Phần 19
ĐỨC XÂM LẤN ĐAN MẠCH VÀ NA UY
KẾ hoạch xâm chiếm Đan Mạch và Na Uy mang cái tên vô thưởng vô phạt là "Tập trận Weser". Nguồn gốc và việc triển khai kế hoạch này có tính độc đáo và không giống như những chiến dịch tấn công khác của Đức đã từng được kể trong cuốn sách này. Đầu tiên, việc này không phải do Hitler chủ trương như những chiến dịch quân sự khác. Mà đây là cuộc tấn công duy nhất của Đức mà Hải quân Đức đóng vai trò quyết định. Đó cũng là chiến dịch duy nhất mà Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực lập kế hoạch hành quân và phối hợp ba quân chủng. Thực tế là: Tư lệnh Lục quân và bộ tham mưu của Hitler không hề được tham khảo ý kiến, họ cảm thấy bất mãn và Goering chỉ được biết vào phút cuối – thái độ xem thường này làm cho vị Tư lệnh Không quân nổi giận .
Hải quân Đức đã dòm ngó phía Bắc từ lâu. Đức không có lối thông thương trực tiếp ra đại dương, đó là thực tế địa lý khiến cho các sĩ quan Đức luôn ưu tư trong Thế chiến I. Một mạng lưới chặt chẽ của Anh gồm thuỷ lôi và tàu tuần tiễu giăng ngang biển Bắc nhỏ hẹp – từ quần đảo Shetland đến bờ biển Na Uy – nhốt giữ Hải quân Đế quốc Đức, khiến cho tàu ngầm Đức không thể tiến ra Bắc Đại Tây Dương, đồng thời đội thương thuyền Đức cũng không thể ra khơi. Hạm đội Đức không bao giờ ra được đến đại dương .
Đế quốc Đức đã bị cuộc phong toả của Hải quân Anh bóp nghẹt trong Thế chiến I .
Giữa hai cuộc chiến, một số sĩ quan Hải quân Đức chỉ huy một hạm đội khiêm tốn nhận thức được tình trạng này, rồi đi đến kết luận rằng trong cuộc chiến tương lai với Anh, Đức phải cố lập căn cứ hải quân ở Na Uy nhằm phá vỡ sự phong toả của Anh trên biển Bắc, mở đường cho tàu chiến và tàu ngầm của Đức thông thương ra đại dương, lật ngược thế cờ nhằm lập vành đai phong toả xung quanh nước Anh .
Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi Đô đốc Rolf Carls, nhân vật số Ba trong Hải quân Đứcvà là người có tính cách cứng cỏi, luôn nhắc nhở Thuỷ sư Đô đốc Raeder về tầm quan trọng của Na Uy đối với Hải quân Đức. Raeder đã khai việc này ở Toà án Nuremberg cùng với tập hồ sơ "Tầm quan trọng của việc Đức chiếm bờ biển Na Uy". Raeder không cần chờ phải bị thúc giục lâu. Ngày 3 tháng 10, vào lúc kết thúc chiến dịch Ba Lan, ông gửi 1 bản câu hỏi mật cho Bộ Tư lệnh Hải quân để nhận ý kiến về khả năng chiếm "các căn cứ ở Na Uy dưới sức ép kết hợp của Nga và Đức." Ribbentrop được tham khảo về quan điểm của Nga và trả lời rằng "có thể trông mong sự hỗ trợ sâu rộng" từ nguồn ấy. Raeder nói với nhân viên của ông rằng phải thông báo cho Hitler càng sớm càng tốt về "những khả năng" .
Ngày 10 tháng 10 năm 1939 (cùng ngày Hitler ban hành Chỉ thị số 8 để đánh Hà Lan và Bỉ), Raeder trình kế hoạch của Hải quân cho Hitler. Và rồi vì bận tâm với kế hoạch đánh phía Tây, Hitler đã quên bẵng Na Uy. Nhưng 2 tháng sau, vấn đề này đã quay trở lại – vì 3 lý do .
Một lý do là thời tiết. Đức phụ thuộc nhiều vào quặng sắt của Thuỵ Điển – khoảng – 11 triệu tấn trong số 15 triệu tấn tiêu thụ hằng năm. Trong mùa hè, quặng sắt này được vận chuyển ngang qua biển Baltic mà không có vấn đề gì, vì tàu lớn của Hải quân Anh không thể vào biển Baltic được. Trong mùa đông, vì Biển Baltic đóng băng, quặng sắt phải được chở bằng xe lửa đến cảng Narvik của Na Uy rồi được đưa xuống tàu chở đến Đức. Hầu như suốt cuộc hành trình, tàu chở quặng của Đức đi trong hải phận của Na Uy và do đó tránh được tàu và máy bay của Anh bắn phá .
Vì thế, như Hitler lúc đầu vạch rõ cho Hải quân biết, một nước Na Uy giữ trung lập đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Đức vì đã tạo ra một tuyến cung cấp mà Anh không thể can thiệp .
Anh, Churchill, lúc này là Bộ trưởng Hải quân, lập tức cũng nhận ra điều ấy và xin phép Nội các cho rải thuỷ lôi trong hải phận của Na Uy để ngăn chặn tuyến vận chuyển quặng sắt cho Đức. Nhưng Chamberlain và Halifax không muốn xâm phạm tính trung lập của Na Uy nên bỏ qua ý định này .
Việc Nga tấn công Phần Lan khiến cho tình hình ở Bắc Âu thay đổi ở cả 2 phía Đồng minh phương Tây và Đức. Anh và Pháp tổ chức một lực lượng viễn chinh để giúp người Phần Lan lúc ấy đang cầm cự Nga một cách dũng cảm. Nhưng muốn đi đến Phần Lan, đoàn quân này phải đi qua Na Uy và Thuỵ Điển. Họ sẽ để lại một số quân trên 2 nước này cho việc liên lạc, đồng thời có thể cắt đứt tuyến đường cung cấp quặng sắt cho Đức. Hơn nữa, các nước Đồng minh phương Tây lại kẹp bên sườn của Đức về phía Bắc. Thuỷ sư Đô đốc Raeder cho thấy có tầm nhìn xa khi nhắc nhở Hitler về sự đe doạ này .
Vị Tư lệnh Hải quân Đức rồi sẽ tìm ra một Đồng minh quý giá cho mưu đồ của mình: Thiếu tá Vidkun Quisling, cái tên chẳng bao lâu nữa sẽ đồng nghĩa với từ phản quốc .
VIDKUN QUISLING NỔI LÊN Quisling tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự Na Uy và được cử làm tuỳ viên quân sự tại Petrograd ở tuổi chưa đến 30. Sau khi Bolshevik chiếm chính quyền, Quisling lưu lại Nga một thời gian để làm công việc cứu trợ. Lúc đầu, ông vừa thân Anh vừa thân Bolshevik, nhưng dần dà có thêm ấn tượng với những thành công của Cộng sản Nga .
Trở về Na Uy, ông tham gia chính trị, biểu lộ ý hướng thân Cộng sản, làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian từ năm 1931 đến năm 1933, thành lập một Đảng Phát xít nhưng không thành công. Bị thất cử vào Nghị viện, ông quay sang Đức Quốc xã và tiếp xúc với Alfred Rosenberg .
Vào tháng 6 năm 1939, khi bầu trời châu Âu đang u ám vì những đám mây đen đe doạ chiến tranh, Quisling cảnh báo cho Rosenberg về những hiểm hoạ nếu Anh kiểm soát Na Uy và những lợi ích cho Đức nếu chiếm được Na Uy. Rosenberg gửi bản ghi nhớ về việc này cho Hitler, Goering và Ribbentrop, nhưng cả 3 nhân vật đầu não của Đức có vẻ như không để ý đến, không ai ở Đức để ý đến "triết gia chính thức" của Đảng. Rosenberg còn thu xếp cho 25 binh sĩ S.A. của Quisling được đào tạo trong 2 tuần ở Đức .
Thuỷ sư Đô đốc Raeder khai trước Toà án Nuremberg rằng trong những tháng đầu của cuộc chiến, ông không có quan hệ gì với Rosenberg mà chỉ biết sơ qua, cũng chưa từng nghe nói đến Quisling. Nhưng ngay sau khi Nga tấn công Phần Lan, Raeder bắt đầu nhận được những báo cáo của Tuỳ viên Hải quân ở Na Uy, Đại tá Richard Schreiber, cho biết Đồng minh sắp đổ bộ lên Na Uy. Ông báo cáo việc này cho Hitler và đề nghị thẳng thừng: "Điều quan trọng là phải chiếm được Na Uy." Ít lâu sau, Rosenberg giới thiệu Quisling đến gặp Raeder, cho biết Quisling có một kế hoạch đảo chính giống như cách Đức sáp nhập Áo. Theo ghi chép của Raeder, Quisling nói về việc Anh định đổ bộ lên Na Uy, đồng thời đề xuất đặt những căn cứ dưới quyền sử dụng của Quân đội Đức .
Theo Rosenberg, Quisling tin chắc cuộc đảo chính sẽ được những thành phần Quân đội – mà ông có mối quan hệ – ủng hộ. Riêng nhà Vua sẽ chấp nhận chuyện đã rồi .
Quisling thậm chí còn ước lượng số quân Đức cần thiết cho cuộc đảo chính trùng khớp với ước lượng của Đức .
Để chặn bước tiến của Anh, Quisling đề nghị đặt "những căn cứ cho Quân đội Đức sử dụng. Dọc theo cả bờ biển, nhân sự ở những vị trí quan trọng (xe lửa, bưu điện, viễn thông) đã bị mua chuộc cho mục đích này. Cần có những hội nghị nhằm thảo luận hành động phối hợp, việc chuyển quân đến Oslo, v.v.." Raeder có ấn tượng mạnh với điều này và đã báo cáo với Hitler cùng Keitel và Jodl, nêu rõ Quisling "có mối quan hệ tốt với những sĩ quan trong Quân đội Na Uy". Bản báo cáo của Raeder ở trong số tài liệu tịch thu được. Mọi người đều đồng ý không thể chấp nhận việc Anh chiếm Na Uy, nhưng Raeder đột nhiên tỏ ra thận trọng, cho biết nếu Đức chiếm Na Uy trước thì "sẽ khiến cho Anh có biện pháp phản ứng... và trong thời gian này, Hải quân Đức vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với họ". Thay vào đó, Raeder đề nghị Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực cho phép "lập kế hoạch cùng với Quisling để chiếm hoặc bằng phương pháp thân thiện – ví dụ như Na Uy kêu gọi Quân đội Đức đến, hoặc bằng vũ lực" .
Hitler bảo mình chưa sẵn sàng đi xa đến thế, mà muốn nói chuyện trước với Quisling nhằm "tạo ấn tượng về ông ta." Ngày kế, 14 tháng 12, Raeder đích thân đưa Quisling đến gặp Hitler. Xem chừng Hitler có ấn tượng tốt, nên ngay sau buổi tiếp kiến ông đã ra lệnh cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực hội ý với Quisling để soạn thảo kế hoạch, gọi là "Nghiên cứu về miền Bắc". Halder được nghe rằng kế hoạch này cũng bao gồm cả Đan Mạch .
Trong lúc này, tin xấu về chiếc Graf Spee khiến cho Hitler thận trọng hơn, nói với Quisling rằng Đức chỉ mong Na Uy giữ trung lập, nhưng nếu Anh chuẩn bị chiếm Na Uy thì Đức phải chiếm trước. Ông cung cấp ngân khoản cho Quisling để tổ chức tuyên truyền chống lại Anh và củng cố phong trào thân Đức ở Na Uy .
Thế nhưng trong nội bộ Hải quân Đức lại xảy ra bất đồng ý kiến. Phòng Hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân không tin Anh sẽ chiếm Na Uy và nghĩ nếu đúng là như thế thì việc Đức chiếm Na Uy là hành động nguy hiểm. Vì vậy họ kết luận rằng "giải pháp tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng", đồng thời nhấn mạnh rằng như thế sẽ cho phép sử dụng lãnh hải của Na Uy để việc chuyên chở quặng sắt được "an toàn tuyệt đối." Hitler đều không hài lòng với cả thái độ do dự của Hải quân và kết quả của "Nghiên cứu về phía Bắc" mà Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực trình cho ông vào giữa tháng Giêng. Ông ra lệnh nghiên cứu thêm phương án "miền Bắc" dưới sự giám sát trực tiếp của ông ta và Keitel nhận trách nhiệm cho những bước chuẩn bị. Một nhóm nhỏ gồm một đại diện từ mỗi quân chủng được thành lập ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực sẽ thực hiện việc này .
Thế rồi một sự cố xảy ra khiến cho Hitler chẳng còn ngần ngại gì trong kế hoạch xâm chiếm Na Uy nữa .
Chiếc tàu tiếp tế Altmark phục vụ chiếc Graf Spee cố đi qua vòng phong toả của Anh, nhưng khi đi trên lãnh hải Na Uy để về Đức thì bị máy bay trinh sát của Anh phát hiện. Chính phủ Anh biết chiếc tàu này đang chở 300 thuỷ thủ của các tàu Anh đã bị chiếc Graf Spee đánh đắm. Hải quân Na Uy kiểm tra một cách sơ sài chiếc Altmark, không tìm thấy tù binh Anh và thấy tàu không được trang bị vũ khí, nên cho phép tiếp tục lên đường về Đức. Nhưng Churchill đích thân ra lệnh cho tàu Anh tiến đến lãnh hải Na Uy để giải thoát tù binh Anh. Trong đêm 16 tháng 2, sau một vài xô xát đã xảy ra khiến cho bốn thuỷ thủ Đức bị giết, Anh giải thoát được 299 thuỷ thủ Anh đang bị giam trong những kho chứa hàng và trong 1 bồn dầu rỗng để tránh bị Na Uy phát hiện .
Chính phủ Na Uy mạnh mẽ lên tiếng phản đối Anh xâm phạm lãnh hải Na Uy, nhưng Churchill trả lời trước Nghị viện rằng chính Na Uy vi phạm công pháp quốc tế vì cho phép Đức chở tù binh Anh về nhà tù Đức .
Đối với Hitler, đó là giọt nước làm tràn ly. Ông tin rằng Na Uy không chống đối một cách nghiêm túc việc Anh biểu dương lực lượng trong lãnh hải Na Uy. Ngày 19 tháng 2, ông thúc đẩy việc hoàn tất kế hoạch đánh Na Uy. Jodl nhắc ông ta rằng cần bổ nhiệm ngay tư lệnh chiến dịch và ban tham mưu để phục vụ cho mục đích này .
Keitel đề cử Tướng Nikolaus von Falkenhorst, trước đây tham chiến ở Phần Lan vào cuối Thế chiến I và hiện đang chỉ huy một quân đoàn ở phía Tây. Vì đã bỏ sót chuyện nhỏ là tư lệnh cho cuộc phiêu lưu miền bắc, Hitler lập tức cho triệu Falkenhorst đến tuy chưa từng biết đến ông này .
Trước Toà án Nuremberg, Falkenhorst kể lại ngày làm việc đầu tiên với Hitler là ngày 21 tháng 2 cũng với những chi tiết buồn cười. Falkenhorst chưa hề biết gì đến "Nghiên cứu về phía Bắc", chưa từng gặp Hitler và khi diện kiến Hitler thật rồi thì ông cũng không hề tỏ ra sợ hãi như thái độ thường thấy ở các tướng lĩnh khác. Ông kể: Tôi được mời ngồi, Rồi tôi phải tường thuật với Lãnh tụ về những cuộc hành quân Phần Lan năm 1918... Ông ấy nói: "Ngồi xuống kể cho tôi nghe nó như thế nào" và thế là tôi kể .
Rồi chúng tôi đứng lên và ông ấy dẫn tôi đến một chiếc bàn phủ đầy bản đồ. Ông ấy nói: "Chính phủ Đế chế được tin Anh định đổ bộ lên Na Uy." Falkenhorst có cảm tưởng là sự cố tàu Altmark khiến cho Lãnh tụ nhất quyết "thi hành kế hoạch ngay bây giờ". Và vị tướng cảm thấy kinh ngạc khi được bổ nhiệm tại chỗ chức tư lệnh chiến dịch. Hitler cho biết sẽ điều 5 sư đoàn cho ông chỉ huy để chiếm lấy các cảng biển của Na Uy .
Lúc giữa trưa, Hitler ra lệnh ông trở lại vào lúc 5 giờ chiều để trình bày kế hoạch tiến chiếm Na Uy. Falkenhorst giải thích ở Toà án Nuremberg: "Tôi đi ra và mua 1 cuốn sách hướng dẫn du lịch Baedeker để tìm hiểu Na Uy là như thế nào. Tôi không biết gì hết... Rồi tôi về phòng khách sạn, làm việc trên sách hướng dẫn du lịch này. Lúc 5 giờ chiều, tôi trở lại để báo cáo với Lãnh tụ." Như ta có thể mường tượng ra, kế hoạch của Falkenhorst – ông không hề nhìn thấy kế hoạch do Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực soạn thảo – là rất sơ sài, nhưng có vẻ được lòng Hitler. Mỗi sư đoàn sẽ được lệnh chiếm 1 cảng chính: Oslo, Stavanger, Bergen, Trondheim và Narvik. Falkenhorst nói: "Không có việc gì khác để làm, bởi vì đó là 5 cảng lớn." Sau khi được lệnh phải giữ bí mật và được thúc giục "phải nhanh lên", Falkenhorst được mời ra ngoài để tiếp tục làm việc .
Brauchitsch và Halder không hề được biết đến những chuyện này vì đang bận bịu chuẩn bị cuộc tấn công ở phía Tây, cho đến ngày 26 tháng 2, Falkenhorst đi đến gặp Tham mưu trưởng Lục quân Halder để xin thêm ít quân, đặc biệt là những đơn vị quân sơn cước. Halder không chịu hợp tác chặt chẽ, mà còn tỏ ra tức tối và hỏi thêm chi tiết chuyện gì đang xảy ra và cần những gì. Halder ghi lại: "Không hề có một tiếng nào trao đổi về chuyện này giữa Hitler và Brauchitsch. Việc này phải được ghi lại cho lịch sử của cuộc chiến!" Tuy nhiên, trong sự khinh miệt đối với giới tướng lĩnh thủ cựu và nhất là đối với Tham mưu trưởng Lục quân, Hitler không muốn chậm trễ. Ngày 29 tháng 2, ông phấn khích chấp nhận kế hoạch của Falkenhorst, kể cả việc ông này xin 2 sư đoàn quân sơn cước và còn tuyên bố sẽ cho thêm quân. Ông muốn "1 lực lượng mạnh ở Copenhagen". Đan Mạch chính thức được thêm vào danh sách những nạn nhân của Hitler. Không quân dòm ngó các sân bay ở đây để làm bàn đạp tấn công Anh .
Ngày hôm sau, 1 tháng 3, Hitler ban hành chỉ thị có mật mã là "Tập trận Weser" .
TỐI MẬT Tình hình ở vùng Scandinavia cần có những bước chuẩn bị để chiếm đóng Na Uy và Đan Mạch. Chiến dịch này sẽ ngăn Anh xâm lấn Scandinavia và vùng Baltic. Hơn nữa, nguồn quặng sắt của ta tại Thuỵ Điển sẽ được đảm bảo và Hải quân cùng Không quân của ta sẽ có thêm tuyến xuất phát rộng hơn để chống lại Anh .
Xét qua sức mạnh quân sự và chính trị của ta so với các quốc gia vùng Scandinavia, lực lượng sử dụng trong cuộc "Tập trận Weser" sẽ phải càng nhỏ càng tốt. Sự yếu kém về số lượng sẽ được bù đắp qua hành động dũng cảm và cách tiến hành bất ngờ .
Trên nguyên tắc, ta sẽ cố làm cho chiến dịch có vẻ như là việc chiếm đóng ôn hoà, mục đích là bảo vệ tính trung lập của các quốc gia vùng Scandinavia. Các Chính phủ sẽ nhận được những yêu cầu của ta lúc bắt đầu việc chiếm đóng. Nếu cần, Hải quân và Không quân sẽ biểu dương lực lượng để tỏ thái độ. Nếu vẫn chưa đủ, sẽ phải dẹp bỏ sự kháng cự, đồng thời sử dụng mọi phương tiện quân sự để nghiền nát... Phải đánh qua biên giới Đan Mạch và đổ bộ lên Na Uy cùng một lúc... Điều quan trọng là phải tạo bất ngờ đối với các quốc gia Scandinavia và các đối thủ Đồng Minh... Chỉ sau khi ra khơi, binh sĩ mới được cho biết về những mục tiêu thật sự..." Đêm ấy, ngày 1 tháng 3, một cơn "giận dữ" nổi lên ở Bộ Tư lệnh Lục quân vì Hitler đòi điều quân cho chiến dịch phía Bắc. Ngày kế, Goering điên tiết với Keitel và đến than phiền với Hitler. Vị Thống chế to béo giận dữ vì từ lâu đã không được biết bí mật của chiến dịch và vì Không quân được đặt dưới sự chỉ huy của Falkenhorst. Hitler cho triệu tư lệnh 3 quân chủng đến Phủ Thủ tướng ngày 5 tháng 3 để dàn hoà, nhưng Goering vẫn còn bất mãn vì không được tham khảo trước .
Lãnh tụ xoa dịu ông bằng vài nhượng bộ nhỏ, rồi cho tiếp tục lên phương án. Ngay vào ngày 21 tháng 2, Halder ghi nhật ký cảm tưởng rằng cuộc tấn công Đan Mạch và Na Uy sẽ chỉ bắt đầu sau khi Đức xâm chiếm và "đạt đến thành quả nào đó." Bản thân Hitler cũng băn khoăn về việc phải khởi động chiến dịch nào trước, nên ngày 26 tháng 2 ông đặt câu hỏi với Jodl. Câu trả lời của Jodl là giữ 2 chiến dịch cách xa nhau và Hitler đồng ý "nếu có thể được" .
Ngày 3 tháng 3, Hitler quyết định Tập trận Weser sẽ đi trước "Phương án Màu Vàng" (mật mã cho cuộc tấn công qua phía Tây) và bảo Jodl "một cách rất nghiêm khắc" về "sự cần thiết của việc hành động tức thời và mạnh mẽ ở Na Uy." Vào lúc này, Quân đội Phần Lan can trường nhưng thua thiệt về hoả lực và binh sĩ đang đối mặt với thảm hoạ trong cuộc tấn công tổng lực của Nga, lại có báo cáo đáng tin cậy rằng chiến đoàn viễn chinh Anh-Pháp từ các căn cứ ở Scotland chuẩn bị đổ bộ lên Na Uy rồi từ đây tiến bằng đường bộ qua Thuỵ Điển để đến cứu nguy cho Phần Lan .
Sự đe doạ này là lý do chính khiến cho Hitler muốn tiến quân gấp .
Ngày 7 tháng 3, Tướng Ironside, Tổng Tham mưu trưởng Anh, thông báo cho Thống chế Mannerheimrằng một lực lượng viễn chinh Đồng minh gồm 57.000 người sẵn sàng đến giúp Phần Lan và sư đoàn đầu tiên gồm 15.000 quân có thể đến Phần Lan vào cuối tháng Ba, nếu Na Uy và Thuỵ Điển cho phép họ đi qua. Thật ra, Mannerheim đã được biết vào năm ngày trước, tức ngày 2 tháng 3, cả Na Uy và Thuỵ Điển đều đã một lần nữa từ chối yêu cầu của Anh-Pháp đi qua lãnh thổ của họ. Nhưng điều này không ngăn cản được Thủ tướng Daladier ngày 8 tháng 3 trách cứ Phần Lan đã không chính thức yêu cầu quân Đồng Minh, lại còn doạ sẽ điều lực lượng Đồng Minh, dù Na Uy và Thuỵ Điển phản đối. Nhưng Mannerheim không mắc lừa nên sau khi đề nghị Chính phủ của mình tìm kiếm hoà bình trong khi Quân đội Phần Lan còn nguyên vẹn và chưa bị đánh bại, ông chấp nhận gửi một phái đoàn đàm phán hoà bình đi Moscow vào ngày 8 tháng 3. Có vẻ như vị Tổng Tư lệnh Phần Lan không tin quân Pháp sẽ hăng hái chiến đấu trên đất Phần Lan như trên quê hương họ. (Xem The Memoirs of Marshal Mannerheim.) Người ta chỉ có thể hoang mang về tình trạng sẽ lẫn lộn ra sao nếu liên quân Anh-Pháp đến được Phần Lan và chiến đấu chống Nga. Không tới 1 năm sau, Đức sẽ chiến đấu chống Nga và trong trường hợp này, các đối thủ của Đức ở phía Tây sẽ trở thành Đồng minh của họ ở phía Đông! Ngày 12 tháng 3, cuộc chiến Nga-Phần Lan kết thúc vì Phần Lan chấp nhận những yêu sách ngặt nghèo của Nga cho hoà bình. Việc này làm cho Đức vui mừng vì Đức đỡ mang tiếng ủng hộ Nga chống lại Phần Lan và cũng chấm dứt – tuy chỉ là tạm thời – những bước tiến của Nga ra vùng Baltic. Nhưng Hitler lại lâm vào cảnh bối rối vì "động lực" để xâm chiếm Na Uy và Đan Mạch trở nên "khó khăn". Ngày 12 tháng 3, ông nhận xét: "Hoà bình giữa Phần Lan và Nga khiến cho cả Anh quốc và ta mất đi lý do chính trị để chiếm Na Uy." Đúng thật là vào thời điểm đó Hitler thấy khó mà tìm ra lý do biện minh cho chiến dịch. Ngày 13 tháng 3, viên tướng Jodl trung thành ghi lại rằng Lãnh tụ "vẫn đang tìm kiếm sự biện minh nào đó." Ngày kế: "Lãnh tụ vẫn chưa quyết định làm thế nào biện minh cho "Tập trận Weser." Tệ hơn nữa, Thuỷ sư Đô đốc Raeder bắt đầu co vòi rụt cổ. Ông cảm thấy "nghi ngờ liệu chiến tranh phòng chống ở Na Uy có còn quan trọng hay không" .
Hitler do dự một thời gian. Thế rồi có 2 vấn đề xảy ra: (1) làm thế nào đối phó với Sumner Welles, Thứ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ, thừa lệnh Tổng thống Roosevelt đã đến Berlin ngày 1 tháng 3 để mong chấm dứt chiến tranh ở phía Tây trước khi diễn ra cuộc tàn sát, và (2) làm thế nào để xoa dịu ông bạn Đồng minh Mussolini đang bị bỏ bê, chưa được trả lời cho lá thư ngày 3 tháng 1. Người Đức tin rằng Sumner Welles đến Berlin là để tách Ý ra khỏi Phe Trục đang lung lay, đồng thời thuyết phục Ý không nên tham chiến bên cạnh Đức. Một số báo cáo từ Rome gửi về Berlin đề nghị đã đến lúc phải làm gì đó nhằm giữ vị Duce đang hờn dỗi đứng yên trong hàng ngũ .
HITLER GẶP SUMNER WELLES VÀ MUSSOLINI Cũng như Goering và Ribbentrop, Hitler hiểu biết rất kém về Hoa Kỳ. Tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức tịch thu được đã cho thấy rõ ràng về đầu óc của vị Lãnh tụ vào lúc này. Ngày 12 tháng 3, Hitler có buổi trao đổi dài với Colin Ross, một "chuyên gia" của Đức về Hoa Kỳ, vừa mới trở về từ chuyến đi diễn giảng ở Mỹ. Theo ghi chép tốc ký của Tiến sĩ Schmidt, khi Ross nhận xét về "xu hướng đế quốc" lan tràn ở Hoa Kỳ, Hitler hỏi liệu xu hướng đế quốc này có khiến cho Hoa Kỳ ham muốn sáp nhập Canada giống như Đức đã sáp nhập Áo hay không .
Phải nhìn nhận rằng các cố vấn của Hitler về Hoa Kỳ không mấy hữu dụng để soi sáng vấn đề cho ông. Khi Hitler hỏi tại sao Mỹ chống Đức đến thế, Ross trả lời: "... Thêm một yếu tố nữa để Mỹ thù ghét Đức... đó là vì sức mạnh ghê gớm của người Do Thái, họ chỉ đạo một cuộc đấu tranh với độ tinh khôn thật sự đáng ngạc nhiên và tài tổ chức chống lại bất kỳ thứ gì thuộc Đức và Quốc xã... Rồi Colin Ross cho biết Tổng thống Roosevelt là kẻ thù của Lãnh tụ vì lý do ganh tỵ thuần tuý cá nhân và tham vọng về quyền lực... Ông ta lên cầm quyền cùng năm với Lãnh tụ mà phải chứng kiến Lãnh tụ thực hiện những kế hoạch vĩ đại trong khi ông ta không đạt được mục đích... Ông ta cũng có những ý niệm về chế độ độc tài mà theo vài phương diện rất giống ý niệm của Quốc xã. Chính vì thấy Lãnh tụ đã đạt được mục đích trong khi mình chưa bằng nên Roosevelt càng mang thêm tham vọng muốn bước lên sân khấu của lịch sử thế giới như là người tranh giành ảnh hưởng với Lãnh tụ." Sau khi Colin Ross ra về, Lãnh tụ khen ngợi Ross là người rất thông minh và chắc chắn là có nhiều tư tưởng tiến bộ .
Dù chính sách của các nhà lãnh đạo Quốc xã – giống như những người tiền nhiệm vào năm 1914 – là giữ Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc chiến, nhưng họ vẫn không nghiêm túc xem nước Mỹ là một cường quốc quân sự. Tuỳ viên Quân sự tại Đại sứ quán Đức ở Mỹ, Tướng Friedrich von Boetticher, khuyên Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực không nên lo lắng về khả năng của lực lượng viễn chinh Mỹ tại châu Âu. Sau đó, ông này còn báo cáo về Berlin rằng việc vũ trang của Mỹ là quá yếu kém "cho một chính sách chiến tranh gây hấn" và rằng trái ngược với Bộ Ngoại giao, Quân đội Mỹ vẫn thông cảm với Đức và với việc Đức tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, vào ngày 1 tháng 12, dù đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Mỹ, nhưng ông vẫn cảnh báo Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng "Hoa Kỳ sẽ tham chiến nếu họ nghĩ Tây Bán cầu bị đe doạ." Riêng Đại biện lâm thời Hans Thomsen của Đức ở Washington thì đang cố gắng cung cấp thông tin về nước Mỹ cho vị Ngoại trưởng Đức dốt nát. Lúc chiến dịch Ba Lan sắp kết thúc, ông cảnh báo với chính quyền Đức rằng "phần lớn người dân Mỹ có cảm tình với kẻ thù của ta và Mỹ tin rằng Đức có lỗi trong chiến tranh". Ông cũng vạch ra những hệ luỵ nghiêm trọng nếu Đức có hành vi phá hoại ở Mỹ và khuyên không nên tiến hành sự phá hoại "với bất cứ cách thức nào" .
Có vẻ như chính quyền Đức không xem lời khuyên này là chính đáng, vì ngày 25 tháng 1 năm 1940, Thomsen gửi 1 bức điện về Berlin: "Tôi được biết một người Mỹ gốc Đức, von Hausberger, cùng một công dân Đức đã bị cáo giác khi đang trù định hành động phá hoại chống công nghiệp vũ khí Mỹ dưới sự chỉ đạo của Cục Quân báo Đức. Von Hausberger đã bị gán tội chứa kíp nổ trong nhà ông ấy." Thomsen khuyên Đức nên kiềm chế, cho rằng nếu làm theo cách trù định thì chắc chắn sẽ đẩy Mỹ vào cuộc chiến và đứng vào hàng ngũ kẻ thù của Đức .
Hơn nữa, ông còn bổ sung "theo mọi phương diện thì cả hai người đều không đủ năng lực làm nhiệm vụ cho Quân báo." Weizsaecker trả lời rằng chính Giám đốc Quân báo Canaris đã trấn an ông rằng cả 2 người mà Thomsen nói đến không phải là đặc vụ của Quân báo. Nhưng không có cơ quan tình báo giỏi nào lại xác nhận những chuyện như thế. Tài liệu khác của Bộ Ngoại giao cho biết vào ngày 21 tháng 1 một đặc vụ Quân báo rời Buenos Aires với lệnh báo cáo cho Fritz von Hausberger, ở Weehawken, bang New Jersey, về những "chỉ thị trong chuyên môn của chúng ta." Vào tháng Mười hai, một đặc vụ khác được điều đi từ cùng nơi đến New York nhằm thu thập thông tin về các nhà máy chế tạo máy bay và các chuyến vận chuyển vũ khí cho Đồng Minh. Còn chính Thomsen, vào ngày 20 tháng 2, đã báo tin cho Nam tước Konstantin von Maydell, người Đức gốc Baltic có quốc tịch Estonia, để nhờ nói với Đại sứ quán Đức ở Washington rằng anh ta đang làm nhiệm vụ phá hoại cho Quân báo .
Từ tháng 11 năm 1938, khi Roosevelt triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Đức về nước để phản đối việc Quốc xã ngược đãi người Do Thái, thì cả 2 quốc gia đều không có đại sứ của bên kia. Nền ngoại thương giữa 2 nước trước đây giảm đến mức nhỏ giọt, chủ yếu do việc cấm vận của Mỹ, bây giờ chấm dứt hẳn vì sự phong toả của Anh. Ngày 4 tháng 11 năm 1939, Thượng viện và Hạ viện biểu quyết bãi bỏ việc cấm vận vũ khí, vì thế mở đường cho Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho các Đồng minh phương Tây. Trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang trở nên tồi tệ nhanh chóng, Sumner đi đến Berlin vào ngày 1 tháng 3 năm 1940 .
Ngày hôm trước, 29 tháng 2, Hitler có một động thái khác thường khi ban hành "Chỉ thị về cách Trao đổi với ông Sumner Welles", yêu cầu phía Đức nên "dè dặt" và "cho phép ông Welles được phát biểu càng nhiều càng tốt". Rồi chỉ thị đề ra 5 điểm hướng dẫn cách thức trao đổi với Đặc sứ Mỹ: Chủ yếu phải lập luận rằng Đức chưa tuyên chiến với Anh và Pháp nhưng Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức, rằng Lãnh tụ đã đề nghị hoà bình vào tháng Mười nhưng bị khước từ, rằng Đức chấp nhận sự thách thức, rằng mục đích chiến tranh của Anh và Pháp là "tiêu diệt nước Đức" và rằng vì thế Đức không có chọn lựa nào ngoài việc tiếp tục chiến tranh. Hitler kết luận: "Cố tránh thảo luận những vấn đề chính trị cụ thể, như vấn đề tương lai của quốc gia Ba Lan. Nếu ông ấy nêu những câu hỏi về chuyện đó, thì nên đáp là chính tôi sẽ quyết định những vấn đề như thế. Hiển nhiên là không nên thảo luận gì về vấn đề Áo và Xứ Bảo hộ Bohemia và Moravia... Phải tránh mọi phát biểu có thể được diễn giải... theo ý nghĩa Đức quan tâm đến việc thảo luận khả năng hoà bình. Thay vào đó, tôi yêu cầu nên tìm cách cho ông Welles tin rằng Đức nhất định chấm dứt cuộc chiến này trong chiến thắng." Không chỉ Ribbentrop và Goering mà cả bản thân Hitler cũng đều tuân thủ chỉ thị một cách nghiêm ngặt khi họ tiếp kiến Welles lần lượt vào những ngày 1, 3 và 2 tháng 3. Mỗi người đều cho Welles nghe đầy tai về những lời xuyên tạc lịch sử một cách lố bịch nhất, trong đó những sự kiện bị bóp méo một cách lạ lùng và ngôn từ đơn giản nhất đều mất hết ý nghĩa. Goering tuyên bố với Welles: "Trước Thượng Đế và thế giới, tôi, Thống chế, có thể nói rằng Đức không muốn có chiến tranh. Đức bị áp đặt đi vào chiến tranh... Nhưng Đức phải làm gì khi những nước khác muốn tiêu diệt Đức?" 1 ngày sau khi ban hành chỉ thị "Tập trận Weser", Hitler tiếp kiến Welles và cho rằng mục đích chiến tranh của Đồng minh là "tiêu diệt" nhưng mục đích của Đức là "hoà bình". Ông giảng cho vị khách nghe những gì mình đã làm để duy trì hoà bình với Anh và Pháp .
"Một thời gian ngắn sau khi chiến tranh bùng nổ, vị Đại sứ Anh đã ngồi đúng vào nơi Sumner Welles đang ngồi và Lãnh tụ đã trao cho ông ấy đề nghị to tát nhất trong đời ông." Mọi đề nghị của ông đều bị Anh khước từ và bây giờ Anh đang ra sức tiêu diệt Đức. Vì thế Hitler tin rằng "phải chiến đấu cho đến khi cuộc xung đột đến hồi kết thúc... Không có giải pháp gì khác hơn là cuộc tranh đấu sống còn." Không lạ gì mà Welles thổ lộ với Weizsaecker và lặp lại với Goering rằng nếu Đức quyết tâm đi đến một chiến thắng quân sự chống phương Tây, thì chuyến đi của ông đến châu Âu "là vô nghĩa lý... và ông ấy chẳng còn gì để nói thêm" .
Vào lúc này, ở Berlin cũng có 1 người Mỹ khác muốn làm trung gian hoà bình: James D. Mooney, một Phó Tổng giám đốc của công ty General Motors. Tuy nhiên, Hans Dieckhott – Đại sứ được triệu hồi từ Mỹ – cho biết Mooney "khá ba hoa" và "tôi không tin sáng kiến của Mooney có giá trị gì" .
Dù khẳng định với phía Đức rằng những gì ông nghe từ các chính khách châu Âu chỉ được báo cáo cho Roosevelt, nhưng Welles nghĩ tốt hơn là nên kín đáo cho Hitler và Goering biết rằng ông đã có "buổi hội đàm kéo dài, xây dựng và hữu ích" với Mussolini và rằng ông này nghĩ "vẫn còn có khả năng mang lại một nền hoà bình vững chắc và lâu dài ở châu Âu". Nếu đó là nghĩ của nhà độc tài Ý, thì đã đến lúc Đức nên nhận ra mọi thứ để chấn chỉnh ý nghĩ của mình. Phía Đức vẫn nghĩ là nên có hoà bình, nhưng chỉ sau khi Đức chiến thắng vang dội ở phía Tây .
Việc Hitler chưa trả lời lá thư của Mussolini được gửi đến vào ngày 3 tháng 1 khiến cho Duce càng thêm bất mãn. Ngoại thương giữa Ý và Anh-Pháp đang được cải thiện, kể cả việc trao đổi khí tài chiến tranh. Việc này khiến cho Đức liên tục phản đối Ý vì cho rằng vô hình trung Ý đang giúp đỡ Đồng minh phương Tây. Weizsaecker e rằng nếu thư của Mussolini bị tiếp tục "phớt lờ" thì Mussolini sẽ có "quyền tự do hành động" và Đức sẽ mất ông ta và nước Ý vĩnh viễn .
Thế rồi, Hitler có được cơ hội. Anh quốc thông báo sẽ cắt đường vận chuyển than đá của Đức qua đường biển từ Rotterdam của Hà Lan đến Ý. Việc này ảnh hưởng trầm trọng cho công nghiệp của Ý, khiến cho Mussolini nổi giận với Anh, tỏ ra thân thiết trở lại với Đức để mong Đức giúp đỡ chuyển đường sắt. Lợi dụng cơ hội này, ngày 8 tháng 3, Hitler gửi một bức thư dài cho Mussolini và 2 ngày sau Ribbentrop đích thân mang đến Rome .
Thư không xin lỗi về việc phúc đáp muộn, nhưng dùng ngôn từ thân mật và đi vào chi tiết về tư tưởng và chính sách của Hitler trong hầu như mọi đề tài. Thư giải thích tại sao Quốc xã liên minh với Liên Xô, bỏ rơi Phần Lan và không chịu rút quân khỏi Ba Lan .
"Rút quân từ Ba Lan về sẽ không tạo sự ổn định mà sẽ gây ra rối loạn. Và Giáo hội sẽ không còn có thể thực hiện được nhiệm vụ tôn vinh Chúa, các linh mục thì sẽ bị chặt đầu..." Về Sumner Welles, Hitler cho biết, chuyến viếng thăm ấy đã không đạt được kết quả nào. Ông vẫn nhất quyết tấn công phương Tây .
Rồi Hitler cố lôi kéo Mussolini vào vòng chiến: "Tôi tin chắc rằng kết quả của cuộc chiến này cũng quyết định tương lai của nước Ý... Một ngày nào đấy, anh sẽ đối mặt với cùng những địch thủ đang chiến đấu chống Đức ngày hôm nay... Tôi cũng nhận ra vận mệnh của 2 quốc gia chúng ta, 2 dân tộc chúng ta, 2 cuộc Cách mạng của chúng ta và 2 chế độ của chúng ta liên quan với nhau một cách mật thiết... Và cuối cùng, tôi cam đoan với anh là dù có bất cứ chuyện gì, tôi tin rằng sớm hay muộn định mệnh sẽ khiến cho 2 chúng ta chiến đấu bên nhau. Do đó, anh cũng không thể thoát khỏi cuộc xung đột vũ trang này, cho dù tình hình hôm nay có những diễn biến lẻ tẻ. Và hơn lúc nào hết, vị trí của anh sẽ là ở bên cạnh tôi, cũng như vị trí của tôi sẽ ở bên cạnh anh." Mussolini cảm thấy hả lòng hả dạ bởi bức thư và lập tức cam đoan với Ribbentrop rằng ông đồng ý là vị trí của mình ở bên cạnh Hitler "trên tuyến hoả lực". Vị Ngoại trưởng Quốc xã bắt lấy ngay cơ hội mà tâng Mussolini lên cao hơn nữa, nói Lãnh tụ đã "thông cảm một cách sâu sắc việc Anh phong toả đường hàng hải vận chuyển than đá từ Đức". Ý cần bao nhiêu than đá? Mussolini đáp từ 500.000 đến 700.000 tấn mỗi tháng. Ribbentrop trả lời một cách xuôi rót rằng Đức sẵn sàng cung ứng 1 triệu tấn mỗi tháng và sẽ điều đủ toa tàu để chở phần lớn số than này .
Có 2 buổi hội đàm kéo dài trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 với sự hiện diện của Ciano và biên bản của Tiến sĩ Schmidt cho thấy Ribbentrop trở nên huênh hoang cao độ. Tuy có những đề tài quan trọng hơn cần thảo luận, nhưng Ribbentrop vẫn đưa ra những thư từ ngoại giao của Ba Lan cho thấy "tội lỗi chiến tranh kinh khủng của Hoa Kỳ" .
"Ngoại trưởng giải thích rằng những tài liệu này đặc biệt chỉ ra vai trò mờ ám của các Đại sứ Mỹ Bullitt [tại Paris], Kennedy[tại London] và Drexel [tại Warsaw]... Họ nằm trong guồng máy của bọn tài phiệt Do Thái, thông qua Morgan và Rockefeller, gây ảnh hưởng đến cả Roosevelt." Trong nhiều tiếng đồng hồ, vị Ngoại trưởng Quốc xã tự cao tự đại tiếp tục kể lể, để lộ ra sự thiếu hiểu biết về những sự vụ thế giới, nêu rõ vận mệnh chung của 2 quốc gia Phát xít và khẳng định Hitler chẳng bao lâu nữa sẽ tấn công phương Tây, "hạ gục quân Pháp chỉ trong mùa hè" và đẩy quân Anh ra khỏi lục địa châu Âu "trước mùa thu". Phần lớn thời gian Mussolini lắng nghe, chỉ thỉnh thoảng chêm vào vài câu châm biếm mà Ribbentrop không để ý đến. Chẳng hạn, khi Ribbentrop vênh váo tuyên bố rằng "Stalin đã từ bỏ ý nghĩ về cuộc Cách mạng toàn cầu", Mussolini trả đũa: "Ông thật sự tin như thế hay sao?" Khi Ribbentrop giải thích rằng "Tất cả binh sĩ Đức đều tin vào chiến thắng trong năm nay", Mussolini chen vào: "Đó là một nhận xét vô cùng thú vị." Tối hôm ấy, Ciano ghi vào nhật ký: "Sau buổi hội đàm, khi chỉ còn 2 chúng tôi, Mussolini nói ông không tin Đức sẽ tiến công hay đạt chiến thắng toàn diện." Mussolini hứa sẽ đưa ra quan điểm của mình vào ngày hôm sau, khiến cho Ribbentrop tỏ ra lo lắng và không rõ vị Duce đang nghĩ gì .
Thực ra, Ribbentrop không cần quá lo lắng. Vì ngay ngày hôm sau, Mussolini đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Như Schmidt ghi lại, đột nhiên Mussolini "quay sang hoàn toàn ủng hộ chiến tranh". Mussolini nói vấn đề không phải là Ý tham chiến hay không, mà là tham chiến khi nào. Vấn đề thời điểm là "cực kỳ tế nhị, vì ông ấy không muốn can dự khi chưa sẵn sàng về mọi mặt, nhằm tránh làm gánh nặng cho Đức" .
"Trong bất kỳ trường hợp nào, vào lúc này ông ấy phải nói ra một cách rõ ràng rằng không có đủ tiềm lực tài chính để chịu đựng một cuộc chiến dài hơi. Ông ấy không thể chi trả hàng tỉ đồng lira mỗi ngày, như Anh và Pháp đang làm." Ribbentrop cố thúc ép Mussolini cho biết thời điểm cụ thể Ý sẽ tham chiến, nhưng Mussolini vẫn không muốn cam kết rõ ràng. Mussolini bảo: "Thời điểm sẽ đến khi có sự phân định rõ ràng mối quan hệ giữa Ý và Anh-Pháp, tức là khi Ý cắt đứt với 2 nước này." Ông thêm rằng "khiêu khích" cho sự đổ vỡ như thế là dễ dàng. Dù cố công thêm, nhưng Ribbentrop vẫn không thể nắm được thời điểm cụ thể. Hiển nhiên là Hitler phải đích thân can dự để tìm hiểu. Vì thế, Ribbentrop đề xuất 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau sau ngày 19 tháng 3 và Mussolini đồng ý. Riêng Ribbentrop không hề đả động đến việc Hitler định lấn chiếm Đan Mạch và Na Uy. Đức vẫn nghĩ có những bí mật không nên tiết lộ cho Đồng minh, dù đang lúc thuyết phục Đồng minh này sát cánh với mình .
Khi Sumner Welles trở lại yết kiến Mussolini lần nữa vào ngày 16 tháng 3, ông thấy Mussolini là con người hoàn toàn khác hẳn lúc đầu và ông tự hỏi liệu trong 2 tuần qua có phải Ribbentrop đã dẫn dụ Mussolini tham chiến hay không .
Welles đã không phải băn khoăn quá lâu .
Ngay sau khi Ribbentrop rời khỏi Rome, nhà độc tài Ý đang bứt rứt lại sa vào ý nghĩ khác. Ciano ghi vào nhật ký: Duce rằng mình đã đi quá xa khi tỏ ý sẽ tham chiến chống lại Đồng minh. Bây giờ, ông lại muốn khuyên Hitler nên từ bỏ ý định tiến công... Nhưng Ciano thì hiểu rõ Mussolini hơn: "Điều không thể phủ nhận là Duce đã bị Hitler thu hút..." và Hitler có sức thuyết phục mạnh hơn so với Ribbentrop .
Ngay sau khi trở về Berlin, Ribbentrop gọi điện cho Ciano yêu cầu 2 nhà lãnh đạo gặp nhau sớm hơn vào ngày 13 tháng 3. Mussolini nổi nóng: "Mấy người Đức thật là quá quắt. Họ không cho người ta thời gian để thở hoặc để suy nghĩ vấn đề một cách kỹ càng." Nhưng đồng thời ông cũng tỏ ý chấp nhận. Ciano ghi vào nhật ký: "Duce tỏ ra căng thẳng. Cho đến lúc này, ông vẫn sống trong ảo tưởng rằng sẽ không xảy ra cuộc chiến lớn. Ông cảm thấy khó nghĩ, và như lời ông, sẽ là một sự bẽ mặt nếu cuộc chiến sắp xảy ra mà ông lại đứng ngoài." Ngày 18 tháng 3 năm 1940, Hitler và Mussolini gặp nhau trên toa xe riêng của Mussolini ở một nhà ga nhỏ tại đèo Brenner dưới chân dãy núi phủ tuyết Alps. Ciano ghi vào nhật ký: "Buổi hội đàm gần như là độc thoại... Hitler phát biểu trong hầu hết thời gian... Mussolini chú ý lắng nghe với vẻ tôn trọng. Ông nói ít và xác nhận ý định cùng hành động với Hitler. Nhưng ông chỉ dành quyết định này trong một thời điểm thích hợp." Mussolini nói mình nhận thức được rằng một khi đã có quyết định thì "không thể giữ trung lập cho đến lúc cuộc chiến kết thúc". Hợp tác với Anh và Pháp là điều "không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi căm ghét họ. Vì thế điều không tránh khỏi là Ý sẽ tham chiến." Hitler dành ra hơn 1 tiếng đồng hồ cố thuyết phục Mussolini về việc này, nếu Ý không muốn bị cho ra rìa thành 1 cường quốc hạng hai. Nhưng sau khi trả lời câu hỏi chính cho Hitler được hài lòng, lập tức Mussolini bắt đầu rào đón: "Tuy nhiên, vấn nạn lớn nhất là thời điểm ... Chúng tôi phải có đủ điều kiện cho việc tham chiến. Nước Ý cần phải ở trong tình trạng "được chuẩn bị đầy đủ"... Tiềm lực tài chính không cho phép Ý theo đuổi một cuộc chiến kéo dài... Ông hỏi Lãnh tụ liệu có mối hiểm nguy nào không nếu trì hoãn cuộc tiến công. Mussolini tin rằng không có hiểm nguy nào... lúc ấy ông sẽ hoàn tất những công tác chuẩn bị về mặt quân sự trong vòng 3 đến 4 tháng và sẽ không rơi vào tình thế đáng xấu hổ khi thấy đồng chí của mình đang chiến đấu, còn mình thì chỉ biểu dương lực lượng... Ông muốn đóng góp được nhiều hơn nhưng vào lúc này chưa thể làm được." Hitler cho biết không có ý định trì hoãn cuộc tấn công ở phía Tây. Nhưng ông có "vài ý tưởng về mặt lý thuyết" nhằm giúp Mussolini giải quyết khó khăn trong việc tấn công ở vùng đồi núi miền Nam nước Pháp, vì như thế "sẽ phải đổ nhiều máu". Ông đề nghị Ý cung ứng một lực lượng hùng hậu để cùng tấn công dọc biên giới Thuỵ Sĩ. Cuộc chiến sẽ được quyết định trên đất Pháp. Hitler cho biết sau khi đè bẹp quân thù ở miền Bắc nước Pháp, thời điểm sẽ đến để cho Ý tham chiến một cách tích cực. Một khi Pháp bị đánh bại, Ý có thể làm chủ Địa Trung Hải và Anh sẽ phải chấp nhận hoà bình .
Mussolini nhanh chóng nhận ra viễn cảnh huy hoàng mà Ý được hưởng lợi sau khi Đức đã chiến đấu gian khổ .
Duce trả lời rằng một khi Đức tiến công thắng lợi, ông sẽ tham chiến ngay... ông sẽ không để mất thời giờ... khi Đồng minh bị lung lay vì cuộc tiến công của Đức thì chỉ cần 1 mũi tiến công thứ hai là đủ để khuất phục họ .
Mặt khác, Mussolini cho biết nếu Đức chậm đi đến thắng lợi, ông sẽ phải chờ đợi .
Hitler dường như không phiền lòng vì chuyện mặc cả thô thiển và hèn nhát này. Nếu Ciano có nhận xét rằng Mussolini bị Hitler thu hút, thì có thể nói sự thu hút này xảy ra 2 chiều. Dù đã bị một số thủ hạ thân tín phản bội và đã sát hại vài người trong bọn họ – như Roehm và Strasser – Hitler vẫn tỏ ra trung thành với Mussolini một cách kỳ lạ và bất thường .
Dù sao chăng nữa, Ý đã long trọng cam kết tham chiến, tuy những người xung quanh Hitler – đặc biệt là các tướng lĩnh – nghĩ việc này không có giá trị nhiều cho Đức. Bây giờ, Hitler đã có thể hướng tâm tư vào những cuộc thôn tính. Ông không hề tiết lộ gì cho người bạn và cũng là Đồng minh ở Bắc Âu của mình về cuộc thôn tính trước mắt .
NHÓM ÂM MƯU LẠI NẢN LÒNG Một lần nữa, những người âm mưu chống Hitler lại thuyết phục các tướng lĩnh nên lật đổ Lãnh tụ – lần này là để ngăn chặn cuộc tiến công lên phía Bắc mà họ đã nghe phong thanh. Họ muốn Anh đảm bảo sẽ dàn hoà và cho phép chế độ chống Quốc xã được giữ lại phần lớn lãnh thổ do Hitler mới chiếm được .
Dựa trên cương lĩnh này, Hassell vô cùng dũng cảm đi đến Thuỵ Sĩ để hội ý với một người Anh mà ông ghi vào nhật ký là "ông X" nhưng thật ra mang tên là J. Lonsdale Bryans. Ông này nằm trong giới ngoại giao ở Rome, tự nhận mình có vai trò trung gian theo cách thiếu chuyên nghiệp kiểu Dahlerus. Ông có mối dây liên hệ với Chính phủ Anh và Hassell có ấn tượng tốt khi gặp ông. Nhưng sau sự cố với Thiếu tá Stevens và Đại uý Best, khi họ tìm cách bắt liên lạc với nhóm âm mưu, phía Anh tỏ ra ngờ vực cả âm mưu chống Hitler. Khi Bryans dò hỏi Hassell để nắm thêm thông tin đáng tin cậy thì ông này lại kín kẽ. Hassell trả lời: "Tôi không thể nói ra tên những người ủng hộ mình." Rồi Hassell phác thảo quan điểm của "cánh đối lập": phải lật đổ Hitler "trước khi có động thái quân sự lớn lao", đây "hoàn toàn là chuyện nội bộ của Đức" nên phải có "tuyên bố với giới có thẩm quyền ở Anh" về việc đối xử với chế độ chống Quốc xã ở Berlin... Hassell và nhóm âm mưu của ông muốn được đảm bảo rằng nếu họ loại được Hitler, nước Đức sẽ được đối xử một cách rộng lượng hơn so với khi người Đức loại Hoàng đế Wilhelm II .
Rồi Hassell trao cho Bryans một bản ghi nhớ đầy thuyết phục với những niệm cao quý về tương lai của thế giới "dựa trên những nguyên tắc của đạo đức Cơ Đốc, công lý và luật pháp, an sinh xã hội, tự do tư tưởng. Điều kiện chính cho hoà bình của Hassell là nước Đức mới phải được giữ lại hầu hết lãnh thổ do Hitler chiếm được: Áo, Sudetenland, đường biên giới năm 1914 với Ba Lan, cũng là đường biên giới với Liên Xô bởi vì lúc ấy chưa có Ba Lan .
Bryans đồng ý rằng cần có hành động nhanh chóng và hứa sẽ trình bản ghi nhớ của Hassell cho Lord Halifax. Hassell trở về Berlin để tường thuật lại với những người trong nhóm âm mưu. Dù vẫn hy vọng vào "Ông X" của Hassell, trong lúc này họ đang quan tâm nhiều hơn đến cái gọi là "Báo cáo X" của một người trong nhóm, Tiến sĩ Hans von Dohnanyi tại Cục Quân báo. Dựa trên sự liên hệ với Toà thánh Vatican, báo cáo này cho biết Giáo hoàng sẵn sàng can thiệp với Anh về những điều khoản hoà bình thuận lợi cho chính phủ mới của nước Đức chống Quốc xã và về "vấn đề dàn xếp ở phía Đông có lợi cho Đức" .
Nhóm âm mưu xem Báo cáo X là quan trọng. Tướng Thomas trình cho Brauchitsch xem báo cáo này nhằm tác động tới vị Tư lệnh Lục quân khuyên Hitler không nên đánh phía Tây. Nhưng Brauchitsch không thích hành động như thế mà còn doạ sẽ bắt giữ Thomas nếu ông này đưa vấn đề ra bàn lần nữa, mà ông cho biết đây "rõ ràng là tội phản quốc" .
Rồi Thomas lại trình Báo cáo X cho Halder với hy vọng ông này sẽ theo đấy mà hành động, nhưng chỉ hoài công. Như vị Tham mưu trưởng Lục quân đã bảo Goerdeler – người cũng đã cầu xin ông chủ trì – vào lúc này ông không thể phá bỏ lời tuyên thệ là người lính của Lãnh tụ. Ông biện luận rằng Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức và nền hoà bình dựa trên sự dung hoà là điều không tưởng .
Goerdeler ghi vào nhật ký: "Halder bắt đầu than thở khi nói về trách nhiệm của mình, tạo ra ấn tượng giống như một kẻ yếu đuối với tinh thần rệu rã." Thế nhưng ấn tượng ấy là không đáng tin. Khi xem qua nhật ký của Halder vào tuần lễ đầu của tháng 4 năm 1940, tác giả có cảm tưởng rằng vị Tham mưu trưởng có tinh thần phấn chấn trong khi đang hội ý với các tư lệnh chiến trường, đồng thời kiểm tra lần cuối cùng những kế hoạch cho cuộc hành quân lớn lao nhất và táo bạo nhất trong lịch sử của Đức. Trong nhật ký của ông không có bất kỳ ý tưởng nào chống đối chế độ hay bứt rứt lương tâm. Dù ông có mối nghi ngại đối với việc tấn công Đan Mạch và Na Uy, nhưng đây chỉ là thuần tuý dựa trên lý do quân sự. Không hề có chữ nào bày tỏ nỗi băn khoăn về đạo lý đối với hành động gây hấn của Quốc xã nhằm chống lại bốn quốc gia trung lập nhỏ mà Đức đã long trọng cam kết đảm bảo đường biên giới, trong khi ông lại đóng vai trò chủ đạo lập kế hoạch hành quân chống lại hai trong số 4 quốc gia ấy .
Thế là, đó chính là sự chấm dứt cho những nỗ lực cuối cùng của những "người Đức tốt bụng" muốn lật đổ Hitler trước khi quá muộn. Đây là cơ hội cuối cùng mà họ có thể đạt nền hoà bình trong sự rộng lượng của nước ngoài. Như Brauchitsch và Halder đã tỏ rõ, các tướng lĩnh không quan tâm đến nền hoà bình dựa trên đàm phán. Giống như Lãnh tụ, lúc này họ đang nghĩ đến nền hoà bình do họ áp đặt sau khi Đức chiến thắng .
ĐỨC XÂM CHIẾM ĐAN MẠCH VÀ NA UY Nhiều tác giả xem kế hoạch của Hitler nhằm xâm chiếm Đan Mạch và Na Uy là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong Thế chiến II. Nhưng đối với tôi, dường như 2 nước Bắc Âu và ngay cả Anh cũng đã bị bất ngờ, không phải vì không được báo trước, mà vì đã không tin vào lời cảnh báo .
10 ngày trước cuộc tiến công, Đại tá Oster ở Cục Quân báo cảnh báo cho người bạn của ông, Đại tá J. G. Sas, Tuỳ viên Quân sự Hà Lan tại Berlin, về kế hoạch "Tập trận Weser" và Sas lập tức thông báo cho Đại tá Kjölsen, Tuỳ viên Hải quân của Đan Mạch. Nhưng Chính phủ Đan Mạch vốn tự mãn lại không tin tuỳ viên hải quân của họ. Khi Công sứ Đan Mạch tại Đức phái Kjölsen trở về Đan Mạch vào ngày 4 tháng 4 để đích thân cảnh báo chính quyền, thì lời nói của ông này đã không được xem xét nghiêm túc. Ngay cả vào đêm 8 tháng 4, 1 ngày trước cuộc tiến công, khi có tin 1 tàu vận tải của Đức chở đầy binh sĩ đang phóng ngư lôi ở vùng bờ biển Na Uy – ngay phía Bắc Đan Mạch và một số người dân Đan Mạch còn chính mắt nhìn thấy một hạm đội lớn của Đức đang tiến lên phía Bắc giữa những hòn đảo của họ, thì Vua Đan Mạch vẫn mỉm cười trong bữa ăn tối mà cho rằng quốc gia ông không bị hiểm nguy gì cả .
1 sĩ quan cận vệ có mặt sau này cho biết: "Ông ấy thật sự không tin." Và sĩ quan này còn kể rằng sau bữa ăn, nhà Vua đi đến Nhà hát Hoàng gia trong tâm trạng "tự tin và hạnh phúc" .
Ngay từ tháng 3 năm 1940, Chính phủ Na Uy đã nhận được tin cảnh báo từ phái bộ ngoại giao của họ tại Berlin và từ phía Thuỵ Điển về việc Đức tập kết tàu hải quân và binh sĩ ở biển Bắc và các cảng biển Baltic. Ngày 5 tháng 4, có thêm tin tình báo đích xác từ Berlin về việc Đức sẽ đổ bộ lên vùng bờ biển miền Nam Na Uy. Nhưng Chính phủ Na Uy vốn tự mãn vẫn không chịu tin, thậm chí là không có động thái gì ngay cả khi nhiều sự kiện kế tiếp xảy ra .
Ngày 7 tháng 4, vài tàu chiến lớn của Đức bị phát hiện đang đi dọc bờ biển Na Uy, đồng thời có tin báo máy bay Anh oanh kích 1 hạm đội Đức ở Skagerrak. Ngày 8 tháng 4, Hải quân Anh thông báo với phái bộ ngoại giao Na Uy tại London rằng đã phát hiện một lực lượng hải quân hùng mạnh của Đức đang tiến đến Narvik và báo chí Na Uy loan tin có binh sĩ Đức được cứu từ chiếc tàu bị trúng ngư lôi của 1 tàu ngầm Ba Lan .
Ngay cả vào những ngày này, Chính phủ Na Uy vẫn không thấy cần thiết có những động thái như huy động quân đội, tăng cường phòng thủ ở bến cảng, phong toả đường băng của sân bay, hoặc quan trọng nhất, thả thuỷ lôi lối ra vào thủ đô và các thành phố chính. Nếu có những động thái này, thì đáng lẽ lịch sử đã xoay qua hướng khác .
Tin tức đáng báo động bắt đầu truyền đến London. Ngày 3 tháng 4, Nội các Chiến tranh Anh thảo luận tin tình báo mới nhất cho biết Đức đang huy động những lực lượng quân sự đáng kể ở các cảng miền Bắc với mục đích tiến lên Bắc Âu. Nhưng các tin tức này vẫn không được xem xét một cách nghiêm túc .
Hai ngày sau, 5 tháng 4, khi có tin đợt đầu tiên của hạm đội Đức đã ra khơi, Thủ tướng Chamberlain tuyên bố trong một bài diễn văn rằng Hitler bị nhỡ chuyến đò vì đã không tấn công phía Tây khi Anh và Pháp chưa sẵn sàng – câu nói mà ông sẽ nhanh chóng hối tiếc về sau .
Theo Churchill, vào lúc này Chính phủ Anh nghĩ rằng Đức đóng quân ở biển Baltic và các cảng miền Bắc chỉ là để phản công trong trường hợp Anh thả thuỷ lôi ở các cảng Na Uy nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển quặng sắt từ Narvik .
Sự thật là Anh cũng nghĩ đến khả năng đó. Sau 7 tháng thất vọng, cuối cùng Churchill, Bộ trưởng Hải quân, được Nội các Chiến tranh và Hội đồng Chiến tranh Tối cao Đồng minh chấp thuận cho thả thuỷ lôi ngoài khơi các cảng Na Uy. Vì lẽ có nhiều khả năng Đức sẽ có phản ứng mạnh vì tuyến vận chuyển huyết mạch của quặng sắt bị cắt đứt, một lực lượng nhỏ của Anh-Pháp được điều đến Narvik và từ đây sẽ tiến về phía biên giới Thuỵ Điển. Đây là "Kế hoạch R-4" .
Thế là trong tuần lễ đầu của tháng 4 năm 1940, các lực lượng Đức và Anh-Pháp cùng tiến về 1 điểm đến .
Chiều ngày 2 tháng 4, sau khi thảo luận với Goering, Raeder và tư lệnh chiến dịch Falkenhorst, Hitler chính thức ra chỉ thị là cuộc "Tập trận Weser" sẽ bắt đầu lúc 5 giờ 15 sáng ngày 9 tháng 4. Cùng lúc, ông ra chỉ thị khác "phải ngăn chặn bằng bất cứ cách nào việc đào thoát của các vua Đan Mạch và Na Uy trong thời gian chiếm đóng" .
Cùng ngày này, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực báo tin cho Bộ Ngoại giao. Một chỉ thị dài được gửi đến Ribbentrop, ra lệnh cho ông này chuẩn bị những động thái ngoại giao nhằm dẫn dụ Đan Mạch và Na Uy đầu hàng mà không chống cự ngay khi lực lượng Đức vừa đến, đồng thời nguỵ tạo ra sự biện minh nào đấy cho cuộc xâm lấn mới nhất của Hitler .
Nhưng không chỉ Bộ Ngoại giao mới xảo trá, mà Hải quân Đức cũng thế. Trước khi những chiếc tàu đầu tiên ra khơi ngày 3 tháng 4, Hải quân đã ra lệnh cho tàu của họ giả dạng làm tàu của Anh – ngay cả nếu cần thiết thì kéo cờ của Anh lên! Hải quân Đức đã ban hành lệnh tối mật chỉ ra những cách thức nguỵ tạo, như chiếu sáng cờ chiến của Anh, sử dụng tiếng Anh trong tín hiệu Morse, cách đối đáp khi được hỏi han hoặc bị thách thức, gán tên cho mỗi tàu của Đức theo tên một tàu của Hải quân Anh: chiếc Koelm trở thành HMS Cairo, chiếc Koenigsberg trở thành HMS Calcutta, v.v. .
Tại Toà án Nuremberg, Thuỷ sư Đô đốc Raeder biện minh những chiến thuật ấy là "hợp pháp mà theo phương diện pháp lý thì người ta không có quyền phản đối." Thế là, vào lúc 5 giờ 20 sáng (4 giờ 20 Đan Mạch) ngày 9 tháng 4 năm 1940, đại diện ngoại giao Đức ở Copenhagen và Oslo, sau khi được đánh thức đúng 20 phút trước (Ribbentrop đã ấn định chính xác các thời điểm), trình cho các Chính phủ Đan Mạch và Na Uy tối hậu thư của Đức đòi hỏi phải chấp nhận lập tức và không được kháng cự, "sự bảo vệ của Đế chế." Tối hậu thư có lẽ là tài liệu trơ tráo nhất mà Hitler và Ribbentrop soạn ra, vốn là 2 bậc thầy về trò trơ tráo và hiện đã quá nhiều kinh nghiệm trong trò lừa lọc ngoại giao .
Sau lời tuyên bố rằng Đế chế đến hỗ trợ Đan Mạch và Na Uy nhằm bảo vệ cho họ chống lại việc chiếm đóng của Anh và Pháp, tối hậu thư tiếp đề cập: "Vì thế, quân Đức đặt chân lên đất Na Uy không phải với tư cách kẻ thù. Quân đội Đức không có ý định sử dụng căn cứ do binh sĩ Đức chiếm đóng làm bàn đạp để hành quân chống Anh, nếu không bị bắt buộc phải làm điều này... Trái lại, những cuộc hành quân của Đức chỉ nhằm bảo vệ miền Bắc chống lại mưu đồ của các lực lượng Anh-Pháp chiếm đóng các căn cứ của Na Uy... Trên tinh thần của mối quan hệ tốt đẹp giữa Đức và Na Uy cho đến giờ, Chính phủ Đức tuyên bố với Chính phủ Hoàng gia Na Uy rằng bây giờ và trong tương lai Đức không có ý định xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của Vương quốc Na Uy... Vì thế, Chính phủ Đế chế mong mỏi Chính phủ Na Uy và nhân dân Na Uy sẽ... không kháng cự. Bất kỳ sự kháng cự nào sẽ bị dập tắt bằng mọi cách có thể được... và vì thế sẽ chỉ mang lại đổ máu vô ích." Đan Mạch chấp nhận mọi yêu sách của Đức nhưng vẫn đưa ra lời phản đối, còn Na Uy cho biết sẽ không chịu khuất phục .
Con người kiêu ngạo Ribbentrop nổi cơn thịnh nộ. Tác giả ít khi thấy vị Ngoại trưởng Quốc xã trong tình trạng mất tự chủ như thế. Lúc 10 giờ 55 phút sáng, ông gửi điện cho Công sứ Đức tại Na Uy: "Một lần nữa phải khuyên Chính phủ ở đấy rằng sự chống cự của Na Uy là hoàn toàn vô nghĩa." Vào lúc này, vị Công sứ vô phúc không thể làm được gì. Vua, Chính phủ và đại biểu Nghị viện Na Uy đã rời thủ đô và đi đến vùng rừng núi miền Bắc. Dù không có hy vọng, họ vẫn nhất quyết chống lại. Sự kháng cự đã nổ ra ở vài nơi .
Đan Mạch ở vào tình thế tuyệt vọng hơn. Đất nước chủ yếu là nông dân này không có khả năng kháng cự. Diện tích quá nhỏ, địa hình quá bằng phẳng và phần lớn rộng mở cho xe thiết giáp của Đức. Không có núi non cho nhà Vua và Chính phủ ẩn náu như ở Na Uy và cũng không thể trông mong Anh đến cứu .
Tướng W. W Pryor, Tổng Tham mưu trưởng, là người duy nhất van nài nên chống cự, nhưng Thủ tướng Thorvald Stauning, Ngoại trưởng Edvard Munch và nhà Vua đều bác bỏ, đồng thời còn từ chối lời khẩn cầu ban lệnh động binh của ông .
Ngay cả sau một cuộc điều tra, tác giả vẫn không hiểu tại sao, Hải quân Đan Mạch lại không hề bắn một phát súng từ tàu chiến hoặc từ những pháo đài gần bờ biển của mình, ngay cả khi tàu Đức chở binh sĩ đi trước mặt họ .
Lục quân tham gia vài cuộc đọ súng trên đồng bằng, Cảnh vệ Hoàng gia bắn vài phát súng quanh hoàng cung ở thủ đô và có vài người bị thương. Vào lúc người Đan Mạch đã dùng xong bữa điểm tâm thịnh soạn, mọi chuyện đều xong xuôi. Theo lời khuyên của Chính phủ và phó mặc sự chống đối của Tướng Pryor, nhà Vua đầu hàng và ra lệnh chấm dứt mọi hành động chống cự .
Tài liệu của Đức tịch thu được cho thấy kế hoạch chiếm Đan Mạch bằng sự bất ngờ và lừa dối được thực hiện một cách công phu. Tướng Kurt Himer, Tham mưu trưởng lực lượng đặc nhiệm cho Đan Mạch, mặc thường phục đi đến Copenhagen bằng tàu hoả ngày 7 tháng 4 để trinh sát thủ đô và thu xếp bến đỗ thích hợp cho tàu chở binh sĩ, dẫn theo một chiếc xe tải để chuyên chở hàng hậu cần cùng máy truyền tin. Chỉ cần một tiểu đoàn để chiếm lấy một thủ đô rộng lớn và tiểu đoàn trưởng trong thường phục cũng có mặt ở Copenhagen vài ngày trước để thăm dò địa hình .
Vì thế, không lạ gì mà kế hoạch của vị tướng và thiếu tá tiểu đoàn trưởng được thực hiện một cách suôn sẻ. Chiếc tàu chở binh sĩ đến Copenhagen ngay trước bình minh, đi ngang qua những khẩu pháo của pháo đài trấn giữ bến cảng và của những tàu tuần tiễu Đan Mạch mà không bị thách thức gì, rồi hạ neo ngay giữa trung tâm thành phố, chỉ cách Bộ Tư lệnh Quân đội Đan Mạch và hoàng cung của nhà Vua một quãng ngắn. Cả 2 nơi đều bị tiểu đoàn quân Đức chiếm giữ mà không có sự kháng cự nào đáng kể .
Trong hoàng cung, nhà Vua đang hội ý với các bộ trưởng – những người đều đang muốn đầu hàng. Chỉ có Tướng Pryor van nài nên chiến đấu. Ông yêu cầu ít nhất nhà Vua nên đi đến một doanh trại quân đội gần nhất để tránh bị bắt. Nhưng nhà Vua đồng ý với các bộ trưởng của ông. Ông hỏi binh sĩ đã chống cự được lâu chưa và Pryor trả lời rằng chưa lâu. Tổng cộng phía Đan Mạch có 13 người tử trận và 23 người bị thương. Phía Đức có khoảng 20 thương vong .
Tướng Himer cảm thấy bồn chồn vì tình hình dằng dai. Theo lời ông kể lại, ông gọi điện về tổng hành dinh để yêu cầu hành quân phối hợp từ Hamburg – phía Đan Mạch đã không nghĩ đến việc cắt đường điện thoại đến Đức – và yêu cầu vài máy bay oanh tạc bay đến Copenhagen để uy hiếp. Cuộc điện đàm diễn ra qua mật mã và Không quân hiểu rằng Himer thật sự yêu cầu thả bom, nên họ đáp sẽ thực hiện ngay – một sự hiểu lầm rốt cuộc được khắc phục đúng lúc. Himer kể rằng khi máy bay oanh tạc gầm rú trên thủ đô Đan Mạch, họ nhận ra Đan Mạch đã chấp thuận yêu sách của Đức .
Có vài khó khăn để tìm ra phương tiện truyền lệnh đầu hàng của Chính phủ cho binh sĩ Đan Mạch vì các đài phát thanh chưa hoạt động vào giờ này vì còn quá sớm. Việc này đã được giải quyết bằng cách dùng máy truyền tin mà tiểu đoàn Đức mang theo và lúc đó Tướng Himer đã cho chiếc xe tải chở lên hoàng cung .
Lúc 2 giờ chiều, Tướng Himer cùng Công sứ Đức Cecil von Renthe-Fink đến gặp Vua Đan Mạch, người bây giờ không còn là quân vương nữa nhưng lại không nhận ra điều này. Himer để lại bản ghi chép buổi hội kiến trong thư khố mật của Quân đội Đức .
"Vị Vua 72 tuổi trông có vẻ như tâm tư mòn mỏi, dù ông vẫn giữ vẻ bề ngoài đúng mực và duy trì thái độ tự trọng tuyệt đối suốt buổi hội kiến. Người ông run rẩy. Ông tuyên bố ông và Chính phủ sẽ làm đủ mọi cách có thể để duy trì hoà bình và trật tự trên đất nước để tránh mọi sự va chạm giữa Quân đội Đức và đất nước ông .
Tướng Himer đáp rằng cá nhân ông rất tiếc phải đến gặp nhà Vua trong hoàn cảnh này, nhưng ông chỉ làm nhiệm vụ của một chiến binh... Chúng tôi đến với tư cách như những người bạn, v.v.. Khi nhà Vua hỏi liệu ông có thể giữ lại đội cảnh vệ được không, Tướng Himer trả lời... rằng chắc chắn Lãnh tụ sẽ cho phép... Nhà vua có vẻ nhẹ nhõm nhiều khi nghe như thế. Trong buổi hội kiến... càng lúc nhà Vua càng thoải mái hơn và khi kết thúc nói với tướng Himer: "Đại tướng, có thể tôi với tư cách một cựu chiến binh, nói với ông điều này được không? Như là chiến binh nói với chiến binh? Những người Đức các ông đã làm thêm được một việc khó tin! Người ta phải công nhận đó là một việc xuất chúng!"" Trong gần 4 năm, cho đến khi cục diện chiến tranh xoay chiều, Vua Đan Mạch và thần dân của ông – dân tộc hiền hoà, có văn hoá và có tính vui vẻ xuề xoà – gây rất ít rắc rối cho người Đức. Đan Mạch trở thành một "nước bảo hộ khuôn mẫu". Ban đầu, Đức cho quân vương, chính quyền, toà án, ngay cả Nghị viện và báo chí được hưởng nhiều quyền tự do một cách đáng ngạc nhiên. Ngay cả 7.000 người Do Thái cũng không bị ngược đãi trong thời gian đầu .
Dần dà, chậm hơn phần lớn những dân tộc khác bị thôn tính, người Đan Mạch rốt cuộc nhận ra rằng không thể tiếp tục hợp tác với những kẻ chuyên chế càng ngày càng thêm tàn bạo nếu họ muốn giữ phần nào lòng tự trọng và danh dự. Họ cũng bắt đầu thấy rằng rốt cuộc Đức không thể thắng trong cuộc chiến và rằng đất nước Đan Mạch nhỏ bé không bị kết án là chư hầu của Đức như họ e ngại lúc đầu. Khi ấy, sự kháng cự mới bắt đầu .
NA UY CHỐNG CỰ Na Uy chống cự ngay từ đầu, tuy không phải là ở khắp nơi .
Tại Narvik – bến cảng và cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt chở quặng sắt từ Thuỵ Điển – Đại tá Konrad Sundlo, chỉ huy quân sự trong vùng, người trung thành cuồng tín với Quisling, đầu hàng quân Đức mà không nổ một phát súng nào .
Nhưng những sĩ quan chỉ huy hải quân địa phương thì thuộc diện khác. Khi 10 chiếc tàu khu trục của Đức tiến vào cửa vịnh hẹp, chiếc Eidsvold, 1 trong 2 tàu bọc sắt của Na Uy, bắn 1 phát súng cảnh cáo và ra hiệu cho các tàu khu trục khai danh tính. Chuẩn Đô đốc tư lệnh hạm đội khu trục Fritz Bonte trả lời bằng cách phái 1 sĩ quan đi trên 1 chiếc xuồng đến tàu Na Uy để đòi phía Na Uy đầu hàng. Tiếp theo là màn xảo trá kiểu Đức, dù Hải quân Đức sau này biện hộ với lý lẽ rằng trong chiến tranh thì không có lề luật gì cả. Khi người sĩ quan trên chiếc xuồng ra hiệu cho vị Chuẩn Đô Đốc là phía Na Uy sẽ kháng cự, Bonte kiên nhẫn chờ cho đến khi chiếc xuồng đi ra khỏi rồi nhanh chóng bắn ngư lôi khiến chiếc Eidsvold nổ tung. Chiếc tàu bọc sắt thứ hai nổ súng nhưng cũng nhanh chóng bị bắn hạ. 300 thuỷ thủ Na Uy tử thương – tức là hầu như toàn bộ thuỷ thủ đoàn của 2 tàu bọc sắt .
Đến 8 giờ sáng, Narvik nằm trong tay quân Đức, sau khi 10 tàu khu trục Đức len lỏi qua hạm đội hùng hậu của Anh đến tấn công. Thiếu tướng Eduard Dietl chỉ cần có 2 tiểu đoàn quân Quốc xã là đủ để chiếm được Narvik. Ông sẽ tiếp tục chứng tỏ là một tư lệnh chiến trường tháo vát và can đảm .
Trondheim, nằm ở nửa dưới ven bờ biển miền Tây Na Uy, cũng bị Đức chiếm một cách dễ dàng. Những pháo đội của bến cảng không bắn được phát nào khi chiếc tuần dương hạng nặng Hipper dẫn đầu 4 chiếc tàu khu trục đi đến rồi thả binh sĩ lên bờ mà không gặp trở ngại gì. Vài pháo đài cầm cự được ít tiếng đồng hồ và sân bay ở Vaemes gần đấy chống trả được vài ngày, nhưng những kháng cự này không ảnh hưởng đến việc chiếm đóng 1 cảng thích hợp cho tàu hải quân lớn nhất cũng như cho tàu ngầm và điểm cuối của tuyến đường xe lửa đi từ Thuỵ Điển, qua đó Đức nhận được nguyên liệu trong trường hợp Anh phong toả đường hàng hải .
Bergen, cảng và thành phố cảng thứ hai của Na Uy, nằm cách Trondheim gần 500 km về phía Nam và nối với thủ đô Oslo bằng đường sắt, đã chống cự một cách yếu ớt. Ổ pháo trấn giữ cảng biển gây hư hại nặng cho chiếc tàu tuần dương Koenigsberg và 1 tàu tiếp tế, những binh sĩ từ những tàu khác đổ bộ một cách an toàn và chiếm giữ thành phố trước giờ trưa .
Chính ở Bergen đã có những hoạt động quân sự đầu tiên của Anh đến hỗ trợ cho người Na Uy đang kinh hoàng. Vào buổi xế chiều, khoảng 15 máy bay tiêm kích Anh đánh chìm chiếc Koenigsberg– là tàu chiến đầu tiên thuộc cỡ này bị đắm vì không kích. Bên ngoài vùng cảng, một hạm đội Anh hùng mạnh gồm 4 tàu tuần dương và 7 tàu khu trục đã có thể tiêu diệt lực lượng hải quân nhỏ bé của Đức. Hạm đội này đang chuẩn bị tiến vào cảng thì nhận lệnh phải bãi bỏ cuộc tấn công vì e sợ rủi ro do thuỷ lôi và không kích – một quyết định mà Churchill về sau hối tiếc dù ông đã thuận theo. Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự thận trọng và hành động nửa vời sẽ khiến cho Anh phải trả giá đắt trong những ngày kế tiếp .
Quân dù của Đức chiếm được sân bay Sola trên bờ biển tây nam sau khi tiêu diệt những ổ súng máy của Na Uy vì Na Uy không có cao xạ phòng không. Đây là sân bay lớn nhất của Na Uy và có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt cho Không quân Đức, bởi vì từ đây máy bay oanh tạc có thể bay đến ném bom hạm đội Anh dọc bờ biển Na Uy và những căn cứ hải quân chính của Anh trên miền Bắc nước Anh. Việc chiếm giữ sân bay này tạo cho Đức ưu thế trên bầu trời ở Na Uy và khiến Anh không thể đổ quân lên cứu Na Uy được nữa .
Kristiansand ven bờ biển phía Nam chống cự khá mãnh liệt, những khẩu đội 2 lần đẩy lui 1 hạm đội Đức do tàu tuần dương hạng nhẹ Karlsruhe dẫn đầu. Nhưng Không quân Đức nhanh chóng phá huỷ pháo đài và chiếm được bến cảng vào lúc xế trưa .
Thế là, vào lúc xế trưa, 5 thành phố cảng chính của Na Uy và 1 căn cứ không quân lớn dọc bờ biển phía Tây và Nam trải dài hơn 2.400 km đã rơi vào tay quân Đức. Mỗi nơi đều bị chiếm bởi một nhúm quân và một phân đội tàu kém xa lực lượng Hải quân Anh. Những yếu tố táo bạo, lừa lọc và bất ngờ đã giúp mang đến cho Hitler một chiến thắng vang dội với tổn thất nhẹ .
Nhưng tại thủ đô Oslo – chiến lợi phẩm quan trọng nhất, lực lượng quân sự và sách lược ngoại giao lại lâm vào khó khăn không lường trước .
Trong đêm 8 rạng sáng 9 tháng 4, một nhóm nhân viên ngoại giao Đức do Tuỳ viên Hải quân Đại tá Schreiber dẫn đầu và Công sứ Tiến sĩ Bräuer thỉnh thoảng góp mặt, đứng ở bến cảng để tiếp đón quân Đức. Một tuỳ viên hải quân cấp dưới lái một thuyền máy chạy lên xuống để chuẩn bị hướng dẫn hạm đội. 2 tàu chủ chốt trong hạm đội sẽ là tàu thiết giáp bỏ túi Luetzow (tên cũ là Deutschland bởi vì Hitler không muốn mất 1 chiếc tàu mang tên như thế) và chiếc tuần dương hạng nặng 10.000 tấn mới tinh Bluecher, kỳ hạm của hạm đội .
Thế nhưng nhóm người Đức đã phí công chờ đợi. Các tàu lớn không bao giờ đến. Ở lối vào của vịnh hẹp Oslo dài 80 km, tàu thả thuỷ lôi Olav Trygverson của Na Uy đánh đắm một tàu phóng lôi và làm hư hại tàu tuần dương hạng nhẹ Emden của Đức. Sau khi cho đổ bộ một lực lượng nhỏ để trấn áp những ổ pháo trên bờ, hạm đội Đức tiếp tục tiến vào .
Khi đến cách Oslo gần 25 km, nơi chiều rộng vịnh thu hẹp chỉ còn 24 km, họ lại gặp thêm vấn đề. Nơi đây có pháo đài cũ Oskarsborg với binh sĩ có tinh thần cảnh giác mà hạm đội Đức không ngờ tới. Ngay trước rạng đông, các khẩu đại bác Krupp 280 li đặt trên pháo đài bắn chìm chiếc Bluecher khiến 1.600 người trên tàu tử thương – kể cả một số quan chức Mật vụ và hành chính (cùng mọi giấy tờ) để chuẩn bị bắt giữ nhà Vua cùng Chính phủ và đảm nhận việc điều hành thủ đô. Chiếc Luetzow cũng bị hư hại nhưng còn hoạt động được. Chuẩn Đô đốc tư lệnh hạm đội Oskar Kummetz và tướng Erwin Engelbrecht, Tư lệnh Sư đoàn 163 Bộ binh, đi trên chiếc Bluecher lội được vào bờ nhưng bị phía Na Uy bắt làm tù binh .
Những tàu còn lại của Đức rút ra ngoài, chịu thất bại trong việc chiếm Oslo ngày hôm ấy .
Thật ra, chính một lực lượng nhảy dù Đức được thả xuống sân bay đã lập công khi chiếm được Oslo. Lúc 9 giờ 30 sáng, hoàng gia, Chính phủ và Nghị viện đáp tàu hoả đi Hamar, cách Oslo 130 km về hướng Bắc. 20 xe tải chở vàng của Ngân hàng Nhà nước Na Uy và thêm 3 xe chở tài liệu mật của Bộ Ngoại giao cũng lên đường cùng một lúc. Vì thế, hành động quả cảm của pháo đài Oskarsborg đã giúp ngăn cản mưu đồ của Hitler nhằm nắm giữ nhà Vua, Chính phủ và vàng của Na Uy .
Nhưng Oslo lại rơi vào tình trạng hoang mang tột độ. Vài đội quân Na Uy hiện diện, nhưng họ không được tổ chức cho việc phòng thủ. Tệ hại nhất là không ai làm gì để phong toả sân bay Fornebu, bằng cách dễ dàng như cho vài chiếc ô tô cũ đậu trên các đường băng và các đồng ruộng trống xung quanh. Đêm trước, Tuỳ viên Không quân tại Oslo, Đại uý Schiller, đã túc trực ở sân bay để đón tiếp quân nhảy dù, dự kiến sẽ đến sau khi hạm đội đến được Oslo. Khi hạm đội không đến được, phái bộ ngoại giao Đức vội báo cáo tình hình về Berlin .
Đức có phản ứng ngay lập tức: Điều quân dù và bộ binh không vận đến sân bay Fornebu. Lúc giữa trưa, họ tập kết được 5 đại đội. Vì đội quân này chỉ được trang bị nhẹ, nên đáng lẽ ra họ có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi số quân Na Uy đang hiện hữu ở Oslo. Nhưng vì những lý do không bao giờ được làm rõ và vì tình trạng hoang mang ở Oslo, nên binh sĩ Na Uy không được tập kết với nhau, càng không được chỉ huy điều động, đội quân nhỏ bé của Đức chỉ việc diễu hành vào thành phố theo sau 1 ban quân nhạc tập tàng. Thế là thành phố cuối cùng của Na Uy cũng thất thủ. Nhưng Đức vẫn chưa chiếm được toàn bộ Na Uy .
Vào buổi chiều 9 tháng 4, Nghị viện Na Uy nhóm họp ở Hamar và chỉ có 5 trong số 200 đại biểu vắng mặt, nhưng hoãn đến 7 giờ 30 tối vì có tin quân Đức đang tiến đến gần Elverum, hướng về phía biên giới Thuỵ Điển. Bị Ribbentrop thúc giục, Tiến sĩ Bräuer đòi được hội kiến lập tức với Vua Na Uy. Thủ tướng Na Uy chấp thuận với điều kiện là quân Đức phải rút về khoảng cách an toàn. Nhưng Bräuer không chấp nhận .
Trong khi mọi việc đang dằng dai như thế thì có thêm một màn lừa lọc của Quốc xã. Tuỳ viên Không quân Schiller dẫn 2 đại đội dù của Đức từ sân bay Fornebu đi đến Hamar với mục đích bắt giữ vị Vua và Chính phủ cứng đầu. Có vẻ như đây chỉ là trò đùa nghịch, vì quân Na Uy không hề nổ 1 phát súng nào ở Oslo, nên Schiller nghĩ Hamar sẽ không chống cự gì cả. Cũng thế, 2 đại đội Đức ngồi trên những chiếc xe buýt mà họ chiếm được ở Oslo và nghĩ rằng họ đang đi ngắm cảnh .
Nhưng họ không ngờ đến 1 sĩ quan quân đội Na Uy lại có hành động không giống những người khác. Đại tá Ruge, Tổng thanh tra Bộ binh, muốn tổ chức việc bảo vệ Chính phủ đang lẩn tránh, nên ra lệnh đặt chốt chặn gần Hamar với hai tiểu đoàn bộ binh mà ông vội vã gom góp được. Các xe buýt chở quân Đức bị chặn lại và trong cuộc đọ súng tiếp theo Schiller bị tử thương. Sau khi chịu thêm thiệt hại, toán quân Đức rút về Oslo .
Ngày hôm sau, Tiến sĩ Bräuer từ Oslo một mình đi trên chính con đường ấy để đến gặp nhà Vua. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc thế hệ cũ, vị Công sứ Đức không thích thú với vai trò của mình, ông đi chỉ vì Ribbentrop luôn thúc hối ông phải thuyết phục Vua và Chính phủ Na Uy đầu hàng. Nhiệm vụ của ông càng thêm phức tạp vì một số sự kiện chính trị diễn ra ở Oslo. Đêm trước, Quisling lên đài phát thanh tuyên bố mình đứng đầu một Chính phủ mới và ra lệnh ngừng ngay mọi hành vi kháng cự quân Đức .
Tuy Bräuer không nhận ra lúc ấy – và Berlin cũng không bao giờ hiểu được – rằng hành động lừa dối này đã khiến cho nỗ lực cuối cùng của Đức nhằm thuyết phục Na Uy đầu hàng đều thất bại. Điều nghịch lý là, dù chỉ là vết nhơ tức thời cho dân tộc Na Uy, nhưng hành động của Quisling lại khiến cho những người Na Uy đang hoang mang đoàn kết lại để sau này tổ chức cuộc kháng chiến dũng mãnh và anh hùng .
Lúc 3 giờ chiều ngày 10 tháng 4, trong 1 ngôi trường ở thị trấn Elverum, Tiến sĩ Bräuer yết kiến Vua Haakon VII, quân vương đầu tiên của riêng Na Uy trong năm thế kỷ.Từ cuộc trao đổi khi tôi được yết kiến quân vương và từ báo cáo mật của Tiến sĩ Bräuer (nằm trong số tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức tịch thu được), có thể kể lại diễn tiến của vụ việc như sau .
Sau nhiều lưỡng lự, nhà Vua đồng ý tiếp kiến Công sứ Đức với sự hiện diện của Ngoại trưởng Tiến sĩ Halvdan Koht. Khi Bräuer yêu cầu được hội kiến trước với một mình nhà Vua, ông nhận lời với sự đồng thuận của Koht .
Công sứ Đức theo chỉ thị vừa tâng bốc vừa đe doạ nhà Vua. Đức mong muốn duy trì vương triều. Đức chỉ mong Haakon làm giống như người anh trai, tức là Vua Đan Mạch, đã làm trước đó (đầu hàng và tiếp tục trị vì). Chống lại Quân đội Đức là việc điên rồ, chỉ mang đến sự tàn sát người Na Uy một cách vô ích. Đức yêu cầu nhà Vua chấp thuận Chính phủ của Quisling và trở về Oslo. Vua Haakon VII – người sắc sảo, thiên về dân chủ và có tính kiên quyết – cố gắng giải thích với Công sứ Đức rằng tại Na Uy, vua không được quyền ra quyết định chính trị, đó là trách nhiệm của Chính phủ mà bây giờ ông phải tham khảo ý kiến. Rồi Koht tham gia buổi hội kiến và 2 bên đồng ý là Chính phủ Na Uy sẽ trả lời bằng điện thoại cho Bräuer khi ông này trên đường về Oslo .
Tuy không thể ra quyết định chính trị nhưng chắc chắn có thể tạo ảnh hưởng trong việc này, đối với Haakon thì chỉ có 1 câu trả lời duy nhất cho người Đức. Lui về một quán trọ khiêm tốn trong ngôi làng Nybergsund gần Elverum – phòng hờ khi Bräuer ra về quân Đức bất ngờ tiến công và bắt giữ ông – ông cho triệu các thành viên của Chính phủ đến và nói với họ: "... Về phần tôi, tôi không thể chấp nhận những đòi hỏi của Đức. Làm như thế là đi ngược lại với nghĩa vụ của tôi trên cương vị là Vua của Na Uy từ khi tôi đi đến đất nước này 35 năm trước... Tôi không muốn quyết định của Chính phủ bị ảnh hưởng dựa trên lời phát biểu này. Nhưng... tôi không thể chỉ định Quisling làm Thủ tướng, người mà tôi cũng như nhân dân ta không hề biết đến ... và các đại biểu Nghị viện cũng không tín nhiệm gì cả .
Vì thế, nếu Chính phủ quyết định chấp nhận những đòi hỏi của Đức – và tôi hoàn toàn thấu hiểu những lý do trong việc này khi xét qua những mối hiểm nguy chiến tranh sắp đến, mà trong đó nhiều thanh niên Na Uy sẽ phải hy sinh mạng sống – nếu như thế, thoái vị là con đường cuối cùng cho tôi." Dù có vài thành viên nao núng, Chính phủ lại không tỏ ra kém can đảm hơn nhà Vua và nhanh chóng đứng sau lưng ông. Koht gọi điện cho Bräuer thông báo quyết định của Na Uy. Berlin được Bräuer báo cáo lập tức .
"Nhà Vua sẽ không bổ nhiệm Chính phủ do Quisling cầm đầu và Chính phủ nhất trí khuyến cáo quyết định này. Đáp lại câu hỏi cụ thể của tôi, Ngoại trưởng Koht trả lời: "Sẽ kháng cự cho đến cùng."" Tối hôm ấy, từ một đài phát thanh nhỏ và yếu, phương tiện duy nhất thông tin ra thế giới bên ngoài, Chính phủ Na Uy loan báo quyết định không chấp nhận những đòi hỏi của Đức và kêu gọi toàn dân – chỉ có 3 triệu người – chống lại quân xâm lược. Nhà Vua chính thức ủng hộ lời kêu gọi .
Nhưng quân xâm lược Quốc xã không muốn tin rằng Na Uy quyết tâm thật sự như lời nói. Họ còn cố thuyết phục thêm nhà Vua 2 lần. Sáng ngày 11 tháng 4, một đặc sứ của Quisling đến thúc giục nhà Vua trở lại thủ đô. Ông cam kết Quisling sẽ phục vụ nhà Vua một cách trung thành. Ông bị từ chối với sự im lặng khinh miệt .
Vào buổi chiều, Bräuer gửi tin khẩn xin gặp nhà Vua lần nữa để thảo luận "vài đề xuất". Ribbentrop đã chỉ thị cho ông nói với nhà Vua rằng ông "muốn cho nhân dân Na Uy một cơ hội cuối cùng cho thoả hiệp hợp lý". Ribbentrop còn bí mật chỉ thị cho Bräuer dàn xếp buổi diện kiến "ở một điểm giữa Oslo và nơi nhà Vua cư ngụ" và thông báo cho Tướng Falkenhorst về vị trí của điểm này. Nếu nhà Vua đi đến đây, thì đáng lẽ binh sĩ của Falkenhorst đã bắt được ông. Nhưng lần này, sau khi hội ý với nhà Vua, Tiến sĩ Koht trả lời rằng nếu Công sứ Đức có "vài đề xuất" thì nên trao cho Ngoại trưởng Na Uy .
Phản ứng của Quốc xã đối với 1 đất nước nhỏ và không có ai trợ giúp là đúng theo bản chất của Quốc xã. Đức đã không bắt được nhà Vua và Chính phủ Na Uy, cũng không thuyết phục được họ đầu hàng. Giờ thì hiển nhiên là Đức muốn giết họ. Ngày 11 tháng 4, máy bay Đức thả bom xuống làng Nybergsund và bắn súng liên thanh xuống những ai đang cố chạy thoát khỏi ngọn lửa. Đức nghĩ như vậy là đã giết được nhà Vua và các thành viên của Chính phủ Na Uy .
Ngôi làng bị phá huỷ, nhưng nhà Vua và Chính phủ Na Uy thoát được. Khi nghe máy bay đến, họ rút vào một khu rừng kế cận. Đứng trong lớp tuyết cao đến đầu gối, họ nhìn những ngôi nhà chòi khiêm tốn bị cháy rụi. Rồi họ di chuyển qua vùng Thung lũng Gudbrands hoang dã đến Andalsnes trên bờ biển miền Tây Bắc, cách Trondheim 160 km về hướng Tây Nam .
CUỘC CHIẾN GIÀNH NA UY Xa về hướng Bắc tại Narvik, Hải quân Anh đã có phản ứng sắc bén đối với sự chiếm đóng đáng kinh ngạc của Đức. Như Churchill nói, phía Anh đã bị Đức "qua mặt hoàn toàn". Bây giờ, nằm ngoài tầm bay của Không quân Đức, Anh tổ chức phản công. Sáng ngày 10 tháng 4, 24 tiếng đồng hồ sau khi Đức chiếm được Narvik và cho lực lượng dưới quyền Dietl đổ bộ, 5 tàu khu trục Anh tiến vào cảng, đánh đắm 2 trong số 5 tàu khu trục Đức lúc ấy đang đậu ở bến cảng, làm hư hại 3 chiếc còn lại, đồng thời bắn chìm tất cả tàu hàng của Đức chỉ trừ 1 chiếc. Phó đô đốc Bonte của Đức tử trận .
Nhưng khi hạm đội Anh rút ra ngoài, 5 tàu khu trục Đức có đại pháo to hơn bên Anh chặn đánh, bắn chìm 1 tàu khu trục Anh, khiến một tàu khác phải mắc cạn gần bờ và Đại tá Warburton-Lee của Anh trên tàu này tử trận, ngoài ra còn làm hư hại chiếc thứ ba. 3 tàu Anh thoát ra ngoài biển khơi và sau đó đánh chìm 1 tàu hàng lớn của Đức chở đầy đạn dược .
Giữa trưa ngày 13 tháng 4, tàu thiết giáp Warspite của Anh dẫn một phân đội tàu khu trục trở lại Narvik và bắn chìm tất cả tàu Đức còn lại. Phó Đô đốc Tư lệnh hạm đội Anh W. J. Whitworth điện về yêu cầu gửi lực lượng tiến chiếm ngay Narvik vì cho rằng bộ binh Đức đang rối loạn – sự thật là Thiếu tướng Dietl đang rút quân lên những triền đồi. Không may cho phía Đồng Minh, Trung tướng P. J. Mackesy, Tư lệnh lực lượng bộ binh của Anh, là người quá cẩn trọng. Khi dẫn 3 tiểu đoàn bộ binh đến vào ngày hôm sau, ông quyết định không liều lĩnh đổ quân lên Narvik mà lên Harstad, cách đó gần 60 km về hướng Bắc, lúc ấy còn nằm trong tay của Na Uy. Đây là một lỗi lầm đắt giá .
Xét theo sự kiện là Anh đã chuẩn bị 1 lực lượng viễn chinh nhỏ cho Na Uy, không thể hiểu tại sao họ chậm chạp đến thế trong việc điều quân. Xế trưa ngày 8 tháng 4, khi nhận được tin hạm đội Đức đang tiến lên Na Uy, với lý do là cần đến tất cả tàu cho cuộc hành quân của mình, Hải quân Anh vội vã đưa lên bờ những binh sĩ đã sẵn sàng để đi chiếm đóng Stavanger, Bergen, Trondheim và Narvik. Vào lúc binh sĩ được đưa xuống tàu lại, thì những thành phố cảng trên đã nằm trong tay của Đức. Và vào lúc họ tiến đến vùng trung tâm Na Uy, số phận của họ – cũng như của các tàu chiến Anh yểm trợ cho họ – là do Không quân Đức định đoạt .
Ngày 20 tháng 4, một lữ đoàn Anh được 3 tiểu đoàn Pháp tăng viện đổ bộ lên Namsos, 1 cảng nhỏ cách Trondheim 130 km về hướng Đông Bắc và 1 lữ đoàn khác của Anh đổ bộ lên Andalsnes, cách Trondheim 160 km về hướng Tây Nam. Nhưng vì thiếu pháo, súng phòng không và sự yểm trợ của không quân, căn cứ lại bị máy bay Đức bắn phá ngày đêm, cả 2 lực lượng không thể đe doạ Trondheim được .
Lực lượng Anh rút khỏi Andalsnes vào các đêm 30 tháng 4 và 1 tháng 5, còn liên quân Anh-Pháp rút khỏi Namsos vào ngày 2 tháng 5 – cả 2 cảng này đều đã bị Không quân Đức bắn phá dữ dội. Lữ đoàn ở Andalsnes phải huỷ bỏ cuộc tấn công lên hướng Bắc mà rút về hướng Đông Nam để hợp lực với quân Na Uy dưới quyền Đại tá Ruge năng nổ tiến lên từ Oslo .
Tại Lillehammer, phía Bắc Hamar, trận chạm súng đầu tiên trong cuộc chiến giữa Anh và Đức xảy ra ngày 21 tháng 4, nhưng không cân sức. Chiếc tàu Anh chở pháo bị bắn chìm, nên quân Anh chỉ có súng trường và súng liên thanh chống lại pháo và xe thiết giáp hạng nhẹ của Đức. Tệ hơn nữa, bộ binh Anh thiếu sự yểm trợ của không quân, nên bị máy bay Đức từ những sân bay của Na Uy gần đấy oanh kích liên tục. Lillehammer thất thủ sau trận đánh kéo dài 24 tiếng đồng hồ, quân Anh và Na Uy bắt đầu rút lui 220 km đến Andalsnes, thỉnh thoảng dừng chân để đánh về phía sau nhằm làm chậm bước tiến của quân Đức .
Đêm 29 tháng 4, Vua Na Uy và Chính phủ đi trên tàu tuần dương Anh Glasgow đến Tromso, phía Bắc Narvik, để thiết lập thủ đô tạm thời .
Vào lúc này, miền Nam Na Uy đã rơi hẳn vào tay Đức, nhưng miền Bắc vẫn còn trụ vững. Ngày 28 tháng 5, một lực lượng Đồng minh gồm 25.000 quân đánh bật quân Đức ra khỏi Narvik. Có vẻ như chắc chắn Đức sẽ mất nguồn quặng sắt và không thể chiếm hoàn toàn Na Uy. Nhưng vào lúc này, quân Đức với lực lượng mạnh đã đánh qua mặt trận phía Tây và mọi đơn vị Đồng minh đều được huy động để bịt lỗ hổng này. Narvik bị bỏ rơi, lực lượng Đồng minh được vội vã đưa lên tàu rút đi .
Tướng Dietl ẩn náu từ khu rừng núi gần biên giới Thuỵ Điển trở xuống chiếm lại thành phố cảng vào ngày 8 tháng 6. 4 ngày sau, ông chấp nhận sự đầu hàng của Đại tá Ruge dũng cảm cùng binh sĩ Na Uy giờ đang hoang mang và bất mãn vì cảm thấy bị Anh bỏ rơi. Dietl được thăng hàm Trung tướng và nhận Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt .
Ngày 7 tháng 6, Vua Haakon và Chính phủ Na Uy được đưa lên chiếc tàu tuần dương Devonshire đến London và sống ở đây 5 năm trong cảnh lưu vong cay đắng .
Quisling không giữ ghế Thủ tướng được lâu. Chỉ sau 6 ngày tự phong là Thủ tướng, ngày 15 tháng 4, Đức loại ông ra và bổ nhiệm một Hội đồng Hành chính gồm 6 công dân Na Uy có tiếng tăm, trong số này có Giám mục Eivind Berggrav đứng đầu Giáo hội Phúc Âm ở Na Uy và Paal Berg, Chánh án Toà án Tối cao. Ngày 24 tháng 4, Hitler bổ nhiệm Josef Terboven, 1 xứ uỷ của Quốc xã, làm uỷ viên Đế chế tại Na Uy, chính là người thật sự điều hành Na Uy. Năm 1942, Đức tái bổ nhiệm Quisling làm Thủ tướng Na Uy, nhưng ông này bị dân chúng oán ghét thậm tệ .
Cuối cuộc chiến, Quisling bị xử tử hình, Terboven tự tử, còn Tướng Falkenhorst bị án tử hình vì tội giao tù binh Đồng minh cho S.S. xử tử, nhưng được giảm thành án chung thân .
Mặc dù đạt được thành công kỳ diệu, nhưng Lãnh tụ vẫn phải trải qua những giờ khắc khủng hoảng thần kinh. Nhật ký của Jodl ghi đầy chi tiết về thái độ hoảng loạn của Hitler trong thời gian này. Ngày 17 tháng 4, ông trải qua những thời khắc hoảng loạn khi được tin lực lượng Hải quân Đức ở Narvik bị quét sạch và kế tiếp bộ binh Đức tại Narvik bị đẩy lùi. Ông đòi dùng Không quân để di tản binh sĩ của Tướng Dietl – một nhiệm vụ bất khả thi. Ngày 13 tháng 4, do Hitler thúc giục vì sự kháng cự của Na Uy, Tướng von Falkenhorst ra lệnh bắt làm tù binh 20 nhân vật nổi danh ở Oslo, kể cả Giám mục Berggrav và Paal Berg, những người mà theo lời Công sứ Bräuer, "sẽ bị xử bắn trong trường hợp tiếp tục kháng cự hoặc có hành động phá hoại." Lại thêm nỗi sợ hãi vì thất bại trong công tác ngoại giao, Bräuer được triệu hồi... Các buổi họp tại Phủ Thủ tướng tại Berlin ngày 19 tháng 4 trở nên gay gắt, tư lệnh 3 quân chủng đổ lỗi cho nhau, đến nỗi ngay cả kẻ xu nịnh Keitel cũng bỏ ra khỏi phòng họp. Lãnh tụ càng tỏ ra lo lắng thêm .
Chỉ bắt đầu từ ngày 24 tháng 4, tin chiến sự đưa về mới càng ngày càng tốt hơn. Đến ngày 26, Hitler trở nên phấn khởi đến nỗi vào lúc 3 giờ 30 phút sáng, sau một đêm làm việc với các nhà tham mưu quân sự, ông bảo đang dự định bắt đầu Phương án Màu Vàng trong khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 7 tháng 5. "Màu Vàng" là mã số cho chiến dịch đánh về phía Tây qua Hà Lan và Bỉ. Ngày 1 tháng 5, ông ra lệnh các bước chuẩn bị phải xong xuôi hạn chót là ngày 5 tháng 5 .
Các chỉ huy quân sự – Goering, Brauchitsch, Halder, Keitel, Jodl, Raeder và những người còn lại – qua chiến dịch Na Uy, lần đầu tiên biết được làm thế nào mà vị Lãnh tụ điên cuồng của họ có thể suy sụp tinh thần chỉ vì một bất lợi nhỏ nhất. Đó là điểm yếu sẽ càng trầm trọng hơn về sau, khi cuộc chiến xoay chiều và rốt cuộc điểm yếu này sẽ góp phần quan trọng cho sự sụp đổ của Đế chế Thứ Ba .
Tuy thế, cuộc tấn công thần tốc Đan Mạch và Na Uy là một chiến thắng quan trọng cho Hitler và là thất bại não nề cho Anh. Chiến thắng giúp đảm bảo tuyến vận chuyển quặng sắt trong mùa đông, tạo thêm sự bảo vệ cho Đức ở ngõ ra vào biển Baltic, cho phép Hải quân Đức tiến ra vùng Bắc Đại Tây Dương, cung cấp những cảng biển vô cùng thuận lợi cho cuộc chiến trên biển với Anh, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Không quân Đức sử dụng những sân bay để rút ngắn quãng đường được vài trăm kilomet đến Anh quốc .
Và có lẽ yếu tố quan trọng nhất là uy tín quân sự của Đế chế Thứ Ba được nâng cao rõ rệt tương ứng với sự đi xuống về uy tín của Đồng minh phương Tây. Đức Quốc xã dường như là bách chiến bách thắng. Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan và bây giờ Đan Mạch cùng Na Uy dễ dàng bị khuất phục. Hai Đồng minh chủ chốt của phương Tây xem chừng không giúp ích được gì nhiều .
Đối với những quốc gia trung lập còn lại, cuộc thôn tính mới nhất của Hitler là một bài học đáng sợ. Hiển nhiên là nền trung lập không còn có thể bảo vệ những quốc gia dân chủ bé nhỏ cố sống sót trong thế giới do chế độ chuyên chế ngự trị. Phần Lan vừa nhận ra điều này và bây giờ đến lượt Na Uy cùng Đan Mạch. Họ chỉ nên tự trách mình vì đã quá mù quáng từ chối sự giúp đỡ của các chính quyền thân thiện khi tình hình còn ổn định .
Ngày 11 tháng 4, Churchill phát biểu trước Viện Dân biểu: "Tôi hy vọng những quốc gia khác nếu ngày mai, hoặc 1 tuần sau, hoặc 1 tháng sau, là nạn nhân của một mưu đồ tinh vi nhằm tiêu diệt và đưa họ vào cảnh nô lệ, thì họ hãy suy ngẫm về điều này." Hiển nhiên Churchill đang nghĩ đến Hà Lan và Bỉ, nhưng ngay cả 2 quốc gia này, dù có thời gian 1 tháng, vẫn không chịu suy ngẫm .
Thuỵ Điển bị kẹt giữa một bên là Liên Xô đang hiện diện ở Phần Lan và miền Baltic, còn bên kia là Đức đang chiếm đóng Đan Mạch và Na Uy, nên thấy không có cách nào khác hơn là giữ vững nền trung lập và chống trả đến cùng nếu bị tấn công. Họ đã xoa dịu Liên Xô bằng cách không cho phép quân Đồng minh quá cảnh sang Phần Lan và bây giờ còn phải chịu thêm áp lực khi phải xoa dịu cả Đức. Thuỵ Điển đã gửi 1 lượng lớn vũ khí cho Phần Lan, họ từ chối bán cho Na Uy cả vũ khí lẫn xăng dầu. Suốt tháng Tư, Đức đòi Thuỵ Điển cho phép quân Đức quá cảnh để đến Narvik để tăng viện cho Dietl. Thuỵ Điển từ chối, nhưng cho phép một chuyến tàu chở nhân viên và thiết bị y tế đi qua .
Cho đến ngày 19 tháng 6, vì sợ Đức tấn công trực diện, Thuỵ Điển cho phép Đức chuyển quân và vũ khí trên đường sắt của Thuỵ Điển đến Na Uy, với điều kiện là số binh sĩ đi 2 chiều phải cân bằng để quân số Đức ở Na Uy không được tăng cường .
Đây cũng là sự trợ giúp đáng kể, vì điều đó đã giúp Đức tránh được rủi ro khi chuyển quân và vũ khí trên đường biển khi bị Hải quân Anh khống chế. Trong 6 tháng đầu sau thoả thuận ấy, khoảng 140.000 quân Đức ở Na Uy được hoán chuyển và lực lượng Đức mạnh lên nhờ có thêm sự tiếp tế .
Sau này, ngay trước khi Đức tấn công Liên Xô, Thuỵ Điển đã cho phép cả một sư đoàn Đức, được trang bị đầy đủ, từ Na Uy quá cảnh ở Thuỵ Điển qua Phần Lan để chuẩn bị đánh Liên Xô. Thuỵ Điển đã nhượng bộ Đức, điều mà họ từ chối Đồng minh một năm trước. Cũng có những bài học quân sự khác từ việc Hitler thôn tính Na Uy và Đan Mạch. Quan trọng nhất là việc làm chủ bầu trời khi có sân bay gần chiến trường. Quan trọng không kém là yếu tố táo bạo và giàu sáng kiến. Hải quân Đức và Không quân Đức có cả 2 yếu tố này và Dietl đã cho thấy sự tháo vát của Lục quân Đức, trong khi những lực lượng của Đồng minh đều kém cỏi .
Thiệt hại của đôi bên ở Na Uy đều nhẹ. Đức bị thương vong và mất tích tổng cộng 5.296 người, ba nước Na Uy, Anh và Pháp cộng lại không đến 5.000 người. Anh mất 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 7 tàu khu trục, còn Ba Lan và Pháp mỗi nước mất 1 tàu khu trục. Thiệt hại của Hải quân Đức nặng hơn: mất 10 trong số 20 tàu khu trục tham chiến, 3 trong số 8 tàu tuần dương, 2 tàu tuần dương thiết giáp Scharnhorst và Gneisenau, còn chiếc tàu thiết giáp bỏ túi Luetzow bị hư hỏng nặng đến nỗi phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng. Vậy nên Hitler không có hạm đội nào đáng kể trong mùa hè sắp tới. Khi thời gian tấn công Anh đến gần, điều này là một yếu tố bất lợi không gì bù đắp được .
Tuy nhiên, vào đầu tháng 5 năm 1940, yếu tố bất lợi về Hải quân không còn làm Lãnh tụ bận tâm khi ông làm việc với các tướng lĩnh đang hăm hở – vì bây giờ họ đã hết nghi ngại – để có những bước chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc thôn tính lớn nhất .
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top