Phần 25
26 ĐIỂM NGOẶT QUAN TRỌNG: STALINGAD VÀ EL ALMEIN :NHÓM ÂM MƯU HỒI SINH
THẤT bại trên mặt trận Nga trong mùa Đông 1941 và việc cách chức một số thống chế cùng tư lệnh mặt trận cao cấp đã khơi dậy hy vọng của những người âm mưu chống Quốc xã .
Trong khi Quân đội còn đang gặt hái thắng lợi và vinh quang của Đế chế Đức còn đang vươn cao thì nhóm âm mưu không thể lôi kéo các chỉ huy thực hiện đảo chính được. Nhưng nay những đoàn quân kiêu hãnh bách chiến bách thắng lại đang phải thoái lui trên băng tuyết và trong giá lạnh, thương vong vượt hơn cột mốc một triệu, cùng với đó nhiều tướng lĩnh có tiếng tăm đã bị bãi nhiệm. Vài người – như Hoepner và Sponeck – bị công khai xử tội. Những người khác bị làm nhục và làm vật tế thần cho nhà độc tài bạo tàn .
Như ta đã biết, những người bị cho về vườn là Thống chế Tư lệnh Lục quân von Brauchitsch, Thống chế Tư lệnh Tập đoàn quân Nam von Rundstedt, Thống chế Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm von Bock và Tướng Guderian, thiên tài chỉ huy thiết giáp. Tiếp theo là Thống chế Tư lệnh Tập đoàn quân Bắc von Leeb, mất chức ngày 18 tháng 1 năm 1942. Ngày hôm trước, Thống chế von Reichenau, người thay thế Rundstedt, qua đời sau một cơn đau tim. Tướng Không quân Udet tự tử ngày 17 tháng 11 năm 1941. Còn có hơn 30 tư lệnh quân đoàn và tư lệnh sư đoàn bị thay thế trong cuộc rút lui giữa mùa Đông .
Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Trước Toà án Nuremberg, Thống chế von Manstein tóm lược những gì đã xảy ra cho các cấp chỉ huy quân sự khi họ vừa thất trận hoặc cuối cùng cũng đã có đủ cam đảm để chống đối Hitler: "Trong số 17 thống chế, 10 người đã mất chức và 4 người thiệt mạng vì vụ [ám sát hụt Hitler] ngày 20 tháng 7 năm 1944. Chỉ có 1 thống chế còn sống sót sau cuộc chiến.Trong số 36 Đại tướng cấp cao, 18 đã bị cho về vườn, 5 người bị xử tử hoặc mất chức vì vụ ám sát hụt trên. Chỉ còn lại 3 Đại tướng cấp cao giữ nguyên chức vụ." Như ta đã biết, nhóm âm mưu cho rằng chỉ có các tướng lĩnh đang cầm quân mới có đủ sức mạnh để lật đổ nhà độc tài Quốc xã. Đến giờ cơ hội vẫn còn trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Sau thất bại ở Liên Xô và thêm Mỹ tham chiến, họ nghĩ Đức không thể nào thắng trong cuộc chiến, nhưng vẫn chưa thể chiến bại. Một Chính phủ chống Quốc xã ở Berlin vẫn có thể nhận những điều kiện hoà bình để duy trì Đức như là một cường quốc và, có lẽ, giữ lại vài lãnh thổ do Hitler thôn tính, như Áo, Sudetenland và Tây Ba Lan .
Vào cuối mùa hè 1941, nhóm âm mưu vẫn còn nghĩ như thế, khi vẫn còn có triển vọng tiêu diệt Liên Xô. Nhưng họ đã bị giáng một đòn nặng. Hiến chương Đại Tây Dương do Churchill và Roosevelt soạn thảo ngày 19 tháng 8, đặc biệt Điểm 8, quy định sau chiến tranh sẽ giải giới nước Đức trong khi chờ hiệp định giải trừ quân bị tổng thể. Hassell, Goerdeler, Beck cùng những thành viên trong nhóm thấy điều này có nghĩa là Đồng minh không có ý định phân biệt giữa người Đức theo Quốc xã và người Đức chống Quốc xã. Hassell cho là "Anh và Mỹ không phải chỉ chiến đấu chống Hitler mà còn muốn nghiền nát Đức để Đức chẳng còn có thể phòng vệ được nữa." Nhà cựu đại sứ quý tộc này giờ đã dấn sâu vào âm mưu chống Hitler nhưng đồng thời cũng muốn cứu vãn cho nước Đức càng nhiều càng tốt, cho rằng Điểm 8 đã "phá huỷ mọi cơ may hợp lý cho hoà bình" .
Dù đã mất đi ảo tưởng vì Hiến chương Đại Tây Dương, nhưng nhóm âm mưu vẫn thấy cần thiết phải loại trừ Hitler, vì thời điểm này vẫn còn kịp để đàm phán có lợi cho nền hoà bình của một nước Đức đang chiếm nhiều phần đất trên châu Âu. Họ không cảm thấy băn khoăn khi mang những đất đai do Hitler thôn tính ra để mặc cả. Họ tự gọi mình là những "người Đức yêu nước" và đối với Đồng Minh, họ sẽ có "vài yêu cầu rất vừa phải" nhưng cũng không "bỏ qua một vài đòi hỏi". Họ không nói rõ những yêu cầu và đòi hỏi đó là gì, nhưng có lẽ đó sẽ là về đường biên giới phía Đông năm 1914, thêm Áo và Sudetenland .
Nhưng thời giờ đang rất cấp bách. Nhóm âm mưu nhất trí với nhau là chẳng bao lâu, tất cả sẽ trở nên quá muộn. Khi cơ may thắng lợi trong cuộc chiến mất đi hoặc còn mong manh thì chẳng còn có thể làm gì được nữa .
Có một số nỗ lực lôi kéo các tướng lĩnh trên mặt trận phía Đông nhằm bắt giữ Hitler khi chiến dịch mùa hè đánh Liên Xô đang diễn ra. Điều không tránh khỏi là họ thất bại trong khi các chỉ huy chiến trường còn say men trong những thắng lợi ban đầu. Nhưng nhóm âm mưu cũng đã thành công gieo được vài ý nghĩ vào đầu óc của giới Quân đội .
Trung tâm âm mưu trong Quân đội vào mùa hè này là tổng hành dinh của Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế von Bock đang tiến đến Moscow. Trung tướng Henning von Tresckow dưới quyền Bock là người cầm đầu, được hỗ trợ bởi Fabian von Schlabrendorff, Bá tước Hans von Hardenberg và Bá tước Heinrich von Lehndorff, cả 2 đều thuộc dòng dõi có tiếng tăm. (Lehndorff bị Quốc xã xử tử hình ngày 4 tháng 9 năm 1944.) Một trong những nhiệm vụ tự họ đặt ra là làm công tác tư tưởng cho vị Thống chế, nhưng việc này đã không thành công. Dù chán ghét chủ nghĩa Quốc xã, nhưng Bock đã tiến thân nhanh dưới chế độ này và cũng vì tính khí rỗng tuếch đầy tham vọng mà ông không muốn may rủi. Khi nhóm âm mưu vạch ra rằng Hitler đang dẫn nước Đức đến chỗ diệt vong, Bock liền lớn tiếng: "Tôi không cho phép các người phê phán Lãnh tụ!" Tresckow và các phụ tá thất vọng nhưng không nản chí. Họ quyết định tự mình hành động. Ngày 4 tháng 8 năm 1941, Lãnh tụ đến thăm tổng hành dinh của Tập đoàn quân, họ lên kế hoạch bắt giữ khi ông ta đi từ sân bay đến tổng hành dinh. Nhưng họ tỏ ra quá nghiệp dư và không tính đến những phương pháp an ninh cho Lãnh tụ. Luôn có một lực lượng S.S. hùng hậu bao quanh và Hitler không sử dụng xe của Quân đội khi đi từ sân bay (ông đã điều trước một đoàn xe để dùng cho chuyến đi), nên nhóm âm mưu không có cơ hội tiếp cận để ra tay .
Thất bại này 1 hẳn cũng đã có những thất bại khác tương tự – đã dạy cho những người âm mưu trong Quân đội một vài bài học. Thứ nhất, đến gần Hitler không phải là việc dễ dàng, ông ta luôn được bảo vệ cẩn mật. Kế tiếp, bắt giữ ông ta không thể giải quyết vấn đề, vì các tướng lĩnh chủ chốt hoặc quá hèn nhát hoặc quá hoang mang trước lời tuyên thệ trung thành với Hitler nên có thể không cho phép nhóm âm mưu hành động tiếp. Vào khoảng thời gian này, mùa thu năm 1941, vài sĩ quan quân đội trẻ đành phải đi đến kết luận giải pháp đơn giản nhất – có lẽ giải pháp duy nhất – là hạ sát Hitler. Lúc ấy, sau khi được giải thoát khỏi lời tuyên thệ, các tướng lĩnh e dè sẽ thuận theo chính quyền mới và mang đến sự ủng hộ của Quân đội .
Nhưng các chỉ huy của nhóm âm mưu vẫn chưa sẵn sàng để tiến xa đến thế. Họ định ra một kế hoạch ngu xuẩn gọi là "hành động cô lập", mà vì lý do nào đây, họ nghĩ rằng sẽ thoả mãn lương tâm của các tướng lĩnh đối với lời tuyên thệ, đồng nghĩa với việc cho phép họ loại trừ Hitler. Dù khá là khó hiểu, nhưng nội dung ý tưởng ấy là các chỉ huy quân sự cấp cao, cả ở 2 mặt trận phía Tây và phía Đông, theo hiệu lệnh đã định trước, chỉ việc bất tuân mệnh lệnh của Hitler. Dĩ nhiên như thế là phá vỡ lời tuyên thệ trung thành với Lãnh tụ, nhưng những người nguỵ biện ở Berlin giả vờ không thấy điều này. Họ giải thích rằng trong trường hợp gì đi nữa, mục đích thật sự là tạo ra tình trạng hoang mang, trong khi ấy Beck với sự yểm trợ của lực lượng Dân quân ở Berlin sẽ cướp chính quyền, cách chức Hitler và đặt Đức Quốc xã ra ngoài vòng pháp luật .
Lực lượng Dân quân có 1 triệu người nhưng chỉ là một tổ chức ô hợp gồm những tân binh đã qua huấn luyện sơ sài trước khi được điều đi chiến trường để thay thế cho số thương vong. Vài tướng lĩnh cao cấp ở mặt trận Liên Xô hoặc vùng chiếm đóng có thể thuận theo nhóm âm mưu nếu kế hoạch ban đầu thành công. Một người trong số này, đã can dự vào âm mưu của Halder nhằm bắt Hitler vào thời điểm diễn ra Hội nghị Munich, xem như là chọn lựa đúng lý. Đó là Thống chế von Witzleben, lúc đó đã là Tư lệnh Mặt trận phía Tây. Giữa tháng 1 năm 1942, nhóm âm mưu phái Hassell đi gặp Witzleben và Tướng Alexander von Falkenhausen, chỉ huy quân Đức tại Bỉ. Hassell đang bị Mật vụ theo dõi, nên đã sử dụng bình phong là chuyến đi diễn thuyết cho sĩ quan Đức và viên chức địa phương về "Không gian sinh sống và Chủ nghĩa Đế chế". Giữa những buổi giảng, ông bàn bạc với Falkenhausen ở Brussels và Witzleben ở Paris. Cả 2 có ấn tượng tốt với ông, đặc biệt là Witzleben .
Bị cho ra rìa tại Pháp trong khi các thống chế đồng sự đang chỉ huy những trận đánh quang vinh tại Liên Xô, Witzleben đang khao khát được làm gì đó. Ông bảo Hassell "hành động cô lập" là chuyện không tưởng. Cách duy nhất là lật đổ Hitler và ông sẵn lòng nhận vai trò đi đầu trong nhiệm vụ này. Witzleben cho rằng có lẽ thời điểm thích hợp nhất để hành động là mùa hè 1942, khi Đức mở lại cuộc tiến công ở Liên Xô. Để chuẩn bị cho ngày này, ông muốn có sức khoẻ tốt nên đã xin tiến hành một cuộc tiểu phẫu. Không may cho ông và cho nhóm âm mưu, quyết định này gây hậu quả tai hại. Witzleben bị bệnh trĩ và tiểu phẫu để chữa trĩ chỉ là một ca thông thường. Nhưng khi Witzleben xin nghỉ bệnh một thời gian ngắn, Hitler liền nhân cơ hội này mà cho ông về hưu, đồng thời cử Rundstedt thay thế. Ông này không có can đảm chống lại Hitler dù gần đây bị Hitler đối xử tệ hại. Thế là nhóm âm mưu thấy hy vọng chính yếu của mình trong Quân đội lại là một Thống chế không có quân. Chỉ có tướng mà không có quân thì không thể thành lập chế độ mới .
Các nhà lãnh đạo của nhóm âm mưu vô cùng chán nản. Họ vẫn gặp gỡ nhau để bàn mưu tính kế nhưng không thể tìm ra giải pháp khả quan. Hassell ghi nhận là vào cuối tháng 2 năm 1942, họ nghĩ dường như không thể làm gì Hitler được nữa .
Tuy nhiên, vẫn có nhiều việc phải làm để củng cố ý tưởng về loại hình Chính phủ mà họ mong muốn cho nước Đức sau khi lật đổ Hitler và cải thiện tình trạng hỗn loạn của tổ chức để nắm chính quyền khi thời cơ đến .
Phần lớn các nhà lãnh đạo của nhóm âm mưu, vốn bảo thủ, muốn phục hồi vương triều Hohenzollern. Nhưng trong một thời gian dài, họ không nhất trí với nhau là hoàng tử Hohenzollern nào sẽ lên ngôi. Có người chọn Hoàng Thái tử, có người đề xuất con trai trưởng của Hoàng Thái tử, nhưng đều bị những người khác phản đối .
Cho đến mùa hè 1941, nhiều người đồng ý chọn Louis-Ferdinand, con trai thứ hai của Hoàng Thái tử, lúc ấy 33 tuổi. (Thái tử Wilhelm, là con cả, bị thương trên chiến trường rồi qua đời ngày 26 tháng 5 năm 1940.) Hassell và vài người khác không phục lắm, nhưng rốt cuộc họ vẫn thuận theo .
Mối quan tâm chính yếu của Hassell là loại hình và thành phần của Chính phủ Đức trong tương lai. Ông thảo luận với Tướng Beck, Goerdeler và Popitz để soạn ra một chương trình cho giai đoạn tạm thời, được hoàn thiện vào cuối năm 1941. Chương trình này dự kiến sẽ phục hồi tự do cá nhân, cử một phụ chính để người này bổ nhiệm Chính phủ và Hội đồng Nhà nước. Chế độ có phần nào chuyên chế, nên Goerdeler và đại diện nghiệp đoàn trong nhóm âm mưu không thích. Nhưng vì thiếu ý tưởng cụ thể nào hay hơn, kế hoạch của Hassell được chấp nhận trên nguyên tắc. Sau này vào năm 1943, nhóm Kreisau do Bá tước Helmuth von Moltke cầm đầu đã soạn ra một chương trình phóng khoáng hơn để thay thế .
Cuối cùng, đến mùa xuân 1942, nhóm âm mưu cử một lãnh đạo là Tướng Beck, do trí thông minh, tính tình, uy tín đối với các tướng lĩnh và tiếng tăm trong cũng như ngoài nước của ông. Tuy nhiên, tổ chức của họ yếu kém đến nỗi họ không bao giờ đưa ông vào vị thế chỉ huy. Một ít người, như Hassell, tuy ngưỡng mộ và tôn trọng ông, nhưng vẫn tỏ ý nghi ngờ .
Tuy thế, đến tháng 3 năm 1942, sau nhiều buổi họp kín, cả nhóm đồng ý để Beck nắm quyền thật sự .
Nhưng âm mưu vẫn còn mông lung và vô định ngay cả ở những thành viên tích cực nhất. Họ biết rằng mùa xuân này Hitler đang lên kế hoạch mở lại cuộc tiến công trên đất Nga. Họ nghĩ việc đó sẽ nhấn chìm nước Đức. Nhưng họ vẫn chỉ nói, chứ không làm gì cụ thể. Họ không có kế hoạch gì cả trong khi còn có thời giờ. Ngày 28 tháng 3 năm 1942, Hassell ghi vào nhật ký: "Trong những ngày qua ở Berlin, tôi đã có những buổi thảo luận chi tiết với Jessen, Beck và Goerdeler. Viễn cảnh không mấy tốt đẹp." Làm thế nào có thể tốt đẹp được? Không có kế hoạch hành động nào .
Ngay bây giờ. Trong khi vẫn còn có thời gian .
Gần đến mùa xuân, mùa xuân thứ ba trong cuộc chiến, chính Hitler là người có kế hoạch – và ý chí mãnh liệt để mang ra thi hành .
ĐỢT TẤN CÔNG LỚN CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC TRONG CUỘC CHIẾN Lệnh của Lãnh tụ không cho quân Đức ở Liên Xô rút lui đã gây thiệt hại nặng nề về người và khí tài. Tinh thần và tình cảnh của quân Đức gần như thảm hoạ. Nhưng có phần đúng khi cho rằng ý chí cuồng tín của Hitler đã giúp ngăn chặn làn sóng phản công của Liên Xô. Sự dũng cảm và sức chịu đựng của binh sĩ Đức cũng góp thêm công sức .
Đến ngày 20 tháng 2 năm 1942, đợt phản công của Liên Xô từ vùng Baltic cho đến biển Đen đã khiến cả Đức và Liên Xô kiệt sức, chưa kể vào cuối tháng Ba, mặt đất bắt đầu lầy lội [vì tuyết tan]. Cả mặt trận dài và đẫm máu tương đối yên tĩnh. Hai bên đều kiệt lực. Một báo cáo của Lục quân Đức ngày 30 tháng 3 năm 1942 cho biết thiệt hại kinh khủng suốt mùa Đông chinh chiến. Trong tổng số 162 sư đoàn Đức tác chiến ở phía Đông, chỉ còn lại 8 sư đoàn đủ sức tấn công. Trong 16 sư đoàn thiết giáp, tổng cộng chỉ có 140 xe thiết giáp còn sử dụng được – ít hơn cả cơ số của một sư đoàn .
Ngay khi binh sĩ Đức đang rút lui trên băng tuyết, Hitler – bây giờ là Tư lệnh Lục quân cũng như Tư lệnh Tối cao Quân lực – đã bận rộn với những kế hoạch cho năm sau. Ông dự định sẽ không có nhiều tham vọng như năm trước. Bây giờ, Hitler đã tỏ ra khôn ngoan hơn mà nhận ra rằng Đức không thể tiêu diệt mọi đoàn quân của Liên Xô chỉ trong một chiến dịch duy nhất. Mùa hè này, ông sẽ tập trung phần lớn lực lượng ở miền Nam, chiếm lấy những mỏ dầu Caucasus, vùng công nghiệp lưu vực sông Donets, vùng trồng lúa mì ở Kuban và chiếm lấy thành phố Stalingrad. Làm như vậy Hitler sẽ đạt được một số mục đích chính như: cắt đứt nguồn xăng dầu, một phần nguồn thực phẩm và một phần tiềm lực công nghiệp của Liên Xô vốn thiết yếu cho nhu cầu chiến tranh, để cung ứng cho Đức tài nguyên xăng dầu và thực phẩm đang thiếu hụt. Ngay trước khi khởi động chiến dịch mùa hè, Hitler đã nói với Tướng Paulus, Tư lệnh của Đại Quân đoàn Thứ Sáu xấu số: "Nếu tôi không lấy được dầu của Maikop và Grozny thì tôi phải chấm dứt cuộc chiến này." Stalin hẳn cũng nói câu tương tự. Ông cũng phải giữ lấy dầu hoả của Caucasus để tiếp tục chiến đấu. Vì thế thành phố Stalingrad có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu Đức chiếm được thành phố này, họ sẽ cắt đứt tuyến đường huyết mạch cuối cùng để vận chuyển dầu qua biển Caspi và sông Volga rồi từ đó đi đến trung tâm nước Nga .
Ngoài xăng dầu cho máy bay, xe thiết giáp và xe cơ giới, Hitler còn cần nhân lực để bổ sung quân số. Số thương vong tổng cộng trong mùa Đông lên đến 1.167.835 người, chưa tính đến người bị bệnh và hiện tại Đức không thể huy động đủ tân binh để bù vào. Vì vậy, Đức phải quay sang các nước Đồng minh – đúng hơn là các nước chư hầu – để lấy thêm quân. Trong mùa Đông, Tướng Keitel đã đi đến Hungary và Rumania để huy động binh sĩ 2 nước – từng sư đoàn – cho mùa hè sắp đến. Goering và đích thân Hitler kêu gọi Mussolini đóng góp quân Ý .
Goering đi đến Rome vào cuối tháng 1 năm 1942 để huy động quân Ý, trấn an Mussolini là Liên Xô sẽ bị đánh bại trong năm 1942 và Anh sẽ hạ vũ khí vào năm 1943. Ciano thấy vị Thống chế Đế chế to béo, mang đầy huy chương này là con người không thể chịu nổi. Ngày 2 tháng 2, Ciano ghi vào nhật ký: "Ông ta vẫn béo phị và hống hách như thường lệ". 2 ngày sau ông ghi tiếp: "... Chúng tôi dùng bữa tối tại khách sạn Excelsior và suốt buổi Goering không nói nhiều đến chuyện gì khác ngoài số trang sức ông hiện có. Ông mang trên các ngón tay nhiều chiếc nhẫn đẹp... Trên đường đến sân ga, ông mặc một chiếc áo choàng bằng lông chồn, loại áo pha trộn giữa thứ mà tài xế ô tô mặc vào năm 1906 và thứ mà gái bán thân cao cấp mặc ở nhà hát." Mức độ tham nhũng và biến chất của nhân vật số Hai trong Đế chế Thứ Ba đang đều đặn tiến triển .
Mussolini hứa với Goering rằng sẽ tăng viện 2 sư đoàn quân Ý đến Liên Xô nếu Đức cung cấp pháo cho họ. Nhưng ông ngày càng lo rằng Phe Trục sẽ chiến bại, đến nỗi mà Hitler phải quyết định hội kiến với Mussolini để trấn an .
Các cuộc hội kiến diễn ra vào ngày 29 và 30 tháng 4 ở Salzburg. Duce và Ciano cùng đoàn tuỳ tùng được thu xếp vào ở trong Điện Klessheim, một trong những cung điện của một vị cựu hoàng thân – giám mục và bây giờ được trang trí lại với những hoạ tiết treo, nội thất và thảm từ nước Pháp, mà Ciano đoán người Đức đã "không chi trả nhiều." Ciano thấy Lãnh tụ có vẻ mệt mỏi. "Những tháng mùa Đông ở Nga hẳn tạo áp lực nặng nề cho ông .
Lần đầu tiên, tôi thấy ông ta có nhiều tóc bạc." Phía Đức vẫn có những điệp khúc như thường lệ khi tổng kết tình hình. Ribbentrop và Hitler trấn an vị khách người Ý rằng mọi chuyện đều tốt đẹp – Liên Xô, ở Bắc Phi, ở phía Tây và trên biển cả. Họ cho biết đợt công kích mới ở phía Đông sẽ nhắm vào những giếng dầu ở Caucasus. Ribbentrop nói: "Khi những nguồn cung ứng dầu của Nga bị cắt đứt, họ sẽ đầu hàng. Rồi người Anh... sẽ cúi đầu nhằm cứu vãn phần còn lại của Đế quốc khỏi bị xâu xé... Mỹ thì chỉ biết tháu cáy..." Lắng nghe một cách kiên nhẫn, Ciano có cảm nghĩ rằng khi nói về việc Mỹ rốt cuộc sẽ làm gì, chính người Đức mới là những kẻ tháu cáy và trên thực tế, khi họ [người Ý] nghĩ về việc này, "họ cảm thấy lạnh cả các đốt sống lưng" .
Cũng như những lần gặp gỡ trước kia, Lãnh tụ đã dành phần lớn thời gian để phát biểu. Ciano viết trong nhật ký: "Hitler nói, nói, nói. Mussolini – người có thói quen thích nói đành phải giữ im lặng và chịu đựng một cách khổ sở. Vào ngày thứ hai, sau bữa ăn trưa, khi đã nói ra mọi điều, Hitler còn nói liên tục trong 1 tiếng 45 phút nữa. Ông không bỏ qua lời biện luận nào: chiến tranh và hoà bình, tôn giáo và triết học, nghệ thuật và lịch sử. Mussolini nhìn đồng hồ đeo tay của mình... Người Đức – những người Đức đáng thương – phải chịu đựng mỗi ngày và tôi chắc chắn họ đều thuộc nằm lòng mọi cử chỉ, câu từ hoặc đoạn ngừng. Sau khi cố chịu đựng, cuối cùng Tướng Jodl cũng đến nằm ngủ trên một chiếc đi-văng. Keitel quay cuồng, nhưng vẫn cố giữ tỉnh táo. Ông quá gần gũi với Hitler nên không thể đi được..." Mặc dù nói quá nhiều, hoặc nhờ nói nhiều, Hitler đã được hứa hẹn rằng sẽ có thêm bia đỡ đạn của Ý cho mặt trận Liên Xô. Đức sẽ có 52 sư đoàn "đồng minh" cho mùa hè – 27 của Rumania, 13 của Hungary, 9 của Ý, 2 Slovakia và 1 của Tây Ban Nha. Đây là ¼ của toàn lực lượng Phe Trục ở phía Đông. Trong số 41 sư đoàn mới để tăng viện cho phía Nam, nơi Đức sẽ hướng mũi tấn công chính, thì phân nửa – hoặc 21 sư đoàn – là của Hungary (10), Ý (6), Rumania (5). Halder và phần lớn tướng lĩnh khác đều không trông cậy vào nhiều sư đoàn "ngoại quốc" đến thế, những sư đoàn mà năng lực tác chiến nói theo cách nhẹ nhàng là đáng ngờ. Nhưng vì thiếu quân số trầm trọng, họ đành phải chấp nhận sự tăng viện này và rồi sẽ chịu hậu quả nặng nề về sau .
Thoạt đầu, vào mùa hè 1942, vận may của Phe Trục đang lên. Trước khi mũi tiến công Caucasus và Stalingrad diễn ra, Đức giành được một chiến thắng vang dội ở Bắc Phi. Trước đó, sau một loạt trận đánh dữ dội trong hai tháng 11 và 12 năm 1941, lực lượng của Rommel đã bị đẩy lui. Nhưng qua tháng 1 năm 1942, Rommel chiếm lại phân nửa phần đất bị mất trong chiến dịch thần tốc 17 ngày để quay lại El Gazala. Từ đây, ngày 27 tháng 5 năm 1942, Tướng Rommel mở lại cuộc tấn công trên sa mạc. Quân Đức đánh nhanh đánh mạnh với Binh đoàn châu Phi (2 sư đoàn thiết giáp và 1 sư đoàn cơ giới) cùng 8 sư đoàn Ý trong đó có 1 sư đoàn thiết giáp, chẳng bao lâu Rommel đẩy lùi quân Anh về biên giới Ai Cập. Ngày 21 tháng 6, ông chiếm được Tobruk, điểm mấu chốt cho sự phòng thủ của Anh. đến cuối tháng Sáu, ông tiến đến El Alamein, cách thành phố Alexandria 100 km. Nhiều chính khách phe Đồng minh nhìn vào bản đồ và thấy xem chừng không gì có thể ngăn chặn được Rommel giáng cho Anh một đòn chí tử bằng cách chiếm lấy Ai Cập, từ đây nếu được tăng viện ông sẽ đánh lên hướng Đông Bắc để chiếm những mỏ dầu vùng Trung Đông rồi tiến đến Caucasus để bắt tay với quân Đức tiến xuống từ phía Bắc .
Đây là một trong những thời khắc đen tối nhất của phe Đồng minh và là một trong những giai đoạn sáng chói nhất cho Phe Trục. Nhưng, như ta đã thấy, Hitler không bao giờ hiểu được chiến tranh toàn cầu. Ông không biết khai thác chiến công của Rommel. Ông ban cho vị tướng dũng cảm Tư lệnh Binh đoàn Châu Phi cây gậy thống chế nhưng không gửi hàng hậu cần hay quân tăng viện đến cho ông.Khi Raeder thúc giục và Rommel kỳ kèo, Lãnh tụ đành phải điều Binh đoàn châu Phi và một lực lượng nhỏ không quân đến Libya. Nhưng ông làm thế để ngăn quân Ý thất trận ở Bắc Phi, chứ không phải vì ông nhận ra tầm quan trọng trong việc thôn tính Ai Cập .
Chìa khoá của việc thôn tính này thật ra là hòn đảo nhỏ Malta, nằm trên Địa Trung Hải giữa Sicily và những căn cứ của Phe Trục ở Libya. Chính từ pháo đài này mà máy bay thả bom, tàu ngầm và tàu chiến Anh làm mưa làm gió trên những tuyến hàng hải của Đức và Ý chuyển hàng hậu cần đến Bắc Phi. Trong tháng 8 năm 1941, hơn ⅓ số hàng hậu cần và tăng viện cho Rommel đã bị đánh chìm. đến tháng Mười, con số này đã tăng đến ⅔. Ngày 9 tháng 11, Ciano buồn bã ghi vào nhật ký: "Kể từ ngày 19 tháng 9, ta phải bỏ ý định đưa tàu vận tải đi qua Lybia, mọi nỗ lực đều phải trả giá cao... Tôi nay ta sẽ cố lần nữa. Một đoàn 7 tàu vận tải được những tàu tuần dương 10.000 tấn và 10 chiếc tàu khu trục hộ tống... Tất cả – tôi ghi rõ tất cả – tàu của ta đều đã bị chìm... Quân Anh trở về cảng của họ [ở Malta] sau khi làm thịt ta." Muộn còn hơn không, Đức điều vài tàu ngầm từ Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải và Kesselring (Thống chế Không quân chỉ huy mọi đơn vị Không quân ở Địa Trung Hải) nhận thêm một số phi đội cho các căn cứ ở Sicily. Đức quyết định triệt phá Malta và nếu có thể được, sẽ tiêu diệt luôn cả hạm đội Anh trên Địa Trung Hải. Đến cuối năm 1941, Anh bị mất 3 tàu thiết giáp, 1 tàu sân bay, 2 tàu tuần dương, vài tàu khu trục và tàu ngầm, phần còn lại của hạm đội phải lùi về những căn cứ ở Ai Cập. Máy bay Đức bắn phá Malta cả ngày lẫn đêm, kéo dài trong nhiều tuần. Nhờ thế, hàng hậu cần của Phe Trục được chuyển qua – trong tháng 1 năm 1941 không một tấn hàng nào bị mất – và Rommel có thể tăng cường lực lượng dưới quyền để có thể đánh một trận lớn ở Ai Cập .
Tháng Ba, Raeder khuyến dụ Hitler chấp thuận cả 2 kế hoạch cho Rommel tiến đến sông Nile (Chiến dịch Aida) và cho quân nhảy dù chiếm lấy Malta (Chiến dịch Hercules). Mũi tiến công từ Libya sẽ bắt đầu từ cuối tháng Năm, còn đợt tấn công Malta sẽ khởi phát vào giữa tháng Bảy. Nhưng trong khi Rommel đang tất bật chỉ huy với những thành công ban đầu, thì ngày 15 tháng 6, Hitler ra lệnh hoãn lại đợt tấn công Malta. Hitler giải thích với Raeder rằng Đức không dư thừa đơn vị Lục quân hoặc Không quân nào mặt trận Liên Xô để điều đi nơi khác. Vài tuần sau, ông lại đình hoãn tiếp, một lần nữa nói rằng Chiến dịch Hercules phải chờ cho đến khi cuộc tiến công vào Liên Xô hoàn thành và Rommel chiếm được Ai Cập. Ông nói cứ giữ cho Malta im tiếng bằng cách tiếp tục ném bom .
Nhưng Malta không chịu im tiếng. Khi bỏ ý định triệt phá hoặc chiếm lấy Malta, Đức phải trả một giá đắt. Ngày 16 tháng 6, một hạm đội hùng hậu của Anh đi đến hòn đảo đang bị đánh phá này. Dù Anh đã bị mất vài tàu thiết giáp và tàu vận tải, nhưng họ vẫn có thể tái lập những hoạt động quân sự từ Malta. Máy bay chiến đấu Spittire của Anh cất cánh từ tàu sân bay Wasp (Ong vò vẽ) của Mỹ bắn tan tác máy bay ném bom của Đức. Rommel sẽ phải chịu những hậu quả kế tiếp. Từ lúc này, ¾ tàu chuyên chở hàng hậu cần cho ông sẽ bị đánh đắm .
Rommel đã tiến đến El Alamein và báo cáo chỉ còn có 13 xe thiết giáp sử dụng được. Theo lời khai sau chiến tranh, có lẽ Rommel đã phóng đại thiệt hại của mình. Quân báo Đồng minh lúc ấy cho là Rommel còn 125 chiếc. Rommel ghi vào nhật ký ngày 3 tháng 7 năm 1942: "Sức mạnh của ta đã mờ nhạt." Và đây chính là lúc quân Đức chỉ có thể nhìn thấy những kim tự tháp ở phía chân trời, rồi tiếp theo sau là cả Ai Cập và kênh đào Suez! Đức mất một cơ hội quý báu, một trong những cơ hội cuối cùng mà Ơn Trên và vận may chiến tranh còn ban phát cho Hitler .
CUỘC TIẾN CÔNG MÙA HÈ CỦA ĐỨC TRÊN ĐẤT NGA: 1942 Vào cuối mùa hè 1942, có vẻ như Adolf Hitler một lần nữa lại vươn lên đến vị trí đỉnh cao của thế giới. Trên Đại Tây Dương, tàu ngầm Đức đang đánh chìm mỗi tháng 700.000 tấn tải trọng tàu Anh-Mỹ – mà năng suất tổng cộng của những xưởng đóng tàu tất bật ở Mỹ, Canada và Anh vẫn không bù đắp kịp. Mặc cho Lãnh tụ đã vơ vét bộ binh, xe thiết giáp và máy bay ở phía Tây để mong kết liễu Liên Xô nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy Anh-Mỹ đủ mạnh để đổ bộ qua biển Manche, dù là một lực lượng nhỏ. Họ càng không dám liều chiếm lấy những thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, dù nước Pháp đã suy yếu vì bị chia đôi giữa Phe Trục và Đồng minh nên không có lực lượng gì nhiều để ngăn chặn, còn Đức càng chẳng có gì ngoại trừ vài tàu ngầm và vài chiếc máy bay đặt căn cứ ở Ý và Tripoli .
Hải quân và Không lực Anh không thể ngăn chặn 2 tàu tuần dương thiết giáp Scharnhorst và Gneisenau cùng tàu tuần dương hạng nặng Prinz Eugen của Đức tiến từ Brest và đi xuyên suốt dọc biển Manche giữa ban ngày để về đến căn cứ quê nhà.Đây là một dấu hiệu đầy ý nghĩa cho thấy Anh suy yếu đến thế nào. Hitler đã e sợ Anh-Mỹ có thể chiếm lại miền Bắc Na Uy nên điều 3 tàu chiến hạng nặng đó về để phòng thủ lãnh hải Na Uy bằng mọi giá. Nhưng thật sự là không cần thiết. Anh-Mỹ có những kế hoạch khác để sử dụng lực lượng nhỏ nhoi của họ .
Ngày 8 tháng 8, Đức chiếm được những mỏ dầu Maikop có sản lượng 2 triệu rưỡi tấn mỗi năm, nhưng khi chiếm xong họ thấy hầu như toàn bộ các cơ sở đã bị phá huỷ. Ngày 23 tháng 8, lá cờ chữ thập ngoặc bay phất phới trên núi Elbrus, đỉnh cao nhất (5.633 m) của dãy núi Caucasus. Hai ngày sau, Đại Quân đoàn Thứ Sáu tiến đến sông Volga, kề cận phía Bắc Stalingrad. Hai ngày kế tiếp, các đội hình thiết giáp của Kleist tiến đến Mozdok, chỉ cách trung tâm dầu hoả quanh Grozny 80 km và cách biển Caspi 160 km. Ngày 31 tháng 8, Hitler thúc giục Thống chế List, Tư lệnh các đại quân đoàn vùng Caucasus, tập kết mọi lực lượng, mở đợt tấn công dứt điểm đến Grozny để ông ta "có thể đặt tay lên các mỏ dầu". Cũng vào ngày này, Rommel mở đợt tấn cống đến El Alamein với tất cả hy vọng xuyên phá qua vùng sông Nile .
Nếu nhìn vào bản đồ, những vùng mà Hitler thôn tính được cho đến tháng 9 năm 1942 thật sự là rộng lớn. Địa Trung Hải xem như đã là ao vườn của Phe Trục, khi Đức và Ý chiếm đóng hầu hết bờ biển, Bắc từ Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỳ, còn Ý chiếm hầu hết bờ biển Nam từ Tunisia cho đến vị trí cách sông Nile chưa đến 100 km. Quân Đức bây giờ trấn giữ từ cực Bắc của Na Uy trên Bắc Băng Dương cho đến Ai Cập theo trục Bắc-Nam, từ Đại Tây Dương ở Brest cho đến vùng Nam sông Volga cạnh Trung Á theo trục Tây-Đông. Hitler không bao giờ có thể hài lòng với các tướng lĩnh: Ngày 13 tháng 7, ông cách chức Thống chế von Bock đang chỉ huy toàn bộ mũi tiến công phía Nam và còn luôn chì chiết la mắng những chỉ huy khác vì quân Đức không tiến nhanh. Tuy thế bây giờ ông tin rằng chiến thắng là trong tầm tay. Ông ra lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu và Quân đoàn Thứ Tư thiết giáp, sau khi chiếm được Stalingrad thì quay về hướng Bắc dọc sông Volga tạo thành một vòng cung rộng để sau cùng ép vùng trung tâm nước Nga và Moscow giữa 2 gọng kìm phía Đông và phía Tây. Hitler cho là đã xử lý xong Liên Xô và ông còn đề cập đến việc điều một phần lực lượng qua Iran để tiến đến vịnh Ba Tư. Chẳng bao lâu, quân Đức sẽ bắt tay với quân Nhật trên Ấn Độ Dương. Hitler không hề ngờ vực tin tức quân báo của Đức ngày 9 tháng 9 cho rằng Liên Xô đã tung ra hết lực lượng dự phòng trên toàn mặt trận. Khi thảo luận với Raeder vào cuối tháng Tám, ý nghĩ của Hitler đã chuyển từ Liên Xô mà ông ta xem là "không gian sinh sống không ai phong toả được" sang Anh và Mỹ, mà ông ta tin chắc chẳng bao lâu sẽ buộc phải "đi đến việc đàm phán hoà bình" .
Tuy thế, như Tướng Zeitzler sau này thuật lại, mọi vẻ bề ngoài tốt đẹp đều che giấu sự thật bên trong. Hầu như tất cả các tướng lĩnh trên chiến trường cũng như sĩ quan tham mưu đều nhận thấy những khuyết điểm trong hình ảnh tươi đẹp ấy. Có thể tóm tắt như sau: Đơn giản là quân Đức không có đủ nguồn lực – quân sự hoặc pháo, thiết giáp, máy bay hay phương tiện vận chuyển – để tiến đến những mục tiêu mà Hitler luôn thúc giục. Khi Rommel vạch ra những điểm này cho Hitler hiểu về tình hình ở Ai Cập, ông đã nhận được lệnh phải đi dưỡng bệnh ở vùng rừng núi Semmering (miền Đông nước Áo). Khi Halder và Thống chế List cũng cố gắng làm như thế họ cũng bị cách chức .
Ngay cả một chiến lược gia nghiệp dư ngu xuẩn nhất cũng có thể nhận ra nguy cơ đang ngày càng tồi tệ đối với các đại quân đoàn Đức ở miền Nam nước Nga, khi mà Hồng quân đang nỗ lực phản công trong vùng Caucasus và thành phố Stalingrad, trong khi những trận mưa mùa thu đang đến. Sườn Bắc của Đại Quân đoàn Thứ Sáu bị lộ ra một cách nguy hiểm dọc phòng tuyến sông Don kéo dài hơn 560 km từ Stalingrad đến Voronezh. Dọc phòng tuyến này, Hitler đặt ba đại quân đoàn của quân chư hầu: Đại Quân đoàn Thứ Hai của Hungary phía Nam Voronezh, Đại Quân đoàn Thứ Tám của Ý xa hơn về phía Đông Nam và Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania phía Tây Stalingrad. Ngoài năng lực tác chiến đáng ngờ, tất cả các đại quân đoàn này đều thiếu trang bị, thiếu hoả lực thiết giáp và đại pháo, thiếu cả phương tiện vận chuyển. Thêm nữa, họ phải dàn mỏng trên phòng tuyến quá rộng. Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania trấn giữ phòng tuyến dài 170 km mà chỉ có 69 tiểu đoàn. Nhưng Hitler chỉ có thể huy động quân chư hầu đến mức như thế. Quân Đức không có đủ cơ số để trám vào những lỗ hổng. Và vì Hitler tin rằng đã "xử lý xong" Liên Xô như đã bảo Halder, ông không còn tỏ ra lo lắng về phòng tuyến rộng và sơ hở dọc sông Don nữa .
Nhưng chính phòng tuyến này là mấu chốt cho cả Đại Quân đoàn Thứ Sáu cùng Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp ở Stalingrad cũng như Tập đoàn quân Aở Caucasus. Nếu sườn sông Don bị xuyên thủng, các lực lượng Đức Stalingrad sẽ bị bao vây và quân Đức ở Caucasus cũng sẽ bị cắt đứt đường tiếp vận hoặc đường về. Một lần nữa, nhà độc tài Quốc xã lại đánh ván bài liều. Và đây cũng không phải là ván bài liều đầu tiên trong chiến dịch mùa hè .
Ngày 23 tháng 7, vào lúc chiến dịch lên đến đỉnh điểm, Hitler đã đánh một ván bài liều khác. Quân Liên Xô đang rút lui toàn bộ giữa sông Donets và thượng lưu sông Don. Giờ chính là lúc cần phải ra quyết định. Liệu quân Đức có nên tập trung tấn công Stalingrad và khoá chặt sông Don, hay nên hướng mũi tấn công xuống Caucasus để đoạt lấy nguồn dầu hoả của Nga? Thoạt đầu, mùi dầu hoả tỏ ra hấp dẫn Hitler hơn và ngày 13 tháng 7, ông tách Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp ra khỏi Tập đoàn quân Blúc này đang tiến gần đến Stalingrad, để điều xuống phía Nam yểm trợ cho Đại Quân đoàn Thứ Nhất Thiết giáp của Kleist vượt qua sông Don gần Rostov nhằm tiến vào những mỏ dầu ở Caucasus. Vào lúc ấy, Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp đang trên đường tiến nhanh đến Stalingrad vốn chông chênh vì thiếu phòng vệ và đáng lẽ có thể chiếm lấy thành phố này một cách dễ dàng. Nhưng khi Hitler nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn .
Rồi ông lại phạm một sai lầm khác: 2 tuần lễ sau, ông gọi Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp quay về Stalingrad khi quân Nga đã hồi phục và đang bảo vệ thành phố này một cách chắc chắn, trong khi ở Caucasus lực lượng của Kleist lại trở nên quá yếu nên không thể tiến đến những mỏ dầu vùng Grozny. Việc điều đi rồi điều về một lực lượng thiết giáp hùng mạnh là hậu quả của một quyết định do Hitler đưa ra ngày 23 tháng 7. Không nghe theo lời khuyên của Halder và các tư lệnh chiến trường vốn thấy rõ kế hoạch đó là bất khả thi, Hitler vẫn nhất quyết một cách cuồng tín chiếm lấy cả hai mục tiêu: Stalingrad đồng thời với Caucasus. Đây là một trong những động thái có tính định mệnh nhất của Hitler trong cuộc chiến. Vì lẽ, rốt cuộc Hitler lại không thể chiếm được mục tiêu nào, mà còn phải chịu thêm một chiến bại nhục nhã nhất trong lịch sử Quân đội Đức. Chiến bại này khiến cho Hitler không thể nào thắng được trong cuộc chiến, còn số phận của Đế chế Thứ Ba chỉ còn được tính bằng ngày .
Tướng Halder cảm thấy kinh hoàng. Sóng gió đã nổi lên tại tổng hành dinh "Hang Sói" do Hitler thiết lập trong vùng Ukraine gần Vinnitsa để được gần chiến trường hơn. Vị Tham mưu trưởng Lục quân thúc giục Hitler nên tập trung quân để chiếm Stalingrad và cố giải thích rằng đơn giản là Quân đội Đức không có đủ sức mạnh để tiến hành 2 mũi tấn công theo hướng khác nhau nữa. Khi Hitler trả đũa rằng đã "xử lý xong" Liên Xô, Halder cố thuyết phục ông rằng, theo tin tình báo của Lục quân thì sự thật không phải thế. Halder ghi lại trong nhật ký: "Việc liên tục đánh giá thấp khả năng của đối phương là vô cùng lố bịch và đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Không thể nào làm việc một cách nghiêm túc ở đây. Phản ứng bệnh hoạn do những ấn tượng nhất thời và thiếu hẳn năng lực nhận định tình huống cùng những điều khả dĩ đã khiến cho cái gọi là vai trò "lãnh đạo" có tính chất kỳ quái nhất." Sau đó, vị Tham mưu trưởng Lục quân trở lại vấn đề khi ông chẳng còn tại chức được bao lâu: "Những quyết định của Hitler chẳng còn theo đúng những nguyên tắc về chiến lược và hành quân như đã được thừa nhận trong nhiều thế hệ trước đây. Những quyết định ấy là sản phẩm của một tố chất bạo lực theo sau những cơn bốc đồng nhất thời, không nhận ra đâu là khả năng và đâu là hoang tưởng..." Halder cho là Lãnh tụ đã nhận định quá đáng về sức mạnh của chính mình và đánh giá quá thấp sức mạnh của địch thủ qua mẩu chuyện sau đây: "Có lần khi nghe trình bày một báo cáo khá khách quan, cho biết vào năm 1942 Stalin có thể điều động từ 1 triệu đến 1,25 triệu tân binh khoẻ mạnh cho vùng Bắc Stalingrad và Tây sông Volga, chưa kể nửa triệu quân trong vùng Caucasus, cùng công suất chế tạo xe thiết giáp hàng đầu lên đến ít nhất 1.200 chiếc mỗi tháng, Hitler nhảy xổ đến người đang đọc báo cáo, 2 bàn tay nắm lại thành nắm đấm, miệng sùi bọt ra 2 bên mép, ra lệnh ông này không được nói năng nhảm nhí nữa." Halder nói: "Không cần có thiên bẩm của một nhà tiên tri cũng thấy trước được những gì sẽ xảy ra khi Stalin tung 1,5 triệu tân binh chống lại cạnh sườn Stalingrad và sông Don. Tôi đã phân tích rõ cho Hitler điều này. Kết quả là tôi – Tham mưu trưởng Lục quân – bị cách chức." Việc này xảy ra ngày 24 tháng 9. Khi nhận tin người chỉ huy chiến trường Caucasus là Thống chế List bị cách chức, Halder đã biết rằng rồi cũng sẽ đến lượt mình. Halder nghe nói rằng Hitler nghĩ ông "không còn đáp ứng được những yêu cầu về tinh thần của chức vụ". Hitler giải thích thêm trong buổi chia tay với vị Tham mưu trưởng Lục quân vào ngày 24 như sau: "Ông và tôi đều đã khổ sở về tinh thần. Phân nửa sự mệt mỏi thần kinh của tôi là do ông. Không nên tiếp tục như thế này. Bây giờ, ta cần lòng nhiệt tình Quốc gia Xã hội, chứ không phải là khả năng chuyên nghiệp. Tôi không thể trông mong lòng nhiệt tình như thế từ một sĩ quan thuộc lớp người cũ như ông." Halder sau đó nhận xét: "Nói như thế không có nghĩa ông ta là một lãnh đạo chiến binh có tinh thần trách nhiệm, mà là một kẻ cuồng tín về chính trị." Thế là, Franz Halder ra đi. Ông cũng có lỗi một phần, tương tự như người tiền nhiệm của ông, Tướng Beck, do đầu óc ông quá lẫn lộn và ý chí hành động của ông đã tê liệt. Dù ông thường tranh cãi với Hitler một cách vô hiệu, nhưng giống như mọi tướng lĩnh khác hưởng vị trí cao trong Thế chiến II, ông đã phục vụ Hitler và trong một thời gian dài tiếp tay cho Hitler trong những cuộc gây hấn và thôn tính trắng trợn. Tuy thế ông vẫn giữ được vài đức tính của lớp người cũ có văn hoá. Ông là người cuối cùng trong số các tham mưu trưởng thuộc lớp người cũ trong Quân đội Đế chế Thứ Ba. Người thay thế ông là Tướng Zeitzler, một sĩ quan trẻ thuộc lớp người đã làm tham mưu trưởng cho Rundstedt trên chiến trường phía Tây và trụ được trong chức vụ khá hơn giao liên một chút cho đến âm mưu chống nhà độc tài vào tháng 7 năm 1944 .
Ngay cả người trung thành một cách cuồng tín, Tướng Tham mưu trưởng Hành quân Jodl thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, cũng lên tiếng chống đối việc bãi nhiệm Thống chế List và Tướng Halder. Việc này khiến cho Hitler nổi giận đến mức trong nhiều tháng không thèm bắt tay hoặc ngồi ăn với Jodl hoặc với các tướng lĩnh tham mưu khác. Vào tháng 1 năm 1943, Hitler định bãi nhiệm Jodl và điều Thống chế Paulus thay thế, nhưng lúc ấy đã là muộn màng: Paulus đã đầu hàng Liên Xô .
Việc miễn nhiệm Halder gây mất mát không những cho Lục quân mà còn cho các sử gia về Đế chế Thứ Ba, vì tập nhật ký quý giá của ông chấm dứt ngày 24 tháng 9 năm 1942. Cuối cùng, ông bị bắt giữ, bị đưa vào trại tập trung ở Dachau cùng với những nhân vật tiếng tăm như Schuschnigg và Schacht, rồi được quân Mỹ giải thoát ngày 28 tháng 4 năm 1945. Từ lúc ấy đến khi tôi viết cuốn sách này (1960), ông đã hợp tác với Quân đội Hoa Kỳ trong một số nghiên cứu lịch sử quân sự thời Thế chiến II .
Chức vụ Tham mưu trưởng Lục quân – vốn có thế lực nhất trong Quân đội Đức, đặc biệt là trong Thế chiến I – đã được giao cho Đại tướng cấp Cao Kurt Zeitzler trẻ tuổi hơn, người đã từng làm tham mưu trưởng cho Rundstedt, Tư lệnh Mặt trận phía Tây. Lúc bấy giờ, Zeitzler chỉ khá hơn người chạy công văn cho Hitler một chút và ông đã giữ chức vụ này cho đến khi xảy ra vụ ám sát hụt Hitler vào tháng 7 năm 1944 .
Việc thay đổi Tham mưu trưởng Lục quân không làm thay đổi tình hình của Quân đội Đức, với 2 mũi tiến công đến Stalingrad và Caucasus đều phải dừng lại vì Liên Xô chống cự mãnh liệt. Suốt tháng Mười, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trên đường phố Stalingrad. Quân Đức đạt được vài thành tựu, tiến đánh từ toà nhà này sang toà nhà khác, nhưng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều vùng đổ nát của thành phố vĩ đại ấy đã tạo cơ hội cho quân Nga phòng thủ kiên cường và dằng dai. Dù Halder và người kế nhiệm đã cảnh báo Hitler rằng binh sĩ ở Stalingrad đã kiệt sức, nhưng vị Tư lệnh Tối cao vẫn thúc họ phải tiến lên. Từng sư đoàn còn nguyên vẹn được tung vào rồi bị nghiền nát trong chiến trường địa ngục .
Ban đầu, việc tấn công Stalingrad chỉ là chiến thuật nhằm cắt đứt giao thông đường thuỷ trên sông Volga. Mục đích này đã đạt được khi quân Đức tiến đến bờ Tây của sông Volga ở phía Bắc và phía Nam của Stalingrad. Nhưng bây giờ, việc chiếm lấy Stalingrad lại trở thành mục đích chính. Đối với Hitler, việc này là vấn đề uy tín cá nhân của riêng ông ta. Khi ngay cả Zeitzler cũng thu hết can đảm đề xuất với Lãnh tụ rằng nếu xét qua mối hiểm nguy ở mạn sườn Nam trải dọc theo sông Don, thì bây giờ nên rút Đại Quân đoàn Thứ Sáu từ Stalingrad về khúc ngoặt của sông Don (phía Nam thành phố). Sau khi nghe xong, Hitler đã nổi cơn giận dữ: "Người lính Đức đặt chân đến nơi nào thì phải trụ lại ở nơi ấy!" Dù bước tiến khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng, nhưng ngày 25 tháng 10, Tướng Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu Paulus gọi vô tuyến về thông báo với Hitler rằng ông hy vọng sẽ chiếm được hoàn toàn Stalingrad chậm lắm là vào ngày 10 tháng 11. Phấn khích với lời trấn an này, Hitler ra lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu và Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp, lúc này đang giao chiến ở phía Nam thành phố, phải chuẩn bị để tiến công theo hướng Bắc và Nam dọc sông Volga sau khi chiếm được Stalingrad .
Không phải là Hitler phớt lờ mối đe doạ cạnh sườn dọc sông Don. Nhật ký chiến trường của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ghi rõ là ông có lo lắng về việc này. Nhưng vấn đề là ông không xem việc đó là nghiêm trọng và vì thế nên ông cũng chẳng có hành động gì để ngăn chặn hết. Hitler tỏ ra tự tin rằng tình hình đang nằm trong tay Đức, đến nỗi mà ông cùng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và Bộ Tư lệnh Lục quân rời tổng hành dinh ở Vinnitsa trong vùng Ukraine để quay lại Hang Sói. Lãnh tụ nghĩ rằng nếu Liên Xô có cuộc phản công nào, thì đó là ở 2 mặt trận trung tâm và Bắc. Vậy nên ông trở về Đông Phổ để chỉ huy gần hơn hai mặt trận đó hơn .
Nhưng khi vừa mới trở về, Hitler đã nhận được tin xấu từ một mặt trận khác, xa xôi hơn: Binh đoàn châu Phi của Thống chế Rommel đang nguy cấp .
ĐÒN ĐẦU TIÊN: EL ALAMEIN VÀ QUÂN ANH-MỸ ĐỔ BỘ Ngày 31 tháng 8 năm 1942, Cáo Sa mạc – biệt danh 2 bên chiến tuyến gọi Rommel – đã khởi động lại cuộc tiến công ở El Alamein với ý định đẩy lùi Đại Quân đoàn Thứ Tám của Anh rồi tiếp tục tiến đến thành phố Alexandria và sông Nile. Một trận đánh dữ dội diễn ra trong sức nóng như thiêu đốt trên trận tuyến dài hơn 60 km, nên Rommel đã không thể trụ nổi. Ngày 3 tháng 9, ông rút ra khỏi trận chiến và lui về vị trí phòng thủ. Cuối cùng, quân Anh tại Ai Cập cũng đã nhận được tăng viện mạnh về quân số, pháo, xe thiết giáp và máy bay (nhiều xe thiết giáp và máy bay là do Mỹ cung cấp). Ngày 15 tháng 8, quân Anh cũng đón nhận 2 tư lệnh mới: Đại tướng Bernard Lay Montgomery, lập dị nhưng có thiên bẩm, nhận quyền chỉ huy Đại Quân đoàn Thứ Tám và Đại tướng Harold Alexander, nhà chiến lược đại tài và quản trị gia thông minh, nhận chức vụ Tư lệnh Mặt trận Trung Đông .
Sau khi thua 1 trận đánh, Rommel dưỡng bệnh ở vùng rừng núi Semmering gần Vienna. Chính nơi đây, vào buổi chiều 24 tháng 10 năm 1942, ông nhận được cuộc gọi của Hitler: "Rommel, tin tức từ châu Phi nghe ra không ổn. Tình hình có vẻ mù mờ. Không ai biết chuyện gì xảy ra với Tướng Stumme. Ông có thể quay lại châu Phi và nắm quyền được không?" Trong khi Rommel đi vắng, Stumme nhận chức Quyền Tư lệnh Binh đoàn châu Phi. Vào đêm đầu tiên quân Anh tấn công, ông này đã chạy bộ cố lẩn trốn khi một toán tiền tiêu của Anh suýt bắt được ông và ngay sau đấy thì ông qua đời vì một cơn đau tim .
Khi nhận cuộc gọi của Hitler, tuy còn bị bệnh nhưng Rommel vẫn đồng đi ngay. Vào lúc Rommel trở lại tổng hành dinh phía Tây El Alamein tối hôm sau, Montgomery đã thắng trong trận đánh ngày 23 tháng 10. Đại Quân đoàn Thứ Tám của Anh có quá nhiều pháo, xe thiết giáp và máy bay. Dù phòng tuyến Đức-Ý vẫn còn đứng vững và dù Rommel đã nỗ lực huy động các sư đoàn đã bị thiệt hại ngăn chặn tấn công, thậm chí phản công, nhưng chính ông cũng nhận ra tình hình của mình là vô vọng. Ông không có dự phòng về quân số, hoặc xe thiết giáp hoặc xăng dầu. Không lực Anh kiểm soát hoàn toàn bầu trời, đang oanh kích binh sĩ, xe thiết giáp và kho hậu cần của ông một cách không thương tiếc .
Ngày 2 tháng 11, bộ binh và thiết giáp của Montgomery xuyên thủng đoạn phòng tuyến phía Nam và bắt đầu áp đảo các sư đoàn quân Ý ở khu vực này. Buổi tối này, Rommel gọi vô tuyến về tổng hành dinh của Hitler ở Đông Phổ cách đấy hơn 3.000 km, báo cáo rằng ông chẳng còn có thể trụ vững được nữa và định rút lui về Fûka cách đó 60 km ở phía Tây trong khi vẫn còn có cơ hội .
Ngày hôm sau, ông đã bắt đầu cuộc rút lui thì nhận được lệnh của Hitler: Gửi Thống chế Rommel: Tôi và nhân dân Đức đang theo dõi trận chiến phòng vệ anh hùng ở Ai Cập với lòng tin tưởng chân thành vào khả năng lãnh đạo của ông và lòng dũng cảm của binh sĩ Đức-Ý dưới quyền chỉ huy của ông. Nhưng theo tình hình hiện nay, không có chọn lựa nào khác ngoài trụ vững, không được rút lui dù một bước, huy động tất cả người và vũ khí vào trận đánh... Ông có thể chứng tỏ cho binh sĩ thấy không có cách nào khác hơn là đi đến chiến thắng hoặc là chết .
ADOLF HITLER Nếu tuân theo lệnh ngu xuẩn này thì có nghĩa là binh sĩ Đức-Ý sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng. Lần đầu tiên ở châu Phi, Rommel không biết phải làm như thế nào. Sau khi đấu tranh tư tưởng, ông quyết định tuân lời Tư lệnh Tối cao. Tướng Ritter von Thoma, Tư lệnh thật sự của Binh đoàn châu Phi, phản đối, nói mình sẽ rút lui. Ngày hôm sau, Tướng von Thoma nói với Bayerlein rằng: "Lệnh của Hitler là cơn điên khùng không gì sánh bằng." Ông mặc một bộ quân phục sạch sẽ cùng với quân hàm và huy chương, đứng bên chiếc xe thiết giáp đang cháy của mình cho đến khi một đơn vị của Anh đến, ông đầu hàng, rồi buổi tối ấy ngồi ăn với Montgomery trong căng tin của ông này .
Rommel viết trong nhật ký: "Bởi vì chính tôi luôn đòi hỏi binh sĩ của tôi phải tuân phục vô điều kiện và vì thế tôi muốn áp dụng nguyên tắc ấy cho mình." Rommel miễn cưỡng ra lệnh ngừng rút, lui đồng thời cho máy bay đưa người về Đức báo cáo nhằm cố giải thích với Hitler rằng nếu ông không được phép rút lui lập tức, quân Đức sẽ mất tất cả. Nhưng những biến cố tiếp theo khiến cho chuyến đi chẳng còn cần thiết. Vào buổi tối 4 tháng 11 năm 1942, dù có thể phải ra toà án binh vì cãi lệnh, Rommel vẫn quyết định cứu lấy những gì còn lại và rút lui về Fûka. Bộ binh (phần lớn là quân Ý) được để lại cho đầu hàng và thực tế thì đã có nhiều người đã đầu hàng từ trước. Số thương vong và mất tích tổng cộng là 59.000 người gồm 34.000 quân Đức, trong tổng số ban đầu 96.000 người .
Ngày 5 tháng 11, Lãnh tụ gửi chỉ thị cụt lủn: "Tôi đồng ý cho quân rút lui về Fûka." Nhưng xe thiết giáp của Montgomery đã chiếm được vị trí này. Trong 15 ngày kế tiếp, Rommel rút lui hơn 1.100 km mà không ngừng lại dù chỉ 1 phút với những gì còn lại – khoảng 25.000 quân Ý, 10.000 quân Đức và 60 xe thiết giáp .
Đó là khởi đầu cho sự kết thúc của Adolf Hitler, trận đánh đầu tiên trong cuộc chiến mà quân Đức chiến bại, tuy còn có chiến bại thứ hai và một chiến bại nữa có tính quyết định sẽ xảy ra trên vùng thảo nguyên phủ đầy tuyết ở miền Nam nước Nga. Nhưng trước khi sự việc ấy xảy ra, Lãnh tụ còn nhận thêm tin dữ sẽ kết liễu số phận của Phe Trục trên mặt trận Bắc Phi .
Ngày 3 tháng 11 khi Rommel báo cáo thảm hoạ, tổng hành dinh của Lãnh tụ đã nhận tin một hạm đội hùng mạnh của Đồng minh bị phát hiện ngoài khơi Gibraltar. Không ai trong Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực đoán được ý đồ của hạm đội này. Hitler cho rằng đây chỉ là một đoàn tàu vận tải được hộ tống hùng hậu đi đến Malta, tuy trước đó quân báo Ý đã cho biết có khả năng Anh-Mỹ chuẩn bị đổ bộ lên Bắc Phi. Tin này khiến cho Ciano rất ưu phiền và ông đã dự đoán đúng rằng Đồng minh sẽ trực diện tấn công Ý .
Trong khi đang bận rộn với sự chống trả không ngừng của quân Liên Xô, Hitler không quan tâm mấy đến tin quân báo này. Trước đó, Jodl đề nghị cho chế độ Vichy gửi tăng viện đến Bắc Phi, nhưng Hitler khước từ vì sợ mất lòng người Ý vốn luôn ganh tỵ với việc củng cố vị thế của Pháp. Thế là tổng hành dinh lãng quên việc này cho đến ngày 3 tháng 11. Nhưng Hitler lại bận rộn với Rommel ở El Alamein nên không chú ý đến hạm đội mà ông ta nghĩ đang tiến đến Malta .
Ngày 5 tháng 11, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực nhận được tin tức rằng một lực lượng Hải quân Anh đã rời Gibraltar để tiến về Đông. Nhưng chỉ đến sáng ngày 7 tháng 11 năm 1942, 12 tiếng đồng hồ trước khi quân Anh-Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi, Lãnh tụ mới để ý đến tin tức quân báo: Lực lượng Hải quân Anh đã bật tay với một hạm đội lớn gồm tàu vận tải cùng tàu chiến, tiến vào từ Đại Tây Dương. đến lúc đó, Hitler mới tin rằng Đồng minh đang tìm cách đổ bộ để tấn công Rommel từ mặt sau. Rommel yêu cầu tăng viện cho Không quân ở Địa Trung Hải nhưng nhận được câu trả lời rằng việc này nhất thời là không thể được. Theo nhật ký của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, động thái duy nhất còn lại của Hitler là ra lệnh cho Rundstedt, Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây, tiến chiếm phần còn lại của Pháp .
Sau đó, không cần biết đến tin quân báo ấy hay số phận của Rommel có thể bị bao vây nếu Anh-Mỹ đổ bộ phía sau, thậm chí là số phận của Đại Quân đoàn Thứ Sáu mà theo tin quân báo thì Liên Xô sắp mở đợt phản công tập hậu, Hitler quyết định đi dự buổi lễ kỷ niệm Bạo loạn Nhà hàng Bia! Như Halder nhận xét, tố chất của chính trị gia trong con người Hitler lấn át tố chất của một chiến binh vào thời điểm gay go của cuộc chiến. Công việc trực Tổng hành dinh Tối cao ở Đông Phổ được giao cho một đại tá, Treusch von Buttlar-Brandenfels. Còn Keitel, Jodl cùng các sĩ quan đầu não khác của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực đều tháp tùng Hitler đi dự những lễ hội bia. Có điều gì đấy kỳ quặc và gàn dở đã khiến cho Tư lệnh Tối cao – người muốn chỉ đạo cuộc chiến trên những mặt trận xa hàng nghìn kilomet xuống đến cấp sư đoàn và trung đoàn – lại bỏ đi làm một nhiệm vụ chính trị không quan trọng khi tình thế đang cực kỳ khẩn trương. Con người này đã thay đổi một sự thay đổi xuống cấp, tan rã. Giống như trường hợp của Goering: Dù cho Không quân của mình đang rệu rã, ông này vẫn say mê đồ trang sức và đồ chơi xe lửa, không dành đủ thời giờ cho những thực tế tồi tệ của một cuộc chiến kéo dài và ngày càng cay đắng .
Quân Anh-Mỹ dưới quyền Tướng Eisenhower đổ bộ lên các bãi biển Maroc và Alger lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 8 tháng 11 năm 1942 .
Chuyến xe lửa đặc biệt chở Hitler từ Đông Phổ về đến Munich lúc 3 giờ 40 phút chiều và những tin tức đầu tiên ông nhận được về cuộc đổ bộ của Đồng minh đều lạc quan. Ở mọi nơi, quân Pháp vẫn đang (chống trả một cách kiên cường. Tại Alger và Oran họ còn đẩy lui được cuộc đổ bộ. Ở Algérie, Đô đốc Darlan thân Đức đang tổ chức phòng ngự với sự chấp thuận của chế độ Vichy ở Pháp. Hitler ra lệnh cho Mật vụ dẫn các Tướng Weigand và Giraudđến Vichy và trông chừng hai người. Ông yêu cầu Thống chế von Rundstedt hành quân ở Anton nhưng không được vượt qua lằn ranh phân chia Pháp cho đến khi có lệnh mới. Và ông yêu cầu Cianovà Pierre Laval, bây giờ là Thủ tướng của chế độ Vichy, đến gặp mình ở Munich ngày kế .
Trong khoảng 24 tiếng đồng hồ, Hitler định liên minh với chế độ Vichy để mang họ vào cuộc chiến chống Anh-Mỹ, đồng thời củng cố ý chí của Chính phủ Pétain chống lại cuộc đổ bộ của Đồng minh lên Bắc Phi. Có lẽ ông cảm thấy phấn khởi vì việc Pétain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào sáng ngày 8 tháng 11 và tuyên bố lực lượng của ông ta sẽ chống trả cuộc xâm lăng của Anh-Mỹ. Nhật ký của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ngày hôm ấy nêu rõ Hitler đã bận bịu tìm ra "một sự cộng tác sâu rộng với Pháp." Tối hôm đó, đại diện Đức ở Vichy, Krug von Nidda, nộp một đề xuất cho Pétain về việc liên minh giữa Đức và Pháp .
Ngày hôm sau, tiếp nối bài diễn văn trước những Đảng viên kỳ cựu cho biết Stalingrad đã "vững vàng trong tay ta", thì Hitler bỗng đổi ý. Ông ta nói với Ciano rằng mình không có ảo tưởng về quyết tâm chiến đấu của Pháp, nên quyết định "chiếm cả nước Pháp, đổ bộ lên Đảo Corsica và một đầu cầu Tunisia". Hitler thông báo tin này cho Pierre Laval khi ông này đi đến Munich ngày 10 tháng 11. Laval hứa sẽ thúc giục Pétain thuận theo ý muốn của Hitler nhưng đề nghị phía Đức nên cứ tiến hành kế hoạch mà không cần chờ cho vị Thống chế già nua chấp nhận, đúng như ý định của Hitler. Ciano đã mô tả trong nhật ký của mình về vị Thủ tướng chế độ Vichy, người bị tử hình sau chiến tranh này: "Với cà vạt trắng và trang phục kiểu nông dân trung lưu Pháp, Laval hoàn toàn thiếu hoà hợp giữa nhiều loại đồng phục trong sảnh đường lớn. Ông cố gắng cất giọng nói quen thuộc về chuyến đi và giấc ngủ của mình trên chiếc xe, nhưng không ai chú ý lắng nghe. Hitler đối xử với ông bằng thái độ lịch sự cứng nhắc .
Con người tội nghiệp thậm chí còn không mường tượng ra Đức sẽ đặt ông trước sự đã rồi. Không có một ai nói với ông về động thái sắp đến – lệnh chiếm nước Pháp đang được ban hành trong khi ông đang hút thuốc và trò chuyện với những người khác nhau. Von Ribbentrop nói với tôi rằng Laval sẽ chỉ được thông báo vào 8 giờ sáng hôm sau, vì lẽ thông tin nhận được trong đêm khiến cho Hitler buộc phải đi đến việc chiếm đóng toàn nước Pháp." Lúc 8 giờ 30 phút tối, Hitler ra lệnh chiếm phần còn lại của Pháp, mặc cho điều này đã vi phạm hiệp định đình chiến. Kế hoạch sẽ được thực hiện vào ngay ngày hôm sau mà không hề có bất kỳ sự cố nào ngoại trừ lời phản đối vô vọng của Pétain. Quân Ý chiếm đảo Corsica của Pháp và máy bay Đức bắt đầu vận chuyển quân để chiếm lấy Tunisie thuộc Pháp trước khi lực lượng của Eisenhower tiến đến .
Như thường lệ, Hitler vẫn còn có thêm một trò lừa dối khác. Ông ta trấn an Pétain rằng cả Đức lẫn Ý sẽ không chiếm căn cứ hải quân ở Toulon, nơi hạm đội Pháp bị giam giữ từ khi đình chiến. Nhưng ngày 25 tháng 11, Hitler quyết định chiếm Toulon. Sáng ngày 27 tháng 11, quân Đức tấn công căn cứ hải quân Toulon, nhưng lính thuỷ Pháp cầm cự đủ thời gian cho thuỷ thủ phá huỷ các tàu chiến theo lệnh của Đô đốc de Laborder. Thế là cả Phe Trục lẫn Đồng minh đều không thể sử dụng hạm đội này .
Hitler đã thắng trong cuộc đua đến Tunisie, nhưng đó là chiến thắng không rõ ràng. Ông đã điều 250.000 quân Đức và Ý đến để trấn giữ đầu cầu này. Nếu ông chỉ cần phái 1/5 lực lượng này đến cho Rommel vài tháng trước, thì đáng lẽ quân Đức lúc này đã tiến được đến sông Nile, Anh-Mỹ đã không thể đổ bộ và Phe Trục đã kiểm soát được Địa Trung Hải, vì thế đảm bảo được mặt sau của Phe Trục. Ngược lại, toàn bộ binh sĩ, tăng và pháo mà Hitler điều đến Tunisie cùng phần còn lại của Binh đoàn châu Phi bị mất hẳn vào cuối mùa xuân. Số lính Đức đi vào các trại tù binh còn cao hơn ở Stalingrad.THẢM HOẠ TẠI STALINGRAD Khi Hitler và các tướng lĩnh chủ chốt của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực còn nán lại vùng núi Alps dễ chịu quanh Berchtesgaden, thì tin tức về đợt phản công của Liên Xô đến trong cơn bão tuyết rạng sáng ngày 19 tháng 11. Dù Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực nghĩ Liên Xô sẽ phản công nhưng họ không cho là quan trọng, cho nên Hitler cùng 2 tướng lĩnh hàng đầu Keitel và Jodl thấy không cần phải vội vã quay về tổng hành dinh ở Đông Phổ. Thế là sau bài diễn văn hùng hồn của Hitler trong lễ kỷ niệm Bạo loạn Nhà hàng Bia ngày 8 tháng 11 tại Munich, Lãnh tụ cùng các chiến hữu cũ tiếp tục sum vầy trong không khí núi rừng tại Berchtesgaden .
Sự yên bình của họ bị khuấy động bởi cuộc gọi của Tướng Zeitzler, tân Tham mưu trưởng Lục quân đã ở lại tổng hành dinh Rastenburg, báo về "tin đáng báo động". Trong vòng vài tiếng đồng hồ, một lực lượng thiết giáp có hoả lực vượt trội của Liên Xô đã đánh xuyên qua Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania dọc sông Don, Tây Bắc Stalingrad. Về phía Nam thành phố một lực lượng Liên Xô khác đang tấn công mãnh liệt Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Đức và Đại Quân đoàn Thứ Tư của Rumania, đe doạ đánh xuyên qua phòng tuyến của hai đơn vị này .
Mục đích của Liên Xô là rõ ràng đối với những ai nhìn vào bản đồ và cũng rõ ràng đối với Zeitzler. Tin tức quân báo cho ông này biết Liên Xô đã tập trung 13 đoàn quâncùng với hàng nghìn xe thiết giáp để phản công. Quân Liên Xô đang dũng mãnh tiến từ hướng Bắc xuống và hướng Nam lên để cắt đứt Stalingrad và ép Đại Quân đoàn Thứ Sáu của Đức hoặc phải nhanh chóng rút về hướng Tây hoặc bị bao vây. Ngay khi nhìn thấy những gì đang diễn ra, Zeitzler thúc giục Hitler cho phép Đại Quân đoàn Thứ Sáu rút ra khỏi Stalingrad để quay về khúc rẽ của sông Don rồi tại lập phòng tuyến ở đây .
Chỉ đề xuất ấy thôi cũng đủ cho Hitler nổi cơn giận dữ. Ông thét lên: "Tôi sẽ không rời khỏi sông Volga. Tôi không cho phép rút lui từ Volga!" và thế là hết. Được đưa ra trong cơn cuồng nộ, quyết định này lập tức dẫn đến thảm hoạ. Đích thân Lãnh tụ đã ra lệnh cho Đại Quân đoàn Thứ Sáu phải trụ lại quanh Stalingrad .
Hitler và đoàn tuỳ tùng về đến tổng hành dinh ngày 22 tháng 11. Lúc này, vào ngày thứ tư Liên Xô phản công, tin đại hoạ được đưa về. 2 lực lượng Liên Xô từ hướng Bắc và Nam đã bắt tay nhau ở Kalach, cách Stalingrad 80 km về hướng Tây trên khúc rẽ của sông Don. Vào buổi tối, Tướng Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu Paulus gửi điện về xác nhận đơn vị của mình đang bị bao vây. Hitler lập tức ra lệnh Paulus dời tổng hành dinh vào thành phố và lập những cứ điểm phòng vệ theo đội hình da báo. Đại Quân đoàn Thứ Sáu sẽ được tiếp tế bằng máy bay cho đến khi được giải cứu .
Nhưng đấy chỉ là ngôn từ vô vọng. Hiện giờ có 20 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Rumania bị cắt đứt tại Stalingrad. Paulus cho biết họ cần tối thiểu 750 tấn hàng hậu cần mỗi ngày. Số lượng này vượt quá khả năng của Không quân vì thiếu máy bay vận tải. Ngay cả nếu có đủ máy bay, họ cũng sẽ gặp trở ngại vì bão tuyết và phải bay trên vùng trời mà Không quân Liên Xô đang chiếm ưu thế. Tuy thế Goering trấn an Hitler rằng Không quân sẽ thực hiện nhiệm vụ. Và thực tế thì Không quân Đức đã không hề thực hiện nhiệm vụ này. Việc giải cứu Đại Quân đoàn Thứ Sáu là biện pháp thực tế hơn. Ngày 25 tháng 11, Hitler triệu hồi Thống chế von Manstein – vị tư lệnh chiến trường tài ba nhất – từ mặt trận Leningrad xuống và giao cho ông này chỉ huy 1 đơn vị mới được thành lập: Tập đoàn quân Don.Nhiệm vụ của Manstein là đánh lên từ phía Tây Nam để giải cứu Đại Quân đoàn Thứ Sáu tại Stalingrad .
Nhưng khi ấy Lãnh tụ lại đặt cho người tư lệnh mới của mình những điều kiện bất khả thi. Manstein cố gắng giải thích cho Hitler hiểu rằng cơ hội duy nhất để thành công là cho phép Đại Quân đoàn Thứ Sáu rút khỏi Stalingrad đánh về hướng Tây, trong khi Tập đoàn quân Don do Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp dẫn đầu tiên lên hướng Đông Bắc, đánh xuyên qua quân Liên Xô đang ở giữa 2 lực lượng của Đức. Nhưng một lần nữa, Hitler khước từ việc rút khỏi sông Volga. Đại Quân đoàn Thứ 6 phải trụ lại Stalingrad và Manstein phải tiến công đến đó .
Việc này là hoàn toàn không thể, như Manstein đã cố biện luận. Quân Liên Xô quá mạnh. Tuy nhiên, với con tim nặng trĩu, ngày 12 tháng 12 Manstein vẫn mở cuộc tấn công. Đây là "Chiến dịch Bão mùa Đông", một cái tên thích hợp vì lẽ mùa Đông Nga đang bao trùm vùng thảo nguyên, phủ lớp tuyết dày và nhiệt độ xuống dưới không độ. Khởi đầu, cuộc tiến công khá hiệu quả, Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp dưới quyền Tướng Hoth mở đường tiến lên hướng Đông Bắc theo 2 bên tuyến đường sắt hướng đến Stalingrad cách xa 120 km. Ngày 19 tháng 12, họ tiến đến cách chu vi phía Nam của thành phố hơn 60 km, đến ngày 21 thì còn cách 50 km và qua vùng thảo nguyên phủ tuyết vào ban đêm, binh sĩ của Đại Quân đoàn Thứ Sáu đã có thể nhìn thấy ánh sáng của hoả châu do quân bạn đến giải cứu bắn lên .
Theo lời khai sau này của tướng lĩnh Đức, lúc ấy Đại Quân đoàn Thứ Sáu có thể đánh ra, hướng về phía Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp đang tiến đến họ. Nhưng một lần nữa, Hitler lại ngăn cấm. Ngày 21 tháng 12, Zeitzler cố thúc giục, rồi Hitler đồng ý cho binh sĩ của Paulus đánh ra, miễn là họ vẫn giữ được Stalingrad .
Lệnh điên rồ này khiến cho vị Tham mưu trưởng Lục quân Zeitzler gần như nổi khùng. Ông kể: "Buổi tối hôm sau, tôi van nài Hitler cho phép việc đánh ra. Tôi vạch rõ rằng đây thật sự là cơ hội cuối cùng để giải cứu 200.000 binh sĩ của Paulus .
Hitler không chịu. Trong nỗi vô vọng, tôi mô tả cho ông ấy biết tình cảnh bên trong: binh sĩ đói khát đang tuyệt vọng, họ mất tin tưởng vào Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, thương binh mong ước được chiếu cố đúng mức trong khi hàng nghìn người bị tê cóng mà chết. Ông ấy vẫn không tiếp thu những luận cứ này cũng như những lý do khác mà tôi đưa ra." Khi gặp sức kháng cự càng lúc càng mạnh của quân Liên Xô phía trước và hai bên sườn, Tướng Hoth không có đủ sức mạnh để tiến thêm 50 km còn lại. Ông tin rằng nếu Đại Quân đoàn Thứ Sáu đánh ra, ông vẫn có thể bắt tay với họ rồi cả 2 lực lượng cùng rút về Kotelnikovski. Có lẽ trong 1 hoặc 2 ngày – giữa ngày 21 và 23 tháng 12 – Đại Quân đoàn Thứ Sáu còn có thể rút khỏi Stalingrad, nhưng sau thời điểm đó, mọi việc sẽ trở nên bất khả thi.Vì lẽ, Hoth không biết rằng Hồng quân đã đánh về hướng Bắc và bây giờ đang đe doạ sườn trái của cả Tập đoàn quân Don dưới quyền Manstein. Ngày 22 tháng 12, Manstein ra lệnh Hoth bỏ dở bước tiến, điều 1 trong số 3 sư đoàn thiết giáp về phòng tuyến phía Bắc, đồng thời cố tự vệ tại chỗ với lực lượng còn lại .
Nhưng mọi nỗ lực giải cứu đều đã thất bại .
Manstein ra lệnh mới sau khi nhận được tin đáng lo ngại vào ngày 17 tháng 12. Sáng hôm ấy, quân Liên Xô xuyên thủng phòng tuyến của Đại Quân đoàn Thứ Tám của Ý phía thượng nguồn sông Don và đến tối, họ mở ra một khoảng hở rộng hơn 40 km. Trong vòng 3 ngày, khoảng hở rộng thành 140 km, quân Ý đang hoảng hốt tháo chạy, còn Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania về phía Nam cũng tan rã sau khi bị đánh tơi tả ngay từ ngày 19 tháng 11, ngày đầu tiên Liên Xô phản công. Không lạ gì mà Manstein phải rút một phần lực lượng thiết giáp của Hoth về để lấp vào khoảng hở .
Tiếp theo đó là phản ứng dây chuyền .
Chẳng những Tập đoàn quân Don mà cả lực lượng của Hoth cũng phải rút lui sau khi đã tiến gần Stalingrad đến thế. Những cuộc rút lui này gây nguy hiểm cho quân Đức ở Caucasus: Họ sẽ bị cắt đứt nếu quân Nga tiến đến Rostov trên bờ biển Azov. Một hoặc hai ngày sau Giáng sinh, Zeitzler vạch rõ với Hitler: "Nếu ông không ra lệnh rút khỏi Caucasus, chẳng bao lâu ta sẽ có một Stalingrad thứ hai." Ngày 29 tháng 12, Tư lệnh tối cao đành phải ra lệnh cho Tập đoàn quân A của Kleist, gồm Đại Quân đoàn Thứ Nhất Thiết giáp và Đại Quân đoàn Thứ Mười Bảy – đã thất bại trong việc tiến chiếm những mỏ dầu Grozny – phải rút về .
Chiến bại của Đức ở Liên Xô và của liên quân Đức-Ý ở Bắc Phi khiến cho Mussolini phải suy nghĩ nhiều. Hitler mời ông đến Berchtesgaden để bàn bạc và ông chấp nhận lời mời. Mussolini nghĩ đã đến lúc nói với Hitler rằng cần phải giảm thiệt hại trên mặt trận phía Đông, thoả hiệp với Stalin theo cách nào đó, đồng thời tập trung sức mạnh của Phe Trục để bảo vệ phần còn lại ở Bắc Phi, vùng Balkans và Tây Âu .
Hitler không thể rời tổng hành dinh để đi gặp Mussolini, thế nên ngày 18 tháng 12, Ciano phải đi chặng đường dài đến Rastenburg để thay mặt cho Mussolini mà lặp lại những đề xuất của ông. Hitler tỏ ý khinh thường những đề xuất này, trấn an Ciano rằng Đức có thể gửi thêm lực lượng đến khu vực Bắc Phi mà không lo làm suy yếu mặt trận Liên Xô. Dù cho có những lời trấn an của Hitler, nhưng Ciano vẫn thấy tinh thần người Đức tại tổng hành dinh đang xuống thấp .
"Không khí ở đây rất nặng nề. Ngoài tin xấu từ chiến trường, có lẽ còn do khu rừng ẩm ướt và cuộc sống tập thể đáng chán trong doanh trại... Không ai màng giấu giếm với tôi nỗi buồn vì tin tức từ mặt trận Liên Xô." Vào lúc ấy, những binh sĩ còn sống sót của Quân đoàn thứ Tám của Ý đang tìm đường thoát thân. Khi một nhân viên trong đoàn Ciano hỏi một sĩ quan Bộ Chỉ huy tối cao Quân lực Đức rằng quân Ý có bị tổn thất nặng hay không, thì câu trả lời là: "Không có tổn thất gì cả, họ đang tháo chạy." Quân Đức ở Caucasus và bên sông Don không tháo chạy, nhưng đang rút lui càng nhanh càng tốt để tránh bị cắt đứt. Đầu năm 1943, mỗi ngày họ càng rời xa Stalingrad hơn một chút. Giờ là đến lúc người Nga xử lý quân Đức còn lại ở đây. Nhưng trước hết, họ đã cho binh sĩ của Đại Quân đoàn Thứ Sáu một cơ hội để tự cứu mạng .
Vào buổi sáng 8 tháng 1 năm 1943, 3 sĩ quan trẻ của Hồng quân, với một lá cờ trắng, đi vào phòng tuyến của quân Đức trên chu vi phía Bắc của Stalingrad, trao cho Tướng Paulus tối hậu thư của Tướng Rokossovski, Tư lệnh các Lực lượng Liên Xô trên mặt trận sông Don .
"Tình trạng binh sĩ của ông là đáng tuyệt vọng. Họ đang khổ sở vì thiếu ăn, bệnh tật và giá lạnh. Mùa Đông Nga khắc nghiệt chỉ mới bắt đầu... Binh sĩ của ông không được cung cấp quần áo mùa Đông và đang sống trong điều kiện vệ sinh tồi tệ... Mọi thứ với ông bây giờ đã trở nên tuyệt vọng rồi, chống cự thêm chỉ là vô nghĩa mà thôi .
Xét qua điều này và để tránh đổ máu vô ích, chúng tôi đề nghị ông chấp nhận những điều kiện đầu hàng dưới đây..." Đó là những điều kiện danh dự. Tất cả tù binh sẽ được cung cấp "khẩu phần bình thường". Người bị thương, bị bệnh và cóng lạnh sẽ được điều trị. Tất cả tù binh có thể giữ lại quân hàm, huy chương và vật dụng cá nhân. Paulus có 24 tiếng đồng hồ để trả lời .
Ông lập tức gọi cho Hitler về nội dung tối hậu thư và yêu cầu được tự do hành động. Hitler bác bỏ yêu cầu này. Buổi sáng ngày 10 tháng 1, 24 giờ sau khi thời hạn đầu hàng đã hết, quân Liên Xô mở đợt tấn công cuối cùng bằng trận địa pháo với 5.000 khẩu đại bác .
Trận chiến diễn ra dữ dội và đẫm máu. Cả 2 bên chiến đấu với lòng dũng cảm và liều lĩnh khó tin trên vùng đất không người lạnh giá với những đống gạch vụn của thành phố – nhưng điều đó cũng chẳng kéo dài được lâu. Trong vòng 6 ngày, quân Đức co cụm lại còn phân nửa diện tích với phòng tuyến dài 24 km và rộng 15 km. Đến ngày 24 tháng 1, quân Đức bị cắt ra làm 2 và mất quyền kiểm soát đường băng khẩn cấp cuối cùng. Máy bay Đức chẳng còn có thể hạ cánh để mang đến hàng hậu cần, nhất là thuốc men cho thương bệnh binh .
Một lần nữa, quân Liên Xô cho kẻ thù dũng cảm của họ một cơ hội để đầu hàng. Đại diện phía Nga đi đến phòng tuyến của Đức ngày 24 tháng 1 với lời đề nghị mới. Một lần nữa, bị giằng co giữa nghĩa vụ phải tuân lệnh Lãnh tụ điên rồ và trách nhiệm cứu vớt các binh sĩ còn lại để tránh cho họ bị tiêu diệt, Paulus kêu gọi Hitler: "Binh sĩ không còn đạn hoặc thức ăn... Tôi không còn có thể chỉ huy được nữa... 18.000 thương binh không có đồ tiếp tế, bông băng hoặc dược phẩm... Tiếp tục phòng thủ là vô nghĩa. Sụp đổ là không tránh khỏi. Đại Quân đoàn yêu cầu được phép đầu hàng ngay để cứu vớt số binh sĩ còn lại." Câu trả lời của Hitler vẫn là bảo lưu: "Cấm đầu hàng. Đại Quân đoàn Thứ Sáu phải giữ vững vị trí cho đến người cuối cùng và viên đạn cuối cùng, sự chịu đựng anh hùng sẽ có một đóng góp khó quên cho việc thành lập phòng tuyến bảo vệ và cứu nguy thế giới phương Tây." Thế giới phương Tây! Đó là liều thuốc đắng cho những người lính của Đại Quân đoàn Thứ Sáu đã xâm lăng thế giới này ở Pháp và Elanders không lâu trước đây .
Chống cự thêm không những là vô nghĩa, vô vọng mà còn bất khả thi. Đến ngày 28 tháng 1, đại quân đoàn hùng mạnh xưa kia giờ đã bị cắt ra làm 3 mảnh nhỏ, mảnh phía Nam là nơi Paulus đặt tổng hành dinh trong một trung tâm bách hoá phát đạt một thời – Univermag. Theo một nhân chứng, vị tư lệnh hay ngồi trên chiếc giường dã chiến đặt ở góc tối trong tình trạng thần kinh gần như suy sụp .
Ông cũng như các binh sĩ không còn lòng dạ nào mà đón nhận những cuộc gọi vô tuyến tới tấp chúc mừng họ. Goering, sau khi vui hưởng mùa Đông trên nước Ý ấm áp và khệnh khạng đây đó trong chiếc áo choàng lông thú và phô bày những món trang sức bằng đá quý, ngày 28 tháng 1, ông đã gọi vô tuyến đến tổng hành dinh cùng với những từ ngữ như "kiên cường", "gan lì", "dũng cảm" và "tự xả thân" .
Cũng không ai lấy làm phấn khởi vào buổi tối 30 tháng 1 năm 1943, kỷ niệm 10 năm Quốc xã lên cầm quyền, khi họ nghe giọng của Goering trên sóng vô tuyến: "Một nghìn năm sau, người Đức sẽ nói đến trận đánh với lòng sùng kính và thán phục. Và họ sẽ luôn nhớ rằng dù sao đi nữa, chiến thắng chung cuộc đã được quyết định tại nơi đây... Trong nhiều năm người ta sẽ nói đến trận đánh anh hùng bên sông Volga: Khi bạn đi đến Đức, hãy nói bạn trông thấy chúng tôi nằm xuống ở Stalingrad, vì danh dự của mình và vì những lãnh đạo, những người đã phong cho chúng tôi vinh dự này, cho vinh quang vĩ đại hơn của nước Đức." Vinh quang và nỗi thống khổ khủng khiếp của Đại Quân đoàn Thứ Sáu bây giờ đã đến lúc chấm dứt. Ngày 30 tháng 1, Paulus gọi vô tuyến cho Hitler: "Sự sụp đổ cuối cùng sẽ đến trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa." Tin báo này khiến cho Bộ Chỉ huy Tối cao ban một cơn mưa thăng thưởng cho các sĩ quan, với hy vọng là những vinh dự như thế sẽ củng cố quyết tâm muốn hy sinh một cách vinh quang ngay tại mặt trận đẫm máu. Hitler nhận xét với Jodl: "Lịch sử quân sự chưa từng ghi Thống chế Đức nào bị bắt làm tù binh." Rồi ông phong cho Paulus, qua sóng vô tuyến, quân hàm Thống chế. Khoảng 117 sĩ quan khác cũng được thăng cấp. Đó là một động thái trong trò ma quỷ .
Cuối ngày 31 tháng 1 năm 1943, Paulus gửi tin cuối cùng đến tổng hành dinh: "Đại Quân đoàn Thứ Sáu, theo đúng lời tuyên thệ của họ và ý thức được tầm quan trọng cao cả của nhiệm vụ, đã giữ vững vị trí đến những người cuối cùng và viên đạn cuối cùng cho Lãnh tụ và Tổ quốc cho đến tận phút cuối." Lúc 7 giờ 45 tối, nhân viên trực vô tuyến của Đại Quân đoàn Thứ Sáu gửi bản tin cuối cùng: "Quân Nga đang tiến vào cửa boong-ke của chúng tôi. Chúng tôi đang phá huỷ máy móc." Ông thêm chữ "CL" – ký hiệu vô tuyến có nghĩa là "đài này không còn truyền tín hiệu nữa." Tại tổng hành dinh không xảy ra cuộc đọ súng nào. Paulus và quân nhân dưới quyền không chiến đấu đến người cuối cùng. Một toán quân Liên Xô do một sĩ quan cấp thấp dẫn đầu ghé mắt nhìn vào khu vực tối tăm của vị tư lệnh dưới tầng hầm. Quân Nga yêu cầu đầu hàng và Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Sáu, Tướng Schmidt, chấp nhận. Paulus ngồi trên giường với vẻ buồn nản. Schmidt nói với ông: "Xin hỏi Thống chế có lời nào cần nói thêm không?" Paulus không trả lời .
Thông tín viên chiến trường Heinz Schroeter đi theo Đại Quân đoàn Thứ Sáu là người đã được tiếp cận với nhiều tài liệu của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và tư liệu cá nhân liên quan đến trận Stalingrad. Ông thoát thân được trước khi Paulus đầu hàng rồi được giao nhiệm vụ viết lịch sử chính thức của Đại Quân đoàn Thứ Sáu tại Stalingrad, nhưng Tiến sĩ Goebbels đã cấm ông công bố những tư liệu mà ông đã tổng hợp được. Sau chiến tranh, Schroeter thu thập lại bản thảo và tiếp tục nghiên cứu về trận đánh rồi cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề Stalingrad .
Về phía Bắc, một nhóm nhỏ quân Đức – tàn quân của 2 sư đoàn thiết giáp và 3 sư đoàn bộ binh – vẫn còn trụ lại trong đống đổ nát của một xưởng chế tạo máy kéo. Vào đêm 1 tháng 2 năm 1943, họ nhận tin của Hitler: "Dân tộc Đức mong các anh thi hành nghĩa vụ đúng như các binh sĩ đang trụ vững pháo đài phía Nam. Mỗi ngày và mỗi giờ các anh còn chiến đấu sẽ tạo điều kiện để thiết lập nên một mặt trận mới." Nhưng ngay trước giữa trưa ngày 2 tháng 2, nhóm quân này cũng đã đầu hàng sau khi gửi bản tin cuối cùng đến Tư lệnh Tối cao: "Đã chiến đấu đến người cuối cùng chống lại những lực lượng ưu thế vượt trội. Nước Đức muốn năm!" Cả bãi chiến trường phủ tuyết, đẫm máu trở nên yên ắng. Lúc 2 giờ 46 phút chiều ngày 2 tháng 2, một máy bay trinh sát của Đức lượn trên thành phố và gọi điện về: "Không thấy dấu hiệu giao chiến tại Stalingrad." Vào lúc này, 91.000 chiến binh Đức – kể cả 24 tướng lĩnh – đói khát, cóng lạnh, nhiều người mang thương tích, tất cả đều mê mụ, đau khổ, níu lấy tấm chăn lấm máu phủ lên đầu chống lại cái lạnh âm 24 độ C, đi khập khiễng trên lớp băng tuyết hướng đến những trại tù binh ở Siberia. Trừ 20.000 quân Rumania và 29.000 thương binh đã được đưa về bằng máy bay, thì đó là tất cả những gì còn lại của một đại quân đoàn có quân số 285.000 chỉ 2 tháng trước. Những người khác đã bị tàn sát. Trong số 91.000 người vào ngày mùa Đông ấy đi đến chốn giam cầm, chỉ có 5.000 người được trở về Tổ quốc của họ. Đây là theo số liệu do Chính phủ Tây Đức cung cấp vào năm 1958 .
Trong lúc ấy, tại tổng hành dinh được sưởi ấm ở Đông Phổ, nhà độc tài Quốc xã nhiếc móc các tướng lĩnh ở Stalingrad, trong khi chính ông ta vì ương ngạnh và ngu xuẩn đáng lẽ ra phải nhận trách nhiệm về thảm hoạ này. Biên bản ghi buổi họp ngày 1 tháng 2 sau này được tìm lại cho thấy rõ bản chất của Hitler trong giai đoạn thử thách của đời mình cũng như của Quân đội và đất nước ông ta: "Họ đã đầu hàng ở đó – một cách chính thức và toàn diện. Đáng lẽ họ phải củng cố hàng ngũ, phân tán mỏng và tự bắn vào mình với viên đạn cuối cùng... Con người ấy [Paulus] đáng lẽ phải tự kết liễu đời mình như những tư lệnh thuở xưa gieo mình lên thanh gươm khi thấy đã thất bại... Ngay cả Varus cũng đã ra lệnh cho nô lệ của mình: 'Bây giờ hãy giết ta đi!' cơ mà." Lời nói của Hitler đối với Paulus càng độc địa hơn khi ông ta tiếp tục mắng nhiếc: "Moscow... Rồi ông ta sẽ ký vào bất kỳ văn kiện gì. Ông ta sẽ khai nhận, sẽ có lời tuyên bố – các anh sẽ thấy.... Chỉ không đầy một tuần, Seydlitz và Schmidt và ngay cả Paulus sẽ phát biểu trên đài phát thanh... Làm thế nào người ta có thể hèn nhát như thế? Tôi không hiểu được... Cuộc sống là gì? Cuộc sống là Đất nước. Cá nhân dù sao cũng chết. Vượt lên cuộc sống của cá nhân là Đất nước. Nhưng làm thế nào người ta lại sợ hãi thời khắc của cái chết, mà theo đấy người ta có thể tự giải thoát khỏi cơn thống khổ này... Có quá nhiều người phải chết và rồi một người như thế làm nhơ nhuốc tính can trường của nhiều người khác vào phút cuối. Đáng lẽ ông ta có thể tự giải thoát khỏi mọi nỗi đau khổ và đi lên cõi vĩnh hằng và miền bất diệt của quốc gia, nhưng ông ta lại thích đi Moscow!... Điều làm cho cá nhân tôi bị xúc phạm nhất là tôi vẫn thăng cấp cho ông ấy lên thống chế. Tôi muốn mang đến cho ông ấy sự mãn nguyện cuối cùng. Đây sẽ là thống chế cuối cùng mà tôi phong trong cuộc chiến này..." Hitler đã tiên đoán đúng sự kiện Paulus sẽ phát biểu trên đài phát thanh Liên Xô, nhưng sai về thời gian. Vào tháng 7 năm sau, Paulus và Seydlitz lên tiếng trên đài phát thanh Moscow kêu gọi Quân đội Đức loại trừ Hitler .
Ngày 3 tháng 2 năm 1943, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ra một bản tin đặc biệt: "Trận đánh Stalingrad đã kết thúc. Theo đúng lời tuyên thệ của họ, Đại Quân đoàn Thứ Sáu dưới quyền lãnh đạo gương mẫu của Thống chế Paulus đã bị chế ngự bởi quân địch mạnh áp đảo và bởi những hoàn cảnh không được thuận lợi mà quân ta gặp phải." Đài phát thanh Đức phát một loạt trống trận và đoạn thứ hai trong Bản Giao hưởng thứ Năm của Beethoven trước khi đọc bản tin. Hitler tuyên bố bốn ngày quốc tang. Tất cả nhà hát, rạp chiếu phim và sân khấu tạp kỹ đều đóng cửa trong thời gian này .
Sử gia người Đức Walter Goerlitz viết rằng Trận Stalingrad "đứng thứ hai sau Trận Jenavà chắc chắn là chiến bại lớn lao nhất mà Quân đội Đức từng trải qua." Nhưng thực tế còn hơn thế nữa. Cùng với Trận El Alamein và cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên Bắc Phi, Trận Stalingrad đã đánh dấu điểm ngoặt quan trọng trong Thế chiến II. Ngọn triều thôn tính của Quốc xã vốn đã tràn qua phần lớn châu Âu từ biên giới châu Á dọc sông Volga và ở châu Phi gần đến sông Nile, bây giờ đã phải bắt đầu rút xuống và sẽ chẳng bao giờ dâng lên nữa. Cái thời của những cuộc tấn công sấm sét, với hàng nghìn xe thiết giáp và máy bay gieo rắc kinh hoàng trên những đội hình quân đối phương và bắn phá họ tan tác, đã cáo chung.Đúng là có những đợt phản công vô vọng: tại Kharkov vào mùa xuân 1943 và trong rừng Ardennés mùa Giáng sinh năm 1944. Nhưng đó chỉ là một phần của cách tác chiến trong thế thủ của quân Đức với lòng dũng cảm và kiên cường trong hai năm kế tiếp – cũng là hai năm cuối của cuộc chiến. Hitler không còn ở thế chủ động nữa. Bây giờ, những kẻ thù của Đức nắm chắc lấy thế chủ động. Chẳng những trên bộ mà cả trên không. Mới vào đêm 30 tháng 5 năm 1942, Anh mở trận không kích đầu tiên với hơn 1.000 máy bay ở thành phố Cologne và những trận không kích tiếp theo trên những thành phố khác suốt mùa hè. Lần đầu tiên, dân thường của Đức – tương tự binh sĩ Đức tại Stalingrad và El Alamein – nếm mùi khủng bố mà Quân đội của họ đã gieo rắc lên những dân tộc khác .
Và cuối cùng, trên lớp băng tuyết của Stalingrad và trên lớp cát nóng bỏng của sa mạc Bắc Phi, giấc đại mộng kinh hoàng của Quốc xã đã bị huỷ diệt. Không những số phận của Đế chế Thứ Ba khép lại bởi các thảm hoạ của Paulus và Rommel, mà đi theo nó còn có cái gọi là Trật tự Mới gớm ghiếc mà Hitler và đám côn đồ S.S. của ông ta thiết lập trên những vùng lãnh thổ chiếm được .
Trước khi ta đi đến chương cuối, sự suy tàn của Đế chế Thứ Ba, chúng ta nên dừng lại và xem xét Trật tự Mới là như thế nào – trên cả phương diện lý thuyết và thực tế bạo tàn, đồng thời phải hiểu cả những gì mà lục địa châu Âu cổ xưa vừa thoát khỏi, sau một cơn ác mộng ngắn ngủi với những màn khủng khiếp đầu tiên. Việc đề cập đến Trật tự thế giới Mới này là cần thiết đối với cuốn sách này, cũng như đối với nhiều người, châu Âu sống sót hay bị tàn sát trong cơn ác mộng ấy. Và chương kế tiếp sẽ là chương đen tối nhất trong lịch sử của Đế chế Thứ Ba .
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top