Phần 28

 29 ĐỒNG MINH TẤN CÔNG TÂY ÂU VÀ ÂM MƯU ÁM SÁT HITLER 

 TRONG năm 1943, những người thuộc nhóm âm mưu đã có ít nhất hàng chục kế hoạch ám sát Hitler. Một trong những thất bại của họ là quả bom họ đặt trên máy bay chở Hitler đến phía sau mặt trận Liên Xô không phát nổ .

Có một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra vào năm này trong phong trào chống đối. Những người âm mưu đã từ bỏ ý định khuyến dụ các Thống chế. Họ quá hèn nhát – hoặc quá ngu xuẩn – nên không thể sử dụng vị thế và sức mạnh quân sự để lật đổ Lãnh tụ được .

Trong một buổi họp kín tháng 11 năm 1942 trong khu rừng ở Smolensk, Goerdeler – nhà chính trị năng nổ của phong trào chống đối – đã đích thân van nài Thống chế von Kluge, Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm ở phía Đông, nhận vai trò tích cực trong việc loại trừ Hitler. Ông này đồng ý, nhưng vài ngày sau lại so vai rụt cổ mà viết cho Tướng Beckở Berlin và xin rút lui. Vài tuần sau khi dẫn dụ Kluge, nhóm âm mưu quay sang thuyết phục Tướng Paulus phát động lời kêu gọi lật đổ nhà độc tài. Họ nghĩ ông đang bất mãn với Hitler, vì do lệnh của Lãnh tụ mà Đại Quân đoàn Thứ Sáu dưới quyền ông bị bao vây tại Stalingrad khiến ¼ triệu quân đang khốn đốn (xem Chương 26). Tướng Beck phái một sĩ quan Không quân mang lời kêu gọi đến cho Paulus. Nhưng, như ta đã biết, Paulus phản ứng bằng cách gửi một loạt thông điệp vô tuyến biểu lộ lòng trung thành với Hitler và ông này chỉ thực sự thức tỉnh khi làm tù binh của Nga ở Moscow .

Sau khi thất vọng vì Paulus khước từ, nhóm âm mưu vẫn còn hy vọng vào Kluge và Manstein. Họ nghĩ 2 người đang bay đến Rastenburg để đòi Hitler giao quyền hành cho họ. Nếu thành công, đây sẽ là dấu hiệu cho một cuộc đảo chính ở Berlin. Một lần nữa, nhóm âm mưu lại có ảo tưởng. 2 Thống chế bay đến tổng hành dinh của Hitler chỉ để tái xác nhận lòng trung thành của họ đối với Hitler .

Beck than vãn một cách cay đắng: "Chúng ta đã bị bỏ rơi!" Ông và các bạn của mình thấy rõ rằng họ không thể trông mong gì vào những tư lệnh chiến trường cấp cao. Họ đành quay sang lực lượng quân sự duy nhất còn lại: Dân quân, vốn không phải là quân chính quy mà chỉ là những tân binh vừa được huấn luyện cùng với một số binh sĩ lớn tuổi đảm nhận nhiệm vụ canh gác ở nội địa. Nhưng ít nhất những người này cũng được vũ trang và khi quân thiện chiến cùng những đơn vị S.S. vũ trang đang chiến đấu ngoài mặt trận, nhóm âm mưu có thể sử dụng Dân quân để chiếm lấy Berlin và vài thành phố chính sau khi ám sát được Hitler .

Nhưng họ vẫn chưa nhất trí với nhau về sự cần thiết – hoặc ngay cả ý định – ám sát Hitler .

Ví dụ, nhóm Kreisau luôn chống đối kế hoạch ám sát. Đây là một nhóm với số lượng thành viên đáng kể gồm những trí thức trẻ nhưng thiếu thực tế, tụ họp quanh 2 nhân vật quý tộc thuộc dòng dõi nổi tiếng: Bá tước Helmuth James von Moltke và Bá tước Peter Yorck von Wartenburg .

Lấy tên từ trang trại dòng họ Molkte tại Kreisau ở Silesia, nhóm Kreisau không chủ trương thực hiện mưu đồ mà chỉ thảo luận đơn thuần (Moltke viết thư cho vợ trước khi bị xử tử: "Bọn anh bị treo cổ chỉ vì suy nghĩ với nhau"). Họ là nhóm đa dạng, gồm có 2 tu sĩ dòng Tên, 2 tu sĩ Giáo hội Phúc Âm và một số người theo chủ nghĩa xã hội, địa chủ giàu có, cựu lãnh đạo nghiệp đoàn, giáo sư, nhà ngoại giao, người theo xu hướng bảo thủ, người có đầu óc tự do. Dù khác nhau về ngành nghề và tư tưởng, nhưng họ đều tìm ra ý hướng chung mà dựa trên đấy, họ có thể đưa ra những chính kiến về tri thức, tâm linh, đạo đức, triết lý và một phần nào chính trị cho phong trào chống đối Hitler. Những tài liệu họ để lại – hầu như tất cả người trong nhóm đều bị treo cổ trước khi chiến tranh chấm dứt – bao gồm những kế hoạch cho một Chính phủ tương lai và cho nền tảng kinh tế xã hội và tâm linh của xã hội mới, cái mà họ nhắm đến là chủ nghĩa xã hội Cơ Đốc, trong đó mọi người là anh em với nhau và những vấn nạn kinh khủng của thời đại – sự suy đồi của tinh thần nhân loại – sẽ được giải quyết. Những tư tưởng này là cao quý nhưng cũng xa rời thực tế, thậm chí còn có một chút màu sắc huyền thoại Đức .

Nhưng nhóm người trẻ có tinh thần cao này lại nhẫn nại đến mức khó tin. Họ ghét Hitler và ghét mọi sự suy thoái mà ông ta mang đến cho Đức và châu Âu. Nhưng họ không nghĩ đến việc lật đổ ông ta. Họ nghĩ chiến bại của Đức sau này sẽ dẫn đến việc ấy. Họ tập trung mọi ý nghĩ vào những gì xảy ra sau đó hơn .

Dorothy Thompson, ký giả người Mỹ lỗi lạc đã làm việc nhiều năm ở Đức và hiểu rõ chuyện này, kêu gọi Moltke mà cô gọi là "Hans", người bạn lâu năm và thân thiết của mình, cùng với bạn bè của ông phải làm gì đó để loại trừ nhà độc tài hung ác .

"Lần cuối cùng Hans và tôi gặp nhau, cùng uống trà ở hàng hiên đẹp đẽ ấy trên bờ hồ... Tôi nói một ngày nào đó anh phải chứng tỏ bằng hành động, hành động quyết liệt... và tôi nhớ tôi đã hỏi rằng liệu anh và các bạn của mình có đủ can đảm để hành động hay không." Đó là một câu hỏi thấu đáo. Câu trả lời có vẻ như Moltke và các bạn của ông có can đảm để nói ra – do đó họ bị hành quyết – nhưng không có can đảm để thực hiện .

Điểm yếu của họ là về tinh thần chứ không phải là về con tim, vì tất cả bọn họ đều đã nhận được là một cái chết tàn bạo với lòng can đảm vô bờ. Đây cũng là sự khác biệt chính yếu giữa nhóm Kreisau và nhóm âm mưu Beck-Goerdeler-Hassell, cho dù 2 bên cũng tranh cãi về bản chất và thành phần của Chính phủ tiếp nhiệm Quốc xã .

Một vài buổi họp giữa 2 nhóm đã được tổ chức tại nhà của Peter Yorch vào ngày 22 tháng 1 năm 1943, chủ trì bởi Beck, người mà Hassell ghi vào nhật ký "khá yếu đuối và dè dặt." Một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa "phái trẻ" và "phái già" – theo từ ngữ của Hassell – về chính sách kinh tế và xã hội tương lai, trong đó Moltke va chạm với Goerdeler. Mật vụ cũng ghi chép nội dung buổi họp, rồi về sau trong các phiên xử, những người dự họp đã trình ra những chi tiết đáng ngạc nhiên về cuộc thảo luận .

Himmler đã bí mật theo dõi sát sao những người âm mưu này. Một trong những điều trớ trêu là vì Himmler đã thấy được viễn cảnh thua trận, nên ông bắt đầu quan tâm đến phong trào chống đối mà không có ác ý và qua một mối liên lạc thân thiện. Một số người âm mưu, đặc biệt là Popitz, bắt đầu nhìn ra Himmler là người có thể thay thế Hitler! Tuy trung thành với Hitler một cách cuồng tín, nhưng Himmler cũng bắt đầu nhận ra vai trò mới này. Tuy nhiên cho đến gần phút cuối, ông ta lại chơi trò nước đôi, do đó hại chết nhiều người can trường trong nhóm âm mưu .

Một số bản ghi nhớ của Đức trong hai năm 1942 và 1943 cho thấy Quốc xã đã liên hệ với Liên Xô về khả năng đàm phán hoà bình và ngay cả Stalin cũng đã đề nghị đàm phán sơ khởi cho nền hoà bình riêng rẽ. Trước Toà án Nuremberg, Ribbentrop khai về những nỗ lực của mình trong việc tiếp xúc với Liên Xô và nói mình đã thật sự liên hệ với những quan chức Liên Xô tại Stockholm. Tôi đoán sau khi xem qua tất cả tài liệu mật của Đức, người ta có thể viết nên một chương về những hoạt động này .

Phong trào chống đối lúc đó chủ yếu diễn ra trên 3 lĩnh vực. Nhóm Kreisau đang hội họp liên miên để tìm kế hoạch cho cả thiên niên kỷ. Nhóm của Tướng Beck thì thực tiễn hơn, đang tìm cách sát hại Hitler và chiếm chính quyền. Họ cũng đang tiếp xúc với phương Tây nhằm tìm hiểu các nước Đồng minh dân chủ định làm gì và dò hỏi thể thức hoà bình nào họ muốn đàm phán với Chính phủ chống Quốc xã. Những sự tiếp xúc này được thực hiện ở Stockholm và Thuỵ Sĩ .

thủ đô Thuỵ Điển, Goerdeler tiếp xúc với những người bạn thân lâu năm là nhân viên ngân hàng tên Marcus và Jakob Wallenberg. Trong một buổi gặp gỡ Jakob Wallenberg tháng 4 năm 1942, Goerdeler thúc giục người bạn của mình liên hệ với Churchill. Những người âm mưu muốn Thủ tướng Anh đảm bảo trước là Đồng minh sẽ dàn hoà với Đức nếu họ bắt giữ Hitler và lật đổ chế độ Quốc xã .

Wallenberg trả lời rằng theo những gì ông biết thì Chính phủ Anh không thể đảm bảo như vậy được .

Còn ở Stockholm, 2 tu sĩ Giáo hội Phúc Âm liên hệ trực tiếp với Tiến sĩ George Bell, Giám mục Anh giáo địa phận Chichester. Cũng như Goerdeler, họ dò hỏi liệu Đồng minh có muốn thiết lập nền hoà bình hợp thức với Chính phủ chống Quốc xã sau khi Hitler bị lật đổ hay không. Họ yêu cầu có câu trả lời – hoặc tin nhắn riêng hoặc tuyên bố công khai. Để tạo ấn tượng cho vị Giám mục rằng âm mưu chống Hitler là nghiêm túc, ông giao ra một danh sách những người cầm đầu. Đây là hành động khinh suất khiến cho vị Giám mục phải chết và nhiều người khác cũng bị xử tử sau này .

Đó là thông tin có thẩm quyền nhất và cập nhật nhất mà Đồng minh có được về phong trào chống đối Hitler cùng những kế hoạch của họ. Tháng Sáu, Tiến sĩ George Bell trao danh sách đó cho Anthony Eden, Ngoại trưởng Anh. Nhưng ông này – người từ chức năm 1938 vì phản đối việc Chamberlain xoa dịu Hitler – lại tỏ ra nghi ngờ. Từ Hội nghị Munich thì đã có những thông tin tương tự do những người Đức tự nhận là người âm mưu chuyển đến Chính phủ Anh, nhưng sau đó lại không có chuyện gì xảy ra. Vì thế mà lần này Anh không có phúc đáp gì .

Tại Thuỵ Sĩ, nhóm âm mưu tiếp xúc với Đồng minh chủ yếu qua trung gian của Allen Dulles, Trưởng Văn phòng OSS tại đây từ tháng 11 năm 1942 cho đến cuối cuộc chiến. Họ "cảnh cáo" Dulles rằng nếu các nước dân chủ phương Tây từ chối nền hoà bình chính trực với Chính phủ chống Quốc xã, họ sẽ quay sang Liên Xô. Tuy bản thân thông cảm với họ, nhưng Dulles không thể đưa ra lời đảm bảo nào .

Người ta dễ lấy làm lạ là những người lãnh đạo chống đối này, vốn rất mong mỏi đạt được thoả thuận hoà bình với phương Tây, nhưng không hiểu sao họ lại rất lưỡng lự trong việc loại trừ Hitler trước khi đạt tới hoà bình. Nếu họ xem chủ nghĩa Quốc xã là điều cực kỳ xấu xa tệ hại như họ luôn nói ra một cách chân thật, thì hẳn họ phải tập trung vào việc lật đổ chế độ này, cho dù phương Tây đối xử với chế độ mới ra sao mới đúng. Ta dễ có cảm tưởng rằng những "người Đức tốt bụng" này dễ sa vào cái tật là luôn đổ lỗi cho thế giới bên ngoài vì những thất bại của chính họ, giống như những người Đức khác khi nước Đức bại trận trong Thế chiến I và khi Hitler nổi lên .

ÂM MƯU THÁNG 3 NĂM 1943 Trong hai tháng 1 và 2 năm 1943, Tướng Friedrich Olbricht, Cục trưởng Tổng hợp – Thanh tra và Tướng von Tresckow, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân Trung tâm dưới quyền Kluge, đã soạn ra một kế hoạch đảo chính. Trên cương vị là Tư lệnh phó Dân quân dưới quyền Tướng Friedrich Fromm, Olbricht có thể huy động các doanh trại ở Berlin và những thành phố lớn khác theo phe âm mưu. Cũng như Kluge, Fromm đã mất ảo tưởng về Hitler nhưng ông lại không đủ uy tín để được tham gia vào kế hoạch .

Vào cuối tháng Hai, Olbricht bảo Fabian von Schlabrendorff, sĩ quan dưới quyền Tresckow, rằng kế hoạch đã sẵn sàng. Đầu tháng Ba, những người âm mưu tổ chức buổi họp cuối cùng tại Smolensk, nơi đặt tổng hành dinh của Tập đoàn quân Trung tâm. Dù không tham gia hành động trực tiếp, nhưng Đô đốc Giám đốc Cục Quân báo Canaris đã thu xếp cho buổi họp, dẫn theo Hans von Dohnanyi và Tướng Erwin Lahousen dưới quyền ông đến Smolensk, với lý do bề ngoài là một buổi họp những của sĩ quan quân báo. Lahousen mang theo vài quả bom. Ông là sĩ quan duy nhất trong nhóm âm mưu thuộc Cục Quân báo sống sót được sau chiến tranh .

Sau vài thử nghiệm, Schlabrendorff và Tresckow nhận ra rằng loại bom của Đức không thích hợp cho mục đích của họ: ngòi nổ gây tiếng động khiến dễ bị lộ, như họ sau này giải thích. Họ thấy người Anh chế loại bom tốt hơn .

Không lực Hoàng gia Anh đã đưa một số bom này để cho điệp viên Đồng minh thi hành công tác phá hoại, nhưng Quân báo Đức cũng đã thu được vài quả và giao cho nhóm âm mưu .

Kế hoạch đặt ra là dẫn dụ Hitler đi đến tổng hành dinh của Tập đoàn quân Trung tâm tại Smolensk và xử lý ông ta tại đây. Việc này sẽ báo hiệu cho cuộc đảo chính ở Berlin .

Dẫn dụ một người vốn đang ngờ vực hầu hết tướng lĩnh không phải là chuyện dễ. Nhưng Tresckow đã nhờ một người bạn cũ, Tướng Schmundt hiện đang là tuỳ viên của Hitler, giúp ông ta thuyết phục việc này. Sau vài lần lưỡng lự và hơn một lần trì hoãn, Hitler đã đồng ý đi đến Smolensk ngày 13 tháng 3 năm 1943. Nhưng Schmundt không biết gì về âm mưu .

Cùng lúc, Tresckow tiếp tục nỗ lực dẫn dụ thủ trưởng của mình, Kluge, cầm đầu hành động loại trừ Hitler. Ông đề nghị với Kluge là Trung tá Freiherr von Boeselager, người chỉ huy một đơn vị kỵ binh tại tổng hành dinh, được phép sử dụng đơn vị này để bắn hạ Hitler và nhóm cận vệ của ông ta khi họ đến. Boeselager sẵn lòng tham gia, bất cứ khi nào có lệnh từ vị Thống chế. Nhưng ông này không có can đảm ra lệnh. Vì thế, Schlabrendorff và Tresckow đã quyết định tự hành động .

Tất cả nhiệm vụ của chỉ là đặt một quả bom Anh trên máy bay của Hitler trong chuyến trở về. Schlabrendorff giải thích: "Làm giống như một tai nạn sẽ tránh bất lợi về mặt chính trị. Bởi vì trong thời gian này, vẫn còn nhiều người ủng hộ Hitler và nếu có tin tức về một vụ mưu sát, họ sẽ chống lại ta..." 2 lần trong ngày 13 tháng 3 sau khi Hitler đi đến, các sĩ quan chống Quốc xã đã định thay đổi kế hoạch mà cho bom nổ: Lần đầu là khi Hitler đang hội họp với các tướng lĩnh, lần sau là khi cả nhóm ngồi ăn trong căng tin. Nhưng nếu làm thế thì sẽ sát hại thêm một vài tướng lĩnh vốn có thể giúp nhóm âm mưu chiếm chính quyền, sau khi không còn vướng bận với lời tuyên thệ trung thành với Lãnh tụ .

Vậy nên nhóm âm mưu chỉ có thể lén mang quả bom lên chiếc máy bay chuẩn bị sẽ cất cánh ngay sau bữa tối của Lãnh tụ. Schlabrendorff đã lắp ráp 2 gói chất nổ để tạo thành cái hộp đựng một cặp chai rượu Cointoeau. Trước đó, Tresckow đã vô tư nhờ Đại tá Heinz Brandt của Bộ Tư lệnh Lục quân, người tháp tùng của Hitler, mang về 2 chai rượu cho người bạn cũ là Tướng Helmuth Stieff, Giám đốc Cục Nhân viên của Bộ Tư lệnh Lục quân (sau này bị Quốc xã hành quyết) .

Tại sân bay, Schlabrendorff hồi hộp luồn ngón tay qua một khe hở nhỏ của cái hộp để kích hoạt quả bom, rồi trao cho Brandt khi ông này bước lên máy bay. Quả bom được lắp ráp một cách khéo léo, không có đồng hồ khiến có thể bị phát hiện. Khi Schlabrendorff ấn lên một cái nút, nó đập vỡ một cái ve nhỏ, phóng thích một loại hoá chất làm ăn mòn sợi dây kim loại nối vào một lò xo. Khi sợi dây đứt, lò xo sẽ bung ra và đánh vào kíp nổ khiến cho quả bom phát nổ .

Schlabrendorff cho biết quả bom sẽ nổ sau khi máy bay của Hitler bay khỏi Minsk, tức là khoảng 30 phút sau khi cất cánh từ Smolensk. Ngập tràn xúc động, ông gọi điện về Berlin và qua mật mã báo cho nhóm âm mưu biết kế hoạch đã khởi động. Tim đập thình thịch, ông và Tresckow cùng chờ đợi tin chấn động. Họ trông mong tin báo đầu tiên sẽ là từ một trong các máy bay chiến đấu đang hộ tống máy bay của Hitler. Họ đếm từng phút, 20, 30, 40 phút, một tiếng... mà vẫn chưa nhận được tin gì. 2 tiếng sau mới có tin. Một báo cáo theo thông lệ cho biết Hitler đã đáp xuống Rastenburg. Sau này, Schlabrendorff kể lại: "Chúng tôi đã bàng hoàng, không thể mường tượng ra nguyên nhân của sự thất bại. Tôi vội gọi điện về Berlin và dùng mật mã cho biết âm mưu đã không thành. Rồi Tresckow và tôi cùng bàn nhau sẽ làm gì. Chúng tôi bị sốc tột độ. Nhưng tệ hại hơn cả là khi quả bom bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị lộ và nhiều người cộng tác sẽ chết." Quả bom không hề được phát hiện. Đêm ấy, Tresckow gọi điện cho Đại tá Brandt, hỏi một cách vô tư là ông này đã có thời giờ trao gói quà cho tướng Stieff hay chưa và được Brandt cho biết là chưa. Tresckow bảo ông hãy khoan vì có sự nhầm lẫn, và ông nói Schlabrendorff sẽ đến vào ngày hôm sau để mang loại rượu cognac thật ngon mà ban đầu họ có ý định gửi biếu .

Với lòng can đảm khó tin, Schlabrendorff đã bay đến tổng hành dinh của Hitler và thay hai chai rượu vào quả bom. Sau này, Schlabrendorff kể lại: "Tôi nhớ mình vẫn còn cảm thấy kinh hoàng khi Brandt trao cho tôi quả bom với một cử động hơi mạnh khiến tôi sợ quả bom sẽ nổ. Cố giữ tư thái bình tĩnh... tôi lập tức lên xe đi đến nhà ga Korschen." Từ đây, ông đáp tàu đêm đi Berlin và một mình trong căn hộ ở Berlin tháo quả bom ra. Ông phát hiện ngay chuyện gì đã xảy ra – hoặc đúng hơn, tại sao không có chuyện gì xảy ra: "Cơ chế kích hoạt làm việc tốt, cái ve nhỏ đã vỡ, hoá chất đã ăn mòn sợi dây kim loại, lò xo đánh vào kíp nổ, nhưng kíp nổ lại không nổ." Vô cùng thất vọng nhưng vẫn không sờn lòng, nhóm âm mưu ở Berlin quyết định sẽ thực hiện một phi vụ khác. Chẳng bao lâu sau, họ đã có một cơ hội tốt. Hitler sẽ cùng với Goering, Himmler và Keitel tham dự lễ Tưởng niệm các Anh hùng vào ngày 21 tháng 3 năm 1943 tại Zeughaus, Berlin. Đây là cơ may để loại trừ không những Hitler mà còn cả thuộc hạ chủ chốt của ông ta. Như Đại tá Freiherr von Gersdorff, Trưởng phòng Quân báo dưới quyền Kluge, nói: "Cơ hội này là có một không hai." Tresckow chọn Gersdorff là người kích hoạt quả bom và công tác lần này sẽ là tự sát. Theo kế hoạch, Gersdorff sẽ giấu 2 quả bom trong áo choàng, trong buổi lễ tìm cách đứng càng gần Hitler càng tốt rồi đưa Lãnh tụ và đoàn tuỳ tùng về cõi vĩnh hằng. Với tinh thần dũng cảm rõ ràng, Gersdorff sẵn sàng tình nguyện hy sinh mạng sống của mình .

Buổi tối 20 tháng 3, ông đến gặp Schlabrendorff tại khách sạn Enden ở Berlin. Schlabrendorff đã mang đến 2 quả bom với dây cháy 10 phút. Nhưng với nhiệt độ mùa Đông ở khoảng sân Zeughaus có kính che xung quanh, có thể mất 15-20 phút bom mới nổ. Chính trong khoảng sân này mà Hitler, sau khi đọc diễn văn, đã dự định bỏ ra nửa giờ để tham quan những chiến lợi phẩm Liên Xô mà nhóm sĩ quan dưới quyền Gersdorff tổ chức trưng bày. Đây là nơi duy nhất Gersdorff có thể đến gần Hitler để hạ sát ông ta .

Sau này, Gersdorff kể lại những gì đã xảy ra: "Ngày hôm sau, tôi mang trong mỗi túi áo choàng 1 quả bom với dây cháy 10 phút. Tôi dự định sẽ cố đứng gần Hitler, để có thể kích hoạt bom nổ cho ông ta tan xác. Khi Hitler... bước vào khu trưng bày, Schmundt đi đến bên tôi và nói việc tham quan chỉ kéo dài 8 đến 10 phút. Thế là không còn có khả năng thực hiện việc ám sát, bởi vì ngay cả với nhiệt độ bình thường dây cháy cũng phải cần ít nhất 10 phút. Việc thay đổi lịch trình vào phút chót, vốn là biện pháp an ninh tế nhị thường thấy ở Hitler, một lần nữa đã cứu mạng ông ta." Gersdorff kể lại là Tướng von Tresckow đang ở Smolensk bồn chồn theo dõi buổi phát thanh tường thuật buổi lễ với "một đồng hồ bấm giờ trên tay" .

Khi phát thanh viên loan báo Hitler đã rời khu trưng bày 8 phút sau khi bước vào, vị Tướng hiểu rằng có thêm một âm mưu nữa lại thất bại .

Và đã có thêm ít nhất 3 âm mưu ám sát Hitler như thế nữa, nhưng tất cả đều thất bại .

Vào đầu năm 1943, có một cuộc nổi dậy tự phát trên nước Đức giúp vực dậy tinh thần của nhóm chống đối cho dù chỉ ở một tầm mức nhỏ. Vụ việc cũng cho thấy lời cảnh cáo của Quốc xã có thể tàn bạo đến mức nào khi dập tắt các dấu hiệu chống đối ngay ở mức độ nhỏ nhất .

Như ta đã biết, sinh viên đại học ở Đức nằm trong số những người Quốc xã cuồng tín nhất đầu thập kỷ 1930. Nhưng 10 năm sống dưới chế độ của Hitler đã làm tan vỡ ảo mộng của họ, nhất là khi Đức không thể thắng cuộc chiến. Nằm trong thành phố vốn là cái nôi của chủ nghĩa Quốc xã, Đại học Munich trở thành trung tâm chống đối của sinh viên. 2 sinh viên cầm đầu là Hans Scholl, 25 tuổi đang học Y khoa và cô em gái Sophie 21 tuổi đang học ngành Sinh học. Thầy đỡ đầu của họ là Kurt Huber, một Giáo sư Triết học. Họ thực hiện việc tuyên truyền chống Quốc xã ở những Đại học khác, đồng thời cũng liên lạc với nhóm âm mưu ở Berlin .

Một ngày tháng 3 năm 1943, Xứ uỷ Paul Giesler của Bavaria, sau khi được Mật vụ thông báo về hoạt động của nhóm sinh viên, ông đã tụ họp sinh viên đến và cho biết những sinh viên nam thiếu sức khoẻ – người đủ sức khoẻ đã vào Quân đội – phải làm việc gì đấy hữu ích hơn cho cuộc chiến và với lời lẽ dâm đãng, ông khuyên những sinh viên nữ mỗi năm nên đẻ một đứa con để phục vụ Tổ quốc. Ông nói thêm: "Nếu cô nào không đủ hấp dẫn để kiếm được bạn tình, tôi sẽ cử những trợ lý của tôi... và tôi có thể cam đoan cô ấy sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn vui thú." Viên Xứ uỷ đã khét tiếng vì hay có lời lẽ tiếu lâm, nhưng sinh viên không thể chịu được cách nói thô bỉ này. Họ la ó đòi ông bước xuống và đẩy ra khỏi phòng những binh sĩ Mật vụ S.S. đến để bảo vệ ông. Buổi chiều ngày hôm ấy, những cuộc biểu tình của sinh viên chống Quốc xã trên đường phố Munich đã lần đầu tiên xảy ra trên Đế chế Thứ Ba. Bây giờ, các sinh viên dưới sự dẫn dắt của 2 anh em nhà Scholl đã bắt đầu phân phát truyền đơn kêu gọi giới trẻ Đức vùng lên. Ngày 19 tháng 2, một công nhân trông thấy Hans và Sophie Scholl tung truyền đơn từ lan can của toà nhà đại học, bèn báo cho Mật vụ .

Số phận 2 người bị định đoạt một cách nhanh chóng và dã man. Họ bị đưa ra trước Toà án Nhân dân do Roland Freislerchủ trì. Ông này có lẽ là Đảng viên Quốc xã khát máu nhất sau Heydrich – sẽ được đề cập thêm trong sách này. 2 sinh viên bị kết tội phản quốc và nhận án tử hình. Sophie Scholl bị hành hạ thô bạo trong quá trình Mật vụ điều tra đến nỗi cô xuất hiện trước toà với một chân bị gãy. Nhưng tinh thần cô vẫn bất khuất. Khi Freisler mắng mỏ cô một cách hung bạo, cô chỉ điềm tĩnh trả lời: "Ông cũng như chúng tôi đều biết là ta đã thua trận. Tại sao ông hèn nhát đến nỗi không dám thú nhận điều này?" Cô đi khập khiễng đến máy chém với thái độ dũng cảm siêu phàm, cũng như anh trai mình.Vài ngày sau, Giáo sư Huber cùng một số sinh viên khác cũng bị xử tử .

Việc này nhắc nhở cho nhóm âm mưu ở Berlin về mối hiểm nguy mà họ đối mặt khi có vài lãnh đạo của nhóm hành động khinh suất khiến cho những người khác luôn lo lắng. Chính Goerdeler là người đã nói quá nhiều. Nỗ lực của Popitz khi thăm dò Himmler và những sĩ quan S.S. cao cấp về việc tham gia nhóm âm mưu cũng sẽ tạo ra vô vàn rủi ro. Con người độc nhất vô nhị Weizsaecker, mà sau chiến tranh cố chứng tỏ mình là người chống đối mạnh mẽ, đã hoảng sợ đến nỗi phải cắt đứt mọi liên lạc với người bạn cũ Hassell, người mà ông quy kết đã quá khinh suất và cảnh báo rằng Mật vụ đang theo dõi họ. Riêng Hassell ghi vào nhật ký: "Ông ấy yêu cầu tôi đừng làm cho ông khó xử vì sự hiện diện của tôi. Khi tôi bắt đầu phản kháng, ông ngắt lời tôi một cách thô lỗ." Chỉ khi được an toàn làm Đại sứ tại Vatican, Weizsaecker mới thúc giục nhóm âm mưu hành động. Hassell bình luận: "Làm như thế từ Vatican là quá dễ." Weizsaecker sống sót sau chiến tranh để viết nên cuốn hồi ký xoàng xĩnh. Còn nhật ký của Hassell thì đã được xuất bản sau khi ông bị hành quyết .

Mật vụ đang theo dõi rất nhiều người, đặc biệt là Goerdeler vốn thường hoạt bát một cách quá tự tin. Nhưng nhóm âm mưu bị phát giác không phải nhờ kết quả công tác điều tra, mà oái oăm thay là vì 2 cơ quan Quân báo dưới quyền Đô đốc Canaris và Mật vụ dưới quyền Himmler kèn cựa nhau, đến mức Himmler muốn gạt Canaris ra để tự mình nắm lấy cơ quan Quân báo .

Vào mùa thu 1942, một doanh nhân ở Munich bị bắt vì mang lậu ngoại tệ vượt biên giới qua Thuỵ Sĩ. Ông này thật ra là một nhân viên Quân báo, nhưng khoản tiền ông mang lại là để cho một nhóm người Do Thái tị nạn ở Thuỵ Sĩ. Đây là một trọng tội ở Đế chế Thứ Ba, cho dù can phạm là nhân viên Quân báo. Khi Canaris không thể che chở cho ông, ông ta đã khai với Mật vụ những gì mình biết trong nội tình Quân báo. Ông tố giác Hans von Dohnanyi, người cùng với Đại tá Quân báo Oster tham gia nhóm âm mưu. Ông kể về hoạt động của Tiến sĩ Josef Mueller ở Vatican vào năm 1940 khi tiếp xúc với phía Anh thông qua Giáo hoàng. Ông tiết lộ Mục sư Dietrich Bonhoefferđã dùng hộ chiếu giả do Quân báo cấp để đi đến Stockholm tiếp xúc với Giám mục địa phận Chichester của Anh. Ông còn cung cấp vài chi tiết về những âm mưu của Oster nhằm loại trừ Hitler .

Sau những tháng điều tra, Mật vụ đã ra tay. Dohnanyi, Mueller và Bonhoeffer bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1943. Oster đã cố tiêu huỷ những tài liệu có liên quan trước khi bị buộc phải từ chức và bị quản thúc tại gia ở Leipzig. Bonhoeffer, Dohnanyi và Oster bị S.S. hành quyết ngày 9 tháng 4 năm 1945, không đầy 1 tháng trước khi Đức đầu hàng. Riêng Mueller thì đã thoát chết .

Việc bắt giữ những nhân vật quan trọng là đòn đau cho nhóm âm mưu. Oster là một trong những nhân vật chủ chốt từ năm 1938, còn Dohnanyi là một người trợ lý đắc lực. Bonhoeffer theo đạo Tin Lành và Mueller theo Công giáo chẳng những mang đến mãnh lực tâm linh cho phong trào, mà còn nêu gương dũng cảm khi thực hiện những chuyến đi ra nước ngoài cũng như khi bị tra tấn mà không chịu cung khai ra cộng sự .

Nhưng nghiêm trọng nhất là khi những người trong Quân báo bị lộ, nhóm âm mưu đã mất đi "lớp vỏ bọc" cùng phương tiện thông tin với nhau, với những tướng lĩnh lưỡng lự và với cả những bạn hữu ở phương Tây .

Trong vài tháng sau đó, nhân viên của Himmler còn phát hiện thêm nhiều tình tiết khiến cho Quân báo và Giám đốc Canaris bị đình chỉ hoạt động hẳn .

Đầu tiên là từ buổi tiệc trà của bà Solf được tổ chức ngày 10 tháng 9 năm 1943. Bà Anna Solf là quả phụ của cựu Bộ trưởng Thuộc địa trong triều đình Wilhelm II, từ lâu đã cầm đầu một nhóm chống Quốc xã ở Berlin. Trong số khách đến dự buổi tiệc trà do bà tổ chức có một số nhân vật nổi danh như: Nữ Bá tước Hanna von Bredow, cháu của Bismarck, Bá tước Albrecht von Bemstorff, cháu của Đại sứ Đức tại Mỹ trong Thế chiến I, Mục sư dòng Tên nổi danh Erxleben, Otto Kiep, nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao, cựu tổng lãnh sự Đức tại New York và Elisabeth von Thadden, Hiệu trưởng của một trường nữ có tiếng tăm .

Bà von Thadden dẫn đến buổi tiệc trà một bác sĩ trẻ người Thuỵ Sĩ tên Reckse, có tư thái dễ gây cảm tình, đang hành nghề tại bệnh viện Charité ở Berlin. Giống như phần đông người Thuỵ Sĩ khác, bác sĩ Reckse bày tỏ tư tưởng chống Quốc xã và được nhiều người trong buổi tiệc trà hưởng ứng. Trước khi buổi tiệc trà kết thúc, Reckse tỏ ý tình nguyện gửi đi bất kỳ thư nào mà bà Solf hoặc khách mời muốn gửi cho bạn bè của họ ở Thuỵ Sĩ – những di dân Đức chống Quốc xã và nhân viên ngoại giao Anh-Mỹ. Một số người chấp nhận sự giúp đỡ này .

Không may cho họ, bác sĩ Reckse là nhân viên của Mật vụ Đức, nên ông này trao lại các bức thư nhờ chuyển cùng một báo cáo về buổi tiệc trà cho Mật vụ .

Bá tước von Moltke biết được tin này qua một người bạn ở Bộ Hàng khôngđã ghi âm một số cuộc gọi điện thoại giữa Reckse và Mật vụ. Moltke vội thông báo cho Kiep và Kiep báo lại cho cả nhóm của bà Solf. Nhưng Himmler đã nắm được bằng cớ. Ông ta chờ trong 4 tháng rồi mới ra tay, có lẽ vì muốn truy ra thêm những người khác. Ngày 12 tháng 1, tất cả những người hiện diện trong bữa tiệc trà bị bắt, bị xét xử rồi chịu tử hình, ngoại trừ bà Solf và con gái, Nữ Bá tước Ballestrem.2 người bị đưa vào trại tập trung và thoát chết một cách kỳ lạ. Bá tước von Moltke bị bắt do dính dáng đến Kiep. Nhưng đây không chỉ là hệ luỵ duy nhất từ Kiep. Vụ việc còn lan xa và cuối cùng khiến cho Cục Quân báo bị xoá sổ và Himmler đã thành công đoạt lấy chức năng tình báo quân đội .

Trong số những người bạn thân chống Quốc xã của Kiep có Erich Vermehren và người vợ xinh đẹp, nguyên là Nữ Bá tước Elisabeth von Plettenberg. Cũng như nhiều người khác chống lại chế độ, cả hai gia nhập Quân báo và được cử đi Istanbul. Mật vụ gọi họ về Berlin để điều tra trường hợp của Kiep. Biết trước số phận sẽ ra sao, cả hai từ chối trở về, liên lạc với mật vụ Anh và được đưa đến Anh .

Đức nghi ngờ hai vợ chồng đã bị bắt cóc với mọi mật mã của Quân báo rồi trao mật mã cho phía Anh nhưng sau này họ lại thấy điều này không đúng. Hitler không thể chịu được nữa và càng thêm nghi kỵ Canaris. Ngày 18 tháng 2 năm 1944, ông ra lệnh giải tán Cục Quân báo và giao cho cơ quan RSHA đảm nhiệm công tác tình báo. Đây là thắng lợi lớn cho Himmler, vốn từ lâu đã hiềm khích với Quân đội đặc biệt là sau vụ cáo giác Tướng von Frisch năm 1938 (xem Chương 10). Đây cũng là sự mất mát thông tin tình báo cho Quân đội, củng cố thanh thế của Himmler đối với các tướng lĩnh. Thêm nữa, nhóm âm mưu bây giờ đã không còn mạng lưới tình báo nào để hoạt động .

Đô đốc Canaris được cử làm Giám đốc Cục Chiến tranh Thương mại và Kinh tế. Với chức vụ hữu danh vô thực này, ông lu mờ dần trong lịch sử nước Đức. Ông là nhân vật kín kẽ đến nỗi không có 2 tác giả nào đồng ý với nhau về con người thật hoặc tư tưởng của ông. Một người luôn yếm thế và tin vào định mệnh, ông ghét bỏ và âm thầm chống lại nền Cộng hoà Weimar, rồi kế tiếp cũng chống lại Đế chế Thứ Ba .

Nhóm âm mưu vẫn không từ bỏ ý định ám sát Hitler, định ra dăm ba mưu đồ giữa tháng 9 năm 1943 và tháng 1 năm 1944. Vào tháng Tám, nhân viên ngân hàng Jakob Wallenberg đến Berlin để gặp Goerdeler. Ông này nói đảm bảo mọi việc đã được chẩn bị sẵn sàng cho vụ lật đổ vào tháng Chín và Schlabrendorff sẽ đi Stockholm để gặp đại diện của Churchill để thương thảo hoà bình .

Sau này, Wallenberg kể với Allen Dulles: "Tôi vô cùng hồi hộp chờ đợi cả tháng Chín, nhưng sau đó lại chẳng có chuyện gì xảy ra cả." Tháng 10 năm 1943, Tướng Stieff, người lưng còm ăn nói sắc sảo được Tresckow tặng "2 chai rượu", đã dàn xếp để đặt 1 quả bom hẹn giờ trong một buổi họp quân sự của Hitler tại Rastenburg, nhưng phút cuối lại không dám làm. Ít ngày sau, kho bom Anh mà ông nhận từ Cục Quân báo và giấu trong tổng hành dinh phát nổ. Chỉ nhờ Đại tá Quân báo Werner Schrader, người tham gia vào nhóm âm mưu, đã được Hitler tin cậy mở cuộc điều tra mà nhóm âm mưu mới không bị phát hiện .

Vào tháng Mười một, họ lại có thêm một âm mưu khác. Đại uý bộ binh Axel von dem Bussche, 24 tuổi, được nhóm âm mưu chọn để làm "người mẫu" cho một kiểu áo choàng mới của Quân đội mà Hitler ra lệnh thiết kế và muốn đích thân xem xét trước khi chấp thuận cho sản xuất. Để tránh thất bại như Gersdorff, Bussche quyết định mang trong 2 túi áo choàng 2 quả bom của Đức sẽ phát nổ vài giây sau khi được kích hoạt. Kế hoạch của ông là nắm lấy Hitler khi ông này đang xem xét kiểu áo choàng mới rồi cả 2 sẽ chết tan xác .

Nhưng 1 ngày trước khi làm mẫu cho kiểu áo choàng, Bussche phải trở lại công ty ở mặt trận Liên Xô. Anh đã quay lại tổng hành dinh của Hitler vào tháng Mười hai để định âm mưu lần nữa với một chiếc áo khác, nhưng Hitler đột nhiên quyết định đi Berchtesgaden để nghỉ lễ Giáng sinh. Ít lâu sau, Bussche bị thương trên mặt trận, vì thế âm mưu được giao cho một sĩ quan bộ binh tiền tuyến trẻ. Đó là Heinrich von Kleist, con trai của Thống chế Ewald von Kleist vốn cũng dính dáng đến nhóm âm mưu. Việc xem xét mẫu áo choàng mới được định ngày 11 tháng 2 năm 1944, nhưng vì lý do nào đấy Hitler lại không đến. Sau này, cả 2 cha con Kleist đều bị bắt, người cha bị hành quyết vào ngày 16 tháng 4 năm 1945, người con thoát chết .

Sau những thất bại, nhóm âm mưu đi đến kết luận là cần thay đổi kế hoạch để đối phó với cách thức Hitler liên tục thay đổi lịch trình.Họ nhận ra rằng cơ hội duy nhất có thể trông mong ông ta xuất hiện chắc chắn là những buổi họp quân sự với các tướng lĩnh của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và Bộ Tư lệnh Lục quân. Họ lên phương án ám sát ông ta ở một trong những buổi họp này .

Ngày 26 tháng 12 năm 1943, một sĩ quan trẻ tên là Stauffenberg, trợ lý cho Tướng Olbricht, được phái đến buổi họp tại tổng hành dinh Rastenburg để trình bày một báo cáo. Trong chiếc cặp của ông là một quả bom hẹn giờ. Buổi họp bị hoãn lại. Hitler đã đi nghỉ lễ Giáng sinh tại Obersalzberg .

Đó là âm mưu đầu tiên của anh Trung tá trẻ Stauffenberg, nhưng không phải là âm mưu cuối cùng .

ĐẶC VỤ CỦA BÁ TƯỚC VON STAUFFENBERG Đó là một người có biệt tài đáng kinh ngạc so với một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp. Ông sinh năm 1907, thuộc một gia tộc có tiếng tăm ở miền Nam nước Đức, sống với nhau hoà hợp, mộ đạo Công giáo và có văn hoá cao. Ông có thể chất tốt, rất đẹp trai, có đầu óc thông minh, ham học hỏi và tính khí cân bằng. Trong một thời gian ông định học Âm nhạc rồi sau đó Kiến trúc, nhưng năm 1926, ở tuổi 19, ông gia nhập Quân đội .

Năm 1936, ông được điều về Trường Võ bị Chiến tranh ở Berlin, nơi ông thu hút được sự chú ý của cấp trên. 2 năm sau, ông làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu .

Khi chiến tranh bùng nổ, ông tham gia một cách hăng say, làm sĩ quan tham mưu của Tướng Hoepner, Tư lệnh Sư đoàn 6 Thiết giáp, trong các chiến dịch tại Ba Lan và Pháp. Đầu tháng 6 năm 1940, ngay trước trận Dunkirk, ông được chuyển về Bộ Tư lệnh Lục quân, rồi trong 18 tháng đầu của chiến dịch đánh Nga, ông hoạt động trên lãnh thổ Nga, tổ chức những đơn vị "tình nguyện" trong số các tù binh người Nga .

Chính trên chiến trường Liên Xô mà Stauffenberg cảm thấy vỡ mộng. Sự tàn bạo của lực lượng S.S. ở Liên Xô cũng như lệnh của Hitler là bắn bỏ Chính uỷ Bolshevik khiến cho Stauffenberg sáng mắt mà nhận ra con người thật của Hitler. Do tình cờ, ông gặp 2 người chủ chốt trong nhóm âm mưu: Tướng Tresckow và Schlabrendorff, rồi hoạt động một cách tích cực trong nhóm .

Nhưng ông vẫn còn là một sĩ quan cấp thấp và khi các Thống chế quá hoang mang hoặc quá hèn nhát, thì ông cũng không thể làm gì để loại trừ được Hitler hay chấm dứt việc tàn sát người Do Thái, người Nga và tù binh. Thảm hoạ xảy ra một cách không cần thiết ở Stalingrad cũng làm cho ông chán ngán. Tháng 2 năm 1943, ông xin chuyển ra chiến trường và được cử làm sĩ quan hành quân cho Sư đoàn Thiết giáp Thứ Mười ở Tunisia .

Ngày 7 tháng 4, chiếc xe chở ông cán phải mìn – có người nói ông cũng bị một máy bay Đồng minh tấn công – và ông bị thương nặng. Ông mất con mắt trái, bàn tay phải, 2 ngón tay trái và thêm những vết thương ở tai trái và đầu gối. Trong nhiều tuần, có vẻ như nếu ông sống sót thì cũng sẽ bị mù mắt hẳn. Nhưng ông đã được chữa trị và hồi phục rất tốt. Nếu là người khác thì hẳn đã muốn xin ra khỏi Quân đội và từ bỏ nhóm âm mưu. Nhưng đến giữa mùa hè ông vẫn cố tập vận động 3 ngón tay của bàn tay trái còn đang được băng bó để viết thư cho Tướng Olbricht, báo trong 3 tháng nữa, ông sẽ trở lại Quân đội. Trong khi đang hồi phục, ông có thời gian để suy nghĩ và đi đến kết luận là, dù cho bị thương tật, ông vẫn phải thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng .

Ông nói với vợ, Nữ Bá tước Nina, mẹ của 4 đứa con của ông: "Anh nghĩ bây giờ anh phải làm gì đấy để cứu nước Đức. Sĩ quan tham mưu như anh phải nhận một phần trách nhiệm." Cuối tháng 9 năm 1943, ông trở lại Berlin với quân hàm Trung tá và làm Chánh văn phòng cho Tướng Olbricht tại Cục Tổng hợp – Thanh tra. Chẳng bao lâu sau, ông thực tập kích hoạt loại bom của Anh quốc bằng một cái kìm trên 3 ngón tay .

Tố chất năng động, đầu óc minh mẫn và sự tài ba của ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào nhóm âm mưu. Ông cũng có những ý tưởng khác lạ, vì bản thân không hài lòng với kiểu chế độ ù lì, bảo thủ, vô vị mà các nhà lãnh đạo phong trào chống đối như Beck, Goerdeler và Hassell trù định sau khi lật đổ Quốc xã. Có óc thực dụng hơn bạn bè ông trong nhóm Kreisau, ông mong mỏi một chế độ dân chủ xã hội năng động .

Ông cũng đạt được thành công trong giới quân sự. Ông chấp nhận Tướng Beck là nhà lãnh đạo trên danh nghĩa và ngưỡng mộ vị cựu Tham mưu trưởng Lục quân. Nhưng khi trở về Berlin, ông thấy Beck sau ca mổ ung thư chỉ còn là cái bóng mờ của ngày xưa, mệt mỏi và có phần chán nản, lại còn không có ý niệm gì về chính trị. Tiếng tăm của Tướng Beck trong giới quân sự vẫn còn có ích, thậm chí là cần thiết, để tiến hành cuộc lật đổ .

Nhưng để có sự hỗ trợ tích cực trong việc tập kết và chỉ huy binh sĩ, thì ta cần phải huy động những sĩ quan trẻ hơn đang tại ngũ. Chẳng bao lâu, Stauffenberg đã có đủ số nhân sự chủ chốt mà ông muốn .

Ngoài Olbricht, còn có cấp trên của ông: Tướng Stieff (Cục trưởng Nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân), Tướng Eduard Wagner (Cục trưởng Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân), Tướng Erich Fellgiebel (Cục trưởng Thông tin thuộc Bộ tư lệnh Lục quân), Tướng Fritz Lindemann (Cục trưởng Quân cụ), Tướng Paul von Hase (Tư lệnh Quân khu Berlin, người sẽ điều động quân chiếm lấy Berlin) và Đại tá Freiherr von Roenne (Trưởng phòng Quân đội Nước ngoài), với tham mưu trưởng của ông, Đại uý Bá tước von Matuschka .

Nhưng chỉ có 2 hoặc 3 vị Tướng nắm vai trò chủ chốt. Những người còn lại, nhất là Tư lệnh Dân quân Friedrich Fromm – một người có tính khí bất thường giống như Kluge, là không thể trông cậy mãi .

Nhóm âm mưu không có Thống chế tại ngũ nào. Thống chế von Witzleben, một trong những thành viên ban đầu, được chỉ định làm Tổng Tham mưu trưởng Quân lựcdưới chế độ mới, nhưng hiện không giữ chức vụ nào và không có quân dưới quyền. Thống chế cựu Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây von Rundstedt được tiếp xúc nhưng không muốn làm trái lại lời tuyên thệ đối với Lãnh tụ – ít nhất đó là cách ông lý giải. Đó cũng là trường hợp của vị Thống chế von Manstein có tài nhưng là người cơ hội chủ nghĩa. Vào đầu năm 1944, Thống chế Rommel, rất năng động và được lòng mọi người, cũng thuận lòng hỗ trợ, tuy Stauffenberg không biết. Việc ông tham gia khiến nhiều nhà lãnh đạo phong trào chống đối ngạc nhiên và nhiều người không chấp nhận, vì họ xem "Cáo Sa mạc" là người của Quốc xã và là kẻ cơ hội vốn đã ngang nhiên ủng hộ Hitler rồi bây giờ lại quay sang nhóm âm mưu khi thấy viễn cảnh chiến bại .

Vào tháng 1 năm 1944, Rommel là Tư lệnh Tập đoàn quân B trên chiến trường phía Tây, là lực lượng chính đương đầu với cuộc Tiến công Anh-Mỹ trong tương lai qua biển Manche. Ở Pháp, ông có nhiều cơ hội gặp gỡ Tướng Alexander von Faulkenhausen, chỉ huy ban quân quản Bỉ và Bắc Pháp và Tướng Karl Heinrich von Stuelpnagel, chỉ huy ban quân quản Pháp. Cả 2 Tướng đã gia nhập âm mưu chống Hitler và đã khuyến dụ Rommel cùng tham gia. Một người bạn cũ là dân thường của Rommel cũng hỗ trợ họ: Tiến sĩ Karl Stroelin, Thị trưởng thành phố Stuttgart, giống như nhiều nhân vật kể đây, ủng hộ nồng nhiệt Quốc xã lúc đầu rồi thay đổi tư tưởng với viễn cảnh thất trận. Ông này được hỗ trợ bởi Tiến sĩ Goerdeler, người đã khuyến dụ ông vào tháng 8 năm 1943 thảo một bản ghi nhớ cho Bộ Nội vụ trong đó cả 2 yêu cầu ngừng ngược đãi người Do Thái và những Giáo hội Cơ Đốc, tái lập dân quyền và hệ thống tư pháp độc lập khỏi Đảng và S.S.-Mật vụ. Qua trung gian của bà vợ Rommel, Stroelin mang bản ghi nhớ đến cho Rommel và làm công tác tư tưởng cho ông này .

Cuối tháng 2 năm 1944, Stroelin và Goerdeler đến gặp Rommel tại nhà riêng và có buổi trao đổi chân tình. Stroelin kể lại: "Tôi nói với ông ấy rằng một số sĩ quan cao cấp ở phía Tây đề xuất bắt giữ Hitler và buộc ông ta phải tuyên bố từ chức trên sóng phát thanh. Rommel chấp nhận ý tưởng này .

Tôi nói tiếp với ông ấy rằng ông là vị Tướng vĩ đại nhất, được yêu mến nhất và được nước ngoài tôn trọng nhất. Tôi nói: "Ông là người duy nhất có thể ngăn chặn nội chiến ở Đức. Ông nên công khai hỗ trợ cho phong trào." Rommel lưỡng lự rồi cuối cùng đi đến quyết định. Ông bảo Stroelin: "Tôi tin nhiệm vụ của mình là cứu nước Đức." Trong buổi họp này và tất cả buổi họp về sau với nhóm âm mưu, Rommel đều chống lại ý định ám sát Hitler – không phải vì lý do đạo đức mà là vì thực tế. Ông biện luận rằng giết nhà độc tài sẽ biến ông ta thành liệt sĩ. Ông nhất quyết đòi hỏi Quân đội bắt giữ và mang Hitler ra xét xử về tội ác đối với dân tộc và đối với những vùng bị chiếm đóng .

Vào lúc này, định mệnh đã mang đến Tướng Hans Speidel để tạo thêm ảnh hưởng đối với Rommel. Ngày 15 tháng 4 năm 1944, Speidel được cử làm tham mưu trưởng cho Rommel. Cũng như Stauffenberg – tuy 2 người thuộc 2 nhóm khác nhau – nhưng Speidel cũng là một sĩ quan quân đội lạ thường. Ông đỗ bằng Tiến sĩ Triết học hạng ưu năm 1925. Ông không để mất thời giờ làm công tác tư tưởng cho Rommel. Trong vòng 1 tháng, ông xếp đặt một buổi họp giữa Rommel, Stuelpnagel cùng tham mưu trưởng của 2 người. Speidel nói mục đích là tìm ra "biện pháp cần thiết để chấm dứt chiến tranh ở phía Tây và lật đổ chế độ Quốc xã" .

Đó là một nhiệm vụ nặng nề. Speidel nhận ra rằng muốn thành công thì phải gấp rút có liên hệ gần gũi hơn với những người chống Quốc xã trong nước, đặc biệt là nhóm Goerdeler-Beck. Trong nhiều tuần, Goerdeler thúc ép nên có buổi họp kín giữa Rommel và Neurath, người đã phục vụ Hitler một cách đắc lực trên cương vị Ngoại trưởng và Bảo quốc Bohemia, bây giờ cũng đã bừng tỉnh. Mọi người đồng ý là Rommel dễ gặp nguy hiểm nếu gặp gỡ Neurath và Stroelin, vì thế Speidel được cử đi. 3 người hiện diện trong buổi họp ngày 27 tháng 5 là: Speidel, Neurath và Stroelin. Họ đạt thoả thuận là phải nhanh chóng lật đổ Hitler, cử Rommel tạm thời làm Tổng thống hoặc Tổng Tham mưu trưởng Quân lực. Phải ghi nhận là Rommel luôn không bao giờ đòi hỏi cho mình chức vụ gì. Họ cũng thoả thuận với nhau về một số chi tiết khác, kể cả kế hoạch liên lạc với các nước Đồng minh phương Tây cho việc đình chiến và mật mã thông tin giữa nhóm âm mưu ở Đức và tổng hành dinh của Rommel .

Tướng Speidel nêu rõ: không những Rommel đã thông báo tình hình cho cấp trên trực tiếp của ông, Thống chế Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây von Rundstedt, mà ông này còn "hoàn toàn đồng ý". Tuy nhiên, tố chất của Rundstedt có một khuyết điểm mà Speidel kể lại: "Trong buổi thảo luận về việc đưa ra những yêu cầu chung cho Hitler, Rundstedt nói với Rommel: "Ông còn trẻ. Ông biết rõ và yêu mến dân chúng. Ông nên làm việc ấy." Thêm vài buổi hội họp cuối mùa xuân năm ấy để soạn thảo kế hoạch .

Speidel diễn giải: "Đình chiến ngay với các nước Đồng minh phương Tây nhưng không phải là đầu hàng vô điều kiện. Rút quân Đức trên mặt trận phía Tây về Đức. Đồng minh lập tức ngừng ném bom lên Đức. Bắt giữ Hitler để mang ra xét xử trước toà án Đức. Lật đổ chế độ Quốc xã. Tạm thời nắm quyền hành pháp dưới sự lãnh đạo của Tướng Beck, Goerdeler và đại diện nghiệp đoàn Leuschner. Không có chế độ độc tài quân phiệt. Chuẩn bị "hoà bình xây dựng" trong khuôn khổ Hiệp Chủng Quốc châu Âu. Tiếp tục chiến tranh trên mặt trận phía Đông. Giữ một phòng tuyến ngắn hơn giữa cửa sông Danube, núi Carpathia, sông Vistula và Memel." Dường như các tướng lĩnh tin chắc rằng quân Anh-Mỹ sẽ hợp tác với họ trong cuộc chiến chống Liên Xô để ngăn chặn châu Âu trở thành Bolshevik .

Berlin, tướng Beck đồng ý, ít nhất là về phần tiếp tục chiến tranh trên mặt trận phía Đông. Vào đầu tháng Năm, ông gửi đến Dulles ở Thuỵ Sĩ một bản ghi nhớ phác thảo một kế hoạch quái dị. Quân Đức trên mặt trận phía Tây sẽ rút về biên giới Đức sau khi Anh-Mỹ tiến công. Trong khi ấy, Beck thúc giục các nước Đồng minh phương Tây tiến hành 3 cuộc hành quân chiến thuật: đổ 3 sư đoàn quân dù xuống Berlin để giúp nhóm âm mưu chiếm giữ thủ đô, mở cuộc đổ bộ lớn lên bờ biển Đức gần Hamburg và Bremen, cuối cùng là đổ bộ một lực lượng lớn lên đất Pháp qua biển Manche. Cùng lúc, quân Đức chống Quốc xã được tin cậy sẽ chiếm vùng Munich và bao vây Hitler tại biệt thự nghỉ dưỡng ở Berchtesgaden. Đồng thời vẫn tiếp tục chiến tranh với Liên Xô .

Dulles nói ông không muốn mất thời giờ để dẫn nhóm âm mưu trở lại thực tế nữa, vì sẽ không bao giờ có hoà bình riêng rẽ với phương Tây .

Stauffenberg và những bạn hữu của ông trong nhóm Kreisau cùng cựu Đại sứ Schulenburg tại Liên Xô đã nhận ra điều này. Thật ra, phần lớn trong số này, kể cả Stauffenberg đều có xu hướng "thiên phía Đông" – tức là thân Liên Xô tuy chống Bolshevik. Họ tin rằng có được nền hoà bình thuận lợi với Liên Xô thì có thể dễ dàng hơn so với phương Tây vốn luôn đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện. Chính Stalin đã phát biểu trên đài phát thanh rằng Liên Xô không chống lại dân Đức nhưng chống "người theo Hitler". Nhưng đến tháng 10 năm 1943, họ lại từ bỏ tư tưởng này, khi chính quyền Liên Xô tại Hội nghị các ngoại trưởng Đồng minh ở Moscow chính thức tuyên bố tuân thủ cam kết trước đây là đòi hỏi Đức đầu hàng vô điều kiện .

Và giờ đây, khi mùa hè định mệnh 1944 đang đến gần, nhóm âm mưu nhận ra rằng trong khi Hồng quân đang Tiến đến biên giới Đế chế, thì quân Anh-Mỹ cũng đang chực chờ tiến công qua biển Manche, trong khi sức kháng cự của Đức ở Ý đang suy sụp. Trong tình hình này, họ phải nhanh chóng trừ khử Hitler và chế độ Quốc xã để đạt lấy bất kỳ loại hoà bình nào giúp Đức không bị áp đảo và tiêu diệt .

Tại Berlin, cuối cùng Stauffenberg và bạn hữu của ông cũng đã hoàn tất một phương án có tên là "Valkyrie". Đó là một cái tên thích hợp, vì trong huyền thoại Đức, Valkyrie là một nữ chiến binh, trẻ đẹp nhưng gây kinh hoàng, bay lơ lửng trên vùng chiến địa mà chọn đối thủ để tiêu diệt. Trong trường hợp này, kẻ cần bị tiêu diệt là Adolf Hitler .

Một điều trớ trêu là trước khi mất chức, chính Canaris đã đề xuất ý tưởng Valkyrie cho Hitler, trong phương án giao cho lực lượng Dân quân nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại Berlin và những thành phố lớn khác để ngăn chặn hàng triệu công nhân nô lệ nước ngoài nổi loạn. Việc nổi loạn như thế gần như là bất khả thi, vì công nhân nước ngoài không có vũ khí trong tay và thiếu tổ chức. Nhưng trong đầu óc đa nghi của Hitler thì ở đâu cũng có hiểm hoạ. Vì những người khoẻ mạnh đang chinh chiến trên mặt trận hoặc đang chiếm đóng những vùng đất xa xôi, nên Hitler thuận theo ý tưởng là giao cho lực lượng Dân quân nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong nước để chống lại đám công nhân nô lệ đầy bất mãn .

Thế là, phương án Valkyrie trở thành một lớp vỏ bọc hoàn hảo cho nhóm âm mưu trong Quân đội, cho phép họ công khai sắp đặt những phương án để Dân quân chiếm lấy thủ đô và những thành phố lớn như Vienna, Munich và Cologne ngay sau khi ám sát được Hitler .

Tại Berlin, khó khăn chính của nhóm âm mưu là họ có quá ít binh sĩ dưới quyền, trong khi lực lượng S.S. lại đông đảo hơn. Hơn nữa, còn có những đơn vị Không quân đang nắm giữ những vị trí phòng không quanh thủ đô. Trung thành với Goering, họ chắc chắn sẽ chiến đấu để bảo vệ chế độ Quốc xã dưới quyền tư lệnh của họ, ngay cả sau khi Hitler đã chết. Họ có thể sử dụng súng phòng không như là pháo để chống trả lực lượng Dân quân. Thế nhưng, lực lượng cảnh sát ở Berlin đã được khuyến dụ tham gia vì chỉ huy trưởng của họ, Bá tước von Helldorf, đã gia nhập nhóm âm mưu .

Xét qua thực lực của S.S. và Không quân, Stauffenberg nhấn mạnh yếu tố thời gian để nắm quyền kiểm soát thủ đô. 2 tiếng đầu tiên sẽ là gay cấn nhất. Trong khoảng thời gian ngắn này, Quân đội phải chiếm đóng trung tâm phát sóng toàn quốc và hai đài phát thanh của thành phố, các trung tâm điện tín và điện thoại, Phủ Thủ tướng, các bộ và tổng hành dinh của S.S.-Mật vụ. Phải bắt giữ Goebbels, nhân vật Quốc xã hàng đầu ít khi rời khỏi Berlin, cùng với những sĩ quan S.S.. Đồng thời, ngay sau khi hạ sát Hitler, phải cô lập tổng hành dinh Rastenburg để Goering hoặc Himmler, hay bất kỳ tướng lĩnh Quốc xã nào như Keitel và Jodl, không thể chiếm lấy và huy động cảnh sát hoặc Quân đội nhằm tiếp tục ủng hộ chế độ Quốc xã. Tướng Cục trưởng Thông tin Fellgiebel, đóng bản doanh gần tổng hành dinh của Hitler, được chỉ định thực hiện nhiệm vụ này .

Chỉ sau khi những nhiệm vụ kể trên được hoàn tất trong vòng vài tiếng đồng hồ đầu tiên, thì các thông cáo mới được truyền đi qua sóng phát thanh, điện tín và điện thoại đến các chỉ huy lực lượng Dân quân ở những thành phố khác, đến các tướng lĩnh chỉ huy mặt trận và vùng chiếm đóng, cho biết Hitler đã chết và một Chính phủ mới chống Quốc xã đã được thành lập ở Berlin. Cuộc đảo chính sẽ xong xuôi trong vòng 24 giờ và Chính phủ mới sẽ được yên vị .

Nếu không làm đúng kế hoạch như thế, những tướng lĩnh còn hoang mang sẽ có thể tỏ ra lưỡng lự. Goering và Himmler sẽ có thể huy động họ và nội chiến có thể xảy ra. Khi ấy, các mặt trận sẽ lung lay, rồi không tránh khỏi hỗn loạn và sụp đổ .

Mọi chuyện đều tuỳ thuộc vào khả năng của nhóm âm mưu trong việc điều động lực lượng Dân quân trong và xung quanh Berlin với tốc độ và năng lực ở mức cao nhất. Nhưng vẫn còn một vấn nạn khúc mắc trong việc này .

Chỉ có Tướng Tư lệnh lực lượng Dân quân Friedrich Fromm là người có thẩm quyền ra chỉ thị để triển khai Phương án Valkyrie. Nhưng cho đến phút cuối, ông vẫn còn là một ẩn số. Suốt năm 1943, nhóm âm mưu cố gắng làm công tác tư tưởng cho ông. Cuối cùng, họ kết luận rằng chỉ có thể trông cậy vào vị tướng hay dao động này sau khi ông thấy rõ cơ may thành công. Nhưng vì tin chắc sẽ thành công, họ đã thảo sẵn một số chỉ thị mang tên ông, mà ông không hay biết. Trong trường hợp ông lưỡng lự vào thời điểm quyết định, người thay thế ông sẽ là Tướng Hoepner, vị chỉ huy binh chủng thiết giáp tài ba đã bị Hitler cách chức sau trận đánh ở Moscow năm 1941 và bị cấm mặc quân phục .

Cũng có vấn đề đối với một tướng lĩnh khác. Đó là Tướng von Kortzfleisch, trung thành với Quốc xã, Tư lệnh quân khu bao gồm Berlin và Brandenburg. Kế hoạch là sẽ bắt giữ ông và thay thế bằng Tướng Freiherr von Thuengen. Tướng Tư lệnh Quân khu Berlin, Paul von Hase đã thuận theo âm mưu và có thể được trông cậy để chỉ huy những doanh trại địa phương trong bước đầu chiếm giữ thành phố .

Ngoài việc lập phương án chi tiết nhằm chiếm quyền kiểm soát Berlin, thì cùng với sự trợ giúp của Goerdeler, Beck, Witzleben và một số người khác, Stauffenberg và Tresckow đã soạn sẵn chỉ thị cho các tư lệnh quân khu nắm lấy quyền điều hành trên địa phương của họ, dập tắt đám S.S., bắt giữ những nhân vật Quốc xã hàng đầu, rồi chiếm lấy những trại tập trung .

Còn có thêm những bản tuyên cáo với lời lẽ dứt khoát để vào thời điểm thích hợp sẽ gửi đến Quân đội, dân Đức và báo đài. Vài bản tuyên cáo mang tên Beck với cương vị tân Tổng thống, một số bản khác mang tên Thống chế tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực von Witzlebenvà tân Thủ tướng Goerdeler. 2 phụ nữ can đảm phụ trách đánh máy những bản chỉ thị và tuyên cáo là: Erika von Tresckow, vợ của Tướng Tresckow và Margarete von Oven, con gái của một tướng về hưu, trong nhiều năm đã là thư ký trung thành của 2 Tư lệnh Lục quân von Hammerstein và von Fritsch. Những bản chỉ thị và tuyên cáo này được giấu trong két sắt của Tướng Olbricht .

Thế là, các kế hoạch đã sẵn sàng từ cuối năm 1943. Nhưng trong nhiều tháng, nhóm âm mưu không làm được gì nhiều. Đến tháng 6 năm 1944, họ thấy thời gian càng lúc càng cấp bách. Có một lý do lý giải cho sự chậm trễ này, đó chính là: Mật vụ đang càng ngày càng thu hẹp mạng lưới. Những vụ bắt bớ và những cuộc hành quyết người âm mưu, kể cả Bá tước von Moltke và nhóm Kreisau đang tăng lên từng tuần. Mật vụ của Himmler đang theo dõi gắt gao Beck, Goerdeler, Hassell, Witzleben và những người khác khiến họ thấy càng ngày càng khó gặp nhau. Chính Himmler đã cảnh cáo Canaris rằng Mật vụ đã biết rõ những bạn bè tướng lĩnh và dân sự của ông đang mưu đồ nổi loạn. Himmler còn nói mình đang để mắt đến Beck và Goerdeler. Canaris báo tin này cho Olbricht .

Nhóm âm mưu cũng lo âu về tình hình quân sự. Họ tin rằng quân Liên Xô sắp mở đợt tấn công toàn diện ở phía Đông. Thủ đô Rome của Ý bị bỏ mặc cho lực lượng Đồng minh (Đồng minh chiếm được Rome ngày 4 tháng 6). Có tin Đồng minh sắp tiến công trên mặt trận phía Tây. Chẳng bao lâu, Đức sẽ chiến bại trước khi kịp lật đổ chế độ Quốc xã. Vì thế càng ngày càng có thêm người trong nhóm âm mưu nghĩ rằng tốt hơn nên huỷ bỏ kế hoạch của họ, mà để cho Hitler cùng Quốc xã nhận trách nhiệm cho thảm hoạ của nước Đức. Nếu lật đổ Hitler bây giờ có thể chỉ gây ra một huyền thoại "đâm sau lưng" giống như huyền thoại đã từng lừa dối nhiều người Đức sau Thế chiến I .

ANH-MỸ TIẾN CÔNG, NGÀY 6 THÁNG 6 NĂM 1944 Bản thân Stauffenberg không tin rằng các nước Đồng minh phương Tây sẽ đổ bộ lên đất Pháp vào mùa hè này. Ông vẫn tin như thế ngay cả khi Đại tá Georg Hansen, tàn dư của Quân báo trong cơ quan tình báo của Himmler, vào đầu tháng Năm cảnh báo với ông rằng cuộc đổ bộ có thể bắt đầu vào bất kỳ ngày nào trong tháng Sáu .

Riêng Quân đội Đức thì vẫn hoang mang, ít nhất là về thời gian và địa điểm của cuộc đổ bộ. Họ nhận thấy trong tháng 5 năm 1944 có 18 ngày với những điều kiện trời tiết, mặt biển và thuỷ triều đều thuận lợi, nhưng Tướng Eisenhower không lợi dụng những cơ hội này. Vào ngày 30 tháng 5, Thống chế Rundstedt (Tổng Tư lệnh Mặt trận miền Tây) báo cáo với Hitler rằng không thấy dấu hiệu cho biết sẽ có cuộc đổ bộ trong tương lai gần. Ngày 4 tháng 6, bộ phận khí tượng của Không quân Đức ở Paris cho biết vì lý do thời tiết, trong nửa tháng sắp tới Đồng minh sẽ không hành động .

Những tin tức cũng khác cũng không có gì nhiều: Không quân Đức bị ngăn chặn bay thám thính trên các cảng biển miền Nam nước Anh – nơi binh sĩ dưới quyền Eisenhower đang tấp nập chuẩn bị xuống tàu, còn Hải quân Đức đã rút tất cả tàu do thám về vì biển động. Dựa trên những thông tin hạn chế, ngày 5 tháng 6Thống chế Rommel (Tư lệnh Tập đoàn quân B) báo cáo với Rundstedt rằng trước mắt sẽ không có việc đổ bộ, rồi trở về nhà riêng ở Herrlingen thăm gia đìnhvà hẹn hôm sau đến thảo luận với Hitler ở Berchtesgaden .

Theo Tướng Tham mưu trưởng Speidel dưới quyền Rundstedt nhớ lại, 5 tháng 6 là "một ngày yên ả". Xem dường như không có lý do nào ngăn trở Rommel thảnh thơi trở về thăm nhà. Điệp viên Đức vẫn báo cáo Đồng minh sắp đổ bộ – lần này là giữa ngày 6 tháng 6 và ngày 16 tháng 6 – nhưng từ tháng Tư đã có hàng trăm báo cáo như thế nên không ai xem là quan trọng. Cũng vì thế vào ngày 6 tháng 6 Tướng Friesrich Dollmann, tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Bảy (thuộc Tập đoàn quân B dưới quyền Rommel) ở Normandy, đã ra lệnh giảm tình trạng báo động và triệu tập sĩ quan cấp cao đến dự cuộc tập trận trên bản đồ ở Rennes, cách Normandy khoảng 200 km về phía Nam .

Phía Đức vừa hoàn toàn không biết gì về thời điểm đổ bộ, vừa không rõ nó sẽ diễn ra ở đâu. Rundstedt và Rommel đều chắc chắn sẽ diễn ra ở Pas-de-Calais, nơi biển Manche thu hẹp nhất. Nơi đây, họ tập trung lực lượng mạnh nhất, Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm (thuộc Tập đoàn quân B dưới quyền Rommel) đã được tăng viện thêm từ 10 đến 15 sư đoàn trong mùa xuân. Nhưng vào cuối tháng Ba, trực giác kỳ lạ của Hitler khiến cho ông nghĩ mũi nhọn của cuộc đổ bộ sẽ là ở Normandy và trong vài tuần tiếp theo, ông ra lệnh củng cố đáng kể vùng nằm giữa sông Seine và sông Loire. Ông luôn cảnh báo với các tướng lĩnh rằng: "Hãy trông chừng Normandy." Tuy thế phần lớn lực lượng của Đức – kể cả bộ binh và thiết giáp – đều trấn giữ ở phía Bắc sông Seine, giữa Le Havre và Dunkirk. Rundstedt và các tướng lĩnh dưới quyền vẫn trông chừng Pas-de-Calais hơn là Normandy. Một số động thái đánh lạc hướng của Anh-Mỹlại càng khiến họ thêm tin tưởng rằng mình đã tính toán đúng .

Thế là, ngày 5 tháng 6 đã trôi qua trong yên bình theo như những gì người Đức nhận thấy. Có vài cuộc không kích mạnh của Anh-Mỹ nhắm đến những mục tiêu của Đức: kho tàng, đài ra đa, dàn phóng V-1, vị trí truyền tin và vận tải, nhưng trong những tuần qua, mỗi ngày đêm đều có không kích như thế và ngày hôm đó cũng chẳng khác gì những ngày trước .

Khi màn đêm buông xuống, tổng hành dinh của Rundstedt nhận tin báo là đài BBC ở London đang phát sóng với thời lượng lớn một cách bất thường những bản tin bằng mật mã cho quân kháng chiến Pháp và những đài ra đa của Đức giữa Cherbourg và Le Havre đang bị nhiễu sóng.Lúc 10 giờ tối, Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm nghe được một thông báo bằng mật mã mà họ nghĩ có nghĩa là cuộc đổ bộ sắp bắt đầu. Lệnh báo động được phát ra cho đại quân đoàn này, nhưng Rundstedt nghĩ không cần thiết phải báo động Đại Quân đoàn Thứ Bảy giữa Caen và Cherbourg, khu vực mà vài nghìn chiếc tàu Đồng minh đang tiến đến .

Sổ ghi điện thoại của Đại Quân đoàn Thứ Bảy bị tịch thu nguyên vẹn vào tháng 8 năm 1944 cung cấp tư liệu quý giá về những gì xảy ra với quân Đức vào ngày Đồng minh đổ bộ lên Normandy và những trận đánh tiếp theo đó .

Mãi đến 1 giờ rạng sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, Đại Quân đoàn Thứ Bảy mới nhận ra những gì đang xảy ra. Trong khi Tư lệnh Đại quân đoàn này vẫn còn đi tập trận trên bản đồ ở Rennes, thì 2 sư đoàn không vận Mỹ và một sư đoàn không vận Anh đã nhảy xuống giữa vùng đóng quân của Đại Quân đoàn Thứ Bảy. Lệnh báo động toàn diện được phát ra lúc 1 giờ 30 sáng .

45 phút sau, Trung tướng Tham mưu trưởng Max Pemsel của Đại Quân đoàn Thứ Bảy gọi điện đến Tướng Speidel tại tổng hành dinh của Rommel cho biết đây có vẻ như là "cuộc hành quân trên diện rộng". Speidel không tin nhưng vẫn báo cáo cho Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây Rundstedt và ông này cũng nghi ngờ. Cả 2 Tướng đều tin rằng việc thả quân dù chỉ là chiến thuật của Đồng minh nhằm đánh lạc hướng để thật sự đổ bộ quanh Pas-de- Calais .

Lúc 2 giờ 40 sáng, Pemsel được thông báo rằng Rundstedt "không xem đó là cuộc hành quân lớn" .

Rạng sáng 6 tháng 6, ngay cả khi một hạm đội Đồng minh khổng lồ đổ lên bãi biển Normandy giữa 2 con sông Vire và Ome từng đơn vị lớn dưới sự yểm trợ dữ dội của đại pháo từ tàu chiến, thì Rundstedt vẫn chưa tin đó là cuộc tấn công chính của Đồng Minh.Speidel cho biết chỉ đến xế trưa thì sự việc mới rõ ràng. Vào lúc này, quân Mỹ đã lập được 2 đầu cầu trên bãi biển, quân Anh có đầu cầu thứ ba và họ đã xâm nhập vào đất liền được từ 3 đến 10 km. Speidel gọi điện cho Rommel ở nhà ông này vào lúc 6 giờ sáng. Vị Thống chế vội vàng trở lại bằng ô tô mà không đi gặp Hitler, nhưng đến xế chiều ông mới về đến tổng hành dinh Tập đoàn quân B. (Vì lẽ Đồng minh chiếm ưu thế trên không, Hitler cấm sĩ quan cao cấp đi máy bay.) Cùng lúc, Speidel, Rundstedt và tham mưu trưởng của ông này, Tướng Blumentritt, gọi điện về Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực lúc đó đang đóng tại Berchtesgaden. Do một chỉ thị ngu xuẩn của Hitler, ngay cả Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây cũng phải xin phép ông khi muốn điều động các sư đoàn thiết giáp. Khi 3 vị Tướng hoảng hốt gọi đến vào buổi sáng ngày 6 tháng 6 xin phép điều hai sư đoàn thiết giáp đến Normandy, Jodl trả lời rằng Hitler muốn trước hết chờ xem tình hình như thế nào đã. Rồi sau đó, Lãnh tụ đi ngủ. Từ lúc ấy cho đến 3 giờ chiều, tuy các tướng gọi về tới tấp, nhưng không ai ở tổng hành dinh dám làm phiền ông .

Khi Hitler thức dậy, tin xấu đã đưa về khiến cho ông hành động. Ông cho phép sử dụng Sư đoàn Lehr Thiết giáp và Sư đoàn 12 Thiết giáp S.S. ở Normandy. Đã quá muộn! Ông cũng ban hành một chỉ thị nổi tiếng, được lưu giữ trong hồ sơ của Đại Quân đoàn Thứ Bảy: 16 giờ 55, ngày 6 tháng 6 năm 1944 Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Tây khẳng định ý muốn của Bộ Chỉ huy Tối cao là tiêu diệt địch quân ở đầu cầu vào buổi tối 6 tháng 6, vì nguy cơ có thêm quân đổ bộ và nhảy dù để hỗ trợ... Phải quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay .

Trong không khí núi rừng âm u tại Berchtesgaden, nơi Hitler đang chỉ đạo trận chiến quan trọng nhất cho đến lúc này, thì chỉ thị lạ lùng trên có vẻ như là nghiêm túc, thậm chí còn được cả Jodl và Keitel đồng tình. Vì lẽ, trong nhiều tháng Hitler vẫn nói vận mệnh của Đức sẽ được quyết định ở phía Tây. Dường như ngay cả Rommel cũng xem đó là nghiêm túc, vì ông lập tức truyền đạt chỉ thị trên qua điện thoại, rồi ra lệnh cho tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Năm mở cuộc phản công bằng Sư đoàn 21 Thiết giáp – là đơn vị thiết giáp duy nhất trong vùng – "ngay lập tức dù có được tăng viện hay không" .

Sư đoàn này đã làm việc ấy mà không đợi lệnh của Rommel. Khi Rommel gọi đến, Tướng Pemsel trả lời về chỉ thị "quét sạch, hạn cuối là đêm nay" của Hitler là không phải là ở 1, mà là 3 đầu cầu. Ông nói: "Việc này là bất khả thi." Rundstedt và Rommel quyết định đã đến lúc nói điều này với Hitler, mặt đối mặt, đồng thời yêu cầu ông chấp nhận mọi hậu quả. Họ thuyết phục ông đến một cuộc họp vào ngày 17 tháng 6 tại Margival, phía Bắc Soissons, nơi có một boong-ke xây vào mùa hè 1940 làm tổng hành dinh cho Hitler, nhưng chưa bao giờ được dùng đến. Và giờ đây, sau 4 mùa hè, Lãnh tụ sẽ xuất hiện ở đây lần đầu tiên, Speidel sau này viết lại: "Trông ông ấy nhợt nhạt như người thiếu ngủ, mân mê một cách bồn chồn chiếc cốc và những cây bút chì màu. Ông ngồi khòm vai trên chiếc ghế, trong khi các Thống chế đứng. Mãnh lực thôi miên xem dường đã nhạt phai. Ông chào hỏi với vẻ cụt lủn và nguội lạnh. Rồi ông cất cao giọng bày tỏ nỗi bất bình về việc Đồng minh đã đổ bộ thành công, mà ông quy trách nhiệm cho các chỉ huy chiến trường." Nhưng viễn cảnh có thêm một chiến bại choáng váng khiến các tướng lĩnh thêm can đảm, hoặc ít nhất đối với Rommel, được Rundstedt cho phép phát biểu khi lời lẽ của Hitler trách cứ họ tạm ngừng. Speidel kể: "Với sự thẳng thắn mà không cần uốn nắn ngôn từ, Rommel đã vạch ra... rằng một trận chiến khi mà Đồng minh có ưu thế trên không, trên mặt biển và trên đất liền là vô vọng." Nhưng tình hình không đến nỗi tuyệt vọng nếu Hitler từ bỏ quyết tâm vô lý là giữ vững mọi tấc đất rồi đẩy các lực lượng Đồng minh xuống biển. Với sự đồng ý của Rundstedt, Rommel đề xuất rút quân Đức khỏi tầm bắn chết người của đạn pháo hải quân Đồng Minh, đưa các đơn vị thiết giáp về phía sau và tổ chức lại rồi sau đó phát động phản công. Làm như thế có thể đánh bại Đồng minh trong một trận đánh "bên ngoài tầm bắn đạn pháo của hải quân địch" .

Nhưng Hitler không muốn nghe bất kỳ đề xuất nào về việc rút lui. Binh sĩ Đức phải trụ lại chiến đấu. Hiển nhiên là Hitler cảm thấy không vui về tình hình, thế nên ông nhanh chóng thay đổi đề tài thảo luận. Trong thái độ mà Speidel gọi là "một sự pha trộn kỳ lạ giữa tư tưởng yếm thế và trực giác sai lầm", Hitler trấn an các tướng lĩnh rằng vũ khí V-1, một loại bom bay tự động, đã được phóng đến London lần đầu tiên vào ngày hôm trước, "sẽ có tính chất quyết định chống lại Anh... và khiến cho người Anh sẵn lòng đi đến hoà bình" .

Khi các tướng lĩnh nhắc Hitler về thất bại thảm hại của Không quân ở phía Tây, Lãnh tụ trả đũa rằng "hàng loạt máy bay chiến đấu phản lực" chẳng bao lâu sẽ bắn tan tác phi công Anh và Mỹ khỏi bầu trời. Ông nói, lúc ấy nước Anh sẽ sụp đổ .

Đến đây, tin báo máy bay Đồng minh đang đến khiến cho họ dừng lại và đi xuống hầm trú bom của Lãnh tụ .

Speidel nhớ lại, buổi họp kéo dài từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bữa ăn trưa "chỉ có một món thôi mà Hitler ăn hết một đĩa đầy cơm và rau, sau khi có người nếm trước. Xung quanh ông là những viên thuốc và cốc thuốc nước, mà ông dùng tuần tự mỗi thứ. 2 nhân viên S.S. đứng canh chừng phía sau ông." Được an toàn trong boong-ke xây bằng bê tông cốt sắt dưới mặt đất, họ tiếp tục thảo luận và đến lúc này Rommel muốn hướng về chính trị. Speidel kể lại: "Ông ấy tiên đoán rằng phòng tuyến của Đức tại Normandy sẽ tan vỡ và rằng không thể ngăn chặn đà tiến của Đồng minh vào đất Đức... Ông không chắc liệu có thể giữ vững phòng tuyến ở Liên Xô hay không... Ông vạch ra tình trạng cô lập hoàn toàn của Đức về chính trị... Ông kết luận... cùng với đề xuất cấp bách là nên tìm cách chấm dứt cuộc chiến." Hitler ngắt lời Rommel vài lần, cuối cùng chen vào: "Ông đừng lo lắng về tiến trình tương lai của cuộc chiến, mà nên chú tâm vào mặt trận tấn công của ông." Hai thống chế không đi đến đâu, với cả lập luận quân sự và chính trị. Tướng Jodl khai trước Toà án Nuremberg: "Hitler không hề chú tâm đến những lời cảnh báo của họ." Cuối cùng, các tướng lĩnh khuyến cáo Hitler rằng ít nhất là ông nên đi đến tổng hành dinh Tập đoàn quân B của Rommel để thảo luận với các chỉ huy chiến trường, nhằm đánh giá tình hình mà họ đang đối mặt. Hitler lưỡng lự rồi đồng ý sẽ đi ngày 19 tháng 6 – tức là tận 2 ngày sau .

Và ông đã không hề đi đến đấy. Ít lâu sau khi các Thống chế rời Margival vào buổi chiều 17 tháng 6, một tên lửa V-1 đã được phóng qua London nhưng bay lạc đường và đâm xuống nóc boong-ke của Lãnh tụ. Không có thương vong gì cả, nhưng Hitler bực tức đến nỗi ông đi ngay đến những vùng an toàn hơn, không dừng lại cho đến khi ông về đến vùng rừng núi Berchtesgaden .

Có thêm tin xấu từ chiến trường đưa về. Ngày 20 tháng 6, đợt phản công của Liên Xô – mà mọi người tiên liệu từ lâu – bắt đầu với sức mạnh vượt trội. Chỉ trong vòng vài ngày, Tập đoàn quân Trung tâm của Đức – mà Hitler đã tập trung những đơn vị mạnh nhất – hoàn toàn tan nát. Phòng tuyến Đức vỡ vụn và đường đến Ba Lan rộng mở .

Ngày 4 tháng 7, quân Nga vượt đường biên giới năm 1939 phía Đông của Ba Lan và hội tụ ở Đông Phổ. Lần đầu tiên trong Thế chiến II, mọi lực lượng dự bị mà Quân đội Đức có thể huy động đều được điều đi bảo vệ chính lãnh thổ Đức. Việc này khép lại số phận của những đoàn quân Đức trên mặt trận phía Tây. Từ lúc này trở đi, họ không thể trông mong có thêm quân tăng viện đáng kể nào .

Vào ngày 29 tháng 6, một lần nữa Rundstedt và Rommel kêu gọi Hitler nên đối mặt với thực tế ở phía Đông và phía Tây, cố gắng chấm dứt chiến tranh trong khi một phần đáng kể của Quân đội Đức vẫn tồn tại. Buổi họp diễn ra tại Berchtesgaden, nơi Hitler đối xử lạnh lùng với 2 Thống chế. Ông khước từ lời kêu gọi của họ một cách cụt lủn và rồi sa vào tràng độc thoại về việc làm thế nào để Đức thắng cuộc chiến với "vũ khí thần kỳ" mới. Speidel nói phần phát biểu của Hitler đã bị "mất hút trong sự lạc điệu lạ kỳ" .

2 ngày sau, Rundstedt bị bãi nhiệm chức Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây. Thay thế ông là Thống chế von Kluge. Ngày 15 tháng 7, Rommel gửi cho Hitler một bức thư dài qua đường viễn ký: "Binh sĩ đang chiến đấu khắp nơi một cách anh dũng, nhưng trận chiến không cân sức đang đi đến hồi kết .

Tôi van nài ông nhanh chóng rút ra kết luận thích hợp. Là Tư lệnh Tập đoàn quân, tôi thấy mình có bổn phận phải trình bày việc này một cách rõ ràng." Rommel nói với Speidel: "Tôi đã cho ông ấy cơ hội cuối cùng. Nếu ông ấy không nắm lấy cơ hội này thì tôi sẽ hành động" 2 ngày sau, vào buổi chiều 17 tháng 7, trong khi ngồi trên xe trở về tổng hành dinh từ mặt trận Normandy, máy bay chiến đấu Đồng minh bắn ông bị thương nặng đến nỗi lúc đầu người ta nghĩ ông không thể sống sót. Đây là thảm hoạ cho nhóm âm mưu – như Speidel đã quả quyết xác nhận – bởi vì đến lúc này Rommel đã quyết định tham gia vào việc loại trừ chế độ của Hitler (nhưng vẫn chống đối việc ám sát) .

Speidel nói những người âm mưu đã "cảm thấy đau đớn khi thiếu vắng trụ cột của sức mạnh." ÂM MƯU VÀO GIỜ CHÓT Việc Đồng minh đổ bộ thành công lên bờ biển Normandy khiến cho nhóm âm mưu ở Berlin hoang mang tột độ. Như ta đã biết, Stauffenberg không tin việc này sẽ diễn ra trong năm 1944 và ông nghĩ nếu có thì cơ may thành công chỉ là 50-50. Có vẻ như ông đã mong mỏi cuộc đổ bộ, vì lúc ấy, sau khi bị thất bại, 2 Chính phủ Anh-Mỹ sẽ chịu đàm phán với Chính phủ chống Quốc xã mới cho hoà bình ở phía Tây. Trong trường hợp này, Đức sẽ đạt được điều kiện thuận lợi .

Khi biết cuộc đổ bộ đã thành công và Đức sẽ chịu thêm một chiến bại quan trọng, cộng thêm nguy cơ chiến bại khác trên mặt trận phía Đông, Stauffenberg, Beck và Goerdeler suy nghĩ liệu có nên xúc tiến kế hoạch của họ hay không. Nếu thành công, họ sẽ chỉ bị lên án là đã mang đến thảm hoạ mang tính quyết định. Tuy họ biết Đức sẽ không tránh khỏi chiến bại, nhưng dân Đức lại không hề biết đến điều này. Cuối cùng, Beck kết luận rằng dù cho âm mưu chống Quốc xã có thành công hay không thì vẫn không thể tránh được việc Đức bị quân địch chiếm đóng, chỉ có hoà bình mới có thể chấm dứt chiến tranh đổ máu và sự tàn phá thêm trên đất Đức. Một nền hoà bình thực sự sẽ ngăn chặn Liên Xô tràn ngập nước Đức và đưa Đức đến chủ nghĩa Bolshevik. Khi ấy, thế giới sẽ thấy "một nước Đức khác" chứ không phải Đức Quốc xã. Và ai biết được? Có lẽ ít nhất các nước Đồng minh phương Tây sẽ không đến nỗi hà khắc đối với Đức cho dù họ đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện. Goerdeler đồng ý và đặt mọi hy vọng vào các nước phương Tây. Ông biết Churchill lo sợ nguy cơ một "chiến thắng toàn diện của Nga" .

Những người trẻ, do Stauffenberg cầm đầu, không tin tưởng hoàn toàn như thế. Họ hỏi ý kiến Tresckow, lúc này là Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Hai trên mặt trận phía Đông đang vỡ vụn. Phúc đáp của ông đã đưa nhóm nổi loạn trở lại với kế hoạch của mình: "Phải tiến hành việc ám sát bằng mọi giá. Ngay cả khi việc này thất bại, thì thay vào đó, ta phải cố chiếm lấy chính quyền ở thủ đô. Chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới và cho những thế hệ tương lai rằng những người thuộc Phong trào Chống đối Đức dám hành động quả quyết và chịu rủi ro đến tính mạng. Với mục tiêu như thế, mọi chuyện khác là không đáng kể." Phúc đáp đầy nghị lực này giúp phân định vấn đề, vực dậy tinh thần và xoá tan nỗi nghi ngại của Stauffenberg cùng thân hữu của ông. Viễn cảnh các mặt trận ở Liên Xô, Pháp và Ý suy sụp càng thúc đẩy họ hành động ngay lập tức. Và một biến cố đã giúp họ thực hiện được kế hoạch của mình nhanh chóng hơn .

Ngay từ đầu, nhóm Beck-Goerdeler-Hassel và Cộng sản nằm vùng đã không hề liên hệ gì với nhau. Đối với người Cộng sản thì nhóm âm mưu cũng phản động như Quốc xã và sự thành công của nhóm này có thể cản trở nước Đức trở thành Cộng sản. Beck và bạn hữu của ông biết rõ quan điểm này, Đồng thời họ cũng biết rằng Cộng sản nằm vùng được chỉ đạo từ Moscow với một mục đích duy nhất là làm tình báo cho người Nga. Năm 1942, Quân báo Đức phát hiện một số người Đức được phân bổ vào những vị trí chiến lược, điều hành một mạng lưới tình báo cho Liên Xô. Có lúc họ truyền tin tức tình báo đến Liên Xô qua khoảng 100 máy phát sóng bí mật đặt trên đất Đức và lãnh thổ bị Đức chiếm đóng ở phía Tây. 2 điệp viên Nga nhảy dù xuống Đức, sau đó bị bắt và khai ra mạng lưới tình báo này. Trong số 75 người Đức bị kết tội phản quốc, 50 người đã nhận án tử hình .

Để làm gương cho những kẻ phản quốc khác, Hitler ra lệnh thi hành án bằng cách treo cổ. Nhưng không có giàn xử treo cổ ở Berlin, vì thế tử tội bị buộc một dây thừng vào cổ rồi bị treo lên một móc sắt (được mượn từ một lò sát sinh). Từ lúc đó trở đi, phương pháp này đã được áp dụng cho những người dám thách thức Lãnh tụ .

Ngoài sự kình chống với Cộng sản, nhóm âm mưu biết nhân viên Mật vụ đã xâm nhập vào hàng ngũ của họ. Có lẽ vì thế, vào tháng Sáu, dù Goerdeler và những thành viên lớn tuổi hơn ngăn cản, Stauffenberg vẫn quyết định liên lạc với Cộng sản. Đó là do đề xuất từ cánh Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Adolf Reichwein vốn đã có một chút quan hệ với Cộng sản. Stauffenberg và những người bạn theo Xã hội chủ nghĩa của ông, Reichwein và Leber, đã thuyết phục ông nên liên lạc với Cộng sản để xem nhóm này định sẽ làm gì trong trường hợp âm mưu thành công và nếu có thể, sử dụng họ nhằm mở rộng phong trào chống Quốc xã. Stauffenberg miễn cưỡng đồng ý cho Leber và Reichwein đi gặp các nhà lãnh đạo Cộng sản ngày 22 tháng 6. Nhưng ông dặn họ là nên tiết lộ càng ít thông tin càng tốt .

Cuộc gặp gỡ diễn ra ở Đông Berlin giữa một bên là Leber và Reichwein đại diện cho cánh Xã hội chủ nghĩa, bên kia là Frank Jacob và Anton Saefkow tự nhận là Cộng sản nằm vùng. Có một đồng chí thứ ba mà bên Cộng sản giới thiệu là "Rainbow". Hoá ra bên Cộng sản đã biết được khá nhiều về âm mưu chống Hitler và họ muốn biết thêm. Họ đề nghị một buổi họp với những lãnh đạo quân sự của mình vào ngày 4 tháng 7. Stauffenberg từ chối đến họp, nhưng cử Reichwein đi thay. Khi đến buổi họp, ông này bị bắt cùng với Jacob và Saefkow. Hoá ra "Rainbow" là nhân viên Mật vụ trà trộn vào. Ngày hôm sau, Leber cũng bị bắt. Cả 4 người sau đó đều bị xử tử .

Stauffenberg đã trông mong người bạn thân Leber sẽ trở thành một lực lượng chính trị chủ đạo trong Chính phủ mới. Ông vô cùng đau xót, nhưng ông cũng thấy ngay là toàn bộ âm mưu có nguy cơ bị dập tắt vì hiện tại nhân viên của Himmler đang bám sát họ. Ông nghĩ Leber và Reichwein là 2 người can đảm và tin tưởng rằng họ sẽ không tiết lộ bí mật. Nhưng có đúng thế không? Vài thành viên trong nhóm âm mưu không dám chắc. Ngay cả người can đảm nhất cũng không thể giữ im lặng khi cơ thể họ đau đớn vì bị tra tấn đến mức không thể chịu đựng được nữa .

Việc bắt giữ Leber và Reichwein đã thúc đẩy họ phải hành động ngay lập tức .

NHỮNG ĐỘNG THÁI DẪN ĐẾN NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1944 Vào cuối tháng Sáu, nhóm âm mưu đã có được cơ hội mới. Stauffenberg được thăng lên Đại tá và nhận chức Tham mưu trưởng Dân quân dưới quyền Tướng Tư lệnh Fromm. Chức vụ này chẳng những cho phép Stauffenberg ban hành chỉ thị cho Dân quân nhân danh Fromm, mà còn tạo cơ hội cho ông được tiếp cận Hitler. Thật vậy: Hitler đang triệu Tư lệnh Dân quân hoặc người phụ tá đến tổng hành dinh mỗi tuần 2 hoặc 3 lần để ra lệnh cung ứng quân thay thế cho những sư đoàn đang hứng chịu thiệt hại ở Liên Xô. Stauffenberg dự tính đặt bom ở một trong những buổi họp như thế .

Stauffenberg bây giờ đã trở thành nhân vật chủ chốt trong âm mưu. Vì có thể xâm nhập tổng hành dinh của Hitler được canh phòng cẩn mật, nên ông mang trong mình trọng trách ám sát Hitler. Trên cương vị Tham mưu trưởng Dân quân, ông có thể điều động binh sĩ chiếm lấy Berlin, vì lẽ đó nên nhóm âm mưu không tin tưởng vào Fromm .

Và Stauffenberg phải thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một ngày ở 2 nơi cách nhau gần 600 km – giữa tổng hành dinh của Hitler lúc ấy ở Obersalzberg và Rastenburg và Berlin. Giữa hành động thứ nhất và thứ hai là khoảng thời gian 2 đến 3 tiếng đồng hồ khi ông ngồi trên máy bay từ tổng hành dinh của Hitler về Berlin. Trong thời gian này ông không thể làm được gì, nhưng ông hy vọng Đồng sự của mình sẽ triển khai theo kế hoạch đã đề ra. Và vấn đề là ở chỗ này, như ta sẽ thấy .

Mà thực ra là cũng còn những vấn đề khác nữa. Một vấn đề tưởng chừng như không cần thiết lại nảy ra trong đầu nhóm âm mưu. Họ đi đến kết luận rằng giết một mình Hitler thì không đủ, mà cùng lúc phải giết cả Goering và Himmler để đảm bảo những lực lượng dưới quyền 2 người này không chống lại họ. Họ cũng nghĩ rằng khi 2 phụ tá thân tín nhất của Hitler đã chết, thì các tướng lĩnh chỉ huy đang lưỡng lự ở mặt trận sẽ về phe với họ nhanh chóng hơn. Vì lẽ Goering và Himmler thường tham dự những buổi họp quân sự hằng ngày tại tổng hành dinh Lãnh tụ, nên họ nghĩ rằng sẽ không khó để giết cả 3 người với 1 quả bom. Quyết định điên rồ này khiến cho Stauffenberg vuột mất 2 cơ hội vàng .

Stauffenberg được triệu đến Obersalzberg ngày 11 tháng 7 để báo cáo với Hitler về tình hình tuyển quân thay thế. Ông mang theo một quả bom kiểu Anh do Quân báo cung cấp. Nhóm âm mưu đã quyết định đây là thời điểm để hạ sát cả Hitler, Goering và Himmler. Nhưng vào ngày này, Himmler lại không có mặt trong buổi họp. Stauffenberg lẻn ra ngoài buổi họp một lúc, gọi điện cho Tướng Olbricht để báo cáo tình hình, nói rõ rằng mình vẫn có thể hạ sát Hitler và Goering. Olbricht nói nên đợi dịp khác để có thể hạ sát cả 3 người. Đêm ấy, khi trở về Berlin, Stauffenberg gặp Beck và Olbricht, nói một cách cương quyết rằng lần kế tiếp ông phải cố hạ sát Hitler cho dù Goering và Himmler có mặt hay không. Tất cả đều đồng ý .

Lần kế tiếp đến rất nhanh. Ngày 14 tháng 7, Stauffenberg nhận lệnh ngày hôm sau đến báo cáo cho Lãnh tụ về tình hình tuyển quân. Phải cố tuyển thật nhiều quân để lấp vào những khoảng trống ở Liên Xô, nơi Tập đoàn quân Trung tâm đã mất 27 sư đoàn và không còn là lực lượng tác chiến nữa. Vào ngày này, 14 tháng 7, Hitler chuyển tổng hành dinh trở lại Hang Sói ở Rastenburg để đích thân chỉ đạo phục hồi phòng tuyến trung tâm, nơi Hồng quân chỉ còn cách Đông Phổ khoảng 100 km .

Ngày 15 tháng 7, Đại tá Stauffenberg bay đến tổng hành dinh Lãnh tụ ở Rastenburg với một quả bom trong chiếc cặp. Lần này, nhóm âm mưu tự tin sẽ thành công đến nỗi họ đồng ý rằng 2 tiếng đồng hồ trước buổi họp của Hitler – dự kiến lúc 1 giờ chiều – thì họ sẽ phát lệnh cho binh sĩ tiến vào Berlin và xe thiết giáp của Trường thiết giáp Krampnitz cũng chuyển bánh về thủ đô .

Lúc 11 giờ sáng thứ Bảy, 15 tháng 7, Tướng Olbricht phát lệnh triển khai Phương án Valkyrie. Trước giữa trưa, binh sĩ tiến về hướng trung tâm thủ đô với lệnh chiếm lấy khu Wilhelmstrasse. Lúc 1 giờ chiều, với chiếc cặp trên tay, Stauffenberg đi đến phòng họp của Lãnh tụ, báo cáo về tình hình tuyển quân, rồi xin phép ra ngoài, gọi điện cho Olbricht ở Berlin qua mật mã rằng Hitler có mặt và ông sẽ trở lại buổi họp và kích hoạt quả bom. Olbricht cho biết binh sĩ ở Berlin cũng đã được điều động. Dường như cuối cùng họ cũng sẽ thành công. Nhưng khi Stauffenberg trở lại phòng họp, Hitler đã rời đi và không trở lại. Stauffenberg vội vã gọi điện cho Olbricht để thông báo tình hình mới. Olbricht hối hả bãi bỏ lệnh động binh, binh sĩ phải nhận lệnh quay trở về doanh trại một cách nhanh chóng và êm thấm nhất có thể .

Tin tức về một thất bại nữa là đòn đau cho nhóm âm mưu. Khi Stauffenberg trở về, họ họp lại để xem phải làm gì kế tiếp. Goerdeler muốn thực hiện "giải pháp phương Tây". Ông đề xuất với Beck là cả 2 sẽ bay đến Paris để bàn bạc với Thống chế von Kluge về việc đi đến đình chiến với phương Tây, theo đấy các nước Đồng minh phương Tây sẽ đồng ý không tiến qua biên giới Pháp-Đức. Được như thế, Đức có thể điều quân từ phía Tây qua phía Đông để ngăn chặn quân Nga và chủ nghĩa Bolshevik .

Beck có đầu óc minh mẫn hơn. Ông biết ý tưởng đạt hoà bình riêng rẽ với phương Tây chỉ là hão huyền. Tuy thế bằng bất cứ giá nào cũng phải thi hành âm mưu ám sát Hitler và lật đổ chủ nghĩa Quốc xã. Beck cho rằng như vậy có thể cứu vãn danh dự cho nước Đức .

Stauffenberg đồng ý. Ông thề lần kế tiếp sẽ không thất bại. Tướng Olbricht đã bị Keitel khiển trách về việc điều quân ở Berlin, thế nên cho biết ông không thể làm liều như vậy một lần nữa, nếu không cả âm mưu sẽ bị phát giác. Ông đã thoát được trong gang tấc bằng cách giải thích với Keitel và Fromm rằng đó là cuộc tập trận. Nỗi e ngại động binh khi chưa nhận tin chắc chắn Hitler đã chết sẽ gây hậu quả thảm khốc vào ngày thứ Năm tới .

Buổi tối Chủ nhật ngày 16 tháng 7, Stauffenberg mời đến nhà một nhóm nhỏ bạn bè và người thân: người anh Berthold von Stauffenberg có tính trầm lặng, sống nội tâm, có học thức, đang là cố vấn Công pháp quốc tế cho Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tá Caesar von Hofacker, anh/emhọ của Stauffenberg và là người liên lạc với các tướng lĩnh ở phía Tây, Bá tước Fritz von der Schulenburg, nguyên là Đảng viên Quốc xã và hiện vẫn là Chỉ huy phó Lực lượng Cảnh sát Berlin và cuối cùng là Trott zu Solz. Hofacker vừa từ phía Tây trở về sau khi gặp gỡ một số tướng lĩnh: Falkenhausen, Stuelpnagel, Speidel, Rommel và Kluge. Hofacker báo cáo tình hình phía Tây sắp sụp đổ, quan trọng nhất là Rommel vẫn sẽ ủng hộ dù Kluge có thay đổi ra sao, nhưng ông này vẫn chống đối việc sát hại Hitler. Tuy nhiên, sau khi thảo luận kỹ càng, nhóm âm mưu trẻ đồng ý rằng chỉ còn một cách duy nhất cho tình hình hiện tại là chấm dứt mạng sống của Hitler. Họ không có ảo tưởng để mơ việc này sẽ giúp Đức tránh được việc đầu hàng vô điều kiện, mà tất cả chỉ là để giải thoát nước Đức khỏi chế độ độc tài của Hitler, vì điều quan trọng là phục vụ cho người Đức chứ không phải những nước bên ngoài chiến thắng .

Nhưng thời điểm đó đã là rất muộn màng đối với những người âm mưu. Chế độ độc tài của Quốc xã đã kéo dài 11 năm, thế nhưng chỉ khi biết chắc Đức sẽ chiến bại họ mới chịu hành động, sau khi đã làm rất ít – trong nhiều trường hợp là không làm gì cả – để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng muộn còn hơn không, tuy thời giờ còn lại rất ít. Các tướng lĩnh tiền phương đã cho họ biết có lẽ chỉ trong vòng vài tuần tới các mặt trận phía Đông và phía Tây sẽ sụp đổ .

Nhóm âm mưu nghĩ họ chỉ còn có vài ngày để hành động. Việc động binh quá sớm ở Berlin ngày 15 tháng 7 đã gây ra mối nghi ngờ trong Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Một người trong nhóm âm mưu, Tướng von Falkenhausen đã đột nhiên mất chức chỉ huy quân quản Bỉ và Bắc Pháp. Nhóm âm mưu sợ rằng có người nào đấy đã tiết lộ thông tin. Ngày 17 tháng 7, họ nghe tin Rommel bị thương trầm trọng đến nỗi ông sẽ không thể tham gia vào việc gì được nữa. Ngày hôm sau, bạn bè của Goerdeler ở tổng hành dinh cảnh sát mật báo là Himmler đã ra lệnh bắt ông. Tuy Goerdeler phản đối, nhưng Stauffenberg vẫn nhất quyết bắt ông đi lánh nạn. Cùng ngày, Đại tá Alfred Kranzfelder, một trong số ít sĩ quan Hải quân nằm trong nhóm âm mưu, cho biết có tin đồn đại ở Berlin về việc tổng hành dinh của Hitler sẽ bị nổ tung trong một vài ngày tới. Một lần nữa, dường như có ai đó trong nhóm âm mưu đã không kín miệng. Tất cả điều này cho thấy Mật vụ đang bủa lưới vây những nhân vật đầu não của nhóm âm mưu .

Xế chiều ngày 19 tháng 7, một lần nữa Stauffenberg được triệu đến Rastenburg để báo cáo với Hitler về tiến độ đào tạo các sư đoàn Vệ quốc quân nhằm tung ra mặt trận phía Đông. Ông sẽ báo cáo trong buổi họp hàng ngày tại tổng hành dinh của Lãnh tụ vào ngày hôm sau, 20 tháng 7, lúc 1 giờ chiều. Thống chế Witzleben và Tướng Hoepner được Stauffenberg thông báo để xuất hiện đúng lúc ở Berlin. Tướng Beck chuẩn bị những bước cuối cùng để chỉ đạo cuộc đảo chính cho đến khi Stauffenberg trở về từ chuyến đi ám sát .

Stauffenberg làm việc tại Bendlerstrasse để soạn thảo báo cáo cho Hitler, rồi trở về nhà lúc 8 giờ tối. Trên đường, ông ghé lại một nhà thờ Công giáo để cầu nguyện. Những người trông thấy ông vào buổi chiều và tối hôm ấy còn nhớ rằng ông tỏ ra thân thiện và trầm tĩnh, như thể sẽ không xảy ra chuyện bất thường gì .

NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1944 Khoảng 6 giờ sáng mùa hè ấm áp đầy ánh nắng ngày 20 tháng 7 năm 1944, Đại tá Stauffenberg cùng Trung uý tuỳ tùng Werner von Haeften đi qua những toà nhà đổ nát vì bom đạn ở Berlin để đến sân bay Rangsdorf. Trong chiếc cặp dày cộm là hồ sơ về những sư đoàn Vệ quốc quân mà lúc 1 giờ chiều ông sẽ trình bày cho Lãnh tụ tại Hang Sói ở Rastenburg, Đông Phổ. Giữa các hồ sơ là một quả bom được bọc trong một chiếc áo sơ mi .

Đó cũng là loại bom mà năm ngoái Tresckow và Schlabrendorff đã đặt trên máy bay của Lãnh tụ nhưng không nổ. Như ta đã biết, đó là kiểu bom của Anh, được kích hoạt bằng cách đập vỡ một cái ve nhỏ, khiến axit trong đó ăn mòn một sợi dây kim loại nhỏ, làm một lò xo bung ra và đánh vào kíp nổ. Tuỳ thuộc kích cỡ sợi dây kim loại mà bom nổ nhanh hoặc chậm. Lần này, họ dùng một sợi dây kim loại nhỏ nhất, sẽ bị ăn mòn trong vòng 10 phút .

Tại sân bay, Stauffenberg gặp Tướng Stieff, người đã trao quả bom vào đêm trước. Chiếc máy bay chở họ là của Tướng Eduard Wagner, Cục trưởng Hậu cần Lục quân và là người cầm đầu âm mưu ám sát, được ông điều đến cho chuyến bay quan trọng này. Máy bay cất cánh lúc 7 giờ, đáp xuống Rastenburg vào khoảng 10 giờ. Haeften yêu cầu cơ trưởng sẵn sàng cất cánh trở về Berlin bất cứ lúc nào sau giữa trưa .

Một chiếc ô tô đưa 2 người về Hang Sói, được xây giữa một khu rừng rậm âm u, ẩm ướt ở Đông Phổ. Kiến trúc được xây với 3 vòng, mỗi vòng được bảo vệ bằng bãi mìn, công sự bê tông ngầm, hàng rào dây điện và binh sĩ S.S. cuồng tín tuần tra cả ngày lẫn đêm. Đó là nơi chốn không dễ gì xâm nhập, hoặc thoát ra, như Stauffenberg sẽ thấy sau này. Để được phép vào khu vực bên trong được phòng vệ cẩn mật, nơi Hitler làm việc và ăn ngủ, dù là tướng lĩnh cao cấp nhất vẫn cần một giấy đặc biệt cho phép chỉ ra vào một lần, rồi phải qua sự khám xét của Thiếu tướng S.S. Rattenhuber, chỉ huy an ninh dưới quyền Himmler, hoặc người phụ tá của Rattenhuber. Tuy nhiên, vì Hitler đã ra lệnh triệu Stauffenberg đến, ông và Haeften chỉ bị khám xét qua loa. Sau khi dùng bữa điểm tâm với Đại uý von Moellendorf, phụ tá cho chỉ huy trưởng doanh trại, Stauffenberg đi tìm Tướng Fritz Fellgiebel, Cục trưởng Thông tin thuộc Bộ tư lệnh Lục quân .

Fellgiebel là một trong những người chủ chốt của kế hoạch ám sát Hitler. Stauffenberg phải đảm bảo Fellgiebel báo tin việc ám sát về Berlin để ở đây có thể động binh ngay. Rồi Fellgiebel phải cô lập tổng hành dinh Lãnh tụ bằng cách đóng mọi đường điện thoại, điện tín và thu phát sóng. Không ai có khả năng làm việc này bằng Cục trưởng Thông tin và nhóm âm mưu cảm thấy may mắn có ông tham gia .

Sau khi đến gặp Tướng Buhle, đại diện Lục quân tại Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, Stauffenberg đi đến khu vực của Tướng Keitel, cởi mũ và thắt lưng treo lên tường trong gian tiền phòng rồi bước vào văn phòng của Keitel .

đây, ông được biết mình phải tiến hành mọi việc nhanh hơn dự kiến. Lúc đó là quá giữa trưa và Keitel cho biết vì Mussolini sẽ đến bằng xe lửa lúc 2 giờ 30 chiều, nên buổi họp của Lãnh tụ sẽ bắt đầu lúc 12 giờ 30 thay vì 1 giờ. Keitel bảo Stauffenberg nên báo cáo nhanh gọn. Hitler muốn kết thúc sớm buổi họp .

Kết thúc trước khi bom nổ? Hẳn Stauffenberg đã nghĩ liệu một lần nữa định mệnh khiến ông phải thất bại hay không và có lẽ thất bại ở cơ hội cuối cùng. Ông cũng mong lần này buổi họp với Hitler sẽ diễn ra trong boong-ke chìm dưới mặt đất, nơi quả bom sẽ có sức công phá mạnh hơn vài lần so với tầng trên. Nhưng Keitel cho biết buổi họp sẽ diễn ra trong phòng họp của doanh trại. Nhưng đấy không phải là doanh trại thông thường. Hitler đã ra lệnh xây thêm một bức tường bê-tông dày gần nửa mét để bảo vệ chống cháy và bom đạn. Bức tường này sẽ tăng sức công phá cho quả bom của Stauffenberg .

Ít phút trước 12 giờ 30, Keitel bảo Stauffenberg phải đến phòng họp ngay kẻo muộn. 2 người vừa đi được ít bước thì Stauffenberg nói ông để quên mũ và thắt lưng trong gian tiền phòng, rồi lập tức đi trở lại. Keitel không có thời giờ để ra lệnh Trung uý tuỳ viên von John, lúc ấy đang đi kế bên, quay trở lại lấy mũ và thắt lưng cho khách .

Trong gian tiền phòng, Stauffenberg nhanh chóng mở chiếc cặp, cầm cái kìm bằng 3 ngón tay để bấm vỡ cái ve. Chỉ trong vòng 10 phút quả bom sẽ nổ, trừ phi có khuyết điểm gì khác .

Vốn thích nịnh trên nạt dưới, Keitel tỏ ra nóng nảy vì sự chậm trễ, quay trở lại và lớn tiếng kêu Stauffenberg nên gấp rút. Ông nói họ đã bị muộn. Stauffenberg lên tiếng xin lỗi. Hẳn Keitel nhận ra rằng một người tàn tật như Stauffenberg sẽ mất nhiều thời gian hơn người thường để mang thắt lưng, nên Keitel không nghi ngờ gì và nhanh chóng hoà hoãn trở lại .

Đúng như Keitel đã nói, 2 người bị muộn. Khi họ vừa bước qua cửa phòng họp, Stauffenberg dừng lại để báo cho thượng sĩ trực tổng đài điện thoại là ông đang chờ một cuộc gọi từ văn phòng của mình ở Berlin để có thông tin mới nhất mang ra báo cáo trong buổi họp và cần được thông báo ngay khi có cuộc gọi này. Ông nói thế là để cho Keitel nghe được. Việc này là bất thường: ngay cả một Thống chế cũng chỉ được đi ra khỏi phòng họp với Lãnh tụ khi được sai khiến hoặc khi buổi họp chấm dứt, hơn nữa chỉ được đi ra sau khi Hitler bước ra. Nhưng Keitel lại không tỏ vẻ ngờ vực gì .

2 người đi vào phòng họp. Khoảng 4 phút trôi qua kể từ khi Stauffenberg kích hoạt quả bom, còn 6 phút nữa. Phòng họp khá nhỏ, rộng chưa đến 5 m và dài chưa đến 10 m. Có nhiều cửa sổ mở, như thế sẽ làm giảm sức công phá của quả bom. Giữa phòng là một cái bàn hình chữ nhật rộng khoảng 1,5 m và dài khoảng 5,5 m, làm bằng những tấm gỗ sồi dày. Đó là một cái bàn đóng theo kiểu đặc biệt, không có 4 chân nhưng tựa lên 2 cái bệ ở gần đầu bàn và kéo dài gần hết chiều rộng. Và chiếc bàn với cấu trúc thú vị này sẽ ảnh hưởng tới diễn tiến của lịch sử .

Khi Stauffenberg bước vào, Hitler ngồi ở giữa chiều dài cái bàn, quay lưng về cánh cửa. Phía tay phải ông là Tướng Heusinger, Trưởng phòng Hành quân kiêm Tham mưu phó Lục quân, Tướng Korten, Tham mưu trưởng Không quân và Đại tá Heinz Brandt, Chỉ huy ban tham mưu dưới quyền Heusinger. Keitel đến đứng bên tay phải của Hitler, bên cạnh ông ta là Jodl. Có 18 sĩ quan khác của ba quân chủng và S.S. đứng xung quanh cái bàn, nhưng Goering và Himmler không có mặt. Chỉ có Hitler và 2 người ghi tốc ký là ngồi .

Heusinger đang báo cáp tình hình bi thảm trên mặt trận trung tâm ở Liên Xô và cả vị trí chông chênh của quân Đức kể cả ở 2 mặt trận Nam và Bắc. Keitel chen vào để thông báo sự hiện diện của Đại tá von Stauffenberg và mục đích của ông này. Hitler ngước lên nhìn anh Đại tá cụt 1 bàn tay, 1 bên mắt được che kín, chào hỏi cụt lủn rồi nói rằng ông muốn nghe Heusinger báo cáo cho xong trước rồi mới nghe Stauffenberg báo cáo .

Stauffenberg đến đứng giữa Korten và Brandt gần cái bàn, cách Hitler vài bước bên tay phải ông này. Ông đặt chiếc cặp trên mặt sàn, đẩy vào dưới bàn cho dựa vào mặt trong của cái bệ, chỉ cách chân của Hitler 2 m. Lúc đó là 12 giờ 37. Còn 5 phút nữa. Heusinger tiếp tục báo cáo, liên tục chỉ xuống tấm bản đồ trải trên mặt bàn. Hitler và những người khác luôn nghiêng người xuống để xem tấm bản đồ .

Dường như không ai để ý khi Stauffenberg lẻn ra ngoài. Có lẽ ngoại trừ Brandt. Ông này chăm chú nghe Heusinger báo cáo đến nỗi ông xê dịch đến gần để nhìn rõ hơn, bị vướng chiếc cặp dày cộm của Stauffenberg, cố dùng một chân đẩy nó qua một bên, rồi cúi xuống dùng tay nhấc chiếc cặp lên và đặt xuống mặt ngoài của cái bệ. Vì thế, cái bệ đã che chắn giữa quả bom và Hitler. Sau này, Đô đốc Kurt Assmann, người hiện diện trong buổi họp, khai với Đồng minh là Stauffenberg đã nói nhỏ với Brandt: "Tôi phải ra ngoài để gọi điện. Trông chừng chiếc cặp của tôi. Có tài liệu mật trong đó." Động thái đơn giản của Brandt có lẽ đã cứu sống Hitler, nhưng khiến cho Brandt phải chết. Có một định mệnh khó lý giải ở đây. Như ta đã biết, Đại tá Brandt chính là người vô tội mà Tresckow đã nhờ mang "cặp rượu cognac" trên máy bay của Hitler vào ngày 13 tháng 3 năm 1943. Ông không hề biết đó là quả bom – cùng loại bom mà bây giờ ông vô tình đẩy ra bên ngoài cái kệ, tránh xa khỏi Hitler .

Với nhiệm vụ báo hiệu cho Stauffenberg bắt đầu báo cáo, Keitel nhìn nơi Stauffenberg đã đứng ít phút trước. Heusinger báo cáo đã gần xong và Keitel muốn ra hiệu cho Stauffenberg biết để bắt đầu báo cáo tiếp nối. Có lẽ Stauffenberg cần có người phụ giúp lấy tài liệu ra khỏi chiếc cặp. Nhưng Keitel vô cùng phiền hà khi không thấy Stauffenberg ở đâu. Nhớ lại là Stauffenberg đã báo cho thượng sĩ trực tổng đài điện thoại, Keitel lén ra khỏi phòng họp để đi tìm anh Đại tá có hành động kỳ lạ này .

Stauffenberg không có mặt ở tổng đài điện thoại. Người thượng sĩ nói Stauffenberg đã vội vã đi ra ngoài. Keitel trở vào phòng họp với tâm trạng bối rối, Heusinger đang đi đến phần kết luận của bài báo cáo: "Quân Nga đã tiến công với lực lượng mạnh phía Tây Duna và tiến về hướng Bắc. Mũi nhọn của họ đã đến Đông Nam Dunaburg. Nếu tập đoàn quân của ta quanh hồ Peipus không rút lui, một thảm hoạ..." Đúng vào lúc này, 12 giờ 42, quả bom phát nổ .

Stauffenberg đã chứng kiến tất cả những gì xảy ra kế tiếp. Ông đang đứng bên Tướng Fellgiebel trước văn phòng ông này ở boong-ke cách đấy gần 100 m, lo lắng nhìn đồng hồ rồi hướng mắt về phía phòng họp. Ông thấy khói bốc lên rồi một ngọn lửa giống như một quả đạn pháo 155 li rơi xuống. Thân người bị ném ra khỏi khung cửa sổ, mảnh vụn bay tứ tung lên không trung. Stauffenberg phấn khích tin chắc rằng mọi người có mặt trong phòng họp đều đã chết hoặc đang hấp hối. Ông vội vàng từ giã Fellgiebel, trong khi ông này đang gọi điện báo cho nhóm âm mưu ở Berlin biết vụ ám sát đã thành công, rồi cắt hệ thống thông tin .

Hành động kế tiếp của Stauffenberg là phải nhanh chóng thoát ra khỏi tổng hành dinh Rastenburg. Binh sĩ bảo vệ ở các chốt ra vào đã nghe tiếng nổ phát ra từ phòng họp của Hitler và lập tức phong toả mọi lối ra. Tại chốt thứ nhất, cách boong-ke của Fellgiebel vài mét, chiếc xe của Stauffenberg bị chặn lại. Ông nhảy ra khỏi xe và yêu cầu được nói chuyện với sĩ quan trực nhà bảo vệ. Với sự hiện diện của sĩ quan này, Stauffenberg gọi điện cho ai đấy – không rõ là ai – trao đổi ngắn gọn, gác máy rồi quay qua người sĩ quan, nói: "Trung uý, tôi được phép đi qua." Đó chỉ là trò tháu cáy, nhưng có hiệu quả. Sau khi người sĩ quan ghi vào sổ trực: "12 giờ 44, Đại tá Stauffenberg đi qua" rồi hiển nhiên gọi đến chốt gác thứ hai để cho xe của Stauffenberg đi qua. Tại chốt gác thứ ba thì khó khăn hơn. Ở đây, binh sĩ bảo vệ đã nhận lệnh báo động, hạ cổng xuống và tăng cường bảo vệ, không cho ai đi ra hoặc đi vào. Xe của Stauffenberg và Trung uý tuỳ tùng Haeften bị một thượng sĩ cứng đầu tên là Kolbe chặn đường. Một lần nữa, Stauffenberg yêu cầu được sử dụng điện thoại và gọi cho Đại uý von Moellendorf, phụ tá cho chỉ huy trưởng của doanh trại. Ông phàn nàn rằng binh sĩ bảo vệ không cho ông đi qua "vì lý do vụ nổ. Tôi có việc gấp. Tướng Fromm đang đợi tôi ở sân bay." Đây cũng là trò tháu cáy: Stauffenberg biết rõ rằng Fromm đang ở Berlin .

Sau khi gác máy, Stauffenberg quay qua người Thượng sĩ: "Ông nghe đây, tôi được phép đi qua." Nhưng người Thượng sĩ không chịu thua. Anh gọi điện cho Moellendorf để xin xác nhận. Đại uý Moellendorf xác nhận .

Sau đó, chiếc xe chạy đến sân bay trong khi Trung uý Haeften vội vã tháo rời một quả bom khác đựng trong chiếc cặp của anh này, ném qua bên vệ đường, về sau được Mật vụ tìm thấy. Chỉ huy sân bay chưa nhận được lệnh báo động. Cơ trưởng đã nổ máy khi thấy 2 người tiến đến. Trong vòng 1 hoặc 2 phút, chiếc máy bay cất cánh .

Ít phút sau 1 giờ trưa, Stauffenberg hẳn thấy 3 tiếng đồng hồ kế tiếp là thời gian dài nhất trong đời ông. Trong khi chiếc máy bay Heinkel hướng về Berlin, Stauffenberg không thể làm gì được, nhưng hy vọng Fellgiebel đã báo tin được cho Berlin và nhóm âm mưu đang khởi động để chiếm lấy thủ đô, phát đi những thông cáo được soạn sẵn đến các chỉ huy quân sự, thêm vào đó máy bay của ông sẽ không bị bắt buộc hạ cánh bởi máy bay chiến đấu Đức hay máy bay Nga vốn lúc này đang hoạt động mạnh trên Đông Phổ. Máy bay của Stauffenberg không có máy thu thanh tầm xa để bắt sóng từ Berlin, trong khi đó ông hy vọng những người âm mưu sẽ loan báo tin phấn khởi trước khi ông hạ cánh. Và ông cũng không thể thông báo cho thân hữu ở thủ đô để phòng trường hợp Fellgiebel không liên lạc được với họ .

Máy bay đáp xuống Rangsdorf lúc 3 giờ 45 chiều. Trong tinh thần phấn khởi, Stauffenberg chạy đến nơi đặt điện thoại ở sân bay để gọi cho Tướng Olbricht để biết chắc chắn họ đã làm những gì trong thời gian 3 tiếng đồng hồ qua. Ông cực kỳ lo lắng khi được biết không ai làm gì cả. Lúc 1 giờ, Fellgiebel gọi đến báo tin về vụ nổ nhưng đường dây quá nhiễu nên nhóm âm mưu không rõ Hitler đã chết hay chưa. Vì thế, họ không làm gì cả. Các chỉ thị triển khai Phương án Valkyrie đã được lấy ra từ két sắt của Olbricht nhưng không được gửi đi. Mọi người đều chờ đợi Stauffenberg trở về. 2 người được chỉ định trong chế độ mới: Tướng Beck (tân Tổng thống) và Thống chế von Witzleben (tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực), đáng lẽ đã phải ban hành những thông cáo và chỉ thị được soạn sẵn, đồng thời lên tiếng trên sóng phát thanh. Nhưng lúc này, họ vẫn chưa xuất hiện .

Trái ngược với sự tin tưởng của Stauffenberg, Hitler đã không chết. Hành động vô tình của Brandt khi dời chiếc cặp ra mặt ngoài của cái bệ cứu mạng sống của Hitler. Ông bị một phen hốt hoảng nhưng chỉ bị thương nhẹ. Tóc ông bị cháy sém, 2 chân bị bỏng, cánh tay phải bị bầm và tạm thời tê liệt, 2 màng nhĩ bị thủng và lưng trầy xước vì bị vật cứng rơi trúng. Theo một nhân chứng kể lại, khi Hitler được đưa từ trong đống đổ nát ra, người ta hầu như không nhận ra ông: mặt đen nhẻm, tóc đang bốc khói và quần áo tơi tả. Như có phép lạ, Keitel không bị thương. Nhưng phần đông người đứng gần đầu cái bàn nơi quả bom nổ đều chết, hấp hối hoặc bị thương nặng. Người ghi tốc ký chết tại chỗ, còn Đại tá Brandt, Tướng Schmundt, tuỳ viên của Hitler và Tướng Korten chết vì bị thương nặng. Tất cả những người khác, kể cả các tướng Jodl, Tham mưu trưởng Không quân Bodenschats và Heusinger, đều bị thương ít nhiều .

Trong sự hoảng hốt lúc đầu, có vài sự suy đoán về nguồn gốc vụ nổ. Ban đầu, Hitler nghĩ đây có thể do một máy bay địch lén đến tấn công. Jodl, bị một vết thương chảy máu trên đầu do nhiều mảnh vỡ của cả một chùm đèn rơi trúng, cho rằng một số công nhân xây dựng đã gài một quả bom hẹn giờ trên sàn nhà. Lỗ hổng sâu trên sàn có vẻ như xác nhận điểu này. Phải qua một thời gian, Stauffenberg mới bị nghi ngờ. Chạy đến hiện trường sau khi nghe tiếng nổ, Himmler hoàn toàn cảm thấy khó hiểu. Động thái đầu tiên của ông là gọi điện – 1 hoặc 2 phút trước khi Fellgiebel cắt liên lạc viễn thông – cho Nebe, chỉ huy cảnh sát hình sự ở Berlin, để ông này phái đến một nhóm thám tử để điều tra .

Trong sự hoang mang và sợ hãi, không ai nhớ ra rằng Stauffenberg đã lén rời khỏi phòng họp trước vụ nổ. Thoạt đầu, người ta tin rằng ông còn ở trong toà nhà và bị thương nặng nên đã được đưa đi bệnh viện, vẫn chưa nghi ngờ về Stauffenberg, Hitler chỉ thị kiểm tra ở bệnh viện .

Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau vụ nổ, manh mối bắt đầu được lắp ghép lại. Người Thượng sĩ trực tổng đài điện thoại báo cáo rằng vị "Đại tá chột mắt", người đã báo là đang chờ một cuộc gọi từ Berlin, đã đi ra khỏi phòng họp và không chờ cuộc gọi mà hấp tấp đi ra khỏi toà nhà. Vài thành viên buổi họp nhớ lại rằng Stauffenberg đã để lại chiếc cặp dưới cái bàn. Binh sĩ bảo vệ ở các chốt gác nhớ lại rằng Stauffenberg và tuỳ viên của ông đã đi qua ngay sau vụ nổ .

Hitler bắt đầu dấy lên nỗi ngờ vực. Khi gọi đến sân bay Rastenburg, nơi đây cho biết Stauffenberg đã cất cánh ít lâu sau 1 giờ chiều, điểm đến là sân bay Rangsdorf. Himmler lập tức ra lệnh bắt giữ Stauffenberg ở đấy, nhưng chỉ thị của ông không thể đến Berlin do động thái can đảm của Fellgiebel khi cắt đường dây viễn thông. Cho đến lúc ấy, không ai ở tổng hành dinh nghĩ sẽ có biến cố xảy ra ở Berlin. Họ đều tin rằng Stauffenberg là thủ phạm duy nhất. Sẽ không khó để bắt giữ ông, trừ phi ông bay sang Liên Xô. Dù tình hình hỗn loạn, Hitler vẫn có vẻ điềm tĩnh, vì đầu óc đang bận rộn chuyện khác. Ông phải tiếp đón Mussolini, sẽ đến vào lúc 4 giờ chiều thay vì 2 giờ 30 chiều, do chuyến xe lửa chở ông này khởi hành muộn .

Tiến sĩ Schmidt, người làm thông dịch, kể lại: "Mussolini đã kinh hãi tột cùng. Ông không thể hiểu được làm thế nào mà một chuyện như thế lại có thể xảy ra tại tổng hành dinh." Hitler kể với Mussolini: "Tôi đang đứng bên cái bàn ở đây, quả bom phát nổ ngay phía trước chân tôi... Hiển nhiên là tôi không việc gì, chắc chắn đó là định mệnh đã khiến cho tôi được tiếp tục con đường của mình và hoàn tất nghĩa vụ... Bây giờ đã thoát chết... tôi càng tin tưởng mạnh mẽ rằng sự nghiệp vĩ đại mà tôi phục vụ sẽ thoát khỏi những hiểm nguy hiện tại và mọi điều sẽ đi đến kết cục tốt đẹp." Vẫn thường bị ngôn từ của Hitler lôi cuốn, Mussolini đồng ý: "Tình thế của chúng ta đang rất xấu, nếu không muốn nói là tuyệt vọng, nhưng những gì xảy ra ở đây đã tạo cho tôi sự can đảm. Sau phép lạ [này], khó mà tin rằng sự nghiệp của chúng ta sẽ gặp vận rủi." Cùng với các tuỳ tùng, 2 nhà độc tài đi dùng trà và ở đây – khoảng 5 giờ chiều – đã diễn ra một quang cảnh khó tin cho thấy hình ảnh của những lãnh đạo Quốc xã hèn hạ, xơ xác vào thời điểm của một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của Đế chế Thứ Ba. Lúc này, hệ thống viễn thông của Rastenberg đã được khôi phục do lệnh trực tiếp của Hitler, đồng thời những báo cáo đầu tiên từ Berlin đưa đến đã cho thấy rằng thực sự có một cuộc nổi dậy quân sự ở đây và có lẽ là cả ở mặt trận phía Tây. Các thuộc hạ của Hitler đang tố cáo lẫn nhau ầm ĩ trong khi Hitler ngồi yên ủ rũ, còn Mussolini thì đang cảm thấy bối rối .

Đô đốc Doenitz bay đến Rastenburg lúc tiệc trà vừa bắt đầu và mắng nhiếc sự phản trắc của Lục quân. Thay mặt cho Không quân, Goering ủng hộ Doenitz. Rồi Doenitz chê trách Goering vì sự thất bại nặng nề của Không quân. Sau khi tự chống chế, vị Thống chế Đế chế to béo công kích người mà ông luôn có ác cảm, Ribbentrop, vì sự sụp đổ trong chính sách ngoại giao của Đức, thậm chí ông còn doạ đánh vị Ngoại trưởng kiêu ngạo bằng cây gậy Thống chế của mình. Ông kêu lên: "Thằng ranh bán rượu sâm panh kia! Câm miệng lại!" Ribbentrop không chịu câm miệng vì ông muốn ngay cả Thống chế Đế chế cũng phải tôn trọng mình: "Tôi vẫn là Bộ trưởng Ngoại giao và tên tôi là von Ribbentrop." Ribbentrop vốn là người tiếp thị rượu sâm panh và cưới con gái của một nhà sản xuất rượu vang hàng đầu nước Đức. Cái tên quý phái "von" là của người dì nhận ông làm con nuôi – Gertrud von Ribbentrop – lúc ông 32 tuổi .

Rồi ai đấy nhắc đến một cuộc "nổi loạn" chống chế độ Quốc xã, "âm mưu" của Roehm ngày 30 tháng 6 năm 1934. Khi nghe nhắc đến việc này, đang ngồi ủ rũ ngậm những viên thuốc do lang băm Theodor Morell kê toa, Hitler nổi cơn giận dữ. Những nhân chứng cho biết Hitler đã nhảy dựng lên, 2 bên mép sùi bọt, la hét và cuồng loạn. Ông ta la lối rằng những gì mình đã làm đối với Roehm và đồng bọn phản trắc của anh ta sẽ không thấm gì so với những kẻ phản quốc ngày hôm nay. Ông ta sẽ tiêu diệt tất cả bọn họ. "Tôi sẽ đưa vợ con họ vào trại tập trung và không khoan dung gì cả!" Cũng như trong những trường hợp khác, Hitler đã làm đúng như lời mình nói .

Một phần do kiệt sức và cũng vì điện thoại từ Berlin bắt đầu đưa thêm tin tức về vụ nổi loạn quân sự, Hitler ngừng cuộc độc thoại điên cuồng, nhưng cơn giận dữ vẫn không giảm bớt. Ông tiễn Mussolini lên xe lửa – đó là lần cuối cùng 2 người từ biệt nhau – rồi trở về tổng hành dinh. Khoảng 6 giờ chiều, khi nghe tin vẫn chưa dập tắt được cuộc nổi loạn, Hitler la thét, ra lệnh cho lực lượng S.S. ở Berlin bắn bỏ bất kỳ người nào dù chỉ nghi ngờ chút ít. Ông hét lên: "Himmler ở đâu? Tại sao ông ta không có mặt ở đây?" Ông quên rằng chỉ 1 tiếng đồng hồ trước, ông đã ra lệnh cho Himmler bay về Berlin để dập tắt một cách không thương xót đám nổi dậy và Himmler vẫn còn ở trên máy bay .

Khi đáp xuống Rangsdorf lúc 3 giờ 45 chiều, Stauffenberg chán nản khi thấy cuộc nổi loạn khởi động một cách chậm chạp tuy đã được trù định một cách cẩn thận từ lâu. Họ đã mất 3 tiếng đồng hồ quý giá khi tổng hành dinh của Lãnh tụ bị mất liên lạc với bên ngoài .

Stauffenberg không thể hiểu được tại sao và các sử gia khi cố gắng chắp nối những sự kiện với nhau cũng không tài nào hiểu nổi. Dù những người chủ chốt trong nhóm âm mưu đã biết Stauffenberg "mang trọng trách" đến dự cuộc họp với Lãnh tụ lúc 1 giờ trưa, nhưng vài người, phần lớn là cấp thấp, vẫn nhẩn nha đi đến Tổng hành dinh Dân quân – cũng là tổng hành dinh của nhóm nổi dậy – trên phố Bendlerstrasse lúc giữa trưa. Người ta còn nhớ lần trước, vào ngày 15 tháng 7, Tướng Olbricht đã ra lệnh cho binh sĩ tiến vào thủ đô 2 tiếng đồng hồ trước khi bom nổ. Nhưng ngày hôm nay 20 tháng 7, có lẽ vì sợ rủi ro ông đã không ra lệnh như thế. Đêm trước, chỉ huy trưởng các đơn vị ở Berlin và ở các trại huấn luyện quanh vùng đã được nghe sẽ có lệnh triển khai Phương án Valkyrie vào ngày hôm sau, nhưng Olbricht muốn chờ cho đến khi Fellgiebel ở Rastenberg thông báo rồi mới động binh. Tướng Hoepner, với bộ quân phục mà Hitler cấm ông mặc, đi đến phố Bendlerstrasse lúc 12 giờ 30 – đúng vào lúc Stauffenberg đang kích hoạt quả bom – rồi cùng Olbricht đi ăn trưa, thậm chí họ còn chia nhau nửa chai rượu vang để chúc mừng sự thành công .

Họ vừa quay lại văn phòng của Olbricht thì Tướng Fritz Thiele, Tổng Cục trưởng Thông tin thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, đã phấn khích thông báo là tuy đường điện thoại không tốt và Fellgiebel rất dè dặt, nhưng dường như bom đã nổ tuy bây giờ vẫn chưa biết rõ Hitler sống chết ra sao. Trong trường hợp này, Thiele kết luận rằng không nên ban bố lệnh triển khai Phương án Valkyrie. Olbricht và Hoepner đồng ý .

Thế là, từ 1 giờ 15 đến 3 giờ 45, lúc Stauffenberg đáp xuống Rangsdorf, không ai làm gì cả. Binh sĩ không được huy động, chỉ huy binh sĩ ở các thành phố không nhận được chỉ thị gì và có lẽ điều lạ lùng nhất là không ai nghĩ đến việc chiếm đóng những đài phát thanh hoặc những tổng đài điện thoại và điện tín. 2 chỉ huy quân sự chủ chốt là Beck và Witzleben vẫn chưa xuất hiện .

Rốt cuộc là khi Stauffenberg đi đến, nhóm âm mưu mới khởi sự hành động. Từ sân bay Rangsdorf, Stauffenberg gọi điện thúc giục Tướng Olbricht không nên chờ cho đến khi ông đến tổng hành dinh – phải mất 45 phút để ông đi từ sân bay về – mà nên phát lệnh triển khai Phương án Valkyrie ngay. Cuối cùng, nhóm âm mưu đã có người ra mệnh lệnh. Đại tá tham mưu trưởng Mertz von Quirnheim dưới quyền Olbricht thuộc Cục Tổng hợp-Thanh tra, bạn thân của Stauffenberg, bắt đầu phát lệnh qua đường viễn ký và điện thoại. Lệnh đầu tiên báo động với binh sĩ ở Berlin và các vùng phụ cận. Lệnh thứ hai được Stauffenberg tiếp ký – vì đã được soạn thảo nhiều tháng trước – thông báo Lãnh tụ đã chết và Witzleben đang "chuyển giao quyền hành pháp" cho tư lệnh các quân khu trong nước và chỉ huy trưởng các đơn vị trên chiến trường. Thống chế Witzleben vẫn chưa đến phố Bendlerstrasse. Ông mới đi đến Zossen, cách Berlin 40 km về hướng Đông Nam, hội ý với Tướng Cục trưởng Hậu cần Lục quân Wagner. 2 vị tướng cấp cao trong nhóm âm mưu đang hành động theo cách nhàn nhã nhất trong ngày định mệnh này .

Với mệnh lệnh đã được phát đi – một số lệnh mang tên Fromm mà ông này không biết – Olbricht đi đến văn phòng Tư lệnh Dân quân, nói với Fromm rằng Fellgiebel báo về cho biết Hitler đã bị ám sát và khuyên ông nên lĩnh nhiệm vụ chỉ huy triển khai Phương án Valkyrie. Nhưng cũng như Kluge, Fromm là người giỏi chân trong chân ngoài, ông chỉ tiến hành khi nào đã chắc ăn. Ông muốn có chứng cứ rõ ràng rằng Hitler đã chết .

Đến lúc này, Olbricht đã phạm một trong những sai lầm hệ trọng nhất vào ngày hôm ấy. Ông chắc chắn rằng Hitler đã chết, theo lời của Stauffenberg khi gọi điện từ sân bay Langsdorf. Ông cũng biết rằng Fellgiebel đã đóng hệ thống điện thoại ở Rastenburg suốt buổi chiều. Thế nên ông có đủ can đảm mà nhấc điện thoại yêu cầu nối đường dây với Keitel. Ông hoàn toàn kinh ngạc khi nhận ra đường dây đã nối được ngay với Keitel – vì như ta biết, mạng viễn thông đã được khôi phục nhưng ông không biết. Keitel báo cho Fromm biết Hitler vẫn còn sống, còn Fromm báo lại rằng Stauffenberg vẫn chưa trở về .

Thế là từ lúc đó trở đi, Fromm đã tách xa khỏi nhóm âm mưu và gây ra hậu quả thảm khốc cho nhóm này .

Sau giây phút điếng người, Olbricht lặng lẽ bước ra khỏi văn phòng. Vừa lúc ấy, Tướng Beck đi đến, mặc bộ đồ dân sự sẫm màu – có lẽ nhằm tỏ rõ hành động đảo chính không có tính chất quân sự. Đáng lẽ ông phải nắm quyền điều động, nhưng người điều động thật sự là Đại tá Stauffenberg, vừa hổn hển đi đến lúc 4 giờ 30 chiều. Ông này vắn tắt báo cáo vụ nổ mà ông khẳng định là tận mắt mình nhìn thấy. Khi Olbricht cho biết Keitel đã báo tin Hitler còn sống, Stauffenberg trả lời rằng Keitel chỉ nói dối nhằm kéo dài thời gian và rằng dù sao đi nữa, họ vẫn phải nắm bắt thời cơ mà lật đổ chế độ Quốc xã. Beck đồng ý. Ông nói, đối với ông, dù nhà độc tài còn sống hay đã chết thì cũng thế thôi. Họ phải tiến hành xoá sạch chế độ hà khắc của ông ta .

Vấn đề ở chỗ: Sau sự trì trệ và trong tình hình mù mờ, dù đã trù định bao lâu nay, họ vẫn không biết nên tiến hành như thế nào. Chỉ khi Tướng Thiele cho biết tin báo Hitler còn sống sẽ được truyền qua đài phát thanh quốc gia, họ mới nhớ ra rằng họ đã không hề nghĩ đến việc đầu tiên là phải chiếm giữ đài phát thanh, ngăn chặn tiếng nói của Quốc xã và thay vào đó là phát đi các tuyên bố của họ. Nếu không có sẵn binh sĩ làm việc này thì cảnh sát Berlin đáng lẽ có thể làm được. Bá tước von Helldorf, chỉ huy trưởng cảnh sát và can dự sâu vào âm mưu, đã sốt ruột trông chờ từ giữa trưa để hành động với lực lượng đông đảo có sẵn. Nhưng không có tin báo gì, thế nên lúc 4 giờ chiều ông đi đến phố Bendlerstrasse để xem xét tình hình. Olbricht cho ông biết có thể đặt cảnh sát dưới sự chỉ huy của Quân đội. Nhưng binh sĩ vẫn chưa có – chỉ có một số sĩ quan đang hoang mang đi đi lại lại ở tổng hành dinh mà không có ai để sai khiến .

Thay vì giải quyết ngay vấn đề này, Stauffenberg lại khẩn trương gọi cho người anh họ là Trung tá Caesar von Hofacker đang ở tổng hành dinh của Tướng von Stuelpnagel tại Paris, thúc giục những người âm mưu ở đây hành động. Đúng là việc này rất quan trọng, vì âm mưu được tổ chức chặt chẽ hơn Pháp và được hỗ trợ bởi các sĩ quan quân đội quan trọng hơn ở những nơi khác ngoại trừ Berlin. Stuelpnagel đã chứng tỏ rằng ông năng động hơn các tướng lĩnh của mình ở trong nước. Trước khi trời tối, ông đã bắt giam tất cả 1.200 sĩ quan cùng binh sĩ S.S. và S.D. ở Paris, kể cả Chỉ huy trưởng của họ, Thiếu tướng S.S. Karl Oberg. Nếu ở Berlin có những hoạt động năng nổ và quyết đoán như thế, thì đáng lẽ lịch sử đã được xoay chiều .

Sau khi thông báo với Paris, Stauffenberg quay sang vị tướng cứng đầu Fromm, thủ trưởng trực tiếp của ông, đang từ chối tham gia nhóm âm mưu sau khi được biết Hitler còn sống. Beck không muốn tranh luận, nên Stauffenberg cùng Olbricht đi gặp Fromm. Olbricht nói với Fromm là Stauffenberg có thể xác nhận rằng Hitler đã chết .

Fromm cáu kỉnh nói: "Điều đó là không thể. Keitel đã nói với tôi điều ngược lại." Stauffenberg chen vào: "Keitel đã nói dối như thường lệ. Chính tôi đã nhìn thấy xác Hitler được mang ra ngoài." Câu xác minh từ tham mưu trưởng dưới quyền và cũng là nhân chứng làm cho Fromm suy nghĩ và im lặng. Nhưng Olbricht đã cố nhân cơ hội Fromm đang chần chừ mà nói, dù sao đi chăng nữa, lệnh triển khai Phương án Valkyrie đã được ban hành. Fromm nhảy dựng lên: "Đây là hành động bất phục tùng trắng trợn! Ai đã ra lệnh?" Khi được biết đó là Đại tá Mertz von Quirnheim, Fromm cho triệu vị sĩ quan đến và nói muốn bắt giữ ông này .

Stauffenberg cố gắng lần cuối để thu phục thủ trưởng của mình: "Thưa Đại tướng, chính tôi đã cho nổ quả bom trong cuộc họp của Hitler. Vụ nổ ngang bằng một quả đạn pháo 155 li. Không ai trong phòng họp có thể sống sót được." Nhưng Fromm là người lựa gió theo chiều quá tài tình nên không thể tháu cáy ông được: "Bá tước Stauffenberg ạ, âm mưu đã thất bại. Ông nên tự xử ngay đi." Stauffenberg lạnh lùng từ chối. Fromm tuyên bố bắt giữ cả 3 người khách: Stauffenberg, Olbricht và Mertz .

Olbricht trả lời: "Ông chỉ tự lừa dối. Chính chúng tôi sẽ bắt giữ ông." Một cuộc giằng co diễn ra mà theo một nguồn tin, Fromm đánh trúng mặt Stauffenberg. Fromm nhanh chóng bị khống chế rồi bị quản thúc trong văn phòng người tuỳ viên của mình dưới sự canh gác của Thiếu tá Ludwig von Leonrod. Nhóm âm mưu thận trọng cắt dây điện thoại trong phòng .

Stauffenberg trở về văn phòng của mình và thấy Thiếu tướng S.S. Piffraeder đã đến từ trước để bắt giữ ông. Sau đó, Piffraeder và 2 nhân viên S.D. bị quản thúc trong phòng kế bên. Rồi Tướng von Kortzfleisch, Chỉ huy quân sự ở quân khu Berlin-Brandenburg đến và hỏi chuyện gì đang xảy ra .

Khi von Kortzfleisch tỏ ra ương ngạnh, Beck ra lệnh quản thúc ông. Theo kế hoạch, Tướng von Thuengen được cử thay thế Tướng von Kortzfleisch .

Sự xuất hiện của Piffraeder đã nhắc cho Stauffenberg nhớ rằng nhóm âm mưu đã quên đặt người bảo vệ quanh toà nhà. Vì thế, một phân đội của Tiểu đoàn Cảnh vệ Đại Đức đã được điều đến đóng chốt. Thế là, khoảng 5 giờ chiều, nhóm âm mưu ít nhất đã kiểm soát được tổng hành dinh của mình, nhưng ở Berlin họ chỉ kiểm soát được có thế. Chuyện gì đã xảy ra cho các lực lượng có nhiệm vụ chiếm đóng thủ đô? Khoảng 4 giờ chiều, khi nhóm âm mưu bắt đầu hành động, Thiếu tướng von Hase, Tư lệnh Quân khu Berlin, gọi điện cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh vệ thiện chiến Đại Đức, ra lệnh báo động cho Tiểu đoàn và đến trình diện cấp chỉ huy ở Unter den Linden. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Otto Remer vừa được thăng cấp là người sẽ có vai trò chủ chốt trong ngày này, tuy vai trò ấy là điều mà nhóm âm mưu không hề muốn. Họ đã điều tra về anh vì tiểu đoàn của anh đã được phân nhiệm vụ quan trọng và hài lòng khi thấy anh là một sĩ quan không thiên về chính trị, người luôn sẵn sàng tuân lệnh cấp chỉ huy trực tiếp. Và chắc chắn anh là một người dũng cảm. Anh đã bị thương 8 lần và gần đây được chính Hitler gắn Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt với Lá sồi – một sự phong thưởng hiếm có .

Remer phát lệnh báo động cho Tiểu đoàn dưới quyền như được chỉ thị, rồi vội đi vào thành phố để nhận lệnh cụ thể của Hase. Vị tướng nói với anh về âm mưu ám sát Hitler và ra lệnh cho anh cô lập các văn phòng bộ ở khu Wilhelmstrasse và tổng hành dinh của S.S.. Đến 5 giờ 30, Remer làm xong nhiệm vụ và báo cáo về để chờ chỉ thị tiếp theo .

Đúng lúc đó, một nhân vật chen vào đã làm cho Remer trở thành kẻ thù của nhóm âm mưu. Tiến sĩ, Trung uý Hans Hagen đã nhận chức vụ sĩ quan chính trị Quốc xã trong tiểu đoàn của Remer. Anh cũng cộng tác với Tiến sĩ Goebbels ở Bộ Tuyên truyền và được phái đến Berlin. Anh tin chắc mình trông thấy Thống chế von Brauchitsch đang mặc quân phục ngồi trên một chiếc xe của Quân đội và lập tức nghĩ ra rằng các tướng lĩnh già có thể đang âm mưu gì đấy. Brauchitsch từ lâu đã bị Hitler cho ngưng chức và ngày hôm ấy không có mặt ở Berlin, nhưng Hagen quả quyết mình đã trông thấy ông. Hagen nói với Remer về nỗi nghi ngờ này, đúng lúc khi Remer vừa nhận lệnh chiếm lấy Wilhelmstrasse. Hagen càng thêm nghi ngờ, thuyết phục Remer cấp cho anh một chiếc mô tô, rồi chạy đến Bộ Thông tin và Tuyên truyền để thông báo cho Goebbels .

Hitler vừa gọi điện cho Goebbels, kể về vụ mưu sát và ra lệnh cho vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền lên đài phát thanh để báo tin là âm mưu đã thất bại. Dường như đó là tin tức đầu tiên về biến cố tại Rastenberg mà Goebbels nhận được. Rồi Hagen báo cho ông biết chuyện gì đang xảy ra Berlin. Lúc đầu, Goebbels tỏ vẻ ngờ vực – ông xem Hagen như người đến gây phiền nhiễu – và theo một nguồn tin, Goebbels đã định đuổi viên Trung uý ra ngoài, nhưng anh đề nghị ông nên ra cửa sổ mà tự quan sát. Goebbels bây giờ tin vào mắt mình hơn là tin lời nói cuồng loạn của Hagen. Quân đội đang chiếm giữ những vị trí quanh văn phòng bộ. Dù ngu dốt, Goebbels vẫn suy nghĩ rất nhanh, ông bảo Hagen đưa Remer đến gặp mình. Hagen làm theo, rồi biến mất khỏi lịch sử .

Thế là, trong khi những người âm mưu trong tổng hành dinh Dân quân ở phố Bendlerstrasse đang liên lạc với những tướng lĩnh khắp châu Âu và không để ý gì đến một sĩ quan cấp dưới như Remer, thì Goebbels lại liên lạc được với một người tuy cấp thấp nhưng lại quan trọng nhất vào thời khắc đặc biệt này .

Việc liên lạc là không tránh khỏi, vì Remer đã được lệnh bắt giữ Goebbels nhưng đồng thời nhận được tin Goebbels mời đến gặp. Remer dẫn theo 20 binh sĩ đi đến Bộ Thông tin và Tuyên truyền và anh dặn thuộc hạ đi tìm mình nếu trong vài phút anh không trở ra. Với khẩu súng lục trên tay, anh cùng một tuỳ viên đi vào để bắt giữ một trong những nhân vật Quốc xã quan trọng nhất ở Berlin .

Một trong số những biệt tài giúp Goebbels leo lên đến những nấc thang cao trong Đế chế Thứ Ba là khả năng ăn nói trong tình thế khó khăn – và đây là tình thế khó khăn nhất trong đời ông. Ông nhắc nhở Remer về lời tuyên thệ với Lãnh tụ. Remer trả đũa một cách dứt khoát rằng Hitler đã chết. Goebbels nói Lãnh tụ vẫn còn sống khoẻ mạnh – ông vừa nói chuyện với Lãnh tụ qua điện thoại. Ông có thể chứng minh điều này. Rồi ông nhấc máy xin nói chuyện khẩn với Hitler ở Rastenburg. Một lần nữa, việc nhóm âm mưu đã không chiếm lấy trung tâm viễn thông ở Berlin hoặc ít nhất cắt các đường dây đã tạo thêm thảm hoạ.Chỉ trong vòng 1, 2 phút, Hitler đã ở bên kia đầu dây. Goebbels nhanh chóng trao máy cho Remer. Thủ lĩnh quân phiệt hỏi viên Thiếu tá có nhận ra giọng nói của mình không. Vì giọng nói ấy đã được truyền trên sóng phát thanh cả trăm lần, ai ở Đức mà không nhận ra? Hơn nữa, chỉ vài tuần trước Remer đã nghe giọng nói ấy khi anh nhận huân chương từ Lãnh tụ. Thế là, viên Thiếu tá đứng nghiêm lại – Hitler ra lệnh cho anh đập tan nhóm nổi dậy và chỉ nghe theo mệnh lệnh của Goebbels. Ông còn nói mình vừa cử Himmler làm Tư lệnh Dân quân (lúc này đang bay đến Berlin) và Tướng Reinecke chỉ huy toàn bộ binh sĩ ở thủ đô. Lãnh tụ còn đặc cách thăng viên Thiếu tá lên Đại tá .

Đối với Remer, thế là đủ. Anh đã nhận lệnh từ cấp cao nhất và bây giờ anh sẽ tiến hành với tất cả lòng năng nổ mà tổng hành dinh nhóm nổi dậy không có. Anh rút Tiểu đoàn Cảnh vệ dưới quyền ra khỏi khu Wilhelmstrasse, chiếm giữ doanh trại Unter den Linden, cử binh sĩ đi tuần tiễu để ngăn chặn đội quân nào tiến về thủ đô, còn về phần mình, anh sẽ tự đi tìm hang ổ của nhóm nổi dậy để bắt đám chủ mưu .

Tại sao các tướng lĩnh và đại tá nổi dậy lại giao phó vai trò chủ chốt như thế cho Remer, tại sao vào phút chót họ không đặt anh dưới quyền một sĩ quan trung kiên với âm mưu, tại sao ít nhất họ không cử một sĩ quan đáng tin cậy đi theo Tiểu đoàn Cảnh vệ để đảm bảo họ tuân hành chỉ thị – đó là những điều khó hiểu trong ngày 20 tháng 7 này. Và lúc ấy, tại sao không lập tức bắt giữ Goebbels – nhân vật quan trọng và nguy hiểm nhất ở Berlin? Một vài nhân viên cảnh sát dưới quyền Bá tước von Helldorf có thể làm việc này trong 2 phút, bởi vì Bộ Thông tin và Tuyên truyền hoàn toàn không được phòng bị. Và tại sao nhóm âm mưu không chiếm lấy tổng hành dinh Mật vụ, trấn áp binh sĩ ở đây và phóng thích những người trong cùng nhóm âm mưu đang bị giam cầm? Tổng hành dinh Mật vụ cũng gần như không được phòng bị gì cả. Văn phòng Trung ương của RSHA, đầu não của S.D. và S.S., cũng thế. Người ta nghĩ đáng lẽ trước tiên phải chiếm lấy những cơ quan ấy. Không có lời giải đáp nào cho những câu hỏi này .

Lúc đầu, nhóm âm mưu không hề biết Remer đã thay đổi thái độ. Hiển nhiên là cũng chẳng ai biết được những gì đang diễn ra và khi họ biết được thì tất cả đã quá muộn. Ngay cả bây giờ, người ta vẫn không thể hiểu được, vì những người trong cuộc khai báo mâu thuẫn với nhau. Các đơn vị xe thiết giáp ở đâu? Binh sĩ trấn đóng những vùng xung quanh thủ đô ở đâu? Lúc 6 giờ 30 chiều, một đài phát thanh – với công suất mạnh đến mức toàn châu Âu có thể bắt sóng được – đã loan báo ngắn gọn về một âm mưu thất bại khi ám sát Hitler. Đó là đòn nặng cho nhóm âm mưu và cũng là sự cảnh báo cho thấy các lực lượng được giao nhiệm vụ chiếm đài phát thanh Berlin đã không làm tròn nhiệm vụ. Trong khi chờ đợi Remer đi đến, Goebbels đã có thể đọc qua điện thoại văn bản cho đài phát thanh. Lúc 6 giờ 45, Stauffenberg dùng máy viễn ký gửi thông báo đến các chỉ huy Lục quân nói rằng tin loan báo trên đài phát thanh là sai và rằng Hitler thật sự đã chết. Nhưng tai hoạ vẫn là không thể cứu vãn được. Các tướng lĩnh chỉ huy ở Prague và Vienna – đúng lúc đang chuẩn bị bắt giữ những lãnh đạo S.S. và Đảng Quốc xã – nay đã bắt đầu thoái lui .

Lúc 8 giờ 20 tối, Keitel gửi chỉ thị bằng máy viễn ký từ tổng hành dinh Lãnh tụ đến tất cả các cấp chỉ huy quân sự, báo tin Himmler đã được cử làm Tư lệnh Dân quân và rằng "chỉ được tuân theo lệnh của ông ấy và của tôi". Keitel nói thêm: "Mọi chỉ thị do Fromm, Witzleben hoặc Hoepner đưa ra là không có hiệu lực." Loan báo của đài phát thanh và chỉ thị của Keitel đã mang tính quyết định đối với Thống chế von Kluge, lúc ông sắp sửa gia nhập nhóm âm mưu. Ngay cả những đơn vị thiết giáp mà nhóm âm mưu mong đợi cũng không xuất hiện. Người ta có thể nghĩ rằng Tướng Hoepner, một người chỉ huy thiết giáp xuất chúng, đáng lẽ ra phải phụ trách điều động thiết giáp, nhưng thực tế là ông này đã không có cơ hội. Nhóm âm mưu đã ra lệnh cho Đại tá Wolfgang Glaesemer, Chỉ huy trưởng Trường thiết giáp ở Krampnitz, điều xe thiết giáp vào thủ đô và báo cáo với tổng hành dinh Dân quân ở phố Bendlerstrasse để nhận thêm chỉ thị. Nhưng Glaesemer lại không muốn tham gia nhóm âm mưu chống lại Quốc xã. Thuyết phục ông không được, Olbricht bèn quản thúc ông trong tổng hành dinh. Nhưng Glaesemer đã có cơ hội nói nhỏ với người tuỳ viên không bị bắt của mình, ra lệnh anh này báo cáo cho Ban Thanh tra quân chủng thiết giáp vốn có thẩm quyền trên mọi đơn vị thiết giáp và chỉ được nghe theo lệnh ở đó .

Vì thế, nhóm âm mưu không được thiết giáp hỗ trợ trừ vài chiếc tiến vào được trung tâm thành phố. Đại tá Glaesemer dùng một mẹo để trốn thoát. Ông nói với lính canh là đã quyết định chấp nhận tuân theo lệnh của Olbricht và sẽ đi chỉ huy các đơn vị thiết giáp, rồi thoát khỏi tổng hành dinh. Chẳng bao lâu, các đơn vị thiết giáp nhận lệnh rút khỏi thành phố. Vị Đại tá thiết giáp không phải là người duy nhất trốn thoát được khỏi cảnh giam cầm của nhóm âm mưu – một yếu tố khiến cho âm mưu nhanh chóng tan vỡ .

Lúc 8 giờ tối, Thống chế von Witzleben đi đến với bộ quân phục chỉnh tề và vung vẩy cây gậy thống chế trên tay để đảm nhiệm chức vụ tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực, rồi nhận ra ngay là âm mưu đã thất bại. Ông trách cứ Beck và Stauffenberg đã phá hỏng vụ nổi dậy. Trong phiên xử, ông khai với Thẩm phán là mình thấy rõ ràng âm mưu đã đổ vỡ ngay khi được biết thậm chí các trung tâm viễn thông vẫn không bị đánh chiếm. Nhưng bản thân ông đã không giúp gì, trong khi quyền hạn của một Thống chế có thể thu phục những chỉ huy quân sự ở trong Berlin và cả ở ngoài nước. Sau khi đến tổng hành dinh Bendlerstrasse được 45 phút, ông bước ra – và cũng tách ra khỏi nhóm âm mưu khi đó đã chắc chắn thất bại – ông đi đến khu Zossen, nơi ông đã chờ đợi suốt 7 tiếng đồng hồ, rồi nói với Tướng Cục trưởng Hậu cần Lục quân Wagner rằng cuộc nổi dậy đã thất bại, cuối cùng là đi về trang trại của mình ở miền nông thôn cách đó 50 km. Ngày hôm sau, ông bị bắt .

Và giờ đã đến lúc bức màn cho hồi kết được kéo lên .

Khoảng 9 giờ tối, nhóm âm mưu tê tái khi nghe đài phát thanh loan báo rằng Lãnh tụ sẽ phát biểu với nhân dân Đức vào đêm hôm ấy. Ít phút sau, lại có tin Tướng von Hase, Tư lệnh Quân khu Berlin, người điều động Thiếu tá Remer – giờ là Đại tá – đi làm nhiệm vụ, đã bị bắt, còn Tướng Reinecke được S.S. hỗ trợ đã nắm quyền chỉ huy tất cả lực lượng ở Berlin và đang chuẩn bị tiến chiếm tổng hành dinh Dân quân ở phố Bendlerstrasse .

Cuối cùng, lực lượng S.S. động binh, phần lớn là nhờ Otto Skorzeny, sĩ quan chỉ huy S.S. cương nghị lúc trước đã giải cứu Mussolini. Không được biết chuyện gì đang xảy ra vào ngày hôm ấy, Skorzeny đã đáp chuyến tàu đêm tốc hành đi Vienna, nhưng giữa đường con tàu bị chặn lại. Tướng S.S. Schellenberg, nhân vật số Hai của lực lượng S.D., kêu gọi ông xuống tàu. Skorzeny thấy tổng hành dinh S.D. trong tình trạng hoảng loạn, nhưng là người máu lạnh và có tài tổ chức, ông nhanh chóng tụ họp một số binh sĩ để hành động. Chính ông là người thuyết phục các đơn vị thiết giáp giữ lòng trung thành với Hitler .

Hành động đáp trả năng nổ ở tổng hành dinh Rastenberg, đầu óc lanh lẹ của Goebbels trong việc thuyết phục Remer và sử dụng đài phát thanh, sự hồi sinh của lực lượng S.S. ở Berlin, tình trạng hoang mang và bất động đến khó tin của nhóm âm mưu – tất cả đã khiến cho nhiều sĩ quan quân đội khi sắp gia nhập hoặc đã gia nhập vụ nổi dậy phải thoái lui. Trong số này có Tướng Otto Herturth, tham mưu trưởng của Tướng Kortzfleisch đã bị bắt. Kortzfleisch ban đầu hợp tác trong âm mưu để tập kết binh sĩ, rồi khi thấy tình hình không ổn ông lại đổi ý, gọi điện cho tổng hành dinh của Hitler lúc 9 giờ 30 tối để nói mình đang trấn áp quân nổi dậy. Nhưng việc này cũng không giúp ông thoát khỏi án tử hình .

Sau khi bị nhóm âm mưu bắt giữ vì từ chối cộng tác với họ, Tướng Fromm đã phải tự lo cứu lấy thân. Khoảng 8 giờ tối, sau khi bị quản thúc 4 tiếng đồng hồ, ông xin phép trở về phòng riêng của mình ở tầng dưới. Lấy danh dự của một quân nhân, ông hứa sẽ không tìm cách trốn thoát hoặc bắt liên lạc với bên ngoài. Tướng Hoepner đồng ý, thậm chí còn cho Fromm ăn uống khi nghe ông này than đói. Trước đó, 3 vị Tướng dưới quyền Fromm đến, từ chối tham gia âm mưu và yêu cầu cho gặp thủ trưởng. Điều khó hiểu là họ được phép đi gặp Fromm trong phòng riêng của ông này, dù cả ba cũng đang bị quản thúc. Fromm nói cho 3 người biết về một lối ra ít khi được sử dụng, qua đó họ có thể trốn thoát. Vi phạm lời hứa danh dự của mình, ông ra lệnh cho 3 vị Tướng tổ chức quân hỗ trợ, chiếm lấy toà nhà, giải thoát ông và dập tắt nhóm nổi dậy. 3 người lẻn ra ngoài mà không ai hay biết .

Nhưng có một số sĩ quan cấp thấp dưới quyền Olbricht, lúc trước tham gia âm mưu và còn đang lưỡng lự, lúc đó đã tự nhận ra tình hình: Họ sẽ bị treo cổ nếu âm mưu thất bại mà họ không chống lại kịp thời. Một nhóm 6-8 người trong bọn họ đã mang vũ khí đến tìm Olbricht và yêu cầu ông này giải thích sự tình. Stauffenberg đến xem việc gì đang xảy ra và bị bắt giữ. Khi cố tìm cách thoát thân, ông bị bắn vào cánh tay – do một tiếng súng duy nhất. Rồi nhóm chống nổi dậy nổ súng tứ tung nhưng không bắn trúng ai khác. Họ sục sạo rồi gom nhóm âm mưu lại. Beck, Hoepner, Olbricht, Stauffenberg, Haeften và Mertz bị đưa vào văn phòng của Fromm, rồi Fromm xuất hiện, vung vẩy khẩu súng lục. Ông yêu cầu nhóm âm mưu hạ vũ khí và tuyên bố bắt giữ họ. Khi Beck lên tiếng phản đối, Fromm đòi ông này phải tự sát. Beck bóp cò súng, nhưng viên đạn chỉ sượt qua da đầu ông và làm chảy máu chút ít. Rồi Fromm cho phép những người khác viết thư tuyệt mệnh. Olbricht và Hoepner ngồi xuống viết. Stauffenberg, Mertz, Haeften và những người khác đứng im lặng. Fromm bước ra khỏi phòng .

Ông nhanh chóng quyết định phải diệt trừ nhóm người này không những để giết người bịt miệng – vì tuy từ chối can dự tích cực vào âm mưu mà ông đã biết từ nhiều tháng trước, nhưng ông đã che chở và không cáo giác họ – mà còn để lấy lòng Hitler. Trong thế giới côn đồ của Quốc xã, như thế đã là quá muộn, nhưng ông không nhận ra .

5 phút sau, ông quay vào, tuyên bố "nhân danh Lãnh tụ" ông đã triệu tập một phiên xử của "toà án quân sự" (không có chứng cứ gì về chuyện này) và phiên toà đã tuyên án tử hình đối với 4 sĩ quan: "Đại tá Mertz của Bộ Tư lệnh Lục quân, Tướng Olbricht, Đại tá mà tôi không còn biết [Stauffenberg] và trung uý này [Haeften]." Hai tướng Olbricht và Hoepner vẫn còn đang viết thư tuyệt mệnh cho vợ. Tướng Beck ngồi rũ trên ghế mặt bê bết máu từ vết xước do viên đạn. Bốn người bị "tuyên án" tử hình đứng im lặng .

Rồi Hoepner kết thúc bức thư và đặt trên mặt bàn. Olbricht yêu cầu một bì thư, đặt bức thư vào và dán kín. Vào lúc ấy Beck đã tỉnh lại, ông yêu cầu một khẩu súng lục khác. Với cánh tay còn nguyên vẹn đang đẫm máu vì vết thương, Stauffenberg cùng 3 người kia bị dẫn ra ngoài. Fromm bảo Hoepner đi theo mình .

Trong khoảng sân, dưới ánh sáng lờ mờ của một chiếc xe quân đội với vải đen phủ ngoài 2 đèn pha, 4 người bị xử bắn một cách chóng vánh. Có vài sự lộn xộn và tiếng hô to, phần lớn là từ đám lính canh muốn làm cho nhanh vì sợ không kích – máy bay Anh vần vũ trên bầu trời Berlin hầu như mỗi đêm vào mùa hè này. Stauffenberg hô lên trước khi bị bắn: "Nước Đức thiêng liêng muôn năm!" Trong lúc này, Fromm cho Tướng Hoepner một chọn lựa. 3 tuần sau, Hoepner khai trước Toà án Nhân dân rằng Fromm đã nói với ông: "Này, Hoepner, vụ việc thật sự làm tôi đau lòng. Chúng ta là bạn và đồng chí tốt với nhau, anh biết đấy. Anh đã can dự vào vụ này và phải lĩnh hậu quả. Anh muốn làm theo cách của Beck hay không? Nếu không, bây giờ tôi sẽ bắt giữ anh." Hoepner trả lời rằng ông "không cảm thấy có tội" và nghĩ có thể tự "biện minh" được .

"Tôi hiểu điều ấy." Fromm trả lời và bắt tay ông. Hoepner bị đưa vào nhà tù quân sự tại Moabit .

Trong khi đang bị dẫn đi, Hoepner nghe tiếng nói mệt mỏi của Beck qua cánh cửa phòng bên: "Nếu lần này không xong, xin làm ơn giúp tôi." Có tiếng súng lục nổ. Lần này, Beck vẫn không chết mà chỉ ngất đi. Fromm ghé đầu vào xem rồi nói với một sĩ quan: "Hãy giúp ông ấy." Người sĩ quan này từ chối cho phát súng ân huệ. Một Trung sĩ kéo Beck ra bên ngoài phòng rồi bắn một phát vào cổ ông .

Lúc đó đã là quá nửa đêm. Cuộc nổi dậy – vụ việc nghiêm trọng nhất chống Hitler trong 11 năm rưỡi của Đế chế Thứ Ba – đã bị dập tắt sau 11 giờ 30 phút. Skorzeny dẫn một nhóm binh sĩ S.S. đến, ra lệnh cấm hành quyết ai khác. Vốn là sĩ quan cảnh sát, ông biết cần phải tra tấn nhóm âm mưu để tìm ra chứng cứ về tầm mức của vụ nổi dậy. Ông cho còng tay những người còn lại, đưa họ vào nhà tù Mật vụ rồi phái thám tử đi thu thập những tài liệu mà nhóm âm mưu không kịp tiêu huỷ. Himmler đã về đến Berlin không lâu trước đó, lập tổng hành dinh tạm trong Bộ Thông tin và Tuyên truyền lúc đó đã được Tiểu đoàn Cảnh vệ của Remer bảo vệ, gọi điện cho Hitler báo rằng đã dập tắt vụ nổi dậy .

Khoảng 1 giờ khuya, tiếng nói của Adolf Hitler được truyền qua sóng phát thanh .

"Các đồng chí người Đức của tôi! Tôi nói chuyện với các bạn hôm nay để thứ nhất, cho các bạn được nghe tiếng nói của tôi, đồng thời biết rằng tôi không bị thương và còn khoẻ mạnh. Thứ hai là để thông báo cho các bạn biết về một tội ác chưa từng có trong lịch sử nước Đức .

Một nhóm rất nhỏ những sĩ quan đầy tham vọng, vô trách nhiệm và điên rồ đã lập một âm mưu nhằm loại trừ tôi và cùng với tôi, là các sĩ quan của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực .

Quả bom của Đại tá Bá tước Stauffenberg nổ cách 2 m ngay phía trước tôi. Vụ nổ làm một số cộng sự trung kiên của tôi bị thương, một người trong số này đã chết. Bản thân tôi hoàn toàn không bị thương tích, ngoại trừ vài vết trầy xước, bầm và cháy sém. Tôi xem đây là sự xác nhận của Ơn Trên về sứ mệnh đã đặt vào tôi... Nhóm người nổi loạn là rất nhỏ và chẳng có gì giống với tinh thần của Quân lực Đức, lại càng không giống với nhân dân Đức. Đó là một bọn gồm những phần tử tội phạm và chúng sẽ bị trừ khử một cách không thương tiếc .

Vì thế bây giờ tôi ra lệnh không một cấp quân sự nào... được tuân hành lệnh từ đám nổi loạn này. Tôi cũng chỉ thị mọi người có nghĩa vụ bắt giữ, hoặc nếu họ chống cự thì bắn ngay tại chỗ, bất kỳ ai ban hành hoặc thực hiện lệnh như thế... Lần này chúng ta sẽ tính toán với họ theo cách mà những người Quốc gia Xã hội vẫn thường thấy." SỰ TRẢ THÙ ĐẪM MÁU Lần này cũng vậy, Hitler giữ lời .

Tính tàn ác của Quốc xã đối với chính người Đức đã đạt đến đỉnh điểm. Một làn sóng nổi lên gồm những vụ bắt bớ, tiếp theo là tra tấn dã man, những phiên xét xử dã chiến và thi hành án tử hình, nhiều khi chỉ bằng một sợi dây dương cầm buộc ở móc treo thịt của nhà giết mổ. Hàng nghìn thân nhân và bạn bè của nghi can bị đưa vào trại tập trung và nhiều người đã chết đây. Một số ít người can đảm che chở cho những người trốn lánh sẽ bị xử tử ngay tại chỗ .

Trong cơn giận dữ tột cùng và cơn khát trả thù không gì kiềm chế được, Hitler thúc giục Himmler và Giám đốc Kaltenbrunner của cơ quan RSHA tăng cường nỗ lực để bắt giữ tất cả những người đã dám âm mưu chống lại ông ta. Hitler cũng ra chỉ thị về cách đối xử với họ .

Ở một trong những buổi họp đầu tiên sau vụ nổ, Hitler quát tháo: "Lần này sẽ cho can phạm xưng tội ngắn gọn. Không có toà án quân sự. Họ sẽ đứng trước Toà án Nhân dân. Không cho phép họ phát biểu. Toà án sẽ xét xử chớp nhoáng. Án tử hình được thi hành 2 tiếng đồng hồ sau. Bằng cách treo cổ – không có sự khoan hồng." Chánh án Ronald Freisler của Toà án Nhân dân thi hành triệt để những chỉ thị như thế từ cấp tối cao. Freisler là kẻ khát máu đáng bị nguyền rủa, là tù binh chiến tranh ở Nga trong Thế chiến I rồi trở thành Bolshevik, gia nhập Đảng Quốc xã năm 1924, thích áp dụng những phương pháp khủng bố của Nga .

Phiên xử đầu tiên của Toà án Nhân dân diễn ra ở Berlin vào các ngày mùng 7 và 8 tháng 8. Trước vành móng ngựa là Thống chế von Witzleben, các tướng Hoepner, Stieff và von Hase, các sĩ quan cấp trung Hagen, Klausing, Bernardis và Bá tước Peter Yorck von Wartenburg. Thể chất họ khá suy yếu sau khi bị Mật vụ tra tấn. Goebbels ra lệnh quay phim từng phút của phiên toà để mang ra chiếu cho binh sĩ và dân chúng xem để làm gương. Vì thế nhiều cách thức đã được thực hiện nhằm mục đích làm cho phạm nhân trông lôi thôi lếch thếch. Họ ăn mặc quần áo không ra kiểu gì cả, không được cạo râu, không có cổ áo, không có cà vạt, cũng không có thắt lưng khiến cho quần áo trông lụng thụng hơn. Đặc biệt, vị Thống chế Witzleben một thời kiêu hãnh giờ giống như một ông cụ xác xơ, móm mém .

Dù các phạm nhân biết rõ số phận của mình đã được định đoạt, nhưng họ vẫn tỏ ra có phẩm giá và can đảm trong khi Freisler luôn tìm cách hạ nhục họ. Can đảm nhất có lẽ là Peter Yorck, có họ hàng với Stauffenberg, khi trả lời những câu hỏi sỉ nhục nhất một cách nhẹ nhàng và không bao giờ muốn che giấu nỗi khinh miệt đối với Quốc xã .

"Tại sao anh không gia nhập Đảng?" Freisler hỏi .

"Vì tôi không phải là người Quốc xã và chẳng bao giờ có thể là người Quốc xã." Yorck đáp .

Khi Freisler định thần lại sau câu trả lời và hỏi tiếp, Yorck cố giải thích: "Thưa Ngài Chánh án, tôi đã khai trong phiên tra vấn rằng chủ thuyết Quốc xã là cái mà tôi..." Chánh án ngắt lời: "... không chấp nhận... Anh không đồng ý với quan niệm của Quốc xã về công lý, như đối với việc thủ tiêu người Do Thái, phải không?" Yorck đáp: "Điều cốt lõi, điều mang đến mọi câu hỏi này, là chế độ chuyên chế của Nhà nước đối với cá nhân khiến cho người Do Thái phải từ bỏ những nghĩa vụ về đạo đức và tôn giáo với Thượng Đế." Freisler thét lên: "Vô lý!" rồi không cho anh nói tiếp. Cho phép can phạm nói như thế sẽ làm hỏng cuốn phim và khiến cho Lãnh tụ giận dữ vì Hitler đã ra lệnh "Không cho phép họ phát biểu" .

Luật sư biện hộ do toà án chỉ định còn lố bịch hơn. Sự hèn nhát của họ gần như ở mức khó tin. Luật sư cho Witzleben, một Tiến sĩ Weissmann nào đấy, còn đi xa hơn công tố khi tố cáo thân chủ của mình là "kẻ sát nhân" hoàn toàn có tội và đáng nhận hình phạt nặng nhất .

Hình phạt được thi hành ngay khi phiên toà chấm dứt ngày 8 tháng 8. 8 tử tội bị đưa vào một gian phòng nhỏ có sẵn 8 cái móc treo thịt. Từng người bị lột trần cho đến eo, một thòng lọng bằng sợi dây dương cầm được tròng vào cổ họ và phía trên buộc vào cái móc treo thịt. Máy quay phim vẫn chạy rè rè trong khi tử tội đong đưa và ngạt thở, chiếc quần không có dây lưng cuối cùng tụt xuống, khiến cho họ trần truồng trong khi chết một cách đau đớn. Theo chỉ thị, cùng đêm ấy cuốn phim được tráng rồi được chuyển đến cho Hitler xem cùng những ảnh chụp trong phiên toà. Có người nói Goebbels đã cố giữ cho mình không bị ngất xỉu bằng cách lấy tay che mắt .

Cuốn phim quay phiên toà được quân Đồng minh tìm thấy và mang ra chiếu tại Toà án Nuremberg mà tác giả được xem. Nhưng không thể tìm thấy cuốn phim quay việc thi hành án, có lẽ Hitler đã ra lệnh tiêu huỷ vì sợ rơi vào tay đối phương. Theo Allen Dulles, Goebbels cho ráp nối cuốn phim và mang ra chiếu cho binh sĩ xem. Nhưng họ từ chối xem. Tại Trường Võ bị Lichterfelde, họ bước ra ngoài ngay khi cuốn phim khởi chiếu. Chẳng bao lâu, cuốn phim không còn được lưu hành nữa .

Suốt mùa hè, thu và Đông năm 1944 cho đến đầu năm 1945, các phiên xử của Toà án Nhân dân tiếp tục cho đến khi một quả bom của Không quân Mỹ rơi đúng xuống phòng xử ngày 3 tháng 2 năm 1945, ngay sau khi Schlabrendorff bị dẫn vào. Chánh án Freislertử thương, hồ sơ của đa số can phạm còn sống bị tiêu huỷ. Vì thế, Schlabrendorff may mắn thoát chết – một trong số ít người được vận may mỉm cười .

Chúng ta cũng cần đề cập ở đây số phận của những người khác .

Là người được chỉ định làm Thủ tướng của chế độ mới, Goerdeler trốn lánh 3 ngày trước vụ ám sát vì được cảnh báo Mật vụ đang lùng lệnh bắt mình. Ông di chuyển khắp nơi trong vòng 3 tuần, ít khi ngủ 2 đêm cùng một nơi. Bạn bè và thân nhân che chở cho ông với sự đe doạ của án tử hình và Hitler đã treo thưởng 1 triệu mác cho cái đầu của ông. Buổi sáng 12 tháng 8, mệt và đói sau nhiều ngày đêm lang thang ở Đông Phổ, ông bị một người quen nhận dạng rồi thông báo khiến cho ông bị bắt .

Ông bị Toà án Nhân dân tuyên án tử hình ngày 8 tháng 9 năm 1944, nhưng phải đến ngày 2 tháng 2 năm 1945 mới bị xử tử cùng với Popitz. Hiển nhiên là Himmler đã trì hoãn việc hành quyết vì nghĩ những mối dây liên lạc của 2 người ở Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ có thể hữu ích cho cá nhân mình một khi nắm quyền lèo lái con thuyền Đế chế sắp đắm. Đó là viễn cảnh bắt đầu định hình trong đầu óc Himmler. Thế là ông ta muốn điều tra thêm để nắm bắt những mối dây liên lạc này .

Cùng bị xử tử với Goerdeler và Fritz là Mục sư Alfred Delp trong nhóm Kreisau. Riêng Bá tước von Moltke, cầm đầu nhóm Kreisau, đã bị hành quyết ngày 23 tháng 1 năm 1945, tuy ông không can dự vào âm mưu ám sát. Trottzu Solz, nhân vật đầu não trong nhóm Kreisau và trong âm mưu, đã bị treo cổ vào ngày 25 tháng 8 năm 1944 .

Hassell, cựu Đại sứ tại Ý, bị hành quyết ngày 8 tháng 9. Bá tước Friedrich Werner von Schulenburg, cựu Đại sứ tại Nga, bị hành quyết ngày 10 tháng 11. Bá tước Fritz von der Schulenburg chết trên giàn xử giảo ngày 10 tháng 8. Tướng Fellgiebel, Cục trưởng Truyền tin ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, có vai trò ở Rastenburg ngày 20 tháng 7 như đã thuật, bị hành quyết cùng ngày .

Theo một nguồn tin, có khoảng 4.980 người đã bị hành quyết. Mật vụ liệt kê 7.000 người bị bắt. Những người được đề cập trong sách này và bị hành quyết gồm có Tướng Fritz Lindemann (Cục trưởng Quân cụ), Đại tá von Boeselager, Mục sư Dietrich Bonhoeffer (đã đi Thuỵ Điển để tiếp xúc với Giám mục địa phận Chichester), Đại tá Georg Hansen của Quân báo, Bá tước von Helldorf (Chỉ huy trưởng Cảnh sát Berlin), Đại tá von Hofacker (thuộc tổng hành dinh của Stuelpnagel tại Paris), Tiến sĩ Jens Peter Jessen (Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Berlin), Otto Kiep (thuộc Bộ Ngoại giao), Tiến sĩ Carl Langbehn, Julius Lebel, Thiếu tá von Leonrod, Wilhelm Leuschner (đại diện nghiệp đoàn), Artur Nebe (Chỉ huy cảnh sát hình sự), Giáo sư Adolf Reichwein (cánh Xã hội chủ nghĩa), Bá tước Berthold von Stauffenberg (anh của Klaus Stauffenberg), Tướng Fritz Thiele (Tổng Cục trưởng Thông tin thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) và Tướng von Thüngen (được Beck cử thay thế Tướng von Kortzfleisch vào ngày nổi loạn). Himmler kéo dài mạng sống của một nhóm 20 người, hẳn vì tin rằng họ có thể hữu ích cho ông nếu ông nắm quyền lực và đàm phán hoà bình. Họ bị xử bắn vào các đêm 22 và 23 tháng 4 năm 1945 khi quân Nga bắt đầu tấn công vào trung tâm Berlin. Trong khi bị giải đi, nhiều tù nhân trốn thoát được trong những cơ hội khi thành phố bị cúp điện vào những ngày cuối cùng của Đế chế Thứ Ba, nhưng họ bất ngờ gặp một toán binh sĩ S.S.. Họ nhận lệnh phải đứng sắp hàng dựa vào một bức tường và bị bắn xối xả. Chỉ có 2 người sống sót để kể lại câu chuyện .

Tướng Fromm không thoát án tử hình dù đã có động thái chống nhóm âm mưu ngày 20 tháng 7. Himmler ra lệnh bắt giữ ông vào ngày hôm sau, đưa ông ra Toà án Nhân dân vào tháng 2 năm 1945 với tội danh "hèn nhát". Có lẽ nhìn nhận Fromm như người đã cứu nguy cho chế độ Quốc xã, ông không bị treo cổ như những người khác mà bị xử bắn ngày 19 tháng 3 năm 1945 .

Trong nhiều năm, bức màn bí ẩn vẫn bao trùm trường hợp của Đô đốc Canaris, Cựu Giám đốc Quân báo, đã giúp đỡ rất nhiều cho nhóm âm mưu nhưng không trực tiếp can dự vào vụ ám sát ngày 20 tháng 7. Ông bị bắt, nhưng Keitel trong một cử chỉ tử tế hiếm hoi đã cố ngăn chặn việc đưa ông ra xử trước Toà án Nhân dân. Giận dữ vì sự trì hoãn, Hitler ra lệnh một toà án S.S. xét xử Canaris. Quy trình này cũng chậm chạp, nhưng rốt cuộc Canaris cùng với Đại tá cựu trợ lý Oster và 4 người khác cũng đã bị đem ra xét xử vào ngày 9 tháng 4 năm 1945 – không đầy 1 tháng trước khi chiến tranh chấm dứt – rồi nhận án tử hình. Nhưng lúc ấy không ai biết rõ Canaris có bị hành quyết hay không .

Phải mất đến tận 10 năm, người ta mới vén được bức màn bí ẩn về sự việc này. Năm 1955, đến phiên công tố Mật vụ trong phiên toà xử Canaris bị mang ra xét xử và một số lớn nhân chứng đã khai họ thấy Canaris bị treo cổ ngày 9 tháng 4 năm 1945. Một nhân chứng, Đại tá Lunding người Na Uy, khai thấy Canaris bị lôi trần truồng từ nhà giam ra giàn xử án. Oster cũng bị xử tử cùng lúc .

Vài người bị bắt, không bị xét xử rồi cuối cùng được quân Đồng minh giải thoát. Trong số này có Tướng Halder và Tiến sĩ Schacht, không can dự vào vụ ám sát ngày 20 tháng 7, tuy trước Toà án Nuremberg Schacht họ đã khai rằng mình là người "khơi mào" .

Halder bị đưa vào nhà giam biệt lập hoàn toàn tối đen trong nhiều tháng. 2 người cùng với một số tù nhân có tiếng tăm như cựu Thủ tướng Áo Schuschnigg, cựu Thủ tướng Pháp Léon Blum, Trung tướng von Falkenhausen được quân Đồng minh giải thoát ngày 4 tháng 5 năm 1945, ngay khi lính canh Mật vụ chuẩn bị hành quyết cả nhóm. Sau đó, Bỉ mang Falkenhausen ra xử do tội ác chiến tranh và sau 4 năm ngồi trong tù chờ xét xử, ngày 9 tháng 3 năm 1945 ông nhận án 12 năm khổ sai. Nhưng 2 tuần sau, ông được trả tự do và trở về Đức .

Nhiều sĩ quan quân đội dính líu vào âm mưu đã thà tự xử còn hơn là chịu ra trước Toà án Nhân dân. Buổi sáng 21 tháng 7, Tướng Henning von Tresckow nói với Tuỳ viên Schlabrendorff: "Mọi người bây giờ đều nhắm vào chúng tôi và sỉ nhục chúng tôi. Nhưng lương tâm tôi vẫn yên ổn – chúng tôi đã làm điều đúng đắn. Hitler không những là kẻ thù không đội trời chung của nước Đức, mà ông ta còn là kẻ thù không đội trời chung của thế giới. Trong vòng vài giờ tới, tôi sẽ đứng trước Thượng Đế, trả lời về những hành động của tôi và những sơ sót của tôi. Tôi nghĩ tôi sẽ có thể xác nhận với lương tâm trong sáng mọi chuyện tôi đã làm trong cuộc tranh đấu chống Hitler... Con người chỉ có giá trị khi anh ta sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho những gì mình tin tưởng." Sáng hôm ấy, Tresckow đã tự sát bằng một quả lựu đạn .

5 ngày sau, Tướng Cục trưởng Hậu cần Lục quân Wagner cũng tự sát .

Trong số những sĩ quan cao cấp ở phía Tây, 2 Thống chế và 1 Đại tướng cũng đã chọn cách tự sát .

Như ta đã biết, ở Paris, Tướng Heinrich von Stuelpnagel (chỉ huy ban quân quản Pháp) đã cho bắt giam toàn bộ lực lượng S.S. và S.D.. Lúc đó, tất cả tuỳ thuộc vào thái độ của Thống chế von Kluge (tân Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây) mà Tresckow đã làm công tác tư tưởng trên mặt trận Nga để vị Thống chế tham gia tích cực vào âm mưu. Dù Kluge là người hay suy đi tính lại, nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý – hoặc nhóm âm mưu hiểu như thế – rằng ông sẽ ủng hộ nhóm âm mưu một khi Hitler đã chết .

Buổi tối 20 tháng 7, có một buổi họp trong bữa ăn tại Tập đoàn quân B mà Kluge kiêm nhiệm quyền tư lệnh sau khi Rommel bị thương. Buổi họp có Tướng Günther Blumentritt (Tham mưu trưởng Mặt trận phía Tây dưới quyền Kluge), Tướng Spiedel (Tham mưu trưởng Tập đoàn quân B) và Đại tá von Hofacker. Kluge muốn nói đến những báo cáo mâu thuẫn về việc Hitler còn sống hay đã chết. Các sĩ quan dự họp nhận thấy dường như Kluge ít nhất đã tỏ ra ủng hộ âm mưu. Beck gọi điện cho ông trước bữa ăn và thuyết phục ông ủng hộ nhóm âm mưu – dù Hitler còn sống hay đã chết. Rồi lệnh của Thống chế von Witzleben được gửi đến. Kluge có vẻ như đã bị thuyết phục .

Tuy nhiên, ông vẫn muốn biết thêm thông tin về tình hình và không may cho nhóm âm mưu, thông tin này đến từ Stieff. Ông này xác nhận Hitler không chết. Stieff thông báo chọ Blumentritt biết chuyện gì đã xảy ra – hoặc đúng hơn, không xảy ra .

Kluge tỏ vẻ rất thất vọng, vì ông nói thêm rằng nếu thành công, ông sẽ liên lạc ngay với Eisenhower để đề nghị ngừng bắn .

Trong bữa ăn – mà Speidel kể lại "như thể mọi người ngồi trong căn nhà ma" – Kluge lắng nghe Stuelpnagel và Hofacker biện luận một cách nhiệt tình rằng họ phải tiên hành cuộc nổi dậy cho dù Hitler có thể đã thoát chết. Blumentritt kể: "Khi họ nói xong, với vẻ thất vọng hiện rõ, Kluge nói: 'Thế thì, các ông ạ, âm mưu đã thất bại. Mọi chuyện đã xong xuôi.' Rồi Stuelpnagel giải thích: 'Thưa Thống chế, tôi nghĩ ông đã biết về kế hoạch. Ta vẫn phải có một hành động nào đấy'." Kluge không nhận là ông biết về kế hoạch nào. Sau khi ra lệnh cho Stuelpnagel thả nhóm S.S.-S.D. bị bắt, ông khuyên anh này: "Nghe này, việc tốt nhất mà anh có thể làm bây giờ là mặc vào quần áo dân thường vào và mau trốn đi." Nhưng đây không phải là cách mà vị tướng Stuelpnagel đầy hãnh diện lựa chọn, dù ông đã nhận lệnh về trình diện ở Berlin. Sau buổi tối họp mặt kỳ lạ có rượu sâm panh giữa các sĩ quan S.S.-S.D. vừa được trả tự do cùng các chỉ huy quân sự đã bắt giữ họ – và gần như chắc chắn sẽ xử bắn họ nếu âm mưu thành công – Stuelpnagel lên xe đi đến Verdun, bước ra nhìn quang cảnh bãi chiến trường cũ. Nơi đây, ông đã chỉ huy một tiểu đoàn trong Thế chiến I. Tài xế và cận vệ của ông nghe một tiếng súng lục. Họ thấy ông nằm trên bờ nước của một con kênh. Viên đạn xuyên qua một con mắt và còn làm con mắt kia bị thương trầm trọng .

Việc này vẫn không cứu được Stuelpnagel khỏi một cái kết kinh hoàng. Mù mắt và hoàn toàn kiệt quệ, ông bị đưa ra trước Toà án Nhân dân ở Berlin, nằm trên một chiếc chõng trong khi Chánh án Freisler mắng nhiếc ông. Stuelpnagel bị hành quyết ngày 30 tháng 8 .

Cũng như Fromm, động thái của Kluge khi từ chối tham gia cuộc nổi loạn không cứu được mạng sống của ông. Như Speidel nhận xét về vị Thống chế: "Định mệnh không từ bỏ người mà hành động không đi đôi với ý nghĩ để tạo hiệu quả". Có chứng cứ cho thấy Đại tá von Hofacker trong khi bị tra tấn dã man – đến ngày 20 tháng 12 ông mới bị xử tử – đã khai Kluge, Rommel và Speidel có can dự vào âm mưu. Blumentritt kể rằng Kluge càng ngày càng tỏ vẻ lo lắng sau khi nghe được tin này .

Báo cáo từ chiến trường không làm cho tinh thần của ông hưng phấn lên .

Ngày 26 tháng 7, Tướng Bradley của Mỹ xuyên thủng phòng tuyến Đức tại St.-Lô. 4 ngày sau, Đại Quân đoàn Thứ Ba vừa được thành lập dưới quyền Tướng Patton đánh xuyên qua lỗ hổng để tiến đến Avranches, mở đường đến Brittany và đến Loire ở phía Nam. Đây là bước ngoặt cho đợt tấn công của Đồng Minh .

Ngày 30 tháng 7, Kluge báo về tổng hành dinh của Hitler: "Cả mặt trận phía Tây đã bị xuyên thủng... Sườn trái đã sụp đổ." Đến giữa tháng Tám, quân Đức co cụm lại ở một vùng nhỏ xung quanh Falaise và Hitler cấm họ rút lui thêm. Khi đó, Hitler đã chán ngán Kluge, người mà ông ta đổ tội cho thất bại ở phía Tây và ông ta còn nghi ngờ vị Thống chế đang tìm cách đầu hàng Eisenhower .

Ngày 17 tháng 8, Thống chế Walther Model đi đến để thay thế Kluge. Model xuất hiện bất ngờ khiến cho Kluge nhận ra số phận mình sẽ là thế nào sau khi mất chức. Hitler ra lệnh cho Kluge phải báo cáo đang có mặt ở đâu trên đất Đức. Đó là dấu hiệu cảnh báo vị Thống chế đang bị nghi ngờ có liên can đến vụ ám sát ngày 20 tháng 7. Ngày hôm sau, ông viết một bức thư dài cho Hitler, trở về nhà rồi uống thuốc độc .

Lá thư vĩnh biệt của ông được tìm thấy trong số những tài liệu thu thập được sau chiến tranh .

"Khi ông nhận được những dòng chữ này, tôi không còn ở trên đời nữa... Cuộc sống chẳng còn có nghĩa lý gì đối với tôi... Cả Rommel và tôi... đã thấy trước được tình hình hiện tại. Ý kiến của chúng tôi đã không được xem xét... Tôi không biết liệu Thống chế Model, người đã tự chứng tỏ trong mọi cương vị, có làm chủ được tình thế hay không... Tuy nhiên, nếu không được và những vũ khí mới mà ông kỳ vọng không thành công, thì, thưa Lãnh tụ, xin ông hãy ra quyết định chấm dứt cuộc chiến... Nhân dân Đức đã chịu khổ sở mà không lời lẽ nào có thể diễn tả được, đến nỗi đã tới lúc nên chấm dứt chuyện vô ích này... Tôi đã luôn thán phục đầu óc vĩ đại của ông... Nếu định mệnh mạnh hơn ý chí và thiên tài của ông, thì Ơn Trên cũng thế... Bây giờ hãy tự chứng tỏ sự cao cả của ông để chấm dứt khi cần thiết cuộc đấu tranh vô vọng này..." Theo lời Jodl khai trước Toà án Nuremberg, Hitler im lặng đọc bức thư rồi trao cho ông mà không nói lời nào. ít ngày sau, trong buổi họp quân sự ngày 31 tháng 8, thủ lĩnh quân phiệt tối cao nhận xét: "Nếu Kluge không tự xử, vẫn có những lý do vững chắc để bắt giữ ông ta." Kế tiếp là đến phiên Thống chế Rommel, thần tượng của quần chúng Đức .

Sau khi tự sát mà không chết, Tướng Stuelpnagel được đưa vào bệnh viện ở Verdun. Nơi đây, khi nửa mê nửa tỉnh và bị mù mắt, ông thốt ra cái tên Rommel. Sau đó, khi bị Mật vụ tra tấn dã man, Đại tá von Hofacker khai ra vai trò của Rommel trong âm mưu. Hotacker khai Rommel đã trấn an mình: "Hãy nói vói những người ở Berlin rằng họ có thể trông cậy nơi tôi." Đó là câu nói ám ảnh đầu óc của Hitler khiến cho Lãnh tụ quyết định rằng vị Thống chế mà ông ta yêu thích phải chết, dù ông ta biết đó là người được ngưỡng mộ nhất nước Đức .

Trong khi xương sọ, trán và xương má còn đang mang những vết nứt nặng, mắt bên trái còn bị thương và trong đầu còn mang mảnh bom, Rommel được rời khỏi bệnh viện dã chiến để tránh bị quân Đồng minh bắt, rồi được đưa về nhà riêng ở Herrlingen gần Ulm. Ông nhận được dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho số phận của mình khi biết người cựu tham mưu trưởng của ông, Tướng Speidel, bị bắt ngày 7 tháng 9, 1 ngày sau khi đến thăm ông ở Ulm .

Khi họ nói chuyện với nhau về Hitler, Rommel đã than thở với Speidel: "Cái tên lừa dối bệnh hoạn ấy đã hoàn toàn điên khùng. Hắn đang trút cơn bạo hành lên những người âm mưu ngày 20 tháng 7 và đó còn chưa phải là kết thúc!" Lúc đó, Rommel đã nhận thấy nhân viên S.D. đang rình rập quanh nhà mình. Khi ông đi tản bộ trong khu rừng gần nhà cùng với cậu con trai 15 tuổi được đơn vị phòng không nơi cậu phục vụ cho phép về săn sóc cha, cả 2 đều mang súng lục. Cùng lúc, tại tổng hành dinh ở Rastenburg, Hitler nhận được báo cáo về lời khai của Hofacker đối với Rommel. Thế là, Hitler tuyên án tử hình – nhưng theo một cách đặc biệt. Như Keitel khai trước Toà án Nuremberg, Lãnh tụ nhận ra "rằng đây sẽ là một vụ xì căng đan kinh khủng nếu vị Thống chế có tiếng tăm này, người được yêu mến nhất, lại bị bắt và bị lôi ra trước Toà án Nhân dân." Vì thế, Hitler đã dàn xếp với Keitel là sẽ báo cho Rommel về chứng cứ chống lại ông này và cho họ chọn lựa giữa tự tử hay ra trước Toà án Nhân dân về tội danh phản quốc. Nếu chọn cách tự tử, Rommel sẽ được an táng theo cấp quốc gia với mọi nghi thức của Quân đội và gia đình ông sẽ không bị xâm phạm .

Thế là, vào buổi trưa ngày 14 tháng 10 năm 1944, 2 vị Tướng từ tổng hành dinh của Hitler đi đến nhà của Rommel, khi đó đã bị binh sĩ S.S. bao vây cùng với 5 xe bọc thép. 2 vị Tướng đó là Wilhelm Burgdorf, nghiện rượu, có tính xu nịnh Hitler giống như Keitel và phụ tá của ông thuộc Phòng Nhân viên Lục quân, Ernst Maisel, cũng có tố chất tương tự. Họ đã báo trước cho Rommel hay rằng Hitler đã phái họ đến để thảo luận "công tác sắp tới" của Thống chế .

Sau này, Keitel khai: "Do Lãnh tụ sai khiến, nên tôi đã phái Burgdorf đi cùng với văn bản của lời khai chống Rommel. Nếu đó là đúng, thì ông ấy sẽ phải chịu hậu quả. Nếu không đúng, toà án sẽ miễn tội cho ông ta." "Và ông chỉ thị cho Burgdorf mang theo thuốc độc, đúng không?" "Đúng. Tôi bảo Burgdorf mang theo thuốc độc cho Rommel dùng, nếu tình hình đòi hỏi." Sau khi Burgdorf và Maisel đến, ai cũng thấy tất cả mọi việc không phải là để thảo luận công tác sắp tới của Rommel. 2 người yêu cầu được nói chuyện riêng với Thống chế và 3 người đi vào phòng đọc sách .

Manfred Rommelsau này kể lại: "Vài phút sau, tôi nghe tiếng cha tôi đi lên lầu và bước vào phòng mẹ tôi." Rồi thì: "Chúng tôi đi vào phòng của tôi. Ông ấy chậm rãi nói: 'Cha vừa nói chuyện với mẹ con rằng trong vòng ¼ giờ nữa cha sẽ chết... Hitler kết tội cha là phản quốc. Xét qua công trạng của cha ở châu Phi, cha sẽ có cơ hội chết bằng thuốc độc. 2 viên Tướng đã mang thuốc độc đến. Cái chết sẽ đến sau 3 giây. Nếu cha chấp nhận, gia đình ta sẽ không phải chịu những biện pháp thường thấy... Cha sẽ được làm lễ an táng cấp nhà nước. Lễ tang đã được chuẩn bị đến chi tiết cuối cùng. Trong vòng ¼ giờ, con sẽ được bệnh viện ở Ulm báo cho biết cha đã bị tai biến mạch máu não trên đường đi dự họp." Sự việc đã xảy ra đúng như thế .

Mặc chiếc áo jacket cũ bằng da của Binh đoàn châu Phi và cầm cây gậy Thống chế, Rommel bước vào chiếc xe cùng với 2 viên Tướng. Xe chạy được khoảng 3 km theo một con đường ven một khu rừng, rồi Tướng Maisel và tài xế S.S. bước ra, để Rommel và Tướng Burgdorf ngồi lại phía sau. Một phút sau, hai người quay lại chiếc xe, Rommel đã chết.15 phút sau khi vĩnh biệt chồng, vợ của Rommel đã nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện. Bác sĩ cho biết 2 viên Tướng đã mang thi hài của Rommel đến, qua đời vì nghẽn mạnh máu não, hiển nhiên là do việc vỡ xương sọ lúc trước. Thật ra, Burgdorf đã cấm khám nghiệm tử thi. Ông bảo: "Không được đụng đến xác chết. Tất cả đã được thu xếp ở Berlin." Và đúng là mọi việc đã diễn ra như thế thật .

Thống chế Model ra một nhật lệnh cho biết Rommel đã qua đời vì "những vết thương ngày 17 tháng 7" và tỏ ý thương tiếc sự mất mát "một trong những vị tư lệnh vĩ đại nhất của đất nước" .

Hitler gửi điện đến vợ của Rommel: "Xin hãy nhận lòng cảm thông chân thành của tôi đối với sự mất mát nặng nề mà bà phải chịu đựng vì cái chết của ông nhà. Tên tuổi của Thống chế Rommel sẽ mãi mãi gắn liền với những trận đánh anh hùng ở châu Phi." Goering cũng gửi một bức điện: "Việc ông nhà qua đời với một cái chết anh hùng vì hậu quả của các vết thương, sau khi tất cả chúng tôi đã hy vọng ông sẽ ở lại với nhân dân Đức, khiến cho tôi cảm thương một cách sâu sắc." Hitler ra lệnh tổ chức lễ tang cấp nhà nước, trong đó vị sĩ quan cao niên của Quân đội Đức, Thống chế von Rundstedt, là người đọc điếu văn khi đứng bên thi hài của Rommel phủ cờ chữ thập ngoặc: "Con tim của ông ấy thuộc về Lãnh tụ." Công bằng mà nói, có lẽ Rundstedt không biết những tình tiết trong cái chết của Rommel và hẳn chỉ ông biết được qua lời khai của Keitel tại Toà án Nuremberg. Rundstedt khai: "Tôi không nghe được những lời đồn đại ấy, nếu không thì đáng lẽ tôi đã từ chối đại diện cho Lãnh tụ ở lễ tang, vì đó sẽ là điều ô nhục không lời nào diễn tả được." Tuy nhiên, tang quyến Rommel nhận thấy Rundstedt đã từ chối đến dự lễ hoả thiêu sau lễ tang và cũng không đến chia buồn với quả phụ tại nhà của Rommel, trong khi phần lớn những tướng lĩnh khác đều đến .

Speidel nhận xét về Rundstedt trong lễ tang của Rommel rằng: "Người chiến binh già có vẻ đau khổ và hoang mang. Ở đây định mệnh đã cho ông ta cơ hội độc đáo để đóng vai trò của Mark Antony." Riêng Tướng Speidel, dù bị Mật vụ tra khảo liên tục, nhưng ông vẫn không tỏ ra đau đớn hay hoang mang. Có lẽ đó là nhờ ông vừa là một triết gia, cũng vừa là một chiến binh. Ông không nhận tội gì và không khai ra ai .

Ông trải qua một thời khắc nguy hiểm khi đối mặt với Đại tá von Hofacker, người mà ông nghĩ không những đã bị tra tấn mà còn bị dùng dược phẩm để khai, nhưng trong dịp này Hofacker lại không khai ra ông mà còn phản cung. Tuy không hề mang ông ra xét xử, nhưng Mật vụ đã giam ông trong 7 tháng. Khi quân Đồng minh tiến gần, ông trốn thoát được rồi ẩn náu cho đến khi được Đồng minh giải thoát. Vào cuối những năm 1950, Speidel đã giữ một chức vụ quan trọng trong khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) .

Giới sĩ quan trong Quân đội Đức bị nhục nhã nặng nề. Họ đã thấy 3 vị Thống chế lỗi lạc: Witzleben, Kluge và Rommel đã bị kết án liên can trong âm mưu lật đổ thủ lĩnh quân phiệt tối cao, hậu quả là 1 người bị treo cổ và 2 người kia thì bị ép phải tự tử. Họ đã không có động thái gì khi nhiều vị tướng cấp cao bị lôi vào nhà tù Mật vụ và bị sát hại sau những phiên xét xử trò hề của Toà án Nhân dân. Trong tình huống vô tiền khoáng hậu như vậy, dù cho có truyền thống kiêu hãnh, nhưng giới sĩ quan lại không đoàn kết với nhau. Thay vào đó, họ chọn cách "danh dự", mà quan sát viên nước ngoài chỉ có thể gọi là ô danh và hèn hạ. Trước cơn cuồng nộ của tay cựu hạ sĩ người Áo, các nhà lãnh đạo quân sự chỉ biết xun xoe và khom lưng uốn gối .

Không lạ gì khi mà Thống chế Rundstedt tỏ vẻ đau khổ và hoang mang khi ông đọc điếu văn bên thi hài của Rommel. Cũng như các sĩ quan đồng nghiệp, ông đã rơi xuống một tầm mức thấp. Chính Rundstedt chấp nhận làm Chánh án của cái gọi là Toà án Danh dự quân sự mà Hitler thành lập nhằm tước quân tịch tất cả các sĩ quan bị nghi ngờ đã dính dáng đến âm mưu chống Lãnh tụ, để những người này không phải ra toà án quân sự, rồi giao họ cho Toà án Nhân dân xét xử như là dân thường. Toà án Danh dự không được phép nghe người sĩ quan tự biện hộ, mà chỉ hành động dựa trên "chứng cứ" do Mật vụ cung cấp. Rundstedt đã không hề phản đối sự hạn chế này .

Guderian cũng thế, tuy trong hồi ký ông này thừa nhận đó là "nhiệm vụ khó chịu" và rằng các phiên toà này đã đặt ra những "vấn đề khó khăn nhất về lương tri". Chắc chắn là đúng như thế, vì lẽ Rundstedt, Guderian và những Chánh án khác – tất cả đều là tướng lĩnh – đã đưa hàng trăm chiến hữu của mình đến cái chết sau khi trục xuất họ khỏi Quân đội .

Guderian còn làm hơn thế nữa. Trên cương vị Tham mưu trưởng Lục quân mà ông nhậm chức 1 ngày sau vụ nổ bom, ông đã ban hành 2 nhật lệnh để trấn an thủ lĩnh quân phiệt Quốc xã về lòng trung thành không lay chuyển của các cấp sĩ quan. Nhật lệnh thứ nhất, ban hành ngày 23 tháng 7, kết án những người âm mưu là "một vài sĩ quan, có người đã về hưu, đã mất hết tính can đảm, do hèn nhát và yếu đuối mà chọn con đường ô nhục thay vì con đường rộng mở cho một chiến binh chân chính – con đường của nghĩa vụ và danh dự." Rồi ông long trọng cam kết với Lãnh tụ về "sự đoàn kết của tướng lĩnh, của hàng ngũ sĩ quan và của các binh sĩ trong Quân đội" .

Cùng lúc, vị Thống chế đã bị giải nhiệm von Brauchitsch vội vã ra một tuyên bố kết án vụ nổi dậy, cam kết sự trung thành với Lãnh tụ và hoan nghênh việc bổ nhiệm Himmler – người luôn khinh thường các tướng lĩnh kể cả Brauchitsch – làm Tư lệnh Dân quân .

Một người bị giải nhiệm khác, Thuỷ sư Đô đốc Raeder, sợ rằng mình có thể bị nghi ngờ là có cảm tình với nhóm âm mưu, đã từ nơi nghỉ hưu vội đi đến Rastenburg để đích thân cam kết trung thành với Hitler .

Ngày 24 tháng 7, kiểu chào của Quốc xã được quy định là bắt buộc thay cho cách chào quân sự xưa cũ "như là dấu hiệu của lòng trung thành không gì lay chuyển của Quân đội đối với Lãnh tụ và của sự đoàn kết chặt chẽ nhất giữa Quân đội và Đảng". Ngày 29 tháng 7, Guderian cảnh báo tất cả sĩ quan Bộ Tư lệnh Lục quân rằng kể từ ngày này, họ phải nêu gương là người Quốc xã tốt, trung thành và chân thật với Lãnh tụ .

"Tất cả các sĩ quan của Bộ Tư lệnh Lục quân phải là người lãnh đạo không chỉ... qua tư cách mẫu mực trước những vấn đề chính trị mà còn qua sự hợp tác tích cực trong việc tuyên truyền chính trị cho cấp dưới theo chủ thuyết của Lãnh tụ... Trong việc đánh giá và tuyển chọn sĩ quan Bộ Tư lệnh Lục quân, cấp chỉ huy phải đặt tư cách và tinh thần lên trên trí tuệ... Tôi đòi hỏi tất cả các sĩ quan Bộ Tư lệnh Lục quân phải lập tức tuyên bố tuân thủ quan điểm của tôi và thông báo với quần chúng như thế. Ai không thể làm được việc này nên xin từ chức khỏi Bộ Tư lệnh." Theo những gì được biết, đã không có ai xin từ chức .

Trong tập hồi ký, Guderian thường nêu rõ làm thế nào ông mà đối mặt với Hitler và thậm chí còn chỉ trích Hitler, nhưng ông lại không đề cập đến những nhật lệnh nêu trên .

Một sử gia quân sự Đức nhận xét rằng "lịch sử của Bộ Tư lệnh Lục quân như là một thực thể tự chủ đã chấm dứt" .

Bộ Tư lệnh Lục quân đã là rường cột của đất nước, đã điều hành nước Đức trong Thế chiến I, thao túng nền Cộng hoà Weimar và ép buộc Hitler phá huỷ lực lượng S.A., đồng thời sát hại nhà lãnh đạo của lực lượng này khi họ ngáng đường. Nhưng đến mùa hè 1944, nó chỉ còn là một cơ quan bệnh hoạn gồm những người bợ đỡ và khiếp sợ. Sẽ không còn có sự chống đối Hitler, ngay cả sự phê phán cũng không. Cũng như những định chế khác trong Đế chế Thứ Ba, Quân đội vốn một thời hùng mạnh sẽ sụp đổ cùng với Hitler. Cấp chỉ huy của họ giờ quá tê liệt, quá thiếu lòng can đảm mà một nhúm người âm mưu lại thể hiện được. Thế nên, họ không thể cất tiếng nói – càng không thể làm gì khác – để kiềm chế một người đang dẫn dắt họ và người dân Đức đến tai hoạ kinh khủng nhất trong lịch sử Tổ quốc thân yêu của họ .

Đối với những người trưởng thành và lớn lên như là tín đồ Cơ Đốc, có kỷ luật theo những chuẩn mực đạo đức cổ, kiêu hãnh về quy chuẩn danh dự, can đảm khi đối mặt với cái chết trên chiến trường – với những tố chất như thế, thì sự tê liệt về tinh thần và ý chí này là đáng ngạc nhiên. Có lẽ người ta cũng hiểu được điều này, khi nhớ lại tiến trình lịch sử nước Đức, được phác thảo ở một chương trước, vốn xem sự tuân phục một cách mù quáng nhà lãnh đạo đương thời là đức tích cao quý nhất của người Đức. Thế nhưng vào thời điểm này, các tướng lĩnh đều đã biết được bộ mặt hiểm ác của người mà họ đang phủ phục trước mắt. Guderian nhớ lại về Hitler sau vụ ám sát 20 tháng 7: "Trong trường hợp của Hiler, tính cứng cỏi đã trở thành bạo tàn, trong khi xu hướng tháu cáy đã trở thành hoàn toàn bất lương. Ông thường nói dối mà không hề ngập ngừng và nghĩ rằng người khác cũng dối trá với ông. Ông không còn tin ai nữa. Trước đây đối xử với ông đã là quá khó khăn, bây giờ nó như là đòn tra tấn, càng ngày càng tồi tệ hơn. Ông thường mất hết tự chủ và ngôn từ ngày càng thô bạo hơn. Trong nhóm thân cận, không ai có đủ tầm ảnh hưởng để chế ngự được ông ấy." Tuy thế, con người nửa điên khùng ấy, khi mà thể chất và tinh thần đang tan rã nhanh chóng, là người duy nhất đang cố vực dậy những đoàn quân đã bị đánh bại và đang rút lui, mang lại một con tim mới cho đất nước xơ xác. Qua mãnh lực khó tin của ý chí mà tất cả những ai khác trên nước Đức đều thiếu, chính tự bản thân ông ta đã kéo dài nỗi khổ đau của chiến tranh thêm 1 năm nữa .

Vụ nổi dậy ngày 20 tháng 7 năm 1944 thất bại vì sự yếu kém đến mức không thể lý giải nổi của những người tài giỏi nhất trong Quân đội và ngoài dân sự, vì sự hèn yếu của Fromm và Kluge và vì vận rủi đến với nhóm âm mưu ở mỗi giai đoạn. Vụ nổi dậy tắt ngấm bởi vì hầu hết những người đang điều hành đất nước, tướng lĩnh, dân sự và quần chúng, đều không sẵn sàng cho một cuộc Cách mạng. Dù cho bao khổ đau và viễn cảnh mù mịt do chiến bại và bị nước ngoài chiếm đóng, nhưng họ vẫn không muốn có một cuộc Cách mạng. Dù cho Quốc xã đã đưa nước Đức và châu Âu đi xuống, nhưng họ vẫn chấp nhận và ủng hộ Đảng này, đồng thời họ vẫn nhìn nhận ở con người Adolf Hitler như một nhà cứu quốc .

Sau này, Guderian viết: "Vào lúc ấy, điều không thể chối cãi là phần lớn người dân Đức vẫn còn tin Hitler và nghĩ rằng nếu ông chết, kẻ ám sát ông đã loại bỏ người duy nhất có thể mang chiến tranh đến hồi kết thuận lợi." Tướng Kluge thấy rằng ít nhất "phân nửa dân thường cảm thấy sốc vì tướng lĩnh Đức tham gia vào âm mưu lật đổ Hitler... và trong Quân đội cũng có cảm nghĩ như thế" .

Bằng mãnh lực thu hút khólý giải được – ít nhất đối với người nước ngoài – Hitler được dân tộc Đức trungthành và tin tưởng. Điều không thể tránh khỏi là họ đi theo ông một cách mùquáng, với một niềm tin và thậm chí là cả lòng hăng hái để rồi tiến đến sự huỷdiệt đất nước  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle