Phần 22

23 CHIẾN DỊCH BARBAROSSA: ĐỨC XÂM LĂNG LIÊN XÔ

 TRONG mùa hè 1940, khi Hitler đang bận rộn chỉ đạo cuộc thôn tính Tây Âu, Stalin đã lợi dụng cơ hội để tiến vào các quốc gia vùng Baltic và hướng xuống vùng Balkans .

Bề ngoài, hai nhà lãnh đạo hoàn toàn thân thiện với nhau. Molotov, đại diện cho Stalin, không bỏ lỡ cơ hội ca tụng và tâng bốc phía Đức mỗi dịp Đức có hành động gây hấn hoặc thôn tính mới. Khi Đức tiến công Na Uy và Đan Mạch ngày 9 tháng 4 năm 1940, ngay sáng hôm ấy vị Dân uỷ Ngoại giao Liên Xô đã nói với Đại sứ Đức tại Liên Xô von der Schulenburg rằng: "Chính phủ Liên Xô thông hiểu những biện pháp mà Đức đang phải bắt buộc phải thi hành. Chúng tôi chúc Đức thành công trong những biện pháp phòng vệ." 1 tháng sau, Ribbentrop chỉ thị Đại sứ Đức thông báo chính thức cho Molotov về việc Quân đội Đức tấn công phía Tây, đồng thời giải thích rằng "Đức bị thúc ép vì Anh-Pháp sắp tấn công miền Ruhr qua đường Bỉ và Hà Lan." Một lần nữa, Molotov lấy làm vui. Schulenburg gửi điện về Berlin: "Molotov nhận tin báo với tinh thần thông cảm và ông hoàn toàn nhận thức được Đức phải tự bảo vệ chống lại cuộc tấn công của Anh-Pháp. Ông ấy tin chắc ta sẽ thành công." Ngày 17 tháng 6, khi Pháp yêu cầu đình chiến, Molotov mời Schulenburg đến văn phòng và "bày tỏ sự chúc mừng nồng nhiệt nhất của Chính phủ Liên Xô về thành công rực rỡ của Quân đội Đức" .

Vị Dân uỷ Ngoại giao còn nói đến một chuyện khác mà người Đức nghe không lọt tai. Ông thông báo cho Đại sứ Đức về "hành động của Liên Xô chống lại các nước vùng Baltic" và thêm rằng "cần thiết phải chấm dứt những tấn trò của Anh và Pháp, mà đã từng gieo rắc sự bất hoà giữa Đức và Liên Xô ở các nước vùng Baltic". Molotov nói thêm rằng, nhằm chấm dứt sự "bất hoà" như thế, Chính phủ Liên Xô phái 3 "đặc sứ", là 3 phụ tá thân cận của Stalin, đến 3 nước vùng Baltic: Dekanozov đến Lithuania, Vishinsky đến Latvia và Zhdanov đến Estonia .

3 người này sẽ thực hiện những nhiệm vụ được giao phó. Ngày 15 tháng 6, quân Liên Xô tiến vào chiếm đóng Lithuania, nước vùng Baltic duy nhất tiếp giáp Đức. Kế tiếp, Hồng quân tiến vào Latvia và Estonia. Những cuộc "bầu cử" được tổ chức ở 3 nước và Xô Viết tối cao (Quốc hội) đã "tiếp nhận" 3 nước vào Liên bang Xô Viết: Lithuania ngày 3 tháng 8, Latvia ngày 5 tháng 8 và Estonia ngày 6 tháng 8 .

Adolf Hitler cảm thấy mất mặt, nhưng trong khi tất bật lo xâm lấn Anh thì ông không làm gì được. Các nhà ngoại giao trấn nhậm tại Berlin đại diện cho 3 nước vùng Baltic gửi công văn phản đối sự xâm lấn của Nga, nhưng Ribbentrop yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức trả lại các công văn này .

Việc chiếm đoạt 3 nước vùng Baltic chưa làm cho Stalin mãn nguyện. Sự sụp đổ nhanh chóng và đáng ngạc nhiên của quân Anh-Pháp thúc đẩy ông tìm kiếm thêm lợi lộc, trong khi cơ hội và thời gian chẳng còn nhiều. Ngày 23 tháng 6, một ngày sau khi Pháp ký hiệp định đình chiến, Molotov lại gọi Đại sứ Đức đến và bảo ông này rằng "vấn đề Bessarabia không cho phép chậm trễ thêm. Chính phủ Liên Xô sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu Chính phủ Rumania từ chối hoà ước." Molotov thêm rằng Liên Xô mong Đức "không ngáng trở mà nên ủng hộ Liên Xô". Hơn nữa, "đòi hỏi của Liên Xô cũng lan đến Bucovina". Rumania sáp nhập Bessarabia từ Nga lúc Thế chiến I chấm dứt, nhưng Bucovina chưa bao giờ thuộc về Bessarabia, mà là một phần của Áo cho đến khi bị Rumania chiếm lấy vào năm 1919. Trong vòng đàm phán cho Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô, Ribbentrop đã bị buộc phải nhượng Bessarabia thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, nhưng chưa bao giờ nhượng Bucovina .

Chính quyền cũng như Quân đội Đức cảm thấy âu lo. Quân đội tuỳ thuộc vào nguồn cung ứng dầu ở Rumania, còn Đức nói chung cần đến thực phẩm và thức ăn gia súc từ nước này. Đức sẽ mất đi những nguồn lợi đó nếu Hồng quân chiếm Rumania. Trước đây, khi cuộc chiến ở Pháp đang lên đỉnh điểm, quân Rumania đã báo động cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực biết rằng quân Nga đang tập trung dọc biên giới. Jodl tóm tắt phản ứng của Hitler tại tổng hành dinh: "Tình hình ở phía Đông trở nên đe doạ bởi vì Nga đang tập trung lực lượng chống lại Bessarabia." Vào đêm 26 tháng 6, Liên Xô gửi tối hậu thư cho Rumania đòi nhượng lại Bessarabia và Bắc Bucovina, đồng thời cũng đòi hỏi phải có câu trả lời vào ngay ngày hôm sau. Ribbentrop hốt hoảng chỉ thị cho Công sứ Đức tại Rumania khuyên Chính phủ Rumania nên chấp thuận và Chính phủ này đã tỏ ra nghe lời. Ngày 28 tháng 6, quân Liên Xô tiến vào vùng lãnh thổ vừa mới thu được. Đức thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất nguồn cung ứng dầu và thực phẩm không bị cắt khi Liên Xô không chiếm toàn bộ Rumania .

Có thể thấy rõ từ những động thái của Stalin qua tài liệu mật của Đức là dù Stalin muốn chiếm càng nhiều đất Đông Âu càng tốt trong khi Đức đang bận bịu ở phía Tây, nhưng ông vẫn không muốn cắt đứt quan hệ tốt đẹp với Hitler .

Vào cuối tháng Sáu, Churchill cố gắng cảnh báo với Stalin bằng một bức thư riêng về hiểm hoạ của Đức muốn thôn tính cả Liên Xô và Anh. Nhà lãnh đạo Nga không màng trả lời, có lẽ vì như những người khác, ông cho rằng số phận của Anh đã được định đoạt. Thay vào đó, ông lại ba hoa với người Đức về hành động của Chính phủ Anh. Tân Đại sứ Anh tại Liên Xô, Stafford Cripps, được Stalin tiếp kiến đầu tháng Bảy trong không khí mà Churchill mô tả là "trịnh trọng và lạnh nhạt". Ngày 13 tháng 7, Molotov nhận lệnh của Stalin trao cho Đại sứ Đức một bản ghi nhớ về buổi hội kiến mật này .

Đó là một tài liệu đáng quan tâm, cho thấy trình độ hạn chế của nhà lãnh đạo Liên Xô trong việc tính toán một cách lạnh lùng những sự vụ ngoại giao. Schulenburg gửi bản ghi nhớ "tối khẩn" và "mật" về Berlin, Ribbentrop thấy nội dung đáng giá đến nỗi ông cho Chính phủ Liên Xô biết mình "đánh giá rất cao thông tin này" .

Bản ghi nhớ cho biết Cripps đã thúc giục Stalin bày tỏ quan điểm về vấn đề sau: "Chính phủ Anh tin chắc rằng Đức đang có ý đồ bá quyền ở châu Âu... Điều này nguy hiểm cho Liên Xô cũng như cho Anh. Vì thế quốc gia phải đạt đến một chính sách chung tự phòng vệ chống lại Đức và việc tái lập sự thăng bằng về quyền lực ở châu Âu..." Câu trả lời của Stalin là: "Ông ấy không thấy bất kỳ nguy cơ bá quyền của bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu và nguy cơ Đức nuốt chửng châu Âu thì lại càng ít hơn. Stalin đã quan sát chính sách của Đức và quen thân với vài chính khách hàng đầu của Đức. Ông đã không tìm ra bất kỳ ý muốn nào của họ nhằm nuốt chửng các quốc gia châu Âu. Stalin không nghĩ rằng những thành công về quân sự của Đức đe doạ đến Liên Xô và đến mối quan hệ hữu nghị với Đức..." Sự thiển cận và thiếu hiểu biết như thế đúng là khiến cho người ta phải kinh ngạc. Dĩ nhiên là nhà lãnh đạo Liên Xô không thể biết những điều bí mật trong đầu óc huênh hoang của Hitler, nhưng đáng lẽ những hành vi trong quá khứ của Hitler, những tham vọng của ông này mà ai nấy đều biết, cùng những cuộc thôn tính nhanh chóng đến khó ngờ của Quốc xã là đủ để đánh động Stalin về nguy cơ mà Liên Xô đang đối đầu. Nhưng điều không thể hiểu nổi là từng ấy vẫn chưa đủ .

Từ tài liệu tịch thu được của Quốc xã và lời khai của nhiều nhân vật hàng đầu nước Đức, có một điều rõ ràng là trong khi Stalin còn đang tự mãn, thì Hitler lại đang nghiền ngẫm trong đầu ý tưởng quay sang Liên Xô và tiêu diệt đất nước này .

tưởng cơ bản đã manh nha từ trước, ít nhất là 15 năm trước – trong cuốn sách Mein Kampf của Hitler: "Những người Quốc xã chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp dang dở của 600 năm về trước. Ta hãy chấm dứt sự di chuyển không ngừng của người Đức về hướng Nam và Tây của châu Âu, mà hãy quay nhìn về những vùng đất ở phía Đông... Khi ta nói đến lãnh thổ mới ở châu Âu ngày nay, ta chủ yếu nghĩ đến Nga và các nước anh em của họ. Dường như chính định mệnh muốn chỉ đường cho ta đến đấy... Trong đế quốc khổng lồ phía Đông này, tình trạng tan rã đã chín muồi và khi sự thống trị của người Do Thái ở Nga chấm dứt thì bản thân nước Nga cũng chấm dứt." Tư tưởng này định hình một cách vững chắc trong đầu Hitler, hiệp ước của ông ta với Stalin cũng chẳng thay đổi được gì cả, mà chỉ trì hoãn được việc biến tư tưởng thành hành động mà thôi. Và việc trì hoãn này cũng chỉ được duy trì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Đúng thế: Không đầy 2 tháng sau khi hiệp ước được ký kết và được vận dụng để thôn tính Ba Lan, Lãnh tụ đã chỉ thị Quân đội phải xem lãnh thổ Ba Lan là "vùng tập kết cho những chiến dịch trong tương lai của Đức". Halder đã ghi vào nhật ký đó là ngày 18 tháng 10 năm 1939 .

5 tuần lễ sau, ngày 23 tháng 11 năm 1939, trong khi trách móc các tướng lĩnh còn đang lưỡng lự về việc tấn công phía Tây, thì đầu óc của Hitler vẫn không quên Liên Xô. Ông ta nói: "Chỉ khi nào được rảnh tay ở phía Tây thì ta mới có thể chống Nga." Lúc ấy, một cuộc chiến 2 mặt trận – cơn ác mộng của tướng lĩnh Đức trong một thế kỷ – vẫn còn ám ảnh tâm tư của Hitler và ông nói nhiều về việc này. Ông sẽ không lặp lại lỗi lầm của các nhà lãnh đạo Đức xưa kia, đồng thời ông sẽ tiếp tục đảm bảo Quân đội chỉ có một mặt trận ở mỗi thời điểm .

Thế thì, lẽ tự nhiên là cùng với sự sụp đổ của Pháp, việc đánh đuổi Quân đội Anh rút về bên kia eo biển và viễn cảnh của nước Anh sắp suy sụp, ý nghĩ của Hitler liền quay trở lại Liên Xô. Bởi vì bây giờ ông xem như mình đã được rảnh tay ở phía Tây và qua đó hoàn tất được một điều kiện mà ông đã đặt ra để có vị thế "chống Nga". Việc Stalin nhanh chóng chiếm lấy các nước vùng Baltic và 2 tỉnh của Rumania cũng đã thúc đẩy Hitler phải có hành động .

Hiện tại ta có thể truy lục về thời điểm khởi đầu. Jodl nói "quyết định nền tảng" được đưa ra "ngay từ lúc diễn ra Chiến dịch phía Tây". Đại tá Walter Warlimont, phụ tá của Jodl, còn nhớ là trong một buổi họp của Bộ Tham mưu ngày 29 tháng 7 năm 1940, Jodl thông báo rằng "Hitler có ý định tấn công Liên bang Xô viết vào mùa xuân 1941." Trước buổi họp ấy ít lâu, Jodl kể lại Hitler đã bảo Keitel rằng Lãnh tụ dự định mở cuộc tấn công Liên bang Xô viết vào mùa thu 1940. Điều này là quá sức, ngay cả đối với con người hèn yếu Keitel và ông này thuyết phục Hitler nên bỏ ý định ấy bằng cách nêu lý do thời tiết xấu vào mùa thu, cùng những khó khăn trong việc chuyển quân từ phía Tây sang phía Đông. Vì thế, Warlimont kể là trong buổi họp ấy, "ngày dự định tấn công Nga được dời đến mùa xuân 1941." Chỉ 1 tuần trước đó, theo nhật ký của Halder, Hitler vẫn nghĩ đến thời điểm mùa thu 1940, nếu Đức không đổ bộ lên đất Anh. Trong một buổi họp quân sự ngày 21 tháng 7 tại Berlin, Hitler bảo Brauchitsch chuẩn bị các bước. Vị Tư lệnh Lục quân và Bộ Tham mưu cũng có vài suy nghĩ – nhưng suy nghĩ chưa sâu. Brauchitsch nói với Lãnh tụ rằng "chiến dịch sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần" và mục đích sẽ là "đánh bại quân Nga hoặc ít nhất chiếm vừa đủ lãnh thổ của Nga để máy bay ném bom Nga không thể bay đến Berlin, hoặc vùng công nghiệp Silesia, trong khi máy bay của Không quân Đức có thể bay đến mọi mục tiêu quan trọng của Liên Xô". Brauchitsch nghĩ rằng sẽ cần từ 80 đến 100 sư đoàn, ông đánh giá sức mạnh của Liên Xô là "50 đến 75 sư đoàn thiện chiến". Halder ghi lại lời tường thuật của Brauchitsch về buổi họp, cho biết Hitler đã cảm thấy tức tối về việc Stalin cho quân lấn chiếm phía Đông và ông nghĩ nhà lãnh đạo Liên Xô đang "làm dáng với Anh" nhằm khuyến khích Anh nên chịu đựng, nhưng ông không thấy dấu hiệu Liên Xô đang chuẩn bị cho chiến tranh chống Đức .

Trong một buổi họp khác ở biệt thự Berghof vào ngày 31 tháng 7 năm 1939, việc hoãn lại cuộc đổ bộ lên đất Anh khiến cho lần đầu tiên Hitler phải thông báo cho các tướng lĩnh quyết định của mình về Liên Xô. Halder cũng hiện diện và ghi lại chính xác những gì Hitler nói. Không những Hitler đã có quyết định rõ ràng sẽ tấn công Nga vào mùa xuân, mà còn định ra trong đầu những mục tiêu chiến lược. Hitler nói: "Hy vọng của Anh là ở Nga và Mỹ. Nếu hy vọng ở Nga tiêu tán thì hy vọng ở Mỹ cũng tiêu tán, bởi vì việc loại trừ Nga sẽ gia tăng một cách đáng kể sức mạnh của Nhật ở Viễn Đông." Càng nghĩ về điều này, Hitler càng tin tưởng rằng ý chí cứng cỏi của Anh muốn tiếp tục chiến tranh là do Anh kỳ vọng vào Liên Xô. Hitler giải thích: "Có điều gì đấy lạ lùng xảy ra ở Anh! Người Anh đã hoàn toàn bị khuất phục. Thế mà bây giờ họ lại đứng lên... Nga chỉ cần hé lộ cho Anh biết rằng Nga không muốn thấy Đức quá mạnh và thế là người Anh, giống như người sắp chết đuối [vớ được cái phao] lại nuôi hy vọng rằng tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi trong 6 đến 8 tháng .

Nhưng nếu Nga bị tiêu diệt, hy vọng cuối cùng của Anh sẽ vỡ vụn. Lúc ấy, Đức sẽ là chủ nhân của châu Âu và vùng Balkans .

Quyết định: Xét qua những sự kiện trên, phải tiêu diệt Nga. Mùa thu, 1941 .

Tiêu diệt Nga càng sớm càng tốt." Rồi Hitler trình bày những kế hoạch chiến lược của mình, mà các tướng lĩnh thấy rõ ràng là đã chín muồi trong đầu óc Hitler, ngay cả khi ông ta đang bận bịu với cuộc chiến ở phía Tây. Hitler nói, chỉ nên mở chiến dịch nếu có khả năng đánh tan đất nước Liên Xô bằng một đòn mãnh liệt. Thôn tính nhiều lãnh thổ của Liên Xô là không đủ. Hitler khẳng định: "Xóa sạch chính khả năng tồn tại của Liên Xô! Đó là mục đích!" Sẽ có 2 mũi tiến công: một hướng về phía Nam đến Kiev và sông Dniepr, mũi kia hướng về phía Bắc lên các nước vùng Baltic rồi hướng đến Moscow. Hai đoàn quân sẽ bắt tay nhau ở đây. Sau đó sẽ là một chiến dịch đặc biệt nếu cần, để chiếm lấy những giếng dầu vùng Baku. Sẽ sáp nhập lập tức các vùng Ukraine, Bạch Nga và các nước vùng Baltic. Sẽ phân bổ 120 sư đoàn, giữ lại 60 sư đoàn bảo vệ phía Tây và Bắc Âu. Cuộc tấn công sẽ khởi sự vào tháng 5 năm 1941 và sẽ kéo dài 5 tháng, rồi sẽ kết thúc vào mùa đông. Hitler muốn tiến hành chiến dịch trong năm nay nhưng lại thấy không khả thi .

Ngày hôm sau, 1 tháng 8, Halder làm việc với Bộ Tham mưu Lục quân để soạn thảo những kế hoạch. Sau này ông cho biết mình đã chống đối toàn bộ ý tưởng tấn công Liên Xô mà ông xem là điên rồ, nhưng nhật ký của ông đề ngày hôm ấy cho thấy ông tỏ ra phấn khởi khi tiến hành nhiệm vụ đầy thách thức .

Việc lập kế hoạch chi tiết sẽ đi theo 3 cấp thực hiện: Cấp đầu tiên sẽ do Halder ở Bộ Tư lệnh Lục quân đảm nhiệm, cấp thứ hai là Đại tá Warlimont ở Cục Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và cuối cùng là Tướng Thomas ở Cục Kinh tế và Vũ trang. Thomas được Goering chỉ thị rằng Hitler chỉ cần cung cấp hàng hoá cho Liên Xô "cho đến mùa xuân 1941". Sau này, Thomas báo cáo cho biết trong thời gian này, Liên Xô cung cấp hàng hoá đều đúng tiến độ, tiếp tục "cho đến thời điểm khởi sự cuộc tấn công" và nhận xét một cách thú vị rằng ngay cả trong những ngày cuối, Liên Xô vẫn còn vận chuyển cao su của Ấn Độ từ vùng Viễn Đông trên xe lửa tốc hành .

Vài ngày trước, 9 tháng 8, Warlimont đã ban hành chỉ thị chuẩn bị những vùng tập kết quân ở phía Đông để xuất phát đánh Nga. Ngày 26 tháng 8, Hitler ra lệnh chuyển 10 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn thiết giáp từ phía Tây sang Ba Lan. Các đơn vị thiết giáp được tập trung ở miền Đông Nam Ba Lan nhằm bảo vệ những mỏ dầu của Rumania .

Việc điều chuyển những đơn vị lớn như thế về phía Đôngdễ làm cho Stalin nghi ngờ, nên Đức cố tránh việc này. Vì lẽ việc chuyển quân có thể bị phát hiện, nên Tướng Ernst Koestring, tuỳ viên quân sự Đức tại Liên Xô, nhận lệnh thông báo cho Liên Xô rằng đó chỉ là việc điều binh sĩ trẻ tuổi đi thay thế người lớn tuổi về làm việc trong các nhà máy. Ngày 6 tháng 9, Jodl ra chỉ thị về cách thức nguỵ trang và giả trá để che giấu việc Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến ở phía Đông. "Những việc điều động này không được để cho Nga biết ta đang chuẩn bị tấn công ở phía Đông." Để tránh việc các quân chủng ngủ quên trong chiến thắng, ngày 12 tháng 11 năm 1940 Hitler ban hành một chỉ thị tối mật nêu chi tiết những nhiệm vụ quân sự mới trên khắp châu Âu và rộng hơn nữa. Ta sẽ trở lại vấn đề này sau. Ở đây, ta chỉ cần biết đến phần đề cập đến Liên Xô .

"Các cuộc thảo luận chính trị đã bắt đầu nhằm làm rõ thái độ của Nga trong lúc này. Dù cho kết quả của các cuộc thảo luận này là gì đi nữa, thì ta vẫn phải tiếp tục mọi bước chuẩn bị ở phía Đông đã được ra bằng khẩu lệnh trước đây. Chỉ thị về việc này sẽ được đưa ra sau khi tôi tiếp nhận và phê duyệt các kế hoạch hành quân." Thật ra, chính vào ngày 12 tháng 11 này, Molotov đã đến Berlin để tiếp tục các cuộc thảo luận chính trị với Hitler .

MOLOTOV TẠI BERLIN Quan hệ giữa Đức và Liên Xô trong vài tháng nay đang trở nên xấu đi. Stalin và Hitler chơi trò hai mặt với người khác là một chuyện, nhưng họ chơi trò hai mặt với nhau thì lại là chuyện khác. Hitler bất mãn vì Liên Xô lấn chiếm các nước vùng Baltic và 2 tỉnh của Rumania. Phải ngăn chặn bước tiến của Liên Xô về phía Tây và nhất là ở Rumania, nơi sản xuất dầu mỏ mà Đức rất cần, nhất là khi Anh đang phong toả đường biển .

Vấn nạn của Hitler càng thêm phức tạp khi Hungary và Bulgaria cũng đòi hỏi một phần lãnh thổ của Rumania. Hungary sẵn sàng gây chiến để lấy về vùng Transylvania mà Rumania đã chiếm đoạt trong Thế chiến I. Hitler nhận ra rằng một cuộc chiến như thế sẽ khiến Đức bị mất nguồn cung cấp dầu thô và có lẽ sẽ khiến Liên Xô chiếm đóng toàn bộ Rumania, thế là nguồn dầu thô sẽ bị đi mất vĩnh viễn .

Ngày 28 tháng 8, tình hình trở nên khẩn trương đến nỗi Hitler điều 5 sư đoàn thiết giáp và 3 sư đoàn cơ giới, thêm những đơn vị nhảy dù và không vận để sẵn sàng chiếm lấy các mỏ dầu Rumania vào ngày 1 tháng 9. Cùng ngày, ông ta phái Ribbentrop và Ciano đi Vienna nhằm bắt buộc các ngoại trưởng Hungary và Rumania chấp nhận những phán quyết của Phe Trục .

Ngày 30 tháng 8, ở Hungary và Rumania chấp thuận sự dàn xếp của Phe Trục. Khi Mihai Manoilescu, Ngoại trưởng Rumania, nhìn thấy bản đồ chỉ ra khoảng phân nửa Transylvania được cắt ra cho Hungary, ông đã ngã ra bất tỉnh ở bàn ký kết hiệp định. Ông chỉ tỉnh lại khi bác sĩ cho ông dùng camphor. Đức và Ý đảm bảo phần lãnh thổ còn lại sẽ là của Rumania .

Những kế hoạch của Hitler cho tương lai trở nên sáng tỏ hơn vào 3 tuần sau. Ngày 20 tháng 9, trong một chỉ thị tối mật, Hitler ra lệnh gửi những "phái bộ quân sự" đến Rumania .

Đối với thế giới, nhiệm vụ này là để hướng dẫn nước Rumania thân thiện trong việc tổ chức và huấn luyện các lực lượng của họ .

"Nhiệm vụ đích thực – không cho người Rumania và binh sĩ của ta biết – sẽ là: Bảo vệ vùng dầu mỏ... Chuẩn bị điều quân từ các căn cứ của Quân đội Đức và Rumania trong trường hợp Liên Xô phát động chiến tranh với ta." Việc này sẽ giúp ổn định sườn miền Nam của một mặt trận mới mà Hitler đang dần định hình trong đầu .

Những việc dàn xếp này cùng việc Đức đảm bảo phần lãnh thổ còn lại của Rumania làm cho Liên Xô bất mãn vì không được hỏi ý kiến trước. Molotov phản đối bằng miệng khi gặp Đại sứ Đức. Ông lên án Đức vi phạm Điều III của Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô quy định phải tham khảo ý kiến của nhau, chứ không phải là chỉ báo cho Liên Xô khi "chuyện đã rồi". Xem ra 2 tên đạo chích này đang cãi nhau về những của cải trộm được .

Những lời tố cáo lẫn nhau ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ngày 3 tháng 9, Ribbentrop gửi một công hàm đến Moscow, phủ nhận Đức vi phạm Hiệp ước, đồng thời tố cáo chính Liên Xô vi phạm Hiệp ước vì đã lấn chiếm các nước vùng Baltic và 2 tỉnh của Rumania mà không tham khảo trước với Đức .

Bên Liên Xô trả lời ngày 21 tháng 9 với ngôn từ cứng rắn không kém – vào lúc này cả 2 bên đều trao đổi với nhau qua công hàm. Bên Liên Xô lặp lại rằng chính Đức đã phá vỡ Hiệp ước, cảnh báo rằng Liên Xô vẫn còn nhiều quyền lợi ở Rumania và kết luận một cách mỉa mai rằng nếu điều khoản quy định phải tham khảo những ý kiến gây "bất tiện và hạn chế" cho Đức, thì Liên Xô sẵn sàng tu chính hoặc xoá điều khoản này .

Nỗi nghi ngờ của Liên Xô đối với Hitler càng tăng thêm qua 2 sự kiện trong tháng Chín. Ngày 16 tháng 9, Ribbentrop yêu cầu Đại sứ Đức thông báo cho Molotov "một cách bán chính thức" rằng Đức đang gửi quân tăng viện cho miền Bắc Na Uy qua đường Phần Lan .

Vài ngày kế, 25 tháng 9, Ribbentrop gửi điện qua Đại sứ quán Đức ở Moscow. Bức điện được ghi "Tối mật – Bí mật Quốc gia", nêu rõ chỉ thi hành chỉ thị vào ngày tiếp theo, sau khi nhận một mật mã đặc biệt qua điện tín hoặc điện thoại. Đại biện lâm thời Đức Werner von Tippelskirch được lệnh thông báo cho Molotov rằng "trong vài ngày tới" Nhật, Ý và Đức sẽ ký kết một liên minh quân sự. Đây không phải là chống lại Liên Xô – một điều khoản sẽ định rõ việc này. Ribbentrop vạch rõ: "Liên minh này chỉ hướng đến những người Mỹ hiếu chiến. Như thường lệ, việc này không được nêu cụ thể trong hiệp định, nhưng có thể hiểu rõ ràng dựa theo các điều khoản... Mục đích là làm cho những thành phần thúc giục Mỹ tham chiến phải nhận ra lý lẽ, bằng cách cho họ thấy nếu can dự vào thì họ sẽ phải lo đối phó với 3 cường quốc." Mối nghi ngờ của Molotov đối với Đức đang bùng phát. Ông lập tức nói rằng, chiếu theo Điều IV của Hiệp ước, Chính phủ Liên Xô có quyền xem văn bản của liên minh quân sự trước khi ký kết và cả "bất kỳ nghị định thư bí mật nào" .

Molotov cũng muốn biết thêm về thoả thuận của Đức với Phần Lan để chuyển quân qua nước này mà ông đã nghe qua báo chí. Molotov bổ sung rằng Liên Xô nhận được báo cáo về việc Đức cho đổ bộ quân lên ít nhất 3 cảng của Phần Lan "dù không được Đức thông báo". Molotov tiếp: "Chính phủ Liên Xô mong nhận được văn bản thoả thuận việc di chuyển binh sĩ qua Phần Lan, kể cả những đoạn giữ bí mật... và được thông báo về mục tiêu của thoả thuận, ý định chống lại nước nào và những mục đích theo đuổi." Người Nga đang cần được xoa dịu – ngay cả con người chậm hiểu Ribbentrop cũng nhận ra điều này. Ngày 2 tháng 10, ông gửi điện cho Liên Xô với nội dung mà ông nói là văn bản thoả thuận với Phần Lan. Ông cũng lặp lại rằng Hiệp ước Ba bên đã được ký kếtkhông nhằm chống Liên Xô và long trọng tuyên bố "không có nghị định thư bí mật hoặc bất kỳ hiệp định bí mật nào". Ngày 7 tháng 10, ông chỉ thị Tippelskirch "nhân tiện" thông báo cho Molotov rằng Đức đang gửi một "phái bộ quân sự" đi Rumania. Sau khi nhận phản ứng ngờ vực của Molotov về tin đó với câu hỏi "Ông đang điều đi Rumania bao nhiêu quân?", ngày 13 tháng 10 Ribbentrop gửi một bức thư dài nhằm cố trấn an nỗi lo lắng của Nga về Đức .

Như vẫn thường thấy, bức thư trao đổi này vừa ngốc nghếch vừa ngạo mạn, chứa đầy những lời lẽ vô nghĩa, dối trá và lẩn tránh. Anh quốc bị đổ lỗi cho chiến tranh và tất cả những hệ luỵ sau đó, nhưng có một điều chắc chắn: "Chúng tôi đã thắng cuộc chiến. Chỉ còn là vấn đề thời gian để Anh quốc... thừa nhận sự sụp đổ." Các động thái của Đức chống Nga ở Phần Lan và Rumania, cũng như Hiệp ước Ba bên, được giải thích là thực sự có lợi cho Nga. Trong lúc này, giới ngoại giao Anh và mật vụ Anh đang cố gây mâu thuẫn giữa Liên Xô và Đức. Thế thì, để ngăn chặn và đối phó với họ, Ribbentrop đề nghị với Stalin tại sao không phái Molotov đi Berlin để Lãnh tụ có thể "đích thân giải thích quan điểm của ông ấy về việc củng cố quan hệ giữa 2 nước chúng ta?" Ribbentrop đưa gợi ý quỷ quyệt rằng quan điểm ấy "không gì hơn là chia cắt thế giới cho 4 cường quốc chuyên chế .

Dường như sứ mệnh của 4 Cường quốc – Liên Xô, Ý, Nhật và Đức – là thông qua một chính sách dài hạn... bằng cách phân định những quyền lợi trên bình diện toàn cầu." Đại sứ quán Đức ở Moscow đã chậm trễ trong việc chuyển bức thư này đến tay người nhận, khiến cho Ribbentrop nổi giận và cật vấn Schulenburg tại sao phải đến ngày 17 mới chuyển thư đi và tại sao dựa "theo tầm quan trọng của nội dung", Schulenburg không trao cho chính Stalin mà lại trao cho Molotov .

Ngày 22 tháng 10 Stalin trả lời với ngôn từ thân mật .

"Molotov nhìn nhận ông ấy nên đến diện kiến ông ở Berlin. Qua đây, ông ấy chấp thuận lời mời của ông." Thái độ ôn hoà của Stalin chỉ là tấm bình phong. Ít ngày sau, Schulenburg điện về cho biết Nga đang phản đối Đức từ chối gửi khí tài chiến tranh cho Nga, nhưng lại vẫn gửi vũ khí đến Phần Lan. Schulenburg báo cáo về Berlin rằng "Đây là lần đầu tiên người Nga đề cập đến việc ta giao vũ khí cho Phần Lan." "Molotov đến vào một ngày mưa phùn âm u, được đón tiếp một cách cứng nhắc và nghiêm trang. Nhưng ông hẳn là phải có cái gì đó thì mới có thể tồn tại trong sự tranh giành quyền lực khốc liệt ở Điện Kremlin. Người Đức nói với nhau một cách lém lỉnh rằng cứ để Nga đạt được giấc mơ xưa cũ của người Nga: 2 eo biển Bosporus và Dardanelles ở Thổ Nhĩ Kỳ còn Đức sẽ lấy phần còn lại của vùng Balkans: Rumania, Nam Tư và Bulgaria..." Nhật ký của tôi ngày 12 tháng 11 năm 1940 ghi như thế. Cách nói lém lỉnh của người Đức là chính xác. Nhờ những tài liệu của Đức tịch thu được, chỉ trừ một tài liệu do Tiến sĩ Schmidt giữ, ta sẽ có thể biết rõ hơn về những buổi hội đàm kỳ lạ và mang tính định mệnh này. Riêng Churchill, vào tháng 8 năm 1942, được Stalin trao một bản ghi chép những phát biểu của Molotov ở Berlin mà nội dung tương tự như tài liệu của Đức .

Trong buổi hội đàm đầu tiên giữa 2 ngoại trưởng sáng 12 tháng 11, Ribbentrop có thái độ nhạt nhẽo và cao ngạo, nhưng Molotov nhanh chóng nhận ra chủ ý của phía Đức. Ribbentrop bắt đầu: "Anh quốc bị đánh bại và chấp nhận việc thua trận chỉ còn là vấn đề thời gian... Đế quốc Anh bắt đầu chấm hết..." Đúng là người Anh đang nuôi hy vọng Mỹ sẽ giúp, nhưng "việc Mỹ tham chiến sẽ không gây hậu quả nào cho Đức. Đức và Ý sẽ chẳng bao giờ cho phép Anh-Mỹ đổ bộ lên lục địa châu Âu... Không có vấn đề quân sự gì ở đây. Vì thế, các cường quốc Phe Trục không cần xem xét làm thế nào để thắng cuộc chiến, mà phải xem xét làm thế nào để chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến mà họ đã thắng." Ribbentrop giải thích rằng, vì thế, đã đến lúc 4 cường quốc – Nga, Đức, và Nhật – phân định "vùng ảnh hưởng". Ông nói Lãnh tụ kết luận rằng cả 4 quốc gia sẽ mở rộng về hướng Nam. Nhật đã tiến về hướng Nam, Ý cũng thế, trong khi Đức, sau khi thiết lập "Trật tự Mới" ở Tây Âu, sẽ tìm thêm không gian sinh sống ở "Trung Phi". Ribbentrop nói, ông "tự hỏi" liệu Liên Xô có "quay về hướng Nam để tìm lối thông ra biển" hay không .

Molotov lạnh lùng hỏi chen vào: "Biển nào?" .

Đó là câu hỏi khó chịu nhưng cốt lõi, như bên Đức sẽ hiểu ra trong các cuộc trao đổi suốt 36 tiếng đồng hồ kế tiếp với con người Bolshevik cứng nhắc nhạt nhẽo này. Câu ngắt ngang hạ đo ván Ribbentrop và ông không thể nghĩ ra câu trả lời. Thay vào đó, ông nói dông dài về "những thay đổi to tát diễn ra khắp thế giới sau chiến tranh", đồng thời bẻm mép rằng điều quan trọng là "cả 2 bên trong hiệp ước Đức-Nga sẽ cùng nhau làm việc nghiêm túc" và sẽ luôn "tiếp tục làm việc với nhau". Nhưng khi Molotov nhất định muốn có câu trả lời cho câu hỏi đơn giản của ông, Ribbentrop đề xuất là "về lâu dài, lối thông ra biển có lợi nhất cho Nga là theo hướng vịnh Ba Tư và biển Ả Rập" .

Tiến sĩ Schmidt, người ghi biên bản buổi hội đàm, nhận xét Molotov không biểu lộ ngoài mặt cảm xúc gì. Ông nói rất ít, ngoại trừ về lúc cuối nhận xét rằng cần "chính xác và thận trọng" trong việc phân định vùng ảnh hưởng, "đặc biệt là giữa Đức và Nga". Nhà thương thuyết quỷ quyệt của Nga còn giấu bài, phải đến khi gặp Hitler vào buổi chiều thì ông mới lộ ra .

Hitler cũng mập mờ như Ngoại trưởng của mình, thậm chí còn kiêu ngạo hơn. Ông ta mở đầu là ngay khi thời tiết cải thiện, Đức sẽ tung "đòn kết liễu Anh". Chắc chắn sẽ có "vấn đề Mỹ". Nhưng Mỹ không thể "làm phương hại đến nền tự do của các quốc gia khác trước 1970 hoặc 1980... Họ không có quyền gì để can dự vào châu Âu, châu Phi hay châu Á" – sự đánh giá mà Molotov chen vào rằng ông đồng ý. Nhưng ông không đồng ý với nhiều ý kiến khác của Hitler .

Sau khi chấm dứt lời phát biểu dông dài, Hitler khẳng định rằng không có sự mâu thuẫn về cơ bản giữa 2 nước trong việc theo đuổi những khát khao của họ và trong bước tiến đến "lối tiếp cận đại dương", Molotov nhận xét "những phát biểu của Lãnh tụ có tính chất chung chung". Molotov nói mình sẽ đưa ra những quan điểm của Stalin, người đã cho ông "những chỉ thị chính xác" trước khi ông rời Moscow. Thế là ông phản pháo, mà theo biên bản cho thấy, Hitler đã không lường trước được việc này .

Tiến sĩ Schmidt kể: "Những câu hỏi đưa ra dồn dập cho Hitler. Tôi chưa từng thấy vị khách nước ngoài nào nói với ông theo cách ấy." Molotov muốn biết: Đức định làm gì ở Phần Lan? Trật tự Mới ở châu Âu và châu Á có ý nghĩa như thế nào và vai trò của Liên Xô là gì? Hiệp ước Ba bên có "tầm quan trọng" ra sao? Ông còn nói tiếp: "Hơn nữa, cần làm rõ những vấn đề về quyền lợi của Liên Xô ở vùng Balkans và biển Đen liên quan đến Bulgaria, Rumania và Thổ Nhĩ Kỳ." Molotov nói ông muốn nghe câu trả lời và cả sự "giải thích" nữa .

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Hitler bị bất ngờ đến mức không thể trả lời được. Ông đề nghị ngừng buổi họp "xét vì có khả năng báo động không kích" và hứa sẽ thảo luận chi tiết vào ngày hôm sau .

Sáng hôm sau, khi Hitler và Molotov gặp lại nhau, vị Dân uỷ Liên Xô lại tấn công không ngừng. Bắt đầu với Phần Lan, chẳng bao lâu 2 người đi đến tranh cãi một cách cay cú. Molotov đòi Đức rút quân khỏi Phần Lan. Hitler phủ nhận việc "Phần Lan bị quân Đức chiếm đóng". Đức chỉ điều quân đi qua Phần Lan để đến Na Uy. Nhưng Hitler muốn biết "liệu Nga có ý định gây chiến với Phần Lan hay không". Theo biên bản của phía Đức, Molotov "trả lời câu hỏi này với thái độ có phần tránh né" và Hitler không thoả mãn .

Hitler đòi hỏi "Không được gây chiến tranh ở vùng Baltic. Điều này sẽ tạo căng thẳng trong mối quan hệ Đức-Nga" và sự căng thẳng như thế có thể mang đến "những hậu quả không thể lường trước được". Hitler còn hỏi: Liên Xô muốn gì thêm ở Phần Lan? Vị khách đáp rằng họ muốn sự sáp nhập và nói ngay là ông muốn nghe ý kiến của phía chủ nhà .

Đến phiên Hitler tránh né câu trả lời và nói mình chỉ muốn lặp lại rằng "không nên có chiến tranh ở Phần Lan vì sự xung đột như thế có thể tạo ra hậu quả lan rộng" .

Molotov trả đũa: "Quan điểm này sẽ đưa ra một yếu tố mới vào cuộc thảo luận." Cuộc thảo luận gay cấn đến nỗi Ribbentrop – 1 người hẳn phải vô cùng kinh hãi vào lúc này – chen vào nói: "Thật ra không có lý do nào để tranh luận về vấn đề Phần Lan. Có lẽ đây chỉ là chuyện hiểu lầm." Hitler nhân cơ hội này nhanh chóng chuyển qua đề tài khác. Liệu Liên Xô có chia phần khi Đế quốc Anh sụp đổ hay không? Ông ta nói: "Sau khi bị chinh phục, Đế quốc Anh sẽ bị phân chia như là một tài sản toàn cầu khổng lồ bị vỡ nợ gồm 40 triệu cây số vuông. Trong tài sản vỡ nợ này, Nga sẽ có đường tiếp cận đến một đại dương không bị phủ băng và thật sự rộng mở. Hiện tại, một thiểu số 45 triệu người Anh đang cai trị 600 triệu người trong Đế quốc của họ. Tôi sắp nghiền nát thiểu số đó... Những tình huống như vậy sẽ làm nổi lên những viễn cảnh toàn cầu. Tất cả các quốc gia quan tâm đến tài sản vỡ nợ cần phải chấm dứt mọi tranh cãi với nhau và chỉ nên chú tâm đến việc phân chia Đế quốc Anh. Điều này áp dụng cho Đức, Pháp, Ý, Liên Xô và Nhật." Vị khách người Nga lạnh lùng, vô cảm không có vẻ xúc động trước "viễn cảnh toàn cầu" chói lọi và cũng không tin rằng Đế quốc Anh chẳng bao lâu có thể bị xâu xé. Ông nói ông chỉ muốn thảo luận những vấn đề "gần gũi với châu Âu hơn". Ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Rumania. Ông nói: "Nói thẳng ra là Chính phủ Liên Xô cho rằng việc Đức đảm bảo cho Rumania là đi ngược lại quyền lợi của Liên Xô." Ông nói thẳng ra cả ngày, đến mức bên Đức càng lúc càng khó chịu và khi đó ông lại càng gay gắt thêm. Ông đòi hỏi Đức "rút lại" sự đảm bảo này. Hitler từ khước .

Molotov vẫn không buông tha. Được rồi, vậy theo quan điểm quyền lợi của Liên Xô thì trong vùng 2 eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đức nghĩ thế nào "nếu Nga đảm bảo cho Bulgaria... đúng theo những điều kiện mà Đức và Ý đã đảm bảo cho Rumania?" Người ta có thể hình dung ra vẻ cau mày khó chịu của Hitler. Ông ta hỏi Bulgaria đã yêu cầu sự đảm bảo như vậy hay chưa, giống như Rumania? Bản thân ông không biết Bulgaria yêu cầu như thế. Dù gì chăng nữa, ông sẽ tham khảo trước với Mussolini trước khi trả lời dứt khoát với Liên Xô. Và Hitler thêm với hàm ý đe doạ rằng nếu Đức "ngẫu nhiên muốn kiếm chuyện để gây xích mích với Nga thì không cần viện cớ 2 eo biển" .

Bình thường hay nói năng dông dài, nhưng lần này Lãnh tụ chẳng còn lòng dạ nào mà nói chuyện với vị khách Nga khó tính này. Biên bản của Đức ghi đến đây, Lãnh tụ ngừng buổi hội đàm vì lý do máy bay Anh có thể đến ném bom .

Tối hôm ấy, Molotov mở tiệc khoản đãi phía chủ nhà tại Đại sứ quán Liên Xô. Hẳn là do mệt mỏi và vẫn còn khó chịu vì buổi hội đàm ban chiều, Hitler không xuất hiện .

Nhưng người Anh thì xuất hiện. Tôi tự hỏi tại sao máy bay ném bom của họ chưa xuất hiện trên bầu trời Berlin tối nay, như họ đã đến hầu như hàng đêm, để nhắc nhở vị Dân uỷ Liên Xô rằng cho dù Đức có nói gì đi nữa, Anh quốc vẫn còn đang chiến đấu. Tôi phải thú nhận rằng vài người trong cánh nhà báo chúng tôi trông chờ máy bay đến, nhưng lại không thấy. Các quan chức Đức lo sợ điều tồi tệ nhất, rồi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng điều này không kéo dài được lâu .

Buổi tối 13 tháng 11, phi công Anh bay đến sớm hơn thường lệ. Churchill sau này kể rằng cuộc không kích này được lên lịch vì có hội đàm. Ông viết: "Chúng tôi có nghe về cuộc hội đàm và tuy không được mời tham dự nhưng vẫn không muốn hoàn toàn ở bên lề." Vào thời gian này trong năm, màn đêm buông xuống lúc 4 giờ chiều và sau 9 giờ tối còi hụ báo động nổi lên, đạn phòng không nổ giòn giã, xen lẫn với tiếng động cơ rì rầm của máy bay ném bom. Theo Tiến sĩ Schmidt hiện diện tại buổi chiêu đãi, Molotov vừa đề nghị nâng ly chúc mừng và Ribbentrop đứng lên để hồi đáp thì còi hụ vang lên, quan khách tản ra chạy xuống các hầm trú ẩn. Vài người, kể cả Sdhmidt, đã chạy vào khách sạn Adlon trước mặt cánh nhà báo chúng tôi, vì thế không thể tham dự cuộc thảo luận ngẫu hứng giữa 2 ngoại trưởng dưới hầm tránh bom của Bộ Ngoại giao. Gustav Hilger, Tham tán Đức tại Liên Xô, có nhiệm vụ thông dịch vào ban ngày, lúc đó đã phụ trách ghi biên bản .

Trong khi máy bay Anh đang lượn trên bầu trời và súng phòng không của Đức đang nhả đạn một cách không hiệu quả, thì vị Ngoại trưởng Quốc xã láu cá đang cố lừa phỉnh người Nga một lần cuối. Ông rút từ trong túi áo một bản thảo của hiệp ước mà tựu chung sẽ biến Hiệp ước Ba bên thành bốn bên, với Liên Xô là thành viên thứ tư. Molotov kiên nhẫn lắng nghe trong khi Ribbentrop đọc bản thảo .

Điều II là cốt lõi, quy định Đức, Ý, Nhật và Nga "cùng tôn trọng vùng ảnh hưởng tự nhiên của mỗi nước". Phải giải quyết mọi mâu thuẫn "theo cách thân thiện". Hai quốc gia Phát xít Đức và Nhật đồng ý "thừa nhận và tôn trọng mức độ sở hữu hiện tại của Liên Xô". Điều III quy định 4 quốc gia đồng ý không tham gia hoặc hỗ trợ bất kỳ liên minh nào "hướng đến việc chống lại một trong 4 cường quốc" .

Ribbentrop giải thích rằng sẽ công bố bản hiệp ước, nhưng dĩ nhiên là phải giữ kín nghị định thư mật. Điều khoản quan trọng nhất là phân định những "kỳ vọng về lãnh thổ" của mỗi quốc gia. Kỳ vọng của Liên Xô là vùng "trung tâm phía Nam của lãnh thổ Liên Xô hướng về Ấn Độ Dương" .

Molotov không muốn làm cá cắn câu. Hiệp ước đề xuất hiển nhiên có ý đồ lái Liên Xô đi ngược lại xu hướng lịch sử là hướng về phía Tây, lên vùng Baltic, tiến vào vùng Balkans và thông ra Địa Trung Hải, vốn là những nơi Đức và Ý có ý đồ tham lam. Ít nhất là vào lúc này, Liên Xô không quan tâm đến Ấn Độ Dương vì cách quá xa. Molotov trả lời rằng lúc này Liên Xô quan tâm đến châu Âu và 2 eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói thêm: "Những hiệp ước trên giấy là không đủ đối với Liên Xô, mà phải cần đến sự đảm bảo hữu hiệu cho nền an ninh... Những vấn đề có liên quan không chỉ là Thổ Nhĩ Kỹ mà còn là Bulgaria... Số phận của Rumania và Hungary cũng liên quan đến Liên Xô và không thể được xem là vụn vặt trong bất kỳ tình huống nào... Chính phủ Liên Xô cũng muốn biết Phe Trục có ý định gì đối với Nam Tư, Hy Lạp và tương tự, Đức định làm gì với Ba Lan... Chính phủ Liên Xô cũng quan tâm đến nền trung lập của Thuỵ Điển... Hơn nữa, còn có vấn đề đường thông thương ra biển Baltic..." Vị Dân uỷ Ngoại giao Liên Xô không tỏ vẻ gì là mệt mỏi khi không bỏ sót chi tiết nào, thậm chí còn muốn vị khách của buổi chiêu đãi trả lời đầy đủ. Cảm thấy bị áp đảo dưới những câu hỏi tới tấp, Ribbentrop phản đối và cho rằng mình đang bị "cật vấn quá cặn kẽ". Ông trả lời một cách yếu ớt .

"Ribbentrop chỉ có thể lặp lại lần nữa rằng vấn đề quyết định là liệu Liên Xô có sẵn sàng đặt mình vào vị thế hợp tác trong việc thanh toán Đế quốc Anh hay không." Hilger ghi lại một cách trung thực câu trả đũa của Molotov: "Để trả lời, Molotov nói rằng người Đức đang đặt giả thiết là đã thật sự thắng cuộc chiến chống Anh. Vì thế, nếu Đức đang tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn, thì ông ấy chỉ có thể hiểu là Đức đang chiến đấu "để còn" và Anh "để mất"." Đầu óc nhất thời đang mụ mị nên Ribbentrop hẳn không hiểu ra ý nghĩa mỉa mai, nhưng Molotov vẫn không chịu buông tha. Để đáp lời phía Đức cứ nói đi nói lại là Anh quốc đã bị kết liễu, cuối cùng Molotov hỏi: "Nếu đúng như thế, tại sao chúng ta đang ở trong hầm trú bom này và bom của ai đang rơi xuống?" Hitler rút ra kết luận từ các buổi hội đàm mệt mỏi với nhà thương thuyết cứng rắn của Liên Xô và từ biểu hiện từ lòng tham vô bờ của Stalin trong 2 tuần lễ sau đó .

Cần phải ghi nhận ở đây là, không kể những đòi hỏi sau này, thì lúc đó nhà lãnh đạo Liên Xô đã chấp nhận gia nhập hàng ngũ Phát xít, dù phải trả một cái giá cao hơn giá đưa ra lúc đầu ở Berlin. Ngày 26 tháng 11, chỉ 2 tuần sau khi trở về, Molotov thông báo cho Đại sứ Đức tại Moscow rằng Liên Xô sẵn sàng gia nhập hiệp ước bốn bên, tuỳ thuộc vào những điều kiện sau: Quân đội Đức lập tức rút lui khỏi Phần Lan vốn thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô .

Trong vòng vài tháng tới, Hiệp ước Tương hỗ Nga-Bulgaria sẽ đảm bảo an ninh của Liên Xô và Liên Xô sẽ thiết lập căn cứ lục quân cùng hải quân gần 2 eo biển Bosporus và Dardanelles qua việc cho thuê đất dài hạn .

Công nhận vùng Nam Batum và Baku hướng đến vịnh Ba Tư là kỳ vọng về lãnh thổ của Liên Xô .

Nhật từ bỏ quyền đặc nhượng dầu mỏ và than đá ở vùng Bắc Sakhalin .

Stalin đòi hỏi tổng cộng 5, thay vì 2, nghị định thư bí mật và yêu cầu là nếu Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra khó khăn về việc Liên Xô kiểm soát 2 eo biển, cả 4 nước phải có động thái quân sự để ép buộc .

Liên Xô đòi hỏi cái giá cao hơn là mức mà bình thường Hitler còn không muốn xem xét. Ông đã cố gắng giữ cho Liên Xô đứng ngoài Tây Âu, nhưng bây giờ Stalin lại đòi hỏi Phần Lan, Bulgaria, kiểm soát 2 eo biển và trên thực tế, kiểm soát cả những giếng dầu Ả Rập và Ba Tư (Iran bây giờ) vốn cung cấp phần lớn lượng dầu cho châu Âu. Bên Liên Xô còn không màng đề cập đến Ấn Độ Dương mà Đức đã đưa ra nhử như là "kỳ vọng" của Liên Xô .

Hitler nói với các lãnh đạo quân sự của mình: "Stalin quá khôn ngoan và láu cá. Ông ta sẽ tiếp tục đòi hỏi thêm mãi. Ông ta là kẻ tống tiền có máu lạnh. Ông ta sẽ không chịu nổi một chiến thắng của Đức. Vì thế: phải hạ gục Liên Xô càng nhanh càng tốt." Kẻ tống tiền máu lạnh của Quốc xã đã gặp phải đối thủ và ông ta tỏ ra giận dữ khi nhận thức được điều này. Đầu tháng 12 năm 1940, Hitler bảo Halder trình lên kế hoạch của Bộ Tham mưu Lục quân để tấn công Liên Xô. Ngày 5 tháng 12, Halder và Brauchitsch ngoan ngoãn trình kế hoạch cho Hitler và sau cuộc họp kéo dài 4 tiếng đồng hồ, Hitler chấp thuận. Cả Nhật ký Chiến tranh của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và ghi chép mật của Halder đều tường thuật cuộc họp quan trọng này .

Hitler nêu rõ phải cắt đôi Hồng quân thành 2 vùng phía Nam và Bắc đầm lầy Pripet rồi bao vây và tiêu diệt "như ở Ba Lan". Moscow "không quan trọng". Việc quan trọng là phá huỷ "sức mạnh cuộc sống" của Nga. Rumania và Phần Lan sẽ tham gia tấn công, nhưng không có Hungary. Sư đoàn quân sơn cước của Tướng Dietl ở Narvik sẽ được chuyển qua Thuỵ Điển đến Phần Lan để tấn công vùng cực Bắc của Liên Xô. Thuỵ Điển trước kia từ chối cho Đồng minh chuyển quân qua, bây giờ lại cho phép cả một sư đoàn quân Đức được trang bị đầy đủ mượn lãnh thổ của mình. Còn Hungary sau này cũng tham chiến chống Liên Xô. Tổng cộng "120 đến 130 sư đoàn" sẽ tham chiến .

Hitler đặt tên cho cuộc tấn công là "Chiến dịch Barbarossa" và ra chỉ thị sau: TỐI MẬT Tổng hành dinh của Lãnh tụ Ngày 18 tháng 12 năm 1940 Quân lực Đức phải chuẩn bị nghiền nát Liên Xô trong một chiến dịch thần tốc trước khi chấm dứt chiến tranh chống Anh. Để đạt mục đích này, quân lực phải sử dụng mọi đơn vị hiện có, chỉ cần đề phòng việc các lãnh thổ đã chiếm đóngbị tấn công bất ngờ... Mọi bước chuẩn bị... phải kết thúc vào ngày 15 tháng 5 năm 1941. Phải thận trọng để giữ bí mật ý định tấn công... Phải tiêu diệt quân Nga ở miền Tây nước Nga bằng cách hành quân táo bạo với những mũi tiến công sâu bằng thiết giáp, ngăn chặn các đơn vị [Nga] còn toàn vẹn, có khả năng tác chiến rút lui về những vùng rộng lớn của nước Nga. Mục đích chung cuộc của chiến dịch là lập một tuyến phòng thủ chống quân Nga từ châu Á, chạy dài từ sông Volga đến Arkhangelsk .

Chỉ thị của Hitler đưa ra khá nhiều chi tiết. Nhiều sử gia cho rằng trong chỉ thị Barbarossa thứ nhất này, Hitler không đưa ra chi tiết. Sự hiểu nhầm có lẽ do bản dịch ra tiếng Anh trong các tập NCA được rút ngắn nhiều. Nhưng bản tiếng Đức toàn tập trong TMWC, XXVI, trang 47-52 thể hiện đầy đủ chi tiết, cho thấy từ lúc đầu kế hoạch quân sự của Đức đã khá hoàn chỉnh .

Rumania và Phần Lan cung ứng bãi tập kết để phóng ra những mũi tấn công ở vùng cực Bắc và sườn phía Nam, cũng như lực lượng để hỗ trợ Đức ở những vùng này. Liên quân Phần Lan-Đức sẽ tiến đến Leningrad và vùng hồ Ladoga .

Các cuộc hành quân được phân ra ở 2 bên vùng đầm lầy Pripet. Mũi chủ chốt gồm 2 tập đoàn quân đánh qua phía Bắc của vùng đầm lầy. Một tập đoàn quân tiến đến vùng Baltic và Leningrad. Tập đoàn quân kia ở xa về phía Nam, tiến qua Bạch Nga rồi rẽ lên phía Bắc để bắt tay với mũi thứ nhất, vì thế bao vây đơn vị Nga nào còn lại cố thoát khỏi vùng Baltic. Chỉ đến lúc ấy mới tấn công đến Moscow. Hitler xem thủ đô Nga là quan trọng, vừa là trung tâm giao thông, vừa là vùng chế tạo vũ khí hàng đầu của Liên Xô .

Tập đoàn quân thứ ba đánh qua phía Nam Pripet đến Ukraine rồi hướng đến Kiev, với mục đích chính là bao vây và tiêu diệt quân Nga ở phía Tây sông Dniepr. Xa hơn về phía Nam, liên quân Đức-Rumania sẽ bảo vệ cánh sườn của mũi tiến công chính và hướng đến Odessa rồi tiến dọc bờ biển Đen. Sau đó, sẽ chiếm vùng lưu vực sông Donets, nơi tập trung 60% công nghiệp của Liên Xô .

Đó là kế hoạch to tát của Hitler, được hoàn tất ngay trước Giáng sinh năm 1940 và được chuẩn bị kỹ lưỡng đến nỗi về cơ bản không cần phải thay đổi gì cả. Để đảm bảo bí mật, chỉ có 9 bản chỉ thị được ban hành, 3 bản cho 3 quân chủng và những bản kia được lưu giữ ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Chỉ thị ghi rõ là ngay cả các chỉ huy chiến trường cũng chỉ được cho biết rằng kế hoạch này là "dự phòng trong trường hợp Nga thay đổi thái độ với ta". Và Hitler ra lệnh chỉ phổ biến kế hoạch đến càng ít cấp chỉ huy càng tốt .

Không có chứng cứ gì cho thấy các tướng lĩnh trong Bộ Tư lệnh Lục quân chống lại quyết định đánh Liên Xô của Hitler, trong khi Liên Xô vì tôn trọng hiệp ước với Đức đã giúp Đức chiến thắng tại Ba Lan và phía Tây. Sau này, Halder tỏ ra chế nhạo về "cuộc phiêu lưu của Hitler ở Nga", đồng thời cho rằng giới chỉ huy Lục quân đã chống đối ngay từ lúc đầu. Nhưng tập nhật ký dày của ông trong tháng 12 năm 1940 không ghi chi tiết nào như thế. Thay vào đó, ông cho người ta có cảm tưởng là ông thật lòng hăng hái đối với "cuộc phiêu lưu" mà ông, trên cương vị Tham mưu trưởng Lục quân, có trách nhiệm chính trong việc hoạch định .

Dù sao đi nữa, cuộc đời của Hitler đã được định đoạt và tuy ông không biết, nhưng số phận của ông đã khép lại qua Chỉ thị ban hành ngày 18 tháng 12 năm 1940. Cảm thấy nhẹ nhõm vì rốt cuộc định mệnh đã an bài, Hitler đi vui hưởng lễ hội Giáng sinh cùng với binh sĩ và phi công dọc bờ biển Manche – càng xa khỏi nước Nga càng tốt. Và Hitler cũng gạt ra khỏi đầu càng xa càng tốt những ý nghĩ về Vua Charles XII của Thuỵ Điển và Hoàng đế Napoléon của Pháp – 2 người đã đạt những thành công không khác gì ông ta và đã gặp thảm hoạ trên vùng thảo nguyên mênh mông của nước Nga. Làm sao họ có thể làm đầu óc ông ta vướng bận được chứ? Bây giờ, con người lông bông ở Vienna ngày xưa tự xem mình là nhà thôn tính vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng thấy. Tính tự cao tự đại hoang tưởng, vốn là căn bệnh chết người của mọi nhà thôn tính, đang định hình trong con người Hitler .

6 THÁNG THẤT VỌNG Dù cho đạt được những chiến thắng vang dội trong mùa xuân và đầu hè năm 1940, nhà lãnh đạo Quốc xã vẫn phải trải qua 6 tháng thất vọng. Không những chiến thắng chung cuộc ở Anh vẫn chưa đến, mà những cơ hội để giáng cho Anh một đòn chí tử còn mất đi .

2 ngày sau Giáng sinh, Thuỷ sư Đô đốc Raeder đến gặp Hitler ở Berlin mà không thể mang đến tin vui làm quà. Ông nói với Lãnh tụ: "Mối đe doạ đối với Anh ở toàn vùng Địa Trung Hải, Viễn Đông và Bắc Phi đã bị loại bỏ... Không còn có thể hành động quyết đoán như ta đã kỳ vọng." Bị hỏng việc do một Franco quỷ quyệt, một Mussolini bất tài và một Pétain lão suy, Hitler mất đi cơ hội tại Địa Trung Hải. Đồng minh Ý gặp thảm hoạ trên sa mạc Ai Cập và vào tháng Mười hai, Ý còn phải đang đối mặt thêm thảm hoạ ở vùng núi tuyết Albania. Những biến cố bất ngờ này là những điểm ngoặt trong Thế chiến II và trong tiến trình của Đế chế Thứ Ba .

Nguyên nhân là do sự yếu kém của các Đồng minh của Đức và cũng do Hitler không có khả năng nắm bắt được chiến lược tổng thể mà Raeder và Goering đã cố thuyết phục ông nghe theo .

2 lần trong tháng 9 năm 1940, Raeder đã cố giải thích cho Hitler hiểu rằng không thể nào tấn công trực diện Anh quốc. Không có tướng lĩnh Lục quân và Không quân quấy rầy, một mình vị Tư lệnh Hải quân cho Lãnh tụ một bài giảng dài về chiến lược hải quân và tầm quan trọng trong việc đánh Anh ở những nơi khác hơn là vùng biển Manche. Raeder nói: "Người Anh luôn xem Địa Trung Hải là bản lề của Đế quốc họ trên thế giới... Ý bị bao vây bởi thế lực của Anh nên dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công... Người Ý đã không ý thức được tình thế nguy hiểm của mình khi từ chối sự giúp đỡ của ta. Tuy thế, Đức phải tiến hành cuộc chiến chống Anh bằng mọi cách trong tầm tay và phải nhanh chóng, bởi vì Hoa Kỳ có khả năng can dự một cách hữu hiệu. Vì lý do này, phải làm sáng tỏ vấn đề Địa Trung Hải trong những tháng mùa đông... Phải chiếm lấy Gibraltar. Không quân phải kiểm soát quần đảo Canary. Phải chiếm kênh đào Suez... Cần tiến quân từ kênh đào Suez qua Palestine và Syria cho đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ta đến đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của ta. Vấn đề về nước Nga sẽ hiện ra dưới góc độ khác... Lúc ấy, có thể không cần phải tiến công chống Nga từ phía Bắc." Sau khi định hình trong đầu ý tưởng đánh bật Anh ra khỏi Địa Trung Hải và đặt Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Xô dưới vùng ảnh hưởng của Đức, Raeder tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể. Ông dự đoán đúng rằng Anh, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và những lực lượng dưới quyền De Gaulle, sẽ cố đặt chân đứng trên vùng Tây Bắc châu Phi làm căn cứ để tiếp tục cuộc chiến chống Phe Trục. Vì thế, ông đề xuất Đức và chế độ Vichy của Pháp phải chặn đứng việc đó bằng cách kiểm soát vùng chiến lược trọng điểm này .

Theo Raeder, Hitler đồng ý với "tư tưởng tổng thể" của mình nhưng thêm rằng cần thảo luận với Mussolini, Franco và Pétain. Hitler tiến hành đúng như thế, nhưng lại bỏ phí quá nhiều thời gian. Ông hẹn gặp Franco ngày 23 tháng 10, Pétain ngày hôm sau và Mussolini là vài ngày sau nữa .

Franco luôn khao khát thôn tính giống như 2 người bạn độc tài Hitler và Mussolini, 2 người đã giúp ông chiến thắng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tháng 6 năm 1940, vừa lúc Pháp chiến bại, Franco đã vội báo cho Hitler biết Tây Ban Nha sẽ tham chiến để đổi lấy thuộc địa bao la của Pháp ở châu Phi, kể cả Maroc và Tây Algérie, với điều kiện là Đức cung cấp số lượng vũ khí, xăng dầu và thực phẩm. Chính vì việc này mà Hitler lên chuyến xe lửa đặc biệt đi đến thị trấn Hendaye trên biên giới Pháp-Tây Ban Nha để gặp Franco ngày 23 tháng 10. Nhưng có nhiều sự kiện đã xảy ra trong thời gian trước ngày này – kể cả việc Anh vẫn kiên trì chống cự – và Hitler sẽ gặp phải một sự ngạc nhiên khó chịu .

Nhà độc tài Tây Ban Nha đầy quỷ quyệt không tin tưởng vào lời khoác lác của Hitler rằng "Anh quốc đã hoàn toàn bị đánh bại." Ông cũng không thoả mãn với lời hứa của Hitler là sẽ cho Tây Ban Nha phần thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi "theo mức độ mà Pháp đã lấy lại phần bị mất từ những thuộc địa của Anh". Nhưng Franco lại muốn có thuộc địa của Pháp mà không kèm điều kiện nào. Hitler đề xuất Tây Ban Nha tham chiến vào tháng 1 năm 1941, nhưng Franco vạch ra những hiểm hoạ cho hành động hấp tấp như thế. Hitler muốn Tây Ban Nha tấn công Gibraltar ngày 10 tháng 1 với sự hỗ trợ của Đức, nhưng Franco đáp rằng Tây Ban Nha sẽ "một mình" chiếm lấy Gibraltar. Thế là 2 nhà độc tài tranh cãi nhau suốt chín tiếng đồng hồ. Franco cứ liên tục nói và nói với giọng đều đều, trong khi Hitler càng lúc càng chán nản, đến nỗi có lúc ông này đứng dậy và than rằng không có lý do gì mà tiếp tục đàm thoại .

Sau này, khi kể cho Mussolini nghe về nỗi khổ với nhà độc tài Franco, Hitler nói: "Thay vì tiếp tục đôi co, tôi thà bị nhổ 3 hoặc 4 cái răng còn hơn." Sau 9 tiếng đồng hồ, cuộc hội đàm chấm dứt mà Franco vẫn không tỏ rõ định tham chiến. Hitler để cho Ribbentrop ở lại để tiếp tục hội đàm với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Surier, nhưng vẫn không đi đến kết quả nào. Sáng hôm sau, Ribbentrop càu nhàu với Tiến sĩ Schmidt về Franco: "Cái tên hèn nhát vô ơn! Hắn nợ ta mọi thứ nhưng bây giờ lại không muốn gia nhập phe ta!" Cuộc hội đàm giữa Hitler và Pétain có chiều hướng thuận lợi hơn. Nhưng đó là vì vị Thống chế già nua, chủ bại, người anh hùng của trận Verdun trong Thế chiến I và người đại diện cho nước Pháp đầu hàng trong Thế chiến II, đã đồng ý hợp tác với Đức để đánh gục Anh vốn là Đồng minh xưa kia của Pháp. Thế là ông đồng ý ghi vào biên bản hành động kinh tởm này: "Các Cường quốc Phe Trục và Pháp có cùng lợi ích để thấy Anh quốc bị bại trận càng sớm càng tốt. Vì lý do này, Chính phủ Pháp sẽ ủng hộ, trong khả năng có thể, những phương tiện để giúp Phe Trục đạt được mục đích này." Để đáp lại hành động phản bội ấy, Pháp được tạo một "vị thế xứng đáng" ở "châu Âu mới", còn ở châu Phi, Pháp sẽ nhận được lãnh thổ từ Đế Quốc Anh để bù lại cho bất kỳ phần đất nào phải nhường cho người khác. Hai bên đều đồng ý phải giữ "tuyệt đối bí mật" sự định ước này. Riêng Hitler vẫn chưa thoả nguyện: Ông ta muốn Pháp phải tham gia một cách tích cực trong cuộc chiến chống Anh .

Hitler càng chán nản hơn khi gặp Mussolini ngày 28 tháng 10. Hai người đã gặp nhau mới 3 tuần trước đó, lúc Hitler huyên thuyên phát biểu nhưng không cho biết đang gửi quân đến Rumania, nơi mà Ý cũng đang thèm thuồng. Khi biết được chuyện này ít ngày sau, Mussolini than phiền với Ciano: "Hitler luôn đặt tôi trước sự đã rồi. Lần này tôi sẽ đáp lại bằng cùng cách thức. Ông ta sẽ đọc tin qua báo chí rằng tôi đã chiếm được Hy Lạp. Theo cách này, ta sẽ tạo được thế cân bằng." Tham vọng của Mussolini ở vùng Balkans không kém gì Hitler, đến nỗi vào giữa tháng Tám, Đức đã cảnh cáo Ý rằng không nên có hành động phiêu lưu ở Nam Tư và Hy Lạp. Mussolini cố kiềm chế, nhưng vẫn nghĩ có thể thôn tính Hy Lạp một cách nhanh chóng và dễ dàng .

Ngày 22 tháng 10, Mussolini định ngày 28 tháng 10 sẽ bất ngờ tấn công Hy Lạp và viết cho Hitler một bức thư (đề ngày 19 tháng 10) nói bóng gió đến động thái trên, nhưng không cho biết chi tiết về tính chất và thời gian. Ông sợ Hitler sẽ "ra lệnh" bắt ông ngừng lại. Thế là, vào ngày 28 tháng 10, khi Hitler từ toa xe lửa bước xuống, Mussolini đón tiếp ông với gương mặt ngẩng cao và đôi mắt lộ đầy vẻ hân hoan: "Lãnh tụ, chúng tôi đang tiến lên! Đoàn quân chiến thắng của Ý đang tiến qua biên giới Hy Lạp-Albania buổi sáng ngày hôm nay!" Mussolini lấy làm vui sướng tột độ sau khi trả đũa được người bạn đã phái quân thôn tính một số nước mà không hề thông báo cho ông. Hitler nổi cơn giận dữ. Hành động thiếu kiềm chế này đã chống lại một đối thủ có quyết tâm vào thời điểm tệ hại nhất trong năm và đe doạ làm hỏng kế hoạch vùng Balkans. Như Hitler viết cho Mussolini về sau, ông đã vội đi đến Florence với hy vọng ngăn chặn điều này, nhưng ông đã đến quá muộn. Theo Tiến sĩ Schmidt, nhà lãnh đạo Quốc xã đã phải cố kiềm chế cơn giận dữ .

"Chiều hôm ấy Hitler đi về phía Bắc với con tim cay đắng. Ông đã kinh qua 3 lần thất vọng – với Franco, với Pétain và bây giờ với Mussolini. Trong những chiều đông lê thê suốt những năm kế tiếp, những chuyến đi đường dài mệt mỏi như thế luôn chất chứa mối trách móc cay đắng về những người bạn vô ơn bạc nghĩa và không đáng tin tưởng – các thành viên Phe Trục và người Pháp 'gian dối'." Tuy thế Hitler nhận ra rằng mình phải làm điều gì đấy để tiến hành cuộc chiến chống Anh, sau khi đình hoãn vô thời hạn cuộc đổ bộ lên quốc gia này. Khi vừa về đến Berlin, Hitler càng bị thôi thúc phải hành động do thất bại của Ý tại Hy Lạp. Chỉ trong vòng 1 tuần, đoàn quân "chiến thắng" đã bị đánh tan tác. Ngày 4 tháng 11, Hitler triệu tập một buổi họp chiến tranh với Brauchitsch, Halder, Keitel và Jodl. Nhờ có nhật ký của Halder và báo cáo của Jodl cho Hải quân về buổi họp, chúng ta mới có thể được biết về những quyết định của Hitler trong Chỉ thị số 18 ngày 12 tháng 11 và văn bản nằm trong tài liệu ở Toà án Nuremberg .

Ảnh hưởng của Hải quân Đức tới chiến lược của Hitler đã trở nên rõ ràng, cũng như sự cần thiết của việc ông phải có hành động sau thất bại của Đồng minh Ý. Halder ghi là Hitler không tin tưởng giới lãnh đạo Ý. Vì lý do này, Hitler quyết định không phái binh sĩ nào đến Lybia cho đến khi Thống chế Rodolfo Graziani của Ý tiến đến Sidi Barrani .

Hitler nhận thấy rằng cuộc tấn công thất bại của Ý ở Hy Lạp khiến cho Đức lâm vào tình thế nguy hiểm ở Balkans. Anh kiểm soát được những căn cứ không quân để từ đây phóng những cuộc không tập xuống các giếng dầu của Rumania và khi đưa quân vào Hy Lạp, Anh sẽ đe doạ vị thế của Đức trên toàn vùng Balkans. Để chống lại, Hitler ra lệnh cho Quân đội chuẩn bị những kế hoạch lập tức tiến công Hy Lạp qua Bulgaria với ít nhất 10 sư đoàn .

Nhưng điều chính yếu là phải lật đổ được vị thế của Anh ở miền Tây Địa Trung Hải. Chỉ thị số 18 nêu: "Chiếm lấy Gibraltar và khoá chặt các eo biển .

Ngăn chặn Anh đặt chân lên một điểm khác ở bán đảo Iberia hoặc các đảo trên Đại Tây Dương." Chiến dịch có mật mã "Felix" nhằm chiếm lấy Gibraltar, quần đảo Canary của Tây Ban Nha và quần đảo Cape Verde của Bồ Đào Nha. Cũng có thể chiếm Bồ Đào Nha và 3 sư đoàn sẽ được điều động đến biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha cho việc này .

Riêng một số đơn vị hạm đội và bộ binh của Pháp sẽ được trả lạiđể Pháp có thể bảo vệ những quyền lợi của mình ở Tây Bắc châu Phi nếu quân Anh và De Gaulle tấn công .

Các kế hoạch mới của Hitler được truyền tải đến các tướng lĩnh vào ngày 4 tháng 11 cùng với một chỉ thị được bổ sung thêm các chi tiết vào tuần kế tiếp, đặc biệt là việc chiếm Gibraltar. Việc này đã tạo ấn tượng cho Quân đội vì tính táo bạo và khôn ngoan của Hitler. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là những kế hoạch nửa vời: Mục đích đẩy Anh ra khỏi Địa Trung Hải là đúng đắn, nhưng lực lượng huy động cho chiến dịch thì quá ít, nhất là xét qua sự kém cỏi của Ý .

Bộ Tư lệnh Hải quân vạch ra điều này với Hitler trong một bản ghi nhớ ngày 14 tháng 11. Thảm hoạ của Ý ở Hy Lạp không những củng cố vị trí chiến lược của Anh ở Địa Trung Hải, mà còn nâng cao uy tín của Anh trên thế giới, về cuộc tấn công của Ý ở Ai Cập, Hải quân nói thẳng với Hitler: "Ý sẽ không bao giờ chịu tấn công Ai Cập. Giới lãnh đạo của Ý quá tồi. Họ không hiểu được tình hình. Quân lực Ý không có sự lãnh đạo giỏi và cũng không có khả năng quân sự nhằm tiến hành những chiến dịch ở vùng Địa Trung Hải để đi đến thành công với tốc độ và tính quyết đoán cần thiết... Cuộc chiến để giành châu Phi là mục tiêu chiến lược hàng đầu trong đường hướng chiến tranh của Đức nói chung... Việc này có tầm quan trọng quyết định đối với kết quả chung cuộc của cuộc chiến." Nhưng nhà độc tài Quốc xã không cảm thấy thuyết phục lắm. Ông luôn nghĩ rằng Địa Trung Hải và Bắc Phi chỉ là những mục tiêu thứ yếu. Sau khi Raeder trình bày những ý tưởng chiến lược của Hải quân, Hitler đáp lại rằng mình vẫn thiên về việc tấn công Liên Xô. Ông càng thêm quyết tâm sau cuộc hội đàm với Molotov vốn chỉ khiến cho ông thêm bực tức .

Trong thời gian này, một lực lượng hỗn tạp của Anh gồm 1 sư đoàn cơ giới, 1 sư đoàn bộ binh Ấn Độ, 2 lữ đoàn bộ binh và 1 trung đoàn thiết giáp Hoàng gia – tổng cộng 31.000 người – đã đánh đuổi lực lượng Ý của Thống chế Graziani có quân số gấp 3 ra khỏi Ai Cập, bắt giữ 38.000 tù binh mà chỉ có 133 người tử trận, 387 bị thương và 8 mất tích. Cuộc phản công dưới quyền chỉ huy của Tướng Archibald Wavell bắt đầu ngày 7 tháng 12 năm 1940 và chỉ trong 4 ngày, quân của Graziani bị tan rã. Đến ngày 7 tháng 1 năm 1941, quân Anh tiêu diệt toàn bộ một Đại quân đoàn của Ý ở Lybia gồm 10 sư đoàn, bắt giữ 130.000 tù binh, tịch thu 1.240 đại pháo và 500 xe thiết giáp trong khi chỉ chịu 500 tử trận, 1.373 bị thương và 55 mất tích .

Hải quân Ý cũng bị thiệt hại nặng. Đêm ngày 11 và 12 tháng 11 năm 1940, máy bay từ tàu sân bay Anh Illustrious tấn công hạm đội Ý đang thả neo tại Taranto và loại khỏi vòng chiến trong nhiều tháng 3 tàu thiết giáp và 2 tàu tuần dương .

Vài ngày sau Giáng sinh 1940, Raeder vạch ra với Hitler rằng Đức đã bỏ mất cơ hội ở Địa Trung Hải. Raeder cố lý giải rằng chiến thắng của Anh trước Ý ở Ai Cập và khối lượng khí tài mà Anh tiếp nhận ngày càng nhiều từ Mỹ đòi hỏi ta phải tập trung tất cả quân lực nhằm đánh bại Anh, đồng thời cần hoãn lại chiến dịch Barbarossa đánh Nga cho đến khi "lật đổ Anh quốc" .

Nhưng Hitler bỏ ngoài tai mọi lý giải này. Ông nói: "Xét qua những diễn biến chính trị và đặc biệt là sự can thiệp của Nga vào bán đảo Balkans, bằng mọi giá phải tiêu diệt kẻ thù còn lại trên Lục địa châu Âu trước khi tính đến Anh." Từ bây giờ trở đi, Hitler kiên quyết một cách cuồng tín bám theo chiến lược cơ bản này .

Nhằm xoa dịu Hải quân phần nào, Hitler hứa sẽ "thử một lần nữa để thuyết phục Franco" đánh Gibraltar và ngăn chặn hạm đội Anh ở Địa Trung Hải. Thật ra, Hitler đã từ bỏ hoàn toàn ý định này. Ngày 11 tháng 12, ông âm thầm ra lệnh: "Sẽ không tiến hành chiến dịch Felix bởi vì các điều kiện chính trị không còn." Vì sự thúc giục của Hải quân Đức và của phía Ý trong việc thúc đẩy Franco, Hitler cố gắng nỗ lực lần cuối cho dù cảm thấy khó chịu. Ngày 6 tháng 2 năm 1941, ông gửi một bức thư dài cho nhà độc tài Tây Ban Nha .

"... Cần phải làm sáng tỏ một việc: Chúng tôi đang tiến hành một cuộc chiến sống còn... Trận chiến của Đức và Ý cũng sẽ quyết định vận mệnh của Tây Ban Nha. Chỉ khi chúng tôi chiến thắng thì chế độ của ông mới tiếp tục tồn tại." Nhưng không may cho Phe Trục, Franco tiếp được thư của Hitler đúng vào ngày những đơn vị cuối cùng của Graziani bị quân Anh tiêu diệt ở phía Nam Benghazi. Vì thế, Franco trả lời Hitler rằng những biến cố mới khiến cho thoả thuận của 2 bên vào tháng Mười (khi Franco hứa sẽ đánh Gibraltar) "không còn hợp thời" .

Đây là một trong số những trường hợp hiếm hoi mà Hitler đã phải công nhận thất bại. Ông ta gửi thư cho Mussolini với nội dung đổ lỗi Tây Ban Nha đã không tham chiến đúng lúc và đúng nơi .

Tuy thế Ý, chứ không phải Tây Ban Nha, mới là yếu tố chủ chốt trong việc đánh bại Anh ở Địa Trung Hải, nhưng đế quốc bấp bênh của Mussolini không thể một mình làm được việc này và Hitler đã thiếu khôn ngoan nên không hỗ trợ Ý đúng mức. Bây giờ, ông ta thú nhận rằng đành phải loại trừ "hợp thời" khả năng đánh Anh, kể cả trực tiếp qua biển Manche hay gián tiếp qua Địa Trung Hải. Dù có thất vọng não nề, nhưng việc thú nhận như thế cũng giúp Hitler được nhẹ nhõm. Điều này sẽ giúp ông ta có thể dốc toàn lực vào một chiến dịch gần gũi với tâm trí mình hơn .

Vào các ngày 8 và 9 tháng 1 năm 1941, ông triệu tập một buổi họp chính trị tại biệt thự Berghof trên vùng Berchtesgaden hiện đang đầy tuyết phủ. Không khí trong lành miền núi có lẽ giúp Hitler suy nghĩ được thông suốt hơn và một lần nữa, như Raeder và Halder ghi lại, ý tưởng của Hitler mở ra bình diện rộng hơn khi ông trình bày chiến lược to tát của mình với các cấp chỉ huy Quân đội. Ông tỏ ra lạc quan trở lại. Raeder ghi: "Lãnh tụ vững tin rằng tình hình ở châu Âu không còn diễn biến theo cách bất lợi cho Đức, cho dù ta đã bị mất cả Bắc Phi. Vị trí của ta tại châu Âu được củng cố chắc chắn đến nỗi kết quả không thể nào bất lợi cho ta... Anh quốc chỉ có thể hy vọng thắng cuộc chiến nếu họ đánh bại ta trên Lục địa châu Âu, Lãnh tụ tin chắc rằng việc này là không thể nào xảy ra." Hitler đã nhìn nhận đúng việc tấn công trực diện Anh là "không khả thi, trừ khi Anh bị suy yếu đáng kể và Đức chiếm ưu thế hoàn toàn trên không" .

Ông nói Hải quân và Không quân phải tập trung tấn công những tuyến đường hàng hải của Anh, đồng thời qua đó cắt đứt nguồn tiếp tế cho Anh. Ông nghĩ những cuộc tấn công như thế "có thể mang lại chiến thắng vào tháng Bảy hoặc tháng Tám. Trong lúc này "phải tạo cho Đức một sức mạnh trên lục địa nhằm giúp ta có thể đánh một cuộc chiến mới với Anh (và Mỹ)". Phần trong ngoặc đơn là do Halder ghi và điều này mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tài liệu tịch thu được của Đức ghi là vào đầu năm 1941, Hitler đã chịu đối mặt với khả năng Hoa Kỳ sẽ tham chiến chống Đức .

Thế rồi, Hitler còn bàn đến những lĩnh vực chiến lược khác, những vấn nạn và vạch ra đường lối để đối phó với những vấn nạn này. Raeder ghi lại: "Theo ý kiến của Lãnh tụ, điều trọng yếu cho kết quả chung cuộc là Ý không được sụp đổ... Ông nhất quyết... ngăn chặn việc Ý mất đi Bắc Phi... nếu không Phe Trục sẽ mất uy tín... Vì thế, ông quyết định phải hỗ trợ Ý .

Ông không muốn thông báo cho Ý biết kế hoạch của ta. Vì còn tồn tại một hiểm hoạ là Hoàng gia [Ý] đang chuyển tin tức tình báo cho Anh!" Hitler cho biết sẽ gửi một ít đội hình chống thiết giáp và vài phi đội đến Lybia. Quan trọng hơn, ông muốn điều 1 quân đoàn gồm 2 sư đoàn rưỡi đến tăng viện cho quân Ý đang rút lui ở Albania, nơi quân Hy Lạp đang đánh đuổi Ý. Trong việc này, ngày 13 tháng 12 năm 1940, Hitler ban hành Chỉ thị số 20 để mở "Chiến dịch Marita" gồm 1 đại quân đoàn có 20 sư đoàn tập kết Rumania rồi tiến qua Bulgaria xuống Hy Lạp khi thời tiết thuận lợi. Hitler ra lệnh phải chuyển quân ngay từ Rumania đến Bulgaria .

Hitler cũng ban hành Chỉ thị ngày 10 tháng 12 năm 1940, trình bày chi tiết việc cần thiết phải mở "Chiến dịch Attila" – những cái tên chiến dịch của Đức dường như không bao giờ có thể kể hết. Đây là kế hoạch chiếm những phần còn lại của Pháp và đoạt lấy hạm đội Pháp ở Toulon. Hitler nghĩ phải thi hành sớm việc này. Ông ta nói: "Nếu gây rắc rối, Pháp sẽ bị nghiền nát toàn diện." Đây sẽ là sự vi phạm thô bạo hiệp định đình chiến Compiègne, nhưng tài liệu Đức không ghi có tướng lĩnh hay đô đốc nào nêu ý kiến .

Chính trong buổi họp chiến tranh này mà Hitler mô tả Stalin là "kẻ tống tiền máu lạnh" và thông báo với các cấp chỉ huy quân sự là phải hạ gục Nga "càng sớm càng tốt". Lần thứ hai, Hitler đề cập đến khả năng Hoa Kỳ tham chiến: "Nếu Hoa Kỳ và Nga tham chiến chống Đức, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vì thế phải ngăn chặn hiểm hoạ này ngay từ đầu. Nếu loại ra được mối đe doạ của Nga, ta có thể tiến hành cuộc chiến chống Anh vô thời hạn. Khi Nga sụp đổ, Nhật sẽ được nhẹ gánh đáng kể, rồi việc này sẽ gia tăng hiểm nguy đối với Hoa Kỳ." Đó là những ý nghĩ của nhà độc tài Đức về chiến lược toàn cầu vào đầu năm 1941. 2 ngày sau hội nghị, ông ta đưa những ý nghĩ này vào Chỉ thị số Theo đó, quân Đức sẽ tăng viện cho Tripoli theo "Chiến dịch Sunflower" và Albania theo "Chiến dịch Alpine Violets" .

"THẾ GIỚI SẼ NÍN THỞ" Hitler triệu Mussolini đến Berghof vào 2 ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1941. Cảm thấy nhục nhã vì quân Ý thua trận trên chiến trường Ai Cập, Mussolini càng lo lắng cho cuộc hội đàm vì e sợ sẽ bị phía Đức làm nhục. Tệ hơn nữa là đi với ông còn có Tướng Alfredo Guzzoni, Tham mưu phó, mà Ciano mô tả là dốt nát .

Nhưng Hitler cư xử với ông vừa tế nhị vừa thân thiện, thậm chí còn không hề phiền trách gì về khả năng tác chiến của quân Ý trên chiến trường. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ vào ngày 20 tháng 1, Hitler giảng cho đoàn khách về ý tưởng của mình. Một báo cáo mật của Tướng Jodl xác nhận dù Lãnh tụ muốn giúp Ý ở Albania và Lybia, nhưng ý nghĩ chủ yếu của ông lại hướng đến Nga. Hitler nói: "Tôi không thấy Mỹ gây nên hiểm hoạ to tát nào ngay cả nếu họ tham chiến. Hiểm hoạ lớn hơn là đất nước Nga đồ sộ. Mặc dù chúng ta đã có những hiệp định thuận lợi về chính trị và kinh tế, nhưng tôi vẫn muốn dựa trên những phương tiện hùng mạnh mà mình đang có trong tay hơn." Dù Hitler bóng gió về "những phương tiện hùng mạnh", nhưng ông không nói rõ hơn với đoàn khách. Thế rồi 2 tuần sau, Tham mưu trưởng Lục quân, người nhận nhiệm vụ lập kế hoạch chi tiết, đã trình bày cụ thể hơn cho vị Tư lệnh Tối cao .

Hội nghị chiến tranh này quy tụ những tướng lĩnh hàng đầu của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và Bộ Tư lệnh Lục quân, kéo dài từ lúc giữa trưa đến 6 giờ chiều ngày 3 tháng 2 năm 1941. Sau này Halder – người phác thảo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Lục quân – kể lại trong cuốn sách của mình rằng ông và Brauchitsch tỏ ý nghi ngờ sự đánh giá của Đức đối với sức mạnh quân sự của Liên Xô và nói chung, 2 người họ chống đối Chiến dịch Barbarossa vì nó giống như là một "cuộc phiêu lưu". Tuy nhiên, không có câu chữ nào trong nhật ký của ông hoặc trong biên bản tối mật của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ghi lại ý kiến này. Thay vào đó, biên bản cho thấy Halder thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc khi ước lượng tiềm lực của đối phương, tính ra rằng Liên Xô có 155 sư đoàn và sức mạnh của Đức là tương đương nhưng "có khả năng tác chiến cao hơn hẳn" .

Sau này, khi tai hoạ diễn ra, Halder và các tướng lĩnh đồng sự của ông nhận ra rằng tin tức tình báo về Hồng quân đã sai lạc đến mức không tưởng tượng được. Nhưng vào ngày 3 tháng 2 năm 1941, không ai nhận ra điều đó. Hitler khẳng định tầm quan trọng của việc "tiêu diệt từng bộ phận lớn quân địch" thay vì bắt buộc họ phải rút lui. Và ông nói rõ rằng "mục tiêu chính phải là chiếm lấy các nước vùng Baltic và Leningrad". Báo cáo của Halder về tương quan lực lượng đôi bên và về chiến lược nhằm đập tan Hồng quân đã thuyết phục Hitler không những đồng ý "về tổng thể", mà còn phấn khích trước những viễn cảnh của Bộ Tham mưu Lục quân đưa ra đến nỗi ông thốt lên: "Khi Chiến dịch Barbarossa bắt đầu, cả thế giới sẽ nín thở và không nói nên lời!" Hitler trông ngóng đến ngày khởi sự. Ông ra lệnh đưa đến cho mình bản đồ hành quân và kế hoạch điều động những lực lượng "càng nhanh càng tốt" .

MÀN MỞ ĐẦU TẠI BALKANS Trước khi có thể khởi động Chiến dịch Barbarossa vào mùa xuân, Đức buộc phải củng cố sườn phía Nam ở bán đảo Balkans. Vào tuần lễ thứ 3 của tháng 2 năm 1941, Đức huy động một lực lượng hùng hậu gồm 600.000 quân ở Rumania, nằm dọc theo Ukraine 360 km giữa biên giới Ba Lan và biển Đen. Nhưng về phía Nam, Hy Lạp vẫn còn cầm chân Ý và Đức có lý do để tin rằng chẳng bao lâu quân Anh từ Lybia sẽ đổ bộ lên đây. Hitler e sợ Đồng minh có thể mở một mặt trận gây rắc rối cho Đức vì Anh sẽ có một căn cứ không quân, mà từ đây họ có thể oanh kích những mỏ dầu ở Rumania và đe doạ đến Barbarossa. Đức đã tiên liệu việc này từ tháng 12 năm 1940, khi ban hành chỉ thị cho Chiến dịch Marita tấn công Hy Lạp từ Bulgaria bằng lực lượng tập kết ở Rumania .

Trong Thế chiến I, Bulgaria đã sai lầm khi dự đoán phe nào sẽ chiến thắng và giờ đây họ lại phạm sai lầm tương tự. Tin vào lời khoác lác của Hitler rằng Đức đã thắng cuộc và mù quáng vì viễn cảnh sẽ lấy được lãnh thổ của Hy Lạp để có đường thông ra biển, Bulgaria đồng ý tham gia Chiến dịch Marita – ít nhất là bằng cách cho phép quân Đức đi qua. Ngày 8 tháng 2 năm 1941, một thoả thuận theo cách này đã được bí mật thông qua bởi Thống chế List và Bộ Tổng tham mưu Bulgary. Đêm 28 tháng 2, quân Đức từ Rumania vượt sông Danube và trấn giữ những vị trí chiến lược ở Bulgaria và ngay ngày hôm sau, nước này gia nhập Phe Trục .

Nam Tư thì cứng rắn hơn và không dễ chiều theo, nhưng như vậy thì Đức lại càng muốn làm cho quốc gia này chịu khuất phục để về phe mình. Ngày 4 và 5 tháng 3, Hitler bí mật triệu đến Berghof Hoàng thân Phụ chính Paul, mở lời đe doạ theo cách thường thấy rồi hối lộ cho ông này bằng thành phố Salonika. Ngày 25 tháng 3, Thủ tướng Dragisha Cvetkovic cùng Ngoại trưởng Alexander Cincar-Markovic của Nam Tư bí mật đến Vienna để tránh bị chống đối hoặc thậm chí bị ám sát. Với sự hiện diện của Hitler và Ribbentrop, 2 người ký vào Hiệp ước Phe Trục. Hitler rất vui mừng mà nói với Ciano rằng việc này sẽ tạo thuận lợi cho Đức tấn công Hy Lạp .

Trước khi rời Vienna, các nhà lãnh đạo Nam Tư được Ribbentrop trao 2 bức thư khẳng định sự "quyết tâm" của Đức sẽ tôn trọng "nền tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư vào mọi lúc", đồng thời hứa rằng Phe Trục sẽ không đòi hỏi mượn đường chuyển quân qua Nam Tư "trong cuộc chiến này". Về sau, Hitler nhanh chóng vi phạm những thoả hiệp đó .

Ngay sau khi các vị khách Nam Tư trở về thủ đô Belgrade, vào đêm 26 rạng sáng ngày 27 tháng 3, Chính phủ và Hoàng thân Phụ chính bị một số sĩ quan không quân được phần lớn lục quân hỗ trợ đứng lên lật đổ. Thái tử trẻ tuổi Peter được tôn lên làm vua. Chế độ mới do Tướng Dusan Simovic cầm đầu lập tức đề nghị ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, nhưng Đức thấy rõ là họ không chấp nhận vị thế bù nhìn mà Hitler mong áp đặt. Trong những cuộc biểu tình ăn mừng tại Belgrade, đám đông nhổ nước bọt lên chiếc xe của Công sứ Đức, cho thấy chính kiến của người Serb là nghiêng về phía nào .

Vụ đảo chính ở Nam Tư khiến cho Adolf Hitler nổi lên một trong những cơn thịnh nộ dữ dội nhất trong đời. Ông ta xem đó là sự xúc phạm đối với cá nhân mình và trong cơn giận dữ, ông ta đã đi đến một quyết định mà về sau gây nên thảm hoạ cho Đế chế Thứ Ba .

Ngày 27 tháng 3, Hitler vội vàng triệu tập các cận thần đến Phủ Thủ tướng tại Berlin – vội vàng đến nỗi Brauchitsch, Halder và Ribbentrop đều đến muộn. Ông la lối rằng mình sẽ trả thù Nam Tư. Ông nói cuộc đảo chính đã làm phương hại đến 2 chiến dịch Marita và Barbarossa. Vì thế, ông nhất quyết "không cần chờ cho Chính phủ mới bày tỏ lòng trung thành, mà sẽ tiêu diệt Nam Tư bằng quân sự", không cần dò hỏi qua đường lối ngoại giao, mà cũng không cần "đưa ra tối hậu thư" .

Hitler nói thêm là phải nghiền nát Nam Tư một cách không khoan nhượng. Ông ta ra lệnh cho Goering "phá huỷ Belgrade thông qua những đợt tấn công dồn dập" bằng cách sử dụng máy bay ném bom cất cánh từ những căn cứ ở Hungary. Ông ta ban hành Chỉ thị số 25 để lập tức tấn công Nam Tư và bảo Keitel cùng Jodl soạn kế hoạch hành quân ngay đêm ấy. Ông ta ra lệnh cho Ribbentrop thông báo cho Hungary, Rumania và Ý rằng họ sẽ được chia một phần lãnh thổ của Nam Tư, ngoại trừ nước bù nhìn Croatia .

Và rồi, theo một đoạn được gạch dưới của biên bản buổi họp tối mật do Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ghi lại, Hitler loan báo quyết định tạo nên điểm ngoặt quan trọng nhất trong cuộc chiến: "Việc khởi động Chiến dịch Barbarossa sẽ được dời lại 4 tuần." Việc hoãn lại cuộc tiến công Liên Xô – chỉ vì Hitler muốn rửa hận đối với một quốc gia vùng Balkans nhỏ bé – có lẽ là một quyết định nguy hại nhất cho sự nghiệp của ông. Chẳng có gì là quá đáng khi nói rằng Hitler đã vứt bỏ cơ hội bằng vàng để thắng trong cuộc đại chiến và đưa Đế chế Thứ Ba lên thành một đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử Đức, đồng thời đưa ông lên làm chủ nhân của cả châu Âu. Tư lệnh Lục quân Brauchitsch và Tham mưu trưởng Lục quân Halder sau này sẽ thấu hiểu hơn những hệ luỵ đó, khi giữa mùa đông họ nhận ra rằng chỉ thiếu 3 hoặc 4 tuần là đủ đi đến chiến thắng chung cuộc. Họ và các tướng lĩnh khác đều quy tội cho quyết định vội vã và dại dột ấy là nguyên nhân cho mọi thảm trạng .

Chỉ thị số 25 mà Hitler trao cho các tướng lĩnh trước khi kết thúc cuộc họp ghi: "Cuộc đảo chính quân sự ở Nam Tư đã làm thay đổi tình hình chính trị ở vùng Balkans. Dù đã tuyên bố trung thành, nhưng vào lúc này Nam Tư vẫn bị xem là kẻ thù và do đó phải bị nghiền nát càng nhanh chóng càng tốt .

Ý định của tôi là tiến vào Nam Tư... và tiêu diệt Quân đội Nam Tư..." Jodl, vì là Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, nên đã nhận lệnh soạn thảo kế hoạch ngay đêm ấy. Sau này, ông khai ở Toà án Nuremberg: "Tôi làm việc suốt đêm ở Dinh Thủ tướng. Lúc 4 giờ ngày 28 tháng 3, tôi trao một bản ghi nhớ cho Tướng von Rintlen, sĩ quan điều phối ở Bộ Tổng tham mưu Ý." Riêng Mussolini, với những đạo quân thiếu tinh nhuệ ở Albania đang có nguy cơ bị Nam Tư tấn công từ mặt sau, cần được thông báo về kế hoạch của Đức và được yêu cầu hợp tác. Ngay trong đêm 27 tháng 3, Hitler thảo một bức thư và ra lệnh gửi bằng điện tín để Mussolini có thể nhận được ngay .

"Duce, các biến cố bắt buộc tôi phải thông báo nhanh cho anh đánh giá tình hình và những hệ luỵ có thể xảy ra .

Ngay từ đầu, tôi đã xem Nam Tư là một yếu tố nguy hiểm trong mối bất hoà với Hy Lạp... Vì lý do này, tôi đã làm mọi cách với lòng chân thật để mang Nam Tư về phía ta... Không may là những nỗ lực này đã không thành công... Vì thế tôi đã dàn xếp mọi phương án... qua cách thức quân sự. Bây giờ, tôi yêu cầu anh ngừng các cuộc hành quân ở Albania trong vài ngày tới. Tôi thấy anh cần phải đóng chốt che chắn mọi con đèo quan trọng từ Nam Tư đến Albania bằng tất cả lực lượng có thể huy động được .

Tôi cũng thấy cần thiết phải củng cố các lực lượng của anh trên mặt trận Ý-Nam Tư bằng mọi cách và phải thật nhanh chóng .

Tôi cũng thấy phải giữ tuyệt đối bí mật mọi việc... Những biện pháp này sẽ mất giá trị nếu bị tiết lộ... Nếu giữ được bí mật, tôi tin chắc cả 2 chúng ta sẽ đạt thắng lợi không kém thắng lợi ở Na Uy vào năm ngoái. Tôi vững tin như thế..." ADOLF HITLER Hitler tiên đoán đúng về mục tiêu trước mắt, nhưng có lẽ ông không nghĩ về lâu dài sẽ phải trả giá đắt như thế nào cho việc trả thù Nam Tư .

Sáng sớm ngày 6 tháng 4, Quân đội Đức với sức mạnh vượt trội tràn xuống Nam Tư và Hy Lạp, băng qua những đường biên giới giữa Đức và Bulgaria cùng Hungary với tất cả tốc độ của cơ giới để tiến đánh những đơn vị phòng thủ được trang bị thô sơ và còn bị Không quân Đức bắn phá từ trước .

Theo lệnh của Hitler, thủ đô Belgrade bị san bằng. Trong 3 ngày đêm liên tiếp, máy bay oanh tạc Đức bay sát mái nhà – vì thành phố không có súng phòng không – giết hại 17.000 dân thường, làm bị thương một số lớn hơn và biến nhiều vùng thành đống tro tàn. Hitler gọi đó là "Chiến dịch Trừng phạt" và ông tỏ ra hài lòng vì các cấp chỉ huy quân sự đã thi hành mệnh lệnh của mình có hiệu quả. Người Nam Tư không có thời giờ để huy động lực lượng trong khi Bộ Tổng Tham mưu Nam Tư phạm sai lầm là cố sức bảo vệ lãnh thổ cả nước. Ngày 13 tháng 4, quân Đức và Hungary tiến vào Belgrade. Ngày 17 tháng 4, quân Nam Tư đầu hàng tại Sarajevo dù họ vẫn còn 28 sư đoàn. Nhà Vua và Thủ tướng bay đi Hy Lạp để lánh nạn .

Sau khi làm nhục quân Ý trong 6 tháng chinh chiến, quân Hy Lạp không thể chống cự lại Đại Quân đoàn Thứ Mười Hai dưới quyền Thống chế List gồm 15 sư đoàn, trong số này có 4 sư đoàn thiết giáp. Anh đã vội điều đến Hy Lạp khoảng 4 sư đoàn từ Libya – tổng cộng 53.000 người – nhưng vẫn bị thiết giáp và Không quân Đức đánh áp đảo. Những đạo quân Hy Lạp ở miền Bắc đầu hàng quân Đức và rồi, như một liều thuốc đắng, đầu hàng quân Ý ngày 23 tháng 4. 4 ngày sau, xe thiết giáp Quốc xã chạy vào thủ đô Athens và giăng lá cờ chữ thập ngoặc lên cổng thành Acropolis. Vào lúc này, quân Anh đang cố di tản bằng đường biển – tương tự như ở Dunkirk nhưng ở mức độ nhỏ hơn .

Đến cuối tháng 4 năm 1941 – chỉ trong vòng 3 tuần – mọi chuyện đều xong xuôi, ngoại trừ đảo Crete là phải đến tháng Năm, quân nhảy dù Đức mới chiếm được từ tay Anh. Cùng trên chiến trường mà Ý đã thất bại thảm hại trong cả mùa đông, Đức chiến thắng chỉ trong ít tuần mùa xuân .

Mussolini nhẹ nhõm vì không còn gánh trách nhiệm, nhưng cảm thấy nhục nhã vì sự đối xử của Đức .

Ngày 12 tháng 4 năm 1941, 6 ngày sau khi mở đợt tấn công, Hitler ban hành một chỉ thị mật phân chia Nam Tư cho Đức, Ý, Hungary và Bulgaria. Croatia được thành lập như là một nước tự trị bù nhìn. Đức chiếm phần lãnh thổ rộng nhất, liền lạc cho đến nước Áo cũ. Phần của Ý thì lại chẳng được bao nhiêu .

Balkans không phải là vùng duy nhất mà Hitler đến trợ giúp Đồng minh yếu đuối. Sau khi những lực lượng Ý bị tiêu diệt ở Libya, dù lưỡng lự lúc đầu nhưng rốt cuộc Hitler vẫn đồng ý gửi một sư đoàn thiết giáp hạng nhẹ và một ít đơn vị không quân đến Bắc Phi, đồng thời điều Tướng Erwin Rommel đến giữ chức chỉ huy liên quân Ý-Đức. Là vị tướng binh chủng thiết giáp táo bạo, nhiều mưu lược, đã nổi danh từ khi còn là tư lệnh một sư đoàn thiết giáp chiến trường Pháp, Rommel sẽ gây nhiều rắc rối cho quân Anh trong 2 năm .

Với 1 sư đoàn thiết giáp Đức, 1 sư đoàn thiết giáp Ý và một sư đoàn bộ binh Ý thì vào cuối tháng 3 năm 1941, Rommel tiến công Cyrenaica (bắc Libya) một cách bất ngờ. Trong vòng 12 ngày, ông chiếm lại được tỉnh Cyrenaica, phong toả Tobruk và tiến đến Bardia, chỉ cách biên giới Ai Cập dăm bảy kilomet. Toàn bộ vị thế của Anh ở Ai Cập và kênh đào Suez bị đe doạ, đồng thời vị thế ở Địa Trung Hải cũng bị lung lay vì sự hiện diện của quân Đức tại Hy Lạp .

Mùa xuân thứ hai trong cuộc chiến đã mang về thêm chiến thắng lẫy lừng cho Đức. Anh quốc lâm vào tình cảnh đen tối hơn bao giờ hết: Chính quốc bị Không quân Đức ném bom hằng đêm, còn những lực lượng hải ngoại bị đánh đuổi khỏi Ai Cập và Cyrenaica. Uy tín của Anh, đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tử và nhất là để gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ và Liên Xô, đã bị tụt giảm thêm. Nhà phi công anh hùng Charles A. Lindbergh tuyên bố trong những buổi hội họp đông người rằng Anh đã chiến bại. Ngày 28 tháng 4, ông từ nhiệm Đại tá Không quân Trừ bị sau khi Tổng thống công khai cáo giác ông là kẻ chủ bại và nhân nhượng kẻ địch .

Ngày 4 tháng 5, Hitler phát biểu trước Nghị viện về tình hình Nam Tư: "Tất cả chúng ta đều sững sờ vì cuộc đảo chính ấy, do một nhúm người bị mua chuộc thực hiện... Quý vị sẽ hiểu được điều này khi tôi nghe tin về cuộc đảo chính, tôi lập tức ra lệnh tấn công Nam Tư. Không thể nào đối xử với Đế chế Đức theo cách đó." Dù tỏ ra tự phụ về các chiến thắng của mình, nhưng Hitler vẫn không thấu hiểu hết tình cảnh tuyệt vọng của Anh. Cùng ngày Hitler đang phát biểu trước Nghị viện, Churchill đã gửi thư cho Tổng thống Roosevelt nói về những hậu quả trầm trọng do việc mất Ai Cập cùng Trung Đông và khẩn cầu Mỹ tham chiến. Thủ tướng Anh đang trải qua một trong những thời kỳ đen tối nhất suốt cuộc chiến. Ông viết: "Ngài Tổng thống, tôi cầu xin ông đừng đánh giá thấp những hệ luỵ có thể theo sau sự sụp đổ ở Trung Đông." Hải quân Đức thúc giục Lãnh tụ nên tận dụng cơ hội. Rashid Ali, tân Thủ tướng Iraq thân Đức, dẫn đầu cuộc tấn công căn cứ Anh ở bên ngoài Bagdad và kêu gọi Hitler hỗ trợ đánh đuổi quân Anh ra khỏi nước ông. Vốn vẫn luôn thờ ơ việc đánh Liên Xô, Raeder kêu gọi Hitler nên tổng tấn công ở Ai Cập và vùng kênh đào Suez, còn Rommel cũng kêu gọi việc tương tự ở Bắc Phi vì muốn tiếp tục tiến công sau khi nhận thêm tăng viện. Raeder nói với Hitler: "Đòn đánh này sẽ là tai hại hơn cho Đế quốc Anh so với việc chiếm London!" Ông trao cho Hitler bản ghi nhớ do Phòng Hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân soạn, đề xuất là dù Chiến dịch Barbarossa "dĩ nhiên là có tầm quan trọng đối với Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, nhưng ta không bao giờ được bãi bỏ hay trì hoãn việc tiến hành cuộc chiến ở Địa Trung Hải." Nhưng Lãnh tụ đã quyết định, thật ra từ mùa Giáng sinh đến giờ ông ta không thay đổi quyết định gì cả, mà vẫn nói với Raeder rằng "trước hết phải tiêu diệt" Liên Xô. Đầu óc của ông luôn gò bó trong đất liền và không hiểu được chiến lược rộng lớn hơn mà Hải quân đang hô hào. Thậm chí trước khi Reader và Bộ Tư lệnh Hải quân thúc giục ông vào cuối tháng Năm thì ông đã soạn Chỉ thị số 30, ban hành ngày 25 tháng 5. Ông chỉ gửi một phái bộ quân sự, vài máy bay và chút ít vũ khí đến trợ giúp Iraq. Nhưng ông thấy không cần phải làm gì thêm ngoài động thái nhỏ nhoi này. Về chiến lược táo bạo ở tầm mức rộng lớn mà các Đô đốc và Rommel kêu gọi, Hitler trả lời là chỉ xét đến sau khi đánh bại Nga, mọi việc khác phải chờ .

Đó là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Vào thời điểm này, cuối tháng 5 năm 1941, chỉ cần một lực lượng nhỏ thôi thì đáng lẽ Hitler đã có thể giáng cho Anh một đòn nặng, có thể là đòn chí tử. Không ai nhìn thấy rõ điều này như Churchill. Nhưng Hitler lại không hiểu ra điều đó. Sự mù quáng của ông còn khó hiểu hơn vì chiến dịch ở vùng Balkans đã làm trì hoãn Chiến dịch Barbarossa nhiều tuần, do đó có thể gây nguy hại cho Đức. Bởi vì, có một khoảng thời gian không thể thay đổi đó là: mùa đông ở Nga, vốn đã giúp Nga đánh bại Charles XII và Napoléon. Đức chỉ có 6 tháng trước mùa đông để tràn vào một đất nước bao la từ trước tới giờ chưa hề chiến bại vì bất kỳ một cuộc tiến công nào từ phía Tây. Tháng Sáu đã đến, đội quân đông đảo ở Nam Tư và Hy Lạp phải được điều về qua lộ trình dài đến biên giới Nga, sử dụng đường bộ không được trải nhựa và đường sắt cũ kỹ .

Sự chậm trễ hoá ra cực kỳ tai hại. Những người ca ngợi thiên tài quân sự của Hitler biện luận rằng chiến dịch ở vùng Balkans không gây chậm trễ lắm cho Chiến dịch Barbarossa và rằng sự trì trệ chủ yếu là do năm ấy tuyết tan chậm, khiến cho các tuyến đường lầy lội cho đến giữa tháng Sáu. Nhưng những lời khai của tướng lĩnh Đức thì biện luận ngược lại. Thống chế Friedrich Paulus, với tên tuổi gắn liền với Stalingrad, người lúc này giữ vai trò chủ chốt ở Bộ Tham mưu Lục quân trong việc lập kế hoạch hành quân đánh Liên Xô, khai trước Toà án Nuremberg rằng quyết định của Hitler đánh Nam Tư khiến cho Chiến dịch Barbarossa bị chậm trễ "khoảng 5 tuần lễ". Nhật ký Chiến tranh của Hải quân đưa ra khoảng thời gian tương tự. Thống chế von Rundstedt, người sẽ nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân Nam ở Nga, sau chiến tranh khai rằng do chiến dịch Balkans, "chúng tôi đã khởi đầu chậm ít nhất 4 tuần lễ... và đó là một sự chậm trễ rất đắt giá" .

Dù sao đi nữa, vào ngày 30 tháng 4, sau khi các đoàn quân chấm dứt cuộc thôn tính Nam Tư và Hy Lạp, Hitler đã định ngày khởi đầu mới cho Barbarossa: 22 tháng 6 năm 1941 .

KẾ HOẠCH KHỦNG BỐ Không có sự khoan nhượng nào khi chiếm đóng Liên Xô. Hitler nhất quyết đòi hỏi các tướng lĩnh phải hiểu rõ điều này. Đầu tháng 3 năm 1941, Hitler triệu tướng lĩnh của ba quân chủng đến để nghe ông ta ra lề luật. Halder ghi chép: "Sẽ tiến hành cuộc chiến chống Nga không phải theo kiểu của hiệp sĩ. Đây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ và về những dị biệt chủng tộc, sẽ được tiến hành với sự khắc nghiệt chưa từng có, không khoan nhượng và không ngừng nghỉ. Tôi biết các tướng lĩnh không thể hiểu được sự cần thiết phải áp dụng những cách thức tiến hành chiến tranh như thế... Nhưng tôi đòi hỏi mọi người phải tuyệt đối tuân hành lệnh của tôi mà không được cưỡng lại gì cả. Các Chính uỷ [của quân đội Liên Xô] là những người mang ý thức hệ trực tiếp chống lại chủ nghĩa Quốc gia Xã hội. Vì thế, phải tiêu diệt các Chính uỷ. Binh sĩ Đức nào vi phạm công pháp quốc tế... sẽ được miễn tố. Nga không tham gia Công ước Hague và vì thế không có quyền gì trong Công ước này." Đó là cách "Lệnh về Chính uỷ" được ban hành và sẽ được bàn cãi rất nhiều ở Toà án Nuremberg, khi các tướng lĩnh Đức bị đặt câu hỏi về đạo đức: Phải tuân theo lệnh của Lãnh tụ mà phạm tội ác chiến tranh hay phải tuân theo lương tâm của chính cá nhân mình .

Khi đề cập đến Lệnh về Chính uỷ, Thống chế von Manstein khai trước phiên toà rằng: "Đó là lần đầu tiên tôi thấy mình bị giằng co giữa ý niệm về người lính và nghĩa vụ phải tuân hành. Thật ra, tôi phải tuân theo mệnh lệnh, nhưng tôi tự nhủ với tư cách một người lính thì tôi không thể nào hợp tác trong vụ việc như thế. Tôi nói với Tư lệnh của Tập đoàn quân mà tôi phục vụ lúc bấy giờ... rằng tôi sẽ không thi hành những mệnh lệnh vốn đi ngược lại danh dự của một người lính." Tuy vậy, cần phải ghi nhận một thực tế là lệnh này đã được thi hành trên diện rộng .

Theo Halder, các tướng lĩnh đều phẫn nộ với lệnh này và ngay sau khi buổi họp chấm dứt, họ phản đối với Tư lệnh Lục quân Brauchitsch. Vị Thống chế hèn yếu hứa sẽ "đấu tranh chống lại lệnh này theo cách thức được cho phép". Sau đó, Halder nhất quyết cho biết Brauchitsch đã thông báo bằng văn bản cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng tướng lĩnh Lục quân rằng "không bao giờ có thể thi hành những mệnh lệnh như vậy". Nhưng có đúng là ông đã làm thế không? Brauchitsch thú nhận trước Toà án Nuremberg rằng mình đã không có động thái như thế với Hitler "bởi lẽ không gì trên thế gian này có thể thay đổi thái độ của ông ấy". Ông nói mình chỉ ra một lệnh bằng văn bản rằng "phải duy trì chặt chẽ kỷ luật của Quân đội theo những đường hướng và quy luật đã được áp dụng trong quá khứ" .

Chánh án phiên toà hỏi: "Ông không ra lệnh gì trực tiếp liên quan đến Lệnh về Chính uỷ hay sao?" Brauchitsch trả lời: "Đúng. Tôi không thể trực tiếp thu hồi lệnh ấy." Các sĩ quan quân đội theo truyền thống Phổ còn có thêm cơ hội để đấu tranh tư tưởng khi Tướng Keitel thay mặt Lãnh tụ ban hành chỉ thị ngày 13 tháng 5: "Cho đến khi có lệnh mới, những tội trạng của dân thường bên địch [ở Nga] không còn được đặt dưới quyền hạn của toà án binh... Lập tức đưa những nghi can thuộc tội hình sự đến trước một sĩ quan. Sĩ quan này sẽ quyết định xử bắn họ hay không .

Về những tội trạng do binh sĩ Đức vi phạm đối với dân thường bên địch, thì không bắt buộc phải truy tố, ngay cả trong trường hợp cùng lúc có hành động cấu thành tội về quân sự." Quân đội nhận lệnh phải khoan dung với những tội trạng như thế và được nhắc nhở rằng nên nhớ lại người Bolshevik đã làm hại Đức như thế nào kể từ năm 1918. Binh sĩ sẽ chỉ ra toà án binh nếu "điều đó nhằm duy trì kỷ luật hoặc an ninh của các lực lượng". Trong mọi trường hợp, bản án phải theo đúng ý đồ chính trị của Bộ Chỉ huy Tối cao. Chỉ thị này "phải được xem là tối mật" .

Ngày 27 tháng 7 năm 1941, Keitel ra lệnh tiêu huỷ mọi bản chỉ thị, dù "hiệu lực của chỉ thị không bị ảnh hưởng do việc tiêu huỷ này". Sau đó, ông cũng ra lệnh tiêu huỷ chỉ thị ngày 27 tháng 7. Nhưng cả 2 văn bản của chỉ thị đều tồn tại sau chiến tranh và được đưa ra trước Toà án Nuremberg để tiếp tục ám ảnh Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực .

4 ngày trước, 22 tháng 7, Keitel ban hành một chỉ thị khác ghi "Tối Mật": "Vào ngày 22 tháng 7, sau khi tham khảo với Tư lệnh Lục quân [Brauchitsch], Lãnh tụ ban hành lệnh sau: 'Xét qua diện tích rộng lớn ở phía Đông, các lực lượng chỉ có thể duy trì an ninh nếu trừng trị tất cả sự chống đối không phải qua đường lối pháp luật, mà qua khủng bố của lực lượng chiếm đóng nhằm tiêu diệt mọi mầm mống chống đối trong quần chúng'." Keitel còn thừa lệnh Hitler ký một chỉ thị khác giao cho Himmler "những nhiệm vụ đặc biệt", nhằm chuẩn bị cho việc điều hành chính trị ở Liên Xô – "những nhiệm vụ phải được thực hiện vì sự tranh đấu giữa 2 hệ thống chính trị đối kháng nhau". Himmler được cử làm nhiệm vụ "độc lập" đối với Quân đội, "bằng chính trách nhiệm của ông ấy". Các tướng lĩnh đều hiểu rõ "những nhiệm vụ đặc biệt" là gì, dù trước Toà án Nuremberg họ đều chối là không biết. Hơn nữa, chỉ thị còn quy định phong toả kín từng vùng bị chiếm đóng ở Liên Xô trong khi Himmler thi hành nhiệm vụ. Hitler ra lệnh ngay cả những "nhân vật cao nhất của Chính phủ và Đảng" cũng không được quyền vào xem xét. Chỉ thị ấy cũng giao cho Goering nhiệm vụ "khai thác đất nước và thu nhận những tài sản kinh tế để công nghiệp Đức sử dụng". Nhân tiện, Hitler cũng quy định ngay sau khi chấm dứt các cuộc hành quân, Liên Xô sẽ được "chia ra thành những bang riêng rẽ với chính quyền riêng" .

Alfred Rosenberg, nhà tư tưởng hàng đầu của Quốc xã, nhận công tác này với chức vụ có tên dài dòng là "uỷ viên Kiểm soát Trung ương những Vấn đề Liên quan đến Đông Âu". Con người ngu đần này lập tức bắt tay vào việc với tài năng thiên bẩm trong việc chuyên hiểu lệch lạc lịch sử, ngay cả lịch sử nước Nga – nơi ông sinh ra và học tập. Toàn bộ hồ sơ dày cộm của Rosenberg bị tịch thu cho thấy nội dung đáng chán như các cuốn sách của ông, như phần những kế hoạch của Hitler dành cho Liên Xô chẳng hạn .

Rosenberg soạn thảo cách thức chia nước Nga phía châu Âu ra nhiều vùng gọi là Dân uỷ Đế chế. Phần Ba Lan thuộc Nga sẽ là xứ Bảo hộ gọi là Ostland, Ukraine là "bang độc lập liên minh với Đức", một "đặc mệnh toàn quyền" Đức sẽ điều hành Caucasia với nhiều mỏ dầu, còn các nước vùng Baltic và Bạch Nga sẽ tạo thành một nước bảo hộ để sáp nhập thẳng vào Đế chế Đại Đức. Dân 2 nước Latvia và Estonia sẽ bị đi đày trên diện rộng. Rosenberg còn ra lệnh: "Biển Baltic phải trở thành biển nội địa của Đại Đức." 2 ngày trước khi lực lượng xuất phát, Rosenberg ra lệnh cho những người sẽ nhận công tác điều hành nước Nga rằng: "Việc cung ứng thực phẩm cho người Đức là yêu cầu ưu tiên trong danh sách khai thác của Đức ở phía Đông. Các lãnh thổ miền Nam [nước Nga] sẽ là để phục vụ... cho việc cung ứng thực phẩm cho người Đức .

Chúng ta không có nghĩa vụ phải nuôi ăn người Nga bằng sản phẩm của lãnh thổ dư thừa này. Rõ ràng đó là sự cần thiết thô thiển, chẳng ích gì... Người Nga sẽ có những năm rất khó khăn trước mắt." Đó đúng là những năm rất khó khăn cho Nga, vì người Đức định cố tình bỏ đói hàng triệu người Nga! Là người nhận nhiệm vụ khai thác kinh tế của Liên Xô, Goering còn nói rõ hơn Rosenberg. Trong chỉ thị ngày 23 tháng 5 năm 1941, Chuyên viên Kinh tế của ông, East, quy định thực phẩm dư thừa ở vành đai đất thịt đen phía Nam (chủ yếu là Ukraine) không được mang đến cho những vùng công nghiệp vốn sẽ bị phá huỷ. Công nhân và gia đình họ ở những vùng này bị để mặc cho chết đói, hoặc nếu có thể, chuyển đến sống ở Siberia. Phải dùng sản lượng nông nghiệp của Liên Xô để cung phụng người Đức. Chỉ thị nêu rõ: "Chính quyền Đức ở những lãnh thổ này có thể tìm cách giảm thiểu hệ luỵ của nạn đói vốn chắc chắn sẽ xảy ra, đồng thời trở lại cách canh tác xưa cũ. Tuy nhiên, những biện pháp này sẽ không cứu được nạn đói. Bất kỳ cách thức nào cứu đói bằng cách nhập khẩu lương thực dư thừa từ vùng đất đen sẽ khiến cho việc cung cấp lương thực cho châu Âu bị giảm. Việc này sẽ làm suy giảm năng lực chiến đấu của Đức, tổn hại cho sức mạnh của Đức và châu Âu chống lại phong toả. Phải hiểu thật rõ vấn đề này." Bao nhiêu dân thường Nga sẽ thiệt mạng vì chính sách bỏ đói này? Một biên bản mật của cuộc họp các bộ trưởng ngày 2 tháng 5 ghi: "Chắc chắn là nhiều triệu người sẽ chết đói nếu ta mang ra khỏi nước [Nga] những thứ cần thiết cho ta." Có một người Đức nào phản đối sự tàn bạo và kế hoạch chi ly sẽ khiến cho hàng triệu người sẽ chết đói này hay không? Trong tất cả các bản ghi nhớ liên quan đến các chỉ thị của Đức nhằm khai thác nước Nga, không thấy ghi có ai đã lên tiếng phản đối. Điều đó có nghĩa là những kế hoạch này không chỉ là những chuyện hoang tưởng dã man của Hitler, Goering, Himmler và Rosenberg. Tài liệu cho thấy trong nhiều tháng, hàng trăm quan chức Đức cặm cụi làm việc ở bàn giấy, cộng những con số và soạn những bản ghi nhớ để trù định một cách lạnh lùng việc sát hại hàng triệu người .

Trong trường hợp này, cách sát hại là để cho chết đói. Còn Heinrich Himmler, với khuôn mặt hiền từ lúc trước chuyên nuôi gà, nay lại ngồi ở bàn giấy tại tổng hành dinh S.S. ở Berlin, đọc qua những kế hoạch cho việc tàn sát hàng triệu người khác bằng cách thức nhanh chóng và tàn bạo hơn .

Khi đang nghỉ dưỡng ở Berghof ngày 10 tháng 5 năm 1941, Hitler nhận được một tin kỳ lạ và bất ngờ khiến cho ông chấn động đến tận xương tuỷ và tâm trí ông ta phải nhất thời bỏ qua việc chiến tranh. Cộng sự thân tín nhất của Hitler, người đứng hàng thứ hai trong thứ tự kế nhiệm Hitler làm Lãnh tụ sau Goering, người đã trung thành với ông ta một cách cuồng tín từ năm 1921, đã bỏ hàng ngũ mà bay sang với kẻ thù! CUỘC TRỐN CHẠY CỦA RUDOLF HESS Tiến sĩ Schmidt kể lại là báo cáo đầu tiên ngày 10 tháng 5 về việc Rudolf Hess một mình lái chiếc máy bay chiến đấu Messerschmitt-110 bay đến Scotland đã giáng cho Hitler một đòn "như thể một quả bom rơi xuống Berghof". Tướng Keitel thấy Lãnh tụ bước tới bước lui trong phòng làm việc rộng rãi của ông ta, đưa một ngón tay chỉ lên đầu và lẩm bẩm rằng có lẽ Hess đã hoá điên .

Kế tiếp, Hitler nhận được một bức thư của Hess ít giờ sau khi ông này cất cánh từ Augsburg lúc 5 giờ 45 chiều. Hitler nói với Keitel: "Tôi không nhận ra Hess trong bức thư. Đó là một người khác. Có lẽ chuyện gì đó đã xảy đến với ông ta, có lẽ là một sự xáo trộn thần kinh nào đấy." Churchill cũng cảm thấy khó hiểu khi được tin Hess bay đến. Stalin cũng rất nghi ngờ. Suốt cuộc chiến, sự kiện này vẫn là một bí ẩn và chỉ được làm sáng tỏ ở Toà án Nuremberg khi mà Hess là một trong những bị can. Bây giờ ta có thể xem qua các sự kiện .

Vốn là người mụ mị, nhưng không đến nỗi đần độn như Rosenberg, Hess tự ý bay sang Anh với ý nghĩ hoang đường là mình có thể dàn xếp hoà bình. Nhưng ông có ý thành thực, hình như không có lý do nào để ngờ vực điều này. Hess đã gặp Quận công Hamilton tại Thế vận hội ở Berlin năm 1936. Ông nhảy dù ra khỏi máy bay cách nhà của vị Quận công không đến 20 km – cho thấy kỹ năng lái máy bay tài giỏi của ông – rồi nhờ một nông dân dẫn đường đến gặp vị Quận công. Lúc ấy, Hamilton, một Trung tá của Không lực Hoàng gia Anh, đang làm nhiệm vụ trong một đài chỉ huy khu vực và đã theo dấu chiếc máy bay của Hess từ bờ biển bay vào rồi đáp xuống đất lúc 10 giờ tối. Một giờ sau, ông được báo là phi công của chiếc máy bay ấy cho biết đang thực hiện một "nhiệm vụ đặc biệt" và muốn gặp Quận công Hamilton. Chính quyền Anh dàn xếp cho 2 người gặp nhau sáng ngày hôm sau .

Hess giải thích với Quận công rằng mình đang làm một "nhiệm vụ nhân ái, Lãnh tụ không muốn đánh bại nước Anh và muốn chấm dứt đánh nhau." Ông là một Bộ trưởng trong Nội các Quốc xã, điều đó cho thấy "lòng thành thực và ý muốn của Đức về hoà bình". Trong những buổi hội kiến, ông luôn nói Đức sẽ thắng trong cuộc chiến và nếu cứ đánh nhau, nước Anh sẽ vô cùng cực khổ. Vì thế, Anh nên nhân cơ hội ông đến đây mà đàm phán hoà bình. Hess còn yêu cầu Quận công xin "nhà Vua 'tạm tha' cho mình vì ông không mang vũ khí và tự tìm đến". Sau đó, ông còn đòi hỏi một sự đối xử tử tế với ông cho xứng tầm với một thành viên Nội các .

Những buổi trao đổi kế tiếp, chỉ ngoại trừ một lần, còn thì đều được chủ trì bởi Ivone Kirkpatrick, cựu Bí thư thứ Nhất tại Đại sứ quán Anh ở Berlin và những báo cáo của ông đã được trình ra Toà án Nuremberg. Những đề nghị của Hess không khác những gì Hitler đã thúc giục Chamberlain: Anh phải cho Đức tự do hành động ở châu Âu, đổi lại Đức cho Anh "hoàn toàn tự do trên Đế quốc Anh". Những thuộc địa trước đây của Đức phải được trả lại và dĩ nhiên Anh phải ký kết hoà ước với Ý. Kirkpatrick báo cáo: "... đề xuất sẽ chỉ được đàm phán với một Chính phủ Anh khác với Chính phủ hiện giờ. Ông Churchill, người đã trù định chiến tranh từ năm 1936, cùng những cộng sự đã góp phần vào chính sách chiến tranh của ông, không phải là những người Lãnh tụ có thể đàm phán." Đối với một người Đức đã kinh qua những cuộc đấu tranh trong Đảng Quốc xã và rồi trong Đế chế Thứ Ba, Rudolf Hess tỏ ra ngây thơ một cách kỳ quặc. Ông đòi hỏi Churchill phải tiếp kiến, nếu không thì là "Đảng đối lập", mà ông nghĩ Quận công Hamilton là một trong những nhà lãnh đạo, sẽ phải tiếp kiến ông. Khi chỉ có Kirkpatrick thay mặt Anh đến gặp, ông tỏ ra hiếu chiến và có thái độ đe doạ. Ông nói Anh sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng vì Đức sẽ phong toả cả chính quốc Anh. Nếu Anh từ chối đàm phán, Hitler sẽ phá huỷ hoàn toàn nước Anh. Hess còn khăng khăng cho rằng số lượng người tham gia đàm phán phải thật ít vì: "Với cương vị một Bộ trưởng Đế chế, ông ấy không thể tự đặt mình vào vị thế đơn độc, bị một số đông người tới tấp đưa ra những lời nhận xét và câu hỏi." Sau điều kiện nực cười này, cuộc trao đổi giữa 2 người chấm dứt. Nhưng ngạc nhiên thay, theo như Churchill, Nội các Anh "mời" Lord Simon đến dò hỏi thêm ý định của Hess vào ngày 10 tháng 6. Simon hứa sẽ mang các đề xuất của Hess đến cho Chính phủ Anh xem xét .

Toà án Nuremberg, Hess khai rằng Lord Simon đã tự giới thiệu với ông là "Tiến sĩ Guthrie" và tuyên bố "Tôi đến với thẩm quyền do Chính phủ Anh trao cho và tôi sẵn sàng thảo luận với ông về bất kỳ việc nào ông muốn thông báo cho Chính phủ." Động lực của Hess là rõ ràng, ông thực tâm muốn hoà bình với Anh. Ông tin chắc rằng Đức sẽ thắng cuộc và tiêu diệt Vương quốc Liên hiệp Anh nếu không đạt được thoả thuận hoà bình. Ngoài ra cũng có những động lực khác nữa. Cuộc chiến khiến cho địa vị của Hess suy giảm. Điều hành Đảng Quốc xã trong chiến tranh là công việc đáng chán và chẳng còn là quan trọng. Vị thế nổi bật hiện giờ là điều hành chiến tranh và ngoại giao. Đó là những lĩnh vực được Lãnh tụ chú ý hơn bất kỳ việc gì khác và đã đưa Goering, Ribbentrop, Himmler và Goebbels lên đài danh vọng. Hess cảm thấy chán nản và ganh tỵ. Còn có cách nào cải thiện vị thế của mình tốt hơn là một tay ông dàn xếp được hoà bình giữa Đức và Anh? Cuối cùng, giống như các nhà lãnh đạo Quốc xã khác – như chính Hitler và Himmler – Hess tin vào chiêm tinh học. Tại Toà án Nuremberg, ông khai rằng vào cuối năm, một chiêm tinh gia đã đoán ông có vận mệnh mang lại hoà bình giữa 2 quốc gia vĩ đại "Nordic" .

Cũng tại Toà án Nuremberg, một công tố viên người Nga cho rằng còn có một lý do khác nữa chính là: Hess muốn dàn xếp hoà bình để Đức sẽ chỉ cần phải chiến đấu trên một mặt trận. Stalin cũng tin như thế. Ông cho rằng có âm mưu giữa Churchill và Hitler nhằm giúp Đức được rảnh tay để đánh Liên Xô. 3 năm sau vụ việc này, khi Thủ tướng Anh viếng thăm Moscow lần thứ hai, ông cố trình bày sự thật, nhưng Stalin vẫn không tin. Từ những lời gặng hỏi của Kirkpatrick, rõ ràng là Hess hoặc không biết gì về Chiến dịch Barbarossa, hoặc nếu có thì cũng không biết ngày khởi động .

Hitler đã phải trải qua những ngày xấu hổ nhất trong đời, khi nhận ra rằng uy tín của chế độ suy giảm trầm trọng vì hành động của nhân vật thân tín nhất. Làm thế nào giải thích với nhân dân Đức và thế giới bên ngoài? Dù ông ta tin rằng sẽ không có hành động nào phản trắc hay âm mưu nào chống lại mình. Ít ngày sau, báo chí đăng tin ngôi sao sáng một thời của chủ nghĩa Quốc gia Xã hội đã trở thành một người không sống theo thực tế mà tự dối mình, quẫn trí, mụ mị do những vết thương từ Thế chiến I. Bản thông cáo chính thức cho biết: "Dường như đồng chí Hess đang sống trong ảo tưởng, vì thế ông ấy nghĩ rằng có thể mang đến mối cảm thông giữa Anh và Đức... Tuy nhiên, chuyện này sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp tục tiến hành chiến tranh..." Hitler bí mật ra lệnh xử bắn ngay Hess nếu ông này trở về, đồng thời chính thức tước bỏ mọi chức vụ, cử Martin Bormann vào thay thế chức vụ Phó Lãnh tụ Đảng Quốc xã. Lãnh tụ mong vụ việc kỳ quặc này sẽ nhanh chóng trôi vào quên lãng, để đầu óc của ông ta có thể quay trở lại với chiến dịch tấn công Liên Xô .

Hess bị Chính phủ Anh đối xử như tù binh chiến tranh cho đến năm 1945 khi ông bị đưa ra xử trước Toà án Nuremberg. Ông thường giả vờ mất hết trí nhớ (nhưng chắc chắn là tinh thần ông có bị khủng hoảng). Hess nhận án tù chung thân, thoát khỏi bản án tử hình nhờ tinh thần suy sụp .

CƠN KHỐN KHỔ CỦA ĐIỆN KREMLIN Có nhiều dấu hiệu cho thấy ý đồ của Hitler: Đức tăng cường lực lượng ở Ba Lan, quân Đức hiện diện tại Balkans, Đức thôn tính Nam Tư và Hy Lạp, Đức chiếm đóng Rumania, Bulgaria và Hungary .

Tuy thế, những nhân vật tại Kremlin, nhất là Stalin – vốn nổi tiếng là những người có tính thực tế – lại mù quáng nuôi hy vọng rằng bằng cách nào đấy Liên Xô sẽ thoát khỏi cơn cuồng nộ của kẻ chuyên chế. Lẽ tự nhiên là họ nghi ngờ dựa trên những sự kiện hiển nhiên và không tránh khỏi bất mãn vì những động thái của Hitler ở Đông Nam châu Âu. Tuy nhiên, có điều gì đấy không thực, gần như là khó tin, khá kệch cỡm, trong những trao đổi ngoại giao giữa Liên Xô và Đức giữa mùa xuân này (được ghi lại đầy đủ trong tài liệu của Quốc xã), trong đó Đức vụng về cố lừa dối Liên Xô cho đến lúc cuối, còn giới lãnh đạo Liên Xô không thể nhận ra thực tế và có những hành động đúng lúc .

Liên Xô đã vài lần phản đối Đức mang quân vào Rumania và Bulgaria, rồi tấn công Nam Tư và Hy Lạp trong sự vi phạm Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô, đồng thời đe doạ đến những "quyền lợi về an ninh" của Liên Xô. Nhưng Liên Xô vẫn tìm mọi cách xoa dịu Đức khi mà ngày Đức định tấn công đang đến gần. Đích thân Stalin đi đầu trong việc này. Ngày 13 tháng 4 năm 1941, Đại sứ von der Schulenburg gửi điện về Berlin, thuật lại việc đưa tiễn Đại sứ Nhật về nước, đồng thời báo cáo rằng Stalin tỏ "thái độ thân thiện một cách đáng ngạc nhiên" đối với cả 2 nhà ngoại giao Nhật và Đức. Schulenburg kể lại rằng, tại sân ga "Stalin công khai hỏi chuyện tôi... và vòng 2 tay ôm vai tôi rồi nói: 'Chúng ta phải luôn là bạn với nhau và ông phải làm mọi việc vì điều này!' Sau đó, Stalin quay sang Đại tá Krebs, quyền Tuỳ viên Quân sự, hỏi cho rõ ông có đúng là người Đức không, rồi nói với ông: 'Chúng tôi sẽ là bạn của các ông – dù hoàn cảnh thế nào đi nữa!'." 3 ngày sau, Đại biện lâm thời Tippelskirch gửi điện về Berlin cũng nêu rõ thái độ thân thiện của Stalin ở sân ga và cho biết điều này là đặc biệt quan trọng khi "xét qua những lời đồn đại đang lan truyền về xung đột sắp đến giữa Đức và Liên Xô". Ngày hôm trước, Tippelskirch thông báo về Berlin rằng Liên Xô đã chấp nhận "vô điều kiện" những đề xuất của Đức về việc phân định đường biên giới giữa 2 nước. Ông nói: "Thái độ thoả hiệp của Chính phủ Liên Xô là đáng ngạc nhiên." Xét qua những gì đang mưu đồ ở Berlin thì đúng là ngạc nhiên thật .

Liên Xô tiếp tục thoả hiệp vì vẫn cung ứng cho Đức những nguyên liệu quan trọng trong khi Đức đang bị Anh phong toả đường biển. Ngày 5 tháng 4 năm 1941, Tiến sĩ Schnurre, nhà đàm phán thương mại của Đức ở Liên Xô, hồ hởi báo cáo cho các lãnh đạo Quốc xã rằng Liên Xô vẫn chuyên chở đến Đức ngũ cốc, xăng dầu, quặng mangan, cao su... Ông còn nói thêm: "Sự trung chuyển qua Siberia đang được tiến hành thuận lợi như trước đây. Theo yêu cầu của ta, Chính phủ Xô Viết còn trao cho ta xe lửa hàng để ta sử dụng chở cao su ở biên giới Mãn Châu." 6 tuần kế tiếp, ngày 15 tháng 5, Schnurre báo cáo: "Khối lượng nguyên vật liệu được Nga giao đúng kỳ hạn, cho dù họ đang gặp khó khăn... Tôi có cảm nghĩ rằng ta có thể yêu cầu Moscow nhiều hơn so với nội dung trong hiệp định ngày 10 tháng 1, để nhận thêm thực phẩm và nguyên vật liệu ngoài khối lượng mà 2 bên đã ký kết." Tuy nhiên, Tiến sĩ Schnurre, cảm thấy không yên tâm về "những khó khăn do vô số tin đồn đại về cuộc xung đột Đức-Nga sắp đến". Điều kỳ lạ là những "khó khăn" mà ông nghĩ đến không phải xuất phát từ Liên Xô, mà là từ các công ty Đức đang cố rút lui khỏi các hợp đồng với người Nga .

Hitler luôn tìm mọi cách để phủ nhận những tin đồn ấy, nhưng đồng thời vẫn cố thuyết phục các tướng lĩnh và quan chức hàng đầu của Đức rằng Đức đang có nguy cơ bị Liên Xô tấn công .

Bá tước von der Schulenburg, người vừa từ Moscow trở về, cố giải thích với Hitler vào ngày 28 tháng 4 rằng: "Nga đang lo lắng về những tin đồn rằng Đức sẽ tấn công Nga. Tôi không thể tin rằng Nga sẽ tấn công Đức... Nếu Stalin đã không ngả về phe Anh và Pháp năm 1939 khi 2 nước này còn mạnh, thì chắc chắn bây giờ ông ấy sẽ không làm thế, khi mà Pháp đã bị đánh bại và Anh đang chịu thiệt hại nặng. Ngược lại, tôi tin chắc rằng Stalin còn sẵn sàng nhân nhượng thêm cho ta." Lãnh tụ giả vờ ra vẻ không tin. Ông nói mình đã được "cảnh báo do những biến cố ở Nam Tư... Chẳng lẽ người Nga đã bị ma ám nên mới ký hiệp ước với Nam Tư?" Đó là nói đến việc ngày 5 tháng 4, một ngày trước khi Đức tấn công Nam Tư, Chính phủ Liên Xô đã vội vã ký Hiệp ước Bất tương xâm và Hữu nghị với Chính phủ mới của Nam Tư, hiển nhiên với mục đích đi trước Đức một bước. Đêm trước đó, Molotov đã thông báo cho Schulenburg về tin này. Vị Đại sứ thốt lên: "thời điểm thật là không may", đồng thời cố thuyết phục Nga ít nhất nên hoãn lại ngày ký hiệp ước, nhưng ông đã không thành công .

Thời điểm đó, Hitler bảo rằng mình cũng không tin Liên Xô sẽ tấn công Đức, nhưng ông vẫn "phải cẩn thận". Ông không nói cho Đại sứ của mình những kế hoạch tấn công Liên Xô và Đại sứ Schulenburg – con người chân thật và chính trực – hoàn toàn không biết gì cho đến phút chót .

Stalin cũng không biết, tuy đã có rất nhiều những biểu hiện và sự cảnh báo. Ngày 22 tháng 4, Chính phủ Liên Xô chính thức phản đối và thông báo chi tiết về việc 80 trường hợp máy bay Đức đã xâm phạm không phận Nga vào khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 3 đến 18 tháng 4. Trong một trường hợp, một máy bay do thám Đức đã đáp xuống với 1 máy ảnh, 1 cuộn phim đã chụp và 1 bản đồ địa hình các quân khu miền Tây của Liên Xô, "tất cả đều cho thấy mục đích của phi hành đoàn chiếc máy bay này". Nhưng trong khi phản đối, Liên Xô vẫn tỏ ra hoà hoãn. Họ ra lệnh cho quân phòng ngự biên giới: "Không bắn lên máy bay Đức trên không phận Liên Xô nếu các chuyến bay không diễn ra thường xuyên." Stalin còn có những động thái hoà hoãn thêm trong tháng Năm để làm vui lòng Hitler: trục xuất các nhà ngoại giao Bỉ, Na Uy và ngay cả Hy Lạp, công nhận Chính phủ thân Đức của Iraq, kiềm chế báo chí Nga để tránh gây hấn với Đức .

Ngày 12 tháng 5, Schulenburg báo cáo về Berlin: "Những động thái đó cho thấy ý định có tính toán của Chính phủ Stalin... nhằm giải toả căng thẳng giữa Liên Xô và Đức, đồng thời tạo ra bầu không khí tốt hơn cho tương lai. Ta nên nhớ rằng chính Stalin luôn cổ vũ quan hệ thân hữu giữa Đức và Liên Xô." Đây là lần đầu tiên Schulenburg đề cập đến "Chính phủ Stalin". Có lý do chính đáng cho việc này. Ngày 6 tháng 5, Stalin đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ, tức Thủ tướng thay cho Molotov, người vẫn còn giữ chức vụ Ngoại trưởng. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm chức vụ hành pháp. Phản ứng chung của thế giới là tình hình đã trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong quan hệ với Đức Quốc xã, đến nỗi chỉ Stalin mới có thể đảm nhiệm cả 2 cương vị đứng đầu Đảng và Chính phủ .

Điều này là đúng, nhưng còn có một lý do khác mà vị Đại sứ Nga sắc sảo báo cáo về Berlin đó là: Stalin không hài lòng khi thấy quan hệ Đức-Nga xấu đi và đổ lỗi cho cách cư xử ngoại giao vụng về của Molotov .

Schulenburg nói rằng: "Theo ý tôi, có thể tin chắc rằng Stalin đã xác định một mục tiêu đối ngoại có tầm quan trọng bao quát... mà ông ấy hy vọng có thể đạt được qua nỗ lực cá nhân mình. Tôi vững tin rằng trong khi tình hình thế giới đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Stalin đã tự mình định ra mục tiêu là phải giữ cho Liên Xô tránh xung đột với Đức." Liệu nhà lãnh đạo Nga lúc này – giữa tháng 5 năm 1941 – có nhận ra rằng đây chỉ là mục đích hão huyền? Chắc chắn ông phải biết ý nghĩa của việc Đức thôn tính Nam Tư và Hy Lạp, của việc quân Đức đang tập trung ở Rumania và Bulgaria sát biên giới Tây Nam của Liên Xô, của việc Đức tăng cường lực lượng ở Ba Lan sát biên giới phía Tây. Đến đầu tháng Sáu, những lời đồn đại về chiến tranh Đức-Nga ngày càng thêm lan truyền khiến Đại sứ Schulenburg và nhân viên của ông này phải vất vả chống đỡ. Ông tham mưu cho Berlin: "Xin nhớ cho rằng nếu tin đồn từ Đức cứ tiếp tục lan đến đây mãi và nếu người đi đến Moscow hoặc đi ngang qua Moscow có thể xác nhận tin đồn là đúng, thì nỗ lực bác bỏ tin đồn ở Moscow sẽ không có hiệu quả." Bản thân vị Đại sứ kỳ cựu bắt đầu tỏ ra nghi ngờ. Berlin chỉ thị cho ông phải tiếp tục bác bỏ các tin đồn, đồng thời thông báo không có việc Đức tập trung quân dọc biên giới Nga, mà ngược lại còn đang điều quân "từ đông sang tây". Có lẽ chính những chỉ thị này lại càng khiến cho vị Đại sứ thêm băn khoăn .

Nhưng trước đó, Stalin đã nhận được những cảnh báo cụ thể về kế hoạch tấn công của Hitler. Lời cảnh báo nghiêm trọng nhất là từ Chính phủ Hoa Kỳ .

Đầu tháng 1 năm 1941, Tuỳ viên Thương mại Mỹ tại Đức, Sam E .

Woods, gửi một báo cáo mật về Bộ Ngoại giao cho biết theo nguồn đáng tin cậy, Hitler đang chuẩn bị tấn công Liên Xô vào mùa xuân. Ông còn báo cáo chi tiết (khá chính xác) về kế hoạch hành quân của Quân đội Đức và những bước chuẩn bị để khai thác nền kinh tế của Liên Xô .

George Kennan, một nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, cho tôi hay là Đại sứ quán Mỹ đã biết trước từ vài nguồn tin rằng Đức sẽ tấn công Nga. 2 hoặc 3 tuần trước cuộc tấn công, Lãnh sự Kuydendall tại Koenigsberg đã gửi một báo cáo chỉ ra chính xác ngày bắt đầu cuộc tấn công .

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull ban đầu nghĩ Woods là nạn nhân của việc Đức gài tin thất thiệt. Ông gọi Giám đốc FBI J. Edgar Hoover và ông này cho biết tin tức ghi trong báo cáo là xác thực. Woods kể tên vài nguồn tin trong Nội các và Bộ Tham mưu Lục quân Đức, sau đó Mỹ kiểm chứng thấy những người này có quyền biết loại tin đã được cung cấp. Về sau, Hull được biết thêm rằng Woods có một người bạn Đức chống Quốc xã và người này có quan hệ với một số nhân viên cao cấp trong các bộ, Ngân hàng Nhà nước và Đảng Quốc xã. Người bạn này thường hẹn gặp Woods tại một số rạp chiếu phim ở Berlin hoặc ở những khu tối tăm để trao tài liệu viết tay .

Dù mối quan hệ Mỹ-Nga lúc này đang căng thẳng, Hull vẫn quyết định yêu cầu Thứ trưởng Ngoại giao Sumner Wells thông báo với Đại sứ Nga Constantine Oumansky. Đó là vào ngày 20 tháng 3. Wells kể lại: "Mặt ông Oumansky tái hẳn đi. Ông lặng im một hồi rồi chỉ nói: 'Tôi hoàn toàn nhận thức được tính nghiêm trọng của bản tin ông trao cho tôi. Chính phủ tôi sẽ lấy làm cảm kích về sự tin cậy của ông và tôi sẽ thông báo ngay về cuộc trao đổi giữa chúng ta'." Không rõ Chính phủ Liên Xô có cảm kích hoặc tin tưởng hay không, nhưng họ không hề phúc đáp cho Mỹ. Ngược lại, Liên Xô còn tỏ ra thù địch và hung hăng hơn vì việc Mỹ ủng hộ Anh nên không thể cung cấp cho Nga mọi nguyên liệu mà họ cần. Tuy thế, sau khi nhận tin tức từ phái bộ Mỹ ở Hungary và Thuỵ Điển vào đầu tháng Sáu cho biết Đức sẽ tấn công Liên Xô trong vòng 2 tuần, Hull gửi tiếp cho Đại sứ Mỹ Steindardt tại Nga để chuyển đến Molotov .

Churchill cũng tìm cách cảnh báo cho Stalin. Ngày 3 tháng 4, ông yêu cầu Đại sứ Anh Stafford Cripps tại Nga chuyển thư riêng của ông đến Stalin, có nội dung vạch ra ý nghĩa của việc Đức chuyển quân ở miền Nam Ba Lan mà ông nghe qua từ một điệp viên Anh. Sau này khi Churchill viết hồi ký, ông vẫn còn phật ý vì Cripps đã chậm trễ khi chuyển bức thư ấy .

Trước cuối tháng Tư, Cripps biết được ngày dự định cho cuộc tấn công Nga và người Đức cũng biết rằng ông đã biết. Ngày 24 tháng 4, Tuỳ viên Hải quân Đức tại Nga gửi một tin vắn đến Bộ Tư lệnh Hải quân ở Berlin: "Đại sứ Anh tiên đoán 22 tháng 6 là ngày chiến tranh bùng nổ." Bức điện này, nằm trong số tài liệu Quốc xã bị tịch thu, được ghi vào Nhật ký Chiến tranh của Hải quân cùng ngày, với dấu chấm than ở cuối. Các đô đốc Đức tỏ ra kinh ngạc về sự chính xác của lời tiên đoán từ Đại sứ Anh. Vị Tuỳ viên Hải quân, cũng như Đại sứ Đức tại Nga, đều không biết gì về bí mật này, nên đã thêm vào trong bức điện rằng đó "hiển nhiên là vô lý" .

Molotov hẳn cũng nghĩ như thế. Một tháng sau, ông tiếp Schulenburg để bàn vài việc. Vị Đại sứ Đức báo cáo về Berlin: "Ông ấy vẫn tỏ ra thân thiện, tự tin và thạo tin như lâu nay vẫn thế", đồng thời ông nêu rõ một lần nữa rằng Stalin và Molotov, "2 người có nhiều quyền lực nhất tại Liên bang Xô viết" đang nỗ lực "trên hết" để tránh xung đột với Đức .

Vị Đại sứ đã nhầm lẫn ở một điểm. Vào lúc này, Molotov chắc chắn không phải là người "thạo tin." Và vị Đại sứ cũng thế .

Ngày 14 tháng 4 năm 1941, chỉ 1 tuần trước cú đánh của Đức, người ta mới biết được rằng vị Dân uỷ Ngoại giao đang ở trong tình trạng mù tịt tin tức. Tối hôm ấy, Molotov đến trao cho Schulenburg bản tin của Hãng Thông tấn Tass đang được truyền thanh chính vào tối hôm ấy và sẽ được đăng tải trên báo chí sáng hôm sau. Đó là tuyên bố chính thức của Chính phủ Liên Xô, đổ lỗi cho Cripps vì "những đồn đại lan rộng bởi giới truyền thông Anh và nước ngoài về một cuộc chiến sắp diễn ra giữa Liên Xô và Đức", cho rằng đó là "điều hiển nhiên vô lý... một mánh khóe tuyên truyền vụng về của các thế lực thù địch với Liên Xô và Đức." Tuyên bố nói thêm: "Theo quan điểm của các giới chức Liên Xô, những đồn đại về ý đồ của Đức... nhằm mở cuộc tấn công Liên Xô là hoàn toàn vô căn cứ." Thậm chí những cuộc chuyển quân của Đức gần đây từ Balkans đến biên giới Nga được bản tuyên bố giải thích là "không ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga-Đức" .

Điều trái khoáy là bản tin của Tass thay mặt cho Chính phủ Liên Xô đã làm nổi bật lên 2 động thái của Đức, một là vào ngày đăng tải 15 tháng 6, một là vào ngày kế tiếp .

Khi hội ý với Ciano ở Venice, Ribbentrop gửi một bức điện mật cảnh báo Chính phủ Hungary nên "có biện pháp để bảo vệ đường biên giới." "Xét qua sự tập trung quân Nga ở biên giới phía Đông của Đức, chậm nhất đầu tháng Bảy Lãnh tụ có thể buộc phải làm rõ quan hệ Đức-Nga và kéo theo đó là một vài yêu sách." Đức báo tin cho Hungary, nhưng lại không báo cho Đồng minh chính yếu của mình. Khi Ciano dò hỏi Ribbentrop về tin đồn Đức sẽ tấn công Nga thì nhận được câu trả lời: "Anh Ciano ạ, tôi không thể nói gì với anh bởi lẽ tất cả quyết định là do Lãnh tụ đưa ra. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Nếu chúng tôi tấn công họ, thì nước Nga của Stalin sẽ bị xoá khỏi bản đồ trong vòng 8 tuần." Trong khi Điện Kremlin đang chuẩn bị tung ra bản thông cáo ngày 14 tháng 6 năm 1941 rằng những lời đồn đại về việc Đức tấn công Liên Xô "hiển nhiên là vô lý" ra thì chính vào ngày này, Adolf Hitler đã triệu tập hội nghị chiến tranh lần cuối về Chiến dịch Barbarossa với các chỉ huy quân sự. Lịch tập kết quân ở phía Đông và dàn quân ở các điểm xuất phát được thực hiện ngày 22 tháng 5. Ít ngày sau, lịch sửa đổi được ban hành. Đó là một tài liệu dài và chi li cho thấy vào đầu tháng Sáu, mọi phương án hành quân đều đã hoàn tất, việc điều động rộng lớn và phức tạp của binh sĩ, pháo, thiết giáp, máy bay, tàu thuyền và hậu cần đều được thực hiện đúng tiến độ. Các buổi họp với tướng lĩnh Rumania, Hungary và Phần Lan đã kết thúc .

Dù khối lượng công việc khổng lồ, nhưng cả Hitler và các tướng lĩnh đều tỏ ra tự tin khi họ rà soát lần cuối mọi chi tiết của một chiến dịch quân sự lớn lao nhất trong lịch sử – cuộc tấn công tổng lực dọc chiến tuyến kéo dài hơn 2.400 km từ Bắc Băng Dương xuống đến biển Đen .

Hội nghị chiến tranh lần cuối ngày 14 tháng 6 kéo dài từ 11 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút chiều, chỉ tạm dừng để ăn trưa, khi Hitler nói chuyện thân mật thêm với các tướng lĩnh. Halder ghi lại rằng đó là "bài diễn văn chính trị bao quát", trong đó Hitler khẳng định Đức phải tấn công Liên Xô vì lẽ sự sụp đổ của Liên Xô sẽ bắt buộc Anh phải đầu hàng. Nhưng nhà Lãnh tụ khát máu còn nhấn mạnh một điều khác. Keitel khai trước Toà án Nuremberg: "...đó là cuộc chiến quyết định giữa 2 ý thức hệ... các thông lệ mà những người lính chúng tôi đều biết – các thông lệ đúng đắn theo công pháp quốc tế – phải được xem xét bằng những chuẩn mực hoàn toàn khác biệt." Vì thế, theo Keitel, Hitler đã ra một loạt những mệnh lệnh nhằm thi hành chính sách khủng bố chưa từng có tiền lệ ở Liên Xô bằng những "phương tiện tàn khóc" .

Luật sư của Keitel hỏi: "Ông, hay bất kỳ một tướng lĩnh nào khác, có phản đối những mệnh lệnh ấy không?" Keitel đáp: "Không. Cá nhân tôi không phản đối." Và ông còn bổ sung rằng cũng không có tướng lĩnh nào phản đối. Điều gần như khó tin nhưng có thật là những người ở Điện Kremlin vốn nổi tiếng hay nghi ngờ, xảo trá và ương ngạnh – dù cho mọi chứng cứ và lời cảnh báo đã gí vào mũi họ, nhưng đến lúc cuối họ vẫn không nhận ra rằng mình sẽ bị đánh bằng một lực lượng suýt tiêu diệt cả đất nước Nga .

Lúc 9 giờ 30 phút tối ngày 21 tháng 6 năm 1941, 9 tiếng đồng hồ trước khi Đức khởi động tấn công, Molotov đã tiếp Đại sứ Đức Schulenburg tại văn phòng của mình trong điện Kremlin và thể hiện "sự ngớ ngẩn cuối cùng" của ông, theo cách nói của Churchill. Schulenburg gửi điện báo cáo về Berlin: "Có một số điểm mà Chính phủ Đức bất mãn với Chính phủ Liên Xô. Đang có những lời đồn đại rằng chiến tranh sắp bắt đầu giữa Đức và Liên Xô... Chính phủ Liên Xô không thể hiểu được những lý do cho sự bất mãn này... Ông ấy xin tôi cho biết chuyện gì đã khiến cho quan hệ Đức-Nga đi đến tình trạng hiện tại .

Tôi nói mình không thể trả lời câu hỏi của ông ấy, vì tôi thiếu các thông tin có liên quan." Chẳng bao lâu, Schulenburg sẽ có được thông tin .

Vì lẽ, Ribbentrop gửi một bức điện dài được mã hoá đề ngày 21 tháng 6 năm 1941, ghi "Tối khẩn, Bí mật Quốc gia, dành riêng cho cá nhân Đại sứ": "Khi nhận được bức điện này, phải phá huỷ tất cả mật mã. Phải tắt máy vô tuyến. Yêu cầu thông báo lập tức cho ông Molotov là anh có một công hàm khẩn cho ông ấy... Rồi trao bức công hàm này cho ông ta." Đó là một công hàm có ngôn từ quen thuộc, đầy những dối trá và bịa đặt mà Hitler và Ribbentrop đã trở thành chuyên gia vì đã nhiều lần nhào nặn ra để biện minh cho một hành động thù địch mới, dù không hề bị khiêu khích. Có lẽ công hàm này vượt lên mọi công hàm trước đây về mức độ vô liêm sỉ và lừa dối, ít nhất đó là cảm tưởng của tác giả khi đọc qua. Công hàm nói rằng trong khi Đức tôn trọng một cách trung thực Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô, thì Nga lại liên tục vi phạm. Liên bang Xô viết tiến hành "phá hoại, khủng bố và gián điệp" chống Đức. Liên Xô "chống lại nỗ lực của Đức nhằm thiết lập một nền trật tự ổn định ở châu Âu". Bằng cách tập trung "tất cả lực lượng sẵn có dọc phòng tuyến dài từ biển Baltic đến biển Đen", Liên Xô đã có hành động "đe doạ" Đế chế Đức. Bức công hàm viết tiếp: "Báo cáo nhận được trong những ngày gần đây cho thấy rõ tính chất thù địch trong việc Liên Xô tập trung quân... Thêm nữa, có báo cáo từ Anh quốc về những cuộc đàm phán của Đại sứ Cripps cho việc cộng tác chính trị và quân sự gần gũi hơn giữa Anh và Liên Xô .

Tóm lại, Chính phủ Đế chế tuyên bố rằng, trái ngược với những thoả thuận, Chính phủ Liên Xô đã: 1. không những tiếp tục, mà còn tiến hành mạnh thêm những nỗ lực nhằm lũng đoạn Đức và châu Âu; theo đuổi một chính sách ngoại giao càng ngày càng chống lại Đức; tập trung mọi lực lượng sẵn sàng tác chiến dọc biên giới Đức .

Qua đó, Chính phủ Liên Xô đã vi phạm mọi hiệp ước với Đức và chuẩn bị tấn công Đức từ mặt sau trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Vì thế, Lãnh tụ đã ra lệnh cho Quân lực Đức chống lại mối đe doạ này với mọi phương tiện sẵn có." Ribbentrop chỉ thị cho Đại sứ dưới quyền mình ở cuối bức điện: "Yêu cầu không tham gia vào bất cứ thảo luận nào về công hàm này." Đại sứ Schulenburg trong nhiều năm đã cố gắng cải thiện mối quan hệ Đức-Nga, nên ông biết rõ việc tấn công Nga không phải do bị khiêu khích và không thể biện minh được. Giờ đây, run rẩy và tan hết ảo tưởng, liệu ông nghĩ gì? Trở lại Điện Kremlin vào lúc trời hửng sáng, ông đành phải đọc lên bức công hàm của Đức. Cực kỳ kinh ngạc, Molotov im lặng lắng nghe cho đến đoạn cuối, rồi hỏi: "Đó là chiến tranh. Ông có nghĩ chúng tôi đáng phải chịu như thế sao?" Cũng vào giờ Schulenburg đọc bức công hàm cho Molotov, một cảnh tượng tương tự diễn ra ở Wilhelmstrasse tại Berlin. Cả buổi chiều ngày 21 tháng 6, Đại sứ Nga Vladimir Dekanozov gọi điện đến Bộ Ngoại giao xin hẹn gặp Ribbentrop để ông trao công hàm phản đối máy bay Đức tiếp tục xâm phạm không phận Liên Xô. Ông được cho biết vị Ngoại trưởng đã "đi ra ngoài thành phố" .

Rồi vào lúc 2 giờ sáng ngày 22 tháng 6, ông được thông báo Ribbentrop sẽ tiếp kiến ông lúc 4 giờ sáng tại Bộ Ngoại giao. Nơi đây, vị Đại sứ, vốn là cựu uỷ viên ngoại giao, nhận được cú sốc tương tự như Molotov. Tiến sĩ Schmidt, người hiện diện trong buổi tiếp kiến, mô tả quang cảnh: "Trước khi Dekanozov đến, Ribbentrop đã phấn khích suốt 5 phút. Ông đi đi lại lại trong văn phòng của mình như một con thú bị nhốt trong lồng... Dekanozov được đưa vào và chìa tay ra cho Ribbentrop, hiển nhiên là ông chưa biết chuyện không hay. Chúng tôi cùng ngồi xuống và... Dekanozov bắt đầu thay mặt Chính phủ ông đặt vài câu hỏi cần được làm rõ. Nhưng khi ông vừa bắt đầu, Ribbentrop ngăn lại với thái độ lạnh lùng: 'Đó không phải là vấn đề bây giờ'..." Rồi vị Ngoại trưởng Quốc xã kiêu căng giải thích vấn đề là do đâu, trao cho Đại sứ Liên Xô một bản ghi nhớ mà lúc này Schulenburg đang đọc lên cho Molotov nghe, đồng thời thông báo rằng vào lúc này Quân đội Đức đang "phản công" dọc biên giới với Liên Xô. Schmidt kể rằng vị Đại sứ kinh ngạc "vội trấn tĩnh nhanh chóng và nói lấy làm tiếc" với các diễn biến mà ông đổ lỗi cho Đức. "Ông đứng dậy, cúi chào một cách máy móc rồi đi ra khỏi phòng mà không bắt tay." Thế là tuần trăng mật của Quốc xã-Liên Xô chấm dứt. Lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941, nửa giờ trước khi kết thúc thủ tục ngoại giao ở Điện Kremlin và Wilhelmstrasse, đại pháo của Đức bắt đầu nổ dọc chiến tuyến, dài hàng nghìn kilomet .

Một màn trao đổi ngoại giao khác cũng đã diễn ra trước giờ nổ súng. Buổi xế chiều ngày 21 tháng 6, Hitler ngồi ở bàn làm việc trong tổng hành dinh đặt dưới lòng đất mang tên Wolfsschanze (Hang Sói) trong một vùng rừng ở Đông Phổ và đọc cho thư ký ghi chép một bức thư dài cho Mussolini. Cũng như trong mọi hành động gây chiến trước đây, Hitler không tin tưởng vào người bạn tốt nên chỉ thông báo tin tức vào phút cuối. Bức thư của Hitler là chứng cứ xác thực nhất mà ta có về những lý do thôi thúc Hitler phải đi đến quyết định chết người này, vốn từ lâu khiến cho thế giới bên ngoài lấy làm khó hiểu và cuối cùng lại chính là sự dọn đường cho sự kết liễu của chính Hitler và của Đế chế Thứ Ba. Bức thư dĩ nhiên là chứa đầy sự dối trá và né tránh như thường lệ. Nhưng bên dưới những dòng chữ, nổi lên những lý luận cơ bản và sự lượng định thật sự – tuy sai lạc – về tình hình thế giới vào mùa thu 1941, khi năm thứ hai của Thế chiến II bắt đầu .

Duce! Tôi viết thư này cho anh khi những tháng ngày suy nghĩ trong lo lắng và chờ đợi với thần kinh căng thẳng đã chấm dứt để đi đến quyết định khó khăn nhất đời tôi .

Tình hình: Anh quốc đã bị bại trong cuộc chiến. Giống như người đang chết đuối, họ nắm bắt lấy mọi thứ trôi nổi. Tuy thế, vài hy vọng của họ có lý lẽ nào đấy... Việc tiêu diệt nước Pháp... đã hướng tầm mắt của những kẻ hiếu chiến Anh đến nơi mà họ muốn khởi động chiến tranh: Liên Xô .

Cả 2 nước, Liên Xô và Anh, đều quan tâm như nhau đến châu Âu... đã trở nên mệt nhoài khi đối mặt với một cuộc chiến kéo dài. Phía sau 2 nước là Hoa Kỳ luôn thúc giục họ phải tiếp tục chiến đấu... Kế đến, Hitler giải thích rằng với lực lượng quân sự hùng mạnh của Liên Xô ở mặt sau, ông không bao giờ có thể điều động đủ sức mạnh – đặc biệt là trên không – để tấn công tổng lực vào Anh nhằm hạ gục nước này .

"Đúng thật là tất cả lực lượng của Nga đều ở dọc đường biên giới của chúng tôi... Nếu hoàn cảnh khiến cho tôi phải sử dụng Không lực Đức chống lại Anh, thì có nguy cơ là Nga sẽ bắt đầu chiến lược tống tiền, qua đó tôi phải chịu im lặng chỉ vì yếu thế trên không... Anh quốc sẽ không sẵn sàng cho hoà bình vì còn hy vọng vào người bạn Nga. Hy vọng này dĩ nhiên là tràn trề khi quân lực Nga ngày càng có thêm sức chiến đấu. Và phía sau việc này chính là vũ khí do Mỹ cung cấp mà họ mong sẽ nhận được vào năm 1942... Vì thế, sau khi suy nghĩ nát óc, rốt cuộc tôi đã đi đến quyết định phải cắt đi sợi dây thòng lọng trước khi bị nó buộc chặt thêm... Quan điểm của tôi nói chung là như sau .

1. Pháp, cũng như từ bao đời nay, không thể tin tưởng được .

Bắc Phi, liên quan đến những thuộc địa của Anh, có lẽ ngoài vòng hiểm nguy cho đến mùa thu .

Tây Ban Nha là vô định và – đây là điều làm tôi lo – sẽ chỉ theo phe nào khi kết quả của cuộc chiến ngã ngũ... Không có vấn đề tấn công Ai Cập trước mùa thu... Mỹ có tham chiến hay không là chuyện không đáng quan tâm, bởi vì họ hỗ trợ kẻ thù của ta với mọi năng lực họ có thể huy động .

Tình hình ở Anh là tồi tệ, việc cung cấp thực phẩm và nguyên liệu đang càng lúc càng khó khăn. Tinh thần chiến đấu chỉ dựa trên hy vọng. Những hy vọng này dựa trên 2 tiền đề: Nga và Mỹ. Ta không có cơ may tiêu diệt Mỹ. Nhưng ta có cơ may dựa trên khả năng của mình để loại Nga. Đồng thời, việc tiêu diệt Nga có nghĩa là Nhật ở Đông Á sẽ được nhẹ nhõm rất nhiều và qua đó, Nhật sẽ có thể can dự để tạo thêm mối nguy cho những hoạt động của Mỹ... Trong những tình huống như thế, tôi đã quyết định chấm dứt tấn trò đạo đức giả ở Kremlin." Hitler nói Đức sẽ không cần binh sĩ Ý ở Liên Xô (Ông không muốn chia sẻ vinh quang trong việc thôn tính Liên Xô nhiều hơn là đã chia sẻ trong việc thôn tính Pháp). Nhưng ông nói rằng Ý có thể "giúp đáng kể" bằng cách tăng cường lực lượng ở Bắc Phi và sẵn sàng "tiến quân vào Pháp trong trường hợp Pháp vi phạm hiệp định". Đây là miếng mồi nhử cho Mussolini vốn luôn khao khát đất đai .

"Về cuộc chiến trên không ở Anh, vào lúc này chúng tôi sẽ giữ vai trò phòng thủ... Về cuộc chiến ở phía Đông, chắc chắn sẽ là khó khăn, nhưng tôi luôn tin rằng sẽ thắng lợi vĩ đại. Trên hết, tôi hy vọng ta có thể chiếm được một cơ sở cung cấp thực phẩm chung ở Ukraine để cung ứng thêm, phòng khi ta cần trong tương lai." Rồi đến lời biện hộ khi không báo tin cho Đồng minh sớm hơn: "Tôi chờ cho đến lúc này mới báo tin cho anh hay, bởi vì tôi chỉ đi đến quyết định cuối cùng lúc 7 giờ tối nay... Dù sao chăng nữa, vị thế của ta sẽ không suy giảm vì bước đi này mà chỉ có thể được nâng cao thêm... Nếu Anh quốc không rút ra được kết luận gì từ sự kiện hiển nhiên, thì với mặt sau được ổn định ta có thế dốc toàn lực để thanh toán kẻ thù của mình." Sau cùng, Hitler diễn tả cảm nghĩ nhẹ nhõm sau khi đi đến quyết định: Tôi xin nói thêm một việc. Kể từ lúc tôi đấu tranh tư tưởng xong và đi đến quyết định, tôi cảm thấy nhẹ nhõm về tinh thần. Dù chúng tôi đã nỗ lực một cách thành thực để đạt hoà hoãn, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác khó chịu khi phải liên minh với Nga. Vì theo cách này hay cách khác, điều đó giống như đi ngược lại với gốc gác của tôi, những ý niệm của tôi và những nghĩa vụ trước đây của tôi. Bây giờ, tôi thấy vui vì mình đã thoát khỏi những day dứt tinh thần như thế .

Xin gửi lời chào thân ái trong tình đồng chí, ADOLF HITLER Lúc 3 giờ sáng ngày 22 tháng 6, chỉ 1 tiếng đồng hồ trước khi quân Đức tiến công, Đại sứ von Bismarck đánh thức Ciano ở Rome để trao bức thư dài của Hitler, rồi vị Ngoại trưởng Ý gọi điện cho Mussolini. Đây không phải là lần đầu tiên Mussolini bị đánh thức giữa đêm khuya để nhận thư của Hitler và ông bất mãn về việc này. Ông than với Ciano: "Ngay cả tôi cũng không làm phiền người hầu của mình trong đêm khuya, nhưng người Đức bắt tôi phải bước ra khỏi giường mà chẳng thông cảm gì cả." Tuy thế, sau khi dụi xong đôi mắt để trấn áp cơn ngái ngủ, Mussolini ra lệnh lập tức tuyên chiến với Liên Xô. Nhưng ông vẫn nhận ra rằng tương lai của chính mình bây giờ đã hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đức. Ông tin chắc rằng Đức sẽ thắng, nhưng hy vọng họ sẽ phải đổ nhiều máu. Mussolini không biết, hoặc không tỏ ra nghi ngờ và không ai ở phương Tây hoặc ở phe bên kia biết rằng tương lai của Đức sẽ còn tệ hại hơn thế .

Buổi sáng Chủ Nhật ngày 22 tháng 6 năm 1941, đúng vào ngày này năm 1812, Napoléon vượt sông Niemen để tiến đến Moscow và đúng 1 năm sau, đất nước của Napoléon đã đầu hàng ở Compiègne. Và giờ đây, lực lượng chưa từng chiến bại của Hitler đang vượt sông Niemen và những con sông khác để nhanh chóng tiến sâu vào đất Nga. Dù đã có nhiều lời nhắc nhở và dấu hiệu cảnh báo, nhưng Hồng quân vẫn bị "bất ngờ về chiến thuật toàn trận tuyến", như Halder ghi lại. Tất cả những chiếc cầu đều còn nguyên vẹn. Tại mọi điểm dọc đường biên giới, Liên Xô đã không dàn quân để sẵn sàng tác chiến và đều bị áp đảo trước khi có thể tổ chức phản công.Hàng trăm máy bay Liên Xô bị phá huỷ trước khi có thể cất cánh. Có một mẩu chuyện trong nhật ký của Halder ở ngày đầu tiên này. Lúc giữa trưa, các đài phát thanh của Liên Xô, mà người Đức đều đang theo dõi, "yêu cầu Nhật làm trung gian hoà giải những bất đồng về chính trị và kinh tế giữa Nga và Đức, đồng thời giữ liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức". 9 tiếng đồng hồ sau khi bị tấn công, liệu Stalin có tin rằng, bằng cách nào đấy ông có thể khiến cho Đức ngừng bắn? Trong vòng vài ngày, hàng chục nghìn tù binh bị bắt và nguyên từng đại quân đoàn bị bao vây nhanh chóng .

Đến ngày 3 tháng 7, sau khi xem qua báo cáo chiến sự, ngay cả Halder vốn thận trọng cũng ghi rằng chỉ thêm ít ngày nữa, mọi chuyện sẽ xong xuôi .

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle