Phần 29


30 CUỘC TẤN CÔNG VÀO LÃNH THỔ ĐỨC

CHIẾN tranh đã lan đến lãnh thổ của chính quốc Đức. Ngay khi chưa hoàn hồn vì vụ nổ bom ngày 20 tháng 7, Hitler đã phải đối mặt với việc Đồng minh phương Tây giải phóng Pháp và Bỉ, cũng như Hồng quân đã tiến công ở phía Đông. Quân đội của các nước thù địch đều đang hội tụ về Đế chế .

Cuộc phản công của Liên Xô bắt đầu ngày 10 tháng 6 năm 1944. Đến giữa tháng 8 năm 1944, Hồng quân tiến đến biên giới Đông Phổ, bao vây 50 sư đoàn Đức ở vùng Baltic, xâm nhập đến Vyborg của Phần Lan, tiêu diệt Tập đoàn quân Trung tâm của Đức. Trong vòng 6 tuần, mặt trận của Liên Xô đã tiến đến sông Vistula .

phía Nam, Liên Xô bắt đầu cuộc phản công vào ngày 20 tháng 8. Đến cuối tháng Tám, họ đã chiếm được Rumania cùng với mỏ dầu Ploesti, nguồn cung cấp dầu hoả chính duy nhất cho Quân đội Đức .

Ngày 26 tháng 8, Bulgaria chính thức từ bỏ cuộc chiến và quân Đức bắt đầu vội vã rút khỏi nước này .

Đến tháng Chín, Phần Lan đã đầu hàng và giải giới những binh sĩ Đức không chịu rút khỏi nước này .

Trên mặt trận phía Tây, nước Pháp đã được giải phóng nhanh chóng. Qua Thượng tướng Patton, Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Ba mới được thành lập, người Mỹ đã tìm thấy được một tướng lĩnh đánh thiết giáp với tài năng như Rommel tại châu Phi. Sau khi chiếm được Avranches ngày 30 tháng 7, Patton tiến đánh quanh các đại quân đoàn Đức ở Normandy, hướng về phía Đông Nam đến Orleans trên sông Loire rồi tiến về phía Đông đến sông Seine thuộc phía Nam Paris. Ngày 23 tháng 8, quân Đồng minh tiến đến sông Seine phía Đông Nam và Tây Bắc của Paris .

Ngày 25 tháng 8, sau 4 năm dưới sự chiếm đóng của Đức, Paris đã được giải phóng khi Sư đoàn 2 Thiết giáp của Pháp dưới quyền Tướng Jacques Leclerc và khi Sư đoàn 4 Bộ binh của Mỹ tiến vào thành phố, họ đã thấy quân kháng chiến kiểm soát được tình hình. Họ cũng thấy những chiếc cầu bắc ngang sông Seine còn nguyên – nhiều cây cầu trong số đó đều là những công trình nghệ thuật. Tàn dư của những đại quân đoàn Đức ở Pháp bây giờ đều đã rút lui. Montgomery, người chiến thắng Rommel ở Bắc Phi và vừa được thăng Thống chế vào ngày 1 tháng 9, đã dẫn Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Canada và Đại Quân đoàn Thứ Hai của Anh từ hạ lưu sông Seine đến Bỉ – quãng đường hành quân dài 320 km nhưng họ chỉ mất có bốn ngày. Ông giải phóng Bruxelles vào ngày 3 tháng 9 và Antwerp vào ngày hôm sau. Ông tiến quân nhanh đến nỗi Đức không có thời giờ phá huỷ những công trình cảng tại Antwerp. Đây là điều may mắn lớn cho Đồng Minh, vì cảng này sẽ trở thành căn cứ tiếp tế chính cho quân Anh-Mỹ .

Về hướng Nam, Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Mỹ dưới quyền Thượng tướng Courtney H. Hodges cũng tiến nhanh vào miền Đông Nam nước Bỉ, đến sông Meuse rồi chiếm được các pháo đài ở Namur và Liège trong khi Đức không có thời giờ tổ chức phòng ngự .

Xa hơn về hướng Nam, Đại Quân đoàn Thứ Ba của Patton giải phóng Verdun, bao vây Metz, tiến đến sông Moselle rồi bắt tay với Đại Quân đoàn Thứ Bảy của Pháp-Mỹ dưới quyền Thượng tướng Alexander Patch sau khi ông này tiến đến Riviera vào ngày 15 tháng 8 rồi tiến nhanh đến thung lũng Rhone .

Đến cuối tháng Tám, mặt trận phía Tây của Đức đã mất 500.000 quân (phân nửa số này bị bắt làm tù binh) và gần như toàn bộ xe thiết giáp, đại bác và xe vận tải. Đức chẳng còn lại gì nhiều để bảo vệ chính quốc. Phòng tuyến Siegfried (Bức tường Tây) nổi tiếng hầu như bị bỏ trống, không có đại bác. Phần lớn tướng lĩnh Đức trên mặt trận phía Tây tin rằng cuộc chiến đến đây đã là hồi kết. Speidel nói: "Lực lượng trên bộ không còn, nói gì đến không lực." Rundstedt, người được tái bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây vào ngày 4 tháng 9, sau này nói với Đồng minh rằng: "Đối với cá nhân tôi, cuộc chiến đã chấm dứt vào tháng Chín." Nhưng đối với Hitler thì không. Cuối tháng 8 năm 1944, tại tổng hành dinh ông thuyết giảng cho các tướng lĩnh, cố truyền cho họ ý chí mới và chút ít hy vọng .

"Nếu cần, ta sẽ chiến đấu trên vùng Rhine. Chẳng có gì khác biệt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta phải tiếp tục cuộc tranh đấu này cho đến khi, như Friedrich Đại đế đã nói, một trong các kẻ thù khốn kiếp của ta quá mệt mỏi đến mức không thể chiến đấu được nữa. Ta sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được nền hoà bình nhằm đảm bảo đời sống của nước Đức trong 50 hoặc 100 năm tới và, trên hết, sẽ không khiến cho ta mất danh dự lần thứ hai, như đã xảy ra vào năm 1918... Tôi sống chỉ với mục đích dẫn dắt cuộc đấu tranh này bởi vì tôi biết nếu không có một ý chí sắt đá, ta không thể thắng được trong cuộc chiến này." Sau khi trách mắng Bộ Tham mưu vì thiếu ý chí sắt đá, Hitler tiết lộ lý do tại sao mình vẫn nuôi hy vọng: "Thời khắc sẽ đến khi sự căng thẳng giữa các nước Đồng minh dẫn tới chỗ đổ vỡ. Tất cả mối liên minh trong lịch sử không chóng thì chầy đều sẽ tan rã. Chỉ cần chờ đợi cho đúng lúc, dù bao khó khăn đi nữa." Goebbels nhận nhiệm vụ tổ chức "tổng động viên", còn tân Tư lệnh Dân quân Himmler lo huy động 25 sư đoàn Volksgrenadier (Vệ quốc quân) để phòng vệ phía Tây. Dù cho bao kế hoạch và bao lời lẽ của Đức Quốc xã về "chiến tranh tổng lực", nhưng những nguồn lực của Đức vẫn chưa được tổ chức một cách "tổng lực", vì Hitler vẫn luôn muốn duy trì việc sản xuất hàng tiêu dùng cho dân chúng theo mức độ đáng ngạc nhiên suốt thời gian chiến tranh – hẳn là để giữ vững tinh thần dân Đức. Và ông luôn chống lại việc huy động phụ nữ làm việc trong nhà máy như Speer đề xuất. Theo chủ thuyết của Quốc xã, chỗ của phụ nữ Đức là ở nhà, không phải ở cơ xưởng. Trong 4 năm đầu của cuộc chiến, chỉ có 182.000 phụ nữ Đức làm công việc sản xuất phục vụ chiến tranh, trong khi ở Anh có hơn 2 triệu phụ nữ làm công việc này. Con số 1,5 triệu người giúp việc nhà ở Đức trong thời bình vẫn giữ nguyên trong thời chiến .

Vào thời điểm này, khi cuộc chiến đang tiến sát đến quê nhà, lúc này giới lãnh đạo Quốc xã mới bắt đầu cuống cuồng. Thanh niên trong độ tuổi 15-18 và đàn ông 50-60 tuổi được gọi làm nghĩa vụ quân sự. Các trường đại học, trung học, các văn phòng và nhà máy bị lùng sục để tìm người đi nghĩa vụ. Giữa các tháng 9 và 10 năm 1944, Quân đội tuyển được nửa triệu người. Nhưng không có biện pháp nào cho phụ nữ thay thế những người đi nghĩa vụ trong nhà máy và văn phòng. Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer phản đối với Hitler rằng việc gọi nhập ngũ những công nhân lành nghề sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất chế tạo vũ khí .

Từ thời Napoléon cho đến giờ, Quân đội Đức chưa bao giờ phải chiến đấu trên chính quốc để bảo vệ đất nước mình. Trong giai đoạn ấy, chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ của các dân tộc khác nên nước Đức không bị tàn phá. Bây giờ, khi binh sĩ Đức đang phải chịu sức ép mạnh, họ lại còn phải nghe liên tục những lời hô hào .

HỠI BINH SĨ TRÊN MẶT TRẬN PHÍA TÂY! Tôi mong tất cả các anh hãy bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Đức... cho đến người cuối cùng!... VON RUNDSTEDT THỐNG CHẾ HỠI BINH SĨ CỦA TẬP ĐOÀN QUÂN! Không ai trong chúng ta được nhường một tấc đất nào của lãnh thổ Đức trong khi chúng ta còn sống... Người nào rút lui mà không chiến đấu là kẻ phản bội nhân dân... Hỡi binh sĩ! Đất nước chúng ta, cuộc sống của vợ con chúng ta đang trong cơn nguy khó! Lãnh tụ chúng ta và những người thân của chúng ta tin tưởng vào các chiến binh của họ!... Nước Đức và Lãnh tụ kính yêu của chúng ta muôn năm! MODELTHỐNG CHẾ Tuy thế, trong tình hình nguy ngập, càng ngày càng có nhiều người đào ngũ. Himmler phải có biện pháp quyết liệt. Ngày 10 tháng 9, ông ra lệnh: "Vài phần tử bất hảo có lẽ nghĩ chiến tranh sẽ chấm dứt khi họ đầu hàng kẻ thù... Những người bỏ hàng ngũ... sẽ bị trừng trị thích đáng. Hơn nữa, hành vi xấu xa của họ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình họ... Họ sẽ bị xử bắn ngay lập tức." Tháng 9 năm 1944 đã xảy ra điều mà những tướng lĩnh Đức còn hoài nghi và gọi đó là "phép lạ". Cuộc tiến quân như vũ bão của Đồng minh bỗng nhiên dừng lại. Cho đến nay, vẫn còn có tranh cãi về lý do của việc này .

Đầu tháng Chín, Montgomery thúc giục Eisenhower cung ứng tất cả hàng hậu cần và quân dự bị cho các đại quân đoàn Anh, Canada cùng 2 Đại Quân đoàn Thứ Nhất và Thứ Chín của Mỹ để ông chỉ huy mà đánh một đòn táo bạo ở phía Bắc. Khi ấy, Đồng minh sẽ nhanh chóng xâm nhập vào vùng Ruhr, chặn nguồn vũ khí của Đức, mở đường đến Berlin và chấm dứt chiến tranh. Eisenhower từ chối.Ông muốn Đồng minh tiến đến sông Rhine trên "một mặt trận rộng" .

Nhưng quân Đồng minh đang cạn hàng hậu cần. Phải chuyển tất cả xăng dầu và đạn dược qua Normandy hoặc qua duy nhất cảng Cherbourg, rồi từ đây dùng xe tải chở qua quãng đường từ 500 đến 650 km mới đến mặt trận. Đến giữa tháng Chín, quân Đồng minh bị sa lầy vì thiếu hàng hậu cần. Họ cũng bất ngờ chạm phải sức kháng cự của Đức. Rundstedt đã tập trung tất cả lực lượng hiện có ở 2 vị trí quan trọng, nhờ đấy tạm thời có thể chặn đứng Đại Quân đoàn Thứ Ba của Patton dọc sông Moselle và Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Hodges trước Aachen .

Vì bị Montgomery thúc giục, Eisenhower đã đồng ý với kế hoạch táo bạo là chiếm lấy một đầu cầu trên hạ lưu sông Rhine ở Arnhem, qua đó có vị trí để bọc sườn Phòng tuyến Siegfried (Bức tường Tây) ở phía Bắc. Mục tiêu còn kém ước mơ của Montgomery là tiến thẳng đến vùng Ruhr rồi từ đây tiến đến Berlin, nhưng dù sao cũng có được một cơ sở chiến lược để tiến tiếp. Cuộc tấn công mở màn ngày 17 tháng 9 năm 1944 với 2 sư đoàn dù Mỹ và 1 sư đoàn dù Anh xuất phát từ các căn cứ ở Anh. Nhưng do thời tiết xấu và quân dù nhảy xuống giữa 2 sư đoàn thiết giáp S.S. trước đó không được phát hiện, cùng với việc thiếu bộ binh tăng viện từ phía Nam, nên cuộc tấn công này đã thất bại. Sau 10 ngày giao tranh dữ dội, quân Đồng minh rút khỏi Arnhem. Sư đoàn 1 Dù của Anh với 9.000 quân chỉ còn 2.163 người. Đối với Eisenhower, thất bại này là "bằng chứng rõ rệt cho thấy chiến dịch vẫn còn những khó khăn trước mắt" .

Tuy thế, Eisenhower vẫn không nghĩ Đức sẽ có thể phục hồi đủ để mở một cuộc phản công bất ngờ trong khi Giáng sinh đang đến gần .

NƯỚC CỜ LIỀU LĨNH CUỐI CÙNG CỦA HITLER Vào buổi tối 12 tháng 12 năm 1944, một số tướng lĩnh Đức gồm những tư lệnh chiến trường cấp cao ở mặt trận phía Tây đã được triệu đến tổng hành dinh của Rundstedt, nhận lệnh giao nộp vũ khí cá nhân và cặp chứa tài liệu, rồi được đưa lên một chiếc xe buýt, chạy lòng vòng nửa tiếng đồng hồ trong vùng đồng quê tối tăm phủ tuyết để mọi người mất phương hướng, rồi được đưa đến một boong-ke sâu dưới mặt đất được dùng làm tổng hành dinh của Hitler ở Ziegenberg gần Frankfurt. Nơi đây, lần đầu tiên họ được thông báo điều mà chỉ một nhúm nhỏ sĩ quan tham mưu và chỉ huy đã biết từ tháng trước: Trong 4 ngày sắp tới, Lãnh tụ sẽ mở một cuộc phản công toàn diện trên mặt trận phía Tây .

Giữa tháng 9 năm 1944, Hitler nung nấu ý tưởng phản công, khi quân Đồng minh đang dừng lại dọc biên giới Đức phía Tây sông Rhine. Dù các Đại Quân đoàn Thứ Nhất, Thứ Ba và Thứ Chín đã cố mở lại cuộc tiến công trong tháng Mười với mục đích tiến đến sông Rhine, nhưng đà tiến vẫn chậm và khó khăn. Aachen, thủ đô đế quốc xưa kia của Charlemagne, đầu hàng Đại Quân đoàn Thứ Nhất vào ngày 24 tháng 10. Đó là thành phố đầu tiên của Đức rơi vào tay Đồng Minh. Nhưng Đồng minh vẫn không thể vượt qua sông Rhine. Tuy nhiên, dọc đường họ vẫn có thể làm suy yếu lực lượng Đức bằng chiến tranh tiêu hao .

Hitler nhận ra rằng nếu cứ mãi thụ động phòng thủ thì chỉ kéo dài giờ khắc kết liễu số phận của nước Đức. Đầu óc cháy bỏng của Hitler khởi phát một kế hoạch táo bạo và đầy sáng kiến nhằm lấy lại thế chủ động, giáng một đòn để chia cắt Đại Quân đoàn Thứ Nhất và Đại Quân đoàn Thứ Ba của Mỹ, xâm nhập vào Antwerp và ngăn Eisenhower sử dụng bến cảng ở đây, rồi đẩy lui các Đại quân đoàn Anh và Canada dọc biên giới Bỉ-Hà Lan. Hitler nghĩ rằng cuộc phản công như thế sẽ đánh gục quân Anh-Mỹ và qua đó xoá mọi đe doạ đối với biên giới phía Tây của Đức, đồng thời cho phép Đức phản công quân Liên Xô lúc này đang dừng lại dọc sông Vistula. Cuộc phản công sẽ đánh qua vùng Ardennes, cũng chính là nơi quân Đức tràn qua vào năm 1940, mà tình báo Đức cho biết chỉ có 4 sư đoàn bộ binh yếu kém phòng ngự .

Hitler cũng phát động một chiến dịch khác, được giao cho Otto Skorzeny thi hành. Ông này là người đã giải cứu Mussolini và giúp trấn áp cuộc bạo loạn sau vụ nổ bom ám sát Hitler ngày 20 tháng 7. Nhiệm vụ mới của Skorzeny là tổ chức một lữ đoàn đặc biệt gồm 2.000 binh sĩ Đức nói được tiếng Anh, cho mặc đồng phục lính Mỹ và điều họ xâm nhập phía sau phòng tuyến của Mỹ. Họ sử dụng các xe thiết giáp và xe Jeep tịch thu được của Mỹ để đi phá hoại hệ thống thông tin, hạ sát các liên lạc viên, điều khiển giao thông nhằm hướng dẫn cho xe cộ Đồng minh đi sai đường và nói chung là gieo rắc sự hoang mang .

Riêng chiến dịch phản công này đã là một kế hoạch liều lĩnh. Hitler gần như chắc chắn tin rằng sẽ tạo được bất ngờ cho Đồng minh và trấn áp họ trước khi họ có cơ hội hồi phục. Nhưng kế hoạch của ông có một nhược điểm. Quân đội Đức bây giờ yếu hơn so với năm 1940, đặc biệt là Không quân, trong khi đối thủ có tiềm năng mạnh hơn và vũ khí tốt hơn. Các tướng lĩnh vội nhắc Hitler chú ý đến điểm này .

Rundstedt kể lại: "Khi nhận được kế hoạch này vào đầu tháng Mười một, tôi cảm thấy choáng váng. Hitler đã không thèm bàn bạc với tôi... Tôi thấy rõ rằng những lực lượng hiện có là quá nhỏ so với kế hoạch đầy tham vọng như thế." Nhưng vì biết rằng không thể nào biện luận với Hitler, Rundstedt và Model quyết định đề xuất một kế hoạch khác có thể thoả mãn ý muốn của thủ lĩnh quân phiệt về phản công nhưng chỉ giới hạn trong việc đánh phá vị trí quân Mỹ quanh Aachen. Tuy nhiên, vì thấy không có hy vọng thuyết phục được Hitler thay đổi ý kiến nên Rundstedt đã không dự buổi họp quân sự ngày 2 tháng 12, mà chỉ cử tham mưu trưởng Blumentritt dưới quyền đi thay .

Nhưng cả Blumentritt, Thống chế Model, Tướng Hasso von Manteuffel và Tướng S.S. Sepp Dietrich (2 người sau sẽ là Tư lệnh của 2 Đại quân đoàn thiết giáp lớn trong cuộc phản công), đến dự họp mà cũng không thể làm cho Hitler lung lay. Suốt cuối mùa thu ông đã vơ vét khắp nước Đức mọi nguồn lực cho nước cờ mới. Vào tháng Mười một, ông đã thu thập được gần 1.500 xe thiết giáp mới hoặc đã được tân trang và vào tháng Mười hai, bổ sung thêm 1.000 chiếc nữa. Hitler còn huy động được 28 sư đoàn, kể cả 9 sư đoàn thiết giáp để đánh xuyên qua Ardennes, thêm 6 sư đoàn để tấn công Alsace, tiếp theo mũi tiến công chính. Goering hứa sẽ cung ứng 3.000 máy bay chiến đấu .

Đó là một lực lượng đáng kể, tuy vẫn còn yếu hơn nhiều so với tập đoàn quân của Rundstedt trên cùng mặt trận vào năm 1940. Nhưng việc điều quân như thế khiến cho mặt trận phía Đông không có quân tăng viện vốn đang rất cần thiết để đẩy lui cuộc tấn công của Liên Xô dự trù vào tháng 1 năm 1945 .

Khi Tham mưu trưởng Lục quân Guderian – người chịu trách nhiệm chiến trường phía Đông – lên tiếng phản đối, Hitler nghiêm khắc trả lời: "Anh không cần phải dạy tôi. Tôi đã chỉ huy Quân đội Đức trong 5 năm và trong thời gian này tôi có kinh nghiệm thực tiễn hơn bất cứ ai trong Bộ Chỉ huy Tối cao từng mong mỏi... Tôi còn nắm vững tình hình hơn anh!" Khi Guderian phản đối là Liên Xô sắp tấn công với sức mạnh vượt trội và đưa ra những con số cho thấy sự tăng cường lực lượng của Liên Xô, Hitler la lối: "Đó là sự bịp bợm lớn nhất kể từ Thành Cát Tư hãn! Ai có trách nhiệm đưa ra những thứ rác rưởi này?" Theo như Manteuffel kể lại, các tướng lĩnh tụ họp ở tổng hành dinh Lãnh tụ vào buổi tối 12 tháng 12 đã thấy thủ lĩnh quân phiệt Quốc xã: "một thân hình lom khom với khuôn mặt nhợt nhạt và sưng húp, ngồi gập cong trên chiếc ghế, 2 bàn tay run rẩy, cánh tay trái co giật mạnh mà ông cố gắng che giấu. Một con người bệnh hoạn... Khi bước đi, ông kéo lê một chân phía sau." Tuy nhiên, tinh thần của Hitler vẫn hung hăng như ngày nào. Các tướng lĩnh đã nghĩ họ sẽ được nghe về tình hình quân sự tổng thể của cuộc phản công, nhưng Hitler chỉ dông dài giảng cho họ nghe về chính trị và lịch sử .

"Trong lịch sử chưa bao giờ có một liên minh giữa các kẻ thù mà gồm toàn những thành phần dị biệt như thế với những mục đích khác biệt như thế... Một bên là những quốc gia siêu tư bản, bên kia là những quốc gia siêu mác-xít. Một bên là Đế quốc Anh đang giãy chết, bên kia là một thuộc địa được thừa kế, đó là Hoa Kỳ... Mỗi thành viên gia nhập liên minh đều mong mỏi thực hiện những tham vọng chính trị... Mỹ cố trở thành người thừa kế của Anh, Nga cố chiếm lấy miền Balkans... Anh quốc cố giữ lấy những vùng đất của họ... ở Địa Trung Hải... Ngay cả lúc này họ đang kình chống nhau và giống như con nhện ở giữa mạng lưới có thể quan sát những diễn biến, người ta thấy được những kình chống như thế đang gay gắt thêm từng giờ .

Nếu bây giờ ta có thể đánh thêm vài đòn, thì bất kỳ lúc nào mặt trận chung được nối kết với nhau một cách giả tạo như thế có thể bất ngờ sụp đổ... miễn là Đức không bị suy yếu .

Điều cần thiết là ngăn không cho địch tin rằng chắc chắn họ sẽ thắng... Chiến tranh cuối cùng sẽ được quyết định khi bên này hoặc bên kia nhận ra rằng họ không thể thắng. Ta phải luôn luôn chứng tỏ cho địch thấy rằng, dù chúng làm gì chăng nữa, ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Không bao giờ! Không bao giờ!" Với ngôn từ cổ vũ chói tai như thế, các tướng lĩnh giải tán, không ai trong số họ – ít nhất họ đã nói như thế sau này – tin rằng chiến dịch đánh qua Ardennes sẽ thành công. Nhưng họ vẫn quyết tâm thi hành mệnh lệnh theo khả năng có thể .

Và quả thực là họ đã thi hành mệnh lệnh ấy. Trời tối đen và giá lạnh vào đêm 15 tháng 12 năm 1944. Một màn sương dày bao phủ vùng đồi núi hiểm trở phủ tuyết của rừng Ardennes khi quân Đức tiến đến các vị trí tấn công trên mặt trận trải dài 120 km, từ Monschau (phía Nam Aachen) và Echtemach (phía Tây Bắc Trier). Chuyên viên khí tượng của Đức dự báo rằng thời tiết như thế sẽ kéo dài vài ngày khiến cho không lực Đồng minh không cất cánh được. Trong vòng 5 ngày, Hitler đã gặp may nhờ thời tiết. Quân Đức khiến cho Bộ Tư lệnh Tối cao Đồng minh bị bất ngờ hoàn toàn, đánh xuyên qua được vài điểm vào buổi sáng 16 tháng 12 .

Khi một đội hình thiết giáp của Đức tiến đến Stavelot vào đêm 17 tháng 12, họ chỉ còn cách tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Mỹ có 13 km ở Spa và nơi này đang vội vã lo rút lui. Quan trọng hơn, giữa quân Đức và một kho xăng dầu khổng lồ chứa 11 triệu lít xăng của Mỹ chỉ có khoảng cách chưa đến 2 km. Xe thiết giáp Đức đang tiến chậm chạp vì luôn thiếu nhiên liệu. Vì thế, nếu chiếm được kho xăng dầu này, họ có thể tiến nhanh hơn và xa hơn. Riêng Lữ đoàn 150 Thiết giáp dưới quyền Skorzeny thì tiến xa hơn trên xe thiết giáp, xe tải và xe jeep tịch thu được của Mỹ, chở binh sĩ Đức mặc quân phục Mỹ. Khoảng 40 chiếc jeep chở đầy binh sĩ Đức chạy luồn qua phòng tuyến Đồng minh đã bị xuyên thủng, tiến đến tận sông Meuse .

Ngày 16 tháng 12, một sĩ quan Đức mang vài bộ tài liệu về phương án hành quân bị bắt, do đó quân Mỹ phát hiện được mưu đồ của Đức. Nhưng việc này hình như không ngăn được cơn rối loạn do quân của Skorzeny gây ra. Vài người trong số này cải trang làm Quân cảnh Mỹ đứng ở các giao lộ để hướng dẫn xe cộ quân Mỹ đi sai đường. Quân báo của Đại Quân đoàn Thứ Nhất tin vào lời đồn đại rằng binh sĩ dưới quyền Skorzeny đang tìm đường đến Paris để ám sát Eisenhower. Trong nhiều ngày, hàng nghìn lính Mỹ khắp nơi cho đến tận Paris bị Quân cảnh thật chặn đường và phải chứng tỏ quốc tịch của mình bằng cách cho biết đội nào đã thắng trận chung kết bóng đá Mỹ và thủ phủ của bang nơi sinh quán của họ là gì – nhưng nhiều người không nhớ hoặc không biết. Nhiều lính Đức trong quân phục Mỹ bị bắn tại chỗ, một số bị mang ra toà án binh rồi chịu tử hình. Skorzeny bị bắt và năm 1947 bị Mỹ mang ra xét xử, nhưng được tha bổng. Sau đó, ông đến sống ở Tây Ban Nha và Nam Mỹ, trở thành một doanh nhân thành đạt và viết hồi ký .

Sau khi quân Đức áp đảo 4 sư đoàn yếu kém của Đồng minh tại Ardennes, những đơn vị rời rạc của Đại Quân đoàn Thứ Nhất Mỹ vẫn ngoan cường chống trả khiến cho đà tiến của Đức chậm lại. Quân Mỹ trấn đóng trên các vùng phía Bắc Monschau và phía Nam Bastogne chỉ cho phép quân Đức luồn qua một khoảng hẹp. Lực lượng Mỹ phòng ngự ở Bastogne khép lại số phận của Đức .

Giao lộ Bastogne là chìa khoá cho sự phòng vệ vùng Ardennes và sông Meuse phía sau. Nếu Đồng minh giữ vững Bastogne, họ sẽ khống chế những con đường chính mà Đại Quân đoàn Thứ Năm Thiết giáp dưới quyền Manteuffel đang sử dụng để tiến đến sông Meuse và còn cầm chân được một lực lượng đáng kể của Đức chuẩn bị tiến tiếp. Vào sáng ngày 18 tháng 12, mũi tiến công của Manteuffel chỉ còn cách Bastogne 24 km, trong khi nơi đây chỉ có binh sĩ thuộc tổng hành dinh của một quân đoàn đang chuẩn bị rút lui. Tuy nhiên, tối ngày 17 tháng 12, Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ, lúc ấy đang lo bổ sung lực lượng tại Reims, nhận lệnh hành quân cấp tốc đến Bastogne trên quãng đường dài 160 km. Cả sư đoàn đi trên xe tải bật đèn chạy suốt đêm, đến Bastogne sau 24 giờ. Quân Đức đã thua trong cuộc chạy đua. Dù Đức bao vây Bastogne với lực lượng vượt trội, nhưng các sư đoàn Đức vẫn không thể đi vòng tiến đến sông Meuse, mà còn phải để lại một lực lượng lớn để cố chiếm lấy giao lộ này .

Ngày 22 tháng 12, Trung tướng Heinrich von Luettwitz, Tư lệnh Quân đoàn XLVII Thiết giáp của Đức, cho người mang thư đến Thiếu tướng McAuliffe, Tư lệnh Sư đoàn 101 Không vận, ra lệnh cho Bastogne phải đầu hàng. Phúc đáp của McAuliffe chỉ có một chữ mà sau này trở thành nổi tiếng: "NUTS!" ("KHÙNG!") Bước ngoặt cho nước cờ của Hitler tại Ardennes diễn ra ngày 24 tháng 12. Ngày hôm trước, một tiểu đoàn thám thính thuộc Sư đoàn 2 Thiết giáp của Đức đã tiến đến những đỉnh đồi cách sông Meuse 5 km ở Dinant về phía Đông, rồi dừng lại để chờ tiếp nhiên liệu và tăng viện trước khi xông xuống triền dốc của bờ sông. Cả nhiên liệu và tăng viện đều không đến. Bỗng Sư đoàn 2 Thiết giáp của Mỹ đánh tới từ hướng Bắc. Lúc này, vài sư đoàn thuộc Đại Quân đoàn Thứ Ba của Tướng Patton đang tiến lên từ phía Nam với mục đích chính là giải vây cho Bastogne. Manteuffel kể lại: "Vào buổi tối ngày 24, rõ ràng là chiến dịch của chúng tôi đã đến đỉnh điểm. Chúng tôi biết sẽ chẳng bao giờ đạt đến mục tiêu." Quân Mỹ tạo thành 2 gọng kìm mạnh từ 2 bên sườn Bắc và Nam của quân Đức trên khoảng hẹp. Hai ngày trước Giáng sinh, thời tiết tốt giúp cho không lực Anh-Mỹ tấn công dữ dội các tuyến đường tiếp tế của Đức và Quân đội Đức đang di chuyển trên con đường nhỏ hẹp ven những triền núi. Quân Đức cố mở thêm đợt tấn công vào Bastogne. Suốt ngày Giáng sinh, bắt đầu từ 3 giờ sáng, họ đã mở ra nhiều đợt tiến công, nhưng quân phòng ngự dưới quyền McAuliffe vẫn giữ vững vị trí. Ngày hôm sau, một đội hình thiết giáp thuộc Đại Quân đoàn Thứ Ba của tướng Patton đã đánh xuyên qua phía Nam và giải cứu cho thị trấn. Quân Đức phải rút lui khỏi hành lang chật hẹp nếu không muốn bị quân Mỹ tiêu diệt .

Nhưng Hitler không muốn nghe đến việc rút lui. Tối ngày 28 tháng 12, ông triệu tập một Đại hội quân sự nghiêm chỉnh. Thay vì nghe theo lời tham mưu của Rundstedt và Manteuffel nên rút quân về, Hitler ra lệnh mở lại cuộc phản công, tràn ngập Bastogne và tiến đến sông Meuse. Hơn nữa, ông còn ra lệnh lập tức mở một cuộc tấn công mới ở Alsace nằm về phía Nam, nơi phòng tuyến Mỹ bị mỏng đi do Đại Quân đoàn Thứ Ba của Tướng Patton đã di chuyển đến Bastogne. Các tướng lĩnh nói họ không có đủ lực lượng để tiếp tục phản công ở Ardennes hay tấn công Alsace, nhưng Hitler không chịu nghe: "Này các ông, tôi đã làm công việc này trong suốt 11 năm... Tôi chưa từng nghe ai nói mọi thứ đều hoàn toàn sẵn sàng... Các ông không bao giờ sẵn sàng cả. Rõ ràng là thế." Hitler tiếp tục huyên thuyên.Trước khi ông chấm dứt, các tướng lĩnh đều nhận thấy ông đã trở nên mù quáng mà không nhìn thấy thực tế, giống như bị lạc trên mây vậy .

"Vấn đề là... nước Đức có đủ ý chí để sống còn hoặc sẽ bị tiêu diệt... Nếu thua trong cuộc chiến này, dân tộc ta sẽ bị tiêu diệt." Tiếp theo đó là phần biện luận dài dòng về lịch sử của La Mã và của Phổ trong Chiến tranh Bảy năm. Cuối cùng, Hitler trở lại vấn đề trước mắt. Dù thừa nhận rằng cuộc phản công ở Ardennes đã không "mang lại sự thành công quyết định như mong muốn", nhưng ông vẫn cho rằng nó đã tạo ra "sự chuyển biến cho toàn bộ tình hình mà chỉ hai tuần trước thôi không ai dám tin" .

"Kẻ thù đã phải từ bỏ mọi kế hoạch tấn công... Họ phải tung ra những đơn vị đã mệt mỏi. Những kế hoạch hành quân của họ hoàn toàn bị đảo lộn. Họ bị phê bình thậm tệ ở quê nhà. Đó là thời khắc bất lợi cho địch về mặt tâm lý. Họ phải thừa nhận rằng không có cơ hội quyết định cuộc chiến trước tháng Tám, có lẽ không thể trước cuối năm..." Phải chăng câu cuối cùng thừa nhận chiến bại chung cuộc của Đức? Hitler nhanh chóng cố cải chính ý kiến đó .

"Tôi phải nói ngay rằng... các anh không nên kết luận, dù là bóng gió, rằng tôi nhìn thấy chiến bại... Tôi chưa bao giờ biết đến chữ 'đầu hàng'... Đối với tôi, tình hình hiện nay là chẳng có gì mới. Tôi đã lâm vào những tình huống tồi tệ hơn. Tôi nói như thế chỉ vì tôi muốn các anh hiểu tại sao tôi theo đuổi mục đích của tôi với cả lòng tin tưởng và tại sao không gì có thể làm tôi sờn lòng. Dù cho tôi có dằn vặt vì lo lắng và bị xáo trộn về mặt thể chất, nhưng không gì có thể lay chuyển được quyết tâm của tôi là chiến đấu cho đến khi cán cân nghiêng về phía ta." Tiếp đấy, Hitler kêu gọi các tướng lĩnh ủng hộ những cuộc tấn công mới "với tất cả hoả lực của mình" .

"Rồi ta sẽ... đập tan hoàn toàn bọn Mỹ... Rồi ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Tôi không tin rằng về lâu về dài quân thù có thể chống lại 45 sư đoàn của Đức... Ta sẽ làm chủ định mệnh!" Đã quá muộn. Đức thiếu sức mạnh quân sự để thực hiện như đã nói .

Vào ngày đầu năm 1945, Hitler tung ra 8 sư đoàn vào đợt tấn công đến sông Saar, tiếp theo là một mũi tấn công từ đầu cầu ở thượng lưu sông Rhine của một đoàn quân dưới sự chỉ huy của Heinrich Himmler – người sẽ làm trò cười cho các tướng lĩnh. Cả hai đều không thể tiến xa. Một cuộc tấn công tổng lực vào Bastogne của không dưới 2 quân đoàn Đức gồm 9 sư đoàn đã diễn ra vào ngày 3 tháng 1 năm 1945, dẫn đến một trong những trận đánh dữ dội nhất trong chiến dịch Ardennes. Đến ngày 5 tháng 1, quân Đức đành phải dẹp bỏ hy vọng chiếm được thị trấn này. Ngày 8 tháng 1, Model được phép rút lui khi quân dưới quyền có nguy cơ bị bao vây .

Ngày 16 tháng 1, chỉ 1 tháng sau khi phát động cuộc phản công mà Hitler đã tung ra tất cả cơ số dự bị về nhân lực và khí tài, quân Đức rút về phòng tuyến xuất phát .

Đức bị thiệt hại 120.000 người gồm tử trận, thương vong và mất tích, 600 xe thiết giáp và pháo, 1.600 máy bay và 6.000 xe cộ các loại. Thiệt hại phía Mỹ cũng nặng – 8.000 người tử trận, 48.000 bị thương, 21.000 bị bắt hoặc mất tích và 733 xe thiết giáp .

Một số lính Mỹ bị bắt làm tù binh rồi bị Sư đoàn 1 Thiết giáp S.S. dưới quyền Đại tá Jochen Peiper xử tử. Dựa trên chứng cứ được trình trước Toà án Nuremberg, 43 sĩ quan S.S. kể cả Peiper đã bị tử hình, 23 bị án tù chung thân và 8 chịu án tù nhẹ hơn. Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu Thiết giáp Sepp Dietrich nhận án 25 năm tù, Tư lệnh Quân đoàn 1 Thiết giáp S.S. Kraemer 10 năm tù, Tư lệnh Sư đoàn 1 Thiết giáp S.S. 18 năm tù .

Thế rồi Thượng viện Mỹ lớn tiếng phản đối, cho rằng các sĩ quan S.S. đã bị đối xử tàn bạo để chịu cung khai. Các án tử hình lần lượt được giảm thành án tù, rồi cuối cùng tất cả đều được trả tự do. Trong sự xôn xao về việc xử tệ với sĩ quan Đức, người ta quên rằng ít nhất 71 tù binh Mỹ không có vũ khí trong tay từng bị hành quyết một cách dã man trên một cánh đồng phủ tuyết gần Malmédy ngày 17 tháng 12 năm 1944 do mệnh lệnh hoặc sự khuyến khích của vài sĩ quan S.S .

Phía Mỹ có thể bổ sung cho những thiệt hại, nhưng phía Đức thì không. Đức đã tung ra tất cả lá bài cuối cùng. Đây là cuộc tấn công quan trọng cuối cùng của Đức trong Thế chiến II. Thất bại khiến cho Đức không chỉ thua trận ở phía Tây, mà còn khép lại số phận quân Đức ở phía Đông, nơi gánh chịu hậu quả do việc Hitler tung lực lượng dự phòng cuối cùng vào vùng Ardennes .

Nhưng trong bài thuyết giảng cho tướng lĩnh ngày 28 tháng 12, Hitler vẫn còn khá lạc quan về mặt trận trên đất Nga, nơi quân Đức chịu mất bán đảo Balkans, nhưng từ tháng Mười vẫn còn giữ vững vùng sông Vistula ở Ba Lan và Đông Phổ .

Họ sẽ giữ vững bao lâu? Vào các ngày 24 tháng 12 năm 1944 khi quân Nga bao vây Budapest lần nữa vào ngày 1 tháng 1 năm 1945, Guderian van xin Hitler phái quân tăng viện để đối phó với đà tiến quân của Liên Xô. Ông kể lại: "Tôi đã vạch ra rằng vùng Ruhr bị tê liệt vì những đợt không kích của Đồng Minh..., mặt khác, vùng công nghiệp Thượng Silesia vẫn còn hoạt động, trung tâm công nghiệp sản xuất vũ khí của Đức hiện ở phía Đông và nếu mất Thượng Silesia trong vòng vài tuần lễ, ta sẽ thua trận. Nhưng tất cả chỉ là hoài công. Tôi đã bị khước từ." Guderian trở lại tổng hành dinh của Hitler lần thứ ba vào ngày 9 tháng 1. Ông dẫn theo Tướng Gehlen, Chỉ huy Quân báo phía Đông, cùng với bản đồ và đồ thị để cố giải thích cho Hitler hiểu vị trí chông chênh của quân Đức. Guderian kể lại: "Hitler hoàn toàn mất hết tự chủ... cho rằng các bản đồ và đồ thị là 'ngu xuẩn' và ra lệnh cho tôi đưa người đã làm ra các bản đồ và đồ thị ấy vào nhà thương điên. Rồi tôi mất tự chủ và nói... 'Nếu ông muốn đưa Tướng Gehlen vào nhà thương điên thì nên chứng nhận đưa tôi cùng đi.'" Khi Hitler biện luận rằng mặt trận phía Đông "chưa bao giờ có lực lượng dự bị mạnh như bây giờ", Guderian phản biện rằng "nếu mặt trận bị tan vỡ ở một điểm, toàn mặt trận sẽ sụp đổ" .

Sự kiện diễn ra đúng như thế. Ngày 12 tháng 1 năm 1945, phương diện quân Liên Xô dưới quyền Konev băng qua sông Vistula phía Nam Warsaw và tiến đến Silesia. Ở hướng Bắc, quân Liên Xô dưới quyền Zhukov vượt sông Vistula rồi chiếm được Warsaw vào ngày 17 tháng 1. Xa hơn về hướng Bắc, 2 Đại quân đoàn Liên Xô tràn ngập phân nửa Đông Phổ và tiến đến vịnh Danzig .

Đó là cuộc tiến công mãnh liệt nhất của Liên Xô trong Thế chiến II. Chỉ tính riêng trên chiến trường Ba Lan và Đông Phổ, Stalin đã tung ra 180 sư đoàn, đáng ngạc nhiên là trong đó có rất nhiều sư đoàn cơ giới. Không gì có thể ngăn chặn họ .

Guderian nói: "Đến ngày 27 tháng 1 [chỉ 15 ngày sau khi Liên Xô bắt đầu phản công], cơn triều Nga sẽ nhanh chóng cuốn lấy ta theo quy mô của một thảm hoạ toàn diện." Vào ngày ấy, Đông Phổ và Tây Phổ đã bị cắt lìa khỏi chính quốc Đức. Cũng vào ngày ấy, Zhukov vượt qua sông Oder sau khi hành quân được 350 km chỉ trong nửa tháng và khi đó chỉ còn cách Berlin 150 km. Tệ hại nhất là quân Liên Xô đã tràn ngập vùng công nghiệp Silesia .

Albert Speer, người chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí, nộp cho Hitler một bản ghi nhớ ngày 30 tháng 1 năm 1945 – tròn 12 năm Hitler lên nắm quyền – vạch ra hệ luỵ của việc thất thủ Silesia, mở đầu bằng câu "Cuộc chiến đã thất bại". Từ khi vùng Ruhr bị không kích, vùng Silesia phải sản xuất 60% lượng than đá cho Đức. Hiện lượng than đá tồn kho chỉ còn đủ dùng trong 2 tuần. Từ lúc này trở đi, Speer chỉ có thể cung ứng ¼ lượng than đá và 1/6 lượng thép so với năm 1944. Đó là điềm báo cho thảm hoạ năm 1945 .

Theo Guderian kể lại, Hitler liếc qua báo cáo của Speer, đọc câu đầu, rồi ra lệnh cất vào hồ sơ. Ông từ chối tiếp Speer, nói với Guderian: "... Tôi không muốn gặp ai một mình nữa... Ông ấy luôn nói với tôi những chuyện khó nghe. Tôi không thể chịu được." Ngày 25 tháng 1, con người tuyệt vọng Guderian đến gặp Ribbentrop và thúc giục ông này cố đạt đến thoả thuận đình chiến ngay với phương Tây để những lực lượng còn lại của Đức có thể tập trung ở phía Đông nhằm chống lại Liên Xô. Ribbentrop đến ba hoa với Hitler, khiến cho Hitler mắng nhiếc và kết tội Guderian là "phản quốc" .

Nhưng vào buổi chiều 27 tháng 1, khi Zhukov chỉ còn cách Berlin 150 km, tổng hành dinh của Hitler – được dời về boong-ke Lãnh tụ nằm dưới Phủ Thủ tướng ở Berlin cho đến cuối cuộc chiến – có động thái đáng chú ý. Do tác động của thảm hoạ trên mặt trận phía Đông, Hitler, Goering và Jodl nghĩ có thể cần yêu cầu phương Tây thoả thuận đình chiến. Họ tin chắc các nước Đồng minh phương Tây sẽ chạy đến gặp họ vì sợ hậu quả của thắng lợi Bolshevik .

HITLER: Anh có nghĩ người Anh tỏ ra phấn khởi đối với thắng lợi của Nga không? GOERING: Chắc chắn là họ đã không dự trù việc ta cầm chân họ trong khi Nga thôn tính toàn bộ nước Đức... Họ đã không tính đến việc... ta chống trả họ như người điên trong khi quân Nga tiến càng ngày càng sâu vào đất Đức... JODL: Họ luôn nghi ngờ người Nga .

GOERING: Nếu tình hình tiếp tục như thế này, trong vòng vài ngày tới ta sẽ nhận được một bức điện [từ nước Anh] .

Các nhà lãnh đạo Quốc xã đã dựa trên niềm hy vọng mong manh như thế. Cuối cùng, họ vẫn không hiểu tại sao Anh và Mỹ không chịu hợp lực với họ để chống lại cuộc xâm lăng của Liên Xô .

QUÂN ĐỘI ĐỨC SỤP ĐỔ Vào mùa xuân năm 1945, Đế chế Thứ Ba đang tiến nhanh đến hồi kết liễu .

Vào tháng 2 năm 1945, với phần lớn vùng công nghiệp Ruhr đã đổ nát và vùng Thượng Silesia rơi vào tay Nga, sản lượng than đá chỉ còn 1/5 so với năm ngoái và lại khó vận chuyển vì Không quân Mỹ-Anh đánh phá hệ thống đường sắt và kênh đào. Những buổi họp do Hitler triệu tập đều bàn nhiều về việc thiếu hụt than đá. Tư lệnh Hải quân Doenitz than phiền nhiều tàu phải nằm một chỗ vì thiếu than và Speer kiên nhẫn giải thích là nhiều nhà máy phát điện và cơ xưởng sản xuất vũ khí cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đức mất những giếng dầu ở Rumania và Hungary, còn Không quân Đồng minh đánh phá các nhà máy sản xuất dầu nhân tạo. Nhiên liệu thiếu hụt một cách trầm trọng đến nỗi phần lớn máy bay mà các đoàn quân Đức phải nằm một chỗ và bị máy bay Đồng minh đến phá huỷ. Nhiều sư đoàn thiết giáp không thể di chuyển cũng vì thiếu nhiên liệu .

Niềm hy vọng cho "vũ khí nhiệm màu" – mà một thời quần chúng, binh sĩ và ngay cả tướng lĩnh cứng đầu như Guderian hằng ấp ủ – giờ cũng tiêu tán. Các dàn phóng bom bay V-1 và tên lửa V-2 ở Pháp và Bỉ bị quân Mỹ phá huỷ hầu như hoàn toàn, chỉ còn một ít ở Hà Lan. Trước đó, Đức đã bắn gần 8.000 quả V-1 và V-2 đến Antwerp và những mục tiêu quân sự khác của quân Anh-Mỹ, nhưng gây thiệt hại là không đáng kể .

Hitler và Goering kỳ vọng máy bay chiến đấu phản lực sẽ đánh đuổi không lực Đồng minh khỏi bầu trời, vì Đức đã sản xuất được hơn 1.000 chiếc. Nhưng phi công Anh-Mỹ lại tìm ra cách đối phó. Máy bay chiến đấu của Đồng minh không thể đương đầu với máy bay chiến đấu phản lực của Đức trên không, nhưng không có mấy chiếc phản lực cất cánh được. Không quân Anh-Mỹ phá huỷ các nhà máy lọc dầu sản xuất loại xăng đặc biệt cho máy bay phản lực. Họ cũng dễ dàng nhận ra những đường băng dài cho máy bay phản lực và ném bom phá huỷ các máy bay này khi chúng đang đậu trên mặt đất .

Thuỷ sư Đô đốc Doenitz hứa với Hitler là loại tàu ngầm mới chạy bằng điện sẽ tạo ra phép màu trên biển và tung hoành dọc tuyến đường hàng hải của Anh-Mỹ trên Bắc Đại Tây Dương. Nhưng đến giữa tháng 2 năm 1945, chỉ có 126 tàu loại mới được hạ thuỷ .

Về dự án bom hạt nhân, vốn đã khiến cho Anh-Mỹ lo lắng, nhưng Đức không đạt tiến bộ gì nhiều do Hitler không quan tâm, còn Himmler có thói quen bắt giữ các nhà khoa học hạt nhân do nghi ngờ họ thiếu lòng trung thành hoặc điều họ đi làm những thử nghiệm "khoa học" mà ông cho là quan trọng hơn. Cuối năm 1944, các Chính phủ Anh và Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi được biết Đức sẽ không thể chế tạo bom nguyên tử để dùng trong cuộc chiến này. Giáo sư Samuel Goudsmit dẫn đầu một phái bộ khoa học tháp tùng quân của Eisenhower tiến vào Tây Âu và tìm ra sự thật. Đến ngày 8 tháng 2 năm 1945, quân Đồng Minh, bây giờ đã lên đến 85 sư đoàn, bắt đầu tiến gần đến sông Rhine. Họ đã nghĩ Đức sẽ cố bảo toàn lực lượng để chiến đấu cầm cự, rút về phía sau phòng tuyến nước của một con sông rộng và chảy xiết, rất khó vượt qua. Rundstedt đã tham mưu đúng như thế .

Nhưng ở đây, giống như những nơi khác qua bao lần thất bại, Hitler không muốn nghe đến việc rút lui. Ông nói với Rundstedt làm như thế chẳng khác nào "dời thảm hoạ từ nơi này sang nơi khác". Thế là, Hitler cương quyết đòi hỏi quân Đức phải trụ lại chiến đấu – nhưng không thể lâu được. Đến cuối tháng 2 năm 1945, quân Anh-Mỹ tiến đến sông Rhine ở nhiều điểm phía Bắc Duesseldorf và 2 tuần sau, họ trụ vững bên bờ trái của sông Moselle. Quân Đức có thêm 350.000 thương vong, bị thương hoặc đã bị bắt (293.000 người đã bị bắt), đồng thời mất đi phần lớn khí tài chiến tranh .

Hitler trở nên điên cuồng. Ông sa thải Rundstedt lần cuối cùng ngày 10 tháng 3 năm 1945, cử Thống chế Kesselring lên thay. Trong một cơn cuồng nộ, Hitler tính đến việc từ bỏ Công ước Geneva (bảo vệ tù binh chiến tranh) nhằm "làm cho kẻ thù nhận ra rằng ta quyết chí đấu tranh cho sự sống còn của ta bằng mọi cách". Goebbels đề nghị bắn ngay tù binh phi công Đồng minh để trả đũa việc họ ném bom xuống các thành phố của Đức .

Khi vài sĩ quan hiện diện lên tiếng phản đối dựa trên cơ sở pháp lý, Hitler giận dữ đáp: "Cóc cần chuyện ấy!... Nếu tôi... đối xử với tù binh của địch mà không quan tâm đến quyền của họ, không màng đến sự trả đũa, thì sẽ có nhiều người [Đức] phải suy nghĩ trước khi đào ngũ." Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sau khi không chinh phục được thế giới, Hitler sẽ chìm trong cơn tắm máu – không những máu của kẻ thù mà còn là máu của người Đức. Đến cuối buổi họp, ông yêu cầu Đô đốc Doenitz "xem xét những điểm lợi và bất lợi của bước đi này và báo cáo càng nhanh càng tốt" .

Ngày hôm sau, Doenitz trả lời: "Có nhiều bất lợi hơn là lợi... Tốt nhất là trong mọi trường hợp ta nên giữ vẻ bên ngoài [tốt đẹp] và thi hành những biện pháp được xem là cần thiết mà không nêu tuyên bố trước." Hitler miễn cưỡng chấp nhận. Như ta đã biết (Chương 27), tuy không có việc tàn sát trên diện rộng tù binh Đồng minh (trừ tù binh Nga), nhưng một số vụ sát hại đã diễn ra và dân Đức thì bị sách động để đánh đập phi hành đoàn Đồng minh nhảy dù xuống mặt đất. Tướng Mesny của Pháp bị sát hại do lệnh của Hitler. Khi tù binh Đồng minh bị đưa về lãnh thổ Đức để tránh được đồng đội giải cứu, nhiều người đã phải bỏ mạng trên quãng đường dài vì thiếu thức ăn và nước uống .

Hitler quan tâm đến việc làm cho binh sĩ Đức "phải suy nghĩ trước khi đào ngũ" là có cơ sở. Trên mặt trận phía Tây, rất nhiều lính Đức đã đào ngũ hoặc đầu hàng nhanh chóng khi quân Đồng minh tiến đến gần. Ngày 12 tháng 2, Keitel "thay mặt Lãnh tụ" ra chỉ thị là bất kỳ binh sĩ nào "nhận giấy phép theo cách lừa dối, hoặc sử dụng giấy tờ giả để đi đường, sẽ... bị tử hình ngay lập tức". Ngày 5 tháng 3, Tướng Blaskowitz, Tư lệnh Tập đoàn quân H trên mặt trận phía Tây, ra chỉ thị: "Bất kỳ binh sĩ nào... bị bắt gặp ở nơi cách xa đơn vị... và những kẻ nói mình bị lạc đường và đang đi tìm đơn vị sẽ bị xét xử và xử bắn ngay lập tức." Ngày 12 tháng 4, Himmler ra chỉ thị là người chỉ huy nào không giữ vững một thị trấn hoặc một trung tâm thông tin quan trọng sẽ bị xử tử. Lệnh này được thi hành trong trường hợp các chỉ huy vô phúc trấn giữ một trong những chiếc cầu bắc qua sông Rhine .

Vào buổi xế chiều ngày 7 tháng 3, một đơn vị tiền phong thuộc Sư đoàn 9 Thiết giáp của Mỹ tiến đến những ngọn đồi nhìn xuống thị trấn Remagen bên bờ sông Rhine. Lính thiết giáp Mỹ kinh ngạc thấy chiếc cầu Ludendorff của đường xe lửa bắc qua con sông vẫn còn nguyên vẹn. Họ chạy ngay xuống bờ sông. Lính công binh vội vã cắt những sợi dây cháy mà họ có thể tìm được. Một trung đội bộ binh chạy qua bên kia cầu. Khi gần đến bờ bên kia (bờ Đông) thì một khối mìn bỗng phát nổ, rồi đến khối thứ hai. Chiếc cầu rung chuyển nhưng còn đứng vững. Lực lượng Đức ở bờ Đông nhanh chóng bị đẩy lui. Xe thiết giáp Mỹ chạy qua cầu. Đến tối, quân Mỹ lập được một vị trí vững chắc ở bờ Đông. Họ đã vượt qua được chướng ngại vật tự nhiên cuối cùng ở Tây Đức. Hitler ra lệnh xử tử 8 sĩ quan chỉ huy lực lượng yếu kém của Đức tại cầu Remagen .

Ít ngày sau, vào đêm 22 tháng 3, Đại Quân đoàn Thứ Ba dưới quyền Patton vượt sông Rhine tại Oppenheim, phía Nam Mainz. Đến ngày 25 tháng 3, quân Đồng minh chiếm được cả bờ Tây con sông và 2 đầu cầu vững chắc bên bờ Đông. Trong vòng 6 tuần, Đức mất hơn ⅓ lực lượng ở phía Tây và phần lớn vũ khí cho nửa triệu người .

Lúc 2 giờ 30 sáng ngày 24 tháng 3, Hitler triệu tập hội nghị quân sự tại tổng hành dinh của mình ở Berlin để xem xét phải làm gì .

HITLER: Tôi xem đầu cầu thứ hai tại Oppenheim là mối nguy lớn nhất .

HEWEL [đại diện Bộ Ngoại giao]: Sông Rhine ở nơi này không được rộng lắm .

HITLER: Rộng đến 250 m. Trên một phòng tuyến dọc theo sông, chỉ cần một người ngủ gục là vận rủi kinh khủng có thể xảy ra .

Hitler muốn biết liệu có thể điều ngay một lữ đoàn hoặc một lực lượng tương đương lữ đoàn đến đó hay không, nhưng một tuỳ viên đã trả lời: "Vào lúc này, không còn đơn vị nào để điều đến Oppenheim. Chỉ còn 5 xe chống thiết giáp ở Senne là sẵn sàng lên đường hôm nay hoặc ngày mai. Họ có thể tham chiến trong vòng vài ngày tới..." Trong vòng vài ngày tới! Chính vào lúc này, Patton lập được một đầu cầu tại Oppenheim rộng và sâu khoảng 10 km và xe thiết giáp dưới quyền ông đang tiến đến Frankfurt.Quả là một tình cảnh tuyệt vọng của Quân đội Đức, trong khi chỉ vài năm trước những lực lượng thiết giáp dũng mãnh tiến quân qua châu Âu, thế mà bây giờ trong thời khắc khủng hoảng mà Tư lệnh Tối cao lại lo lắng đến việc điều 5 xe chống thiết giáp để "tham chiến trong vòng vài ngày tới" nhằm ngăn chặn đoàn quân thiết giáp hùng mạnh của địch .

Bản ghi chép buổi họp của Hitler khuya ngày 23 tháng 3 năm 1945 là tài liệu cuối cùng được giữ lại nguyên vẹn từ ngọn lửa cố tình thiêu huỷ của Quốc xã. Nó cho thấy đầu óc rối loạn của Hitler và nỗi ám ảnh với những chi tiết vụn vặt vào thời điểm Đức đang sụp đổ. Trong gần 1 tiếng đồng hồ, Hitler bàn bạc về đề xuất của Goebbels nhằm sử dụng một đại lộ ở Berlin làm đường băng cho máy bay. Ông cũng giảng giải về việc bê tông của Đức quá yếu khi trúng bom của Đồng Minh. Phần lớn thời gian buổi họp là để bàn việc vơ vét binh sĩ từ các nơi. Một tướng lĩnh đặt vấn đề về Binh đoàn Ấn Độ và Hitler phản bác ý kiến này. "Họ là những người Ấn Độ không thể giết một con rận, mà cứ chịu để cho chúng hút máu. Họ cũng không thể giết người Anh..." Cứ như thế cho đến khi buổi họp chấm dứt lúc 3 giờ 43 sáng .

Trong khi quân Mỹ đã vượt sông Rhine và liên quân Anh-Canada-Mỹ dưới quyền Montgomery cũng vượt hạ lưu con sông này để cùng tiến vào vùng Ruhr ngày 23 tháng 3, mối uất hận của Hitler từ quân địch quay sang chính người dân Đức. Họ đã hỗ trợ cho ông ta đạt những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử nước Đức. Bây giờ, trước thềm chiến bại, ông ta nghĩ họ không còn có ý nghĩa gì nữa. Vào tháng 8 năm 1944, trong một bài phát biểu trước các xứ uỷ Quốc xã, ông ta nói: "Nếu dân Đức thất bại trong cuộc đấu tranh này, đó là vì họ quá yếu đuối: họ đã không chứng tỏ được dũng khí trước lịch sử và số phận họ đã được định đoạt trước, đó là bị huỷ diệt." Tình trạng thể chất của Hitler suy sụp nhanh chóng và việc này đã đầu độc tư tưởng ông ta. Sự căng thẳng khi điều hành cuộc chiến, cú sốc của những thất bại, cuộc sống thiếu không khí trong lành và vận động vì cứ mãi chôn chân trong boong-ke ngầm dưới đất, những cơn thịnh nộ ngày càng thường xuyên hơn, các loại thuốc độc mà bác sĩ lang băm Morell cho dùng hàng ngày – tất cả đều tổn hại đến thể chất của Hitler ngay từ trước vụ ám sát ngày 20 tháng 7 năm 1944. Quả bom phát nổ khiến cho màng nhĩ cả 2 bên tai ông bị rách, khiến cho ông có những cơn chóng mặt. Bác sĩ khuyên Hitler nên đi nghỉ dưỡng dài hạn, nhưng ông từ chối .

Vào tháng 9 năm 1944, Hitler lâm vào cơn khủng hoảng thần kinh và phải nằm trên giường bệnh, nhưng ông hồi phục vào tháng 11 và trở về Berlin. Nhưng ông không thể kiềm chế được tính khí nóng nảy. Khi tin tức từ các mặt trận trong năm báo về càng ngày càng tồi tệ, Hitler thường nổi những cơn thịnh nộ, chân tay run rẩy một cách không thể kiểm soát được. Tướng Guderian đã kể lại những lúc như thế. Đến cuối tháng 1 năm 1945, khi quân Liên Xô chỉ còn cách Berlin 150 km và Guderian đòi phải di tản bằng đường biển vài sư đoàn Đức bị cắt đứt ở vùng Baltic, Hitler đã phản ứng dữ dội .

"Ông ấy đứng trước mặt tôi, nắm đấm giơ lên, đến nỗi Tham mưu trưởng của tôi, Tướng Thomale đã phải nắm lấy áo tôi kéo về phía sau nếu không tôi sẽ trở thành nạn nhân của bạo hành." Vài ngày sau, 13 tháng 2 năm 1945, 2 người tranh luận với nhau về tình hình Liên Xô suốt 2 tiếng đồng hồ .

"Ông ấy giơ nắm đấm lên, phùng má vì giận dữ, cả người ông run rẩy, con người đứng trước mặt tôi nổi cơn thịnh nộ mà không thể tự kiềm chế được. Sau mỗi cơn giận, Hitler đi đi lại lại trên tấm thảm, rồi đột nhiên đứng lại trước mặt tôi và quát tháo vào mặt tôi. Ông gào thét, 2 tròng mắt gần như bật ra khỏi đầu, những sợi gân nổi rõ trên vầng trán."Trong tình trạng thể chất và tinh thần như thế, Hitler đưa ra một trong những quyết định quan trọng cuối cùng trong đời. Ngày 19 tháng 3, ông ta ra lệnh phá huỷ tất cả các cơ sở quân sự, công nghiệp, giao thông và viễn thông cũng như mọi cửa hàng trên đất Đức để tránh rơi vào tay quân địch. Quân đội phải thực hiện những biện pháp này với sự trợ lực của các xứ uỷ Quốc xã và "chính uỷ quốc phòng". Mọi chỉ thị trái với lệnh này đều mất hiệu lực .

Nước Đức sẽ biến thành đồng không mông quạnh. Không thứ gì sẽ còn tồn tại để giúp người dân Đức sống còn sau chiến bại .

Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer đã tiên liệu chỉ thị tàn bạo như thế từ những cuộc họp trước với Hitler. Ông soạn một bản ghi nhớ kiên quyết chống lại hành động tàn ác như vậy và lặp lại biện luận của ông là Đức đã thua trong cuộc chiến này, rồi chính ông đã trình bản ghi nhớ này cho Hitler vào ngày 18 tháng 3. Speer viết: "Có thể chắc chắn rằng trong vòng từ 4 đến 8 tuần, nền kinh tế sẽ sụp đổ... Sau sự sụp đổ này, không thể tiếp tục cuộc chiến dù qua cách thức quân sự... Chúng ta phải làm mọi cách để duy trì sự hiện hữu của đất nước cho đến người cuối cùng, dù qua biện pháp sơ khai nhất... Vào giai đoạn hiện tại của cuộc chiến, chúng ta không có quyền tiến hành sự phá huỷ vì việc này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu kẻ thù của ta muốn huỷ diệt đất nước này, thì ta phải chiến đấu một cách anh dũng và khi đó, một mình họ sẽ phải chịu ô nhục với lịch sử. Chúng ta có bổn phận phải để lại cho đất nước tất cả khả năng để tái thiết trong tương lai xa..." Nhưng với số phận cá nhân đã bị khép lại, Hitler không quan tâm đến sự hiện hữu của dân tộc Đức mà ông ta đã luôn bày tỏ tình yêu thương bất tận. Ông ta nói với Speer: "Nếu ta thất trận, đất nước cũng sẽ tàn lụi. Số phận như thế là không thể tránh khỏi. Không cần xem xét điều kiện cơ bản mà người dân sẽ cần đến để tiếp tục cuộc sống sơ khai. Ngược lại, tốt hơn là tự ta nên tiêu huỷ những thứ ấy bởi vì đất nước này đã tỏ ra là kẻ yếu hơn và tương lai sẽ tuỳ thuộc vào đất nước ở phía Đông mạnh hơn [Liên Xô]. Hơn nữa, những người sống sót sau trận chiến chỉ là những người hạ đẳng, vì những người thượng đẳng đã chết." Ngày hôm sau, Hitler ra chỉ thị nổi tiếng về "vườn không nhà trống". Kế tiếp là Martin Bormann đã ra một lệnh vào ngày 23 tháng 3. Speer mô tả việc này trước Toà án Nuremberg: "Lệnh của Bormann nhắm đến việc mang người dân cùng công nhân và tù binh người nước ngoài từ 2 phía Đông và Tây vào vùng trung tâm của Đế chế. Hàng triệu người này sẽ phải đi bộ. Xét qua tình hình hiện tại, không thể cung cấp thứ gì cho họ sống... Việc này có thể dẫn đến thảm hoạ đói kém không thể tưởng tượng nổi." Nếu tất cả mệnh lệnh khác của Hitler và Bormann được mang ra thi hành, thì hàng triệu người Đức có thể chết. Speer cố tóm tắt trước Toà án Nuremberg các lệnh "vườn không nhà trống" khác. Ông nói, "Hitler ra lệnh phải phá huỷ tất cả các nhà máy công nghiệp và cơ sở điện quan trọng, nhà máy nước, nhà máy khí đốt, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng quần áo, tất cả những chiếc cầu, cơ sở đường sắt và thông tin, kênh đào, tàu thuyền, toa chở hàng hoá và đầu máy xe lửa." Người dân Đức tránh khỏi thảm hoạ cuối cùng là do những nỗ lực siêu phàm của Speer và một số sĩ quan quân đội cuối cùng cũng đã dám cãi lệnh Hitler. Họ chạy khắp nước Đức để đảm bảo sĩ quan quân đội và Đảng viên đang phục tùng một cách nhiệt tình sẽ không phá huỷ những cơ sở ấy. Và cũng một phần nhờ sự tiến quân thần tốc của Đồng minh khiến cho công tác phá huỷ trên diện rộng như thế là bất khả thi .

Khi đó, Quân đội Đức đã phải đi đến hồi kết .

Trong khi các Đại quân đoàn Anh-Canada dưới quyền Thống chế Montgomery tiến đến Bremen, Hamburg và vùng Baltic, thì Đại Quân đoàn Thứ Chín quân Mỹ của Tướng Simpson và Đại Quân đoàn Thứ Nhất quân Mỹ của Tướng Hodges cũng tiến nhanh qua vùng Ruhr. Tập đoàn quân B của Thống chế Model gồm các Đại Quân đoàn thứ Mười Lăm bộ binh và thứ Năm thiết giáp – khoảng 21 sư đoàn – bị bao vây, rồi đầu hàng ngày 18 tháng 4. Thêm 325.000 quân Đức kể cả 30 tướng lĩnh bị bắt, nhưng không có mặt Model. Ông tự sát bằng súng chứ không muốn làm tù binh .

Việc bao vây các Đại quân đoàn của Model ở vùng Ruhr đã mở rộng phòng tuyến Đức ở phía Tây, tạo khoảng hở rộng 320 km. Qua khoảng này, các sư đoàn của Đại Quân đoàn Thứ Chín và Đại Quân đoàn Thứ Nhất không cần đến để giữ Ruhr tiến đến sông Elbe ở vùng trung tâm nước Đức. Con đường dẫn đến Berlin rộng mở, vì chỉ có vài sư đoàn Đức đang rối loạn phòng ngự thủ đô. Buổi tối 11 tháng 4, sau cả ngày tiến được khoảng 100 km, đội tiền phong của Đại Quân đoàn Thứ Chín quân Mỹ đến sông Elbe gần Magdeburg, đồng thời thiết lập một đầu cầu ở đây. Họ chỉ còn cách Berlin 100 km .

Mục đích của Eisenhower lúc đó là sẽ cắt nước Đức ra làm 2 phần bằng cách bắt tay với quân Liên Xô trên sông Elbe ở giữa Magdeburg và Dresden. Churchill và giới lãnh đạo quân sự Anh công kích Eisenhower một cách cay đắng vì đã không tiến đến Berlin trước quân Liên Xô – một việc thật dễ dàng. Nhưng Eisenhower và bộ tham mưu của ông bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng phải gấp rút tiến lên phía Đông Nam sau khi bắt tay với quân Liên Xô nhằm chiếm được cái gọi là Pháo đài Quốc gia. Đây được cho là nơi Hitler đang tập kết những lực lượng còn lại để cố chống cự trong vùng núi Alps, nơi gần như không thể bị xuyên thủng .

"Pháo đài Quốc gia" chỉ là một huyền thoại. Nó chỉ hiện hữu trong trò tuyên truyền của Goebbels và trong đầu óc cẩn trọng đến mức cả tin của tổng hành dinh của Eisenhower. Sáng sớm ngày 11 tháng 3 năm 1945, quân báo Đồng minh đã đánh động Eisenhower rằng Quốc xã đang dự trù xây dựng một pháo đài kiên cố vùng rừng núi và chính Hitler sẽ chỉ huy cuộc phòng thủ ở đây từ biệt thự nghỉ dưỡng ở Berchtesgaden. Báo cáo cho biết những vách núi lởm chởm phủ đầy băng "trên thực tế là không thể đánh thủng được". Báo cáo còn đề cập tiếp: "Ở đây, được che chắn bởi thiên nhiên và những vũ khí bí mật hữu hiệu nhất chưa từng được công bố, các thế lực điều hành nước Đức hiện nay sẽ tái tổ chức để vực dậy đất nước này, ở đây họ sẽ chế tạo vũ khí trong những nhà máy chống bom, lưu trữ thực phẩm và thiết bị trong những hang núi rộng rãi nằm dưới đất, đồng thời đặc tuyển một đoàn quân gồm những người trẻ sẽ được huấn luyện về chiến tranh du kích, rồi vũ trang và chỉ đạo cả quân nằm vùng để giải phóng Đức khỏi các lực lượng đang chiếm đóng." Có vẻ như các nhà văn bí ẩn người Anh và Mỹ đã xâm nhập vào quân báo của Eisenhower để gieo rắc huyền thoại ấy. Nhưng dù sao đi nữa, tổng hành dinh của Eisenhower xem việc này là nghiêm trọng. Tướng tham mưu trưởng Bedell Smith dưới quyền Eisenhower thì nghĩ đến khả năng khiếp đảm "của một chiến dịch kéo dài trong vùng rừng núi Alps", gây tổn thất nặng cho binh sĩ Mỹ và cuộc chiến kéo dài vô tận. Đây cũng là lần cuối cùng sáng kiến của Tiến sĩ Goebbels đã thành công trong việc làm ảnh hưởng đến tiến trình chiến lược bằng màn tháu cáy tuyên truyền. Vì lẽ, tuy Adolf Hitler lúc đầu có nghĩ đến việc rút vào vùng rừng núi Áo-Bavaria – gần sinh quán và là nơi ông có ngôi biệt thự ở vùng Obersalzberg – để cố chống cự, nhưng ông vẫn lưỡng lự để rồi cuối cùng thì quá muộn .

Ngày 16 tháng 4 năm 1945, quân Mỹ tiến đến Nuremberg, còn quân của Zhukov tiến tiếp từ đầu cầu sông Oder rồi đến vùng ngoại ô của Berlin vào ngày 21 tháng 4. Vienna đã được giải phóng ngày 13 tháng 4. Lúc 4 giờ 40 chiều ngày 25 tháng 4, toán tuần tiễu của Sư đoàn 69 Bộ binh Mỹ bắt tay với nhóm tiền phương của Sư đoàn 58 Cảnh vệ Liên Xô ở thị trấn Torgau bên bờ sông Elbe, cách Berlin khoảng 120 km về phía Nam. Lãnh thổ Đức bị cắt ra làm 2 mảnh Bắc và Nam. Adolf Hitler bị cô lập ở Berlin .

Những ngày cuối cùng của Đế chế Thứ Ba đã đến .v

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle