Phần 30
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA ĐẾ CHẾ THỨ BA
HITLER đã định rời Berlin vào ngày 20 tháng 4, vào sinh nhật thứ 56 của mình, để đi Obersalzberg và chỉ đạo cuộc chiến từ nơi này. Phần lớn nhân viên các bộ đã di tản về phía Nam trên những xe tải chất đầy tài liệu, nhiều quan chức khác cũng hối hả tìm cách rời Berlin. 10 ngày trước, chính Hitler đã phái toán nhân viên hộ lý của mình đi Obersalzberg để dọn đường cho ông ta tới ngôi biệt thự Berghof .
Tuy nhiên, định mệnh khiến cho Hitler không bao giờ được nhìn lại nơi nghỉ dưỡng mà ông yêu thích. Hồi kết đến nhanh hơn là ông dự tính. Quân Mỹ và Liên Xô đang tiến nhanh đến một giao lộ bên bờ sông Elbe. Quân Anh-Canada đang đến sát Hamburg và Bremen, chuẩn bị cắt rời nước Đức khỏi Đan Mạch. Ở Ý, Đồng minh đã chiếm được Bologna và đang tiến đến thung lũng Po. Sau khi chiếm được Vienna vào ngày 13 tháng 4, quân Liên Xô tiến lên sông Danube, còn Đại Quân đoàn Thứ Ba của Mỹ đang tiến xuống dọc con sông này để bắt tay với quân Liên Xô tại sinh quán Linz của Hitler. Ở Berlin, người ta đã nghe tiếng đại pháo của Liên Xô. Bá tước Schwerin von Krosigk, vị Bộ trưởng Tài chính non nớt, nhận xét: "Có vẻ như nhân dân ta sẽ phải đối mặt với số phận đen tối nhất." Hitler đã rời tổng hành dinh của mình ở Đông Phổ lần cuối cùng ngày 20 tháng 11 năm 1944 khi quân Liên Xô đang tiến gần, rồi đi về Berlin. Đến ngày 10 tháng 12, ông đi đến tổng hành dinh miền Tây gần Bad Nauheim để chỉ huy cuộc phản công ở vùng Ardennes. Sau khi chiến dịch này thất bại, Hitler trở về Berlin ngày 16 tháng 1 năm 1945, nơi ông sẽ trụ lại cho đến phút cuối, chỉ đạo các đoàn quân đang vỡ vụn từ boong-kesâu 17 m phía dưới Phủ Thủ tướng, với những bức tường cẩm thạch hoa mỹ giờ đã tan nát vì bom của Đồng minh .
Thể chất Hitler đang suy sụp nhanh chóng. Một Đại uý trẻ gặp ông lần đầu tiên trong tháng 2 năm 1945 kể lại: "Đầu ông khẽ lắc lư. Cánh tay trái thõng xuống, bàn tay run lẩy bẩy. Đôi mắt loé lên ánh gì đấy khó diễn tả, bất bình thường và khiến người ta phải kinh sợ. Khuôn mặt và quầng mắt khiến ta nhận ra ông đã hoàn toàn kiệt sức. Tất cả cử động của ông giống hệt như một người lão suy." Kể từ vụ mưu sát ngày 20 tháng 7 năm 1944, Hitler chẳng còn tin ai nữa, ngay cả những Đảng viên trung kiên. Tháng 3 năm 1945, ông càu nhàu với nhóm nữ thư ký: "Mọi phía đều dối trá với tôi." "Tôi chẳng còn có thể trông cậy vào ai nữa. Tất cả bọn họ đều phản bội tôi. Toàn thể vụ việc khiến cho tôi kinh tởm... Nếu tôi có mệnh hệ gì, thì nước Đức sẽ không có nhà lãnh đạo. Tôi không có người kế nhiệm. Hess đã điên khùng, Goering đánh mất niềm tin của dân chúng, Himmler bị Đảng khước từ – hơn nữa ông ta hoàn toàn thiếu tế nhị... Hãy nặn óc nói cho tôi biết ai sẽ là người kế nhiệm tôi..." Người ta hẳn nghĩ rằng đến thời khắc này của lịch sử, vấn đề kế nhiệm là thiếu thực tế, nhưng không – không đúng trên đất nước Quốc xã điên điên gàn gàn này. Cả Lãnh tụ và những ứng viên hàng đầu sẽ tiếp nhiệm ông ta đều có nỗi ám ảnh như thế .
Dù cho thể chất của Hitler đã suy kiệt, nhưng ông ta và vài thủ hạ cuồng tín nhất, đặc biệt là Goebbels, đều vin vào niềm hy vọng sẽ được cứu nguy vào phút chót bằng một phép màu nhiệm .
Một buổi tối đẹp trời trong tháng Tư, Goebbels đọc cho Hitler nghe một trong những cuốn sách mà Hitler thích nhất: Lịch sử Friedrich Đại đế của Carlyle. Chương ông đang đọc trình bày những ngày đen tối nhất trong Chiến tranh Bảy năm, khi vị Vua lâm vào đường cùng và bảo các đại thần rằng đến ngày 15 tháng 2 nếu tình hình không sáng sủa, ông sẽ từ bỏ và uống thuốc độc. Giai đoạn lịch sử này khá tương đồng với hiện tại và hẳn là Goebbels đã đọc lên với cả giọng điệu kịch tính nhất: "'Hỡi vị Vua quả cảm! Hãy chờ đợi trong ít lâu, rồi những ngày thống khổ sẽ qua đi. Mặt trời may mắn của ông đã ở trên mây và chẳng bao lâu sẽ soi rọi cho ông.' Ngày 12 tháng 2, Nữ hoàng Nga qua đời. Phép lạ của Vương triều Brandenburg đã xuất hiện." Goebbels cho biết đôi mắt của Hitler đẫm lệ .
Với sự khích lệ như thế, họ xin 2 lá số chiêm tinh, được lưu trữ trong văn phòng "nghiên cứu" hổ lốn của Himmler. Một lá số là của Hitler lập ngày 30 tháng 1 năm 1933, ngày ông lên cầm quyền, lá kia là của nền Cộng hoà Weimar, do một chiêm tinh gia ẩn danh lập ngày 9 tháng 11 năm 1918, ngày sáng lập nền Cộng hoà .
"Một sự kiện kỳ diệu đã trở thành hiển nhiên, cả 2 lá số tiên đoán chiến tranh bùng nổ năm 1939, những chiến thắng cho đến năm 1941, rồi một loạt những thất bại với đòn nặng nhất trong những tháng đầu năm 1945, đặc biệt trong hai tuần đầu tháng Tư. Trong 2 tuần cuối tháng Tư, ta sẽ có được sự thành công tạm thời. Rồi sẽ đến thời kỳ đình trệ cho đến tháng Tám, nhưng ta sẽ lại có được hoà bình trong tháng này. Trong 3 năm tiếp theo, nước Đức sẽ gặp nguy khó, nhưng bắt đầu từ năm 1948 sẽ lại trỗi dậy." Với tinh thần được củng cố bởi Carlyle và sự tiên đoán kỳ diệu của những vì sao, ngày 6 tháng 4 Goebbels ban bố lời hiệu triệu binh sĩ đang rút lui: "Lãnh tụ đã tuyên bố rằng ngay cả trong năm nay, vận may sẽ đến... Tố chất thực sự của thiên tài là tinh thần tỉnh táo và nhận thức chắc chắn về sự thay đổi đang diễn ra. Lãnh tụ biết thời khắc chính xác của sự thay đổi sẽ đến. Định mệnh đã phái ông đến với chúng ta để trong giai đoạn khốn khổ cả ở trong nước lẫn ngoài nước này, chúng ta sẽ chứng giám cho phép màu..." Chỉ một tuần sau, vào đêm 12 tháng 4, Goebbels tin rằng "thời khắc chính xác" đã đến. Đó là ngày có thêm tin xấu. Quân Mỹ đã xuất hiện trên xa lộ Dessau-Berlin, Quân đội Đức vội vã ra lệnh phá huỷ 2 nhà máy làm thuốc súng còn lại nằm gần đường tiến quân. Từ lúc này trở đi, binh sĩ Đức không được tiếp tế thêm đạn dược nữa. Đến đêm 12 tháng 4, trung tâm Berlin bốc cháy do máy bay Anh không kích. Những gì còn lại của Phủ Thủ tướng và khách sạn Adlon trên khu Wilhelmstrasse đều bùng cháy. Một thư ký báo tin khẩn cho Goebbels: Roosevelt đã chết! Gương mặt Goebbels rạng rỡ hẳn lên. Ông kêu lên: "Mang rượu sâm panh ngon nhất ra đây. Và gọi điện cho Lãnh tụ!" Hitler đang ở trong một boong-ke sâu chờ cho cuộc không kích kết thúc .
Ông ta nhấc điện thoại .
Goebbels nói: "Lãnh tụ, xin chúc mừng ông! Roosevelt đã chết! Lá số chiêm tinh tiên đoán trong hai tuần cuối tháng Tư sẽ có bước ngoặt cho chúng ta. Hôm nay là thứ Sáu, ngày 13 tháng 4. Đây chính là bước ngoặt!" Không có tài liệu ghi chép phản ứng của Hitler, nhưng có thể tưởng tượng ông ta cảm thấy phấn khởi nhờ Carlyle và chiêm tinh học đến thế nào. Riêng Goebbels thì tỏ ra vui mừng, theo lời thư ký của ông .
Con người ngốc nghếch Bá tước Schwerin von Krosigk cũng vui mừng .
Sang ngày kế, Krosigk điện thoại cho Goebbels để chúc mừng .
Trong không khí của một nhà thương điên hoang tưởng. Các bộ trưởng Nội các nắm quyền từ lâu và được giáo dục ở những đại học lâu đời ở châu Âu, như Krosigk và Goebbels, nhưng lại cố nắm bắt chiêm tinh học khi những ngọn lửa của thủ đô đang bùng cháy, họ tỏ ra vui mừng vì cái chết của Tổng thống Mỹ. Hoạt cảnh cuối cùng ở Berlin đi đến lúc hạ màn .
Ngày 15 tháng 4, Eva Braun đi đến Berlin để sống cùng Hitler. Rất ít người biết về cô và càng ít người hơn biết quan hệ giữa cô và Hitler. Trong hơn 12 năm, cô là tình nhân của Hitler. Và bây giờ, cô đến vì hôn lễ và cái chết theo nghi thức của mình .
Dù chắc chắn là rất thương mến cô và cảm thấy được thư giãn bên cạnh cô, nhưng Hitler luôn giữ cô cách xa nơi công cộng, không cho phép đi đến các vị trí tổng hành dinh của ông, nơi ông dành phần lớn thời giờ trong những năm chiến tranh, thậm chí ít khi cho phép cô đến Berlin. Cô sống cách ly trong biệt thự Berghof ở vùng Obersalzberg, giết thời giờ bằng cách đi bơi và trượt tuyết, đọc những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền, xem những bộ phim rác rưởi, khiêu vũ (mà Hitler không thích) và không ngừng chải chuốt bản thân, mòn mỏi vì người yêu luôn vắng mặt .
Erich Kempka, tài xế của Hitler, kể: "Cô ta là người phụ nữ vô phúc nhất ở Đức. Vì đã trải qua phần lớn cuộc đời để chờ đợi Hitler." Theo mô tả của Thống chế Keitel, cô "rất thanh mảnh, có bề ngoài thanh lịch..., trầm lặng, kín đáo và rất, rất tử tế. Cô ở trong hậu trường và người ta hiếm khi trông thấy cô" .
Cha mẹ cô thuộc giới hạ trung lưu, lúc đầu không chấp nhận mối quan hệ thầm kín của cô với Hitler ngay cả khi ông đã lên nắm chính quyền. Cô từng làm việc cho một hiệu ảnh ở Munich và ông chủ hiệu ảnh này giói thiệu cô với Hitler. Đó là 1 hoặc 2 năm sau vụ tự tử của Geli Raubal, người cháu gái mà Hitler rất yêu mến. Có lẽ Eva Braun cũng thường cảm thấy khổ sở vì người yêu của cô, tuy không cùng lý do với Geli Raubal. Trong những năm đầu của mối quan hệ giữa 2 người, dù được sống trong biệt thự của Hitler ở vùng núi Alps, Eva vẫn không thể chịu nổi những khoảng thời gian cô đơn kéo dài khi Hitler đi xa. Dần dà, cô chấp nhận vai trò đáng chán và mơ hồ – không được công nhận là vợ hoặc người tình – đành bằng lòng làm người phụ nữ đồng hành duy nhất của một người đàn ông nổi tiếng và cố tận hưởng những thời khắc hiếm hoi khi 2 người bên nhau .
Bây giờ, cô quyết chí sẽ chia sẻ kết cục với ông. Cũng như vợ chồng Goebbels, cô không thiết sống mà không có Adolf Hitler. Trong căn hầm trước hồi kết, cô nói với Hanna Reitsch, phi công thử nghiệm nổi danh: "Trong hoàn cảnh hiện tại, một người Đức thực sự thì không nên sống". Dù Eva Braun có đầu óc không mấy sâu sắc và không hề gây ấn tượng cho Hitler về mặt tri thức, nhưng có lẽ đó lại là lý do khiến ông thích ở gần cô hơn là những phụ nữ thông minh. Và rõ ràng là Hitler đã ảnh hưởng rất nhiều tới cô, cũng như tới nhiều người khác .
QUYẾT ĐỊNH TO TÁT CUỐI CÙNG CỦA HITLER Sinh nhật 20 tháng 4 của Hitler diễn ra một cách trầm lặng, cho dù Tướng Tham mưu trưởng Không quân Karl Koller, có mặt trong buổi tiệc, ghi nhận đó là một ngày lại có thêm thảm hoạ trên các mặt trận, nhưng tất cả các lãnh đạo Quốc xã kỳ cựu đều có mặt: Goering, Goebbels, Himmler, Ribbentrop và Bormann, cũng như những chỉ huy Quân đội còn sót lại: Doenitz, Keitel, Jodl và Krebs (tân Tham mưu trưởng Lục quân và cũng là người cuối cùng giữ chức vụ này). Họ đều được mời đến để chúc mừng sinh nhật Lãnh tụ .
Hitler không tỏ ra tuyệt vọng, cho dù tình hình lúc đó đang rất tồi tệ. Ông vẫn tự tin, như ông ta nói với các tướng lĩnh 3 ngày trước, rằng quân Nga sẽ phải đổ nhiều máu nhất ở Berlin. Các tướng lĩnh biết rõ hơn ông ta và trong buổi họp quân sự thường kỳ sau khi ăn mừng sinh nhật, họ khuyên ông nên rời Berlin để đi về miền Nam. Họ giải thích rằng chỉ 1 hoặc 2 ngày nữa thôi, quân Nga sẽ cắt đứt hành lang để đi về hướng ấy. Hitler lưỡng lự, không nói đồng ý hay chối từ. Hiển nhiên là ông không thể đối mặt với sự kiện kinh khủng là thủ đô của Đế chế Thứ Ba sắp bị Liên Xô chiếm đóng, trong khi chỉ vài năm trước ông ta còn tuyên bố rằng kẻ thù này đã bị đánh gục. Có ý nhân nhượng với các tướng lĩnh, Hitler đồng ý thiết lập 2 bộ chỉ huy biệt lập trong trường hợp quân Mỹ và quân Nga bắt tay nhau trên sông Elbe. Thuỷ sư Đô đốc Doenitz sẽ cầm đầu bộ chỉ huy ở miền Bắc, còn Thống chế Kesselring có lẽ ở miền Nam – nhưng ông chưa chắc chắn về vị trí này .
Đêm ấy, 2 thuộc cấp được tin cậy nhất của Hitler ra đi: Himmler và Goering. Riêng Goering đi trên một đoàn xe tải chở đầy những món vật ông ta đã vơ vét được. Cả 2 nhà lãnh đạo Quốc xã kỳ cựu này đều tin chắc rằng chẳng bao lâu Lãnh tụ yêu dấu của họ sẽ chết và họ sẽ lên thay .
Họ không bao giờ gặp lại Hitler nữa. Ribbentrop cũng thế: Ông này cũng vội vã bỏ đi ngay đêm ấy .
Nhưng Hitler vẫn chưa chịu buông xuôi. Ông ra lệnh Đại tướng cấp cao Felix Steiner tổng phản công quân Liên Xô ở những vùng ngoại ô phía Nam của Berlin. Tất cả binh sĩ trú đóng trong vùng Berlin đều sẽ được tung ra trận đánh, kể cả những binh sĩ Không quân hiện diện trên mặt đất .
Hitler la hét với Tướng Koller, người ở lại để đại diện cho Không quân: "Bất kỳ Chỉ huy nào giữ lại lực lượng của mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Chính ông phải đem cái đầu của ông ra để đảm bảo rằng tất cả binh sĩ sẽ chiến đấu." Suốt 2 ngày liên tục, Hitler nôn nóng chờ đợi tin tức về cuộc phản công của Steiner, thêm một ví dụ để cho thấy ông không còn biết gì về tình hình thực tế. Cuộc phản công của Steiner không hề diễn ra, mà chỉ nằm trong tâm trí cháy bỏng của nhà độc tài tuyệt vọng. Cuối cùng khi Hitler biết được điều này, cơn cuồng phong đã ập đến .
Ngày 22 tháng 4 mang đến bước ngoặt cuối cùng trên con đường thân bại danh liệt của Hitler. Giống như hôm trước, từ sáng sớm cho đến tận 3 giờ chiều, ông luôn gọi điện cho các bộ chỉ huy ở khắp nơi, cố tìm hiểu kết quả của cuộc phản công do Steiner chỉ huy. Không ai biết gì. Máy bay của Tướng Koller không thấy gì, các chỉ huy trên mặt đất cũng thế, dù cho nếu cuộc phản công diễn ra thì chỉ cách phía Nam thủ đô khoảng 5 km. Ngay cả Tướng Steiner cũng mất tích, nói gì đến đoàn quân dưới quyền ông này .
Trong buổi họp quân sự lúc 3 giờ chiều, Hitler giận dữ đòi được biết tin tức về Steiner. Cả Keitel lẫn Jodl hay bất kỳ ai khác đều không trả lời được. Nhưng các tướng lĩnh thì có tin tức khác. Việc điều quân từ hướng Bắc đi tăng viện cho Steiner ở hướng Nam đã khiến cho mặt trận hướng Bắc suy yếu, quân Liên Xô thâm nhập ở đây và xe thiết giáp của họ đã tiến vào bên trong thành phố .
Hitler không còn có thể chịu được nữa. Mọi nhân chứng còn sống sót sau này đều kể lại rằng Hitler đã trở nên hoàn toàn mất tự chủ. Ông ta nổi cơn thịnh nộ dữ tợn nhất trong đời. Ông ta la hét rằng đây sẽ là hồi cáo chung. Mọi người đã bỏ rơi ông ta. Chẳng còn gì nữa, mà chỉ có phản bội, dối trá, tham nhũng và hèn nhát. Tất cả đã hết. Thôi được, ông ta sẽ ở lại Berlin. Ông ta sẽ đích thân chỉ huy phòng vệ thủ đô của Đế chế Thứ Ba. Những người khác có thể đi nếu muốn. Tại nơi này, ông sẽ đối mặt với đoạn cuối của đời mình .
Những người khác phản đối. Họ bảo vẫn còn có hy vọng, nếu Lãnh tụ rút về phía Nam, nơi tập đoàn quân dưới quyền Thống chế Ferdinand Schoemer ở Tiệp Khắc và lực lượng đáng kể của Kesselring vẫn còn nguyên. Doenitz, ở miền Tây Bắc đang chỉ huy quân ở đây và Himmler, kẻ đang có toan tính cho riêng mình, đều gọi điện thúc giục Lãnh tụ không nên lưu lại Berlin. Ngay cả Ribbentrop cũng gọi đến cho biết mình đang tung ra một "đòn ngoại giao" để cứu vớt mọi thứ. Nhưng Hitler chẳng còn tin tưởng họ. Ông ta nói với tất cả bọn họ rằng mình đã quyết định. Và để chứng tỏ cho mọi người thấy không gì đảo ngược được, Hitler gọi một thư ký và với sự hiện diện của các tướng lĩnh, đọc một bản tuyên bố sẽ được truyền ngay trên sóng phát thanh. Bản tuyên bố cho biết Hitler sẽ ở lại Berlin và bảo vệ thủ đô cho đến cùng .
Rồi Hitler cho gọi Goebbels đến, mời ông này, bà vợ cùng sáu đứa con vào ngụ trong boong-ke của Lãnh tụ vì ngôi nhà của họ đã bị bom làm cho hư hại nặng. Ông biết rằng ít nhất người thuộc hạ cuồng tín và trung thành này, cùng với gia đình, sẽ ở bên mình cho đến cùng. Kế đến, Hitler soạn ra hồ sơ của mình, chọn ra những gì ông muốn thiêu huỷ rồi đưa cho một trong những trợ lý, Julius Schaub, mang ra ngoài vườn để đốt .
Đến chiều tối, ông ra lệnh cho Keitel và Jodl đi về miền Nam để nắm quyền chỉ huy những lực lượng còn lại. 2 vị Tướng, đã kề cận bên Hitler trong suốt cuộc chiến, kể lại một cách sinh động lần chia tay của họ với người Tư lệnh Tối cao .
Khi Keitel nói mình không thể ra đi mà thiếu Lãnh tụ, Hitler trả lời: "Anh phải tuân theo lệnh của tôi." Vốn suốt đời chưa bao giờ làm trái một lệnh nào của Lãnh tụ, ngay cả những lệnh thực hiện những tội ác chiến tranh kinh tởm nhất, nhưng vào lúc này, Keitel đã không nói gì thêm .
Nhưng vì là con người không đến mức khúm núm bằng, Jodl không chịu yên lặng. Người chiến binh này, dù tận tâm với Hitler một cách cuồng tín, nhưng vẫn còn giữ lại ít nhiều truyền thống của Quân đội. Đối với ông, Tư lệnh Tối cao đang rời bỏ nhiệm vụ chỉ huy binh sĩ và đùn đẩy trách nhiệm cho họ vào thời khắc của thảm hoạ .
Jodl nói: "Ông không thể chỉ đạo gì được ở đây. Nếu ông không có ban lãnh đạo bên cạnh, làm thế nào ông có thể chỉ huy được?" Hitler trả lời: "Thế thì, được thôi, Goering sẽ nắm quyền lãnh đạo ở dưới kia." Khi một người vạch ra rằng không binh sĩ nào muốn chiến đấu cho Thống chế Đế chế, Hitler cắt ngang: "Anh có ý gì khi nói chiến đấu? Còn lại chút gì quý giá để chiến đấu đâu!" Thậm chí đối với một người điên rồ chỉ muốn đi thôn tính, đến cuối cùng ông ta đã sáng mắt ra. Hoặc, ít nhất, cao xanh kia đã cho ông ta khoảnh khắc minh mẫn trong những ngày cuối cùng đầy ác mộng của cuộc đời .
Lúc này, Himmler đang ở tại Hohenlychen, Tây Bắc Berlin. Khi nghe sĩ quan liên lạc Hermann Fegelein ở tổng hành dinh thuật lại tình hình, Himmler đã thốt lên với thuộc hạ: "Mọi người ở Berlin đã điên hết rồi! Tôi phải làm gì đây?" Đại tướng S.S. Gottlob Berger, Chánh văn phòng Trung ương của S.S, đề nghị Himmler đi về Berlin. Berger không biết rằng thủ trưởng Himmler của mình, do Tướng S.S. Walter Schellenberg thúc giục, đã tiếp xúc với Bá tước Folke Bernadotte của Thuỵ Điển để dàn xếp việc Quân đội Đức đầu hàng phương Tây. Berger nói với Himmler: "Tôi sẽ đi Berlin và vì nhiệm vụ, anh cũng nên đi." Nhưng đêm ấy chỉ có Berger đi về Berlin. Đạn pháo của Liên Xô đang nổ quanh Phủ Thủ tướng khi Berger đến nơi. Ông bị sốc khi thấy Lãnh tụ hoàn toàn nhụt chí và sự nghiệp dường như đã kết thúc. Rồi ông ngỏ lời đánh giá cao ý chí của Hitler khi muốn ở lại Berlin: "Người đã không thể bỏ mặc nhân dân sau khi họ đã trung thành và kiên trì đến thế." Lời nói của ông khiến cho Lãnh tụ cảm động. Berger kể lại: "Cho đến lúc ấy, Lãnh tụ vẫn chưa thốt lên tiếng nào. Rồi bỗng ông hét to: 'Mọi người đã lừa dối tôi! Không ai nói cho tôi biết sự thật! Quân lực đã dối trá với tôi'... Ông cứ tiếp tục nói và nói với giọng oang oang. Rồi da mặt ông tái ngắt. Tôi nghĩ ông sẽ bị đột quỵ bất kỳ lúc nào." Berger cũng là Trưởng phòng Hành chính Tù binh dưới quyền Himmler, nên khi Lãnh tụ dịu xuống, họ bàn bạc về số phận của một nhóm tù nhân người Anh, Pháp và Mỹ nổi tiếng và của những người Đức như Halder, Schacht và cựu Thủ tướng Áo Schuschnigg lúc ấy đang được chuyển về miền Đông Nam để tránh quân Mỹ giải thoát. 2 người cũng bàn về những báo cáo đã xuất hiện tư tưởng cô lập ở Áo và Bavaria. Ý nghĩ về cuộc phản loạn diễn ra ở sinh quán Áo và Bavaria, nơi đã cưu mang ông làm cho Hitler một lần nữa nổi giận. Berger kể: "Tay ông ta run rẩy, chân run rẩy và đầu cũng run rẩy, ông chỉ lặp đi lặp lại: 'Bắn hết chúng nó! Bắn hết chúng nó!'." Berger không rõ đó là lệnh bắn bỏ tất cả người phản loạn hay tất cả tù binh nổi tiếng, nhưng có lẽ đối với Hitler thì là cả 2 nhóm .
GOERING VÀ HIMMLER CỐ LÊN NẮM QUYỀN Ngày 22 tháng 4, Tướng Koller không đến dự buổi họp quân sự với Hitler. Ông phải chỉ huy Không quân và như ông đã ghi vào nhật ký: "Tôi không thể chịu được khi bị xúc phạm cả ngày." Tướng Eckard Christian, sĩ quan liên lạc của ông ở boong-ke, gọi điện cho ông lúc 6 giờ 15 chiều và hổn hển thông báo: "Biến cố lịch sử, có tính quyết định nhất trong cuộc chiến, đang xảy ra ở đây!" Vài tiếng đồng hồ sau, Christian đi đến tổng hành dinh Không quân ở vùng ngoại ô Berlin để đích thân báo cáo với Koller: "Lãnh tụ đã suy sụp tinh thần!" Người theo Quốc xã một cách hăng hái và cưới một trong những thư ký của Hitler, Christian chỉ hổn hển nói được rằng Lãnh tụ đã quyết định kết liễu đời mình ở Berlin và đang thiêu huỷ tài liệu, ngoài ra không nói rõ ràng được điều gì khác. Vì thế dù cho đợt không kích của Anh mới bắt đầu, Koller đã tìm Jodl để tìm hiểu chắc chắn chuyện gì đang xảy ra ở boong-ke .
Jodl kể lại mọi chuyện. Ông cũng tiết lộ một việc mà chưa ai nói cho Koller nghe .
Hitler đã nói với Keitel và Jodl: "Trong việc đàm phán hoà bình, Goering có thể làm tốt hơn tôi. Goering làm tốt hơn nhiều trong những việc như thế này. Ông ấy có thể đối phó với bên kia giỏi hơn." Lúc đó, Jodl đã thuật lại với Koller như thế .
Vị Tham mưu trưởng Không quân thấy mình có nhiệm vụ phải bay đi gặp Goering ngay lập tức. Vì lẽ quân địch đang nghe lỏm, nên việc nói chuyện qua sóng vô tuyến sẽ vừa khó khăn vừa nguy hiểm. Nếu Goering – mà vài năm hước đã được Hitler chính thức chỉ định là người kế nhiệm – nhận trách nhiệm đàm phán hoà bình thì không nên bỏ phí thời giờ. Jodl đồng ý với điều đó. Lúc 3 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 4, Koller đi trên một máy bay chiến đấu đến Munich .
Ông đến Berchtesgaden lúc giữa trưa và mang tin tức đến cho Goering. Ông này là người vốn luôn ôm tham vọng lên thay thế Hitler. Goering nói với thuộc hạ là không muốn lộ diện kẻo "kẻ thù" của mình là Bormann sẽ lợi dụng. Đó là sự cẩn trọng mà sau này người ta thấy là ông đúng lý. Goering nói: "Nếu tôi có động thái bây giờ, họ có thể kiếm cớ tôi là kẻ phản bội để nghiền nát tôi. Còn nếu tôi không có hành động, họ sẽ kết án tôi là không làm gì trong thời khắc thảm hoạ." Goering gọi Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Hans Lammers, lúc đó đang có mặt ở Berchtesgaden, đến để cho ý kiến về cơ sở pháp lý, cũng như để tìm cho ông một bản nghị định của Lãnh tụ ký ngày 29 tháng 6 năm 1941. Nội dung của nghị định này khá rõ ràng: Nếu Hitler chết, Goering sẽ lên thay và nếu Lãnh tụ không còn năng lực, Goering sẽ là người trợ lý. Mọi người đều thống nhất rằng khi Hitler lưu lại Berlin để chịu chết, bị cô lập khỏi Quân đội và Chính phủ, ông không còn năng lực điều hành và theo tinh thần nghị định thì Goering hiển nhiên phải gánh vác trách nhiệm .
Tuy thế Goering vẫn cẩn thận thảo một bức điện để gửi cho Hitler .
"Lãnh tụ của tôi! Xét qua quyết định muốn lưu lại trong công sự ở Berlin của ông, ông có đồng ý cho tôi lập tức đảm nhận quyền lãnh đạo Đế chế, được hoàn toàn tự do hành động trong và ngoài nước như là phụ tá của ông, theo tinh thần nghị định của ông ngày 29 tháng 6 năm 1941 hay không? Nếu tôi không nhận được phúc đáp lúc 10 giờ tối nay, tôi sẽ tự hiểu rằng ông đã mất quyền tự do hành động, đồng thời tôi sẽ xem như đã đạt đủ điều kiện theo nghị định của ông và sẽ làm việc vì lợi ích tốt nhất của đất nước và nhân dân ta. Hẳn ông cũng hiểu tôi cảm nhận như thế nào về ông trong giờ khắc trầm trọng nhất này. Ngôn bất tận ý. Xin Thượng Đế phù hộ cho ông và nhanh chóng mang ông đến đây cho dù tình thế ra sao chăng nữa. Người trung thành với ông, Hermann Goering." Chiều tối hôm ấy, cách đó hàng trăm kilomet, Heinrich Himmler đang gặp gỡ Bá tước Bernadotte tại tổng lãnh sự quán Thuỵ Điển ở Luebeck gần biển Baltic. Himmler không yêu cầu quyền kế vị, mà nghĩ mình đã có được quyền này .
Ông nói với vị Bá tước: "Cuộc đời vĩ đại của Lãnh tụ đang đi đến hồi kết" và rằng trong vài ngày tới, Hitler sẽ chết. Rồi Himmler thúc giục Bernadotte lập tức thông báo với Tướng Eisenhower là Đức đã sẵn sàng đầu hàng Đồng minh phương Tây. Himmler nói thêm rằng ở phía Đông, chiến tranh sẽ tiếp tục cho đến khi các cường quốc phương Tây tiếp quản mặt trận để chống Nga. Đó là sự ngây thơ hoặc ngu xuẩn, mà có khi là cả hai, của người lãnh đạo S.S. lúc đó đang muốn nắm quyền độc tài ở Đế chế Thứ Ba. Khi Bernadotte yêu cầu Himmler đưa đề nghị đầu hàng bằng văn bản, Himmler ký vào một lá thư được gấp rút viết ra dưới ánh sáng của một ngọn nến – vì Không lực Hoàng gia Anh đến oanh kích khiến mất điện và những người đang hội đàm phải chuyển xuống tầng hầm .
Chẳng bao lâu, cả Goering và Himmler đều nhận ra rằng họ đã hành động quá sớm. Dù bị cô lập khỏi các đoàn quân và các bộ trong Chính phủ và chỉ còn một ít đường dây viễn thông – vì quân Nga đã hoàn toàn bao vây thành phố – nhưng Hitler chứng tỏ ông ta vẫn có thể cai trị nước Đức bằng sức mạnh của tố chất và uy tín của riêng mình, chỉ thông qua lời nói của ông ta được truyền qua máy phát sóng vốn thường bị nhiễu do bị treo lơ lửng trên boong-ke bằng một quả bong bóng .
Albert Speer và một người phụ nữ đáng nể được mục kích toàn quang cảnh trong màn kịch cuối cùng ở Berlin về phản ứng của Hitler đối với bức điện của Goering. Ngày 23 tháng 4, Speer được một máy bay nhỏ chở hạ cánh xuống đầu phía Đông của trục đường Đông-Tây – đại lộ rộng chạy qua Tiergarten – ở cổng Brandenburg. Nghe nói Lãnh tụ sẽ ở lại Berlin và chẳng bao lâu nữa, Speer đến để ngỏ lời vĩnh biệt với Lãnh tụ, đồng thời bộc bạch rằng "sự xung đột giữa lòng trung thành riêng và nghĩa vụ công" đã buộc mình phải cưỡng lại lệnh vườn không nhà trống của Lãnh tụ. Ông sẵn sàng chịu bị bắt vì tội "phản quốc" và có thể bị xử bắn. Và chắc chắn mọi việc sẽ diễn ra như thế nếu nhà độc tài biết được rằng Speer đã có âm mưu ám sát ông ta và những người khác trước vụ nổ bom của Stauffenberg 2 tháng .
Chẳng là, kiến trúc sư lỗi lạc kiêm Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang, dù luôn tự hào là mình không dính dáng đến chính trị, nhưng giống như nhiều người Đức khác, ông đã thức tỉnh khi đã quá muộn. Khi cuối cùng nhận ra chân tướng của người Lãnh tụ muốn san bằng tất cả, ông quyết định hạ sát Hitler. Kế hoạch của ông là phun khí độc vào ống thông hơi trong boong-ke Berlin trong một buổi họp quân sự quy tụ tất cả nhân vật quan trọng. Vì không chỉ có các tướng lĩnh mà cả Goering, Himmler và Goebbels sẽ có mặt, Speer hy vọng sẽ tiêu diệt toàn bộ cấp lãnh đạo Quốc xã cũng như Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Ông tìm được khí độc và rồi khám phá ra rằng ống thông hơi ở khu vườn được bảo vệ bởi một ống khói cao 4 m, do Hitler ra lệnh lắp đặt để ngăn chặn việc phá hoại, và rằng không thể nào phun khí độc vào vì có binh sĩ S.S. canh gác trong khu vườn. Thế là ông bỏ dở kế hoạch và một lần nữa, Hitler lại thoát được âm mưu ám sát .
Lúc đó, vào buổi tối 23 tháng 4, Speer thú nhận tất cả về việc đã cưỡng lại lệnh tàn phá những cơ sở còn lại của nước Đức. Ông ngạc nhiên nhận thấy Hitler không tỏ ra bất bình hoặc giận dữ. Có lẽ Lãnh tụ cảm động vì sự thành thực và can đảm của người bạn trẻ – Speer chỉ mới 40 tuổi – mà ông rất yêu quý và xem như một nhà nghệ thuật kiệt xuất. Như Keitel cũng nhận xét, đêm ấy Hitler có vẻ trầm tĩnh một cách lạ lùng, như thể quyết định về cái chết ở đây đã mang đến sự an bình trong tâm hồn và trí óc ông. Nhưng đây không phải là khoảng tĩnh lặng sau cơn giông bão, mà là trước cơn giông bão .
Bởi vì bức điện của Goering đã đến Phủ Thủ tướng và đang nằm trong tay Bormann, người rốt cuộc đã nhận ra cơ hội của mình. Vốn giỏi mưu đồ, Hitler xem đó là "tối hậu thư" và là hành động phản nghịch muốn "chiếm đoạt" quyền lực của Lãnh tụ .
Speer kể: "Hitler phẫn nộ đến tột cùng và thốt ra những lời lẽ rất nặng nề dành cho Goering. Ông ấy bảo trong một thời gian ông đã biết Goering phụ lòng ông, nhũng lạm và nghiện ngập". Speer cảm thấy "vô cùng sốc" vì tự hỏi tại sao Hitler lại sử dụng một người như thế ở chức vụ cao như thế trong thời gian dài như thế. Speer cũng cảm thấy khó hiểu khi Hitler bình tĩnh lại và nói thêm: "Được, cứ để cho Goering đàm phán việc đầu hàng. Ai làm việc này thì cũng thế thôi." Nhưng sự trầm tĩnh chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc .
Trước khi buổi thảo luận kết thúc, do Bormann thúc giục, Hitler đã đọc một bức điện thông báo cho Goering biết ông này phạm tội "phản quốc nghiêm trọng" mà hình phạt là tử hình, nhưng vì có công lao lâu dài với Đảng Quốc xã và Nhà nước, Goering sẽ được tha tội chết nếu từ bỏ lập tức mọi chức vụ và được lệnh phải trả lời bằng một chữ: Được hay Không .
Như thế vẫn chưa làm cho Bormann thoả mãn. Ông này tự ý ra lệnh cho tổng hành sinh S.S. ở Berchtesgaden phải lập tức bắt giữ Goering, nhân viên của Goering và cả Lammers vì tội "phản quốc nghiêm trọng". Ngày hôm sau, trước khi trời sáng, nhân vật số Hai của Đế chế Thứ Ba, con người tự phụ nhất – và mập mạp nhất – trong số các ông hoàng của Quốc xã, Thống chế Đế chế duy nhất trong lịch sử nước Đức, Tư lệnh Không quân, đã trở thành tù nhân của S.S. .
3 ngày sau, vào tối ngày 26 tháng 4, Hitler còn dùng lời lẽ nặng nề hơn khi nói về Goering so với lúc có Speer hiện diện .
HAI VỊ KHÁCH CUỐI CÙNG ĐẾN BOONG-KE Có 2 vị khách cuối cùng đi đến boong-ke của Hitler: Hanna Reitsch, nữ phi công tài ba chuyên lái máy bay thử nghiệm có ác cảm thậm tệ với Goering và Đại tướng Không quân Ritter von Greim, mà vào ngày 24 tháng 4 ở Munich đã nhận lệnh của Hitler về trình diện. Chiếc máy bay chở 2 người trên chặng cuối vào tối 26 tháng 4 bị đạn phòng không của Liên Xô bắn trúng, 1 chân của Greim bị thương nặng .
Hitler đi đến phòng giải phẫu, nơi một bác sĩ đang băng bó vết thương của Greim .
HITLER: Anh có biết tại sao tôi gọi anh đến không? GREIM: Thưa Lãnh tụ, tôi không biết .
HITLER: Bởi vì Hermann Goering làm phản, bỏ rơi cả tôi và Tổ quốc. Ông ta tiếp xúc với quân thù sau lưng tôi. Hành động của ông ta là biểu hiện của sự hèn nhát. Ông ta không tuân lệnh tôi mà lại an thân rút về Berchtesgaden. Ở đây, ông ta gửi cho tôi một bức điện bất kính. Đó là... Đến đây, theo Hanna Reitsch kể lại, da mặt của Hitler bắt đầu co giật và hơi thở dồn dập .
HITLER:... một tối hậu thư! Một tối hậu thư cấp tốc! Bây giờ chẳng còn gì nữa cả. Tôi đã lãnh đủ. Không ai còn giữ lòng trung kiên, không ai còn sống theo danh dự, chẳng còn có nỗi thất vọng nào hơn, chẳng còn có thứ phản bội nào mà tôi chưa kinh qua và bây giờ chuyện này đã vượt qua mọi giới hạn. Chẳng còn gì nữa cả. Tôi đã bị đối xử tồi tệ theo mọi cách .
Tôi đã lập tức ra lệnh bắt giữ Goering vì tội phản bội Đế chế tước bỏ mọi chức vụ của ông ta, đồng thời trục xuất ra khỏi mọi biên chế. Chính vì vậy mà tôi gọi anh đến đây .
Rồi Hitler phong cho vị Tướng đang nằm dưỡng thương chức Tư lệnh Không quân – việc thăng thưởng đáng lẽ có thể được truyền qua sóng vô tuyến để tránh cho vị Tướng không bị gãy chân và cho phép ông lưu lại tổng hành dinh của mình, là nơi duy nhất ông có thể chỉ huy những gì còn lại của không lực .
3 ngày sau, Hitler ra lệnh cho Greim ra đi để đối phó với một trường hợp "phản quốc" khác. Như ta đã thấy, không chỉ có Goering là nhà lãnh đạo duy nhất của Đế chế Thứ Ba đã "phản bội" .
Trong 3 ngày ở boong-ke, Hanna Reitsch có đủ thời gian để nhận ra đời sống hoang tưởng ở đây – thật ra, cô đã tham dự vào đời sống ấy. Vì cô cũng có thần kinh nhạy cảm và thiếu cân bằng như Hitler, cô thuật lại nhiều chi tiết khủng khiếp và cường điệu, nhưng phần lớn có lẽ xác thực, vì nó tương đồng với những gì người khác kể, do đấy có giá trị quan trọng để tường thuật hồi kết cục của lịch sử này. Vào đêm khuya sau khi Reitsch và Greim đến – đó là 26 tháng 4 – đạn đại bác Liên Xô bắt đầu rơi trên Phủ Thủ tướng, tiếng nổ ầm ì và tiếng những mảng tường vỡ vụn khiến cho bầu không khí trong boong-ke thêm căng thẳng .
Reitsch nói với Hitler: "Lãnh tụ, tại sao ông ở lại? Tại sao ông chia lìa cuộc sống của ông khỏi nước Đức... Lãnh tụ phải sống để nước Đức có thể sống. Nhân dân đòi hỏi điều này." Reitsch kể là Hitler đáp lời cô: "Không được, Hanna. Nếu tôi chết đi, đó là cho danh dự của đất nước chúng ta. Vì với tư cách một chiến binh, tôi phải tuân theo lệnh của chính mình là sẽ bảo vệ Berlin cho đến phút cuối .
Cô gái thân yêu của tôi, tôi đã không định làm thế. Tôi tin tưởng một cách vững chắc rằng Berlin sẽ được cứu nguy ở 2 bên bờ sông Oder... Khi những nỗ lực lớn nhất của ta thất bại cũng chính là lúc tôi cảm thấy kinh hoàng nhất. Rồi khi thành phố bắt đầu bị bao vây... tôi tin rằng nếu tôi ở lại, thì tất cả binh sĩ của ta sẽ noi gương hành động của tôi và đến giải cứu thành phố... Nhưng, Hanna thân yêu của tôi, tôi vẫn còn có hy vọng. Quân của Tướng Wenck đang từ phía Nam tiến lên. Ông ấy phải và sẽ đẩy quân Nga đủ xa để cứu lấy ta. Rồi ta sẽ quật lại để trụ vững." Đó là tâm trạng của Hitler vào lúc này, khi ông vẫn còn hy vọng Tướng Wenck sẽ giải cứu Berlin. Nhưng chỉ ít khoảnh khắc sau, khi quân Nga oanh kích Phủ Thủ tướng mạnh hơn, ông trở lại trạng thái não nề. Ông đưa cho Reitsch một ống thuốc độc và một ống khác để trao cho Greim .
Ông nói: "Hanna, cô thuộc về số người sẽ chết với tôi... Tôi không muốn một ai trong số chúng ta rơi vào tay quân Nga và tôi cũng không muốn họ tìm ra xác của chúng ta... Xác của Eva và tôi sẽ được thiêu. Cô nên tìm ra cách thức cho riêng mình." Hanna mang ống thuốc độc đến cho Greim. Cả 2 quyết định là "nếu kết cục thật sự đến", họ sẽ uống thuốc độc và rồi, để đảm bảo, kéo cái chốt của một quả lựu đạn và giữ nó sát vào người .
Ngày 28 tháng 4, Hitler có vẻ như lại hy vọng – hoặc ít nhất đó là ảo tưởng. Ông gọi vô tuyến cho Keitel: "Tôi đang chờ Berlin được giải cứu. Quân của Heinrici đang làm gì? Wenck đang ở đâu? Chuyện gì xảy ra cho Đại Quân đoàn Thứ Chín? Khi nào Wenck và Đại Quân đoàn Thứ Chín hợp lực với nhau?" Reitsch trông thấy Hitler "đi đi lại lại trong hầm trú bom, ve vẩy một tấm bản đồ tơi tả vì mồ hôi từ 2 bàn tay của ông và nói về kế hoạch trong chiến dịch của Wenck với bất kỳ ai để ý lắng nghe." Nhưng "chiến dịch" của Wenck, giống như cuộc "tổng phản công" của Steiner tuần trước, chỉ có trong trí tưởng tượng của Hitler. Quân của Wenck đã bị tiêu diệt, Đại Quân đoàn Thứ Chín cũng thế. Quân của Heinrici ở phía Bắc Berlin cũng đang vội vàng rút về hướng Tây để chịu cho Đồng minh phương Tây bắt thay vì đầu hàng quân Liên Xô .
Suốt ngày 28 tháng 4, những người sống trong boong-ke mỏi mòn trông chờ tin tức về cuộc phản công của 3 đoàn quân này, đặc biệt là quân dưới quyền Wenck. Những mũi tiền tiêu của quân Liên Xô chỉ còn cách Phủ Thủ tướng vài góc phố từ phía Đông và phía Bắc, đồng thời đang tiến qua khu Tiergarten chỉ cách Phủ Thủ tướng dăm bảy kilomet về phía Tây. Khi không nhận được tin tức gì về những lực lượng giải cứu, Hitler lại nghi ngờ có âm mưu phản bội, theo như lời gièm pha của Bormann .
Lúc 8 giờ tối, Bormann gọi qua sóng vô tuyến cho Doenitz: "Những người có quyền hành lại đang im lặng thay vì thúc giục binh sĩ tiến đến giải cứu chúng tôi. Dường như sự phản bội đã thay thế lòng trung thành! Chúng tôi vẫn trụ lại đây. Phủ Thủ tướng đã bị đổ nát." Nửa đêm hôm ấy, Bormann gọi lại cho Doenitz: "Schoemer, Wenck và những người khác phải chứng tỏ lòng trung thành của họ đối với Lãnh tụ bằng cách đến hỗ trợ Lãnh tụ càng sớm càng tốt." Khi đó Bormann đã lên tiếng để cứu lấy chính mình. Hitler đã quyết định sẽ chết trong vòng 1 hoặc 2 ngày tới, nhưng Bormann thì vẫn muốn sống. Có thể ông sẽ không lên thay Lãnh tụ nhưng ông muốn tiếp tục vận động trong hậu trường cho bất kỳ ai sẽ lên thay Hitler .
Cuối cùng, trong đêm ấy Đô đốc Voss báo cho Doenitz biết rằng mọi liên lạc vô tuyến với Lục quân đã bị cắt đứt, đồng thời yêu cầu báo cáo ngay qua sóng của Hải quân về tình hình bên ngoài. Ngay sau đó, có tin đưa đến, không phải qua Hải quân mà từ Bộ Thông tin và Tuyên truyền .
Ngoài Bormann, còn có một quan chức Quốc xã khác trong boong-ke muốn sống. Đó là Hermann Fegelein, đại diện của Himmler tại tổng hành dinh và tiêu biểu cho hạng người tiến thân dưới chế độ của Hitler. Khởi đầu là người chăn ngựa rồi kế tiếp làm nài ngựa, ít học, ông có người đỡ đầu là Christian Weber, một trong những thuộc cấp thuở ban đầu của Hitler và bản thân cũng thích ngựa. Dưới ô dù của Weber, Fegelein thăng tiến nhanh. Ông được phong quân hàm Đại tướng trong lực lượng Waffen-S.S.. Năm 1944, sau khi được cử làm sĩ quan liên lạc cho Himmler tại tổng hành dinh của Hitler, Fegelein củng cố vị thế của mình bằng cách cưới em gái của Eva Braun là Gretl. Tất cả cấp chỉ huy S.S. đều đồng ý rằng khi liên kết với Bormann, Fegelein đã phản bội Himmler. Tuy nhiều tai tiếng, ít học và dốt nát, nhưng Fegelein dường như có bản năng tài tình để sống sót. Ông nhận ra ngay tình hình khi con tàu đang đắm .
Ngày 26 tháng 4, ông lặng lẽ rời boong-ke. Ngày hôm sau, Hitler nhận ra sự vắng mặt của Fegelein. Tính đa nghi của Hitler được khơi dậy, ông ta phái một toán S.S. mang vũ khí đi tìm. Fegelein bị tìm thấy, trong bộ quần áo dân sự, đang nghỉ trong nhà mình ở quận Charlottenburg, nơi quân Liên Xô sắp tràn vào. Bị giải về Phủ Thủ tướng, ông bị lột quân hàm Đại tướng cấp cao S.S. và bị tống giam. Việc Fegelein bỏ trốn khiến cho Hitler lập tức sinh nghi về Himmler. Nhà lãnh đạo lực lượng S.S. đang định làm gì, sau khi cố ý vắng mặt khỏi Berlin? Trở lại ngày 28 tháng 4: Bộ Thông tin và Tuyên truyền bắt được bản tin của đài BBC ở London, cho biết tin tức bên ngoài Berlin. Đó là tin của hãng Reuters đưa từ thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển, có tính chất giật gân, khó tin, đến nỗi trợ lý Heinz Lorenz của Goebbels phải đích thân vượt qua các khu phố đổ nát để mang đến boong-ke .
Reitsch kể lại là bản tin này đã "giáng một đòn chí mạng cho cả nhóm người. Ai nấy đều thốt lên lời giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng, tất cả cảm xúc ấy đều pha trộn trong cơn bùng phát kích động". Cơn bùng phát của Hitler là dữ dội nhất. Người nữ phi công kể: "Ông ấy lên cơn như một người điên." Heinrich Himmler cũng tìm cách thoát khỏi con tàu đang đắm. Bản tin của Reuters tường thuật Himmler đã tiến hành bí mật thương lượng với Bá tước Bernadotte và đề nghị Quân đội Đức ở phía Tây đầu hàng Eisenhower .
Đối với Hitler, người không bao giờ ngờ vực lòng trung thành tuyệt đối của Himmler, đây là đòn đau đớn nhất. Reitsch kể: "Da ông chuyển sang màu đỏ bầm và không ai còn nhận ra khuôn mặt của ông... Sau một tràng dài mắng mỏ, Hitler rơi vào trạng thái choáng váng, cả boong-ke đều im lặng." ít nhất Goering còn xin phép để lên nắm quyền thay. Nhưng người lãnh đạo lực lượng S.S. lại không màng xin phép, ông này đã tiếp xúc với địch quân mà không báo cáo lấy một lời. Khi hoàn hồn phần nào, Hitler bảo các thuộc hạ đó là hành động phản trắc nặng nề nhất mà mình từng trải qua .
Ít phút sau, có thêm tin báo là quân Liên Xô đang tiến đến chỉ còn cách một khu phố và có lẽ sẽ tràn ngập Phủ Thủ tướng vào buổi sáng 30 tháng 4, sau 30 tiếng đồng hồ. Hai tin báo liên tiếp cho thấy dấu hiệu của hồi kết. Hitler bắt buộc phải đi đến một trong những quyết định cuối cùng của đời mình. Đến hửng sáng, ông cử hành hôn lễ với Eva Braun, soạn thảo bản di chúc và tuyên cáo cuối cùng, phái Greim và Hanna Reitsch đi huy động Không quân Đức dốc toàn lực đánh bom các lực lượng Liên Xô đang tiến đến gần Phủ Thủ tướng, đồng thời ra lệnh họ bắt giữ tên phản bội Himmler .
Hitler nói với họ: "Một kẻ phản bội không bao giờ được kế vị tôi làm Lãnh tụ. Các người hãy đi ra ngoài để đảm bảo việc này." Hitler không muốn chờ đợi để bắt đầu rửa hận đối với Himmler. Ông có người liên lạc của Himmler trong tay: Fegelein. Lúc đó, người tướng S.S. này bị giải ra, bị tra vấn về sự "phản bội" của Himmler, bị kết án là tòng phạm trong việc này, rồi theo lệnh của Hitler, bị dẫn ra ngoài khu vườn của Phủ Thủ tướng để chịu xử bắn. Việc Fegelein cưới em gái của Eva Braun không giúp ích gì được cho ông này cả. Eva cũng chẳng có nỗ lực gì để cứu mạng sống của người em rể. Eva kể lể với Hanna Reitsch: "Thật là tội nghiệp cho Hitler, bị mọi người bỏ rơi, bị tất cả phản bội. Thà có 10.000 người khác chết còn hơn là nước Đức mất ông." Nước Đức mất Hitler nhưng Hitler có được Eva Braun. Giữa 1 và 3 giờ sáng 29 tháng 4, ông cử hành hôn lễ chính thức với Eva. Hitler luôn nói hôn nhân sẽ là trở ngại khiến cho ông không thể toàn tâm dẫn dắt Đảng Quốc xã nắm quyền lực và đưa đất nước lên đến đỉnh cao. Bây giờ chẳng còn công việc chỉ đạo gì nữa và cuộc đời ông đã đến lúc cáo chung, ông có thể an tâm tiến hành cuộc hôn nhân .
Goebbels triệu đến một nhân viên hội đồng thành phố tên Walter Wagner, người đang chiến đấu trong lực lượng dân quân chỉ cách vài khu phố, để chủ trì buổi lễ trong một phòng họp nhỏ dưới boong-ke. Hồ sơ kết hôn còn tồn tại sau cuộc chiến. Hitler yêu cầu "xét qua những diễn biến chiến tranh, chỉ cần tiến hành nghi thức bằng lời và tránh những việc chậm trễ khác". Cả cô dâu và chú rể đều tuyên thệ họ "hoàn toàn là dòng dõi Aryan" và "không có bệnh di truyền làm cản trở hôn nhân". Ngay cả trước cái chết, nhà độc tài vẫn muốn theo đúng thủ tục. Chỉ ở những khoảng dành để ghi tên cha (có họ lúc sinh ra là Schicklgruber), tên mẹ và ngày kết hôn là Hitler để trống. Cô dâu bắt đầu ký tên "Eva Braun" rồi ngừng lại, xoá chữ "B" và viết "Eva Hitler, nhũ danh Braun". Goebbels và Bormann ký làm chứng .
Sau nghi lễ ngắn gọn là bữa điểm tâm ăn mừng hôn lễ trong phòng riêng của Hitler. Rượu sâm panh được khui ra và ngay cả bà Manzialy, người nấu các món ăn chay cho Hitler, cũng được mời dự, cùng với các thư ký, tướng lĩnh, Tham mưu trưởng Lục quân Krebs và Burgdorf, Bormann, cùng vợ chồng Goebbels. Họ trao đổi về những ngày tươi đẹp xa xưa và những đồng chí trong Đảng vào thời còn gắn bó với nhau. Hitler nói một cách trìu mến về dịp ông làm phù rể trong hôn lễ của Goebbels. Cũng theo thói quen, dù là ngay cả lúc cuối của cuộc đời, Hitler vẫn nói và nói, kể lại những thời điểm khi cuộc đời đầy kịch tính của ông lên đến cao trào. Ông nói, tất cả đã đi đến phút cuối và Quốc xã cũng thế. Ông sẽ cảm thấy được giải thoát mà chết, bởi vì những người bạn và thuộc hạ lâu năm nhất đã phản bội. Buổi tiệc mừng hôn lễ chìm vào không khí ảm đạm, vài người khách cố giấu những giọt nước mắt .
Cuối cùng, Hitler rời bàn tiệc. Ở phòng kế bên, ông gọi một trong các thư ký tên là Gertrude Junge đến để ghi chép bản di chúc và tuyên cáo cuối cùng .
DI CHÚC VÀ TUYÊN CÁO CUỐI CÙNG CỦA HITLER 2 văn bản này đều tồn tại sau cuộc chiến theo như ý nguyện của Hitler và cũng như nhiều tài liệu khác, nó có ý nghĩa quan trọng trong đoạn tường thuật này .
2 văn bản chứng tỏ rằng người đã cai trị nước Đức với bàn tay sắt trong hơn 12 năm và thống trị phần lớn châu Âu trong 4 năm, vẫn không rút ra được bài học nào từ kinh nghiệm của mình. Ngay cả những bước thụt lùi và thảm bại cuối cùng vẫn không dạy cho ông ta được điều gì. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Hitler trở lại là con người trẻ trung của những ngày sống lông bông ở thành phố Vienna và của thời gian đầu ở nhà hàng bia Munich, nguyền rủa người Do Thái về mọi vấn nạn của thế giới, đồng thời than vãn là một lần nữa, định mệnh đã cướp đi chiến thắng của nước Đức. Trong lời giã biệt với nước Đức, với thế giới và cũng là lời kêu gọi cuối cùng đối với lịch sử này, Adolf Hitler lại moi ra mọi lời lừa phỉnh trong quyển Mein Kampf và thêm vào những luận cứ sai lạc cuối cùng. Đó là một bài văn bia thích hợp cho một kẻ chuyên chế say mê quyền lực trong khi quyền lực tuyệt đối đã hoàn toàn sụp đổ .
Bản "Tuyên cáo Chính trị", theo cách Hitler gọi, được chia ra làm 2 phần: phần đầu gồm lời hiệu triệu cho hậu thế và phần sau gồm những chỉ thị cụ thể cho tương lai .
"Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi tôi có sự đóng góp khiêm tốn với cương vị là binh sĩ tình nguyện trong Thế chiến I, cuộc chiến vốn đã được áp đặt lên Đế chế .
Trong 3 thập kỷ này, chỉ có tình thương và lòng trung thành đối với dân tộc đã dẫn dắt tôi cùng tất cả tư tưởng, hành động và đời sống của tôi. Những yếu tố này tạo cho tôi nghị lực để đi đến những quyết định khó khăn nhất mà một con người phải đối mặt... Không phải tôi hay bất kỳ ai ở Đức đều mong muốn chiến tranh vào năm 1939. Đó chỉ là do những chính khách quốc tế đã mong mỏi và khiêu khích, những người hoặc có gốc Do Thái hoặc hành động vì quyền lợi của người Do Thái .
Đã nhiều lần tôi đưa ra đề xuất để giới hạn và kiểm soát việc tăng cường vũ trang, mà hậu thế sẽ không bao giờ quên, vì trách nhiệm đối với việc khởi động cuộc chiến này được đem áp đặt cho tôi. Hơn nữa, sau Thế chiến I kinh khủng, tôi không bao giờ muốn rằng sẽ có cuộc chiến thứ hai chống lại Anh quốc và ngay cả Hoa Kỳ. Nhiều thế kỷ sẽ qua đi, nhưng từ đống tro tàn của những thị trấn và đài kỷ niệm của ta, lòng hận thù đối với những người có trách nhiệm cuối cùng sẽ luôn khởi phát. Họ – dân Do Thái quốc tế và những kẻ phục vụ họ – là những người mà ta sẽ phải cảm ơn vì tất cả những điều ấy .
Ba ngày trước khi nổ ra Chiến tranh Đức-Ba Lan, tôi đã đề xuất với Đại sứ Anh quốc một giải pháp cho vấn đề Ba Lan-Đức... Nó [đề xuất ấy] bị khước từ chỉ vì tập đoàn cai trị ở Anh quốc mong muốn chiến tranh, một phần vì những lý do thương mại, một phần do bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của dân Do Thái quốc tế." Kế đến, Hitler đặt "trách nhiệm duy nhất" không những về cái chết của hàng triệu người trên các bãi chiến trường và trong những thành phố bị bom đạn mà còn về việc tàn sát người Do Thái do ông ta chủ trương – lên người Do Thái. Rồi Hitler chuyển qua những lý do khiến mình quyết định lưu lại Berlin cho đến phút cuối .
"Sau sáu năm chiến tranh, tuy có vài thất bại, nhưng một ngày nào đấy, [cuộc chiến của ta] sẽ đi vào lịch sử như là biểu hiện vinh quang và anh hùng nhất của cuộc đấu tranh cho sự tồn vong của một dân tộc, tôi không thể bỏ rơi thành phố vốn là thủ đô của đất nước này... Tôi mong được chia sẻ vận mệnh của tôi với vận mệnh của hàng triệu người khác đã đứng lên bằng cách lưu lại Berlin. Hơn nữa, tôi sẽ không rơi vào tay quân địch – những kẻ luôn mong muốn nhìn thấy một cảnh tượng được người Do Thái dàn dựng để quần chúng cuồng loạn của họ có thể tiêu khiển .
Vì thế tôi đã quyết định lưu lại Berlin và ở đây tự nguyện chọn lấy cái chết vào thời khắc mà tôi tin rằng không còn có thể duy trì được vị thế của Lãnh tụ và Thủ tướng. Tôi chết với một con tim vui mừng khi nhận ra những chiến công và thành tựu vô biên của nông dân và công nhân ta, đồng thời tôi cũng biết rằng sự cống hiến độc đáo trong lịch sử của giới trẻ sẽ mang tên tôi." Sau đó là lời kêu gọi tất cả người Đức "không nên từ bỏ cuộc tranh đấu". Cuối cùng ông bắt buộc phải thừa nhận là Quốc xã đã tạm thời chịu kết liễu, nhưng dù thế ông vẫn trấn an người Đức rằng từ những hy sinh của binh sĩ và của chính ông ta là "những hạt mầm đã được gieo để một ngày nào đấy sẽ mọc lên... cho sự hồi sinh quang vinh của phong trào Quốc gia Xã hội và của một dân tộc thật sự đoàn kết." Hitler chưa chịu chết nếu không châm chích lần cuối Quân đội và đặc biệt là giới chỉ huy, những người ông quy trách nhiệm cho kết quả thảm bại. Dù thừa nhận là chủ nghĩa Quốc xã đã cáo chung, nhưng ít nhất là vào lúc này, ông ta vẫn "kêu gọi những chỉ huy của 3 quân chủng hải, lục, không quân, bằng tất cả phương cách có thể, phải tăng cường tinh thần kháng chiến của binh sĩ chúng ta trong niềm tin vào Quốc gia Xã hội, nêu rõ sự kiện là chính tôi, nhà sáng lập của phong trào này, đã chọn lựa cái chết thay vì buông xuôi một cách hèn nhát hoặc thậm chí đầu hàng." Rồi thì câu châm chích tầng lớp sĩ quan Lục quân: "Mong rằng trong tương lai sẽ có một điểm son danh dự cho những gì mà sĩ quan Lục quân Đức, cũng như Hải quân đã đạt được, để không còn có một quận hoặc một thị trấn nào đầu hàng và, trên tất cả, để các chỉ huy nêu gương sáng về sự cống hiến trung kiên cho nghĩa vụ đến hơi thở cuối cùng." Chính vì Hitler đã khăng khăng muốn "một quận hoặc một thị trấn" phải được giữ "đến hơi thở cuối cùng" như đã xảy ra ở Stalingrad nên mới dẫn đến thảm hoạ quân sự. Nhưng trong chuyện này, cũng như những chuyện khác, Hitler không lĩnh hội được gì cả .
Phần thứ hai của Tuyên cáo Chính trị đề cập đến việc tiếp nhiệm. Dù Đế chế Thứ Ba đang chìm vào khói lửa và bom đạn, nhưng trước khi chết Hitler vẫn muốn nêu tên người kế nhiệm và chỉ đạo thành phần Chính phủ mà người kế nhiệm ấy phải bổ nhiệm. Trước hết, ông phải loại trừ những người kế nhiệm hiện tại .
"Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Thống chế Đế chế Hermann Goering ra khỏi Đảng và rút lại mọi quyền hành trao cho ông ấy qua nghị định ngày 29 tháng 6 năm 1941... Thay vào chức vụ ông ta, tôi bổ nhiệm Thuỷ sư Đô đốc Doenitz làm Tổng thống Đế chế kiêm Tư lệnh Tối cao Quân lực .
Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Lãnh tụ S.S. và Bộ trưởng Nội vụ Heinrich Himmler ra khỏi Đảng và ra khỏi tất cả chức vụ nhà nước." Hitler tin rằng các chỉ huy của Lục quân, Không quân và S.S. đã phản bội và tước đoạt thắng lợi của mình. Vì thế người kế nhiệm được chọn lựa phải là chỉ huy Hải quân, vốn có thực lực quá kém cỏi nên đã không thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh thôn tính của Hitler. Đây là sự châm chích cuối cùng dành cho Lục quân – quân chủng đả đảm trách hầu hết công tác chiến đấu và đã hi sinh nhiều nhất trong cuộc chiến. Đây cũng là sự trừ khử cuối cùng 2 người cộng tác thân thiết nhất của ông từ những ngày đầu thành lập Đảng .
"Ngoài sự bất trung đối với cá nhân tôi, Goering và Himmler còn gây ra nỗi ô nhục không gì sánh được cho cả đất nước qua việc bí mật đàm phán với quân thù sau lưng tôi và trái ngược với ý muốn của tôi. Qua đó, họ đã mưu đồ chiếm lấy quyền kiểm soát Nhà nước một cách bất hợp pháp." Sau khi trục xuất những kẻ phản bội và nêu tên người kế nhiệm, Hitler chỉ thị cho Doenitz cách bổ nhiệm người trong Chính phủ mới. Họ là "những người danh giá sẽ hoàn tất nhiệm vụ tiếp tục cuộc chiến bằng mọi cách". Goebbels sẽ là Thủ tướng và Bormann là "Bộ trưởng Đảng" – là một chức vụ mới. Seyss-Inquart, kẻ bán nước và gần đây nhất là đồ tể Cao uỷ Hà Lan, sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao. Speer và Ribbentrop đều bị loại. Nhưng Bá tước Schwerin von Krosigk, là Bộ trưởng Tài chính liên tục từ khi được Papen bổ nhiệm năm 1932, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Người này là kẻ ngu dốt, nhưng phải công nhận ông là thiên tài trong việc biết cách sinh tồn qua bao biến động. Hitler không chỉ nêu ra Chính phủ của người tiếp nhiệm. Ông ta còn đưa ra một chỉ thị tiêu biểu cuối cùng .
"Trên hết, tôi ra lệnh Chính phủ và toàn dân phải tuân thủ những luật về chủng tộc đến mức cao nhất và cương quyết chống lại kẻ đầu độc Do Thái quốc tế ở mọi quốc gia." Hitler kết thúc ở đây. Lúc đó là 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 29 tháng 4 năm 1945. Hitler triệu vào Goebbels, Bormann, các Tướng Krebs và Burgdorf để chứng kiến thời khắc ông ta ký vào văn bản và họ đều ký tên làm chứng. Rồi ông nhanh chóng đọc di chúc. Trong văn bản này, Hitler trở lại là một người gốc Áo trung lưu cấp thấp, giải thích tại sao ông kết hôn và tại sao hai vợ chồng ông phải tự tử. Ông cũng định ra việc phân phối tài sản của mình, mà ông hy vọng sẽ đủ để cho thân nhân sống ở mức khiêm tốn. Ít nhất, Hitler đã không lạm dụng quyền hành để vơ vét tài sản cho riêng mình, như Goering đã làm .
"Mặc dù trong những năm tranh đấu tôi đã nghĩ rằng mình không thể đảm đương trách nhiệm hôn nhân, thế nhưng bây giờ, trước khi cuộc đời tôi chấm dứt, tôi đã quyết định cưới làm vợ người phụ nữ mà sau nhiều năm là bạn đồng hành đích thực, đã tự nguyện đi đến thành phố này, vào lúc gần như tất cả đã bị bao vây, để chia sẻ số phận cùng tôi .
Cô sẽ chết cùng tôi theo ý nguyện của cô với tư cách là vợ của tôi. Việc này sẽ bù đắp cho chúng tôi những gì chúng tôi đã mất mát vì nhiệm vụ của tôi đối với dân tộc .
Những tài sản của tôi, nếu có giá trị nào đấy, sẽ thuộc về Đảng hoặc, nếu Đảng không còn, thì thuộc về Nhà nước. Nếu Nhà nước cũng mất, tôi không còn ý nguyện nào khác. Các bức hoạ trong bộ sưu tập của tôi do tôi mua được trong những năm qua chưa bao giờ được tập trung lại vì mục đích cá nhân mà chỉ để thành lập một phòng tranh ở thị trấn sinh quán Linz của tôi bên dòng Danube." Với cương vị là người thi hành di chúc, Bormann được yêu cầu "trao lại cho thân nhân tôi mọi thứ nếu còn có giá trị như là kỷ vật cá nhân hoặc nếu cần thiết, hãy để họ có một mức sống tiểu tư sản... Vợ tôi và tôi chọn cái chết để tránh nỗi nhục nhã khi bị lật đổ hoặc đầu hàng. Chúng tôi có ý nguyện là thi thể của mình sẽ được hoả thiêu ngay lập tức ở nơi mà tôi đã thực hiện phần lớn công việc hằng ngày trong 12 năm tôi phục vụ dân tộc." Mệt nhọc sau khi đọc những lời nhắn nhủ vĩnh biệt, Hitler đi nằm khi ánh bình minh ló rạng trên bầu trời Berlin trong ngày cuối của đời mình. Một làn khói lơ lửng trên thành phố. Những toà nhà sụp đổ trong lừa đỏ khi quân Liên Xô hạ nòng đại bác bắn trực diện. Bây giờ họ không còn cách xa khu Wilhelmstrasse và Phủ Thủ tướng là bao .
Trong khi Hitler ngủ, Goebbels và Bormann tất bật. Trong Tuyên cáo Chính trị mà họ ký làm chứng, Lãnh tụ đã ra lệnh cho họ rời thủ đô và gia nhập Chính phủ mới. Bormann sốt sắng làm theo lệnh này. Dù cho tận tâm với Lãnh tụ, nhưng ông không có ý định chia sẻ số phận với Hitler, nếu có thể. Điều duy nhất ông muốn trong đời là quyền lực sau hậu trường và Doenitz vẫn có thể tạo cơ hội cho ông. Đó là trong trường hợp Goering không cố lật đổ Chính phủ sau khi nghe tin Hitler đã chết. Để đảm bảo Goering không làm thế, Bormann gọi qua sóng vô tuyến cho tổng hành dinh S.S. tại Berchtesgaden .
"... Nếu Berlin và chúng tôi sụp đổ, phải thủ tiêu những kẻ phản bội ngày 23 tháng 4. Các anh, hãy làm nhiệm vụ! Cuộc đời và danh dự của các anh tuỳ thuộc vào đó!" Đó là lệnh hạ sát Goering và ban tham mưu Không lực của Goering, mà trước đây Bormann đã ra lệnh bắt giữ .
Cũng như Eva Braun nhưng không giống Bormann, Tiến sĩ Goebbels không muốn sống ở nước Đức sau khi vị Lãnh tụ mà ông tôn thờ ra đi. Ông đã gắn kết định mệnh của mình với Hitler, người duy nhất đã đưa ông lên đài danh vọng. Goebbels đã là nhà tiên tri và chuyên gia tuyên truyền cho phong trào Quốc xã. Chính ông, sau Hitler, là người đã sản sinh ra những huyền thoại. Để lưu truyền những huyền thoại này, chẳng những Lãnh tụ mà cả người trợ lý thân cận nhất – người duy nhất trong số những chiến hữu cũ đã không phản bội – phải chứng tỏ bằng cái chết. Ông cũng phải nêu một gương sáng để được nhớ mãi qua các thế hệ và một ngày nào đấy sẽ giúp khơi lại ngọn lửa của chủ nghĩa Quốc xã .
Có lẽ đó là những ý nghĩ của Goebbels khi trở về căn phòng nhỏ của mình trong boong-ke để viết lại lời vĩnh biệt cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Ông đặt tiêu đề là "Phụ lục cho Tuyên cáo Chính trị của Lãnh tụ" .
"Lãnh tụ đã ra lệnh cho tôi rời Berlin... và tham gia với tư cách một thành viên hàng đầu trong Chính phủ mới do ông chỉ định .
Lần đầu tiên trong đời, tôi phải từ chối tuân hành lệnh của Lãnh tụ. Vợ tôi và các con tôi đều từ chối cùng với tôi. Bên cạnh những cảm nghĩ về nhân tính và lòng trung thành đã không cho phép tôi bỏ rơi Lãnh tụ trong giờ khắc khó khăn này, thì còn là vì nếu không làm thế cho đến cuối đời tôi sẽ hiện thân là kẻ phản bội đáng hổ thẹn và là tên vô lại thấp hèn, sẽ mất cả lòng tự trọng cũng như sự trọng vọng của đồng bào tôi... Trong cơn ác mộng của những hành động phản bội vây quanh Lãnh tụ trong những ngày khủng hoảng nhất của cuộc chiến, phải có người nào đấy ở bên ông cho đến phút cuối mà không đòi hỏi gì... Tôi tin qua cách này, tôi đang phục vụ tốt nhất cho tương lai của dân tộc Đức. Khi hoàn cảnh khó khăn sắp đến, nêu gương tốt là điều quan trọng hơn con người... Vì lý do ấy, cùng với vợ tôi và thay mặt cho các con tôi vốn còn quá nhỏ nên không thể tự phát biểu và nếu đủ lớn khôn hẳn sẽ hoàn toàn đồng ý với quyết định này, tôi xin bày tỏ ý muốn không gì lay chuyển được là sẽ không rời khỏi thủ đô của Đế chế ngay cả nếu thủ đô thất thủ, mà chúng tôi sẽ ở lại bên Lãnh tụ, để kết liễu cuộc sống mà đối với cá nhân tôi không còn giá trị gì nữa nếu tôi không thể dùng cuộc sống này để phục vụ Lãnh tụ và ở bên ông." Tiến sĩ Goebbels viết xong vào lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 4. Ánh sáng của ngày mới đang chiếu trên Berlin, nhưng mặt trời bị che khuất sau màn khói của chiến trận. Trong ánh sáng đèn điện của boong-ke, còn có rất nhiều việc phải làm. Việc cần phải xem xét đầu tiên là làm thế nào đưa bản di chúc và tuyên cáo cuối cùng của Hitler qua khỏi những phòng tuyến của quân Liên Xô đang kề cận để trao cho Doenitz cùng những người khác và bảo tồn cho hậu thế .
3 liên lạc viên được chọn để mang các bản sao của 2 văn kiện quý giá ra ngoài: Thiếu tá Willi Johannmeier, Tuỳ viên Quân sự của Hitler, sĩ quan S.S. Wilhelm Zander, cố vấn cho Bormann và Heinz Lorenz, nhân viên Bộ Thông tin và Tuyên truyền đã mang đến tin tức gây chấn động về hành động phản bội của Himmler. Johannmeier, người được thưởng nhiều huy chương, sẽ cầm đầu cả nhóm vượt qua phòng tuyến của Hồng quân. Ông sẽ giao 2 văn kiện cho Thống chế Ferdinand Schoemer, người đang chỉ huy một tập đoàn quân còn nguyên vẹn trên vùng rừng núi Bohemia và đã được Hitler bổ nhiệm làm Tư lệnh Lục quân. Tướng Burgdorf kèm theo một bức thư kể tình hình ở boong-ke .
Riêng Zander và Lorenz mang bản sao của 2 văn kiện đến cho Doenitz, kèm một bức thư của Bormann: Thuỷ sư Đô đốc Doenitz thân mến, Vì tất cả các sư đoàn đã không đến được và vị thế của chúng tôi là vô vọng, đêm qua Lãnh tụ đã đọc Tuyên cáo cuối cùng được đính kèm theo đây .
3 liên lạc viên bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm lúc giữa trưa, dự kiến len lỏi tìm đường đến hồ Havel, nơi có một Tiểu đoàn Thanh niên Hitler trấn giữ một chiếc cầu để đón đoàn quân ma của Tướng Wenck. Trên đường đi, họ phải vượt qua 3 vành đai phòng tuyến chính của Hồng quân. Rốt cuộc họ đã quá chậm, Doenitz và Schoemer không hề nhận được 2 văn kiện .
Sau này, nếu Heinz Lorenz giữ kín miệng thì hẳn không ai được biết về các văn kiện của Hitler và Goebbels. Thiếu tá Johannmeier chôn các văn kiện trong vườn nhà ở Westphalia. Zander giấu các văn kiện trong một cái rương mà ông để lại ở một ngôi làng gần Tegemsee thuộc bang Bavaria. Đổi họ tên và hình dạng, ông cố làm lại cuộc đời dưới tên Wilhelm Paustin. Nhưng Lorenz, trước đây làm ký giả, đã nói quá nhiều nên không thể giữ kín vụ việc. Do một cơ hội tình cờ vì Lorenz thiếu kín đáo, các văn kiện do ông giữ và tung tích 2 liên lạc viên kia được tìm ra. Ngoài 3 liên lạc viên, còn có những người khác rời boong-ke ra đi ngày 29 tháng 4. Lúc giữa trưa, đã tỉnh táo sau khi nghỉ ngơi, Hitler triệu tập buổi họp quân sự thường lệ giống như ông ta đã triệu tập mỗi ngày vào giờ này trong gần 6 năm, như thể ông chưa từng đi đến đoạn cuối của con đường. Tướng Krebs báo cáo rằng trong đêm qua và sáng nay quân Liên Xô đã tiến gần thêm về phía Phủ Thủ tướng. Đạn dược của lực lượng phòng ngự đang cạn dần. vẫn không có tin tức gì về quân giải cứu của Tướng Wenck. 3 phụ tá quân sự bây giờ chẳng có gì nhiều để làm và không muốn cùng với Lãnh tụ tìm cái chết, nên xin phép đi ra ngoài để cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với Wenck. Hitler cho phép và chỉ thị họ phải thúc giục Wenck. Vào buổi xế chiều, 3 người ra đi .
Người thứ tư ra đi là Đại tá Nicolaus von Below, Tuỳ viên Không quân của Hitler, đã làm việc gần gũi với Hitler từ lúc khởi đầu cuộc chiến. Below cũng không muốn tự tử và tự cảm thấy không còn có việc làm gì hữu ích dưới boong-ke. Nicolaus von Below xin phép Hitler ra đi và được chấp nhận. Hitler đang tỏ ra dễ chịu nhất trong ngày hôm ấy. Ông cũng nghĩ ra rằng có thể phái viên Đại tá Không quân mang đi tin nhắn cuối cùng. Đó là cho Tướng Keitel, người mà Bormann đã nghi ngờ phản bội và tin nhắn này chứa lời trách cứ cuối cùng cho Lục quân mà ông nghĩ đã làm cho ông thất vọng .
Tin tức đưa ra tại buổi họp lúc 10 giờ tối khiến cho Hitler càng thêm cay đắng vì Lục quân. Tướng Weidling, người đang chỉ huy Vệ quốc quân can đảm nhưng quá tuổi và những binh sĩ Thanh niên Hitler chưa đủ tuổi mà đã bị mang ra hy sinh để kéo dài mạng sống của Hitler thêm vài ngày, báo cáo rằng quân Nga đã tiến đến gần Bộ Hàng không, chỉ cách Phủ Thủ tướng một khoảng cách có thể ném đá tới được. Vị Tướng nói quân địch sẽ tiến đến Phủ Thủ tướng chậm nhất là vào ngày 1 tháng 5 – nghĩa là trong vòng 1 hoặc 2 ngày nữa .
Vậy là tất cả đã kết thúc. Cho đến lúc ấy, Hitler vẫn đang chỉ đạo những đoàn quân không còn hiện diện nhưng được cho là đang tiến đến giải cứu thủ đô. Nhưng bây giờ thì ông ta nhận ra tất cả. Ông đọc mệnh lệnh cuối cùng và ra lệnh cho Below đưa đến cho Keitel. Ông thông báo cho vị Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng việc cố thủ Berlin đã đến hồi kết, rằng ông sẽ tự tử thay vì đầu hàng, rằng Goering và Himmler đã phản bội ông và rằng ông đã cử Thuỷ sư Đô đốc Doenitz làm người kế nhiệm .
Hitler có lời cuối muốn nói về quân lực vốn đưa nước Đức đến chỗ bại trận cho dù được ông lãnh đạo. Ông nói, Hải quân đã thực hiện nhiệm vụ rất tốt. Không quân đã chiến đấu quả cảm và chỉ có Goering chịu trách nhiệm trong việc để mất ưu thế lúc đầu. Còn về Lục quân, binh sĩ đã chiến đấu tốt và can trường, nhưng các tướng lĩnh đã phụ lòng họ – và phụ lòng ông ta. Hitler tiếp: "Nhân dân và quân lực đã cống hiến tất cả vào cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ này. Sự hy sinh đã là cực kỳ to lớn. Nhưng nhiều người đã lạm dụng sự tin cậy của tôi. Sự bất trung và phản bội đã lũng đoạn tính kiên cường trong suốt cuộc chiến .
Vì thế mà tôi không có điều kiện để dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi, Bộ Tham mưu Lục quân không thể nào sánh được với Bộ Tham mưu trong Thế chiến I. Những thành tựu của họ kém xa so với thắng lợi trên mặt trận tiền tuyến." Ít nhất Hitler vẫn giữ đúng bản chất của con người mình cho đến cuối đời. Ông ta cho rằng những thắng lợi là do mình, còn những chiến bại và sự thất trận cuối cùng là do những người khác – do "sự bất trung và phản bội" của họ .
Và rồi lời vĩnh biệt – những câu chữ cuối cùng được ghi chép lại từ cuộc đời của một thiên tài điên loạn: "Những nỗ lực và hy sinh của nhân dân Đức trong cuộc chiến này là lớn lao đến nỗi tôi tin rằng sẽ không phải là vô ích. Mục tiêu vẫn phải là chiếm lấy đất ở phía Đông cho dân tộc Đức." Câu cuối cùng là từ quyển Mein Kampf. Hitler bắt đầu cuộc đời chính trị của ông ta với nỗi ám ảnh là phải chiếm lấy "đất ở phía Đông" cho dân tộc Đức và cho đến khi chết, ông vẫn còn vương vấn với ý tưởng này. Cả hàng triệu người Đức đã chết, cả hàng triệu ngôi nhà Đức đã sụp đổ vì bom đạn, ngay cả sự tàn phá của đất nước Đức, đều không làm cho Hitler thức tỉnh là việc chiếm lấy đất đai của các chủng tộc Slav ở phía Đông chỉ là một giấc mơ hão huyền – đó là chưa nói đến khía cạnh đạo đức .
CÁI CHẾT CỦA HITLER VÀ VỢ Vào buổi chiều 29 tháng 4, một trong những tin tức từ thế giới bên ngoài đưa đến boong-ke, đó là nhà độc tài Ý Mussolini và người tình Clara Petacci đã chết .
Họ bị quân kháng chiến Ý bắt vào ngày 27 tháng 4 khi trên đường đi đến Thuỵ Sĩ để trốn lánh và 2 ngày sau, họ bị hạ sát. Vào đêm thứ Bảy 28 tháng 4, xác 2 người được một chiếc xe tải chở về Milan rồi bị vứt trên một quảng trường. Ngày hôm sau, 2 cái xác bị cột ở chân rồi bị treo ngược lên 2 cột đèn, sau đó được mang xuống, bỏ mặc cho nằm dưới đường cống để những người Ý thù hằn phỉ nhổ. Đến ngày 1 tháng 5, 2 người được chôn cất ở Milan cùng với chủ nghĩa Phát xít mờ dần vào lịch sử .
Người ta không rõ Hitler biết được bao nhiêu chi tiết về cái chết thảm não của Mussolini, mà chỉ có thể ước đoán rằng nếu ông được nghe nhiều hơn, có lẽ ông đã quyết tâm không để cho mình và vợ trở thành "một cảnh tượng được người Do Thái dàn dựng để quần chúng cuồng loạn của họ có thể tiêu khiển" – như ông viết trong Tuyên cáo Chính trị .
Ít lâu sau khi nhận được tin về Mussolini, Hitler bắt đầu những bước chuẩn bị cuối cùng. Ông ra lệnh đầu độc con chó Blondi mà ông thương yêu và cho bắn 2 con chó khác. Rồi Hitler gọi 2 nữ thư ký vào và trao cho họ những viên thuốc độc để họ dùng nếu muốn khi quân Nga tiến vào. Hitler nói mình lấy làm tiếc khi không thể trao món quà từ biệt đáng quý hơn và ông đánh giá cao sự phục vụ lâu dài và trung thành của họ .
Màn đêm cuối cùng trong đời Hitler buông xuống. Ông ra lệnh cho một trong các thư ký tên là Junge thiêu huỷ giấy tờ còn lại trong hồ sơ của mình và truyền lệnh không ai trong boong-ke được đi ngủ cho đến khi có lệnh mới. Mọi người suy diễn như thế có nghĩa là đã đến lúc vĩnh biệt. Nhưng đến khoảng 2 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4, theo như vài nhân chứng còn nhớ, Hitler mới từ phòng riêng bước ra, đi đến nhà ăn chung, nơi khoảng 20 người tụ tập, phần lớn số này là phụ nữ làm việc cho ông. Hitler đi đến bắt tay từng người và thủ thỉ nói vài tiếng mà không ai nghe rõ. Junge nhớ lại, một màn nước mắt dày phủ đôi mắt ông, "như thể ông nhìn đến nơi xa xăm, vượt qua các bức tường của boong-ke" .
Sau khi Hitler trở về phòng riêng, một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sự căng thẳng đến mức gần như ngạt thở trong boong-ke tan biến, vài người đi đến căng tin để khiêu vũ. Tiếng ồn từ nhóm người này ngày càng tăng thêm, đến nỗi mà đã có một lệnh được đưa ra từ phòng riêng của Hitler yêu cầu giữ im lặng. Quân Nga có thể đến trong vài tiếng đồng hồ sắp tới và sẽ giết tất cả bọn họ. Tuy số đông đang suy nghĩ làm cách nào để trốn thoát, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, khi cuộc sống của họ không còn ở dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Lãnh tụ, họ muốn tìm thú tiêu khiển theo cách thức có thể nghĩ ra. Cảm giác thư giãn dường như lan rộng trong nhóm người này và họ tiếp tục khiêu vũ suốt đêm .
Nhưng Bormann thì không. Con người ám muội này vẫn còn có việc phải làm. Viễn cảnh sống sót dường như đã thu hẹp. Thời gian từ lúc Hitler chết đến lúc quân Nga đến có thể không đủ dài cho ông bỏ đi trốn đến chỗ Doenitz. Nhưng trong khi Lãnh tụ còn sống và vẫn còn uy quyền, Bormann có thể bị kết án "phản bội". Ông gửi thêm một tin nhắn đến chỗ Doenitz .
"Doenitz! Chúng tôi có cảm tưởng chắc chắn là các sư đoàn trên chiến trường Berlin đã ngừng tác chiến trong những ngày qua. Tất cả báo cáo mà chúng tôi nhận được đều bị Keitel kiểm soát, ngăn chặn hoặc làm cho sai lạc... Lãnh tụ ra lệnh cho ông phải tiến hành chống lại những kẻ phản bội ngay lập tức và không khoan nhượng." Và rồi, tuy biết Hitler chỉ còn sống vài giờ nữa, ông vẫn viết thêm: "Lãnh tụ vẫn còn sống và đang tiến hành việc phòng vệ Berlin." Nhưng Berlin không còn có thể phòng vệ được nữa. Quân Liên Xô đã chiếm được hầu như toàn thành phố. Bây giờ chỉ còn vấn đề phòng vệ Phủ Thủ tướng. Số phận những con người ở đây cũng đã khép lại, như Hitler và Bormann biết được trong buổi họp trưa ngày 30 tháng 4, buổi họp cuối cùng. Quân Liên Xô chỉ còn cách một góc phố.Thời khắc cho Hitler thực hiện ý nguyện của mình đã đến .
Ngày hôm ấy, Eva có vẻ như không thấy đói, còn Hitler dùng bữa cùng với 2 thư ký và người nấu bếp – người này không nhận ra là mình đã nấu bữa ăn cuối cùng cho ông. Họ ăn xong vào lúc 2 giờ 30 phút chiều. Trong lúc ấy, Erich Kempka, tài xế của Lãnh tụ, được lệnh mang 200 lít xăng đến giao ở khu vườn Phủ Thủ tướng. Kempka gặp vài khó khăn thu thập đủ lượng xăng như thế, nhưng cũng thu được 180 lít, rồi cùng với 3 người khác phụ giúp mang đến cửa thoát hiểm của boong-ke .
Trong lúc ấy, Hitler đã ăn xong, đi tìm Eva Braun để cùng nói lời vĩnh biệt với những người phụ tá thân cận nhất: Tiến sĩ Goebbels, 2 Tướng Krebs và Burgdorf, các thư ký và người nấu bếp Manzialy. Bà vợ Goebbels không xuất hiện. Giống như Eva Braun, người phụ nữ cương nghị và xinh đẹp với mái tóc bạch kim này cảm thấy thoải mái được chết cùng người chồng. Nhưng bà cảm thấy khổ sở với việc giết 6 đứa con – những đứa trẻ đang vui vẻ nô đùa trong boong-ke mà không hề biết gì cả .
2 hoặc 3 đêm trước, bà đã nói với nữ phi công Reitsch: "Cô Hanna thân yêu, khi phút cuối đã đến, cô phải giúp tôi nếu tôi trở nên yếu lòng vì mấy đứa trẻ... Chúng nó thuộc về Đế chế Thứ Ba và thuộc về Lãnh tụ. Nếu cả hai vợ chồng tôi đều không còn nữa, thì cũng chẳng còn có chỗ cho chúng nó. Tôi sợ nhất là mình sẽ quá yếu đuối vào thời khắc cuối." Lúc đó, khi ở trong gian phòng riêng nhỏ hẹp, bà đang cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi cùng cực nhất. Các con của bà và tuổi của chúng lần lượt là: Hela 12, Hilda 11, Helmut 9, Holde 7, Hedda 5 và Heide 3 tuổi .
Hitler và Eva Braun thì không gặp phải vấn đề như thế: Họ chỉ có 2 mạng sống phải kết liễu. Họ đã nói xong những lời vĩnh biệt và trở về phòng riêng. Ở hành lang bên ngoài, Tiến sĩ Goebbels, Bormann cùng vài người khác chờ đợi. Ít lâu sau, họ nghe một tiếng súng lục. Họ chờ nghe tiếng súng thứ hai, nhưng tất cả đều im lặng. Một lúc sau, họ nhè nhẹ bước vào phòng. Họ thấy thi thể của Adolf Hitler ngã dài trên băng ghế dài, đang rỉ máu. Ông đã tự bắn vào miệng. Eva Braun nằm bên cạnh. 2 khẩu súng lục nằm trên sàn, nhưng cô vợ không dùng súng. Cô đã nuốt thuốc độc .
Lúc đó là 3 giờ 30 phút chiều ngày thứ Hai, 30 tháng 4 năm 1945, 10 ngày sau sinh nhật thứ 56 của Hitler, 12 năm 3 tháng kể từ khi ông ta trở thành Thủ tướng của nước Đức và thiết lập Đế chế Thứ Ba. Đế chế này chỉ kéo dài hơn ông ta có 1 tuần .
Tang lễ diễn ra sau đó. Không ai cất lên lời nào, âm thanh duy nhất là tiếng đạn đại bác của Liên Xô nổ trong khu vườn Phủ Thủ tướng và trên những bức tường xung quanh. Người phục vụ của Hitler, Thiếu tá S.S. Heinz Linge, cùng một hộ lý mang thi thể của Hitler được quấn trong một tấm chăn che lấp khuôn mặt. Kempka trông thấy lộ ra ngoài tấm chăn là chiếc quần đen và đôi giày mà Hitler luôn sử dụng. Thi thể của Eva Braun thì trông tươm tất hơn, không dính máu .
2 thi thể được mang ra ngoài khu vườn, trong khi đại bác ngừng bắn, được để xuống một hố đạn rồi đốt bằng xăng. Nhóm người, do Goebbels và Bormann dẫn đầu, rút vào đứng trong hầm tránh bom ở cửa thoát hiểm. Khi ngọn lửa bùng lên, họ đứng nghiêm, đưa cánh tay phải lên chào theo kiểu Quốc xã. Nghi thức diễn ra ngắn gọn, vì đạn pháo của Hồng quân lại bắt đầu rơi xuống khu vườn. Nhóm người còn sống đi vào bên trong boong-ke, để ngọn lửa làm nốt công việc xoá đi mọi dấu vết của Adolf Hitler và vợ ông .
Người ta không hề tìm ra xương của 2 người. Điều này nảy sinh lời đồn đại sau chiến tranh là Hitler còn sống. Nhưng quân báo Anh và Mỹ thẩm vấn độc lập vài nhân chứng cho thấy không có sự nghi ngờ gì. Kempka đưa ra giải thích tại sao không thể tìm thấy mảnh xương cháy xém nào. Ông khai: "Đạn pháo không dứt của Nga đã phá huỷ tất cả dấu vết." Sau nghi thức hoả táng, Bormann và Goebbels vẫn còn nhiệm vụ phải thực hiện, dù không giống nhau. Lúc đó, các liên lạc viên chưa thể đi đến chỗ Doenitz để trao Tuyên cáo Chính trị cử ông làm người tiếp nhiệm. Vào thời điểm này cần phải thông báo cho ông biết qua sóng vô tuyến. Nhưng Bormann lại tỏ ra lưỡng lự khi mà quyền lực đã vuột khỏi tầm tay. Đó là điều khó khăn đối với một người đã thấy lấp ló cơ hội rồi lại bị vuột mất. Cuối cùng, ông đã chuyển tin .
THUỶ SƯ ĐÔ ĐỐC DOENITZ, Thay vào vị trí của nguyên Thống chế Đế chế Goering, Lãnh tụ cử ông làm người kế nhiệm. Văn bản đang trên đường đến. Xin ông thực hiện ngay những biện pháp mà tình hình đòi hỏi .
Không hề có lời nào cho biết Hitler đã chết .
Trong khi đang chỉ huy các lực lượng Đức ở miền Bắc và đã chuyển tổng hành dinh về Ploen trong vùng Schleswig, vị Thuỷ sư Đô đốc cực kỳ kinh ngạc. Không như những nhà lãnh đạo Đảng khác, ông không khao khát kế nhiệm Hitler, ý nghĩ này không bao giờ len lỏi vào đầu óc ông. 2 ngày trước, tin rằng Himmler sẽ là người kế nhiệm, Doenitz đã đi đến gặp Himmler và cho biết sẵn lòng hỗ trợ. Nhưng vì không bao giờ có ý nghĩ làm trái lệnh Lãnh tụ, ông đã gửi điện trả lời trong khi vẫn tin rằng Adolf Hitler còn sống .
"Lãnh tụ của tôi! Lòng trung thành của tôi đối với ông là vô điều kiện. Tôi sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ ông ở Berlin. Nhưng nếu định mệnh bắt buộc tôi phải điều hành Đế chế với tư cách là người được cử kế nhiệm, thì tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho đến cùng để xứng đáng với sự đấu tranh dũng cảm của dân tộc Đức .
THUỶ SƯ ĐÔ ĐỐC DOENITZ" Đêm ấy, Bormann và Goebbels có một ý tưởng mới. Họ quyết định cố gắng đàm phán với Liên Xô. Tướng Tham mưu trưởng Lục quân Krebs vẫn còn ở trong boong-ke, thời trước là phụ tá tuỳ viên quân sự ở Moscow, nói được tiếng Nga và trong một cơ hội nổi tiếng, ông này đã được Stalin ôm trên sân ga Moscow. Có lẽ Krebs sẽ đàm phán được điều gì đấy với người Bolshevik. Cụ thể Goebbels và Bormann muốn có một lối đi an toàn cho họ để có thể tiếp nhận chức vụ được bổ nhiệm trong Chính phủ mới của Doenitz. Đổi lại, họ sẵn sàng ra lệnh cho Berlin đầu hàng .
Sau nửa đêm 30 tháng 4, rạng sáng ngày 1 tháng 5, Tướng Krebs đi ra để gặp Tướng Chuikov, Tư lệnh quân Liên Xô đang chiến đấu ở Berlin. Một trong những sĩ quan Đức tháp tùng ông ghi lại phần mở đầu của cuộc đối đáp .
KREBS: Hôm nay là ngày 1 tháng 5, một ngày lễ lớn cho cả 2 đất nước chúng ta! CHUIKOV: Hôm nay chúng tôi có một ngày lễ lớn. Khó mà nói được tình hình bên ông là như thế nào .
Vị tướng Liên Xô đòi hỏi mọi người trong boong-ke cũng như những binh sĩ còn lại của Đức ở Berlin phải đầu hàng vô điều kiện .
Krebs mất nhiều thời giờ để thực hiện nhiệm vụ và đến 11 giờ sáng ngày 1 tháng 5, ông vẫn chưa trở về, Bormann nóng lòng gửi thêm một bức điện cho Doenitz .
"Di chúc có hiệu lực. Tôi sẽ đến gặp ông càng nhanh càng tốt. Cho đến lúc ấy, tôi đề nghị khoan công bố." Nội dung này còn mù mờ. Đơn giản là vì Bormann không đủ thẳng thắn để cho biết Lãnh tụ đã chết. Ông muốn thoát ra khỏi boong-ke để là người đầu tiên báo tin quan trọng này cho Doenitz và qua đó đảm bảo nhận được ân huệ của vị Tổng Tư lệnh mới .
Nhưng Goebbels không có lý do nào để giấu giếm sự thật giản đơn với vị Thuỷ sư Đô đốc, vì ông này và vợ cùng các con đang chuẩn bị cho cái chết. Lúc 3 giờ 15 chiều, ông gửi bức điện của riêng mình cho Doenitz – thông tin vô tuyến cuối cùng phát đi từ boong-ke .
Thuỷ sư Đô đốc Doenitz, TỐI MẬT Lãnh tụ qua đời hôm nay lúc 15 giờ 30. Di chúc đề ngày 29 tháng 4 cử ông làm Tổng thống Đế chế... [Kế tiếp là tên những ngươi chủ chốt được bổ nhiệm vào Nội các.] Theo lệnh của Lãnh tụ, Di chúc đã được gửi cho ông từ Berlin... Bormann có ý định đi đến chỗ ông hôm nay và thông báo cho ông rõ tình hình. Thời gian và cách thức loan tin cho báo chí và binh sĩ là tuỳ vào ông. Xin cho biết đã nhận được .
GOEBBELS Goebbels nghĩ không cần thiết báo cho người Lãnh tụ mới về ý định của riêng mình. Chập tối 1 tháng 5, ông thực hiện ý định. 6 đứa trẻ bị chích thuốc độc. Rồi Goebbels gọi tuỳ viên của mình, Đại uý S.S. Guenther Schwaegermann và chỉ thị anh này đi tìm một ít xăng .
Goebbels nói: "Schwaegermann, đây là sự bất trung tồi tệ nhất. Các tướng lĩnh đã phản bội Lãnh tụ. Tất cả đã mất. Tôi sẽ chết, cùng với vợ tôi và gia đình." Ngay cả với tuỳ viên, Goebbels vẫn không để họ biết rằng ông vừa cho người sát hại các con của mình. "Anh sẽ đốt xác của chúng tôi. Anh có thể làm được chứ?" Schwaegermann trả lời mình làm được, rồi phái 2 hộ lý đi tìm xăng. Ít phút sau, khoảng 8 giờ 30, khi bên ngoài bắt đầu sẩm tối, Tiến sĩ Goebbels và bà vợ đi qua boong-ke, chào từ biệt bất cứ người nào họ gặp trong hành lang, rồi đi lên các bậc cầu thang để ra khu vườn. Nơi đây, theo yêu cầu của họ, người hộ lý S.S. bắn 2 phát súng vào phía sau đầu của Goebbels và vợ. Họ đổ 4 can xăng lên 2 thi thể rồi châm lửa, nhưng việc hoả thiêu không trọn vẹn. Những người còn sống sót trong boong-ke nóng lòng muốn chạy thoát ra ngoài nên không để mất thời giờ mà lo hoả thiêu những người đã chết. Ngày hôm sau, quân Nga tìm thấy thi thể cháy thành than của 2 vợ chồng và lập tức nhận dạng được .
Vào lúc 9 giờ tối ngày 1 tháng 5, boong-ke của Hitler bị phóng hoả .
Khoảng 500 đến 600 người còn sống trong đoàn tuỳ tùng của Hitler, phần lớn là binh sĩ S.S., chen chúc trong hầm tránh bom của Phủ Thủ tướng Mới, chuẩn bị thoát ra ngoài. Kế hoạch là đi bộ dọc đường xe điện ngầm phía đối diện Phủ Thủ tướng, vượt sông Spree rồi luồn lách qua những phòng tuyến của quân Liên Xô ở phía Bắc. Nhiều người đã thoát được, nhưng vẫn có một số người không qua được, trong số này có Martin Bormann .
Khi Tướng Krebs trở về boong-ke xế chiều hôm ấy mang theo yêu sách của Tướng Chukov về việc đầu hàng vô điều kiện, ông thấy cơ may sống sót duy nhất của mình là gia nhập đoàn người bỏ trốn. Nhóm của ông cố đi theo sau một chiếc xe thiết giáp Đức, nhưng theo Kempka lúc ấy cùng đi với ông, chiếc xe thiết giáp này đã bị trúng một quả đạn của Nga và Bormann suýt mất mạng. Artur Axmann, có nhiệm vụ chỉ huy đội Thanh niên Hitler nhưng lại trốn khỏi tiểu đoàn của mình để mong thoát chết, cũng có mặt và sau này cho biết đã thấy Bormann nằm dưới một chiếc cầu. Ánh trăng chiếu trên mặt ông này và Axmann không thấy có vết thương. Axmann nghĩ Bormann đã nuốt một viên thuốc độc khi thấy không có cơ may đi qua phòng tuyến của Liên Xô .
2 Tướng Krebs và Burgdorf không đi cùng đoàn người thoát thân. Người ta tin rằng họ đã tự sát trong tầng hầm của Phủ Thủ tướng mới .
SỰ CÁO CHUNG CỦA ĐẾ CHẾ THỨ BA Đế chế Thứ Ba tồn tại thêm 7 ngày sau cái chết của Hitler .
Khoảng 10 giờ tối ngày 1 tháng 5, trong khi thi thể của vợ chồng Goebbels đang được hoả thiêu trong khu vườn Phủ Thủ tướng và các cư dân của boong-ke đang xúm xít lo thoát thân, đài phát thanh Hamburg bỗng cho ngừng Bản Giao hưởng thứ Bảy của Bruckner. Có một loạt trống nổi lên, rồi tiếng nói của phát thanh viên: "Lãnh tụ của chúng ta, Adolf Hitler, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng chống lại chủ nghĩa Bolshevik, chiều nay đã ngã xuống vì nước Đức tại tổng hành dinh của ông trong Phủ Thủ tướng Đế chế. Ngày 30 tháng 4, Lãnh tụ đã cử Thuỷ sư Đô đốc Doenitz làm người kế nhiệm. Bây giờ, Thuỷ sư Đô đốc – người kế nhiệm cho Lãnh tụ – sẽ phát biểu với nhân dân Đức." Đế chế Thứ Ba đang tàn lụi với một lời dối trá thô thiển, giống như khi bắt đầu. Ngoài sự kiện là Hitler không phải chết chiều nay mà là chiều hôm trước, nhưng điều đó không quan trọng, thì còn có một sự thật khác, đó là ông ta đã không hề "chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng". Nhưng việc phát thanh dối trá như thế là cần thiết để lan truyền một huyền thoại, đồng thời cũng là để giữ vững tinh thần của các binh sĩ lúc ấy vẫn còn đang kháng cự và chắc chắn sẽ cảm thấy bị phản bội nếu họ biết sự thật .
Chính Doenitz cũng đã dối trá khi lên tiếng trên sóng phát thanh về "cái chết anh hùng" của Lãnh tụ. Thật ra, vào lúc này ông vẫn chưa biết Hitler đã chết như thế nào. Chiều hôm trước, Goebbels chỉ gửi điện cho ông biết là Hitler "đã chết". Nhưng vị Thuỷ sư Đô đốc vẫn cố làm vẩn đục đầu óc đang hoang mang của người dân Đức trong thời khắc của thảm hoạ: "Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cứu nguy cho nước Đức khỏi sự tàn phá của kẻ thù Bolshevik. Chỉ cần mục đích duy nhất này mà cuộc đấu tranh quân sự sẽ phải tiếp diễn. Nếu việc thực hiện mục đích này bị người Anh và Mỹ cản trở, thì chúng ta bắt buộc phải tự vệ chống lại họ. Tuy nhiên, trong tình hình này, người Anh-Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến không phải vì dân tộc của họ mà chỉ để cho chủ nghĩa Bolshevik lan rộng khắp châu Âu." Không có chứng cứ nào cho thấy vị Thuỷ sư Đô đốc đã phản đối quyết định của Hitler khi biến Quốc gia Bolshevik thành Đồng minh của Đức vào năm 1939 để có thể đánh Anh và sau đó đánh Mỹ. Bây giờ, sau câu xuyên tạc trên, ông đã trấn an người dân Đức bằng cách kết luận rằng "Thượng Đế sẽ không bỏ rơi chúng ta sau nhiều khổ đau và hi sinh như thế" .
Đó là ngôn từ rỗng tuếch. Doenitz đã biết Đức không còn có thể chống cự được nữa. Ngày 29 tháng 4, 1 ngày trước khi Hitler tự tử, quân Đức ở Ý đã đầu hàng vô điều kiện. Vì hệ thống viễn thông bị hư hại, nên Hitler đã không nhận được tin xấu này. Nhờ đấy, những giờ khắc cuối cùng của ông được nhẹ nhõm hơn phần nào .
Ngày 4 tháng 5, Quân đội Đức cùng với tất cả lực lượng của Đức ở Tây Bắc Đức, Đan Mạch và Hà Lan đã đầu hàng Montgomery .
Ngày hôm sau, Tập đoàn quân G dưới quyền Kesselring, gồm 2 Đại Quân đoàn Thứ Nhất và Thứ Mười Chín ở phía Bắc dãy Alps cũng đầu hàng .
Cùng ngày 5 tháng 5, Đô đốc Hans von Friedeburg, Tân tư lệnh Hải quân Đức, đi đến tổng hành dinh của Tướng Eisenhower ở Reims để đàm phán việc đầu hàng. Mục đích của Đức, như hồ sơ cuối cùng của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực cho thấy, là kéo dài thêm ít ngày để có thời giờ di chuyển càng nhiều càng tốt binh sĩ và người tị nạn Đức tránh khỏi đường tiến quân của Liên Xô để họ có thể đầu hàng Đồng minh phương Tây .
Ngày hôm sau, Jodl đi đến Reims để giúp Friedeburg soạn thảo quy trình. Nhưng vô ích. Eisenhower đã nhận ra mưu đồ. Sau này ông kể: "Tôi bảo Tướng Smith thông báo cho Jodl rằng nếu họ không chấm dứt thái độ giả vờ và trì hoãn, thì tôi sẽ đóng lại toàn mặt trận Đồng minh, đồng thời sử dụng vũ lực để ngăn chặn người tị nạn đi qua phòng tuyến của chúng tôi. Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự trì hoãn nào nữa." Lúc 1 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 5, sau khi nghe Jodl thông báo về đòi hỏi của Eisenhower, Doenitz gửi điện vô tuyến từ tổng hành dinh của ông ở Flensburg trên biên giới Đan Mạch, cho Jodl toàn quyền ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện. Tấn trò đã chấm dứt .
Lúc 2 giờ 41 sáng ngày 7 tháng 5 năm 1945, Đức đầu hàng vô điều kiện trong một ngôi trường nhỏ sơn màu đỏ ở Reims. Ký thay vào văn kiện về phía Đồng minh là Tướng Walter Bedell Smith, cùng với Tướng Ivan Susloparov ký làm chứng cho Liên Xô và Tướng François Sevez cho Pháp. Đô đốc Friedeburg và Tướng Jodl ký thay cho Đức .
Jodl xin phép phát biểu và được chấp nhận .
"Với chữ ký này, dù tốt hay xấu, nhân dân Đức và Quân lực Đức đã được giao vào tay những người chiến thắng, ... Trong giờ khắc hiện tại, tôi chỉ có thể nói lên hy vọng rằng bên chiến thắng sẽ đối xử với chúng tôi một cách khoan dung." Phía Đồng minh không có đáp từ. Nhưng có lẽ Jodl còn nhớ một dịp khác chỉ mới 5 năm trước, khi vai trò 2 bên đảo ngược. Lúc ấy, khi thay mặt nước Pháp ký đầu hàng vô điều kiện, một vị tướng Pháp đã có lời khẩn cầu tương tự. Sau đó, ai cũng biết rằng lời khẩn cầu ấy đã vô ích .
Đại bác ngưng bắn và bom ngưng rơi trên châu Âu bắt đầu từ giữa đêm 8 tháng 5 rạng sáng 9 tháng 5 năm 1945. Lần đầu tiên kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1939, một sự yên lặng lạ lùng nhưng được chào đón đã xảy ra trên toàn lục địa châu Âu. Trong 5 năm, 8 tháng và 6 ngày, hàng triệu người đã bị sát hại trên hàng trăm bãi chiến trường và trong hàng trăm thị trấn cùng thành phố bị oanh kích. Hàng triệu người khác bị thủ tiêu trong những lò hơi ngạt của Quốc xã hoặc trên bờ những miệng hố của các Toán Đặc nhiệm S.S. ở Liên Xô và Ba Lan. Nhiều vùng ở phần lớn các thành phố cổ kính của châu Âu đã bị sụp đổ. Khi thời tiết ấm lên, từ những đống đổ nát toả ra mùi tử khí của vô số người chết không được chôn cất .
Đường phố của nước Đức cũng không còn vang tiếng giày đinh của những đội quân diễu hành theo kiểu chân ngỗng, hoặc tiếng la oang oang của những đoàn người Áo Nâu, hay tiếng gào thét của Lãnh tụ từ những loa phóng thanh .
Sau 12 năm, 4 tháng và 8 ngày – thời kỳ đen tối cho tất cả, ngoại trừ người Đức nhưng lúc này, màn đêm đen lại đến với chính họ – Đế chế nghìn năm đã đến hồi cáo chung. Đế chế đã nâng đất nước vĩ đại này, dân tộc tháo vát nhưng cả tin này lên tầm cao quyền lực và chinh phục mà trước đây họ chưa từng được kinh qua. Thế nhưng vào lúc này, Đế chế đột nhiên tan rã hoàn toàn. Đây cũng là một sự kiện hi hữu trong lịch sử .
Sau chiến bại năm 1918, Hoàng đế Đức lưu vong, vương triều sụp đổ, nhưng những định chế truyền thống của Nhà nước vẫn tồn tại. Một Chính phủ do người dân chọn lựa tiếp tục hoạt động. Hạt nhân của Quân đội và Bộ Tham mưu vẫn làm việc. Nhưng vào mùa xuân 1945, cả Đế chế Thứ Ba đã biến mất. Chẳng còn một cơ cấu công quyền Đức ở bất kỳ cấp nào. Hàng triệu binh sĩ hải lục không quân trở thành tù binh ngay trên mảnh đất của họ. Hàng triệu dân thường cho đến nhân viên cấp xã được điều hành bởi binh sĩ của quân đội chiếm đóng. Người Đức phải phụ thuộc vào phe chiến thắng để có luật pháp và trật tự. Suốt mùa hè và mùa đông giá lạnh năm 1945, họ còn phải lệ thuộc vào phe chiến thắng để có thực phẩm và năng lượng mà sinh sống. Đó là hậu quả mà những cơn điên rồ của Hitler để lại cho họ. Và đây cũng là do sự điên rồ của chính họ khi tuân theo Hitler một cách mù quáng và cuồng nhiệt .
Con người vẫn sống ở đấy và đất đai vẫn còn đấy. Con người trong sự choáng váng, rỉ máu, đói kém và khi mùa Đông đến, họ run rẩy với quần áo tả tơi trong những lều trại vì bom đạn đã phá huỷ nhà cửa của họ. Còn đất đai chỉ còn là những khoảng không mênh mông chỉ toàn những đống đổ nát. Dân tộc Đức đã không bị huỷ diệt như Hitler muốn, trong khi Hitler đã cố huỷ diệt những dân tộc khác ngay từ đầu .
Và Đế chế Thứ Ba đã lui vàolịch sử .
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top