Chương 4


Thấm thoắt hai mùa oản đậu hoàng đã qua, năm nào cũng vậy cứ đến tháng ba, Túc Na sẽ làm một chuyến lên Bắc Kinh, ghé thăm khu chợ độc nhất ấy để rồi mang về một tay nải đầy những thỏi vàng làm từ đậu. Chúng tôi hầu hết đã biết chữ, trong lớp học nhỏ ấy những đứa trẻ mới ngày đầu đến lớp chỉ cao đến đầu gối gã thì giờ đây vài đứa đã lớn phổng phao đến cao ngang eo Túc Na. Thầy tôi vẫn vậy, vẻ nho nhã của y không bị bào mòn bởi con đường đất lẫn sự chân chất của những người dân nơi đây. Thầy là điều gì đó rất khác với chúng tôi, vài người thường ái ngại hay không dám nhìn thẳng vào mắt khi nói chuyện với y, tôi cũng chẳng biết tại sao nhưng chính bản thân tôi cũng vậy. Thầy Huệ ít khi ra khỏi nhà, mọi việc đều là do một tay Túc Na đảm đương, nếu có người muốn mời thầy đến nhà xin chữ, gã sẽ cõng y suốt đoạn đường ấy hòng cho đôi giày thầy mang không dính bẩn. Vậy nên y phục của thầy lúc nào cũng phẳng phiu, sạch sẽ và trắng ngần.

Nhưng rồi tất cả những chỉnh chu thầy gìn giữ đột ngột vỡ vụn trong một buổi sáng mùa thu. Khi tiết trời se se lạnh và cây bạch quả giữa sân của thầy lá vàng rụng kín sân.

Như thường lệ tất cả chúng tôi đều tụ tập trong cái lán nhỏ, nghêu ngao đọc chữ rồi lại gù lưng viết chữ. Hôm nay lớp tôi có một học sinh mới, là một đứa nhỏ đen nhẻm, đầu tóc rối bù. Tất cả chúng tôi ngày đầu đi học đều giống như nó nhưng sau một thời gian chúng tôi đều tự chỉnh đốn trang phục trước khi đến lớp, sao cho gọn gàng nghiêm trang bởi tất cả chúng tôi đều ngại khi đi qua mặt thầy mà áo quần, đầu tóc không mấy chỉnh chu. Thầy Huệ không hề yêu cầu chúng tôi làm thế, chỉ là bản thân thấy cần phải sửa nên cứ thế mà tươm tất từ đầu đến chân. Tôi đoán đứa trẻ kia chỉ sau vài hôm học ở đây sẽ tự khắc chấn chỉnh lại phục trang. Nó là con của lão Điền bán thịt ở chợ. Lão Điền ăn nói hàm hồ, toàn thân béo múp nung ních toàn thịt là thịt. Mỗi khi đi trên đường lão thường lắc lắc thân hình đồ sộ của mình, cái đầu nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia. Trông giống như một con lật đật. Tử Văn là con trai thứ của lão, người anh cả có lẽ đã quá tuổi đi học còn nó bằng tuổi chúng tôi nhưng đến giờ mới chịu đi học. Cũng bởi đứa nào học trong lớp của thầy, khi trở về giống như một đứa trẻ khác, thầy dạy chúng tôi con chữ nhưng cũng dạy chúng tôi đạo làm người, làm con. Lũ trẻ được trả về từ lớp ngoan ngoãn đến kinh ngạc, ăn nói từ tốn, cư xử đúng mực. Ấy chính là sức mạnh của tri thức, là sức mạnh của giáo dục. Vậy nên bố mẹ chúng tôi biết ơn thầy khôn siết, cứ có của ngon vật lạ đều mang đến thầy đầu tiên. Lão Điền lúc đầu còn dè bỉu nhưng sau cùng thấy đứa con trai mình lạc lõng so với những đứa trẻ cùng trang lứa, lão ta cũng hạ mình mang đến nhà thầy một cái đầu lợn, một đôi chân chân giò, dập đầu hòng xin học cho con mình. Vậy là lớp tôi lại thêm một đứa trẻ nhếch nhác.

              Tử Văn cái gì cũng không biết làm, chẳng biết mài mực, nào biết cầm bút. Nó nắm cổ thành quyền rồi cầm lấy cây bút lọt trong nắm đấm ấy. Chúng tôi len lén nhìn nó rồi lắc đầu ngao ngán. Chắc hẳn thầy cũng không vừa ý với tác phong của nó. Vậy là trong ngày hôm ấy, thầy đã rời khỏi cái bàn của mình, chầm chậm từng bước tiến về phía nó, người đang chật vật với công việc 'vẽ' chữ. Đứa nhỏ nhìn thấy thầy tôi đứng bên, vô cùng lúng túng. Tử Văn mọi ngày hay nháo hôm nay đối diện trước thầy bỗng run lên từng hồi. Tôi cũng vậy, ngày đầu tiên khi gặp cả thầy lẫn Túc Na, tôi sợ gã mặt quỷ hơn y. Còn bây giờ sau vài lần tiếp xúc, Túc Na không còn là tượng đài khiếp hãi trong mắt tôi, còn thầy thì vẫn vậy. Vẻ nghiêm nghị của thầy luôn khiến tôi tò mò rằng không biết thầy thực sự tức giận sẽ trông như thế nào?

               Con trai lão Điền trong một giây hấp tấp đã đánh đổ nghiên mực vừa mài trên bàn. Xui xẻo làm sao, những vết mực tàu vương đầy trên áo bào trắng muốt thêu hoa của thầy. Chúng tôi thất kinh nhìn nó rồi lại nhìn y. Mực tàu chảy một đường dài, ngoằn ngoèo như con rắn rồi cuối cùng nhỏ tong tong vào đôi giày thêu. Thầy tôi không tin vào mắt mình, khuôn mặt y nóng bừng lên, vành tai đỏ rực. Vệt đen xấu xí trên vạt áo đã phá huỷ chiếc áo bào thầy tôi luôn nâng niu. Tất cả chúng tôi đều kinh hãi khi chứng kiến điều ấy, bởi áo dính mực, giặt không thể sạch. Huống hồ thầy còn mặc áo trắng. Tử Văn cũng biết mình đã làm sai, nó luôn miệng nói câu xin lỗi. Nhưng chỉ nói không thì những vết bẩn trên người thầy đâu thể cứ thế mà bay biến. Lần đầu tiên tôi thấy y gấp gáp đến vậy, rảo bước thật nhanh tiến về phía bàn của mình rồi gấp rút thu dọn đồ trên bàn. Như báo hiệu cho chúng tôi lớp học sẽ kết thúc tại đây. Có lẽ sự nho nhã của thầy cũng bay biến bởi vết mực dài trên vạt áo. Vậy nên một sự vô tình lại một lần nữa xảy ra, chiếc nghiên mực ngọc của thầy rơi xuống đất. Và tất cả chúng tôi đều nhìn thấy đầu con nghê đá đang ngẩng lên vỡ làm đôi.

              Lần này thì hoảng loạn thật rồi, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy đến nhưng chỉ thấy thầy quên đi vết mực đen đúa trên lớp áo trắng tinh. Chăm chăm nhìn vào con nghê đá đang gãy làm đôi ấy. Cái đầu ngọc lăn lóc dưới chân y. Mắt thầy đỏ hoe còn đôi tay thì run run lo sợ. Tất cả chúng tôi đều bị hành động ấy doạ sợ rồi. May mắn làm sao trong cơn hoảng loạn ấy, Túc Na đã trở về, hôm nay gã về sớm hơn thường lệ bởi mặt trời vẫn chưa lên đến đỉnh. Gã thấy thân ảnh thất thần đứng giữa lớp,nghiên mực vỡ tan và một vệt đen mực tàu chảy dài trên vạt áo. Túc Na chạy lại gần, nắm lấy bả vai đang run rẩy của thầy.

"Có điềm"

"Phải...quan binh đang dán giấy ngoài kia"

"Giấy? Giấy gì?"

"Hoàng thượng băng hà"

Tôi nhìn thấy sự xót xa trong đôi mắt của Túc Na và sự sụp đổ trong con ngươi của thầy Huệ. Thầy tôi cúi xuống chiếc áo của mình một lần nữa, đôi mắt rưng rưng ngấn lệ, có điều gì đó cuộn lên trong lồng ngực thầy, nó ép dây thanh quản bật ra những câu từ lạc lõng. Có lẽ tôi nghĩ rằng thầy không còn tỉnh táo nữa, chỉ vì bẩn áo, một người có thể đau đớn đến vậy sao. Bàn tay thầy run run ra hiệu cho chúng tôi rời khỏi lớp, từng tốp lục đục ra về. Trước khi rời đi Tử Văn khom lưng trước mặt thầy, lí nhí bật ra một câu xin lỗi. Nhưng thầy tôi chẳng quan tâm, y cứ nhìn vào vạt áo vấy bẩn ấy. Lẩm nhẩm trong miệng như một người điên.

"Bẩn áo rồi, bẩn áo rồi. Ta phải làm sao đây"

Ngày hôm đó, tất cả chúng tôi được ra về sớm nhưng không lấy đó làm điều vui vẻ, những đứa trẻ cứ vậy mà lầm lỳ đi thẳng về nhà, không còn ham vui mà rẽ qua khu đất trống. Những đôi chân nặng nề ủ dột cất từng bước chân cực nhọc trở về nhà. Lũ trẻ không bao giờ muốn thầy buồn và tồi tệ hơn khi thấy mắt thầy đỏ hoe vì áo bào lấm bẩn. Có đứa còn ác ý, mắng chửi Tử Văn ngày đầu đến lớp đã gây chuyện. Thật đúng là tai ương. Nó cũng biết lỗi, không dám ngẩng đầu nhìn các bạn, cứ thế cúi mặt, thui thủi bước về nhà...

Tôi ra sông lấy nước sau vài giờ tan học, thoáng thấy bên dòng sông có người, tôi nheo mắt nhìn cho kỹ. Bóng lưng đồ sộ, bắp tay rắn chắc đúng là không lẫn vào đâu được. Gã ngồi cạnh mép sông, cúi đầu xuống bàn chân còn bắp tay chuyển động không ngừng. Không nén nổi tò mò, tôi gánh hai thùng nước lại gần. Hoá ra gã đang giặt áo cho thầy Huệ. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi trên thái dương, đôi bàn tay cũng bởi nhúng nước quá lâu để rồi nhăn nheo xấu xí. Tôi không biết gã đã ngồi bao lâu nhưng thời gian hẳn cũng kha khá khi lưng áo gã ướt đẫm một mảng. Bàn tay thô ráp cứ thế cật lực mà vò những vệt đen để lại trên áp thầy Huệ. Tôi không thấy nó mờ đi phần nào nhưng Túc Na không có ý định từ bỏ. Tôi tự hỏi thầy là gì của gã mà gã phải bỏ công bỏ sức đến nhường này. Cứ đà này, lớp da trên bàn tay gã cũng theo đó mà bật ra mất.

"Nếu thúc dùng tháo đậu, nó sẽ mờ đi phần nào đấy?"

"Ta đã dùng rồi, dùng cả tạo giác"

Nếu đã dùng cả tạo giác vẫn chẳng thể đánh sạch vết bẩn ấy thì chẳng thứ gì có thể cứu vãn những vết mực này. Túc Na không còn để ý đến thời gian hay trời đất, trong mắt gã chỉ có áo bào dính bẩn cùng vết mực đen đúa. Tôi ngồi một lúc, nhìn hai bàn tay tưởng chừng như sắp bật ra máu tươi mà thầm thán phục gã. Nhưng đôi lúc sự kiên trì chẳng thể làm gì với một tạo vật đã bị huỷ hoại. Thi thoảng gã bật ra một tiếng thở dài hay một câu chửi tục khi vết mực chẳng hề xê dịch dù đôi bàn tay gã đã mỏi nhừ.

Tôi trở về nhà với hai thùng nước cùng một nỗi băn khoăn. Nếu áo không sạch, điều gì sẽ xảy ra với gã?

Khi dùng xong bữa tối, tôi lại nhớ đến Túc Na, xung quanh tối đen như mực. Bước đến bờ sông, tôi hoảng hốt kinh sợ khi gã vẫn ngồi bên bờ sông ấy, cần mẫn trong tay chiếc áo bào của thầy Huệ. Vết mực vẫn giống như ban sáng, không hề bay biến nhưng chiếc áo của thầy trải qua vạn lần vò nát, đã trở nên nhăn nhúm. Lòng bàn tay gã trắng bệch bởi ngâm nước quá lâu, lớp da tróc ra giống như nhiễm một căn bệnh da liễu. Tôi thấy thầy Huệ bước ra khỏi căn nhà, trong một chiếc áo mới, lần này không có đường chỉ vàng nào trên ấy, chỉ là một chiếc áo trơn. Giống như đang để tang cho một ai đó. Thầy nhìn xuống bàn tay gã cùng chiếc áo trong tay. Nhàn nhạt bật ra một câu vô tình:

"Bẩn rồi, ta không thể mặc nó nữa"

"Dẹp đi, ta không giặt nữa, ta sẽ mua cho ngươi áo khác"

"....Không có cái thứ hai trên đời đâu"

"Thì sao? Thầy Huệ, thầy còn chưa tỉnh ngộ sao? Thầy không còn ở Cảnh Dương Cung nữa, nhìn xung quanh mình một lượt đi"

Tôi thấy Túc Na đáp chiếc áo sang một bên, bàn tay cuối cùng cũng được một giây ngơi nghỉ, nó run lên từng hồi và gã cắn môi như kìm nén cơn đau đớn. Gã cúi đầu, buông ra những hơi thở cực nhọc còn thầy tôi vô hồn nhìn vào mảng rừng u tối bên kia sông. Ánh mắt y trống rỗng, chẳng biết trong đầu y đang nghĩ điều gì. Tôi sợ rằng thầy tôi đã phát điên và người trước mặt chẳng phải thầy giáo tinh anh của chúng tôi dạo trước. Tay Túc Na run run tìm đến bàn tay thầy buông thõng, gã muốn nắm lấy hơi ấm ấy nhưng trái với vẻ thành khẩn của gã, thầy tôi rút tay khỏi năm ngón trầy xước bởi giặt áo cho y. Thu nó về lại trước ngực. Gã thấy vậy không khỏi thất vọng, ánh mắt đăm chiêu nhìn thầy, cuối cùng gã buông bỏ hy vọng để rồi trút ra một tiếng thở dài não nề.

"Ngươi không muốn cho ta cơ hội sao?"

"Ngươi nhìn ta xem, hãy nhìn nơi ta đứng và cơ thể này đi. Ngươi nghĩ rằng sau tất cả chúng ta có thể làm lại từ đầu sao"

"...Dù chỉ một chút, không có hy vọng gì cho chúng ta sao"

"Hy vọng, ta đã ruồng bỏ thứ ấy từ rất lâu rồi. Vào ngày ta tưởng rằng mình đã có tất cả nhưng nhờ 'công' của ngươi, đến mạng ta cũng chẳng còn"

Thầy tôi còn muốn nói thêm gì đó, nhưng thấy ánh đèn mờ mờ phía sau, thầy biết rằng nơi này không chỉ có mình y và gã. Thầy nuốt lại những câu từ như châu như ngọc của mình. Lặng yên nhìn áo bào nhăn nhúm dưới chân, trút một tiếng thở dài đầy sầu não. Chúng tôi luôn cảm thấy nặng lòng mỗi khi thầy thở dài và lần này cũng vậy. Có thứ gì đó trĩu nặng đè nén trong tâm can thầy, tựa như một quá khứ hào hùng nhưng cũng nhuốm màu bi ai. Một quá khứ có y và gã, không phải một thầy đồ cùng gia nhân mà mang trên vai thứ thân phận khiến người ta phải cúi mình. Tất cả những khí chất ấy chưa từng mất đi trên con người thầy, kể cả khi sống một cuộc đời ẩn giật giữa miền hoang vu hẻo lánh này.

Mặt trăng tròn như cái đĩa, ẩn mình dưới dòng sông, ánh sáng hắt lên nhàn nhạt khiến không gian nhuốm một màu mờ ảo. Thầy Huệ không còn gì để nói với người bạn chung nhà ấy, xách theo chiếc lồng đèn đỏ, nhón từng bước thật chậm di chuyển về trang viên nhà họ Đường, bỏ lại bóng lưng đồ sộ nhưng cô độc phía sau. Thoáng thấy tiếng bước chân không còn vang lên bên tai nữa, gã đoán được người nọ đã rút vào nhà trong và bằng đôi bàn tay trắng bệch bạc, những lớp da bóc ra tróc lở, gã nắm lấy một hòn đá, ném thật mạnh xuống mặt nước. Nước bắn lên tung toé, mặt trăng dưới đáy sông chịu tác động bởi lực ném ấy nhoè đi bởi những gợn sóng vỗ.

"Khốn nạn. Khốn nạn. Khốn nạn"

Tôi hoảng sợ lùi dần về phía sau, hành động không kiểm soát của Túc Na như tiếng chuông đồng vang liên tâm trí tôi, nó thúc giục bàn chân nhỏ của tôi mau chạy về trước khi có điều gì đó không hay xảy đến với bản thân. Tôi vụt khỏi bãi đất trống bên mặt sông, nơi mặt nước bắn lên những cột sóng mảnh từ những hòn sỏi mà Túc Na tức giận ném xuống đáy sông. Tiếng chửi rủa của gã vẫn văng vẳng phía sau tôi, cho tới khi màn đêm, con đường đất nuốt chửng tất cả, lúc này bước chân tôi mới dám rảo bước bình thản hòng trở về nhà. Hôm đó là một ngày cuối tháng chín, sương tràn xuống con đường, khiến toàn thân tôi lạnh buốt....




Sau hai tháng hoàng đế băng hà, một vị vua mới lên ngôi, chúng tôi nghe đồn rằng hoàng đế được học tập tại nước ngoài, sẽ mang tinh hoa từ phương Tây đến với đất nước đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử này. Thầy Huệ không hứng thú với những lời đồn đại ấy, khi nghe được những tin tức người ta đồn về vị quân chủ, y chỉ nhàn nhạt buông một câu 'thật thế sao' nghe qua thì giống vẻ hào hứng nhưng giọng điệu như muốn nói y chẳng quan tâm. Chúng tôi chỉ là dân đen, dù ai lên ngôi đi chăng nữa cũng chẳng ảnh hưởng đến cây lúa, cây mạ hay đàn gà nhà chúng tôi. Vậy là những câu chuyện, lời đồn đại chỉ như những câu chuyện phiếm mà người ta dùng để giết thời gian mỗi ngày. Túc Na đã sửa sang thêm cho trang viên này, gã còn đặc biệt xây một hòn non bộ, thả vào đó vài con cá chép. Vậy là mỗi giờ nghỉ giữa tiết chúng tôi lại có thêm một thú vui mới trong sân nhà thầy Huệ.


Từ sau ngày hôm ấy, tôi không thấy thầy nhắc gì về tấm áo ấy cũng như lỗi lầm của Tử Văn, chỉ là đó lần cuối cùng chúng tôi thấy thầy rời khỏi chỗ ngồi thường lệ của mình. Thầy vẫn đối xử với Tử Văn giống như bao học sinh khác, khen khi nó làm đúng và mạnh dạn phê bình khi nó mắc lỗi. Chỉ sau vài tháng trở thành học sinh của thầy, Tử Văn cũng giống như chúng tôi, trang phục chỉnh tề, tác phong đĩnh đạc, ăn nói lễ phép. Có lẽ lão bán thịt cũng không nhận ra đứa trẻ đó từng là quý tử nghịch ngợm của mình. Thầy Huệ giống như một người thợ kim hoàn, thu nhận những viên ngọc thô để rồi mài dũa chúng sáng bóng, lấp lánh dưới ánh dương cuộc đời. Câu chuyện về tấm áo vấy mực của thầy tưởng chừng đã chìm vào quên lãng, cho tới một hôm, lớp học chúng tôi tiếp một vị khách, đó là thím Lưu - thợ may duy nhất của làng.

Thím Lưu xách theo một cái làn, bên trên phủ vải chống bụi. Thầy tôi vẫn tập trung giảng bài không hề chú ý đến cửa chính đang mở và thím đang cầm cái làn đứa giữa sân, bên dưới cây bạch quả. Chỉ còn một tháng nữa là tết, nhà thím lúc này hẳn đang tấp nập đơn hàng cho những bộ quần áo mới. Thím húng hắng ho vài tiếng như muốn đánh động sự chú ý của thầy tôi, nghe thấy tiếng động sa lưng, y ngưng giảng bài, quay lại trao cho người đàn bà một ánh nhìn. Chuyện thầy tôi kiệm lời trong thôn ai cũng biết và chính thím cũng vậy. Vậy là người phụ này khéo léo mở lời trước.

''Chú Túc Na nhờ tôi làm cái này mà đồ làm đã xong nhưng mấy ngày không thấy qua lấy, tôi mang sang đây cho thầy, tiền cũng đã thanh toán đủ, chỉ cần nhận thôi''

''Vâng, chị cứ để đó cho ta''

Người phụ nữ cúi đầu tỏ ý đã hiểu, sau đó để lại chiếc làn tre bên dưới cây bạch quả trơ trọi không một cuống lá, mùa đông năm nay tuyết không dày nên chúng tôi vẫn có thể đến trường trong những ngày cuối năm. Chiếc khăn lông thỏ trắng muốt trên cổ thầy đã ba năm, phi thường biết bao khi y có thể gìn giữ toàn bộ màu nguyên bản của những tấm áo, tấm khăn khoác trên mình. Không giống như những đứa trẻ nghịch ngợm chúng tôi. Thím Lưu xong xuôi công việc, chào thầy một cái rồi dịu dàng rồi đóng cửa ra về, trả lại sự yên tĩnh như thường lệ của lớp học chúng tôi. Thầy tôi cứ nhìn chăm chăm vào cái giỏ mây ấy khi người đàn bà thợ may rời đi. Y không phải người duy nhất tò mò, chúng tôi cũng vậy, mặc dù đó không phải đồ của mình.

Tôi là đứa ngồi gần thầy nhất, nên thường là chân sai vặt cho thầy, lần này cũng không ngoại lệ, chạy lại bên dưới những cành lá khẳng khiu của cây bạch quả. Tôi cầm lên chiếc giỏ mây, tiến về chiếc lán nhỏ. Trong giỏ có lẽ không phải thứ đồ gì quý giá khi cầm trên tay tôi thấy nó nhẹ tênh. Nhưng tôi không có quyền hạn để mở ra trước mắt thầy, thầy sẽ là người làm điều đó. Tôi đặt nó lên bàn trước mặt y rồi quay trở về ngay ngắn tại chỗ ngồi của mình. Sự im lặng bao trùm trong cái lán, chẳng đứa nào dám thở mạnh hay thắc mắc một câu. Chúng chăm chú nhìn vào bàn tay thầy đang gỡ đi từng lớp vải che bụi, món đồ ẩn sâu trong chiếc làn mây hiện ra trên tay thầy.

           Đó là một chiếc áo, thầy tôi nhíu mày chăm chú nhìn tạo vật trên tay, có lẽ sự khó hiểu đang giăng đầy tâm trí thầy. Là một đứa trẻ luôn gắn bó với thầy, ngay khoảnh khắc thầy tôi trải tấm áo trên bàn, tôi đã thấy có điều gì đó bất thường nhưng cũng rất đỗi thân quen. Tạo vật trên tay thầy giống hệt chiếc áo đã dính mực từ một lần bất cẩn của Tử Văn, mặc dù chắc chắn không thể giống y hệt nhưng nó cũng mang phần nào dáng dấp từ chiếc áo cũ. Không còn vết mực đen đúa, chỉ còn màu trắng thanh tao từ những mét lụa mới chưa một lần mặc qua. Thầy Huệ như không tin vào mắt mình, ngắm nhìn nó một lượt rồi ướm thử lên người. Chắc chắn đây không phải đồ của Túc Na bởi nó vừa như in trên cơ thể của thầy tôi. Nét hân hoan hiện lên khuôn mặt thầy và trong giây phút dù chỉ thoáng qua ấy tôi thấy nụ cười rất mỏng và nhẹ thoáng qua cánh môi nhợt nhạt của y.

"Đã nói rồi, ta có thể kiếm cho ngươi cái thứ hai"

             Vải may lên bộ y phục chắc chắn không thể tìm thấy ở thôn chúng tôi. Những đường chỉ thêu lên hoa văn đuôi công trên ngực áo cũng vậy. Tôi không biết gã kiếm ở đâu ra nhưng chắc hẳn từ những chuyến đi dài ngày với lý do lên rừng hái thuốc của gã. Túc Na đứng cạnh cái lán của chúng tôi. Ngắm nhìn thầy tôi rạng ngời trong tấm áo mới, không nén nổi vui mừng cũng theo đó mà cười hỉ hả. Niềm vui bé nhỏ của thầy lại là niềm vui to lớn của gã. Tựa như nụ cười của thầy là cơn mưa rào giữa trời hạn trên mảnh đất khô cằn mang tên trái tim gã.

             Sau tất cả những điều gã làm, chính chúng tôi - những người ngoài cuộc cũng cảm thấy lay động bởi sự nhiệt thành gã dành cho y. Nó cao thượng hơn những gì một gia nhân đối xử với chủ nhân của mình, nó bỏ xa cái gọi là tình bạn và nó đáng quý hơn cái gọi là tình yêu. Tấm chân tình của gã, trong thôn chúng tôi ai cũng thấu, tôi chỉ thắc mắc rằng thầy có cảm nhận được tất cả hy sinh cao cả ấy không? Tôi nghĩ chắc với một người học rộng hiểu cao như thầy, không có cớ gì y chẳng thấu hiểu, chỉ là thầy tôi không muốn hiểu....

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top