su vo cam

"Xin quý phụ huynh cho các bé nhận giải một tràng vỗ tay"

... xì xào ... xì xào ...

 

" Xin chúc mừng các bé và các gia đình có bé đoạt giải trong cuộc thi vẽ hôm nay"

... xì xào ... xì xào ...

 

Tiếng người MC vẫn cứ vang lên kêu gọi sự cổ vũ và hưởng ứng của quý phụ huynh ngồi bên dưới. Nhưng dường như chẳng ai muốn đáp lại lời kêu gọi đó. Cho dù người đang đứng trên sân khấu nhận giải kia chính là con của những phụ huynh đó.

 

" Chú nói trời ta, các con hô ta đứng và đứng lên để cùng chơi trò chơi nhé!"

“Trời ta”

“Ngồi xuống, đứng lên làm gì?”

 

Chẳng biết phải mở đầu thế nào để mọi người có thể hiểu được hết diễn biến của chương trình “Ngày hội Tuổi thơ” được diễn ra vào ngày 29/ 05/ 2010 vừa qua.

 

Gần đây khi đọc báo, tôi được nghe rất nhiều về các vụ bạo lực học đường trong trường học, và được nghe nhắc đến rất nhiều lần từ “ vô cảm trong giới trẻ hiện nay” khi chứng kiến bạn mình bị đánh mà vô tư đứng bình luận, rung đùi ngồi xem và thậm chí quay phim lại để mọi người cùng có thể coi được cảnh này. Ngoài đường phố khi chẳng may bị cướp hay bị giựt mất đồ thì người bị hại có hét cũng không ai dám đuổi theo, sợ bị vạ lây, bị trả thù, …

 

Tôi là dân tỉnh lẻ lên thành phố mong có được một tương lai tốt hơn. Ba mẹ vẫn dặn tôi cẩn thận khi ra đường mỗi khi gọi điện thoại hỏi thăm hay khi tôi về thăm nhà. Điều mà trước đây chẳng bao giờ nghe ba mẹ tôi nói khi còn ở nhà. Lúc mới nghe, tôi đã nghĩ ba mẹ hay lo xa. Đã ở Việt Nam thì chỗ nào chẳng như chỗ nào, lo lắng quá làm gì. Nhưng khi tôi lên thành phố chỉ một thời gian ngắn thì tôi hiểu rằng điều bố mẹ dặn dò tôi chẳng thừa. Đến bây giờ khi tôi đã đi làm thì ba mẹ vẫn còn dặn dò tôi điều đó mỗi khi có cơ hội gặp tôi.

 

Công việc của tôi giúp tôi vẫn thường xuyên về thăm nhà và sinh hoạt với các em thiếu nhi của tôi ở quê. Và tôi chẳng thể nào hiểu được tại sao sự vô cảm lại có chỗ để tồn tại trong những người trẻ thế này, những người đầy nhiệt huyết thế này như báo chí vẫn nói. Khi có cơ hội tôi hay tổ chức những chương trình thiện nguyện cho các em tham gia để các em có thể cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, để các em biết quan tâm đến những người chưa may mắn, để các em biết chia sẻ những gì các em có cho những người kém may mắn hơn mình.

 

Nhưng đến sáng 29 vừa rồi thì tôi đã hiểu được một phần lý do khiến trẻ em thành phố, những người trẻ thành thị bị mắc chứng bệnh “vô cảm” như những tin tức tôi đọc được trên thông tin đại chúng.

 

Có phụ huynh nào nghĩ rằng căn bệnh “vô cảm” được xã hội cho là nan giải đối với giới trẻ hiện nay lại là do mình hay không? Tôi nghĩ là không.

 

“Ngày hội tuổi thơ”, tôi thấy ban tổ chức đã rất cố gắng để tạo ra niềm vui cho các em trong ngày được dành riêng cho các em, các trò chơi, các phần quà, các chương trình đặc sắc được dàn dựng công phu. Nhưng các em lại chẳng được hưởng những điều đó. Khi người MC mời gọi các em tham gia trò chơi, các em rất vui vẻ hưởng ứng, nhưng bố mẹ các em lại không muốn cho các em tham gia, thế là các em đành ngồi yên bên cạnh bố mẹ để cho chương trình trôi qua. Khi tiết mục kịch được diễn ra thì các em lại chạy lên  sân khấu hoặc lại gần sân khấu để có thể xem rõ hơn. Tôi nghĩ các phụ huynh sẽ lên giữ các con mình lại như vừa rồi. Nhưng ngay cả khi  ban tổ chức kêu gọi quý phụ huynh lên đưa các em về chỗ ngồi, thì cũng chẳng thấy phụ huynh nào lên ẵm con về. Các anh chị trong đội kịch chẳng thể diễn được, vở kịch đành bỏ dở giang.

 

Đó vẫn chưa phải là điều tôi muốn chia sẻ với mọi người. Điều khiến tôi suy nghĩ sự vô cảm được bắt nguồn trong chính gia đình đó là khi các em lên lãnh giải thưởng. Khi các em được mời lên lãnh phần thưởng thì anh MC kêu gọi các phụ huynh khích lệ tinh thần các em thông qua việc vỗ tay. Nhưng …

 

"Xin quý phụ huynh cho các bé nhận giải một tràng vỗ tay"

... xì xào ... xì xào ...

 

" Xin chúc mừng các bé và các gia đình có bé đoạt giải trong cuộc thi vẽ hôm nay"

... xì xào ... xì xào ...

 

Thay vì tiếng vỗ tay thì lại là tiếng xì xào nói chuyện giao lưu, xã giao của các phụ huynh với nhau. Và hình như bố mẹ cũng không nhận ra có con mình đang nhận giải và đang đứng trên sân khấu.

 

Tôi thấy thương các bé, tôi thấy các bé lạc lõng trên sân khấu, lạc lõng trong chính ngày hội của mình. Lạc lõng giữa ba mẹ của mình.

 

Sự vô cảm được nảy mầm từ đây chăng?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: