Phần 31


LỜI KẾT NGẮN 

 MÙA thu năm ấy, tôi trở lại mảnh đất một thời ngạo nghễ, nơi tôi đã trải qua phần lớn những năm tháng ngắn ngủi của Đế chế Thứ Ba. Thật khó mà nhận ra cảnh cũ. Tôi chỉ ghi lại đây số phận của những nhân vật đã đóng vai trò chủ chốt trong cuốn sách này .

Đồng Minh giải tán Chính phủ của Doenitz ngày 23 tháng 5 năm 1945 và bắt giữ tất cả thành viên .

Doenitz đã loại được Heinrich Himmler ra khỏi chính phủ trước đó, vào ngày 6 tháng 5, trong động thái mà ông tính toán có thể làm hài lòng Đồng Minh. Himmler lang thang trong vùng Flensburg, rồi đến ngày 21 tháng 5 thì đi cùng 11 sĩ quan S.S. vượt qua phòng tuyến Anh-Mỹ để trở về sinh quán Bavaria. Ông ta đã cạo bộ râu, bịt một tấm vải đen lên mắt trái và bận bộ quân phục của binh nhì lục quân. Một chốt kiểm soát của Anh chặn họ lại. Ông ta khai ra thân phận của mình, rồi bị lột quần áo và buộc phải mặc quân phục Anh để tránh khả năng ông giấu thuốc độc. Nhưng việc kiểm tra không cẩn thận. Himmler giấu một ống potassium cyanide trong hốc nướu miệng. Ngày 23 tháng 5, một sĩ quan quân báo Anh đến và ra lệnh cho nhân viên quân y kiểm tra miệng của Himmler, ông này cắn vỡ ống thuốc độc và chết trong vòng 12 phút. Nỗ lực cứu sống ông không thành công .

Những thủ hạ còn lại của Hitler sống được lâu hơn một chút. Tôi đi đến Nuremberg để xem họ. Tôi thường ngắm nhìn họ trong giai đoạn vinh quang và quyền lực ở những buổi mít tinh Đảng hàng năm tại thành phố này. Họ đã thay đổi hẳn khi ngồi trong khu vực bị cáo ở Toà án Quân sự Quốc tế. Mặc quần áo xộc xệch, ngồi sụp trên ghế và cựa quậy một cách bứt rứt. Họ không còn giống như những nhà lãnh đạo kiêu ngạo trước đây. Họ giống như một đám hỗn tạp những con người xoàng xĩnh. Khó mà hiểu được rằng những người như thế, trong lần cuối bạn trông thấy họ, đã vung quyền lực khủng khiếp đến mức nào. Tại sao những người như họ lại có thể chinh phục được một đất nước lớn lao và phần lớn châu Âu? 21 người ngồi trong khu vực bị can (Tiến sĩ Robert Ley cũng là bị can, nhưng đã treo cổ tự tử trong phòng giam trước khi phiên xử diễn ra.) .

Goering, sút mất 20 kg so với lần cuối tôi trông thấy ông, trong bộ đồng phục Không quân bạc màu không có quân phù, tỏ rõ sự hài lòng vì được ngồi ở vị trí số Một – cách công nhận vị thế của ông trong thứ bậc của Quốc xã khi mà Hitler đã chết .

Rudolf Hess, đã là nhân vật số Ba trước khi lái máy bay bỏ trốn sang Anh quốc, khuôn mặt ông bây giờ đã tiều tụy, đôi mắt thất thần nhìn mông lung vào khoảng không, giả vờ mất trí nhớ nhưng mọi người thấy rõ là ông đang cực kỳ thất vọng .

Ribbentrop, cuối cùng đã mất đi vẻ kiêu căng và hợm hĩnh, bây giờ xanh xao, gầy còm và chịu khuất phục .

Còn Keitel, đã không còn vẻ tự mãn như xưa nữa .

Rosenberg, "triết gia" mù mờ của Đảng, dường như cuối cùng cũng đã thức tỉnh mà nhìn vào thực tế nhờ những sự kiện đã mang ông đến đây .

Julius Streicher, kẻ thực hiện nhiệm vụ thủ tiêu người Do Thái, cũng có mặt ở Toà án này. Kẻ bạo hành và làm phim ảnh khiêu dâm, mà có lần tôi thấy đi nghênh ngang trên đường phố ở một thị trấn cổ, trên tay vung vẩy cái roi, bây giờ đã tàn tạ. Hói đầu, lụ khụ như một ông già, ông đổ mồ hôi đầm đìa, trừng trừng nhìn các thẩm phán mà tin rằng họ đều là người Do Thái – một lính canh nói với tôi như thế .

Fritz Sauckel, chủ nhân của những lao động nô lệ trong Đế chế Thứ Ba, với đôi mắt híp khiến ông trông giống như một con nhím. Ông có vẻ lo lắng, hết nghiêng bên này lại ngả bên kia .

Ngồi bên cạnh ông là Baldur von Schirach, thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Hitler và kế tiếp là Xứ uỷ Vienna, mang nhiều máu Mỹ hơn là Đức, trông giống như một sinh viên đại học đã bị tống khỏi trường vì trò rồ dại và giờ đã biết ăn năn .

Walther Funk, kẻ bất tài với đôi mắt trông gian xảo, đã tiếp nhiệm Schacht làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đức .

Và có cả Tiến sĩ Schacht, người đã trải qua những tháng cuối cùng của Đế chế Thứ Ba khi nhân vật mà ông có thời tôn thờ – Hitler – đưa ông vào trại tập trung, e sợ một ngày sẽ bị xử tử, nhưng bây giờ tỏ ra căm phẫn vì thấy Đồng minh lại đem chính mình ra xét xử như là tội phạm chiến tranh .

Neurath, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Hitler, một người Đức thuộc lớp người cũ, không đủ nhận thức và lòng chính trực, dường như đã hoàn toàn thất vọng .

Speer thì không thế, ông gây được ấn tượng tốt với tính thẳng thắn, suốt các phiên xử luôn ăn nói một cách thành thực, không hề muốn né tránh trách nhiệm và lỗi lầm của mình .

Seyss-Inquart, người Áo phản quốc, cũng có mặt trong khu vực bị cáo .

Còn có Đại tướng cấp cao Jodl và 2 Thuỷ sư Đô đốc Raeder và Doenitz .

Bên cạnh đó còn có Kaltenbrunner, người kế nhiệm khát máu của Heydrich, khi đứng trước vành móng ngựa đã phủ nhận tất cả tội ác .

Hans Frank, Toàn quyền Ba Lan, thì thú nhận một phần tội ác, cuối cùng tỏ ra ăn năn và theo lời ông, sau khi đã tìm lại được Thượng Đế, ông sẽ xin được thứ lỗi .

Còn Frick, khi ở bên bờ vực của cái chết, vẫn tỏ ra nhạt nhẽo như khi còn sống .

Cuối cùng là Hans Fritzsche, người chuyên đọc bình luận trên sóng phát thanh vì có giọng nói giống Goebbels, được Goebbels cử làm nhân viên của Bộ Thông tin và Tuyên truyền. Không ai trong phòng xử, kể cả Fritzsche, biết tại sao ông bị mang ra đây vì ông chỉ là một nhân viên cấp thấp. Có lẽ vì ông là cái bóng của Goebbels và sau cùng ông cũng được tha bổng .

Schacht và Papen cũng được tha bổng. Nhưng 3 người được tha bổng ở đây lại nhận án tù nặng của Toà án Bài trừ Quốc xã của Cộng hoà Liên bang Đức, dù cuối cùng họ chỉ ngồi tù trong thời gian rất ngắn .

7 bị cáo nhận án tù ở Nuremberg là: Hess, Raeder và Funk nhận án chung thân, Speer và Schirach 20 năm, Neurath 15 năm, Doenitz 10 năm. Những người còn lại bị án tử hình .

Lúc 1 giờ 11 sáng ngày 16 tháng 10 năm 1946, Ribbentrop bước lên giá treo cổtrong nhà tù Nuremberg, tiếp theo sau là Keitel, Kaltenbrunner, Rosenberg, Frank, Frick, Streicher, Seyss-Inquart, Sauckel và Jodl .

Nhưng Goering thì không.Ông này đánh lừa được thủ tục treo cổ. 2 tiếng đồng hồ trước khi đến lượt,Goering nuốt thuốc độc trước đó đã được lén đưa vào nhà tù. Giống như Lãnh tụAdolf Hitler và địch thủ Heinrich Himmler ở vị trí tiếp nhiệm, vào phút cuốicủa cuộc đời ông thành công trong việc chọn cách thức từ giã cõi đời – cõi đờimà cả 3 người đều để lại những hệ luỵ khủng khiếp  

THƯ MỤC

 CUỐN sách này chủ yếu dựa trên những tài liệu tịch thu được của Đức, biên bản thẩm vấn và lời khai của các sĩ quan Quân đội Đức và viên chức dân sự, nhật ký và hồi ký mà một trong số những người này để lại, cùng với những gì tôi đã được kinh qua ở Đế chế Thứ Ba .

Hàng triệu câu chữ từ thư khố Đức đã được xuất bản thành nhiều tập, cộng thêm hàng triệu câu chữ khác được thu thập hoặc chụp trên vi phim đã được lưu trữ trong nhiều thư viện ở Hoa Kỳ, chủ yếu là tại Thư viện Quốc hội và Thư viện Hoover của Đại học Stanford cùng với Thư khố Quốc gia tại Washington. Trong số này còn có những hồ sơ của Himmler và một số giấy tờ riêng của Hitler. Hơn nữa, Văn phòng của Trưởng ban Quân sử, Bộ Lục quân tại Washington cũng lưu trữ rất nhiều tài liệu quân sự của Đức .

Trong số những bộ sách đã được xuất bản, có 3 bộ là hữu dụng nhất cho mục đích của tôi. Bộ thứ nhất là Documents on German Foreign Policy, Series D (Tài liệu về Chính sách Ngoại giao của Đức, Tập D), gồm bản dịch ra tiếng Anh từ tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức từ 1939 đến 1940. Qua sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, tôi được tiếp cận với một số tài liệu khác của Bộ Ngoại giao Đức, chưa được dịch hoặc xuất bản, chủ yếu liên quan đến việc Đức tuyên chiến với Hoa Kỳ .

Hai bộ tài liệu đã được xuất bản liên quan đến các phiên xử của Toà án Nuremberg, rất có giá trị khi đưa người ta đến phía sau hậu trường của những vụ việc diễn ra trên Đế chế Thứ Ba. Bộ đầu là Trial of the major war criminals (Phiên xử các tội phạm chiến tranh chủ chốt), gồm 42 tập, trong đó 23 tập đầu trình bày lời khai tại các phiên xử, phần còn lại là văn bản được chấp nhận là bằng chứng trước toà, được công bố bằng ngôn ngữ gốc, phần lớn là tiếng Đức. Thêm một số tài liệu, biên bản thẩm vấn và tờ cung khai được thu thập cho các phiên xử, được vội vã dịch ra tiếng Anh và công bố trong 10 tập Nazi conspiracy and aggression (Âm mưu và sự hiếu chiến của Đảng Quốc xã). Điều không may là phần lớn lời cung khai với những uỷ viên của Toà án Quân sự Quốc tế không được xuất bản mà chỉ có dưới dạng in ronéo, được lưu trữ ở vài thư viện hàng đầu .

Có 12 phiên toà kế tiếp ở Nuremberg, do Toà án Quân sự Hợp Chúng Quốc thực hiện, nhưng 15 bộ sách được xuất bản về lời khai và tài liệu trình trong những phiên toà này, có tựa đề Trials of war criminal before Nuremberg Military Tribunals (Các phiên xử tội phạm chiến tranh tại Toà án Quân sự Nuremberg), chỉ bằng 1/10 của khối lượng tư liệu. Phần còn lại dưới dạng in ronéo hoặc bản sao chụp ở vài thư viện. Bản tóm tắt của những phiên toà khác, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề trên Đế chế Thứ Ba, được Anh quốc xuất bản ở London trong các năm từ 1947 đến 1949 dưới tựa đề Law reports of trials of war criminals (Báo cáo pháp lý của các phiên xử tội phạm chiến tranh) .

Trong số những tài liệu Đức chưa được xuất bản ngoài các bộ sưu tập phong phú của Thư viện Hoover, Thư viện Quốc hội Mỹ và Thư khố Quốc gia Mỹ – vốn chứa đựng các hồ sơ Himmler và một số tài liệu cá nhân của Hitler cộng thêm những tư liệu khác – một trong những phát hiện quý giá nhất là cái gọi là "Alexandria papers" mà một phần đã được chụp vi phim và lưu trữ ở Thư khố Quốc gia. Cũng trong số tài liệu chưa được xuất bản là nhật ký của Đại tướng cấp cao Halder – 7 tập đánh máy với thêm chú thích của Halder sau chiến tranh nhằm làm rõ một số đoạn. Tôi thấy đây là một trong những tư liệu quý giá nhất về Đế chế Thứ Ba .

Một số cuốn sách hữu ích cho tôi gồm có 3 loại được liệt kê dưới đây. Thứ nhất là hồi ký và nhật ký của một số nhân vật hàng đầu trong cuốn sách này. Thứ hai là những cuốn sách dựa trên tài liệu mới, như của John W. Wheeler-Bennett, Alan Bullock, H. R. Trevor-Roper và Gerald Reitlinger ở Anh quốc, Telford Taylor ở Mỹ, Eberhard Zeller, Gerhard Ritter, Rudolf Pechel và Walter Goerlitz ở Đức. Thứ ba là những cuốn sách cung cấp thông tin cơ bản .

Một thư mục của những công trình về Đế chế Thứ Ba đã được xuất bản Munich như là một số đặc biệt của tạp chí Vierteljahrsheftefuer Zeitgeschichte (Lịch sử Cận đại hàng quý), dưới sự bảo trợ của Viện Zeitgeschichte (Lịch sử Cận đại). Danh mục của Thư viện Wiener ở Anh cũng lưu trữ những thư mục xuất sắc .

LỜI BẠT TÔI lấy làm ngạc nhiên khi thấy cuốn sách này được đón nhận một cách nồng nhiệt .

Không một ai – kể cả nhà xuất bản, biên tập, người đại diện và bạn bè tôi – tin rằng công chúng chịu mua một cuốn sách dày như thế, đầy những ghi chú như thế, giá đắt như thế, lại có đề tài như thế. Người đại diện cho các buổi thuyết trình của tôi nói với tôi rằng người ta chẳng còn quan tâm đến Hitler và Đế chế Thứ Ba, cho nên tôi nên chuyển qua thuyết trình về đề tài nào khác. Nhà xuất bản chỉ in trước 12.500 bản .

Tất cả chúng tôi đều lấy làm ngạc nhiên trong vui thích khi mà ngay lập tức cuốn sách đã thu hút một số lượng lớn độc giả. Bản thân tôi không bao giờ theo dõi doanh thu – của cả ấn bản bìa cứng được xuất bản bởi Simon and Schuster và ấn bản bìa mềm đại chúng được xuất bản bởi Fawcett. Khoảng 2 hay 3 năm về trước, tôi đã rất kinh ngạc khi biết rằng Câu lạc bộ Book-of-the-Month (Sách trong Tháng) đã bán được Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba nhiều hơn bất kỳ cuốn sách nào khác trong lịch sử của nhà phân phối này. Nhưng chính xác là bao nhiêu quyển thì tôi không rõ. Ở Anh quốc, Pháp và Ý cuốn sách này cũng bán rất chạy, tuy rằng không bán chạy lắm ở Đức .

Các bài đánh giá cuốn sách có ý tích cực trên mức tôi dự kiến, ngoại trừ Đức. Và mặc dù nói chung các sử gia hàn lâm tỏ ra dửng dưng với cuốn sách và với tôi (như thể tôi là kẻ chen chân vì không có quyền xâm nhập lĩnh vực của họ – họ bảo ông phải dạy môn Lịch sử thì mới viết được lịch sử tốt được), nhưng thực tế thì tác phẩm của tôi cũng không phải nhận nhiều đánh giá tiêu cực từ phía họ .

Lấy ví dụ về trường hợp của H. R. Trevor-Roper. Khi lần đầu tiên tôi nghe đến Sunday New York Times Book Reviewvà việc ông này quyết định đánh giá cuốn sách, tôi lấy làm lo lắng. Ông ấy là một sử gia danh giá ở Đại học Oxford mà tôi rất ngưỡng mộ – tôi đã thấy cuốn sách The Last Days of Hitler [Những ngày cuối cùng của Hitler] của ông có giá trị đến nhường nào. Nhưng vào thời ấy, các nhà phê bình sách người Anh có phần khắt khe đối với các tác giả người Mỹ. Mặt khác, tôi nghĩ vì là một học giả xuất chúng nên Trevor-Roper có thể có cùng cảm nghĩ xem thường đối với những ký giả cố tìm cách viết sử. Thế nên tôi kết luận có lẽ mình sẽ bị phê phán tơi tả trên một tờ báo có tầm quan trọng quyết định đối với các tác giả người Mỹ và sách của họ .

Nhưng Trevor-Roper cũng tỏ ra ngạc nhiên về tác phẩm của tôi. Tiêu đề của bài phê bình sách dài 1 trang cho thấy ẩn dụ về những gì ông ấy muốn nói: ÁNH SÁNG VỀ ĐÊM ĐEN TỐI NHẤT TRONG THẾ KỶ CỦA CHÚNG TA Câu chuyện khủng khiếp nhất về nước Đức của Hitler được kể lại với nhiều cảm xúc trong nghiên cứu bậc thầy .

Trevor-Roper bắt đầu: "Trong những tình huống bình thường, chỉ trong thời gian phân nửa thế hệ sau khi sự kiện chấm dứt... thì không thể nào viết nên lịch sử của sự kiện đó. Nhưng đối với Đế chế Thứ Ba, chẳng có gì là bình thường, thậm chí hồi chấm dứt cũng không bình thường. Trong sự huỷ diệt toàn bộ ấy, tất cả bí mật của chế độ Hitler được phơi bày, tất cả hồ sơ được thu gom... Việc những nhân chứng còn sống có thể hội tụ với sự thật lịch sử là chưa từng có tiền lệ. Họ chỉ cần có một sử gia. Và họ sẽ tìm thấy một sử gia nơi William L. Shirer." Nội dung của bài đánh giá ngay từ đầu đã rất tích cực. Tôi gần như cảm thấy nghẹn ngào vì điều đó. Dòng kết luận của ông cũng ngoạn mục. "Đây là một công trình sáng giá về học thuật, phương pháp luận có tính khách quan, phán xét chín chắn, các kết luận là tất nhiên" .

Tôi được đưa trở lại mặt đất bởi một bài phê bình trên trang nhất của tờ báo đối thủ New York Herald-Tribune Book Review. Tác giả của bài báo này, Gordon A. Craig, lúc đó là sử gia ở Đại học Princeton, không đồng ý chút nào với đồng nghiệp của ông ở Oxford khi cho rằng Đế chế Thứ Ba đã tìm thấy sử gia nơi tôi. Không đời nào! Ông ấy nghĩ cuốn sách quá dày và "thiếu cân bằng." Ông lấy làm tiếc vì tôi đã không đọc qua cuốn sách của một sử gia ít tiếng tăm. Việc cuốn sách không dựa trên những gì các sử gia khác đã viết mà lại dựa trên những nguồn nguyên thuỷ – những hồ sơ bí mật của Đức tịch thu được – không hề tạo ấn tượng cho ông, nếu ông thực sự chú ý đến điều này .

Nói một cách nhẹ nhàng, ở Đức cuốn sách không được các nhà phê bình đánh giá cao. Đơn giản là người Đức không thể đối mặt với quá khứ của họ. Được cầm đầu bởi thủ tướng Tây Đức, Konrad Adenauer, cuốn sách bị phê phán dữ dội và tác giả bị nói xấu. "Người thù ghét Đức!" Adenauer gọi tôi như thế. Vì lẽ cuốn sách thể hiện một cách trung thực nước Đức của Quốc xã và những tội ác chống lại tình người và chống lại những người láng giềng của họ cùng người Do Thái ở châu Âu. Và vì lẽ tôi để cho những sự kiện tự nói lên tất cả, nên tôi lấy làm hoang mang về phản ứng dữ dội của người Đức, nhưng không ngạc nhiên lắm .

Vào thời điểm hiện tại, khi mà ấn bản kỷ niệm 30 năm của cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba ra mắt độc giả, thế giới bất ngờ đối mặt với sự thống nhất mới của nước Đức. Chẳng bao lâu sau khi thống nhất, nước Đức sẽ mạnh trở lại về kinh tế và nếu họ muốn, cũng sẽ mạnh trở lại về quân sự, giống thư thời đại của Wilhelm II và Adolf Hitler. Rồi châu Âu sẽ lại đối mặt với vấn đề Đức. Nếu lấy quá khứ làm kim chỉ Nam, thì triển vọng là không mấy hứa hẹn cho các nước láng giềng của Đức, những nước mà chỉ trong khoảng thời gian tôi sống thôi đã bị xâm lăng 2 lần bởi những đội quân theo tinh thần Teuton. Như độc giả của cuốn sách này đã được nhắc nhở, dưới chế độ của Hitler, cung cách Đức là sự khủng khiếp trong tính chất hoang dại .

thời điểm này, người ta tự hỏi: Liệu người Đức đã thay đổi hay chưa? Có vẻ như nhiều người ở phương Tây tin rằng họ đã thay đổi. Bản thân tôi thì không tin chắc như thế, quan điểm của tôi chắc chắn bị vẩn đục do những gì chính mình kinh qua khi sinh sống và làm việc ở Đức trong giai đoạn Quốc xã. Sự thật là không ai biết rõ câu trả lời cho nghi vấn trên. Và điều khá dễ hiểu là những nạn nhân trong cuộc chinh phục của Đức trước kia không còn muốn chủ quan nữa .

Có giải pháp nào cho vấn đề Đức hay không? Giải pháp nằm trong việc đưa nước Đức thống nhất vào hệ thống an ninh của châu Âu, để Đức không bao giờ có thể thoát ra mà theo đuổi những chính sách gây hấn như trong quá khứ .

Theo một ý nghĩa cơ bản, tình hình đã thay đổi kể từ khi Đế chế Thứ Ba sụp đổ. Như tôi đề cập ở đoạn cuối của phần Dẫn nhập được viết năm 1959, sự phát triển bom khinh khí đã khiến cho một kẻ điên cuồng chinh phục như Adolf Hitler trở thành lạc hậu. Nếu có khi nào một kẻ phiêu lưu như Hitler cố dẫn dắt nước Đức lao vào những cuộc xâm lược mới, thì ông ta sẽ bị đẩy lui bởi vũ khí hạt nhân. Việc này sẽ chấm dứt nhanh chóng tính hiếu chiến Đức. Nhưng, điều không may ở chỗ đó cũng là dấu chấm hết cho thế giới .

Vì thế, điều trái khoáy là bom H – cùng hoả tiễn, máy bay và tàu ngầm được thiết kế để phóng loại bom này – trong khi là mối đe doạ khủng khiếp cho sự sống còn của hành tinh này, thì cuối cùng lại giúp giải quyết vấn đề Đức. Không còn những cuộc xâm lược đầy xương máu bởi người Đức, hoặc bởi bất kỳ ai khác .

Có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu những Chính phủ lầm lạc và những người hoang mang trên thế giới này nhớ lại những đêm đen tối bị gây ra bởi chế độ khủng bố và diệt chủng của Quốc xã, vốn gần như bao trùm cả thế giới và cũng là chủ đề của cuốn sách này .

Nhớ về quá khứ sẽ giúpchúng ta thấu hiểu hiện tại  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle