời đi, bản thân Huệ lại một lần nữa chìm trong cô độc. Và ấy cũng là lúc, nỗi cáu giận lâu ngày tích tụ trong vị tiền bối bắt đầu phát tiết lên những bàn tay hằn lên gò má hay cú đá nơi ổ bụng đau đến tím tái ruột gan.
"Nghe này Hắc Huệ, em biết điều gì đã xảy ra khi em được học tại lớp thanh nhạc không?"
"Em không biết"
"Đó là em và Thanh Liên chẳng khác gì nhau, vậy nên em đừng bao giờ lấy thân phận thấp kém của mình để nhân nhượng hay nhún nhường. Thanh Liên có thể hát, em cũng vậy. Thanh Liên sẽ là ca sĩ, em cũng thế. Và...."
Hắn lục tục lấy ra trong tủ một cuộn vải, mặc dù phủ lên mình một lớp bụi mỏng nhưng điều đó không ảnh hưởng đến lớp hoa văn thêu chỉ lấp loáng dưới ánh đèn vàng. Đó là vài mét vải tốt được cuốn cẩn thận trên một thanh gỗ và Hắc Huệ biết rằng cả đời y cho đến khi nhắm mắt xuôi tay nếu cứ làm công việc này sẽ chẳng bao giờ có được một chiếc áo hay quần đắt tiền đến thế. Thân hình to lớn từ từ tiến lại gần y, bóng đen nơi hắn trùm lấy chiếc bóng tí hon của Huệ, con ngươi xanh lục ngước lên nhìn hắn vẫn vẹn nguyên lòng ái mộ như ngày đầu chúng ta gặp mặt.
"Em mang cái này đến chỗ cô Hồng, nói rằng là anh tặng em một chiếc áo mới. Quà cho ngày đầu em nhận lớp"
Khoảnh khắc đó chẳng hiểu vì sao nước mắt Huệ cứ thế trực tràn nơi khoé mi, đứa trẻ chưa từng cảm nhận tình thân này kể cả khi sống kề cận người mẹ của mình. Túc Na chẳng phải máu mủ ruột thịt của y, hắn cũng không có bổn phận phải tặng y một tấm áo mới ngay ngày đầu đi học hay ra tay kịp thời cứu giúp những trò ác ý của Thanh Liên. Có lẽ trong lòng y đã sớm chẳng thể gói gọn tình cảm dành cho hắn trong hai từ ngưỡng mộ, khoảnh khắc cuộn vải ấy trao tay, Hắc Huệ tự khắc ghi trong lòng một điều bất di bất dịch về sự tôn sùng ông chủ tương lai của mình.
Hắc Huệ miệt mài dùng cả thanh xuân, tài năng, cơ thể để đắm đuối chạy theo một bóng lưng. Nhưng sau cùng, khi đã rời khỏi Bách Lạc Môn, chạy theo những chuyến tàu rời thành phố Cảng. Tâm trí y mới thông suốt tự vấn tâm trí một điều: "Tất cả những điều ấy để rồi đổi lại điều gì?".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top