Huy Cận - Xuân Diệu

HUY CẬN - XUÂN DIỆU

Năm 1936, hai người gặp nhau lần đầu tiên ở trường tú tài Khải Định, Huế. Xuân Diệu học năm thứ ba, Huy Cận vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và "đồng thanh tương ứng", kết bạn với nhau gần như tức khắc.

Tựu trường 1937, anh Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo Ngày Nay, Cận học năm thứ hai ban tú tài... Họ viết thư cho nhau hàng tuần...

Năm 1938, Huy Cận ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ. Ở đó Diệu viết "Truyện cái giường", một số bài thơ, còn Cận thì viết "Buồn đêm mưa", "Trông lên", "Đi giữa đường thơm" và mấy bài khác...

Tựu trường năm 1939... hai người ở trọ tại số nhà 40 Hàng Than, họ ở tầng trên, nhà thơ Lưu Trọng Lư và gia đình ở tầng dưới. Huy Cận học Cao đẳng Nông Lâm được học bổng 25 đồng, nghĩa là được trên ba tạ gạo, hồi đó tiền học bổng đủ nuôi Xuân Diệu và nuôi thêm cả hai đứa em nữa.

Cuối năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho... Phải tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hàng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư...

Hè 1942, Huy Cận đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở nghiên cứu tầm tang. Diệu điện hỏi: "Diệu từ chức được chưa?", Huy Cận điện trả lời: "Từ chức ngay! Về ngay Hà Nội!" Hai người sống trên gác Hàng Bông (số nhà 61), tiếp tục làm thơ.

Xuân Diệu và Huy Cận từ khi gặp nhau đến cuối đời, cả hai luôn song hành bên nhau như hình với bóng, sống chung nhà, ăn cùng một nồi, đắp chung một cái chăn. Xuân Diệu và Huy Cận sống với nhau, gắn bó với nhau đến nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó cũng mang tên là Huy-Xuân, tức là ghép hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như một cặp.

Trong bài "Mai sau", Huy Cận lại giới thiệu Xuân Diệu như người thân thiết nhất:

Người ta bảo bà mẹ chàng hay khóc
Chia gia tài cho con quí: lệ đau
Chàng là con một bà mẹ hay sầu
Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ
[...]
Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.

Lại ở bài "Ngủ chung" của Huy Cận, in trong tập Lửa Thiêng, xuất bản năm 1940 có đoạn viết :

Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

Bên cạnh đó, Huy Cận còn từng có thời kỳ trở thành em rể của Xuân Diệu khi lấy Ngô Xuân Như, em gái Xuân Diệu làm vợ. Hai người có với nhau hai con là: Cù Huy Hà Vũ và Xuân Bích. Cuối cùng chia tay vì không hợp nhau, thế là Hà Vũ ở với bố và bác, Xuân Bích ở với mẹ.

Huy Cận và Xuân Diệu dành hết mọi yêu thương chăm sóc cho con trai. Làm rất nhiều bài thơ tặng, cho sang Paris đi du học. Và đến lúc qua đời Xuân Diệu cũng để lại toàn bộ tài sản cho Hà Vũ.

Nhưng mà ở đời có câu "bố mẹ làm thầy, con đốt sách", Huy Cận cả đời theo Đảng, mà con trai ông lại là tên phản động chuyên chống đối lại chính quyền. Cù Huy Hà Vũ đã bị Đảng và nhà nước ta trục xuất cấm nhập cảnh về Việt Nam suốt đời. Đã có thời kì có sự tranh giành gay gắt giữa Cù Huy Hà Vũ với nhà nước về Căn biệt thự số 24 Điện Biên Phủ (Ba Đình - Hà Nội).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top