Phần 23

 24 THẾ TRẬN XOAY CHIỀU 

 VÀO đầu mùa thu 1941, Hitler tin rằng Liên Xô đã bị đánh gục. Chỉ trong vòng 3 tuần từ ngày mở chiến dịch, Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế von Bock, gồm 30 sư đoàn bộ binh và 15 sư đoàn thiết giáp hoặc cơ giới, đã tiến được hơn 700 km từ Bialystock ở Đông Bắc Ba Lan đến Smolensk thuộc vùng Trung Tây nước Nga. Moscow chỉ còn cách 320 km về phía Đông, ở cuối con đường mà Napoléon đã đi qua năm 1812 .

Trên mặt trận miền Bắc, Tập đoàn quân của Thống chế von Leeb, gồm 21 sư đoàn bộ binh và 6 sư đoàn thiết giáp, tiến nhanh qua các nước vùng Baltic hướng đến thành phố Leningrad .

Trên mặt trận miền Nam, Tập đoàn quân của Thống chế von Rundstedt gồm 25 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn cơ giới, 4 sư đoàn quân sơn cước và 5 sư đoàn thiết giáp tiến về sông Dniepr và thành phố Kiev, thủ phủ của vùng đất màu mỡ Ukraine mà Hitler thèm muốn .

Thế là "theo đúng kế hoạch", như thông cáo của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực cho biết, quân Đức đã tiến theo trận tuyến rộng 1.600 km từ biển Baltic đến biển Đen, rồi hết Đại quân đoàn này đến Đại quân đoàn khác của Liên Xô bị bao vây hoặc tan rã.Chỉ 3 tuần sau khi tiến công, Hitler tỏ ra tự tin đến nỗi vào ngày 14 tháng 7, ông ban hành chỉ thị cho biết có thể giảm sức mạnh của Quân đội "một cách đáng kể trong tương lai gần" và việc sản xuất vũ khí có thể tập trung vào tàu chiến cho Hải quân và máy bay cho Không quân – đặc biệt là Không quân, để tiến hành cuộc chiến với kẻ thù cuối cùng còn sót lại – Anh quốc và để chống Mỹ nếu cần. Đến cuối tháng Chín, ông ra lệnh chuẩn bị giải giới 40 sư đoàn bộ binh để có thêm nhân lực làm việc trong ngành công nghiệp .

Đối với Hitler, xem như Đức sắp chiếm được 2 thành phố lớn nhất của Liên Xô: Leningrad, mà Pyotr Đại đế đã xây dựng làm thủ đô bên bờ biển Baltic và Moscow, thủ đô Bolshevik hiện giờ. Ngày 18 tháng 9, Hitler ra chỉ thị nghiêm ngặt: Không chấp nhận cho Leningrad hoặc Moscow đầu hàng, ngay cả nếu họ xin hàng .

Chỉ thị ngày 29 tháng 9 nêu rõ hơn: Lãnh tụ đã quyết định san bằng Sankt-Peterburg [Leningrad]. Sự tồn tại của thành phố lớn này là không đáng quan tâm một khi Liên Xô sụp đổ... định là bao vây thành phố rồi san thành bình địa bằng pháo binh và không kích liên tục... Phải từ chối việc bàn giao thành phố, vì ta không thể và không nên giải quyết vấn đề sinh sống của cư dân và cung cấp thực phẩm cho họ. Trong cuộc chiến sống còn này, ta không quan tâm đến việc duy trì dù là một phần cư dân của thành phố lớn ấy. Ngày 3 tháng 10, Hitler trở về Berlin và tuyên cáo với dân Đức: "Ngày hôm nay, tôi sẽ tuyên bố mà không ngần ngại rằng kẻ thù ở phía Đông đã bị đánh gục và sẽ chẳng bao giờ vươn lên được nữa..." Ngày 8 tháng 10, khi thị trấn Orel phía Nam Moscow thất thủ, Hitler phái Tuỳ viên Báo chí Otto Dietrich, bay về Berlin để loan tin với phóng viên của các báo hàng đầu thế giới rằng những đoàn quân còn lại của Liên Xô, dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Timoshenko phòng thủ Moscow, đang bị kẹp giữa 2 gọng kìm của Đức bên ngoài thủ đô, rằng ở miền Nam những đoàn quân của Nguyên soái Budenny đã bị tan rã, và rằng 60 đến 70 sư đoàn của Nguyên soái Voroshilov bị bao vây ở Leningrad .

Dietrich kết luận một cách tự mãn: Nước Nga đã chiến bại. Giấc mơ của người Anh về cuộc chiến hai mặt trận đã tan rã. Hitler và Dietrich khoe khoang quá sớm. Nhưng Quân đội Mỹ còn sớm hơn: Vào tháng Bảy, họ đã thông báo cho những Tổng biên tập Mỹ và phóng viên ở Washington rằng Liên Xô sẽ sụp đổ trong vài tuần. Không lấy gì làm lạ khi nhiều người tin vào lời nói của Hitler và Dietrich vào đầu tháng Mười .

Trên thực tế dù bị bất ngờ lúc đầu, sau đó là bị thiệt hại nặng về quân số và khí tài, dẫn đến việc phải rút lui, đồng thời vài đơn vị thiện chiến nhất bị bao vây, nhưng vào tháng Bảy quân Nga bắt đầu chống cự ngày càng mạnh với sức chiến đấu mà Quân lực Đức chưa từng thấy bao giờ. Nhật ký của Halder và báo cáo của các tư lệnh chiến trường như Guderian – người chỉ huy thiết giáp trên mặt trận trung tâm – càng ngày ghi lại càng nhiều những cuộc đụng độ dữ dội, những cuộc phòng thủ và phản công của Nga, gây ra thiệt hại nặng cho cả 2 bên .

Tướng Blumentritt ghi lại: "Ngay cả trong trận đánh đầu tiên này [ở Minsk], tinh thần chiến đấu của quân Nga là hoàn toàn khác hẳn so với quân Ba Lan và các nước Đồng minh ở phía Tây. Thậm chí khi bị bao vây, quân Nga vẫn trụ vững mà chiến đấu." Quân Nga đông đảo hơn và được trang bị tốt hơn là Hitler nghĩ. Từng sư đoàn mới của Liên Xô – mà quân báo Đức chưa hề tiên liệu – được liên tục tung vào trận chiến. Nhật ký của Halder ngày 11 tháng 8 ghi: "Càng ngày càng thấy rõ rằng ta đã đánh giá quá thấp sức mạnh của Nga, không những về các lĩnh vực kinh tế và giao thông, mà trên tất cả là về mặt quân sự. Khởi đầu ta ước lượng địch có khoảng 200 sư đoàn và bây giờ ta xác định được 360. Khi hàng chục sư đoàn của họ bị tiêu diệt, người Nga lại tung ra hàng chục sư đoàn khác. Trên mặt trận bao la này, phòng tuyến của ta là quá mỏng, không có chiều sâu. Vì thế, các cuộc phản công liên tục của địch thường có mức độ thành công nhất định." Rundstedt khai một cách thẳng thừng với những điều tra viên Đồng minh sau cuộc chiến: "Chẳng bao lâu sau khi tấn công, tôi nhận ra rằng mọi chuyện viết về Nga đều là càn bậy." Một số tướng lĩnh – trong số này có Guderian, Blumentritt và Sepp Dietrich – báo cáo bày tỏ sự kinh ngạc khi lần đầu tiên đối mặt với xe thiết giáp T-34 của Liên Xô mà trước đó họ chưa từng nghe qua, được bọc bằng lớp thép dày đến nỗi đạn pháo chống thiết giáp của Đức chỉ dội lại mà không gây thiệt hại gì cả. Blumentritt nói sự xuất hiện của loại xe thiết giáp này đã đánh dấu bước khởi đầu của sự "khủng bố thiết giáp". Và lần đầu tiên trong cuộc chiến, Không quân Đức bị yếu thế trên bầu trời nên không bảo vệ được Lục quân và không thể bay trinh sát phía trước. Dù bị thiệt hại nặng trong ngày đầu tiên của chiến dịch và trong những cuộc không chiến ban đầu, máy bay chiến đấu của Liên Xô – giống như những sư đoàn bộ binh – liên tục xuất hiện mà phía Đức không rõ họ từ đâu đến. Hơn nữa, vì quân Đức tiến quá nhanh vào nước Nga trong khi thiếu sân bay thích hợp, những căn cứ không quân của Đức ở quá xa về phía sau nên máy bay Đức không thể yểm trợ hữu hiệu trên mặt trận. Tướng von Kleist báo cáo: "Trong các giai đoạn khi tiến công, các lực lượng thiết giáp của tôi đã bị trở ngại vì thiếu yểm trợ của máy bay." Có một sự tính toán sai lạc khác của Đức mà Kleist nêu ra và được đa số tướng lĩnh đồng tình: "Hy vọng về chiến thắng được dựa trên viễn cảnh là sẽ có sự nổi dậy chính trị ở Nga... Quá nhiều kỳ vọng dựa trên sự tin tưởng là Stalin sẽ bị chính người Nga lật đổ nếu quân Nga thất bại nặng nề. Các cố vấn chính trị của Lãnh tụ đã gieo rắc sự tin tưởng này." Quả thật Hitler đã nói với Jodl rằng: "Chúng ra chỉ cần đá cánh cửa rồi cả cấu trúc mục nát sẽ đổ sụp xuống." Dường như Hitler nhìn ra cơ hội "đá cánh cửa" đạt được phân nửa vào tháng Bảy, khi xảy ra sự tranh cãi dữ dội đầu tiên trong Bộ Tư lệnh Lục quân về chiến lược. Từ việc này, Lãnh tụ đi đến một quyết định mà phần lớn các tướng lĩnh hàng đầu đều phản đối, thậm chí Halder còn nghĩ rằng đó là "sai lầm về chiến lược tai hại nhất trong chiến dịch phía Đông". Vấn đề thì đơn giản nhưng có tầm quan trọng cốt lõi. Liệu Tập đoàn quân Trung tâm của Bock – mạnh nhất và cho đến lúc này thành công nhất trong 3 mặt trận – có nên tiến thêm 320 km từ Smolensk hướng về Moscow hay không? Hoặc liệu có nên tiến hành theo kế hoạch ban đầu là gồm 2 mũi chính ở sườn Bắc và sườn Nam hay không? Nói cách khác, Moscow, Leningrad hay Ukraine, đâu mới là mục tiêu chính? Bộ Tư lệnh Lục quân do Brauchitsch và Halder cầm đầu ủng hộ phương án tiến thẳng đến thủ đô Liên Xô. Họ được 2 Tư lệnh chiến trường ủng hộ: Bock đang chỉ huy Tập đoàn quân Trung tâm tiến theo con đường dẫn đến Moscow và Guderian chỉ huy đội hình thiết giáp đi đầu ở mặt trận này. Đó không phải chỉ vì giá trị về mặt tâm lý khi chiếm được thủ đô của đối phương. Mà các tướng lĩnh còn biện luận với Hitler rằng Moscow là trung tâm sản xuất vũ khí quan trọng và quan trọng hơn, cũng là trung tâm giao thông liên lạc của nước Nga. Nếu chiếm được Moscow, Liên Xô sẽ bị cắt nguồn cung cấp vũ khí thiết yếu, cùng với đó là không thể vận chuyển binh sĩ cùng hàng hậu cần đến những trận tuyến ở xa, rồi họ sẽ yếu đi, tàn tạ và sụp đổ .

Còn có một luận cứ khác mà các tướng lĩnh đưa ra cho người cựu hạ sĩ và bây giờ là Tư lệnh Tối cao của họ. Mọi tin quân báo đều cho thấy những lực lượng chính yếu của Liên Xô hiện đang tập trung trước Moscow nhằm quyết liệt bảo vệ thủ đô của mình. Ngay phía Đông Smolensk, nửa triệu quân Nga đã thoát ra khỏi gọng kìm của Bock, giờ đang trụ lại nhằm ngăn chặn bước tiến của Đức hướng về Moscow .

Ngay sau cuộc chiến, Halder soạn thảo một báo cáo cho Đồng Minh: "Trọng tâm của sức mạnh quân Nga vì thế nằm trước mặt Tập đoàn quân Trung tâm... Bộ Tư lệnh Lục quân đặt mục tiêu là đánh bại sức mạnh quân sự của địch, vì thế công tác kế tiếp phải là đánh bại những lực lượng của Timoshenko bằng cách tập trung mọi lực lượng cho Tập đoàn quân Trung tâm để tiến đến Moscow, nhằm chiếm lấy trung tâm đầu não của sự đối kháng và tiêu diệt những đội hình của địch. Phải tiến hành càng sớm càng tốt việc tập trung cho cuộc tiến công này vì mùa Đông đang đến gần. Đồng thời, Tập đoàn quân Bắc phải hoàn tất mục tiêu ban đầu và cố bắt tay với quân Phần Lan. Tập đoàn quân Nam phải tiến xa hơn về hướng Đông để cầm chân lực lượng mạnh nhất có thể của địch .

Sau khi những cuộc thảo luận giữa Bộ Tư lệnh Lục quân và Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực thất bại, Tư lệnh Lục quân [Brauchitsch] trình một bản ghi nhớ của Bộ Tư lệnh Lục quân cho Hitler." Theo nhật ký của Halder, bản ghi nhớ được trình ngày 18 tháng 8 này đã làm bùng nổ những phản ứng. Hitler luôn khát khao vành đai sản xuất thực phẩm và những khu công nghiệp vùng Ukraine, cũng như những mỏ dầu vùng Caucasus. Hơn nữa, ông nghĩ mình đang có cơ hội bằng vàng để khoá chặt những đoàn quân của Budennyở phía Đông sông Dniepr gần Kiev lúc ấy vẫn còn đang chiến đấu. Ông cũng muốn chiếm lấy Leningrad và bắt tay với quân Phần Lan ở phía Bắc. Để đạt được cả hai mục tiêu này, phải tách vài sư đoàn bộ binh và thiết giáp từ Tập đoàn quân Trung tâm để điều đi phía Bắc và nhất là phía Nam. Mũi tiến công đến Moscow phải đình lại .

Ngày 21 tháng 8, Hitler ném ra một chỉ thị mới cho Bộ Tư lệnh Lục quân từng phản kháng ông. Halder chép từng chữ của chỉ thị vào nhật ký: "Các đề xuất của Lục quân về việc tiếp tục hành quân ở phía Đông không phù hợp với ý định của tôi .

Mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được trước mùa Đông không phải là đánh Moscow, mà phải chiếm vùng Crimea, vùng công nghiệp và mỏ than của lưu vực Donets, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp xăng dầu khỏi Caucasus. Mục tiêu ở phía Bắc là khoá chặt Leningrad và kết hợp với quân Phần Lan." Trong nhiều ngày, Hitler tỏ ra phiền hà khi thấy Đại Quân đoàn thứ Năm của Liên Xô ở miền Nam vẫn còn kiên cường chống trả dọc sông Dniepr, mà ông nói cần phải tiêu diệt để rồi chiếm lấy các vùng Crimea và Ukraine, bao vây Leningrad và bắt tay với quân Phần Lan. Ông kết luận: "Chỉ khi đó mới có đủ điều kiện để tấn công và đánh bại lực lượng của Timoshenko." Halder nhận xét một cách cay đắng: "Vậy là mục đích của việc tiêu diệt các Đại quân đoàn Liên Xô phía trước Moscow là thứ yếu so với lòng khát khao chiếm vùng công nghiệp đáng giá và tiến về hướng dầu mỏ của Nga... Hitler đang bị ám ảnh bởi ý nghĩ chiếm cả Leningrad và Stalingrad, vì ông tin rằng nếu 2 "thành phố thiêng liêng của chủ nghĩa Cộng sản" bị thất thủ, nước Nga sẽ sụp đổ." Xát thêm muối vào vết thương tự trọng của các Thống chế và Đại tướng vốn không đánh giá cao thiên tài quân sựcủa mình, Hitler ban hành một chỉ thị mà Bộ Tư lệnh Lục quân mô tả là "đầy xúc phạm", như muốn nói rằng Bộ Tư lệnh này rặt "những đầu óc cứng nhắc với những lý thuyết lạc hậu" .

Halder ta thán trong nhật ký: "Không thể chịu nổi! Chưa từng nghe qua! Đến thế là cùng!" Suốt buổi chiều và tối ngày hôm sau, ông thảo luận với Thống chế Brauchitsch về việc Lãnh tụ xen lấn "theo cách không thể chấp nhận được" vào công việc chuyên môn của Bộ Tư lệnh Lục quân, rồi đề nghị cả 2 người xin từ chức. Halder ghi lại: "Brauchitsch từ chối, vì việc này không thực dụng và sẽ không thay đổi được gì." Cũng như trong những trường hợp khác, vị Thống chế ươn hèn chịu đầu hàng người cựu hạ sĩ .

Ngày hôm sau, 23 tháng 8, Tướng Guderian đi đến tổng hành dinh của Lãnh tụ và được Halder thúc giục nên khuyên Hitler bỏ ý định tai hại ấy – dù vị tư lệnh thiết giáp cứng cỏi không cần phải được thúc giục. Nhưng Brauchitsch nói với Guderian: "Tôi cấm anh đề cập vấn đề Moscow với Lãnh tụ. Chỉ thị đã được ban hành cho cuộc tiến công ở miền Nam. Đơn giản vấn đề bây giờ chỉ là làm cách nào thi hành chỉ thị này. Thảo luận cũng chẳng ích gì." Nhưng khi Guderian được đưa vào yết kiến Hitler, cả Brauchitsch và Halder đều không tháp tùng. Guderian cãi lệnh và biện luận mạnh mẽ theo mọi cách có thể về việc phải tấn công Moscow lập tức. Ông kể lại: "Hitler để cho tôi nói hết. Rồi ông ấy diễn tả chi tiết những cân nhắc khiến cho ông phải quyết định theo cách khác. Hitler nói nguyên liệu và nông sản của Ukraine là thiết yếu để tiến hành chiến tranh trong tương lai. Ông nói về việc cần thiết phải chiếm lấy Crimea, 'chiếc tàu sân bay Nga ấy sẽ được dùng để tấn công những mỏ dầu Rumania'. Ở đấy, lần đầu tiên tôi nghe ông ấy nói câu: 'Các tướng lĩnh của tôi chẳng biết gì về những khía cạnh kinh tế của chiến tranh...' Ông đã ban hành mệnh lệnh nghiêm ngặt rằng mục tiêu chiến lược trước mắt là Kiev và mọi động thái đều phải hướng đến mục tiêu này. Lần đầu tiên tôi thấy ở đây khung cảnh mà sau này tôi sẽ thấy thường xuyên: Tất cả những người có mặt – Keitel, Jodl và những người khác – đều gật đầu tỏ lộ sự đồng tình với mỗi lời Hitler thốt ra, trong khi tôi đơn độc với quan điểm của mình..." Nhưng trong những buổi thảo luận trước đó, Halder không gật đầu bày tỏ sự đồng tình. Khi Guderian gặp ông vào ngày hôm sau và thuật lại rằng đã không thể thuyết phục Hitler thay đổi quan điểm, ông thấy vị Tham mưu trưởng Lục quân "ở trong tình trạng suy sụp tinh thần hoàn toàn, khiến cho ông thốt lên những lời kết án và đổ lỗi không thể biện minh được" .

Nhưng nhật ký của Halder ngày 24 tháng 8 lại ghi khác. Ông tố cáo Guderian "thiếu tinh thần trách nhiệm" vì thay đổi quan điểm sau khi gặp Hitler và suy ngẫm quả là vô ích khi cố gắng thay đổi tính khí của con người Hitler .

Đây là cơn khủng hoảng trầm trọng nhất ở cấp đầu não của Lục quân từ khi khởi động cuộc chiến, và sau này sẽ còn tệ hại hơn thế nữa .

Rundstedt phóng mũi tiến công ở miền Nam với sự tăng cường của lực lượng thiết giáp dưới quyền Guderian và các sư đoàn bộ binh tách ra từ mặt trận trung tâm. Guderian cho rằng họ đã đạt được thắng lợi lớn về chiến thuật. Thành phố Kiev thất thủ ngày 19 tháng 9 và quân Đức còn tiến xa thêm 240 km. Ngày 26 tháng 9, trận Kiev kết thúc, phía Đức cho biết 665.000 quân Nga đã bị bắt làm tù binh. Đối với Hitler, đó là "trận đánh vĩ đại nhất trong lịch sử của thế giới" .

Nhưng vài tướng lĩnh nghi ngờ tầm quan trọng về chiến lược của chiến thắng này. Sau khi bị cắt giảm lực lượng thiết giáp, Tập đoàn quân Trung tâm của Bock đành phải chôn chân suốt 2 tháng dọc sông Desna ngay phía trước Smolensk. Những cơn mưa mùa thu đang đến gần và sẽ biến đường giao thông thành bãi lầy. Rồi sau đó là mùa Đông với băng tuyết và giá lạnh .

MŨI TIẾN CÔNG ĐẾN MOSCOW Hitler miễn cưỡng chiều theo sự thúc giục của Brauchitsch, Halder và Bock mà ra lệnh mở lại mũi tiến công đến Moscow. Nhưng đã là quá muộn! Chiều ngày 5 tháng 9, Hitler mới ra lệnh gấp rút tiến đến Moscow: "Mặt trận trung tâm phải bắt đầu trong 8 đến 10 ngày". Halder ghi vào nhật ký: "Không thể nào!" Hitler thêm: "Bao vây, đánh hạ và tiêu diệt chúng!" Ông hứa sẽ điều lực lượng thiết giáp của Guderian (lúc này vẫn còn đang chiến đấu cật lực ở Ukraine) trở lại Tập đoàn quân Trung tâm, cộng thêm quân đoàn thiết giáp của Reinhardt từ mặt trận Leningrad. Nhưng mãi đến đầu tháng Mười, các lực lượng thiết giáp mới có thể về đến nơi và được trang bị lại xong xuôi. Ngày 2 tháng 10, mũi tiến công mãnh liệt mang mã "Bão tố" mới khởi phát. Một cơn bão ập đến những lực lượng tác chiến cuối cùng của người Nga phía trước Moscow nhằm đánh gục Liên Xô .

Nhưng một lần nữa, nhà độc tài Quốc xã là nạn nhân của tính ngông cuồng hoang tưởng. Chiếm Moscow trước mùa Đông là không đủ. Ông ra lệnh cho Thống chế von Leeb ở miền Bắc cùng lúc phải chiếm lấy Leningrad, bắt tay với quân Phần Lan phía ngoài thành phố này và cắt đứt tuyến đường sắt Murmansk ở vùng cực Bắc của Nga, gần bờ Bắc Băng Dương .

Cùng lúc đó, Rundstedt phải tiến đánh dọc bờ biển Đen, chiếm thành phố Rostov, chiếm những mỏ dầu ở Maikop và tiến đến Stalingrad, qua đó tách rời Caucasus khỏi phần còn lại của nước Nga. Khi Rundstedt cố giải thích cho Hitler hiểu việc này có nghĩa là tiến 650 km xa khỏi sông Dniepr và sườn trái của ông bị trống trải một cách nguy hiểm, Hitler trả lời rằng quân Nga ở miền Nam không còn đủ sức chống cự nữa. Rundstedt nhận thấy mệnh lệnh của Hitler là lố bịch và chẳng bao lâu thực tế cho thấy vị tướng này có lý .

Lúc đầu, quân Đức tiến nhanh theo cùng đường tiến quân của Napoléon với sức mạnh của một cơn bão. Trong 2 tuần đầu tháng Mười, họ bao vây 2 đại quân đoàn Liên Xô giữa Vyazma và Bryanksk, báo cáo bắt được 650.000 tù binh, thu được 5.000 đại pháo cùng 1.200 xe thiết giáp .

Đến ngày 20 tháng 10, những đội thiết giáp tiên phong chỉ còn cách Moscow 65 km. Văn phòng các bộ của Chính phủ Nga và các đại sứ quán nước ngoài vội vã di tản theo sông Volga đến Kuibyshev (hiện nay có tên Samara), cách Moscow gần 900 km về hướng Đông Nam. Ngay cả con người tỉnh táo Halder – đã té ngã từ lưng ngựa và đang được chữa trị trong bệnh viện – bây giờ cũng tin rằng với sự cầm quân táo bạo và thời tiết thuận lợi, Đức có thể chiếm Moscow trước mùa Đông khắc nghiệt .

Nhưng những trận mưa mùa thu đã đổ xuống. Mùa sình lầy trong năm đã bắt đầu. Đoàn quân hùng mạnh tiến chậm lại và thường phải dừng hẳn. Xe thiết giáp phải ngừng chiến đấu để lo kéo pháo và xe tải đạn khỏi vũng lầy. Không có đủ dây xích và khớp nối cho việc này, Không quân phải thả xuống dây thừng trong khi máy bay cần phải vận chuyển những hàng hậu cần thiết yếu. Mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng Mười và theo Guderian kể lại, "những tuần tiếp theo chỉ thấy toàn là bùn lầy". Tướng Blumentritt, Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Tư dưới quyền Thống chế von Kluge (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm dưới quyền Bock) đang chiến đấu cật lực trước Moscow, kể lại: "Lính bộ binh trơn trượt trong bùn lầy, trong khi cần có nhiều ngựa để kéo những khẩu pháo. Bùn ngập đến trục bánh xe của phương tiện cơ giới. Ngay xe kéo cũng di chuyển rất khó khăn. Một phần lớn đại pháo của ta chẳng bao lâu đã bị sa lầy hẳn... Không thể nào diễn tả hết những khổ nhọc mà binh sĩ đã sẵn mệt mỏi phải chịu đựng." Lần đầu tiên, nhật ký của Halder và báo cáo chiến trường của Guderian, Blumentritt cùng những tướng lĩnh khác chứa đầy ý nghĩ nghi ngờ rồi chán nản. Tư tưởng này lan đến sĩ quan cấp dưới và binh sĩ trên chiến trường – hoặc cũng có thể là vốn bắt nguồn từ họ. Blumentritt nhớ lại: "Và bây giờ, khi Moscow gần như nằm trong tầm mắt, nhưng tinh thần của cấp chỉ huy và binh sĩ lại bắt đầu thay đổi. Địch càng chống trả mạnh hơn và những cuộc đụng độ ngày càng trở nên quyết liệt... Nhiều đại đội chỉ còn cơ số 60 hoặc 70 người... Mùa Đông sắp bắt đầu, nhưng không có đủ quần áo ấm... Phía sau phòng tuyến, những đơn vị dân quân của địch đang hoạt động trong những vùng rừng và đầm lầy mênh mông. Những chuyến tiếp vận thường bị phục kích..." Vào thời điểm đó, Blumentritt đã nhớ lại những hồn ma của đoàn quân Pháp, xưa kia cũng đã đi trên con đường này để dẫn đến Moscow và hồi ức về số phận của Napoléon bắt đầu ám ảnh những giấc mơ của đoàn quân chinh phục. Tướng lĩnh Đức bắt đầu đọc, hoặc đọc lại, về mùa Đông thảm hoạ của quân Pháp vào năm 1812 .

Xa về phía Nam, nơi thời tiết hơi ấm hơn nhưng mưa và bùn vẫn tệ hại, tình trạng của quân Đức không khả quan hơn. Ngày 21 tháng 11, những đội hình thiết giáp của Kleist tiến vào thành phố Rostov ở cửa sông Don trong khi bộ máy tuyên truyền của Tiến sĩ Goebbels đang rêu rao rằng "cửa ngõ ra Caucasus" đã rộng mở. Nhưng cửa ngõ ấy cũng chẳng mở được lâu. Cả Kleist và Rundstedt đều nhận ra rằng không thể giữ được Rostov. 5 ngày sau, quân Liên Xô chiếm lại thành phố. Quân Đức bị tấn công ở cả 2 mạn sườn Bắc và Nam nên phải rút lui 80 km về sông Mius, nơi Kleist và Rundstedt ban đầu đã muốn lập phòng tuyến cho mùa Đông .

Cuộc rút lui khỏi Rostov là bước ngoặt nhỏ khác trong lịch sử của Đế Chế Thứ Ba. Lần đầu tiên, quân Quốc xã chịu 1 thất bại quan trọng. Guderien nói: "Vận rủi của ta đã bắt đầu ở Rostov." Đó cũng là vận rủi của Thống chế von Rundstedt, Tư lệnh Tập đoàn quân Nam. Ông khai với Đồng minh sau cuộc chiến rằng khi ông đang dẫn quân rút về sông Mius thì: "đột nhiên có lệnh của Lãnh tụ: 'Dừng quân tại chỗ, không được rút lui thêm.' Tôi lập tức điện trả lời: 'Cố trụ lại là chuyện điên rồ. Thứ nhất là binh sĩ không thể làm được việc này, thứ hai là nếu không rút lui họ sẽ bị tiêu diệt. Tôi xin ông rút lại lệnh này, hoặc ông hãy đi mà tìm người khác [thay thế tôi]'. Đêm hôm ấy, câu trả lời của Lãnh tụ được gửi đến: 'Tôi chiều theo yêu cầu của anh. Hãy giao lại chức vụ.'" Rundstedt nói: "Thế là tôi trở về nhà." Ngày 30 tháng 11, nhật ký của Halder ghi: "Lãnh tụ gọi Brauchitsch đến, chê trách và mắng mỏ ông." Halder ghi lại những con số thương vong của quân Đức cho đến ngày 26 tháng 11: "Tổng cộng thiệt hại của mặt trận phía Đông (không kể người bệnh); 743.112 sĩ quan và binh sĩ, tương đương với 23% của lực lượng với quân số tổng cộng 3,2 triệu." Ngày 1 tháng 12, Rundstedt được thay thế bởi Reichenau, người vẫn còn chỉ huy Đại Quân đoàn Thứ Sáu (thuộc Tập đoàn quân Nam dưới quyền Rundstedt ngay trước đó). Ở phía Bắc, các sư đoàn thiết giáp của Kleist đang rút về từ Rostov. Halder viết: "Reichenau gọi điện cho Hitler và xin phép đêm nay rút về Phòng tuyến Mius. Ông được cho phép. Thế là ta trở về đúng vị trí như ngày hôm qua. Nhưng phải hy sinh thời gian, sức lực và mất đi Rundstedt." Halder cũng ghi sức khoẻ của Brauchitsch là đáng ngại. Ngày 10 tháng 11, ông ghi Brauchitsch đã trải qua vài cơn đau tim .

Tính chất điên cuồng của việc lệnh cho lực lượng ở nơi xa phải trụ lại, mà không cần biết họ gặp nguy hiểm đến thế nào có lẽ giúp cho một đại quân đoàn tránh tan rã hoàn toàn trong những tháng sắp đến, nhưng nhiều tướng lĩnh không cho là thế. Mệnh lệnh như thế sẽ dẫn đến thảm hoạ tại Stalingrad và những thảm hoạ khác, rồi cuối cùng khép lại số phận của Hitler .

Vào mùa Đông năm ấy ở Nga, tuyết dày và giá lạnh đến sớm. Guderian ghi nhận đợt tuyết rơi đầu tiên vào đêm mùng 6, rạng sáng ngày mùng 7 tháng 10, ngay khi mũi tiến công đến Moscow khởi động lại. Ngày 12 tháng 10, ông ghi là tuyết vẫn còn rơi. Đợt rét đầu tiên đến vào ngày 3 tháng 11, hàn thử biểu chỉ dưới không độ và tiếp tục xuống thấp thêm. Ngày 7 tháng 11, Guderian báo cáo những "ca hoại tử trầm trọng vì tê cóng" đầu tiên trong hàng ngũ của mình và ngày 13 tháng 11 nhiệt độ xuống đến âm 22°C trong khi binh sĩ thiếu quần áo ấm. Không khí giá lạnh cũng ảnh hưởng đến súng và cơ giới. Guderian viết: "Băng giá gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho bánh xích của xe thiết giáp. Thời tiết lạnh khiến cho ống nhòm trở nên vô dụng. Phải đốt lửa phía dưới động cơ mới có thể nổ máy xe thiết giáp. Xăng đôi khi bị đóng băng và dầu nhờn trở nên sánh đặc... Mỗi trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 112 bị hao tổn khoảng 500 người vì tê cóng. Vì nhiệt độ quá thấp, không thể vận hành súng máy, còn súng chống thiết giáp 37 li là vô hiệu đối với xe thiết giáp T-34 [của Liên Xô]... Kết quả là khắp nơi đều tràn ngập những nỗi âu lo... Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng như thế trong chiến dịch đánh Nga và đó là sự cảnh báo rằng khả năng tác chiến của bộ binh ta đang đến hồi chấm dứt." Nhưng không chỉ có bộ binh. Ngày 21 tháng 11, Halder ghi vào nhật ký là Guderian gọi điện cho biết binh sĩ thiết giáp của mình đã "hết chịu đựng nổi". Vị tư lệnh quân thiết giáp cứng cỏi, năng động thú nhận rằng vào ngày này ông quyết định đến gặp Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm Bock và yêu cầu ông ta rút lại lệnh đã ra, vì ông "không thấy cách nào thi hành được". Tinh thần ông xuống thấp và cùng ngày ông ghi lại: "Thời tiết băng giá, thiếu nơi trú ẩn, thiếu quần áo ấm, thiệt hại nặng về người và khí tài, việc cung ứng xăng dầu xuống thấp – tất cả đều khiến cho nhiệm vụ của một tư lệnh gặp nhiều khó khăn và càng tiếp tục như thế này, tôi càng bị đè nặng bởi trách nhiệm mà mình đang phải gánh vác..." Sau này, ông còn nói thêm: "Chỉ người nào đã từng trông thấy cánh đồng tuyết mênh mông tột cùng ở Nga trong mùa Đông khổ sở của chúng tôi và cảm nhận cơn gió giá buốt thổi qua khiến cho tuyết lấp đầy mọi thứ trên đường bay, chỉ người nào đã ngồi trên xe từ giờ này qua giờ khác trong vùng đất không người để rồi cuối cùng tìm được nơi trú ẩn quá mong manh với những binh sĩ thiếu áo ấm, thiếu thức ăn và chỉ người nào thấy hình ảnh trái ngược của sắc dân Siberia được ăn uống đầy đủ, được mặc ấm áp, được trang bị thích hợp để chiến đấu trong mùa Đông... thì họ mới có thể hiểu được tình cảnh mà chúng tôi đang trải qua lúc bấy giờ." Chúng ta cần nêu rõ một điểm: Dù mùa Đông có khắc nghiệt và đúng là binh sĩ Liên Xô được chuẩn bị đầy đủ hơn quân Đức, nhưng yếu tố chủ yếu phải ghi nhận lúc đó không phải là thời tiết, mà là tinh thần chiến đấu của Hồng quân và ý chí kiên cường không muốn chịu thua của họ. Nhật ký của Halder và báo cáo của các tư lệnh chiến trường đều bày tỏ kinh ngạc đối với mức độ và sức mạnh của những cuộc tấn công và phản công từ quân Nga, cùng với nỗi chán nản đối với những thất bại và thiệt hại của quân Đức .

Xét qua bản chất của chế độ hà khắc và kết quả thảm hại từ những đợt tấn công đầu tiên của Đức, các tướng lĩnh Quốc xã không thể hiểu được tại sao quân Nga không tan rã như quân Pháp và nhiều quân đội khác vốn ở trong tình trạng khả quan hơn. Blumentritt viết: "Vào cuối tháng Mười và đầu tháng Mười một, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và thất vọng khi thấy người Nga lúc này đã bị đánh bại, nhưng vẫn không nhận ra rằng lực lượng quân sự của họ không còn nguyên vẹn nữa." Guderian kể lại lời của một tướng lĩnh thời Nga hoàng xa xưa, giờ đã về hưu, mà ông gặp ở Orel trên con đường dẫn đến Moscow: Nếu các ông đến đây 20 năm về trước, thì đáng lẽ chúng tôi đã có thể đang rộng 2 tay mà chào đón. Nhưng bây giờ thì quá muộn. Chúng tôi vừa mới bắt đầu từ đứng trên đôi chân nhưng giờ các ông lại đến để đưa chúng tôi ngược lại 20 năm trước, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải làm lại mọi việc từ đầu. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì nước Nga và động cơ này đã giúp chúng tôi đoàn kết với nhau .

Tuy thế khi gần đến cuối tháng Mười một, giữa những cơn bão tuyết và nhiệt độ dưới không, nhưng đối với Hitler và phần lớn tướng lĩnh thì Moscow dường như đã nằm trong tầm tay của họ. Những đội hình quân Đức ở phía Bắc, Nam và Đông của thủ đô đã tiến đến cách mục tiêu 30 đến 50 km. Khi Hitler nhìn vào bản đồ tại tổng hành dinh của mình ở Đông Phổ, đoạn đường còn lại có vẻ như không phải là khoảng cách gì cả. Những đoàn quân của Đức đã đánh qua 800 km, bây giờ chỉ còn 30 đến 50 km cuối. Giữa tháng Mười một, Hitler nói với Jodl: "Chỉ cần ráng sức thêm một chút là chúng ta sẽ chiến thắng." Khi gọi điện cho Halder ngày 22 tháng 11, Thống chế Bock chỉ huy Tập đoàn quân Trung tâm trong đợt tiến công cuối cùng vào Moscow nói: "Chỉ cần ném vào đó tiểu đoàn cuối cùng là đủ để quyết định trận đánh". Dù quân Nga đang chống trả ngày càng quyết liệt hơn, nhưng Bock báo cáo với Tham mưu trưởng Lục quân rằng ông tin "mọi việc đều có thể đạt được". Vào ngày cuối tháng Mười một, đúng thật là Bock phải ném vào tiểu đoàn cuối cùng theo đúng nghĩa đen. Cuộc tổng tấn công vào trái tim của Liên bang Xô viết được định vào ngày hôm sau, 1 tháng 12 năm 1941 .

Quân Đức vấp phải sức chống trả với tinh thần thép của Liên Xô. Một lực lượng thiết giáp hùng mạnh nhất từ trước đến nay chưa từng được tập trung trên cùng một mặt trận: Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Tướng Hoepner(thuộc Tập đoàn quân Bắc) và Đại Quân đoàn Thứ Ba Thiết giáp của Tướng Hermann Hoth (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở cửa ngõ phía Bắc của Moscow đang tiến xuống hướng Nam, Đại Quân đoàn Thứ Hai Thiết giáp của Guderian (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở cửa ngõ phía Nam của Moscow đang tiến lên hướng Bắc từ Tula, còn Đại Quân đoàn Thứ Tư hùng mạnh của Kluge (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở giữa và đang chiến đấu hướng về phía Đông qua vùng rừng xung quanh Moscow – đây chính là cánh quân mà Hitler đặt tất cả kỳ vọng .

Ngày 2 tháng 12, một tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn 258 Bộ binhxâm nhập vào Khimki, một vùng ngoại ô của Moscow, mà từ đây họ có thể nhìn thấy những mái hình tháp nhọn của Điện Kremlin. Nhưng sáng hôm sau, một vài xe thiết giáp Nga và một lực lượng hỗn tạp gồm công nhân trong những nhà máy của thành phố đã được huy động một cách vội vã để đánh bật quân Đức ra ngoài. Đó là điểm gần Moscow nhất mà quân Đức có thể tiến đến, đó cũng là lần đầu tiên và là lần cuối cùng họ có thể thoáng nhìn thấy Kremlin .

Ngay từ tối ngày 1 tháng 12, Bock gọi điện cho Halder cho biết ông không còn có thể chiến đấu được nữa khi mà binh sĩ ngày càng suy yếu. Tham mưu trưởng Lục quân cố gắng cổ vũ tinh thần ông này: "Phải ra sức hạ gục quân địch bằng cách tung ra lực lượng cuối cùng." Ngày hôm sau, Halder ghi vào nhật ký: "Sức kháng cự của địch đã lên đến đỉnh điểm." Ngày hôm sau nữa, 3 tháng 12. Bock lại gọi điện cho Halder và Halder đã ghi chú lại trong nhật ký của mình: "Mũi tiến công của Đại Quân đoàn Thứ Tư lại phải rút về vì hai bên sườn không thể tiến lên... Chúng ta đang phải đối mặt với thời khắc mà sức mạnh của quân ta đã kiệt quệ." Khi lần đầu tiên Bock nói đến việc lui về phòng thủ, Halder đã cố nhắc nhở ông rằng "cách phòng thủ tốt nhất là cứ tấn công". Lời nói thì luôn dễ hơn việc làm, nhất là khi xét qua sức mạnh quân Nga và thời tiết khắc nghiệt nơi đây .

Ngày 4 tháng 12, Đại Quân đoàn Thứ Hai Thiết giáp của Guderian phải dừng lại và ông báo cáo hàn thử biểu chỉ âm 35°C. Ngày hôm sau, nhiệt độ hạ xuống thêm 2 độ C. Guderian cho biết xe thiết giáp dưới quyền mình "hầu như là bất động", lực lượng của ông đang bị đe doạ từ hai bên sườn và mặt sau phía Bắc Tula .

5 tháng 12 là một ngày thực sự khủng hoảng. Suốt dọc phòng tuyến dài 360 km xung quanh Moscow, quân Đức đều đã phải dừng lại. Vào buổi tối, Guderian thông báo cho Bock biết lực lượng của ông chẳng những dừng lại mà còn phải rút lui. Bock gọi điện cho Halder rằng quân của mình đã "kiệt sức". Brauchitsch nói với Halder rằng ông định từ chức Tư lệnh Lục quân. Đó là một ngày đen tối và cay đắng cho các tướng lĩnh Đức. Guderian kể lại: "Đó là lần đầu tiên tôi phải quyết định như thế và không có quyết định nào khó khăn hơn... Cuộc tấn công vào Moscow của ta đã bị phá vỡ. Mọi hy sinh và chịu đựng của những binh sĩ dũng cảm đã trở thành vô ích. Ta đã phải chịu một thất bại đau đớn." Tại tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Tư của Kluge, Tham mưu trưởng Blumentritt nhận ra đã đến điểm ngoặt. Ông viết: "Hy vọng của ta trong việc đánh bại Liên Xô trong năm 1941 đã tan vỡ vào phút cuối." Ngày hôm sau, 6 tháng 12 năm 1941, Tướng Georgi Zhukov của Nga phát động cuộc phản công. Ông thay thế Nguyên soái Timoshenko làm Tư lệnh Phương diện quân Trung tâm chỉ mới 6 tuần trước đó. Dọc phòng tuyến rộng 360 km trước Moscow, ông tung ra 7 đại quân đoàn và 2 quân đoàn kỵ binh – tổng cộng là 100 sư đoàn – gồm những binh sĩ còn sung sức hoặc đã dày dạn trận mạc được trang bị và huấn luyện để tác chiến trong không khí giá lạnh và trên lớp tuyết dày. Sức mạnh mà vị tướng vô danh tung ra với một lực lượng đáng sợ gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp, kỵ binh và không quân – mà Hitler không ngờ hiện diện với số lượng lớn đến thế – là bất thình lình và mãnh liệt đến nỗi Quân đội Đức và Đế chế Thứ Ba không bao giờ hồi phục được sau thất bại này.Chỉ trong vài tuần băng giá cuối tháng 12 năm 1941 và đầu tháng 1 năm 1942, các đoàn quân Đức có thể sẽ phải tan rã, sau khi đã bị đánh bại và phải rút lui vì phòng tuyến liên tục bị xuyên thủng. Tình hình này tương tự như những gì mà đoàn quân vĩ đại của Napoléon đã phải trải qua vào 130 năm trước. Ở vào vài thời khắc quyết định, quân Đức đã sa vào thảm hoạ như thế. Có vẻ như chính ý chí và quyết tâm sắt đá của Hitler cùng với sự ngoan cường của chiến binh Đức đã cứu được những đoàn quân của Đế chế Thứ Ba khỏi lâm vào trạng thái tan rã hoàn toàn .

Nhưng sự thất bại này vẫn là rất nặng nề. Hồng quân bị thiệt hại nặng nhưng không bị tiêu diệt. Đức không chiếm được Moscow, Leningrad, Stalingrad hoặc những mỏ dầu vùng Caucasus, còn những đường tiếp tế cho Anh và Mỹ về phía Bắc và phía Nam vẫn rộng mở. Lần đầu tiên trong hơn 2 năm chiến thắng liên tục, những đoàn quân của Hitler đang rút lui trước một lực lượng mạnh hơn .

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Thất bại thực tế còn nặng nề hơn những gì mà ta tưởng tượng. Halder đã nhận ra điều ấy, ít nhất là sau này. Ông viết: "Huyền thoại về Quân lực Đức đánh đâu thắng đó đã tan vỡ." Đức còn giành thêm vài chiến thắng ở Liên Xô trong mùa hè kế tiếp, nhưng họ không bao giờ thể hiện lại được huyền thoại trước kia .

Vì thế, ngày 6 tháng 12 năm 1941 là một điểm ngoặt khác trong lịch sử ngắn ngủi của Đế chế Thứ Ba và đó cũng là một trong những điểm ngoặt có tính định mệnh nhất. Quyền lực của Hitler đã lên đến đỉnh điểm, nhưng từ bây giờ, quyền lực ấy sẽ chỉ đi xuống và bị vắt kiệt bởi những cuộc phản công của các quốc gia mà ông ta đã chọn để gây chiến .

Một cuộc cải tổ sâu rộng trong Bộ Tư lệnh Lục quân và trong số các tư lệnh chiến trường đã diễn ra vào thời điểm đó. Trong khi những đoàn quân đang rút lui trên những con đường và cánh đồng đầy băng tuyết trước cuộc phản công của Liên Xô, thì các tướng lĩnh Đức bắt đầu bị thanh trừng .

Như ta đã biết, Rundstedt bị cách chức Tư lệnh Tập đoàn quân Nam vì rút lui khỏi Rostov .

Ngày 18 tháng 12, Thống chế von Bock, Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm, bị thay thế bởi Thống chế von Kluge trong khi Đại Quân đoàn Thứ Tư của Kluge đang rút lui .

Thậm chí vị tướng Guderian năng động, người đã khởi xướng lối đánh sấm sét tạo thành cuộc Cách mạng trong chiến thuật hiện đại, cũng mất chức – vào ngày Giáng sinh – vì đã ra lệnh rút quân mà không được cấp trên cho phép .

Tướng Hoepner, vị tư lệnh thiết giáp cũng tài giỏi của Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp vốn đã đến sát Moscow rồi phải rút ra, đột nhiên bị Hitler cách chức với cùng lý do, bị tước quân hàm và bị cấm mặc quân phục .

Tướng Hans von Sponeck, người nhận Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt do đã chỉ huy quân nhảy dù đánh Hà Lan vào năm ngoái còn bị trừng phạt nặng hơn vì đã ra lệnh cho một sư đoàn trong quân đoàn của mình rút lui ở Crimea, sau khi quân Liên Xô đổ bộ phía sau đội hình của Đức. Ông bị tước quân hàm, bị đưa ra toà án binh và nhận án tử hình theo lệnh của Hitler. Ông bị thi hành án vào tháng 7 năm 1944 sau vụ ám sát hụt Hitler mà ông không can dự .

Ngay cả con người hay khúm núm Keitel cũng gặp rắc rối với Hitler. Vào những ngày đầu tháng Mười hai, ông đủ tỉnh táo mà nhận ra rằng cần rút khỏi Moscow để tránh một thảm hoạ. Nhưng khi ông thu hết can đảm để nói ra điều này với Hitler, thì ông lại bị nhà độc tài mắng mỏ, la hét rằng ông là người "đần độn". Sau đó, Jodl thấy Keitel ngồi viết đơn xin từ chức, với khẩu súng lục đặt bên cạnh. Jodl lặng lẽ lấy đi khẩu súng và thuyết phục Keitel – có vẻ như không mấy khó khăn – ở lại mà chịu đựng những cơn cuồng nộ của Lãnh tụ. Và Keitel đã chịu đựng được cho đến lúc cuối .

Sự căng thẳng khi chỉ huy một quân đội không thể chiến thắng mãi nhưng Tư lệnh Tối cao bắt buộc phải luôn chiến thắng khiến cho Thống chế von Brauchitsch chịu thêm vài cơn đau tim. Vào lúc Zhukov bắt đầu cuộc phản công, ông quyết định xin từ chức. Sau hai lần đề đạt ý muốn, ngày 17 tháng 12 ông được toại nguyện. 3 tháng sau, Hitler nói với Goebbels về Brauchitsch và Goebbels đã ghi lại: "Lãnh tụ nói về ông ấy bằng ngôn từ khinh bỉ. Một kẻ rỗng tuếch, hèn nhát và ngốc nghếch." Với những người thân cận, Hitler nói về Brauchitsch: "Ông ta không phải là một chiến binh mà chỉ là một kẻ hèn yếu. Nếu Brauchitsch còn tại chức thêm vài tuần, mọi chuyện sẽ chấm dứt trong thảm hoạ." Trong Quân đội cũng có một vài dự đoán về người sẽ tiếp nhiệm Brauchitsch, nhưng điều này cũng sai lạc như dự đoán nhiều năm trước về người kế nhiệm Hindenburg. Ngày 19 tháng 12, Hitler triệu Halder đến để thông báo rằng tự mình sẽ nhận chức Tư lệnh Lục quân, còn Halder có thể tiếp tục làm Tham mưu trưởng nếu muốn – và ông này muốn. Nhưng Hitler nói rõ rằng từ bây giờ, ông ta sẽ đích thân chỉ huy Lục quân, như ông ta đang chỉ huy mọi chuyện khác ở nước Đức. Hitler nói với Halder: "Công việc nhỏ nhoi như chỉ huy hành quân thì ai cũng làm được. Chức năng của Tư lệnh Lục quân là huấn luyện Lục quân theo đường lối Quốc gia Xã hội. Tôi không thấy có tướng lĩnh nào làm được việc này theo cách tôi muốn. Vì thế, tôi đã quyết định đích thân đảm nhiệm chức vụ này." Thế là, Hitler đã chiến thắng hoàn toàn trước giới sĩ quan Phổ. Con người lông bông ở Vienna ngày trước và là cựu hạ sĩ, bây giờ là Tổng thống kiêm thêm Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Tư lệnh Tối cao Quân lực và Tư lệnh Lục quân. Như Halder than phiền trong nhật ký của mình, các tướng lĩnh bây giờ chỉ là những người giao nhận công văn, soạn thảo chỉ thị dựa trên quan điểm của một mình Hitler về chiến lược. Thật ra, nhà độc tài ngông cuồng hoang tưởng chẳng bao lâu sẽ đưa mình lên địa vị còn cao hơn nữa, luật hoá quyền lực mà chưa bao giờ có hoàng đế, quốc vương hay tổng thống nào từng đạt được trong quá khứ tại các đế chế Đức .

Ngày 26 tháng 4 năm 1942, Nghị viện bù nhìn thông qua một luật trao cho Hitler quyền hành tuyệt đối quyết định tất cả người Đức được sống hay phải chết, đồng thời đình chỉ mọi luật khác mâu thuẫn với luật này. Người ta phải đọc qua ngôn từ của luật thì mới tin đó là sự thật: "... Trong cuộc chiến hiện nay, khi dân tộc Đức đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh sống còn, Lãnh tụ phải được trao tất cả quyền hành nhằm đạt đến thắng lợi lớn hơn. Vì thế không gò bó vào những quy định hiện hữu – trên cương vị Lãnh tụ của quốc gia, Tư lệnh Tối cao của Quân lực, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo hành pháp tối cao, Chánh án Tối cao và Lãnh tụ của Đảng – Lãnh tụ phải có vị thế sử dụng tất cả biện pháp sẵn có để nếu cần thì sẽ có thể bắt buộc tất cả công dân Đức, Đảng viên lãnh đạo hoặc thừa hành, công nhân hoặc các chủ doanh nghiệp phải tuân hành nhiệm vụ. Trong trường hợp vi phạm những nhiệm vụ này, sau khi đã xem xét nghiêm túc mà không tính đến cái gọi là quyền đáng được hưởng, Lãnh tụ có quyền hạn trừng phạt đúng mức và tước bỏ nghề nghiệp, cấp bậc và chức vụ của người vi phạm mà không phải dựa trên những quy trình đã định." Đúng thật là Adolf Hitler vừa là Lãnh tụ của nước Đức mà bản thân ông ta cũng là Luật, Ngay cả trong thời Trung cổ hay thời của những bộ lạc bán khai, vẫn chưa từng có người Đức nào tóm đoạt lấy mọi quyền hạn chuyên chế như thế trên danh nghĩa, theo luật định cũng như trên thực tế .

Nhưng ngay cả khi không có thêm thẩm quyền như vậy, Hitler cũng đã là chủ nhân tuyệt đối của Quân lực, mà hiện giờ ông ta đảm nhiệm thêm cả chức vụ chỉ huy trực tiếp. Ông đã có động thái quyết liệt trong mùa Đông khắc nghiệt này để ngăn chặn những đoàn quân chiến bại rút lui và cứu họ khỏi số phận như của đoàn quân Napoléon trên cùng những con đường phủ đầy băng tuyết từ Moscow trở về. Ông nghiêm cấm mọi bước rút lui thêm .

Trong một thời gian dài, các tướng lĩnh Đức tranh cãi nhau về chủ trương sắt đá của Hitler – hoặc sẽ cứu nguy lực lượng khỏi thảm hoạ toàn diện hoặc sẽ gây thiệt hại thêm trầm trọng. Phần lớn chỉ huy chiến trường lập luận rằng nếu họ được phép rút lui khi không thể giữ vững vị trí, thì đáng lẽ họ đã có thể bảo toàn nhiều nhân lực và khí tài, có vị thế mạnh hơn để tái tổ chức hoặc thậm chí tiến công trở lại. Thay vào đó, nguyên từng sư đoàn thường bị áp đảo hoặc bị bao vây rồi bị đánh tan nát .

Nhưng cũng có những tướng lĩnh nhìn nhận rằng ý chí sắt đá của Hitler – khi đòi hỏi các đơn vị phải trụ lại để chống trả – là thành tựu to tát nhất của ông trong cuộc chiến và có lẽ nhờ vậy, quân Đức mới không bị tan rã giữa những cánh đồng tuyết. Tướng Blumentritt tóm tắt quan điểm này: "Chắc chắn là Hitler đã đúng khi đòi hỏi binh sĩ phải trụ lại ở bất kỳ vị trí nào và trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Theo bản năng, Hitler nhận ra rằng nếu rút lui trên tuyết và băng giá, thì chỉ trong vòng ít ngày phòng tuyến sẽ tan vỡ và khi ấy, lực lượng sẽ cùng chung số phận với binh đoàn [Napoléon]... Ta chỉ có thể rút lui trên đồng trống vì lẽ đường sá đã bị lấp đầy tuyết. Sau ít đêm, binh sĩ không thể chịu đựng được nữa và họ sẽ gục ngã tại chỗ. Không có căn cứ ở phía sau để họ có thể lui về trú ẩn và cũng không có phòng tuyến nào để trụ lại." Tướng von Tippelskirch, Tư lệnh của 1 quân đoàn thiết giáp, đồng ý: "Đó là thành tựu vĩ đại nhất của Hitler. Vào thời khắc khủng hoảng này, binh sĩ đang nhớ đến việc Napoléon khi cho binh đoàn của ông rút lui khỏi Moscow... Một khi quân đội bắt đầu rút lui, họ có thể hoảng hốt tháo chạy." Tuy nhiên sự hoảng hốt vẫn tồn tại trong Quân đội Đức, không những ở tiền tuyến xa xôi mà cả ở hậu phương. Điều này đã được Halder ghi lại một cách sinh động trong nhật ký. Ông bắt đầu ngày Giáng sinh 1941 bằng câu "Một ngày rất khó khăn!" Ông lặp lại câu ca thán này trong nhiều ngày khác sau đó .

Ngày 29 tháng 12 năm 1941. Thêm một ngày kinh khủng!... Lãnh tụ cấm cánh Bắc của Đại Quân đoàn Thứ Tư rút lui thêm. Khủng hoảng tồi tệ ở Đại Quân đoàn Thứ Chín, nơi có vẻ như các chỉ huy đang hoàn toàn trở nên mất trí. Giữa trưa, Kluge hoảng hốt gọi điện về. Đại Quân đoàn Thứ Chín muốn rút... Ngày 2 tháng 1 năm 1942. Một ngày giao tranh dữ dội. Khủng hoảng trầm trọng ở Đại Quân đoàn Thứ Tư và Đại Quân đoàn Thứ Chín. Quân Nga phá nát 1 mặt trận... và lúc này, thật khó để nói xem làm thế nào mới có thể thiết lập lại phòng tuyến khác. Tình hình khiến cho Kluge yêu cầu rút lui khỏi một mặt trận đã quá yếu. Dù phải tranh luận gay gắt với Lãnh tụ, nhưng ông vẫn bảo lưu quan điểm: Mặt trận phải trụ lại dù hậu quả ra sao... Ngày 3 tháng 1 năm 1942. Tình hình ngày càng căng thẳng khi có thêm một mặt trận bị xuyên thủng giữa Maloyaroslavets và Borovsk. Kueblervà Bock trở nên căng thẳng, yêu cầu rút quân trên phòng tuyến Bắc... Lãnh tụ nghi ngờ các tướng lĩnh không đủ can đảm để đi đến quyết định khó khăn .

Nhưng binh sĩ không thể trụ lại trong thời tiết âm 34°C. Thế rồi lệnh của Lãnh tụ được ban ra: Đích thân ông sẽ quyết định xem liệu có cần phải rút lui thêm hay không .

Nhưng sự thật là Quân Liên Xô, chứ không phải Hitler, mới là nhân tố quyết định việc đó. Hitler có thể ép buộc quân Đức trụ lại để hy sinh, nhưng ông không thể ngăn chặn đà tiến của quân Liên Xô. Thậm chí còn có 1 sĩ quan Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực quá hoảng loạn nên đã yêu cầu sử dụng hơi độc, nhưng không có chuyện gì xảy ra .

Ngày 8 tháng 1 năm 1942 là "một ngày vô cùng khẩn trương". Quân Nga đánh mạnh hơn và xuyên thủng một phòng tuyến khiến cho Kluge không thể chịu nổi nữa. Vì thế, ông này đòi rút Đại Quân đoàn Thứ Tư về. Cả ngày ông liên tục gọi điện cho Hitler và Halder để thúc giục. Cuối cùng, vào buổi tối, Hitler đã miễn cưỡng chấp thuận. Kluge được phép "rút lui từng bước một để bảo vệ hệ thống giao liên" .

Từng bước một và đôi lúc nhanh hơn suốt mùa Đông u ám này, quân Đức rút lui, trong khi trước đó họ dự tính đón Giáng sinh tại Moscow. Vào cuối tháng 2 năm 1942, quân Đức rút lui cách Moscow từ 120 đến 320 km. Halder ước tính thiệt hại tính đến ngày 28 tháng 2 năm 1942 là 1 triệu người, tức 31% toàn lực lượng, trong đó có trên 200.000 người tử trận, trên 720.000 người bị thương và hơn 46.500 mất tích, thương tật do hoại tử tê cóng là trên 100.000 người. Đó là chưa kể những thiệt hại nặng nề của Hungary, Rumania và Ý. Khi tuyết và băng tan vào mùa xuân, Hitler và Halder đã bắt đầu lập kế hoạch điều binh sĩ mới, thêm xe thiết giáp và pháo để mở lại cuộc tiến công – ít nhất trên một phần mặt trận. Vì họ sẽ không bao giờ còn đủ sức mạnh để tấn công trên toàn phòng tuyến dài nữa. Chính thiệt hại do mùa Đông khắc nghiệt và cuộc phản công của Zhukov đã xoá tan hy vọng này .

Nhưng thực ra, Hitler đã nhận ra trước rằng canh bạc mạo hiểm thôn tính Liên Xô sẽ thất bại. Ngày 19 tháng 11 năm 1941, trong khi những đoàn quân chỉ cách Moscow vài chục kilomet và còn đang trong thế tấn công, thì Hitler đã cho các tướng lĩnh của Bộ Tư lệnh Lục quân một "bài giảng" dài, tỏ ý từ bỏ hy vọng đánh gục Liên Xô trong năm ấy và chuyển kế hoạch sang năm sau. Halder ghi lại ý tưởng của Hitler: "Những mục tiêu cho năm tới. Trước nhất là Caucasus. Mục đích: vùng biên giới phía Nam của Nga. Thời gian: tháng Ba đến tháng Tư. Trên miền Bắc sau chiến dịch năm nay: Vologda hoặc Gorki, nhưng chỉ vào cuối tháng Năm .

Những mục tiêu khác cho năm tới còn bỏ ngỏ. Tuỳ thuộc vào khả năng vận chuyển bằng đường sắt của ta. Vấn đề xây dựng một 'Bức tường Đông' cũng để ngỏ." Vologda là thị trấn cách Moscow 480 km về hướng Đông Bắc, kiểm soát tuyến đường sắt đến Arkhangelsk, còn Gorki cách Moscow 480 km về hướng Đông. Bức tường Đông sẽ không cần thiết nếu Liên Xô bị chiến bại. Có lẽ Halder cũng ngẫm nghĩ về điều này. Ông kết luận: "Nói chung, có vẻ như bây giờ Hitler đã nhận ra rằng không bên nào có thể đánh bại bên kia và rằng điều này sẽ dẫn đến đàm phán hoà bình." Hẳn là nhà lãnh đạo Quốc xã chuyên đi thôn tính đã bàng hoàng thức tỉnh trước thực tế, trong khi chỉ vừa mới sáu tháng trước thôi ông còn tuyên bố rằng Liên Xô "đã bị đánh gục và sẽ chẳng bao giờ vươn lên được nữa". Những kế hoạch của ông ta đã bị phá sản, những hy vọng của ông ta đã lụi tàn. Và chúng sẽ càng phá sản và lụi tàn thêm trong nửa tháng sau, khi đoàn quân của Hitler bắt đầu bị đánh bật ra khỏi vùng ngoại ô của Moscow .

Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12năm 1941, một biến cố lớn xảy ra bên phần kia của quả địacầu đã khiến cho chiến tranh châu Âu mà Hitler khơi dậy biến thành chiến tranhthế giới và từ đấy cũng khép lại số phận của ông ta và Đế chế Thứ Ba. Đó chínhlà sự kiện máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Ngày 8 tháng 12 năm 1941, từtổng hành dinh ở Đông Phổ, Hitler vội vã quay về Berlin bằng tàu hoả. Ông ta cómột cam kết long trọng nhưng bí mật với Nhật Bản và bây giờ, đã đến lúc để thựchiện cam kết đó hoặc là phớt lờ tất cả  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle